(c) CBG's txt ebook Tên sách: Người lữ hành kỳ dị Nguyên bản tiếng Pháp: THE CARPETBAGGER Tác giả: Harold Robbins Người dịch: Mạnh Hà, Thanh Sơn NXB: Nhà xuất bản Lao động Ngày xuất bản: Quý I/2007 Số trang: 862 Kích thước: 13x19 cm Giá bìa: 115.000 VNĐ Người gõ: picicrazy; hcm_bluerose; zinna; sunybrook; bombo1; bluesky29; MTU; dinhrj; thuyatran; hentro py; bongmacodon_01; ghostgirl_12606; quanghang; Tạo ebook: lilypham Ngày hoàn thành: 12/12/2010 Quyển một. GIÔNƠX - 1925 Quyển hai. CHUYỆN CỦA NÊVAĐA SMITH Quyển ba. GIÔNƠX – 1930 Quyển bốn. CHUYỆN CỦA RAINA MALOVI Quyển năm - GIÔNƠX – 1935 Quyển sáu - CHUYỆN CỦA ĐÊVIT ILF Quyển bẩy - GIÔNƠX – 1940 Quyển tám - GIENY DENTƠN Quyển chín - GIÔNƠX - 1945 Quyển một. GIÔNƠX - 1925 1 Khi Renô hiện ra phía dưới tôi, mặt trời bắt đầu lặn dần xuống sa mạc Nêvađa trắng xoá. Tôi từ từ nghiêng cánh chiếc Oaco, nhằm thẳng hướng đông. Tôi nghe rõ tiếng gió rít vèo vèo qua các thanh giằng và mỉm cười một mình. Cụ già hẳn sẽ điên người lên khi nom thấy cái của này đây. Nhưng rõ ràng là chẳng cái gì khiến cho cụ ấy bực được cả. Cụ không phải tốn một xu về cái máy bay này. Tôi chơi súc sắc được nó. Tôi đẩy cần lái về phía trước và hạ dần xuống năm trăm thước. Lúc này tôi đang bay phía trên đường 32, hai bên sa mạc trắng mờ đang vùn vụt lùi lại phía sau. Xoay đầu máy bay về hướng chân trời, tôi nhìn sang bên cạnh. Kia rồi, cách khoảng mười cây nữa. Giống hệt như một con cóc xấu xí, ngồi chồm chỗm trên xa mạc. Cái nhà máy. THUỐC NỔ COĐƠ Tôi đẩy cần lái thêm về phía trước và lao vèo qua nhà máy ở độ cao ba mươi mét. Tôi làm một vòng lượng Imenman[1] và ngoái cổ lại. Bọn họ đều đã ngó qua cửa sổ. Những cô gái Mêhicô da đỏ mặc quần áo sặc sỡ, những người đàn ông trong bộ đồ lao động bạc phếch. Tôi hầu như nhìn thấy được cả những cặp mắt nhợt đi vì sợ hãi của họ nom theo tôi. Tôi ngoác miệng ra cười. Cuộc đời của bọn họ đã đủ buồn chán lắm rồi. Giờ để cho họ biết một tí hồi hộp thực sự cho đời thêm tươi chút. Tôi ngóc lên đỉnh vòng lộn nhào ở độ cao tám trăm. Rồi đẩy cần lái, tôi nhằm mái nhà quét nhựa đường của nhà máy, cắm đầu liệng xuống. Tiếng cái động cơ Prat và Uytni to sụ gầm lên mỗi lúc một lớn đến điếc cả tai. Gió quật vào mắt và mặt tôi rát rạt. Tôi nheo mắt lại, cắn chặt môi. Có thể cảm thấy được máu đang chảy mạnh trong người tôi, tim đập thình thịch, bao nhiêu sinh lực đang cuộn lên trong lòng. Mạnh lên, mạnh nữa lên! Lên cao trên kia, nơi thế giới trở thành một thứ đồ chơi ở phía dưới. Nơi tôi cầm cái cần lái như nắm lấy cái "củ giống" của tôi ở trong tay và không một ai, ngay cả cha tôi, nói với tôi rằng không được nữa! Cái mái đen của nhà máy nằm trên mặt cát trắng hệt như một cô gái nằm trên tấm ga giường, vạt lông tôi tối của nàng thì thào mời chào trong màn đêm chập choạng. Hơi thở tôi nghẹn trong họng. Mẹ ơi, tôi không muốn quay đi. Tôi muốn về nhà. Păng! Một thanh giằng nhở đứt phựt. Tôi nhấp nháy mắt và liếm mép. Vị muối của nước mắt mằn mặt trên môi. Tôi đã nhìn thấy được những hòn sỏi xám nhạt lẫn trong lớp nhựa ở trên mái xưởng. Tôi từ từ kéo cần lái về phía sau và bắt đầu lượn ra khỏi vòng nhào. Ở độ cao hai trăm bảy mươi, tôi lấy thăng bằng và lượn rộng ra để hạ xuống cái sân bay sau nhà máy. Tôi đâm ngược chiều gió và nhẹ nhàng tiếp đất bằng cả ba bánh. Và đột nhiên cảm thấy mệt rã rời. Từ Lôx Angiơlex về đây đường quả là dài. Nêvađa Xmith sải bước trên sân bay tới chỗ tôi trong khi máy bay lăn bánh chậm dần để dừng lại. Tôi tắt các công tắc. Động cơ ngừng, thở hắt ra khỏi cacbuaratơ giọt xăng cuối cùng. Tôi nhìn Nêvađa. Nêvađa không hề thay đổi. Từ cái lúc tôi mới lên năm và lần đầu tiên nhìn thấy anh đi tới hàng hiên trước, anh vẫn như thế. Cái dáng đi vất vả, khuỳnh khuỳnh vòng kiềng, xiêu xiêu, dường như không bao giờ quen rời mình ngựa. Những nếp nhăn bé xíu trăng trắng vì sương gió ở khoé mắt. Đã mười sáu năm trời. Khi đó là năm 1909. Tôi đang lúi húi trơi ở góc hiên và cha tôi thì đang đọc tờ tuần báo Renô trên cái ghế xích đu to ở gần cửa chính. Đã tám giờ sáng và mặt trời đã lên khá cao rồi. Tôi nghe thấy tiếng vó ngựa khua lốp cốp và chạy ra xem. Một người đàn ông đang xuống ngựa. Anh ta chuyển động chậm chạp một cách cố tình. Quẳng dây cương lên cái cọc buộc ngựa, anh ta đi về phía nhà. Đến chân thềm, anh ta dừng lại và ngước lên. Cha tôi bỏ tờ báo xuống, đứng dậy. Ông ta là một người cao lớn. Một mét tám lăm. Vạm vỡ. Mặt hồng hào, da xạm lại vì nắng. Ông nhìn xuống. Nêvađa ngước nhìn ông: "Ông Giônơx Cođơ?" Cha tôi gật đầu: "Phải" Người đàn ông hất chiếc mũ chăn bò vành rộng về phía sau, để lộ ra mái tóc đen nhánh. "Nghe đâu ông đang cần một người làm thì phải". Cha tôi không bao giờ trả lời có hay không trước bất kỳ một câu hỏi nào. "Thế anh có thể làm được cái gì?" - Ông hỏi. Nụ cười của người đàn ông không để lộ ra cái gì cả. Anh ta đưa mắt từ từ nhìn ngôi nhà rồi nhìn ra sa mạc. Anh ta quay lại phía cha tôi: "Tôi có thể chăn gia súc, nhưng ông chẳng có con nào. Tôi có thể chữa hàng rào. Mà hàng rào thì nhà ông cũng chẳng có". Cha tôi im lặng một lúc. "Anh sử dụng cái kia thế nào?" - Ông hỏi. Và bây giờ tôi mới nhận thấy khẩu súng lục ở đùi người đàn ông. Anh ta đeo nó thật trễ và thật chặt. Báng súng đen bóng do cầm nhiều. Cò súng và nòng súng sáng lên dưới lớp dầu mờ mờ. - Tôi là loại lẹ tay, - Anh ta đáp. - Anh tên là gì? - Nêvađa. - Nêvađa gì? Câu trả lời phát ra không lưỡng lự, "Xmith. Nêvađa Xmith". Cha tôi nín nặng. Lần này thì người đàn ông không đợi ông nói. Anh ta khoát tay về phía tôi: "Con trai ông đấy phải không?" Cha tôi gật đầu. - Mẹ nó đâu rồi? Cha tôi nhìn anh ta, rồi nhấc tôi lên. Tôi cảm thấy rất khoái được ở trong vòng tay ông. Giọng ông không lộ một chút tình cảm:"Cô ấy chết cách đây mấy tháng". Người đàn ông chằm chằm nhìn chúng tôi: "Tôi đã nghe thấy như vậy". Cha tôi chằm chằm nhìn lại anh ta một lúc. Tôi thấy bắp thịt ở tay cha tôi cứng lại phía sau lưng tôi. Rồi, không kịp thở, tôi đã thấy mình bị tung vèo lên không, bắn qua lan can hàng hiên. Người đàn ông bắt tôi bằng một tay ôm cuộn tôi vào lòng, khuỵu một gối xuống để giảm chấn động. Hơi ở phổi tôi trào hắt ra và trước khi tôi kịp mếu mái khóc, cha tôi đã nói: "Hãy dạy cho nó biết cưỡi ngựa." Môi ông thoáng nụ cười. Ông nhặt tờ báo lên, đi vào nhà, không hề ngoảnh lại. Một tay vẫn ôm tôi, người đàn ông tên là Nêvađa bắt đầu nhỏm dậy. Tôi nhìn xuống. Khấu súng ở tay kia anh ta, như một con rắn đen sống, đã chĩa vào cha tôi. Trong khi tôi nhìn, nó lại nhanh chóng biến vào bao. Tôi ngẩng lên nhìn vào mặt Nêvađa. Khuôn mặt Nêvađa nở nụ cười dịu dàng, ấm áp. Anh cẩn thận đặt tôi đứng xuống đất. "Ồ, Giônơx con", - Anh nói, "chú đã nghe thấy ba nói rồi đấy. Nào đi". Tôi ngước nhìn lên trần nhà, nhưng cha tôi đã khuất hẳn. Khi ấy tôi còn chưa biết, nhưng đó là lần cuối cùng cha tôi ôm tôi trong tay. Từ đấy trở đi, gần như tôi là con của Nêvađa. Tôi vừa vắt một chân ra khỏi buồn lái thì Nêvađa đã tới. Anh nheo mắt ngước nhìn tôi: "Chú đã bận lắm phỏng?". Tôi nhẩy bộp xuống đất cạnh anh, cúi nhìn anh. Không hiểu sao tôi không hề quen được với cái cảnh như vậy. Tôi thì mét tám nhăm giống như cha tôi, còn Nêvađa một mét bảy nhăm. "Bận thật", tôi công nhận. Nêvađa nhướng người ngó vào buồng lái sau. "Đẹp đấy" - Anh nói, "Chú kiếm được bằng cách chi vậy?" Tôi mỉm cười: "Em chơi súc sắc thắng được đấy." Anh nhìn tôi, tỏ ý hỏi thêm. - Đừng ngại, - tôi vội vã nói thêm. - Em đã để cho anh ta sau đó thắng lại hai trăm đô la. Nêvađa gật đầu, hài lòng. Đó cũng là một trong những điều Nêvađa đã dạy tôi. Đừng bao giờ rời khỏi bàn đánh bạc sau khi đã thắng được con ngựa của một người nào đó mà không để anh ta gỡ lại của mình ít nhất là chỗ tiền đặt cửa ngày mai. Điều ấy sẽ không làm mình hụt số tiền được đi được bao nhiêu, và ít nhất cái gã bị rút ruột kia thôi chơi cũng cảm thấy hắn ta đã thắng lại được ít nhiều. Tôi với tay vào buồng lái sau kéo ra hai con chèn, quẳng một con cho Nêvađa và đi vòng sang bên kia, chặn nó vào một cái bánh. Nêvađa cũng làm tương tự với cái bánh xe bên này. - Cha chú chắc không khoái cái này đâu. Chú nghịch phá banh cả ngày sản xuất hôm nay rồi. Tôi cúi thẳng người dậy: "Em đoán chắc chả sao đâu". Tôi đi vòng qua cánh quạt tới chỗ anh. "Làm thế nào mà ông ấy biết được việc đó sớm như vậy?". Môi Nêvađa hiện lên nụ cười buồn buồn quen thuộc. "Chú đưa cô ta tới nhà thương. Họ báo cho bố mẹ cô ta. Cô ta nói lại với bố mẹ trước khi chết”. - Họ đòi bao nhiêu? - Hai mươi ngàn. - Có thể trả họ được năm. Anh không đáp. Thay vào đó, anh nhìn xuống chân tôi. "Chú đi giày vô rồi đi đi" - Anh nói, "Cha chú đang chờ đó". Anh quay lại, đi về phía đầu kia sân bay. Tôi nhìn xuống chân. Mặt đất âm ấm dễ chịu dưới mấy ngón chân. Tôi ngoáy ngoáy ngón chân vào dưới cát một tý, rồi quay lại buồng lái, móc ra một đôi Huarachô[2] Mêhicô. Tôi xỏ chân vào, băng qua sân bay sau Nêvađa. Tôi rất ghét đi giày. Bó buộc tức không thở được. 2 Chân đi đôi huarachô, tôi đá tung cát thành những đám bụi nhỏ trên đường tới nhà máy. Mũi tôi ngửi thoang thoảng thấy mùi lưu huỳnh người ta dùng trong việc làm thuốc nổ. Đó cũng là cái mùi trong bệnh viện đêm tôi đưa cô ta vào. Mùi ấy không hề có trong cái đêm bọn tôi làm ra đứa trẻ. Đêm đó thật mát mẻ và trong trẻo. Chỉ có mùi của đại dương và sóng vỗ bờ bay vào qua khung cửa sổ mở của ngôi nhà nhỏ của tôi ở Malibu. Nhưng trong phòng thì sực lên cái mùi hương rạo rực của người con gái cùng với nỗi thèm muốn của cô ta. Chúng tôi đã vào phòng ngủ, đã cuống cuồng vởi vội quần áo vì những đòi hỏi khẩn thiết của sức sống của chúng tôi. Cô ấy nhanh hơn tôi, đã ở trên giường, ngước nhìn tôi mở ngăn kéo tủ quần áo, lấy ra một hộp đựng các túi cao su. Giọng cô ta trở thành thì thào trong đêm tối: "Đừng, anh Giôny, lần này thì đừng". Tôi nhìn cô ta. Trăng Thái Bình Dương vằng vặc tãi trên cửa sổ. Chỉ có mặt cô ta khuất trong bóng tối. Không hiểu sao, những lời cô ta vừa rồi lại làm không khí hừng hực hẳn lên. Cái con chồn cái này nhất định là cũng đã cảm thấy điều ấy. Cô ta sờ soạng tìm tôi và hôn tôi. "Em ghét những cái chết tiệt ấy lắm, anh Giôny. Em muốn cảm thấy được anh ở trong em". Tôi ngần ngừ. Cô ta kéo tôi ngã đè trên mình. Giọng cô ta thì thào bên tai tôi: "Sẽ không xảy ra cái gì đâu, Giôny. Em sẽ cẩn thận.” Và rồi tôi không thể chờ thêm được nữa, tiếng thì thào của cô ta đột nhiên bật lên thành tiếng rên. Tôi nghẹn thở. Cô ta yêu tôi, quả thật thế. Cô ta yêu tôi đâu ra đấy, đến mức năm tuần sau, cô ta bảo tôi rằng chúng tôi phải cưới nhau. Lần này thì chúng tôi ngồi trong ôtô của tôi, ở hàng ghế trước, trên đường đi xem bóng đá về. Tôi ngoảnh sang cô ta: "Để làm gì?" Cô ta ngửng nhìn tôi. Cô ta không hề sợ, không phải khi ấy. Cô ấy cảm thấy quá tự tin. iọng nói gần như xấc xược. :"Vẫn cái lý do thông thường ấy. Còn lý do nào khác nữa khiến cho một anh chàng và một người con gái lấy nhau nào?" Giọng tôi trở nên chua chát. Tôi biết tôi đã bị đưa vào bẫy khi nào. "Đôi khi , điều đó là bởi vì họ muốn lấy nhau". - Ôi, em muốn cưới, - cô ta nhích lại gần tôi. Tôi đẩy cô ta về ghế của cô, "Ôi, anh lại không muốn!" Cô ta bắt đầu khóc, "Nhưng anh đã bảo anh yêu em" Tôi không nhìn cô ta, "Gã con trai lảm nhảm vô số chuyện khi anh ta đang vượt đèo". Tôi cho xe cà bánh vào lề đường và đỗ lại. Tôi ngoảnh sang cô ta: "Anh nghĩ là em đã nói rằng em sẽ cẩn thận". Cô ta chấm nước mắt bằng cái mùi xoa bất lực, bé tí. "Giôny, em yêu anh. Em muốn có một đứa con của anh.” Từ khi cô ta nói chuyện này với tôi, giờ tôi mới cảm thấy nhẹ người hơn. Đó là một trong những cái phiền phức khi phải làm Giônơx Cođơ (con)[3]. Quá nhiều cô gái và các bà mẹ của họ nghĩ rằng cái tên đó có nghĩa là tiền. Rất nhiều tiền. Nhất là từ khi có chiến tranh, khi cha tôi tiếp nhận được cả một đế quốc trong địa hạt thuốc súng. Tôi nhìn xuống cô ta: "Thế thì đơn giản lắm. Em sẽ có nó". Vẻ mặt cô ta thay đổi. Cô ta nhích lại phía tôi. "Anh nói thế có nghĩa... có nghĩa...là chúng mình sẽ cưới nhau?" Vẻ đắc thắng mơ hồ trong mắt cô ta tắt ngay khi tôi lắc đầu. "Hừ,, hừ, anh muốn nói là em cứ giữ lấy đứa bé, nếu em muốn thế". Cô ta nhích ra xa. Đột nhiên mặt cô ta sắt lại lạnh lẽo. Giọng nói trở nên bình thản và thực tiễn: "Em không muốn đến thế. Không, trừ khi có cái nhẫn trên tay. Em sẽ phải loại bỏ nó đi". Tôi ngoác miệng cười, chìa ra cho cô ta một điếu thuốc lá: "Cô bé ơi, nói năng thế mới hợp lẽ chứ". Cô ta cầm lấy điếu thuốc, tôi châm lửa cho cô ta. "Nhưng làm thế sẽ tốn kém lắm", cô ta nói. - Bao nhiêu, - tôi hỏi. Cô ta hít và một mồm đầy khói. "Ở khu Mêhicô có một bác sĩ. Bọn con gái nói ông ta giỏi lắm." Cô ta nhìn tôi dò hỏi. "Hai trăm, được không?" - Ôkê, xong! - tôi đáp nhanh. Thế là đã thoả thuận. Người trước đấy đã làm tôi mất ba rưỡi. Tôi búng điếu thuốc lá qua thành xe và mở máy. Tôi lái nhập vào đoàn xe, hướng về phía Malibu. - Ồ, anh đi đâu thế này? - Cô ta hỏi. Tôi ngoảnh sang cô ta. "Đi về ngôi nhà ở biển", tôi đáp, "chúng mình nên tận dụng hết cái tình cảnh này". Cô ta phì cười và nhích lại gần tôi, ngẩng lên nhìn mặt tôi: "Em không biết má sẽ nói năng sao, nếu má biết em đã làm đến mức nào để tóm được anh. Má đã bảo em đừng để sót một thủ thuật gì hết cả. Tôi phá lên cười: "Đúng là em không bỏ một cái gì". Cô lắc đầu:" Tội nghiệp má. Má đã vạch cả kế hoạch sửa soạn đám cưới". Tội nghiệp má thật. Có lẽ nếu bà già ấy ngậm miệng lại thì cô con gái bà ta có thể sống đến hôm nay. Đêm sau, khoảng mười một giờ rưỡi, điện thoại của tôi réo chuông. Tôi vừa mới lơ mơ chợp mắt được. Làu bàu rủa, tôi với lấy cái ống nghe. Giọng của cô gái vọng tới, thì thào sợ hãi: "Giôny, em đang bị ra máu". Cơn buồn ngủ bay vèo qua đầu tôi như một viên đạn: "Chuyện gì đã xảy ra, hả?" - Em đã đến khu Mêhicô chiều nay và giờ có cái gì làm sao ấy. Em không ngừng ra máu. Em sợ lắm. Tôi nhỏm dậy trên giường: "Em đang ở đâu?" - Chiều nay em vào ở khách sạn Oextut. Phòng chín-không-chín. - Quay lại giường nằm ngay. Anh đến đây. - Nhanh lên anh, nhanh lên! Oextut là một khách sạn thương mại ở khu làm ăn của Lôx Angiơlex. Không một ai buồn nhìn đến lần thứ hai khi tôi bước lên thang máy mà không xưng danh ở bàn hướng dẫn. Tôi dừng lại ở phòng 909 và xoay nắm cửa. Cửa không khoá. Tôi bước vào. Chưa bao giờ trong đời, tôi nhìn thấy nhiều máu đến thế. Máu ở kín khắp cái thảm rẻ tiền trải sàn, ở trên ghế cô gái ngồi gọi điện thoại cho tôi, ở trên những tấm ga trắng trên giường. Cô ta đang nằm trên giường, mặt trắng bợt như cái gối ở dưới đầu. Mắt cô ta nhắm nghiền. Tôi lại gần. Mắt cô ta mở ra, sáng loé lên. Môi cô ta mấp máy nhưng không phát ra lời. Tôi cúi xuống. "Em đừng cố nói nữa. Anh sẽ gọi bác sĩ. Rồi em sẽ qua khỏi thôi". Cô ta nhắm mắt lại. Tôi đến máy điện thoại. Chỉ đơn thuần gọi một bác sĩ thì không có tác dụng gì. Cha tôi sẽ không vui nếu tôi để tên gia đình một lần nữa trương lên báo. Tôi gọi Mac Alixtơ. Anh ta là luật sư điều khiển công việc của hãng ở Caliphonia. Người quản gia của anh ta gọi anh ta đến bên máy. Tôi cố giữ giọng bình thản:"Tôi cần ngay một bác sĩ và một chiếc xe cấp cứu". Rồi ngay lập tức, tôi hiểu ra tại sao cha tôi dùng Mac. Anh ta không mất thì giờ hỏi những câu vô ích. Chỉ ở đâu, khi nào, và ai. Không hề tại sao. Giọng anh rất chính xác: "Mười phút nữa một bác sĩ và một xe cấp cứu sẽ ở đó. Tôi khuyên anh nên đi khỏi đó đi. Anh dính líu vào chuyện ấy thế là đủ rồi,dính sâu thêm nữa không có tác dụng gì đâu". Tôi cám ơn Mac, đặt máy xuống. Tôi liếc lại phía giường. Mắt cô ta nhắm, có vẻ như đang ngủ. Tôi bước về phía cửa. Cô gái mở mắt ra: - Đừng đi, Giôny, em sợ lắm. Tôi quay lại, ngồi xuống cạnh giường. Tôi nắm lấy cô ta và cô ta nhắm mắt lại. Xe cấp cứu đến sau mười phút. Và cô ta không rời khỏi tay tôi cho đến khi tới bệnh viện. 3 Tôi bước vào nhà máy, tiếng động và mùi vị của nó ập ngay tới, bọc quanh tôi như một cái kén tằm. Tôi có thể cảm thấy công việc ngừng lại một thoáng ở những chỗ tôi đi ngang qua và nghe được những tiếng thì thầm đã nhỏ giọng lại bay theo tôi: - El hijo. Cậu con. Họ biết tôi theo cái cách như vậy. Họ nói về tôi với lòng quý mến và tự hào, như cha ông họ nói về con cái của các ông chủ. Nó đem lại cho họ một cảm giác nào đấy về sự tách biệt với những người khác và gắn bó với nhà máy này, làm cho cuộc sống bần hàn của họ ít nhiều đỡ nặng nề hơn. Tôi đi qua các bể trộn, máy dập và khuôn đúc tới cầu thang sau của văn phòng cha tôi. Bước chân lên cầu thang, tôi ngoái lại nhìn họ. Hàng trăm khuôn mặt mỉm cười với tôi. Tôi mỉm cười và vẫy tay lại, như đã từng làm từ khi là một đứa trẻ lần đầu leo lên phòng làm việc này của cha tôi. Tôi bước qua cửa phòng ở đầu cầu thang. Tiếng động của nhà máy im bặt ngay khi cách cửa đóng lại sau tôi. Tôi đi dọc hết cái hành lang ngắn, bước vào căn phòng làm việc ngoài. Đenbai ngồi ở bàn của anh ta, lập cập lia bút chì theo cái lối thường lệ. Một cô gái ngồi bên cái bàn vuông góc với bàn Đenbai, múa tay đánh máy chữ như điên. Hai người nữa đang ngồi trên chiếc đivăng khác. Một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn bà mặc đồ đen, đang vặn vẹo một cái khăn mùi xoa bé tí trong tay. Bà ta ngẩng lên nhìn tôi khi thấy tôi đứng sững ở cửa. Chả phải bảo ai nói cho tôi biết bà ta là người nào. Cô ta trông đủ giống mẹ. Mắt tôi gặp mắt bà ta. Bà ta ngoảnh mặt đi. Đenbai đứng dậy, vẻ căng thẳng: "Cha cậu đang đợi đấy" Tôi không đáp. Anh ta mở cửa phòng làm việc của cha tôi và tôi bước qua. Anh ta khép cửa lại. Tôi nhìn quanh gian phòng. Nêvađa dựa người vào tủ sách suốt tường phía bên trái, mắt lim dim nheo trong cái vẻ tỉnh táo nhưng nom bề ngoài tưởng lờ đờ rất đặc biệt của anh. Mac Alixtơ ngồi trên một cái ghế vuông góc với cha tôi. Anh ngoảnh đầu lại nhìn tôi. Cha tôi ngồi đằng sau một ái bàn gỗ sồi to sụ, cũ kỹ, mắt nẩy lửa dõi thẳng vào tôi. NGoài tất cả những cái đó, phòng làm việc vẫn như tôi nhớ. Các bức tường ốp gỗ sồi sẫm, những cái ghế bành to bọc da. Các tấm màn nhung xanh lá cây trên cửa sổ, bức ảnh cha tôi và tổng thống Uynxơn ở bức tường sau bàn. Cạnh cha tôi là cái bàn điện thoại để ba cái máy nói và liền ngay đó muôn thuở là cái bình đựng nước, chai uyxki ngô và hai chiếc cốc. Chai uyxki còn một phần ba. Có nghĩa là ba giờ chiều. Tôi xem lại đồng hồ.Ba giờ kém mười. Cha tôi thuộc loại một-chai-một-ngày. Tôi đi ngang qua phòng và đứng lại trước mặt ông. Tôi nhìn xuống, đối diện với cặp mắt đang quắc lên."Con chào ba". Bộ mặt đã đỏ ửng của ông giờ đỏ sậm thêm. Các mạch máu ở cổ ông dựng hằn hết cả lên. Ông thét: "Mày chỉ nói có thế sao, sau khi đã làm hỏng sản lượng cả một ngày, làm một nửa số công nhân sợ mất mật vì cái trò nhào lộn ấy?". - Ba nhắn là phải cấp tốc về ngay. Và thưa ba, con đã cố gắng hết sức về càng nhanh càng tốt. Nhưng giờ thì không thể dừng ông cụ lại được nữa rồi. Ông đã phát khùng. Cha tôi có cái máu như vậy. Vừa mới bình thản và lặng lẽ phút trước, phút sau đã có thể thịnh lộ xung thiên. - Vì sao mày không xéo ngay khỏi cái phòng khách sạn ấy khi Mac Alixtơ đã bảo? Mày mò đến bệnh viện làm gì? Mày có biết mày đã làm gì không? Bây giờ là trơ ra với tội tòng phạm khuyến khích cho một vụ nạo thai trái phép[4]. Giờ đến lượt tôi phát cáu. Tôi cũng không thiếu một giọt nào cái máu khùng như cha mình. "Thế thì người ta định bảo con phải làm gì? Cô ta bị ra máu đến gần chết và sợ lịm người. Con phải dửng dưng bỏ đi, để cô ta chết một mình sao?" - Phải, nếu như mày còn tí trí khôn nào, mày phải làm đúng như vậy. Con bé ấy dù sao cũng sẽ chết, và việc mày ở lại đấy chẳng làm tình thế khác đi được. Giờ thì mấy cái người khốn khiếp ngoài kia đang đòi hai mươi nghìn đôla, nếu không họ sẽ báo cảnh sát? Mày nghĩ là tao có đủ hai mươi nghìn đô la cho tất cả những con ranh mày phang đấy phỏng? Đây là đứa thứ ba trong năm nay mà mày bị tóm rồi! Việc cô ấy đã chết cũng không hề làm ông xúc động. Mà là hai mươi nghìn đô la. Nhưng rồi tôi nhận ra ngay, không, không phải chuyện tiền, nguyên nhân sâu xa hơn thế. Cái giọng cay đắng ẩn trong lối nói của ông đã soi sáng cho tôi. Tôi nhìn thẳng vào ông và chợt hiểu. Cha tôi đã già mất rồi, và điều đó làm ông khổ sở. Nhất định là Raina đã lại mè nheo ông. Đã hơn một năm kể từ cái đám cưới linh đình ở Rênô, và vẫn không hề xảy ra một sự gì. Tôi quay lưng, bước ra phía cửa, chẳng nói chẳng rằng. Cha tôi thét lên ở đằng sau: "Mày định đi đâu nữa hở thằng kia?" Tôi quay lại nhìn ông: "Trở lại Lox Angiơlex. Ba cũng chẳng cần có tôi mới quyết định nổi công việc. Ba có thể hoặc trả tiền cho họ hoặc không. Điều ấy chẳng có ảnh hưởng gì tới tôi cả. Ngoài ra tôi còn có hẹn". Ông nhào qua bàn đuổi theo tôi. "Để làm gì?", ông thét lên: "Lại làm chửa một con nữa ư?" Tôi quay hẳn lại, dàn mặt với ông. Nghe chửi rủa thế là đủ rồi. "Thôi xin cụ nghỉ làu bàu đi. Đáng lẽ ba phải mừng là trong nhà vẫn có người ... còn tốt. Nếu không, Raina có thể nghĩ là chúng ta bị làm sao". Mặt cha tôi mếu xệch đi vì giận. Ông nhấc cả hai tay lên như định đánh tôi. Môi ông ngoạc ra, xiết chặt vào như chực cắn, gân trán hằn lên đỏ tía, rung bần bật. Rồi đột nhiên, như dòng điện cắt phụt ngọn đèn, mọi biểu hiện trên mặt ông biến vụt đi. Ông lảo đảo, húc nhào người về phía tôi. Theo phản xạ, tay tôi đưa vụt ra, kịp đỡ lấy ông. Trong một giây, mắt ông trong vắt, nhìn thẳng vào mặt tôi. Môi ông mấp máy: "Giônơx, con..." Rồi mắt ông khép lại, người ông nặng chịch đè lên tay tôi, rồi trượt dần xuống nền nhà. Tôi nhìn xuống. Tôi biết rằng ông đã chết. Biết trước cả khi Nêvađa lật người ông lại, xé toang cổ áo ông. Khi Đenbai bước vào cửa, Nevađa đang quỳ dưới sàn nhà bên cạnh cha tôi, Mac Alixtơ đang gọi điện thoại cho bác sĩ, tôi nhấc chai rượu Giắc Đaniel lên. Anh ta rúm người lại, chạm vào cửa, tờ giấy trên tay anh ta run lẩy bẩy. "Lạy chúa, cậu trẻ ơi. ", anh ta kinh hoàng thốt lên. Mắt anh ta ngước từ dưới sàn lên tới tôi. "Ai sẽ ký cái hợp đồng Đức bây giờ?" Tôi liếc sang Mac Alixtơ, Mac gật đầu, rất kín đáo, hầu như không thấy. "Tôi sẽ ký", tôi trả lời. Dưới sàn, Nêvađa đang vuốt mắt cho cha tôi. Tôi đặt chai uyxki còn nguyên nắp xuống, nhìn lại vào Đenbai. - Và từ giờ đùng có gọi tôi là cậu trẻ nữa, - tôi nói. 4 Lúc bác sĩ tới, chúng tôi đã nhấc cha tôi lên đi văng và phủ một cái chăn lên người ông. Bác sĩ là một người gầy dong dỏng, rắn chắc, đầu hói, đeo kính dầy cọp. Ông nhấc cái chân lên, nhìn. Rồi ông buông chân xuống. "Ông ấy đã chết, chết hẳn rồi". Tôi lặng thinh. Mac Alixtơ là người hỏi, trong khi tôi đung đưa người trong cái ghế của cha tôi "Vì sao?" Ông bác sĩ đi đến bàn. "Tắc mạch máu não. Đột quỵ. Máu cục đông ở não, nom bên ngoài thì biết". Ông ta nhìn tôi "Anh nên lấy làm mừng vì sự việc đã xảy ra nhanh chóng. Ông ấy đã không khổ sở vì đau đớn." Sự việc đúng là xảy ra nhanh, quá nhanh. Vừa mới phút trước, cha tôi còn sống, phút sau ông đã chả là gì nữa; thậm chí còn không đủ sức phủi được con ruồi đang từ từ bò qua mép cái chăn trên khuôn mặt đã đậy lại của ông. Tôi không nói. Ông bác sĩ ngồi phịch xuống cái ghế đối diện tôi. Ông lấy ra một cái bút và một tờ giấy. Ông đặt tờ giấy lên bàn. Tôi có thể đọc được dòng chữ in đậm trên đầu nó. GIẤY CHỨNG TỬ. Cái bút bắt đầu kêu sột soạt trên mặt giấy. Sau một thoáng, bác sĩ ngẩng lên. “Đồng ý để tôi đề tắc mạch máu là nguyên nhân chết nhé, hay các anh yêu cầu phải giải phẫu xác?" Tôi lắc đầu: "Tắc mạch máu là ổn rồi. Mổ xác bây giờ cũng chả khác gì nữa". Bác sĩ lại viết. Một thoáng sau, ông đã xong và đẩy tờ giấy lại tôi:" Xem lại xem tôi đã ghi mọi thứ đúng chưa". Tôi nhặt lên. Ông ta ghi đúng cả. Khá tốt đối với một bác sĩ hôm nay mới gặp chúng tôi lần đầu. Nhưng thực ra bất kỳ người nào ở bang Nêvađa này đều biết mọi cái về gia đình Cođơ cả. Tuổi 67. Để lại: vợ - Raina Malovi Cođơ; con trai - Giônơx Cođơ (con). Tôi đẩy tờ giấy lại phía ông ta. "Được rồi". Ông ta cầm lấy, đứng dậy. "tôi sẽ viết vào sổ và bảo cô thư ký gửi các bản sao cho ông". Ông ta đứng lưỡng lự, có vẻ như đang cân nhắc xem có nên ngỏ lời an ủi hay không. Rõ ràng là ông ta quyết định không, nên lẳng lặng đi ra cửa. Giờ Đenbai lại bước vào, "còn những người ngoài kia thì sao ạ? Tôi bảo họ đi nhé?" Tôi lắc đầu, họ sẽ lại tìm đến thôi. "Đưa họ vào đây đi". Họ bước vào, ông bố và bà mẹ cô gái ấy, nét mặt lộ rõ vẻ lẫn lộn kỳ lạ giữa nỗi buồn đau và lòng ái ngại. Ông bố nhìn tôi: "Tôi lấy làm tiếc rằng chúng ta đã không thể gặp nhau trong hoàn cảnh vui vẻ hơn, thưa ông Cođơ". Tôi nhìn ông ta. Mặt người đàn ông là mặt một ngưòi trung thực. Ông ta cảm thấy thực sự như vậy. "Tôi cũng thế", tôi đáp. Và bà vợ đột nhiên oà lên khóc. "Thật khủng khiếp, khủng khiếp quá". Bà ta khóc tu tu, nhìn thi thể cha tôi đã được đậy lại ở đivăng. Tôi nhìn bà ta. Cô con gái giống mẹ, nhưng sự giống nhau chỉ đến bề ngoài là hết. Người con gái có một vẻ chân thành trẻ tươi. Còn con mẹ này là một đứa gian manh tử thuở lọt lòng. - Làm sao mà bà phải khóc? - Tôi hỏi, - mãi tới hôm nay bà mới biết ông ta. Mà cũng là đến để hỏi ông ta tiền. Bà ta trố mắt nhìn tôi, choáng người. Giọng bà ta the thé lên: "Sao mà anh nói thế được cơ chứ? Bố đẻ anh còn đang nằm kia, và sau những cái anh đã gây cho con gái tôi như thế". Tôi đứng dậy. Giả dối là điều tôi không nhìn được. "Sau những cái tôi đã gây cho con gái bà!", tôi thét lên "Tôi dã không hề làm cái gì mà con gái bà không thích tôi làm cả. Có lẽ nếu bà không nói với cô ấy rằng đừng từ một cái gì để ràng buộc tôi, thì cô ấy chắc còn sống đến hôm nay. Cô ấy đã bảo tôi rằng bà đã chuẩn bị cả đến lễ cưới rồi!" Ông chồng quay ngoắt lại phía bà ta. Giọng ông ta run rẩy:"Thế có nghĩa rằng bà biết nó có mang?" Bà ta nhìn ông ta, kinh sợ :" Không , anh Henry, không. Em chỉ nói với nó rằng nếu nó lấy được anh ta thì hay lắm. Em chỉ nói thế thôi." Môi ông ta mím lại, và trong một thoáng, tôi tưởng ông ta sẽ đánh bà ta. Không, ông ta không đánh. Mà ông ta quay sang phía tôi: "Tôi xin lỗi ông, thưa ông Cođơ. Chúng tôi sẽ không làm phiền ông thêm nữa". Ông ta kiêu hãnh đi về phía cửa. Bà vợ lập cập đuổi theo. "Nhưng...anh Henry", bà ta kêu lên, "anh..." "Im đi!" Ông ta quát, mở cửa và gần như đẩy bật bà ta ra trước. "Bà đã nói thế còn chưa đủ sao?" Cửa đóng lại phía sau họ, tôi quay sang Mac Alixtơ: "Liệu tôi thế là đã hết rắc rối chưa nhỉ?" Mac lắc đầu. Tôi nghĩ ngợi một thoáng. "Tốt hơn là ngày mai anh tới gặp ông ta ở chỗ ông ta làm việc. Giờ chắc là ông ấy sẽ tha thôi. Ông ta có vẻ là một người trung thực". Mac Alixtơ chậm rãi mỉm cười: "Anh cho rằng một người trung thực sẽ xử sự như vậy hả?" - Đấy là một trong những điều tôi học được ở cha tôi. - Vô tình tôi liếc cái đivăng. - Ông thường nói rằng người nào cũng có cái giá riêng của mình. Đối với người này , là tiền bạc, đối với người khác, là đàn bà, đối với kẻ thứ ba, là vinh quang. Nhưng đối với người trung thực thì ta không phải mua gì cả - anh ta sẽ giải quyết việc, không lấy của anh cái gì". - Cha anh là một người thực tiễn. - Mac Alixtơ nói. Tôi chằm chằm nhìn người luật sư: "Cha tôi là một lão ích kỷ, tham lam, muốn vơ tất cả mọi thứ trên đời này vào tay mình. Tôi chỉ mong đủ trưởng thành để được như ông ấy". Mac Alixtơ tư lự xoa cằm: "Rồi anh sẽ làm được thế đấy”. Tôi khoát tay về phía cái đivăng: "Sau này chẳng bao giờ tôi còn được giúp đỡ luôn nữa". Mac Alixtơ nín lặng. Tôi liếc nhìn Nêvađa. Suốt thời gian vừa rồi, anh đứng tựa tường, không nói một lời. Mắt anh loé sáng sau mi mắt lim dim. Anh lấy ra một gói thuốc vời và giấy, sửa soạn quấn một điếu hút. Tôi quay sang Mac Alixtơ: - Tôi sẽ cần được giúp đỡ rất nhiều. - Tôi nói. Mắt Alixtơ ánh lên, chăm chú. Anh lặng thinh. - Tôi cần một cố vấn, một chuyên gia, và một luật sư. - tôi tiếp tục nói, - anh có thể nhận lời được không nhỉ? Mac đáp từ tự: "Không biết tôi có thể tìm ra đủ thì giờ không anh Giônơx ạ. Tôi bận lắm". - Đến mức nào? - Một năm tôi làm được sáu mươi ngàn. - Một trăm ngàn có thể chuyển được anh tới Nêvađa này không? Câu trả lời của anh ta đến rất nhanh "Nếu anh để tôi thảo ra bản hợp đồng". Tôi rút ra một bao thuốc, mời anh ta một điếu. Anh cầm. Tôi cắm một điếu vào miệng mình, bật diêm, chìa cho Mac. "Ôkê", tôi đáp. Que diêm trên tay Mac chững lại giữa chừng. Anh nhìn tôi rất kỳ quặc: "Mà làm sao anh chắc dược anh có thể trả tôi số lương đến như vậy?" Tôi châm thuốc cho mình và mỉm cười: "Tôi không hề biết, cho đến khi anh ưng thuận. Và giờ thì chắc". Một nụ cười đáp lại hiện trên miệng Mac rồi biến mất. Anh ta trở lại hoàn toàn được ngay với công việc: "Việc đầu tiên chúng ta phải làm là triệu tập một cuộc họp ban giám đốc và bầu anh làm chủ tịch công ty. Anh thấy có trở ngại nào trong việc này không?" Tôi lắc đầu: "Tôi nghĩ rằng không. Cha tôi không ưa chung đụng làm ăn. Ông nắm đến chín mươi phần trăm cổ phần và theo di chúc của ông thì chúng sẽ chuyển sang tôi sau khi ông chết". - Anh có bản sao di chúc nào không? - Không, - tôi đáp, - nhưng nhất định Đenbai có. Anh ta sao chép lại mọi cái cha tôi làm. Tôi ấn chuông. Đenbai bước vào. - Tìm cho tôi một bản sao di chúc của cha tôi. Tôi ra lệnh. Một thoáng sau, nó đã ở trên bàn - tất cả đều hợp lệ, có thị thực của luật sư - một cái tem xanh. Tôi đẩy nó cho Mac Alixtơ. Anh ta lật lật xem nhanh. - Đâu vào đấy, - anh nói, - cổ phần đúng là của anh. Chúng ta phải đem nó đi nhận thực ngay. Tôi quay sang Đenbai, dò hỏi. Đenbai không kịp đợi được hỏi, lập cập đáp ngay "Ông thẩm phán Haxken ở Rênô đã có nó trong hồ sơ". - Thế thì gọi điện cho ông ta bảo thực hiện ngay căn cứ vào nó. - tôi nói. Đen bai chực đi. Tôi ngăn lại, - Và sau khi nói chuyện với ông ta xong, anh gọi tất cả các giám đốc bảo họ rằng sáng mai có cuộc họp đặc biệt toàn thể vào bữa điểm tâm. Tại nhà tôi. Đenbai đi khỏi, tôi quay sang Mac Alixtơ: "Còn việc gì tôi phải làm nữa không, anh Mac?" Anh chậm rãi lắc đầu. "Không, giờ thì không. Chỉ còn có cái hợp đồng Đức. Tôi không biết nhiều lắm về nó nhưng đã nghe cha anh nói rằng đấy là một cơ hội lớn. Có liên quan đến một loại sản phẩm mới. Plaxtic - hình như cha anh gọi thế thì phải." Tôi dụi tắt mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn trên bàn "Bảo Đen bai đưa anh xem hồ sơ về việc đó. Đêm nay anh nghiên cứu và sáng mai trình bày để tôi hay trước cuộc họp ban giám đốc. Mai năm giờ tôi sẽ dậy". Mặt Mac lộ một vẻ kỳ lạ. Thoạt đầu tôi không hiểu, rồi tôi nhận ra đó là cái gì. Sự kính nể. "Năm giờ mai tôi sẽ tới, anh Giônơx ạ" Mac đứng dậy đi ra. Tôi gọi với theo trước khi anh đến cửa: "Trong khi anh xem tài liệu, bảo Đenbai cho anh danh sách những cổ đông của công ty. Tôi thiết tưởng cũng phải biết tên họ trước cuộc họp". Vẻ kính nể trên mặt Mac hiện ra sâu sắc thêm. "Vâng, được, anh Giônơx ạ" - anh đáp, đi khuất. Tôi quay ngoắt lại với Nêvađa và nhìn anh. "Anh nghĩ sao", tôi hỏi. Anh lặng thinh hồi lâu rồi mới trả lời. Anh dứt khỏi miệng một miếng giấy thuốc lá dính vào mép. "Tôi nghĩ rằng ông cụ chú giờ hoàn toàn nghỉ yên được rồi". Anh làm tôi sực nhớ. Tôi đã gần như quên bẵng. Đứng lên khỏi ghế, tôi đi vòng quanh bàn, tới đi văng. Tôi nhấc chăn lên, nhìn ông. Mắt ông nhắm, miệng mím lại nghiêm nghị. Trên thái dương bên phải, có một quần thâm xanh, chạy đến tận chân tóc. Hẳn đó là chỗ xuất huyết, tôi tự nhủ. Không hiểu sao, ở sâu xa trong lòng, tôi muốn trào ra một chút nước mắt khóc ông. Nhưng không có được. Ông đã từ bỏ tôi lâu rồi, lâu lắm rồi - từ cái ngày ở hàng hiên ông ném tôi cho anh Nêvađa. Tôi nghe thấy tiếng mở cửa sau lưng. Thả cái chăn xuống, tôi quay lại. Đenbai đứng ở ngưỡng cửa. - Thưa ông, có Giắc Plat muốn gặp ông ạ. Giắc là giám đốc nhà máy. Ông ta trông nom cho máy móc chạy. Ông ta cũng để ý nghe ngón chiều gió và lúc này hẳn là tin đã lan khắp nhà máy. - Cho ông ta vào,- Tôi đáp. Lời tôi vừa dứt, ông ta đã xuất hiện ở khung cửa, cạnh Đenbai. Người to lớn nặng nề. Thậm chí bước đi cũng có vẻ nặng nề nữa. Ông ta bước vào phòng, chìa bàn tay ra. "Tôi vừa nghe được cái tin buồn này". Ông ta bước đến đivăng, cúi nhìn cha tôi, mặt mang vẻ người Airơlen[5] trang trọng nhất. Thật là một tổn thất xót xa. Cha cháu là một con người vĩ đại.". Ông ta lắc đầu vẻ tang tóc. "Một người vĩ đại". Tôi đi lại sau bàn. Và lão thì là một diễn viên vĩ đại, Giắc Plat ạ, tôi thì thầm. Tôi nói: "Xin cảm ơn ông, ông Giắc". Ông ta xoay lại phía tôi, mặt tươi rói lên với ý nghĩ là đã kết thúc lớp kịch. "Và bác mong cháu biết rằng nếu cần gì ở bác, cần bất cứ cái gì, cháu cứ gọi bác ngay". - Cảm ơn bác, bác Giắc, - tôi lại nói, - biết được những người như bác giúp đỡ cháu thật quí hoá quá. Ông ta tươi hơn hớn hẳn lên trước lời tôi. Giọng ông ta hạ xuống, thì thầm vẻ bí mật: "Cả nhà máy đã biết. Cháu có nghĩ là bcác phải nói với họ một vài lời chăng? Cháu biết bọn họ đấy - toàn Mêhicô và da đỏ. Có thể họ sẽ thấy xúc động và hơi hồi hộp, cần phải làm tí trấn an". Tôi nhìn ông ta. Có lẽ ông ta nói phải, ''Ý bác hay đấy, bác Giắc ạ. Nhưng thiết tưởng tự cháu nói với họ có khi lại tốt hơn đấy". Thích hay không, Giắc cũng phải đồng ý với tôi. Đó là chủ trương của ông ta. Không bao giờ bất đồng với ông chủ. "Đúng rồi, Giônơx ạ", ông ta đáp, giấu kín sự không hài lòng. "Nếu như cháu muốn vậy". - Cháu đang muốn vậy, - tôi đáp, bước ra cửa. - Thế còn ông ấy thì sao? - Giọng Nêvađa đuổi theo tôi. Tôi quay lại nhìn theo ánh mắt anh tới cái đivăng. "Gọi hiệu đám ma và giao cho họ. Bảo họ rằng ta muốn có cái quan tài tốt nhất nước Mỹ này". Nêvađa gật. - Rồi đón em ở cổng trước với cái ôtô. Chúng ta sẽ cùng về. Tôi ra khỏi cửa, không chờ lời đáp lại. Giắc lật đật theo sau tôi, xuống qua hành lang sau, bước ra cầu thang dẫn tới xưởng. Mọi cặp mắt trong nhà máy dều ngoảnh hết về phía tôi khi tôi bước qua khung cửa ra cái hiên nhỏ ở đầu cầu thang. Giắc giơ tay lên, và im lặng bắt đầu trùm lên nhà máy. Tôi chờ cho lần lượt tất cả máy trong toà nhà tắt hẳn rồi mới nói. Có một vẻ gì đấy thật kinh dị. Lần đầu tiên tôi thấy cả nhà máy hoàn toàn chết lặng. Tôi bắt đầu mở miệng, giọng tôi âm vang kỳ quái suốt toà nhà. - Mi pađrê ha muêrtô. - Tôi nói tiếng Tây Ban Nha. Cái vốn tiếng Tây Ban Nha của tôi không khá lắm, nhưng đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Tôi tiếp tục, - và tôi, con trai của ông, có mặt ở đây và mong kế tục được công việc tốt đẹp của ông. Thật đáng tiếc là cha tôi không có mặt ở đây để diễn tả sự đánh giá tốt của ông đối với các bạn về mọi cái các bạn đã làm khiến cho công ty ta thành đạt. Tôi hy vọng các bạn sẽ cảm thấy vừa lòng được biết rằng ngay trước khi qua đời, cha tôi đã chính thức ra lệnh tăng lương năm phần trăm cho tất cả mọi người làm việc ở nhà máy ta. Giắc cuống cuồng giật giật cánh tay tôi. Tôi giằng ra và tiếp tục: "Tôi thực tâm mong rằng tôi sẽ tiếp tục có được sự giúp đỡ tự nguyện tương tự như các bạn đã tặng cha tôi. Tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ tỏ ra kiên nhẫn với tôi vì tôi còn phải học hỏi nhiều. Xin cảm ơn các bạn, và mong chúa phù hộ các bạn". Tôi bước xuống thang, Giắc đi theo. Những người công nhân giãn ra thành đường cho tôi qua. Phần lớn im lặng, thỉnh thoảng có người đụng tay vào tôi, tỏ ý cam đoan. Hai lần tôi thấy nước mắt ở ai đó. Thế là ít nhất cha tôi không phải chết đi không có ai khóc. Dù cho những giọt nước mắt ấy có ở trong mắt những người không biết ông. Tôi bước khỏi nhà máy, ra ngoài trời. Tôi nhấp nháy mắt. Mặt trời vẫn chưa lặn. Tôi hầu như đã quên bẵng rằng nó vẫn còn kia. Dường như đã lâu lắm rồi. Chiếc xe Piơx-Arâu đã đỗ ngay trước cổng. Nêvađa ngồi sau tay lái. Tôi chực bước thì bị bàn tay Giắc giữ cánh tay tôi lại. Tôi quay sang ông ta. Giọng ông ta gần như than vãn rên rỉ: "Cháu đã làm cái gì thế, và làm thế để làm gì Giônơx? Cháu không hiểu bọn họ, bọn khốn kiếp ấy, bằng bác đâu. Chìa cho chúng them một mẩu, chúng sẽ tợp cả một miếng. Cha cháu trước luôn luôn ủng hộ ý kiến bác giữ mức lương thấp". Tôi lạnh lùng nhìn ông ta chằm chằm. Có những kẻ biết điều chậm quá. "Lúc nãy ông có nghe tôi nói gì ở trong kia không, ông Giắc". - Bác đã nghe cháu nói, Giônơx. Bác cũng đang nói về việc ấy đấy. Bác... Tôi ngắt lời: "Tôi nghĩ rằng ông đã không nghe, ông Giắc ạ.", tôi nói rất dịu dàng. Mấy lời mở đầu của tôi là "Mi pađrê ha muêrtô. Cha tôi đã chết". - Phải, nhưng... - Những lời ấy thực sự hàm ý như vậy, ông Giắc ạ. Cha tôi đã chết. Còn tôi thì không. Tôi đang ở đây và điều duy nhất ông nên nhớ rằng tôi giống hệt cha tôi ở một điểm. Tôi sẽ không chấp nhận một lời chỉ trích chê bai của bất kỳ một ai làm cho tôi, và bất kỳ kẻ nào không ưa những cái tôi làm đều có thể xéo khỏi đây! Giắc hiểu ra rất nhanh. Ông ta đã ở bên otô mở cửa cho tôi: "Tôi không có ý gì cả, Giônơx ạ, tôi chỉ..." Đối với ông ta, thật phí công mà giảng giải rằng nếu ta trả nhiều, ta sẽ thu được nhiều. Hãng Ford đã chứng minh được điều đó khi ông ta tăng lương cho công nhân năm ngoái. Ông ta tăng sản xuất được lên gấp ba. Tôi chui vào xe và ngoảnh lại nhìn nhà máy. Lớp nhựa đường đen xì, nhớp nháp trên mái đập vào mắt tôi. Tôi nhớ đến lúc ở trên máy bay. - Này Giắc, - tôi nói, - ông có nhìn thấy mái nhà kia không? Ông ta quay lại, chăm chú nhìn tôi. Giọng lộ vẻ bối rối: - Dạ, sao cơ ạ? Đột nhiên tôi thấy bải hoải cả người. Tôi ngả ra tựa vào thành ghế xe, mắt nhắm lại: - Sơn trắng nó đi, - tôi nói. 5 Tôi gà gà ngủ trong khi chiếc Piơx kềnh càng nuốt hết chặng đường hai mươi dặm giữa nhà máy với tòa nhà mới của cha tôi. Thỉnh thoảng, tôi mở mắt ra một giây, thoáng thấy Nêvađa đang chăm chú nhìn tôi qua gương phản chiếu của xe, rồi mắt tôi như đeo chì, lại nhắm nghiền lại. Tôi ghét cha tôi, tôi ghét mẹ tôi và giá như tôi có anh chị em, tôi cũng ghét họ. Không, tôi đã không ghét cha tôi. Giờ tôi không ghét nữa. Ông đã chết. Người ta không ghét người đã chết. Ta chỉ nhớ đến họ. Và tôi cũng không ghét mẹ tôi. Đó không phải là mẹ tôi. Tôi có một bà mẹ kế. Tôi không ghét mẹ kế tôi. Tôi yêu em. Chính vì vậy mà tôi đã đem em về nhà. Tôi muốn lấy em. Nhưng cha tôi nói tôi còn quá trẻ. Mười chín tuổi là quá trẻ, ông nói. Còn ông thì không quá trẻ. Ông lấy em một tuần sau khi tôi quay về trường đại học của mình. Tôi gặp Raina ở câu lạc bộ hè hai tuần trước khi hết hè. Em từ miền Đông tới, ở một nơi nào đó gọi là Bruclin, bang Maxachuset, và khác hẳn bất kỳ người nào tôi đã gặp. Tất cả bọn con gái ở đâu đều đen, cháy nắng vì dầu dãi ngòai trời. Bọn họ đi đứng như đàn ông, thậm chí cưỡi ngựa như đàn ông. Cái lúc duy nhất ta có thể chắc rằng họ khác ta là buổi tối. Khi họ mặc váy chứ không phải mặc quần bò Lêvi, bởi vì ngay cả ở bể bơi, theo mốt đang thịnh hành, trông họ cũng như đàn ông, ngực lép và mông hẹp. Nhưng Raina là con gái. Không thể nào nhầm được. Nhất là khi trong bộ quần áo tắm, như cái lần đầu tiên tôi thấy em. Em người dây, phải, và vai rộng, có lẽ hơi quá rộng đối với đàn bàn. Nhưng ngực em to và đầy đặn, rắn chắc nhô lên khỏi cái áo chẽn lụa ngược với mốt bấy giờ. Nhìn chúng, miệng ta không khỏi cảm thấy như được nếm vị ngọt ngào như mật, như sữa của chúng. Chúng nằm thỏai mái trên một khung ngực cao, vuốt xuôi xuống thành một cái eo hẹp rồi lại tỏa ra thành cặp hông và mông thon thả nhưng tròn. Mái tóc em màu vàng nhạt, để dài và buộc chặt ở sau đầu – lại ngược với mốt bấy giờ. Lông mày cao, cặp mắt to, cách xa nhau và hơi xếch; màu xanh của chúng phản chiếu lại cái ánh lửa nóng bỏng bên trong, được giấu sau một bề ngòai lạnh lung. Mũi em thẳng và không mỏng quá – dấu vế của nguồn gốc Phần Lan của em. Miệng em rộng – không phải rộng rãi một cách hào phóng, vì môi em chưa đủ dầy. Đó là một cái miệng biết kìm giữ nụ cười, trên cái cằm thon, quả quyết. Em đã qua những trường tư thục Thụy sĩ, ít phá lên cười và rất ý tứ giữ gìn. Sau hai ngày, em đã làm tôi thẫn thờ hết cả hồn. Giọng của em dịu dàng, trầm, phảng phất vẻ nước ngoài lơ lớ, nghe cứ ngân lên trong tai. Và mười ngày sau, trong buổi khiêu vũ tối thứ bảy ở câu lạc bộ, tôi lần đầu tiên nhận thấy mình muốn có em như thế nào. Chúng tôi nhảy một điệu van chậm chạp và chặt chẽ. Đèn trong phòng xanh tối mờ mờ. Đột nhiên em bước hụt nửa bước. Em ngẩng lên nhìn tôi, mỉm cái nụ cười chậm chạp ấy của em. - Anh khỏe quá, - em nói, và ép thêm người sát vào tôi. Tôi có thể cảm thấy hơi nóng ở thắt lưng em đang hừng hực trút sang tôi. Và cúôi cùng, không nén nổi nữa, tôi nắm tay em, kéo ra khỏi sàn nhảy. Em lặng lẽ bước theo tôi ra ngòai tới xe. Chúng tôi chui vào chiếc Đuyxenbeg đồ sộ. Tôi cài số, chúng tôi lao vụt trên đường. Đêm trên sa mạc thật ấm. Tôi liếc mắt nhìn em. Đầu em dựa vào thành ghế, mắt nhắm nghiền trước gió. Tôi rẽ vào một khóm rừng chà là nhỏ, tắt máy. Em vẫn ngả người trên ghế. Tôi cúi xuống hôn lên miệng em. Miệng em không trả mà cũng không nhận. Như một cái giếng giữa một ốc đảo trên sa mạc. Nó ở đó thì ta khao khát cần nó. Tôi với tay lên ngực em. Tay em nắm lấy tay tôi giữ lại. Tôi ngẩng đầu, nhìn em. Mắt em mở to, nhưng không lộ điều gì cả. Tôi không thể nhìn sâu vào trong đó được. “Anh muốn em”, tôi nói. Mắt em không thay đổi. Tôi gần như không nghe thấy tiếng em. “Em biết”. Tôi nhích lại phía em. Lần này, tay em được đặt lên ngực tôi, ngăn lại: - Cho em mượn khăn mùi xoa của anh, - em nói, tay rút nó khỏi túi ngực tôi. Nó lất phất trăng trắng trong bóng tối rồi biến mất cùng với hai bàn tay em. Em không nhấc đầu khỏi thành ghế, em không nói, em chỉ nhìn tôi bằng cặp mắt không hề để lộ điều gì. Tôi cảm thấy những ngón tay em đang lần lần, tôi cúi người về phía em, nhưng không hiểu bằng cách nào đấy, em đã ngăn được tôi không nhích lại gần hơn. Rồi đột nhiên, một cơn đau nhói chạy ngược từ xương cụt tôi lên, tôi gần như nhoi hẳn người lên khỏi ghế. Tôi lấy ra một điếu thuốc, tay run bần bật châm lửa trong khi em vo cái khăn mùi xoa thành một cục tròn, rồi vứt ra khỏi xe. Rồi em nhấc điếu thuốc khỏi mồm tôi, đặt vào miệng mình. - Anh vẫn muốn em, - tôi nói. Em trả điếu thuốc cho tôi, lắc đầu. - Tại sao vậy? – Tôi hỏi. Em ngoảnh mặt lại phía tôi, gương mặt sáng mờ mờ trong bóng tối: - Bởi vì hai hôm nữa em sẽ về nhà. Bởi vì trong cuộc phá sản thị trường chứng khoán năm hăm ba, cha em đã bị mất sạch mọi thứ. Bởi vì em sẽ phải tìm được và lấy được một người chồng giàu. Em không được làm bất cứ cái gì nguy hại tới điều đó. Tôi trố mắt nhìn em một thoáng, rồi mở máy. Tôi cho xe lùi khỏi chùm chà là rồi băng lên đường về nhà. Tôi không đáp, nhưng tôi có tất cả câu trả lời cho em. Tôi giàu. Hoặc một ngày kia sẽ giàu. Tôi để Raina ngoài phòng khách, bước vào phòng làm việc của cha tôi. Như thường lệ, ông đang lúi húi ngồi ở bàn, ngọn đèn đơn hắt ánh sáng xuống mặt bàn giấy. Ông ngẩng lên. - Gì thế? – Ông hỏi, dường như tôi là một ai đó ở văn phòng của ông, bước vào vì một công việc nào đó. Tôi ấn công tắc đèn tường, căn phòng sáng lòa lên. “Con muốn lấy vợ”, tôi nói. Ông nhìn tôi một lúc, lơ đãng như đang ở đâu rất xa. Đúng thế, nhưng ông quay về rất nhanh. “Mày điên rồi”, ông bình thản nói. Ông lại cúi xuống bàn. “Đi ngủ đi, đừng quấy rầy ba”. Tôi đứng sững. “Con không đùa đâu, ba thân yêu ạ”, tôi nói. Đây là lần đầu tiên tôi gọi cái tên ấy kể từ khi đã lớn. Ông từ từ đứng dậy. “Không”, ông nói, “con còn quá trẻ”. Ông chỉ nói có vậy. Ông không hề nghĩ là phải hỏi ai, thế nào, làm sao. Không chỉ vì tôi còn quá trẻ. “Thôi cũng được, ba ạ”, tôi nói, quay ra phía cửa, “Xin nhớ cho là con đã hỏi ba”. - Hượm đã, - ông nói. Tôi dừng lại, tay trên nắm cửa. – Cô ta đâu? - Đang chờ ngòai phòng khách, - tôi đáp. Ông ranh mãnh nhìn tôi: - Cậu cả quyết định khi nào thế? - Tối nay, - tôi trả lời, - vừa mới tối nay ạ. - Hẳn là cô ta là một trong những con bé ngớ ngẩn nhí nhảnh mò đến câu lạc bộ và nhấp nhỏm chờ bắt được ông già nào chứ gì? – Ông nói. Tôi hăng lên bảo vệ cho em: “Cô ấy không phải thế đâu. Thậm chí thực ra cô ấy cũng không biết là con đang ở đây hỏi ba”. - Thế có nghĩa là con chưa hề hỏi cô ta? - Con không cần, - tôi chả lời, dương dương tự tin vì những tuổi đời kinh nghiệm cua rmình. – Con biết rõ câu trả lời của cô ấy. Cha tôi lắc đầu: “Anh cũng nên hỏi cô ấy lấy một tiếng chứ, chí ít cũng là để vào sổ đăng kí”. Tôi bước ra và dẫn Raina vào phòng. “Raina – đây là ba anh. Ba – Đây là Raina Malovi ạ”. Raina nhã nhặn cúi đầu. Nom em xử sự, cứ ngỡ lúc này là ban ngày ban mặt, giữa trưa chứ không phải là hai giờ đêm khuya khoắt. Cha tôi nhìn em, tư lự. Mặt ông đột nhiên hiện lên một vẻ rất kỳ quặc, tôi chưa từng thấy bao giờ. Ông đi vòng qua bàn, chìa tay ra cho em: “Xin chào cô, cô Raina Malovi”, ông dịu dàng nói. Tôi trố mắt. Chưa bao giờ tôi thấy ông làm như vậy với bạn bè của tôi cả. Em nắm lấy tay ông: “Chào bác ạ”. Tay vẫn cầm tay Raina, ba tôi nói, nửa đùa nửa thật, vẻ thú vị: “Con trai tôi nghĩ rằng anh ấy muốn lấy cô, thưa cô Malovi. Còn tôi thì cho rằng anh ta quá trẻ. Cô thấy sao?”. Raina nhìn tôi. Trong một thoáng, tôi có thể nhìn được ánh mắt em. Sáng ngời, và rồi ngay lập tức, một tấm màn sụp xuống chúng. Em quay sang cha tôi: “Thật ngượng quá. Thưa ông Cođơ, phiền ông vui lòng đưa tôi về được không ạ?” Bàng hoàng, không thốt lên lời, tôi nhìn cha tôi đỡ lấy tay em và cùng em bước ra khỏi phòng. Một thoáng sau, có tiếng chiếc Đuyxenbeg rồ lên. Phát khùng, tôi nhìn quanh để tìm cái gì trút cơn hằn học. Chỉ có mỗi cái đèn bàn. Tôi vồ lấy, ném choang vào tường, nó vỡ vụn ra thành từng mảnh. Hai tuần sau, đang ở trường, tôi nhận được điện của ba tôi: Raina và ba đã làm lễ cưới sáng nay, ba và cô ấy đang ở khách sạn Oanđơ – Axtoria, Niu Yooc. Mai sẽ lên tàu Viễn Dương sang châu u để hưởng tuần trăng mật. Tôi vồ lấy điện thoại, gọi ông: - Không có một thằng ngu nào như một thằng ngu già! – Tôi thét lên qua ba ngàn dặm dây ở giữa chúng tôi. – Ba không biết rằng lý do duy nhất cô ta lấy ba là vì tiền của ba sao? Cha tôi thậm chí không hề giận. Ông thậm chí còn cười khùng khục: “Có cậu mới là đứa ngốc ấy. Tất cả những gì cô ta muốn là một người đàn ông; chứ không phải một thằng trẻ rang. Cô ấy thậm chí còn một mực đòi phải ký một bản thỏa ước về tài sản trước khi lấy ba cơ”. - Ra thế ư? – Tôi thốt lên. – Ai thảo ra cái bản đó vậy? Luật sư của cô ta chứ gì? Ba tôi lại cười khùng khục: “Không. Ba”. Giọng ông đột nhiên thay đổi. Trầm, khàn đầy ý nghĩa: “Thôi giờ lo học hành đi, cu con ạ. Và đừng có dính vào những việc không liên quan tới con. Ở đây bây giờ là nửa đêm,ba đi ngủ đây”. Ống nghe tắt lịm trên tay tôi. Tôi chằm chằm nhìn nó hồi lâu, rồi từ từ đặt nó xuống. Đêm ấy tôi không ngủ được, loang loáng trong óc tôi hiện lên những cảnh Raina và ông bố tôi đang ôm ghì lấy nhau. Mấy lần, tôi choàng tỉnh, người đầm đìa mồ hôi lạnh. Tay ai đang nhẹ nhàng lay tôi. Tôi từ từ mở mắt. Tôi gặp ngay bộ mặt Nêvađa. “Dậy đi, Gionơx”, anh nói, “ta tới nhà rồi”. Tôi chớp chớp mắt cố xua đi cơn ngái ngủ. Mẩu mặt trời cuối cùng đang từ từ khuất sau tòa nhà. Tôi lắc đầu, bước xuống xe. Tôi ngẩng nhìn ngôi nhà. Ngôi nhà xa lạ. Có lẽ tôi đã ở trong đó được tổng cộng hai tuần lễ từ ngày tra tôi xây nó, và bây giờ thì nó thuộc về tôi. Giống như tất cả mọi cái khác cha tôi đã làm. Tôi bước hướng lên thềm. Raina đã tính toán nghĩ đến mọi cái. Trừ điều này. Cha tôi đã chết. Và tôi sắp sửa báo cho em. 6 Cửa chính mở khi tôi bước lên hè. Cha tôi đã xây một tòa nhà kiểu đồn điền miền nam điển hình và để trông nom nó, ông đã đem Rôbe từ Niu Olean lên. Rôbe là một quản gia da đen điển hình. Bác ta là một người khổng lồ, lừng lững hơn tôi một cái đầu, và đồ sộ như thế nào thì cũng dịu dàng và được việc chừng ấy. Cha ông bác đã từng làm quản gia, mặc dù khi ấy họ còn là nô lệ, và họ đã truyền lại cho bác niềm kiêu hãnh với nghề nghiệp của mình. Trong công việc, bác như có giác quan thứ sáu. Bằng cách nào không rõ, bác luôn có mặt khi được cần. Bác đứng tránh sang bên cho tôi bước vào. “Xin chào cậu, cậu Cođơ”, bác chào tôi bằng cái tiếng Anh da đen nhẹ nhàng của mình. - Chào bác, Rôbe. – Tôi nói, quay lại phía bác, trong khi bác lúi húi đóng cửa – Bác vào đây với tôi. Rôbe lẳng lặng theo tôi vào phòng làm việc của cha tôi. Mặt bác không để lộ điều gì cả. Tôi nhìn bác ta. “Ba tôi chết rồi”, tôi nói. - Tôi đã biết rồi ạ, - bác ta đáp, - ông Đenbai gọi điện tới. - Những người khác có biết không? – Tôi hỏi. Bác ta lắc đầu. “Tôi bảo với ông Đenbai rằng bà Cođơ đi vắng, còn tôi thì chưa nói gì với gia nhân cả”. Có tiếng động khe khẽ bên ngòai cách cửa đóng. Rôbe vừa tiếp tục nói vừa lẹ bước đến cửa. “Tôi nghĩ rằng cậu muốn thông báo cái tin ấy từ chính cậu”. Bác mở toang cánh cửa ra. Bên ngoài không có ai. Rôbe bước nhanh ra khỏi cửa. Tôi theo sau. Thoáng có bóng người chạy vội lên cầu thang dài vòng trong phòng ngoài lên tầng trên. Giọng Rôbe nhỏ nhưng đầy vẻ uy quyền: “Luidơ”. Cái bóng dừng lại. Đó là cô hầu gái của Raina. - Xuống đây, -Rôbe ra lệnh. Luidơ ngập ngừng bước xuống. Tôi có thể thấy vẻ sợ hãi trên nét mặt cô ta. “Dạ thưa ông Rôbe gì ạ?”. Giọng cô ta cũng sợ hãi. Lầu đầu tiên, Rôbe cho tôi thấy bác đã bắt đám gia nhân vào khuôn phép như thế nào. Bác tiến tới uể oải, gần như lười biếng nhưng tay vả vào mặt cô ta nhanh như một phát đạn. Giọng rành rọt, khinh miệt: “Đã bao nhiêu lần tao bảo mày không được nghe trộm ngoài cửa, hả?”. Cô ta đứng sững hai tay ôm mặt. Nước mắt bắt đầu chảy trên má cô ta. - Giờ đi vào bếp ngay. Tao sẽ nói chuyện sau. Tay vẫn ôm mặt, cô ta chạy về phía bếp. Rôbe quay lại tội: “Tôi xin lỗi vì đã để cô ta như thế, thưa ông Cođơ”. Giọng bác một lần nữa trở lại trầm và dịu dàng. “Thông thường, gia nhân của tôi vốn không bao giờ làm chuyện như vậy. Nhưng cái đứa này thì khá khó bảo cho biết điều”. Tôi rút ra một điếu thuốc và gần như trước khi tôi kịp đưa lên miệng, Rôbe đã bật diêm châm cho tôi. Tôi hít một hơi dài. “Đúng thế, bác Rôbe ạ. Nhưng tôi chắc là cô ta sẽ không còn được ở đây lâu nữa đâu”. Rôbe dập tắt que diêm và cẩn thận bỏ nó vào một cái gạt tàn: “Vâng ạ”. Tôi trầm ngâm nhìn lên cầu thang. Thật lạ lùng. Tôi thấy ngần ngại. Giọng Rôbe vọng lại từ sau vai tôi: “Bà Cođơ đang ở buồng bà đấy ạ”. Tôi nhìn Rôbe. Mặt bác ta là khuôn mặt của một người quản gia không thể nào đoán được ý nghĩ. “Cảm ơn bác, Rôbe. Tôi sẽ lên nói với bà ấy”. Tôi bước lên cầu thang. Giọng bác làm tôi dừng chân. “Ông Cođơ ạ?”. Tôi quay lại. Khuông mặt đen của bác sáng lên: “Thưa, mấy giờ thì tôi dọn cơm chiều được ạ?” Tôi nghĩ một thoáng. “Khoảng tám giờ”, tôi đáp. - Thưa vâng, - Bác nói và đi về phía nhà bếp. Tôi khẽ gõ cửa phòng Raina. Không có trả lời. Tôi mở cửa bước vào. Giọng Raina vọng ra từ buồng tắm: - Luidơ, đem hộ tôi một cái khăn tắm lại đây. Tôi bước vào buồng tắm, với lấy một cái khăn to trong một đống khăn trên cái giá ở phía trên bàn phấn của Raina. Tôi vừa định tiến tới cái bồn tắm quay kín, thì em đẩy cánh cửa kính sang bên. Người em vàng chói, trắng muốt, lấp lánh những giọt nước chảy xuôi xuốn. Em đứng sững lại một thoáng, ngạc nhiên. Hầu hết đàn bà đều sẽ che vội lấy người. Nhưng Raina thì không. Em chìa tay lấy cái khăn tắm. Em quấn nó quanh mình một cách thành thạo và bước khỏi bồn. “Luidơ đâu?” – em hỏi, ngồi xuống trước bàn phấn. - Ở dưới nhà, - tôi đáp. Raina bắt đầu lau mặt bằng một chiếc khăn khác. “Cha anh sẽ không thích thế này đâu”. - Ông ấy sẽ không bao giờ biết được. – tôi trả lời. - Làm sao anh biết được là tôi có nói hay không. - Em sẽ không nói, - tôi khẳng định. Khi đó em bắt đầu cảm thấy có cái gì đó không ổn. Em ngẩng đầu lên nhìn tôi trong gương, nét mặt đột ngột trở lên nghiêm nghị: “Giữa anh và cha anh đã xảy ra cái gì thế, Giônơx?”. Em nhìn tôi một hồi lâu, đăm đăm, tỏ ý khó hiểu. Em đưa cho tôi một cái khăn nhỏ: “Ngoan né, Giônơx. Lau hộ tôi cái lưng được không? Tôi không với tới”. Và mỉm cười vào gương. “Anh thấy đấy, thực sự là tôi cần Luidơ”. Tôi cầm khăn, lại gần hơn. Em để cái khăn choàng to tuột khỏi hai vai. Tôi chấm những giọt ngước ẩn trên làn da mịn của em. Hương thơm người em bay vào mũi tôi, sực nức lên thêm sau khi tắm nước nóng. Tôi miết môi mình vào cổ em. Em ngạc nhiên quay lại, “Giônơx, ngừng ngay cái trò đó lại đi! Sáng nay cha anh nói anh là một gã cuồng, nhưng anh không phải cố chứng minh điều đó đâu”. Tôi nhìn thẳng vào mắt Raina. Không có vẻ gì sợ hãi ở trong đó cả. Em tự tin lắm. Tôi chậm rãi mỉm cười. “Có thể ông ấy đúng”, tôi nói “hoặc có thể ông ấy quên mất thế nào là tuổi trẻ rồi”. Tôi kéo em nhào khỏi ghế về phía tôi. Cái khăn từ từ tuột xuống cho đến mắc lại ở chỗ người chúng tôi ép vào nhau. Tôi gắn chặt miệng vào miệng Raina, tay tóm lấy ngực em. Bộ ngực rắn chắc, cứng và đầy đặn, tôi cảm thấy rõ tiếng tim đập thình thịch điên dại ở phía dưới. Có thể là tôi lầm, nhưng trong một thoáng, tôi cảm thấy em hừng hực truyền lửa sang tôi. Rồi, cáu kỉnh, em dằn ra khỏi tôi. Cái khăn rơi sóng soài trên mặt sàn. “Anh điên rồi hả?”, em nhổ vào tôi, ngực phập phồng. “Anh biết rất rõ rằng ba anh có thể bước vào đây bất cứ lúc nào bây giờ qua cái cửa kia”. Tôi đứng lặng đi một giây, rồi tất cả sức ép dồn nén trong phổi tôi trút ra trong một tiếng thở dài. “Ông ấy sẽ không bao giờ bước qua cái cửa ấy nữa đâu”, tôi nói. Mặt Raina dần dần bợt đi. “Anh… anh nói thế có nghĩa là…nghĩa là sao?”, em lắp bắp. Tôi nhìn thẳng vào mắt em. Lần đầu tiên, tôi có thể đọc được những gì trong đó. Em kinh sợ. Giống như tất cả những người khác khi phải nhìn tới một tương lai không hề biết. “Thưa bà Cođơ”, tôi chầm chậm nói, “chồng bà đã chết”. Con ngươi mắt em, trong một thoáng, quay lộn điên loạn. Em từ từ ngã phịch xuống ghế. Tay em theo phản xạ, nhặt lấy một cái khăn lên, quấn quanh người. “Tôi không thể tin được”, em nói thờ thẫn. - Em nói không thể tin được cái gì hở Raina? – tôi cay nghiệt hỏi, - rằng ông ta đã chết hay em đã nhầm khi em lấy ông ta mà không lấy anh? Có lẽ Raina không nghe thấy lời tôi. Em ngẩng lên nhìn tôi, mắt ráo hoảnh, nhưng trong mắt có một nỗi buồn dịu dàng – một niềm yêu thương, mà tôi không hề biết là em có thể có. “Có xảy ra đau đớn gì không?”, em hỏi. - Không, - tôi đáp, - rất nhanh. Đột quỵ. Vừa mới phút trước còn đầy sức sống và gầm lên như sư tử, và phút sau đã… - tôi búng ngón tay đánh tách, như thế đấy. Em vẫn chằm chằm nhìn tôi. “Tôi mừng thay cho ông ấy”, em nói dịu dàng. “Tôi không hề mong ông ấy phải vật vã đau đớn”. Em từ từ đứng dậy. Cái màn che lại phủ xuống ánh mắt. “Có lẽ giờ anh nên đi đi thì tốt hơn”. Đấy lại là Raina quen thuộc, người tôi muốn tách riêng ra – Cái con người xa xăm, con người kiêu sa không với tới nổi, con người tính toán. - Chưa, - tôi đáp, - anh chưa xong. Em đi ngang qua tôi: “Còn phải xong cái gì nữa?” Tôi vồ lấy tay em, kéo em lại phía mình. “Chúng ta chưa xong”, tôi nói với khuôn mặt ngẩng lên của em. “Anh và em. Anh đem em về nhà đêm nọ là bởi vì anh muốn em. Nhưng em lại chọn cha anh bởi ông đưa được một món đền bù nhanh hơn cho em. Anh nghĩ rằng anh đợi thế đã là đủ lâu rồi”. Em chăm chú nhìn lại tôi. Em không hề sợ. Đây là cái miếng đất quen thuộc em thường chống trả. “Anh đừng có liều động vào!” Thay cho câu trả lời, tôi giật phăng tấm khăn khỏi người em. Em quay ngoắt lại chạy khỏi phòng nhưng tôi túm được tay em, lôi giật lại phía mình. Tay kia tôi túm tóc, kéo về phía sau làm mặt em ngẩng lên nhìn tôi. “Không ư?” - Tôi sẽ kêu, - em thở hổn hển, khàn khàn nói, - gia nhân sẽ chạy đến! Tôi ngoác miệng cười: “Không. Họ sẽ không tới. Họ sẽ nghĩ đấy chỉ là tiếng kêu đau khổ. Rôbe đang tập trung họ trong bếp và không một ai sẽ lên đây nếu anh không gọi”. - Hãy gượm đã! – em van vỉ, - xin anh hãy gượm đã. Nghĩ đến cha anh một chút. - Tại sao anh lại phải làm thế? – tôi thốt lên, - ông ấy có chờ anh tí nào đâu, - Tôi bế thốc em lên, mang vào phòng ngủ. Tay em cào cấu mặt tôi, đấm thình thịch vào ngực tôi. Tôi quẳng em xuống giường, tấm xatanh trắng vẫn còn phủ nguyên trên đó. Raina cố lăn sang mép giường bên kia. Tôi tóm lấy vai em, lật trở lại. Em cắn vào tay tôi, tôi rụt lại, em cố lồm cồm bò đi. Tôi dằn đầu gối mình lên hai đùi Raina, thẳng tay vả vào mặt em. Em ngã vật xuống ối, má hằn rõ năm vệt ngón tay. Em nhắm mắt lại một thoáng và khi em mở mắt ra, chúng đã mờ đi và có một vẻ điên dại tôi chưa hề nhìn thấy. Em mỉm cười, giơ hai tay ôm choàng lấy cổ tôi, vít tôi xuống em. Môi em siết chặt lên môi tôi, và tôi có thể cảm thấy người em bắt đầu quằn quại dưới tôi. - Yêu em đi, Giônơx! – em thở vào miệng tôi, - ngay bây giờ! Em không đừng được nữa rồi. Em chờ lâu lắm rồi. – Những ngón tay em lật bật đụng vào đùi tôi, cầm lấy của tôi. Em úp mặt xuống gối, cuống lên hơn bao giờ hết. Tôi gần như không nghe thấy tiếng thì thào khẩn thiết, giục giã của em: “Mau lên, anh Giônơx! Mau lên.” Tôi chực nhổm dậy, nhưng em không thể chờ tôi kịp cởi bỏ quần áo. Em kéo tôi xuống một lần nữa và nhập tôi cùng em. Em như một lò than cháy bỏng. Em kéo đầu tôi xuống cổ mình. - Làm em có mang đi, Giônơx, - em thì thào bên tai tôi, - làm em có mang như ba cô gái anh đã làm ở Lôx Angiơlex đi. Đem sức sống của anh vào cho em. Tôi nhìn mặt Raina. Mắt em trở lại trong veo, một vẻ đắc thắng giễu cợt ở trong đó. Đôi mắt ấy không phản ánh được tí gì những cảm giác của cái thân thể ở dưới tôi. Tay chân em quắp chặt lấy người tôi. Em mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt tôi. “Làm cho em có mang đi, Giô nơx”, em thì thào, “như cha anh không bao giờ làm cả. Ông ấy sợ rằng sẽ có người cướp hết tiền bạc của anh đi”. - Sao… sao? – tôi cố ngổm dậy nhưng không được. Em như một cái giếng không đáy thăm thẳm, tôi không dứt ra nổi nữa. - Phải, Giônơx ạ, - em mỉm cười, thân thể em vẫn ngốn ngấu lấy tôi. Cha anh không bao giờ tìm dịp cả. Chính vì thế mà ông đã bắt em ký cái bản thỏa thuận trước khi cưới ấy. Ông muốn dành tất cả mọi thứ cho cậu con trai quý tử của mình! Tôi chực gượng dậy nhưng Raina đã chuyển dịch chân một cách rất bí ẩn thế nào đó. Cười đắc thắng, em nói: “Nhưng anh sẽ làm em có mang, phải không, Giônơx? Ai ngoài chúng ta biết điều đó? Và anh sẽ chung hưởng gia tài với đứa con của anh ngay cả khi cả thế giới tin rằng nó là con ba anh!” Em cong người lên dưới tôi, tìm kiếm và đòi hỏi sinh lực của tôi. Và bất chợt, nổi xung lên, tôi dằn ra được khỏi em, đúng vào lúc sức lực tôi dốc tuột khỏi người. Tôi ngã ngang xuống giường, cạnh chân em. Cơn đau đã qua, tôi mở mắt. Em úp mặt vào gối, khóc. Lặng lẽ, tôi đứng dậy, rời khỏi căn phòng. Suốt dọc được về buồng mình qua phòng lớn, tôi không ngừng nhủ thầm trong óc. Ba tôi có để ý chăm sóc tôi, ông thực sự có để ý đến. Thậm chí nếu như tôi không tìm ra được, thì ông cũng đã yêu tôi. Ông đã yêu tôi nhưng không đủ để lộ ra tình yêu ấy. 7 Khi về tới phòng mình, hai má tôi đã ròng ròng nước mắt. Ngồi trên mình con ngựa vá nhỏ, nòi Inđiơn mà tôi được cho từ hồi lên mười, tôi đang phi như điên qua các cồn cát. Tôi sợ đến lịm người vì ngựa phi nhanh, nhưng không hiểu vì sao mình lại phải chạy trốn. Tôi ngoái đầu nhìn phía sau. Cha tôi cưỡi một con ngựa lang nâu to đuổi theo tôi. Áo vettông của ông mở phanh, bay phồng lên trong gió. Tôi có thể nhìn thấy sợi dây đồng hồ to sụ của ông vắt chéo trên ngực. Giọng ông vọng tới, méo mó quái dị trong gió: “Quay lại đây, Giônơx. Thằng khốn kiếp, quay lại đây ngay!” Quay đầu lại, tôi thúc ngựa phi nhanh hơn, ra roi không thương tiếc. Trên sườn con ngựa hằn lên những vết đỏ. Dần dần, tôi bứt ra được khỏi cha tôi. Và đột nhiên, như chẳng biết từ đâu tới, Nêvađa đã ở bên tôi, nhẹ nhàng trên mình con ngựa ô to của anh. Anh bình thản nhìn chéo sang tôi. Giọng anh nhỏ nhẹ: “Quay lại đi Giônơx, cha chú gọi kìa. Mà chú là cái loại con trai gì cơ chứ hả?” Tôi không đáp mà vẫn tiếp tục thúc ngựa. Tôi ngoái lại phía sau một lần nữa. Cha tôi đang ghìm cương đứng lại. Mặt ông buồn rười rượi. “Hãy trông nom nó, Nêvađa”. Tôi chỉ còn nghe được thoang thoảng tiếng ông, hai chúng tôi đã cách nhau rất xa. “Trông nom nó, tôi không đủ thì giờ nữa”. Ông giật cương vòng lại và bắt đầu phóng đi. Tôi đứng lại, nhìn theo. Bóng ông đã nhỏ hẳn. Thậm chí những được viền quanh người ông cũng nhòe đi trong màn nước mắt bất chợt úa ra trên mắt tôi. Tôi muốn thét với theo ông: “Ba ơi, đừng đi”, nhưng không được. Cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi ngồi dậy trên giường, người ướt đẫm mồ hôi. Tôi lắc đầu, xua tan những mảnh giấc mơ còn sót lại. Qua cửa sổ, tôi nghe thấy tiếng huyên náo của bầy ngựa đang ùa ra khỏi dãy chuồng phía sau nhà. Tôi đi đến cửa sổ, nhìn ra ngoài. Mặt trời ở khoảng năm giờ sáng, hắt lên mọi vật một cái bóng dài. Ở sân luyện ngựa, dăm sáu người làm công đang đứng dựa vào hàng rào, xem một người kìm một con ngựa nâu chắc lẳn. Tôi nheo mắt trong nắng. Tôi quay ngoắt khỏi cửa sổ, định xuống ràn ngựa. Đấy chính là thứ thuốc tôi đang cần. Một thứ có thể làm tan nỗi trống rỗng trong lòng tôi, xóa sạch cảm giác đắng nghét ở miệng tôi. Tôi xỏ chân vào cái quần bò Lêvi, mặc một chiếc áo sơ mi xanh bạc, đi ra cửa. Tôi đi dọc hành lang, xuống cầu thang sau và bắt gặp Rôbe. Bác bưng một cái khay để một cốc nước cam và một ấm cà phê đang bốc khói. Bác nhìn tôi, không hề ngạc nhiên: - Chào ông ạ, ông Giônơx. - Chào bác, bác Rôbe. - Ông Mac Alixtơ đang ở đây, muốn gặp ông. Tôi đã đưa ông ấy vào phòng làm việc rồi ạ. Tôi lưỡng lự một thoáng. Ràn ngựa có thể đợi được. Có những việc quan trọng hơn tôi phải làm. “Cám ơn bác, bác Rôbe”. Tôi quay lại phía cầu thang trước. “Ông Giônơx”, Rôbe gọi phía sau. Tôi dừng lại, nhìn bác. - Nếu ông định bàn công chuyện, thì thưa ông, tôi muốn chắc rằng ông sẽ bàn bạc tốt hơn một khi ông đã có cái gì ở trong dạ. Tôi nhìn bác, rồi nhìn cái khay, gật đầu và ngồi bệt xuống bậc thang đầu tiên. Rôbe đặt khay xuống cạnh tôi. Tôi vớ lấy cái cốc nước cam, uống cạn. Rôbe rót cà phê và nhấc tấm vải phủ bánh mỳ nướng. Tôi nhấp một ngụm cà phê. Rôbe nói đúng. Cảm giác trống rỗng nằm ở dạ dày tôi đang biến dần đi. Tôi cầm lấy một lát bánh mỳ nướng. Nếu Mac Alixtơ có để ý tới cái lối tôi ăn mặc thì anh cũng không thốt ra một lời nhận xét nào. Anh đi thẳng vào chuyện. “Mười phần trăm cổ phần thiểu số sẽ được chia như sau”, anh vừa nói vừa trải rộng mấy tờ giấy ra bàn, “hai phẩy năm phần trăm mỗi người – Raina Cođơ và Nêvađa Smith; hai phần trăm mỗi người – thẩm phán Xamuen Hanxken và Pitơ Kơmac, chủ tịch Ngân hàng công nghiệp Renô; và một phần trăm là của Ơgin Đenbai”.luông Tôi nhìn anh: - Giá trị của cổ phiếu là bao nhiêu? - Trên cơ sở nào cơ? – anh hỏi, - Lãi giá hay thực giá? - Cả hai. Mac Alixtơ lại nhìn vào tài liệu của mình: “Trên cơ sở của lãi suất trung bình trong năm năm qua, cổ phần thiểu số ấy trị giá bốn lăm ngàn đô la, còn trên cơ sở thực thì khoảng sáu mười nghìn gì đó”. Anh châm một điếu thuốc. “Khả năng thu lãi của công ty đã bị giảm từ sau chiến tranh”. - Thế nghĩa là sao? - Trong thời bình, nhu cầu về sản phẩm của ta không lớn như thời chiến. – Anh đáp. Tôi rút một điếu thuốc, châm lửa. Tôi bắt đầu nghi ngờ về một trăm nghìn đôla tôi có thể trả cho Mac Alixtơ. “Nói cho tôi biết về cái tôi còn chưa biết đi”, tôi giục. Anh nhìn tài liệu rồi nhìn tôi: “Ngân hàng của Kơmac đã hủy giao kèo cho vay hai trăm nghìn đôla mà ông cụ anh muốn có để tài trợ cho cái hợp đồng Đức mà anh ký hôm qua”. Tôi từ từ dập điếu thuốc vào gạt tàn. “Như thế tức là tôi bị đẩy vào cảnh thiếu vốn chứ gì?” Mac Alixtơ gật đầu: “Đúng vậy”. Câu hỏi tiếp sau của tôi hoàn toàn bất ngờ với anh: - Thế anh đã định làm gì đối với việc này? Anh trố mắt nhìn tôi như nhìn một nhà tâm lý: “Cái gì đã khiến anh nghĩ được là tôi đã có cách thế?” - Anh ở trong phòng làm việc của ba tôi khi tôi đến đấy và tôi biết là ông bố tôi không gọi anh đến để giải quyết với cha mẹ cô gái. Ông có thể tự mình làm được. Và rồi anh nhận làm với tôi. Như thế có nghĩa là anh chắc có thể kiếm được tiền. Mac Alixtơ bắt đầu mỉm cười: “Tôi đã thu xếp được một giao kèo khác ở Tơrot Paiơnia Nasơnơl ở Lôx Angiơlex. Tôi hỏi ba trăm nghìn, để cho chắc ăn”. - Tốt, - Tôi nói, - như thế là tôi sẽ có tiền mua lại số cổ phần thiểu số của công ty. Mac Alixtơ vẫn chằm chằm nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên khi tôi gieo mình xuống cái ghế cạnh anh. “Nào,” tôi nói, “bây giờ hãy nói cho tôi biết mọi điều anh đã tìm ra được về cái sản phẩm mà cha tôi đã sôi sục lên ấy. Anh gọi nó là gì nhỉ? Chất dẻo à?” 8 Rôbe dọn một bữa điểm tâm theo kiểu trại chăn nuôi: thịt nướng, trứng và bích quy nóng. Tôi nhìn quanh bàn. Cái đĩa cuối cùng đã được đem đi và Rôbe ý tứ rút lui, khép cánh cửa lại phía sau bác. Tôi uống cạn cốc cà phê, đứng dậy. - Thưa các vị, - tôi nói, - Tôi biết rằng mình không cần phải diễn tả bản thân đã bàng hoàng như thế nào khi đột nhiên hôm qua thấy phải chịu trách nhiệm về một công ty lớn như THUỐC NỔ COĐƠ. Vì thế cho nên hôm nay tôi mời các vị đến đây để giúp đỡ tôi quyết định xem nên làm cái gì là tốt nhất cho công ty. Giọng Kơmac the thé vọng từ đầu bàn kia lại: “Con có thể trông cậy vào các bác xem cái gì là đúng, con ạ.” - Xin cảm ơn ông, ông Kơmac, - tôi đáp, - tôi thấy hình như việc đầu tiên ta phải làm là bầu ra một chủ tịch mới cho công ty. Một người sẽ tận tụy với công việc như cha tôi. Tôi nhìn quanh bàn. Đenbai ngồi ở đầu kia, nguệch ngoạc ghi chép lăng nhăng trên một cuốn sổ. Nêvađa đang cuốn một điếu thuốc. Anh nhìn tôi, mắt cười cười. Mac Alixtơ ngồi lặng lẽ cạnh anh. Haxken và Kơmac đều lặng thinh. Tôi chờ cho im lặng trở nên nặng nề. Và nó trở nên nặng nề thật. Tôi không cần phải được bảo xem ai là bạn tôi. - Các vị có ý kiến gì đề xuất không? – Tôi hỏi. Kơmac nhìn tôi: “Anh làm chăng?” - Ngày hôm qua tôi đã nghĩ thế, - tôi đáp. – Nhưng rồi gác nó đến hôm nay và sáng nay đã đi đến kết luận rằng việc đó quá khó khá đối với một người có cái vốn kinh nghiệm cỡ như tôi. Từ sáng đến giờ, lúc này mới thấy mặt Haxken, Kơmac và Đenbai tươi tỉnh hẳn lên. Họ liếc nhau rất nhanh. Kơmac nói: “Con nghĩ thế thật thỏa đáng. Thế nào, thẩm phán Haxken, có được không? Ông đã về hưu nhưng bác thiết tưởng ông có thể đảm nhận chức vụ đó để giúp đỡ con không?” Tôi quay sang viên thẩm phán: “Ông làm nhé, ông thẩm phán?” Ông ta mỉm cười chậm rãi: “Chỉ là để giúp cháu, giúp cháu thôi”. Tôi nhìn Nêvađa. Anh tủm tỉm cười. Tôi mỉm cười đáp lại, rồi quay sang những người khác: “Ta biểu quyết về việc ấy chứ các vị?” Bây giờ Đenbai mới nói: “Theo điều lệ của công ty, một chủ tịch chỉ có thể được bầu ra ở một cuộc họp các cổ đông. Và chỉ do đa số ủng hộ của cổ phần lớn”. - Thế thì hãy họp các cổ đông vậy, - Kơmac nói, - cổ phần đã được đại diện ở đây rồi. - Ý hay đấy, - tôi nói và quay sang phía thẩm phán Haxken, mỉm cười nói thêm, - Liệu như tôi có thể bầu với cơ sở cổ phần của mình? - Hẳn chứ, cháu ạ, - Ông ta tươi mặt lên, móc túi một tờ giấy, đưa cho tôi, - Đây, có ở trong di chúc của ba cháu đây. Sáng nay bác đã đưa nó đi nhận thực rồi. Tất cả bây giờ là chính thức của cháu. Tôi cầm lấy di chúc và tiếp tục. “Vậy được rồi, cuộc họp ban giám đốc kết thúc và cuộc họp các cổ đông bắt đầu. Mục đầu tiên trong chương trình nghị sự là bầu một chủ tịch kiêm thủ quỹ của công ty thay cho ông Giônơx Cođơ quá cố”. Kơmac mỉm cười: “Tôi đề cử ông thẩm phán Xamuen Hanxken”. Đenbai nói nhanh. Quá nhanh: “Tôi ủng hộ”. Tôi gật đầu: “Việc đề cử ông thẩm phán Haxken được chấp thuận. Còn đề nghị gì khác nữa không trước khi khóa sổ danh sách đề cử?” Nêvađa đứng dậy: - Tôi đề cử Giônơx Cođơ, con. – Anh nói lè nhè. Tôi mỉm cười với anh: “Cảm ơn ông”. Tôi quay sang viên thẩm phán, giọng sắt lại, lạnh ngắt: “Đúng là tôi nghe thấy lời ủng hộ không nhỉ?” Mặt viên thẩm phán đỏ bừng. Ông ta liếc Kơmac, rồi Đenbai. Đenbai tái nhợt người. - Có phải tôi nghe thấy lời ủng hộ không nhỉ? – Tôi lạnh lùng nhắc lại. Ông ta biết là tôi đã thắng bọn kia rồi. “Tôi ủng hộ”, ông ta yếu ớt nói. Và sau đó thì dễ dàng. Tôi mua lại cổ phần của họ với hai mươi lăm nghìn đôla và việc đầu tiên tôi làm là sa thải Đenbai. Nếu như cần thư ký, tôi không cần một con lươn bóng mượt, xảo trá như anh ta. Tôi thích một thư ký có ngực cơ. Rôbe bước vào phòng làm việc nơi tôi và Mac Alixtơ đang bận bịu với giấy tờ. Tôi ngẩng lên: “Gì thế, bác Rôbe?” Bác cúi đầu trịnh trọng: “Thưa ông, cô Raina muốn gặp ông trên phòng của cô ấy ạ.” Tôi đứng dậy, vươn vai. Ngồi bàn giấy nửa ngày trời thế này thật đúng mệt hơn bất kỳ việc gì khác. “Được, tôi lên ngay đây”. Mac Alixtơ nhìn tôi dò hỏi: - Chờ tôi một tý, - tôi nói, - tôi không đi lâu đâu. Rôbe mở cửa cho tôi và tôi lên cầu thang đến phòng Raina. Tôi gõ cửa. - Mời vào, - em nói. Em đang ngồi cạnh bàn, trước gương. Luidơ đang chải tóc cho em bằng một cái lược trắng to đùng. Mắt em nhìn tôi trong gương: - Em muốn gặp anh phải không? – tôi hỏi. - Phải, - em đáp và quay sang Luidơ, - Giờ thế là đủ, cô đi đi. Cô ta gật đầu lặng lẽ và đi ra cửa. Raina nói với theo: “Chờ ở dưới nhà ấy. Khi nào cần, tôi sẽ gọi”. Em nhìn tôi, mỉm cười: “Con bé ấy có cái tính hay nghe trộm ở lỗ khóa”. - Anh biết, - Tôi đáp và đóng cửa lại. – Em muốn gặp anh để làm gì? Raina đứng dậy. Cái áo thụng đen xòe ra quanh em. Tôi có thể nhìn thấy, qua nó, rằng bên trong em cũng mặc đồ lót đen. Mắt Raina bắt gặp mắt tôi. Em lại mỉm cười: “Anh thấy bộ đồ góa phụ của em thế nào?” - Rất là góa phụ vui vẻ[6], - tôi đáp – nhưng điều ấy hẳn không phải lý do em gọi anh lên đây. Em châm một điếu thuốc lá: “Em muốn đi khỏi đây ngay sau lễ tang”. - Để làm gì? – tôi hỏi, - cái nhà này là của em. Ông ấy cho em. Qua làn khói thuốc lá thở ra, em nhìn thẳng vào mắt tôi: “Em muốn anh mua lại cái nhà này”. - Anh làm gì có tiền? - Anh sẽ có tiền. – Raina nói thẳng. – Ba anh luông lấy tiền mua những cái mà ông cần. Tôi nhìn em kỹ từ đầu đến chân. Em có vẻ như biết chính xác mình đang làm cái gì. “Em lấy bao nhiêu?” tôi thận trọng hỏi. - Một trăm nghìn đôla. – em bình thản đáp. - Sao? – tôi thốt lên, - Nó không đáng đến năm lăm nghìn. - Em biết. Nhưng em gộp thêm cả cái khác nữa vào đấy. – Cổ phần của em trong công ty thuốc nổ Cođơ. - Cổ phần cũng không đáng đến thế được! – Tôi phát khùng, - Vừa mới sáng nay anh mua gấp đôi chỗ cổ phần ấy với hăm lăm ngàn! Raina đứng dậy, tiến đến chỗ tôi. Mắt em lạnh lùng ngẩng lên nhìn tôi, “Này, anh Giônơx, em đang rất tử tế biết điều đấy. Theo luật của bang Nêvađa, em được một phần ba bất động sản của ba anh, dù có di chúc hay không. Nếu thích, em có thể phá được việc thực hiện di chúc. Và ngay cả khi không thể phá được, em cũng có thể làm anh lằng nhằng chết dí ở tòa án năm năm. Và như vậy thì tất cả kế hoạch của anh sẽ ra sao?” Tôi lặng lẽ chằm chằm nhìn Raina. - Nếu anh không tin, tại sao không đi hỏi cái anh bạn luật sư dưới nhà xem? – Em nói thêm. - Em hẳn đã hỏi rồi à? – Tôi đoán. - Hẳn đi chứ lỵ. Em đáp gọn. – Ông thẩm phán Haxken đã gọi điện cho em ngay sau khi về đến bàn giấy của mình. Tôi hít một hơi dài. Đáng lẽ nên biết trước rằng cái lão khốn kiếp ấy sẽ không chịu buông dễ thế đâu. “Nhưng anh không hề có nhiều tiền đến như vậy. Cả công ty nữa”, tôi nói. - Em biết. Nhưng em sẵn sàng tỏ ra biết điều. Em sẽ lấy năm mươi nghìn trong cái ngày sau lễ tang và giấy cam đoan của anh có chứng nhận của công ty rằng sẽ trả mười nghìn từng năm cho em trong vòng năm năm tới. Không cần một luật sư nói cho rõ. Tôi cũng biết rằng Raina đã được xuôi bày đâu ra đấy. “Ôkê”, tôi đáp, “Em xuống nhà đi. Anh sẽ bảo Mac Alixtơ thảo giấy tờ”. Em lại mỉm cười: “Em không thể làm thế được”. - Sao lại không? – Tôi hỏi sẵng. - Em đang để tang. Bà quả phụ Giônơx mò xuống lầu dưới tính toán chuyện làm ăn thì nom sao được. – Em quay lại bàn phấn, ngồi xuống. – Khi nào giấy tờ xong, anh gửi nó lên đây cho em. 9 Khi hai chúng tôi ra khỏi xe tắc xi, bước tới trước cửa tòa nhà băng ở khu làm ăn của Lôx Angiơlex thì đã năm giờ chiều. Chúng tôi đi qua cửa, vòng ra sau, tới văn phòng ban giám đốc. Mac Alixtơ dẫn tôi đi qua một cái cửa nữa ngoài đề PHÒNG RIÊNG. Đây là một phòng tiếp khách. Một cô thư ký ngẩng lên: “A, ông Mac Alixtơ”, cô mỉm cười. “Chúng tôi ngỡ là ông đang ở Nêvađa cơ đấy”. - Tôi đã ở đó. – Mac đáp. – Ông Mêrôni có ở đây không cô? - Dạ để tôi xem lại đã ạ. – cô gái nói. – Đôi khi ông ấy có thói quen đi khỏi văn phòng mà chẳng nói cho tôi đâu. – Cô ta biến mất sau một cánh cửa khác. Tôi nhìn Mac Alixtơ: “Đây chính là loại thư ký tôi muốn. Vừa thông minh, vừa có một cặp nhũ hoa tuyệt đẹp”. Mac mỉm cười: “Một cô thư ký như vậy kiếm ra bảy lăm, tám mươi đôla một tuần đấy. Không phải rẻ đâu”. Muốn có đồ tốt thì phải tốn chứ. – Tôi đáp. Cô thư ký hiện ra trên ngưỡng cửa, nhoẻn cười: “Ông Mêrôni sẽ tiếp ông bây giờ đấy, ông Mac Alixtơ ạ.” Tôi theo Mac vào phòng trong. Căn phòng rộng, tường ốp gỗ sẫm màu. Một cái bàn to kê ở giữa phòng. Sau bàn là một người đàn ông nhỏ nhắn, tóc màu xám thép đã hoa râm, có cặp mắt đen tinh nhanh. Thấy chúng tôi bước vào, ông ta đứng dậy. - Ông Mêrôni. – Mac Alixtơ giới thiệu. – Đây là Giônơx Cođơ. Mêrôni chìa tay ra. Tôi bắt tay ông ta. Bàn tay không mềm mại như thường thấy ở chủ nhà băng. Nó rắn đanh, sần sùi chai, bắt rất chặt. Bao nhiêu năm vất vả đã tích tụ trong nó, và phần lớn những năm ấy không phải là đã trôi qua đằng sau một cái bàn. “Hân hạnh được gặp ông, ông Cođơ ạ.” Giọng ông ta lơ lớ theo kiểu người Italia. - Rất hân hạnh ạ. – Tôi kính trọng đáp. Ông ta chỉ mấy cái ghế trước bàn, mời chúng tôi. Chúng tôi ngồi. Mac Alixtơ vào chuyện luôn. Khi anh ngừng, Mêrôni cúi người về phía trước bàn, nhìn thẳng vào tôi: “Tôi rất buồn, được biết về tổn thất của ông”. Ông ta thốt lên, “Tôi có được nghe nhiều chuyện về ông nhà. Ông nhà thật là một con người khác thường”. Tôi gật đầu: “Đúng thế đấy ạ”. - Như vậy tất nhiên điều ấy sẽ tạo nên sự khác biệt, ông biết ấy. Tôi nhìn ông ta: “Thưa ông Mêrôni, không tính tới chi tiết kỹ thuật, tôi thiết tưởng khoản vay được thỏa thuận với Công ty thuốc nổ Cođơ, chứ không phải với ba tôi hay tôi”. Mêrôni mỉm cười: “Một chủ nhà băng giỏi cho các công ty vay vốn thật đấy, nhưng luôn luôn nhìn ra những người nào ở đằng sau chúng”. - Thưa ngài, kinh nghiệm của tôi có hạn, nhưng tôi thiết tưởng mục tiêu đầu tiên của một chủ nhà băng giỏi là đạt được bảo đảm ký quỹ thỏa đáng với vốn vay của mình. Tôi tin rằng điều đó đã được thể hiện rõ ràng trong giao kèo vay vốn mà ông Mac Alixtơ đây đã thỏa thuận được với ông. Mêrôni mỉm cười. Ông ngả người ra sau ghế, rút một điếu xì gà khỏi hộp. Ông châm lửa, nhìn tôi qua màn khói. “Ông Cođơ, xin ông hãy nói xem: ông tin rằng cái gì là trách nhiệm chính của một người vay tiền nào?” Tôi nhìn ông ta: “Làm cho số vốn vay được sinh lãi”. - Tôi nói là người vay chứ không phải là người cho vay đâu. - Tôi biết ý ông nói thế, ông Mêrôni ạ. Nhưng nếu tôi không cảm thấy rằng tôi sẽ kiếm lời với sô tiền ông cho vay, thì việc vay mượn của tôi sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. - Vậy ông hy vọng kiếm lãi bằng cách nào thế? – Ông ta hỏi – Thưa ông Cođơ, ông thông thạo công việc của mình đến mức nào nào? - Không thông thạo đến mức đáng ra tôi phải theo ông, ông Mêrôni ạ. Và chắc chắn là không bằng cái mức tôi sẽ đạt được vào tuần sau, tháng sau, năm sau. Nhưng có điều này thì tôi thành thạo đến mức hiểu nổi ông ạ. Rằng ngày mai đang tới, cùng với nó là cả một thế giới mới. Sẽ có những dịp làm ra tiền chưa từng tồn tại ở thời của ba tôi đâu. Và tôi sẽ tận dụng chúng, Mêrônia ạ. - Có lẽ ông muốn nói tới cái sản phẩm mới mà ông vừa mới ký hợp đồng với Đức chăng? - Đó là một phần. – Tôi đáp, mặc dù thực ra nghe ông ta nhắc, tôi mới sực nghĩ đến nó. - Thế ông biết về chất dẻo đến mức nào? - Rất ít. – Tôi thú nhận. - Vậy cái gì làm ông chắc nó đáng giá đến thế? - Mối quan tâm của các hãng Đuy Pôn và Ixtman về quyền tiền cả. Và, việc ông thuận lòng cho chúng tôi mượn tiền để mua được quyền sản xuất. Ngay sau khi thu xếp xong một vài thứ ở đây, tôi định sẽ bỏ ra hai tháng sang Đức học tất cả những gì cần biết về chất dẻo. - Ai sẽ điều hành công ty khi ông đi vắng. – Mêrôni hỏi. – Trong vòng ba tháng, có rất nhiều cái có thể xảy ra. - Ông Mac Alixtơ, thưa ông. – Tôi đáp. – Ông ấy đã đồng ý tham gia công ty rồi. Mặt Mêrôni lộ ra một vẻ kính nể: “Tôi biết các ông giám đốc khác có thể không đồng ý với tôi, ông Cođơ ạ. Nhưng tôi đã quyết định cho ông vay tiền. Nó có thể có một số điểm nào đó không phù hợp với cái mà thiên hạ cho rằng đó mới đúng là việc giao dịch ngân hàng. Nhưng công ty Paiônia Nasơnơl chúng tôi được hình thành trên những khoản vay như vậy. Chúng tôi đã là những ngân hàng đầu tiên cho vay tiền để sản xuất phim. Và không có gì địch nổi với tầm tính toán nhìn xa trông rộng của việc ấy”. - Xin cám ơn ông, ông Mêrôni ạ. – Tôi nói. Ông ta nhấc ống nghe lên: “Đem vào cho tôi cái bản thỏa thuận cho Công ty Cođơ vay, và séc nhé”. – Ông sẽ để ý thấy rằng, - ông ta nói, - mặc dù vốn mượn có ba trăm nghìn đôla, nhưng chúng tôi đã mở rộng tài khoản của ông theo hợp đồng này lên tối đa là năm trăm ngàn. – Ông ta mỉm cười với tôi. – Đó là một trong những nguyên tắc làm ngân hàng của tôi, ông Cođơ ạ. Tôi không tán thành việc quá ngặt nghèo về tiền nong với các khách hàng của tôi. Đôi khi, một vài đôla thêm ra lại đánh dấu sự khác nhau giữa thất bại và thành công đấy! Đột nhiên, tôi cảm thấy mến con người này. Phải là người có con mắt tinh đời mới nhìn ra được người khác cũng tinh đời chẳng kém. Ông Mêrôni này có đôi mắt ấy. Tôi mỉm cười với ông: “Xin cảm ơn ông, ông Mêrônia ạ. Hy vọng là tôi sẽ kiếm được thêm rất nhiều tiền cho cả hai chúng ta”. Tôi cúi xuống bàn, ký vào bản thỏa thuận. - Tôi tin ông nhất định sẽ làm được. – Mêrôni vừa nói vừa đẩy tấm séc về phía chúng tôi. Tôi nhặt nó lên, không nhìn, đưa ngay cho Mac Alixtơ: “Xin cám ơn ông một lần nữa, ông Mêrôni ạ. Xin lỗi là chúng tôi phải hớt hải như thế này; nhưng đúng là chúng tôi phải về Nêvađa ngay tối nay”. - Đêm nay ư? Nhưng từ giờ đến sáng mai, làm gì có tàu! - Tôi có máy bay riêng, ông Mêrôni ạ. Chúng tôi đã bayd dến đây đấy. Và 9 giờ tối nay, chúng tôi lại ở nhà rồi. Mêrôni đi vòng ra khỏi bàn. Mặt ông ta tỏ vẻ lo âu: “Nên bay thâm thấp thôi ông Cođơ ạ. Dù sao chúng tôi cũng vừa đưa cho ông một khoản tiền lớn!” Tôi bật cười thành tiếng: “Ồ không lo, ông Mêrôni ạ. Nó an toàn như một cái ô tô thôi. Hơn nữa nhỡ xảy ra chuyện gì với chúng tôi trên được về, ông chỉ cần từ chối trả tiền khi séc đưa đến”. Mac và Mêrôni cười theo. Tôi nhận thấy mặt Mac lộ vẻ căng thẳng. Nhưng xứng với tính cách tuyệt vời của anh, anh không nói một lời. Chúng tôi bắt tay nhau. Mêrôni tiễn chúng tôi ra cửa. “Chúc may mắn”, ông ta nói. Chúng tôi bước ra phòng ngoài. Một người đàn ông đang ngồi trên đi văng. Anh ta chậm rãi đứng dậy. Tôi nhận ra đó là Bâdơ Daltơn, viên phi công có cái máy bay bị mất với tôi vì thua bạc. “Ê, Bâdơ”, tôi gọi to, “không chào chiến hữu một câu hả?” Một nụ cười toác ra khắp mặt anh chàng: “Ô, Giônơx!” anh ta rú lên, “Cậu làm cái quái gì ở đây thế hả?” - Bòn lấy ít hào, thế còn cậu? - Cũng vậy, - anh ta đáp, mặt lại xìu xuống ngán ngẩm. – Nhưng chưa được cái đếch gì. Sao thế? Bâdơ nhún vai: “Tớ kiếm được một cái hợp đồng chở thư. Từ L.A đến Frixcô[7]. Mười hai tháng, mỗi tháng đảm bảo kiếm được một thiên. Nhưng có lẽ phải bỏ của thôi. Tớ không xoay đâu cho đủ ra được hào để mua ba cái máy bay cần. Ngân hàng nào cũng nghĩ trò này quá liều”. - Cậu phải mượn bao nhiêu? - Khoảng hăm lăm ngàn. Hai mươi cho máy bay và năm cho chi phí đến khi có món thu đầu tiên. - Cậu cầm hợp đồng chưa? - Trong túi đây. – Anh ta nói, lôi nó ra. Tôi cầm lấy nhìn. – Có vẻ kiếm được đấy. - Đúng vậy, - anh ta đáp. – Tớ đã tính toán rồi. Mỗi tháng có thể được năm ngàn, đã trừ chi phí và trừ nợ. Đây, tờ giấy tớ đã tính toán đây. Số liệu xem ra có vẻ đúng. Tôi hiểu rất rõ chi phí cho một cái máy bay hoạt động. Tôi quay sang nhìn Mêrôni: “Lúc nãy trong kia ông nói thật đấy chứ? Về cái khoản vốn đôi của tôi ấy mà? Không có ràng buộc gì đấy chứ?” Ông mỉm cười: “”Không hề có ràng buộc gì”. Tôi lại chỗ Bâdơ. “Cậu sẽ nhận được tiền với hai điều kiện”. Tôi nói: “Tớ sẽ chiếm năm mươi phần trăm cổ phần trong công ty cậu và giữ được vốn bằng máy bay của cậu, trừ dần trong vòng mười hai tháng. Cả hai đều được trả cho Công ty thuốc nổ Cođơ”. Mặt Bâdơ lại ngoác ra một nụ cười: “Ok, anh bạn. Tớ nhất trí”. - Ok. – Tôi đáp. Tôi quay sang ông Mêrôni, - phiền ông giải quyết dùm những chi tiết hộ. Tôi phải về đêm nay. - Rất vui lòng, thưa ông Cođơ. – ông mỉm cười. - Ghi hợp đồng cho vay là ba mươi ngàn, - Tôi nói. - Này, hượm đã. – Bâdơ ngắt lời, - tớ chỉ cần có hai mươi lăm thôi mà. Tớ biết. – Tôi đáp mỉm cười nhìn anh bạn, - nhưng hôm nay tớ mới học thêm được một điều. - Gì thế? – Bâdơ hỏi. - Thật là vụng làm ăn nếu chỉ cho một người mượn vừa đủ tiền, làm anh ta khó xoay xở. Như thế là đánh liều và cả hai dễ hỏng việc. Nếu như ta thật sự muốn anh ta làm nên chuyện, hãy cho anh ta mượn dư tiền để chắc chắn anh ta sẽ thành công. Đám ma của cha tôi là đám ma to nhất ở cái phần này của nước Mỹ. Thậm chí ông Thống đốc bang cũng tới. Tôi đóng cửa nhà máy và cái nhà thờ nhỏ chật cứng những người. Người đứng tràn ra cả đường. Raina và tôi đứng một mình ở dãy ghế nhỏ ngay phía trước. Em đứng thẳng, người dong dỏng cao trong bộ đồ đen, mái tóc vàng của em lấp sau cái mạng che màu đen. Tôi cúi xuống nhìn đôi giày đen mới ở chân tôi. Đó là giày của cha tôi. Chúng cứa đau tức. Đến phút cuối cùng tôi mới phát hiện ra rằng tôi chả có giày dép gì ở ngôi nhà này cả, trừ đôi huaracho. Robert phải đem đôi giày này lấy từ tủ đồ của cha tôi. Ông chưa hề đụng đến nó. Tôi tự nhủ rằng sẽ không bao giờ đụng đến nó nữa. Tôi thấy một tiếng thở dài của những người dự lễ, và ngẩng lên. Người ta đang đóng nắp quan tài cha tôi. Tôi thoáng nhìn thấy lần cuối cùng khuôn mặt của ông và rồi thế là hết. Đầu tôi chợt trống rỗng rất kỳ lạ và trong một thoáng, tôi không thể hình dung ra được mặt ông. Rồi tiếng khóc đến tai tôi. Tôi khẽ đưa mắt liếc sang bên. Những người phụ nữ Mexico làm ở nhà máy khóc nức nở. Tôi nghe thấy tiếng hỉ mũi. Tôi hơi quay người lại. Đó là Jack Plat, nước mắt lưng tròng cặp mắt mày vàng whisky. Tôi nhìn Raina đứng cạnh tôi. Tôi có thể thấy được cặp mắt em qua tấm mạng đen. Chúng ráo hoảnh và bình thản. Từ đám đông phía sau chúng tôi vọng lại tiếng sụt sùi của nhiều người khóc cha tôi. Nhưng Raina, vợ ông không hề khóc. Cả tôi cũng thế - con trai của ông. 10 Đêm ấm nóng, mặc dù hơi có gió hiu hiu thổi qua sa mạc, qua cánh cửa sổ mở vào buồng. Tôi lăn đi lật lại mãi trên giường, gạt tấm mền đắp xuống. Ngày hôm nay dài quá, bắt đầu với tang lễ rồi sau bàn bạc kế hoạch với Mac Alixtơ cho đến giờ về của anh. Tôi mệt nhoài, nhưng không ngủ được. Rất nhiều ý nghĩ cứ loang loáng lướt qua đầu. Có lẽ chính là vì tôi đã quen nghe những bước chân đi lại của cha tôi trong phòng ông rất lâu sau khi cả tòa nhà đã đi ngủ. Có tiếng động ở cửa. Tôi ngồi nhỏm dậy. Giọng tôi rít lên trong bóng tối: “Ai vậy?” Cánh cửa mở rộng hơn và tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt em. Người em tan vào bóng đêm cùng với tấm áo thụng đen. Em vừa nhỏ giọng nói vừa đóng cửa lại ở phía sau: “Em nghĩ là anh còn thức, Giônơx ạ. Em cũng không ngủ được”. - Lo lắng về chuyện tiền nong của cô ư? – Tôi mỉa mai. – Cái séc đang ở trên bàn quần áo kia cùng với giấy cam đoan đấy. Cô ký đi và thế là nó thành của cô. - Không phải chuyện tiền. – Em nói, tiến sâu hơn vào buồng. - Thế thì chuyện gì vậy? – Tôi hỏi lạnh lùng. – Cô đến để nói rằng cô buồn thay cho tôi? Rằng cô ái ngại? Đây có phải là một chuyến đến chia buồn không nhỉ? Em giờ đã đứng cạnh giường, nhìn xuống tôi: “Anh không cần phải chì chiết như vậy”. Em nói một cách giản dị. “Thậm chí nếu ông ấy là cha anh và em là vợ ông ấy. Phải, em vẫn đến để nói em rất ân hận, rất buồn”. Nhưng tôi chưa thấy hài lòng: “n hận về cái gì?”, tôi đay lại, “Buồn vì ông ấy đã không đưa thêm cho cô ư?”. Tôi cười chua chát. “Cô có yêu ông ấy đâu”. - Không, em không hề yêu ông ấy. – Em nói rành mạch, - Nhưng kính trọng ông. Ông ấy đàn ông hơn bất kỳ ai em đã gặp. Tôi lặng thinh. Và đột nhiên em òa khóc. Em ngồi uống mép giường, hai tay bưng mặt. - Thôi đi. – Tôi thốt lên thô lỗ. – Nước mắt giờ muộn quá rồi. Em bỏ tay xuống, nhìn tôi trừng trừng. Trong bóng tối, tôi vẫn có thể nhìn thấy những giọt nước lóng lánh như bạc lăn trên má em. “Anh biết cái gì là muộn ư?” Em nức lên, “Yêu ông ấy giờ là muộn ư? Em không cố làm như vậy. Mà chỉ là em không thể yêu nổi được một ai. Em không biết tại sao. Nhưng em là thế đấy, thế thôi. Ba anh biết như thế và hiểu được điều đó. Chính vì thế em lấy ông. Không phải vì tiền của ông. Và ông cũng biết vậy. Ông bằng lòng với những cái em đem lại cho ông”. - Nếu đấy là sự thực, - tôi nói, - vậy thì sao cô khóc? - Bởi vì em sợ. – Em đáp. - Sợ ư? – Tôi cười. Điều đó không hợp với Raina tý nào cả. – Em sợ cái gì? Em lấy ra một điếu thuốc từ đâu đó trong áo choàng của mình và ngậm ngay vào miệng, không châm lửa. Cặp mắt em sáng quắc nhìn tôi như cặp mắt một con cáo bắt ánh lửa trại đêm trên sa mạc. “Đàn ông”, em đáp gọn lỏn. - Đàn ông ư? – Tôi lặp lại. – Cô… sợ đàn ông? Tại sao cô – kẻ khiêu khích đàn ông lừng tiếng… - Phải, đồ ngu ạ! – Em cáu kỉnh đáp. – Em sợ lũ đàn ông, sợ nghe những đòi hỏi của họ, ngán sợ những bàn tay dâm đãng của họ, những bộ óc suy nghĩ một chiều của họ. Nghe họ giấu nỗi thèm khát của họ bằng lời yêu đương trong khi tất cả những gì họ mong là một thứ duy nhất – được nhét vào bên trong em! - Cô điên rồi! – tôi bực tức nói, - Đó không phải là thứ duy nhất chúng tôi nghĩ tới. - Không ư? – Tôi nghe thấy tiếng diêm đánh xòe và ngọn lửa xua tan bóng tối. Em nhìn xuống tôi. “Vậy nhìn lại anh xem, Giônơx. Nhìn lại anh xem đang thèm khát bà vợ của cha anh kìa!”. Tôi không cần nhìn cũng biết là em đúng. Tôi cáu kỉnh vứt que diêm khỏi tay em. Và, đột nhiên em oomc hầm lấy tôi, hôn lên mặt, lên cằm tôi, người run bắn lên vì sợ hãi. “Giônơx, Giônơx, cho em ở lại với anh. Chỉ đêm nay thôi.” Em kêu lên, “em sợ phải ở một mình lắm”. Tôi giơ tay lên đẩy em ra. Dưới tấm áo choàng, em không mặc thêm cái gì cả. Da em mát lạnh và mịn màng như cơn gió sa mạc đêm mùa hạ, hai đầu vú em cộm lên dưới bàn tay tôi đẩy ra. Tôi sững người, chằm chằm nhìn em trong bóng tối. Chỉ có mặt em hiện lên trước tôi, rồi nước mắt mằn mặn trên môi em và môi tôi. Nỗi giận dữ trong lòng tôi tan vèo trong niềm kích động đang dào lên. Và để mặc cho con quỷ của lòng mình lôi kéo, chúng tôi cùng lăn nhào vào vực thẳm khoái lạc hừng hực của cái địa ngục riêng của chúng tôi. Tôi tỉnh giấc, liếc nhìn ra cửa sổ. Tia nắng mai đầu tiên đã lấp loáng rọi vào trong phòng. Tôi quay sang Raina. Em nằm trên gối tôi, hai tay che mắt ngủ. Tôi khẽ đụng vào vai em. Em bỏ tay ra, mở mắt. Đôi mắt trong và bình thản. Em bước ra khỏi giường rất nhanh nhẹn và uyển chuyển. Người em trông hồng lên một vẻ trẻ trung. Em với lấy cái áo thụng đen vứt dưới chân giường, chui đầu vào. Tôi ngồi ngắm em bước tới cái bàn quần áo. - Có bút ở ngăn kéo trên cùng bên phải đấy, - tôi nói. Em lấy bút, ký vào tờ giấy. - Em không đọc à? – Tôi hỏi. - Để làm gì? – Em lắc đầu, - anh không thể lấy được hơn chỗ em đã đồng ý cho đâu. Em nói đúng. Em đã từ bỏ tất cả quyền sở hữu bất động sản của em. Nhặt tờ séc và bản cam đoan lên, em đi ra cửa. Em quay lại nhìn tôi: - Em sẽ không còn ở đây khi anh ở nhà máy ra về đâu. Tôi nhìn em một hồi. “Em không phải đi đâu cả”, tôi nói. Mắt em nhìn mắt tôi. Hình như tôi thoáng thấy một cái gì buồn bã. “Không, Giônơx”, em nói dịu dàng, “điều ấy sẽ không đem lại kết quả gì đâu”. - Nó có thể, - Tôi nói. - Không, Giônơx ạ. – Em đáp, - đã đến lúc anh bước ra khỏi cái bóng của cha em rồi. Ông là một con người có tầm cỡ lớn và anh rồi cũng sẽ thế. Theo lối của riêng anh. Tôi với lấy một điếu thuốc trên cái bàn bên cạnh giường, lặng lẽ châm lửa. Khói thuốc nóng bỏng ngực tôi. - Thôi chào anh, Giônơx, - em nói, - Chúc anh may mắn. Tôi lặng lẽ nhìn em một thoáng rồi đáp. Giọng tôi khàn khàn vì thuốc lá. “Cám ơn em, Raina”. Cửa mở ra rồi đóng lại nhanh chóng. Em đã đi. Tôi đứng lên khỏi giường, đến bên cửa sổ. Mặt trời buổi sớm mọc đỏ rực ở chân trời. Ngày hôm nay rồi sẽ nóng lắm đây. Có tiếng cửa mở phía sau, tim tôi nẩy lên khỏi lồng ngực. Em đã ở lại, tôi quay lại. Rôbe bước vào, bưng vào một cái khay. Hàm răng trắng bóng của bác sáng lên trong một nụ cười hiền hậu: “Tôi nghĩ rằng thích dùng một cốc cà phòng hê đem lại cho ông đây”. Khi tôi tới nhà máy, Giăc Plat đã cho một tốp thợ trèo lên mái nhà, sơn trắng lại mái nhà. Tôi mỉm cười một mình và bước vào trong xưởng. Cái ngày đầu tiên thật lộn tùng phèo. Hình như chẳng có chuyện gì ổn thỏa cả. Những kíp nổ chúng tôi gửi tới khu mỏ Eđicot đều hỏng cả và phải cấp tốc gửi tới loạt thay thế. Rồi đây là lần thứ ba trong năm nay, hãng Đuy Pông bỏ thầu rẻ hơn, ký được hợp đồng với chính phủ về thuốc Cođit[8]. Tôi bỏ ra nửa ngày xem xét số liệu và cuối cùng nguyên nhân bật lên là ở chính sách về số phần trăm lãi suất của chúng tôi. Khi tôi gợi ý nên xem lại chính sách ấy nếu như có ảnh hưởng tới việc ký kết làm ăn, Giăc Plat phản đối. Cha tôi, ông ta nói, đã tuyên bố rằng, dưới mười hai phần trăm là ông không có làm ăn gì cả. Tôi phát khùng nói với Giăc Plat rằng giờ tôi điều khiển nhà máy, những gì cha tôi làm là của cha tôi. Trong lần đấu thầu tới này, mẹ kiếp, nhất định chúng ta sẽ tính hạ hơn Đuy Pông ba xu một paund[9] là ít. Đến lúc ấy thì đã năm giờ chiều và viên đốc công vận hành đem trình các số liệu sản xuất. Tôi đang chực xem chúng thì Nêvađa xen vào. - Giônơx này, - anh nói. Tôi ngẩng lên. Suốt cả ngày nay, anh ở lì trong văn phòng, nhưng lặng thinh ngồi một chỗ. Thậm chí tôi cũng quên khuấy là có anh. “Gì cơ ạ?” - Tôi về sớm tý được không? Tôi có chút việc. - Được thôi, - tôi đáp, lại bắt đầu xem xét số liệu sản xuất. – Anh lái cái Đuyxenbeg về trước. Còn em sẽ bảo ông Giăc đưa em về. - Khỏi cần. Tôi đã có xe ô tô của mình ở đây rồi. - Anh Nêvađa! – Tôi gọi với theo. – Bảo bác Rôbe rằng tám giờ em sẽ về ăn tối nhé. Anh ngần ngừ một thoáng, rồi đáp: “Được, Giônơx ạ. Tôi sẽ bảo bác ta”. Tôi xong việc sớm hơn dự định và đỗ xịch chiếc Đuyxenberg trước nhà vào lúc bảy rưỡi, đúng lúc Nêvađa bước xuống thềm, hai tay xách hai va li. Anh ngạc nhiên nhìn tôi: “Chú về sớm vậy”. - Ờ. – Tôi đáp. – Em xong sớm hơn là đã tưởng. - Ồ… - Anh thốt lên, bước tiếp tới xe của mình, đặt va li xuống ghế sau. Tôi theo chân anh tới ô tô, và thấy ghế phía sau xe anh toàn là đồ đạc. “Anh định đi đâu với tất cả chỗ đồ đạc này hả Nêvađa?”. - Đó là đồ của tôi. – Anh đáp cộc lốc. - Thì em có bảo là không phải đâu. – Tôi nói. – Em chỉ hỏi là anh định đi đâu đấy. - Tôi đi đây. - Săn hả? – Tôi hỏi. Dịp này là dịp lúc còn nhỏ, tôi thường theo anh lên núi đi săn. - Không phải. Đi luôn. - Hượm đã. – Tôi bật kêu lên. – Anh không thể đi thẳng luôn thế được! Cặp mắt đen của anh nhìn xoáy vào tôi: “Ai bảo tôi không thể đi được, hả?” - Em bảo. Không có anh, em biết xoay sở ra sao? Anh chậm rãi mỉm cười: “Sẽ tốt, tôi chắc vậy. Chú không cần tôi thay tã cho nữa đâu. Mấy bữa cuối cùng hôm rồi, tôi đã xem xét kỹ chú làm ăn đó”. - Nhưng… nhưng mà… - tôi phản đối. Anh vẫn mỉm cười chậm rãi: “Việc nào thì cũng phải có lúc kết thúc chú ạ. Tôi đã bỏ ra mười sáu năm về việc này, và giờ không có chuyện gì để tôi phải làm thêm nữa. Tôi đâu có ưa cảnh cứ lãnh lương mà thực ra là ngồi rồi không xứng hưởng nó”. Tôi chăm chăm nhìn anh một hồi. Anh nói đúng, cái tính khẳng khái đàn ông của anh quá lớn. Anh không bao giờ chịu nổi thân phận láng cháng làm thằng ăn bám hầu hạ người. “Anh có đủ tiền chưa?” Anh gật đầu: “Mười sáu năm nay, tôi chưa xài được xu nào trong số tiền riêng của mình cả. Ba chú không cho đụng đến nó”. - Rồi anh định sẽ làm gì? - Đến ở với một cặp bạn già. Chúng tôi sẽ đem một cái “Triển lãm Miền Tây[10]” đi dọc theo vùng California. Hẳn là sẽ vui vẻ chộn rộn lắm. Chúng tôi đứng vụng về một hồi lâu. Rồi Nevada chìa tay: “Thôi chào chú, Giônơx”. Tôi nắm lấy tay anh, không muốn rời. Nước mắt bắt đầu rân rân dưới mi tôi. “Em chào anh, anh Nêvađa”. Anh đi vòng sang bên kia xe, ngồi vào tay lái. Anh nổ máy, cài số luôn, ô tô rồ lên, lao đi, anh giơ tay chào. - Viết thư cho em nhé, anh Nêvađa! – Tôi thét lên, nhìn theo đăm đăm cho tới khi anh khuất hẳn. Rồi tôi quay người bước lại nhà, đi vào phòng ăn, ngồi xuống cái bàn trống rỗng. Bác Rôbe bước vào, cầm một cái phong bì trên tay. “Ông Nêvađa để lại cái này cho ông ạ”, bác nói. Nghẹn ngào, tôi cầm lấy, xé phong bì, rút ra một bức thư viết bằng bút chì, lời lẽ thô mộc vụng về: NHỎ YÊU, Tôi không phải là thằng ưa nói năng từ giã, nên mới có cái này. Ở đây không có việc gì cho tôi làm nữa, nên tôi thấy rằng mình đã đến lúc đi thôi. Suốt đời, tôi mong tặng nhỏ một cái gì nhân ngày sinh nhật của nhỏ, nhưng ba nhỏ luôn chơi trội hơn tôi. Ông cho nhỏ tuốt tuột mọi cái. Và vậy là đến giờ, nhỏ chẳng cần cái gì để tôi có thể cho nhỏ được cả. Nhưng trong phong bì này, nhỏ sẽ thấy một cái nhỏ thực cần. Nhỏ khỏi lo lắng gì hết trọi. Tôi đã tới một ông luật sư ở Renô, và ký sổ đóng kèm đầy đủ hợp lệ mọi thứ cả rồi. Chúc mừng sinh nhật Bạn của nhỏ Nêvađa Tôi nhìn mấy tờ giấy còn lại trong phong bì. Những chứng nhận cổ phần của Công ty thuốc nổ Cođơ, chuyển sang tên tôi. Tôi đặt chúng xuống bàn. Cổ họng tôi từ từ nghẹn lại. Đột nhiên, tòa nhà trống rỗng. Tất cả đã bỏ đi hết. Ba tôi, Raina, Nêvađa. Tất cả. Ngôi nhà bắt đầu vọng âm u những kỷ niệm. Tôi nhớ đến lời Raina nói – về việc cần thoát ra khỏi cái bóng của ba tôi. Em nói đúng. Tôi không thể sống ở trong tòa nhà này. Nó không phải của tôi. Nó là của ba tôi. Đối với tôi, lúc nào nó cũng thuộc về ông. Tôi đã quyết định. Sẽ tìm một căn hộ ở Renô. Trong một căn hộ, không thể có kỷ niệm được. Ngôi nhà này tôi sẽ nhường lại cho Mac Alixtơ. Anh có gia đình, nó sẽ đỡ cho anh việc tìm một chỗ ở. Tôi nhìn lại bức thư của Nêvađa một lần nữa. Dòng cuối cùng đập vào mắt tôi. Chúc mừng sinh nhật. Lòng tôi bỗng đau quặn. Tôi đã quên, Nêvađa là người duy nhất còn lại là đã nhớ. Hôm nay là sinh nhật của tôi. Tôi tròn hăm mốt tuổi. Quyển hai. CHUYỆN CỦA NÊVAĐA SMITH 1 Khi Nêvađa quặt xe khỏi quốc lộ, rẽ vào một con đường đất lấm bụi dẫn tới ràn súc vật thì đã chín giờ tối. Anh dừng xe trước cửa tòa nhà lớn, bước ra. Anh đứng lặng lẽ một hồi lâu, lắng nghe tiếng cười đùa từ sòng bạc ồn ào vọng lại. Một người đàn ông bước ra hàng hiên, nhìn anh: “Chào Nêvađa”. Nêvađa đáp, vẫn không quay lại: “Chào cậu, Chaly. Mấy bà bỏ chồng ngó bộ trửng giỡn quá hả”. Chaly mỉm cười: “Sao không? Hầu hết bọn họ đều kiếm lời qua việc bỏ chồng đấy”. Nêvađa quay lại và ngẩng lên nhìn người bạn: “Tớ cũng nghĩ vậy. Chỉ có điều là hổng tài nào quen được với cái ý có thể chăn dắt đàn bà thay cho chăn nuôi súc vật được”. - Giờ thì có lẽ cậu sẽ dần quen, - Chaly đáp, - dù sao cậu cũng chiếm năm mươi phần trăm lãi của cái trò này cơ mà. Đã đến lúc lo ổn định làm ăn rồi đấy. - Tớ không biết. – Nêvađa thốt lên – Chân cẳng đang ngứa ngáy muốn đi đây này. Có lẽ tớ ở lì một chỗ thế là quá đủ rồi. - Cậu định đi đâu? – Chaly hỏi – Không còn nơi nào bỏ hoang cả. Đất đai đều có chủ, ngang dọc những đường là đường dẫn tới một nơi nào đó. Cậu muộn mất ba mươi năm rồi. Nêvađa lặng lẽ gật đầu. Chaly nói đúng. Nhưng kỳ lạ là anh không hề cảm thấy mình đã muộn ba mươi năm. Anh đang cảm thấy như đã từng cảm thấy. Ngay lúc này cũng thế. - Tớ để cô ta ở căn nhà gỗ của cậu đấy. – Chaly nói, - Mathơ và tớ sẽ chờ cơm hai người. Nêvađa ngồi lại vào xe. “Thế thì tớ đi đưa cổ lại đây. Tớ tắm rửa chút đỉnh rồi sẽ lại ngay”. Chaly gật đầu, đi vào. Xe nổ máy. Đến cửa, Chaly dừng lại nhìn theo chiếc xe đang lượn ngoằn nghèo leo lên ngọn đồi thấp, vòng ra sau ràn. Anh lắc đầu, bước vào nhà. Mathơ đang đợi anh. “Anh ấy thế nào?” chị lo lắng hỏi. - Không biết nữa, - Chaly trả lời, lại lắc đầu, - có vẻ buồn buồn và là lạ thế nào ấy. Tôi cũng chẳng rõ. Căn nhà gỗ tối om khi Nêvađa bước vào. Anh với lấy ngọn đèn dầu để cạnh cửa, đặt lên bàn. Anh đánh một que diêm, đưa đến ngọn bấc. Nó nhấp nháy một thoáng rồi sáng bừng lên. Anh đậy cái bóng đèn lại rồi đặt cây đèn lên giá trên tường. Giọng Raina vọng tới từ phía sau lưng: “Sao anh không bật đèn, hở Nêvađa?” - Anh thích ánh sáng đèn dầu. – Nêvađa đáp giản dị. – Đèn điện sáng không thật. Nhức mắt lắm. Raina ngồi trên một cái ghế quay ra cửa. Cô mặc một chiếc áo xăng đay dày trùm ra ngoài cái quần bò xanh bạc. - Cô lạnh hả? – Anh hỏi, - Để anh đốt lò sưởi. Cô lắc đầu: “Em không lạnh”. Anh đứng lặng lẽ một hồi, rồi nói: “Tôi phải đem đồ đoàn của mình vào rồi rửa ráy chút. Chaly và Mathơ đang chờ tụi mình cùng ăn cơm đó”. - Em sẽ đỡ anh đem đồ một tay. - Tốt lắm. Họ bước ra màn đêm. Đêm đen mịn như nhung, sao lấp lánh xa thăm thẳm. Từ phía dưới đồi, thoảng vọng lại tiếng đàn và tiếng cười nói. Cô nhìn xuống phía nhà chơi: “Thật mừng là em không phải là một trong số họ”. Anh đưa cho cô một cái vali: “Cô sẽ không bao giờ là thế được. Cô không thuộc kiểu người đó”. - Em đã nghĩ đến chuyện ly dị ông ấy. – cô nói, - Nhưng có cái gì đó ở trong em ngăn lại, ngay cả mặc dù em biết là chuyện đó ngay từ đầu đã là nhầm lẫn rồi. - Đã nhận rồi thì phải xử sự cho ngon. – Anh nói gọn, hai tay ôm đầy đồ quay lại căn nhà. - Em cũng nghĩ vậy. Họ lặng lẽ đi thêm hai đợt nữa. Sau đó cô ngồi xuống mép giường, anh lột cái sơ mi trên mình ra, đi tới chậu rửa mặt ở góc phòng ngủ. Những bắp thịt của anh hằn lên dưới lớp da trắng đến lóa mắt. Ngực anh phủ kín một lớp lông đen mịn màng xuống dần tới cái bụng phẳng và rắn chắc. Anh xát xà phòng kín mặt và cổ, té nước lên đầu. Rồi quờ quạng tìm khăn mặt. Cô đưa khăn cho anh. Anh vò đầu vò cổ rất mạnh, rồi đặt khăn xuống, với lấy một cái sơ mi sạch. Anh chui vào, sửa soạn cái cúc. - Hượm đã, - Cô bất chợt nói – Để em cài hộ cho. Ngón tay cô nhanh thoăn thoắt và nhẹ nhàng. Anh cảm thấy chúng lướt lướt trên ngực anh như một cơn gió thoảng. Cô ngẩng lên nhìn anh, mắt lộ vẻ ngạc nhiên: “Anh bao nhiêu tuổi, anh Nêvađa? Da anh cứ như con trai mới lớn ấy”. Anh bất giác mỉm cười. - Bao nhiêu rồi nào? – cô vẫn khăng khăng hỏi. - Theo anh nhớ thì sinh năm tám hai, - anh đáp. – Má anh là người da đỏ Kaiôva, mà dân da đỏ thì chẳng để ý gì tới ngày sinh tháng đẻ hết đó. Vậy là anh giờ bốn mươi ba. – Anh đã nhét xong sơ mi vào trong quần. - Anh trông không già hơn ba mươi tuổi tý nào cả. Anh cười, hài lòng, bất chấp cái bản tính của mình vốn không ưa tâng bốc, “Thôi đi nào, kiếm cái gì dằn bụng”. Cô cầm lấy tay anh. “Đi nào”, cô đáp, “em bỗng dưn đói quá”. Đến khi họ quay lại căn nhà, trời đã quá nửa đêm. Anh mở cửa, để cô vào trước. Anh bước tới lò sưởi, châm một que diêm vào đống củi. Cô tới lại phía sau anh. Anh ngẩng lên. - Cô ngủ trên giường ấy. – anh nói. Cô lặng lẽ đi vào buồng ngủ, anh quạt lửa. Củi bắt lửa và cháy bùng lên. Anh bỏ thêm mấy súc củi nữa rồi đứng dậy, đi ngang phòng tới tủ đựng rượu. Anh lấy một chai whisky ngô và một cái cốc, tới bên lò sưởi. Anh rót rượu và nhìn chỗ rượu trong cốc. Ngọn lửa phía sau làm nó hồng lên một màu nóng rực. Anh từ từ uống cạn. Rồi anh đặt cái cốc không xuống và bắt đầu tháo đôi bốt. Anh bỏ chúng cạnh ghế, bước tới đivăng vươn vai nằm xuống. Vừa mới châm được điếu thuốc, anh nghe thấy tiếng cô nói vọng từ cửa phòng ngủ. - Anh Nêvađa? Anh nhỏm dậy, quay lại phía cô: “Chi đó?” - Anh Giônơx có nói gì về em không? - Không. - Anh ấy trả em một trăm nghìn đôla về cái tòa nhà và chỗ cổ phần. - Anh biết. – anh đáp. Cô ngần ngừ một thoáng rồi bước sâu hơn vào phòng. “Em không cần đến vậy. Nếu anh cần…”. Anh cười không thành tiếng. “Anh có đủ. Nhưng dù sao cũng cám ơn cô”. - Thật không? Anh lại khùng khục cười, thầm hỏi không biết cô sẽ nói sao nếu như cô biết được cái ràn nuôi súc vật ba nghìn mẫu tây của anh ở bang Texas, biết được rằng anh có một nửa số cổ phần ở cái Triển lãm “Miền Tây hoang dã” này. Anh cũng là một người học được nhiều ở ông già. Tiền chỉ tốt khi nó làm việc sinh lợi cho ta. - Thật mà. – Anh đáp, đứng dậy lại gần cô. – Đi ngủ đi, Raina. Chân cô dẫm đất kìa. Anh theo cô vào phòng ngủ, lấy ở tủ ra một cái chăn trong khi cô bước lên giường. Cô nắm lấy tay anh khi anh đi ngang qua: “Kể chuyện cho em ngủ đi, anh”. Anh ngồi xuống bên cạnh. “Chuyện gì?” – anh hỏi. Cô vẫn nắm lấy tay anh. “Chuyện về anh. Anh đẻ ở đâu, anh từ đâu tới… mọi cái”. Anh mỉm cười trong bóng tối. “Chả có chi nhiều”. Anh nói. “Theo như anh biết được thì anh sinh ra ở miền Tây Texas. Ba anh là thợ săn trâu rừng tên là Giôn Xmith, còn má anh là con một tù trưởng da đỏ Kaiôoa, tên là… - Đừng nói, - cô ngắt lời, giọng đã thiu thiu, - em biết tên rồi, Pôncahôta. Anh cười nhẹ nhàng. “Có ai đã nói cho em biết rồi”, giọng anh tỏ vẻ trách móc giễu cợt. “Pôncahôta. Đó là tên má anh”. - Không ai bảo em cả! – Cô thì thầm yếu ớt. – Em đã đọc ở đâu ấy. Tay cô từ từ rời khỏi tay anh. Anh nhìn xuống. Mắt cô nhắm nghiền, cô đã nhanh chóng thiếp đi ngay. Lặng lẽ, anh đứng dậy, vuốt thẳng chăn quanh mình cô, rồi quay đi, bước ra khỏi phòng. Anh trải một cái chăn lên đivăng và nhanh chóng cởi quần áo. Anh nằm duỗi thẳng, quấn kín chăn quanh người. Giôn Xmith và Pôncahôta. Anh tự hỏi thầm không biết bao nhiêu lần anh đã giễu cợt kể cái chuyện ấy rồi. Nhưng sự thật còn lạ kỳ hơn chuyện bịa ấy. Và có lẽ, không ai có thể tin được. Đã lâu lắm rồi, đến nỗi nhiều khi, chính anh cũng không tin vào điều đó. Lúc ấy anh không phải tên là Nêvađa Xmith, mà là Macx Xanđ. Và bị ba bang khác nhau truy nã về tội ăn cướp có vũ trang và giết người. 2 Một ngày tháng Năm năm 1882, Xamuen Xanđ bước vào cái túp lều gỗ nhỏ mà anh gọi là nhà, và nặng nề ngồi xuống một cái hòm gỗ dùng làm ghế. Lặng lẽ, người vợ da đỏ của anh hâm lại cà phê và đặt trước mặt anh. Cô đi lại khó khăn vì bụng chửa lặc lè đến tháng đẻ. Xamuen thờ thẫn ngồi rất lâu, cốc cà phê trước mặt đã nguội lạnh. Thỉnh thoảng, anh đưa mắt nhìn qua cửa ra cánh đồng cỏ có loáng thoáng những vệt tuyết còn đọng lại ở mấy kẽ gò. Người đàn bà da đỏ sửa soạn nấu cơm chiều. Đậu và thịt trâu muối. Nấu cơm chiều giờ là quá sớm; mặt trời còn chưa tới đỉnh đầu, nhưng cô cảm thấy bối rối không yên mơ hồ thế nào đấy, và thấy phải bận bịu một việc gì đó. Thỉnh thoảng cô lại liếc trộm Xam, nhưng anh đang đờ đẫn trong cái thế giới buồn phiền rắc rối của đàn ông mà đàn bà không được phép bén mảng vào. Và thế là cô chỉ quấy đậu và thịt ở trong nồi, chờ cho cơn ủ rũ của anh và thời gian trôi đi hết. Mùa xuân ấy, Kanêha mười sáu tuổi. Và chính là vào mùa hè trước, người săn trâu rừng này đã đến khu lều của bộ lạc cô để hỏi mua một người vợ. Anh cưỡi trên lưng một con ngựa ô, đằng sau dắt một con la lặc lè thồ bao gói. Ông tù trưởng và các chiến sĩ da đỏ bước ra đón anh. Họ ngồi thành một vòng tròn đón khách quanh một đống lửa hầm một nồi thịt sôi sùng sục. Tù trưởng rút ra cái tẩu và Xam móc ra một chai uyxky. Lặng lẽ, tù trưởng ghé tẩu vào than hồng và sau đó, khi thuốc đã cháy, đưa tẩu lên miệng, hít một hơi dài. Ông chuyển nó cho Xam, anh hút rồi đưa sang người đàn ông da đỏ bên cạnh. Khi cái tẩu đã đi hết một vòng. Xam mở chai uyxky. Anh lau miệng chai rất cẩn thận, đặt nó lên môi, uống, rồi chuyển sang cho ông tù trưởng. Tù trưởng cũng bắt chước Xam, hớp một ngụm đầy uyxky. Rượu làm họng ông bỏng rát, nước mắt ứa ra, người muốn ho. Nhưng ông đã nén được cơn ho lại và chuyền chai rượu cho người da đỏ ngồi cạnh. Khi chai rượu vòng trở lại Xam, anh đặt nó xuống đất trước mặt ông tù trưởng. Anh cúi về phía trước, lấy một miếng thịt trong nồi. Anh chậm rãi nhai miếng thịt béo rất kỹ, tóp tép môi rồi nuốt. Anh nhìn tù trưởng. “Con chó tốt đấy” Tù trưởng gật đầu. “Chúng tao cắt lưỡi nó, buộc chặt nó vào một cái cọc để nó béo được như chúng tao muốn” Họ lại im lặng một hồi rồi viên tù trưởng với tay lấy chai rượu. Xam biết rằng đã đến lúc anh nói. - Tao là một thợ săn hùng mạnh – anh huênh hoang, - cây súng của tao đã giết một ngàn con trâu rừng. Khắp thảo nguyên đều biết tiếng tao. Không có một thợ săn nào kiếm được nhiều con thịt nuôi người như tao. Tù trưởng trịnh trọng gật đầu. “Những việc làm của Râu Đỏ chúng tao đều đã rõ. Được đón Râu Đỏ đến chỗ chúng tao là quí lắm” Tao đến những người anh em tao đây là để xin một cô gái tên là Kanêha – Xam nói, - Tao muốn nó sẽ là vợ tao. Tù trưởng chậm rãi thở dài khoan khoái. Kanêha là đứa con gái trẻ nhất của ông và ít giá trị nhất dưới mắt mọi người. Bởi vì nó quá cao so với con gái chưa chồng, gần xấp xỉ bằng người đàn ông cao nhất. Lại gầy nhỏ nữa, eo chỉ rộng bằng hai gang tay xáp lại nhau. Trong bụng nó không đủ chỗ cho trẻ con lớn. Còn mặt và tay chân, người nữa – thẳng đượt, phẳng chứ không tròn và béo như đáng ra con gái phải thế. Tù trưởng lại thở dài nhẹ nhõm. Giờ thì Kanêha không còn là mối lo nữa rồi. - Đó là một việc chọn lựa tinh khôn, - tù trưởng nói thành tiếng, - đứa con gái Kanêha đã chín đến độ có con rồi. Máu của nó đã rỏ đậm xuống đất mỗi lần có con trăng tròn nhất. Xam đứng dậy, đi lại đến chỗ con la. Anh mở một gói hàng ra, lấy ra sáu chai uyxki và một hộp gỗ nhỏ. Anh bê đến trước vòng người ngồi, đặt tất cả xuống đất trước mặt mình. - Tao đã đem quà đến những người anh em bộ lạc Kaiôoa của tao, - anh nói, - để biết ơn cái vinh dự được họ cho phép ngồi cùng với họ. Anh đặt chỗ rượu trước mặt tù trưởng và mở cái hộp nhỏ. Đầy trong đó là các hạt cườm màu và vòng tay sáng rực rỡ lấp lánh. Anh chìa hộp vòng quanh cho tất cả có thể nhìn thấy rồi lại đặt xuống trước mặt tù trưởng. Tù trưởng một lần nữa lại gật đầu. “Bộ lạc Kaiôoa rất mang ơn Râu Đỏ về những quà biếu. Nhưng việc mất đứa con gái Kanêha sẽ làm bộ lạc nó đau lòng khó cầm lại được. Nó đã được tiếng trong chúng tao về cái tay giỏi của nó làm các công việc của đàn bà. Nấu nướng, khâu vá, thuộc da”. - Tao rất biết những sự đánh giá cao của bộ lạc Kaiôoa với người con gái Kanêha, - Xam nói, tỏ vẻ trang trọng, - và tao đã đến đây, chuẩn bị đầy đủ để bù lại mất mát đó. Anh lại đứng dậy, “Để bù sự mất mát vì thiếu Kanêha giúp nuôi bộ lạc tao xin đến thịt của hai con trâu,” anh nói, nhìn xuống những người da đỏ ngồi, “để bù lại sự mất mát về sức lực của Kanêha, tao xin đền cho những người an hem của tao con la tao đã đem đến kia. Và để bù cho sự mất mát của họ đối với sắc đẹp của nàng, tao đem đến cho họ…”. Anh ngừng lại, đầy vẻ kịch tính và bước tới con la, lặng lẽ cởi cái bọc nặng trịch, cuộn tròn trên lưng nó xuống. Anh khệ nệ bê lại chỗ hội đồng da đỏ đang ngồi, đặt nó xuống đất. Từ từ, anh cởi nó ra. Một tiếng thở dài kinh động. Mắt ông tù trưởng sáng lên. - …. Tấm da sống của con trâu trắng thiêng liêng. – Xam nói, nhìn đám đông một lượt. Mắt họ dán vào tấm da trâu đang sáng trắng lên trước mặt họ như một đám tuyết. Trâu bạch tạng là một của hiếm. Tù trưởng nào có thể đặt mình nằm nghỉ trên tấm da thiêng như vậy thì sẽ chắc chắn rằng hồn mình có thể tìm được những bãi săn hạnh phúc cho bộ lạc. Đối với đám buôn da, nó sẽ được giá gần gấp mười một tấm da thường. Nhưng Xam biết rõ mình cần gì. Anh cần một người đàn bà. Đã năm năm anh sống ở những thảo nguyên này và chỉ có thể chung đụng với một gái điếm mỗi năm một lần vào lúc bán da ở căn buồng nhỏ phía sau quán hàng của lão lái buôn. Đã đến lúc anh cần có một người đàn bà của riêng mình. Ông tù trưởng, choáng váng vì tính hào phóng của Xam đến mức độ quên béng đi việc mặc cả tiếp, ngẩng lên nói: “Chúng tao rất hãnh diện được cho người thợ săn hùng mạnh Râu Đỏ đứa con gái Kanêha để làm vợ anh”. Ông đứng dậy, tỏ ý kết thúc cuộc họp hội đồng. - Sửa soạn cho con gái Kanêha tao đón người chồng của nó – Ông nói, và quay về phía lều mình. Xam đi theo ông. Trong một cái lều khác, Kanêha đang ngồi đợi. Bằng cách nào đó, cô biết được rằng Râu Đỏ đến hỏi xin mình. Tuân theo cái luật khiêm tốn của gái chưa chồng, cô đi vào lều đợi để không nghe được cuộc mặc cả. Cô ngồi bình thản, bởi cô không sợ Râu Đỏ. Cô đã nhiều lần nhìn thẳng vào mặt anh những khi anh đến thăm cha cô. Và giờ vọng lại tiếng nói chuyện ríu rít của lũ đàn bà đi lại phía lều. Cô nhìn ra tấm vải che cửa. Cuộc mặc cả đã xong. Cô chỉ mong rằng ít nhất thì Râu Đỏ cũng xin trả một con trâu vì cô. Đám đàn bà ùa vào. Họ tranh nhau nói. Chưa có chú rể nào đem nhiều thứ đến như vậy. Con la. Hạt cườm. Rượu uyxky. Tấm da thiêng của con trâu trắng. Hai con trâu thịt. Kanêha mỉm cười kiêu hãnh với mình. Chính lúc ấy, cô nhận thấy rằng Râu Đỏ yêu cô. Ngoài lều vang tiếng trống đánh bài ca hôn nhân. Đám đàn bà quây thành vòng tròn quanh cô, chân dậm theo nhịp trống. Cô thả buột cái áo xuống đất. Đám đàn bà bu lại gần hơn. Hai người bắt đầu tháo cái đuôi sam dài của cô. Hai người khác bắt đầu lấy mỡ gấu xoa lên người cô để làm cho cô sẽ mắn con. Cuối cùng, xong xuôi, họ lại giãn ra. Cô đứng giữa lều, trần truồng, hướng ra cửa. Người cô bóng nhẫy mỡ, thẳng, cao: vú gọn, bụng phẳng, chân thẳng và dài. Cửa lều vén lên, lão phù thủy bước vào. Một tay lão cầm gậy trừ tà, tay kia cầm cái gậy cưới. Lão lắc gậy trừ tà vào bốn góc lều, tung nó hai lần lên không trung để bảo đảm chắc chắn không còn tà ma nào lởn vởn trên đầu nữa, rồi bước lại gần cô. Lão giơ cái gậy cưới lên phía trên đầu cô. Kanêha ngẩng nhìn. Cái gậy làm bằng thứ gỗ đánh nhẵn bóng, tạo thành hình một cái dương vật đang cương cùng hai tinh hoàn. Từ từ, lão hạ nó xuống tới lúc nó chạm vào trán cô. Cô nhắm mắt lại, bởi một cô gái tân không nên nhìn quá lâu vào cái nguồn gốc sức mạnh của một người chiến sĩ. Thầy phù thủy bắt đầu nhảy múa xung quanh cô, người nghiêng ngả, miệng lẩm bẩm niệm chú. Lão ấn cái gậy vào vú cô, vào bụng cô, vào lưng, vào mông, đưa lên má, đụng vào mắt, cho tới khi nó kín mỡ gấu dính từ người cô. Cuối cùng lão hét lên một tiếng khủng khiếp, nhảy dựng lên. Và khi chân lão chạm đất, mọi thứ đều im bặt, kể cả tiếng trống. Như trong cơn mê, cầm lấy cái gậy cưới từ tay thầy phù thủy. Cô lặng lẽ áp vào nó vào mặt mình, vào vú, rồi vào bụng. Bây giờ tiếng trống lại nổi lên, rất chậm. Theo nhịp trống, cô hạ dần cái gậy xuống giữa hai chân. Bên chân cô dẫm theo điệu trống, thoạt đầu chậm, sau nhanh dần, nhanh dần. Mớ tóc đen dài của cô, chấm đến mông, bắt đầu xòe ra một cách cuồng dại khi cô cầm cái gậy chạy vòng quanh đám đàn bà cho họ cầu chúc và thốt lên những tiếng ghen tỵ. Chạy hết vòng, cô lại một lần nữa đứng một mình ở giữa, chân dậm liên hồi theo nhịp trống. Kẹp cái gậy vào giữa hai chân, cô bắt đầu hơi rúm người, từ từ khuỵu xuống. - Ai…ii… - đám phụ nữ đung đưa người theo tiếng trống, thở dài. - Ai…ii… - họ lại thở dài tán thưởng khi cô nhấc người lên khỏi cái gậy. Một cô gái tân quá háo hức nuốt của người chồng là không nên. Rồi họ nín thở khi thấy cái gậy một lần nữa xuyên vào người cô. Mỗi người đều nhớ đến cái ngày cưới của mình, khi mình cũng ngước mắt lên nhìn đám đàn bà vòng quanh, cầu khẩn giúp đỡ. Nhưng không một ai dám nhích tới. Tự cô dâu phải làm cho mình. Tiếng trống xói vào cơn đau của Kanêha. Môi cô mím chặt. Đây là chồng cô, Râu Đỏ, người thợ săn oai hùng. Cô không được làm hổ mặt anh ở đây, trong túp lều này, giữa lũ đàn bà này. Khi anh tiến vào cô, thay cho hồn anh, con đường của anh phải dễ dàng và nhanh chóng. Cô nhắm nghiền mắt, vằng người một cái thật mạnh. Màng trinh rách, cô lảo đảo, một cơn đâu dội lên khắp người. Tiếng trống gõ như điên dại. Cô từ từ đứng thẳng dậy, rút chiếc gậy cưới ra. Cô tự hào chìa nó cho thày phù thủy. Ông ta cầm lấy và đi ra ngay khỏi lều. Đám đàn bà lặng lẽ xúm lại thành một vòng quanh cô. Trần truồng, đứng ở giữa họ, không bị những cặp mắt người ngòai nhìn thấy, cô tiến về lều của tù trưởng. Đám đàn bà rẽ sang hai bên khi cô bước vào. Trong ánh sáng lờ mờ, tù trưởng và Xam ngẩng lên nhìn cô. Cô đứng đó, kiêu hãnh, đầu ngẩng cao, ánh mắt lộ vẻ kính cẩn lướt trên phía đầu họ. Hai vú cô phập phồng, đôi chân cô hơi run run. Cô thầm khấn rằng Râu Đỏ sẽ vừa mắt với cái anh thấy. Tù trưởng nói trước, theo như tục lệ, “Xem nó chảy máu dữ chưa kìa”, ông thốt lên, “nó sẽ cho mày rất nhiều con trai”. - À, cô ấy sẽ đẻ cho tao rất nhiều con trai, - Xam đáp, mắt chăm chăm nhìn vào mặt cô, - Và bởi vì tao ưng bụng với cô ấy, tao xin biếu những người anh em của tao thịt của một con trâu nữa. Kanêha mỉm cười rất nhanh, ra khỏi lều xuống sông tắm. Lời khấn của cô đã được thực hiện. Râu Đỏ đã vừa lòng với cô. Và giờ cô đang lặc lè đi lại, bụng tròn vo đứa con của anh, trong khi anh ngồi cạnh bàn, băn khoăn không hiểu sao trâu rừng không đến nữa. Một giọng nào đó ở trong anh thầm bảo với anh rằng chúng không bao giờ đến nữa. Mấy năm qua chúng đã bị tàn sát quá nhiều. Cuối cùng, anh ngẩng lên. “Thu dọn mọi cái đi”, anh nói “Ta sẽ đi khỏi đây” Kanêha gật đầu và bắt đầu ngoan ngoãn gói ghém mọi thứ trong khi đó, anh đi mắc la vào xe. Mắc xong, anh trở lại túp lều. Kanêha nhặt cái bọc cuối cùng lên, chực bước ra cửa thì một cơn đau quặn lên trong bụng cô. Bọc đồ tuột khỏi tay cô, cô ngã gập người xuống. Mắt cô ngước lên, nhìn anh, đầy ý nghĩa. - Cô bảo bây giờ ư? – Xam thốt lên, gần như không tin. Cô gật đầu. - Nào, để tôi giúp cô nhé! Cô ngồi thẳng dậy, cơn đau đã qua. “KhPong”, cô đáp, bằng tiếng Kaiôoa, “đây là việc của đàn bà, chứ không phải của một người đàn ông”. Xam gật đầu. Anh bước ra cửa. “Tôi sẽ chờ ở ngoài”. Đến hai giờ sáng thì anh nghe thấy lần đầu tiên tiếng trẻ con khóc ở trong nhà. Anh đã thiu thiu ngủ. Tiếng khóc làm anh choàng tỉnh, nhận thấy mình ngồi dưới một bầu trời đầy sao. Anh ngồi cứng người lại, lắng nghe. Khoảng hai mươi phút nữa trôi qua, rồi cánh cửa nhà mở, Kanêha hiện ra. Xam lập cập đứng dậy, bước vào nhà. Trong một góc nhà, trên cái chăn ở trước đống lửa, một đứa bé nằm trần trụi. Xam đến đứng, nhìn xuống. - Con giai, - Kanêha kiêu hãnh nói. - A, tuyệt! Mẹ kiếp! – Xam đụng khẽ vào đứa trẻ, nó kêu ré lên, mở mắt ra. “Con giai”. Xam thốt lên. “Làm sao mà lại được thế này?” Anh cúi thấp xuống sát vào nó. Râu anh chọc vào đứa bé, nó lại kêu ré lên. Da nó trắng và mắt nó xanh giống như mắt ba nó: nhưng tóc nó đen và dày trên cái đầu bé xíu. Sáng hôm sau họ đi khỏi căn nhà gỗ. 3 Họ định cư lại ở vùng cách thành phố Đogiơ khoảng hai mươi dặm và Xam bắt đầu chở hàng thuê cho công ty xe khách đường dài. Là người duy nhất trong vùng có mấy con la, nên anh thấy công việc làm ăn cũng khá thuận buồm xuôi gió. Họ sống trong một căn nhà gỗ nhỏ và chính từ ngôi nhà ấy. Mac bắt đầu lớn lên. Kanêha rất vui vì đứa con. Một đôi lần, cô cũng tự hỏi thầm tại sao thần thánh lại không cho cô thêm đứa con nào nữa, nhưng hỏi thế thôi chứ cô không lấy đó làm lo. Vì cô là người da đỏ, nên họ ít giao thiệp. Xam cũng thích cách sống như vậy. Bản tính ông là rụt rè, những năm dọc ngang một mình trên thảo nguyên cũng không làm mất được cái tính rụt rè ngại tiếp xúc của ông. Ông nổi tiếng trong thị trấn là người trầm lặng và chắt bóp. Có những tin đồn là ông tích trữ được rất nhiều vàng, giấu ở đâu đó từ những năm còn lại là thợ săn trâu rừng. Khi Macx lên mười một tuổi, chú đã dẻo dai và nhanh thoăn thoắt như tổ tiên da đỏ của mình. Chú có thể cưỡi bất kỳ con ngựa nào chú thích mà không cần yên cương, có thể bắn trúng mắt con chuột đồng cách một trăm thước bằng khẩu súng cỡ 22 của chú. Tóc chú đen và thẳng, xõa dài theo kiểu người da đỏ. Mắt chú xanh sẫm, gần như đen trên bộ mặt rám nắng. Một tối khi cả nhà đang ngồi ăn, Xam bỗng ngẩng lên nhìn con. “Người ta sắp sửa mở một cái trường học ở Đogiơ” ông nói. Macx ngẩng lên nhìn cha mình, thấy mẹ đi từ bếp lò ra bàn. Chú không biết phải đáp lời hay im lặng. Và chú cứ lặng thinh ăn. Tao đã ký xin cho mày vào đó. – Xam nói, - Tao đã trả mười đô la. Macx cảm thấy giờ là lúc phải nói: “Để làm chi?” - Cho họ bảo học mày cách viết và cách đọc, - Cha chú đáp. - Tôi phải biết những thứ đó để làm chi? – Mac hỏi. - Một người đàn ông là phải biết ba thứ đó. - Nhưng ba không biết, - Mac đáp, với cái logic rất đặc biệt của trẻ con, - Mà thế cũng chẳng làm sao đến ba. - Thời buổi bây giờ khác rồi, - Xam nói, - Khi tao là thằng nhỏ, những cái đó chưa cần. Giờ thì mọi thứ đến tuốt tuột được viết hoặc được đọc cả. - Tôi không khoái đi đâu. - Mày phải đi, - Xam đột nhiên gầm lên, - Tao đã lo mọi chuyện xong xuôi rồi. Mày có thể ngủ ở cái nhà ngang của ông Ônxen trong những ngày đi học trong tuần. Kanêha ngờ rằng cô không thể hiểu lắm những lời chồng đang nói. “Cái gì thế ạ?”, Cô hỏi bằng tiếng Kaiôoa. Xam trả lời cũng bằng thứ tiếng đó. “Một cái vốn hiểu biết rất lớn. Không có nó, con trai chúng ta không bao giờ có thể trở thành một tù trưởng lớn của những người Mặt Trắng đâu” Thế là đủ lý do đối với Kanêha rồi. “Nó sẽ đi”, cô nói. Hiểu biết lớn có nghĩa là có phép thuật lớn. Cô quay lại chỗ bếp lò. Thứ hai tuần sau đó, Xam đem Mac đển trường. Giáo viên, một người đàn bà miền Nam tiều tụy, ra đón cửa, mỉm cười với Xam. - Xin chào ông Xam. - Xin chào bà. Tôi đưa cháu đến trường đây ạ. Cô giáo nhìn ông, rồi nhìn Mac, rồi ngó quanh cái sân trước ngôi nhà gỗ là trường học. “Cháu đâu ạ?”, cô ta hỏi, vẻ ngỡ ngàng. Xam đẩy Mac tiến lên phía trước. Chú lập cập vấp một cái nhẹ, ngẩng lên nhìn cô giáo, “Mày chào cô giáo đi chứ!” Xam giục. Mac, cảm thấy khổ sở trong cái áo da hoẵng mới và cái quần cũng bằng da, vùi hai bàn chân trần xuống lớp bụi, ngượng ngập nói “Con chào cô dáo ạ” Cô giáo nhìn xuống, ngạc nhiên đến choáng người. Mũi cô ta huếch lên kinh tởm: “Trời ơi, nó là thằng da đỏ”, cô ta thốt lên “Chúng tôi không nhận trẻ con da đỏ vào trường này!” Xam chằm chằm nhìn cô ta: “Thưa bà, nó là con trai tôi”. Cô giáo cong tớn môi, vẻ gay gắt: “Chúng tôi cũng không nhận con lai. Trường này chỉ dành cho trẻ em da trắng”. Và cô ta quay ngoắt chực đi. Giọng của Xam làm cô ta chững lại. Nó lạnh như băng và có lẽ đây là lần Xam nói dài nhất ở trong đời: “Tôi không biết chút gì về tôn giáo của bà cả, thưa bà, và tôi cũng không muốn để ý đến điều đó. Tất cả những gì tôi biết là bà hiện giờ đang ở cách Vơginia quê bà hai nghìn dặm và nhận của tôi mười đôla để dạy con tôi như đã nhận tiền của tất cả những người khác trong cái buổi họp ở cửa hiệu tạp hóa ấy. Nếu bà không định bảo học nó như bà đã nhận, thì tốt hơn là nên xéo về miền Đông trong chuyến xe khách tới đi” Cô giáo phẫn nộ nhìn ông, “Ông Xam, sao ông dám nói với tôi như vậy? Liệu ông có nghĩ răng cha mẹ những đứa trẻ khác có muốn để con mình học cùng trường với con ông không?” - Họ đều có mặt trong cuộc họp ấy, - Xam đáp, - Và không một ai bảo không cả. Cô giáo nhìn ông. Có thể thấy rõ cô ta đã chịu thua không muốn tranh cãi nữa. “Tôi không bao giờ hiểu nổi người miền Tây các ông các bà!” cô ta bất lực nói. Cô ta nhìn Mac, tỏ vẻ không hài lòng, “Ít nhất thì chúng tôi cũng không thể để nó đến trường ăn mặc như vậy. Nó phải có quần áo nghiêm chỉnh như những đứa trẻ khác”. - Phải đấy, thưa bà. – Xam đáp, quay sang Mac, - Nào đi. Ta đến hiệu bách hóa mua cho mày quần áo thông thường như người khác. - Khi bố con ông đến đấy, - cô giáo nói, - cắt tóc cho nó. Như thế thì trông nó mới không khác những đứa trẻ khác được. Xam gật đầu. Ông hiểu rõ cô ta muốn nói gì. “Tôi sẽ làm thế, thưa bà. Xin cảm ơn bà”. Mac lóc cóc đi bên cạnh ông đến cửa hiệu bách hóa. Chú ngẩng lên nhìn cha. Lần đầu tiên chú nghĩ đến điều ấy. “Ba, tôi khác bọn trẻ con phải không à?” Xam nhìn chú. Và ông lần đầu tiên cũng mới nghĩ đến điều ấy. Bỗng dưng một nỗi buồn ập đến lòng ông. Ông quỳ thụp xuống con đường ngập bụi cạnh con mình. Ông nói với Mac, vẻ thâm trầm hiểu đời thật bất ngờ so với cuộc sống lặng lẽ, cô độc: - Tất nhiên là khác, - ông nhìn thẳng vào mắt Mac, - Mọi người trên đời này đều khác nhau, như là không có hai con trâu nào lại giống hệt nhau, hay hai con la cũng vậy. Mọi người đều giống nhau và tuy vậy, đều khác nhau cả. Đến cuối năm học đầu tiên của Mac, cô giáo hóa ra lại rất tự hào về chú. Cô ta rất ngạc nhiên nhận thấy rằng chú là học trò giỏi nhất của cô. Chú rất sáng dạ và nhanh nhẹn, học mọi cái dễ như chơi. Khi hết năm, cô bắt Xam hứa đi hứa lại là mùa thu lại tiếp tục cho Mac đến trường. Trường đóng cửa nghỉ hè, Mac đem quần áo từ hiệu ông Ônxen về và ở lại nhà. Tuần đầu tiên, chú miệt mài chữa hết mọi chỗ mùa đông vừa rồi làm hỏng ngôi nhà. Một tối, khi chú đã đi ngủ, Kanêha quay sang phía chồng. “Anh Xam”, cô nói bằng tiếng Anh. Xam ngạc nhiên đến nỗi suýt đánh rơi bộ cương ngựa bằng da, ông đang bện trên tay xuống đất. Bao nhiêu năm ở với nhau, lần này là lần đầu tiên ông thấy vợ gọi mình bằng tên như vậy. Máu dồn hết lên mặt Kanêha. Cô cũng sững sờ trước sự cả gan của mình như vậy. Vợ người da đỏ không bao giờ nói chuyện với chồng trừ lúc trả lời chồng. Cô cúi xuống nhìn nền nhà ở phía trước mặt. “Có đúng là con giai chúng ta học giỏi lắm ở cái trường của những trẻ con Mặt Trắng ấy không?” Cô có thể cảm thấy cái nhìn chăm chú của ông, “Đúng vậy”, cô nghe thấy tiếng ông đáp. - Em tự hào vì con giai của chúng ta, - cô thốt lên, và nói trở lại bằng tiếng Kaiôoa, - Và biết ơn người bố nó, người đi săn oai hùng, người đem lại rất nhiều thịt ăn, da mặc. - Ờ? – Xam vẫn chăm chú nhìn. - Có đúng là trong khi con giai chúng ta học được nhiều thứ ở cái trường của trẻ con Mắt Trắng để sau làm được những phép thuật lớn lao, thì cũng có những cái nó học được làm cho nó không còn yên lòng nữa?” - Như là những cái gì? – Xam dịu dàng hỏi. Cô kiêu hãnh ngảng lên nhìn thẳng vào mặt ông. - Có mấy đứa trong số trẻ con Mắt Trắng bào với con giai của chúng ta rằng nó hèn hạ hơn chúng, rằng máu nó không phải chảy đỏ trong người như chúng. Xam mím môi. Ông tự hỏi không hiểu tại sao cô lại biết được điều ấy. Cô không bao giờ vào thị trấn, cô không bao giờ rời khỏi nhà. Ông cảm thấy mơ hồ như mình có lỗi. “Chúng nó là lũ ngu xuẩn”, ông đáp. - Em cũng biết thế, - Cô nói giản dị. Ông đưa tay, đụng vào má cô, biết ơn. Cô giữ lấy tay ông, ấp lên má mình: “Em nghĩ rằng đã đến lúc ta gửi con trai ta đến lều của người tù trưởng hùng mạnh, ông nói để nó có thể học biết được cái sức mạnh thực sự của dòng máu mình”. Xam nhìn thẳng vào mặt cô. Theo nhiều lẽ, đó là một ý rất thông minh. Ở một mùa hè với người Kaiôoa, Mac sẽ học được tất cả những gì nó cần để tồn tại được trên vùng đất này. Nó cũng sẽ học biết được rằng nó ra đời từ một gia đình mang dòng máu lâu đời hơn bất cứ gia đình một con chó ranh nào đã trêu chọc dày vò nó. Ông gật đầu. “Tôi sẽ đem con giai chúng ta đến lều của những người Kaiôoa anh em của tôi”. Ông nhìn cô một lần nữa. Năm nay ông đã năm mươi hai rồi và cô thì chỉ nhỉnh hơn một nửa tuổi ông. Cô vẫn dong dỏng cao, rắn chắc. Cô đã không phát phì ra như những người đàn bà da đỏ khác. Và ông chợt cảm thấy tim mình đang nghẹn ngào phồng lên trong ngực. Ông thả rơi bộ dây cương xuống, kéo đầu cô ngả vào ngực mình. Tay ông dịu dàng vuốt ve mái tóc vợ. Và bỗng dưng, ông chợt hiểu cái bao nhiêu năm nay đã cảm thấy sâu sắc ở trong mình. Ông nâng mặt cô lên. “Anh yêu em, Kanêha”, ông nói. Mắt cô đen sẫm, nhòa nước, “Em yêu anh, người chồng của em ạ” Và, lần đầu tiên, ông hôn lên môi cô. 4 Mùa hè ba năm sau. Đã hai giờ chiều thứ bảy, Mac đang đứng trên một cái xe bò đậu trong sân sau trại nuôi súc vật của ông Ônxen, hất cỏ khô lên cái đống đang đánh dở, cao quá đầu chú. Chú mặc một cái quần dài, cởi trần, da cháy nắng thành nâu đen dưới mặt trời chói chang đang ở trên đầu. Mỗi lần chú nhắc cái chĩa xúc cỏ trên xe hất lên, các bắp thịt lưng chú lại nổi hằn, chạy uyển chuyển. Ba người đàn ông phi ngựa vào trong sân, tiến lại gần chiếc xe. Họ không xuống ngựa mà ngồi trên yên, nhìn chú. Mac vẫn không ngừng tay. Sau một hồi, một trong số ba người nói: “Này, thằng da đỏ, thằng con nhà Xam ở đâu hả?. Mac hất một xốc cỏ đầy lên đống, cắm cái chĩa xuống cỏ, nhìn họ. “Tôi là Macx Xanđ đây”, chú nói thoải mái, tay tựa vào cán chĩa. Mấy người kia đưa mắt nhìn nhau đầy ngụ ý, rồi cái người đã hỏi lại nói tiếp: “Bọn tao đang muốn tìm gặp ba mày tý”. Macx nín thinh, nhìn họ chằm chằm. Cặp mắt xanh của chú sâu thăm thẳm, không lộ vẻ gì cả. - Chúng tao đã đến trạm xe, nhưng thấy đóng cửa. Có ngó thấy cái biển đề ba mày nhận chở đồ. - Đúng vậy, - Mac đáp, - nhưng nay là chiều thứ bảy, ba tôi về nhà rồi. Một trong hai người kia thúc ngựa lên phía trước. - Chúng tao có một xe đồ muốn chở tới thị trấn Vơginia. Bọn tao đang vội, muốn tìm ba mày chở. Mac rút chĩa lên, hất một chĩa cỏ đầy lên đống. “Tối nay về tôi sẽ bảo ổng cho”. - Tụi tao không đợi được, - người đàn ông đầu tiên nói, - Tụi tao muốn xong việc và đi khỏi đây đêm nay. Làm cách nào tìm được nhà mày? Macx tò mò nhìn họ. Họ không giống dân ở đây hay những người thợ mỏ, những khách thông thường thuê ba chú chở hàng. Nom họ giống bọn anh chị hay dân lang thang hơn, cái kiểu ngồi ngựa thế kia, súng đeo trễ bên đùi, mũ sùm sụp che mặt. - Hai ba tiếng nữa là tôi xong việc – Macx đáp – tôi sẽ dẫn các ông về. - Tao nói là tụi tao đang vội mà mày. Ba mày chắc hẳn sẽ phát khùng lên nếu ổng biết tụi tao đưa hàng cho người khác chở đó. Macx nhún vai: “Cứ theo đường hướng bắc đi tới hai chục dặm nữa”. Không nói thêm lời nào, ba người giật ngựa quay đi, phi ra khỏi sân. Tiếng họ nói láo quáo vọng lại trong cơn gió chiều lười biếng. “Với chừng ấy vàng đem chôn, lẽ ra thằng cha Xam có thể làm ăn được nhiều hơn là bám váy con mẹ da đỏ vậy” – một người thốt lên. Macx nghe thấy hai người kia cười. Chú bực tức hất thêm một chĩa cỏ lên đống. Kanêha là người nghe thấy họ đầu tiên. Chiều thứ bảy nào tai cô cũng ngóng ra đường vì đó là chiều Macx ở trường về. Cô đi đến cửa, nhìn ra. “Có ba người tới kìa”, cô nói. Xam đứng dậy khỏi bàn, bước lại phía sau cô và nhìn ra. “Ờ. Không hiểu họ cần chi vậy”. Kanêha linh cảm thấy nguy hiểm. “Cài cửa lại, đừng cho họ vào”, cô nói, “họ im lặng tiến đến như người Apache[11] đi đánh nhau thế kia, chứ không đàng hoàng đi như người tử tế” Xam cười, “Cô không quen gặp người thì có. Họ có thể là hỏi đường ra trấn”. - Họ đi thẳng từ trấn tới cơ mà – Kanêha nói. Nhưng đã quá muộn. Ông đã bước ra ngoài. - Chào các ông – Ông nói to, khi họ đã dàn ngựa trước cửa ngôi nhà - Ông là Xam Xanđ? – Người đi đầu hỏi. Xam gật đầu. “Phải rồi. Tôi có thể làm chi được cho các ông?”. - Chúng tôi có món hàng muốn chở tới thị trấn Vơginia – Người đàn ông đáp, nhấc mũ, lấy ống tay áo quệt mồ hôi trên mặt. – Hôm nay nực quá! - Vâng, đúng vậy – Xam gật đầu, - các ông vô nhà nghỉ chút cho đỡ nực rồi ta bàn công chuyện. Ba người đàn ông xuống ngựa. Xam bước vào nhà. - Đem cho tôi một chai uyxky, - Ông bảo Kanêha. Ông quay lại mấy người đàn ông, - Các ông ngồi đi. Các ông muốn chở hàng loại gì vậy? - Vàng. - Vàng ư? – Xam hỏi, - Vùng này làm chi có đủ vàng chất được lận một xe bò. - Chúng tôi lại nghe thấy khác kia, - Một người nói. Và đột nhiên ba khẩu súng lăm lăm trong tay họ, - Tụi tao nghe thấy nói mày có chôn, một đống vàng đủ đẩy lận một xe bò. Xam trố mắt nhìn họ một thoáng, rồi ông cười. - Cất sung đi mấy cha ơi. Các ông mà cũng tin chuyện đó sao? Người đàn ông đến đầu tiên đứng dậy. Tay gã vung lên, khẩu sung đập chát vào mặt Xam. Ông ngã bắn vào tường. Bàng hoàng, ông trố mắt nhìn hắn. - Mày khôn hồn nói sớm ra trước khi tụi này dở hết bài đó, - Gã đàn ông sin sít nói. Không khí trong căn nhà nóng đến ngột thở. Ba gã đàn ông lùi vào một góc thì thào bàn. Thỉnh thoảng chúng đưa mắt liếc nhìn những nạn nhân của chúng. Xam đứng rũ rượi, người bị treo chặt vào cái cột cái ở giữa nhà. Đầu ông gục xuống cái ngực trần. Máu rỏ giọt từ mặt ông xuống bộ râu đỏ đã hoa râm và mảng lông ngực. Mắt ông sưng vù, chỉ còn he hé mở. Mũi ông bị đánh dập, vẹo sang một bên má. Kanêha bị buộc ghì vào một cái ghế. Cô dán mắt nhìn chồng không chớp. Cô cố vươn cổ ngoảnh sang bên để nghe bọn chúng bàn ở phía sau, nhưng không được vì bị trói chặt quá. - Có lẽ thằng chả không có vàng bạc gì ráo trọi, - một gã thì thào. - Nó có đấy, gã đầu nói, - Nhưng nó lì. Tụi mày không biết bọn thợ săn trâu rừng bằng tao đâu. - Nhưng mày không thể làm cho nó mở miệng được bằng cách như đang làm đâu, - gã người thấp nói, - Nó sẽ chết ngỏm mất. - Nó sẽ nói, - Gã đầu tiên đáp. Gã tới bếp lò, lấy cái gắp lửa cặp một hòn than đỏ. Gã bước lại chỗ Xam, kéo tóc Xam, ghì đầu ông vào cái cột. Gã dí hòn than trước mặt Xam, “Vàng đâu?”. Mắt Xam mở. Giọng ông khàn đục, rè rè: “Làm gì có cái chi. Trời ơi, nếu có tôi lại không bảo các ông sao?” Gã đàn ông miết hòn than đỏ lên cổ và vai Xam. Ông thét lên đau đớn “Làm chi có vàng!”. Đầu ông ngật sang một bên. Gã đàn ông rút hòn than ra, máu liền dâng ngập lỗ thịt chảy, chảy tràn xuống tay, xuống ngực Xam. Gã đàn ông nhặt lấy chai whisky trên bàn, tợp một ngụm. “Rảy cho nó ít nước”, gã nói, “nếu nó lì không nói vì nó, có lẽ nó sẽ mở miệng vì con vợ nó”. Gã trẻ nhất nhấc một thùng nước, hắt lên mặt Xam. Ông lắc đầu mở mắt. Ông trừng trừng nhìn chúng. Gã già nhất bọn đập chai rượu xuống, bước lại Kanêha. Mắt những đứa khác nhìn theo. Gã rút một con dao săn ở thắt lưng ra, cắt phựt sợi dây trói chân cô vào ghế. “Đứng dậy”, gã nói cộc lốc. Lặng lẽ Kanêha từ từ đứng dậy. Con dao gã đàn ông lia qua lưng cô và cái áo liền váy của cô tuột xuống đất. Cô đứng trần truồng trước mặt chúng. Tên trẻ tuổi liếm mép. Mắt không rời cô, gã với chai rượu, tu một ngụm. Một tay túm tóc Kanêha, dao dí sát lưng cô, gã già nhất lôi cô đến trước mặt Xam. - Đã mười lăm năm trôi qua kể từ cái thời tao còn lột da đầu tụi mọi da đỏ, thằng bám váy con lợn sề ạ, - gã nói, - nhưng tao không hề có quên cách thức đâu, - Gã đảo người đi đảo người lại rất nhanh trước mặt cô, con dao cứa nhẹ, loang loáng lên lên xuống xuống. Một đường máu nhỏ xíu hiện lên theo vết dao cứa từ dưới cằm cô, qua cổ, qua chỗ lõm giữa hai vú cô, xuống bụng, dừng lại ở vạt lông bẹn cô. Xam òa lên khóc, quên hết nỗi đau đớn của chính mình. Người ông run bần bật theo những tiếng khóc tức tưởi cay đắng, “Để cô ấy yên”, ông van vỉ, “xin đừng đụng đến cô ấy. Tôi không hề có vàng”. Kanêha đưa tay ra. Cô dịu dàng đụng tay vào mặt chồng. “Em không sợ đâu, chồng em ạ”, cô nói bằng tiếng Kaiôoa. “Thần thánh sẽ trả điều ác với những đứa nào gây điều ác”. Xam gục mặt về phía trước. Nước mắt ông giàn giụa tràn khỏi mắt, chảy xuống hai gò má đầy râu, nhoe nhoét máu. “Anh xin lỗi mình, mình ơi,” ông nức nở bằng tiếng Kaiôoa. - Trói tay con này vào chân bàn! – gã ra lệnh. Kanêha nhanh chóng bị trói ghì vào chân bàn. Gã quỳ xuống trước mặt cô, con dao lăm lăm dí vào cuống họng. “Vàng?” gã hỏi, mắt ngước lên chỗ Xam. Xam lắc đầu. Ông không thể thốt nổi ra lời nữa. - Của trời, - tên trẻ bỗng thốt lên ngạc nhiên, - cái của tôi đột nhiên sao cứng thế này. - Ý hay đấy, - gã cầm dao nói. Gã ngẩng lên nhìn Xam, - chắc mày cũng chẳng mích lòng thấy chúng tao dùng tạm con vợ mày trước khi lột da nó. Tụi mọi đỏ đúng là mến khách theo kiểu đó đấy. Gã đứng dậy, đặt con dao lên bàn và cởi thắt lưng đeo súng. Kanêha rụt chân lại, đạp hắn. Hắn khẽ chửi. “Giữ chân nó. Tao mần trước”. Khi Macx cưỡi con ngựa ông Ônxen cho mượn từ tàu ngựa về thì đã gần bảy giờ. Ngôi nhà gỗ lặng tờ, không một tia khói nào bốc lên khỏi ống khói. Thật kỳ lạ. Thường thì khi chú về tới nhà, má chú đương thổi cơm chiều. Chú nhảy khỏi mình ngựa, chực bước tới cửa. Đột nhiên, chú đứng sững, chằm chằm nhìn. Cửa ra vào mở toang, lười biếng đung đưa trong gió nhẹ. Một nỗi sợ hãi không thể giải thích được bỗng ùa đến tâm trí chú. Chú chạy bổ vào nhà. Chú lao qua cửa, đứng chựng lại, bàng hoàng kinh ngạc, mắt trố ra khiếp sợ. Ba chú bị treo lủng lẳng ở cột cái, mồm mắt trợn trừng, màng đầu phía sau bị nát bay đi vì phát đạn của khẩu súng cỡ 45 đặt vào miệng bóp cò. Từ từ, Macx nhìn xuống sàn. Một đống thịt nhòe nhoẹt nằm giữa vũng máu, có những đường nét trước kia đã từng của má chú. Cơn đờ đẫn vừa dứt, chú chực thét lên thì bụng bỗng cuộn hơi, nghẹn mất tiếng: chú nôn thốc nôn tháo đến khi không còn gì để nôn nữa. Chú yếu ớt bám vào khung cửa, xung quanh chua sặc mùi đờm dãi và thức ăn vừa tuột dốc khỏi dạ dày. Chú lảo đảo đờ đẫn bước ra ngoài. Ngồi phịch xuống đất, chú òa lên khóc. Một hồi lâu sau, hết nước mắt, chú uể oải đứng dậy, vòng ra lưng nhà tới máng nước. Chú vực đầu xuống máng, rồi gột sạch những dãi dớt nôn ở quần áo. Đầu vẫn ròng ròng nước, chú đứng thẳng dậy, nhìn quanh. Con ngựa của ba chú đã biến mất, nhưng sáu con la vẫn bình thản nhai lá cây trong sân nhốt, chiếc xe kéo vẫn nằm trong cái chái ở phía sau nhà. Bốn con cừu và đám gà mà má chú rất tự hào đã nuôi được vẫn còn ở chỗ quay. Chú đưa tay quệt mắt. Chú mơ hồ biết rằng mình phải làm một cái gì đó. Nhưng chú không thể nào bước vào đem chôn những thứ trong nhà. Những cái đó không phải là ba má chú. Ba má chú không bao giờ nom lại như thế. Chỉ còn một cách. Chú bước tới đống củi, quơ một ôm. Chú đi vào nhà, đặt xuống sân. Chú mất nửa tiếng mới rải kín củi thành ba lớp trên nền nhà. Tư lự, chú đứng nhìn một lúc lâu rồi bước ra ngoài. Chú tháo bộ yên cương ra khỏi từng cái chái và lùa bầy la đến bên xe. Chú nhặt một cái bu, còn ở sân quay, tóm quẳng tất cả gà vào trong đó. Chú đặt nó lên xe. Rồi lần lượt chú nhấc từng con cừu lên xe, buộc chúng xuống những cái vòng ở sàn xe. Chú dẫn bầy la và cái xe vòng ra trước nhà rồi buộc dây dắt con ngựa tàu vào phía sau xe. Chú lùa cả đoàn đến buộc vào một cái cây còi cọc cách nhà khoảng trăm thước và trở lại. Chú nhấc thùng nhựa đường, bước vào nhà. Chậm chạp, chú tưới nhựa đường lên lớp củi xốp trên sàn. Mắt chú nhìn xuống, cố tránh không nom vào thi thể của ba má mình. Đến cửa ra vào, chú đứng lại, tưới nốt chỗ nhựa cuối cùng. Chú ngần ngừ một thoáng, rồi sực nhớ, chú quay vào nhà. Chú với lên cái giá cha chú vẫn để khẩu súng trường và súng lục nhưng chúng không còn ở đấy. Chú thọc tay xa hơn, đụng phải cái gì mềm mềm. Chú cầm nó xuống. Đó là cái áo da hoẵng và chiếc quần má chú mới may cho chú, mềm mại, sạch bóng, trắng ngà. Và mắt chú đột nhiên lại ầng ậng nước. Chú cuộn tròn chúng lại, kẹp vào nách, bước ra. Chú đưa que diêm đến chiếc gậy tẩm nhựa đường, chờ cho nó cháy sáng lên. Cầm trên tay mấy giây để chắc rằng gậy đã bén lửa, chú quẳng nó vào trong nhà, lùi ra khỏi cửa. Đột nhiên chú ngẩng lên kinh ngạc nhìn trời. Mặt trời đã lặn, bóng đêm đã giận dữ sập xuống từ lúc nào. Từ tít trên cao, sao sáng quắc, đau đớn nhìn xuống chú. Một luồng khói đặc sệt cuồn cuộn bốc ra từ cửa chính. Và đột nhiên “bùng!” một tiếng, ngọn lửa thốc qua cửa. Củi khô đã bén. Chú đi xuống đường, leo lên xe, bắt đầu đánh xe vào thị trấn. Chú không hề ngoái đầu lại cho đến khi đã đi được ba dặm, xe đang đứng trên đỉnh một cái gò nhỏ. Một đám lửa màu da cam sáng rực đang cuồn cuộn cháy ngất trời ở nơi trước kia là nhà của chú. 5 Chú đánh xe bò vào sân sau cái tàu ngựa cho thuê của ông Ônxen. Chú xuống xe, bước sang ngôi nhà đứng ở bên cạnh tàu ngựa. Chú leo lên thềm sau, gõ cửa. - Ông Ônxen ơi! – Chú gọi. Một bóng đen hiện lên trên khung cửa sổ sáng đèn. Cửa mở, Ônxen – đứng đó. “Trời ơi thằng Macx”, ông ta thốt lên, “cháu quay lại đây có việc gì đó?”. Macx ngẩng lên nhìn Onxen chằm chằm. “Tụi nó giết mất ba má cháu rồi”. - Giết? – Ônxen kêu lên kinh ngạc, - Ai giết? Nghe giọng chồng khác thường, bà Ônxen cũng hiện ra ở ngưỡng cửa đằng sau ông. - Ba thằng ấy, - Macx đáp – Chúng nó hỏi cháu, cháu chỉ đường cho chúng nó. Và chúng nó giết ba má cháu – Chú ngần ngừ một thoáng rồi giọng như sắp vỡ ra, - Chúng ăn cắp ngựa của ba, lấy cả súng đi nữa. Bà Ônxen nhìn thấy sau cái vẻ bề ngoài bình thản của chú bé là nỗi bàng hoàng. Bà gạt chồng sang bên, bước tới Macx. “Cháu đi vào đi, rồi bác kiếm cho cái gì nong nóng mà uống”. Chú nhìn thẳng vào mắt bà. “Dạ không còn thời gian nữa đâu bác ạ. Cháu phải đuổi theo bọn chúng”. Chú quay sang Ônxen. “Cháu có bầy la, cái xe, bốn con cừu và mười sáu con gà ở ngoài sân kia. Bác đổi cho cháu lấy một con ngựa và một trăm đôla được không?” Ônxen gật đầu. “Được, được mà, cháu ạ” Bầy la và cái xe không thôi cũng đã trị giá gấp ba thế rồi. “Bác sẽ cho cháu một con ngựa tàu to nếu cháu muốn. Nó tốt hơn con ngựa vá. Bác sẽ đưa cả yên cương cho nữa” Macx lắc đầu: “Không. Cám ơn, bác Ônxen ạ. Cháu muốn có một con ngựa non để không cần yên cương và là một con quen chạy ở đồng hoang. Nó sẽ không phải chở chi nhiều và cháu sẽ đi được nhanh hơn”. - Được. Nếu cháu muốn như vậy. - Cho cháu xin tiền bây giờ được không ạ? - Được, cháu ạ - Ônxen đáp. Ông quay vào nhà. Giọng bà Ônxen làm ông chững lại. “Không, Ông đừng trả vội”. Bà lôi Macx tuột vào trong phòng. “Trước hết thằng bé phải ăn cái gì đã. Rồi nó phải ngủ. Sáng mai vẫn còn đủ thì giờ lên đường”. - Nhưng đến khi đó tụi nó đi xa mất. – Macx phản đối. - Không, chúng không đi xa được đâu, - Bà đáp, bằng thứ logic của phụ nữ. “Chúng cũng phải dừng lại ngủ chứ. Mai chúng cũng không cách xa cháu hơn như bây giờ đâu”. Bà đóng cửa lại, dẫn chú đến bàn. Bà ấn chú ngồi xuống một cái ghế và đặt trước mặt chú một đĩa súp. Đờ đẫn, chú bắt đầu ăn. - Tôi ra tháo dây cho đám súc vật cái, - Ông Ônxen nói. Khi ông bước trở lại nhà, Macx đã ngủ, đầu gục xuống hai tay khoanh ở trên bàn. Bà Ônxen đưa tay xuỵt chồng. “Ông không thể để thằng bé một mình đuổi theo bọn người đó được”, bà thì thào. - Cháu phải đi, bác ạ. – Giọng Macx vọng tới từ phía sau. Bà quay ngoắt lại, nhìn chú. “Không được”, bà kêu lên, “chúng đến là người lớn và sẽ làm hại cháu. Trời ơi, cháu vẫn còn là một đứa trẻ”. Chú nhìn thằng vào mặt bà và lần đầu tiên bà nhận thấy, niềm kiêu hãnh bừng lên sâu thẳm từ cặp mắt xanh tối đó. “Chúng định hại cháu đến mức nào thì đã làm rồi, bác ạ”, chú nói, “cháu sắp mười sáu tuổi, và đối với dân da đỏ má cháu, một đứa con trai đến mười sáu tuổi thì không còn là trẻ con nữa. Nó đã là một người lớn, một người đàn ông”. Ngày thứ hai rời khỏi thị trấn Đogiơ, chú kìm ngựa bước chậm lại và chăm chú xem xét rìa đường. Mấy phút sau, chú xuống ngựa, cẩn thận nhìn mép con đường đất. Bốn con ngựa đã dừng ở đây. Chúng đã vòng đi vòng lại mấy lần rồi hai con tiếp tục theo đường cái hướng tới thị trấn Vơginia. Hai con kia đi về phía đông, băng qua đồng cỏ. Chú lên ngựa, đi vào đồng cỏ, đảo mắt tìm cho đến lúc thấy được cái định kiếm một trong hai con ngựa là ngựa của ba má chú. Chú nhận ra vết móng ngựa trên mặt đất mềm. Nó nông hơn các vệt khác, chứng tỏ không có người cưỡi mà chỉ dắt nó. Và điều ấy cũng chứng tỏ tên đi trước mặt chú là thằng đầu sỏ, vì nếu không thì tụi chúng không để nó lấy thêm một con ngựa, thứ của cải quý nhất mà chúng đã ăn cắp được. Đi theo dấu vết thêm mấy dặm nữa, chú nhìn thấy mấy bãi phân ngựa. Chú dừng lại, nhảy xuống. Chú lấy chân đá cục phân. Nó chưa quá bảy tiếng đồng hồ. Tụi chúng đã phí nhiều thời giờ hơn là chú nghĩ. Chú lên ngựa phi tiếp. Chú đi gần suốt đêm, lần theo dấu vết dưới ánh trăng vằng vặc. Đến chiều hôm sau, chú chỉ còn cách con mồi của mình chưa đầy một giờ nữa. Chú ngẩng nhìn trời. Đã khoảng bảy giờ và trời sắp tối. Thằng kia có lẽ sắp dừng lại kiếm chỗ nghỉ nếu nó chưa dừng. Macx xuống ngựa, đợi đêm tối. Trong khi ngồi đợi, chú chặt một cành cây có chạc đôi từ một cây cằn và lắp một hòn đá tròn vào giữa chạc đôi đó. Chú lấy dây da mỏng buộc chặt hòn đá vào chạc cây rồi quấn dây ngoằn nghèo xuôi xuống khúc cây làm thành một cái tay cầm. Xong xuôi, thế là chú đã có một cái gậy chiến tốt như bất kỳ cái nào chú đã họclàm được trong những mùa hè ở với người Kaiôoa. Trời đã tối, chú đứng dậy, buộc cây gậy chiến vào thắt lưng. Chú túm lấy dây thòng lọng ở cổ ngựa và cẩn thận dò dẫm tiến lên từng bước. Chú đi rất chậm, tai căng lên nghe ngóng mọi tiếng động lạ, mũi hít hít ngửi xem trong làn gió thoảng nhẹ có mùi khói lửa trại không. Chú gặp may. Cách ngọn lửa một phần tư dặm, chú đã ngửi thấy nó. Chú buộc con ngựa vào một bụi cây, tháo khẩu súng trường từ trên lưng nó xuống. Chú lặng lẽ tiến lên. Một tiếng ngựa hí vọng lại. Chú nằm phục xuống đất, nhìn tới. Chú đoán hai con ngựa bị buộc cách chú khoảng ba trăm thước. Chú ngó quanh tìm ánh lửa nhưng không thấy. Thận trọng, chú bò một vòng rộng dưới chân gió quanh lũ ngựa. Mùi lửa giờ đã sực lên trong mũi chú. Chú ngóc đầu khỏi lớp cỏ cao của thảo nguyên. Đống lửa cách trước mặt chú khoảng hai trăm thước. Chú có thể nhìn thấy gã kia, ngồi gù gù cúi trên nó, đang ăn bằng một cái xanh. Gã không hề ngờ nghệch tý nào cả. Gã đã chọn chỗ nghỉ giữa hai lèn đá. Và như vậy, chỉ có một con đường trước mặt gã là hở. Macx nằm lại xuống cỏ. Chú phải đợi đến khi gã kia ngủ. Chú duỗi dài chân, ngẩng nhìn trời. Mấy tiếng nữa, khi trăng lên, chú mới đi được. Từ giờ đến đó, có thể yên chí ngủ. Chú nhắm mắt. Chỉ một thoáng sau, chú đã ngủ say. Chú mở choàng mắt và bắt gặp ngay trăng. Nó sáng lòa và đã ở khá cao trên nền trời. Chú từ từ ngồi dậy, nhìn qua cỏ. Ngọn lửa đang thoi thóp tắt dần, chỉ còn sáng hồng. Có thể nhìn thấy bóng gã đàn ông nằm cạnh lườn đá. Chú nhích từng phân một. Gã đàn ông ngáy khe khẽ và trở mình. Macx nằm sững lại. Cái bóng gã đàn ông lại im phăng phắc. Macx nhích dần lên. Chú có thể nhìn thấy tay gã giang ra, một khẩu súng nằm ở đầu ngón tay. Macx bò quanh gã, nhặt một hòn sỏi nhỏ bên cạnh gã lên. Lặng lẽ, chú rút cái gậy chiến ra, đứng dậy, khom khom người. Nín thở đến tức ngực, chú ném hòn sỏi đánh bộp xuống cạnh chân gã đàn ông. Lầu bầu chửi, gã đàn ông ngồi dậy, nhìn về phía trước, tay nắm chặt súng. Gã không bao giờ biết được cái gì đã đánh gã. Macx từ phía sau giáng cái gậy lên đầu gã rất gọn. Khi Macx dắt con ngựa và quay lại thì bình minh đã lấp ló ở phía đông. Chú buộc nó vào cái cây nằm cạnh hai con kia rồi đi tới chỗ gã đàn ông. Mắt gã vẫn nhắm nghiền. Gã thở đều đều mặc dù có một mảng máu ở má và một bên tai, nơi cái gậy đập vào. Gã nằm ngửa tênh hênh, tay chân duỗi sõng soài, giáng chặt xuống đất, trần như nhộng. Macx ngồi xuống tảng đá và bắt đầu liếc con dao cho sắc. Mặt trời lên. Gã đàn ông mở mắt. Thoạt đầu còn đờ đẫn, sau dần dần sáng ra. Gã chực nhỏm dậy, và mới biết rằng mình bị trói ghì xuống. Gã lật đầu sang một bên, nhìn Macx. - Cái chi thế này? – gã thốt lên. Macx chằm chằm nhìn gã, tay vẫn không ngừng liếc dao, “Mày nhớ tao chứ?” Chú nói, “tao là Macx Xanđ đây”. Chú bước lại gần gã. Chú đứng sững bên cạnh, con dao hờ hững ở trong tay. Nhìn gã, bụng chú bỗng dội lên một cảm giác nôn nao kinh tởm. Rồi chú nhớ lại cái gì đã xảy ra trong ngôi nhà gỗ nhỏ. Hình ảnh đó đã xóa sạch cảm giác buồn nôn. Chú nói, giọng bình thản. Không một chút tình cảm: - Sao mày lại giết ba má tao? - Tôi không làm gì họ cả, - gã đàn ông thốt lên, không rời mắt khỏi con dao. - Mày có con ngựa của ba tao ở đây. - Ổng bán cho tôi, - Gã đàn ông đáp. - Ba không bao giờ bán con ngựa duy nhất ổng có, - Macx nói. - Để tôi đi, để tôi đi! – Gã đàn ông chợt thét lên thất thanh. Macx tỳ con dao vào cuống họng gã, “Mày có kể chuyện đã xảy ra thế nào không?” - Tụi kia, tụi kia giết! – Gã đàn ông thét lên, - Tôi không dính dáng chi vô chuyện đó cả. Chúng nó muốn lấy vàng! – Mắt gã lồi ra trong cơn kinh sợ. Gã vãi đái ra, nước tiểu lăn ròng ròng trên hai cái cẳng trần trụi của gã. “Thả tao ra, thả tao ra, thằng mọi đỏ khốn kiếp này”, gã thét lên. Macx hành động rất nhanh. Mọi lưỡng lự đã biến mất. Chú là con trai của Râu Đỏ và Kanêha, rồi sâu xa trong chú, dòng máu da đỏ kêu gọi trả thù. Con dao loáng lên trong nắng. Khi chú đứng thẳng dậy, gã đàn ông đã im bặt. Macx bình thản nhìn xuống. Gã đàn ông mới chí là ngất đi, mắt gã trừng trừng trợn ngược, không còn thần sắc, mi mắt gã bị rạch ra để gã không bao giờ còn nhắm được nữa, và từ vai đến đùi gã, những lát thịt bị khía ra như những băng vải. Macx quay đi, bước quẩn quanh tìm cho đến khi thấy một tổ kiến. Chú bốc lấy cái chóp tổ, đem về chỗ gã đàn ông. Chú cẩn thận đặt nó xuống đám lông bẹn của gã. Chỉ một thoáng, những con kiến đỏ bé xíu đã chạy kín khắp người gã. Chúng rúc vào những kẻ rạch ngọt mùi máu, chạy lên mắt gã, chui vào cái miệng há hốc, vào lỗ mũi gã. Gã bắt đầu ho và rên rỉ. Người gã quằn quại, Macx lặng thinh nhìn gã chăm chăm. Đó là cách trừng phạt của dân da đỏ với một thằng hiếp dâm, ăn cắp và giết người. Gã đàn ông ba ngày sau mới chết. Ba ngày mặt trời chói chang xói vào mắt nhức nhối, đốt rát bỏng những vết khía toác miệng, trong khi đàn kiến miệt mài ngốn ngấu thịt da. Ba ngày gào thét đòi nước, và ba đêm quằn quại khi côn trùng và muỗi, ngửi thấy ơi máu, bù đến cắn xé. Cuối cùng, gã hóa điên, và đến buổi sáng thứ tư, khi Macx đến nhìn hắn, hắn đã chết. Chú chằm chằm nhìn hắn hồi lâu, rồi rút dao, lột da đầu hắn. Chú quay lại bầy ngựa, leo lên con ngựa vá của mình. Dắt theo hai con kia, chú quay đi, nhằm hướng bắc phóng tới vùng đất của bộ lạc Kaiôoa. Viên tù trưởng già, ông ngoại chú, bước ra khỏi lều nhìn chú xuống ngựa. Ông lặng thinh chờ cho đến khi Macx tiến tới trước mặt ông. Macx nhìn vào mắt ông già. “Tao đến đem tin buồn cho những túp lều của dân của dòng giống của tao”, chú nói bằng tiếng Kaiôoa. Tù trưởng lặng thinh. - Cha mẹ tao đã chết, - chú nói tiếp. Viên tù trưởng vẫn nín lặng. Macx với tay lên thắt lưng, gỡ tấm da đầu treo lủng lẳng ở đó. Chú ném phịch xuống dưới chân tù trưởng, “Tao đã lột da đầu một trong những đứa giết người”. Chú nói, “Và tao đến lều của ông ngoại, người tù trưởng oai hùng, để chịu nỗi đau buồn”. Viên tù trưởng cúi nhìn tấm da, rồi ngước lên nhìn Macx. “Chúng ta không còn được thỏa cái bụng đi lại trên đồng cỏ nữa. Những người Mắt Trắng cho bao nhiêu đất thì chúng ta phải ở bấy nhiêu. Có đứa Mặt Trắng nào nhìn thấy cái mày đến đây không? - Không có đứa nào cả, - Macx đáp, - Tao đi từ đồi sau lại. Viên tù trưởng lại cúi nhìn xuống tấm da đầu. Đã lâu lắm rồi lại mới có một tấm da đầu kẻ thù treo trên cái cọc trước túp lều của ông. Tim ông phổng lên vì kiêu hãnh. Ông nhìn Macx. Lũ người Mắt Trắng có thể nhốt được thân thể người ta, nhưng không thể nhốt được linh hồn. Ông nhặt tấm da, treo nó lên cái cọc, rồi quay lại nhìn Macx. - Một cái cây có rất nhiều cành, - ông chậm rãi nói,- và khi có cành bị gãy hay bị cắt, những cành khác phải lớn ra, thay thế chúng để hồn của chúng có nơi nhập vào mà sống. - Ông rút một chiếc lông chim ở cái mũ trên đầu đưa tới trước mặt Macx. “Có một đứa con gái có chồng ngã ngựa chết cách đây hai lần mất mặt trời. Nó đã nhận cây gậy cưới và bây giờ phải sống một mình trong cái lều cạnh sông cho đến khi hồn chồng trong người nó được thay bằng hồn khác. Đi đi, thay hồn cho nó đi”. Macx chằm chằm nhìn ông. “Bây giờ ư”, chú hỏi. Tù trưởng dứt cái lông chim vào tay chú. “Bây giờ”. Ông nói, với tất cả những năm tháng hiểu biết của mình”. Ngay bây giờ. Giờ là lúc tốt nhất, khi thần chiến tranh và báo thù còn đang sôi sục trong dòng máu mày như con nước lũ. Giờ là khi tốt nhất để lấy một người đàn bà”. Macx quay đi, nhặt dây buộc con ngựa lên và đi qua khu trại cùng với bầy ngựa. Những người da đỏ lặng lẽ nhìn chú đi qua. Chú bước chầm chậm, đầu ngẩng cao. Chú đến bên bờ con sông nhỏ, men theo nó đến một chỗ rẽ. Một chiếc lều đơn độc đứng đó, khuất xa khu trại. Macx tiến lại gần. Chú buộc ngựa vào mấy cái cột, rồi nhấc tấm vải che cửa lên, bước vào. Lều trống rỗng. Chú lại nhấc tấm cửa lên ngó ra. Chung quanh không thấy ai cả. Chú thả rơi tấm cửa xuống. Chú đi đến vách sau của lều, ngồi xuống cái giường bằng tấm da trải xuống đất. Một thoáng sau, một cô gái bước vào. Tóc và người cô ướt đẫm nước sông. Áo quần cô ướt dính sát vào người. Trông thấy chú, mắt cô mở to. Cô đứng sững lại, chực bỏ chạy. Cô không lớn hơn một đứa trẻ là mấy. Mười bốn, cùng lắm là mười lăm tuổi. Và đột nhiên, Macx hiểu tại sao tù trưởng lại bảo chú đến đây. Chú nhặt cái lông chim, chìa nó ra cho cô. “Đừng sợ”, chú dịu dàng nói. “Tù trưởng oai hùng đã ràng buộc hai chúng ta, để hai người có thể xua đuổi tà ma ra khỏi hồn nhau đó”. 6 Ngồi trên mình con ngựa vá chắc lẳn, Macx theo tấm ván thang ra khỏi toa tàu sau con gia súc cuối cùng. Chú chờ một tý cho đến khi con bò non cuối cùng vào hẳn bãi nhốt rồi mới sập cổng lại phía sau nó. Chú bỏ mũ, lấy ống tay áo quệt mồ hôi trán, ngẩng lên nhìn trời. Mặt trời đã gần giữa đỉnh đầu, sáng trắng, hun nóng giãi lớp bụi cuối mùa xuân trên sân. Đàn gia súc khẽ rống, dường như bằng cách nào đó, chúng cũng biết rằng chúng đã đi hết đường rồi. Con đường dài từ Têchxax, rồi lên tàu hỏa, tới Kanxơx Xity, và cái thời điểm tận số đang ở trước mặt chúng. Macx đội lại mũ, nheo mắt nhìn xuống chỗ hàng rào nơi ông chủ đang ngồi với mấy lão lái bò. Chú cho ngựa đi đến đó. Fara ngẩng lên khi thấy chú lại gần: “Vào hết cả rồi chứ?” - Chúng vào hết cả rồi, ông Fara ạ. - Tốt, - Fara đáp. Ông ta quay mặt sang một lão lái bò: “Đếm đúng chưa? Tôi là một nghìn một trăm mười”. - Tôi cũng đếm đủ vậy. Fara tụt xuống khỏi hàng rào. “Chiều nay tôi sẽ đến văn phòng ông lấy séc”. Lão lái gật đầu. “Khi ấy là séc đã xong xuôi”. Fara lên ngựa. “Đi nào, chú nhóc”. Ông ta nói với lại qua vai. “Ta đến khách sạn tắm cái cho sạch hết đám cứt trâu cứt bò bám vào người đi”. - Anh em ơi, - ông ta thốt lên sau khi tắm, - Tớ cảm thấy như nhẹ hẳn người đi đến mười cân ấy. Macx cho chân vào đôi bốt, đứng thẳng lên và quay lại. “Dạ, cháu cũng thấy vậy”. Mắt Fara mở to, ông huýt lên một tiếng khẽ. Macx mặc một cái áo sơmi da hoẵng và chiếc quần ống túm. Đôi bốt chăn bò cao đế của chú đánh bóng như gương. Chiếc mùi xoa quấn quanh cổ như một thỏi vàng, nổi bật trên nền da đỏ nâu, xạm nắng. Tóc chú đen đến xanh ánh lên, xõa chấm vai. Fara quay lại huýt sáo. “Macx, mày kiếm đâu ra bộ quần áo này thế?” Macx mỉm cười: “Đây là bộ cuối cùng má cháu may cho đó”. Fara cười: “Ồ, trông mày giống như đúc một người da đỏ”. Macx cũng mỉm cười theo. “Cháu là người da đỏ mà”, chú lặng lẽ đáp. Tiếng cười của Fara tắt rất nhanh. “Nửa da đỏ thôi, chú nhóc ạ. Ba mày là người da trắng và là một người tốt. Tao đã bao nhiêu năm cùng đi săn với Xam Xanđ rồi, quái lạ sao mày lại không tự hào về ông ấy chứ?” - Cháu rất tự hào về ổng, bác Fara ạ, - Macx đáp, - nhưng cháu vẫn nhớ rằng người da trắng đã giết ổng và má cháu. Chú nhặt thắt lưng súng vắt trên ghế lên, buộc vào bụng. Fara nhìn chú cúi xuống gài cái bao súng lên đùi. “Mày vẫn chưa chịu thôi tìm kiếm chúng hả cháu?” Macx ngẩng lên: “Không, không bao giờ bác ạ”. - Kanxơx Xity to lắm. Mày làm thế nào có thể tìm ra hắn ta ở đây? - Nếu nó ở đây, cháu sẽ tìm được, - Macx đáp, - Đây là nơi nó có thể tới. Rồi cháu sẽ xuôi xuống miền Têchxax tây tìm thằng cha kia. Fara lặng thinh một lúc. “Mà, ăn mặc như vầy, cháu không sợ thẳng đó nhận ra cháu và lùng cháu trước sao?” - Cháu mong thằng chả làm như vậy, - Macx nói lặng lẽ, - Cháu mong nó biết được nó chết vì sao. Fara quay đi trước ánh mắt heo hút của chú, nhặt cái áo sơmi lên mặc. Macx chờ ông mặc xong. “Bác Fara, giờ cháu đi lo chuyện của cháu đây”, chú nói sau khi thấy ông xỏ xong quần. Fara đi đến tủ quần áo, cầm lấy cái túi. “Đây cháu. Bốn tháng tiền công – tám mươi đôla – và sáu mươi đôla mày chơi bài xì được”. Macx bỏ vào túi sau, không hề đếm lại. “Cảm ơn bác”. - Tao không bảo nổi cháu quay lại làm với tao được sao? Fara hỏi. - Không, cảm ơn, bác Fara ạ. - Mày không thể giữ mãi cái căm uất trong người như thế được cháu ạ, - Ông già nói, - Không hay gì đâu. Rồi kết cục lại tự làm hại đời mình thôi. - Cháu không thể làm khác được, bác Fara ạ. – Macx chậm chạp nói. Đôi mắt chú lạnh lùng, trống rỗng. – Cháu không bao giờ quên nổi được rằng chính cái ngực đã từng cho cháu bú giờ thằng khốn kiếp ấy lại lột da làm bao đựng thuốc lá. Cánh cửa đóng lại sau chú, Fara đứng sững, chằm chằm nhìn theo. Mary Gađy mỉm cười với cậu con trai, “Uống hết chỗ uyxky đi, để em cởi quần áo”. Chú nhìn cô một lúc, rồi vội vàng uống cạn rượu. Vừa ho sặc lên, chú vừa đi đến bên giường ngồi xuống mép. Chui đầu qua cái váy, Mary nhìn chú. “Anh thấy người ra sao?” Chú nhìn cô ta. Đã thấy mắt chú bắt đầu dại đi rồi. “Không hề chi”, chú đáp, “tôi có cái là không quen uống nhiều đến vậy”. Cô ta lại gần, đứng nhìn chú, cái áo cộc trên tay, “Anh nằm xuống đi, nhắm mắt lại. Sẽ thấy dễ chịu ngay đấy mà”. Chú ngẩng lên nhìn, không đáp, lưỡi đã cứng lại. Mary đưa tay ra, ẩy mạnh vào vai chú. Mắt chú chợt lóe lên, hiểu ra. Chú cố đứng dậy, tay nắm chặt báng súng, nhưng thế là hết sức. Chú ngã sụp xuống, người vắt ngang giường. Mary cúi xuống, lấy tay thành thạo vạch mắt chú. Người chú lạnh toát. Cô ta mỉm cười một mình và bước tới cửa sổ, nhìn ra phố. Gã mối của cô ta đứng bên kia phố, trước một quán rượu. Cô ta giơ tay lên xuống hai lần làm hiệu, gã nhằm hướng khách sạn bước sang. Khi gã ma cô bước vào, cô ta đã mặc quần áo. “Có đưa nó lên đây mà cô làm lâu thế”, gã kèo nhèo. - Tôi làm sao được? – cô ta đáp, - nó không uống rượu. Nó hãy còn là một đứa trẻ con mà. - Nó có bao nhiêu tiền hả? – Gã ma cô hỏi. - Tôi không biết. Tiền ở túi quần sau ấy. Lấy đi rồi chuồn thôi. Cái khách sạn này luôn làm tôi phát khiếp. Gã ma cô nhoài ra giường, moi chỗ tiền khỏi túi quần sau của cậu con trai. Gã đếm rất nhanh. “Một trăm mười đôla”. Mary đến gần ôm choàng lấy cổ gã. “Một trăm mười đôla. Chúng mình đêm nay có thể nghỉ rồi”. Cô ta vừa nói vừa hôn cằm gã, “Chúng mình có thể về chỗ em và ở với nhau cả đêm nay”. Gã ma cô nhìn Mary. “Cái gì? Cô điên rồi à?” Gã càu nhàu. “Mới có mười một giờ. Cô có thể còn lừa được ba cú trong đêm nay”. Gã quay lại nhìn chú trong khi Mary nhặt cuốn sổ của mình lên. “Đừng có quên chai whisky đấy”, gã nói với lại. - Tôi không quên đâu. - Trông nó chẳng có mẽ chăn bò tý nào cả. Trông nó như thằng da đỏ ấy. - Đúng thế. – Cô ta đáp, - Nó đang tìm một người có một cái túi đựng thuốc là làm bằng da một mụ đàn bà da đỏ, - Cô ta cười to, - Thậm chí nó chẳng muốn ngủ nghê gì đâu. Tôi lừa nó lên được đây bằng cách bảo nó là tôi biết người nó đang tìm. Gã ma cô tư lự nhìn xuống chú. “Nó có cầm theo một khẩu súng. Cũng đáng bảo cho cái người nó đang muốn tìm biết về nó đây”. - Anh biết người nó tìm à? - Có lẽ vậy, - gã ma cô đáp, - Đi nào! Đến gần hai giờ sáng thì gã ma cô thấy được người muốn tìm. Hắn kia đang chơi bài trong quán “Chim ưng vàng”. Gã ma cô rón rén đụng vào vai hắn. “Dạ, thưa ông Đot”, gã thì thào. - Mày muốn cái chó gì hả? Gã ma cô liếm môi, vẻ sợ sệt. “Dạ, tôi xin lỗi ạ, thưa ông Đot. Tôi có một tin nghĩ rằng nên báo cho ông biết ạ”. Gã sợ sệt nhìn quanh bàn. Những gã khác đang giương mắt nhìn gã, “Thưa ông Đot, có lẽ ta nên nói chuyện riêng tý ạ. Về cái túi đựng thuốc lá kia kìa”. Hắn chỉ cái bàn nơi nó nằm. Đot phá lên cười. “Cái túi da vú con mọi đỏ của tao ấy à? Lại có người nào muốn mua chứ gì. Nó không phải là của báu đâu”. - Dạ không phải thế ạ, thưa ông Đot, - gã ma cô thì thào. Đot quay lưng về phía gã. “Thế mày còn định bảo cái chó gì nữa…” - Dạ tôi nghĩ là ông đáng biết …rằng… Đot đứng phắt dậy. Hắn túm áo gã ma cô, dập gã kia đánh sầm vào tường. “Tao đáng biết gì hả?” - Dạ ông đáng… đáng biết ạ, thưa ông Đot, - Mắt gã ma cô trắng ra vì khiếp sợ. Đot là một trong những tên giết người khét tiếng nhất thành phố. - Tao đáng biết… - Đot lặp lại, giọng độc ác, - nếu mày không nói nhanh thì… - Có một thằng da đỏ bé con đang ở đây tìm ông ạ, - gã ma cô kinh hoàng thốt lên, - Nó có mang theo súng. - Thằng bé con da đỏ? – Đot hỏi lại. Tay hắn từ từ buông ra khỏi vai gã kia, - Nom nó thế nào? Gã ma cô nhanh chóng tả lại người Macx. - Mắt nó? Màu xanh hả? – Đot hỏi cộc lốc. Gã ma cô gật đầu “Dạ vâng. Tôi nhìn thấy mắt nó khi nó nhặt một con bé của tôi ở quán rượu. Chính vì thế mà thoạt đầu tôi không ngỡ nó là da đỏ[12]. Ông biết nó ạ?” Đot gật đầu, chưa kịp nghĩ, “Tao biết nó” gã nói, “kia là da mẹ nó đấy”. Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào cái túi. Đot nhặt lên, bỏ vào túi mình. - Dạ, giờ ông định làm gì ạ? Gã ma cô hỏi. - Làm gì ư? Đot lắp lại hờ hững. Hắn nhìn gã ma cô rồi nhìn đám người ngồi quanh hắn. Hắn không thể bỏ chạy được. Nếu hắn làm thế, mọi cái sẽ mất sạch. Danh tiếng của hắn, địa vị của hắn trong cái xã hội những kẻ thủ đoạn này. - Làm gì ư? – Hắn lặp lại, lần này với sức mạnh và niềm chắc chắn. – Tao định làm như đã định một năm trước. Giết nó. – Gã quay lại nhìn tên ma cô. – Nó ở đâu hả? - Dạ tôi xin đưa ông đi. – gã ma cô xăng xái nói. Những gã ngồi ở bàn lặng thinh đưa mắt nhìn nhau một thoáng rồi từ từ đứng dậy. “Chờ chút xíu, Tom!” một gã gọi, “chắc sẽ có trò vui mắt lắm đó”. Khi cả bọn kéo đến khách sạn thì Macx đã đi. Nhưng người nhân viên khách sạn bảo với chú nay mai có thể tìm được chú. Ở sân nhốt gia súc, vào lúc hai giờ chiều. Người nhân viên cũng định đến đây để thu một đôla tiền buồng trọ. Đot quẳng một đồng đôla bạc lên mặt quầy. – “Một đôla của ông đây”, gã nói, “tôi đã thu hộ đấy”. Fara tựa người vào hàng rào xem Macx lùa những con bò non đủ độ vào lò đem đi thịt. Một người đàn ông đến dựa cạnh ông. “Thằng bé như có giác quan thứ sáu với con ngựa ấy,” Fara đáp mà không nhìn sang bên cạnh. Câu trả lời của người đàn ông vô thưởng vô phạt. “Ờ”. Anh ta đã quấn xong điếu thuốc, cắm vào mồm. “Ông có diêm không đấy?”. - Ờ, đây – Fara đáp, thọc tay vào túi. Ông đánh diêm, đưa cho người đàn ông. Và tay ông sững lại khi nhìn thấy túi đựng thuốc trong tay anh ta. Gã đàn ông nhìn theo ánh mắt Fara: “Ông nhìn gì vậy?”. - Túi thuốc lá, - Fara đáp – Chưa bao giờ được thấy cái túi như thế. Gã đàn ông cất tiếng cười. “À, chỉ là da vú của một con da đỏ đấy mà. Nó là thứ tốt nhất giữ cho thuốc luôn ẩm và còn nguyên mùi đấy. Nhưng lấy mặc thì không được. Nó khí mỏng”. Và đột nhiên, Fara quay ngoắt người khỏi hàng rào, ra hiệu cho Macx. “Nếu tôi mà là ông thì tôi không làm thế”, gã đàn ông nói. Có tiếng rục rịch phía đằng sau và Fara chợt nhận thấy những đứa khác. Ông bất lực nhìn Macx thả cánh cổng xuống sau khi con bò cuối cùng đã vào và phi về phía họ. Macx nhảy xuống, buộc ngựa vào một cái cọc. “Xong rồi, bác Fara ạ” chú mỉm cười. - Chú nhỏ cưỡi ngựa cừ quá, - gã đàn ông đáp và tung cái túi thuốc cho chú, - Làm một điếu, chú em. Macx bắt gọn túi thuốc, “cảm ơn ông”, chú nói. Chú cúi nhìn túi thuốc chực mở nó. Chú ngẩng phắt lên nhìn gã đàn ông, rồi lại nhìn túi thuốc, mặt tái mét. Túi thuốc tuột khỏi tay chú, rơi cái bộp xuống đất, sợi thuốc bắn tóe ra “Tôi không biết ông, ông đã không làm điều ấy”, chú nói khẽ. Đot cười độc ác. “Hẳn là do bộ ria đấy”. Macx bắt đầu từ từ lùi lại. “Vậy thì mày là một thằng tụi nó. Giờ tao nhận ra mày rồi”. - Tao là một thằng tụi ấy đây. – Đot nói, tay chờn vờn trên khẩu súng, - Thế mày định làm gì nào? Fara và những người khác vô tình giãn ra sang bên. “Đừng, Macx”, Fara kêu lên, giọng khàn khàn. “Tom Đot đấy. Mày không biết tay súng ông ta nhanh đến thế nào đâu”. Macx không rời mắt khỏi mặt Đot. “Nó nhanh thế nào cũng chẳng khác chi đâu, bác Fara ạ”, chú đáp, “cháu sẽ giết nó”. - Cầm lấy súng, thằng mọi đỏ kia! Đot nặng nề nói. - Tao sẽ chờ, - Macx đáp khẽ, - Tao muốn mày sẽ chết từ từ, chậm như má tao đã chết. Mặt Đot đỏ lên, rồi tím tía dưới nắng nóng bỏng. “Rút súng ra!” gã nói khàn khàn, “rút súng ra, thằng con lai khốn khiếp của một con đĩ sề da đỏ. Rút súng ra, mẹ cha mày!” - Tao không vội giết mày đâu, - Macx đáp khẽ, - Thậm chí tao sẽ không nhằm vào đầu hay vào ngực mày. Thoạt tiên tao sẽ bắn vào hai hòn cà mày trước, rồi thêm một hai phát nữa vào bụng. Tao muốn trông thấy mày chết. Đot cảm thấy một nỗi kinh sợ từ từ dâng lên trong lòng. Gã thoáng liếc thấy những người đứng xem. Gã chằm chằm nhìn Macx. Mặt chú ngời lên một nỗi căm hờn, môi chú miết chặt vào hàm răng. Ngay giờ, ngay bây giờ, Đot thầm nghĩ. Ta phải thanh toán chuyện này ngay giờ thôi. Tay hắn đưa vụt đến khẩu súng. Fara nhìn thấy được cử động đó. Nhưng mắt ông chưa kịp chớp thì khẩu súng của Macx đã nhảy lên tay chú. Nó gầm lên trước khi súng của Đot kịp rời khỏi bao. Khẩu súng tuột khỏi tay Đot. Hắn khuỵu gối ngã xuống mặt đất ngập bụi, hai tay ôm lấy bẹn. Macx từ từ bước lại gần hắn. Đot quỳ như đang khấn như vậy một giây, rồi đưa hai bàn tay lên nhìn. Máu ròng ròng chảy từ các ngón tay của hắn. Hắn trừng trừng nhìn Macx. “Đồ chó đẻ”, hắn thét lên thất thanh, chộp lấy khẩu súng trong đám bụi bên cạnh. Macx chờ cho Đot chĩa họng súng lên. Chú bắn hai phát liên tiếp. Đot ngã vật ngửa về phía sau, nằm sõng xoài, người hơi quằn quại. Macx đến gần hơn, đứng nhìn thẳng xuống, miệng súng trên tay hắn còn bốc khói. Hai hôm sau, Macx bị buộc phải lựa chọn giữa hai thứ: hoặc là đăng lính, hoặc phải ra tòa. Khi ấy thiên hạ đang đồn ầm lên về một cuộc chiến tranh với Cuba và viên quan tòa lại là người yêu nước hết mức. May ra Macx có thể trắng án vì lý do là phải tự vệ. Nhưng chú không dám đùa với may rủi, ngay cả khi có những người làm chứng ủng hộ. Chú còn phải giữ đúng hẹn, cuộc hẹn hò với một người mà ngay đến tên hắn ta, chú cũng không biết. 7 Nêvađa bứt rứt trở mình trên chiếc đivăng, láng máng cảm thấy hình như còn có ai nữa ở trong phòng. Tay anh máy móc vươn ra lấy thuốc lá, hẫng một cái giữa không khí, rồi bộp xuống cạnh cái divăng. Anh choàng tỉnh. Mất một hồi, anh mới định thần nhớ lại là đang ở đâu. Anh vắt hai chân chéo ra khỏi divăng, xỏ vào quần. Thuốc lá ở túi quần phải. Anh cắm một điếu vào miệng và bật diêm. Ngọn lửa lóe lên trong bóng đêm và anh nhận thấy Raina đang ngồi thu lu trong cái ghế bành nhìn anh. Anh hít một hơi khói dài, thổi tắt phụt que diêm, “Sao cô không ngủ?”. Cô thở vào một hơi rất sâu. “Em không ngủ đươc. Em sợ”. Anh ngỡ ngàng nhìn cô, “Sợ ư, Raina? Cô sợ cái chi?” Cô ngồi im phăng phắc trong ghế bành: “Em sợ cái sẽ xảy ra với em”. Anh lặng lẽ cười, yên tâm trở lại: “Cô đã trưởng thành, cô lại trẻ. Cả cuộc đời đang ở trước mắt cô”. Khuôn mặt cô sáng mờ mờ trong bóng tối. “Em biết”, cô thì thào, “em cũng đã tự nhủ như thế. Chỉ có điều là em không thể bảo mình tin thế được”. Và đột nhiên, cô quì sụp xuống trước mặt anh: “Nêvađa, Nêvađa, anh phải giúp em, giúp em với!” Anh đưa tay ra vuốt tóc cô: “Rồi đâu có đó Raina ạ!” Cô nắm chặt lấy tay anh. “Anh chưa hiểu, anh Nêvađa ạ!” Cô nói khàn khàn, “Lúc nào em cũng thấy thế. Trước khi em lấy ông Cođơ, trước khi em tới vùng này. Thậm chí ngay từ khi em còn rất nhỏ”. - Người ta ai cũng có lúc sợ một cái gì đó, Raina ạ. Giọng cô vẫn lạc đi vì sợ. “Nhưng không như em! Em khác lắm! Em sẽ chết sớm vì một bệnh gì đó rất khủng khiếp. Em biết, em biết thế Nêvađa ạ. Em cảm thấy như vậy”. Cô òa lên khóc. Nêvađa ngồi nín thinh, đưa tay lơ đãng vuốt tóc cô. “Một mai cô quay lại miền Đông rồi thì mọi chuyện sẽ khác đi chớ”, anh nhẹ nhàng, “sẽ có những người đàn ông trẻ ở đó, và…” Cô bỏ tay ra khỏi mặt, ngước lên nhìn anh. Ánh sáng ban mai yếu ớt chiếu trên nét mặt cô. Mắt cô mở to, nhòa nước. “Bọn trai trẻ ư, Nêvađa?”. Cô khinh miệt hỏi lại. “Đó là một trong những điều em ghê sợ. Nếu không thì tại sao em không lấy Giônơx thay cho ông bố anh ấy!” Nêvađa không đáp. - Bọn trai trẻ đều giống nhau cả. Chúng chỉ thèm ở em có một cái – Cô tiếp tục nói. Môi cô rụt lại, miết vào hàm răng trắng bóng. Cô như nhổ toẹt cái từ đó vào Nêvađa. – Là “cối”. Không làm cái gì khác ngoài cối, cối, cối! Anh tròn mắt nhìn cô, bàng hoàng vì nghe cô nói ra cái từ tục tĩu quen thuộc đó một cách rõ ràng, mạnh mẽ với giọng quý phái như vậy. Hồi lâu, hết choáng váng, anh mỉm cười. - Cô mong chờ cái chi vậy, Raina? – anh hỏi, - tại sao cô lại nói với anh tất cả những điều đó? Cô nhìn thẳng vào mắt anh. “Bởi vì em muốn anh hiểu em. Em muốn anh, hiểu em là người như thế nào. Chưa có người đàn ông nào hiểu được em cả”. Điếu thuốc đốt bỏng rát môi Nêvađa. Anh vội rút nó ra. “Tại sao là anh?” Cô đáp rất nhanh: “Vì anh không phải là một đứa mới lớn. Anh là người đã trưởng thành”. - Thế còn cô thì sao? Mắt cô lóe lên, gần như ngạo nghễ nữa. Nhưng giọng nói thì lại phản lại cô, nó run run không tin tưởng: “Em nghĩ em là một con ưa đồng dục nữ, một đứa lexbion!” Anh bật cười. - Anh đừng cười, - cô nói nhanh, - chả có gì đáng vui vẻ thế đâu. Em đã chung đụng cả với đàn bà lẫn đàn ông. Và chưa một người đàn ông nào em đã gặp có thể làm em cảm thấy được như cảm thấy với một đứa con gái khác, - Cô cười cay đắng, - Đàn ông ngu lắm. Làm cho họ tưởng họ muốn gì thì dễ ợt thôi. Mà em lại biết được tất cả những thủ thuật đó. Tính kiêu ngạo đàn ông của anh nổi dậy “Có thể là bởi cô chưa gặp được thằng cha nào đáng mặt đàn ông”. Giọng cô thoáng vẻ thách thức: “Ổ, chưa ư?”. Anh cảm thấy những ngón tay cô nhẹ nhè lần trên đùi anh dưới cái chăn và dừng lại ở bẹn. Cô gạt nhanh cái chân sang bên, úp mặt vào đùi anh. Anh cảm thấy môi cô mấp máy và bất chợt, anh phát cáu. Anh túm tóc nhấc đầu cô lên. “Cô định chứng minh cái chi vậy?” anh hỏi cộc lốc. Hơi thở cô dồn dập, nặng nhọc. “Rằng anh là người ấy”, cô thì thào, “người duy nhất làm em cảm thấy đầy đủ”. Anh chằm chằm nhìn cô, không đáp. - Anh là người ấy, Nêvađa, - cô thì thào, - Em biết điều đó. Em có thể cảm thấy điều đó ở trong em. Anh có thể làm cho em lại trở lại em. Em sẽ không còn sợ hãi cái gì nữa. Cô chực cúi đầu nữa nhưng bị tay anh giữ chặt. Mắt cô mở trừng trừng, tuyệt vọng. “Nào, Nêvađa, nào. Hãy để em chứng minh em có thể yêu anh đến chừng nào!” cô bật khóc. Anh bỗng nhỏm dậy, đi đến lò sưởi. Anh đảo cho than cháy hồng lên, bỏ thêm mấy khúc củi vào. Một thoáng sau, một ngọn lửa nóng, cháy lép bép đã sáng bừng lên trong phòng. Anh ngoảnh lại, cô vẫn ngồi bệt trên sàn nhà, trước cái divăng chăm chú nhìn anh. Anh từ từ đi gần lại. “Khi anh rủ cô đi đến đây, anh nghĩ là anh đã làm đúng, Raina ạ”. Anh ngồi xuống, rút một điếu thuốc. Trước khi anh kịp châm lửa, cô đánh diêm chìa cho anh, “Phải thế thì sao Nêvađa?” cô khẽ hỏi. Ngọn lửa trong mắt anh sáng hồng lên rồi tắt theo que diêm “Anh không phải là người cô kiếm đâu, Raina ạ”. Ngón tay cô đụng khẽ vào má anh, “Không, Nêvađa”, cô nói nhanh, “điều đó không đúng!” - Có thể là vậy. – Anh đáp, một nụ cười từ từ xuất hiện trên môi anh. – Vì anh nghĩ là anh còn quá trẻ. Cô thấy đó, tất cả những gì anh muốn làm cho cô không là gì khác ngoài… cối, cối, cối!... Cô trợn mắt nhìn anh một thoáng, rồi mỉm cười. Cô nhanh nhẹn đứng dậy, rút điếu thuốc khỏi môi anh. Môi cô thoáng lướt qua môi anh rồi cô rời ra, bước đến bên lò sưởi, quay lại đối diện với anh. Cô đưa điếu thuốc lên miệng rít một hơi dài. Rồi cô khẽ lắc đầu, chiếc áo choàng ngủ rơi tuột xuống sàn. Tấm thân trần của cô vàng hồng lên trong ánh lửa. Cô vứt điếu thuốc vào lò sưởi ở phía sau, bước tới chỗ anh. - Có lẽ thế này tốt hơn, - cô nói, ngã nhào vào vòng tay anh. Bây giờ chúng mình có thể thành bạn của nhau. 8 - Việc biểu diễn của ta đang gặp khó khăn, - Viên thủ quỹ nói. Nêvađa liếc nhìn Raina. Cô đang nhìn qua cửa sổ toa bán vé, xem cái cảnh cuối cùng của buổi diễn “Miền Tây hoang dã” đang diễn ra trên bãi đất trước mặt. Tiếng ngựa phi, tiếng la hét văng vẳng vọng lại phía họ trong bầu không khí lặng tờ, ấm áp. - Khó khăn ra sao? – Nêvađa hỏi, thôi không nhìn cô nữa. - Đủ chết, - Viên thủ quỹ nói thẳng, - Chúng ta bán số vé tuần này không bằng bọn Băphơlâu Bin Ceđy bán cho buổi trình diễn mùa hè của chúng. Nếu dấu hiệu hai tuần vừa rồi là đúng thì mùa diễn này chúng ta sẽ mất đứt đi bốn mươi ngàn. Một hồi kèn xung phong văng vẳng vọng tới. Nêvađa trở mình trên chiếc ghế gỗ khó chịu, rút thuốc lá ra quấn. Buổi trình diễn sắp kết thúc. Đội kỵ binh đang lao đến những người lập nghiệp da trắng bị vây. Anh ngậm điếu thuốc vào miệng. - Tại sao ông lại để cái điều ngu ngốc ấy xảy ra? – Anh hỏi, điếu thuốc chưa châm thây lẩy trên mép. - Không phải lỗi tại tôi, Nêvađa, - viên thủ quỹ đáp nhanh, - Tôi nghĩ gã đại lý bán rẻ chúng ta. Nêvađa lặng thinh, châm thuốc hút. Anh định làm gì bây giờ? Viên thủ quỹ lo lắng hỏi. Nêvađa rít một hơi thuốc đầy. “Cứ diễn cho hết mùa”. - Còn bốn mươi thiên thì sao? – Giọng ông thủ quỹ bàng hoàng. Chúng ta không thể để mất một số tiền lớn như vậy. Nêvađa chăm chú nhìn ông ta. Mặt ông ta đỏ ửng lên, ngượng ngập. Anh hỏi thầm sao ông ta lại bàng hoàng đến như vậy. Có phải là tiền của ông ta bị mất đâu. - Ta không thể không làm thế. – Nêvađa đáp. Nếu ta bãi diễn, ta sẽ mất hết diễn viên giỏi. Tụi họ sẽ không ký hợp đồng với ta sang năm nữa nếu ta giờ hạ tiền công xuống. Nêvađa đứng dậy, đi tới cửa sổ nhìn ra. Đám dân da đỏ đang phi chạy khỏi bãi, đuổi riết sau họ là đội kỵ binh. Anh quay trở lại viên thủ quỹ. “Tôi đưa bà Cođơ ra ga rồi sau đó sẽ tạt vào chỗ thằng cha đại lý bán vé. Ông chờ tôi ở đây. Tôi sẽ quay lại”. - Vâng được, ông Nêvađa. Nêvađa cầm tay Raina, cùng bước xuống thang toa xe. Hai người đi ngang bãi diễn, tới chỗ ô tô của họ đỗ. Đi ngược lại phía họ là các diễn viên đang lùa ngựa vào ràn, vội về các toa xe của mình thay quần áo, gọi với qua đầu nhau về dự định giải trí tối nay. Đến bên ô tô, Raina quay sang phía anh: “Cho em ở lại với anh nhé, anh Nêvađa”. Anh chậm rãi mỉm cười. “Anh tưởng bọn ta đã quyết định rồi cơ mà”. - Nhưng anh ạ, - mắt cô tỏ vẻ nghiêm trang, - em chả có gì cần miền đông cả. Thực vậy. Còn ở đây, ít nhất em cũng thấy háo hức, sống động… - Thôi đừng trẻ nít nữa. Cô là người đàn bà trưởng thành rồi. Sống đây không hợp với cô đâu. Chỉ một tuần là cô thấy tẻ chán thôi mà. - Em sẽ mua lại một nửa số tiền anh lỗ mùa diễn này nếu anh cho em được ở lại đây, - cô nói nhanh. Anh quay phắt sang nhìn cô. Anh nghĩ là cô đã không nghe thấy câu chuyện trong toa bán vé, cô có vẻ mê mải xem diễn thế cơ mà. “Cô không chịu nổi đâu?” anh nói. - Thế còn anh chịu nổi chắc? – cô bẻ lại. - Tốt hơn cô, - anh nói nhanh, - ngoài cái này ra, tôi còn những thứ khác nữa. Cô mở to mắt nhìn anh một thoáng, rồi ngồi vào xe. Cô lặng im tới ga, đến lúc sửa soạn lên tàu. - Anh viết thư cho em nhé, anh Nêvađa? - Cô hỏi. - Anh lười lắm. - Nhưng anh để chúng mình liên lạc được với nhau nhé? – Cô gặng. – Nếu em viết cho anh thì anh trả lời em nhé? Anh gật đầu. - Anh để em đến đây thăm anh nhé, thỉnh thoảng nhé? – Cô hỏi, - Nếu em thấy sợ hãi và cô đơn, được không? - Có bạn bè là để những lúc đó thôi mà! – anh đáp. Mắt cô rơm rớm nước. “Anh là bạn tốt lắm, Nêvađa ạ”, cô nghiêm trang nói. Cô hôn má anh rồi leo lên một toa nằm. Đến cửa, cô quay lại, tươi tắn vẫy chào anh, rồi biến mất vào trong. Tàu chuyển bánh, trong một thoáng, anh trông thấy khuôn mặt cô ở cửa sổ. Rồi cô đi hẳn, anh quay lưng, bước ra khỏi ga. Anh leo lên một cái cầu thang ọp ẹp dẫn tới hành lang bụi bặm, đến trước một cánh cửa sơn đã bợt màu, nứt nẻ, mang dòng chữ kẻ giản đơn, cũng đã nhạt màu. ĐANIEN PIƠX – ĐẠI LÝ BÁN VÉ Cái văn phòng bên trong thật cũng xứng với vẻ bề ngoài. Một cô gái ngẩng lên nhìn anh. Cô ta ngồi bền một cái bàn bừa bộn, tóc còn bợt bạt dấu vết của thuốc nhuộm tóc màu nâu vàng. Vừa nhai kẹo cao su lục cục trong mồm, cô ta vừa hỏi vẻ thù địch. “Anh cần gì hả?”. - Đan Piơx có đây không ạ? – Nêvađa hỏi. Cô ta chằm chằm nhìn Nêvađa một thoáng, mắt lướt qua cái áo chẽn da cũ kỹ của anh, cái quần bò Levi’s bạc phếch, chiếc mũ chăn bò vành rộng. “Nếu anh định hỏi xin việc” cô ta đáp, “thì chẳng có gì sất cả” - Tôi không đi xin việc, - Nêvađa đáp nhanh, - Tôi tìm ông Piơx. - Anh có hẹn à? Nêvađa lắc đầu: “Không”. - Ông ta không tiếp ai không hẹn, - cô ta sống sượng đáp. - Tôi ở triển lãm “Miền Tây hoang dã”. Ông ấy sẽ tiếp tôi. Mắt cô ta lóe lên vẻ tò mò. “Gánh của Bâphơlâu Bin hả?” Nêvađa lắc đầu. “Không phải. Đoàn Grêt Xaoext Rôdêâu”. - Ồ, - vẻ tò mò biến mất khỏi mặt cô ta, - cái gánh kia. Nêvađa gật đầu. “Phải, cái gánh kia” - Ờ, ông ta không có ở đây. - Thế tôi có thể tìm thấy ông ta ở đâu được? - Tôi không biết. Ông ta đi họp. Giọng Nêvađa vẫn kiên trì. “Ở đâu vậy?” Một cái gì lộ trong mắt anh đã khiến cô ta phải trả lời: “Ông ấy đến hãng phim Noman. Ông ấy đang hy vọng bán cho họ được một diễn viên đóng phim chăn bò miền Tây”. - Tôi đến đó bằng cách như thế nào? - Hãng ấy ở trên đại lộ Lancơsim, qua hãng Univơxơn, qua hãng Oanơ. - Cảm ơn, - anh đáp và đi ra. Vừa mới rẽ sang đường Lancơsim, anh đã thấy biển quảng cáo to tướng trước cửa hàng Univơxơn trương dòng chữ. HÃNG PHIM UNIVƠXƠN NGÔI NHÀ CỦA TOM MICX VÀ TONY ĐÓN COI: TÙY TÙNG CỦA HIỀN TRIẾT ÁO TÍA Phim của hãng Univơxơn Và mấy phút sau, anh vượt qua một cái biển quảng cáo nữa trước cửa hãng Anh em Oanơ HÃNG PHIM “ANH EM OANƠ” GIỚI THIỆU Tài tử MINTƠ XIND trong phim DIỀU HU BIỂN Ly kỳ sống động Xưởng phim Noman nằm ở dặm thứ năm của con đường. Lại vẫn cái biển quảng cáo ở trước cửa HÃNG LÀM PHIM BƠNƠĐ.B.NOMAN Giới thiệu VIÊN CẢNH SÁT LÀNG THANH BÌNH Với tất cả tài tử nổi tiếng nhất. Anh rẽ xe vào cái cổng lớn. Một người gác cổng ngăn lại. - Ông Đan Piơx có đây không? – Anh hỏi - Chờ một tý để tôi xem đã. – Người kia quay lại bốt gác, dò dò trên một tờ giấy. “Anh hẳn là người ông ta đang chờ. Ông ta đang ở khu phía sau. Rẽ phải rồi đi thẳng sẽ tới”. Nêvađa cảm ơn anh ta và sang số xe. Anh cho xe chạy từ từ vì đường đầy người. Một số là diễn viên, mặc quần áo khác nhau. Nhưng hầu hết thì là công nhân, mặc quần áo lao động. Anh vượt qua mấy tòa nhà lớn rồi sau vài phút đã ra tới chỗ thoáng. Chỉ thấy những quả đồi và những vạt cỏ rằn. Tới chân ngọn đồi đầu tiên, anh lại nom thấy một cái biển nữa. TRƯỜNG QUAY “LÀNG THANH BÌNH” ĐỖ XE Ở ĐY! Anh đi theo mũi tên. Khu đất rìa đường đầy ô tô con và xe vận tải. Anh cho xe đi đến gần một chiếc, bước ra. - Đan Piơx có ở đây không? – Anh hỏi một người ngồi trên chiếc xe tải. - Anh ta ở trong đoàn làm phim “Làng thanh bình” hở? – Người kia hỏi lại. - Chắc vậy. – Nêvađa đáp. - Thế thì họ ở khuất sau ngọn đồi này này. Đến đỉnh đồi, Nêvađa dừng lại, nhìn xuống. Một tốp đông người đang đứng ở phía dưới anh một tý. - Lăn đi, chúng đến kìa! – Một giọng trầm trầm thét lên. Và đột nhiên, một chiếc xe ngựa chở khách ầm ầm lao trên con đường đầy bụi trước mặt anh. Chiếc xe vừa đến chỗ ngoặt. Nêvađa nhìn thấy gã đánh xe nhảy vọt ra, lăn xuống mép đường. Một giây sau, bầy ngựa tuột khỏi càng xe, và chiếc xe trật khỏi đường, lộn tròn xuống chân đồi. Bụi vừa mới hơi tan đi được một tý thì có tiếng thét lên: “Cắt! Cắt! Mẹ kiếp, Ruxen, anh nhảy ra quá sớm. Cái xe chưa lăn hết đến chân đồi trong bốn mươi khuôn hình ở sau anh”. Anh chàng đánh xe lồm cồm bò dậy, chậm chạp đi đến chỗ đám đông, vừa đi vừa lấy cái mũ đập bụi ở quần bò của mình. Nêvađa đi xuống đồi. Anh đưa mắt tìm Đan Piơx trong đám người, nhưng không thấy ông ta đâu cả. Một người đàn ông hấp tấp đi ngang qua, tay xách một hộp phim. “Có thấy Đan Piơx ở quanh đây không anh?” Nêvađa hỏi. Người đàn ông nhún vai. “Tui nỏ biết. Hỏi chú kia xem sao”, anh ta chỉ tay tới một thanh niên mặc quần chẽn gối. - Có thấy Đan Piơx ở quanh đây không bạn? Gã trai ngẩng lên: “Ông ta phải ra văn phòng trước gọi điện thoại việc gì dó” - Cảm ơn. Tôi đợi vậy. – Nêvađa đáp và bắt đầu quấn một điếu thuốc lá. Cái giọng oang oang khi nãy lại vang lên: “Piơx chưa đem được cái gã nhào lộn chết tiệt ấy đến đây hả?” - Ông ta đang đi gọi hắn qua điện thoại ạ - gã thanh niên đáp. Nhìn lại Nêvađa, anh ta bất giác giật mình ngỡ ngàng, - Dạ, xin ông chờ cho một chút ạ. – Anh ta kêu với lên về phía sau và bước tới chỗ Nêvađa. – Anh là cái người mà Piơx đang chờ đấy hả? - Chắc là vậy. - Thế thì theo tôi. Nêvađa theo anh ta tới chỗ đám đông đang xúm quanh một người cao lớn đứng cạnh máy quay phim. Anh chàng thanh niên đứng dừng lại trước mặt Nêvađa. “Dạ thưa đây là người mà Piơx đang chờ đấy ạ”. Người cao lớn quay lại, nhìn Nêvađa, rồi đưa tay chỉ một lèn đá ở ngọn đồi bên cạnh. Dưới lèn đá là một dòng suối rộng đang chảy. “Anh có thể phi một con ngựa bay từ cái lèn đá kia xuống suối được không?” Nêvađa đưa mắt nhìn theo tay ông ta. Như vậy là rơi khoảng hai chục mét và con ngựa phải bay ra ít nhất năm mét mới đúng suối được. - Chúng tôi đã cho đào con suối sâu tám thước ở ngay chỗ đó, - ông đạo diễn nói. Nêvađa gật đầu. “Như thế là đủ sâu”. Tôi thiết tưởng có thể nhảy được”, anh bình thản nói. Mặt ông đạo diễn ngời lên nụ cười. “A, mẹ kiếp hay lắm!” ông ta gầm lên, “Cuối cùng chúng ta đã tìm được người đàn ông có hai quả cật thực sự”. Ông ta vỗ vào lưng Nêvađa. “Anh lại đằng ấy đi, cậu giữ ngựa sẽ trao ngựa cho anh. Bọn tôi quay xong cảnh ở đây là lại đó ngay”. Ông ta quay lại chỗ người quay phim. Nêvađa vỗ vai ông ta. “Tôi nói là tôi thiết tưởng có thể nhảy được”, anh nói, “chớ tôi không nói là tôi nhảy”. Đạo diễn chăm chú nhìn anh, vẻ tò mò. “Chúng tôi trả gấp ba giá nhào lộn thông thường; chín mươi đôla với anh là chưa đủ sao? Ok, tôi sẽ trả anh một trăm”. Nêvađa mỉm cười. “Ông hiểu lầm tôi rồi. Tôi tới đây kiếm Đan Piơx. Tôi đâu phải người nhào lộn ngã ngựa”. Miệng ông ta méo đi, khinh miệt. “Bọn chăn bò các anh đều như nhau cả. Chỉ được cái mồm to”. Nêvađa chằm chằm nhìn anh ta. Anh cảm thấy lòng cuộn lên một nỗi tức giận. Anh ớn lắm rồi, ớn cái cảnh ngó nghiêng chạy quanh tìm Piơx suốt từ khi rời văn phòng của ông ta. Giọng anh lạnh ngắt: “Ông phải mất năm trăm đôla để tôi đưa con ngựa bay ra khỏi lèn đá ấy”. Ông đạo diễn trố mắt nhìn anh, rồi mỉm cười “Hẳn là anh đã biết được tất cả mọi người ở Hollywood này từ chối cú nhảy đó”. Nêvađa lặng thinh. - Ok. Thì năm trăm đôla. Ông ta nói hờ hững, và quay lại với người quay phim. Nêvađa đứng cạnh con ngựa, chốc chốc lại cho nó một miếng đường. Con ngựa liếm liếm tay anh. Anh vuốt vuốt cái cổ nó. Con ngựa này tốt thật. Nó phản xạ rất nhanh và không hề tỏ ra sợ hãi một tý nào cả. - Chúng tôi đã sẵn sàng, - Đạo diễn nói, - Tôi đã bố trí máy quay ở tất cả các góc nên anh không phải lo nhìn vào một chỗ nhất định nào cả. Khi tôi ra hiệu thì anh bắt đầu. Nêvađa gật, leo lên ngựa. Ông đạo diễn đứng ở rìa lèn đá, tay giơ thẳng. Đột nhiên, ông ta phất mạnh tay xuống và Nêvađa thúc mạnh hai chân vào sừon con ngựa. Nó nhảy lên lao vụt đi. Nêvađa thả hết cương. Cả người lẫn ngựa lao đánh lên trời rồi bắt đầu rơi xuống. Đột nhiên chân nó cứng lại, hẫng khuỵu xuống. Anh cảm thấy rõ con vật sợ đến đờ người khi chân nó không chạm vào nền đất như thường lệ. Nó cuống cuồng vùng vằng, kinh sợ, người bắt đầu xoay lộn. Nhanh như cắt, Nêvađa đá tung hai chân ra khỏi bàn đạp, bay qua ngang thân ngựa. Trong một thoáng anh thấy mặt nước ập đến anh, và anh thầm mong là đã nhảy đủ xa khỏi con ngựa để nó không rơi đè lên mình. Anh lao xuống nước rất gọn và cứ để nguyên cho đá rơi kéo chìm xuống. “ÙM”, một tiếng nổ lớn trên mặt nước cạnh anh. Chắc đó là con ngựa. Ngực anh tức rát nhưng anh cố chờ cho đến cùng. Cuối cùng, anh phải ngoi lên. Đường tới mặt nước dường như dài vô tận. Anh lao òa lên không khí, há hốc mồm thở. Ngoái nhìn sang bên, anh thấy con ngựa đang lũm chũm bơi cạnh anh, cổ nó ngoẹo đi rất kỳ quặc. Một vẻ đau đớn đờ dại ở mắt nó. Quay đi, anh sải tay bơi vào bờ và bực bội đi về phía đạo diễn. Ông ta đang mỉm cười. “Tuyệt thật. Cảnh quay tuyệt nhất từ trước đến giờ!” - Cổ con ngựa kia có lẽ đã bị gẫy! – Nêvađa thốt lên. Anh ngoái lại nhìn con ngựa. Nó vùng vẫy cố rướn đầu lên khỏi mặt nước. – Trời ơi, sao không ai bắn chết luôn con ngựa tội nghiệp kia đi! – Anh kêu lên. - Chúng tôi đã bảo cậu giữ ngựa đi lấy khẩu súng trường rồi. Cậu ấy sẽ quay lại ở đồi bên kia. - Trước khi thằng chả tới được đây thì con ngựa kia chết đuối tiêu rồi. – Nêvađa gắt lên – Không ai có khẩu súng lục nào sao? - Có chứ. Nhưng không ai bắn trúng được đâu. Xa vậy, súng lục không bắn được. Nêvađa chằm chằm nhìn đạo diễn. “Đưa tôi khẩu súng!” Anh cầm súng, giơ lên. Anh lật cái ổ quay, “Đâu có đạn!”. Ai đó đưa đạn cho anh. Anh lắp nhanh đạn vào ổ, sải bước tới bờ suối. Anh bắn vào một mẩu gỗ nổi trên mặt nước. Đạn ăn hơi lệch sang trái. Anh đợi một thoáng, chờ cho con ngựa lại nhô đầu lên khỏi mặt nước rồi bắn một phát giữa hai mắt con vật xấu số. Anh quay lại, trả khẩu súng cho đạo diễn. Lặng lẽ, người đàn ông cao lớn đó cầm lấy nó, rồi chìa cho anh một bao thuốc. Nêvađa rút một điếu, ông ta châm lửa cho anh. Anh hít một hơi thuốc dài. Người đàn ông lập cập chạy tới, thở hổn hển. “Tôi xin lỗi, thưa ông Phôn Enxtơ”, ông ta nói khàn khàn, “Tôi không thể tìm thấy cái thằng cha nhào lộn ấy ở đâu cả. Nhưng mai tôi sẽ đem cho ông một người nhào lộn khác”. - Chưa ai bảo ông cả à, ông Piơx? Anh ta đã tới đây rồi. Chúng tôi vừa quay xong. Piơx trợn tròn mắt nhìn ông ta. “Làm sao có thể thế được? Tôi vừa bảo anh ta ở…” Viên đạo diễn đứng né sang bên, để lộ Nêvađa. “Anh ta đây. Ông nhìn đi”. Piơx nhìn Nêvađa, rồi nhìn đạo diễn. “Đây không phải là anh ta. Đây là Nêvađa Xmith. Anh ta là chủ đoàn Grêt Xacoext Râuđêô và Triển lãm “Miền Tây hoang dã”. Ông ta quay lại phía Nêvađa, chìa tay ra. “Rất mừng được gặp anh, Nêvađa”. Ông ta mỉm cười. “Anh đến đây làm gì vậy?” Nêvađa trừng trừng nhìn ông ta. Cơn giận đột nhiên lại bùng lên trong anh. Tay anh giơ lên đánh vụt một cái, Piơx ngã huỵch xuống đất, ngạc nhiên bàng hoàng. Ông ta tròn mắt nhìn Nêvađa “Anh làm sao thế, Nêvađa?”. - Tôi muốn biết tụi ở đoàn Cođy đã cho ông ngấm hơi bạc tới đâu rồi! Phôn Enxtơ bước chen vào giữa. “Tôi đã để ý tìm một người như anh từ lâu rồi, anh Xmith ạ. Bán cái gánh hát của anh đi, đến làm cho chúng tôi. Tôi sẽ bắt đầu trả lương anh hai trăm rưỡi một tuần”. Giọng của Piơx bay lên từ mặt đất. “Ồ, không được, không được ông Phôn Enxtơ ạ. Một ngàn một tuần, không thì thôi!” Nêvađa há miệng chực nói. “Anh im đi!” Đan Piơx nẹt anh. “Tôi là đại lý của anh cơ mà. Chớ quên điều ấy!” Ông ta quay sang Phôn Enxtơ. “Một giờ nữa cú bay vừa rồi sẽ được cả Hollywood biết. Tôi có thể đưa anh ta tới hãng Univơxơn hoặc Anh em Oanơ. Họ sẽ vồ lấy anh ta với cái giá ấy”. Phôn Enxtơ chằm chằm nhìn viên đại lý. “Năm trăm”, ông ta nói gọn lỏn, “đó là giá cuối cùng của tôi”. Piơx túm lấy tay Nêvađa. “Đi nào, Nêvađa. Ta tới chỗ Anh em Oanơ. Mọi hãng phim đều đang tìm một người có thể đua tranh được với Tom Micx”. - Bảy trăm rưỡi vậy. – Phôn Enxtơ đáp. Trong vòng sáu tháng. Rồi một ngàn một tuần và sau đó nửa năm một cứ tăng như vậy. - Nhất trí. – Phôn Enxtơ đáp và bắt tay Piơx. Rồi ông ta quay sang Nêvađa, mỉm cười chìa tay ra. - Anh lúc nãy bảo tên anh là gì nhỉ? - Xmith. Nêvađa Xmith. Hai người bắt tay nhau. “Anh bao nhiêu tuổi rồi, anh bạn trẻ?”. Piơx cướp lời: “Anh ta ba mươi, ông Enxtơ ạ”. Nêvađa chực há miệng phản đối nhưng thấy Piơx túm tay anh bắt im. - Trước công chúng, ta sẽ nói là anh hai mươi chín tuổi. – Enxtơ mỉm cười, - Nào giờ mời hai vị đi với tôi tới văn phòng chính. Tôi muốn bảo với Noman rằng cuối cùng chúng tôi đã tìm ra được Viên cảnh sát làng thanh bình. Nêvađa quay đi giấu một nụ cười. Không hiểu đám bạn bè ở cái trại tù bao nhiêu năm về trước sẽ ăn nói ra ssao, nếu như họ biết anh cuối cùng té ra lại đeo lon vạch thế này. Thậm chí dù chỉ là lon vạch trong chớp bóng. 9 - Trời đất ơi! – Viên cai ngục thốt lên khi thấy người ta đem Macx vào. – Không hiểu mấy ông ấy ở dưới đó làm ăn ra sao. Đây là nhà tù chứ có phải là trường cải tạo đâu! - Đừng có bị cái vẻ bề ngoài của nó đánh lừa, ông bạn ạ! – Gã dẫn tù vừa nhai thuốc bỏm bẻm vừa nói, quẳng tập giấy tờ lên bàn cho viên cai ngục ký. – Nó là loại “cỡ” đấy. Nó đã giết một mạng người ở Niu Olind. Viên cai ngục cầm lấy tờ giấy. “Nó bị tội gì? Giết người à?” - Không, - Gã dẫn tù đáp. – Tàng trữ vũ khí trái phép. Nó thắng được lời buộc tội sát nhân… lý do: tự vệ. – Gã nhét một nùi thuốc vào cái ống hút. – Chú chàng này tóm được thằng cha kia trong phòng ngủ của bà chủ một nhà chứa. - Thưa ông cai ngục, tôi là vệ sĩ của bà ấy ạ. – Macx đáp. Viên cai ngẩng lên nhìn chú, vẻ tinh quái. “Việc ấy không làm cho anh bạn có quyền giết người được anh bạn ạ”. - Thưa ông cai, tôi hổng có cách nào khác ạ. Thằng chả cầm dao nhào tới tôi. Tôi phải tự vệ. Tôi không có tý quần áo nào trên người cả. - Đúng vậy, bác cai ạ. – Gã dẫn tù cười khùng khục dâm đãng, - Trần truồng như nhộng ấy. - Có vẻ là một trường hợp tự vệ chính đáng đấy chứ. – Viên cai ngục nói… Làm sao mà người ta lại tròng một cái ách nặng thế lên cổ nó? - Nó xơi một gã anh em họ với nhà Đaxix. – Gã dẫn tù đáp nhanh. - À. – viên cai thốt lên. Thế là rõ mọi chuyện. Nhà Đaxix có thần thế khá lớn ở thành phố Niu Olind. “Trong trường hợp này, chú mày may mà không bị vào sổ tử đấy”. Ông ta ký đám giấy tờ rồi đẩy về phía gã dẫn tù. “Của cậu đây”. Gã dẫn tù nhặt chúng lên và mở khóa tay cho Macx. “Thôi xin chào, chàng trống”. Viên cai ngục nặng nề đứng dậy. “Mày bao nhiêu tuổi rồi, chú nhỏ?” - Dạ mười chín ạ. – Macx đáp. - Mới tý tuổi thế mà đã làm vệ sĩ cho một mẹ trong cái đám nhà chưa Niu Olind. – ông ta thốt lên – Mày làm sao mà với được cái nghề ấy? - Khi tôi hết hạn lính, tôi cần việc làm. Bà đó lại cần một người lẹ tay dùng súng. Súng ống thì tôi cho rằng tôi khá lẹ tay. - Quá lẹ đấy. – Viên cai đáp, đi vòng qua bàn – Ta là người biết điều nhưng sẽ không chịu nổi những đứa muốn sinh sự. Sáng sáng chú mày dậy, làm những việc người ta bào chú mày làm, và thế là chú mày sẽ không bị rắc rối gì với ta cả. - Thưa ông cai, tôi hiểu rõ ạ. - Macx đáp. Viên cai đi đến cửa ra vào. “Maik!” ông ta gầm lên gọi. Một trật tự viên người da đen to khổng lồ thò đầu vào. “Dạ, ông bẩu gì ạ?”. - Đem gã mới đến này ra quất cho nó mười roi! Mặt Macx lộ rõ vẻ ngạc nhiên. - Tớ không ghét bỏ gì chú mình đâu. – Viên cai nói nhan. – Biện pháp phòng ngừa tý chút thôi mà. Nó sẽ in sâu vào đầu óc chú mày đến nỗi mỗi khi chú mày sinh chuyện gì thì lại nhớ đến nó. – Ông ta quay trở lại bàn. - Đi nào, chú. – Người da đen giục. Cửa đóng lại phía sau. Hai người đi dọc hành lang. Giọng anh chàng trật tự viên ấm áp và an ủi. “Chú đừng có no[13] nghĩ gì về mấy cái doi đó cả.” Anh ta nói, “Anh xẽ đánh doi đầu nàm chú ngất đi, và thế là chẳng còn biết đến chin doi kia nữa đâu!” Macx đến thành phố Niu Olind năm đó đúng vào trước dịp hội Madi Grax[14]. Các đường phố đông nghịt người đi lại, cười nói, xô đẩy, chen chúc nhau. Không hiểu sao, Macx cảm thấy háo hức lây với tâm trạng của họ. Cả thành phố có cái gì như lôi cuốn chú. Chú quyết định ở lại một đôi ngày trước khi cưỡi ngựa về miền tây Texas. Chú gửi ngựa vào một tàu ngựa thuê, trọ tại một khách sạn nhỏ rồi lần tới khu Latin, tìm những trò vui. Sáu tiếng đồng hồ sau, chú quăng một cặp hai con mười địch với ba con bảy xuống bàn, và thế là hết. Chú đã bị thua sạch, tiền của chú, con ngựa, mọi cái, trừ có bộ quần áo trên người. Chú đẩy ghế đứng dậy: - Thưa các ngài, thế là tôi hết sạch. Tôi sẽ tới tàu ngựa, dắt con ngựa tới đây. Một con bạc ngẩng đầu lên: “Thưa, tôi xin mạo muội hỏi ông rằng sau đây ông định làm gì?”. Giọng miền Nam của anh ta nghe dìu dịu. Macx nhún vai, mỉm cười. “Tôi hổng biết nữa. Chắc là phải kiếm việc chi đó làm”. - Việc gì vậy? - Bất kỳ. Tôi cũng khá quen với cưỡi ngựa. Chăn gia súc. Bất kỳ việc gì. Anh ta chỉ về phía khẩu súng của Macx. “Thế cái kia có tốt không?” - Tàm tạm. Anh ta lơ đãng đứng dậy. “Bà Vận đỏ tối nay đối xử với anh chẳng ra sao cả nhỉ?” - Thì anh đã giúp được gì cho bà ấy đâu! – Macx đáp. Tay của con bạc kia đưa vụt lên áo khoác. Anh ta bỗng đờ người, chằm chằm nhìn vào họng súng của Macx đã chĩa vào mình. Khẩu súng ấy xuất hiện nhanh đến nỗi anh ta không cảm thấy cả chuyển động của nó. - Người ta chết vì làm những chuyện dớ dẩn như vậy đó. – Macx nói nhẹ nhàng. Mặt anh ta giãn ra, hết sợ. Anh ta mỉm cười. “Anh chúa thật!”, anh ta kính trọng thốt lên. Macx nhét lại khẩu súng vào bao. “Có lẽ tôi nghĩ là kiếm cho anh được một chỗ làm đấy”, anh ta nói. “nếu như không ngại làm cho một người đàn bà”. - Việc chi thì cũng là việc cả - Mac đáp. – Giờ không phải lúc để so đo lựa chọn quá cầu kỳ. Sáng hôm sau, Macx và con bạc kia đã ngồi trong phòng chờ của ngôi nhà chứa sang trọng nhất ở Niu Olind. Một cô hầu da đen bước vào. “Cô Pluvie sẽ gặp các ông bây giờ”. Cô ta khụyu chân chào. “Xin mời các ông theo tôi ạ” Hai người theo cô gái lên một cái cầu thang dài, thanh lịch. Cô hầu mở một cánh cửa ra vào, khụyu chân chào, để cho họ bước qua rồi đóng cửa lại phía sau họ. Macx bước vào phòng hai bước rồi đứng sựng lại, trố mắt nhìn. Chưa bao giờ chú thấy một căn phòng như thế này. Tất cả đều một màu trắng. Những bức tường bọc lụa, những bức màn cửa sổ, các khung gỗ, đồ đạc trong phòng, bức trướng lụa óng ánh treo trước giường. Ngay cả tấm thảm sàn trải rộng căn phòng cũng một màu trắng muốt. - Chàng thanh niên trẻ ấy đây à? – Một giọng nhẹ nhàng hỏi. Macx quay lại phía giọng nói. Người đàn bà còn làm chú ngạc nhiên hơn cả căn phòng. Người cao, gần như bằng chú. Mặt trẻ, rất trẻ. Nhưng kỳ lạ nhất là bộ tóc của cô ta, dài gần tới hông và trắng, trắng xanh như lớp lụa xatanh óng ánh. Con bạc nói với vẻ kính trọng: “Thưa cô Pluvie, cho phép tôi được giới thiệu Macx Xanđ ạ”. Cô Pluvie chăm chú nhìn Macx một thoáng. “Chào anh”. Macx cúi đầu. “Chào bà”. Cô Pluvie đi vòng quanh Macx, nhìn từ mọi góc. “Nom anh ta có vẻ trẻ quá”. Cô ta ngờ vực nói. - Dạ tôi xin đảm bảo là anh ta cực kỳ có khả năng ạ. – Con bạc thốt lên. – Dạ anh ta đã tham gia cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha. Cô ta hờ hững giơ tay cắt lời. “Nếu anh giới thiệu, tôi tin là anh ta có đủ khả năng. Nhưng nom anh ta nhem nhuốc quá”. - Thưa bà, tôi vừa mới đi từ Florido về. – Giờ Macx mới thốt được ra lời. - Tuy vậy, anh ta cũng có dáng đấy, - Cô ta nói tiếp, dường như Macx chưa hề nói gì cả. Cô ta lại đi vòng quanh chú một lần nữa. – Vai rất rộng, hầu như không có hông. Anh ta mặc quần áo sẽ đẹp lắm đây, tôi tin vậy. Cô ta quay lại cái bàn trang điểm vừa nãy đã đứng, quay mặt lại phía họ. “Anh bạn trẻ, anh có biết người ta định để anh làm gì không?” Macx lắc đầu. “Thưa bà, không”. - Anh sẽ là vệ sĩ của tôi. – Cô ta nói, giọng thản nhiên rất thực tế, - Tôi có thiết lập một cơ sở kha khá ở đây. Dưới kia là cái phòng chơi bạc cho đàn ông. Tất nhiên là chúng tôi còn phục vụ những sự giải trí tế nhị khác nữa. Cái tiệm của chúng tôi được danh tiếng nhất ở miền Nam này, và vì vậy, khá nhiều kẻ ghen tỵ với chúng tôi. Đôi khi, những kẻ đó quá ghen tức đến mức muốn sinh chuyện. Bạn bè tôi đã thuyết phục tôi rằng cần phải có những biện pháp bảo vệ. - Tôi hiểu rồi, thưa bà – Macx đáp. Giọng của cô ta càng đầy vẻ tính toán công việc. – Giờ giấc của tôi sẽ là giờ giấc làm việc của anh. Và anh sẽ ở luôn đây với chúng tôi. Lương anh sẽ là một trăm đôla một tháng. Trừ đi mười hai đôla tiền ăn ở mỗi tháng. Và trong bất kỳ trường hợp nào, anh cũng không được dính dáng gì đến bất kỳ một cô gái trẻ nào đang sống ở đây. Mac gật đầu. “Vâng, thưa bà”. Cô Pluvie mỉm cười, quay sang tay đánh bạc. “Bây giờ, phiền anh vui lòng đưa anh ta tới thợ may để cắt cho anh ta sáu bộ quần áo – ba trắng, ba đen – và tôi nghĩ thế là mọi việc đâu vào đấy cả”. Anh ta mỉm cười. “Dạ tôi sẽ làm ngay ạ”. Mac theo anh ta ra. Đến cửa, chú ngoái lại về phía sau. Cô ta đã ngồi trước bàn phấn, soi gương, đang chải tóc. Mắt cô ta liếc lên, bắt gặp chú. “Thưa bà, tôi xin cảm ơn bà ạ”, Macx nói. - Hãy gọi tôi là cô Pluvie. – Cô ta lạnh lùng đáp. Khi Macx từ các phòng đánh bạc quay về buồng giải lao, kết thúc tua tuần đêm thì đã ba giờ sáng. Các bà lau dọn nhà đã hối hả thu dọn các căn phòng tầng dưới. Chú dừng lại ở cửa trước. - Mọi thứ khóa hết cả chưa, bác Giacốp? – chú hỏi ông gác cổng cao lớn người da đen. - Chặt chẽ nắm rồi ạ, thưa ông Xanđ. - Tốt. – Macx mỉm cười, bước lên cầu thang. Chú chợt dừng lai, ngoảnh xuống – Thế nhà ông Đaxi về chưa? - Dạ, không ạ - Bác da đen cao lớn đáp, - Ông ấy ở nại đêm nay với cô Elêano. Nhưng ông chẳng phải no nắng gì đâu ạ. Tôi đã đưa họ tới phòng Vàng rồi. Macx gật đầu, bước lên thang. Mấy tháng vừa qua. Đaxi là mối bận tâm duy nhất. Gã trai trẻ đó cứ khăng khăng không hài lòng chừng nào còn chưa ngủ một đêm với cô chủ của cái nhà chứa này. Và đêm nay, gã đặc biệt khó chịu về điều ấy. Đến đầu cầu thang, Macx dừng lại. Chú gõ cửa rồi bước vào phòng. Người thuê chú đang ngồi dưới bàn phấn để cho một cô hầu chải đầu. Mắt cô ta bắt gặp mắt chú trong gương. - Mọi thứ đều khóa kỹ cả rồi ạ, thưa cô Pluvie. Hàng lông mày cô ta rướn lên, dò hỏi “Đaxi?”. Đang ở trong phòng Vàng với Êlêano ở đầu kia tòa nhà ạ. - Bon! – Cô ta gật đầu. Macx đứng sững ở cửa nhìn cô ta, mặt lộ vẻ băn khoăn. Nhìn thấy thế qua gương, cô ta khoác tay ra hiệu cho cô hầu gái đi ra khỏi phòng. “Anh đang lo lắng gì phải không, Chéri?” Chú gật đầu. “Đó là Đaxi”, chú nói, “Tôi hổng thích cách thằng chả xử sự. Có lẽ ta nên ngăn không để gã tới lui đây nữa”. - La! - Cô ta cất tiếng cười. – Ta không thể làm thế được. Gia đình đó thần thế lắm. Cô ta lại khanh khách cười sung sướng, tiến lại Macx. Cô vòng tay ôm lấy cổ chú, hôn chú. “Anh chàng Inđiên trẻ của tôi ghen rồi.” cô ta mỉm cười. “Không cần lo lắng gì về anh ta cả. Anh ta sẽ quên ngay thôi. Tất cả đàn ông đều thế cả. Tôi đã trông thấy chuyện tương tự xảy ra trước đây”. Một lúc sau, chú nằm cạnh cô ta trên cái giường trắng to tướng, khoan khoái ngắm những nét tuyệt vời của tấm thân duyên dáng ấy. Những ngón tay của cô ta dịu dàng mơn man, làm chú từ từ thấy lòng bừng lên những ngọn lửa nóng rực. Chú nhắm mắt lại. Chú cảm thấy đôi môi mềm dịu của cô vuốt ve trên da thịt, giọng của cô thì thào bồng bềnh đâu đó xa xăm. “mon coeur, mon indien, mon chéri…”[15]. Chú nghe thấy tiếng chép chép môi thích thú của cô khi cô rời môi khỏi người chú. Qua mi mắt gần như nhắm nghiền, chú mờ mờ nhìn thấy khuôn mặt đê mê của cô. - Khẩu súng của anh đã thành khẩu ca-nông rồi đó. – Cô thì thào, tay vẫn dịu dàng mơn trớn, vuốt ve. Chú vươn tay ra, khẽ vuốt vuốt mái tóc cô. Một vẻ ngây ngất gần như e sợ hiện lên trên mặt cô. Chú nhắm mắt lại. Tít sâu thẳm ở đâu rất xa trong lòng, một cái gì bắt đầu khẽ lay động, rồi run lên bần bật. Làm sao một người đàn bà lại có thể biết nhiều đến như vậy? Từ cái lạch sâu thăm thẳm đến mức nào mà có thể vọt ra ngọn suối phun mạnh đến run người này? Chú nín thở. Niềm khoái cảm kỳ lạ này đến gần như không chịu nổi. Chưa bao giờ chú được biết. Có tiếng khẽ động ở cửa. Chú hơi ngoảnh đầu ra, thầm hỏi không biết cái gì. Và đột nhiên, cánh cửa mở tung, Đaxi đã ở trong phòng. Macx ngồi nhỏm dậy, chú cảm thấy Pluvie đã lăn khỏi chú. Giọng của cô vang lên ở phía chân giường: “Xéo ngay, đồ khốn kiếp ngu ngốc!” Đaxi ngớ ngẩn dương mắt nhìn. Gã hơi lảo đảo, mắt vẫn mở bàng hoàng thô lố. Gã lập cập móc túi và một trận mưa tiền bay xuống sàn nhà. “Thấy chưa, tôi đã đem một nghìn đôla tới đây đấy”. Gã lè nhè nói, sặc hơi rượu. Pluvie nhảy ra khỏi giường, vươn thẳng người kiêu sa, oai vệ, quên mất mình đang không mặc một tý gì trên người. Cô ta giơ tay, trỏ thẳng ra cửa. “Tôi đã bảo rồi, xéo ngay!” Đaxi vẫn đứng sững sờ, chằm chằm nhìn. “Lạy Chúa tôi” gã lắp bắp khàn giọng nói, “tôi muốn em”. Cuối cùng Macx cũng thốt được thành lời. “Anh nghe cô Pluvie nói rồi đấy. Cút ngay!” Đến giờ Đaxi mới để ý thấy chú. Mặt gã đỏ tía lên vì căm tức. “Mày!”, gã rít lên, “lại mày! Tất cả những lần tao nài nỉ, van xin đều gặp mày cả. Mày cười vào mũi tao, lần nào cũng thế!”. Một con dao đột nhiên hiện ra trong tay gã. Gã lao tới, cắm phập con dao xuống tấm nệm xatanh khi Macx vừa lăn kịp ra khỏi giường. Chộp lấy một cái gối che trước ngực,chú từ từ lùi lạichỗ chiếc ghế treo khẩu súng. Mắt Đaxi sáng lòe lên căm giận. “Mày cười suốt”. Gã lắp bắp. Lần nào tao xin mày cũng cười suốt” - Tốt nhất anh nên đi khỏi đây đi, nếu không sẽ thiệt thân đấy. Đaxi lắc đầu. “Để rồi mày sẽ lại nhạo tao thêm nữa chứ gì? Ồ, không. Lần này tao sẽ là người cười”. Gã lại nắm dao nhào tới. Con dao đâm ngập, kẹp vào giữa cái gối, Đaxi ngã dúi,đè vào người Macx đã cà vào sát tường. Súng nổ, mặt Đaxi đờ ra, ngạc nhiên. Gã từ từ khuỵu xuống, rồi ngã song xoài ra sàn. Người đàn bà trần truồng dương mắt nhìn Macx, Cô ta bước vội tới chỗ Đaxi, quì gối, cầm tay gã lên bắt mạch rồi thả rơi tay hắn xuống. “Không cần phải giết gã như thế này, đồ ngu ạ!”. Cô ta cáu kỉnh nói. Macx nhìn cô ta. Cặp vú của cô phập phồng nhô lên nhô xuống theo nhịp thở kích động. Lấm tấm những mồ hôi tuyệt đẹp nằm ở giữa chúng. Chưa bao giờ nom cô ta đẹp như thế này. “Tôi phải làm gì hả?” Chú bẻ lại. “Thằng cha cầm dao bổ nhào vào tôi”. - Anh có thể đánh ngã nó! – Cô ta gắt. - Bằng cái chi? – Chú gắt lại, đột nhiên cũng nổi giận. – Bằng khẩu súng canông này hả? Cô ta đứng lặng một thoáng, chằm chằm nhìn chú. Rồi cô ta quay ngoắt người, bước ra cửa. Cô ta nhìn ra hành lang. Căn nhà lặng tờ. Phát súng đã bị nghẹn lại bởi cái gối. Từ từ, cô ta đóng cửa lại, bước tới chỗ Macx. Chú đứng sững nhìn cô ta. Cái vẻ lẳng lơ đê mê lại từ từ hiện lên trên nét mặt cô ta. Cô ta quì thụp xuống trước chú, miết hai môi vào đùi chú. “Đừng cáu với An-Luidơ thế, con ngựa hoang lực lưỡng của em!”. Cô ta thì thào. “Yêu em đi!” Chú định cúi xuống bế cô ta vào giường. Nhưng cô ta giữ ghì lấy tay chú. “Không”, cô ta thốt lên, chỉ tay xuống chỗ nền nhà bên cạnh mình, “ở đây cơ”. Và lần cuối cùng, hai người ân ái với nhau trên sàn nhà, ngay cạnh cái xác chết. Đến sáng, An-Luidơ Pluvie bình tĩnh nộp chú cho cảnh sát. 10 Ba phía đông, tây và nam trại tù bị một bãi lầy lớn bao bọc, xung quanh mọc đầy những cây bách cao lô nhô, thường trút đầy lá xuống mặt nước đen kịt của bãi lầy. Con đường thoát duy nhất là hướng bắc, qua những cánh đồng lúa của tá điền người Cayơn. Cách mười tám dặm về phía bắc trại tù, có một cái làng nhỏ. Chính ở nơi đây, phần lớn tù định trốn đều bị bắt lại và đem về trại bởi dân Cayơn lấy mười đôla tiền thưởng của nhà nước. Những ai không bị bắt được coi là đã chết trong đầm lầy. Suốt hai mươi năm kể từ khi lập trại tù, mới chỉ có hai trường hợp như vậy được ghi nhận. Một buổi sáng tháng năm, sau khi Macx đến trại được mấy tháng, lính gác kiểm tra lều và báo cho một viên quản trị sự vắng mặt của tù nhân tên là Rivđ. Viên quản trị ngó quanh quất. “Nó không ở đây ư?”. - Không có ở chỗ chuồng xí nữa. – Tên lính đáp, - Tôi đã xem rồi. - Vậy thì nó đã bỏ trốn. – Viên quản trị nói. – Có nhẽ hồi đêm nó vượt qua tường. - Cái thằng cha Rivđ ấy đúng là một thằng đại ngu. – Tên lính gác làu bàu nhẹ nhàng xoay gót bước đi. - Có lẽ tôi phải lên báo cho ông cai trại. Khi tù nhân xếp hàng trước cửa nhà bếp chờ lĩnh khẩu phần cà phê và yến mạch thô, Macx nhìn thấy một lính gác phi ngựa ra khỏi nhà tù, nhằm hướng cái làng ở phía bắc phi tới. Chú ngồi xuống, dựa lưng vào bức vách của căn lều, vừa ăn vừa chăm chú nhìn bóng tên lính xa dần rồi mất hẳn. Maik, anh chàng trật tự viên khồng lồ người da đen đánh Macx mười roi hôm chú tới đây, bước lại và ngồi xuống cạnh chú. Macx ngoảnh sang tay trật tự viên: “Có một người bỏ trốn mà họ làm chộn rộn đến thế sao?”. Maik gật đầu, mồm đầy yến mạch. “Chú ngỡ họ xẽ làm gì?”. Anh ta hỏi lại, “Họ xẽ tóm nại được thằng ấy. Chú cứ chờ đấy mà xem”. Đúng vậy thật. Sáng hôm sau, khi họ đang ăn sáng. Rivd quay lại. Gã ngồi trên một chiếc xe bò giữa hai người Cayơn cầm trên tay mỗi người một khẩu súng trường. Đám tù nhân lặng lẽ ngẩng lên nhìn gã đi qua. Đến chiều, khi họ đi làm về đã thấy Rivd bị lột trần truồng trói vào cái cọc đánh roi giữa bãi. Lặng lẽ đám trật tự viên dẫn họ đi vào khoảng đất rào kín ấy để có thể chứng kiến cảnh trừng phạt trước khi ăn. Viên quản ngục đứng lặng thinh cho đến khi tù xếp thành hàng xong xuôi. “Các anh đã biết sự trừng phạt đối với tội định chạy trốn đấy – mười roi và mười lăm ngày nhốt cũi tính cho mỗi một hôm ở bên ngoài” Ông ta quay sang Maik đang đứng cạnh. “Anh đừng đánh nó chết ngất đi. Nó phải tỉnh để thấm thía được cái rồ dại của hành động nó đã làm”. Maik thản nhiên gật đầu, bước tới trước. Bắp thịt lưng anh ta cuộn lên. Con rắn da dài thượt khẽ quấn qua người gã tù. Nom như nó chỉ vuốt ve nhẹ gã, nhưng khi Maik giật nó ra khỏi lưng nạn nhân, một vệt máu đỏ bầm ngay lập tức phồng lên ở chỗ nó vừa đụng tới. Một giây sau, gã tù thét lên. Cái roi da lại quấn lấy gã. Lần này, tiếng thét của gã đau xé đến man dại. Gã ngất lịm đi ba lần trước khi hết mười roi. Mỗi một lần như vậy, viên cai tù lại bước tới, hắt một xô nước vào người gã cho gã tỉnh lại, rồi ra lệnh tiếp tục. Hết trận đòn, Rivd rũ người bên cái cọc, bất tỉnh. Từ vai anh ta, máu ròng ròng chảy xuống lưng, qua mông, qua đùi nhểu xuống đất. - Cởi trói cho nó rồi nhốt nó vào cũi. – Cai ngục ra lệnh. Đám tù nhân lặng lẽ tản ra rồi xếp thành hàng chờ lấy cơm. Đứng trong hàng, Macx đưa mắt liếc nhìn cái cũi. Cái cũi thật xứng với tên nó – các chấn song thép bó thành một chiếc hộp rộng dài đúng mét hai. Không thể đi lại, không thể đứng, thậm chí không thể nằm duỗi chân được. Chỉ có thể ngồi hoặc nằm co quắp như một con thú. Không có một tý gì che nắng che mưa. Trong ba mươi ngày tới, Rivd sẽ sống ở đấy như một con vật, - trần truồng không áo quần, không thuốc men, thức ăn là bánh mì và nước lã. Anh ta phải sống ở đấy, quằn quại giữa những cơn đau và những đám giãi rớt và phân của mình. Sẽ không một ai dám nói chuyện với anh ta hoặc giúp anh ta một tý gì bởi sẽ bị vào cũi ngay nếu bị bắt được. Macx cầm lấy đĩa đậu và thịt của mình, bước ra chái lều để khỏi phải nhìn cái cũi. Chú buông mình xuống đất, chậm rãi bắt đầu ăn. Maik đến ngồi xuống bên cạnh, mặt người da đen cao lớn này nhễ nhại mồ hôi. Anh ta lặng lẽ ăn. Macx nhìn thấy anh ta, cổ họng chú đột nhiên nghẹn lại, không sao nuốt nổi nữa. Chú đẩy cái đĩa ra xa, quấn một điếu thuốc lá. - Chú không nói à, chú mình? – Maik hỏi. – Anh ăn chỗ cơm kia chớ. Macx trừng trừng nhìn anh ta một thoáng rồi lặng thinh lật sấp cái đĩa xuống, thức ăn bắn tóe ra đất. Maik tròn mắt ngạc nhiên. “Sao vậy, anh bạn?” - Giờ thì tôi hiểu tại sao anh lại ở đây làm trật tự viên chứ không bỏ đi như đáng lẽ phải làm. – Chú thốt lên, - khi anh vung roi lên, là anh đã tỏ ra thù hằn với cả cái thế giới này. Mắt người trật tự viên sáng lên, rõ chuyện. “À thì ra cậu nghĩ như vậy đấy”, anh ta nói khẽ. - Phải, tôi nghĩ như vậy đó. – Macx lạnh lùng đáp. Người da đen nhìn thẳng vào mắt Macx, chậm rãi nói: - Chú chẳng biết gì sất cả. Cách đây nâu nắm (Maik nói ngọng, tạm chuyển sang tiếng Việt như vậy) rồi, khi tôi mới tới, tôi đã thấy một người bị đòn như vừa rồi. Khi họ cắt anh ta xuống, cả người anh ta tướp ra như xơ mướp. Không đến hai hôm sau thì chết. Nhưng từ khi tôi cầm roi chưa ai chết vì roi của tôi cả. Từ đó đến nay nà hơn mười hai năm rồi. Mà nếu chú để ý nhìn gần, chú sẽ thấy ở đằng trước ngực có vết roi nào đâu. Cái nghề của tôi nào có ra gì, tôi biết. Nhưng không tôi thì cũng có một người khác nàm. Vậy có thể nà tôi nắm, bởi vì tôi không muốn người nào chết cả. Ngay cả những thằng khốn kiếp như Rivd. Macx chằm chằm nhìn xuống đất hồi lâu, nghĩ ngợi những lời nghe được. Dần dần, chú hiểu, và cảm thấy bị chua loét cuộn lên ở dạ dày lúc nãy cũng dần dần nhạt đi. Chú lặng lẽ đẩy túi thuốc sợi sang bên cho người trật tự viên. Không nói một lời, Maik cầm lấy, vấn một điếu. Cả hai người dựa đầu vào vách lều, lặng thinh hút thuốc. Rivd lần mò vào trong lán. Đã một tháng kể từ ngày hắn được lôi ra khỏi cũi, người rũ rượi gập xuống, nhoe nhoét cứt đái của chính mình, mắt sáng rực lên như con thú dại. Cặp mắt ấy giờ đảo nhanh trong bóng tối tìm kiếm, rồi hắn mò tới cái phản hẹp có Macx đang nằm sõng xoài, gõ nhẹ vào vai chú. Macx ngồi dậy. - Tao phải thoát được khỏi đây. – Hắn nói. Macx giương mắt trong bóng tối nhìn hắn. – Thế còn tất cả không phải thế sao? - Đừng đùa, Da đỏ. – Rivd cộc lốc đáp. – Tao nói thật đấy. - Thì tôi cũng có đùa đâu. Nhưng chưa có ai thoát nổi cả - Tao đã nghĩ ra một cách. Nhưng phải cần có hai người mới làm được. Nên tao mới tới mày. - Tại sao lại là tôi? Macx hỏi – thế còn những người nằm trên dãy sạp kia thì sao? - Bởi vì bọn nó hầu hết là dân ở tỉnh cả. Và bọn tao không thể nào sống quá được hai ngày ở trong cái đầm. Macx ngồi thẳng dậy. “Hẳn là anh điên rồi”, chú thốt lên, “không ai có thể vượt qua cái đầm đó được. Bốn mươi dặm cát lún, đầy dẫy cá sấu, rắn hổ mang, chó dại. Con đường thoát duy nhất là hướng bắc, qua làng”. Rivd cười cay đắng. “Trước tao cũng nghĩ vậy đấy. Dễ lắm, qua rào rồi thẳng đường ngược lên. Dễ lắm, tao đã bụng bảo dạ. Thậm chí bọn nó cũng không buồn thả chó ra đuổi tao nữa. Mọi thằng Cayơn khốn kiếp ở vùng này đều bổ ra săn lùng tao”. Hắn quì xuống cạnh phản của Macx. “Cái đầm lầy. Chỉ có nó là đường duy nhất. Tao đã tính. Chúng mình sẽ kiếm một cái thuyền, rồi…” - Thuyền? Kiếm được thuyền ở chỗ đếch nào? - Cần phải có thời gian. – Rivd thận trọng đáp. Nhưng sắp đến vụ gặt rồi. Thằng cai sẽ thả tụi ta ra làm ở các đồn điền. Tiền công của tù trả rẻ mà, nó lại đút túi được. Những cánh đồng lúa ấy lại ngập nước một nửa. Nhất định phải có thuyền. - Tôi không biết nữa. Macx ngập ngừng nói. Mắt Rivd quắc lên như mắt một con thú. “Chú mày muốn bỏ phí hai năm trời đằng đẵng của đời chú mày trong cái nhà tù này sao? Thừa thời gian đến thế kia à?” - Đề tôi nghĩ xem đã, - Macx đáp lưỡng lự. – Rồi tôi sẽ bảo anh hay. Rivd lẫn vào bóng tối vừa đúng lúc Maik bước vào lán. Người trật tự viên đi thẳng tới chỗ cái phản của Macx. “Nó vừa rủ chú trốn qua đầm với nó hả?” Anh ta hỏi. Nỗi ngạc nhiên lộ rõ qua giọng Macx. “Sao anh biết?” - Nó đã rủ tất cả tù nhân và tất cả đều chối. Tôi đoán thể nào nó cũng mò đến chú. - À ra vậy. – Macx thốt lên. - Đừng nghe nó chú em ạ. – Người trật tự viên khổng lồ nói nhẹ nhàng. Dù bên ngoài nom có vẻ hấp dẫn đến thế nào đi chăng nữa, cũng đừng nàm. Thằng Rivd bụng nó đầy căm uất, nó bất kể ai thiệt thân cũng được, chỉ cần nó thoát thôi. Macx lại duỗi dài người trên tấm phản. Mắt chú mở trừng trừng trong bóng tối. Lời duy nhất có lý trong câu chuyện của Rivd là hai năm. Macx không thể vứt hai năm đi được. bởi sao, bởi sao, hai năm nữa thì chú đã hăm mốt tuổi rồi. 11 - Ối, anh em ơi, cơm này mới là cơm chứ! – Maik vừa thích thú reo lên vừa ngồi xuống cạnh Macx, cái đĩa của anh ta đầy ụ thịt mỡ, lòng lợn non, cải xanh và khoai tây. Macx uể oải nhìn sang bên Maik, âm thầm nhét thức ăn vào miệng. Đúng là có hơn nhà tù thật. Một tuần thịt của nhà tù cũng không bằng một cái đĩa này. Nhưng chú không đói. Chú mệt, mệt đến rã người vì phải cúi xuống tuốt lúa cả ngày. Chú đã tưởng không còn đứng thẳng lên được nữa. Rivd và một tù nhân nữa ngồi ở chỗ trống bên cạnh chú. Tay bưng dãi, mồm nhồm nhoàm nhai thịt mỡ, Rivd hỏi chú: “Đã bắt được em nào chưa, anh bạn nhóc?”. Macx lắc đầu. Tụi họ quả là hay thật. Đám con gái người Cayơn ấy, trẻ, khỏe, váy ngắn, chân và đùi chắc lẳn. Khắp cánh đồng, làm cùng với tù nhân. Tóc bay tung, răng trắng lóa trong tiếng cười, và cái mùi đàn bà của bọn họ lúc nào cũng luẩn quẩn ở trong mũi mình. Hình như đám con gái ấy không đếm xỉa đến việc tốp đàn ông là tù nhân. Đối với họ, bọn Macx là đàn ông, và thế là đủ. - Tôi mệt quá! – Macx đáp. Chú đặt nĩa xuống, xoa xoa mắt cá chân. Nó bị phồng lên bởi cái xiềng và cả ngày dầm nước. - Còn tớ thì không! – Gã tù bên cạnh Rivd thốt lên – Cả năm qua tớ đã giành hết sức cho tuần này đây. Và rồi nó sẽ làm tớ đỡ buồn, đủ sống qua được đến sang năm. - Chớ bỏ lỡ dịp này, Da đỏ ạ - Rivd nói – Không có cái gì trên đời này tuyệt bằng con gái Cayơn đâu. - Anh em ơi, phải lắm! Gã bên cạnh thích thú kêu lên. - Còn anh bạn, kiếm được đứa nào chưa? – Rivd hỏi với qua Macx sang Maik. Cặp mắt gã lạnh lùng, tàn ác. Maik không trả lời, vẫn điềm nhiên ăn. Rivd sầm mặt lại. “Tao đã thấy mày ở trên đồng. Đi đi lại lại cầm súng trường. Chắc là muốn chỉ cho tụi con gái biết mày có cái của như thế nào trong quần đùi hả”. Maik vẫn lặng thinh, bắt đầu lấy một chiếc bánh mì vét vét nước trên đĩa cho gọn lại. Rivd cười tục tĩu. “Bao giờ cũng có một con dở hơi mong tìm một thằng cha da đen có cái chầy to, dài bằng cả cánh tay tao đây này. Tao cuộc với mày rằng mày không thể chờ được đến lúc nhét vào bụng một đứa con gái da trắng đâu. Tất cả bọn đen chúng mày đều mơ đến chuyện ấy hết: nhét được vào một con bé da trắng. Maik bỏ miếng bánh mì cuối cùng vào miệng, nuốt ực. Anh rầu rĩ nhìn cái đĩa sạch không, đứng dậy. “Ối chao ơi, ngon quá”. - Kìa tao đang nói với mày đấy, thằng đen ạ. Bây giờ Maik mới cúi xuống nhìn Rivd. Gần như uể oải, anh cúi người xuống, một tay túm gọn cổ Rivd, từ từ nhấc hắn vùng vẫy như điên lên ngang tầm mặt. “Mày đang nói chuyện với tao hả, thằng tù này?” Rivd vùng vẫy, giọng ú ớ nghẹn lại trong họng. Maik khẽ lắc người Rivd. “Mày hãy nhớ đến điều này: tao nà trật tự viên, còn mày nà một thằng tù. Muốn sống muốn tốt thì biết điều đừng có mở mồm sinh sự!” Tay Rivd tuyệt vọng bơi bơi trong không khí. Mặt hắn tím ngắt lại. Maik lắc cho hắn mấy cái nữa rồi thờ ơ lẳng hắn rơi huỵch vào tường lán cách đó gần hai mét. Rivd vập người vào tường, chuội xuống đất. Mắt hắn nẩy lửa nhìn Maik, môi lắp bắp nhưng chưa thốt nổi thành tiếng. Maik mỉm cười với hắn. “Hãy nhớ nấy, nhớ nấy nàm bài học nhớ!”. Anh cúi xuống lượm cái đĩa không lên, “Mình phải mò đi xem còn có kiếm được tý cơm nào nữa không. Mẹ kiếp, trần đời hôm nay mới được ăn ngon thế!” Maik bỏ đi, Rivd loạng choạng dúi dụi đứng dậy. “Tôi phải giết nó”, hắn rít lên. “Trước khi thoát, thể nào tôi cũng phải giết cái thằng mọi đen ấy bằng được!”. Đêm ấy cả lán phấp phỏng háo hức chờ. Macx nằm một mình trên cái phản và cũng hồi hộp lây. Đột nhiên, chú cảm thấy mệt nhọc biến sạch. Chú không ngủ được nữa. Gã lính gác đã vào kiểm tra xiềng, cột cân từng người một vào cọc giường. Gã đi ra, đứng sững lại ở ngưỡng cửa một thoáng. Rồi cười một mình, gã bước ra ngoài trời. Gần như ngay lập tức sau đó, Macx nghe tiếng diêm đánh xòe, rồi một ngọn lửa hồng hồng hiện ra trong bóng đêm. Không hiểu bằng cách nào, một tù nhân kiếm được cây nến. Nó cháy nhấp nháy vui vẻ ngay đầu phản anh ta. Trong lán khẽ lan những tiếng cười đã bị nén lại. Macx nghe thấy một giọng nói: “Ít nhất lần này ta cũng nom rõ được mặt mũi họ ra sao”. - Tớ kể chi đến mặt mũi – Một giọng khác đáp nhan – Chỉ cần vú to là được. Một giọng nữa nói khàn khàn: “Cái cuốc của mày chả biết làm ăn ra sao cả, nó chỉ quen nằm trong cái tay trắng như ngó cần của mày thôi mà!” Một tiếng cười khẽ lan ra cả lán. Nửa tiếng trôi qua. Macx có thể nghe rõ tiếng trở mình sốt ruột của những người nằm đó. - Mày nghĩ sao, bọn họ có đến không hả? – Một giọng bứt rứt hỏi. - Yên chí, thế nào tụi họ cũng tới. – Một giọng khác đáp. – Tụi học cũng đã chờ lâu chẳng kém gì ta đâu. - Chúa ơi! – Một giọng thiểu não từ đầu kia lán vọng lại. – Tôi không giữ được nữa rồi. Suốt cả ngày nay cứ nghĩ đến đám đàn bà ấy, đến đêm nay… - Giọng anh ta lịm dần thành tiếng rên rỉ khe khẽ. Cả lán lại lặng đi, chỉ nghe thấy tiếng trở mình cọt kẹt bứt rứt trên phản. Macx thấy trán vã mồ hôi, tim chú bắt đầu đập thình thịch nặng nhọc. Chú lăn người, nằm úp bụng xuống phản, cảm thấy một làn hơi ấm sực dễ chịu bỗng dưng nghẹn lên ở đùi mình. Chú quằn quại trăn trở, lòng bỗng bừng bừng háo hức đến điên dại. Rồi cáu kỉnh, chú bắt mình nằm lật lại. Tay run lẩy bẩy, chú quấn một điếu thuốc. Sợi thuốc lập bập rơi quanh mình chú. Nhưng rồi cuối cùng chú cũng châm lửa được. Chú rít một hơi dài. - Họ không đến rồi – Một giọng rên lên, gần như sắp khóc. - Tụi nó chỉ là một lũ trêu người. Tổ cha nó! – Một người cáu kỉnh thốt lên. Macx nằm lặng trên phản, để khói thuốc bay buồn buồn trong lỗ mũi. Ngọn nến nổ lép bép rồi tắt ngấm. Cả lán chìm trong bóng đêm tối mịt. Giọng Maik từ cái phảng bên cạnh hỏi khe khẽ: “Thế nào,chú Macx?” - Không sao cả. - Đưa anh xin một hơi thuốc. Tay họ thoáng chạm vào nhau, Macx lẳng lặng chìa điếu thuốc ra. Nó cháy hồng lên, soi mờ mờ khuôn mặt người da đen khi anh rít. - Đừng no, chú mình ạ! – Giọng anh nhẹ nhàng và chắc chắn – Nến tắt và họ mò đến ngay bây giờ cho xem. Cái đám ngu kia hình như không hiểu nà đàn bà không muốn nhìn mặt chúng nữa và để chúng nom thấy được học. Một thoáng sau, cửa lán mở, và đám đàn bà bắt đầu bước vào. Họ đi vào lặng lẽ, chân họ đi đất chỉ khẽ động xuống nền nhà. Macx xoay người lại, căng mắt mong thấy được mặt người sẽ đến chỗ mình. Nhưng chú chỉ nom thấy bóng đen bước vào và tan trong đêm tối. Một bàn tay đụng vào mặt chú. Chú giật mình. - Anh già hay trẻ? – Một giọng hỏi thì thào. - Trẻ - chú thì thào đáp. Tay cô gái lần được tay chú, đưa nó lên má. Chú khe khẽ lần lần trên mặt cô. Da cô mềm và ấm. Đôi mắt cô mấp máy run run dưới những ngón tay chú. “Anh có muốn em ở lại với anh không?”, cô thì thầm. - Có. Cô nhanh chóng leo lên phảng nằm cạnh chú. Macx vùi mặt vào bầu vú mềm mại của cô. Một cảm giác dịu dàng vô cùng ấm áp bỗng dâng đầy nghẹn lòng chú. Như vọng lại từ rất xa. Macx nghe thấy tiếng một người đàn ông kêu lên khe khẽ. “Mình yêu ơi! Vợ yêu của anh ơi! Em không biết anh nhớ em đến chừng nào đâu!” Macx ngước mắt lên nhìn cô gái. Cô cúi xuống hôn chú. Chú cảm thấy những giọt nước mắt đang ròng ròng lăn trên má cô và biết rằng cô cũng nghe được những lời ấy. Chú nhắm mắt lại. Làm sao chú có thể nói nổi cho người đàn bà biết rằng thậm chí chú không thể nhìn được những gì chú cảm thấy. Làm sao chú có thể nói nổi hết cho cô biết rằng cô đã đem vào cái lán tù này lòng tốt và tình yêu. - Cám ơn em, - chú thì thào lắp bắp. – Cám ơn em. Cám ơn em. Cám ơn em! Trong ngày làm đồng thứ tư, Rivd sáng đến chỗ chú. “Tao đã mong gặp mày nói chuyện”, gã nói nhanh, “nhưng phải đợi cho cái thằng mọi đen chó chết kia không có ở đây nữa. Tao kiếm được thuyền rồi!” - Sao? - Bé mồm chứ! – Rivd gắt, - Đã thu xếp được rồi. Nó sẽ nằm ở đám bách rậm phía nam trại khi ta xong đợt gặt về. - Sao anh biết? - Tao đã hẹn với con bé của tao. - Anh chắc cô ta không gặp anh chứ? - Chắc. – Rivd đáp nhanh – Tất cả tụi con gái Cayơn đều mong có một thứ. Tao bảo với con bé của tao là sẽ đem nó đi cùng đến Niu Olind nếu nó giúp tao trốn thoát. Thuyền sẽ ở đó. Còn nhà nó ở vu vơ đâu đó khó tìm lắm. Sẽ là chỗ trốn rất tuyệt cho đến khi tụi chúng nó thôi lùng bọn ta. Gã đảo mắt nhìn quanh rồi lủi đi. Tối đó, Maik ngồi cạnh Macx ăn chiều. Thoạt đầu, cả hai lặng thinh hồi lâu, chỉ nghe thấy tiếng tóp tép nhai, tiếng thìa quẹt vào đĩa. - Chú định trốn với thằng Rivd khi nó kiếm được thuyền rồi hả? – Maik đột ngột hỏi. Macx tròn mắt nhìn: “Anh đã biết rồi sao?” Maik mỉm cười: “Ở nơi như thế này, đấy không có gì là bí mật cả”. - Tôi cũng không biết nữa. – Macx đáp. - Hãy nghe anh, nghe anh chú ạ. – Người da đen nói chân thành. – Ba mươi ngày ở trong cũi dài hơn năm rưỡi chú còn bị giam đấy. - Nhưng may ra bọn em sẽ thoát. - Không thoát được đâu. – Maik đáp buồn bã. – Đầu tiên ông cai ngục sẽ thả đàn chó ra. Nếu chúng không tóm được chú, thì cái đầm xẽ nuốt chú. - Làm sao ổng biết tụi tôi trốn qua đầm? – Macx hỏi nhanh. – Anh không báo cho lão đấy chứ? Mắt người da đen lộ vẻ mếch lòng. “Chú nên biết điều hơn Macx ạ. Tôi có thể nà một trật tự viên, nhưng không hề nà thằng chỉ điểm. Ông cai ngục tự biết rõ cái đó. Một người trốn bao giờ cũng đi đường bộ. Hai người trốn thì nuôn nuôn vượt đầm. Gần như nà thành nệ rồi”. Macx lặng thinh, rít thuốc. - Đừng đi, chú ạ. – Maik thốt lên. – Đừng nàm, cái gì để anh phải đánh chú. Anh muốn nà bạn chú. Macx chằm chằm nhìn anh, rồi từ từ mỉm cười. Chú đưa tay ra đặt lên vai người đàn ông da đen to lớn. “Dù có cái chi xảy ra đi chăng nữa”, chú nói nghiêm trang, “anh vẫn là bạn của em”. - Thế là chú cứ đi. – Maik thốt lên. – Chú đã quyết định. Anh đứng dậy từ từ bỏ đi. Macx ngỡ ngàng nhìn theo. Làm sao Maik lại biết rõ cái điều mà ngay cả chú cũng không biết. Chú đứng dậy, cạo sạch cái đĩa. Mãi đến đêm sau, khi đã vượt qua rào, chạy như điên cuồng với Rivd tới lùm cây bách, chú mới hiểu Maik đã đúng. Rivd quáng quàng chạy từ gốc cây này tới gốc cây khác, chân ngập tới gối xuống mặt nước đen kịt của đầm lầy. Hắn thét lên: “Đồ chó đẻ! Con đĩ Cayơn vô tích sự, điêu toa!” Không có cái thuyền nào ở đây cả. 12 Hai người vất vả đi trong đám lau sậy, nước ngập đến hông, loạng choạng lần lên được một đám đất cứng. Họ ngồi xổm xuống, phập phồng thở dốc, miệng há hốc, ngáp không khí. Từ phía đất xa, oang oảng tiếng chó săn sủa vọng lại. Rivd đập tay lên đầu đánh bốp, đuổi muỗi. “Chúng nó đang đuổi kịp ta”. Gã lầm bầm nói. Môi gã sưng vù. Macx nhìn người cùng đi với mình. Mặt Rivd sưng vù lên, méo mó vì bị ruồi muỗi đốt, quần áo gã rách tả tơi. Gã hằn học nhìn lại chú. “Làm thế nào mà mày biết là ta không đi vòng tròn hả? Ba ngày rồi mà đã thấy tăm hơi lối ra đâu” - Vậy đó. Nếu ta đi thành vòng tròn, chắc mẻm là đã đụng tụi họ rồi”. - Tao không thể chịu nổi nữa. Đến điên lên vì muỗi bọ mất. Ta thà để cho họ bắt lại còn hơn. - Có thể anh nghĩ như vậy. Macx đáp – Nhưng tôi thì không. Tôi đi xa được đến thế này không phải là để rồi lại chịu chui vào cũi! – Chú đứng dậy, - Đi thôi. Nghĩ thế đủ rồi. Rivd nhìn chú. – Sao lũ ruồi muỗi nó lại không đốt mày cơ chứ? – Gã bực tức hỏi. – Nhất định là tại cái màu da đỏ của mày. - Có thể vậy. Mà cũng có thể là bởi vì tôi không gây xước da. Đi thôi. - Không ở qua đêm ở đây được ư? – Rivd phàn nàn. - Ồ… ồ.. Ta còn hai tiếng đồng hồ trời sáng nữa. Tức là thêm được một dặm. Đi thôi! Chú lội ào xuống nước. Không ngoảnh lại, nhưng một giây sau chú nghe thấy tiếng Rivd dẫm nước oàm oạp ở phía sau. Và gần tối mịt, chú mới tìm thấy một vạt đất khô nữa. Rivd nằm sõng xoài ra đất. Macx cúi nhìn hắn. Trong một thoáng, chú cảm thấy thương hại hắn, nhưng rồi chú nhớ đến ngọn lửa hằn học thù hận trong lòng hắn nên lòng trắc ẩn đối với hắn tan đi ngay. Đáng nhẽ chú đã phải tính trước đến những cái đang phải làm bây giờ”. Rồi chú rút dao, chặt một khúc cây dài. Chú vót nhọn đầu thành một cái lao. Chú lội xuống nước. Chú đứng im phăng phắc đến mười lăm phút rồi nhìn thấy một bóng thâm thẫm chuyển động trong nước. Chú nín thở, đợi nó đến gần. Cái vệt đen tiến lại. Rất nhanh, chú giơ tay. Ngọn lao bay vụt xuống. Nhấc ngọn lao lên khỏi mặt nước, chú cảm thấy trĩu tay. Một con cá mèo to tướng quằn quại ở đầu lao. - Lần này bắt được con bự quá. – Chú vừa nói vừa quay lại chỗ Rivd, ngồi bệt xuống, bắt đầu lột da con cá. Rivd nhổm dậy. “Nhóm lửa đi. Ta sẽ nấu con cá này”. Macx đã nhai một miếng cá sống ở trong miệng, lắc đầu. “Mùi khói bay xa đến mấy dặm đó”. Rivd cáu kỉnh đứng bật dậy. “Kệ mẹ nó”. Gã rít lên, mặt đỏ tía. “Tao không phải là mọi đỏ như mày. Tao sẽ nấu chỗ cá của tao” Gã quờ quạng chung quanh, vơ củi. Cuối cùng gã cũng kiếm đủ được một ôm. Gã thọc tay vào túi, tìm diêm. Gã lấy ra một que, quẹt nó vào khúc gỗ. Diêm không cháy. Cáu kỉnh, gã quẹt mạnh lần nữa rồi chằm chằm nhìn nó. “Diêm còn ướt quá”, Gã nói. - Ờ. – Macx đáp, vẫn điềm nhiên nhai miếng cá. Nó dai ngoách và có mùi dầu. Nhưng chú chậm rãi nhai, nuốt từng tí một. - Mày nhóm lửa đi chứ! – Rivd gắt. Macx ngẩng lên nhìn hắn. – Bằng cách chi? - Theo kiểu da đỏ ấy. Xiết hai cái gậy vào nhau. Macx phá lên cười. “Không được đâu. Củi ướt quá”. Chú nhặt một miếng cá chìa cho Rivd. “Này, ăn đi. Nếu như chậm, một chút xíu thì cũng không đến nỗi tồi lắm đâu”. Rivd cầm và ngồi xuống cạnh Macx. Gã bắt đầu ăn, rồi nhổ toẹt ra. “Tao không thể ăn nổi”. Gã lặng thinh hồi lâu, tay ôm thu lu lấy người. “Mẹ cha nó, ở đây rét quá!” Gã làu bàu, khẽ rùng mình. Macx nhìn gã. Trời không lạnh đến thế. Trán Rivd lấm tấm mồ hôi, gã bắt đầu run. - Nằm xuống đi. – Chú nói. – Tôi sẽ lấy cỏ phủ lên cho anh. Thế là khỏi rét. Rivd nằm duỗi dài. Macx cúi xuống sờ trán hắn. Hắn hầm hập sốt. Chú từ từ đứng thẳng dậy, đi cắt thêm ít cỏ nữa. Đúng lúc quẫn bách này thì Rivd lại lên cơn sốt rét. Chú lưỡng lự lôi một que diêm của mình từ cái gói vải sơn ra và nhóm lửa. Rivd chốc chốc lại giật lên từng hồi dưới thảm cỏ và rên rỉ qua hàm răng cắn chặt. Macx đưa mắt liếc nhìn trời. Đêm đã gần tàn. Bất giác chú thở dài. Không biết bao lâu nữa thì lão coi ngục sẽ đến tóm được bọn chú. Chú ngà ngà ngủ, người hơi lắc lư ở tư thế ngồi. Mơ màng, chú nghe thấy có tiếng động lạ, và đột nhiên tỉnh hẳn. Chú vồ lấy ngọn lao đâm cá, cúi thụp xuống. Tiếng động lại vang lên. Không biết nó là cái gì đi nữa thì cũng đủ nhận thấy là nó rất to. Chú lại nghe thấy lần nữa, gần hơn. Chân chú từ từ thu lại. Chú sẵn sàng chồm lên phi ngọn lao. Nó chả có tác dụng gì ghê gớm lắm đâu nhưng đó là thứ vũ khí duy nhất của chú. Rồi Maik hiện ra, khẩu súng trường thờ ơ trong tay. “Đồ ngu ở đâu ấy!” anh thốt lên “đáng nẽ chú phải biết rằng đừng có nhóm nửa”. Macx đứng dậy. Thế là xong. Chú đột nhiên cảm thấy bải hoải hết cả người. Chú khoát tay về phía người ốm. “Anh ta bị sốt” Macx bước lại chỗ Rivd. “Rõ là thế rồi”. Giọng anh đầy kinh ngạc. “Cái ông cai ngục ấy nói thế mà đúng. Bảo rằng Rivd sẽ lên cơn sốt dau ba ngày nội đầm!” Maik ngồi xuống cạnh đống lửa, hơ hơ tay. “Nhưng đúng nà nửa bay mùi xa nắm. Chú đáng nẽ đừng có nuẩn quẩn đợi ở đây làm gì”. - Thế em phải làm chi? - Nó sẽ không đợi, nếu như nó nà chú.. - Nhưng em không phải là anh ta. Người da đen cúi nhìn xuống đất. “Có nẽ chú đi ngay đi thôi” Macx tròn mắt nhìn. “Anh bảo sao?”. - Đi đi! – Maik đáp cộc lốc. - Nhưng còn cả tụi săn đuổi sau nữa? - Một hai tiếng nữa nà họ tới kịp. Họ xẽ hài nòng nà đã tóm được thằng Rivd. Macx chằm chằm nhìn anh, rồi nhìn ra cánh đồng. Một lúc sau, chú lắc đầu. “Em không thể” - Chú ngốc hơn anh nghĩ về chú, Macx ạ. – Maik nói nặng nhọc. – Nếu mà nà nó, thì giờ nó đã ra khỏi đầm nâu rồi!. - Chúng em cùng bỏ chạy. – Macx đáp. – Nên cũng phải cùng vào cũi mới đúng. - Thôi được, chú em ạ. – Maik thốt lên, nhẫn nhục. Anh đứng dậy. – Dập đống nửa đi. Macx đá đám củi xuống nước, chúng kêu xèo xèo rồi tắt ngấm. Chú liếc lại phía sau thấy Maik xốc Rivd lên như một đứa trẻ, vắt hắn qua vai mình. Macx lội ùa xuống nước, huớng phía nhà tù bước. - Đi đâu thế, chú mình? Giọng Maik gọi giật ở phía sau. Macx quay lại, trố mắt nhìn. Maik đưa tay chỉ về hướng ngược lại. “Bờ đầm ở cách hướng này hai mươi năm dặm gì đó”. Sững sờ một giây, rồi Macx vụt hiểu. “Anh không thể làm thế được!” chú kêu lên, “Anh Maik! Chính thức giấy tờ, anh có còn là tù nhân nữa đâu!”. Người da đen to lớn gật đầu. “Phải, chú em ạ. Anh không còn nà tù nhân nữa. Như vậy có nghĩa nà anh muốn đi đâu nà tùy anh. Và nếu như anh không thích quay nại, thì học cũng chả nói được gì! - Nhưng nếu họ bắt được anh giúp em, thì lại khác! - Nếu họ tóm được chúng ta, thì nà họ tóm được chúng ta. – Maik đáp giản dị. – Dù sao, anh không muốn nà người giơ roi đánh chú. Anh không thể. Chú thấy đấy, ta thực sự nà bạn nhau mà. Tám ngày sau, họ ra khỏi đầm, nằm vật ngay xuống nền đất khô, rắn chắc, há hốc mồm ra thở, Macx ngóc đầu nhìn. Ở rất xa, phía chân trời, một luồng khói bốc lên. - Ở kia có thị trấn! – chú háo hức reo to, loạng choạng đứng dậy. Ta sẽ có thể kiếm được cái chi tử tế ăn vô bụng! - Đừng có vội thế. – Rivd vừa nói vừa kéo chú xuống. Gã hãy còn vàng sạm cả người vì cơn sốt, nhưng đã qua khỏi. – Nếu đấy là thị trấn, thể nào cũng có một cửa hàng bách hóa. Đêm nay ta sẽ đột nhập. Chứ đừng liều vô ích. Có thể là chúng đang chờ ta ở đó. Macx nhìn Maik. Người da đen to lớn gật đầu. Họ đột nhập cái cửa hiệu vào lúc hai giờ sáng. Và khi ra, cả ba đều mặc quần áo mới, có súng giắt lưng và gần mười tám đôla tìm thấy ở ngăn kéo quầy. Macx muốn lấy ba con ngựa ở tàu ngựa thuê chạy cho nhanh. “Đúng là kiểu da đỏ không nào?”, Rivd thốt lên mỉa mai. “Tụi nó sẽ lần theo vết ngựa đuổi nhanh hơn bọn ta. Ta hãy đi khuất đường cái đôi ba ngày nữa rồi hãy bận tâm về chuyện ngựa ngẽo”. Hai ngày sau, bọn họ có ngựa. Bốn ngày sau, họ xông vào một nhà băng ở một thị trấn nhỏ, đi ra với một nghìn tám trăm đôla. Và mười phút sau, họ đã trên đường đi đến bang Texas. 13 Macx đi đến trấn Phot Uôth đón con gái Gim Rivd đi tàu hỏa Niu Olind tới. Anh ngồi trong cái ghế bành của ông cắt tóc, nhìn chằm chằm vào gương. Bộ mặt nhìn lại anh không còn là bộ mặt của một đứa trẻ. Cái gò má cao đã bị che dưới lớp râu quai nón tỉa cẩn thận. Nom anh bây giờ không còn là người da đỏ nữa. Macx đứng dậy. “Tôi nợ bác bao nhiêu nhỉ?” - Năm mươi xu cắt tóc, hai mươi tỉa râu. Anh quẳng cho anh ta một đồng đôla bạc. Maik nhấc người khỏi tường tòa nhà để tựa lưng, bước theo. “Đã tới giờ tàu tới rồi đó”, Macx nói, “có lẽ tụi mình tới ga đi”. Ba năm rưỡi trở về trước, họ đã đến Phot Uôth này giữa đêm hôm, với bảy ngàn đôla trong túi buộc ở yên ngựa, để lại phía sau hai nhà băng trống rỗng và hai người chết. Nhưng họ đã gặp may. Không một ai trong số ba người bị nhận dạng khác lời miêu tả “là kẻ lạ mặt”. - Cái trấn này nom có vẻ khá đó. - Macx háo hức thốt lên. – Tôi đếm được ở hai nhà băng trên đường ta gặp đây nè. Ngồi trên một cái ghế tựa trong căn phòng khách sạn rẻ tiền, Rivd ngẩng lên nhìn chú. “Thôi, chúng ta làm chuyện ấy thế là đủ” Macx trố mắt nhìn gã. “Sao vậy? Hai cái này nom dễ ợt mà!” Rivd lắc đầu. “Lần trước tôi mắc sai lầm cũng chính ở chỗ đấy đấy. Không biết mình đến lúc nào thì cần phải thôi”. Gã cắm một điếu thuốc vào miệng. - Thế rồi ta sẽ làm chi? – Macx hỏi. Rivd châm lửa. “Tìm xem có công việc hợp pháp nào hời hời không. Ở đây có nhiều dịp may đấy. Đất thì rẻ, bang Texas này lại đang phình người ra”. Rivd tìm được công việc hời như đã mong ở một cái thị trấn nhỏ cách Phot Uôth sáu lăm dặm về phía nam. Một tiệm rượu kiêm sòng bạc. Chưa đầy hai năm sau, gã trở thành nhân vật quan trọng nhất của trấn. Rồi gã mở một ngân hàng ở góc cái sòng bạc, và chẳng bao lâu sau, bắt đầu mua đất. Thậm chí đã có những lời bàn bầu hắn làm thị trưởng. Hắn mua một cái trại chăn nuôi nhỏ ở ngoài trấn, sửa sang tòa nhà rồi chuyển từ tiệm rượu ra đó. Một ít lâu sau đó hắn đưa ngân hàng ra khỏi tiệm rượu khi đó do Macx làm chủ tiệm, đặt nó ở một tòa nhà nhỏ trên đường phố chính của trấn. Chưa đầy một năm sau, người ta bắt đầu quên bẵng đi rằng hắn đã từng là chủ quán rượu, và bắt đầu nghĩ đến hắn như là chủ ngân hàng của trấn. Hắn bắt đầu lặng lẽ giàu lên. Hắn chỉ còn cần có một thứ nữa để hoàn chỉnh cái vỏ ngoài đáng kính. Một gia đình. Hắn đã bí mật dò hỏi về Niu Olind và biết rằng vợ hắn đã chết, con gái hắn đang sống với họ hàng bên ngoại. Hắn gửi cho cô ta một bức điện và nhận được điện trả lời, nói rằng cô ta sẽ đến Phot Uôth vào mồng năm tháng ba. Macx đứng sững, chăm chú nhìn hành khách đang xuống tàu. “Chú biết hình dạng cô ta chứ?” Maik hỏi. - Như lời Gim bảo thôi, vả lại ông ta mười năm rồi không nhìn thấy mặt cổ. Dần dần, hành khách tản đi hết, chỉ còn một người phụ nữ trẻ đứng giữa mấy cái vali và một cái hòm nhỏ, đang nhìn ngược nhìn xuôi trên sân ga. Maik nhìn Macx dò hỏi “Liệu có phải nà cô ta không?” Macx nhún vai. Cả hai đi đến chỗ người phụ nữ. Macx bỏ cái mũ hiệu Xtetxơn của mình xuống. “Cô là cô Rivd phải không ạ?” Một nụ cười nhẹ nhõm hiện lên trên khuôn mặt người phụ nữ trẻ. “Tôi thú thật là rất mừng khi thấy các anh”. Cô ta thốt lên, “Tôi đã bắt đầu nghĩ là ba tôi đã không nhận được điện”. Macx mỉm cười lại. “Tôi là Macx Xanđ” anh đáp, “Ba cô bảo tôi đi đón cô” Mặt cô gái thoáng tối lại. “Tôi cũng đã đoan đoán thế mà. Ba tôi bận đến nỗi mười năm rồi có về thăm nhà đâu”. Macx đoán cô ta không biết cha mình đã ở tù. “Nào đi thôi”, anh nói dịu dàng, “tôi đã thuê một phòng trên gác khách sạn Palax. Cô có thể tắm rửa và ngủ lại đó đêm nay. Chúng ta phải đi hai ngày mới tới nàh và sáng mai mới lên đường”. Đến khi họ tới khách sạn, hai mươi phút sau đó, lần đầu tiên trong đời, Macx mới biết mình đã yêu một người con gái. Macx buộc con ngựa vào cọc trước tòa nhà trại chăn nuôi của Rivd. Anh leo lên thềm, gõ cửa. Khi con gái Rivd ra mở, mặt cô nom hốc hác và căng thẳng như vừa khóc. “Ồ, anh đấy à”, cô trầm giọng nói, “vào đi” Anh theo cô vào phòng khách, ôm lấy cô, bất chợt cảm thấy không yên, “Betty, có chuyện gì thế em?”/ Cô chuội người khỏi tay anh. “Tại sao anh không nói với em anh là tù trốn?”, không nhìn anh, cô hỏi. Mặt anh chợt lạnh sắt lại nghiêm nghị. “Vậy thế có làm khác chuyện của ta đi không?” Cô nhìn vào mắt anh, đáp thẳng thắn. “Có. Nếu mà biết trước, không bao giờ em sẽ để bị lôi cuốn vào chuyện đó”. - Thê giờ em đã biết. – Macx vẫn khăng khăng, - Vậy có làm khác chuyện của ta đi không?” - Có. – Cô lại thốt lên. – Ôi, đừng hỏi em. Em bối rối quá! - Thế ba em còn bảo em gì nữa? Cô cúi xuống nhìn tay mình. “Ba bảo em không thể lấy anh. Không phải chỉ vì anh là tù trốn mà còn là anh… là anh lai da đỏ!” - Và chính vì thế mà em không yêu anh nữa sao? Cô chằm chằm nhìn xuống hai bàn tay đang vặn vẹo của mình. “Em cũng không biết mình đang có cảm giác gì nữa”. Cuối cùng cô thốt lên. Macx chìa tay kéo cô gái vào lòng. “Betty, Betty”, anh trầm giọng “Đêm qua lúc khiêu vux, em hôn anh. Em nói em yêu anh. Từ đó tới giờ anh đã thay đổi chi đâu nào”. Cô đứng lặng một thoáng, rồi giằng người ra khỏi anh. “Đừng có động vào tôi!” cô nói nhanh. Macx tò mò nhìn cô chăm chú. “Em không việc gì phải sợ anh cả”. Cô rúm người khỏi tay anh. “Đừng có động vào tôi!” cô thốt lên, nỗi sợ hãi trong giọng cô vang lên quá quen thuộc đến nỗi Macx không thể nào không nhận thấy. Lẳng lặng không nói thêm lời nào, anh quay đi, bỏ ra khỏi phòng. Anh phi ngựa thẳng vào trấn, tới ngân hàng, bước vào phòng đằng sau tòa nhà Rivd dùng làm chỗ làm việc của hắn. Rivd ngẩng lên nhìn từ cái bàn đồ sộ, mép lượn tròn xuống. “Làm cái chó gì mà lao vào đây xồng xộc thế hả?” hắn dằn giọng. Macx chằm chằm nhìn hắn. “Đừng có giở trò bịp ra với tôi, ông Rivd. Ông chơi cho con gái ông một vố hay đó”. Rivd ngã người ra ghế, phá lên cười. “Chỉ có thế thôi hả?” hắn hỏi. - Thế là đủ. – Macx đáp. – Tối qua cô ấy hứa là sẽ lấy tôi. Rivd cúi người về phía trước. “Tôi đã đánh giá anh có nhiều trí óc hơn thế kia đấy, Macx ạ” - Giờ thì cũng chẳng còn khác chi. Tôi sẽ đi đây. Rivd chằm chằm nhìn Macx hồi lâu. “Anh nói thật chứ?” Macx gật đầu. “Tôi nói thật”. - Anh đem cả anh chàng da đen đi chứ? - Phải. Khi nào tôi lấy đủ phần tiền của tụi tôi. Rivd xoay ghế quay vòng lại, lấy một ít tiền từ cái két ở phía sau hắn, quẳng lên bàn trước mặt Macx. “Đây” Macx nhìn chỗ tiền, rồi nhìn Rivd. Anh nhặt chỗ tiền lên đếm. “Đây chỉ có năm trăm đôla thôi”. - Thế anh nghĩ là bao nhiêu hả? - Chúng ta đã đến Phot Uôth với bảy nghìn. Nguyên phần của tôi trong chỗ đó cũng đã là hai nghìn ba. Và thực sự tiệm rượu không hề lỗ vốn. – Anh nhặt một điếu thuốc quấn sẵn ở bàn Rivd lên, châm lửa. Tôi tính rằng tôi và Maik ít nhất cũng phải được năm ngàn. Rivd nhún vai. “Tôi không tranh cãi đâu” hắn nói, “xét cho cùng, chúng mình đã lăn lộn với nhau nhiều. Anh đã tính thế, thì hãy cầm lấy bằng ấy” Hắn đếm thêm tiền, bỏ lên trên bàn. Macx nhặt lên, đút vào túi. “Tôi đã không nghĩ là ông lại từ bỏ nó dễ đến thế đấy”, anh thốt lên. Đang giữa đường trở về quán rượu, Macx cảm thấy có ai níu mình ỏ phía sau. Anh từ từ quay lại. Viên cảnh sát trưởng cùng hai nhân viên đang đếm lại, súng chĩa vào anh, Rivd đi cùng với họ. - Chuyện chi vậy, ông cảnh sát trưởng? – Macx hỏi. - Khám nó đi, - Rivd thét lên. – Các ông sẽ thấy ngay số tiền nó ăn cắp của tôi. - Ăn cắp? - Macx kêu lên. – Ông ta điên rồi! Tiền này của tôi. Ông ta nợ tôi. - Bỏ tay khỏi súng của mày ngay! – Viên cảnh sát trưởng ra lệnh và thận trọng tiến lại gần. Ông ta thọc tay vào túi quần. Tiền lả tả rơi ra. - Thấy chưa! – Rivd thét lên. – Tôi đã bảo mà. - Đồ chó đẻ! – Macx gầm lên, lao người về phía Rivd. Nhưng trước khi anh kịp vồ lấy hắn, viên cảnh sát trưởng lấy báng súng lục đập mạnh vào thái dương anh. Đúng lúc ấy Maik ló đầu ra khỏi cửa sổ gác quán rượu. Rivd đi đến nhìn Macx sõng sượt. “Đáng nhẽ tôi nên biết trước là đừng có tin gì vào những thằng con lai”. - Lôi nó dậy, các cậu, rồi quẳng nó vào phòng giam! – Cảnh sát trưởng ra lệnh. - Nên tới quán rượu tìm thằng bạn da đen của nó nữa. – Rivd nói. – Có thể nó cũng nhúng tay vào chuyện này. Maik nhìn thấy viên cảnh sát trưởng nhìn quán rượu rồi bắt đầu bước tới nó. Anh không đợi gì thêm, chạy xuống cầu thang sau, phi vèo ra khỏi trấn. Rivd phi ngựa trên đường về trại, huýt sáo nho nhỏ một mình. Hắn cảm thấy khoan khoái. Lần đầu tiên sau bao nhiêu lâu, hắn mới thấy yên tâm. Bố bảo thằng Macx cũng không dám mở miệng: nói ra chỉ làm tội nó nặng thêm. Còn thằng mọi đen kia thì chuồn rồi. Khi tình thế lâm nguy, tốt nhất là để cho tụi mọi đen có đường chuồn. Rivd mải nghĩ ngợi đến nỗi không nghe thấy tiếng roi kêu đánh vù, bay ra từ bụi cây, lôi giật hắn ngã xuống đất. Hắn loạng choạng đứng dậy, tay lần vào khẩu súng. Nhưng con rắn da kêu đánh vù lần hai, giật nó khỏi tay Rivd. Maik chậm rãi bước lại gần hắn, ngọn roi từ từ quấn lại trên cánh tay anh. Rivd thét lên khủng khiếp. Con rắn da to lớn lại bay rít lên. Rivd quay tròn, loạng choạng bật ngửa xuống đám bụi. Hắn cuống cuồng bò lồm cồm bằng hai tay hai chân rồi chập choạng đứng dậy cố bỏ chạy. Sợi dây da đuổi theo, quất vào giữa hai chân, lôi hắn ngã sấp xuống. Hắn ngoảnh lại thấy cánh tay Maik giơ cao, sợi dây da đen ngòm loằng ngoằng bay tung lên. Hắn thét lên thất thanh. Con rắn da một lần nữa lại xé thịt hắn. Tinh mơ sáng hôm sau, viên cảnh sát trưởng cùng với mấy người đồng sự nữa đụng phải một thân người nằm ở vệ đường. Trong đêm, một kẻ nào đó đã giằng bung các thanh sắt cửa sổ cái phòng giam duy nhất của trấn và Macx đã trốn thoát. Một viên cảnh sát phát hiện ra cái thân người đầu tiên. Anh ta kìm ngựa chạy vòng quanh, cúi xuống nhìn. Viên cảnh sát trưởng và những người khác cũng cho ngựa chạy vòng quanh. Họ chằm chằm nhìn cái thân thể méo mó một hồi lâu. Rồi một viên cảnh sát bỏ mũ ra, quệt mồ hôi lạnh toát vã ra trên trán. “Nom như ông chủ nhà băng Rivd hay sao ấy!” Viên cảnh sát trưởng quay lại nhìn anh ta. “Đấy đã từng là ông chủ nhà băng Rivd!” ông ta thốt lên, rồi cũng bỏ mũ, lau mặt “Có cái thú vị là”, ông ta nói thêm, “theo chỗ tôi biết, chỉ có một ngọn roi ở nhà tù bang Luidiana mới đánh được kiểu như vậy”. 14 Trong tiếng Tây Ban Nha, tên cái làng ấy dài loằng ngoằng và rất khó gọi đối với một đám người Mỹ, vì vậy sau một thời gian, họ đặt thêm cho nó một cái tên. Làng Ẩn. Đó là nơi anh tới khi không có chỗ nào có thể tới được nữa, khi luật pháp đang nhe hàm răng nóng sực sát cổ anh, khi anh đã ớn cái cảnh phải ngủ vạ ngủ vật trên đồng hoang, ăn những miếng thịt khô quèo và chỗ đậu lạnh ngăn ngắt đựng trong thùng sắt. Ở đó thì rất tốn nhưng mà đáng. Vượt qua biên giới bốn dặm và luật pháp thì không với tới được. Và đó cũng là nơi duy nhất trên đất Mexico có thể kiếm được whisky Mỹ. Dù có phải trả đắt gấp bốn đi nữa, thế cũng tuyệt chán. Ông chủ quán rượu ngồi cạnh cái bàn của mình ở góc phòng, chăm chú nhìn hai americanos bước vào. Họ ngồi xuống cái bàn gần cửa. Người thấp nhỏ hơn gọi uống tequila. Chủ quán thích thú nhìn họ. Chẳng bao lâu nữa là họ sẽ đi. Luôn luôn như vậy. Thoạt đầu mới tới, họ không xài một thứ gì ngoài những cái sang nhất. Loại whisky ngon nhất, phòng ngủ tốt nhất, gái đắt tiền nhất. Rồi tiền họ cạn dần và họ bắt đầu phải giảm chi phí. Đầu tiên là chuyển đến phòng ở rẻ tiền hơn, rồi đám con gái phải đi. Cuối cùng là đến whisky. Khi họ uống đến tequila thì có nghĩa là chẳng bao lâu nữa, họ sẽ rời khỏi làng. Ông nhấc cốc lên, uống một hơi cạn chỗ tequila còn lại. Đời là thế đấy. Ông nhìn người đàn ông nhỏ bé một lần nữa. Anh ta có cái gì đấy khiến ông không thể không để ý. Thở dài, ông nhớ lại thời trai trẻ của mình. Mồ ma Gioarex chắc thích anh chàng này lắm đây: cái máu da đỏ trong ông nói cho biết một cách linh tính rằng ai trong số họ sẽ là người lính thiện chiến. Ông lại thở dài. Tội nghiệp Gioarex, ông ấy mong giành lại cho dân quá nhiều mà rồi giành được thật quá ít. Không biết trước khi chết, thủ lĩnh có nhận ra được rằng cái lý do duy nhất gây nên thất bại là dân chúng lại không mong giành được quyền lợi cho mình nhiều bằng Gioarex mong giành cho họ. Chủ quán lại nhìn hai americanos, nhớ tới lần đầu tiên ông thấy họ. Đã cách đây gần ba năm rồi. Họ đi vào quán một cách lặng lẽ; mệt mỏi, người đầy bụi đường xa. Và cũng như bây giờ, cả hai ngồi cạnh cái bàn gần cửa. Chai và cốc vừa mới được bưng tới bàn họ thì gã đàn ông cao to ở cạnh quầy bước tới chỗ hai người. Gã nói với người nhỏ bé, phớt tỉnh người kia: “Bọn tao không cho phép tụi nhọ nồi được vào cái quán này!” Người đàn ông nhỏ bé thậm chí không buồn ngẩng lên. Anh ta đổ rượu đầy cốc của bạn mình, rồi đầy cốc mình. Anh ta đưa cốc lên miệng. Cái cốc bay vèo, đập vào tường vỡ đánh xoảng. Ngay lập tức, cả quán rượu lặng ngắt. “Đuổi cổ thằng mọi đen của mày ra ngay!” gã to lớn thốt lên, chằm chằm nhìn họ một thoáng. Rồi gã quay ngoắt người, bước lại quầy. Người da đen chực nhỏm dậy nhưng người đàn ông nhỏ bé đã đưa mắt ra hiệu ngăn lại. Người da đen từ từ ngồi xuống. Mãi đến khi người nhỏ bé rời bàn tiến lại quầy, chủ quán mới nhận ra rằng anh ta không nhỏ như ông tưởng. Chỉ vì so với người da đen nên nom anh ta ngỡ là nhỏ. - Ai đề ra luật ở đây đó? – anh ta hỏi anh bán bar. Anh bán bar phác tay về phía sau quầy. “Thưa senor, ông chủ quán ạ” Người Americanos đó quay lại, bước tới bàn chủ quán. Cặp mắt ông ta làm ông bất giác ngạc nhiên. Chúng xanh thẫm cứng cỏi. Anh ta nói tiếng Tây Ban Nha lơ lớ giọng Cuba. “Thưa senor, cái thằng bọn ấy có nói thật không đấy ạ?” - Không, thưa senor, - ông chủ quán đáp, - Tất cả ai có đủ tiền trả đều được hoan nghênh ở đây. Người đàn ông gật đầu, đi về chỗ quầy. Anh ta dừng lại trước mặt gã đàn ông đã tới bàn mình. “Ông chủ quán bảo tôi rằng bạn tôi có thể ở lại được”, anh ta nói. Gã kia bực tức quay người lại. “Đứa đếch nào để ý đến lời lão ấy hả? Không phải vì đã ở ngoài biên giới mà có nghĩa là tụi tao phải ngồi chung chỗ uống rượu với bọn mọi đen đâu nhớ!” Giọng người nhỏ bé đáp lạnh lùng. “Bạn tôi ăn cùng tôi, uống cùng tôi, ngủ cùng tôi. Anh ta sẽ không đi đâu cả”. Anh bình thản quay đi, trở về bàn của mình. Anh ta vừa mới kịp ngồi xuống thì gã Americano cáu bẳn kia bổ nhào đuổi theo. “Nếu mày thích tụi mọi đen đến thế thì cái thằng yêu mọi đen kia, hãy xem xem mày thích ngủ với một cái xác chết mọi đen như thế nào!”, gã gầm lên, rút phắt súng ra. Người Americano nhỏ nhắn hầu như không thấy nhúc nhích, nhưng khẩu súng đã ở trên tay anh ta, nòng súng đã bốc khói, và tiếng phát đạn tắt dần giữa các rui nhà. Gã to mồm nằm chết sõng sượt trên sàn, ngay trước quầy rượu. - Tôi xin lỗi vì chúng tôi đã khuấy động lòng mến khách của làng các bạn. – Người nhỏ nhắn nói bằng cái giọng Tây Ban Nha là lạ. Chủ quán cúi xuống nhìn gã đàn ông dưới sàn. “Đề nađa”, ông nhún vai, “không sao cả. Anh đúng. Gã lợn này không có tí lịch thiệp nào cả” Từ đấy đến giờ thế mà đã ba năm, chủ quán thở dài, hồi tưởng lại. Con người ấy xử sự lịch thiệp, rất lịch thiệp uyển chuyển – tự nhiên bẩm sinh như một con báo gấm. Rồi còn khẩu súng nữa chứ, Cambara! Chưa bao giờ có ai nhanh như thế. Gần như khẩu súng là một vật có linh hồn. Anh chàng này đã có thể trỏ thành một pistôlêra[16] tuyệt biết bao nhiêu. Và Gioarex đã có thể tự hào về anh ta biết bao nhiêu. Mỗi năm có một vài lần, hai người bạn lặng lẽ biến khỏi làng và mấy tuần, có khi mấy tháng sau, lại lặng lẽ xuất hiện. Mỗi lần trở lại như thế, họ có tiền để trả phòng trọ, trả đám đàn bà, trả cho chỗ whisky. Nhưng sau mỗi một lần như thế, ông chủ quán lại cảm thấy ở họ một niềm cô đơn sâu sắc thêm, một nỗi buồn trơ trụi ngày càng lớn. Và đã nhiều lần, ông cảm thấy thương thương họ rất lạ. Họ không giống những người khác mò đến cái làng này. Cái lối sống kiều này không phải là vui thú gì đối với họ. Và giờ họ lại uống tequila. Còn bao nhiêu lần như thế này nữa trước khi họ ra đi rồi không bao giờ trở lại? Không phải chỉ cái làng này mà là bất kỳ một nơi nào trên trái đất. Macx nuốt ngụm tequila, cắn vào một miếng chanh. Ngụm nước chua gắt sộc vào cổ anh, đem lại cho miệng anh một cảm giác sạch sẽ, thơm tho mới mẻ. Anh nhìn Maik “Ta còn đủ bao nhiêu ngày nữa nhỉ?” Maik nghĩ một thoáng “Có nẽ độ ba tuần gì đó” Macx quấn một điếu thuốc, châm lửa. “Cái ta làm là chơi một cú thật bự. Rồi sau đó bỏ lên California hay Nêvađa, hoặc một chỗ nào đó không ai biết tụi ta, rồi bắt đầu sống tử tế. Tiền ở cái chốn này không giữ được lâu đâu”. Người da đen gật đầu. “Đúng vậy. Nhưng đấy cũng chưa phải nà cách giải quyết. Chúng mình phải chia tay nhau thôi. Người ta đang nùng cả hai đứa. Khi họ nom thấy anh, thì cứ như nà chú đeo ở lưng một cái biển to tướng đề tên chú ấy!” Macx lại rót đầy cốc của mình. “Định rủ tôi cho nhẹ nợ sao?”, anh tủm tỉm cười, nuốt ngụm nước, với lấy miếng chanh. Maik nghiêm túc nói. “Có nẽ không có tôi, chú có thể yên ổn ở một chỗ nào đó, bắt đầu sống nương thiện được. Chú không phải bỏ chạy nữa”. Macx nhổ phù một hột chanh ra khỏi miệng. “Chúng ta đã giao hẹn là gắn bó cùng nhau. Lần này kiếm đủ tiền, tụi mình sẽ tới ờ Califonia”. Cửa quán mở, một gã chăn bò cao lớn, tóc đỏ bước vào. Anh ta bước tới chỗ bàn của hai người, thả bộp cái chai không xuống, phá lên cười sảng khoái: “Bồ Chaly Đobx đến đây thật đúng lúc, có phải không? Cái thứ nước tequila khốn kiếp kia chắc chắn sẽ ăn loét dạ dày của các cậu đấy! Ê bồi đâu, đem đến cho bọn tôi một chai whisky” Người bán bar bày chai rượu và mấy cái cốc lên bàn rồi đi. Chaly rót đầy ba cốc rượu. Tất cả uống. - Cậu quay lại làm chi vậy, Chaly? – Macx hỏi. – Tớ đã tưởng cậu ngược đường Rene cơ mà. - Đúng vậy. Nhưng tớ đụng phải một món lớn chưa từng thấy. Hời đến nỗi không thể lờ đi được. - Chi vậy? – Macx vừa hỏi vừa cúi thấp người về phía trước. Chaly hạ giọng. “Một ngân hàng mới toanh.Còn nhớ năm ngoái tớ bảo các cậu rằng người ta đang đào mỏ dầu ở Texas chứ? Tớ quyết định sẽ rẽ qua đó xem tí tỉnh trên đường ngược lên”. Anh ta rót thêm và uống tuột cỗ rượu rất nhanh. “Ờ, họ đúng là tìm thấy thật. Cái trò ngộ nhất chưa từng thấy. Họ thả một cái giếng xuống đất và thay cho nước vọt lên từ đó, là dầu. Họ bơm nó qua ống, đóng vào thùng rồi chở sang miền đông. Khắp chỗ đó nơi nào cũng có dầu và cái nhà băng ấy chật nứt ra vì tiền”. - Tớ nom có vẻ ngon đa. – Macx thốt lên. – Vậy bàn soạn sao. - Một gã người ở đấy đề ra việc, nhưng gã cần người. Gã cần ba. Mỗi cánh ta được một. - Công bằng đó! – Macx gật đầu. Anh quay sang Maik. – Anh nghĩ sao? Maik gật đầu. Bao giờ thì nàm? – anh hỏi. Chaly nhìn anh. – Ngay sau Tết. Khi đó thì ngân hàng có thêm rất nhiều tiền để tài trợ cho việc đào thêm cái giếng mới. – Anh lại rót đầy các cốc. – Mai ta phải khởi hành. Từ đó xuống đây tớ đi ngựa mất ba tuần ròng rã đấy. 15 Theo sau Chaly Đobx, Macx rẽ người, len vào quán rượu. Cái quán đầy thợ mỏ, dân chăn bò. Mấy bàn quay đĩa và đố bài đang hoạt động tưng bừng nhất. Người chen chúc đứng vòng trong vòng ngoài thành ba lớp, đợi lượt mình xông vào cuộc. - Thấy chưa? – Chaly cười như nắc nẻ. – Đúng là tưng bừng nhộn nhịp không nào? – Anh đi quá tới quầy rượu. Một người đàn ông đang đứng một mình ở đó. Người đàn ông quay lại nhìn Chaly. “Cậu bỏ đi lâu quá đấy”, ông ta nhỏ giọng nói. - Đường có xa, ông Ed ạ - Chaly đáp. - Gặp tôi ở ngoài kia nhé, - Ông ta quẳng một đồng đôla bạc lên mặt quầy và bước ra. Di qua Macx, ông ta đưa mắt lướt nhìn anh. Macx thoáng nom được cặp mắt bàng bạc, sắc lạnh như dao. Người đàn ông nom có vẻ gần năm mươi, có bộ ria dài, lởm chởm bụi vắt trên mép. Ông ta có một vẻ gì quen quen, nhưng Macx không tài nào xác định được. Anh chỉ cảm thấy như mình đã gặp ông ta ở đâu. Người đàn ông đợi họ bên ngoài quán rượu. Ông ta đi trước, dẫn hai người vào một cái hẻm tối. Ông ta quay lại đối diện với họ. “Tôi bảo cần bốn người cơ mà”, ông ta thốt lên cáu kỉnh. - Còn một người nữa, ông Ed ạ. – Chaly đáp nhanh. Anh ta đang chờ ở ngoài trấn. - Thế được rồi. Các anh đến vừa đúng lúc. Đêm mai – đêm thứ sáu. – thằng giám đốc và lão thủ quỹ ngân hàng sẽ làm việc muộn để tính lương trả cho thợ vào ngày thứ bảy. Thường thì đến mười giờ đêm chúng sẽ xong. Ta sẽ đón chúng ở cửa rồi lùa chúng trở lại. Như thế, chúng sẽ mở két cho ta; ta không phải dùng thuốc nổ phá. - Tôi thấy được đấy. – Chaly nói. – còn Macx, cậu thấy thế nào? Macx nhìn Ed. – Họ có súng chớ? - Chắc là có. Chú mình sợ phải đọ súng à? Macx lắc đầu. “Không. Tôi chỉ muốn biết là phải chuẩn bị đón những cái gì” - Ông nghĩ ta sẽ lấy được bao nhiêu? – Chaly hỏi xen. - Năm mươi nghìn, có khi hơn. Chaly huýt sáo. “Năm mươi nghìn”. - Các anh từng người một đến đó. Kín đáo đấy. Tôi không muốn có đứa nào bắt gặp ta. Sẽ gặp nhau ở phía sau ngân hàng đúng chin rưỡi. – Ed nhìn họ chằm chằm. Hai người gật đầu. Ed bước đi, được mấy bước, ông ta quay lại, ngó vào Macx. “Không biết tôi đã gặp anh ở đâu thì phải”. Macx nhún vai. “Có thể lắm. Tôi cũng tới lui khá nhiều nơi. Mà tôi cũng thấy ông quen quen” - Có khi đến đêm mai tôi sẽ nhớ ra. – Ông ta bỏ đi, lẩn sâu vào ngõ. Macx chăm chú nhìn ông ta cho đến khi ông ta rẽ sang phía khác. Anh từ từ quay lại phía Chaly. “Ông này có cái chi kỳ kỳ lắm. Tớ có cảm giác đáng ra phải biết ông ta là ai”. Chaly cười. “Thôi đi đi. Có khi Maik đang lo không biết ta đã gặp phải chuyện gì rồi” - Sẵn sàng! – Ed thì thào khàn khàn. – Bọn nó ra kìa! Macx ép chặt người vào tường gần phía cửa ra vào. Đối diện với anh là Chaly và Ed. Đã nghe thấy tiếng nói chuyện của hai người đàn ông từ trong nhà tiến lại gần cửa. Cửa vừa mở, tất cả ba người đều xô ùa vào, đẩy bắn hai cánh cửa vào trong. - Cái gì thế… Một giọng ngạc nhiên thốt lên trong bóng tối. Rồi nghe “hự” một tiếng, tiếp sau là tiếng người ngã huỵch xuống sàn. - Nếu muốn sống thì thưa ông, xin ông ngậm miệng lại! – Có tiếng há hốc mồm kinh hoảng, rồi lặng ngắt. – Đem chúng vào phòng trong! – Ed khàn giọng nói. Macx cúi nhanh xuống kéo người nằm dưới đất xềnh xệch vào phòng. Có tiếng diêm xòe khẽ. Rồi một ngọn đèn nhỏ sáng căn phòng trong. Macx lôi người dưới đất vào. Người đàn ông nảy lên rồi im phắc khi Macx thả tay kéo. - Xem cửa chính! – Ed rít lên. Macx lao tới cửa ngó mắt nhìn ra ngoài. Phố vắng tanh, lạnh ngắt. “Không có ai cả”, anh đáp. - Tốt, - Ed nói. – Nào ta vào việc. Ông ta quay lại người đàn ông kia. – Mở két sắt ra! Ông ta trạc gần sáu mươi. “Tôi… tôi không thể!” – ông ta lắp bắp thốt lên, trợn trừng kinh hoảng nhìn người nằm dưới đất”. chỉ có ông Godon biết. Ông ấy là chủ tịch ngân hàng. Người duy nhất biết số khóa”. Ed quay sang Macx. “Đánh thức lão ta dậy”. Macx quì xuống bên cạnh người đàn ông, lật mặt ông ta lên. Đầu ông ta méo một cách kỳ lạ, hàm trễ xuống. Anh ngẩng lên nhìn Ed. “Không đánh thức được rồi. Ông đã gõ thủng đầu lão”. - Lạy chúa tôi! – ông già kêu lên, gần như ngất xỉu. Ed lừ lừ đi đi lại trước mắt ông lão. “Giờ thì có lẽ ông phải chuẩn bị mở két rồi đấy!” - Nhưng… nhưng tôi không thể. – Ông già lắp bắp. – Tôi không biết số khóa. Ed vả mạnh vào mặt ông già. “Mở két!” - Thưa ông, - ông thư ký già van vỉ. – Trong cái bàn kia có bốn ngàn đôla! Xin ông lấy đi và đừng đánh tôi nữa. Tôi không biết số khóa… Ed đi nhanh lại bàn, mở ngăn kéo giữa. Hắn moi ra một nắm tiền rồi nhét vội vào túi áo. Hắn quay lại chỗ ông già đang quì thụp xuống. “Nào, mở két đi!”, hắn lại đánh ông già ngã dúi. Ông lão lồm cồm bò dưới đất. “Ôi thưa ông, tôi không biết, tôi không biết cách!”… Ed vừa co chân định đạp thì Macx đụng tay vào vai hắn: “Có lẽ ông ta nói thật đấy” Ed chằm chằm nhìn anh một thoáng, rồi hạ chân xuống. “Có thể. Tao đã biết cách tìm cho ra nhanh rồi”. Hắn làm hiệu về phía cửa. “Quay lại chỗ kia xem” Macx tiến lại cửa chính, ghé mắt nhòm ra. Phố vẫn vắng ngắt. Anh đứng sững ở đó, căng người sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc. Giọng Ed vọng tới, “Cột thằng chó đó vào ghế!” - Các ông định làm gì thế này? – ông nhân viên già yếu ớt phản đối. Macx quay lại, nhìn vào trong phòng. Ed đang quì trước lò sưởi, xoay xoay que sắt cời lửa trong đống than hồng. Chaly trói xong ông già, nhỏm người đứng dậy, tò mò nhìn hắn. “Ông định làm gì thế?” - Lão già sẽ nói nếu cái que cời đỏ rực này dí đủ sát vào mặt lão. – Ed rít lên. - Hượm đã. – Chaly phản đối. – Nếu ông nghĩ là ông ta nói dối thì giết ông ta đi. Ed đứng dậy, quay lại cáu kỉnh nhìn Chaly. “Đám nhãi ranh các chú ngày nay phiền thế đấy! Chúng mày không có gan tí nào cả. Chúng mày câu nệ bỏ cha đi ấy. Lão mà chết thì mở két chó gì được”. - Nếu mày không thích thì xéo. – Ed gắt lên tàn nhẫn. Trong cái két kia có năm mươi nghìn đồng, tao phải lấy bằng được. Macx quay ngoắt người khỏi cửa, đi trở lại cửa chính. Bước được hai bước, anh bỗng đứng khựng lại vì nghe được lời Ed vọng ra. - Mày tin lời tao, cách này có kết quả đấy. Mươi mười hai năm trước, thằng Harix “rỉ”, Tom Đot và tao đã làm tương tự với một thằng săn trâu cùng với con vợ mọi đỏ của nó… Dạ dày Macx đột ngột cuộn thốc lên, anh phải bấu vội vào tường cho khỏi ngã. Anh nhắm mắt lại và cảnh túp nhà gỗ lại hiện ra trước mắt anh – ba anh chết đờ người treo lủng lẳng, má anh rũ một đống dưới sàn, ánh lửa hồng da cam trên nền trời đen thẫm. Đầu anh đột nhiên thoáng hẳn. Anh lắc mạnh một cái. Một cảm giác lạnh lùng, chết lặng đã thay cho cơn buồn nôn. Anh đi về phía phòng trong. Ed vẫn lúi húi quì bên lò sưởi. Chaly đứng xa xa ở góc phòng, mặt tái mét, kinh tởm. “Thằng cha đó có giấu vàng quẩn quanh ở đâu đấy. Cả trấn Đogio biết như vậy..” Ed ngẩng lên, nhìn thấy Macx đã đi qua phòng, đứng trước mặt hắn”. Mày vào đây làm gì hả? Tao đã bảo ra canh cửa mà!” Macx nhìn hắn. Giọng anh ồm ồm: “Thế mày có lấy được chỗ vàng ấy không?” Mặt Ed lộ vẻ bàng hoàng ngơ ngác. - Mày không lấy được – Macx tiếp. – Bởi vì làm gì có. Ed tròn mắt nhìn Macx. “Sao mày biết?” - Tao biết. – Macx chậm chạp đáp, - Tao là Macx Xanđ. Mặt Ed vụt hiểu. Hắn chụp tay vào bao súng, lăn tròn người sang bên cạnh. Macx co chân đá bay khẩu súng rồi quay người rút cái que cời đã sáng trắng từ trong lò ra. Ed lập cập vồ theo khẩu súng, quay ngoắt lại, chĩa vào Macx đúng lúc cái que cời lao tới. Ngập giữa hai mắt hắn. Hắn rú lên khi cái que bỏng dãy xiết vào thịt hắn. Khẩu súng cướp cò. Viên đạn nổ bùng, bay cắm vào trần nhà. Rồi khẩu súng tuột khỏi tay hắn rơi xuống đất. Macx đứng sững hồi lâu, nhìn hắn. Mùi thịt cháy khét lẹt xộc mũi anh. Thế là xong. Mười hai năm đã qua, và thế là xong. Anh chậm rãi, đờ đẫn quay lại. Chaly đang giật giật tay anh “Ra khỏi đây ngay”, Chaly thét lên, “cả trấn sẽ xổ vào ta bây giờ đây này!” - Ờ, - Anh nói chậm rãi. Thả rơi cái que sắt, anh bước ra cửa. Maik đã chực sẵn với mấy con ngựa. Ba người nhảy vụt lên yên. Họ bay ra khỏi trấn trong tiếng đạn rít vù vù và một đoàn săn đuổi bám sát họ, cách có nửa tiếng. Ba ngày sau, họ bị kẹt lại trong một hang nhỏ dưới chân núi. Từ cửa hang, Macx bước vào nhìn bạn. “Anh thấy thế nào rồi, anh Maik?” Khuôn mặt trước thường đen bóng của Maik giờ xám ngoét, tọp hẳn lại. “Tồi nắm, chú mình ạ, tồi nắm!” Cúi người xuống, Macx lau mồ hôi trên trán Maik. “Tôi xin lỗi”, anh nói “bởi ta chẳng còn chút nước nào cả” Maik lắc đầu. “Giờ thì tôi chẳng cần nước nữa đâu. Nần này thế nà đủ. Tôi không đi nữa đâu” Giọng Chaly vọng từ phía sau hang ra. “Còn một tiếng nữa là sáng. Tốt nhất là bắt đầu đi thôi” - Cậu cứ đi trước đi, Chaly. Tớ sẽ ở lại đây với anh Maik đã. Maik gắng gượng nâng người dậy, ngồi tựa vào vách hang. “Đừng có ngớ ngẩn, chú mình!” anh thốt lên. Macx lắc đầu. “Tôi sẽ ở lại với anh” Maik mỉm cười, đưa tay lần lần tìm tay Macx, bóp mạnh. “Chúng ta nà bạn của nhau, phải không nào? Bạn thực sự nhỉ?” Macx gật đầu. - Mà tôi chưa bao giờ dẫn chú vào con đường khổ, phải không? – Maik hỏi, - Tôi sắp chết đây, và chú không có cách gì cứu nại được đâu. Macx quấn một điếu thuốc, châm lửa, cắm vào miệng Maik. “Thôi đừng nói nữa, nghỉ đi chú!” - Mở cái thắt lưng của tôi ra! Macx cúi xuống chỗ bạn, tháo khóa. Cái thắt lưng tuột ra, Maik rên khẽ. “, giờ thấy dễ chịu hơn. Nào, chú hãy nhìn vào bên trong thắt lưng xem” Macx lật ngược nó lên. Mặt trong của thắt lưng có khâu đính một cái ví tiền. Maik mỉm cười. “Có tất cả năm ngàn đôla ở đấy đấy. Anh đã dành dụm đến núc cuối cùng – nà lúc này – khi chúng ta thôi không nàm những trò này nữa” Macx cuộn một điếu thuốc nữa, châm lửa. Anh lặng lẽ nhìn bạn. Maik húng hắng ho. “Chú sinh ra muộn mất ba mươi năm để nàm cái việc này. Bây giờ đời không còn chỗ cho một thằng bắn súng nữa. Chúng ta đã đi đến cuối đường rồi, mà chả gặp ai ngoài những xác chết!”. Macx vẫn ngồi lặng thinh, chằm chằm nhìn bạn. “Tôi không đi đâu”. Maik ngẩng lên nhìn anh. “Đừng để anh cảm thấy mình đã nhầm khi chọn bạn ở cái nhà tù ấy. Nhất nà núc anh sắp chết như lúc này!” Macx bất chợt nhoẻn miệng cười. “Anh toàn lảm nhảm vớ vẩn, anh Maik ạ!” Maik cũng toét miệng ngẩng lên cười. “Anh có thể kìm tụi đuổi nại một ngày. Khi ấy chú đã ngược lên phía bắc rất xa rồi, chúng sẽ không bao giờ tóm được đâu”. Anh bật cười thành tiếng, rồi nghẹn lại vì ho ra máu. Anh giơ một cánh tay cho Macx. “Đỡ anh đứng dậy tí, chú”. Macx cúi đưa hai tay đỡ Maik đứng dậy. Người da đen to lớn dựa vào Macx, lần ra cửa hang. Hai người bước ra màn đêm yên tĩnh, chỉ thoang thoảng cơn gió nhẹ ở đỉnh lèn đá. Họ đứng lặng hồi lâu, thấm thía cảm thấy sự gắn bó gần nhau, cái tình yêu ít ỏi hiếm hoi giữa hai người đàn ông có thể có. Rồi Macx cẩn thận đỡ bạn xuống đất. Maik nhìn xuống dãy đồi trước mặt. “Anh có thể giữ chúng mãi ở đây được”. Anh thốt lên. “Nào, giờ hãy nhớ nấy nời anh nói, chú Macx. Hãy sống nương thiện. Không trộm cướp nữa, không bắn nhau nữa. Anh nghe chú hứa chứ?” - Em xin hứa, anh Maik ạ. - Nếu chú không giữ nời. Anh quyết sẽ hiện về hành hạ chú! – Người da đen to lớn nói. Anh ngoảnh mặt đi, nhìn xuống dãy đồi. – Thôi đi đi, chú. – Anh trầm giọng nói. – Sáng rồi kìa. – Anh quờ tay với lấy khẩu súng trường. Macx quay đi, lên ngựa. Ngồi trên mình ngựa, anh ngoái lại nhìn Maik hồi lâu. Người da đen khổng lồ không hề ngoảnh lại. Macx thúc mạnh vào sườn ngựa. Nó lao vụt đi. Mãi một tiếng đồng hồ sau, khi đã ở một đỉnh núi khác, Macx mới ngạc nhiên nhận thấy sự im lặng. Đáng nhẽ bây giờ đằng sau anh, đã phải vang lên những tiếng súng bắn nhau. Không bao giờ anh có thể biết được rằng Maik đã chết ngay sau khi anh vừa đi khuất. Anh cảm thấy như bị lột trần ra khi thoạt tiên không còn bộ râu cằm nữa. Xoa xoa bộ mặt cạo nhẵn nhụi, anh bước vào bếp. Chaly ngồi ở bàn vụt ngẩng lên nhìn. “Trời ơi”, anh ta thốt lên “mình có quen anh chàng này đâu!”/ Mathơ, vợ Chaly, đang lúi húi bên bếp lò quay lại và bất giác mỉm cười. “Nom anh trẻ hơn là em tưởng. Và đẹp giai hơn” Macx cảm thấy máu dồn lên mặt. Anh ngượng nghịu ngồi xuống. “Có lẽ đã đến lúc mình phải đi”. Chaly và vợ nhìn nhau rất nhanh. - Tại sao thế? – Chaly thốt lên – Cậu có một nửa lãi ở đây cơ mà. Cậu không thể đứng dậy bỏ đi xuôi như vậy được. Macx nhìn Chaly chăm chú. Anh vấn một điếu thuốc, châm lửa hút. “Ta ở đây đến nay đã được ba tháng. Đừng có tự lừa nhau nữa. Chốn này không nuôi nổi hai đứa mình đâu”. Họ lặng thinh. Macx nói đúng. Ngay thậm chí anh đã bỏ trước tiền của mình để mua cái ràn này, thì nó cũng chưa đủ nuôi nổi tất cả họ. - Nhưng nếu có ai nhận anh thì sao? – Mathơ hỏi, - Ảnh của anh quận trưởng cảnh sát nào ở miền Tây nam này cũng có cả! Macx mỉm cười, xoa xoa cằm: - “Họ không nhận ra được tôi đâu. Nếu râu ria cạo trụi thế này”. - Cậu nên nghĩ ra cho mình một cái tên mới nữa. – Chaly nói. Macx thở ra một đám khói dày đặc: “Ờ, có lẽ cũng phải vậy. Tại thời gian đó. Cái chi cũng phải đổi thay theo nó”. Nhưng cái tên mới không hề đến được tới anh mãi cho tới ngày anh đứng dưới ánh mặt trời chói chang bang Nêvađa, ngẩng lên nhìn ông Cođơ và chú bé Giônơx. Và rồi nó vụt nảy ra. Dễ dàng như suốt đời là tên thật của anh. Xmith. Nêvađa Xmith. Một cái tên hay thật. Không hề để lộ gì về anh cả[17]. Anh cúi xuống nhìn chú bé con đang ngẩng lên tròn mắt nhìn anh sợ hãi, rồi lại nhìn khẩu súng ở tay kia. Anh thấy chú bé dõi theo ánh mắt anh. Anh nhét lại khẩu súng vào bao, mỉm cười chậm rãi. - Ồ, Giônơx con. – anh nói. – Chú đã nghe thấy lời ba rồi đó. Anh quay lại chỗ con ngựa, dẫn nó rẽ xuống nhà ngang. Chú bé con ngoan ngoãn lũn cũn theo chân anh. Nhà ngang vắng tanh. Giọng chú bé lanh lảnh phía sau: “Anh định ở đây lâu với Mác Voòng Toy hả?” Anh lại mỉm cười: “Có lẽ vậy đấy”. Anh lật một tấm phảng xuống, trải nệm của mình ra, nhanh chóng thu xếp gọn ghẽ mọi thứ. Khi anh quay lại, chú bé vẫn giương mắt tròn xoe nhìn anh. - Anh ở lại thật à? - Ừ…ờ… - Thật nhá? – chú bé gặng. – Mãi nhá? – Giọng chú thoáng lạc đi. – Anh đừng bỏ đi như họ nhá? Như má ấy nhá? Mắt chú bé có một vẻ khiến cho anh phải quì thụp xuống ôm lấy chú: “Anh sẽ ở đây tới chừng nào em vẫn thích anh”. Đột nhiên, chú ôm choàng lấy cổ anh, áp má vào mặt anh. Hơi thở chú nhẹ nhàng, âm ấm. “Em thích lắm”, chú nói “Bây giờ anh dạy em cưỡi ngựa với”. Nêvađa nhỏm dậy, chú bé vẫn bíu ở chân. Anh bước ra ngoài, nhấc chú bé đặt lên yên ngựa. Anh định trèo lên ngồi sau chú thì bất chợt nhận thấy khẩu súng nặng trĩu bên đùi. - Chờ anh chút xíu nhé! – Anh thốt lên, đi trở lại nhà ngang. Anh nhanh chóng cởi cái dây chằng ra, tháo khóa thắt lưng. Anh treo cả thắt lưng súng đạn lên cái đỉnh trên đầu phản mình. Rồi anh bước ra ánh nắng trắng. Và không bao giờ anh còn đụng lại đến nó nữa. 16 Raina xuống tàu, bước lên cái sân ga rực rỡ nắng chiều, loang loáng bóng mây. Một tài xế cao lớn vận đồng phục bước tới chỗ cô. Anh ta đưa lên mũ chào: - Cô là cô Malovi ạ? Raina gật đầu. - Thưa cô, ông Xmith bảo tôi chuyển lời xin lỗi tới cô. Ông ấy không thể ra đón cô được ạ. Ông ấy bị kẹt, phải họp ở xưởng phim. Ông nói là sẽ gặp cô ở bữa uống cocktail tối đấy ạ. - Cám ơn anh! Raina đáp, ngoảnh mặt đi để dấu vẻ không hài lòng. Ba năm dài, thế mà… Anh tài xế nhấc mấy cái vali của cô lên: “Xin mời cô theo tôi ra xe ạ”. Raina lại gật đầu, theo người tài xế cao lớn vận đồng phục ấy ra khỏi ga, tới một chiếc xe Piơx – Arâu đen bóng. Anh tài nhanh nhẹn bỏ vali vào ghế trước rồi mở cửa ghế sau cho cô. Cái phù hiệu bé xíu mạ vàng lấp lánh treo lủng lẳng ở tay vịn đập vào mắt cô: N X Cô ngả người tìm thuốc lá. Giọng anh lái xe vang đột ngột qua loa con làm cô giật mình. “Cô sẽ thấy thuốc lá ở cái hộp cạnh tay phải đấy ạ” Raina thoáng bắt gặp anh tài mỉm cười qua cái gương chiếu hậu. Anh ta mở máy. Cô châm thuốc, tò mò quan sát phía trong xe. Ở đâu cũng thấy cái phù hiệu mạ vàng, thậm chí được dệt cả vào đệm ghế nữa. Cô ngả người về phía sau. Cô không ngờ mình lại ngạc nhiên đến vậy. Cô đã đọc qua báo chí mọi chuyện về anh. Cái ràn súc vật bốn mươi mẫu, tòa lâu đài ba chục phòng anh cho xây ngay giữa thành phố Beverly Hills này. Nhưng trên mặt báo, những cái đó không có vẻ thật. Cô nhắm nghiền mắt, hồi tưởng xem mọi cái đã bắt đầu từ đâu để dẫn đến sự việc hôm nay. Chuyện bắt đầu từ sau khi cô trở về miền đông được năm tháng. Cô lên New York mua sắm đồ trong một tuần, và một chủ nhà bằng bạn của cha mời cô đi dự buổi chiếu ra mắt của một bộ phim do cái hãng phim ông ta có cổ phần kha khá ở đó, sản xuất. - Tên phim là gì thế ạ? – Cô hỏi. - Viên cảnh sát làng thanh bình. – Ông chủ nhà bằng đáp. – Phim của hãng Noman. Ông Bơny Noman nói với tôi đây là bộ phim miền tây tuyệt nhất từ trước đến nay đấy. - Phim cao bồi miền tây tôi ngán lắm. – Cô thốt lên. – Tôi đã biết đủ hết chuyện khi chính tôi ở miền tây rồi. - Noman nói rằng người đóng vai chính thực sự là một ngôi sao mới đấy. Nêvađa Xmith. Ông ta nói anh ta là người tuyệt nhất, là… - Tên anh ta là gì cơ? – Cô ngắt lời, hẳn là cô đã nghe nhầm. - Nêvađa Xmith. – Ông chủ ngân hàng lặp lại – Tên với tuổi thật là kỳ cục. Nhưng đám diễn viên bao giờ cũng có những cái tên lạ như vậy đấy. - Tôi sẽ đi – Cô nói nhanh. Cô nhớ lại mình đã vào rạp như thế nào – đám khán giả đông nghịt, ánh đèn rực rỡ bên ngoài, những người đàn ông lễ phục tề chỉnh, đám đàn bà đầy đồ trang sức vàng bạc. Và rồi cái thế giới ấy dường như vụt biến mất trước sức hấp dẫn kỳ diệu của những hình ảnh trên màn bạc. Phim đã đến đoạn cuối. Giờ đây, một mình trong căn phòng ảm đạm buồn tẻ, viên cảnh sát của cái làng thanh bình ấy đang cho súng vào bao, khẩu súng mà anh ta đã thề không bao giờ đụng đến nữa. Ống kính đưa gần lại mặt viên cảnh sát, gần đến nỗi cô có thể nhìn thấy những lỗ chân lông trên da anh, cô như cảm thấy được hơi thở nóng ấm của anh. Anh nâng nòng súng lên, nhìn soi vào nó. Cô cảm thấy được nỗi mệt mỏi ở trong anh, nhìn thấy được cơn dày vò quyết định cuối cùng làm môi anh mím chặt, hàm anh bạnh vuông ra, cái gò má cao, giống như người da đỏ của anh miết phẳng xuống, hằn sâu thành mấy đường chạy tới mép. Nhưng cặp mắt anh, cặp mắt anh mới làm cô nghẹn thở. Đó là đôi mắt của người đã từng hiểu thế nào là cái chết. Không phải chỉ một, mà nhiều lần. Đôi mắt của một người hiểu rõ sự vô ích của nó, thấm thía hết những nỗi buồn và khổ đau mà nó đem lại. Chậm rãi, viên cảnh sát tiến tới cửa, bước ra ngoài. Nắng rực rỡ ập vào mặt anh. Anh kéo sụp cái mũ rộng của mình xuống cho khỏi chói, và bắt đầu thong thả đi trên con đường vắng ngắt. Loang loáng hiện ra những bộ mặt của dân thị trấn nhìn theo anh qua khe cửa, màn gió, kẽ cửa sổ. Anh không nhìn trả, chỉ lặng thinh đi, cái áo bạc phếch của anh đã bắt đầu lấm tấm mồ hôi vì trời nóng, cái quần bò vá đã sờn chỉ, bó lấy đôi chân thon chắc, hơi vòng kiềng. Miếng đồng, ghi tên và chức vụ, sáng lòe trên ngực anh. Cái Chết mặc quần áo mềm đẹp, đắt tiền. Không một hạt bụi nào làm mờ đôi ủng của nó. Cái báng súng lục khảm ngà của nó sáng trắng. Mặt nó hiện rõ lên một vẻ căm hờn, mắt nó ngời lên khoái cảm được chém giết, tay nó vờn vờn trên bao súng như một con rắn đuôi chuông. Trong một thoáng, hai người đứng lặng, nhìn soi vào mắt nhau. Mắt Cái Chết lóe sáng niềm vui man dại giết choc. Mắt viên cảnh sát ủ ê, đượm buồn. Cái Chết ra tay trước. Nó thộp lấy khẩu súng. Nhưng nhanh đến chóng mặt, khẩu súng của viên cảnh sát như nhảy lên tay anh. Cái Chết ngã bật ngửa về phía sau, rơi huỵch xuống đất, mắt đã dại đi. Khẩu súng buột khỏi tay nó. Người nó nẩy nẩy lên hai cái nữa theo hai phát đạn. Rồi nằm im phăng phắc. Viên cảnh sát đứng lặng lẽ hồi lâu, rồi từ bỏ súng vào bao. Anh quay lưng lại với cái xác chết thong thả đi ngược phố trở về. Người ta bắt đầu ùa ra khỏi nhà. Họ chăm chú nhìn anh, mắt ngời lên, dại đi vì tận mắt được xem cảnh bắn giết. Anh không nhìn họ. Cô gái chạy bổ ra cổng. Viên cảnh sát dừng lại trước mặt cô. Mắt cô gái nhòe nước. Mắt viên cảnh sát mở trân trân không chớp. Rồi một vẻ khinh bỉ bỗng đột ngột hiện trên mặt anh. Anh kinh tởm trước lời kêu gào đòi trả nợ máu của cô ta, kinh tởm toàn bộ đám dân thị trấn chỉ chăm chăm khao khát thỏa mãn được rửa thù theo cái cách của họ. Tay anh vụt đưa lên ngực, rứt phực miếng phù hiệu. Anh quăng nó đánh bộp xuống mặt đất lầm bụi dưới chân cô gái, rồi quay đi. Bàng hoàng, cô ta trố mắt nhìn nó, rồi nhìn theo lưng anh đang bước xa dần. Cô ta rướn người, đuổi theo mấy bước, rồi đứng khựng lại. Tít ở cuối phố, viên cảnh sát đang leo lên ngựa. Anh giật cương, hướng nó về dãy đồi xa xa. Hai vai anh nhô cao, đầu anh cúi rũ xuống. Mệt mỏi, anh bỏ đi khỏi cuộc đời họ, tiến thẳng vào màn ánh nắng rực rỡ, chói chang. Hình ảnh anh mờ dần, mờ dần… Đèn bật sáng. Cả rạp im phăng phắc. Raina quay sang ông chủ nhà băng. Ông ta mỉm cười ngượng ngập, hắng giọng: “Đây là lần đầu tiên một bộ phim làm tôi cảm thấy xúc động ghê quá!”. Và thật lạ. Raina cũng thấy trong họng mình có cái gì nghèn nghẹn. “Tôi cũng thế”, cô trầm giọng nói. Ông ta đỡ lấy tay cô. “Bơny Noman ở kia kìa. Tôi muốn đến chúc mừng ông ta cái”. Hai người lách qua một đám đông đang xúm xít quanh ông chủ sản xuất phim, nồng nhiệt chúc mừng. Noman là một người đàn ông nặng nề, cằm xị. Mắt ông ta đang sáng ngời lên, đảo lia lịa. “Ông thấy cái anh chàng Nêvađa Xmith ấy thế nào hả?” ông ta hỏi ông chủ nhà băng, “đã bao giờ ông xem được một bộ phim tuyệt thế chưa? Còn khăng khăng muốn thuê tài từ Tom Micx đóng phim nữa hay thôi, nào”. Ông chủ nhà băng phá lên cười. Raina bất giác nhìn ông. Ông ta không phải là người hay cười gì cho lắm. “Tom Micx hả”, ông ta cười khanh khách, “là thằng cha ấm ớ nào vậy?” Chiếc xe rẽ vào một con đường nhỏ ở chân đồi, vượt qua một cái cổng sắt trên có dựng cái phù hiệu bây giờ đã trở nên quen thuộc đối với cô, và bắt đầu men theo con đường hẹp ngoằn ngoèo lượn lên tới đỉnh đồi. Raina ngó qua kính cửa xe, nhìn tòa nhà đồ sộ, cái mái trắng của nó đã trở thành vàng tía lên dưới nắng chiều tà. Cô bắt đầu cảm thấy khang khác. Cô mò đến đây làm gì cơ chứ. Đây có phải là một Nêvađa quen thuộc mà cô đã biết đâu. Và đột nhiên, cuống cuồng, cô mở xắc tay, lập cập tìm bức điện của Nêvađa gửi cho cô. Rồi cô tìm thấy nó. Cầm nó trên tay, cô đọc lại, và cảm thấy yên lòng hơn một chút. Cô nhớ lại tháng trước đã gửi cho anh một bức điện từ Thụy Sĩ. Đã ba năm cô mới biết tin anh. Ba năm ấy, cô không ngừng lang thang phiêu bạt. Sáu tháng đầu ở Boston. Rồi cảm thấy buồn chán. Sau đến New York, rồi London, Paris, Rome, Madrid, Conxtantinopol, Berlin. Những bữa tiệc, những thèm khát, những cuộc tình mãnh liệt, những người đàn ông nồng nàn, lũ đàn bà cuồng đãng. Càng ăn chơi, càng lang bạt, cô càng thấy sợ hãi và cô độc. Rồi đến cái buổi sáng ở Zurich ấy. Cô mở choàng mắt vì ánh nắng rọi thẳng vào mặt. Cô nằm trên giường, không mảnh quần áo che thân, một tấm chăn trắng phủ lên trên thân thể. Miệng cô khô khốc, nóng rát. Cô cảm thấy như đã mấy tháng liền không được uống một ngụm nước. Cô với tay ra khay nước để trên cái bàn ngủ. Không đụng phải nó, cô mới chợt nhận ra rằng đang ở trong phòng người lạ. Cô ngồi nhỏm dậy giữa một căn phòng bày biện đắt tiền theo kiểu châu u nhưng hoàn toàn xa lạ. Cô ngó quanh tìm cái áo choàng của mình, nhưng không hề thấy một thứ áo quần nào của cô cả. Mơ hồ. cô tự hỏi không biết đang ở đâu. Trên cái bàn đêm có diêm và thuốc lá. Cô châm một điếu. Đám khói đắng nghét vừa bay vào họng cô thì cửa phòng mở. Một người đàn bà tóc đen xinh đẹp bước vào. Thấy Raina ngồi giữa giường, chị ta đứng sững lại. Một nụ cười hiện trên môi chị ta. Chị ta đến bên giường. “A, em đã dậy, ma chéri”, chị ta nói dịu dàng, cúi xuống hôn Raina vào môi. Raina trố mắt, chằm chằm nhìn chị ta. “Chị là ai vậy?” - Ô, em yêu, em không nhớ chị là ai ư? Raina lắc đầu, - Có lẽ thế này sẽ làm cho em nhớ ra, em yêu ạ. – Người đàn bà nói, thả buột cái áo choàng của mình ra khỏi người, áp đầu Raina vào cặp vú to để trần của chị ta. “Nào, giờ thì em đã nhớ là ta đã làm tình với nhau rồi chứ?”. Tay chị ta vuốt ve mặt Raina. Cáu kỉnh, cô giằng khỏi chị ta. Cửa lại mở, một người đàn ông bước vào. Một tay hắn ta cầm chai sâm banh. Người hắn ta trần trụi như nhộng. Hắn mỉm cười. “A, thế là chúng ta cùng dậy một lúc cả. Bữa tiệc đang đến lúc buồn rồi!” Hắn đi qua phòng, chìa chai sâm banh cho Raina. “Em yêu, uống đi một hớp. Cái phiền là…có một người tỉnh dậy, khát cháy họng, đúng không nào?” Raina đưa hai tay ôm chặt lấy thái dương. Cô cảm thấy máu đập giần giật dưới ngón tay mình. Đây là một cơn ác mộng. Không phải là sự thực. Không, không thể là thực được. Người đàn ông lo lắng vuốt mái tóc cô. “Đau đầu hả? Để anh đem axpirin vào cho” Hắn quay người đi ra khỏi phòng. Raina kinh hoàng ngẩng lên nhìn người đàn bà. “Xin nói cho tôi biết với”, cô van vỉ, “Tôi chắc là phát điên mất rồi. Ta đang ở đâu thế này?” - Tất nhiên là ở Zurich, nhà của Philip. - Zurich ư? Nhà của Philip? – Cô ngẩng lên nhìn chị ta. – Người kia … là Philip à? - Mais non, tất nhiên là không. Đấy là Kan, chồng chị. Em không nhớ ra à? Raina lắc đầu. “Tôi không còn nhớ gì cả” - Ta gặp nhau ở trường đua ngựa. Ba tuần trước ở Paris. Em ngồi một mình ở cái lô cạnh lô của Philip. Bạn em đã không đến được. Nhớ ra chưa? Raina nhắm mắt lại. Cô bắt đầu mang máng nhớ ra. Cô đã đánh cược vào con ngựa lang đỏ đẹp đẽ và người đàn ông ngồi ở lô bên cạnh nghiêng mình sang nói với cô. “Một sự lựa chọn rất thông minh. Đó là con ngựa của tôi. Tôi là bá tước Saăng”. - Tay bá tước lô bên cạnh! Raina thốt lên. Người đàn bà mỉm cười gật đầu. “Thế là em nhớ ra rồi”, chị ta hài lòng nói. “Cuộc vui của bọn ta bắt đầu từ Paris. Nhưng ở đó nóng quá nên ta mới kéo nhau tới đây, tới biệt thự của Philip. Gần hai tuần rồi đấy”. - Hai tuần ư? Người đàn bà gật đầu. “Cuộc chơi của ta đã diễn ra thật tuyệt”. Chị ta ngồi xuống cạnh Raina. “Em xinh lắm em gái ạ”. Raina trố mắt nhìn chị ta, nghẹn lời. Cửa lại mở, Kan bước vào, một tay cầm lọ axpirin, tay kia cầm chai sâm banh. Theo sau hắn là một gã đàn ông cao lớn, tóc vàng, mặc áo choàng ngủ. Gã tóc vàng quẳng mấy bức ảnh xuống giường. “Em thích chúng không, Raina”. Cô nhìn thấy mấy bức ảnh, tròn mắt. Họng cô bỗng ựa lên muốn nôn. Đây không thể là cô được. Cô không như thế này. Trần truồng. Với người đàn bà kia và hai gã đàn ông. Tuyệt vọng, cô ngẩng lên nhìn chúng. Gã bá tước mỉm cười. “Đáng nhẽ anh phải chụp tốt hơn mới phải”, gã nói vẻ ân hận. “Nhưng hình như cái máy đếm giây có trục trặc gì đó”. Người đàn bà nhặt mấy bức ảnh lên. “Em nghĩ là anh chụp thế này là tốt lắm rồi”. Chị ta phá lên cười. “Ngộ thật. Vừa làm tình vừa cầm cái đèn để có thể chụp được”. Raina vẫn im phăng phắc. Kan cúi xuống sát cô. “Bé Américaine của chúng ta vẫn còn mệt”. Hắn nói dịu dàng, chìa hai viên axprin cho Raina, “Uống thuốc đi, em sẽ thấy đỡ hơn”. Raina trân trân nhìn họ. “Tôi muốn mặc quần áo”, cô thốt lên yếu ớt. Người đàn bà gật đầu. “Cứ mặc đi. Áo quần em ở trong tủ ấy”. Bọn họ quay đi, ra khỏi phòng. Raina nhảy ra khỏi giường, lập cập vội vàng lau mặt. Cô định tắm nhưng rồi dứt khoát thôi. Cô phải đi ngay, một phút bây giờ cũng quí. Cô mặc quần áo, bước sang phòng bên cạnh. Người đàn bà vẫn mặc áo choàng tắm, nhưng hai gã đàn ông đã mặc áo sơ mi và quần vải phlanen trắng. Cô chực bước qua, không nhìn họ. Gã Kan gọi giật: “Bà Cođo, bà bỏ quên xắc tay này!” Lặng thinh cô cầm lấy nó từ tay hắn, mắt tránh không nhìn hắn. - Tôi đã để vào đây một bộ ảnh để kỷ niệm cuộc vui của chúng ta. Cô mở xắc. Mớ ảnh kinh tởm đập vào mắt cô “Tôi không muốn giữ chúng”, cô chìa ra cho hắn. Hắn gạt chúng sang một bên. “Bà cứ giữ lấy. Chúng tôi còn có thể in thêm ra nhiều từ âm bản mà. Cô từ từ ngước lên nhìn hắn. Hắn mỉm cười. “Có lẽ bà ở lại uống cốc cà phê rồi ta bàn chuyện làm ăn chứ?” Cô đã mất mười nghìn về chỗ phim của những bức ảnh đó. Cô đốt phim cháy vụn trong một cái gạt tàn trước khi rời khỏi căn phòng. Và vừa mới đến khách sạn, cô gửi ngay một bức điện cho Nêvađa. Em cô độc và khiếp sợ hơn bao giờ hết. Anh có còn là bạn em không? Ngày hôm sau điện trả lời của anh đến, với một tấm séc năm nghìn đôla và vé máy bay, hóa đơn trả tiền trước khách sạn từ Zurich đến California. Và bây giờ, trong khi chiếc ô tô đang chậm rãi bò lên đồi, cô vân vê bức điện trên tay, đọc lại. Giọng nó là giọng quen thuộc của một Nêvađa cô đã từng biết. Nhưng hình như nó không giống một tý nào với Nêvađa cô đang sắp gặp đây. Anh vẫn là bạn cô Dưới ký gọn lỏn: “Nêvađa”. 17 Nêvađa ngả người dựa vào thành ghế, đưa mắt nhìn căn phòng rộng một lượt. Một không khí căng thẳng đã xuất hiện ở căn phòng. Mặt Đan Piơx tươi tắn dịu dàng, ông ta mỉm cười: “Lần này thì không phải vì chuyện tiền, ông Bơny ạ. Mà vì chúng tôi cảm thấy đúng lúc rồi. Hãy làm một bộ phim về Miền Tây cho ra trò và quẳng béng những thứ rẻ tiền vớ vẩn đã bao nhiêu năm nay ta làm đi!” Noman cúi nhìn xuống bàn một thoáng, tay nghịch nghịch cái kịch bản bọc bìa xanh. Ông ta lấy vẻ mặt chân thành, đáp lại Đan. “Anh hãy tin tôi, anh Đan ạ, không phải tại kịch bản đâu”. Ông ta quay sang Phôn Enxtơ để được đồng tình. “Chúng ta nghĩ kịch bản này rất tuyệt, phải không?”. Nhà đạo diễn cao lêu đêu, hói trán gật đầu. “Một trong những kịch bản tuyệt nhất từ trước đến nay”. - Thế sao lại bỏ? – viên đại lý hỏi. Noman lắc đầu. “Không phải lúc. Cả cái ngành này đang rối beng lên. Hãng Oanơ sắp sửa cho ra bộ phim NHỮNG ÁNH ĐÈN NEW YORK, phim nói. Một số người cho rằng nó ra đời là phim câm hết thời!” Đan Piơx bật cười. “Ấm ớ! Điện ảnh vẫn là điện ảnh chứ. Nếu ai muốn nghe diễn viên nói thì xin mời tới rạp hát, đó mới là nơi có nói năng chuyện trò”. Noman quay sang Nêvađa, giọng dịu dàng ân cần như nói với con: “Này, Nêvađa, chúng tôi đã làm điều gì không phải với anh đâu. Từ cái ngày đầu tiên anh đến đây tới nay, chúng tôi đã đối xử với anh rất tốt. Nếu là chuyện tiền nong, thì không có vấn đề gì cả. Anh chỉ cần nói ra là cần bao nhiêu”. Nêvađa mỉm cười. “Không phải là chuyện tiền nong chi đâu. Ông Bơny ạ. Mười ngàn một tuần đối với ai cũng là đủ, ngay cả khi thuế thu nhập lên đến bảy phần trăm. Mà là kịch bản. Đó là câu chuyện thực sự hay nhất từ khi tôi tới đây đó”. Noman với tay cầm lên một điếu cigarette. Nêvađa lại ngả người vào ghế. Anh nhớ lại cái lúc đầu tiên anh nghe thấy kịch bản này. Khi đó vào năm ngoái, anh đang đóng phim ĐỌ SÚNG LÚC HOÀNG HÔN. Một người trong số những nhà viết kịch bản – một thanh niên đeo kính cận, da xanh nhợt, tiến tới chỗ anh. “Thưa ông Xmith” anh ta nói ấp úng rụt rè. “Tôi xin quấy rầy ông một phút được không ạ?”, Nêvađa quay người hỏi anh chàng phụ trách hóa trang. “Ổ, tất nhiên…” anh ngập ngừng thốt lên. - Tôi là Mac Oeix – người thanh niên gày gò đáp nhanh. Nêvađa mỉm cười. “Tất nhiên rồi, anh Macx. Tôi có thể giúp chi cho anh nào?” - Tôi có một cái kịch bản muốn nhờ ông đọc hộ ạ. – Oeix đáp nhanh. – Tôi đã bỏ ra hai năm nghiên cứu tài liệu viết nên nó. Về một trong những tay súng cuối cùng của miền tây nam. Tôi cho rằng nó khác với mọi cái đã được viết. - Tôi rất mừng được đọc nó. – Làm ngôi sao màn bạc có cái khổ thế đấy. Ai cũng muốn mình phải đọc phải kịch bản của họ. Và cái nào cũng là tuyệt nhất từ trước đến ngay. – Tên nó là chi vậy? - THẰNG PHẢN BỘI. – Anh chàng đeo kính chìa ra một tập giấy bọc bìa xanh. Cái kịch bản nằng nặng trong tay anh. Nêvađa lật lật đến trang cuối cùng, nhìn người thanh niên nghi hoặc. Cái kịch bàn dài gấp ba lệ thường. “Có hơi dài nhỉ?” Oeix gật đầu. “Nó dài thật nhưng tôi thấy không thể cắt chỗ nào được. Tất cả mọi cái trong đó đều là sự thật. Tôi bỏ ra hai năm vừa rồi để kiểm tra các báo cũ của cả miền tây nam đấy ạ”. Nêvađa quay lại chỗ người phụ trách hóa trang, tay vẫn cầm cái kịch bản. “Thế rồi cái gì đã xảy ra với anh ta vậy”, anh hỏi với qua vai - Hình như chả có ai biết rõ cả. Một hôm, anh ta mất tăm, rồi từ đó không nghe thấy gì về anh ta nữa. Có một đoàn săn lùng đuổi theo anh ta, rồi người ta nghĩ là anh ta đã bỏ xác ở vùng núi. - Chuyện mới bao giờ cũng là chuyện tốt. Mọi người đã ớn với các nhân vật quen thuộc rồi. – Nêvađa thốt lên, - Thế anh đặt tên anh chàng đó là gì vậy? Lời của người thanh niên như treo lơ lửng trong không trung. “Là Xanđ ạ”, anh ta nói, “Macx Xanđ” Cái kịch bản tuột khỏi tay Nêvađa. Anh cảm thấy máu dồn hết lên mặt. “Anh bảo cái chi?”, anh thốt kêu lên, giọng trống rỗng khàn khàn. Oeix trố mắt nhìn. “Macx Xanđ ạ. Đấy là tên thật của anh ta, tuy ta có thể đổi đi được”. Nêvađa lắc mạnh đầu, cúi xuống nhìn cái kịch bản. Nó nằm giữa đám bụi. Oeix nhanh nhẹn quì gối xuống, nhặt lên. “Ông không sao đấy chứ, ông Xmith?” anh ta lo lắng hỏi. Nêvađa hít một hơi dài. Anh cảm thấy đã có tự chủ trở lại. Anh đón lấy cái bản thảo từ tay Oeix chìa ra, cố nở một nụ cười. Mặt Oeix vụt lộ một vẻ nhẹ nhõm. “Cám ơn ông Nêvađa. Tôi đã rất mừng là ông đã nhận lời. Xin cảm ơn ông” anh ta thốt lên thành thực. Suốt tuần sau đó, Nêvađa không tài nào bắt nổi mình đọc được cái bản thảo. Anh cảm thấy một cách rất lạ lùng rằng nếu anh đọc, anh sẽ tự để lộ mình ra mất. Rồi một tối, sau bữa chiều, anh vào phòng đọc sách của mình nơi có Phôn Enxtơ đang chờ và thấy ông ta đang vùi đầu miệt mài đọc nó. - Anh lờ cái của này bao lâu rồi? – ông hỏi. Nêvađa nhún vai. “Một tuần chi đó. Ông biết nó rồi đó. Đám viết kịch bản ấy bao giờ cũng đẻ ra chuyện trò. Cái này có tốt không?” Phôn Enxtơ từ từ đặt nó xuống. “Còn hơn là tốt ấy. Nó thật tuyệt. Nếu anh nhận đóng, tôi muốn là đạo diễn của nó” Đêm đã rất khuya, đèn vẫn sáng trên giường Nêvađa; và anh nhận thấy người đạo diễn đã muốn nói gì. Oeix đã tạo ra độ sâu và mục đích sống cho chân dung một con người từng đơn độc, đã nâng lên thành một triết lý sống, nảy sinh từ nỗi buồn và những khổ đau. Không hề có ánh hào quang nào quanh những tội lỗi của anh cả, đó chỉ là cuộc đấu tranh tuyệt vọng giành quyền tồn tại mà thôi. Và trong khi đọc, Nêvađa đã hiểu rằng bộ phim sẽ phải được quay. Kịch bản này tốt đến mức không thể bỏ qua được. Để tự bảo vệ mình, anh phải đóng phim này. Nếu để tuột nó vào tay một kẻ khác, thì không thể nói trước được rằng họ sẽ đào bới cuộc đời Macx Xanđ tanh bành đến mức nào. Sáng hôm sau, anh mua lại của Oeix cái kịch bản với giá một nghìn đôla. Tâm trí anh đột ngột trở lại với giám đốc hãng phim. “Ta hẵng thư lại một năm đã”, Bơny Noman nói, “đến lúc ấy thì ta đã rõ là phải làm ăn ra sao”. Đan Piơx đưa mắt nhìn anh, Nêvađa hiểu. Như vậy có nghĩa là Piơx cảm thấy anh ta đã làm hết mức có thể. - Saplin và Picphođ có lý khi thành lập hãng “Liên hiệp các nghệ sĩ”, - Nêvađa thốt lên, - Theo tôi đó là con đường duy nhất một ngôi sao có thể chắc chắn đóng được cái phim mình muốn. Mắt Noman thay đổi rất tế nhị. “Nhưng từ đó đến nay có năm nào họ làm ăn ra gì đâu. Họ đã lỗ vốn khối ra rồi” - Có thể vậy, - Nêvađa đáp. – Nhưng rồi thời gian sẽ trả lời. Đó vẫn còn là một hãng mới mà. Noman nhìn Piơx một hồi, rồi lại nhìn Nêvađa. “Thôi được”, ông ta thốt lên, “tôi sẽ thỏa thuận với anh như thế này. Chúng tôi sẽ chi nửa triệu đôla cho bộ phim, còn anh bảo đảm tất cả phí tổn quay âm bản” - Thế có nghĩa là thêm một triệu đôla và nửa triệu nữa! – Piơx thốt lên. – Nêvađa đào đâu ra chỗ tiền ấy? Noman mỉm cười. “Ở cùng cái chỗ của chúng tôi. Ở ngân hàng. Anh ấy sẽ không bị rắc rối gì cả. Tôi sẽ sắp xếp. Anh sẽ là chủ bộ phim một trăm phần trăm. Tất cả tiền chúng tôi lấy lại là lãi phát hành và số vốn. Như vậy sẽ là một hợp đồng tốt hơn cái mà hãng “Liên hiệp” có thể thỏa thuận với anh. Thế cũng biểu lộ rõ ý chúng tôi thiết tha muốn làm việc với anh đến thế nào, Nêvađa ạ. Công bằng chưa nào?” Nêvađa không hề có ảo tưởng. Nếu bộ phim không thành công, thì tên anh ở trong sổ nợ ngân hàng chứ không phải Noman. Anh sẽ bị mất mọi cái đang có và hơn nữa. Anh cúi xuống nhìn lại cái bản thảo bọc bìa xanh. Một quyết định bắt đầu sắt lại trong lòng anh. Cha Giônơx đã có lần bảo với anh rằng nếu không phải là tiền của chính mình thì thắng hay bại không hề có nỗi khoan khoái gì cả, và sẽ không bao giờ lãi to nếu chỉ đặt cửa lem nhem. Bộ phim này không thể bỏ qua được. Anh biết. Anh cảm thấy rõ rệt điều đó ở trong anh. Anh ngẩng nhìn Noman “Ok” anh nói “tôi đồng ý” Khi họ từ tòa biệt thự văn phòng của Noman bước ra ánh chiều đã nhợt màu, Nêvađa nhìn viên đại lý. Mặt Piơx nhăn nhó. “Có lẽ anh nên cùng tôi đến văn phòng tôi cái”, ông làu bàu. “ta còn phải bàn ối việc đấy” - Chúng ta có thể gác đến mai. – Nêvađa đáp. – Tôi đang có bạn từ miền đông tới đợi ở nhà. - Anh vừa mới nhả một cái hạt dẻ khó xơi đấy. Họ đi đến chỗ ô tô của mình. “Tôi nghĩ là đã đến lúc rồi”. Nêvađa tin tưởng nói. “Cách duy nhất làm được nhiều tiền là phải chơi với vốn lớn”. - Anh cũng có thể mất toi số tiền lớn với cách ấy. – Piơx vẫn ương bướng. Nêvađa đứng dừng lại bên chiếc Xtad Becat màu trắng của mình. Anh âu yếm áp tay lên cửa xe như đang vuốt ve con ngựa. “Chúng ta chắc chắn sẽ không mất”. Viên đại lý nheo mắt nhìn anh. “Tôi mong là anh biết rõ mình đang làm gì. Tôi không thích cái kiểu Noman ưng thuận nhanh như vậy và hứa tất cả lời lãi là của ta. Có chuyện bầy nhầy gì ở đâu đó đây”. Nêvađa mỉm cười. “Cái khổ đối với anh, Đan ạ, là anh là một viên đại lý. Tất cả các viên đại lý đều có tính đa nghi. Bơny đồng ý với ta vì ông ta không còn cách chi cả. Ông ta không muốn chơi liều để mất tôi đâu”. Anh mở cửa, ngồi vào trong xe. “Mười giờ sáng mai tôi sẽ tới văn phòng anh” - Được, - Viên đại lý đáp. Ông ta đã đi về phía ô tô của mình được mấy bước rồi đứng sững, quay trở lại. – Cái trò phim nói làm tôi đau đầu đấy. Hai ba công ty khác cũng đã tuyên bố sửa soạn làm phim nói. - Kệ họ. – Nêvađa đáp. – Đó là cơn đau đầu của họ. – Anh xoay chìa khóa, ấn nút khởi động, máy xe gầm lên. – Nó là của mới mà! – Anh thét lên át tiếng máy. – Khi bộ phim của ta ra đời, mọi người sẽ quên hết đám phim nói ấy ngay. Cái telephon trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường khẽ vang lên tiếng chuông dìu dịu. Raina đi đến, nhấc ống nghe. Đó là một chiếc máy mới kiểu Pháp, cái đầu tiên cô nhìn thấy từ khi ở châu u về. Nằm chính giữa đĩa tròn, nơi thường thường in số, là cái phù hiệu giờ đã thành quen thuộc. “Alo?” Giọng Nêvađa thân thuộc vang lên. “Thế nào, cô bạn? Em đã thu xếp chỗ ở xong xuôi chưa? - A, anh Nêvađa! – cô kêu lên. - Em còn bạn bè chi đi cùng không? Cô cất tiếng cười. “Em đang tháo dỡ đồ đạc. Và ngạc nhiên quá” - Về cái chi? - Về mọi cái. Tòa nhà này. Thật không tưởng tưởng nổi. Chưa bao giờ em thấy kỳ lạ như bây giờ. Giọng anh trở nên thì thào khe khẽ bên tai cô. “Lèm nhèm chả mấy ai hay, anh thì gọi nó là hàn gia của anh đó”. - Ôi, Nêvađa! – cô bật cười. – Em đến giờ vẫn chưa tin là thật. Tại sao anh lại xây một cái nhà to đến hoang đường thế này. Tính anh có phải thế đâu!” - Đấy là một phần của vở trò đấy Raina ạ. – Giống như cái mũ trắng to bự, đám sơ mi hoa lòe loẹt, những đôi ủng nhiều màu. Người ta nếu không có đầy đủ những mũ mãng cân đai trang sức đó thì không phải là ngôi sao màn bạc đâu em! - Với chữ N gạch trên X ở mọi chỗ[18]. - Với chữ N gạch trên X ở mọi chỗ. – Anh lặp lại – Nhưng đừng thấy đó làm ngạc nhiên Raina ạ. Ở Hollywood còn những điều kỳ hơn nhiều. - Em có nhiều chuyện muốn kể anh nghe lắm. Bao giờ thì anh về nhà? - Về nhà ư? – Anh phá lên cười. – Anh đang ở nhà đấy chứ. Anh đang ở dưới quầy rượu ở tầng một chờ cô. - Em xuống ngay đây. – Cô thốt lên, nhưng chợt lưỡng lự. – Nhưng mà Nêvađa, làm sao em tìm ra nổi quầy rượu? Tòa nhà này rộng mênh mông quá. - Tụi anh đã có nhiều chuẩn bị những người dẫn đường da đỏ cho những trường hợp này. Để anh phái một người tới chỗ cô. Cô đặt ống nghe xuống, đi tới bên cái gương. Vừa tô son lên môi xong, cô nghe thấy tiếng gõ khẽ ở cửa. Cô đi ngang qua phòng, mở cửa. Nêvađa đứng sững trước mặt cô, tủm tỉm cười. - Thưa bà, - Anh lấy giọng trịnh trọng rất khôi hài. – Tui vừa mới xem lại cả căn nhà này và tùy bà không tin thì thôi, chớ đúng chỉ là còn mỗi mình tui là người da đỏ! - Ôi, Nêvađa! – Cô thốt lên khe khẽ. Và, bất chợt, cô đã ở trong vòng tay anh, mặt vùi vào bộ ngực rắn chắc của anh, nước mắt cô nhòe ướt đằng trước cái áo sơ mi trắng mềm mại, thêu hoa của anh. Quyển ba. GIÔNƠX – 1930 1 Ánh đèn của thành phố Lox Angiơlex đã hiện ra trước cánh phải máy bay. Tôi ngoảnh sang Băz ngồi bên cạnh. “Ta sắp tới nhà rồi!”. Bộ mặt có cái mũi tẹt và hếch của anh chàng rãn ra trong một nụ cười. Anh ta nhìn đồng hồ. “Tớ nghĩ chúng mình đã lập được một kỷ lục đấy!”. - Vất mẹ cái kỷ lục ấy đi! – Tôi đáp – Tớ cần nhất là được hợp đồng chở thư ấy. Băz gật đầu. “Giờ thì chắc chắn như đinh đóng cột là ký được nó rồi:. Anh chàng cúi người tới, vuốt ve cái bảng điều khiển. “Em bé này đã đảm bảo cho bọn ta”. Tôi lượn một vòng rộng trên thành phố, nhằm hướng Bơbank, Nếu chúng tôi giành được cái hợp đồng chở thư tín, từ Chicago tớ Lox Angiơlex, thì chẳng bao lâu công ty Intơ- Continentơn sẽ có mạng lưới kín nước Mỹ. Bước tiếp sau đây nữa là từ Chicagô sang phía đông Niu Yooc. - Tớ đọc báo thấy nói cánh hãng Pho đã đặt ba động cơ để có thể chở tới ba mươi hai người. – Băz nói. - Khi nào thì cái của đó xong? - Hai, ba năm gì đó. – Băz đáp. – Đó là bước sau. - Ờ. – Tôi thốt lên. – Nhưng ta không thể đợi Pho được. Có thể mất béng đến năm năm thì mới có được động cơ thực từ bọn họ. Sau hai năm nữa là ta phải có máy bay rồi. Băz trố mắt nhìn tôi, “Hai năm? Cậu làm thế quái nào có nhanh được đến thế. Vô lý?”. Tôi liếc nhìn anh ta. “Ta đang có bao nhiêu máy bay chở thư nào?”. - Độ ba mươi tư chiếc gì đó. –Anh ta đáp. - Thế nếu như ta ký được cái hợp đồng mới? - Gấp đôi. Mà có thể là gấp ba hiện nay. – Anh ta ranh mãnh nhìn tôi. – Cậu đang âm mưu chuyện gì thế? - Bọn chủ nhà máy sản xuất ra chúng sẽ kiếm được lãi nhiều hơn bản thân chúng ta qua cái hợp đồng ấy đấy. - Nếu cậu đang định nói tới việc tự làm ra máy bay cho mình thì đúng là cậu phát rồ! – Băz nói. – Xây cho lên được một cái nhà máy đã mất đứt hai năm. - Sẽ không đến thế đâu nếu ta mua một cái đang sản xuất. – Tôi đáp. Anh chàng nghĩ ngợi một thoáng. “Lochit, Matin, Cơtix – Rait, tất cả đang bận túi bụi. Họ sẽ không bán. Người duy nhất có thể bán lúc này là Uynthrop. Hãng đó đang trì trệ kể từ khi hụt mất cái hợp đồng của quân đội.” Tôi mỉm cười với anh ta. “Cậu nghĩ khá đấy, Băz ạ”. Trong ánh đèn mờ mờ, anh chàng trợn mắt nhìn tôi. “Ồ, không xong đâu. Tớ đã làm với lão Uynthrop. Lão đã thề là không bao giờ lão…” Chúng tôi đã ở trên phi trường Bơbank. Tôi lượn quá xuống phía nam của đường băng, nơi có nhà máy của Uynthrop. Tôi nghiêng máy bay để Băz có thể ngó ngươi sang bên nhìn được. “Cúi xuống dưới xem đi”. Dưới kia, trong màn đêm, được hai ngọn đèn chiếu rọi sáng là những chữ cái to tướng sơn ngay ngắn trên mái nhà máy quét nhựa đường. CÔNG TY MÁY BAY COĐƠ Chúng tôi vừa mới xuống tới mặt đất, đám nhà báo đã vây chặt. Những ngọn đèn chớp chụp ảnh của họ làm tôi nhức cả mắt. Tôi chớp chớp mi. “Ông có mệt không thưa ông Cođơ?”, một nhà báo thét lên. Xoa xoa cái cằm chưa cạo, tôi toét miệng cười. “Tươi như hoa buổi sáng ấy!”, tôi đáp. Một hòn sỏi đâm nhói gan bàn chân tôi. Tôi ngoảnh lại phía máy bay, gọi Băz. “Này, quẳng cho tớ đôi giày nào!”. Anh ta cười, vứt đôi giày xuống cho tôi. Đám nhà báo nhốn nháo rối rít, chụp ảnh tôi trong khi tôi đi giày vào. Băz trèo xuống đứng cạnh tôi. Người ta chụp thêm mấy cái ảnh nữa rồi chúng tôi đi về phía nhà để máy bay. “Về tới nhà các ông cảm thấy thế nào?”, một tay nhà báo khác lại thét lên. - Tốt. - Rất tốt. –Băz nói thêm. Chúng tôi cảm thấy thật như vậy. Năm ngày trước đây chúng tôi cất cánh từ sân bay Lơ Buôgiê, Paris. Rồi Niu Phaonđland, Niu Yooc, Chicago, Lox Angiơlex – trong vòng năm ngày. Một nhà báo chạy bổ tới, tay phất phất một tờ giấy. “Các ông vừa phá kỷ lục bay từ Chicago tới Lox Angiơlex. Như thế là năm kỷ lục đã bị phá trong chuyến bay này”. - Mỗi ngày một kỷ lục. – Tôi toét miệng cười. – Thế thì chẳng có gì phải phàn nàn cả. - Như vậy là các ông sẽ ký được cái hợp chở thư ấy phải không ạ? – Một phóng viên hỏi. - Đằng sau họ, ở cái cửa ra vào của nhà để máy bay, Max Alixtơ đang vẫy tay như điên gọi tôi. “Đấy là phần công việc”. Tôi thốt lên. “Tôi xin dành lời cho ông Băz, bạn công ty với tôi. Ông ta sẽ cung cấp cho các vị cái tin tức về việc đó”. Tôi rẽ nhanh ra khỏi đám phóng viên, để họ xúm xít quanh Băz, bước lại chỗ Max. Mặt anh lộ rõ vẻ hốc hác lo lắng. “Tôi đã ngỡ là anh không tài nào về kịp đấy”. - Tôi đã bảo là chin giờ tôi sẽ về tới đây mà. Mac kéo tay tôi. “Tôi đang có xe đợi anh. Ta sẽ đi ngay tới ngân hàng. Tôi đã bảo họ là sẽ đưa anh đến”. - Hượm đã! Tôi giằng tay ra. – Bảo ai? - Nhóm công ty đã đồng ý với cái giá của anh để mua lại một lần nữa quyền sở hữu sản xuất khuôn phun cao tốc. Thậm chí Đuy Pont lần này cũng phải nằm trong số những nguời ấy. – Anh lại nắm lấy tay tôi, kéo xềnh xệch tới ôtô. Tôi vùng ra một lần nữa. “Hượm đã”. Tôi kêu lên. “Năm ngày vừa qua tôi không hề biết cái giường là gì và đang mệt rũ người. Mai rôi sẽ gặp họ”. - Mai ư? – Mac hét lên. – Họ đang chong chong chờ anh ở đó. - Tôi cóc cần. Kệ cho họ đợi. - Nhưng họ đang sắp sửa đưa cho anh mười triệu! - Họ chả đưa cái gì cho tôi cả. Họ cũng có dịp mua được quyền sản xuất như ta. Năm ấy bọn họ đều ở châu u cả, nhưng họ tiếc tiền. Giờ thì họ cần, vậy họ có thể chờ đến mai nhé. Tôi bước vào xe. “Khách sạn Bivơly Hind”. Mac Alixtơ chui vào ngồi cạnh tôi. Mặt anh nom đờ đẫn. “Mai ư?”, anh thốt lên, “họ không muốn chờ”. Lái xe mở mấy. Tôi ngoảnh nhìn Mac Alixtơ, nhoẻn cười. Tôi bắt đầu cảm thấy thương anh. Rõ ràng đối với anh, để cái đám chủ công ty kia chịu thỏa thuận được như thế này không phải dễ. - Tôi bảo thế này nhé, - tôi nói nhẹ nhàng – Hãy để tôi chợp mắt lấy sáu tiếng rồi ta sẽ gặp họ. - Như thế là ba giờ sáng! Mac thốt lên. Tôi gật đầu. “Hãy đưa họ tới dãy buồng tôi ở khách sạn. Đến lúc ấy tôi sẽ sẵn sàng chờ họ ở đó.” Mônica Uynthrop đang đợi trong dãy phòng khách sạn. Trông thấy tôi bước vào, em đứng vụt dậy khỏi đivăng, dập tắt thuốc lá, chạy nhào tới, ôm chầm lấy hôn tôi. “Gớm, râu ria khiếp chưa kìa!”, em thốt lên, tỏ vẻ ngạc nhiên giễu cợt. - Em ở đây làm gì vậy? Anh cứ tìm em ngoài sân bay kia! - Đáng nhẽ em cũng ra đấy nhưng lại sợ ba cũng ra. – Em nói nhanh. Đúng vậy, Amôx Uyntrhop quả là một ông bố khinh suất liều lĩnh vô cùng mới không nhận thấy những triệu chứng của cô con gái. Khổ cái là ông ta không biết sử dụng thời gian cho chúng. Ông ta để đàn bà xen vào công việc và công việc lẫn lộn với đàn bà. Nhưng Mônica là cô con gái độc nhất của ông ta, và cũng như lão phóng đãng khác, ông ta nghĩ con mình là một trường hợp ngoại lệ, khác thường. Quả có thế thật. Nhưng không phải theo cái cách ông ta tưởng. - Pha cho anh một cốc rượu nhé! – Tôi nói, đi qua Mônica vào phòng ngủ. Anh phải chui vào ngay một cái bồn nước nóng đây. Người anh hôi sực đến ngay anh cũng nhận thấy. Mônica cầm một cốc thủy tinh đầy uyxky và đá, theo tôi vào buồng ngủ. “Em pha rượu cho anh rồi đây. Và bồn tắm đầy nước rồi đấy.” Tôi đón lấy cái cốc từ tay em. “Sao mà em biết anh về đây?”. Em mỉm cười “Nghe đài mà.” Tôi nhấp một ngụm nước. Em tiến lại gần tôi. “Anh không cần phải tắm vì em đâu. Cái mùi mồ hôi ấy ngửi rạo rực lắm.” Tôi đặt cố xuống, đi vào phòng tắm, cởi sơmi. Khi quay lại đóng cửa, tôi đã thấy em đứng sát cạnh tôi. “Đừng vào bồn vội!”, em thốt lên, “thật xấu hổ khi vứt sạch cái mùi hương đàn ông như thế này!”. Em quàng tay ôm cổ tôi, ép mình vào người tôi. Tôi tìm môi em nhưng em ngoành mặt đi, úp vùi vào vai tôi. Em hít một hơi dài, rùng mình. Từ người em, hơi nóng như một cái lò, bốc ra ngùn ngụt. Em rên khe khẽ. Hai tay bưng mặt em, tôi nâng nó lên nhìn. Em nhắm nghiền mắt. Em lại rên lên, người quằn quại. Tôi đỡ em lại cái bàn trang điểm kê sát tường. Mắt vẫn nhắm nghiền, em quắp chặt lấy tôi. - Thở nhẹ thôi, bé! – Tôi thốt lên khi em bắt đầu thì thào nặng nề ngắt quãng. – Có lẽ bao nhiêu năm rồi anh mới lại có mùi thơm sực lên đến thế này! Nước ấm dịu, dập dìu vỗ quanh người tôi. Mọi mệt mỏi dần tan sạch. Tôi quờ tay ra đằng sau, cổ xát xà phòng kín lưng nhưng không được. - Để em làm cho! – Monica nói. Tôi ngẩng lên. Em cầm miếng vải mềm từ tay tôi, bắt đầu kỳ lưng tôi đều đều, nhè nhẹ. Tôi hơi cúi người, nhắm mắt lại. Một cảm giác khoan khoái lan khắp người. “Đừng ngừng nhé. Dễ chịu lắm”. - Anh hệt như một đứa trẻ ấy! Cần phải có một người săn sóc cho anh. Tôi mở choàng mắt, nhìn thấy em. “Anh cũng đã nghĩ tới điều đó. Có lẽ anh sẽ kiếm một chú hầu phòng người Nhật!”. - Một chú hầu phòng Nhật Bản không ăn thua đâu! – Em gõ khẽ vào vai tôi. – Nằm ngửa ra đi anh, em muốn lau sạch xà phòng. Tôi nằm ngửa người trong nước, mắt vẫn nhắm. Em đưa miếng vải lau ngực tôi, xuôi dần xuống. Tôi mở choàng mắt. Em đang chằm chằm nhìn tôi. - Trông nó nhỏ bé và bất lực quá. – Em thì thào. - Trước đây một tí em có dám nói thế đâu! - Em biết. – Em thì thầm, mắt đã lại mờ mờ đi. Tôi hiểu cái nhìn ấy. Tôi giơ tay quàng lấy cổ em, kéo em ngồi xuóng thành bồn tắm. Tay em tuột xuôi xuống, vẫn cầm miếng vải, ôm lấy tôi. Chúng tôi hôn nhau. “Anh lại lớn lên rồi!”, thì thào, em đưa môi lần tìm môi tôi. Tôi phá lên cười. Đúng lúc ấy chuông điện thoại réo vang. Chúng tôi giật mình, quay vội lại, nước bắn tóe lên, ướt sũng vạt trước váy em. Em lẳng lặng cầm ống nghe từ cái bản trang điểm, đưa cho tôi. “Đây!”, tôi gắt vào máy. Đó là Alixtơ. Anh ta đang ở ngoài hành lang. - Tôi đã bảo ba giờ! – Tôi buông thong. - Bây giờ là ba giờ. – Anh trả lời. – Chúng tôi lên được chưa? Có cả Uynthrop ở đây nữa. Ông ta nói ông ta phải gặp anh có việc. Tôi nhìn Mônica. Đến thế nữa là đủ. Để ông bố mò lên bắt gặp cô con ngoan ngoãn ở trong phòng tôi. “Không được”, tôi đáp nhanh, “tôi còn đang ở trong bồn tắm. Đưa họ đến quầy rượu mua cho họ uống một chầu”. - Tất cả các quầy rượu đều đã đóng cửa. - Thôi được. Tôi sẽ gặp các anh ở ngoài hành lang. - Hành lang không phải chỗ bàn những chuyện quan trọng như việc này đâu. Họ sẽ không thích một tý nào cả. Nó không kín đáo. Mà tôi không thể hiểu tại sao chúng tôi không lên được phòng anh cơ chứ. - Bởi vì tôi đang có một “Bé” ở đây. - Thế thì làm sao nào? – Anh đáp. Bọn họ đều là những người không hề có bụng dạ bé bỏng hẹp hòi gì. – Anh cười khùng khục vì câu chơi chữ của mình. - Cô ta là Mônica Uynthrop. Đầu kia dây nói bỗng lạnh ngắt. Rồi tôi nghe thấy tiếng thở dài mệt mỏi. “Lạy chúa!”, Mac thối lên, “Ba anh nói đúng. Không bao giờ anh thôi được cái trò ấy hả?”. - Còn ối thời giờ từ nay cho đến lúc tôi thôi khi bằng tuổi anh. - Tôi chằng biết nữa. – Anh đáp. – Họ không thích cái ý định gặp nhau bàn việc ở hành lang đâu. - Nếu họ muốn kín đáo thì tôi biết có một nơi. - Ở đâu? - Phòng vệ sinh nam giới, ngay cạnh thang máy. Năm phút nữa tôi sẽ tới. Ở đấy thì đủ kín đáo lắm! Tôi đặt ống nghe xuống, đứng dậy. Tôi nhìn Mônica. “Đưa cho anh một cái khăn nào. Anh phải xuống nhà, gặp ba em bây giờ!”. 2 Tôi bước vào phòng vệ sinh của đàn ông, tay xoa xoa cằm, vẫn còn lởm chởm bộ râu năm ngày. Tôi không còn thời gian kịp cạo nó. Tôi nhoẻn cười khi thấy họ, quá mê mải bàn soạn đến nỗi không để ý thấy tôi bước vào. - Thưa các quý vị, đã đến giờ khai mạc cuộc họp! Tôi nói to. Họ đều quay ngoắt cổ lại nhìn về phía tôi, mặt lộ vẻ bang hoàng. Tôi nghe thấy một người trong số họ lầu bầu rủa khẽ. Không hiểu ông ta khó chịu về cái quái gì cơ chứ. Mac Alixtơ tiến đến chỗ tôi.. “Tôi phải nói rằng ông chọn chỗ họp như thế này là hơi kỳ quặc đấy, ông Giônơx ạ!”, anh nói trịnh trọng. Tôi chằm chằm nhìn Mac. Tôi biết rằng anh ta nói là vì thể diện của người kia nên không để bụng với anh ta làm gì. Tôi nhìn xuống quần anh ta, “Ô, Mac”, tôi thốt lên, “phecmơtuya quần anh chưa cài kìa!”. Mac đỏ mặc, đưa tay sờ vội xuống quần. Tôi phá lên cười, quay sang những người kia. “Thưa các vị, tôi rất lấy làm tiếc để các vị trong hoàn cảnh bất tiện như thế này. Nhưng trên phòng của tôi ở trên kia, tôi đang có khó khăn về mặt chỗ ở. Tôi có một cái hòm to đến nỗi nó choáng gần hết cả căn phòng”. Người duy nhất hiểu ra là Amôx Uynthrop. Một nụ cười tủm tỉm hiểu biết hiện trên mặt ông ta. Không biết mặt ông ta sẽ lộ ra vẻ gì nếu ông ta biết được rằng chính cô con gái rượu của ông ta là người mà tôi đang nói tới nhỉ? Đến lúc này, Mac đã lấy được lòng tin và nhày vào cuộc. Những lời giới thiệu đi vòng quanh suốt lượt, rồi chúng tôi bắt tay vào việc. Mac giải thích cho tôi biết rằng ba công ty hóa học lớn đã đứng ra thành lập một hãng riêng để mua lại quyền sản xuất từ tôi. Chính công ty này sẽ trả số tiền đầu tiên và đảm bảo trả đủ tiền bản quyền phát minh. Tôi chỉ hỏi có mỗi một câu. “Ai sẽ đảm bảo chỗ tiền?” Mac chỉ một người “Ônh Sephin đây”, anh đáp, “Ông Sephin là một trong những người chủ công ty Gioocgiơ Xtiuôt”. Tôi nhìn Sephin, Xtiuôt, Mogơn, Lemơn là nững cái tên vững vàng ở Phố[19]. Về mặt tài chính, tôi không thể kiếm được nhiều người vững hơn thế nữa. Mặt người đàn ông nom có vẻ quen quen. Tôi lục trí nhớ của mình. Đây rồi. F. Matin Sephin, Niu Yooc, Bôxtơn, Xaothamptơn, Pam Bich. Tốt nghiệp trường thương mại Havớt, surmma cum[20], trước chiến tranh, thiếu tá quân đội Mỹ, từ 1917 đến 1918. Ba huân chương vì lòng dũng cảm trong chiến đấu. Cầu thủ polơ cỡ mười bàn. Thượng lưu. Tuổi – nếu giờ nhìn mặt – khoảng ba lăm, theo giấy tờ: 42. Tôi nhớ rằng anh ta đã đến gặp cha tôi một lần khoảng mười năm trước đây. Anh ta muốn cung cấp cho công ty một khoản vốn luân chuyển công cộng. Cha tôi đã từ chối. - Dù cho bọn họ có làm cho nó có vẻ hấp dẫn đến thế nào đi chăng nữa, Giônơx Con ạ, - Ba tôi đã nói, - thì cũng đừng để cho họ quặp được kìm vào mình. Bởi vì khi ấy thì họ điều khiể công việc, chứ không phải mình. Cái duy nhất họ có thể đưa cho mình là tiền, trong khi điều quyết định lại là quyền lực. Mà quyền lực thì họ luôn giữ rịt trong tay họ. Tôi giương mắt nhìn trân trân Sephind. “Ông sẽ bảo đảm việc trả tiền như thế nào ạ?” Cặp mắt tối, trũng sâu của anh ta lóe lên sau cái kính kẹp mũi. “Chúng tôi theo hợp đồng với những người khácm ông Cođơ ạ”. Giọng anh ta trầm đến ngạc nhiên so với khổ người mảnh mai. Và rất tự tin. Dường như anh ta không cần hạ cố trả lời tôi, dường như mọi người đều đã biết rằng chỉ cần có cái tên Xtiuôt không thôi trong hợp đồng là đã đủ bảo đảm lắm rồi. Có thể là vậy. Nhưng anh ta có một cái vẻ gì đó khiến tôi cảm thấy nhoi nhói ở trong lòng. “Thưa ông Sephind, ông chưa trả lời câu hỏi của tôi ạ”. Tôi nói rất nhã nhặn. Tôi đã hỏi rằng ông sẽ lấy gì đảm bảo việc trả tiền ạ. Tôi không phải là chủ nhà băng, cũng không phải là người ở phố Uôn. Tôi chỉ là một chú bé tôi nghiệp phải bỏ học dở dang đi làm vì cha mình đã chết. Tôi không hiểu biết những việc như thế này. Tôi chỉ biết rằng khi tôi vào một nhà băng, bao giờ người ta cũng bảo tôi phải đưa ra cái gì bảo đảm. Tôi phải đưa ra các đồ ký quỹ - đất đai, phiếu nợ, văn tự cầm cố … một cái gì đó có giá trị, trước khi họ đưa cho tôi tiền. Dạ ý tôi là muốn hỏi thế đấy”. Một nụ cười lạnh lùng thoáng xuất hiện trên môi anh ta. Thưa ông Cođơ, hẳn là ông không có ý muón nói rắng tất cả các công ty đây không xứng với số tiền hứa trả đấy chứ?”. Tôi vẫn giữ giọng dịu dàng nhã nhặn. “Thưa ông Sephind, tôi không hề có ý nói như vậy. Mà chỉ có những người già hơn tôi, những người có kinh nghiệm hơn tôi bảo với tôi rằng thời thế bây giờ lung tung bất ổn lắm. Thị truòng đổ vỡ, khắp nước chỗ nào cũng thấy ngân hàng phá sản. Không thể nói trước được mai sẽ như thế nào. Tôi chỉ muốn biết là tôi sẽ được trả bằng cách nào thôi ạ”. - Tiền của ông sẽ được đảm bảo qua thu nhập của công ty mới đó. – Sephind đáp, tỏ vẻ kiên nhẫn giải thích cho tôi. - Tôi hiểu rồi. – Tôi thốt lên, gật gật đầu. – Ông muốn nói rằng tôi sẽ được trả bằng tiền các ông thu được nếu như tôi đưa quyền sản xuất cho chứ gì? - Như vậy đấy. – Anh ta đáp. Tôi rút túi lấy một điếu thuốc, châm lửa. “Tôi vẫn còn không hiểu. Tại sao các ông không trả cho tôi ngay luôn?” - Mười triệu là một khoản tiền mặt khá lớn, ngay cả với các công ty này. Họ cũng có nhiều đòi hỏi khác nữa về tiền. Chính vì vậy, chúng tôi mới có mặt trong cuộc. - Ồ, - tôi thốt lên, vẫn tỏ vẻ ngờ nghệch – như vậy có nghĩa là các ông sẽ trả trước cho họ chứ gí? - Ồ, không. – Anh ta thốt nhanh – Chẳng phải thế đâu. Chúng tôi chỉ tính hạ giá chứng khoán thấp hơn mức thường, cung cấp những khoản chi phí tổ chức để công ty mới có thể hoạt động được. Nguyên thế cũng đã mất mấy triệu rồi. - Kể cả lãi môi giới của các ông ạ? - Tất nhiên. – Anh ta đáp – Đó là thông lệ. - Tất nhiên. Anh ta đưa mắt xảo quyệt nhìn tôi, “ Ông Cođơ, ông phản đối vai trò của chúng tôi hả?”. Tôi nhún vai, “Không hề như vậy. Tại sao tôi lại phải làm như vậy. Lên giọng dạy người khác làm ăn là không phải việc của tôi. Tôi đã có đủ những lo nghĩ với chuyện làm ăn của mình rồi”. - Nhưng ông tỏ vẻ nghi ngờ thực sự về những lời để nghị của chúng tôi. - Đúng vậy. Tôi đã có cảm tưởng là tôi sẽ nhận được mười triệu đôla về những quyền của mình. Bây giờ tôi mới té ra rằng tôi chỉ được đảm bảo là sẽ được nhận mười triệu. Giữa hai cái đó có khác nhau chứ. Trong trường hợp trước, tôi được trả ngay, còn trong trường hợp kia, tôi là một kẻ cùng hội cùng thuyền tình cờ trong cái trò liều của các ông, cũng phải chịu thua chung may rủi với các ông, mà lại còn bị bó tay bó chân vì số tiền đã được cố định. - Ông định phản đối lời đề nghị của chúng tôi chứ? - Không hề. Tôi chỉ muốn biết mình sẽ đứng ở đâu? - Tốt. Thế thì ta có thể chuyển sang việc ký kết giấy tờ. – Sephind nhẹ nhõm mỉm cười. - Chưa đâu! – tôi đáp. Nụ cười của anh ta vụt biến mất. – Tôi sẵn sàng làm một người tham gia theo cái cách đã được đề nghị, nhưng nếu tôi nhận trò liều này, tôi cảm thấy mình phải được đảm bảo mười lăm triệu, chứ không phải chỉ mười thôi! Trong một lúc, cả căn phòng lạnh ngắt bàng hoàng. Rồi tất cả mọi người đều nhao nhao tranh nhau nói. “Nhưng ông đã đồng ý với mười triệu!” Sephind phản đối. Tôi chằm chằm nhìn anh ta, “Không, tôi không hề đồng ý như vậy. Đây là lần đầu tiên ta mới gặp nhau!”. Mac bật lò xo, “Hượm đã, Giônơx. Anh đã khiến tôi nghĩ rằng anh sẽ chịu nghe theo một lời đề nghị mười triệu”. - Phải, tôi đã chịu nghe vậy. Thế thì sao? Lần đầu tiên, tôi thấy vẻ bình tĩnh luật sư của Mac bị phá vỡ. “Tôi đã hành động dựa trên lòng tin tưởng hoàn toàn về anh. Tôi sẽ không tham gia vào cái trò thương lượng sau lưng mình thế này. Nếu hợp đồng không được thông qua như đã thỏa thuận, tôi xin khiếu! Tôi xin từ chức!”. Tôi chằm chằm nhìn anh, lạnh lùng, “Nộp đơn đi!”. Mac giận đến điên người. “Khổ cái là giờ thì anh thấy mình đã to lắm rồi, mặc quần cũ không vừa rồi. Tôi còn nhớ cái thời anh mới ngoi ngóp, nước đang ngập đến tận cổ…” Tôi phát khùng. Giọng tôi trở nên lạnh ngắt như băng: “Cái khổ là anh chỉ là một luật sư chứ không hơn đâu, anh đang làm ăn với tiền của của tôi, chứ không phải của anh. Tôi muốn làm gì nó là tùy ở tôi, bán hay cho không tùy thích. Nó là của tôi – Tôi là chủ nó, và anh thì làm cho tôi. Xin nhớ hộ lấy điều đó”. Mặt Mac tái nhợt. Tôi có thể thấy mọi cái đang nhoang nhoáng lướt qua đầu anh. Số tiền một trăm ngàn đôla tôi trả hàng năm cho anh. Tiền thêm từ số lãi. Ngôi nhà anh ta đang sống. Cái trường học con cái anh ta đang học. Vị trí của anh ta trong xã hội. Không biết lúc này anh ta có hối hận là đã bỏ công việc luật sư sáu mươi ngìn đôla hàng năm để đến với tôi không? Nhưng tôi không thể bắt mình thương hộ thân anh ta được. Anh ta hiểu rõ việc mình đã làm. Chính tay anh ta đã thảo hợp đồng làm việc của mình, theo những điều kiện của bản thân anh ta. Phàn nàn bây giờ, đối với anh ta, là đã muộn. Tôi nhìn những người khác. Họ đang giương mắt nhìn chúng tôi. Tôi biết lúc này, có thương hại Mac hay không, tôi cũng phải giúp đỡ anh ta một chút. “Ồ, hãy bỏ qua đi cho tôi nhé, Mac!”. Tôi lấy giọng ấm áp, thân mật, nói. “Chúng ta đã gắn bó với nhau chặt chẽ đến thế, đừng để một việc ngu xuẩn như thế này phá vỡ. Quên nó đi nhé. Ta còn nhiều việc phải làm. Điều quan trọng là hãy ký một cái hợp đồng làm việc mới của anh sao cho tôi chắc chắn rằng không một ai có thể cướp được anh khỏi tôi”. Mặt Mac trở lại vẻ nhẹ nhõm. “Phải đấy,Giônơx ạ.” Anh ta đáp. Rồi ngập ngừng nói thêm. “có lẽ tôi nghĩ cả hai chúng ta đều quá mệt. Tôi thì vì những cuộc thương lượng, anh thì bởi cái chuyến bay phá kỷ lục kia. Có lẽ tôi đã hiểu sai những lời anh nói với tôi”. Anh quay lại những người kia. “Tôi xin lỗi, thưa quý vị”, anh nói trôi chảy, đã lấy lại được vẻ bình tĩnh tự tin. “Đây là lỗi của tôi. Tôi không hề có ý định lừa các vị, nhưng tôi đã hiểu sai ý ông Cođơ. Tôi xin thành thật xin lỗi các vị.” Cả căn phòng lạnh ngắt ngượng ngập. Không ai mở miệng một hồi lâu. Rồi tôi nhoẻn cười, bước tới cái bồn đi giải. “Ấy làm thế này để ta không phải ghi vào biên bản là cuộc họp đã kết thúc hoàn toàn thất bại”. Tôi vừa đái vừa nói với qua vai. Sephind là người đầu tiên phá vỡ tình thế. Tôi nghe thấy tiếng anh ta thì thào rất nhanh với những người khác. Khi tôi quay trở lại, anh ta nhìn thẳng vàot ôi. “Xin hiệp sức cùng tôi”, anh ta nói, “mười hai rưỡi”. Thỏa thuận nhanh như thế chứng tỏ họ rất cần, thực sự cần lắm. Thoạt đầu, tôi lắc, rồi bất chợt này ra một ý nghĩ. “Tôi đã được nghe ba tôi nói rất nhiều về ông. Ông cụ nói ông là một nhà thể thao thực sự. Ông chơi cuộc mọi cái”. Một nụ cười xuất hiện trên đôi môi mỏng dính của anh ta. “Ấy, đôi khi tôi cũng có chơi cuộc thật”, anh ta công nhận. - Tôi xin cuộc hai triệu rưỡi rằng ông không thể đái trúng cái máng đi giải từ chỗ ông đang đứng đó. – Tôi chỉ tay tới cái máng cách anh ta độ mét hai. Nếu ông làm được, hợp đồng sẽ là của ông, mười hai triệu rưỡi. Nếu ông thua, tôi sẽ chỉ đồng ý với mười lăm. Anh ta há hốc mồm, trố mắt nhìn tôi qua cặp kính. “Ông… ông Cođơ!”, anh ta lắp bắp. - Cứ gọi tôi là Giônơx cho thân mật. Nhớ rằng hai triệu rưỡi đấy nhé. Anh ta nhìn những người khác. Họ đang trố mắt nhìn anh ta. Rồi nhìn tôi. Cuối cùng cái lão đại diện cho hãng Hóa chất Malơn thốt lên. “Hai triệu rưỡi đôla đấy, Matin. Với số tiền lớn như thế, bảo tôi tôi cũng làm”. Sephind lưỡng lụ một thoáng. Anh ta đưa mắt nhìn Mac nhưng Mac tránh mẳt anh ta, nhìn lảng đi. Rồi anh ta xoay người lại phía máng nước giải, tay lần khóa quần. Anh ta nhìn tôi. Tôi gật. Không có gì xảy ra cả. Không hề có gì. Anh ta đứng sững, một vầng đỏ bắt đầu làn từ cổ lên mặt. Một thoáng nữa, rồi một thoáng nữa. Mặt anh ta giờ đỏ tía lên. Tôi phá tan im lặng. “Thôi được, ông Sephind ạ”, tôi giữ vẻ mặt nghiêm trang, nói. “Tôi xin chịu thua. Ông đã thắng cuộc. Hợp đồng thỏa thuận sẽ là mười hai triệu rưỡi”. Anh ta trố mắt chằm chằm nhìn tôi, cố đọc ra ý nghĩ của tôi. Tôi giữ một vẻ mặt thản nhiên nhất. Tôi chìa tay ra chô anh ta. Anh ta ngần ngừ một thoáng rồi cầm lấy bắt. - Tôi gọi anh là Matin cho thân mật được không? Anh ta gật đầu. Một nụ cười mơ hồ hiện lên trên cặp môi mỏng dính của anh ta. “Xin anh cứ gọi thế!”. Tôi lắc lắc tay anh ta. “Matin”, tôi trịnh trọng nói, “quần anh chưa cài kìa!”. 3 Mac Alixtơ sửa chữa lại những chỗ cần thiết trong các bản hợp đồng rồi chúng tôi ksy ngay ở đấy. Khi chúng tôi quay trở lại hành lang thì đã bốn rưỡi. Tôi chực bước vào thang máy thì thấy Amôx Uynthrop gõ nhẹ vào vai. Tôi không muốn nói chuyện với ông ta tý nào cả. “Để đến mai có được không, ông Amôx? Tôi cần ngủ một tý.” Mặt ông ta nhăn nhúm trong nụ cười thông cảm. Ông ta vui vẻ đấm vào vai tôi. ”Tôi biết anh cần giấc ngủ kiểu gì rồi, anh bạn trẻ ạ. Nhưng việc này quan trọng lắm”. - Không có cái gì quan trọng bằng việc kia đâu. Cửa thang máy mở, tôi bước vào. Amôx theo ngay đằng sau tôi. Người giữ thang máy chực đóng cửa lại. “Hượm đã”, tôi thốt lên với anh ta. Cánh cửa cuốn lại mở toang, tôi bước ra. “Thôi được, Amôx. Có chuyện gì thế?” Chúng tôi đi tới một chiếc đi-văng, ngồi xuống. “Tôi cần mười nghìn nữa”, ông ta nói. Tôi trố mắt nhìn ông ta. Thật không ngạc nhiên gì khi thấy ông ta luôn vỡ nợ. Ông ta tiêu tiền nhanh hơn cả tốc độ của máy in. “Thế tất cả số tiền mặt do bác bán cổ phần đi đâu hết cả rồi?”. Mặt ông ta lộ vẻ ngượng ngập. “Hết cả rồi”, ông ta đáp, “Anh biết tôi nợ đìa ra như thế nào đấy”. Tôi đã biết. Ông ta nợ tất cả mọi người. Đến khi ông ta kể tên xong các chủ nợ và các bà vợ cũ, tôi có thể thấy năm mươi nghìn của ông ta chảy hết vào đâu rồi. Tôi bắt đầu cảm thấy ân hận vì đã ký hợp đồng với ông ta, tuy vậy tôi đã ngỡ rằng ông ta sẽ đóng góp được cái gì đấy cho công ty. Đã có thời, ông ta là một trong những nhà thiết kế máy bay giỏi nhất nước. - Hợp đồng của ông có quy định những món trả trước như thế này đâu. - Tôi biết. – Ông ta đáp, - nhưng việc này rất quan trọng. Tôi hứa là sẽ không bao giờ xin thế này nữa. Đây là vì Mônica. - Mônica ư? – Tôi chăm chú nhìn ông ta. Việc này có vẻ tốt đây. – Cô ta làm sao? Ông già lắc đầu. “Tôi muốn gửi nó sang Anh cho mẹ nó. Tôi không chịu nổi nữa. Tôi không thể trị nổi nó nữa. Nó đang lén lútt hẹn hò với một thằng nào đấy, và tôi cảm thấy rằng nếu nó chưa để thằng kia dần ngửa ra thì rồi cũng sớm làm thế thôi”. Tôi chằm chằm nhìn ông ta một hồi. Không hiểu đây có phải là một kiểu tống tiền tế nhị khoong. Có thể là ông ta đã biết và đây là cách ông ta nói cho tôi hay. “Thế bác có biết thằng ấy không?”. Ông lắc đầu. “Nếu tôi biết, tôi sẽ giết tươi thằng ấy”. Ông già hung hãn rít lên. “Một đứa trẻ ngây thơ ngoan ngoãn xinh đẹp như con bé!”. Tôi giữ vẻ mặt thản nhiên. Tình yêu là mù quáng, nhưng các bậc cha mẹ còn mùn quáng hơn. Ngay cả một tay lừa gạt đàn bà khét tiếng như Amôx, với tất cả hiểu biết, kinh nghiệm, cũng không khôn hơn Giô Đâuơcx ở Pômôna! “Bác đã nói chuyện với cô ấy chưa?”. Ông ta lại lắc đầu. “Tôi đã cố, nhưng nó không thèm nghe tôi. Anh biết trẻ con thời này thế nào rồi đấy. Chúng học được mọi cái ở trường. Chả còn dạy dỗ thêm được gì nữa. Khi nó mười sáu tuồi, tôi tìm thấy một hộp Meri Uytdâu ở trong túi nó”. Đáng nhẽ ông ta phải ngăn chặn ngay từ đấy. Giờ thì ông ta muộn mất ba năm rồi. Cô ấy giờ đã mười chín và mang riêng một cái nhẫn đồng theo mình. “Những người như bác thì không bao giờ biết được!”. - Thế anh bảo tôi phải làm gì? – Ông già hung hăng hỏi lại – Khóa nó nhốt ở trong phòng nso né? Tôi lắc đầu. “Có lẽ bác có thể tỏ ra là một người cha thân thiết hơn”. - Anh biến thành chuyên gia trong lĩnh vực này từ bao giờ thế? – Ông già cộc lốc đay lại. – Đợi đấy, đến lúc có con rồi anh sẽ bỏ ngay được cái giọng ấy. Tôi cso thể nói cho ông già biết: tôi đã từng có một ông bố quá bận bịu đến đời riêng. Nhưng tôi đã quá mệt. Tôi đứng dậy. - Thế còn tiền thì sao nào? – ông ta lo lắng hỏi. - Tôi sẽ đưa cho ông. – Một cảm giác tởm lợm bỗng cồn lên trong họng tôi. Tôi cần những kẻ như thế này ở quanh mình làm gì? Họ như đỉa đói. Đã bám được là họ không rời. – Tôi sẽ thực đưa cho ông hăm lăm ngàn. Mặt ông ta ngớ ra, ngạc nhiên nhẹ nhõm. “Thế ư, Giônơx?”. Tôt gật đầu. “Với một điều kiện”. Lần đầu tiên, mắt ông ta ánh lên nỗi thận trọng. “Anh muốn nói gì vậy?” - Tôi muốn ông đệ đơn từ chức. - Khỏi công ty máy bay Uynthrop ư? – ông ta kinh ngạc. - Khỏi công ty Cođơ! – Tôi nói thẳng. Mặt ông ta bắt đầu nhợt đi. “Nhưng… nhưng tôi là người xây dựng nó. Tôi biết mọi điều về nó. Tôi đang vạch ra kế hoạch làm một kiểu máy bay mà chắn chăn quân đội sẽ vồ lấy của…” - Hãy cầm lấy tiền, ông Amôx. – Tôi đáp lạnh lùng. – Ông cần thì đã được đấy. – Tôi đi về phía cầu thang máy. Tôi bước vào. Anh chàng giữ thang máy sập cửa ngay trước mũi ông ta. “Thưa ông Cođơ, ông đi lên chứ ạ?”, anh ta hỏi. Tôi trố mắt nhìn anh ta. Một câu hỏi ngớ ngẩn. Còn đi đâu nữa cơ chứ? - Lên hết đường! – Tôi mệt mỏi trả lời. Mônica đang nằm đè lên bộ Pyjama của tôi ở trên giường, thiu thiu ngủ. Em mở bừng mắt, nhìn tôi. “Mọi việc xong xuôi cả rồi hả anh?”. Tôi gật. Em chăm chsu nhìn tôi cởi áo sơmi vắt lên một cái ghế. “Ba cần gì vậy?”. Tôi bước chân ra khỏi quần, tay tóm lấy bộ Pyjama em quẳng cho. “Ông đến đưa đơn từ chức”. Tôi lấy chân đá văng cái quần đùi đi, xỏ chân vào quần Pyjama. Em ngồi thẳng trên giường, mở to cặp mắt nâu, ngạc nhiên. “Ba làm thế thật ư?”. Tôi gật. - Em không hiểu tại sao lại thế nhỉ? Tôi nhìn em. “Ông cụ nói điều đó có liên quan tới em đấy. Rằng ông cụ muốn có thêm thời gian để làm cha em”. Em trố mắt nhìn tôi một thoáng, rồi rũ ra cười. “Trời ơi, em đến chết cười mất. Suốt cả đời em, em chỉ mong ông ấy để ý đến em một tý thôi, và bây giờ, khi em không cần đến ông ấy nữa, thì ông ấy lại muốn chơi trò làm bố!”. - Em không cần ông ấy nữa ư? Em gật đầu. “Không cần nữa”. Em nói từng tiếng một chậm rãi. Em bước xuống giường, ngả đầu lên ngực tôi. Giọng em thì thào tin tưởng như trẻ thơ. “Khi em đã có anh. Anh là tất cả đối với em – cha, anh, người yêu đấy”. Tôi chậm rãi vuốt ve mái tóc nâu mềm mại của em. Đột nhiên, một niềm thương cảm dâng lên dào dạt trong lòng tôi. Tôi đã biết người ta có thể cô đơn đến mức nào khi mười chin tuổi. Mắt em nhắm nghiền lại. Chỉ còn thấy hai cái quầng mờ mờ xanh xanh mệt mỏi sau lớp da trắng mịn. Tôi khẽ áp môi lên trán em. “Đi ngủ đi, bé. Đã gần sáng rồi đấy”. Tôi dịu dàng bảo. Em ngủ thiếp đi ngay, tựa đầu vào vai tôi, cổ đặt lên cánh tay gấp lại của tôi. Suốt một hồi lâu, tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi nằm lặng, ngắm nhìn khuôn mặt lặng lẽ thanh thản của em cho đến lúc mặt trời lên, ánh nắng rọi ùa vào căn phòng. Quỷ tha ma bắt Amôx Uynthrop đi! Quỷ tha ma bắt Giônơx Cođơ đi! Tôi thầm rủa tất cả những kẻ đàn ông quá bận bịu và ích kỉ với chuyện riêng của mình đến mức không làm được vai trò người cha của mình với con gái của họ nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy thấm mệt. Mơ mơ màng màng, tôi cảm thấy em cử động cạnh tôi và hơi nóng của tấm thân mảnh mai, duyên dáng ấy ấm sực một bên mình tôi. Rồi giấc ngủ tới. Một giấc ngủ ngon lanh tuyệt vời. Chiều tối hôm sau, chúng tôi lấy nhau tại một nhà thờ nhỏ ở Renô. 4 Tôi nhìn thấy ánh lân tinh lóe lên rồi từ từ di chuyển theo dòng nước, liền hoan hỉ quăng cái mồi ruồi xuống suối đánh tõm, ngay trên đầu con cá hồi . Linh tính mach bảo tôi biết, mình sẽ tóm được chú cá. Mọi cái đều đâu vào đấy. Dòng nước, cấi bóng lấp lánh của đám cây mọc ven bờ suối, con ruồi sặc sỡ xanh thẳm, xanh lá cây, đỏ ở đầu dây câu. Một giây nữa là chú cá sẽ đớp. Tôi vừa cứng người lại thì nghe thấy tiếng Mônica gọi ở trên bờ ngay đằng sau: - Anh Giônơx! Giọng em phá tan cảnh tĩnh mịch, con cá lặn biến xuóng đáy suối. Chú ruồi giả chìm theo. Và trước cả khi quay lại, tôi đã biết thế là đi đời cả tuần trăng mật! - Gì thế? – Tôi làu bàu. Em đứng sững trước mặt tôi, mặc quần sooc. Đầu gối ửng đỏ, mũi bị bong da. “ Có một người gọi điện đến cho anh. Từ Lôx Angiơlex”. - Ai thế? - Em không biết. Một người đàn bà. Chị ta không nói tên. Tôi lại nhìn xuống dòng suối. Không còn lân tinh nước. Con cá đã đi . Thế là hết. Ngày hôm nay câu thế là đủ rồi. Tôi bước lên bờ. “Bảo cô ấy cứ cầm máy. Anh lên ngay đây”. Em gật đầu, đi về phái căn nhà gỗ. Tôi bắt đầu cuốn dây câu lại, thầm hỏi không biết ai đã gọi mình. Không phải nhiều người biết được căn nhà nhỏ trên đồi này. Tôi thường lên đây với Nêvađa khi còn bé. Cha tôi luôn định lên đây nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Tôi rời khỏi con suối, chậm chạp bước lên đường. Chiều đã muộn. Đã có thể nghe thấy âm thanh của buổi tối bắt đầu. Dưới cái gốc cây, đám dế giun đã bắt đầu kêu ầm ĩ. Tôi dựng cần câu vào tường ngoài, bước vào nhà. Mônica ngồi trên cái ghế cạnh máy điện thoại, đang giở xem một tờ tạp chí. Tôi nhấc ống nghe. “Alô?” - Ông Cođơ phải không ạ? - Vâng. - Xin chờ cho một chút ạ - cô giữ tổng đài nói như hát. – Lôx Angiơlex, người yêu cầu đang cầm máy đấy. Tôi nghe thấy tiếng kêu tách một cái, rồi một giọng quen thuộc vang lên. “Anh Giônơx phải không?” - Raina hả? - Vâng. – Em nói – Đã ba ngày liền em tìm anh. Không ai biết anh ở đâu cả, rồi em nghĩ tới căn nhà này. - Tuyệt lắm! – Tôi đáp, nhìn qua ống nghe tới Mônica. Em đang cúi xuống tờ tạp chí nhưng mà tôi biết là em đang lắng nghe. - À, nhân đây, em xin chúc mừng! – Raina nói bằng cái giọng trầm trầm nho nhỏ. – Em mong anh sẽ hạnh phúc. Cô dâu của anh xinh lắm! - Em biết cô ấy à? - Không – Raina đáp nhanh. – Em xem ảnh ở trên báo. - Ồ, cảm ơn em. Nhưng chắc em gọi điện không phải vì thế. - Đúng, không phải vì thế. – Vẫn cái tính thẳng thắn vốn có. – Em cần anh giúp đỡ. - Nếu em cần mười nghìn nữa, anh sẵn sàng đưa ngay. - Không, nhiều hơn thế nữa kia. Rất nhiều. - Bao nhiêu nào? - Hai triệu đôla! - Sao? – Tôi gần như thét lên. – Em cần một số tiền khổng lồ như thế để làm cái quái gì vậy? - Không phải là để cho em đâu. – Em đáp, tỏ vẻ rất bối rối. – Mà là cho Nêvađa. Anh ấy đang lâm nguy. Anh ấy có thể bị mất sạch mọi thứ. - Nhưng anh nghĩ anh ấy đã làm ăn nổi đình nổi đám cơ mà. Báo chí nói rằng anh ấy làm được nửa triệu. - Đúng thế. Nhưng… - Nhưng sao? – Tôi kéo ra một điếu thuốc, quờ quờ tay ra xung quanh tìm diêm. Tôi biết Mônica nhìn thấy hét cả nhưng vẫn vờ chúi múi vào tờ tạp chí. “Anh nghe đây”. Tôi hít một hơi thuốc dài. - Nêvađa đã đem cầm mọi cái anh ấy có để làm một bộ phim. Anh ấy làm tối tăm mặt mũi đã hơn một năm nhưng giờ mọi cái hóa ra hỏng cả và người ta không muốn phát hành nó. - Tại sao thế? Nó dở quá à? - Không phải. – Em đáp nhanh. – Không phải thế. Nó tuyệt lắm. Nhưng bây giờ chỉ có phim nói mới ăn khách thôi. Tất cả các rạp chỉ có chiếu loại ấy. - Thế tại sao anh ấy không làm phim nói khi bắt đầu hà? - Anh ấy làm bộ phim đó cách đây một năm. Không ai có thể ngờ rằng phim nói lại phát triển đến như vậy. – Raina trả lời. – Bây giờ nhà băng đang đòi tiền, còn Noman không chịu đưa thêm xu nào cả. Lão ta tuyên bố rằng lão cũng đang chết dở với phim của lão. - Anh hiểu rồi. – Tôi thốt lên. - Anh cần phải giúp anh ấy, Giônơx ạ. Cả sự nghiệp đời anh ấy đổ hết vào bộ phim đó. Nếu anh ấy thất bại, anh ấy sẽ không bao giờ còn dám làm gì đâu. - Chưa bao giừo Nêvađa lại để ý đến chuyện tiền nong như vậy đâu. - Đây không phải là chuyện tiền. – Em đáp nhanh. – Mà là cách anh ấy nghĩ về bộ phim. Anh ấy tin vào nó. Ít nhất lần này anh ấy cũng có dịp để chứng tỏ cho mọi người biết miền Tây thực sự là thế nào. - Có ai cần quái gì biết miền Tây thực sự là thế nào đâu! - Anh đã xem bộ phim bào anh ấy đóng chưa? - Chưa. Giọng em thoáng ngạc nhiên không tin. “Thế anh không tò mò muốn biết anh ấy nom như thế nào ở trên màn ảnh à?”. - Anh cần thế làm quái gì. – Tôi hỏi lại. – Anh biết rõ mặt mũi anh ấy thế nào rồi cơ mà. Giọng em thẳng băng: “Vậy anh có định giúp không nào?”. - Chỗ ấy khá tiền đấy. Mà sao anh lại phải giúp cơ chứ? - Em còn nhớ lúc anh đang rất cần có tiền và anh ấy đã cho anh. Tôi hiểu Raina định nói gì. Chỗ cổ phần của Nêvađa trong Công ty thuốc nổ Cođơ. “Nhưng anh ấy không mất đến hai triệu”, tôi đáp. - Không đến ư? – Cô hỏi lại. – Giờ thì nó đáng bao nhiêu? Câu hỏi ấy làm tôi chững lại một thoáng. Có thể giờ nó chưa đáng đến thế, nhưng thêm năm năm nữa thì chắc. - Nếu anh ấy lâm vào cảnh túng quẫn như vậy, thì tại sao chính anh ấy lại không gọi điện cho anh nào? - Nêvađa là người rất kiêu hãnh. Anh biết đấy. - Tại sao em lại quan tâm đến điều đó như vậy? - Bởi vì anh ấy là bạn em. – Em đáp nhanh. – Khi em thực sự cần giúp đỡ, anh ấy làm ngay không hỏi han gì cả. - Anh không hứa gì đâu. – Tôi nói. – Nhưng đêm any anh sẽ bay ngay xuống Lôx Angiơlex. Anh gặp em ở đâu được? - Em đang ở nhà của Nêvađa. Nhưng tốt nhất hãy để em gặp anh ở đâu đó. Em không muốn anh ấy biết em đã gọi điện cho anh. - Ôkê. Anh sẽ ở khách sạn Bivơly Hind vào nửa đêm nay. Tôi đặt ống nghe xuống. “Ai thế?”. Mônica hỏi. - Vợ góa của cha anh. – Tôi vừa trả lời vừa đi qua em vào buồng ngủ. – Gói ghém đồ đạc của em lại đi. Anh sẽ đưa em trở lại khu trại. Đêm nay anh phải aby xuống Lỗ Angiơlex có công việc. - Nhưng mới có năm ngày! – Mônica thốt lên. – Mà anh đã hứa là chúng ta có hai tuần trăng mật. - Việc khẩn cấp lắm. Em theo liền tôi vào phòng ngủ. “Mọi người sẽ nghĩ thế nào nếu sau năm ngày trăng mật, ta đã bỏ về ngay hả?”, em thốt lên bực bội trong khi tôi ngồi xuống giường, tháo đôi ủng lội nước. Tôi ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm, “Anh việc quái gì phải nghĩ đến chuyện thiên hạ nghĩ ra sao hả?”. Em bắt đầu thút thít khóc. “Em không đi đâu!”, em kêu lên, giậm giậm chân. Tôi đứng dậy, bỏ ra khỏi phòng. “Thì cứ ở lại!”, tôi cáu kỉnh nói. “Tôi sẽ xuống chân đồi lấy ô tô. Nếu tôi quay lại mà cô vẫn chưa chuẩn bị xong, tôi sẽ đi thẳng bỏ cô lại đấy!”. Dính dáng đến đàn bà – ai đã lường hết được tai họa chưa? Anh chỉ đứng trước một ông cha cố ấm ớ nào đó trong vòng năm phút chết tiệt, và khi anh đi ra, mọi việc đã lộn tùng phèo. Trước khi anh lấy vợ, mọi thứ thật tuyệt. Anh là ông hoàng. Cô ta đứng kia, một tay ôm lấy của anh để tỏ cho anh biết cô ta khao khát đến mức nào, tay kia cô châm thuốc lá, cọ lưng anh, cho thức ăn vào miệng anh, vuốt cho gối anh phẳng – Tất cả chừng ấy việc làm trong một loáng. Rồi những lời thần kỳ về cuộc sống vợ chồng bay tới và anh sẽ phải van vỉ vì nó. Anh phải làm như sách đã răn dạy. Phải chơi đùa với nó, phải đối xử dịu dàng. Anh phải nhỏm người dậy, chống tay châm thuốc cho vợ anh, phải ôm áo choàng cho cô ta, phải mở cửa hộ. Thậm chí anh phải cám ơn cô ta vì cô ta đã để anh làm việc ấy, những công việc mà trước đây cô ta đã cuống quýt làm cho anh. Tôi cho xe chạy ngược lên đồi, đỗ lại trước cửa ngôi nhà, bóp còi. Mônica bước ra, tay xách một cái túi nhỏ, đứng sững lại chờ tôi mở cửa xe ra cho cô ta. Một lúc sau, cô ta tự mở cửa xe, ngồi vào, mặt ủ ê đau đớn. Suốt hai tiếng từ đó tới khu trại, mặt cô ta cứ như vậy. Khi tôi đỗ xe trước cửa tòa nhà thì đã chin giờ tối. Như thường lệ, Rôbe đã ở cửa. Bác không lộ vẻ ngỡ ngàng khi thấy tôi vẫn ngồi nguyên trong xe sau khi bác đã nhấc vali của Mônica ra. Mắt bác chỉ ánh lên lướt qua mặt tôi khi bác quay sang Mônica, cúi người chào: “Xin chào bà, thưa bà Cođơ. Tôi đã cho dọn dẹp phòng bà sẵn sàng rồi đấy ạ!”. Rôbe lại nhìn tôi một lần nữa rồi quay đi, bước lên thềm. Mônica nói, giọng trầm trầm và căng như dây đàn: “Anh đi bao nhiêu lâu?”. Tôi nhún vai, “Tùy theo công việc yêu cầu!” Rồi đột nhiên tôi cảm thấy lòng mình dịu lại. Cáu cái chết tiệt gì cơ chứ, dù sao chúng tôi cũng chỉ mới lấy nhau vẻn vẹn được có 5 ngày. “Anh sẽ cố tranh thủ về càng sớm càng tốt!”. - Đừng có vội về làm gì cả! – Mônica buông thõng và nghêng ngang bước lên thềm, đi khuất vào trong nhà, không hề ngoảnh lại. Tôi cáu kính rủa, rồ máy ôtô, băng ra đường về phía nhà máy. Tôi để cái Oacô thân thiết ở sân bay đằng sau. Leo vào buồng lái, tôi vẫn còn cáu kỉnh và chỉ dịu lại mãi khi lên tới độ cao hơn tám trăm thước, hướng máy bay về hướng Lôx Angiơlex. 5 Tôi đưa mắt nhìn cái bản thảo bọc bìa xanh trên tay, rồi lại nhìn Raina. Thời gian không lấy được của em cái gì cả. Em vẫn thon thả và rắn chắc như thế, hai vú vẫn nhô căng ra như hai khối đá ở rìa lèn. Tôi biết rõ chúng sẽ rắn lại khi chạm vào như thế nào. Cái thay đổi duy nhất là cặp mắt. Một ánh chắc chắn, trước kia không hề có, đã xuất hiện ở trong chúng. - Anh không thích đọc lắm. – Tôi nói. - Em biết rằng anh có thể nói thế mà. Nên em đã bố trí với xưởng phim chiếu cho anh xem thử. Người ta đang chờ đấy. - Em ở đây được bao lâu rồi? - Khoảng một năm rưỡi. Từ khi em ở châu u về. - Ở nhà Nêvađa suốt? Em gật đầu. - Em ngủ với anh ấy? Em không hề lảng tránh. – Vâng, anh ấy tốt với em lắm. - Thế em với anh ấy thì sao, tốt không? Em vẫn nhìn thằng vào mắt tôi. “Em mong như vậy”, em lặng lẽ nói, “nhưng thực ra điều ấy cũng không quan trọng. Anh có quan tâm gì đến em có tốt hay không đâu”. - Chỉ là anh tò mò muốn biết thôi. – Tôi đứng dậy, thả cái bản thảo rơi xuống ghế. – Anh đang thầm hỏi xem cái gì đã giữ em ở lại đây lâu đến thế. - Không phải là vì cái anh tưởng đâu. – Em nói nhanh. - Thế là cái gì? – Tôi đay lại – Tiền ư? - Không. – Em lắc đầu. – Một người đàn ông. Đàn ông thực sự. Không bao giờ em cảm thấy được như thế với đám thanh niên trẻ cả. Câu nói ấy chạm đúng tự ái tôi. “Có lẽ rồi anh cũng đạt được như thế”, tôi nói. - Anh mới lấy vợ được có năm ngày mà. Tôi chằm chằm nhìn em một thoáng. Lòng lại thấy hừng hực lên những nỗi kích động quen thuộc. “Thôii ta đi đi”, tôi nói gọn lỏn. “anh không rỗi cả đêm đâu”. Tôi ngồi trong phòng chiếu phim với Raina ở một bên, bên kia là Phôn Enxtơ, ông đạo diễn. Raina không hề nói dối. Bộ phim thật tuyệt với. Nhưng là do một nguyên nhân duy nhất, Nêvađa. Anh đã làm tràn đầy bộ phim, gắn bó nó thành một khối bởi cái sức mạnh bẩm sinh mãnh liệt của anh. Không hiểu bằng cách nào, nó đã làm cho màn ảnh rạng rỡ tươi sáng hẳn lên. Đó là cái sức mạnh mà tôi từng luôn luôn cảm thấy ở trong anh. Nhưng trên màn ảnh kia nó rộng lớn hơn, có mục đích hơn, và không một ai không bị cuốn hút. Anh bắt đầu bộ phim là một cậu bé mười sáu tuổi và phi ngựa mất hút sau các ngọn đồi ở cuối phim lúc hai mươi lăm. Suốt cả bộ phim, tôi không hề có lúc nào nhớ ra được là thực sự ra tuổi anh đã xấp xỉ gấp đôi chừng ấy. Đèn bật sáng. Tôi ngả người trên thành ghế, thở dài. Tôi lục túi tìm thuốc lá, người vẫn rạo rực vì bộn phim. Tôi châm lửa, hít sâu một hơi khói. Cơn kích động tràn xuống đùi tôi. Hình như vẫn còn thiếu thiếu một cái gì đó, tôi mang máng cảm thấy như vậy. Rồi tôi thấy hai đùi mình nóng rực. À, thấy ra rồi. Tôi nhìn Phôn Enxtơ: “Ngoài cái cảnh ngắn về cô chủ nhà chứa ở Niu Olind và con gái thằng cha vượt ngục, bộ phim không còn một người đàn bà nào thì phải”. Phôn Enxtơ mỉm cười. “Trong một phim miền Tây có đôi ba thứ người ta không đưa vào. Đàn bà là một”. - Tại sao thế? - Bởi vì mọi người trong ngành cảm thấy là cần phải giữ vững cái hình tượng một người đàn ông trong sạch và mạnh mẽ. Nhân vật chính có thể phạm mọi tội lỗi, trừ cái khoản gian dâm. Tôi bật cười, đứng dậy. “Xin lỗi vì tôi đã hỏi tò mò. Thế nhưng tại sao các ông không ghép lời phim như đã ghép nhạc? Tại sao phải làm tất cả mọi cái từ đầu?”. - Tôi mong giá như chúng tôi có thể làm thế được! – Phôn Enxtơ đáp. – Nhưng tốc độ chiếu của phim câm khác với phim nói. Phim nói được chiếu ở tốc đọ của lờ nói, còn phim câm thì đi nhanh hơn nhiều, phụ thuộc vào phụ đề đối thoại, có nhiều cảnh hơn để miêu tả câu chuyện. Tôi gật đầu. Thuần túy kỹ thuật mà nói, ông này có lý. Giống như tất cả những thứ khác ở trên đời này, công việc của ngành này cũng có một thứ kỹ thuật riêng của nó và nó bắt đầu làm tôi cảm thấy hay hay. Không có kỹ thuật, thì toàn bộ trò này sẽ không thể tồn tại được. - Quay lại khách sạn với anh. Anh muốn bàn thêm với em một vài thứ nữa. Tôi thấy mắt Raina đột nhiên hiện lên một ánh đề phòng. Em liếc nhìn Phôn Enxtơ, rồi quay sang tôi. “Đã gần bốn giờ sáng rồi”, em nói nhanh, “và em nghĩ có lẽ ta làm thế đã là đủ. Giờ phải có Nêvađa vào nữa”. - Được thôi. – Tôi đáp dễ dàng. – Em đưa anh ấy tới khách sạn vào sáng mai. Tám giờ, được không? - Tám giờ được đấy. - Tôi có thể đưa ông về khách sạn, ông Cođơ ạ. – Phôn Enxtơ hăm hở nói. Tôi liếc nhìn Raina. Em kín đáo lắc đầu. “Cám ơn ông, Raina có thể cho tôi đi nhờ trên đường cô ấy về”. Raina lặng lẽ suốt đường về. Mãi đến khi ô tô đỗ lại trước khách sạn, em mới nói: “Phôn Enxtơ đang tìm người để chung chăn gối đấy. Ông ấy đang lo. Trước kia chưa bao giờ ông ấy làm phim nói cả, và ông ấy muốn làm bộ phim này. Nó là một bộ phim rất tuyệt, và nếu nó thành công, ông ta lại có uy tín vững vàng ngay”. - Như vậy em muốn nói là ông ta đang bị lao đao à? - Mọi người ở Hôliút đang biết thế. Từ Gabô đến Ginbớt trở xuống. Không ai dám chắc phim nói sẽ có ảnh hưởng đến nghề mình như thế nào. Em nghe đồn rằng giọng của Giôn Ginbơt tồi đến nỗi hãng MGM đã thôi không ký với anh ta hợp đồng đóng một bộ phim mới nữa. - Thế giọng Nêvađa thì sao? - Tốt. Rất tốt. Hôm nọ chúng em đã thử âm rồi. - Tốt. Thế là đỡ lo đi một việc. - Anh có định làm không? – Em hỏi. - Nếu anh làm thì anh được cái gì nào? – Tôi vặn lại. - Anh có thể kiếm được rất nhiều tiền. - Anh không cần cách này. Dù sao anh cũng làm ra được rất nhiều tiền. Em đưa mắt nhìn sang tôi, giọng lạnh nhạt, “Anh chẳng thay đổi chút nào nhỉ?”. Tôi lắc đầu. “Không. Mà tại sao anh lại phải thay đổi cơ chứ? Đã có ai thay đổi nào? Em ư?”. Tôi với tay cầm lấy tay em. Nó lạnh như băng. “Để đưa được Nêvađa ra khỏi cảnh này, liệu em đã sẵn sàng hy sinh đến mức nào?”. Mắt em nhìn thẳng vào mắt tôi. “Em sẽ hy sinh mọi cái em có, nếu như nó giúp được việc”. Lòng tôi đột nhiên buồn hẳn. Không biết có bao nhiêu người nói như vậy trong trường hợp phải hy sinh vì tôi? Ngay lúc này đâu, tôi không thể tính ra tên ai được. Tôi rời tay Raina, bước ra khỏi xe. Em cúi người ngó theo: “Thế nào, Giônơx, anh đã quyết định chưa?”. - Chưa. – Tôi đáp chậm rãi. – Còn nhiều cái nữa anh cần phải biết. - Ôi! – Em thốt lên, thất vọng thả người vào thành ghế. - Nhưng đừng có buồn. Nếu anh làm, em sẽ là người đầu tiên anh mò tới đòi đền bù công lao đấy. Em ra hiệu cho người tài xế. Anh ta nổ máy, cài số. “Là người hiểu anh”, em lặng lẽ nói, “em sẽ không bao giờ chờ đợi rằng anh sẽ nói điều khác”. Chiếc xe đi khuất. Tôi quay người, bước vào khách sạn. Tôi lên phòng mình, mở cái bản thảo. Nó làm tôi mất một tiếng rưỡi mới đọc xong. Mãi đến gần sáu giờ sáng, tôi mới nhắm được mắt. 6 Chuông điện thoại réo vang ngay cạnh đầu tôi. Tôi lắc đầu cho đỡ ngái ngủ, nhìn đồng hồ. Mới hơn bảy giờ có mấy phút. Tôi cầm lấy ông nghe. - Ông Cođơ đấy ạ? – Tôi là Phôn Enxtơ đây. Tôi xin lỗi vì đã quấy rầy ông sớm như vậy. Nhưng tôi đang ở dưới hành lang với ông Noman. Chúng tôi cần phải gặp ông trước khi gặp ông Nêvađa. Điều này quan trọng lắm ạ. - Noman là ai thế? – Tôi hỏi, vẫn còn phải cưỡng lại cơn buồn ngủ. - Ông Bơny B. Noman của hãng phim Noman. Đấy là hãng sẽ phát hành bộ phim đó. Ông Noman cảm thấy mình sẽ có ích cho ông việc thỏa thuận được một hợp đồng tốt với Nêvađa đấy ạ. - Làm sao tôi lại cần sự giúp đỡ cơ chứ? Tôi đã biết Nêvađa suốt cả đời mình rồi. Giọng ông ta thì thào bí mật: “Nêvađa thì không sao ạ, thưa ông Cođơ. Nhưng lão đại lý của anh ấy, Đan Piơx là một thằng cha rất ghê gớm. Ông Noman chỉ muốn cung cấp cho ông một số điểm trước khi ông cò kè với lão ấy thôi”. Tôi với lấy điếu thuốc. Phôn Enxtơ đã không để phí thời gian. Ông ta đã chạy bổ tới chủ của mình ngay sau khi đã đánh hơi được món tiền của tôi. Tôi không hiểu bọn họ muốn gì, nhưng chắc chắn là điều ấy sẽ không hề đem lại lợi ích cho Nêvađa. - Xin chờ ở dưới đó cho đến lúc tôi mặc xong quần áo. Tôi sẽ gọi điện lại. Tôi đặt ống nghe xuống, châm thuốc. Cái bìa xanh của bản thảo đập vào mắt tôi.Tôi lại cầm ống nghe lên: nói với cô tổng đài số điện thoại của Tony Môrôni ở nhà riêng dưới thung lũng. - Xin lỗi đã đánh thức bác, bác Tony ạ. Giônơx đây. Giọng dịu dàng của ông bật cười khe khẽ trong ống nói. “Không sao cả, anh Giônơx ạ. Tôi vẫn dậy sớm đấy. À nhân tiện, chúc mừng anh đã lấy vợ nhé!”. - Cảm ơn bác! – Tôi nói như máy, đột nhiên mới nhận ra rằng chưa hề nghĩ tới Mônica từ khi đến thành phố. – Có phải các bác đã chi tiền cho bộ phim mới của Nêvađa không? - Thằng phản bội ấy à? - Vâng. - Có, chúng tôi đã chi tiền. – Ông đáp. - Chuyện gì đã xảy ra vậy? - Một bộ phim tốt. Nếu nó là phim nói thì còn có thể gặp may hơn rất nhiều nữa. Nhưng dù sao, nó cũng là một bộ phim tốt. - Nếu bác nghĩ nói tốt, tại sao bác lại đòi tiền về? - Để tôi hỏi anh một câu trước đã, Giônơx. Chính xác thì là anh quan tâm tới cái gì? - Tôi cũng chưa biết nữa. – Tôi đáp thẳng. – Nêvađa là bạn tôi. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với anh ấy. Tại sao bác lại đòi tiền về? - Anh đã biết bọn tôi làm ăn thế nào rồi đấy. – Ông giải thích. – Chúng tôi cho Xmith vay tiền trên cơ sở đồ ký quỹ của anh ấy cộng với sự bảo đảm của Hãng điện ảnh Noman. Bây giờ Noman cần ngân khoản để làm lại mấy bộ phim nào đó của mình, ông ta rút sự bảo đảm của ông ta đi. Như vậy tự động là chúng tôi phải đòi tiền về. Vậy không ngạc nhiên gì khi Phôn Enxtơ và Bơny Noman đang ở dưới hành lang chờ gặp tôi. Bọn họ không muốn có bất kì ai xen vào việc họ đang thao túng Nêvađa. - Chính xác thì cái gì đã xảy ra với Nêvađa? - Nếu anh ta không trả được nợ thì chúng tôi sẽ đình bộ phim lại, rồi tất cả đồ ký quỹ của anh ta sẽ được chuyển sang ngân khoản thứ ba để làm bằng. Rồi chúng tôi sẽ thanh toán trừ dần đến khi chúng tôi lấy lại được hết nợ. - Rồi các bác định làm gì với bộ phim? Vứt nó vào sọt rác? - Ồ, không. – Ông ta bật cười khẽ. – Chúng tôi sẽ chuyển nó cho Bơny để phát hành. Như thế để tạo cơ hội cho Bơny lấy lại được tiền. Ông ta bỏ ra đâu khoảng bốn trăm nghìn cho nó. Khi ông ta đã lấy đủ tiền, số dư sẽ chuyển sang trả cho chúng tôi. Khi chúng tôi lấy hết nợ, còn bao nhiêu sẽ chuyển cho Xmith. Toàn bộ câu chuyện bắt đầu sáng dần ra. Đến khi có tý tiền nào đến được tay Nêvađa thì anh cũng đã sạt nghiệp cả. “Khả năng tiền dư thế nào?”, tôi hỏi. - Ít có lắm. Theo hợp đồng hiện nay, tiền thu được theo chi phí phát hành thấp lắm và tiền của Nêvađa sẽ phải bỏ ra đầu tiên. Khi chúng tôi nắm lấy bộ phim, thì chi phí sẽ tăng lên gấp ba và Nêvađa sẽ nhận được tiền cuối cùng. - Thế ai bỏ túi cái khoản thu được ấy? Ngân hàng à? Môrôni lại bật cười. “Tất nhiên là không, Bơny lấy. Ông ta là người phát hành mà!”. Tôi giờ đã hiểu. Hai thằng cha dưới nhà kia đang định làm một món hời to. Vắt kiệt Nêvađa. Theo cách ấy, hầu như chẳng bỏ ra cái gì mà chúng có thể thu được một đống tiền to sụ. Không hiểu đại lý của Nêvađa ranh mà quỉ quái thế nào mà lại để anh chui đầu vào một cái bẫy như vậy? - Xin hỏi thêm một câu nữa, bác Tony ạ, rồi tôi sẽ không dám phiền bác nữa. Phải cần bao nhiêu tiền để làm Thằng phản bội trở thành một phim nói? Môrôni im lặng một thoáng. “Để xem nào,”, ông nói, “cảnh vẫn còn, quần áo vẫn còn. Như vậy là đỡ đi một nửa. Có lẽ độ một triệu nữa, may ra có thể kém hơn”. - Liệu nó có đáng làm không? Ông ngập ngừng. “Tôi thường không dám liều đưa ra ý kiến về phim ảnh. Nhiều cái bất ngờ xảy ra lắm”. - Lần này thì bác cứ liều đi! Tôi đang cần nghe được ý kiến của một người ngoài cuộc, không có mục đích riêng của mình ở trong đấy. - Theo tất cả báo cáo mà tôi có, đây là một canh bạc lớn đáng chơi đấy. - Cám ơn bác. – Tôi nói – Bây giờ phiền bác giúp tôi việc này. Dừng mọi việc liên quan đến việc rút tiền về cho đến khi tôi nói chuyện với bác trong ngày hôm nay. Có thể tôi sẽ bước vào đảm bảo thay cho chỗ của Noman đấy. - Nhưng sau đó anh vẫn còn phải bỏ ra một triệu nữa đấy. - Tôi hiểu. Nhưng tay tôi còn vững lắm. Vẫn có thể luôn luôn ký thêm được một tấm séc nữa. Môrôni cười thoải mái. Chúng tôi chào tạm biệt nhau. Ông không hề lo lắng gì cả. Ông biết rằng tôi có thể thanh toán được dễ dàng từ cái khoản đưa trước của các công ty đã mua bằng sản xuất khuôn dẻo của tôi. Các chủ ngân hàng bao giờ cũng sẵn sàng cho ta vay tiền, bao nhiêu cũng được, chừng nào ta còn đủ đồ kỹ quỹ cho họ. Tôi vừa đặt ống nghe xuống thì nhìn đồng hồ. Đã gần bảy rưỡi. Người mệt đờ ra. Tôi nhặt ống nghe lên rồi lại đổi ý. Kệ mẹ chúng nó. Nếu chúng muốn gặp tôi thì chúng cứ việc chờ. Tôi đi vào buồng tắm. Trong khi tôi đang đứng dười vòi hoa sen, chuông điện thoại ba lần réo vang. Tôi đứng sững dưới làn nước, để cho nó âm ấm ngấm vào da tôi và rửa sạch mọi nỗi mệt nhọc. Khi tôi ra khỏi buồng tắm, thì đã gần tám giờ và một lần nữa điện thoại lại réo vang. Phôn Enxtơ đang nói. Giọng ông ta thì thào bí mật: “Nêvađa, đại lí của anh ta và Raina đang lên đấy! Họ không nhìn thấy bọn tôi”. - Tốt! – Tôi đáp. - Nhưng chúng ta sẽ gặp nhau như thế nào? - Tôi cho rằng có lẽ muộn mất rồi. – Tôi nói trơn tuột. – Tôi đành phải liều xoay xở với lão đại lý của Nêvađa vậy. Bảo hộ với ông Noman của ông rằng tuy vậy tôi cũng đánh giá cao ý định muốn giúp tôi của ông ta. Nếu có gì cần, tôi sẽ gọi điện cho ông ấy. Tôi nghe thấy tiếng ông ta há hốc mồm choáng váng lúc tôi bỏ máy xuống. Tôi phì cười, không biết ông ta sẽ ăn nói ra sao với ông chủ của mình bây giờ. Mặc xong quần, tôi vừa với tay lấy một cái áo sơmi thì nghe thấy tiếng gõ cửa. “Cứ vào”, tôi réo lên từ trong phòng ngủ. Có tiếng cửa ra vào mở. Tôi cài xong khuy áo. Đưa mắt tìm đôi giày, tôi thấy nó ở bên kia giường. Chả tôi gì phải phí sức đi vòng sang lấy, tôi bước ra phòng khách, chân đi đất. Raina đã ngồi trên cái đi-văng lớn. Nêvađa và một người đàn ông nữa đang đứng giữa phòng. Một nụ cười từ từ nở trên khuôn mặt Nêvađa. Anh chìa tay ra. “Chào Giônơx”, anh nói thân thiết. Tôi lập cập vụng về cầm lấy tay anh. Thật buồn cừoi khi bắt tay anh như với một người lạ thế này. “Anh Nêvađa”. Khóe mắt anh có những nếp nhăm mệt mỏi nho nhỏ. Nhưng chỉ một thoáng sau, chúng đã biến mất khi anh ngẩng lên nhìn mặt tôi. “Chú càng ngày càng giống ông già chú quá hà!”. - Nom anh cũng mạnh khỏe tươi tắn lắm. Anh kiếm đâu ra mấy thứ sặc sỡ diêm dúa này vậy? Mặt anh thoáng lộ vẻ ngượng. “Cái trò nó phải vậy đó. Anh phải ăn vận như thế. Đám nhóc nó thích thế mà”. Anh đưa tay lục trong túi, vẫn cử chỉ quen thuộc, rồi lôi ra một gói thuốc lá quấn. Anh bắt đầu quấn một điếu thuốc. “Anh đã đọc được ở trên báo nhiều chuyện về chú lắm. Bay từ Paris và Lôx Angiơlex này, lấy vợ này… Cô ấy đi cùng chú chứ?”. Tôi lắc đầu. Anh ranh mãnh liếc nhìn tôi. Trong một thoáng ấy, tôi đã hiểu ra ngay rằng anh biết được chuyện gì đã xảy ra giữa Mônica và tôi. Anh có thể nhìn thấu lòng tôi như đọc một cuốn sách. Tôi không bao giờ có thể giấu nổi anh điều gì. “Tồi thật!”, anh thốt lên, “Anh đã mong được gặp cô ấy!”. Tôi nhìn sang người đàn ông kia để thay đổi câu chuyện. Nêvađa cũng nhanh chóng trấn tĩnh được. “Ồ, đây là ông Đan Piơx, đại lý của anh”. Chúng tôi bắt tay nhau rồi tôi đi ngay vào chuyện. “Tôi qua em đã xem bộ phim của anh. Em thích nó lắm. Thật không hay là anh phải làm lại từ đầu”. - Anh đã đồ rằng phim nói sẽ không sống lâu được! - Nêvađa đáp. - Chuyện không phải hoàn toàn chỉ có thế! – Piơx cáu kỉnh xen vào. Ông ta quay sang tôi. – Nêvađa muốn có một phim câm, đúng vậy. Nhưng đến khi chúng tôi bắt đầu quay, anh ấy đã nhận thấy là mình nhầm. Khi đó chúng tôi đã cố chuyển nó sang phim nói nhưng không được. - Tại sao thế? - Noman không cho chúng tôi làm. – Piơx đáp. – Ông ta lúc ấy chỉ có một sàn quay phim nói và đang dùng cho bộ phim của ông ta. Ông ta khăng khăng bảo chúng tôi phải quay ngay nếu không sẽ rút vốn bảo đảm. Thế là đã rõ hoàn toàn. Cả câu chuyện ngay từ đầu đã là một trò xỏ lá. Tôi nhìn Nêvađa. Tôi không hiểu nổi. Anh là môt tay chơi bài cao tay hơn thế này nhiều. Nêvađa lại đọc được những ý nghĩ của tôi. “Anh biết chú đang nghĩ gì. Chú nhỏ ạ”. Anh nói nhanh. “Nhưng anh rất muốn làm bộ phim đó. Nó nói lên được một điều gì đó mà tất cả những trò giả dối anh đã từng đóng không bao giờ nói lên được, dù chỉ là gần như thế”. - Thế còn Noman? Tại sao họ không ứng trước tiền cho anh quay xong bộ phim? - Họ cũng đã cạn tiền. – Nêvađa đáp. – Chính vì vậy mà ngân hàng mới rút vốn về. - Trò bịp! – Piơx lại phát khùng. – Chúng ta bị chơi đểu. Bơny Noman ngầm với ngân hàng rút vốn về và ngân hàng đưa bộ phim cho hắn. Hắn sẽ ăn ngon như ăn kẹo, chỉ tốn khoảng một phần ba số tiền đáng lẽ phải bỏ ra mà vẫn có bộ phim. - Thê làm lại phim từ đầu thì tốn bao nhiêu? – Tôi hỏi. Nêvađa nhìn tôi. “Độ chừng một triệu”. - Cộng thêm cả số tiền ngân hàng đang đòi. – Piơx nói thêm rất nhanh. Tôi quay sang ông ta. “Ông vẫn để Noman phát hành phim chứ?”. Ông ta gật. “Hẳn ồi. Họ đã ký một cái hợp đồng mười ngàn về nó và nếu nó là phim nói, không một rạp nào bỏ đâu”. - Còn nếu nó là phim câm? - May ra thì được ngàn rưỡi. Rạp nào cũng chuộng phim nói cả. - Anh nghĩ em phải làm gì bây giờ? Nêvađa lưỡng lự một thoáng, rồi đưa mắt nhìn thẳng vào mắt tôi. “Nếu anh là chú, thì anh sẽ không làm”, anh đáp thẳng thắn, “chú có thể lỗ to!”. Tôi nhìn thấy ánh mắt của Piơx loáng sang nhìn Nêvađa. Đầy bực tức nhưng lộ rõ một vẻ kính trọng là lạ. Đối với Piơx, tôi cũng chỉ là một nguồn khác để rút ruột. Nhưng cũng khá tinh khi nhận thấy tôi làm một cái gì đó còn hơn thế đối với Nêvađa. Tôi lặng lẽ nhìn anh một thoáng, rồi quay đi, nhìn Raina đang ngồi trên đi-văng. Mặt em bình thản không để lộ điều gì cả. Chỉ có cặp mắt van vỉ. Tôi quay lại phía Nêvađa. “Em sẽ nhảy vào”, tôi đáp, “nhưng phải có một điều kiện. Em sẽ mua lại của anh bộ phim đó và nó sẽ trở thành của em, Và khi ta quay lại bộ phim, nó sẽ được quay theo cái cách em muốn. Sẽ không có bàn bạc tranh cãi gì cả. Mọi người được bảo thế nào thì làm theo thế ấy. Kể cả anh. Nếu anh chơi trò phóng tay thì ít nhất cũng phải để em ‘cầm bài’!”. Nêvađa gật đầu. Anh đã quá quen nghe thấy ba tôi nói những lời như vậy. Và anh cũng đã từng là người dạy tôi rằng cần phải luôn nhảy vào cuộc khi thấy tiền đặt đã lên cao. - Nhưng ông đã biết gì về chuyện làm phim nào? – Piơx hỏi. - Không hề biết gì cả. – Tôi đáp. – Nhưng xin hỏi lại: ông đã biết những ai từng làm phim nói rồi nào? Piơx đờ người. Mắt ông ta dần dần vụt hiểu. Tôi nói đúng. Đây là một lĩnh vực mới. Không hề có ai kì cực cả. Tôi quay sang Nêvađa, “Thế nhé?”. - Anh cũng không biết nữa. – Anh nói chậm rãi. – Anh để chú liều vậy. Anh cũng không còn gì để mất nữa. - Anh nhầm! – Piơx nói nhanh. – Nếu bộ phim chẳng ra gì, thì cái nghề diễn viên của anh cũng đi đời! Nêvađa mỉm cười với ông ta. “Trước đây tôi làm ăn cũng không đến nỗi mèng lắm. Tôi cũng đã già tới cái mức không cần để ý lo lắng mình rồi sẽ đâm vào đâu”. - Thế nhé, anh Nêvađa? Anh chìa tay ra. Những nếp nhăn mệt mỏi ở khóe mắt anh đột nhiên giãn ra, anh lại trẻ lại. “Đồng ý, Giônơx Con ạ!”.Tôi bắt tay anh rồi bước đến máy điện thoại. Tôi gọi cho Môrôni ở ngân hàng. “Bác thảo giấy tờ chuyển khoản nợ sang cho Công ty thuốc nổ Cođơ”, tôi nói. - Chúc anh may mắn, Giônơx ạ! – Ông ta cười khùng khục. – Tôi đã có cảm giác là anh sẽ làm việc này mà. - Thế thì bác biết hơn tôi đấy. - Nhà băng giỏi thì phải vậy chứ! Tôi gác ống nói và quay lại với mấy người ở trong phòng. “Bây giờ, việc đầu tiên tôi làm là thải ngay Phôn Enxtơ.” Nêvađa choáng váng ngạc nhiên. “Nhưng Phôn Enxtơ là một trong những đạo diễn giỏi nhất”, anh phản đối, “ông ấy đạo diễn tất cả những phim tôi đóng. Ông ấy phát hiện ra tôi đấy!”. - Ông ta là một thằng khốn khiếp. Nghĩ rằng anh đang gặp khó khăn là ông ta liền bán đứt anh gay. Sáng hôm nay lúc bảy giờ ông ta đã mò đến đây cùng với Bơny Noman. Hai thằng cha muốn khuyên bảo tôi đừng mất tiền. Tôi đã không nói chuyện với chúng. - Nào, giờ thì may ra anh mới tin lời tôi bảo là có Bơny đứng ở đằng sau cái trò bóp chẹt ấy nhé! – Piơx nói. - Thích hay không thích, anh Nêvađa ạ, - Tôi nói – chúng ta đã thỏa thuận rồi. Đây là phim của tôi, và những gì tôi nói là phải được thực hiện. Anh lặng lẽ gật đầu. - Việc thứ hai tôi muốn là ông Piơx sẽ thu xếp cho tôi ba ngày tới đây xem được càng nhiều phim nói càng tốt. Rồi nghỉ cuối tuần, tôi sẽ đưa tất cả bay xuống Niu Yooc. Chúng ta sẽ bỏ ra ba bốn ngày gì đó đi đến các rạp hát. Biết đâu ta có thể kiếm được một đạo diễn sân khấu trong khi ở đó. Để rồi xem. – Tôi dừng lại, châm thuốc và đột nhiên nhìn thấy vẻ mặt Nêvađa đã thay đổi. – Anh cười gì thế? - Tôi đã bảo mà, chú càng ngày càng giống ông già chú quá! Tôi nhoẻn lại cười với anh. Đúng lúc ấy, người phục vụ đen bữa điểm tâm sáng vào. Nêvađa và Piơx vào buổng tắm rửa mặt, còn lại Raina và tôi. Một vẻ dịu dàng hiện lên trên mặt em. “Nếu anh bỏ cái tính ích kỷ của anh đi”, em nói khẽ, “thì em nghĩ anh có thể trở thành một con người được dấy!”. Tôi nhìn thẳng vào Raina. “Đừng có cố bịp anh. Cả hai chúng ta đều biết tại sao anh lại làm thế. Em và anh đã thỏa thuận đêm qua rồi!”. Vẻ dịu dàng trên mặt em tan rất nhanh. “Anh muốn em làm cho anh ngay bây giờ ư?”. Nghe giọng nói tôi biết mình đã làm tổn thương đến em, tôi mỉm cười. “Anh có thể đợi được”. - Em cũng vậy. Mãi mãi đợi cũng được, nếu như phải thế. Đúng lúc ấy, điện thoại réo chuông. “Cầm máy cái!”, tôi nói. Raina nhấc ống nghe lên, tôi nghe thấy một giọng léo nhéo trong một chốc. Rồi Raina chìa nó cho tôi. “Vợ anh gọi”. - Alô, chào em Mônica! Giọng trong máy nghẹn lại vì tức. “Công việc”, Mônica hét lên. “Và khi tôi gọi anh, một con đĩ rẻ tiền nào đó lại trả lời! Tôi cho rằng anh sẽ bảo với tôi rằng đấy là mẹ kế của anh chứ gì!”. - Đúng thật thế! Một tiếng “Cạch” cáu kỉnh vang lên trong máy, rồi ống nghe chết lặng trong tay tôi. Tôi nhìn xuống nó một hồi lâu, rồi bật cười. Mọi cái đều đúng hết sức. Và cũng sai hết sức. 7 Qua cửa sổ, tôi nhìn ra sân bay. Năm bảy chiếc máy bay đang xếp hàng khởi động, ba chữ cái ICA màu đỏ, trắng và xanh quấn vào nhau ở bên sườn, ở dưới cánh chúng. Tôi lại nhìn xuống bản thiết kế, rồi ngẩng lên nhìn người kỹ sư. Anh chàng Morixây này còn rất trẻ, trẻ hơn cả tôi nữa. Anh ta đã tốt nghiệp trường M.I.T[21], chuyên ngành thiết kế và kỹ thuật hàng không. Anh ta không phải là phi công. Anh ta thuộc một thế hệ mới, thế hệ đi bộ trên không. Đề nghị của anh ta rất mứoi. Một cái máy bay cánh đơn, hai động cơ, có thể nâng hầu như bất kỳ một vật gì lên không trung. Anh chàng kéo cái kính trễ hơn xuống mũi. “Thưa ông Cođơ, theo như tôi thấy”, anh ta nói bằng cái giọng chính xác của mình, “thì bằng cách làm cánh sâu thêm, chúng ta sẽ có được sức nâng ta cần và cũng tăng được khả năng chứa nhiên liệu. Cộng thêm vào đó, ta tạo thêm được cái lợi cho tầm quan sát trực tiếp của phi công”. - Cái mà tôi quan tâm là sức chở và tốc độ. – Tôi nói. - Nếu tính toán của tôi mà đúng, - Morixây nói – thì chúng ta có khả năng chở được hai mươi người cộng thêm phi công chính và phi công phụ, ở tốc độ hành trình khoảng hai trăm năm mươi dặm một giờ. Nó có thể bay liền sáu tiếng mới lấy dầu thêm. - Ông định nói rằng ta có thể bay từ đây đến Niu Yooc mà chỉ đỗ có một lần xuống Chicagô thôi ư? – Băz nghi ngờ hỏi. – Tôi không tin! - Đấy là tính toán của tôi chỉ ra thế, thưa ông Đantơn. – Morixây nhã nhặn đáp. Băz nhìn tôi. “Cậu có thể quăng tiền của cậu vào những kế hoach vớ vần kiểu này. Còn tớ thì xin kiếu. Tớ đã trải qua quá nhiều những ước mơ tàu bay giấy như thế này rồi”. - Chế tạo cái đầu tiên mất độ bao nhiêu? – Tôi hỏi Morixây. - Bốn đến năm trăm ngàn. Sau khi đã khắc phục được các lỗi kỹ thuật, ta có thể sản xuất với giá hai trăm năm mươi ngàn một cái. Băz cười khan khan. “Nửa triệu một cái máy bay? Có mà là phát rồ! Không bao giờ đủ lại được vốn!”. Vé tàu hỏa hạng nhất từ bờ biển này tới bờ biển bên kia nước Mỹ là bốn trăm đôla. Đi gần hết bốn ngày đêm. Cộng thêm ăn uống nữa, mỗi người phải mất hơn năm trăm đôla. Một cái máy bay như thế này có thể chở mỗi chuyến trị giá bảy ngàn, cộng thêm quyền chở thư nữa, thành ra tám ngàn rưỡi. Bay mỗi tuần năm chuýen, thì chưa đầy hai mươi tuần chúng tôi đã thu về đủ chi phí, cộng thêm cả chi phí sử dụng. Từ đó trở đi thì mọi cái sẽ lên như diều. Ồ, thậm chí chúng tôi có thể cho ăn không mất tiền trên máy bay ba bữa nữa. Tôi nhìn đồng hồ. Đã gần chín giờ. Tôi đứng dậy. “Tôi phải về xưởng phim đây. Hôm nay họ sẽ quay cảnh đầu tiên”. Mặt Đantơn đỏ ửng lên vì tức. “Bỏ cái trò đó đi, Giônơx. Quay về công việc làm ăn thôi. Suốt một tháng trời rưỡi rồi, cậu cứ chúi mũi vào cái xưởng phim chó chết ấy. Sau khi cậu bỏ được cái bộ phim khốn nạn ấy thì ta phải xoay ngay xem có cái máy bay nào làm không. Nếu ta không làm một kiểu mới, cả cái ngành hàng không sẽ vượt lên trên đầu ta mất”. Tôi chằm chằm nhìn anh chàng, không cười. “Về mặt tớ mà nói, thì ta đã có một chiếc rồi!”. - Cậu không đùa… - anh ta thốt lên kinh ngạc. – Cậu không… cậu định nói là ta thử liều với cái này chứ? Tôi gật đầu, rồi quay sang với Morixây. “Anh có thể bắt đầu chế tạo cái máy bay này ngay!”. - Hượm đã! – Băz nói gọn lỏn. – Nếu cậu nghĩ là hãng I.C.A sẽ chi tiền, thì cậu điên rồi. Đừng có quên là tớ có một nửa số vốn. - Và công ty thuốc nổ Cođơ có một nửa. Công ty thuốc nổ Cođơ còn giữ hơn nửa triệu đôla vốn cược bằng máy bay của hãng I.C.A, phần lớn số đó đều đã quá hạn cả. Nếu tớ đòi, thì kết cục là tớ sẽ chiếm cả cái công ty I.C.A này. Anh chàng cáu kỉnh nhìn tôi một thoáng, rồi toét miệng cười. “Đáng lẽ tớ phải mở mắt ra hơn. Khi tớ mất cho cậu cái Oacơ là đáng nhẽ tớ phải mở mắt ra hơn, Giônơx ạ!”. Tôi mỉm cười lại. “Cậu là một phi công tuyệt diệu Băz ạ. Cậu cứ chúi mũi vào việc bay lượn đi, còn để phần tính toán làm ăn cho tớ lo. Tôi sẽ làm cho cậu giàu sụ”. Anh chàng rút một điếu thuốc lá. “Ôkê”, anh nói thoải mái, “nhưng tớ vẫn cứ nghĩ rằng cậu điên khi làm cái máy bay ấy đấy, không khéo ta mất béng cả váy với nó đấy!”. Tôi không trả lời khi tôi và Morixây đi r axe. Giải thích cho Băz về những quy tắc đơn giản về ngân khoản thì cũng vô ích. Hãng I.C.A sẽ đặt mua hai mươi chiếc máy bay này từ công ty máy bay Cođơ. Rồi hai công ty này sẽ cược động sản của chúng cho công ty thuốc nổ Cođơ. Sau đó thuốc nổ Cođơ sẽ thanh toán số đó ở ngân hàng trước thời hạn, thậm chí trước cả khi những cái máy bay được làm ra. Tình thế tồi nhất có thể xảy ra, nếu như cái máy bay không tốt, là Công ty thuốc nổ Cođơ sẽ bớt được một khoản thuế lớn. Tôi chui vào ô tô. “Chúc bộ phim gặp may nhớ!”, Băz thét với theo khi chiếc xe rồi máy chạy đi. Tôi rẽ vào cái cổng lớn của xướng phim Noman. Anh chàng gác cổng ló đầu ra khỏi chòi gác rồi vẫy tay bảo tôi cứ đi. “Chào ông Cođơ ạ. Chúc ông may mắn!”. Tôi mỉm cười, lái xe tới chỗ đó. Một cái biển nhỏ cắm ở đó: ÔNG Cođơ. Họ không quên một cái trò nào khi phải quỵ lụy rút được tiền. Trong phòng ăn của ban giám đốc có một cái bàn dành riêng mang tên tôi. Tôi được hẳn một biệt thự riêng với một dãy văn phòng, hai thư ký, một tủ rượu đầy ăm ắp, một tủ lạnh chạy điện, một nhà vệ sinh và nhà tắm riêng, một phòng thay quần áo, một phòng họp, hai văn phòng cho thư ký cạnh phòng riêng của tôi. Tôi vào lối cửa sau của biệt thự, đi thẳng tới văn phòng. Chưa kịp ngồi nóng chỗ thì một trong hai thư ký xuất hiện. Cô ta đứng trước bàn tôi, nom ra dáng được việc lắm với cuốn sổ tay và cái bút chì. “Xin chào ông Cođơ,”, cô ta tươi tỉnh nói, “ông có đọc gì để tôi ghi lại ạ?”. Tôi lắc đầu. Có lẽ đến phút này thì cô ta đã hiểu ra hơn. Năm tuần vừa qua, sáng nào cũng như thế này. Tôi không viết gì cả - điện, ghi nhớ, chỉ dẫn… Nếu tôi muốn viết cái gì, tôi gọi Mac Alixtơ. Luật sư là chỉ để thế thôi mà. Chuông điện thoại trên bàn tôi khẽ réo. Cô ta nhặt lên. “Văn phòng ông Cođơ đây”. Cô ta lắng nghe một thoáng, rồi quay sang tôi: “Họ đã diễn tập xong ở sân khấu số 9. Và đã sẵn sàng quay cảnh đầu tiên. Họ muốn biết ông có đến đó không ạ”. Tôi đứng dậy. “Bảo họ là tôi đến đấy”. Sân khấu số 9 ở đầu kia của trường quay. Chúng tôi dựng cảnh Niu Oilnd ở đó bởi tính rằng nó sẽ đỡ ồn hơn, không có những tạp âm ở những sân quay khác vọng đến. Tôi bắt đầu đi như chạy trên các con đường lát gạch, làu bàu chửi đoaạn đường xa, cho đến khi nhìn thấy chiếc xe đạp của anh chàng chạy giấy dựng ngoài biệt thự của một người trong ban quản trị. Một giây sau, tôi đã đạp xe như điên trên đường, bỏ lại phía sau tiếng la hét của anh chàng chạy giấy. Tôi rẽ ngoằng vào Sân khấu số 9, suýt nữa đâm sầm vào một người đang mở cửa. Ông ta đứng sững, choáng váng ngạc nhiên nhìn tôi. Đó là Bơny Noman. “Trời ơi, ông Cođơ”, ông ta thốt lên, “ông không cần phải làm như vậy. Đáng nhẽ ông có thể gọi điện bảo đánh xe đến đưa ông tới đây!”. Tôi ngả chiếc xe vào tường. “Ông Noman, tôi không có thời giờ, Người ta nói họ sắp sửa bắt đầu. Đây là tiền của tôi và thì giờ của tôi mà họ sắp sửa tiêu tốn”. Họ đang sắp sửa bắt đầu đóng cảnh đầu tiên, khi Macx – lúc ấy là một thanh niên rất trẻ - lần đầu tiên đến gặp cô chủ nhà chứa. Đấy không phải là cảnh đầu tiên của bộ phim, nhưng cái lối làm phim nó là phải như vậy. Người ta thoạt đầu quay tất cả nội cảnh trước, rồi đến ngoại cảnh, Khi tất cả đã quay xong, một người dựng phim sẽ cắt chúng ra, ghép lại theo trật tự cốt truyện. Diễn viên đóng vai chủ nhà chứa là Xinthiơ Ranđơn – ngôi sao nữ nổi tiếng của Noman. Cô ta được coi là cô đào lẳng lơ nhất trong làng điện ảnh. Đôi với cá nhân tôi, tôi chả thấy có tí hấp dẫn gì. Tôi thích đàn bà phải có ngực ra ngực, Hai người phụ trách hóa trang và một thợ uốn tóc đang rối rít lăng xăng bên cạnh cô ta, trong khi cô ta ngồi trước cái bàn phấn là một phần của cảnh. Nêvađa đang đứng ở góc kia, quay lưng lại phía tôi, nói chuyện với Raina. Đúng khi tôi đi tới chỗ anh, anh quay mặt lại. Sống lưng tôi bỗng lạnh toát: ký ức như dựng lên trước mắt tôi hình ảnh của anh khi tôi còn thơ ấu. Nom anh thậm chí còn trẻ hơn cả khi tôi lần đầu tiên gặp anh. Tôi không biết anh đã làm cách nào, ngay mắt anh cũng là cặp mắt của một chàng trai trẻ. Anh chậm rãi mỉm cười. “Ồ, Giônơx Con, thế là ta vào cuộc đấy”. Tôi mỉm cưởi vẫn không rời mắt khỏi anh. “Ờ, thế là ta vào cuộc đấy”. Một người nào đó thét lên. “Về chỗ, tất cả!”. - Có lẽ nói cả anh đấy! – Nêvađa thốt lên. Raina ngoảnh mặt vào cảnh quay, mắt nhìn mê mẩn. Một người đàn ông cầm dây cáp hấp tấp đi vụt qua tôi. Tôi nó người sang bên để tránh thì suýt nữa đâm vào người khác. Tôi quyết định rút lui khỏi đây trước khi gây thiệt hại gì đó. Tôi đứng dừng lại ở gần quầy ghi âm. Từ đây có thể nhìn rõ và nghe rõ mọi cái. Bây giờ thì tôi đã hiểu sao làm phim lại tốn đến thế. Cho đến khi quay lần thứ mười một cảnh ấy, tôi bỗng để ý tới anh chàng phụ trách ghi âm trong cái quầy bên cạnh tôi. Anh ta đang cúi rạp người trên bảng điều khiển, tai nghe kẹp chặt bên đầu, tay xoay các núm như điên. Cứ một thoáng, tôi lại thấy môi anh ta mấp máy chửi, tay lại rối rít vận các nút. - Máy có trục trặc gì hả? – Tôi hỏi. Anh chàng ngẩng lên nhìn tôi. Trông cái cách ngó tôi, tôi biết ngay rằng anh chàng không biết tôi là ai. “Máy chả sao sất cả”. anh ta đáp. - Chắc cậu đang chán cái gì hả? - Này, anh bạn – anh ta nói – tôi với ông đều cần có chỗ kiếm cơm, phải không? Tôi gật đầu. - Khi ông chủ bảo ông bạn làm cho ai đó có bộ mặt thật đẹp vào, ông làm ngay, không hỏi han lôi thôi gì, phải không? - Đúng vậy. – tôi đáp. - Đấy, tôi cũng đang cố hết sức. Nhưng tôi không phải là ông trời. Tôi không thay đổi được giọng người! Tôi trợn mắt nhìn anh ta, điếng người. Tôi đã chỉ tin vào có độc lời Raina nói rằng Nêvađa đã thử giọng thấy ổn cả rồi. “Anh định nói là giọng của Nêvađa Xmith ư?”. Anh lắc đầu. “Không”, anh ta khinh miệt thốt lên, “anh ấy thì ổn. Mà là con mẹ kia. Nó có cái giọng mũi eo éo đến mức nghe cứ như là vang từ mắt ra ấy!”. Anh chàng ghi âm lại quay vào với đám máy móc của mình. Tôi vươn người, giật phắt hai cái tai nghe ra khỏi đầu anh. Anh ta cáu kỉnh quay lại: “Chơi cái trò chó gì thế hả?”. Nhưng tôi đã chụp tai nghe vào đầu mình và anh chàng chỉ có thể trợn mắt nhìn. Nêvađa đang nói. Giọng ang vang lên ấm áp – một giọng tốt. Rồi Xinthiơ Ranđơn nói, và tôi không biết nên tin vào tai hay vào mắt mình. Giọng cô ta eo éo vang lên khó chịu như tiếng một con mèo gào trên hàng rào sau nhà, không thấy có tí gì là hấp dẫn, là lẳng cả. Nghe mà phát ớn xương sống. Một cái giọng như vậy sẽ làm đi đời nhà ma vẻ khêu gợi lẳng lơ, dù cho nó có ở trong cái nhà chứa khét tiếng nhất Olind. Tôi lột hai cái tai nghe ra, dúi vào tay anh chàng ghi âm đang đứng đớ người. Tôi đâm bổ ra sân quay. Một người túm lấy áo tôi níu lại: cáu kỉnh, tôi hất bắn tay anh ta ra. Một giọng thét lên: “Cắt!”. Im lặng đột ngột bao trùm tòa nhà. Mọi người giương mắt nhìn tôi bàng hoàng kỳ quặc. Tôi uất cả người. Tất cả những gì tôi hiểu là một người nào đó đã chơi xỏ tôi, và tôi không ưa một tí gì cả. Hình như cô đào chính hiểu tại sao tôi lại xô ra đây. Mặt cô ta lộ ra một vẻ đề phòng, trong khi mồm cố nhoẻn cười. Bơny Noman hấp tấp bước ra sàn quay. Mặt cô ta vụt lóe lên ánh nhẹ nhõm. Và tôi vụt hiểu. Cô ta bấu lấy cánh tay Bơny. Ông ta quay sang tôi. “ Ông Cođơ, có chuyện gì trục trặc thế?”. - Cô ta! – Tôi nói cay nghiệt. – Đưa cô ta ra khỏi sàn quay. Tôi thải cô ta. - Ông không thể làm thế được, thưa ông Cođơ! – Ông ta thốt lên – Cô ta đã ký một hợp đồng với bộ phim này! - Có thể là vậy. – Tôi công nhân – Nhưng không phải với tôi. Cô ta có thể vắt kiệt đến giọt mực cuối cùng của bút của một thằng cha nào đó, chứ nhất định không phải là bút của tôi nhé! Bơny giương mắt nhìn tôi. Bộ mặt rám nắng dần dần tái đi. Ông ta biết rằng tôi định ám chỉ cái gì. “Điều này thật bất thường quá!”, ông ta phản đổi, “Cô Ranđơn là một ngôi sao rất quan trọng”. - Cô ta có là Đức Mẹ thì tôi cũng mặc xác! – Tôi cất lời, giơ tay ra nhìn đồng hồ, rồi ngẩng phắt lên nhìn ông ta. “Ông được chính xác năm phút để tống cổ cô ta ra khỏi đây ngay, nếu không tôi sẽ cho đình quay bộ phim này và nện cho ông một vố bằng cái đơn kiện lớn nhất ông chưa từng biết!”. Tôi ngồi phịch xuống cái ghế bố có gắng tên tôi, ngó quanh cái sàn quay giờ vắng ngắt. Chỉ còn một vài người vật vờ đi lại như những cô hồn trong một bữa tiệc ma. Tôi lại nhìn anh chàng ghi âm, đang mọp người trên bảng điều khiển, cái tai nghe vẫn dính chặt trên đầu. Tôi mệt mỏi nhắm mắt lại. Đã mười giờ tối. Nghe thấy tiếng chân lại gần, tôi mở mắt. Đó là Đan Piơx. Ông ta đã gọi điện thoại cho các xưởng phim khác, cố hỏi mượn một ngôi sao nữ khác. “Thế nào?”, tôi hỏi. Ông ta lắc đầu. “Không xơ múi gì. Hãng MGM không cho ta mượn Gabô[22]. Họ cũng đang có kế hoạch làm một bộ phim nói với cô ta. - Thế còn Marion Đâyvi? - Tôi vừa mới gọi điện cho cô ta xong. Cô ta rất thích vai đó nhưng cảm thấy không đóng nổi. Có lẽ ta phải bấu lấy Xinthiơ Ranđơn thôi. Mỗi một ngày ngồi không thế này anh mất béng ba mươi nghìn đấy! Tôi châm một điếu thuốc, chằm chằm nhìn ông ta. “Thà tôi dẹp mọi trò lại ngay từ giờ còn hơn để sau bị cười tống ra khỏi rạp và lỗ vốn”. - Có thể ta đưa một diễn viên từ Niu Yooc tới chăng? - Ta không có thời gian. – Tôi đáp – Mười ngày, ba trăm ngàn. Đúng lúc ấy, Raina bê đến mấy cái bánh mỳ kẹp thịt. “Em nghĩ có lẽ các anh đói, nên đã gọi người đem đến”. Tôi cầm lấy một cái, ủ rũ nhai. Raina đưa cái nữa cho người bên cạnh. “Cám ơn cô Malôvi”. - Có gì đâu! – em đáp và quay lại chỗ vừa ngồi với Nêvađa. - Thật không may là các ông không tìm ra được một người như cô ấy! – Anh chàng ghi âm lung búng nói qua một mồm đầy bánh mì. Tôi nhìn anh ta, “Anh bảo sao?”. - Cô ấy có một cái gì đó ở trong giọng nói nghe rất quyến rũ. Nếu qua đường ghi trong băng mà cũng như vậy thì các tầng gác rạp sẽ đông nghẹ người. Tôi trợn mắt nhìn anh ta. “Anh bảo Raina ư?”. Anh ta gật đầu, nuốt chỗ bánh mỳ. “Ờ”. Và một nụ cười chậm rã, đầy ý nghĩa hiện trên môi anh ta. “Và nếu tôi không điên, thì vào phim nom cô ấy cũng mỡ màng lắm. Cô ta là một người đàn bà chẳng kém ai”. Tôi quay sang Đan. “Ông nghĩ sao?” - Cũng có thể! – Ông ta công nhận một cách thận trọng. - Vậy thì làm sao! – Tôi vừa nói vừa đứng dậy – Ba mươi nghìn một ngày là một món tiền lớn. Raina coi là trò đùa rất tuyệt khi tôi bảo em nói mấy câu trong kịch bản vào cái micro. Cho đến khi tôi gọi cả đoàn làm phim trở lại để quay thử toàn bộ một cảnh, em vẫn chưa tin là thật. Và chắc chắn là em vẫn coi là trò đùa cho đến khi chúng tôi ngồi trong phòng chiếu thử vào lúc hai giờ sáng, xem em và Nêvađa đóng trong một cảnh. Chưa bao giờ trên màn bạc, tôi được thấy ai như em. Em có những gì quyến rũ ở ngoài đời, thì ở trên kia, nó quyến rũ gấp đôi, Chỉ riêng nhìn thôi cũng làm người ta ứa nước miếng. Tôi quay sang em. “Đi về và đi ngủ đi. Anh muốn em sáu giờ sáng mai có mặt ở phòng trang phục. Chín giờ mai sẽ quay”. Raina lắc đầu. “Ồ… Ồ… anh Giônơx. Đùa đến thế thôi. Em không có đóng điếc gì đâu!”. - Sáng mai chín giờ cô phải có mặt ở sân quay! – Tôi nói nghiệt ngã. – Cô là người đã tìm đến tôi, chứ không phải tôi tìm đến cô, nhớ chưa? Tôi nhìn Nêvađa. Mặt anh ngỡ ngàng khó hiểu. Và một cái gì đó ngây thơ trong sáng ánh lên trong mắt anh làm tôi phát khùng. “Và anh phải đảm bảo rằng cô ấy sẽ phải dẫn xác đến”, tôi cáu kỉnh thốt lên. Tôi quay ngoắt người, đi ra khỏi phòng chiếu, để lại họ phía sau, đờ người đưa mắt nhìn theo. 8 Tôi từ từ mở một mắt, he hé nhìn đồng hồ. Đã hai giờ! Tôi ngồi bật dậy và đầu bỗng đau như vỡ vụn ra. Tôi bật rên to thành tiếng. Cửa mở. Đan bước vào, đã mặc quần áo – quần màu kem, áo sơmi thể thao. Ông ta chìa cho tôi một cái cốc đựng thứ gì nom như nước cà chua. “Này, uống đi, anh bạn! Nó sẽ làm hết đau đầu đấy”> Tôi đưa cái cốc lên miệng. Dòng nước gây nên một cảm giác lợm giọng từ miệng xuống dạ dày. Nhưng ông ta nói đúng. Một thoáng sau, đầu tôi đã nhẹ hơn. Tôi nhìn quanh cái buồng ngủ. Thật bừa bộn hỗn độn. “Đám con gái đâu rồi?”, tôi hỏi. - Tôi trả tiền và bảo họ về rồi. - Tốt. – Tôi loạng choạng đứng dậy. – Tôi phái đến xường phim đây. Họ sắp sửa quay vào lúc chin giờ. Đan mỉm cười. “Tôi đã gọi điện và bảo họ rằng anh mệt, nhưng sẽ đến sưởng chiều nay. Tôi cho rằng nếu anh chợp mắt được một tý thì tốt. Đêm qua quả thật là một đêm hỗn loạn”. Tôi nhoẻn cười với ông ta. Quả có thế thật. Đêm qua tôi và Đan đúng là bận đến phờ người.Tôi gặp ông ta đi ra khỏi sàn quay và ngỏ ý đưa ông ta về nhà. Nhưng trên đường về, chúng tôi quyết định dừng lại, kiếm cái gì ăn. Tôi cảm thấy người mệt mỏi căng như một sợi dây đàn. Đan tỏ ý muốn giúp tôi xả hơi một chút. Thịt bò rán ở một cái quán ông ta biết. đáng lẽ giờ này phải đóng cửa rồi nhưng không đóng. cùng với uýtky ngô, và sau đó là công chuyện. Công chuyện xuất phát từ trong cuốn sổ đen bé xíu của ông ta, cuốn sổ mà hình như viên đại lý nào cũng có. Tôi đã xả hơi dịu đi được, và bây giờ không biết họ có thể làm tôi căng thằng lên được nữa hay không? Chú hầu phòng người Nhật của Đan đã bày sẵn trứng ốp lết và xúc xích khi tôi vừa ở phòng tắm ra. Tôi đói ngấu. Tôi chén liền tù tì sáu quả trứng và độ một tá bánh mỳ nhỏ. Khi tôi đặt tách cà phê thứ tư xuống, Đan mỉm cười hỏi: “Giờ thì anh cảm thấy thế nào?”. Tôi mỉm cười lại. “Chưa bao giờ cảm thấy dễ chịu như bây giờ”. Tôi nói thật. Tôi lại cảm thấy thư thái và phóng túng. Nhớ tới công việc ngày hôm qua, lòng cũng không cảm thấy thắt lại như thường lệ nữa. “Ông đã bảo sẽ bàn chuyện làm ăn đôi chút hả?”. Đêm trước chúng tôi đã bàn, chưa bao giờ tôi cởi mở đến thế với một người lạ. Nhưng Đan khác những người khác. Ông ta thuộc một loại người tôi chưa gặp, và làm tôi thích thú. Ông ta thô lỗ, ranh ma, biết rõ mình muốn gì. Tôi còn đang đù đờ lớ ngớ, tôi biết lắm. Tôi sẽ sớm khôn. Nhưng từ nay cho đến đó, tôi có thể dùng loại như Đan Piơx. - Sáng nay tôi đã bán hãng đại lý của mình cho hãng M.C.A. - Để làm gì? - Bởi vì tôi sẽ đến làm việc với anh. - Ông có bốc máu quá không đấy? – Tôi hỏi – Tôi mới nhảy vào nghề này với một bộ phim này. Ông sẽ định làm gì sau đó? Đan mỉm cười. “Anh thì anh nói thế. Thậm chí bây giờ anh cũng thực sự cảm thấy thế. Nhưng tôi thì tôi nghĩ khác. Anh có một cái cảm giác đối với nghề này – một cảm giác rất tự nhiên mà không có nhiều người biết được. Và anh không chịu từ một thách thức nào. Anh vừa phát hiện ra một chiếu bạc nữa. Anh sẽ theo đến cùng”. Tôi nhấp cà phê. Nó đặc và đen, đúng kiểu tôi thích. “Thế ông tính ông có thể giúp được gì?”. - Bởi vì tôi đã biết mọi ngóc ngách của cái nghề này, mọi mánh khóe bẩn thỉu mà anh phải lâu mới tìm ra được. Anh rất bận, thời gian là cái quý nhất của anh. Tôi sẽ không đáng giá một nửa như hiện nay nếu như điện ảnh là lĩnh vực làm ăn duy nhất hiện nay của anh. Nhưng thực ra nó không phải thế. Và không bao giờ phải thế.. Nó chỉ là một trò súc sắc khác nữa của anh mà thôi. Tôi chằm chằm nhìn ông ta. “Cho tôi một ví dụ không mất tiền xem nào”. - Ví dụ, - ông ta đáp nhanh, - tôi sẽ không bắt đầu bộ phim chừng nào chưa thử tiếng của tất cả mọi người. - Đấy là một cái tôi đã học được rồi. Tôi muốn có một vì dụ về cái chưa biết cơ. Ông ta giơ tay ra phía sau lấy cái bản thảo bộc bìa xanh. “Nếu Raina xuất hiện trên màn ảnh như cái cảnh quay thử, ta có thể thay đổi một đôi chút ở trong này và đỡ tốn đi được bốn trăm ngàn”. - Bằng cách nào? - Bằng cách dựng thêm chuyện cho cô ấy và tập trung nhiều vào đoạn ở Niu Olind. Như thế sẽ đỡ đi dăm tuần ngoại cảnh và chưa có ai dám chắc cái ba cái micro ra ngoài trời thì sẽ tốt đến mức nào. Tôi với lấy một điếu thuốc lá. “Nếu ta làm thế”, tôi chậm rãi nói, “thì Nêvađa sẽ ra sao? Phần của anh ấy sẽ bị giảm xuống”. Đan nhìn thẳng vào mắt tôi một cách vững vàng. “Nêvađa không phải là việc của tôi nữa. Anh ta đã thuộc hãng M.C.A. Tôi giờ làm cho anh và cho rằng tất cả tình cảm của anh dùng cho bộ phim này anh đã sử dụng hết rồi. Phim ảnh cũng giống như bất kỳ một ngành làm ăn nào khác. Điều quan trọng là phải ra tiền.” Tôi rít mẩu thuốc, nhấp thêm một ngụm cà phê. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Raina gọi điện cho tôi, tôi lại trở về trạng thái bình thường. Trong một khoảng thời gian, em đã làm cho tôi xoay tít mù như một con quay, không biết mình đang sang phải hay sang trái. Giờ thì tôi đã cảm tháy khác. “Ông định đề nghị với tôi như thế nào?” - Không lương. Chỉ mười phần trăm của công ty và ngân khoản chi phí. Tôi cười. “Tôi nghĩ là đã nghe ông bảo ông đã bán đại lý rồi”. - Đấy là cách duy nhất tôi nghĩ có thể đền bù lại cho mình và không làm ông quá tốn kém. - Đừng có bịp tôi. Ông sẽ không có ngân khoản chi phí đâu. - Chắc chắn là tôi sẽ có. Ngay cả khi có lương tôi cũng cần phải có. Anh làm sao có thể hy vọng rằng tôi làm việc cho anh mà không phải tiêu tiền. Tiền là thứ duy nhất trong thành phố này không ai từ chối được. - Tôi sẽ để cho ông có mười phần trăm lợi nhuận. Nhưng không có chuyện cổ phần cổ phiếc gì đâu. Ông ta chăm chú quan sát tôi một lúc. “Còn cái khoản chi phí?”. - Cái đó thì được. Ông ta chìa tay ra “Nhất trí!”. Khi chúng tôi đến Sàn quay số 9 thì đã hơn ba giờ chiều. Cái sàn quay đang tấp nập nhộn nhịp, ồn ào những tiếng động của công việc chạy đều. Người ta đnag chuẩn bị quay một lượt mới. Nêvađa đang đứng ở rìa sân quay. Raina không thấy đâu cả. Tôi đứng lại cạnh anh chàng ghi âm. “Công việc thế nào?”. Anh ta ngẩng lên, toét miệng cười nhìn tôi. “Có vẻ tuyệt lắm”, anh ta gõ gõ vào tai nghe của mình. Tôi mỉm cười bước tới chỗ Nêvađa. Anh đang nói chuyện với đạo diễn. Cả hai đều quay lại khi thấy tôi đến. “Cô ấy đóng ra sao?”. Người đạo diễn mới nhún vai. “Lúc đầu cũng có hơi hồi hộp nhưng dần dần đã bình tĩnh lại rồi. Cô ấy sẽ đâu vào đấy”. - Cô ấy sẽ đóng rất tuyệt. – Nêvađa nhiệt thành nói. – Tôi không ngờ là những lời cô ấy nhắc vở cho tôi giờ lại đâm ra có ích cho cô ấy vậy. Một phó đạo diễn tất tả chạy tới. “Đã sẵn sàng cả rồi, ông Carôn ạ”. Đạo diễn gật đầu. Anh phó đạo diễn quay người lại, thét to. “Tất cả, về chỗ!”. Đạo diễn đi đến chỗ máy quay trong khi Nêvađa bước vào sân. Tôi quay người và nom thấy Raina từ bên cạnh bước vào. Toi trố mắt, không tin là thật nữa. Mái tóc dài, vàng sáng của em bị buộc gọn lên trên đỉnh đầu. Người ta ép vú em chặt đến nỗi nom em như con trai. Môi em đánh son thành một đường cong cánh cung mỏng dính. Lông mày em kẻ dài lê thê, mảnh đến mất tự nhiên. Em không còn là đàn bà nữa – trông em như bất kfy một biếm họa quảng cáo nào trong Hội chợ phù hoa! Mặt Đan bình thản không để lộ gì cả. Ông ta chằm chằm nhìn tôi, ánh mắt thản nhiên. “Họ hóa trang đẹp đấy. Cô ấy nom đúng với vai lắm!”. - Trông cô ấy không còn là đàn bà nữa! - Thì họ định làm thế mà! - Tôi kệ mẹ họ định gì thì định. Tôi không thích. Đàn bà như kiểu ấy thì một hào một tá ở cái thành phố này. Mắt Đan thoáng mỉm cười. “Nếu anh không thích, thì thay nó đi. Ông ta nói. “Anh là ông chủ mà. Đây là phim của anh”. Tôi giương mắt nhìn Đan trân trân. Tôi lại cảm thấy muốn bước văng ra giữa sân quay và tung hê mọi thứ. Nhưng linh cảm đã ngăn tôi lại. Tôi biết rằng thêm một lần nữa như hôm qua thì cả đoàn làm phim sẽ rệu rã mất tinh thần. “Bảo Carôn là tôi muốn gặp ông ta”, tôi nói với Đan. Ông gật đầu tán thưởng. “Thông minh đấy!”, ông ta thốt lên. “Cách làm thế là đúng. Anh có khi sẽ cần đến tôi ít hơn là tôi nghĩ đấy”. Một thoáng sau, đạo diễn tuyên bố nghỉ mười phút. Ông ta đi đến chỗ tôi và có thể thấy là ông ta đang hồi hộp. “Thưa ông Cođơ, hình như có gì không ổn?”. - Ai đã thông qua kiểu hóa trang và quần áo ấy? Đạo diễn nhìn tôi, ngoảnh lại nhìn Raina. “Tôi chắc chắn là phòng hóa trang và trang phục. Nêvađa đã bảo với họ là cứ hóa trang cho cô ấy hết cỡ vào.” - Nêvađa ư? Ông ta gật đầu. Tôi nhìn Đan. “Tôi muốn mười phút nữa, mọi người có liên quan sẽ có mặt ở văn phòng của tôi”. - Được, anh Giônơx ạ. Tôi quay người, đi thẳng ra khỏi tòa nhà. 9 Tôi đưa mắt nhìn quanh gian phòng. Xét cho cùng, có lẽ xưởng phim cũng có biết cách làm ăn. Căn phòng đủ rộng đế chứa tất cả chúng tôi. Đan ngồi trong một cái ghế bành bên trái bàn của tôi. Raina và Nêvađa ngồi trên đi văng. Đối diện với họ ở bên kia tường là người quay phim. Ngay bên kia căn phòng là người hóa trang và người phụ trách phục trang – một người đàn bà gầy gầy, không đoán nổi bao nhieu tuổi, có bộ mặt trẻ và mái tóc hoa râm sớm, mặc bộ đồ giản dị do thợ may cắt. Cuối cùng, là cô thư ký của tôi ở bên phải tôi, với chiếc bút chì muôn thuở đang nhăm nhăm chĩa vào quyển sổ. Tôi châm một điếu thuốc. “Tất cả mọi người ở đây đều đã xem cảnh quay thử đêm qua. Nó thật là tuyệt. Vậy tại sao không thấy cái cô gái ấy có ở sàn quay chiều nay?”. Không một ai đáp. “Raina đứng dậy”. Lặng lẽ, em đứng lên, nhìn tôi. Tôi đảo mắt suốt căn phòng một lượt. “Tên cô này là gì?” Ông đạo diễn ho sặc lên, cười một cách căng thẳng. “Ông Cođơ, mọi người đều biết tên cô ấy cả”. - Thế ư? Vậy tên là gì? - Raina Malovi. - Thế tại sao cô ấy lại không nom như Raina Malovi thay cho việc là một mớ hổ lốn khốn kiếp của Clara Bâu, Mariơn Đâyvi và Xithia Ranđơn hả? Chắc chắn giờ trông cô ấy không có gì là Raina Malovi hết, không có một tí gì hết! - Thưa ông Cođơ, tôi em rằng ông chưa hiểu ra vấn đề đấy. Tôi nhìn quanh một lươt. “Tên cô là gì?”. Cô ta nhìn thẳng lại vào tôi. “Tôi là Ilenơ Gala, người vẽ mẫu quần áo”. - Được rồi, thưa cô Gala. Cô thử nói xem tôi không hiểu cái gì vậy. - Cô Malovi phải được phục trang theo những mốt mới nhất. – Cô ta bình thản đáp – Ông Cođơ, như ông thấy đấy, mặc dù chúng ta phải quan tâm nhất định đến cái thời điểm câu chuyện xảy ra, nhưng những đường nét cơ bản phải thể hiện được những gì mới nhất của mốt hiện nay. Đấy là lí do của phần lớn đàn bà đi xem phim. Điện ảnh là tạo ra mốt mới mà. Tôi nheo mắt nhìn cô ta. “Mốt hay không mặc kệ, cô Gala ạ, thật vô lý là một cô gái phải nom như đàn ông thì mới gọi là mốt. Không một người đàn ông có đầu óc gọi là bình thường nào có thể thích một thứ bú dù như thế kia cả”. - Giônơx, đừng đổ tội cho cô Gala. Tôi bảo cô ta làm thế đó. Tôi quay ngoắt sang Nêvađa. “Anh bảo hả?”. Anh gật đầu. Sớm hay muộn, điều đó cũng phải xảy ra. Tôi để giọng mình trở nên lạnh ngắt. “Lúc này, vốn bỏ ra là tiền của tôi và đã thỏa thuận ở hợp đồng tôi là ông chủ. Từ nay trở đi, anh chỉ bận tâm vào vai của anh thôi nhé, mọi cái khác sẽ là chuyện để tôi lo.” Môi Nêvađa mím chặt lại. Tít ở đáy mắt anh, tôi thấy nỗi tủi cực của anh. Tôi quay đi để khỏi phải trông thấy nó. Raina chăm chú theo dõi chúng tôi dưới một vẻ thờ ơ rất kỳ quặc. “Raina!”. Em quay lại chỗ tôi. Một cái màn thản nhiên rất nhanh sập xuống mắt em. “Đi vào phòng tắm, rửa sách cái đám rác rưởi trên mặt em đi. Trang điểm như em vẫn thường làm ấy.” Raina lặng thinh rời khỏi phòng. Tôi quay lại đằng sau bàn của mình và ngồi xuống. Không ai nói lời nào cho đến khi em quay lại, miệng lại rộng, môi lại dầy, hàng lông mày lại cong tự nhiên như em vốn có. Mái tóc em lóe lên như một suối vàng lấp lánh chấm đến tận vai. Nhưng vẫn còn một cái gì không ổn. Dưới cái áo choàng mỏng, người em vẫn cứng đờ, thẳng đuồn đuỗn. - Quay lại chỗ ấy và tháo cái bộ yên cương em đang nịt ấy ra! Vẫn lặng lẽ, em làm theo lời tôi bảo. Và lần này, khi em bước ra, người em khẽ đung đưa. Không ai không thể nhận thấy rằng có một người đàn bà ở dưới tấm áo ngủ kia. - Trông thế còn tàm tạm. – Tôi thôt lên – Giờ ta sẽ quay lại cái cảnh ấy. Raina gật đầu, quay đi, Giọng của Gala làm em chững lại, “ta không thể quay cô ấy như thế này được!”. Tôi ngẩng lên nhìn cô họa sĩ vẽ quần áo, “Cô bảo sao?”. Gala đứng dậy. “Ta không thể quay cô ấy như thế này được. Ngực cô ấy đung đưa.” Tôi bật cười. “Thế thì sao? Vú thì phải nẩy chứ?”. - Tất nhiên. – Cô họa sĩ nói nhanh – Nhưng trên màn ảnh mọi thứ sẽ được phóng đại. – Cô ta quay sang nhìn anh chàng quay phim. – Có đúng không, Li? Anh ta gật đầu. “Đúng đấy ạ, thưa ông Cođơ. Chúng sẽ nom không tự nhiên một tý nào cả.” - Chúng ta phải để cô ấy mặc một loại yếm nào đó. – Gala nói. - Ôkê. Các cô làm đi. Một thoáng sau, Raina và cô phụ trách phục trang bước ra khỏi buồng tắm đi thẳng đến chỗ tôi. Nom đã khá hơn cái bộ yên cương chính cống kia, nhưng không tốt bằng không có. Tôi vẫn thấy chưa vừa mắt. Tôi đứng dậy, đi ra khỏi bàn, đến chỗ Raina. “Để tôi xem nào”. Raina nhìn tôi, đôi mắt lơ đãng một cách cố ý. Điềm tĩnh, em trật cái áo choàng ra khỏi vai, giữ nó lại ở chỗ khuỳnh ra ở hai khuỷu tay. “Quay sang trái,” tôi nói, “giờ quay sang phải!”. Tôi bước lùi lại, nhìn Raina. Bây giờ tôi đã thấy ra nguyên nhân rồi. Mỗi khi Raina quay người, cái yếm lại giãn ra, ép xuống khiến cho vú em nom mất tự nhiên như vậy. Tôi nhìn cô họa sĩ vẽ mẫu. “Liệu ta bỏ khóa vai thì có được không?”. Ilenơ Gala nhún vai. “Ta thử xem”. Cô vươn tay ra, kéo các khóa vai xuống. Raina đứng sững, mắt nhìn đăm đăm vào một điểm xa xăm nào đó ở phía sau vai tôi. ”Giờ quay đi nào.” Cái yếm vẫn cứa vào vú. ”Ồ.. ồ.. tôi vẫn chưa thấy thích!”. - Tôi còn có cách nữa. - Tốt lắm. – Tôi đáp. Mấy phút sau, hai người lại bước ra. Raina mặc một thứ nom gần như cái nịt ngực nhỏ, có gắn dây bằng thép, chỉ tội không chạy dài xuống tận eo như nịt ngực thông thường. Và khi em đi lại, vú em không lúc lắc. Có thể thấy rõ được chúng. Nhưng nom như chúng được lấy ra từ các mẫu vú nhựa của Paris. Tôi nhìn cô thiết kế quần áo. ”Ta có cách nào cắt bớt đi được mấy cái dây thép đi không?”. - Tôi nghĩ thế này là tốt lắm rồi, ông Cođơ ạ. Mà tôi không hiểu tại sao ông lại quá lo lắng đến đường nét của bộ ngực cô ấy thế. Chân cô ấy rất đẹp và có thể nhìn thấy rất nhiều. - Cô Gala ạ, bởi vì cô không phải là đàn ông nên tôi cũng không hy vọng cô sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Tôi có thể nhìn thấy tất cả các thứ chân cẳng tôi thích ở trên đường phố. Chỉ xin cô trả lờ cho câu hỏi của tôi thôi. - Không, thưa ông Cođơ, chúng ta không thể cắt được dây thép đi ạ. – Cô ta lễ độ trả lời theo cái giọng của tôi. – Nếu ta làm thế, thì cô ấy lại như là chẳng mặc gì cả. Không có đủ độ cứng để đỡ cho cô ấy. - Có lẽ nếu tôi chỉ ra cho cô thấy tôi muốn gì thì cô sẽ làm được. Raina, bỏ cái ấy ra xem. – Tôi nói, bước tới chỗ Raina. Trầm tĩnh, Raina hơi quay người đi trong một thoáng. Khi quay lại , một tay em cầm cái bộ lằng nhằng kia, tay kia túm ngực áo choàng kín lại. Tôi cầm lấy cái nịt ngực quẳng nó lên bàn. Tôi đặt hai tay lên mép cổ áo choàng của Raina, miết mạnh xuống cho đến khi nó tạo thành một hình vuông ngang trên ngực, ngay trên hai núm vú của em. Vú em nhô lên, tròn như hai mặt trăng trắng ngần đối lập nổi bật với hai tay nắm đen sạm, nắm chặt của tôi. Tôi ngoảnh lại nhìn cô họa sĩ thiết kế. ”Thấy tôi muốn nói gì chưa?”. Có lẽ cô ta có thể không thấy, nhưng không một người đàn ông nào hiện diện trong phòng lại không nhìn như muốn bật con ngươi. - Cái ông muốn không thể nào thực hiện được, thưa ông Cođơ. Raina là một cô gái nở nang, vòng ngực cỡ 95cm. Không có một cái yếm nào có thể đỡ được bộ ngực như vậy. Thưa ông Cođơ, tôi là họa sĩ vẽ kiểu quần áo, chứ không phải là một kỹ sư kết cấu. Tôi nhấc tay ra khỏi áo của Raina, quay sang cô Gala. ”Cảm ơn cô”. Vừa nói tôi vừa đi đến máy điện thoại. ”Đây là ý kiến có ích đầu tiên tôi được nghe, kể tự khi cuộc họp này bắt đầu”. Morixây có mặt trong vòng không đầy hai mươi phút sau. - Tôi có một vấn đề nhỏ cần đến sự giúp đỡ của anh, Morixây. Nỗi hồi hộp của anh hơi giảm đi. Anh ngượng ngập nhìn qua phòng. ”Có thể làm được gì, tôi xin cố gắng, thưa ông Cođơ!” - Đứng dậy, Raina. Tôi nói. Chậm chạp em đứng lên và từ từ vòng quanh chúng tôi. Mắt Morixây mở to sau cặp kính. Tôi vui khi thấy rằng cũng còn có cái khác chiếm chỗ trong đầu anh ngoài máy bay tàu lượn. - Hiện nay chưa hề có cái yếm nào có thể giữ cho chúng không lúc lắc. – Tôi nói. – Mà vẫn nom tự nhiên. Tôi muốn anh thiết kế cho một cái sẽ làm được như vậy. Anh chàng quay ngoắt sang nhìn tôi, mặt lộ vẻ bàng hoàng. ”Ông nói đùa, thưa ông Cođơ!”. - Chưa bao giờ trong đời, tôi lại nghiêm chỉnh bằng bây giờ. - Nhưng... nhưng tôi không biết gì về nịt vú cả. Tôi là kỹ sư hàng không học. Anh ta nói lắp bắp, mặt đỏ chín cả lên. - Chính vì vậy tôi mới gọi anh. – Tôi bình thản đáp. – Tôi cho rằng nếu anh có thể thiết kế được những máy bay chịu được hàng ngàn cân áp lực, thì anh cũng có thể nghĩ ra được một vật nhỏ bé có thể giữ được một cặp vú! – Tôi quay sang cô họa sĩ vẽ mẫu quần áo. – Thông báo cho anh ấy mọi điều anh ấy cần biết. Cô Gala nhìn tôi, rồi nhìn Morixây. ”Có lẽ tốt hơn ta nên về làm việc ở văn phòng của tôi. Ở đó tôi có đủ tất cả những cái anh có thể cần”. Morixây vẫn chằm chằm nhìn vào vú Raina, không để ý thấy lời cô họa sĩ nói. Trong một thoáng, tôi nghĩ anh chàng đã bị mê mẩn đến đờn người ra. Rồi anh ta quay lại. ”Có lẽ, tôi có thể làm được một cái này”. - Tôi biết mà. – Tôi mỉm cười. - Ấy tất nhiên tôi chưa dám hứa trước đâu. Nhưng vấn đề này cũng rất lý thú đây. Tôi giữ vẻ mặt nghiêm trang. “Rất đúng”. Tôi đáp nghiêm chỉnh. Morixây quay sang cô họa sĩ. “Chị có cái compa đo ngoài nào tình cờ ở đây không?” - Compa? Chúng tôi cần compa để làm gì cơ chứ? Morixây kinh ngạc nhìn cô ta: “Nếu không thì ta làm sao có thể đo được chiều sâu và chu vi bây giờ?” Cô họa sĩ trố mắt, đờ người nhìn anh một thoáng, rồi nắm lấy tay anh, kéo ra cửa: “Tôi chắc là ta sẽ kiếm được một cái ở phòng kỹ thuật. Raina, tốt nhất là cô hãy đi cùng với chúng tôi”. Hơn một tiếng sau, Morixây quay lại. Anh bươc svào phòng, tay huơ huơ một tờ giấy. “Tôi nghĩ rằng ta đã tìm ra rồi! Vấn đề thực sự trở nên đơn giản một khi ta xác định được điểm nén, trọng lượng của mỗi một cái vú kéo nó sang bên. Điều đó có nghĩa rằng nguồn lực nén rơi vào giữa chúng, ngay ở điểm giữa của phân tuyến”. Tôi trố mắt nhìn anh. Ngôn ngữ của anh là một mớ hỗn tạp kỳ quặc giữa kỹ thuật và ngành thiết kế quần áo. Nhưng anh chàng đã quá say sưa giải thích đến nỗi không nhận thấy được vể mặt của tôi. “Và như vậy, toàn bộ vấn đề bây giờ là giải quyết được bài toán bù. Ta phải tìm ra một cách nào sử dụng được cái lực nén ấy để giữ được vú cho chắc. Tôi lắp thép hình chữ V vào đường phân tuyến theo. Ông có hiểu không?” Tôi lắc đầu. “Anh nói cao quá tầm hiểu biết của tôi”. - Ông có biết nguyên tắc của cầu treo không?” - Láng máng. – Tôi đáp. - Theo nguyên lý ấy, lực đè lên cái cầu càng lớn bao nhiêu thì càng tạo ra một áp lực giữ cho nó chắc bấy nhiêu ở nguyên chỗ ấy. Tôi gật đầu. Tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết. Nhưng giờ thế là đủ rồi. Cái tôi muốn biết lúc này là liệu có thành công không. Tôi không phải chờ câu trả lời lâu. Ngay sau đó, Raina bước vào văn phòng cùng với Ilenơ Gala. Em cố tình để cái áo choàng rơi tuột xuống nền nhà và đứng sững ở đó, trong bộ đồ ngủ đã được chữa. - Đi đến chỗ ông Cođơ đi. – Cô họa sĩ bảo. Từ từ, em tiến đến chỗ tôi. Tôi không thể rời mắt khỏi em được nữa. Mắt em lạnh lùng, đầy tính toán. Cô gái ranh ma này luôn luôn biết được rất rõ cái ấn tượng mình gây ra cho tôi. Em chực quay đi. “Thêm một điều nữa cô Gala ạ”, tôi thốt lên, “mai khi ta quay, tôi muốn cô ấy phải mặc áo choàng ngủ màu đen, thay cái màu trắng kia. Tôi muốn mọi người biết rằng cô ấy là một con nhà thổ, chứ không phải là một cô dâu trinh tân gì”. - Thưa ông Cođơ, vâng ạ. – Ilenơ tiến tới bàn tôi, mắt sáng ngời. – Tôi chắc chắn rằng chúng ta đã tạo ra được một mốt mới với cô Malovi đấy ạ. Nếu tôi không hoàn toàn nhầm thì khi bộ phim này được chiếu ra, tất cả đàn bà trên thế giới sẽ cố bắt chước mốt của cô ấy! Tôi mỉm cười với cô họa sĩ: “Ta không tạo ra mốt gì đâu cô Gala ạ. Đàn bà trông giống như đàn bà đã từ rất lâu, trước cả khi tôi và cô được sinh ra trên đời này cơ”. Cô ta gật đầu, đi ra. Tôi nhìn quanh gian phòng. Cuộc họp đã tan, mọi người nhấc cặp chân cứng đờ đứng dậy. Nêvađa đi ra sau cùng, tôi gọi anh. Anh quay lại chỗ bàn tôi. Tôi quay sang nhìn cô thư ký. Cô ta vẫn ngồi đó, cuốn sổ dày cộp chi chít những câu tốc ký. “Cô ghi gì vậy?”, tôi hỏi. - Số phút của cuộc họp ạ. - Để làm gì? - Đấy là quy định của công ty. – Cô ta đáp. – Số phút của tất cả các cuộc họp hành, gặp gỡ của mọi thành viên ban chấp hành phải được ghi lại, biên bản sẽ được phát hành tới những người khác. - Đưa tôi cuốn sổ nào. – Tôi đưa nó lên miệng cái thùng đựng giấy loại, xòe diêm, gí vào nó. Khi ngọn lửa đã cháy bùng lên, tôi thả nó vào thùng và nhìn cô thư ký. Cô giương mắt khiếp đảm nhìn tôi. - Giờ thì vác cái mông lạch bạch của cô xéo khỏi đây ngay. Và nếu tôi còn nghe thấy những phút phiếc giây giếc gì của bất kỳ cuộc họp nào trong phòng này lọt ra quá bốn bức tường đây, thì cô cứ liệu mà đi kiếm chỗ làm khác nhé! Khi tôi quay lại chỗ mình thì thấy Nêvađa tủm tỉm cười. “Em xin lỗi là đã phải nói như vậy với anh, anh Nêvađa ạ.” - Có chi đâu, Giônơx Con. Đáng lẽ anh đừng mở miệng mới phải. - Có rất nhiều kẻ trong thành phố này nghĩ em là một đứa bị moi tiền, rằng em bị lừa vào một cái trò bịp lấy tiền. Anh với em đều hiểu không phải thế,nhưng anh phải ngăn không cho có những lời xì xào loại ấy. Em không chịu nổi nó. - Anh hiểu, Giônơx ạ. Ba chú cũng vậy. Khi ông ấy ở đâu, chỗ đó chỉ có một ông chủ. Và đột nhiên, tôi nhận thấy chúng tôi đã trở nên già dặn thêm lên biết chừng nào. Lòng tôi bỗng một thoáng bùi ngùi nhớ tiếc thời thơ ấu, khi tôi lúc nào cũng có thể chìa tay ra tìm thấy sự che chở của Nêvađa. Giờ thì không còn thế nữa. Mà thực sự ngược hẳn lại. Nêvađa không phải dựa vào tôi. “Cám ơn anh, anh Nêvađa”. Tôi bắt môi mình phải nở một nụ cười. “Và đừng có lo lắng gì cả. Mọi chuyện từ nay trở đi sẽ đâu vào đấy hết”. Anh quay đi. Tôi nhìn dõi theo cho đến khi anh khuất hẳn. Rồi ngay sau đó, Đan Piơx bước vào. Tôi với tay lấy một điếu thuốc, châm lửa. “Còn về những lời ông nói sáng nay, tôi thấy ta nên sửa kịch bản đi một chút. Ông nên cho tìm anh chàng viết kịch bản ấy ngay”. Ông ta nhoẻn cười, hiểu ý. “Tôi đã làm rồi ạ”. 10 Chúng tôi hoàn thành bộ phim sau đó bốn tuần. Nêvađa thấy rõ những chuyện gì xảy ra nhưng không hề nói lời nào. Hai tuần sau khi xong, chúng tôi chiếu thử một buổi ở một rạp trong thung lũng. Tôi đến muộn. Tay phụ trách quan hệ với công chúng của xưởng đưa tôi vào. “Thưa ông Cođơ, chỉ còn mấy chiếc ghế trống ở bên cạnh”, anh ta xin lỗi. Tôi nhìn xuống khu giữa rạp. Chính giữa là một lô quây lại bằng dây dành cho khách của xưởng phim. Mọi người trong xưởng, từ Noman trở xuống, đều có mặt ở đó. Họ đều chờ tôi đến để quỳ mọp xuống chúc tụng đây. Tôi bước lên gác xép vừa đúng lúc đèn tắt và bộ phim bắt đầu. Tôi dò dẫm trong bóng tối giữa đám thanh niên, mò tới một cái ghế trống, ngước lên màn ảnh. Tên tôi to tướng ở trên đó nom thật ngồ ngộ. Giônơx Cođơ xin trình bày… Nhưng rồi cảm giác đó mất ngay khi hết phần tên những người làm phim, bộ phim bắt đầu. Sau mười phút, tôi bắt đầu thấy đám thanh niên trẻ quanh tôi tỏ vẻ bồn chồn sốt ruột. “Ồ, cứt thật”, một chú thì thào thốt lên, “tao cứ tưởng có gì khác thế, té ra lại là một bộ phim cao bồi miền Tây nhạt như nước ốc”. Rồi Raina xuất hiện trên màn ảnh. Năm phút sau, tôi nhìn ra xung quanh, mắt đám thanh niên đều dán lên màn ảnh, miệng há hốc ra, nom đê mê đờ đẫn. Cả tầng gác lạnh ngắt, chỉ nghe thấy tiếng thở của các cô cậu. Ngay cạnh tôi là một cậu ngồi nắm chặt tay cô gái để lên đùi mình. Khi Raina cuối cùng kéo Nêvađa ngã nhào xuống giường cùng với mình, tôi có thể cảm thấy cậu ta như oằn người đi. Cậu khẽ thốt lên: “Trời ơi!” Tôi lục túi tìm một điếu thuốc, mỉm cười. Chả ai phải bảo tôi rằng bộ phim này sẽ bán chạy như tôm tươi. Khi tôi mò xuống hành lang sau buổi chiếu, Nêvađa đang đứng ở một góc giữa một đám thanh niên đông nghẹt, cho chữ ký. Tôi tìm Raina. Em đang bị quây ở đầu kia bởi một tốp phóng viên. Lượn vè vè quanh em như một ông bố kiêu hãnh, bà Bơny Noman. Đan đang đứng giữa một đám đàn ông. Ông ta ngẩng lên nhìn bắt gặp tôi đi xuống. “Anh đoán đúng lắm, Giônơx”. Ông ta thét lên phấn khởi. “Cô ấy đã làm mê hồn họ. Ta sẽ thu về được mười triệu đôla!” Tôi ra hiệu, ông ta theo tôi ra bến xe. “Khi cái trò này xong”, tôi nói, “đem Raina đến khách sạn chỗ tôi”. Ông ta chằm chằm nhìn tôi. “Anh vẫn còn bứt rứt về điều ấy ư?” - Đừng có dạy đạo đức cho tôi, hãy làm như tôi đã bảo! - Nhưng nếu cô ấy không tới thì sao? - Cô ấy sẽ tới. – Tôi nói tàn nhẫn. – Bảo với cô ấy rằng hôm nay là ngày thu thuế. Khi đồng hồ chỉ một giờ sáng, tôi đã uống được nửa chai uyxky thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Tôi đi ra, mở cửa. Raina bước vào phòng. Tôi đóng cửa lại. Em quay người, nhìn vào mặt tôi. “Sao thế?” Tôi phác tay ra hiệu về phía phòng ngủ. Em trố mắt nhìn tôi một thoáng, rồi em nhún vai, thản nhiên bước về phía đó. “Em đã bảo với Nêvađa là em tới đây”, vừa đi em vừa nói với qua vai. Tôi vồ lấy em, xoay người em quay ngoắt lại. “Em làm cái trò cực kỳ ngu xuẩn ấy để làm cái quái gì hả?” Mắt em bình thản quan sát thái độ của tôi. “Nêvađa và em sẽ lấy nhau. Em bảo với anh ấy rằng em muốn mình là người đầu tiên báo cho anh biết cái tin này”. Tôi choáng người, không tin vào tai mình. “Không!”, tôi khàn khàn thét lên. “Em không thể. Anh nhất định không để em làm thế. Anh ấy già rồi. Anh ấy hết thời rồi. Em sẽ là ngôi sao nổi tiếng nhất của làng điện ảnh, một khi bộ phim này được phát hành!” - Em biết. - Nếu em biết thế, tại sao lại làm như vậy? Em không cần anh ấy. Em không cần bất kỳ ai cả. - Bởi vì khi em cần, anh ấy giúp đỡ em. – Em nói bình tĩnh. – Giờ đến lượt em. Anh ấy cần em. - Anh ấy cần em ư? Tại sao thế? Bởi vì anh ấy kiêu hãnh đến mức không chịu mỏi gối cầu xin ư? - Không phải thế! Và anh cũng biết rõ là không phải thế! - Làm em trở thành ngôi sao nổi tiếng là ý tưởng do anh nghĩ ra! - Em không cần xin anh làm như vậy cho em! Raina cáu kỉnh nói. – Thậm chí em cũng không thích như vậy. Đừng có ngờ là em không biết anh đã làm cái gì. Giảm bớt vai của anh ấy đi trong bộ phim của chính anh ấy, dựng em lên như một thứ đài kỷ niệm ca ngợi cái tính ích kỷ của anh trong khi anh làm hại anh ấy! - Anh đã có thấy em cố ngăn cản điều đó đâu! – Tôi nói – Cả hai chúng ta đều biết rằng anh ấy đang hết thời rồi. Bây giờ mọi xưởng phim đều có một kiểu mới về vai anh chàng chăn bò. Một anh chàng ca hát. Anh ta dùng cái đàn ghita chứ không sử dụng khẩu súng nữa! - Anh hiểu rõ mọi cái như thế đấy hả? – Và: “Bốp!”, Raina căm tức vả mạnh vào mặt tôi. Tôi cảm thấy mặt nóng rẫy lên, rát rạt trong tiếng Raina dằn mạnh. “Chính vì thế mà anh ấy cần em hơn bao giờ hết!” Tôi phát khùng, vồ lấy vai Raina, lắc người em như điên. “Thế còn tôi thì sao? Cô có nghĩ là tại sao tôi đâm đầu vào chuyện này không? Không phải vì Nêvađa, mà là vì cô. Vì cô! Đã bao giờ cô kịp nghĩ đến điều đấy chưa, kể từ khi tôi cuống cuồng bay đến đây gặp cô không? Đã bao giờ cô có ý nghĩ rằng tôi cần đến cô không?” Raina chằm chằm cáu kỉnh nhìn tôi. - Anh chưa bao giờ cần đến ai cả, Giônơx ạ, ngoài bản thân anh. Nếu không, anh đã không bỏ vợ anh trơ lại một mình ở chỗ ấy. Nếu như anh có một chút tình cảm, thậm chí chỉ là lòng thương hại thôi, thì anh phải bay về đó, hay bảo cô ấy đến đây. - Xin cô đừng lôi vợ tôi ra dính vào chuyện này! Em bỗng vằng mạnh ra khỏi tay tôi. Ngực trước chiếc áo rách xoạc đến tận hông. Tôi trố mắt nhìn. Hai vú em phập phồng nhô lên nhô xuống theo nhịp thở hổn hển. Người tôi bỗng bừng bừng như phát sốt. “Raina!” Tôi ngấu nghiến miết môi mình lên miệng em. “Raina, anh xin em…” Trong một thoáng, miệng em chuội đi, em cố vùng vẫy bứt ra khỏi tôi. Rồi đột nhiên, em áp người vào tôi, mỗi lúc một sát, hai tay bấu chặt lấy cổ tôi. Đúng khi ấy, có tiếng cửa mở phía sau lưng. “Xéo khỏi đây ngay!”, tôi quát lên khàn khàn, không buồn quay lại nhìn. - Lần này thì không, anh Giônơx ạ! Tôi ẩy mạnh Raina về phía cửa buồng ngủ, từ từ quay lại. Đứng sững trước mặt tôi là ông bố vợ tôi và một người đàn ông nữa. Đằng sau họ, giữa ngưỡng cửa, là Monica. Tôi chằm chằm nhìn cô ta. Bụng cô ta phưỡn ra phía tôi. Amôx Uynthrop cất tiếng. Giọng cô ta uôm uôm đắc thắng. “Trước kia, để tôi đuổi được con gái tôi đi, mười nghìn đưa cho tôi là quá nhiều”. Ông ta cười khùng khục khe khẽ. “Vậy bây giờ anh xem anh phải tốn bao nhiêu để rứt bỏ được nó nhỉ?” Vẫn chằm chằm nhìn Monica, tôi bắt đầu chửi thầm mình. Thật không ngạc nhiên khi thấy một lão khốn kiếp như Amôx Uynthrop có thể cười được. Tôi quen Monica chưa đầy một tháng trước khi cưới. Thậm chí bây giờ, với cặp mắt không thông thạo của mình, tôi cũng có thể thấy rằng cô ta đã chửa ít nhất là được năm tháng. Như vậy là trước khi lấy tôi hai tháng, cô ta đã có mang. Tôi lại tự chửi thầm mình. Không có thằng ngu nào như một thằng ngu trẻ - ba tôi trước kia luôn nói như vậy. Và, như thường lệ, ông cụ lần này lại đúng. Cô ta không phải đang nướng cái bánh của tôi trong lò của cô ta. Quyển bốn. CHUYỆN CỦA RAINA MALOVI 1 Raina cẩn thận gấp tờ tạp chí lại, bẻ một góc cái trang đang đọc dở lên để đánh dấu, rồi đặt nó xuống tấm vải trắng mỏng cô đang đáp. - Cậu có cần gì không Raina thân yêu? – Giọng Ilenơ khẽ khàng thốt lên từ cái ghế bành cạnh giường. Raina ngoảnh đầu nhìn sang cô. Mặt Ilenơ gầy đi vì lo lắng. - Không. Mấy giờ rồi. Ilenơ cúi xuống nhìn đồng hồ của mình. - Ba giờ. - Ồ. Thế bác sĩ bảo mấy giờ ông ấy đến? - Bốn. Cậu không cần mình lấy cái gì cho ư? Raina lắc đầu. - Không cảm ơn. Mình thấy dễ chịu lắm. Cô lại cầm cuốn tạp chí lên, lướt lướt xem qua, rồi lại quẳng nó xuống cái chăn mỏng. - Ôi mình muốn được ra khỏi cái chỗ này quá! Ilenơ đã đứng dậy khỏi ghế, đến sát giường cúi xuống nhìn Raina. “Đừng có cáu thế nhé.”, cô nói nhanh, “rồi cậu sẽ được ra viện sớm. Và sẽ ước là vẫn còn được ở đây. Mình đã nghe thấy bảo rằng xưởng đang đợi cậu để có thể bảo cậu đóng bà Pompađua ngay”. Raina thở dài. “Lại cái chuyện cũ rích ấy. Cứ hễ khi nào bí kịch bản họ lại lôi nó từ giá xuống, phủi hết bụi bặm cho nó đi, rồi họ tuyên bố ầm ĩ và chừng nào họ kiếm được đủ tin tức về chuyện làm ăn của họ đăng lên báo thì nó lại được gác lên giá sách”. - Lần này thì không thế đâu. – Ilenơ nói thật thà.- Hôm qua mình có nói chuyện với Noman ở Niu Yooc. Ông ta bảo đang cho một người mới viết lại nó, bản thảo giờ tuyệt lắm. Ông ta nói rằng nó hiện nay đang mang một ý nghĩa xã hội. Raina mỉm cười. “Ý nghĩa xã hội ư? Ai đang viết nó đấy? Ôgin Ô Nen à?”. Ilenơ gật đầu. “Ông ta đang chờ Ô Nen xong là gửi ngay cho cậu một bản”. Và bất chấp lại ý muốn, Raina cảm thấy rạo rực. Có lẽ lần nàythì Bơny nói thực. Cô thấy mình bỗng háo hức bừng bừng khắp người. Ô Nen là một nhà văn thực sự, chứ không phải là một người viết kịch bản tầm thường ở Hôliut. Ông ấy có thể tạo cho câu chuyện một ý nghĩa nào đó. Rồi cơn phấn khởi qua vụt đi, cô lại cảm thấy mệt mỏi rã rời hơn trước. Ý nghĩa xã hội. Bây giờ mọi cái đều được dính thêm cái đuôi ấy. Kể từ ngày Rudơvent nhận chức. - Mấy giờ rồi? - Ba giờ kém mười.- Ilenơ đáp. Raina ngả người xuống gối. “Tại sao cậu không đi kiếm lấy cốc cà phê mà uống đi?” Ilenơ mỉm cười. “Mình không sao cả”. - Cậu đã ở đây suốt ngày. - Mình muốn ở đây mà. - Cậu đi đi. – Raina nhắm mắt lại. – Có lẽ mình sẽ chợp mắt một tý trước khi bác sĩ đến. Ilenơ đứng một hồi lầu cho đến khi cô nghe thấy tiếng thở nông, khe khẽ của giấc ngủ. Rồi cô dịu dàng vuốt phẳng chân, nhìn thẳng vào mặt Raina. Cặp mắt to nhắm nghiền. Gò má gầy, da căng lên trên lớp xương nhô cao. Dưới khuôn mặt rám nắng Caliphonia ấy chỉ còn thoang thoảng một mảng hồng. Cô vươn tay ra, khẽ gạt món tóc màu vàng sáng rũ xuống trán, rồi hôn nhanh lên cặp môi mệt mỏi và rời khỏi phòng. Cô hộ lý đang ngồi ở ngoài phòng vụt ngẩng lên nhìn. “Tôi đi uống cốc cà phê chút”. Ilenơ nói. “Cô ấy đang ngủ”. Cô hộ lý mỉm cười, nói với vẻ chắc chắn của người trong nghề. “Đừng lo lắng gì, cô Gala ạ, ngủ là thứ tốt nhất đối với cô ấy đấy”. Ilenơ gật đầu, bước ra khỏi phòng, ra hành lang. Cô cảm thấy rõ rệt ngực mình nghẹn lại, và một màn sương mờ mờ bao phủ trước mắt như suốt mấy tuần qua. Cô ra khỏi thang máy, tới quán cà phê, Mãi suy nghĩ, cô không hề nghe thấy ông bác sĩ gọi cho đến khi tay cô nắm vào quả đấm cửa quán. “Cô là cô Gala ạ?”. Trong một thoáng, cô nghẹn lời không nói nổi, chỉ lặng lẽ gật. “Cho phép tôi đi cùng chứ ạ?. - Có gì đâu.- Cô thốt lên. Ông bác sĩ mỉm cười, mở cửa nhường cô vào trước. Họ bước tới một cái bàn ở góc. Bác sĩ vẫy tay và hai cốc cà phê hiện ra trước mặt họ “Cô dùng thêm cái bánh bao nhé? Nom cô như có vẻ phải ăn một chút gì đó”. Ông cười, vui vẻ theo kiểu thầy thuốc. “Giờ mà lại có thêm một bệnh nhân nữa thì thật là chết”. - Không, xin cám ơn, tôi uống cà phê là đủ rồi. Ông bác sĩ đặt cốc của mình xuống: “Ngon thật”. Cô gật đầu. “Raina đang ngủ”. Cô nói buột ra cái ý nghĩ đầu tiên vụt tới trong đầu cô. - Tốt lắm!- Ông bác sĩ gật đầu, nhìn cô. Cặp mắt đen của ông sáng lấp lánh sau hai mắt kính.- Cô Malovi có ai thân thuộc họ hàng gì ở đây không nhỉ? - Không!- Ilenơ đáp nhanh. Rồi cô bỗng hiểu ra. Cô trố mắt nhìn ông. “Ông định nói là…”, giọng cô nghẹn đi. - Tôi không định nói gì cả.- Ông bác sĩ thốt lên,- Chỉ có nghĩa là trong những trường hợp như thế này, chúng tôi muốn biết tên người nhà bệnh nhân dể đề phòng nhỡ có chuyện gì. - Theo như tôi biết, Raina không có ai thân thuộc. Ông bác sĩ tò mò nhìn cô. “Thế còn chồng cô ấy?” - Ai?- Ilenơ ngỡ ngàng. - Thế không phải là cô ấy lấy Nêvađa Xmith sao?- Ông bác sĩ hỏi. - Cô ấy đã từng lấy. Nhưng họ đã ly dị nhau ba năm trước đây. Sau đó cô ấy lấy Clasđ Đănbơ, đạo diễn phim. - Và cuộc hôn nhân ấy cũng kết thúc bằng ly dị? - Không,- Ilenơ đáp gọn lỏn. Môi cô mím chặt,- Ông ta tự tử sau khi họ lấy nhau được hơn một năm. - Ồ!- Ông bác sĩ thốt lên. – Tôi xin lỗi. Có lẽ mấy năm vừa rồi tôi bận quá đến nỗi chả theo kịp được tin tức thời sự nữa. - Nếu cần phải làm cái gì, có lẽ tôi sẽ là người có thể đảm nhận được. – Ilenơ nói,- Tôi là bạn thân nhất của cô ấy. Cô ấy đã lấy tôi làm luật sư cho cô ấy. Ông bác sĩ lặng lẽ nhìn cô chăm chú. Cô có thể đọc được những ý nghĩ đằng sau cặp kính lấp loáng kia, ở trong đầu ông ta. Cô kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Ông ta nghĩ gì thì đã sao nào? Ai giờ có nghĩ gì thì đã sao nào? - Bác sĩ đã có kết quả thử máu chưa ạ? Bác sĩ gật đầu. Cô cố giữ cho giọng mình khỏi run bắn lên, “Có phải bệnh bạch cầu không ạ”. - Không !- Ông có thể nhìn thấy tia hy vọng vụt đến trong mắt cô. Ông vội vàng nói thêm để tránh làm cô đau khổ vì đã mừng hụt. – Đúng như chúng tôi đã nghĩ. Viêm não Encephalitis. – Ông nhận thấy vẻ mặt ngỡ ngàng của cô.- Đôi khi nó được gọi theo cái tên là bệnh ngủ. Mắt Ilenơ vẫn chưa chịu tắt hy vọng. “Vậy cô ấy có khả năng qua khỏi không?”. - Rất ít.- Bác sĩ nói, chăm chú nhìn cô.- Mà nếu cô ấy có sống, cũng không thể nói được là cô ấy sẽ như thế nào. - Thế nghĩa là thế nào?- Ilenơ hỏi giật giọng. - Encephalitis là một loại vi rút sống ở trong não.- Bác sĩ chậm rãi giải thích.- Trong vòng bốn năm ngày tới, trong khi lũ vi rút đang sinh sản cực kỳ nhanh; cô ấy sẽ phải chịu đựng những cơn sốt cao vô cùng. Trong những cơn sốt ấy, vi rút sẽ tàn phá não. Chỉ mãi đến khi hết các cơn sốt, chúng tôi mới có thể nói rằng não cô ấy đã bị hỏng như thế nào. - Có nghĩa là cô ấy sẽ bị mất trí?- Ilenơ kinh hoàng mở tròn mắt. - Tôi không rõ. Có rất nhiều dạng thiệt hại tác động vào não cô ấy. Cô ấy có thể bị liệt hoàn toàn hoặc bộ phận. Cô ấy có thể còn hoặc không còn nhớ nổi tên mình. Các di chứng giống như ở một cú đánh ấy. Nó phụ thuộc vào cái phần não nào bị tổn thương. Cơn choáng váng kinh sợ bỗng ập đến cô. Cô nghẹn thở, mặt tím ngắt. “Thở mạnh vào, uống một hớp nước!” Ông bác sĩ ra lệnh. Ilenơ làm theo. Mặt cô dần dần có thần sắc trở lại. “Ta có thể làm được gì không? Bất cứ một điều gì để chống lại nó?”. - Chúng tôi đang cố làm đến hết cách. Chúng tôi biết rất ít về cái bệnh ấy, về cách truyền bệnh. Ở những nước nhiệt đới, thông thường nó được côn trùng reo rắc qua những vết đốt của chúng. Nhưng nhiều trường hợp, ở Mỹ cũng như các nơi khác, nó tự nhiên xuất hiện, không rõ nguyên nhân từ đâu!. - Ba tháng trước, chúng tôi vừa ở Châu Phi về.- Ilenơ nói- Chúng tôi đã làm một bộ phim ở đó. - Tôi biết. Cô Malovi đã nói với tôi. Và đấy là cái đầu tiên khiến tôi sinh nghi. - Nhưng không có ai nữa bị ốm cả. Mà tất cả chúng tôi đều ở đấy ba tháng ròng rã, sống đúng như nhau, ở cùng một chỗ! Ông bác sĩ nhún vai. “Thì như tôi đã nói đấy, chúng tôi chưa chắc chắn biết rõ cái gì đã gây nên bệnh”. Ilenơ trố mắt nhìn ông. Một nỗi bàng hoàng kinh sợ lộ qua giọng nói của cô. “Tại sao không phải là tôi? Cô ấy còn nhiều cái quý giá để sống lắm!”. Ông bác sĩ vươn tay qua mặt bàn, vuốt ve tay cô, cử chỉ thân mật chân thành ấy của ông đã không làm cô cáu kỉnh giật tay ra như đã làm với hầu hết những người đàn ông khác. “Không rõ tôi đã nghe câu hỏi ấy bao nhiêu lần trong đời rồi? Và tôi cũng không thể nói được gì hơn trong lúc này đây so với khi tôi bắt đầu ra làm việc”. Cô ngước nhìn ông, biết ơn. “Ông thấy ta có nên bảo gì cho cô ấy biết không?” Đôi mắt đen của ông mở to sau cặp kính. “Để làm gì cơ chứ?”- Ông hỏi lại. “Hay để cô ấy có những giấc mơ”. Raina loáng thoáng nghe thấy có tiếng người ở bên ngoài cửa. Cô đang mệt. Người cứ bã ra, thấy rã rời. Mọi vật giờ chỉ còn là một màn sương mờ mờ dìu dịu. Mơ hồ, cô thầm hỏi không rõ giấc mơ ấy còn đến nữa hay không. Những đường viền sắc cạnh của nó đã chạm vào đầu cô. Tốt lắm. Giấc mơ đến đây rồi. Nhẹ nhàng, khoan khóai, cô buông mình rơi xuống nó. Cô chìm mãi, chìm mãi vào trong giấc mơ. Cô mỉm cười mà không biết, úp vùi mặt vào gối. Cô đang ngập chìm vào giấc mơ của mình. Giấc mơ về cái chết mà ngay từ ngày còn bé, cô đã bao lần từng mơ thấy. 2 Dưới bóng lá của những cây táo già cao lớn, cái sân mát rượi. Raina ngồi bệt xuống cỏ, sắp xếp mấy con búp bê quanh tấm ván nhỏ dùng làm bàn. - Này Xudi, - cô bé nói với mấy con búp bê nhỏ tóc đen,- con không được nhai tộp toạp thành tiếng như vậy. Đôi mắt đen của con búp bê nhìn cô bé trân trân không chớp. - Trời ơi, Xudi.- Cô bé lo lắng thốt lên một cách tưởng tượng.- Con lại làm đổ tóe ra hết quần áo rồi! Thế là lại phải thay cho mày! Cô bé nhấc con búp bê lên, nhanh chóng thay quần áo cho nó. Cô giặt áo quần trong một cái chậu tưởng tượng, rồi là chúng. “Bây giờ mày phải giữ gìn cho sạch đấy”, cô bé đe, giả vờ cáu kỉnh. Cô bé quay sang con búp bê kia. “Con thấy bữa sáng có ngon không hả Mary?”. Cô bé mỉm cười. “Ăn hết đi. Con sẽ chóng nhớn và khỏe lắm đấy”. Thỉnh thoảng, cô bé lại liếc mắt về phía tòa nhà to. Cô bé khoái chí vì được ở một mình thế này lắm. Thường thường thì cô bé có được thế này đâu. Sẽ có một bác hay một cô người làm gọi giật bảo vào nhà. Và mẹ cô sẽ mắng cho một trận, cấm không được chơi ở sân, bắt cô phải quẩn quanh ở cái cửa bếp, ở phía đầu kia của tòa nhà. Mà cô bé lại không thích chỗ đó. Nó nóng, lại không có cỏ, chỉ có bụi. Hơn nữa, nó ở gần chuồng ngựa, sặc mùi ngựa. Cô bé không hiểu tại sao mẹ lại làm rối rít ầm ĩ lên như vậy. Ông bà Malovi có nói gì đâu khi thấy cô bé ở chỗ đó. Thậm chí, một lần ông Malovi còn bế bổng cô bé lên, đưa cao quá đầu ông, dùi bộ râu cằm cù cô, làm cô bé suýt nữa thì vỡ bụng ra vì cười như nắc nẻ. Nhưng nếu cô bé mà mò vào bếp, thì thế nào mẹ cũng cáu, mẹ sẽ phát vào mông và bắt đi lên buồng, bắt ở đó suốt buổi chiều. Đấy là hình phạt khổ nhất. Cô bé rất thích ở trong bếp trong khi mẹ nấu cơm chiều. Mọi vật đều rất thơm. Ai cũng bảo mẹ cô bé là người đầu bếp giỏi nhất mà gia đình Malovi thuê được. Cô bé nghe thấy tiếng chân lại gần liền ngẩng lên nhìn. Rônơn Malovi thả người rơi đánh phịch xuống cạnh cô bé. Cô cúi xuống, cho Xudi ăn nốt rồi bình thản nói: “Anh có muốn ăn cơm chiều không Lađi?” Cậu khịt khịt mũi khinh bỉ, cậy thế đàn anh đã lên tám của mình, “Có thấy cái quái gì ăn được đâu”. Cô bé quay lại nhìn cậu. “Anh không thấy đấy thôi”, cô thốt lên, ấn vào tay cậu một cái đĩa của búp bê: “Ăn đi. Bổ cho anh lắm đấy!” Miễn cưỡng, cậu giả vờ ăn. Được một lúc, cậu phát chán, đứng dậy. “Anh đói lắm. Anh vào nhà đây, kiếm cái gì ăn thật được không?” - Anh không tìm được đâu.- cô nói. - Tại sao không? - Bởi vì mẹ em vẫn ốm và không có ai nấu cả. - Anh sẽ nhất định tìm được.- Cậu quả quyết. Cô bé nhìn cậu bỏ đi rồi quay lại với búp bê của mình. Khi trời đã sâm sẩm tối, Moly, cô hầu gái ở tầng trên, chạy ra tìm cô bé. Mặt Moly đỏ ửng lên vì khóc, “Vào đi, macushia”, cô thốt lên, ôm chầm lấy Raina, “mẹ bé muốn nhìn thấy bé một lần nữa đấy”. Bác đánh xe Pitơ, cô Mary, hầu gái ở tầng dưới và thím Any, giúp mẹ rửa bát đĩa đều có mặt. Mấy người đang xúm quanh giường của mẹ cô bé. Thấy cô bé đi tới, họ giãn ra cho bé vào. Có cả một ông mặc quần áo đen, cầm một cây thánh giá nữa. Cô bé đứng im phắc cạnh giường, nghiêm trang nhìn mẹ. Nom mẹ cô đẹp quá, mắt trắng xóa và bình thản, mái tóc vàng sáng chải lật mềm mại ra sau đầu. Raina nhích lại gần giường hơn. Mẹ cô bé mấp máy môi, nhưng Raina không nghe rõ lời mẹ nói. Ông mặc quần áo đen bế bổng cô bé lên. “Hôn mẹ con đi, con!”. Raina ngoan ngoãn hôn hai má của mẹ. Chúng đụng vào môi cô bé lạnh ngắt. Mẹ cô lại mỉm cười và nhắm mắt lại. Rồi đột nhiên, mẹ cô lại mở bừng mắt ra, nhìn thẳng lên trần nhà, đờ đẫn. Ông mặc áo đen nhanh nhẹn chuyền Raina sang bế ở tay kia. Ông đưa tay xuống vuốt mắt cho mẹ của cô bé. Moly chìa tay ra, ông đưa Raina cho cô. Raina nhìn mẹ. Bây giờ mẹ đang ngủ. Mẹ nom xinh quá, giống như những sáng sớm khi Raina tỉnh giấc trước, đến bên giường mẹ đứng nhìn. Cô bé lại nhìn quanh những người ở trong phòng. Mấy cô đang khóc. Ngay cả bác đánh xe Pitơ cũng dân dấn nước mắt. Cô bé ngẩng lên nhìn thẳng vào Moly. “Tại sao cô khóc hả cô?” Cô bé trịnh trọng hỏi. “Mẹ cháu chết rồi à?”. Mắt cô hầu phòng lại giàn giụa nước. Cô ôm chặt lấy Raina. “Im nào, bé”, cô gái thì thào. “Các bác các cô khóc bởi vì đều yêu mẹ cháu”. Cô bé Raina bước ra khỏi phòng. Cửa đóng lại phía sau họ. Raina ngẩng lên nhìn vào mặt Moly. “Sáng mai mẹ cháu có dậy đúng giờ để nấu cơm không cô?”. Moly tròn mắt nhìn cô bé, vụt hiểu. Cô quì thụt xuống giữa cái hành lang đầu cầu thang sau, tay bế Raina ru đi ru lại, òa lên khóc. “Ôi, cháu tội nghiệp, bé mồ côi tội nghiệp của cô!”. Raina nhìn cô Moly, rồi một thoáng sau, mắt cũng thấy rưng rưng và cô bé cũng òa lên khóc theo. Nhưng cô bé không hiểu lắm lý do tại sao mình khóc. Khi Pitơ bước vào bếp, đám gia nhân đang ăn tối. Raina ngẩng lên nhìn, mỉm cười. “Này, bác Pitơ xem”, cô gái cười khanh khách vui vẻ, “Cháu có ba đĩa kem cơ!”. Moly cúi xuống nhìn cô bé. “Xuỵt, khẽ chứ bé!”. Cô nói nhanh, mắt lại âng ậng nước. “Ăn hết kem đi”. Raina giương mắt tròn xoe, tư lự nhìn cô và đưa thìa lên miệng. Cô bé không hiểu tại sao cứ nói tới mình là các cô lại rơm rớm nước mắt. Đĩa kem vani nhà làm, ăn lạnh toát và ngọt lừ. Cô bé lại xúc một thìa đầy nữa. - Tôi vừa nói chuyện với ông chủ xong.- Pitơ nói- ông bảo được khi tôi xin phép để cô ấy ở trong phòng tôi, qua cái chuồng ngựa kia. Và cha Nolon đã nói ta có thể chôn cô ấy ở nghĩa trang nhà thờ Xênt Thômơx. - Nhưng làm thế sao được!- Moly thốt lên. – Khi chúng ta thậm chí cũng không biết chị ấy có đi đạo Thiên Chúa không. Ba năm vừa rồi kể từ khi đến đây, chị ấy có lần nào đi lễ đâu! - Thế thì khác gì hả?- Pitơ bực tức hỏi lại, - Cô ấy đã không xưng tội với cha Nolon rồi sao? Cô ấy đã không chịu lời cầu nguyện cuối cùng của Cha ư? Không hôn hình Thánh rồi sao? Cha Nolon đã mãn nguyện rằng cô ấy đã trở thành người có đạo. Mary, cô hầu phòng tầng dưới, nhiều tuổi nhất trong số ba cô gái, gật đầu đồng tình. “Tôi nghĩ rằng cha Nolon đúng đấy. Có thể cô ấy đã làm một cái gì đó nên sợ không dám đi lễ. Nhưng có điều quan trọng nhất là cuối cùng cô ấy đã trở lại với Chúa”. Pitơ gật đầu, nhấn mạnh. “Thế là xong rồi nhé”. Ra đến cửa, bác đứng dừng lại, nhìn họ. “Moly, đem con bé đi ngủ cùng cô tối nay nhớ. Tôi xuống quán rượu kếm mấy cậu đưa cô ấy ra phòng đêm nay. Cha Nolon nói là sẽ bảo ông Colind tới thu xếp việc chôn cất tẩm liệm cho cô ấy. Cha nói với tôi rằng nhà thờ sẽ trả tiền”. - Ôi, Cha nhân đức quá!- Mary thốt lên. - Cầu Chúa phù hộ cho Cha!- Any vừa nói vừa làm dấu. - Cho cháu ít kem nữa được không ạ?- Raina hỏi. Có tiếng gõ khẽ ở cửa. Moly nhanh nhẹn mở cửa ra. “Ồ, hóa ra là mẹ!” Cô thì thào thốt lên. - Tôi tới xem cháu bé có sao không?- Giơronđin Malovi nói. Cô gái bước lùi lại “Mẹ có vào không ạ?” Bà Malovi cúi nhìn xuống giường. Raina đang ngủ rất say, hai con búp bê của cô bé – Xudi và Mary- nằm ở hai bên cạnh. Mái tóc màu vàng sáng của cô bé được bện chặt lại thành những vòng nhỏ ở trên đầu. “Cháu nó thế nào?”. - Tốt ạ, thưa mẹ. – Cô gái khẽ cúi đầu.- Con bé tội nghiệp mệt quá nên ngủ thiếp đi như thế ạ. May mà nó chưa biết gì. Nó còn trẻ dại quá. Giơronđin Malovi nhìn đứa trẻ một lần nữa. Bà thoáng thầm tự hỏi mình mọi việc sẽ ra sao nếu bà là người đi, bỏ lại Lađi trơ trọi một mình, mồ côi mẹ. Nhưng, về một mặt nào đó, điều ấy còn có khác, bởi vì Lađi vẫn còn bố. Bà nhớ lại cái ngày đầu tiên thuê mẹ của Raina. Mặc dù chị nhiều năm nghỉ việc, những lời giới thiệu chị cho bà vẫn rất tốt. “Thưa bà, tôi có một đứa con ạ”, chị nói bằng một thứ tiếng Anh chính xác ngồ ngộ, học được trong trường phổ thông. “Một bé gái, hai tuổi”. - Thế chồng bà đâu, bà Oxtelag? - Anh ấy bị chết đuối khi tàu đắm. Anh ấy và cháu bé không hề biết mặt nhau.- Chị cúi nhìn xuống nền nhà hồi lâu.- Thưa bà, chúng tôi có con muộn. Người Phần Lan chúng tôi lấy nhau không sớm, chúng tôi chờ cho đến khi nào đủ điều kiện mới lấy nhau. Tôi đã cố sống dựa vào số tiền dành dụm của chúng tôi càng lâu càng tốt để nuôi dạy cháu. Giờ thì tôi phải đi làm rồi. Bà Malovi lưỡng lự. Một đứa trẻ hai tuổi có khi sẽ trở nên một điều khó chịu trong nhà. - Thưa bà, Raina sẽ không làm phiền gì đâu ạ. Cháu rất ngoan và ít lời. Cháu có thể ngủ ở phòng tôi và tôi xin sẵn sàng để bà tính trừ lương tôi về khoản ăn ở của cháu ạ. Bà Malovi đã từng rất muốn có một đứa con gái. Nhưng sau khi Lađi ra đời, bác sĩ đã bảo với bà là sẽ không còn một đứa trẻ nào nữa. Thật là tốt nếu để Lađi có bạn chơi. Nó bắt đầu hòan tòan sinh hư rồi. Bà đột nhiên mỉm cười. “Sẽ không có gì trừ tiền công của bà đâu, bà Oxtelag ạ. Xét cho cùng, một cháu bé gái thì ăn được bao nhiêu?’. Từ đấy đến nay đã gần ba năm. Và mẹ của Raina đã nói đúng. Raina không hề gây ra phiền phúc gì cả. - Mẹ, cái gì sẽ đến với Raina à?- Moly thì thào. Bà Malovi quay sang cô hầu gái. “Tôi chưa rõ”. Lần đầu tiên bà mới nghĩ đến việc đó. “Mai ông Malovi sẽ vào thành phố hỏi thăm về họ hàng của chị ấy xem sao”. Cô hầu gái lắc đầu. “Dạ, ông chả tìm ra được ai đâu, mẹ ạ”. Cô nói chắc chắn. “Con thường nghe thấy ông nói rằng chị ấy chả có gia đình gì cả”. Mắt cô gái lại ứa nước. “Ôi, con bé tội nghiệp. Nó sẽ phải tới trại mồ côi của quận mất!”. Bà Malovi cảm thấy họng mình như nghẹn lại. Bà cúi xuống nhìn Raina đang ngủ ngon lành, say sưa. Bà thấy mắt mình bắt đầu rưng rưng. “Im đi, Moly”, bà gắt lên, “tôi chắc chắn con bé sẽ không phải đến trại mồ côi. Ông Malovi sẽ tìm ra được gia đình nó”. - Nhưng nếu ông không thấy ạ? - Khi ấy ta sẽ tìm cách khác. – Bà đáp, đi ngang qua phòng, bước nhanh ra ngoài cái hành lang hẹp. Có tiếng lịch kịch ở đằng sau. Bà quay lại. - Nhẹ tay chứ, các chú!- Bà nghe thấy giọng Pitơ nói. Rồi bác xuất hiện, đi giật lùi. Bà đứng dán lưng vào tường, để họ đi qua. - Xin lỗi bà, thưa bà.- Bác nói, mặt đỏ tía lên vì cố sức.- Thật đáng buồn, đáng buồn quá! Họ đi qua với cái thi hài đã được liệm, làm cho không khí có một mùi thoang thoảng nhưng không thể nào lẫn được của bia. Bà thầm tự hỏi không biết mình có đúng không khi thuyết phục chồng cho phép họ lấy căn phòng bên kia chuồng ngựa làm chỗ quàn. Một đêm để quan tài ở đó với những người này thì sẽ lung tung hết cả lên. Bà nghe thấy tiếng chân họ thậm thịch đi xuống cầu thang. Và thế là họ đã đem Bectha Oxelag, sinh ra ở một làng chài nhỏ ở Phần Lan, tới cái đám tang cuối cùng của mình trong một nhà thờ lạ, rồi nấm mồ của mình trên một mảnh đất cũng lạ xa. 3 Harixơn Malovi từ ngưỡng cửa đã có thể thấy mái đầu vợ đang lúi cúi trên miếng vải thêu. Ông rón rén bước qua phòng, cúi người qua thành ghế sau lưng bà, hôn chụt một cái lên má. Giọng bà giật nảy lên với cái vẻ vui thích quen thuộc. “Ôi, Hary! Gia nhân trông thấy thì sao?”. - Đêm nay thì không!- Ông phá lên cười.- Tất cả bọn họ đang đổ dồn tâm trí vào bữa tiệc. Anh thấy Mary diện lắm nhớ. Giọng vợ ông có vẻ trách móc. “anh biết rõ ràng không phải họ có tiệc”. Ông đi vòng ra đằng trước vợ, miệng vẫn mỉm cười. “Họ thì không gọi là như vậy. Nhưng cứ để tay người Aixlen làm thì cái gì cũng thành tiệc cả”. Ông đến bên tủ rượu. “Em uống chút Seri[23] trước khi ăn nhé”. - Nếu anh không phản đối, thì em muốn uống một cốc Mactini[24] đêm nay.- Bà đáp ngập ngừng. Ông quay lại, thoáng ngạc nhiên. Thuở xưa, khi họ đang hưởng trăng mật ở Châu u, một ông chủ quán rượu Pari đã giới thiệu với họ kiểu pha rượu mới này và từ đó trở đi, nó đã trở thành một tín hiệu riêng, thầm kín giữa hai người. - Được chứ, em yêu!- Ông kéo chuông gọi. Mary hiện ra ở ngưỡng cửa.- Làm ơn mang cho tôi ít đá vụn, Mary. Cô khuỵu chân, biến mất. Ông quay lại tủ rượu, lấy xuống một chai rượu mùi, một chai vang trắng của Pháp và một cái lọ tinh dầu cam. Dùng một cốc đo, ông cẩn thận đong ba cốc rượu mùi vào bình pha rượu rồi đổ thêm một cốc rượu vang trắng. Sau đó trịnh trọng như làm lễ, ông nhỏ bốn giọt dầu cam vào bình pha. Lúc này, nước đá đã được mang tới, để trên cái bàn cạnh ông. Ông bỏ nó đầy lên đến tận miệng cái bình pha rượu. Ông cẩn thận đậy nắp bình lại rồi lắc nó liên hồi. Cuối cùng, rượu đã đủ lạnh. Ông vặn nắp bình ra, khẽ khàng đổ nó vào cốc. cái bình cạn. Ông thả vào mỗi cốc một quả ôliu, rồi bước lùi lại, hài lòng đứng nhìn. Cái cốc đầy ắp đến tận miệng- thêm một giọt nữa là sẽ tràn, thiếu một giọt nữa thì chưa đầy. Giơronđin Malovi đưa cốc của mình lên miệng. Bà chun mũi tỏ ý tán thưởng. “Ngon quá!”. - Cảm ơn em!- Ông đáp, nâng cốc của mình lên,- Chúc em khỏe, em yêu ạ. Ông từ từ hạ cốc xuống, mơ màng nhìn vợ. Có lẽ người ta nói đúng – đàn bà rực rỡ nhất vào thời kỳ họ bắt đầu hơi già đi, và lòng say mê của họ tăng lên. Ông nhẩm tính rất nhanh. Năm nay ông ba mươi tư, như vậy Giơronđin là ba mốt. Họ lấy nhau được bảy năm rồi. Và trừ thời gian trăng mật, cuộc đời họ diễn ra đều đều phẳng lặng. Thế mà bây giờ, hai lần trong chưa đầy một tuần. Có lẽ người ta nói đúng. Nếu đúng vậy, ông thấy không sao cả. Ông yêu vợ. Đấy chính là lý do khiến ông xuống ở ngôi nhà dưới phố Nam. Để tránh cho bà cảm thấy khổ sở vì nom thấy ông nhiều quá mức cần thiết. Ông lại nâng cốc của mình lên. - Hôm nay anh đã tìm thấy gì về gia đình của Bectha chưa? Harixơn Malori lắc đầu. “Không có gia đình ở đâu cả. Có lẽ là ở Châu u. Nhưng ta thậm chí cũng không biết chị ta từ thành phố nào đến nữa”. Giơronđin nhìn xuống cốc rượu của mình. Rượu vàng nhạt trong cái cốc trong vắt. “Kinh khủng quá”, bà nói lặng lẽ, “không biết cái gì sẽ xẩy ra với con bé bây giờ?”. Harixơn nhún vai. “Anh không hiểu. Có lẽ anh phải báo cho nhà chức trách. Nó có lẽ sẽ vào nhà trẻ mồ côi quận”. - Ta không thể để thế được!- Câu nói buột ra khỏi miệng bà rất tự nhiên. Harixơn trố mắt ngạc nhiên nhìn bà “Sao không?” Ông hỏi lại. “Anh thấy ta chẳng còn có cách nào khác”. - Tại sao ta không thể để con bé ở đây được? - Em không thể. Ông nói. – Về việc này có luật đấy. Một đứa trẻ mồ côi không giống như một thứ động sản đâu. Em không thể giữ nó lại được với cái lý do là nó ngẫu nhiên bị bỏ lại trong nhà em. - Anh có thể nói với các nhà chức trách chứ. Em chắc rằng họ sẽ thích để nó lại với ta hơn là biến nó thành một món nợ với Nhà nước chứ. - Anh không biết. Có thể họ sẽ muốn ta nhận nuôi nó để chắc rằng ta sẽ không lợi dụng nó. - Hay, thật tuyệt vời!- Giơronđin mỉm cười đứng dậy khỏi ghế, đi đến bên chồng.- Sao em lại không nghĩ ra nhỉ? - Nghĩ ra cái gì? - Nhận Raina làm con nuôi. Giơronđin đáp.- Em thật tự hào là có anh. Anh sáng suốt quá. Anh nghĩ ra được mọi cái. Ông bàng hoàng nhìn bà, không thốt ra lời. Bà quàng hai tay ôm lấy cổ ông. “có phải anh đã từng luôn mong có một đứa con gái chạy lung tung ở trong nhà không nào? Và Lađi chắc sẽ rất vui vì có một cô em gái nhỏ”. Ông cảm thấy sức ép nhẹ nhàng của thân thể bà lên người ông, và một luồng hơi ấm áp lại đột nhiên dâng ngập lên trong lòng mình. Bà hôn rất nhanh lên môi ông, rồi cũng rất nhanh, quay ngoắt mặt đi, như ngượng ngùng vì cũng đã cảm thấy ông đáp lại mình gần như lập tức. - Ôi!- em sao bỗng rạo rực quá! Bà thì thào đầy ý nghĩa, áp mặt vào vai chồng.- Ta uống thêm cốc Mactini nữa, được không anh?... Đanđi Gim Calahan đứng giữa văn phòng của mình, nhìn họ. Tư lự, ông đưa tay lên xoa xoa cằm. “Tôi cũng không biết nữa”, ông đáp. “Ông bà hỏi tôi một điều rất khó đấy”/ - Nhưng thưa ông thị trưởng, chắc chắn là ông làm được ạ- Giơronđin nói. Ông thị trưởng lắc đầu. “Không dễ dàng như bà nghĩ đâu ạ, thưa bà. Bà quên rằng nhà thờ cũng sẽ nói được về việc này. Xét cho cùng, người mẹ theo đạo công giáo và ông bà không thể nhận một đứa bé công giáo vào một gia đình Tin Lành được. Ít nhất là ở cái thành phố Bôxtơn này. Người ta sẽ không chịu một chuyện thế đâu”. Giơronđin quay đi, mặt lộ rõ vẻ không hài lòng. Chính lúc đó, lần đầu tiên bà được nhìn thấy chồng, là một người khác với cái anh thanh niên tốt nghiệp trường Havơd trẻ trung đáng yêu mà bà đã cưới. Ông bước lên phía trước, trong giọng ông lộ ra một sức mạnh bà chưa hề biết tới. “Và chắc là nhà thờ sẽ không thích hơn nữa khi tôi chứng minh rằng người mẹ chưa bao giờ là người công giáo cả. Khi ấy chắc chắn họ sẽ đâm ra có bộ mặt buồn cười nhỉ?”. Ông thị trưởng quay lại phía ông. “Ông có những bằng chứng à?” - Tôi có.- Malovi nói. Ông rút một tờ giấy ra khỏi túi.- Căn cứ của người mẹ và giấy khai sinh của đứa bé đây. Cả hai đều nói rất rõ ràng rằng họ là những người Tin Lành. Đanđi Gim cầm lấy mấy tờ giấy, đọc kỹ. “Nếu ông có những thứ này, tại sao ông lại không ngăn họ lại?”. - Tôi làm sao được? Hôm qua tôi chưa nhận được chúng. Đám gia nhân và Cha Nolon thu xếp mọi thứ xong ngay trong đêm vừa rồi. Mà hơn nữa, thế thì có khác gì với người đàn bà tội nghiệp ấy? Chị ấy đã được chôn cất theo nghi thức của Chúa rồi. Đanđi Gim gật đầu, đưa trả lại giấy tờ. “Cha Nolon sẽ thấy ngượng lắm đây”. Ông thốt lên. “Một linh mục trẻ tuổi, trong đại hạt đầu tiên của mình mà lại nhầm lẫn như vậy. Ngài giám mục, hẳn là sẽ không hài lòng”. - Ngài giám mục không cần phải biết một tý gì cả.- Malovi nói. Đanđi Gim tư lự nhìn ông, không nói. Malovi gây sức ép thêm. “Sang năm sẽ có cuộc bầu cửa mới”. Đanđi Gim gật đầu “Bao giờ cũng có một cuộc bầu cử vào một lúc nào đó”. - Đúng vậy- Malovi đáp.- Sẽ có những cuộc bầu cử và những cuộc vận động. Một ứng cử viên cần tiền đóng góp cũng gần như cần phiếu bầu cho mình. Đanđi mỉm cười. “Tôi đã nói với ông lần nào rằng tôi đã từng gặp cha ông chưa nhỉ?”. Malovi cũng mỉm cười lại. “Chưa, ông chưa nói bao giờ. Nhưng ông cụ nhà tôi luôn nhắc đến điều ấy. Ông cụ đã kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu lần là cụ tống cổ ông ra khỏi chức vụ của ông một bận như thế nào”. Đanđi Gim gật đầu “Đúng vậy. Ông cụ nhà ông tính như lửa ấy. Người ta có thể nhầm ông cụ là người Aixlen. Mà tất cả những gì tôi làm là hỏi xin cụ ít tiền đóng góp. Đã hai mười năm từ ngày đó đến nay rồi. Khi ấy tôi đang vận động để làm một chân Hội đồng thành phố. Ông có biết ông cụ khi đó nói với tôi thế nào không?”. Malovi lắc đầu. - Ông cụ chửi thề rằng nếu tôi trúng cử, dù chỉ là vào chức vụ anh chàng bắt chó thôi, thì ông cũng đem cả gia đình cuốn xéo ngay khỏi thành phố!- Đanđi Gim mỉm cười.- Cụ sẽ không vui nếu cụ biết được rằng ông đã đóng góp cho quỹ vận động bầu cử của tôi đâu. Malovi vẫn vững vàng. “Cha tôi là cha tôi, và tôi rất kính trọng ông cụ. Nhưng cái tôi làm với tiền của tôi và đường lối chính trị của tôi là việc của tôi, chứ không phải của ông cụ”. - Ông còn con cái nào nữa không?- Đanđi Gim hỏi. - Một cháu trai- Giơronđin đáp nhanh.- Lađi lên tám tuổi. Đanđi Gim mỉm cười. “Tôi cũng không biết nữa. Rồi có ngày phụ nữ cũng sẽ được bầu cử và nếu cô bé con ấy được nuôi dưỡng ở trại trẻ trên đồi kia, tôi chắc chắn sẽ không bao giờ có được cái phiếu bầu đó”. - Thưa ông thị trường, tôi xin hứa với ông một điều.- Giơronđin nói nhanh.- Rằng nếu ngày ấy tới, thì đám phụnữ ở nhà tôi sẽ luôn luôn bỏ phiếu cho ông! Nụ cười Đanđi Gim càng nở rộng ra. Ông cúi xuống chào trịnh trọng. “Luôn luôn mà cả thỏa thuận là cái điểm yếu của các chính khách”. Ngày hôm sau, Timothy Kenly, bí thư của thị trường, xuất hiện trong văn phòng của Malovi tại ngân hàng và nhận một tấm séc lĩnh năm trăm đôla. Ông ta đề nghị Malovi sẽ nói chuyện với một thẩm phán ở tòa án thành phố. Và ở đó, việc nhận con nuôi đã được thực hiện. Nhanh chóng, lặng lẽ và hợp pháp. Khi Malovi ra khỏi cái văn phòng của viên thẩm phán, ông để lại chỗ ông thẩm phán một cái giấy khai sinh của một đứa trẻ da trắng, con gái, tên Katrina Oxtelag. Trong túi ông giờ là một tờ giấy khai sinh mang tên con gái ông- Raina Malovi. 4 Dưới cái ô che nắng to quá khổ, Giơrơnđin đang ngồi trên một chiếc bạt. Cái dù nhỏ của bà gác ở bên cạnh. Bà chậm rãi phe phẩy quạt. - Em không thể nhớ là đã có hè nào nóng như hè này chưa không biết. – Bà thở hổn hển,- Trong bóng râm thế này cũng băm hai băm ba độ là ít. Chồng bà ngồi trên chiếc ghế bên cạnh ầm ừ trả lời. Ông còn đang mải mê chúi mũi vào tờ báo của thành phố Bôxtơn, đến cái Mũi đất này chậm mất một ngày. - Anh bảo gì cơ, Hary? Ông gấp tờ báo lại, nhìn vợ. “Rằng Uynxơn[25] là một lão ngu đại hạng!” Giơrơnđin vẫn nhìn dõi ra biển. “Tại sao anh lại nói ông ấy thế, hả anh yêu?” Ông đập tay vào tờ báo đánh phạch một cái. “Vì cái trò Hội quốc liên ấy chứ còn gì. Giờ thì ông ta bảo là ông ta sẽ sang Châu u để thực hiện việc đảm bảo hòa bình”. Giơrơnđin nhìn ông. “Em cho rằng đấy là một ý định tuyệt vời chứ!”. Bà nói khẽ. “Mà xét cho cùng, lần này chúng ta gặp may. Lađi còn chưa đến tuổi phải đi lính. Nhưng đến lần sau, chắc chắn sẽ khác.” Ông xì mũi “Sẽ không bao giờ có lần sau nữa. Đức thế là đi đời rồi. Mà hơn nữa, chúng làm gì được ta nào. Chúng ở bên kia biển. Chúng ta có thể ngồi nguyên nhìn người ta chém giết nhau nếu người ta muốn gây ra một cuộc chiến tranh nữa.” Bà nhún vai. “Tốt hơn hết là anh ngồi dịch vào trong ô đi anh. Anh biết rõ bị bắt nắng thì người anh sẽ đỏ ch-áy lên như thế nào rồi đấy!” Harixơn đứng dậy, nhích ghế vào trong bóng chiếc ô hơn. Rồi ông thở dài, ngồi xuống và lại vùi đầu vào tờ báo. Raina đột nhiên xuất hiện trước mặt Giơrơnđin. “Mẹ, từ khi con ăn xong đến bây giờ đã được một tiếng rồi. Con tắm được không mẹ?”. - Con có thể tắm được không ạ?- Bà chữa lại ngay, không cần phải suy nghĩ. Bà nhìn Raina. Mùa hè này nó đã lớn phổng lên. Khó mà tin được là nó mới mười ba tuổi. So với tuổi, nó thế là lớn, gần một mét năm bảy, chỉ kém hai phân so với Lađi là đứa hơn nó ba năm. Tóc nó đã bợt trắng ra vì dãi nắng; da rám lại đến mức so với nó, cặp mắt hình quả hạnh đâm ra cũng nhạt màu. Chân nó dài và thanh tứ, hông bắt đầu tròn ra hơn một tý và hai vú đã đầy đặn, tròn trĩnh nổi hẳn lên trên cái áo tắm trẻ con của nó, như đôi vú của một cô gái mười sáu tuổi. - Con có thể tắm được không ạ?- Raina nhắc lại. - Được. Nhưng cẩn thận, con nhớ. Đừng có bơi ra quá xa đấy. Mẹ không muốn con tự làm mệt con đâu. Nhưng Raina đã vụt đi mất rồi. Giơrơnđin mỉm cười với mình. Raina là như vậy. Con bé không giống bất cứ đứa con gái nào mà bà biết. Raina không hề chơi như con gái. Nó có thể bơi và chạy nhanh hơn bất kỳ thằng bé nào trong số bạn của Lađi và chúng nó đều biết điều ấy cả. Nó không hề vờ vĩnh sợ nóng hay tránh ánh nắng. Nó không buồn để ý xem da nó có mềm và trắng không. Harixơn Malovi bỏ tờ báo ngẩng lên. “Mai anh phải vào thành phố. Bọn anh chuẩn bị đòi nợ chỗ Xtanđis về”. - Vâng, được ạ.- Giọng trẻ con lanh lảnh thỉnh thoảng lại loáng thoáng vọng lại chỗ họ.- Ta cần phải làm một cái gì đó với Raina,- Bà tư lự thốt lên. - Raina ư? Raina làm sao?- Ông hỏi lại. Bà quay sang ông, “Anh không để ý thật ư? Con bé con của chúng ta đã lớn lên rồi!”. Ông hắng giọng. “Hư…ừm… Ờ nhỉ. Nhưng dù sao nó vẫn là một đứa trẻ!” Bà mỉm cười. Người ta nói về các ông bố đúng thật. Họ nói nhiều về con giai của họ nhưng lại thầm thích thú về con gái mình. “Năm ngoái, nó đã trở thành con gái rồi”, bà nói. Mặt ông đỏ ửng lên. Ông cúi xuống tờ báo. Thực ra ông đã mơ hồ cảm thấy điều đó, nhưng đây là lần đầu tiên họ nói tới nó một cách công khai như vậy. Ông nhìn ra phía bãi biển, cố tìm Raina trong các đám đông đang la thét ầm ĩ, té nước tung tóe lên. “Em có nghĩ là ta nên gọi nó về không? Nó ở chỗ nước sâu, xa bờ thế kia nguy hiểm quá.” Bà mỉm cười với ông. Tội nghiệp cho cái anh này. Bà có thể đọc được ý nghĩ của ông như một cuốn sách. Không phải là ông sợ nước, mà là ngại đám con trai kia. Bà lắc đầu… “ Không sao đâu. Nó ở đó hoàn toàn yên ổn. Con bé bơi như cá ấy.” Ông ngượng ngập liếc nhìn bà. “Em có nghĩ rằng em nên nói chuyện với nó chăng? Có thể giải thích một đôi điều với con bé. Như anh đã làm với Lađi hai năm về trước ấy.” Nụ cười của Giơrơndin trở nên ranh mãnh tinh nghịch. Bà rất thích khi thấy chồng, người vốn rất tự tin luôn cả quyết từ những cái nhỏ nhất trở đi, lại lúng túng loanh quanh về chuyện ấy như vậy. “Đừng có ngớ ngẩn như vậy, Hary”, bà bật cười, “em chẳng cần phải nói với nó cái gì đâu. Khi một chuyện như vậy xảy ra, nói cho nó biết cặn kẽ tất cả mọi thứ nó cần biết là một điều rất tự nhiên thôi.” - Ồ. – Ông thốt lên nhẹ nhõm. Bà lại trở nên suy nghĩ đăm chiêu. “Em nghĩ Raina là một trong những đứa trẻ may mắn vượt từ tuổi vị thành niên sang tuổi thanh niên mà không phải trải qua những giai đoạn ngượng ngùng khó khăn. Nó không hề có một tý nào lóng ngóng rụt rè cả. Da nó vẫn mịn căng. Không hề có vết lở hay mụn nhọt gì. Khác hẳn với thằng Lađi.” Bà quay lại, nhìn ra biển: “Nhưng dù sao, em nghĩ ta vẫn phải làm một cái gì đó cho con bé. Có lẽ em sẽ mua cho nó mấy cái xu chiêng.” Malovi lặng thinh. Bà quay lại nhìn ông. “Em thực thà nghĩ rằng ngực nó đã to bằng ngực em rồi đấy. Mong sao cho nó đừng lớn tướng lên thành quá cỡ. Con bé sẽ trở thành một đứa rất xinh.” Ông chậm rãi mỉm cười. “Sao lại không nào?” Bà nắm lấy tay ông, mỉm cười lại với ông. Cả hai đều hiểu ông muốn nói gì. Cả hai đều nghĩ đến Raina như đứa con rút ruột đẻ ra của chính họ. - Anh cho em đi theo anh về thành phố tối nay nhớ? – Bà nói khe khẽ. - Ở một đêm trong khách sạn là rất hay. Ông bóp nhẹ tay bà. “Thế thì hay lắm!”. - Moly có thể trông nom bọn trẻ được. Và mai trước khi về, em sẽ có đủ thời gian mua sắm đôi chút. Ông nhìn bà và nhoẻn cười. “Anh đồng ý với em đấy”. Ông cất giọng trang trọng giễu giễu: “Cái căn nhà nhỏ ở đây đã hơi nhiều người rồi. Tôi sẽ gọi điện cho khách sạn, bảo họ chuẩn bị một bình đầy rượu Mactini, sẵn sàng đợi tôi và bà tới!”. Bà buông tay ông ra. “Ôi, cái đồ phóng đãng nhà anh!” Bà thốt lên, và bật cười. Raina sải tay bơi rất thoải mái, gọn gàng, mắt dán vào cái bè lặn nằm quá ở phía ngoài những lượn sóng cồn. Lađi chắc đang ở đó cùng ông bạn của anh ấy Tony Ranđơn. Cô nhô lên khỏi mặt nước gần như ngay phía dưới chân họ. Hai cậu con trai đang nằm dài, ngửa mặt lên trời, nghe thấy tiếng chân Raina leo lên thang liền ngồi bật dậy. Mặt Lađi cau có, khó chịu vì sự đột nhập của cô bé vào cái chốn riêng của các chú. “Tại sao mày không ở trong kia với bọn con gái hả?”. - Anh ra đây được thì em cũng có quyền ra đây được chứ! – Raina đối đáp lại sau khi đã lấy lại được hơi thở, tay vuốt thẳng hai cái móc vai của bộ áo tắm đã quá chật đối với mình. - Ồ, cứ việc thôi. – Tony nói, ngước nhìn lên. - Cứ để cho nó ở đây cũng được. Raina thoáng liếc nhìn chú ta bằng đuôi mắt và phát hiện ra rằng chú chàng đang chằm chằm nhìn vào hai vú lộ ra đến một nửa của mình. Chính vào đúng cái giây đó, cô bé đã trở thành một người đàn bà. Giờ thì ngay đến Lađi cũng trố mắt nhìn cô với một vẻ rất buồn cười mà cô chưa bao giờ thấy cả. Vô tình cô bé thả xuôi hai tay xuống hai bên. Nếu chỉ làm thế để cho hai người chấp nhận cô bé, thì cứ việc nhìn thỏa sức. Cô bé ngồi xuống đối diện với hai chú, vẫn cảm thấy ánh mắt của hai chú dán lên người mình. Cô bé bỗng nhận thấy một cơn đau nghẹn từ từ dâng lên ở ngực. Cô cúi xuống nhìn vào mình. Hai đầu vú của cô nổi hằn trên nền đen của chiếc áo tằm dệt kim. Cô lại ngẩng lên nhìn các cậu. Họ đang trân trối nhìn cô rất lộ liễu. - Các anh nhìn cái gì thế? Hai chú thoáng đưa mắt ngượng ngập liếc nhau một cái, rồi nhìn lảng ngay đi lập tức. Tony chăm chú nhìn dõi ra các con sóng còn Lađi cúi xuống ngắm cái bè. Cô bé chằm chằm nhìn ngó Lađi. “Cái gì thế?” Cổ chú từ từ đỏ ửng lên. - Em đã nom thấy rồi mà. Các anh đã nhìn vào ngực em! – Cô bé khẳng định. Hai chú lại đưa mắt nhìn nhau. Lađi đứng dậy. “Đi đi, Tony”, chú thốt lên, “ở đây đâm ra quá đông người rồi đấy!”. Chú lao ùm xuống biển. Một giây sau bạn chú nhào theo. Raina chăm chú nhìn họ bơi vào bờ một thoáng rồi ngả mình duỗi dài trên cái bè, ngẩng mặt lên nhìn bầu trời rực nắng. Con trai kì cục thật, cô bé thầm nghĩ. Cái áo tắm chật xiết vào ngực cô bé. Cô rúm người lại, hai vú cô nhảy bung ra khỏi cái áo vướng víu. Cô cúi nhìn xuống. Chúng trắng xóa, nổi bật trên nền da rám nâu của hai tay và cổ cô. Hai núm vú mịn màng, đỏ hồng và đầy đặn hơn bao giờ hết. Cô đưa đầu ngón tay khẽ chạm vào chúng. Chúng rắn như những hòn sỏi nhỏ. Và một cơn đau dìu dịu, ấm áp, khoan khoái chạy rùng lên trong ngực cô. Ánh mặt trời bắt đầu làm chúng nóng lên, hơi ran rát. Cô đưa tay lên chậm rãi xoa xoa, làm tan cơn đau dìu dịu ấy đi. Và sức nóng ở hai đầu vú cô dần dần lan xuống ngực, xuống khắp người. Cô bé cảm thấy người mình như đờ đẫn đi trong một cảm giác khoan khoái, lâng lâng chưa hề được biết. 5 Raina đứng trước gương, lúi húi chỉnh lại móc xu chiêng. Cô bé thở mạnh. Cô quay sang nhìn mẹ mình đang ngồi trên giường phía sau. - Thế nào, mẹ? Nom có được không ạ? – Cô bé kiêu hãnh thốt lên. Giơrơnđin ngờ vực nhìn con gái mình. “Có lẽ con nên chuyển vào cái móc cuối cùng ấy”, bà lưỡng lự và tế nhị nói. - Con thử rồi, mẹ ạ. Nhưng con không thể đeo được như vậy. Nó cứa vào ngực đau lắm. Giơrơnđin gật đầu. Lần sau có lẽ bà phải mua một số to hơn. Nhưng ai mà ngờ được rằng số tám nhăm mà còn quá chật với một cái dáng dong dỏng thon thả như vậy. Raina lại quay lại nhìn vào gương, ngắm mình bằng cặp mắt hài lòng. Từ bây giờ trở đi, nom bên ngoài cô bé cũng bắt đầu giống với những gì cô bé cảm thấy ở bên trong. Cô bỗng để ý thấy mẹ mình cũng đang nhìn mình trong gương. - Mẹ, có lẽ con phải có những áo tắm mới? Mấy cái áo cũ của con chật quá rồi. - Mẹ cũng đang nghĩ như vậy. Và cả vài bộ quần áo mới nữa. Có lẽ ăn sáng xong, bố sẽ đánh xe đưa chúng ta tới Haiơnix Pot đấy. Raina nhoẻn cười sung sướng, chạy ào tới chỗ mẹ, ôm choàng lấy cổ bà. “Ôi, cảm ơn mẹ, mẹ yêu quý của con”, cô bé sung sướng reo lên. Giơrơnđin ấp đầu Raina vào ngực mình. Bà hôn lên mái tóc vàng sáng và nâng khuôn mặt rám nắng của cô bé lên. Bà nhìn thẳng vào Raina, ngón tay mơn man má cô bé. “Có chuyện gì vậy, con gái bé bỏng?”, bà thốt lên, gần như buồn bã. Raina nắm lấy tay mẹ, đưa lên hôn vào giữa lòng bàn tay. “Không có gì đâu, mẹ ạ”, cô bé đáp với vẻ bình tĩnh và tin tưởng đã bắt đầu trở thành một phần không tách rời của con người cô. “Không có gì ngoài điều mẹ đã bảo con. Rằng con đang lớn lên đấy”. Giơrơnđin vào mặt cô bé. Một màn sương chợt ập đến đôi mắt bà. - Đừng có vội quá, đừng có vội, con gái bé bỏng của mẹ ạ! – Bà ấp chặt mái đầu Raina vào ngực mình. – Chúng ta có ít những năm thơ ấu lắm! Nhưng Raina hầu như không nghe thấy những lời đó. Mà nếu cô bé có nghe được, những lời ấy chắc đâu có ý nghĩa gì. Bởi chúng chỉ là lời, lời suông bất lực trước những sức mạnh mãnh liệt đã bừng tỉnh trong lòng cô bé, như bên ngoài cửa sổ kia những con sóng đã bao đời vỗ vào bờ và tan vụn. Lađi quay vụt người, lẳng quả bóng vào góc thứ nhất. Anh chàng chạy xoay người, co cẳng phi về đường an toàn, chân đá bụi tung mù lên. Khi lớp bụi tan, có thể nghe rõ tiếng cậu trọng tài thét váng lên: “Cậu ra!”, và cuộc chơi kết thúc. Mấy cậu con trai xúm lại quanh Ladi, đấm thùm thụp lên lưng chú một cách vui vẻ. “Chơi nghề lắm. Lađi”, “Ném tuyệt đấy!”. Rồi đám đông tản ra, còn lại chú và Tony. Cả hai cùng quay lại bãi biển. - Chiều nay cậu định làm gì? – Tony hỏi. Lađi nhún vai. “Không có gì cả”. Chú còn đang mải nghĩ về cú đập bóng kinh người của Mahany để chạy về góc nhà ấy. Đáng nhẽ chú không bao giờ được để quả bóng rời khỏi mình như vậy. Chú phải chơi tốt hơn thế này nếu như muốn vào đội bóng chày của trường đại học ở Barinhton mùa xuân sang năm. Chú quyết định từ nay trở đi mỗi chiều sẽ bỏ ra một tiếng đồng hồ để tập vụt bóng vào một cái thùng nhỏ. Nghe nói đấy là cách Oantơ Gionxơn rèn luyện để phát triển tài điều khiển bóng của anh ta. - Rạp Bigiu mới có một bộ phim mới của Hut Gibxon đấy. – Tony nói. - Tớ đã xem ở Bôxton rồi. – Lađi ngoảnh sang bạn cậu bạn – Khi nào thì Giôân lại đi? - Con em họ tớ ấy à? - Vậy ông còn quen ai khác cũng có cái tên ấy nữa thế? – Lađi hỏi châm chọc. - Có thể là cuối tuần này. – Tony trả lời. - Vậy thì ta có thể đưa cô ấy đi xem chiếu bóng được đấy nhỉ. – Ladi hỏi. - Tính toán nghe khác đấy! – Tony khịt mũi. - Đối với cậu thế là ổn, nhưng còn tớ thì sao, chả hay hớm gì đối với tớ khi phải ngồi trơ khấc ra bên cạnh các cậu, nhìn các cậu vuốt ve nhau. Tớ thì dẫn ai đi bây giờ? - Tớ không biết. Tony lặng thinh bước đi thêm một đoạn. Rồi chú phấn khởi búng ngón tay, thốt lên. “Tớ nghĩ ra rồi!”. - Ai? - Em cậu. Raina. - Raina ư? Nó vẫn còn là một đứa nhóc thôi. Tony mỉm cười. “Cô ấy không còn bé nữa đâu. Chúng đã chồi hẳn lên trên ngực cô bé rồi. Thậm chí nom còn to hơn cả cái lần chúng mình thấy trên bè lặn ba tuần trước ấy”. - Nhưng con bé mới có mười ba tuổi. - Con em họ tớ giờ mới có mười bốn. Hè năm ngoái nó có mười ba mà cậu đã sục mõm vào rồi, ở hiên sau ấy. Ladi nhìn chú. Có thể Tony nói phải. Raina đang lớn bổng lên. Chú nhún vai. “Được thôi. Cậu mời nó đi. Nhưng chắc chắn chả ăn thua gì đâu. Tớ nghĩ rằng mẹ tớ sẽ không cho nó đi”. - Bác ấy sẽ cho nếu như cậu nói. – Tony khẳng định. - Tớ sẽ tắm một cái rồi thắng bộ vào. – Ladi nói. - Hẹn gặp cậu ở bãi biển nhé. - Tốt lắm. Hẹn gặp cậu. Sau cái ồn ào nóng nực của cuộc chơi, cái biệt thự thật mát rượi và vắng vẻ. Lađi từ từ bước vào, đi tới bếp. “Cô Moly ơi?”, chú gọi. Không có ai trả lời. Chú sực nhớ ra hôm nay là thứ năm, ngày nghỉ của cô Moly. Chú nghe có tiếng động ở trên liền đi tới cầu thang. “Mẹ đấy ạ?” Giọng Raina vọng xuống. “Bố mẹ đi ô tô tới Haiơnix Pot ăn cơm ở nhà ai ấy.” “Ồ”, chú thốt lên. Chú quay lại bếp, mở thùng lạnh, lấy ra một chai sữa và một miếng bánh socola. Chú đặt tất cả lên bàn. Chú tu sữa thẳng từ chai, tay cầm bánh ăn luôn. Mãi đến khi ăn xong, chú mới sực nhớ rằng đã tự hứa với mình không bao giờ còn đụng đến sữa ngọt nữa để hy vọng là da sẽ không bị lở. Chú ngồi đờ đẫn một hồi lâu. Có tiếng cửa buồng tắm đóng sầm lại, và tiếng chân bước về phòng Raina. Uể oải, chú thầm hỏi không biết còn bé giờ này buổi chiều lại ở nhà làm gì. Thường thì nó đã ở bãi biển giữa đám bạn gái ngớ ngẩn, lúc nào cũng rúc rích cười của nó. Có lẽ Tony nói đúng. Nó đang lớn phổng lên. Rõ ràng là cái lối nó ngồi trâng trâng giữa cái bè, để vú phơi ra đến một nửa cho các chú lồi cả mắt ra nhìn không phải còn là lối của một đứa trẻ con nữa. Mà dù sao thì Tony cũng nói đúng một điều. Của nó to hơn nhiều so với cô bé em họ Tony. Tâm trí chú vụt hiện lên hình ảnh Raina ngồi trên cái bè ấy: ánh mắt cô bé nhìn các chú khi các chú nhìn cô, mái tóc cô ướt sượt, xõa thẳng xuống vai, môi dưới bĩu ra, nằng nặng, mòng mọng. Chú lại cảm thấy một luồng hơi nóng quen thuộc bất chợt rực lên khắp người. Chú gần như rên lên thành từng tiếng. Ôi, không, không bao giờ nữa. Sau cái lần cuối cùng ấy, chú thề là sẽ thôi. Chú vụt đứng dậy. Lần này chú nhất định không làm. Chú nhặt cái đĩa không lên, bỏ vào chậu rửa bát, rồi ra khỏi bếp, đi lên cầu thang. Chú sẽ tắm một cái, rồi sẽ đi ra bãi biển, nó sẽ dịu đi. Phòng của Raina trông thẳng ra đầu cầu thang, cửa đang mở he hé. Chú đang lên được nửa thì mắt bỗng gặp ánh sáng chiếu ra từ căn phòng. Có người chuyển động trong đó. Chú đứng sững lại, tim đập thình thịch. Từ từ, chú khuỵu chân xuống, quỳ bằng đầu gối đê mỗi mắt là ngang tầm bậc thang trên cùng. Raina vừa mới đi ngang qua căn phòng và đang đứng trước gương, quay lưng lại phía cửa. Cô bé mặc độc có một chiếc quần ống túm và xu chiêng. Trong khi chú đang nhìn, cô với tay ra đằng sau, tháo cái xu chiêng ra rồi quay nửa người lại, bước ra khỏi cái quần. Cầm xu chiêng và cầm quần trong tay một tay, cô bé đi ngang qua phòng rồi lại quay lại với một chiếc áo tắm. Cô bé đứng sững trước gương một thoáng rồi cho chân vào chiếc áo. Từ từ, cô bé kéo nó lên qua vú, vuốt thẳng hai đai vai. Chú cảm thấy trán vã ra một lớp mồ hơi ươn ướt. Đây là lần đầu tiên chú nhìn thấy một cô gái hoàn toàn trần truồng. Chú đã không hề ngờ được rằng họ lại đẹp và rạo rực đến vậy. Chú lặng lẽ đi qua phòng cô, bước vào phòng mình. Chú đóng cửa lại, ngồi phịch xuống giường, người vẫn run lẩy bẩy. Chú ngồi lặng lẽ như vậy một hồi lâu, luồng hơi nóng đang hừng hực trong người lại tăng lên gấp đôi, làm chú đau nghẹn lại. Rồi từ từ, chú tự thuyết phục mình. Không. Chú cấm không được làm thế. Nếu bây giờ mà chú chịu thua, làm nó, thì rồi chú sẽ mãi mãi chịu thua. Cuối cùng, chú cảm thấy dễ chịu hơn. Đưa tay quệt mồ hôi trán, chú đứng dậy. Tất cả những gì cần làm là một chút tự chủ đối với bản thân và lòng kiên định. Chú bắt đầu cảm thấy tự hào với mình. Cái chú phải làm bây giờ là đưa mình rời xa mọi kiểu quyến rũ. Mọi thứ. Kể cả những bức ảnh Pháp ấy mà chú đã mua ở một cửa hàng bán kẹo ở Lobxtơtaon. Chú nhanh nhẹn mở một ngăn kéo tủ quần áo, mò dưới một tấm gỗ vỡ, lấy ra những bức ảnh ấy. Chú úp sấp chúng xuống ngăn kéo. Thậm chí nhìn chúng thêm một lần nữa, chú cũng không thèm. Khi vào buồng tắm, chú sẽ quẳng nó xuống hố xí. Chú cởi quần áo rất nhanh, choàng chiếc áo khoác tắm vào người. Chú đi lại chỗ tủ quần áo và bắt gặp hình mình trong gương. Khuôn mặt chú tràn đầy một vẻ quả quyết cao thượng. Lòng quyết tâm đã tự thể hiện ra bên ngoài nhanh đến lạ lùng! Chú quay người, đi ra khỏi phòng, quên bẵng mất chỗ ảnh vẫn nằm trong ngăn kéo mở. Chú lau khô người trước gương trong phòng tắm thì nghe thấy tiếng chân cô đi từ hành lang vào phòng chú. Đột nhiên chú đờ người, chợt nhớ. Những bức ảnh vẫn còn nằm đấy. Chú vồ lấy cái áo choàng tắm vắt trên cửa ở đằng sau. Nhưng đã muộn. Khi chú về tới phòng, cô đã đứng cạnh tủ quần áo, cầm chỗ ảnh trên tay. Cô ngạc nhiên ngẩng lên nhìn chú. “Anh Lađi, anh kiếm những bức ảnh này ở đâu ra thế?”, cô hỏi, giọng háo hức là lạ. - Đưa chúng cho tao! – Chú ra lệnh, bước tới gần cô. - Em không đưa! – Cô đối lại, quay lưng về phía chú. – Em chưa xem hết chúng. Cô khẽ uốn mình, trượt thoát ra khỏi cánh tay chìa ra của chú, chạy sang phía đối diện, ở đầu kia giường. “Để em xem xong đã”, cô nói bình tĩnh, “rồi anh sẽ lấy lại chúng”. “Không!”, chú khàn khàn rít lên, ngã ngay xuống giường vồ lấy cô. Cô quay người, né tránh. Nhưng tay chú đã chộp được vào vai cô. Cô ngã nhào xuống giường cạnh chú, các bức ảnh bay tóe ra. Cô không quờ quờ vơ lấy chúng. Chú ghì lấy cái đai vai áo cô, cố không cho cô nhặt được ảnh. Cái đai áo đứt phựt, trơ lại trên tay chú, chú dừng phắt lại, đờ mắt nhìn trân trân vào một bầu vú trắng lóa lộ ra khỏi áo tắm. - Anh làm đứt dây áo em rồi! – Cô thốt lên khe khẽ, không hề cử động gì, chằm chằm nhìn mặt chú. Chú lặng thinh. Từ từ, cô mỉm cười, đưa một tay lên ngực, nhẹ nhàng xoa xoa lòng bàn tay day lên núm vú. “Em cũng xinh như những người trong ảnh kia chứ, phải không?” Như bị thôi miên, chú đờ đẫn không thốt nổi nên lời, mắt dõi theo những chuyển động cố ý của bàn tay cô bé. “Có phải không?” Cô hỏi lại. “Anh cứ bảo cho em biết đi. Em không nói cho ai đâu. Thế anh nghĩ vì sao em lại để cho anh nhìn em khi em thay quần áo nào?” - Em biết anh nhìn ư? – Chú kinh ngạc thốt lên. Cô bé bật cười. “Tất nhiên. Anh ngốc ạ! Em nhìn thấy anh qua gương và suýt nữa thì phá lên cười. Mắt anh có lẽ lúc ấy sắp bật ra khỏi mặt đất”. Chú lại có thể cảm thấy nỗi căng thẳng bắt đầu làm nhức nhối người chú. “Điều ấy chẳng có gì là buồn cười cả”. - Anh nhìn em đi. Em thích để anh nhìn em lắm. Em mong sao mọi người đều có thể ngắm em được. - Như thế là không tốt. - Tại sao không tốt. – Cô hỏi đay lại. – Nó xấu ở chỗ nào? Em thích nhìn anh, tại sao anh lại không được nhìn em hả? - Nhưng em chưa bao giờ làm thế cả. – Chú nói nhanh. Môi cô bé thoáng nở nụ cười, vẻ bí mật. “Ồ, em làm rồi”. - Làm sao? Khi nào? - Chiều hôm nọ khi anh ở bãi biển về. Không có ai ở nhà cả. Em nhìn anh qua cửa sổ buồng tắm. Em thấy mọi cái anh làm. - Mọi cái ư? - Một tiếng rên rỉ tuyệt vọng buột ra khỏi miệng chú. - Mọi cái. – Cô tự mãn nói. – Anh tập cho bắp thịt của anh to ra. – Cô nhìn thẳng vào mắt chú. – Em không bao giờ ngờ được rằng nó lại có thể to đến vậy. Em cứ nghĩ nó vẫn bé tí và rũ xuống như hồi anh còn nhỏ. Cổ họng chú nghẹn tắc lại, không thể nói được. Chú từ từ đứng dậy khỏi giường. “Anh nghĩ tốt hơn hết là em nên đi khỏi đây đi”, chú khàn khàn nói. Cô ngửng lên nhìn chú, vẫn mỉm cười. “Anh có muốn nhìn em lần nữa không?”. Chú lặng thinh không đáp. Cô đưa tay lên, gạt nốt cái đai áo kia xuống. Cô vặn vẹo người, tuột ra khỏi cái áo tắm. Chú chằm chằm nhìn từ từ xuống tấm thân trần trụi của cô, cảm thấy chân mình lại bắt đầu run bắn lên. Chú nhìn thấy ánh mắt cô lướt trên người chú, từ trên xuống dưới. Cái áo choàng tắm của chú vẫn mở phanh. Chú lại nhìn cô. - Bây giờ anh bỏ áo ra để em nhìn anh cái! – Cô nói. Như trong cơn mê, chú từ từ để cái áo chuồi xuống sàn nhà. Rồi bật lên một tiếng rên, chú khuỵu gối quì thụp xuống bên giường, hai tay ôm lấy bẹn. Cô bé lật nhanh người sang bên này giường, cúi nhìn xuống chú. Một vẻ đắc thắng mơ hồ lộ ra trong giọng cô bé. “Nào bây giờ thì anh có thể làm cho em”. Tay chú đưa lên, đụng vào ngực cô bé. Cô để nó ở trên đó một thoáng, rồi bỗng đột ngột nhích rời ra. “Không!”, cô giật giọng, “Anh đừng đụng vào người em”. Chú nghẹn lời trố mắt nhìn cô, từng đợt sóng bàng hoàng, quặn đau rùng rùng vò xé người chú. Cặp mắt cô nặng nề dại đi, đăm đăm nhìn chú. “Làm cho em đi”. Cô nói trầm trầm. “Rồi em sẽ làm cho anh. Nhưng đừng có động vào người em!” 6 Suốt cả buổi chiếu bóng, Lađi nghe rõ thấy tiếng họ thì thào, rúc rích cười. Mặc dù không nhìn thấy, chú vẫn hình dung rõ mồm một hai người đang làm gì. Đầu chú bừng bừng lên vì những hình ảnh tưởng tượng ấy. Bây giờ Tony đang mời Raina một miếng kẹo cao su. Chú có thể nhìn thấy nó hững hờ chìa túi kẹo cho Raina, cùi tay làm như vô tình ấn mạnh lên vú cô bé. Lađi bứt rứt cựa quậy trong ghế, cố giương mắt liếc nhìn sang bên trong bóng tối, nhưng vô ích. Chú chả nom thấy gì cả. - Cho em xin một cái kẹo được không ạ? - Giọng Giôân thỏ thẻ trong bóng tối. - Cái gì? – Chú giật mình, bàng hoàng mấy một thoáng. – À, được chứ! – Chú đưa túi kẹo về phía cô. Cô ta vừa nhón tay lấy kẹo vừa hơi quay người đi. Và chú cảm thấy vú cô ép nhẹ vào người chú. Nhưng như thế chỉ làm chú nhớ tới Raina. Chú ngồi sâu thêm xuống ghế, cảm thấy khổ sở. Trên đường về, đến trước ngôi nhà nhỏ của Tony, cả bốn dừng lại. “Ta uống cái gì chứ nhỉ?” Giôân thốt lên. “Chúng tôi có một chai rượu ở trong thùng lạnh đấy”. Lađi lắc đầu. “Không, xin cám ơn”, chú nói nhanh. “Đã gần tám giờ rồi. Tôi lại hứa với mẹ là chúng tôi sẽ về nhà trước khi tối”. Raina không nói gì cả. - Thế sau anh có tới được không? – Giôân hỏi. – Sau khi anh đã đưa Raina về nhà ấy? Raina nhìn chú. Chú đỏ mặt. “Không được đâu, có lẽ thế. Tôi hôm nay thấy mệt. Tôi muốn đi ngủ sớm”. Giôân tò mò nhìn chú, rồi lẳng lặng quay đi, bước vào nhà. Một lúc im lặng ngượng ngùng. Sau Tony nói. “Thôi thế thì tạm biệt nhé. Sáng mai ta lại gặp nhau ở bãi biển”. Suốt đoạn đường còn lại về nhà, cả hai anh em lặng lẽ đi. Khi hai người bước lên bậc thềm vào hiên nhà, trời đã tối hẳn. Chú đẩy cái cửa xếp ra, giữ nó cho Raina bước vào. Cô bé chực đi vào, thấy chú có vẻ không bước theo liền dừng lại. “Anh không định vào à?”. Chú lắc đầu. “Bây giờ thì chưa. Có lẽ anh ở ngoài này một lúc đã”. - Thế thì có lẽ em cũng ở lại. – Cô nói nhanh bước trở lại hiên. Chú thả tay để cánh cửa sập lại. Tiếng lách cách của nó vang khắp ngôi nhà. “Các con đấy hả?” Giơrơnđin hỏi với ra. - Vâng mẹ ạ. – Raina đáp. Cô bé liền nhìn Lađi rất nhanh. – Cho chúng con ở ngoài này thêm một tý được không mẹ? Tối nay trời nực quá. - Được. Nhưng chỉ nửa tiếng thôi, Raina. Mẹ muốn con tám rưỡi là phải vào đi ngủ. - Vâng, mẹ ạ. Lađi đi ngang hàng hiên tới ngồi xuống chiếc ghế bành đan bằng liễu gai. Raina theo sau, đến ngồi xuống bên cạnh. “Tại sao Giôân lại muốn anh quay trở lại thế?” Cô bé bất thần hỏi. Chú không nhìn cô. “Anh không biết”. - Có phải cô ta muốn anh làm cho cô ta không? - Tất nhiên là không! – Chú phẫn nộ nói. - Em không ưa Giôân! – Cô bé bất ngờ thốt lên. – Cô ta là một người đạo… một người đạo… giả… - Đạo đức giả! – Chú nói hộ cô, ngạc nhiên về mức độ nhận xét sâu sắc mà không ngờ cô bé có như vậy. – Tại sao em lại nói thế! - Trong khi chiếu phim, Tony muốn em đụng vào anh ta, nhưng em không chịu, anh ta liền cầm lấy tay cô ta và cô ta đã làm. - Không! – Lađi vô tình thốt lên. Raina nói đúng. Cái con ranh lẳng lơ ấy đúng là một kẻ đạo đức giả. - Và thậm chí cô ta cũng không hề nhìn anh ta. – Raina nói tiếp. – Cô ta luôn luôn nhìn lên màn ảnh và thậm chí một lần đã hỏi xin kẹo anh. Chú giương mắt chăm chú nhìn Raina, hết sức ngạc nhiên. - Không biết giờ họ có đang làm không? – Cô bé đăm chiêu nói. Óc chú thoáng hiện lên cảnh giữa Giôân và Tony. Chú cảm thấy bắt đầu rạo rực. - Em không bao giờ là đứa đạo đức giả? – Cô bé hỏi. Một nụ cười từ từ xuất hiện trên môi cô. Cô hơi nhích người, và chú cảm thấy những ngón tay cô khẽ quệt trên đùi chú. Cô bé nhìn thẳng mắt chú. – Anh có thích ta làm bây giờ không? – Cô thì thầm. - Bây giờ ư? – Chú bàng hoàng thốt lên, mắt liếc về phía ngôi nhà. - Bố mẹ không ra đâu. – Cô khẽ nói. - Bố đang đọc báo còn mẹ thì đan. Em đã nhìn thấy thế lúc ở bậc cửa. - Nhưng. – Chú lắp bắp. – Nhưng bằng… bằng cách nào? Cô lại mỉm cười, những ngón tay của cô nhón lấy cái mùi xoa ở túi ngực chú. Giơrơnđin ngẩng lên nhìn đồng hồ trên mặt lò sưởi. Vừa đúng tám rưỡi. Bà nghe thấy tiếng cửa sập và Raina bước vào phòng. Đôi mắt con gái bà tươi tắn ngời sáng lên, mặt rạng rỡ một nụ cười sung sướng. Nụ cười ấy thật dễ lây, và Giơrơnđin cũng phải mỉm cười theo. - Xem phim thích chứ, bé? Raina gật đầu. “Tuyệt lắm mẹ ạ”, cô bé nói sôi nổi, rất vui. “Mẹ không thể hình dung tuyệt đến mức nào đâu khi được xem một bộ phim mà đám nhãi ranh hô la, chạy xuôi chạy ngược các lối đi như ở những buổi chiếu ban ngày!”. Giơrơnđin bật cười. “Thì chỉ mới hôm qua con còn là một trong số cái đám nhãi ranh ấy đây”. Mặt Raina đột nhiên trở nên nghiêm trang. “Nhưng bây giờ thì con không còn là thế nữa, đúng không mẹ?” Giơrơnđin dịu dàng gật đầu. “Không, con yêu ạ. Con bây giờ đã là người lớn lắm rồi”. Cô bé sung sướng quay tít. “Đúng lắm, mẹ ạ, cô thốt lên vui vẻ. “Con giờ là người lớn lắm rồi, lắm rồi”. Giơrơnđin cười. “Thôi bây giờ đi ngủ đi, cô người lớn ạ. Con vẫn cần phải nghỉ ngơi đấy”. - Vâng ạ. – Raina cúi xuống hôn chụt lên hai má bà. – Chào mẹ. Cô bé chạy băng sang phía bên kia, hôn chụt lên má bố. – Con chào bố nhé. Rồi cô bé chạy vút ra khỏi phòng. Hai người nghe thấy tiếng chân cô thoăn thoắt chạy lên thang. Harixon Malovi hạ tờ báo xuống. “Con bé có vẻ sung sướng thật”. - Chứ lại không ư? – Giơrơnđin nói. - Cuộn hẹn hò đầu tiên. Đứa con gái nào lại chả rạo rực sau cuộc hò hẹn đầu tiên của nó. Ông lại đặt tờ báo xuống. “Ta nên ra ngoài hiên thở chút không khí trong lành chứ em?” Hai người bước ra bóng đêm. “Lađi ơi?” Bà cất tiếng gọi. - Con ở đây, mẹ ạ. Bà quay lại, thấy chú đứng dậy khỏi ghế. “Con xem phim vui chứ?” - Vui ạ. – Chú đáp gọn lỏn. - Raina không làm phiền, phải không? - Không. - Con nói như có vẻ con không thích đem em đi với thì phải. - Không sao đâu, mẹ ạ. Chú nói, vẻ căng thẳng. - Con ạ, đôi khi người ta phải làm những việc thậm chí không hề muốn tý nào cả. - Bố chú tiếp lời. - Một trong những việc ấy là chăm sóc em gái mình. Đó là công việc của người anh trai. - Thì đã bảo là không sao cả mà, bố ạ. – Chú nói cộc lốc. - Lađi! - Mẹ chú ngạc nhiên thốt lên. Ladi cúi nhìn xuống sàn nhà. “Con xin lỗi bố”, chú trầm giọng nói. Bà tiến lại gần, nhìn vào mặt chú. “Lađi, con vẫn thấy người bình thường đấy chứ?” Bà lo lắng hỏi, “mặt đỏ ửng, người nóng bừng lên đây này. Lại mồ hôi đầy mặt thế kia. Nào, để mẹ lau đi cho con”. Tay bà thọc vào túi ngực của chú. “Ồ, Lađi, cái khăn mùi xoa của con đâu rồi? Khi con đi mẹ còn thấy nó ở trong túi con cơ mà”. Trong một thoáng, bà thấy mắt chú ánh lên một vẻ như một con thú rúm lại vì sợ hãi, rồi ánh mắt vụt tắt. “Có… có lẽ… con đánh mất nó rồi ạ”. Chú nói lắp bắp. Bà sờ trán chú. “Con chắc là mình không lên cơn sốt chứ?” - Có lẽ ba thấy con nên đi ngủ đi con ạ. – Cha chú nói. - Vâng, thưa bố. – Chú quay lại phía mẹ mình, hôn bà. “Chào bố mẹ ạ”, chú nói và bước nhanh vào trong nhà. - Không hiểu chuyện gì đã xẩy ra với nó thế? Harixon Malovi xì mũi: “Anh hiểu chuyện gì rồi”. - Anh biết ư? Ông gật đầu. “Nó đã trở nên hư. Có vậy thôi. Nó đã quen với cái lối mọi cái phải chiều theo ý muốn của nó. Nó sưng xỉa mặt mày lên khi buột phải làm một việc nhỏ như đưa em gái nó đi xem. Nó cáu bởi vì nó không thể ngồi ở sân nhà Randon, úp thìa với con Giôân, em họ thằng Tony ấy. - Hary, anh ăn nói sao mà khiếp thế! - Không, anh không nói quá đâu. Hãy tin anh. Anh hiểu lũ con trai mà. Cái thằng Lađi cần một ít khuôn phép. – Ông bắt đầu nhồi thuốc vào tẩu. – Và em cũng phải làm thế với Raina. Cứ cho con bé mọi thứ nó đòi, rồi thì nó cũng sinh hư đấy. - Em biết cái gì làm anh bực dọc rồi. – Bà thốt lên. – Anh không thích cái ý nghĩ rằng chúng nó đang lớn lên thành người lớn. Anh muốn mãi mãi giữ chúng là trẻ con. - Không phải thế. Nhưng em phải công nhận là chúng nó đã hư rồi. - Có thể là chúng nó cũng đã hư thật! – Bà chịu. Ông mỉm cười. “Ờ, xét cho cùng, thật hay là tháng sau chúng đã đi học trở lại. Trường Barinhton sẽ tốt cho thằng Lađi lắm”. - Vâng. – Bà đồng ý. – Và em cũng mừng là Raina đã được nhận vào trường Giên Vinxont. Họ sẽ làm cho con bé trở thành một cô gái nhỏ duyên dáng, lịch thiệp cà có học thức. Đối với Lađi, mùa hè ấy là một mùa hè đau đớn, quằn quại – hè của những khoái cảm xác thịt bừng bừng cuồng nhiệt và những cơn vật vã, cắn rứt lương tâm. Chú không thể ăn nổi, chú không tài nào chợp mắt được, chú sợ phải nhìn vào cô mỗi buổi sáng. Và rồi khi đã nhìn thấy cô, chú không thể rời mắt khỏi cô. Những ngọn lửa ghen tuông hừng hực bừng lên vật vã trong lòng chú khi chú bắt gặp cô mỉm cười hoặc nói chuyện với những đứa con trai khác. Những hình ảnh thân thể cô mà chú đã biết ập đến trước mắt chú, chú hình dung bọn con trai ấy với cô theo cái lối của chú với cô. Một niềm khoái cảm thấp thỏm, bứt rứt cứ chập chờn trong chú khi họ ở riêng được với nhau. Và trong suốt thời gian ấy, ở tít sâu trong những ngóc ngách xa xôi nhất của lòng, là nỗi sợ hãi - nỗi sợ bị phát hiện, nỗi sợ phải nhìn thấy vẻ đau đớn kinh hoàng, niềm tủi cực ùa lên trên mặt bố mẹ khi hai người biết được chuyện này. Nhưng khi cô ngửng lên nhìn chú, mỉm cười với chú, đụng vào chú, tất cả những cái đó đột nhiên biến mất và chú sẵn sàng làm mọi thứ để vừa ý cô. Chú tự hạ mình, chú quỵ lụy trước cô, phát khóc vì những cực hình tự mình đầy đọa mình. Rồi nỗi sợ hãi lại tới. Bởi vì không có cách nào lảng tránh được sự thật. Cô là em chú. Đó là tội lỗi. Và chú cảm thấy nhẹ nhõm khi cái mùa hè điên dại này đã kết thúc. Thế là xong, chú thầm nghĩ. Xa cách cô, chú sẽ đủ sức tìm lại được mình, đủ sức chế ngự những cơn sốt cô đã khuấy bùng dữ dội trong máu của chú. Và khi họ gặp lại nhau mùa hè sau, trên bãi biển này, thì chuyện sẽ khác. Chú sẽ khác, cô sẽ khác. Không bao giờ nữa, chú sẽ nói với cô. Thôi không bao giờ nữa. Như thế là tội lỗi. Đó là những điều chú nghĩ khi quay trở lại trường vào cuối hè đó. 7 - Em đã có chửa. – Raina nói. – Em sẽ đẻ ra một đứa bé. Lađi cảm thấy một cơn đau âm âm lan rã rời ra khắp người. Không hiểu sao, đấy là cái cách mà chú đã luôn cảm biết là chuyện sẽ té ra như vậy. Ngay từ cái mùa hè đầu tiên cách đây đã hai năm. Chú ngẩng lên nhìn cô, mắt nheo nheo vì nắng “Sao em biết?” Cô nói khẽ, dường như đang nói về chuyện mưa nắng thông thường. “Em thấy muộn”, cô đáp giản dị, “trước kia em chưa bao giờ muộn cả”. Chú cúi nhìn xuống tay mình. Chúng cháy nắng xạm lại, nổi bật lên trên nền cát trắng. “Thế en định làm gì bây giờ?” - Em không biết. – Cô đáp. Mái tóc vàng sáng của cô ánh lên trong nắng khi cô quay người, nhìn ra đại dương. - Nếu mai mà không có gì xảy ra, thì em thấy có lẽ em sẽ nói với mẹ. - Em sẽ… em sẽ bảo với mẹ về chuyện của chúng ta ư? - Không. – Cô nói nhanh, tiếng rất nhỏ. Cô trả lời ngay cái câu hỏi còn đang ở trên miệng chú. – Em sẽ bảo đấy là Tony, hay là Bin, hay là Giô. – Cô vẫn không nhìn chú. Bất chấp chú, một cơn ghen đã rung lên trong lòng. “Em đã… với tất cả chúng nó ư?” Chú ngập ngừng hỏi. Cặp mắt sẫm của cô giờ nhìn thẳng vào mắt chú. “Không”, cô nhấn giọng. “Tất nhiên là không. Chỉ với anh”. - Vậy nhỡ mẹ nói chuyện với chúng nó thì sao? Rồi mẹ sẽ biết em nói dối. - Mẹ không biết được đâu. – Raina khẳng định. - Nhất là khi em bảo với mẹ là em không biết là đứa nào gây ra nữa. Chú tròn mắt nhìn cô. Về nhiều mặt, cô đã từng trải hơn chú nhiều. “Em nghĩ mẹ sẽ làm gì?”. Raina nhún vai. “Em chịu. Có lẽ mẹ cũng chẳng làm gì được nhiều đâu”. Chú nhìn cô đứng dậy đi tới gặp mấy con bạn, rồi lật sấp người xuống cát, vùi mặt mình vào hai cánh tay, rên lên thành tiếng. Thế là nó đã xảy ra. Tít ở một nơi nào đó trong tâm trí, chú đã biết là thế nào rồi nó cũng sẽ xảy ra mà. Chú nhớ lại cái đêm ấy, mới cách đây có mấy tuần. Như thường lệ, họ lại đến bãi biển ấy nghỉ hè. Nhưng lần này, mọi việcc sẽ khác, sẽ khác. Chú tự thề với mình như vậy. Và cũng đã nói với cô như vậy. - Thôi, không bao giờ nữa. – Chú nói. – Nó thật ngu xuẩn. Trò trẻ con. Em cứ bám lấy đám bạn bè của em, còn anh sẽ ở yên với bạn bè anh. Nếu ta cứ duy trì mãi, ta sẽ chuốc vạ vào thân. Cô đã đồng ý. Thậm chí đã hứa. Và chú phải công nhận rằng cô đã giữ lời. Chính chú mới là người nuốt lời thề của mình. Và tất cả tai chai rượu cam khốn kiếp ấy. Đó là một buổi chiều mưa sụt sùi, chỉ có mỗi hai nguời ở nhà. Trời nóng hầm hập, ẩm thấp, không khí như một cái chăn vô hình chẹt quanh người chú, bí rin rít. Khi chú bước vào bếp, áo quần chú đã đẫm mồ hôi. Chú mở thùng lạnh, nhưng chai rượu cam có bọt thường để đấy của chú đã biến mất. Cáu kỉnh, chú dập mạnh nắp thùng lại. Chú lên gác, vượt quá căn buồng mở cửa của cô trước khi mắt kịp nhận thấy hình ảnh trong buồng. Chú lộn trở lại, đứng sững ở ngưỡng cửa. Cô đang ở trên giường, trần truồng, nửa nằm nửa ngồi, chai rượu cam trong tay. Cô đăm đăm nhìn nó. Chú cảm thấy các mạch máu trong đầu bắt đâu giần giật, thình thịch. Một lượt mồ hôi mới đột nhiên túa ra ướt thêm áo quần chú. “Sao em lại lấy chai rượu cam của anh hả? Để làm gì hả?” Vừa mới thốt lên, chú đã cảm thấy ngay các câu hỏi của mình thật ngớ ngẩn. Cô khẽ lật đầu trên gối, nhìn về hướng chú. Đôi mắt cô lim dim, nặng như chì, đờ đẫn. “Để em uống”, cô trầm trầm đáp, lại đưa nó lên miệng. “Anh nghĩ sao hả?”. Rượu tràn qua miệng cô, chảy thành những giọt vàng vàng lăn tăn qua má, qua vú, tới cái thành bụng căng phồng lên của cô, thấm vào tấm chăn trắng muốt. Cô nhìn chú mỉm cười, chìa chai rượu ra cho chú. “Anh có muốn uống vài hớp không?” Như đã trở thành một người nào khác, chú thấy mình đi qua phòng, đưa chai rượu lên miệng. Nó ấm hơi tay của cô. Vị ngọt ngào xộc vào miệng chú. Chú cúi xuống nhìn cô. Cô đang ngẩng lên nhìn chú mỉm cười. “Anh lại hăng lên rồi kìa”. Cô khẽ nói. “Mà anh thì đã nói là anh không bao giờ nữa. Nhưng anh lại hăng lên rồi đấy kìa”. Rượu bỗng tỏa ra từ miệng chú, ộc cả xuống chiếc sơmi. Chú đột ngột nhận thấy rằng mình đã phản lại mình. Chú quay ngoắt người đi, nhưng tay cô đã chộp lấy đùi chú, nóng rực, đau thắt lại. Chú xuýt chút nữa thét lên. - Lần này, chỉ một lần này nữa. - Cô thì thào. - Rồi sẽ không bao giờ nữa cả. Chú đứng đờ người, sợ phải chuyển động, sợ sẽ ngã nhào xuống đất vì cơn run rẩy đang rùng rùng dữ dội toàn thân. “Không”, chú khàn khàn nói. - Nào, nào anh. – Cô thì thào, tay lật bật mở, tìm kiếm. Chú đứng đờ ra như bị liệt. Một tiếng rên rỉ đau đớn từ sâu thẳm trong chú bỗng vụt lên. Sẽ không còn như thế này nữa, không còn quỵ lụy, không còn nhục nhã, tự hạ mình ti tiện trước cô. Lần này cô sẽ phải sáng mắt ra, phải biết điều để cho chú yên thân. Quờ một tay, chú tóm lấy hai cổ tay cô, đẩy cô từ từ ngửa trở lại giường. Mắt cô chăm chăm nhìn chú, vẫn bình tĩnh, vẫn không sợ hãi gì cả. Rồi đột ngột, chú miết miệng vào môi cô. Đôi môi cô ấm sực, ươn ướt, thoảng vị rượu cam. Chú giúi đầu, lướt môi xuống phía dưới người cô, qua họng cô, qua vú cô. Đến lúc ấy cô mới kháng cự. “Không”, cô thì thào, cố vằng ra khỏi chú. “Không! Đừng có đụng vào người em!” Nhưng chú đã không nghe thấy gì nữa, hai thái dương chú căng lên giận dữ, ngực nghẹn thắt lại. Chú cảm thấy một bàn tay cô giằng được ra, cắm phập vào ngực chú, đau xé lên, nóng giẫy. Bàng hoàng, chú nhìn xuống. Máu tứa ra theo những vết móng tay cô cào. Một cơn giận khủng khiếp chợt bùng lên trong lòng chú. - Đồ ghẹo trai! – Chú thét lớn, vung cánh tay kia còn rảnh lên tát bốp vào bên má cô, hất cô ngã ngửa xuống giường. Cô trố mắt, khiếp sợ nhìn chú. - Đồ lẳng lơ dâm đãng! – Chú thốt lên, lần lần cởi thắt lưng. Chú đưa hai cổ tay cô qua đầu cô, buộc chặt chúng vào thành giường. Nhặt chai rượu còn một nửa lên, chủ hỏi: “Còn khát không hả?” Cô lắc đầu. Chú dốc ngược chai rượu và phá lên cười sằng sặc khi dòng nước vàng vàng bắt đầu chảy tràn ra trên người cô. “Uống đi. Uống cho thỏa sức đi!” Cô cho chân đá bật cái chai trên tay chú. Chú vồ lấy hai chân cô, đè gí chúng xuống giường bằng hai đầu gối. “Nào, bây giờ thì cô em gái bé bỏng thân yêu của tôi ơi”, chú cười sặc sụa điên dại, “sẽ không còn là trò đùa nữa nhé!” - Không còn là trò đùa nữa! – Cô há hốc miệng, thì thào, nhìn thẳng vào mắt chú. Đầu chú từ từ hạ xuống, miệng phủ kín miệng cô. Cô bắt đầu cảm thấy người mình chùng đi, dịu lại. Rồi, đột nhiên một cơn đau dữ dội xé vào người cô. Cô thét lên. Tay chú ấp xuống bịt chặt lấy miệng cô. Một cơn đau nữa, rồi cơn nữa, cơn nữa… Và tất cả còn lại là tiếng thét của cô, bị nghẹn lại ư ử trong cuống họng, và cái hình thù khủng khiếp, méo mó xấu xí của thân thể chú phủ lên cô. Lađi lật người lại trên cát. Thế là hết. Ngày mai mẹ chú sẽ biết. Và đó là tội của chú. Mọi người sẽ buộc tội chú và họ làm thế là đúng. Dù có thế nào đi chăng nữa, đáng nhẽ chú không được để điều đó xảy ra. Một bóng người đổ xuống. Chú ngẩng lên nhìn Raina. Cô ngồi thụp xuống cạnh chú. “Chúng ta bây giờ làm gì hả anh?” - Anh không biết. – Chú đờ đẫn nói. Cô đưa một tay nắm lấy tay chú. “Đáng nhẽ em phải ngăn không để anh làm thế”, cô nói khe khẽ. - Em không thể làm nổi đâu. Khi ấy hẳn là anh đã phát điên rồi. – Chú nhìn cô. – Nếu ta mà là những người khác, ta có thể bỏ trốn và lấy nhau. - Em biết. Giọng chú trở nên cay đắng. “Y như thể chúng mình là anh em ruột ấy. Giá như bố mẹ không nhận đổi họ”. - Nhưng bố mẹ đã làm – Raina đáp nhanh, vẻ hiểu biết chắc chắn. – Mà, chúng mình không thể buộc tội cho bố mẹ được. Đó không phải là lỗi của bố mẹ. – Cô bé bắt đầu cảm thấy rưng rưng nước mắt. Cô ngồi sững người, nước mắt lặng lẽ ròng ròng trên má cô. - Đừng khóc nữa! - Em…em không thể dừng được. – Cô thì thào. – Em sợ. - Anh cũng vậy. Nhưng khóc chả có ích gì. Nước mắt vẫn lặng lẽ chảy trên má cô. Một hồi lâu sau, cô nghe thấy chú lại cất tiếng nói. Cô nhìn chú. Môi chú méo mó, vụng về. “Mà ngay nếu như như em là em ruột anh, em có biết rằng anh yêu em không?” Cô không trả lời. - Anh đã yêu em, luôn luôn như vậy. Không thể nào dừng được. Không hiểu sao, khi anh đem so sánh với em, tất cả những đứa con gái khác đều chả ra gì cả. - Có lẽ em tồi thế là bởi vì em ghen với tụi con gái được đi với anh. – Cô thú nhận. – Em không muốn họ có anh. Bởi thế cho nên em mới làm cái em đã làm. Chứ còn em không thể để cho bất cứ đứa con trai nào động được vào người em. Em không thể nào chịu nổi. Tay chú nắm chặt mấy ngón tay cô. “Có lẽ rồi mọi việc sẽ ổn cả”. Chú thốt lên, cố tìm lại sự bình tĩnh. - Vâng, có lẽ. – Cô đáp. Giọng tuyệt vọng ủ rũ. Rồi cả hai không biết nào gì hơn. Họ quay đi, lặng thinh nhìn bọt sóng vỗ bờ lùi ra xa, vĩnh viễn đem theo cùng với nó tuổi thơ của họ. Ladi ngồi ở đằng lái con thuyền buồm nhỏ, đăm đăm nhìn mẹ ở mũi thuyền. Một cơn gió thổi thốc cánh buồm lên, chú tự động nới thêm dây lướt trôi vào đảo mắt nhìn trời. Mây giông đang ùn ùn kéo tới. Đã đến lúc phải vào bờ rồi. Chú từ từ cho thuyền vòng lại. - Về ư con? – Chú nghe thấy tiếng mẹ hỏi với lại. - Vâng ạ. – Chú đáp. Có mẹ ở trên thuyền khiến chú cảm thấy là lạ thế nào ấy. Nhưng bà đã muốn đi. Gần như là bà có linh cảm rằng một điều gì đó đang dằn vặt chú. - Sáng nay con khá lặng lẽ đấy, Lađi ạ. Chú lảng ánh mắt của bà. “Con phải tập trung vào điều khiến thuyền mà mẹ” - Tao không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chúng mày. Gần đây cả con với con Raina đều âm thầm ủ rũ hẳn đi. Chú không đáp. Đưa mắt ngẩng lên trời, chú đăm đăm nhìn những đám mây giông đang dần giăng kín ở đỉnh đầu. Chú nghĩ tới Raina. Rồi tới bản thân chú. Rồi bố mẹ chú. Một nỗi buồn tủi đột nhiên nghẹn lên trong lòng. Chú cảm thấy bỗng nóng rực, đau nhức. Mẹ chú bàng hoàng thốt lên: “Ồ kìa, Lađi, con đang khóc kìa!” Và thế là các đập ngăn bị vỡ, từng con nức nở cuộn lên trong ngực chú. Chú cảm thấy mẹ chú đưa tay kéo đầu chú lại gần, áp lên ngực bà, như bà thường làm khi chú còn nhỏ. “Sao thế Lađi? Chuyện gì xấu đã xảy ra thế hở con?” Bà khẽ khàng hỏi. - Không ạ, không – Chú há miệng, cố ngăn lại những giọt nước mắt. – Không có gì đâu ạ. Bà dịu dàng vuốt ve mái tóc chú. “Chắc là đã có chuyện không hay rồi”. Bà nói nhẹ nhàng. “Mẹ biết. Con cứ nói cho mẹ nghe đi. Dù có thế nào, con cứ nói cho mẹ nghe đi. Mẹ sẽ thông cảm và cố tìm cách giúp con mà”. - Mẹ không thể làm gì được đâu. – Chú kêu lên. – Không ai còn có thể làm gì được nữa đâu. - Cứ thử nói với mẹ rồi xem. Chú lặng thinh, mắt chăm chú nhìn vào mặt bà, cố tìm kiếm một cái gì đó mà bà còn chưa hiểu. Một ánh sợ hãi vụt xuất hiện trong mắt bà. “Có liên quan đến…Có chuyện gì với Raina ư?” Ngay lập tức, các bắp thịt trên mặt chú dường như tan vụt đi hết. “Vâng, vâng ạ”. Chú nức nở. “Raina sắp có con. Con của con, mẹ ạ!” Môi mím chặt, chú nói thêm. “Con đã cưỡng bức em nó. Nó sắp có con của con!” - Trời, không, không phải thế! - Đúng thế, mẹ ạ! – Mắt chú đột nhiên rắn đanh lại. Mắt bà vụt nhòa lệ, bà vội đưa hai tay bưng lấy mặt. Chuyện đó không thể xảy ra với chúng được. Với con bà được. Bà đã mong có mọi cái cho chúng, đưa cho chúng mọi cái bà có. Một hồi sau, bà trấn tĩnh lại. “Mẹ nghĩ ta nên vào bờ thôi”, bà gượng nói khẽ. - Dạ, ta đang vào đấy ạ. – Chú đáp, cúi xuống nhìn tay mình đang nắm cần lái. Chú nói đều đều, không biết những lời mình đang buột ra có ý nghĩa gì nữa. – Con không hiểu cái gì đã nhập vào con. – Chú ngẩng phắt lên nhìn bà, mắt ngời ngời đau đớn quần quại, giọng căng thẳng, vật vã. – Nhưng đúng là việc trở thành người lớn không đáng như nó đáng, không như sách vở đã nói hay thế. Nó chỉ là một trò khốn khiếp, như cứt ấy! Chú đột nhiên im bặt, bàng hoàng trước những lời buột ra của mình. “Con xin lỗi mẹ” - Không sao cả, con ạ. Hai người lặng thinh. “Mẹ đừng có đổ tội cho Raina, mẹ ạ”. Chú rất cao giọng. “Nó vẫn chỉ là một đứa trẻ. Việc xảy ra là tội của con”. Bà ngẩng lên nhìn con trai. Một ánh hiểu biết của trực giác lóe lên qua màn sương xám đang bao phủ cặp mắt bà. “Raina là một đứa con gái rất xinh, Lađi ạ. Mẹ nghĩ rằng người nào cũng cảm thấy khó mà không thể đem lòng yêu em gái con được”. Ladi bắt gặp ánh mắt mẹ nhìn. “Con yêu Raina, mẹ ạ”, chú khẽ nói. “Mà em thực ra không phải là em ruột con”. Giơrơđin lặng thinh. - Nói thế là tội lỗi vô cùng, phải không mẹ? – Chú bồn chồn hỏi. – Con đã không yêu Raina như em gái. Con yêu … - Chú ngừng lại tìm từ, - khác. Theo cách khác. Khác. Giơrơđin thầm nghĩ. Về phương diện từ ngữ mà nói, nó đủ sức diễn đạt như bất cứ một từ nào. - Thế là tội lỗi vô cùng, phải không mẹ? – Ladi lặp lại. Bà nhìn con trai, lòng dào lên một nỗi thương nó không thể nào giải thích nổi. “Không đâu, Lađi ạ”, bà khẽ đáp. “Đó là một trong những điều vượt quá khả năng kiềm chế của con người”. Chú hít một hơi dài, bắt đầu cảm thấy dễ chịu đi hơn một chút. Ít nhất là bà đã hiểu, bà không buộc tội chú. “Ta phải làm gì bây giờ mẹ?” Bà nhìn thẳng vào mắt chú. “Việc đầu tiên ta phải làm là nói cho Raina biết rằng ta thông cảm với sự việc ấy. Tội nghiệp con bé, chắc chắn nó đang sợ chết khiếp đi thôi”. Chú vươn người về phía trước, cầm lấy tay mẹ, đưa lên môi mình. “Mẹ, mẹ tốt với chúng con quá!” chú thì thào, ngước cặp mắt biết ơn lên nhìn vào mẹ. Đó là những lời cuối cùng của chú. Đúng lúc ấy, cơn xoáy lốc ầm ầm xô tới từ mạn thuyền phải, vồ lấy con thuyền. Raina đứng lặng thinh, chăm chú theo dõi những người đánh tôm hùm mang hai cái thi thể nhỏ bé, thảm thương ấy vô bờ, đặt lên bãi cát. Cô cúi nhìn xuống họ. Lađi và mẹ. Cô bắt đầu cảm thấy người quay như chong chóng, mỗi lúc một nhanh, mỗi lúc một dữ dội hơn. Một cơn chuột rút đột nhiên giật lên đau ở háng cô, cô ngập đôi người, ngã khụy gối xuống cát, cạnh hai thi hài nằm im phăng phắc. Cô nhắm nghiền mắt, òa lên khóc. Và một dòng nước khủng khiếp bắt đầu âm ẩm rỉ ra khỏi người cô. 8 Magrit Brađlây cúi xuống ủ ê nhìn đám bài kiểm tra ở trên bàn. Chúng chi chít những ký hiệu nguều ngoào như gà bới của đám con gái đã lũ lượt kéo đến những tiết khoa học của cô. Cô đột nhiên gạt phăng đống bài sang một bên, đứng vụt dậy. Cô đi đến bên cửa sổ, bồn chồn nhìn ra ngoài. Cô phát ngấy, ngấy lên đến tận cổ những công việc buồn tẻ, dài lê thê, hết ngày này sang ngày khác như thế này. Nhìn buổi chiều muộn đang chập choạng tối dần, cô thầm hỏi không hiểu sao thư của Xaly chưa tới đây. Đã hơn hai tuần rồi mà chả thấy có thư từ gì cả trong khi trước kia, thường là cứ một tuần hai lần. Có thể nào là Xaly đã tìm được một người khác không? Một người bạn mà nó có thể thì thào kể cho nghe những bí mật thầm kín ấy? Có tiếng gõ ngập ngừng ở cửa. Brađlây quay lại. “Gì thế?” - Cô Brađlây, cô có thư bảo đảm đây này! – Giọng bác lao công Thomơx rè rè. Cô nhanh nhẹn mở vội cánh cửa, cầm lấy bức thư. “Cám ơn bác vô cùng, bác Thomơx!” Cô vừa nói vừa đóng cửa lại. Dựa người ngay vào cánh cửa, cô nhìn xuống bức thư ở tay. Cô cảm thấy dễ chịu hơn. Nét chữ của Xaly. Vừa đi đến bàn, cô vừa xé phong bì. “Pêgi thân yêu, Hôm qua mình đã lấy chồng…” Thọat đầu, tiếng gõ cửa nhỏ quá khiến cô không nghe rõ. Rồi nó vang lên một lần nữa, to hơn. Cô ngẩng đầu lên khỏi mặt bàn. “Ai đấy?” Cô khàn khàn hỏi. - Thưa cô Brađlây, Raina Malovi ạ. Em xin phép gặp cô một tý được không ạ? Mệt nhọc, cô giáo đứng dậy. “Chờ tí nhé!”, cô vội nói lại. Cô đi vào buồng tắm, nhìn mình ở trong gương. Mắt cô ta đỏ tía, sưng mọng lên. Son môi bị nhòe nhọet đi một tí. Nom cô già hơn cái tuổi hai sáu của mình. Cô vặn vòi nuớc, rửa sạch son phấn bằng một cái khăn vải. Cô chằm chằm nhìn bóng mình. Suốt mười năm qua, cô và Xaly đã không rời nhau một tý nào cả. Bây giờ thế là hết. Cô vắt lại cái khăn lên giá, bước ra cửa. “Vào đi em”, cô vừa nói vừa mở cánh cửa ra. Raina nhìn mặt cô giáo. Hình như cô Brađlây vừa khóc thì phải. “Em xin lỗi vì đã làm phiền cô. Nếu cô thấy cần thì để sau em đến cũng được ạ”. Cô giáo lắc đầu. “Không, không sao cả”. Cô đi đến, ngồi xuống sau cái bàn nhỏ. “Có việc gì vậy?” Raina từ từ khép cánh cửa ở đằng sau mình lại. “Dạ, em muốn hỏi xem liệu em có thể xin phép vắng mặt trong buổi khiêu vũ tối thứ bảy được không ạ?” Magrit Brađlây tròn mắt nhìn cô học trò. Trong một thoáng, cô ta không tin vào tai mình nữa. Không được dự buổi khiêu vũ hàng tháng được coi là hình phạt khủng khiếp nhất. Các cô học trò thà làm mọi thứ chứ không chịu để tước mất cái đặc quyền này. “Tôi không hiều”, Brađlây thốt lên. Raina cúi đầu, nhìn xuống sàn. “Em không muốn dự nó, có thế thôi ạ”. Không phải là vì bọn con trai không thích con bé. Mà ngược hẳn lại, cô giáo biết. Cái cô nàng tóc vàng, thon thả, mười sáu tuổi đang đứng trước mặt đây baon giờ cũng bị bọn con trai vây vòng trong vòng ngòai trong mọi buổi khiêu vũ. Cô bé là con nhà khá giả, tử tế. Gia đình Malovi là một gia đình được nhiều người biết đến ở Bôxton. Cha cô ta là chủ nhà hàng, góa vợ. - Thật là một đề nghị khá kỳ quặc đấy. Nhất định là em phải có nguyên do tại sao. Raina vẫn cúi mặt nhìn xuống sàn, không trả lời. Magrit Brađlâym cố bắt mình phải mỉm cười. “Nào, nào”, cô thân thiện nói. “Em cứ nói cho tôi nghe đi. Tôi không già đến mức không thông cảm được với em đâu”. Raina ngẩng lên nhìn và cô giáo bàng hòang nhận thấy một nỗi sợ hãi hiện ra lồ lộ trên mắt Raina. Rồi nỗi sợ hãi ấy vụt tan đi, cô bé lại cúi nhìn xuống. Brađlây đứng dậy, đi vòng qua bàn. Cô nắm lấy tay Raina, dắt đến ngồi xuống một cái ghế. “Em sợ hãi một điều gì đó hả?” Cô dịu dàng hỏi. - Em không chịu được. Họ cứ sợ. – Cô bé thì thào. - Họ ư? – Magrit Brađlây thốt lên ngỡ ngàng. – Ai? - Con trai. Tất cả bọn họ đều muốn sờ sọang người em. Em cứ sỡn hết gai ốc cả lên. – Cô bé chợt ngẩng phắt đầu. – Nếu họ chỉ muốn khiêu vũ hay trò truyện thì không sao cả. Nhưng họ luôn luôn tìm cách đưa người ta một mình đến một nơi nào đó… - Cậu nào? – Giọng cô giáo đột nhiên trở nên gắt gỏng. – Rồi chúng tôi sẽ sớm cấm cửa những cậu đó. Raina bỗng đứng dậy một cách bất ngờ. “Em xin phép về thôi thì hơn ạ”. Cô bé thốt lên bứt rứt. “Dù sao em nghĩ thế cũng chẳng có tác dụng gì”. Cô bước về phía cửa. “Hượm đã!”, Magrit Brađlây nói như ra lệnh. Raina quay lại nhìn cô. “Đã có cậu nào làm quá…quá cái việc sờ sọang ấy chưa?” Raina lắc đầu. - Em bao nhiêu tuổi? - Mười sáu ạ. - Tôi đoán rằng bây giờ thì em đã hiểu con trai đều như thế cả. Raina gật đầu. - Khi cô bằng tuổi em cô cũng có cảm giác như đấy. - Cô cũng cảm thấy thế ạ? – Giọng cô bé lộ vẻ nhẹ nhỏm. – Em cứ nghĩ chỉ có mỗi mình em. Không có một bạn gái nào nữa cảm thấy như em. - Chúng nó ngu! – Cô giáo buột ra, căm hờn gắt gỏng, nhưng ngay lập tức trấn tĩnh được. Để nỗi cay đắng của mình bộc lộ mình thì thật hỏng. – Cô đang định pha chè uống. – Cô thốt lên, - em ở lại uống cùng với cô nhé? Raina ngập ngừng. “Dạ, nếu phiền cô quá thì em xin thôi ạ”. - Không, không phiền phức cái gì đâu. Em cứ ngồi xuống đây đi, tự nhiên nhé. Cô sẽ sửa sọan xong ngay thôi mà. Brađlây đi vào bếp. Ngạc nhiên, cô bắt gặp thấy mình vừa khe khẽ hát vừa xoay núm bếp ga dưới đáy cái ấm chè. -Tôi cho rằng một mùa hè ở châu u từ giờ cho đến khi em nó vào học trường Xmith vào mùa thu là rất có lợi đối với em nó. – Magrit Brađlây nói. Harixơn Malivo ngả người vào thành ghế phía sau, chăm chú nhìn cô giáo qua mặt bàn ăn chiều phủ khăn trắng muốt, rồi nhìn sang Raina, ngồi đối diện với cô ta. Những điều ông thấy được làm dậy lên trong ông một cảm giác tin tưởng. Một người đàn bà trẻ, bình thường, không phải không hấp dẫn, độ gần ba mươi – ông tự hình dung. Cô ta mặc một bộ quần áo do thợ may, giản dị, hơi có vẻ đàn ông, như nói rõ nghề nghiệp của mình. Không hề có ở cô ta một chút gì điệu bộ khoe khoang rất ngớ ngẩn mà rất nhiều phụ nữ trẻ thời nay có. Nom cô ta không có tý gì là trẻ người non dạ cả. Cô ta nghiêm nghị, có vẻ chuyên tâm với công việc. -Mẹ của Raina và tôi luôn bàn về chuyện sẽ cho cháu nó sang châu u. – Ông ướm lời. -Không có một cô gái đước coi là đã được giáo dục đầy đủ nếu không ở một thời gian ở bên đó. – Cô giáo nói một cách khẳng định. Malovi chậm rãi gật đầu. Nuôi dạy một cô con gái đến trưởng thành quả là một trách nhiệm hết sức nặng nề. Không hiểu sao, ông đã không nhận ra điều ấy cho đến khi mấy tháng trước đây, một hôm vào phòng khách, ông bắt gặp Raina. Con bé mặc một bộ váy áo màu xanh sẫm khiến nó nom có vẻ già hơn so với tuổi. Bộ tóc màu vàng sáng của nó ánh lên trong ánh mờ mờ của căn phòng. - Con chào bố! - Ô, Raina! – Ông thốt lên. – Con ở nhà làm gì thế này? - Con chợt nghĩ rằng nhất định bố cảm thấy buồn kinh khủng khi về đến ngôi nhà to tướng trống rỗng như thế này mà chỉ thấy có mỗi một mình. Nên con đã nghỉ học mấy ngày. - Nhưng…nhưng còn chuyện học hành của con thì sao? - Con có thể đuổi kịp rất dễ dàng. - Nhưng… - Thế bố có mừng được trông thấy con không nào? – Cô ngắt lời. - Tất nhiên là mừng chứ! – Ông đáp nhanh. - Vậy tại sao bố lại không hôn con đi? – Cô chìa má ra cho ông. Ông hôn má cô. Ông vừa định đứng thẳng người dậy thì cô đã bíu lấy cổ ông. “Nào giờ cho con hôn bố!” Cô hôn lên môi ông. Môi cô ấm nóng. Chợt cô bật cười. “Ôi râu bố cù buồn cười quá!” Ông cúi xuống mỉm cười với cô. “Con luôn kêu kên như vậy”, giọng ông âu yếm. “Ngay từ cái thuở con còn bé xíu”. - Nhưng con bây giờ không còn bé nữa, bố nhỉ? Phải không? Ông nhìn cô, xinh đẹp, gần như một phụ nữ trưởng thành trong bộ váy áo xanh thẳm. “Bố nghĩ là không”, ông đáp. Cô quay sang cái tủ bên. “Con nghĩ là chắc bố thích uống một chút trước bữa cơm chiều”. Cái chai rượu mùi đã được bày ra sẵn sàng cho ông. Ông bước tới tủ. Cô thậm chí còn đã chuẩn bị sẵn cả đá trong khay nữa. “Cơm chiều có gì thế?”. Ông hỏi. - Con bảo cô Moly làm các món bố vẫn thích đấy. Gà quay, khoai tây, chả viên rán. - Hay! – Ông nói, với tay định cầm lấy một chai uyxky. Giọng cô làm ông dừng tay lại. - Thế sao bố không uống Mactini? Lâu lắm rồi bố không uống nó. Ông thóang một giây ngắn ngừ, rồi với tay cầm lấy chai rượu gin. Mãi đến khi rời tủ quay ra, ông mới chợt nhận thấy tay mình cầm hai cốc Côctên. Thói quen thật là một người chỉ huy kì lạ. Ông quay lại, đặt một cốc lên tủ rượu. - Cho con uống có được không ạ? Con đã hơn mười sáu tuổi rồi. Ở trường con đã có rất nhiều đứa con gái được bố mẹ cho phép uống Côctên trong bữa chiều đấy. Ông mở to mắt nhìn cô, rồi đổ lại một nửa cốc rượu vào bình pha. Ông đưa cho cô cốc rượu đã vơi một nữa. Ông giơ cốc lên, tỏ ý chúc. Cô mỉm cười, duyên dáng nhấp rượu ở cốc của mình. “Ngon quá!”, cô thốt lên, đúng từng lời, đúng hệt giọng mà ông đã từng nghe vợ thường nói. Ông cảm thấy những giọt nước mắt nóng bỏng, không tài nào ngăn nổi bỗng trào lên mí mắt và vội quay ngoắt đi, giấu không cho con thấy. Tay cô túm lấy tay áo ông. Ông quay lại. Đôi mắt cô thăm thẳm, đầy ái ngại cảm thông. Ông để cô từ từ kéo ông ngồi xuống cái đivăng bên cạnh cô. Và, trong một lúc, ông không còn là cha cô nữa. Ông chỉ là một người đàn ông cô đơn, nức nở trên ngực của mẹ ông, vợ ông, con gái ông. Ông cảm thấy hai cánh tay trẻ trung, rắn chắc của cô quàng qua vai, ngón tay cô nhè nhẹ vuốt tóc ông. Ông nghe cô khẽ thì thào trong ngực. “Tội nghiệp bố, tội nghiệp bố”. Và bất ngờ như đã đến, cái phút ấy vụt qua đi. Ông đột nhiên chỉ còn cảm thấy đôi vú căng căng, rắn chắc áp vào hai má mình. Ông ngẩng đầu dậy, trấn tĩnh. “Bố thật dớ dẩn quá”, ông vụng về nói. - Không, bố ạ. – Cô lặng lẽ thốt lên. – Lần đầu tiên trong đời, con đã cảm thấy còn là một đứa trẻ nữa. Con thấy mình đã là người lớn, và được cần đến. Ông gắng mỉm cười. “Con còn đủ thời gian để lớn lên đấy con ạ”. Tối đó, sau bữa cơm, cô đi tới ngồi trên thành ghế bành của ông. “Con sẽ không đi tới trường nữa”. Cô nói, “con sẽ ở nhà và trông nom nhà cửa cho bố”. Ông mỉm cười, “Con sẽ sớm phát chán lên ngay thôi. Con sẽ nhớ cái bầu không khí háo hức vui vẻ của trường, của đám bạn trai…” - Con trai! – Cô thốt lên khinh bỉ. – Không có bọn họ con cũng sống được. Họ chỉ là một bầy thú vật nhãi ranh, tham lam, lúc nào cũng lượn lờ ở đằng sau người ta. Con không chịu được bọn chúng. -Con không chịu nổi chúng ư? – Ông thốt lên, vẻ kỳ quặc khó hiểu. – Vậy thì loại đàn ông nào mới làm vừa lòng người ạ, muôn tâu nữ hoàng? Cô nghiêm chỉnh cuối xuống nhìn ông. “Con nghĩ là một người đàn ông có tuổi. Có thể là một người nào đó giống như bố. Một người sẽ làm con cảm thấy mình được an toàn, yên tâm, được cần đến. Đám con trai luôn luôn cố muốn chiếm lấy một cái gì đó của người ta, tỏ vẻ ta đây mạnh hơn, quan trọng hơn”. Ông bật cười. “Thế là bởi vì chúng còn quá trẻ”. - Con hiểu. – Cô đáp, vẫn nghiêm túc. – Chính vì vậy chúng mới làm con sợ. Chúng chỉ quan tâm đến cái chúng muốn thôi, chúng không đếm xỉa gì đến con. – Cô cúi người, hôn lên mớ tóc trên đỉnh đầu ông. – Tóc bố đẹp quá, với những sợi tóc bạc loáng thoáng như thế này. – Một vẻ tiêng tiếc lộ ra trong giọng cô. – Thật chán quá là con không thể lấy được bố. Con yêu bố lắm. - Không! Ông giật giọng thốt lên, đến mức ông cũng tự cảm thấy ngạc nhiên với chính mình về mức độ phản ứng mãnh liệt không giải thích nổi của mình. - Không cái gì cơ ạ, bố? – Cô giật mình, ngỡ ngàng. Ông đứng dậy, mở to mắt nhìn xuống cô. “Không, con sẽ không được ở nhà. Mai con phải trở về trường. Bố sẽ bảo các Pitơ đưa xe chở con đi”. Cô ngước nhìn ông, mắt bắt đầu giàn giụa nước. Và đột nhiên, cô lại là một đứa trẻ thơ. “Bố không yêu con, bố không yêu con ư?”. Cô òa khóc, “bố không muốn cho con ở với bố ư?” Ông trân trân nhìn cô một hồi, rồi lòng cảm thấy dào dạt tình thương con gái. “Tất nhiên là có, con yêu ạ”. Ông lặng lẽ nói. “Nhưng con không thấy ư, chúng ta không thể chúi vào trong một cái vỏ bọc để tránh thế giới ở quanh ta được!” - Nhưng con chỉ muốn ở với bố thôi, một mình thôi, bố ạ. - Không được, con ạ, không được. – Ông kiêu hãnh nói. – Bố biết đó là cảm giác lúc này của con. Nhưng rồi sẽ có ngày, khi con lớn tuổi hơn, và có thể đã có chồng, có con, con sẽ hiểu. Cô đột ngột vằng người ra khỏi hai tay ông, cáu kỉnh quay lại, giáp mặt ông. “Không!” , cô gầm lên. “Con sẽ không bao giờ lấy chồng! Con sẽ không bao giờ có con! Con sẽ không bao giờ chịu để cho một thằng con trai ranh con nào đó đụng vào người con bằng hai bàn tay bẩn thỉu của nó!” - Raina! – Ông bàng hoàng kêu lên. Cô trừng trừng nhìn ông, nghẹn lời. Rồi mặt cô dịu lại, đầm đìa nước mắt. “Ôi, bố ơi!” Cô kêu lên, tức tưởi, đau khổ. “Bố không thể thấy ư? Không phải là con, mà là bố không hiểu!” -Raina, Raina con yêu! – Ông thốt lên. Đưa tay về phía cô. Nhưng cô đã vùng chạy khỏi phòng. Ông nghe thấy tiếng chân cô lập cập lao lên gác, và cánh cửa phòng đóng sập lại. Ông từ từ quay về với thực tại, nhìn qua cái bàn ăn dài tới chỗ cô giáo, rồi nhìn Raina. Mắt cô ngời ngời, hớn hở chờ đợi. -Thưa cô Brađlây, tôi chắc chắn rằng nếu mẹ cháu Raina còn sống. Ông thốt lên với vẻ trịnh trọng là lạ của mình. – Thì bà hẳn cũng sẽ vui mừng như tôi khi giao con gái của chúng tôi vào đôi bàn tay đầy năng lực của cô. Magrit Brađlây cúi vội xuống đĩa xúp, giấu không cho ông bắt gặp được vẻ đắc thắng vụt lóe lên trong mắt mình. “Xin cảm ơn ông ạ, thưa ông Malovi”, cô từ tốn đắp. 9 Hai người ở lại trên boong cho đến lúc vượt quá tượng Nữ thần Tự do và đảo Elix, đến khi nước dưới thân tàu ngả sang màu xanh và học không còn nhìn thấy bờ nữa. -Rạo rực không nào? Magrit Brađlây hỏi. Mắt Raina lấp lánh sáng ngời. “Cứ như là mơ ấy ạ”. Magrit Brađlây mỉm cười. “Rồi thì em sẽ thấy mỗi ngày một vui thêm đấy. Bây giờ ta phải xuống cabin của mình để nghỉ một chút trước khi ăn chiều”. -Nhưng em không cảm thấy mệt mỏi tý nào cả! – Raina phản đối. -Em sẽ thấy mệt đấy. – Magrit nói chắc chắn nhưng dịu dàng. – Ta sẽ ở trên tàu Leviathan này sáu ngày cơ. Em sẽ tha hồ xem được mọi thứ. Raina gật đầu lặng lẽ tán thành. Cả hai bước vào cabin của mình. Harixơn Malovi không hề keo kiệt tý nào khi ông lo một điều gì đó cho con gái mình. Cabin hạng nhất, hai giường, phòng tắm riêng. Và khi cô đề nghị Raina nên có quần áo mới, ông cũng không ngần ngại một chút nào. Ông viết liền một cái séc một ngàn đôla và bảo cô rằng nếu thế chưa đủ, cô cứ nói cho ông rõ. Họ chỉ mua mấy thứ ở Niu Yooc. Chỗ còn lại sẽ sắm ở Pari. Nhưng không nói gì với Raina, cô đặt mua thêm và cho gửi thẳng lên lầu. Cô nóng lòng. Không thể dừng được để muốn xem vẻ mặt của Raina khi nhìn thấy chúng. Chúng đang nằm ở trên giường kia. Nhưng cô không hướng sự chú ý của Raina tới chúng. Cô muốn chờ đến đúng lúc. Cởi cái áo khóac mùa xuân mỏng ra, cô ngồi phịch xuống một cái ghế bành sâu, êm ái dễ chịu. Cô mở xắc tay, lấy ra một hộp thuốc lá. Mãi đến khi đã châm một điếu, cô mới chợt nhận thấy rằng Raina đang trố mắt nhìn cô. Và cô nhận ra rằng Raina chưa hề nom thấy cô hút thuốc bao giờ cả. Cô chìa bao thuốc. “Hút một điếu chứ em?” Raina ngần ngừ. -Cứ lấy đi. – Cô thúc giục. – Không sao đâu. Em sẽ thấy hều hết phụ nữ châu u đều hút thuốc cả chứ không phải tỉnh lẻ như ta đâu. Cô chăm chú nhìn Raina châm lửa và bật cười khi cô bé phát ho. “Đừng có nuốt khói”. Raina ngậm khói trong miệng rồi từ từ nhả ra. “Thế nào ạ?” Magrit mỉm cười. “Được lắm”. -Thưa cô Brađlây, hút thuốc thế này ngồ ngộ thật. Magrit nhìn cô bé. “Bây giờ vì ta đã thật sự lên đường rồi, chị nghĩ rằng ta nên vứt béng những nghi thức, hình thức đi. Từ nay em cứ gọi chị là Pêgi cho thân”. Cô đứng dậy. “Em muốn tắm trước không Raina?”. Raina lắc đầu. “Thưa cô Brađlây, không ạ. Cô thấy thích thì xin cô cứ tắm trước đi ạ”. Magrit lắc đầu, mỉm cười: “Pêgi chứ!”. -À vâng, chị Pêgi. -Như thế tốt hơn. –Magrit đáp. Cô ngẩng lên nhìn Raina vừa bước ra khỏi buồng tắm vừa thắt dãy dây lưng của áo chòang. Mớ tóc dài vàng óng của cô bé rủ xõa xuống vai, nom trắng ra như bạc trên nền da nâu rám nắng. Có tiếng gõ khẽ ở cửa. Raina ngỡ ngàng nhìn cô, dò hỏi. -Chị đã gọi rượu seri.- Cô giải thích.- Nó sẽ làm em ăn ngon miệng ngày đầu tiên trên biển. Chị phát hiện ra là nó giúp ta đỡ say sóng. Cô đỡ lấy cái khay từ người bồi phòng, đưa một cốc cho Raina. “Chúc mừng nhé!” Cô mỉm cười chậm rãi hớp một ngụm rượu nhỏ. -Tuyệt quá.- Raina nói. -Chị rất vui là em thích nó. Raina đặt cốc rượu xuống. “Em sẽ mặc cái áo xanh mới của em tối nay chứ ạ?”. Magrit tạo cho mặt mình một vẻ bàng hoàng. “Raina ăn cơm chiều ở khoang hạng nhất là một dịp long trọng đấy!” -Thế thì em còn mấy bộ ăn tiệc nữa. Em sẽ mặc một bộ trong số đó. -Không phải là những thứ khủng khiếp bọn con gái mặc trong buổi khiêu vũ ở trường chứ hả? Mặt Raina lộ vẻ tự ái, đau khổ. “Em thấy chúng đẹp đấy chứ ạ”. Magrit cười. “Với trẻ con thì có thể thế thật. Nhưng không phải với một cô gái trẻ đang trên đường sang châu u”. -Thế thì em chả còn biết ăn vận ra sao nữa cả.- Raina thốt lên tuyệt vọng. Trêu Raina thế là đủ. “Mấy cái hộp trên giường kia là của em đấy”. Vẻ mặt của Raina ngời lên khi mở mấy cái hộp ra đã đúng như Magrit mong ước. Cô bé mặc một chiếc váy liền áo đen tuyền, bó sát vào người, kiểu tiệc lễ, để lộ đôi vai trần. Mấy giờ sau, khi hai người bước vào phòng ăn chiều, mọi cặp mắt đàn ông đều dõi theo họ. Như chủ nhân, Magrit cúi vươn qua bàn, vuốt ve tay Raina. “ Nom em xinh lắm, em yêu ạ”. Magirt bỏ khăn tắm xuống, quay lại ngắm mình trong tấm gương cả thân. Hài lòng với bóng mình, cô vuốt hai tay xuôi xuống thân, khoan khoái ưỡn dài người. Hai cái vú nhỏ với đôi núm vú bé xíu của cô nom không to hơn của nhiều người đàn ông, hông cô phẳng, chân thẳng. Cô nhanh nhẹn mặc bộ quần áo ngủ vào, kéo phecmơtuya ở cái quần dài, may theo kiểu đàn ông lên, rồi cài chặt cái áo vét tông chẽn, ngắn đến thắt lưng lại. Cô chải mớ tóc đen ra đằng sau, ghim chặt. Cô lại liếc vào gương. Nhìn thóang qua, ít người có thể phân biệt được cô với một người đàn ông. Hài lòng, cô ra khỏi buồng tắm, bứơc ra phòng lớn. “ Em có thể vào được rồi đấy, Raina ạ”. Raina trố mắt, kinh ngạc nhìn cô. “ Cô Brađlây - chị Pêgi, em muốn nói thế… bộ quần áo ngủ!”. Magrit mỉm cười với cô gái. “Thích không?”. Raina gật đầu. Magrit rất hài lòng. “Chúng làm bằng lụa kim tuyến Trung Quốc chính gốc đấy. Một người bạn chị ở Xan Franxixcô gửi lụa đến cho chị, chị tự cắt lấy kiểu này”.Một trong những điều tốt của Xaly mà cô luôn cô luôn có thể nói tới được là Xaly có con mắt biết ăn mặc. Trong tất cả những thứ Xaly đã cho cô, bộ quần áo lụa này là thứ cô thích nhất. Raina đứng dậy khỏi ghế, lấy một cái áo chòang ngủ bằng vải trong tủ và chực bước vào phòng tắm. Hượm đã!- Magrit nói. Cô bước lại tủ quần áo của mình, lấy ra một chiếc hộp nhỏ. Khi mua hàng, chị cũng mua cho em mấy cái áo ngủ đây này. Cô chăm chú nhìn vẻ mặt của Raina khi cô gái mở hộp. “Chao ôi, lụa thật sự!” -Chị sợ rằng tất cả những thứ em có là đám xống váy học trò khủng khiếp ấy thôi. Raina cúi xuống nhìn cái hộp. “Mỗi một đêm trong tuần lại có một màu riêng thế này. Đẹp quá, tất cả đều đẹp đến nỗi em không biết mặc màu nào trước bây giờ”. Magrit lại mỉm cười. “Sao em không mặc màu trắng đêm nay?”. -Ôkê.- Raina nói. Cô nhặt cái áo lên, bước về phía buồng tắm. Đến cửa, cô dừng lại. “Em không biết phải cảm ơn chị đến thế nào, Pêgi ạ”. Cô cảm kích thốt lên. “Chị làm mọi thứ trở nên tuyệt vời quá”. Magrit bật cười sung sướng. “Đấy chỉ là cách chị muốn mọi cái sẽ như thế đối với em thôi”. Cô nhìn Raina, dường như vừa mới nẩy ra ý nghĩ ấy trong đầu. “Thế nào ta kỷ niệm đêm nay chứ? Trong khi em thay áo váy, chị sẽ gọi một chai sâm banh. Ta sẽ tổ chức một tiệc vui nhỏ của riêng hai ta”. -Hẳn là sẽ vui lắm.- Raina mỉm cười. – Em luôn luôn muốn uống sâm banh nhưng bố không bao giờ cho uống cả. -Được, đây sẽ là bí mật của riêng chúng ta. – Magrit phá lên cười, vớ lấy điện thoại. Chị hứa là sẽ không mách ông cụ. Raina đặt cốc xuống, khúc khích cười. Magrit ngả người về phía sau. Cái ghế vẫn đỡ cô bằng cái thành mỏng mảnh của nó. “Có gì buồn cười thế?”. -Cái áo ngủ của em kêu sột sọat và tóe ra những tia sáng khi em cử động. -Em biết.- Raina đáp nhanh.- Em nhớ trong giờ học chị đã nói thế. – Cô vuốt mạnh tay dọc cái áo. – Nó tóe lên những tia lửa li ti này. Chị có thấy không? -Không. Raina nhảy vụt lên. “Để em tắt điện đi. Chị khi ấy sẽ thấy”. Cô tắt phục đèn và đứng sững trước mặt Magrit. “Nhìn nhé”, cô thốt lên, vuốt hai tay dọc thân người. Có tiếng lách tách khe khẽ và những đốm sáng li ti hiện ra trên đầu ngón tay cô. Raina cầm cốc rượu của mình lên, uống cạn. Cô chìa cốc về phía Magrit. “Cho em xin cốc nữa, được không Pêgi?”. -Tất nhiên được chứ . – Magrit đáp, rót đầy cốc cho cô. Raina đưa cái cốc lên miệng, nhấp nhấp.” Sâm banh chỉ là đồ uống có bọt tạo từ rượu vang”. Cô nghiêm trang nói, “nhưng ngon hơn. Nó không ngọt như cái kia”. -Nó làm ấm thêm ở đây, đúng không em? - Đúng là nóng hơn thật.- Raina đáp. – Chị muốn em bật quạt không?. -Ố đừng.- Magrit đáp nhanh.- Chúng ta sẽ bị cảm gió mất. Chị sẽ cởi áo ra thôi. Cô cảm thấy Raina dán mắt vào cái ngực nhỏ của mình. Cô vội nâng cốc rượu cô lên. “Có sao không em?”. Raina lắc đầu. Cô nhấc cốc rượu lên, uống một hớp nữa. “Chị nghe thấy tiếng nhạc không?” Magrit gật. “Đấy là ban nhạc ở phòng nhảy. Họ đang chơi một điệu van-xơ đấy”. Raina đứng dậy. Cô xoay người theo nhịp nhảy. “Em thích nhảy vô cùng”, cô thốt lên lướt nhẹ nhàng quanh phòng. Chiếc áo ngủ trắng tinh xòe tung ra ra theo vòng quay của cô, để lộ ra đôi chân dài thon thon, rám nắng. Magrit cảm thầy dạ dày mình đột nhiên xỉu đi. Cô đứng bật dậy. “ Chị cũng thích nhảy vô cùng”. Cô cúi cụp xuống giễu cợt chào.” Cho phép tôi nhảy với cô điệu này chưa, thưa cô Malovi?”. Raina nhìn cô, mỉm cười- “Chỉ điệu này. Các điệu khác đều đã có người rồi cô Brađlây ạ”. Magrit giơ một ngón tay đe Raina. “Ông Brađlây chứ, nếu cô muốn ạ”. Raina bật cười. “Tất nhiên rồi. Chỉ điệu này thôi đấy, ông Brađlây”. Magrit ôm lấy hông Raina. Cả hai đều phá lên cười khi thấy những đốm lửa xanh bật ra khỏi áo của Raina. Magrit cảm thấy chân mình run lên bần bật khi hơi nóng hừng hực tỏa ra từ vú của Raina qua lớp vải mỏng của cái áo chòang. Ôm chặt cô gái trẻ, Magrit lôi cô vào điệu nhảy. Họ điên cuồng quay thốc thành một vòng tròn trong tiếng nhạc rộ lên đỉnh điểm. Rồi đột ngột cả hai dừng phắt lại. Raina ngẩng lên nhìn, Magrit mỉm cười với cô. “Chúng ta nên uống thêm một chút Sâm banh nữa”. Cô đưa cho Raina một cốc rồi nâng cốc của mình lên. “Raina em nhảy tuyệt lắm”. -Cảm ơn chị. Chị vẫn nhảy giỏi hơn bất cứ đứa con trai nào có mặt ở các buổi khiêu vũ của trường đấy. Chị làm cái gì cũng giỏi thật.- Cô hơi lắc lư người – Em thấy hơi quay cuồng vì nhảy đấy. -Có lẽ em nên nằm nghỉ một tý thì tốt hơn. Raina lắc đầu. “Và để làm tan cuộc vui của chúng mình ư?”. -Nằm một tý thôi. Em không làm tan cuộc vui đâu. Chị sẽ đến ngồi cạnh em. - Tốt quá. - Raina nói. Cô chập chững đi lại phía giường, để cốc rượu lên cái bàn đêm rồi nằm dài ra trên tắm ga giường trắng muốt. Magrit ngồi xuống bên cạnh. “Thấy dễ chịu hơn chưa nào?” - Căn phòng vẫn còn đang quay tròn đấy. Magrit cúi xuống cô, nhè nhẹ xoa trán. “Em hãy nhắm mắt lại một lúc”. Ngoan ngoãn, Raina nhắm mắt lại. Cả hai lặng im hồi lâu trong khi Magrit tiếp tục vuốt ve trán Raina. “Giờ thì đỡ hơn rồi,” Raina khẽ nói. “Em đã thấy hết chóng mặt”. Magrit không đáp, vẫn khe khẽ xoa trán Raina. Raina mở choàng mắt, nhìn cô. Magrit với lấy cốc rượu. “Uống thêm một chút nữa nhé?” Raina gật đầu. Cô nhấp một ngụm rồi đưa lại cho Magrit. Magrit mỉm cười để cái cốc xuống. - Em rất mừng là chúng mình được đi Châu u với nhau – Raina bỗng nói. – Trước kia em chưa bao giờ có bạn gái thân cả. Em thấy đám bạn gái ở trường đều như một lũ ngớ ngẩn hết. Lúc nào cũng chỉ nói về con giai, con giai. - Chúng chỉ là những đứa trẻ ngờ nghệch, hầu hết như thế cả. Chính vì vậy mà chị đã thích em ngay từ cái tối ấy, lần đầu tiên em vào phòng chị. Chị biết em khác chúng, trưởng thành hơn. - Từ khi Lađi chết, em không thể nào chịu được con trai. – Raina thốt lên. - Lađi ư? - Anh em. – Raina giải thích. – Anh ấy và bố em là hai người đàn ông duy nhất mà em đã thích. - Thế thì nhất định anh ấy phải tuyệt vời lắm. – Magrit đáp. - Đúng thế đấy ạ. – Raina ngoảnh đầu đi. – Em nghĩ là em đã yêu anh ấy. - Chả sao cả. – Magrit đáp nhanh. – Tất cả con gái đều yêu anh trai mình. - Chị biết không, anh ấy không phải thực là anh ruột của em đâu. Em được nhận làm con nuôi. - Làm sao em biết được là em yêu anh ấy nào? – Magrit hỏi, loáng thoáng gợn một nỗi ghen tỵ. - Em biết. – Raina đáp. – Và em nghĩ là anh ấy cũng yêu em. - Em biết ư? – Magrit gặng hỏi, cơn ghen càng tăng. – Anh ta đã… em… đã… ư? Raina ngoảnh nhìn đi chỗ khác. “Em chưa bao giờ nói với ai điều ấy cả.” - Em có thể nói với chị. Chị là bạn em. Chúng mình không có bí mật gì với nhau cả. - Chị sẽ không bực với em chứ ạ? - Chị sẽ không bực với em. – Magrit gần như gắt lên. – Nói đi! Giọng Raina nhỏ lại trong cái gối. “Em đã không để cho anh ấy đụng vào em vì sợ điều đó sẽ xẩy ra. Rồi một hôm, anh ấy vào phòng em, trói hai tay em vào thành giường bằng thắt lưng của anh ấy và làm điều đó. Anh ấy làm em đau đớn vô cùng!”. - Nếu anh ta làm em đau đến như vậy thì chắc chắn là anh ta đã không hề yêu em mãnh liệt đâu. - Nhưng anh ấy yêu em vô cùng, thật mà! – Raina nói như điên dại. – Chị không thấy ư, Pêgi? Em muốn anh ấy làm điều đó. Em cứ khiêu khích anh ấy suốt, và đến lúc anh ấy làm điều đó, em biết rằng em đã yêu anh ấy. Nhưng rồi anh ấy bỏ đi biển với mẹ, và hai người đã chết. – Cô bắt đầu khóc nấc lên. – Tội lỗi là ở em, bởi em muốn anh ấy làm thế cho em. Chị không thấy ư, rằng em mới chính là người phải chết, chứ không phải mẹ? Mẹ đã thay chỗ em trong giấc mơ. Giờ thì em cũng không mơ được giấc mơ ấy nữa rồi. - Em sẽ lại mơ thấy giấc mơ của em. – Magrit chậm chạp nói, ghì đầu Raina vào ngực mình. - Không, sẽ không còn bao giờ nữa! - Nhất định là được mà! – Magrit khẳng định. – Nói cho chị biết đi, chị sẽ giúp em! Raina thôi nức nở. “Chị nghĩ rằng có thể giúp được ư? Cô hỏi, đưa mắt tìm kiếm một điều gì đó trên mặt Magrit. - Cứ nói với chị đi, để rồi chúng mình xem. Raina thở mạnh. “Em mơ thấy rằng em đã chết, và mọi người xúm quanh giường em, khóc. Em có thể cảm thấy rõ mồn một mọi người đã yêu em biết chừng nào và cần em, bởi vì mọi người luôn miệng cầu mong em đừng chết. Nhưng em không thể nào làm được gì nữa. Em đã chết.” Một cơn kích động lạnh toát run rẩy chạy khắp người Magrit. Cô từ từ đứng dậy. “Raina nhắm mắt lại đi”, cô nói khẽ, “Ta sẽ làm như em mơ. Em muốn chị làm người nào?” Ngượng ngùng, Raina ngẩng lên nhìn cô. “Chị làm Lađi nhé?” - Chị sẽ là Lađi. – Magrit đáp. – Nào nhắm mắt lại. Magrit nhìn xuống cô gái. Và đột nhiên, nước mắt cô trào ra. Người cô đau thắt lại trong một cơn kinh hoàng ập tới. Raina đã chết. Raina đã chết thật rồi. “Raina”, cô thét lên khàn khàn. “Đừng, đừng chết em ơi!”. Raina không động đậy. Magrit ngã khuỵu xuống cạnh giường. “Raina, đừng, đừng em ơi! Thiếu em chị không tài nào sống nổi.” Cô cúi gập người xuống, hôn như mưa lên mặt Raina. Đột nhiên Raina mở choàng mắt, một nụ cười đắc thắng kiêu hãnh khẽ khàng nở trên môi. “Chị khóc thật kìa”. Ngón tay cô đụng nhẹ vào má Magrit. Cô lại nhắm nghiền mắt, hài lòng. Từ từ, Magrit lột cái áo ngủ của cô. “Em đẹp quá”. Cô thì thào. “Em là người đàn bà đẹp nhất trên đời này. Em đẹp quá, đến mức không thể để em chết được”. Raina ngẩng lên nhìn cô. “Chị nghĩ em thật sự đẹp ư?” Magrit gật đầu. Cô tụt quần để rơi xuống sàn. “Em chỉ cần nhìn chị là thấy em đẹp thực sự như thế nào.” Cô chộp lấy tay Raina, ghì nó vào vú mình, rồi kéo tuột nó qua bụng, tới đùi. “Sờ xem chị phẳng chưa, như đùi đàn ông ấy, đúng không?” Cô từ từ ngã xuống giường cạnh Raina, dịu dàng mơn man vuốt ve vú cô gái, miết môi mình lên hai gò má mềm mềm, mát lạnh của Raina. - Em cảm thấy yên ổn vô cùng khi ở với anh, tốt đẹp vô cùng. – Raina thì thào. – Anh không như tụi con trai khác. Em không thích chúng đụng vào người em. Em sợ chúng. Nhưng em không sợ anh. Rên lên đau đớn, Magrit lăn lên người Raina, lấy đấu gối banh hai chân Raina ra. “Anh yêu em! Raina, đừng chết, đừng chết em ơi!”. Cô ghì môi mình lên môi Raina. Trong một thoáng, cô cảm thấy như chạm phải lửa ở lưỡi của cô gái. Rồi cô nghe tiếng Raina, trầm trầm thì thào. “Lađi, yêu em đi, yêu em đi! Em yêu anh, em yêu anh, Lađi!”. 10 Raina cúi xuống nhìn đồng hồ tay, đã hai giờ rưỡi. “Em phải đi thôi!” Cô thốt lên. - Vội vã sau một bữa trưa như thế này ư? – Giăcơ Đexchampx dang rộng hai tay. – Thế là phạm tội báng bổ thần thánh đấy. Nhất định là em phải uống một cốc rượu mùi đã rồi hẵng đi. Raina mỉm cười nhìn avocat[26] dong dỏng, tóc đã hơi hoa râm ấy. “Nhưng mà… em…” - Em đã ở Pari hơn một năm. – Giăcơ ngắt lời. – Thế mà em vẫn chưa học được rằng người ta không vội làm gì sau bữa ăn cả. Có cái gì đi chăng nữa, thì nó cũng đợi đấy. – Ông huýt sáo gọi một anh bồi đi ngang qua. – Pxxt! Anh bồi dừng ngay lại, kính cẩn cúi đầu. “Dạ, mơxiơ?” Raina buông mình lại xuống ghế. Giăcơ nhìn cô, tỏ ý hỏi. “Penođ. Rót trên đá”. Ông rùng mình. “Rót trên đá”, ông lặp lại với người bồi. “Anh đã nghe mađomoađen đây nói rồi đấy”. Anh bồi đưa mắt nhìn cô thoáng một cái bằng cái liếc tán thưởng mà hình như mọi người đàn ông Pháp đều có cả.” Trên đá, thưa ông. Còn của ông vẫn như thường lệ chứ ạ?” Giăcơ gật, anh bồi bước đi. Ông quay lại Raina. “Thế nào, việc học vẽ ra sao rồi? Em có tiến bộ chứ?” Raina cười. “Anh biết hơn thế chứ lại. Em sợ rằng em sẽ không bao giờ trở thành họa sĩ được đâu”. - Nhưng em hẳn là thấy vui thích phải không? Cô ngoảnh đầu, nhìn ra đường. Không gian phảng phất cái mùi tháng Năm mà chỉ riêng Pari mới có. Những người lái xe vận tảu đã mặc áo sơmi mỏng, và đàn bà, từ lâu đã trút bỏ những áo khoác mùa đông màu đen và xám nâu của mình. - Em chưa trả lời tôi đấy. – Ông nhắc. Cô ngoảnh lại, đúng lúc ấy anh bồi bưng rượu tới. “Em đang hưởng vui”, cô nhấc cốc rượu của mình lên. - Em không chắc chắn ư? – Ông gặng. Cô bất giác mỉm cười. “Tất nhiên là em chắc chứ ạ”. Ông nâng cốc. “À votre santé[27]”. - Chúc sức khỏe, - cô lặp lại. Ông đặt cốc của mình xuống. “Thế còn bạn em? Cô ta thì sao?” - Pêgi cũng vậy. – Cô trả lời như máy. Cô nhìn ông một cách vững vàng. – Pêgi rất tốt với em. Em không hiểu rõ nếu không có chị ấy thì em sẽ xoay sở ra sao. - Làm sao em biết được hả. – Ông nói nhanh. – Em chưa hề thử bao giờ. Em có thể làm được rất nhiều cái. Em trẻ, em đẹp. Em có thể lấy chồng, có thể có con, thậm chí em có thể… - … Làm tình nhân của anh được. – Cô mỉm cười , nói chen vào. Ông gật đầu, mỉm cười. “Thậm chí làm tình nhân của tôi nữa. Đấy không phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nhưng em nhớ những điều kiện của tôi nhé”. Cô nhìn sâu vào mắt ông. “Giăcơ, anh tốt quá!”. Cô thầm nhớ lại buổi chiều lần đầu tiên cô nghe thấy chúng. Cô và Pêgi đã ở Pari được mấy tháng và vừa mới thuê được căn hộ cho mình, sau khi được bố cô đồng ý cho phép ở lại Pari một năm. Pêgi đem cô đến một bữa tiệc do một giáo sư ở trường Đại học tổng hợp tổ chức, nơi Pêgi bắt đầu làm. Raina cảm thấy cô đơn trong bữa tiệc, vốn tiếng Pháp của cô chưa đủ giỏi để cô có thể dễ dàng hòa vào đám đông và cô rút lui vào một góc. Đang lật lật giở xem một tờ tạp chí, cô chợt nghe có giọng cất lên ở bên cạnh mình: “Cô là người Mỹ à?” Cô ngẩng phắt lên nhìn. Một người đàn ông cao dong dỏng, da rám nắng, hai thái dương lấm tấm hoa râm đang đứng trước mặt cô. Ông ta mỉm cười dịu dàng. - Nông palơ frăng…[28] - Tôi nói được tiếng Anh. – Ông đáp nhanh. Cô mỉm cười. - Và tại sao một người con gái xinh như cô lại phải ở một mình với tờ tạp chí thế này? – Ông thốt lên. – Anh chàng nào ngớ ngẩn đến mức đem cô đến một bữa tiệc như thế này, và rồi… - ông ta khoát tay làm hiệu. - Bạn tôi dẫn tôi đến đây. – Cô chỉ Pêgi – Chị ấy vừa mới kiếm được một việc làm ở trường. Pêgi đang sôi nổi nói chuyện với một giáo sư. Trông cô rất hấp dẫn trong bộ quần áo thợ may cắt dài sát người. “Ồ!” Ông thốt lên, mặt lộ một vẻ rất kỳ quặc khó hiểu. - Thế còn ông đã đem ai đến đây ạ? - Không ai cả. – Ông nhún vai. – Thực sự như vậy. Tôi đến đây, hy vọng là sẽ gặp cô. Cô liếc nhìn hai tay ông và nhận thấy rằng ông đeo nhẫn cưới, giống như rất nhiều người đàn ông Pháp khác. “Hẳn ông cũng không hy vọng rằng tôi tin như thế chứ ạ?” Cô đáp. “Nếu không, bà nhà sẽ nói thế nào?” Ông mỉm cười, rồi bật cười với cô. “Vợ tôi sẽ rất thông cảm. Cô ấy không thể đi với tôi được. Cô ấy đang chửa rất to”. Ông khuỳnh tay trước bụng thành một cái vòng khổng lồ. Cô lại bật cười, đúng lúc ấy, giọng Pêgi vọng tới qua vai cô. “Em vui chứ hả bé yêu?”. Mấy tuần sau, một chiều cô đang ở nhà một mình thì chuông điện thoại réo. Đó là Giăcơ và cô đã gặp ông để đi ăn trưa. Rồi sau lần ấy, là nhiều lần khác. Và một chiều – cũng hệt như buổi chiều hôm nay đây – họ ngồi nhẩn nha nhấp rượu mùi. “Tại sao em lại sợ đàn ông đến thế hả?” Ông đột ngột hỏi. Cô cảm thấy máu nóng dồn hết lên cổ, tràn lên mặt. “Sao anh lại nghĩ thế ạ?” - Tôi có cảm giác như vậy. Ở trong lòng này, tôi biết. Cô cúi xuống nhìn cốc rượu, lặng thinh. - Cô bạn em không phải là câu trả lời. – Ông nói. Cô ngẩng lên nhìn ông. “Pêgi không có liên quan gì đến việc ấy cả. Chị ấy là một người bạn tốt, không hơn.” Ông mỉm cười, hiểu biết. “Em đang ở Pháp, nhớ không? Không có cái gì là sai trái cả. Chúng tôi thông cảm với những thứ loại ấy, nhưng tôi không hiểu em. Em không phải là loại người thông thường sống với những cái như vậy”. Cô đã có thể cảm thấy mặt nóng lên bừng bừng vì ngượng. “Em không nghĩ rằng thế là anh tế nhị lịch thiệp vô cùng”. Ông bật cười. “Đúng vậy”, ông thẳng thắn công nhận. “Nhưng tôi không muốn nhìn thấy em phung phí cuộc đời mình như vậy”. - Anh thích hơn ư, khi em bỏ đi chung chạ với một thằng cha ngu ngốc lóng ngóng nào đó, chả biết gì hết và không thèm đếm xỉa đến việc em có cảm giác như thế nào ư? – Cô bực bội hỏi đay lại. Ông lắc đầu. “Không. Tôi không hề thích như vậy. Tôi chỉ muốn em ăn nằm với tôi”. - Cái gì khiến anh nghĩ là với anh thì sẽ khác nào? Ông nhìn thẳng vào mắt cô. “Bởi vì anh là đàn ông, chứ không phải là một chú bé con. Bởi vì anh muốn làm cho em vui sướng. Đám thanh niên trẻ như đám bò đực ấy, chúng chỉ nghĩ đến bản thân thôi. Trong chuyện này thì em nghĩ đúng. Nhưng cũng đừng vì thế mà nghĩ rằng chỉ có đàn bà là người biết ái ân. Còn có những người đàn ông nữa, những người hiểu biết thế nào là nhạy cảm, tế nhị”. - Như anh ấy à? – Cô châm biếm hỏi. - Như tôi. Vậy em nghĩ rằng tôi gặp em tái hồi thế này là chỉ vì tôi có một mối quan tâm thuần túy tinh thần đối với em thôi sao? Cô phá lên cười. “Ít nhất thì anh cũng là người thành thật”. - Tôi là một người luôn vô cùng tin tưởng vào sự thật. Mấy tháng sau, một chiều mưa; cô tới căn hộ của ông và mọi điều đúng như ông nói. Ông âu yếm và dịu dàng. Cô không hề thấy đau đớn bị chà đạp. Suốt trong những phút giây ấy, cô cảm thấy rõ cái sức mạnh của cô, sức mạnh đem ông lên tột đỉnh ngất ngây, nơi ông không còn quay về được nữa, cái sức mạnh không bao giờ có thể biến thành nỗi khủng khiếp kinh hoàng với cô, bởi vì cô luôn chế ngự được nó, cũng như ông. Cô đăm đắm nhìn ông đứng trước gương cài khuy áo. “Giăcơ!” Ông quay lại “Gì thế em yêu?” Cô vươn tay ra với ông. “Lại đây anh”. Ông bước tới giường. Cúi người xuống rất nhanh, ông hôn lên hai bầu vú để trần của cô. “Khi em đang ân ái, em yêu ạ”, ông thốt lên, “hai cái núm này nở căng, rắn như hai quả mận tía ấy. Giờ thì chúng lại như hai quả thuốc phiện xinh xinh, hồng hồng.” - Giăcơ, điều ấy đúng như anh đã bảo em thật. - Tôi rất mừng nghe em nói vậy. Cô ấp hai bàn tay mạnh mẽ, rám nâu của ông vào tay mình. Cái nhẫn cưới vàng của ông lấp lánh đập vào mắt cô. Cô ngẩng lên nhìn thẳng vào ông. “Em nghĩ rằng em muốn làm tình nhân của anh”. - Bông[29]! – Ông đáp. – Tôi đã mong em sẽ nói như vậy. Chính vì thế mà tôi đã kiếm căn hộ xinh xinh này. Đêm nay, em có thể chuyển đến đây ngay. Cô ngạc nhiên. “Chuyển đến đây ư?”. Ông gật đầu. “Nếu em không thích chỗ này, tôi sẽ kiếm cái khác”. - Nhưng em không thể làm thế được! Còn Pêgi thì sao? - Pêgi thì sao ư? – Ông nhún vai. – Chuyện ấy đã fini[30]. - Chúng mình không thể thế này được ư? Em sẽ gặp anh ở đây bất kỳ lúc nào anh muốn. - Như vậy tức là em không thể chuyển tới đây chứ gì? Cô lắc đầu. “Em không thể. Pêgi sẽ xoay sở ra sao. Chị ấy cần em trông nom nhà cửa. Mà ngoài ra, nếu bố em biết được, ông cụ sẽ giết em mất”. - Nhưng ông ấy đã không hề lo lắng gì cả về cái việc em sống với cái đứa… đứa lexbiênnơ[31] ấy ư? – Ông cây đắng nói. - Anh không biết bố em đấy thôi. Ở Boxtơn, người ta không bao giờ ngờ tới rằng có những điều như vậy đâu. - Thế ông ấy nghĩ cô ta là cái gì? - Là cái mà chị ấy đã luôn luôn là. – Cô đáp. – Cô giáo của em, bạn đường em. Ông cười gằn. “Cô ta đúng là cô giáo dạy em, phải, đúng thật!”. - Ôi, Giăcơ! – Cô kêu lên, bứt dứt khổ sở. – Đừng làm hỏng mọi việc đang đẹp như thế này anh. Tại sao ta lại không thể tiếp tục như thế này? Ông nhìn cô. “Vậy là em nhất định không dọn đến đây?” - Em không thể. – Cô thốt lên. – Anh không hiểu em, em không thể! Ông đứng dậy, quay lại tủ gương. Ông cài nốt áo, nhặt cà vạt của mình lên. - Em không hiểu thể thì có khác gì so với thế này. Mà nói cho cùng, anh đã có vợ rồi. Liệu anh tính anh còn được bao nhiêu thời gian có thể đến đây, nào? Ông chăm chú nhìn cô. “Đó lại là chuyện khác”, ông lạnh lẽo nói. - Khác ư? – Cô kêu lên bực tức. – Tại sao đối với anh lại khác mà với em lại không hả? Ông chằm chằm nhìn thẳng vào cô. “Một người đàn ông có thể không chung thủy với vợ, cũng như vợ anh ta không chung thủy với chồng, nếu như người vợ cũng thích thế. Nhưng một người đàn ông không bao giờ không chung thủy với tình nhân của mình cả, cũng như một người đàn bà không bao giờ được phản bội người tình của mình”. - Nhưng Pêgi không phải là một người đàn ông khác! - Đúng, cô ta không phải! – Ông cay nghiệt nói. – Cô ta là một cái gì đó tệ hơn một thằng đàn ông nhiều. Raina nhìn ông một hồi. Cô ngẩng cao đầu kêu hãnh. “Đấy là những điều kiện của anh phỏng?” Cô lặng lẽ hỏi. Cô ngồi kia, đàng hoàng, kiêu sa, lưng vươn thẳng, cặp vú trần lồ lộ tuyệt vời trên khuôn ngực sâu. Ông có thể nhìn rõ đường viền của khung xương ngực cô sau lớp đang phập phồng lên xuống theo nhịp thở. Chưa bao giờ trong đời, ta được nhìn vẻ đẹp tràn trề đến thế - ông thầm nghĩ. Ông cất thành lời. “Nếu theo cách nói của em, đấy là nhưng điều kiện của tôi đấy”. Cô im lặng không đáp. - Em chỉ không hiểu. – Cô ngẩng lên nhìn công. – Tốt hơn là anh hãy đưa em xin cái váy áo của em kia nào! Thế rồi nhiều tháng đã qua kể từ khi ấy, và thật lạ, họ vẫn là bạn của nhau. Cô nâng cốc Penot lên miệng, uống cạn. “Bây giờ đúng là em phải đi rồi”, cô thốt lên, “em hứa với Pavăng là ba giờ em sẽ có mặt ở xưởng của ông ấy”. Ông rướn một bên lông mày. “Pavăng ư? Em đã theo học điêu khắc đấy à?” Cô lắc đầu. “Không. Em đang làm mẫu cho ông ấy thôi”. Giăcơ biết cái cách làm việc của Pavăng. Ông ta dùng rất nhiều người làm mẫu cho một bức tượng. Ông ta luôn cố sáng tạo nên cái lý tưởng. Ông ta sẽ chẳng bao giờ thành công. Cô cảm thấy ánh mắt kỳ quặc ngỡ ngàng của ông lướt xuống dừng lại ở ngực mình. Cô bật cười. “Không, đấy không phải là các cách anh nghĩ đâu”. - Không ư? – Ông hỏi. – Tại sao không? - Ông ấy bảo chúng nó to quá. - Ông ta điên. – Ông nói nhanh. – Mà tất cả nghệ sĩ đều điên cả. Vậy thì là cái gì thế? Cô đứng dậy. “Xương mu của em”, cô đáp. Kể từ ngày cô quen biết ông, lần đầu tiên cô thấy ông đớ người nghẹn lời. Cô bật cười. Cuối cùng ông cũng trấn tĩnh lại được. “Nhưng tại sao?” - Bởi vì đó là cái đỉnh núi cao nhất mà một người đàn ông có thể leo lên được. Ông ta nói như thế. Và sẽ có thêm nhiều người đàn ông nữa chết trong khi cố gắng trèo lên đỉnh núi ấy, nhiều hơn số đã chết khi cố gắng leo lên đỉnh Evơrext[32] cơ. Cô mỉm cười, cúi xuống ông. – Nhưng chúng mình sẽ không tiết lộ với ông ta rằng anh lên đỉnh ấy rồi mà còn sống, Giăcơ nhé? Cô hôn nhanh lên má ông rồi quay ngoắt đi, bước ra vỉa hè. Ông ngắm nhìn theo cho đến khi cô lẫn hẳn vào phố đông đúc, rồi quay lại anh bồi. “Pxxt”, ông thốt lên, “tôi thấy có lẽ phải uống thêm cốc nữa!”. 11 Cô vội vã đi qua lời chào nhã nhặn của bác gác nhà, nhanh chóng vượt qua ba khúc cầu thang ngoằn ngoèo và hẹp. Cô đã ở lại xưởng điêu khắc lâu hơn cô tưởng. Và bây giờ chỉ còn vừa vặn thời gian để nấu cơm chiều trước lúc Pêgi về. Cô đi qua căn buồng ở bé xíu, vào bếp. Nhanh nhẹn, cô mở bếp ga dưới bình hứng nước nóng và châm luôn que diêm ấy vào bếp lò, để ngọn lửa nhỏ. Cô lấy ra con gà nâu nhỏ vừa mua, đã nấu chín rồi, ở quán thịt gà đầu phố, bỏ nó vào một cái chảo, đút vào lò cho nóng. Cô cắt một khúc bánh mỳ thành những lát mỏng rất nhanh, bày xung quanh một tảng phomat lớn và bắt đầu sửa soạn xếp bát đĩa ra bàn. Mấy phút sau, cô đã xong. Cô nhìn đồng hồ của mình. Nếu nước đã đủ nóng, thì thậm chí còn đủ thời gian để tắm nữa cơ. Cô bước lại, nhúng tay vào bồn. m ấm rồi. Nếu cô chỉ đổ vơi một nửa bồn thì thế là đủ. Cô trở lại buồng ở, đi sang phòng tắm, đưa tay cởi khuy áo cánh của mình. Cửa ra vào mở, cô quay lại phía nó. “Chị hôm nay về sớm đấy”, cô nói. Pêgi lạnh lùng nhìn cô, không đáp, đưa tay đóng cửa ở đằng sau lại. Raina nhún vai. Pêgi có cái tính như vậy đấy. Vừa mới rực rỡ, tươi tỉnh, ồn ào, phút sau đã có thể lạnh lẽo, thậm chí sưng sỉa nữa. Rồi sẽ hết ngay thôi. “Nếu chị muốn ăn cái gì trước bữa ăn thì có chai vang với miếng phomát ở trên bàn ấy”, cô nói, lại định bước tới bồn tắm. Tay Pêgi túm lấy người cô, xoay ngoắt lại. “Tôi nghĩ là đã bảo cô không được gặp lão Đexchampx nữa cơ mà!”. Raina giương to mắt nhìn cô ta. À ra thế. Nhất định là có người đã thấy họ ở hiệu ăn và bảo Pêgi. Thật lạ là trong số tất cả những người đàn ông mà họ quen biết, Pêgi không ghen với ai, ngoài Giăcơ. Đám thanh niên trẻ không hề làm chị ta nổi đóa lên, chỉ có Giăcơ với nụ cười tủm tỉm kỳ lạ, tin tưởng, với hai thái dương lấm tấm hoa râm, luôn luôn làm Pêgi phát khùng. - Em tình cờ gặp anh ấy trên đường rồi anh ấy mời em ăn trưa. – Raina đáp. Không phải là vì cô sợ những cơn giận của Pêgi mà là không muốn đôi co lúc này. – Em không thể tỏ ra bất lịch thiệp được. - Thế cô ở đâu buổi chiều nay? – Pêgi gặng. – Cô không ở trường nghệ thuật, cô không ở nhà. Tôi cứ gọi điện đến hai nơi đó suốt đến nỗi phát điên lên vì lo lắng. - Em cảm thấy không muốn đến trường hôm nay. Pêgi nheo nheo mắt nhìn cô. “Cô không đến nhà anh ta chứ, tình cờ ấy mà!” Raina nhìn thẳng trả lời. “Không, không hề”. - Có người nhìn thấy anh ta bước vào nhà với một con bé tóc vàng lúc bốn giờ chiều. Raina nhướn một bên lông mày. Giăcơ đã không để phí thời gian tý nào cả. “Em không phải là đứa tóc vàng duy nhất ở Pari này”. - Anh ta cũng không trả lời điện thoại nữa. – Pêgi nói như buộc tội. Raina mỉm cười: “Em không thể bảo thế là anh ta có tội được, chị có thấy thế không?” “Bốp!”. Pêgi vả mạnh vào mặt Raina. “Đồ nói điêu!”. Raina đưa vội tay lên ôm má. Cô sững sờ chằm chằm nhìn Pêgi. Má bên kia của cô lại nóng giãy lên vì cái tát nữa. Pêgi vồ lấy vai Raina, lắc dữ dội. “Nào, nào, tôi muốn nghe nói thật!”. - Tôi đã bảo chị sự thật! – Raina thét lên, điên cuồng đấm tới tấp vào Pêgi. Bàng hoàng vì đợt đánh trả đột ngột ấy, Pêgi ngã bật ngửa ra. Một vẻ đau đớn, tủi cực lộ ra trên nét mặt Pêgi. “Tại sao em lại làm những cái ấy với chị khi em biết rằng chị yêu em vô cùng?” Raina tròn mắt nhìn. Đột ngột, một cảm giác mới mẻ tràn ngập người cô. Cô nghĩ về Pêgi, rồi nghĩ về mình. Gần như cùng lúc ấy, Pêgi quỳ sụp xuống trước cô, ôm chầm lấy đùi cô. “Ôi em thân yêu, xin em, xin em đừng nhìn chị như vậy. Đừng giận chị, chị xin lỗi. Chị đã điên lên vì ghen đấy, ôi xin em, xin em!”. Mặt Raina đau nhói lên ở chỗ bị đánh. Bỗng dưng, cô thấy mệt rã rời cả người. “Đừng bao giờ làm thế nữa… đừng bao giờ”, cô mệt nhọc thốt lên. - Không, chị sẽ không bao giờ, không bao giờ nữa. – Pêgi hứa như điên dại. – Đấy chỉ là vì chị không thể nào chịu nổi khi nghĩ đến cái lão dâm đãng khốn kiếp ấy có thể mó vào người em một lần nữa bằng đôi bàn tay tanh tưởi của lão ta. - Anh ấy không phải là một kẻ dâm đãng, anh ấy là một người đàn ông! – Raina thốt lên. Cô cúi nhìn Pêgi. Thoáng một vẻ khinh bỉ lộ ra trong giọng nói của cô. Một người đàn ông thực sự. Chứ không phải là một sự bắt chước. - Chị đã chỉ cho em biết những cái mà em có học được từ tất cả lũ đàn ông trên đời này cũng không bằng. Raina đột nhiên sực tỉnh. Lần đầu tiên, cô mơ hồ nhận thấy được sự thật về bản thân mình. Người cô lạnh toát đi vì sợ. Cô cúi nhìn xuống cái đầu tóc nâu sẫm đang áp chặt vào vạt váy trước của cô. - Chính là không hay từ đấy đấy. Chị tha thiết khổ sở để chỉ cho tôi biết tình yêu, dạy tôi cách yêu. Nhưng tất cả đều là từ bên ngoài vào, bên ngoài đến cả. Tại sao chị không dạy cho tôi cảm thấy tình yêu, có thể cho người khác tình yêu? – Cô từ từ đẩy Pêgi ra. Rồi, không biết tìm ra chỗ nào hơn, cô quỳ thụp xuống, úp mặt vào ngực Pêgi, òa lên khóc. - Cứ khóc đi, em yêu, cứ khóc đi. – Pêgi thì thào. – Khóc đi. Chị lúc nào cũng sẽ chăm nom em. Tình yêu là để thế mà. Lúc Amru Xinh đến bữa tiệc do Pavăng tổ chức mừng việc dỡ vải phủ bức tượng tuyệt tác của ông, trời hãy còn sớm. Đến khoảng sáu giờ, anh tỏ lời tôn kính chủ nhân, rời nhã nhặn từ chối uống rượu, lui vào cái góc quen thuộc của mình ở sát tường, trong căn phòng trống. Như thường lệ, anh cởi áo sơmi ra, gập nó lại cẩn thận, đặt nó xuống sàn. Rồi anh cởi giày – anh không đi tất – và xếp chúng bên cạnh chiếc áo. Anh hít một hơi rất sâu, dựa lưng vào sát tường và từ từ trượt xuống, ngồi trên chiếc áo, trên hai chân đã xếp khoanh lại thành vòng tròn. Theo cách ấy, anh có thể quan sát, mà không hề phải nhúc nhích đầu, thấy mọi hoạt động của mọi người ở trong phòng. Cũng từ tư thế ấy, anh có thể làm đầy được tâm trí của mình một cách dễ dàng. Anh nghĩ về rất nhiều thứ, nhưng chủ yếu là về những tham vọng và lòng kiêu căng của con người. Amru Xinh đang tìm kiếm một người có những tham vọng và kiêu căng vượt quá phạm vi cá nhân của anh ta, vươn tới cái vinh quang hàng bao thế kỷ nay được chôn giấu ở trong tâm hồn con người. Việc anh chưa tìm ra được cái người ấy không hề làm anh nản chí. Anh cảm thấy những bắp thịt của mình được khóa chặt trong một tư thế vừa căng thẳng, vừa thoải mái và dễ chịu. Hơi thở anh chậm dần, nông dần. Trong mấy phút, anh lùa mọi ý nghĩ ra khỏi một góc tâm trí, mặc dù mắt vẫn mở to và chăm chú. Có thể là một đêm nào đó, có thể là đêm nay, cuộc tìm kiếm của anh sẽ kết thúc. Nhưng anh cũng cảm thấy bầu không khí ma quỷ của nữ thần Kali xổ ra ngập cả căn phòng. Khẽ nhún vai trong ý nghĩ, anh đuổi cảm giác không hài lòng ra khỏi tâm trí mình. Trong phòng, hiện có rất nhiều người nhỏ bé. Trên sàn, ở một góc sau cái ghế xôpha to tướng, một người đàn ông và một người đàn bà đang thực hiện một cảnh gian dâm với nhau, khuất – hay là họ nghĩ như vậy – khỏi sự chú ý của những người khác. Anh nhớ tới những tư thế dâm tục được chạm hàng ở tường đền nữ thần và cảm thấy một cảm giác kinh tởm bắt đầu thấm ra khỏi người anh. Cái tư thế giao hợp này – mà anh có thể quan sát rõ qua khoảng trống của những chiếc chân ghế cao kiểu Rêgânxi của cái đivăng – xấu đến mức không đáng chạm để thờ quỷ nữa. Trong một hốc tường gần cửa, dưới ánh sáng của một ngọn đèn độc nhất tỏa xuống, là bức tượng phủ vải đứng trên một cái bệ. Nó đứng chết lặng ở đó, như một cái xác trong tấm vải liệm và không hề nhúc nhích khi cửa ra vào đột nhiên mở, hai người khác nữa bước vào. Không động đậy mắt, Amru cũng biết họ. Cô gái người Mỹ tóc vàng và bạn của cô ta, người đàn bà da sẫm. Anh đóng sập tâm trí mình lại trước họ. Đồng hồ chuông bắt đầu ngân nga điểm giờ và Pavăng bắt đầu bài nói. Nó chẳng là cái gì khác ngoài sự lặp lại những lời ông ta đã nói nhiều lần trong buổi tối nay, và nhiều lần trước nữa. Nhưng khi kết thúc, ông đột nhiên bật khóc. Ông đã rất say và xuýt nữa ngã nhào khi thình lình đưa tay lên, giật phắt tấm vải phủ bức tượng xuống. Cả phòng lặng ngắt, mọi người chăm chú ngước nhìn bức tượng bằng cẩm thạch lạnh lẽo. Bức tượng to bằng hai phần ba người thật, bằng cẩm thạch hồng của Italia. Dưới ngọn đèn, nó như ấm hơi sống. Cô gái đứng kiễng chân, giơ thẳng hai tay qua bộ mặt nhìn ngửa lên, với về phía người yêu mình là mặt trời. Rồi bầu không khí yên lặng bị phá tan ngay lập tức, Ai cũng nhao nhao bình luận và chúc mừng nhà điêu khắc. Tất cảm chỉ trừ có một người. Đó là Leôcađia, nhà buôn các tác phẩm mỹ thuật, một người đàn ông tóc bạc, thấp bé, hai môi mỏng dính và mím chặt như mép cái máy đổi tiền. Chung cục, dù ai có nói ngược xuôi thế nào đi chăng nữa, ý kiến lão ta mới là lời phán quyết cuối cùng. Chính ông ta là người định giá trị cho nó. Việc ông ta trả giá cho nó có thể vĩnh viễn làm cho nó không bán được cũng chẳng sao; quan trọng nhất là ông đánh giá nó, đó là sự công nhận của nghệ thuật. Pavăng e dè tiến lại gần ông già. “Thế nào, Mơxiơ? Ông nghĩ sao?” Leôcađia không nhìn Pavăng. Lão không bao giờ nhìn thẳng vào người nói chuyện với mình, đám nghệ sĩ tuyên bố rằng lão không dám nhìn vào mắt họ bởi vì lão là một con ký sinh trùng sống trên máu họ còn phè phỡn hơn chính bản thân họ. “Thị trường cho tác phẩm điêu khắc bây giờ yếu lắm!” Lão đáp. - Phừ! – Pavăng khịt mũi. – Tôi không hỏi về thị trường. Tôi hỏi về tác phẩm của tôi! - Tác phẩm của anh thì cũng như những cái trước thôi. – Lão nhà buôn trả lời loanh quanh. Pavăng quay ngoắt lại, vung tay chỉ về bức tượng lặng câm. “Nhìn hai cái vú ấy xem. Tôi đã tạc lên chúng từ rất nhiều cô gái để đạt được đến một sự cân đối hài hòa mà thiên nhiên chưa tao ra được. Và khuôn mặt. Hoàn mỹ! Để ý tới lông mày, tới cặp mắt, hai gò má xem, cái mũi!”. Bỗng ông ngừng bặt, trợn tròn mắt nhìn bức tượng. “Cái mũi”, ông thốt lên, gần như thì thào. Ông quay vụt lại đám các cô gái làm mẫu đang đứng túm tụm sát tường. “Hãy đem đến cho ông đây một chai vang nhé! Cái mũi, thưa ông”, ông ta nói như buộc tội. “Tại sao ông lại không nói với tôi ngay về cái mũi hả?” Leôcađia lặng thinh. Bây giờ không phải lúc bảo Pavăng rằng lão không thấy có cái gì khiếm khuyết với cái mũi cả. Lão cũng phải giữ tiếng cho mình. - Đục của tôi đâu! – Pavăng gầm lên. Ông nhẩy lên một cái ghế, tinh tế ghé đục vào bức tượng, khẽ cạo mặt đá một chút rồi lấy tay áo đánh bóng. Bức tượng lại sáng ngời lên, ông bước xuống, ngẩng lên nhìn. - Và bỗng nhiên, ông thét lên đau đớn, điên dại. “Hỏng rồi!” Ông vật vã. “Hỏng tất cả cơ! Tại sao, tại sao ông không nói với tôi ngay. Tại sao ông lại để tôi tự biến mình thành thằng ngu thế này?” Leôcađia vẫn lặng thinh. Pavăng trố mắt nghẹn lời nhìn lão nhà buôn, giàn giụa nước mắt. Rồi ông quay ngoắt lại, lấy hết sức bình sinh quẳng bốp cái vồ vào đầu bức tượng. Khối cẩm thạch rạn ra, cái đầu bắn văng xuống sàn, vỡ tan tành. Pavăng bắt đầu đập phá như điên dại bức tượng, lay lấy lay để. Hai cánh tay rụng xuống, rồi một cái vai. Một kẽ nứt ngoác ra ở giữa ngực, rồi cái ngực cũng vỡ vụn ra. Bức tượng ngật ngưỡng như điên trên bệ và cuối cùng, đổ sập xuống. Pavăng quì thụp xuống đống mảnh vỡ, lắc lư cái vồ như người mê sảng. “Tao yêu mày”, ông thét lên, nước mắt ròng ròng chảy xuống hai má. “Tao yêu mày mà mày lại phản bội tao!” Cuối cùng, ông ngã giụi xuống sàn, giữa đám mảnh vụn. Và cũng đột ngột như lúc khóc, mắt ông đột nhiên ráo hoảnh, ông bắt đầu đào bới lung tung chỗ vỡ, như người điên. Rồi ông tìm thấy vật mình muốn. Ông đứng dậy, nắm chặt mảnh đá trong tay, ông yếu ớt vẫy về phía lão buôn tranh tượng, gọi lão lại. Khư khư ấp cái mảnh vỡ ấy trong tay, ông chìa ra cho lão. “Giờ thì tôi đã thấy chỗ nào tôi bắt đầu sai rồi”. Ông thốt lên, “còn ông đã thấy chưa?” Leôcađia nhìn mảnh đá, lão cũng không hiểu nó đầu cua tai nheo đã là cái gì. Nhưng lần này, lại cũng không phải là lúc bày tỏ ý kiến thực. Lão thận trọng gật đầu. - Ơn Chúa! – Pavăng kêu lên. – Ơn Chúa nhân từ đã khiến con không phá hoại cái điểm đẹp duy nhất trong cơn ngu xuẩn thất vọng của con! Đám đông dồn tới trước để xem cái Pavăng cầm trong tay. Có vẻ nó chỉ là một mảnh cẩm thạch vỡ. “Cái gì thế nhỉ?” Người nọ thì thào hỏi người kia. - Các người là đồ ngu! Các người không nhận ra rằng mình chui ra từ chỗ nào ư! Nó là hồn cái đẹp của một người đàn bà! – Pavăng gầm lên. Ông đứng dậy, ác nghiệt trợn mắt nhìn họ. “Đây chỉ xứng để cho các thần thánh đặt mình lên thôi!”. Ông cúi xuống nhìn mảnh đá trong tay, mặt bỗng dịu đi âu yếm. - Giờ thì ta đã thấy chỗ nhầm của ta. Từ cái tâm điểm này, ta sẽ tạc vào đá Người Đàn Bà Toàn Mỹ! – Ông đưa mắt nhìn quanh một lượt, xúc động bi ai. Leôcađia cúi xuống nhìn mảnh cẩm thạch một lần nữa. À ra thế đấy. Ngay lập tức, lão nghĩ tới cái anh chàng hoàng thân Ai Cập béo ị đã tới phòng trưng bày. Của này sẽ là thứ gã thích đây. “Một ngàn phrăng”, lão nói. Pavăng nhìn gã lái buôn. Niềm tự tin của ông đột nhiên trở lại đầy đủ. “Một ngàn phrăng!” Ông khinh bỉ nhắc lại. - Vậy thì ngàn rưởi. – Leôcađia lầm bầm. Pavăng giờ đã hăng lên trong cuộc vật lộn không bao giờ dứt giữa người nghệ sĩ với lão lái buôn. Ông quay ngoắt lại với các bạn nghệ sĩ của mình. “Ông ta chỉ trả tôi có ngàn rưởi thôi đấy!”. Ông xoay ngoắt lại về phía lão lái buôn. “Hai ngàn rưởi, không kém một xu, cùng với tiền hoa hồng đảm bảo cho tôi tạc được một bức tượng từ người đàn bà mà cái này đã lấy mẫu!” Ông thét lên. Leôcađia cúi nhìn xuống sàn. “Làm sao mà tôi có thể bỏ tiền hoa hồng ra khi không biết người mẫu ấy?” Pavăng quay vụt lại. Đám người mẫu tò mò nhìn nhau, thầm hỏi cô nào trong số họ đã làm mẫu cho cái đám đặc biệt ấy của bức tượng. Nhưng không có ai trong số đó cả. Thình lình, tay Pavăng vụt chỉ thẳng ra phía trước. “Cô”, ông thét lên, chỉ tay, “lại đây”. Mọi cặp mắt đều quay vụt lại, đổ dồn theo hướng ấy. Raina đứng đờ người. Mặt cô bắt đầu rừng rực, rồi các bàn tay ai đó tới tấp kéo cô ra, đẩy cô tới chỗ nhà điêu khắc. Pavăng vồ lấy tay cô, kéo quay sang lão nhà buôn. Leôcađia nhìn thoáng một cái rồi lảnh ánh mắt đi ngay. “Đồng ý”, lão lầm bầm. Một tiếng hú trầm trầm đắc thắng vọt ra khỏi cổ họng nhà điêu khắc. Ông nhấc bổng Raina lên, hôn chùn chụt phấn khởi vào hai má của Raina. “Cô sẽ sống đời đời, cô bé xinh đẹp của tôi ạ!” Ông kêu lên kiêu hãnh. “Tôi sẽ tạc vẻ đẹp của cô vào đá muôn đời cho người ta ngưỡng mộ”. Raina bắt đầu cất tiếng cười khanh khách. Thật điên rồ. Họ phát rồ tất cả rồi. Pavăng bắt đầu hát một cách buông tuồng phóng đãng, kéo cô cùng quay tít với ông trong một điệu nhảy ngẫu hứng. Ông bế thốc cô, đặt lên trên cái bệ trước kia pho tượng đứng. Cô cảm thấy những bàn tay tới tấp giật áo ngoài của cô, kéo quần áo lót của cô xuống. Cô phải dang vội hai tay ra để giữ thăng bằng, cho khỏi ngã nhào xuống. Rồi cô hoàn toàn khỏa thân trên cái bệ. Cả căn phòng đột nhiên lặng như tờ. Cuối cùng chính Pavăng lại là người đỡ cô xuống. Ông quẳng cho cô một tấm vải, cô bước về phía buồng tắm. Một cô người mẫu đưa cho cô đám quần áo tả tơi của cô. Cô cầm lấy, đóng cửa lại. Một lúc sau, cô quay lại căn phòng. Pêgi đang chờ cô, vừa như dẫn, vừa như lôi tuột cô về phía cửa. Cánh cửa ra vào sập lại sau lưng họ. Bất thình lình, bức màn chắn trong tâm trí Amru Xinh vụt cất lên. Sau cái vách gỗ mỏng ở sau đầu mình, anh nghe thấy những giọng nói thoang thoảng. - Em điên rồi đấy à? - Không quá quan trọng đến thế đâu, Pêgi. - Nếu chuyện lọt lên báo thì sao hả? Ngay sau đó nó sẽ được mọi người chú ý và sẽ tràn ngập những trang đầu của báo chí ở Bôxtơn! Tiếng cười cả Raine vui vẻ vọng lại. “Ngay bây giờ em cũng đã hình dung ra đầu đề của báo rồi. Một cô gái Bôxtơn được chọn làm người có âm hộ đẹp nhất Pari!”. - Cô có vẻ khoái chí, tự hào về điều đó lắm thì phải. - Tại sao em lại không nào? Đấy là điều duy nhất từ trước đến nay đã làm cho em. - Một khi tin này đã lan đi, thì mọi gã đàn ông ở Pari sẽ bám theo cô ngay. Tôi tin rằng cô thích thế lắm đấy. - Có thể là như vậy. Đã đến lúc em trưởng thành rồi, thôi không theo lời chị về một cái chứ. Một tiếng tát rất mạnh, rồi một giọng căm hờn. “Mày là con đĩ! Đồ đĩ rẻ tiền! Đồ đĩ thì phải thế này mới đáng!”. Im lặng một thoáng. “Tôi đã bảo chị rằng đừng bao giờ làm như thế nữa kia mà!”. Amru lại nghe thấy một cái tát nữa. “Đồ đĩ! Đồ lợn cái! Mày chỉ hiểu cái thứ ngôn ngữ ấy thôi”. Lại lặng ngắt một lúc, rồi: “Raina!”. Giọng nói nghẹn lên một nỗi sợ. Amru Xinh nghĩ nó giống như một tiếng kêu của một người dạy hổ, bước vào chuồng thấy con thú vốn như mèo con của mình vụt đã trở thành một con hổ lớn. “Cô... cô làm gì thế? Bỏ cái giày ấy xuống!” Rồi một tiếng thét nghẹn giọng, tiếng thân người rơi, lăn huỳnh huỵnh, văng lung tung theo cái cầu thang dài ngoằn nghoèo, dốc đứng xuống đất, nghe rõ mồn một. Và lần đầu tiên - theo trí nhớ của tất cả mọi người ở đó - Amra Xinh đã rời một bữa tiệc trước khi người khách cuối cùng ra về. Raina đứng dựa vào lan can, mặt xám ngoét, nhìn trân trân xuống khoảng trống của cái cầu thang xoáy. Chiếc giày mũi nhọn gót cao vẫn còn trên tay cô. Amru lấy chiếc giày khỏi các ngón tay cô, cúi xuống nhét nó vào chân cô. - Tôi đã không hề đụng vào nó! - Tôi biết. - Amru Xinh đáp lặng lẽ. Cô bỗng nhiêu ngã xụp vào người anh. Anh có thể nghe thấy tiếng tim cô đập điên dại, khiếp đảm trên ngực mình. “Cô ấy trượt chân, ngã qua lan can!”. - Không được nói cái gì với bất cứ ai cả! - Anh thì thào ra lệnh. - Nhà ngươi hãy để ta nói! Vừa lúc ấy cửa phía sau họ mở, hai người khách ra về bước ra phòng ngoài. Amru Xinh quay về phía họ, tay ấn đầu Raina vào ngực mình đến nỗi hầu như cô nghẹn cả thở, chứ đừng nói gì đến thốt được ra lời. “Có tai nạn”, anh bình tĩnh kêu lên. “Gọi hộ bác sĩ”. Anh cảm thấy Raina bắt đầu thút thít khóc trên vai mình. Anh cúi xuống nhìn mái đầu có mớ tóc vàng óng. Một vẻ hài lòng kỳ lạ rực lên trong cặp mắt đen sâu thẳm của anh. Dự cảm của anh đã thành sự thức. Kali, nữ ác thần đã ra tay. Nhưng lần này mụ ta sẽ không nhận được cô gái ngây thơ này làm vật hy sinh, dâng lên thờ quyền lực của mụ, dù mụ đã tính toán, bày đặt cẩn thận thế nào đi chăng nữa. 12 Raina đang trồng cây chuối, lộn đầu xuống dưới, dán lưng vào tường khi Giăcơ bước vào. Ông đứng sững lại, ngắm nhìn cái thân hình tho thả của cô trong bộ quần áo nịt đen của diễn viên ba lên, mái tóc vàng tỏa xuống sàn, sáng ngời. - Em đang làm gì thế này? - Ông nhã nhặn hỏi. Cô mỉm một nụ cười ở tư thế lộn ngược với ông. “Em đang đứng bằng đầu mà”. - Anh cũng có thể thấy thế. Nhưng tại sao vậy? - Amru Xinh bảo thế này rất tốt cho não. Máu mới sẽ rửa sạch não, đem lại một tầm nhìn, cuộc đời sâu xa và mới mẻ. Anh ấy nói đúng thật. Anh không biết đâu, nhìn kiểu này thấy mọi cái khác lắm. - Thế Amru Xinh có bảo em người ta hôn một cô gái lộn ngược đầu như thế nào không? - Ông mỉm cười hỏi. - Không - Cô đáp. Một nụ cười ranh mãnh hiện ra trên mặt cô - Em đã tự nghĩ ra rồi! - Cô cong lưng lại về phía sau, động đậy hai chân. Ông bật cười to: Không thể nào nhẫm lẫn được cái ý mời của hình chữ Y cô tạo nên sát tường. Ông cúi nhanh xuống, đặt đầu vào giữa hai chân giạng ra của cô, hôn cô. Cô phá lên cười, ngã sụp xuống sàn. “Thật tốt khi được nghe thấy em cười”. Ông nói “Thoạt đầu em chẳng cười nhiều đâu”. - Thoạt đầu em không thấy hạnh phúc. - Còn bây giờ thì em hạnh phúc? - Ông hỏi. Cô ngẩng lên nhìn ông, mắt vẫn còn lóng lánh ánh cười. “Rất hạnh phúc”. Cô đã là một người khác hẳn với cái cô gái đờ đẫn mà ông thấy một đêm nọ mấy tháng trước. Ông nhớ lại tiếng chuông điện thoại réo bên giường của ông. - Mơxiơ Đexchampx ạ? - Một giọng trầm, lặng lẽ hỏi. - Gì thế? - Ông vẫn còn nửa ngủ, nửa thức. - Tôi xin lỗi vì đã quấy rầy giấc ngủ của ngài. - Giọng nói đó tiếp bằng tiếng Pháp với lối phát âm lơ lớ kỳ cục của người Anh đồng thời cũng không thật Anh. - Tên tôi là Amru Xinh. Tôi đang ở với một người bạn của ông. Mađơmoađen Raina Malovi. Cô ấy cần sự giúp đỡ của ông. Ông tỉnh ngủ hẳn. “Có nghiêm trọng lắm không?” - Rất nghiêm trọng. Mađơmoađen Brađlây vừa bị tai nạn. Cô ta đã xẩy chân ngã chết và cảnh sát thì đang làm rất rắc rối. - Hãy để tôi nói chuyện với Mađơmoađen Malovi nào. - Không may là cô ấy đang ở trong tình trạng không thể tới điện thoại được. Cô ấy đang bị choáng váng hoàn toàn. - Anh đang ở đâu vậy? - Tại xưởng của Pavăng, nhà điêu khắc ấy. Ông biết chỗ chứ? - Có - Giăcơ đáp nhanh - Nửa tiếng nữa tôi sẽ đến đó. Từ giờ đến lúc ấy đừng để cô ấy nói chuyện với bất kỳ ai. - Tôi đã làm như vậy. Cô ấy sẽ không nói gì với bất kỳ ai cho đến khi ông tới. Giăcơ không hiểu hết những gì Amru Xinh ngụ ý mãi tới khi ông nhìn thấy được bộ mặt tái mét và đôi mắt không còn thần sắc của Raina. Cảnh sát đã hoàn toàn thức hiện được việc cách ly cô trong một căn phòng thay quần áo của xưởng nặn tượng. - Bạn của ông có vẻ như đang ở trong một cơn choáng tinh thần rất tồi tệ, thưa Mơxiơ - viên phó trưởng khu cảnh sát nói- Tôi đã cho mời một bác sĩ. - Ông ta nói sau khi Giăcơ đã tự giới thiệu. Giăcơ cúi đầu. “Ngài thật tử tế quá, thưa ngài phó cẩm. Có lẽ ngài làm ơn thuật lại cho tôi hay xem chuyện gì đã xẩy ra được không ạ? Tôi vừa mới đến, theo điện thoại của một người bạn chung của chúng tôi”. Viện phó trưởng khu cảnh sát khoát tay rộng sang bên. “Chả có gì đâu, chuyện thông thường ấy mà, thưa ông. Cô Brađlây ngã xuống cầu thang. Chúng tôi chỉ yêu cầu một bản tuyên bố về sự kiện của cô Malovi thôi, người duy nhất ở bên cạnh nạn nhân lúc xẩy ra sự việc”. Giăcơ gật đầu. Nhất định là phải có cái gì hơn thế, ông thầm nghĩ. Nếu không thì tại sao Amra Xinh lại phải gọi ông. “Cho phép tôi vào phòng thay quần áo chứ ạ?”. Viên phó cẩm cúi đầu. “Tất nhiên, xin mời ông”. Giăcơ bước vào phòng. Raina đang ngồi trên một cái ghế tựa nhỏ, gần như khuất một nửa sau một người đàn ông cao lớn, đầu quấn khăn. - Ông Đexchampx? Giăcơ cúi đầu. “Tôi xin sẵn sàng phục vụ ông, thưa ông Xinh”. Ông liếc nhìn Raina. Có vẻ như cô không nhận ra ông. Amru Xinh cất tiêng nói, giọng anh dịu dàng như đang bảo một đứa trẻ. “Bạn cô, ông Đexchampx đã đến đây rồi, thưa cô”. Raina ngẩng lên, mắt mở to không thần sắc, không nhận ra cái gì cả. Giăcơ ngẩng lên nhìn Amru Xinh, tỏ ý hỏi. Cặp mắt đen thẳm của người thanh niên không thể lộ một vẻ gì cả. “Tôi có mặt ở chỗ xảy ra tai nạn, ông Đexchampx ạ. Cô ấy bị xúc động dữ dội.” - Thưa ông, tôi là sinh viên. Giăcơ ngẩng lên nhìn anh. “Vậy làm cách nào mà ông có thể khiến cô ấy không nói gì được với cảnh sát?”. Mặt Amru Xinh không hề để lộ một nét gì cả. “Tôi bảo cô ấy đừng”. - Và cô ấy vâng lời? Amru Xinh gật đầu. “Cô ấy cũng chẳng có gì hơn để làm cả”. - Tôi nói chuyện với cô ấy được không? - Nếu ông muốn vậy - Amru Xinh đáp- Nhưng theo tôi nên ở một chỗ nào khác vậy. Người ta có thể hiểu sai những lời cô ấy nói. - Nhưng cảnh sát đã cho gọi bác sĩ tới - Giăcơ thốt lên. - Liệu ông ta không... Amru Xinh mỉm cười. “Bác sĩ sẽ chỉ khẳng định lại là cô ấy đang ở trong một cơn bàng hoàng choáng váng”. Và ông bác sĩ đã hoàn toàn làm đúng như vậy. Giăcơ quay sang viên phó cẩm. “Nếu ông cho phép, tôi xin đưa cô Malovi về nhà. Chiều mai tôi sẽ đưa cô ấy tới văn phòng của ông, sau khi bác sĩ của cô ấy chăm sóc cho cô ấy, để tuyên bố về tai nạn”. Viên sĩ quan cảnh sát cúi đầu, tỏ ý tán thành. Trong xe taxi, Giăcơ cúi người tới trước, nói địa chỉ của Raina cho tài xế. - Tôi nghĩ tốt hơn là cô Malovi đừng về lại nhà mình. - Amru Xinh nói nhanh. - Ở đó sẽ có nhiều cài nhắc cô ấy về người bạn đã khuất. Giăcơ nghĩ một thoáng, rồi nói cho tài xế địa chỉ căn hộ kia của ông. Amru Xinh bước vào nhà. Raina ngoan ngoãn theo sau. Giăcơ đóng cửa lại. Amru Xinh dẫn cô tới một cái ghế. Anh ra hiệu và cô ngồi xuống. “Ta đã bỏ gánh nặng khỏi vai ta rồi”. Anh nói khe khẽ, “Ta không còn nói thay cho nhà ngươi nữa. Giờ thì nhà ngươi phải tự nói cho nhà ngươi”. Từ từ, Raina ngẩng đầu lên. Mắt cô chớp chớp như bừng tỉnh sau một giấc ngủ mê mết. Rồi cô thấy ông. Ngay lập tức, mắt cô nhòa nước. Cô văng minh vào cánh tay đón mở của ông. “Ôi Giăcơ, Giăcơ”, cô nức nở, “em biết thế nào anh cũng đến mà!”. Người cô run bần bật trên người ông. Lời của cô như điên dại buột ra khỏi miệng cô trong những câu lộn xộn, đứt đoạn. - Xuỵt! - Ông thì thào an ủi, ôm chặt lấy cô. - Đừng sợ em. Mọi việc sẽ ổn cả. Ông nghe thấy tiếng mở cửa ra rồi đóng lại ở đằng sau mình. Ông hơi ngoảnh đầu lại. Amru Xinh đã đi. Ngay hôm sau, họ tời văn phòng viên phó trưởng khu cảnh sát. Rồi từ đó, họ tới căn hộ của cô, dọn đồ đạc của cô tới đây. Hai đêm sau, khi ông bất ngờ tới căn hộ này, Amru Xinh đứng dậy từ một cái ghế tựa. - Amru Xinh là bạn của em! - Cô ngập ngừng nói. Giăcơ nhìn cô, rồi nhìn người thanh niên Ấn Độ, ông bước nhanh lên phía trước, chìa tay ra. “Nếu anh ấy là bạn em”, ông nói, “thì tức là anh ấy cũng là bạn anh”. Hàm răng trắng của người thanh niên Ấn Độ lòa sáng lên trong một nụ cười. Họ bắt tay nhau thân mật. Và từ đò đến nay, ba người tuần nào cũng ăn cơm chiều với nhau ít nhất là một lần. Giăcơ tra chìa khóa vào ổ, mở cửa. Ông tránh sang bên cạnh để Raina bước vào trước, rồi theo cô đi vào phòng ngủ. Vừa mới bước vào phòng, Raina liền đá văng giày khỏi chân. Cô ngồi xuống mép giường, xoa xoa chân. “A, dễ chịu quá!”. Ông quỳ xuống trước cô, xoa bóp bàn chân cô. Ông mỉm cười ngẩng nhìn lên. “Em tối nay xinh quá”. Cô tinh quái nhìn ông. “Ông Bộ trưởng[33] cũng bảo thế!” - Cô trêu - “Ông ấy còn nói rằng nếu em tính đến một mối quan hệ nam nữ nữa, thì xin nhớ chiếu cố đến ông ấy!” - Con dê già! - Giăcơ lẩm bẩm rủa. - Lão ấy đã đến tám mươi rồi đấy... lại còn nói ở Rạp ca kịch nữa cơ chứ! Cô đứng dậy khỏi giường, cởi quần áo ngoài, rồi ngồi xuống sàn, theo tư thế Yôga. Chân cô khoanh lại dưới người cô. Tay cô xếp thành một hình vuông trước ngực. - Em làm gì thế? Ông ngạc nhiên hỏi. - Chuẩn bị để suy ngẫm. - Cô đáp. - Amru Xinh nói suy ngẫm năm phút trước khi đi ngủ sẽ làm tâm trí và thân thể rũ sạch mọi căng thẳng trong ngày. Ông gỡ các khuy rời khỏi áo sơ mi của mình, đặt chúng lên tủ quần áo. Ông ngắm cô chăm chú qua gương. “Anh rất dễ phát ghen lên với Amru Xinh mất thôi”. - Thế thì em sẽ rất khổ. - Cô nói nghiêm túc. - Bởi em sẽ phải thôi không gặp Amru Xinh. - Em sẽ làm thế vì anh ư? - Tất nhiên. - Cô đáp. - Em yêu anh. Anh ấy chỉ là bạn em, thầy giáo của em. - Anh ấy cũng là bạn anh nữa. - Ông nói, cũng nghiêm túc như vậy. - Và anh sẽ rất khổ tâm nếu em để một lời nhận xét đùa thế làm ảnh hưởng tới mối quan hệ ấy. Cô mỉm cười. Ông mỉm cười lại với cô rồi quay về phía tủ áo, bắt đầu cởi sơ mi. “Và hôm nay em học được ở anh bạn chúng ta cái gì nào?”. - Có triển vọng tốt là em chẳng bao lâu nữa sẽ thoát khỏi cái mong ước được chết đã từng xui khiến rất nhiều hành động của em kể từ khi em còn là một đứa bé con. - Tốt lắm. - Ông nói. - Và làm sao mà lại đến được như vậy? - Anh ấy dạy em các bài Yôga dưỡng thai. Nó sẽ đem đến cho em sự điều khiển toàn bộ con người em. - Anh chẳng thấy tác dụng của nó ở chỗ nào cả. Các bài tập ấy chỉ quan trọng khi có mang thôi. - Em biết. Một cài gì đó trong giọng cô khiến ông phải nhìn cô qua tấm gương. Mặt cô bình thản trong tư thế ngồi suy ngẫm. “Cái gì đã dẫn đến việc ta nói đến đề tài này thế?”. Mắt cô nhìn lóe lên với ông. “Anh”. Cô nói Bác sĩ Fonây bảo rằng anh đã làm em có thai[34]”. Và đột nhiên, ông đã thấy mình ở dưới sàn bên cô, ôm cô trong tay, hôn liên tiếp cô, nói với cô về việc sẽ ly dị vợ để đứa con sẽ được sinh ra tại tòa biệt thự gia đình ở miền Nam nước Pháp. Cô đặt một ngón tay lên môi ông. Dường như cô đột ngột trở nên già hơn ông rất nhiều. “Nào, nào thôi”, cô dịu dàng nói. “Anh đang xử sự như một gã người Mỹ ấy, với những ý tưởng ngớ ngẩn, tỉnh lẻ của mình. Cả hai chúng mình đều hiểu rõ rằng một cuộc ly dị sẽ làm hỏng toàn bộ sự nghiệp của anh, nên đừng nói đến chuyện ấy nữa. Em sẽ có đứa bé và chúng mình sẽ tiếp tục như thế này”. - Nhưng nếu bố em phát hiện ra thì sao? Cô mỉm cười. “Ông cụ cũng chẳng cần phải báo cho biết làm gì cả. Khi em về thăm nhà, em sẽ chỉ nói là em đã gặp một cuộc hôn nhân không may, và chẳng ai có thể khôn hơn ai được”. Cô bật cười, đẩy ông về phía buồng tắm. “Thôi đi đi. Đi tắm đi. Anh đã đủ những kích động thần kinh cho một ngày rồi đấy. Anh có mua được tờ báo nào của Bôxtơn cho em không?”. - Chúng ở trong cặp anh ấy. Ông ngâm mình xuống bồn nước. Nước âm ấm, thư thái dễ chịu, ông dần dần cảm thấy nhịp tim rạo rực đập mạnh đã giảm xuống tới gần mức bình thường. Chậm rãi, cảm thấy vô cùng khoan khoái và khỏe khoắn, ông xát sà phòng khắp người. Ông vừa bước ra khỏi bồn tắm vừa thắt dải áo choàng lại. Raina không ở trong phòng ngủ, ông bước sang phòng khách. Một cài gì hiện lên trong dáng cô ngồi lặng bên bàn, đăm đăm nhìn tờ báo khiến người ông lạnh toát đi vì sợ, “Raina”. Cô quay lại phía ông, từ từ ngước lên. Chưa bao giờ trong đời mình, ông chứng kiến một nỗi đau quằn quại, sâu đến nhói lòng như vậy. Dường như mọi hy vọng làm lại cuộc đời của cô đã chết. “Giăcơ, em không thể có đứa con được nữa”, cô thì thào, giọng không còn sinh khí. Lời ông nghẹn lại ở trong họng “Tại sao?” Mắt cô bắt đầu rưng rưng nước. “Em phải về nhà”. Cô thì thào. - Tại sao thế? Ông kêu lên, lòng đau quặn. Cô ra hiệu về phía tờ báo. Ông bước tới, ngó qua vai cô. Một hàng tít lớn chạy hết ngang mặt trang báo. HARIXƠN MALOVI BỊ KẾT TỘI! CHỦ NHÀ BĂNG BÔXTƠN ĐỜI THỨ NĂM BỊ LIÊN CAN MỘT CÁCH TỘI LỖI VỀ VIỆC THẤT BẠI CỦA NGN HÀNG GIA ĐÌNH Phía dưới là một bức ảnh của Harixơn Malovi choáng hết ba cột báo. Ông túm lấy vai cô. “Ôi, em thân yêu!”, ông thốt lên. Cô thì thào, gần như không thành tiếng. “Mà em lại cháy lòng cháy dạ mong có đứa con này đến như vậy!”. Ông hiểu rõ ràng không nên tranh luận với cô, là người Pháp, ông hiểu một điều - bổn phận của con cái đối với cha mẹ. “Chúng ta sẽ có một đứa con khác”. Ông thốt lên “khi chuyện này kết thúc, em sẽ quay trở lại Pháp”. Ông cảm thấy trong vòng tay mình, cô đang quằn quại. “Không”, cô bật khóc, “bác sĩ Fonây đã bảo em rắng sẽ không bao giờ còn có đứa con nào nữa đâu”. 13 Cái quạt trần to tướng kêu vo vo. Hơi nóng tháng tám ngột ngạt ẩm ướt quẩn quanh trong văn phòng ông Thống đốc. Người thư ký gầy gò, dong dỏng cao, vẻ mặt căng thẳng chỉ cho Raina một chiếc ghế tựa trước cái bàn đồ sộ. Cô ngồi xuống, nhìn anh chàng trẻ tuổi đứng run run căng thẳng cạnh ông Thống đốc, nhặt từng tờ công văn lên sau khi ông đã ký xong. Cuối cùng, ông Thống đốc ký hết giấy tờ, anh thư ký nhặt tờ cuối lên, lập cập bước ra, đóng cửa lại ở sau lưng mình. Cô nhìn ông Thống đốc hơi vươn người qua bàn, với lấy một điếu xì gà trong hộp giữ ẩm. Cô thoáng bắt gặp một cặp mắt đen sắc sảo, nằm sâu trong một khuôn mặt ưa nhìn. Giọng ông hơi trầm. “Cô Malovi, cô có thấy phiền gì không nếu tôi hút thuốc?” Cô lắc đầu. Ông mỉm cười, rút ra một con dao nhỏ, khẽ khàng gọt nhỏ đuôi điếu xì gà. Ông đặt nó lên miệng, bật diêm. Ngọn lửa sáng vàng lên, lúc to lúc nhỏ theo từng hơi thở của ông. Cô thoáng ngửi thấy mùi thơm dễ chịu của thuốc lá Havana khi ông đã vùi que diêm vào một cái gạt tàn. Ông lại mỉm cười. “Một trong những thú vui ít ỏi mà bác sĩ còn cho phép tôi hưởng”. Ôi có một giọng nói giản dị nhưng rành rọt đến kỳ lạ, có thể vang ngân khắp căn phòng, mặc dù ông nói nhỏ, giống như một diễn viên đã luyện giọng kỳ công đến mức những tiếng nói trầm của mình cũng vang tới được tít những góc sâu của ban công thứ hai trong nhà hát. Ông cúi người về phía trước, thì thào bí mật: “Cô biết không, tôi hy vọng mình sẽ sống được một trăm hai mươi nhăm tuổi đấy, ông bác sĩ của tôi thậm chí cũng tin như vậy, với điều kiện là tôi phải bớt hút thuốc đi”. Cô cảm thấy rõ mồn một cái hơi ấm của niềm tin và nỗi căng thẳng đột nhiên ùa tới cô. Và trong một thoáng, cô cũng tin như thế. “Thưa ngài Thống đốc, tôi chắc là sẽ đúng như thế ạ”. Ông ngả người lên thành ghế, mặt thoáng vẻ hài lòng. “Giữa chúng ta, tôi thú thật là không để ý đến chuyện có sống được như vật hay không. Chỉ có một điều là khi tôi chết, tôi không muốn còn để lại một kẻ thù nào. Và tôi đã tính ra rằng con đường duy nhất là phải sống lâu hơn tất cả địch thủ của mình”. Ông phá lên cười và cô cũng bật cười theo, quên mất mình đã đến đây để làm gì trong một thoáng. Ông có một vẻ trẻ trung, đầy sức sống đến ngạc nhiên, phản lại cái đám hoa râm đã kha khá nhiều trong mớ tóc đen dày mượt của mình. Qua cái mặt bàn đồ sộ, ông chăm chú nhìn cô, và một lần nữa, lại cảm thấy rõ rệt bước chân vùn vụt của năm tháng thời gian chống lại ông. Ông rít một hơi thuốc thật mạnh, để khói từ từ bay ra. Ông thích cái hình ảnh được nhìn thấy trước mắt. Không hề có cái trò ngớ ngẩn đương mốt về ăn kiêng ăn kiếc, về cắt tóc ngắn kiểu con giai. Tóc cô dài, đầy đặn tỏa ra trên hai vai. Ông ngẩng lên nhìn và đột nhiên bắt gặp ánh mắt của cô. Gần như lập tức, ông biết rằng cô hiểu ông đang chăm chú ngắm mình. Ông mỉm cười, không một chút ngượng ngập. “Khi tôi chấp nhận giấy tờ nhận cô làm con ông bà Malovi, cô còn bé xíu ấy”. Lời cô xóa tan mọi lo ngại của ông. “Mẹ tôi và bố tôi thường bảo ngài nhân từ vô cùng và ngài đã làm mọi cái để hai người có thể nhận nuôi được tôi đấy ạ”. Ông chậm rãi gật đầu. Hai người như thế là không khi nào nói hết với cô sự thật. Sớm hay muộn, rồi cô ta cũng sẽ tìm ra. “Cô mười tám rồi nhỉ?” - Tháng sau là mười chín ạ. - Cô đáp nhanh. - Kể từ khi tôi gặp cô lần cuối đến giờ, cô đã lớn lên khá nhiều đấy! - Mặt ông trở lại nghiêm nghị, ông bỏ điếu thuốc vào cái gạt tàn. - Tôi biết vì sao cô lại đến gặp tôi. - Giọng ông âm vang. - Và tôi xin bày tỏ lòng ái ngại của tôi trước việc cho cô phải lâm vào một tình thế khó chịu như vậy. - Thưa, ngài đã xem xét những lời buộc tội cha tôi chưa ạ? - Raina hỏi nhanh. - Tôi đã xem các giấy tờ. - Ông công nhận. - Dạ, ngài có nghĩ là ông có tội không ạ? Viên Thống đốc nhìn cô. “Làm ngân hàng cũng như làm chính trị ấy”, ông nói. “Có rất nhiều cái đúng về mặt đạo lý mà sai về mặt luật pháp. Cái chuyện chúng ta có thể là một cũng chẳng hề có ý nghĩa gì. Sự phán xét chỉ được đưa ra ở kết quả cuối cùng”. - Ngài muốn nói là... - Cô đáp nhanh. - Cái bí quyết là... là ở chỗ đừng bị bắt quả tang chứ gì! Ông cảm thấy một cảm giác hài lòng ấm rực lên. Ông thích những người thông minh, nhanh nhẹn như vậy, thích cái lối phát biểu trao đổi thẳng thắn những ý nghĩa của họ. Thật là tồi khi chính trị không thu hút được người loại y. “Tôi không hề hoài nghi nhạo báng gì cả”, ông nói lặng lẽ, “không phải chỉ đơn giản thế đâu. Luật pháp không phải là một cài gì cứng nhắc, bất di bất dịch. Nó sống, nó phản ánh những hy vọng và ước ao của dân chúng. Chính vì thế mà luật pháp mới hay được thay đổi hoặc sửa đổi đến vậy. Xét về lâu dài, chúng ta tin tưởng rằng cuối cùng, cái hợp đạo đức và cái đúng luật pháp sẽ chập vào nhau, như hai đường song song sẽ gặp nhau ở vô cực”. - Từ đây đến vô cực là một khoảng thời gian dài mà một người như bố tôi không thể đợi được. - Cô thốt lên. - Không ai có thể chịu được một khoảng thời gian như vậy. Ngay cả ngài, cho dù ngài có sống được đến tuổi một trăm hai nhăm. - Thật không may rằng cái việc quyết định luôn luôn là mối nguy khủng khiếp nhất của chức vị lãnh đạo. - Ông đáp. - Bố cô đã lao vào mối nguy hiểm ấy khi ông đứng ra cho phép vay những khoản tiền đó. Ông tự bộc bạch với lương tâm mình rằng nếu không có chúng, một số nhà máy sẽ buộc phải đóng cửa, hất ra đường nhiều người không công ăn việc làm, và làm những người khác mất chỗ đầu tư hoặc nguồn cung cấp chủ yếu. Như vậy bố cô hoàn toàn đúng về mặt đạo đức khi ông làm như vậy. Nhưng về mặt luật pháp, đó lại là chuyện khác. Cái bổn phận lớn nhất của một ngân hàng là bổn phận đối với những người gửi tiền ở đó. Luật pháp ghi nhận điều ấy và chính quyền bang đã có những điều luật khống chế những khoản vay đã nói ở trên. Theo luật, bố cô đáng ra không bao giờ được cho sự cho vay như vậy bởi chúng không có khoản ký quỹ một cách thỏa đáng. Tất nhiên, nếu những nhà máy này đã không đóng cửa, tiền vay đã được trả đầy đủ, thì ông cụ cố đã được tôn là một nhà lo cho phúc lợi chung, một người làm ăn nhìn xa trông rộng. Nhưng cái ngược đã xảy ra, và những kẻ đáng ra đã có thể hết lời ca ngợi bố cô thì giờ đang gào thét đòi lấy đầu ông cụ. - Thế việc bố tôi đã mất cả cơ nghiệp của mình để cứu lấy ngân hàng cũng không có tác dụng khác đi được sao? - Raina hỏi. Ông Thống đốc lắc đầu. “Thật không may là không cô ạ”. - Vậy ngài không có cách gì cứu được bố tôi ư? - Cô tuyệt vọng hỏi. - Một nhà chính trị giỏi không đi ngược lại ngọn trào của dư luận. - Ông chậm rãi nói. - Và lúc này đây, dư luận đang gào lên đòi một kẻ giơ đầu chịu báng. Nếu bố cô đứng lên tự hào chữa, ông sẽ thất bại và nhận mười, mười lăm năm tù. Trong trường hợp ấy, tôi đã hết chức vụ rất lâu trước khi ông ấy đủ điều kiện tha trước hạn. Ông nhặt điếu xì gà từ dưới gạt tàn lên, nhẹ nhàng quấn lại nó trong những ngón tay trắng muốt, mạnh mẽ của mình. “Nếu cô có thể thuyết phục bố cô chịu nhận là có tội và từ chối việc đem ra tòa xử, thì tôi sẽ bố trí một thẩm phán buộc cho ông cụ từ một đến ba năm. Sau mười lăm tháng, tôi sẽ ký lệnh ân xá cho ông ấy”. Cô giương mắt nhìn ông. “Nhưng nếu có sự gì xẩy ra với ngài thì sao?” Ông mỉm cười. “Tôi sẽ sống một trăm hai mươi nhăm tuổi cơ mà, nhớ không? Mà thậm chí nếu tôi không có ở đây, cha cô cũng không bị thua đâu. Ông ấy sẽ đủ điều kiện được tha trước sau hai mươi tháng”. Cô đứng dậy, chìa tay ra phía trước. “Xin rất cảm ơn ngài đã tiếp tôi”. Cô nhìn thẳng vào mắt ông. “Dù có xảy ra điều gì đi chăng nữa, tôi vẫn mong rằng ngài sẽ thọ được tới tuổi một trăm hai mươi lăm”. Đứng bên này song sắt, cô chăm chú nhìn bố mình bước tới chỗ cô. Mắt ông đờ đẫn, tóc ông bạc đi, thậm chí bộ mặt ông cũng phảng phất xám như bộ quần áo từ màu nâu xám ông mặc trên người. - Con chào bố! - Cô nói dịu dàng khi ông ghé ngồi xuống cái ghế tựa đối diện với cô. Ồng gượng mỉm cười. “Chào con, Raina ạ”. - Bố, mọi việc ổn cả chứ? - Cô lo lắng hỏi. - Người ta có... - Người ta đối xử với bố tử tế lắm. - Ông đáp nhanh. - Bố có việc làm ở thư viện. Bố phụ trách lắp đặt một hệ thống mới, kiểm soát việc kiểm kê. Người ta đã bị mất nhiều sách quá rồi. Cô liếc nhìn ông. Hẳn là ông đang nói đùa. Một lúc im lặng ngượng ngập bao phủ lên hai người. “Bố mới nhận được một bức thư của Xtan Oait”, cuối cùng ông nói, “Người ta trả sáu mươi nghìn đôla cho ngôi nhà”. Xtan Oait là luật sư của bố cô. “Thế thì tốt”, cô nói, “nghe họ bảo, con cứ nghĩ rằng ta không được đến thế đâu. Nhà to tràn ngập thị trường”. - Có đám Do Thái nào đó muốn nó. - Ông đáp hờ hững, không ác ý. - Chính vì thế mà họ mới trả đến vậy. - Đối với chúng ta, nó quá rộng và khi bố về, dù sao ta cũng chẳng ở đây nữa. Ông nhìn cô. “Sẽ không còn lại được bao nhiêu đâu. Có lẽ mười nghìn sau khi lo xong với đám chủ nợ và Xtan”. - Chúng ta cũng không cần nhiều đâu bố ạ. - Cô đáp. - Chúng ta sẽ xoay xở được cho đến khi bố lại hoạt động trở lại trong nghề. Lần này giọng ông cay đắng. “Ai sẽ thử liều với bố kia chứ? Bố không còn là chủ ngân hàng nữa. Bố là một thằng tội phạm”. - Bố đừng nói cái giọng ấy. - Cô gắt lên. - Mọi người ai cũng biết rằng việc xảy ra không phải lỗi tại bố. Họ biết rằng bố không lấy gì cho mình cả. - Thê mới thật tồi tệ hơn. - Ông gượng gạo thốt lên. - Bị lên án là một kẻ ăn trộm là một chuyện, bị coi là một thằng ngu lại hoàn toàn là một việc khác. - Lẽ ra con đã đừng đi châu u mới phải. Đáng nhẽ con cần phải ở nhà với bố. Như thế việc này có khi chẳng xảy ra. - Chính bố mới là người không làm tròn bổn phận với con. - Bố. Chưa bao giờ bố không làm tròn cả! - Ở đây bố có rất nhiều thì giờ để suy nghĩ. Bố cứ thức trắng hết đêm này sang đêm khác nghĩ không biết giờ con sẽ làm sao đây. - Con sẽ xoay xở được, bố ạ. Con sẽ kiếm một việc làm. - Làm cái gì? - Con không biết. - Cô đáp nhanh. - Con sẽ kiếm một việc gì đó. - Không dễ như thế đâu. Con chưa được rèn luyện có một cái nghề gì cả. - Ông cúi xuống nhìn hai tay mình. - Thậm chí bố cũng đã làm lỡ nhiều dịp con có thể lấy được một người chồng tử tế. - Cô bật cười. “Con không hề tơ tưởng đến chuyện lấy chồng đâu. Tất cả đám đàn ông trẻ ở Bôxtơn đều là thế hết... đàn ông trẻ hết. Đối với con, họ như lũ con trai mới lớn thôi mà. Con không đủ kiên nhẫn chịu được họ đâu. Khi con lấy chồng, người đó phải là một người đàn ông đã trưởng thành, như bố ấy”. - Cái con cần bây giờ là một kỳ nghỉ. - Ông nói. - Nom con mệt mỏi và hốc hác quá. - Cả hai bố con mình sẽ đi nghỉ khi bố về. - Cô đáp. - Chúng ta sẽ sang châu u. Con biết ở vùng Riviera[35] có một chỗ ta có thể sang một năm mà chỉ hết chưa đến hai nghìn đôla đâu. - Chuyện đó còn xa lắm. Con cần nghỉ ngơi ngay bây giờ cơ. - Bố nói thế nghĩa là thế nào đấy ạ? - Cô thốt lên. - Bố đã viết thư cho em họ bố là chú Poxtơ. Chú, tím Bety, vợ chú ấy, đều muốn con đến ở với hai người. Chú thím bảo ở đó đẹp lắm và con có thể ở với chú thím cho tới khi bố ra, đến gặp mọi người ở đó. - Nhưng thế thì con sẽ không thể đến thăm bố được! - Cô nói nhanh, với tay nắm hai tay ông qua kẽ hẹp của song sắt. - Ông bóp chặt lấy ngón tay cô. “Như thế tốt hơn. Cả hai bố con ta sẽ có ít thêm đi những điều đau khổ phải nghĩ tới”. - Nhưng, bố... - Cô chực phản đối. Gã lính đã bắt đầu đi tới chỗ họ. Bố cô đứng dậy. “Bố đã chỉ dẫn mọi cái cho Xtan Oait rồi. Bây giờ con hãy làm như bố nói và đi khỏi đây đi!”. Ông quay ngoắt đi. Cô nhìn ông xa dần qua cặp mắt đã bắt đầu mờ đi vì nước mắt. Cô không gặp lại ông nữa cho đến nhiều tháng sau, khi cô lại trên đường sang châu u trong tháng trăng mật của mình. Cô đưa chồng tới nhà tù. - Bố - Cô thốt lên, gần như là ngượng ngập. - Đây là Giônơx Cođơ. Và Harixơn Malovi trông thấy trước mặt mình là một người đàn ông trạc tuổi ông, thậm chí có lẽ còn hơn nữa, nhưng với một chiều cao và một sức sống trẻ trung điển hình của người miền Tây. - Chúng con có thể đem cái gì vào cho bố được không ạ? - Cô hỏi. - Chúng tôi có thể làm được gì cho ông, thưa ông Malovi? - Giônơx Cođơ thêm. - Không, không cần. Xin cảm ơn hai người. Cođơ nhìn ông, và Harixơn Malovi thoáng bắt gặp một đôi mắt xanh sâu thẫm, xuyên suốt. “Công việc của tôi đang mở rộng, ông Malovi ạ”, ông ta nói “trước khi ông định kế hoạch làm gì sau khi đã ra khỏi đây, tôi sẽ rất quý nếu ông nói chuyện với tôi. Tôi cần một người có kinh nghiệm được như ông để giúp tôi tài trợ lại sự phát triển của công việc làm ăn của tôi đấy ạ”. - Ông Cođơ, ông tốt quá. Giônơx Cođơ quay sang Raina. “Nếu mình đồng ý”. Ông nói. “Tôi hiểu mình muốn có ít phút nói chuyện riêng với cụ thân sinh của mình. Tôi sẽ đợi mình ở ngoài kia”. Raina gật đầu. Hai người đàn ông chào nhau. Trong một thoáng, ông bố và cô con lặng lẽ nhìn nhau, rồi Raina hỏi. “Bố, bố nghĩ thế nào về ông ấy ạ”. - Trời ơi, ông ấy già bằng bố còn gì! Raina mỉm cười. “Thì con đã bảo là con sẽ thấy một người đứng tuổi mà. Con không thể chịu nổi lũ con trẻ”. - Nhưng... nhưng... - ông lắp bâp. - Con là một người đàn bà còn trẻ. Cả cuộc đời đang ở trước mặt con. Tại sao con lại lấy ông ta? Raina mỉm cười dịu dàng. “Bố ạ, ông ấy là một người đàn ông cực kỳ giàu có”. Cô nói khẽ. “Và rất cô đơn”. - Con muốn nói là con lấy ông ta vì điều ấy ư? - Và bỗng nhiên, ông chợt hiểu ý nghĩa của lời đề nghị của chồng cô. Hay là thế để ông ấy có thể chăm lo được cho bố ư? - Không, bố ạ. - Cô đáp nhanh. - Đây không phải là lý do để con lấy ông ấy. - Thế thì tại sao? - Ông hỏi. - Tại sao? Cô nói đơn giản. “Để chăm lo được cho con, bố ạ”. - Nhưng, Raina... - ông bắt đầu phản đối. - Cô vội, cắt lời ông. “Bố, xét cho cùng, chính bố đã bảo con không thể làm được một điều gì để tự chăm lo được cho con đâu. Đấy cũng là lý do bố gửi con đi, có đúng không nào? Ông lặng thinh không trả lời. Chả có gì để ông nói thêm được nữa cả. Sau một hồi im lặng ngượng ngập lúng túng, hai người chia tay. Ông nằm sõng xoài trên chiếc giường hẹp trong xà lim của mình, chằm chằm ngó lên trần nhà. Một cơn lạnh giá từ từ ngấm vào người ông. Ông khẽ rùng mình, kéo tấm chăn mỏng tang phủ lên chăn. Ông đã làm khổ con bé như thế nào? Ông đã sai lầm từ khi nào vậy? Ông úp mặt vào cái gối nhồi rơm cúng quèo, và nước mắt nóng bỏng bắt đầu lăn dọc theo má. Ông đỡ run hơn, cùng với cơn lạnh càng ngày càng buốt thêm trong người. Khuya hôm ấy, người ta đến, đem ông vào bệnh xá nhà tù, với nhiệt độ 39 độ. Ba hôm sau, ông chết, vì viêm cuống phổi; trong khi Raina và Giônơx Cođơ đang còn ở giữa biển khơi. 14 Cơn đau bắt đầu âm vang hai thái dương cô, cắt ngọt vào giấc mơ của cô như một con dao sắc. Cô cảm thấy giấc mơ bắt đầu từ từ chuột khỏi cô, và rồi là nỗi cô đơn khủng khiếp của việc tỉnh giấc. Cô bứt rứt trở mình. Mọi người đang mờ đi, mọi người - trừ có cô. Cô nín thở một giây, cô không muốn trở về hiện tại. Nhưng vô ích. Những dấu vết ấm áp của giấc mơ đã đi hẳn. Cô đã tỉnh. Cô mở mắt, đờ đẫn nhìn chằm chằm quanh phòng bệnh một thoáng, rồi nhận ra mình đang ở đâu. Trên cái bàn quần áo đối diện với chân giường, có những bông hoa mới. Nhất định là họ đã đem vào trong khi cô ngủ. Cô từ từ trở đầu. Ilenơ đang ngủ thiu thiu trong cái ghế bành to gần cửa sổ. Bên ngoài là đêm. Cô đã thiếp đi cả buổi chiều rồi. - Đầu mình đau kinh khủng. - Cô thì thào nhẹ nhàng. - Cho mình một viên axpierin được không? Ilenơ rũ đầu từ từ về phía trước, giật mình mở choàng mắt. Cô nhìn Raina, tỏ ý hỏi. Raina mỉm cười. “Mình đã ngủ lịm đi mất cả buổi chiều rồi”. - Cả buổi chiều ư? - Đây là lần đầu tiên sau gần một tuần, Raina mới tỉnh lại. - Cả buổi chiều. - Ilonơ lặp lại. - Ừ, phải. - Mình mệt quá. - Raina thốt lên. - Cứ hễ khi nào ngủ ngày thế này là mình lại nhức đầu. Mình muốn uống một viên axpirin. - Để mình gọi cô hộ lý. - Không sao. Để mình gọi cho. - Raina nói nhanh. Cô chực giơ tay ra để ấn cái nút điện trên đầu. Nhưng tay cô không thể nhấc lên được. Cô cúi nhìn xuống. Nó bị buộc gì vào thành giường. Một chiếc kim cắm vào mạch máu ở khuỷu trước của cô, nối bằng một ống dây dài lên tới một cái lọ, buộc ngược ở trên một cái giá. “Trò này để làm gì thế?” - Bác sĩ nghĩ rằng tốt hơn hết là cho cậu ăn mà không quấy động giấc ngủ của cậu. - Ilenơ đáp nhanh. Cô cúi người qua thành giường ấn nút. Gần như ngay lập tức, cô hộ lý xuất hiện ở cửa. Cô nhanh nhẹn đi tới giường, đứng cạnh Ilenơ, cúi xuống nhìn Raina. “Chúng ta thế là dậy cả rồi nhỉ?” Cô tươi tắn nói với một vẻ thành thạo nghề nghiệp. Raina chậm rãi mỉm cười. “Chúng ta đã dậy cả”. Cô nói khẽ, “chị là người mới, phải không? Tôi không nhớ ra chị?” Cô hộ lý đưa mắt nhìn loáng với Ilenơ. Cô đã ở đây tù khi Raina vào bệnh viện. “Tôi là hộ lý trực đêm”, cô bình thản đáp, “tôi vừa mới đến”. - Tôi luôn bị nhức đầu khi ngủ buổi chiều. - Raina nói. - Liệu cho tôi xin một viên axpirin được không? - Để tôi gọi bác sĩ. - Cô hộ lý đáp. Raina quay đầu sang bên. “Cậu hẳn là mệt bã ra rồi”. Cô nói với Ilenơ. “Tại sao cậu không về nhà nghỉ đi. Cậu đã ở đây suốt cả ngày”. -Mình không mệt đâu. Chiều nay mình cũng tranh thủ chợp mắt được bốn mươi phút rồi. Vừa lúc ấy, bác sĩ bước vào phòng, Raina ngẩng đầu về phía cửa. Bác sĩ đứng ở đó, chớp chớp mắt sau cặp kính. “Xin chào cô Malovi, cô ngủ ngon chứ?” Raina mở mắt. “Quá nữa là đằng khác ấy, bác sĩ ạ. Đến mức nó làm tôi đau đầu một cách rất kỳ cục”. Cô nhíu mày. “Đúng vậy, nó làm tôi đến nhức cả đầu”. Bác sĩ đi đến bên giường, đặt tay lên cổ tay cô, bắt mạch. “Kỳ cục ư?” Ông hỏi, cúi nhìn đồng hồ đeo tay của mình. “Cô nói kỳ cục nghĩa là thế nào?”. -Nó làm tôi đau đầu nhất là khi tôi cố nhớ lại tên. Tôi biết bác sĩ, biết bạn tôi đây. – Cô chỉ Ilenơ – nhưng khi tôi cố nhớ ra tên, cơn đau dội lên và tôi không tài nào nói ra nổi. Bác sĩ cất tiếng cười, buông tay cô ra. “Chả có gì là kỳ quặc đâu. Còn có một vài loại nhức nửa đầu làm cho người ta quên bẳng nổi đau ấy chứ, phải không?”. -Chưa, chưa đến thế đâu. – Raina đáp. Bác sĩ móc túi lấy ra một chiếc kính soi đáy mắt, cúi xuống Raina. “Tôi sẽ dùng cái này để nhìn vào mắt cô đấy. Nó có thể làm cho tôi nhìn vào phía sau hai mắt cô và có lẽ chúng tôi sẽ thấy được rằng cơn nhức đầu của cô chẳng qua là do mắt bị căng thẳng thôi. Đừng sợ nhé!”. -Tôi không sợ đâu bác sĩ ạ – Raina trả lời – Đã có lần một bác sĩ ở Paris đã soi mắt tôi bằng cái ống kiểu này. Ông ấy nghĩ là tôi bị choáng. Nhưng không phải. Tôi chỉ bị thôi miên thôi. Bác sĩ đặt ngón tay trỏ vào góc mắt cô, vén mi mắt cô lên. Ông ấn một cái nút trên ống soi, một luồng ánh sáng mỏng, bé xíu rọi sáng quắc qua cái lỗ nhỏ tí. “Tên cô là gì?”, ông tỏ vẻ thờ ơ hỏi. -Katrina Oxterlag. – Cô đáp nhanh. Rồi cười. – Thấy chưa bác sĩ. Tôi đã bảo là cơn nhức đầu của tôi không tồi đến thế đâu. Tôi vẫn nhớ nỗi tên mình đấy thôi. -Tên bố cô là gì? – Bác sĩ hỏi tiếp, chuyển ống soi sang mắt kia của cô. -Harixơn Malovi. Thấy chưa, tôi cũng vẫn biết đấy. -Tên cô là gì? – Ông lại hỏi, luồng ánh sáng vẽ thành một hình bán nguyệt ở góc mắt trên của cô. -Raina Malovi. – Cô đáp, bật cười thành tiếng. – Bác sĩ không đánh lừa tôi được đâu! Ông tắt điện ở ống soi, đứng thẳng dậy. “Không, tôi không thể lừa được thật”. Ông mĩm cười với cô. Có tiếng động ở cửa, rồi hai người trợ tá đẩy vào một cái máy to, hình vuông, tới cạnh giường, bên ông bác sĩ. -Đây là máy chụp não bằng điện. – Bác sĩ nhẹ nhàng giải thích. – Nó được dùng để đo những xung điện do não phát ra. Đôi khi nó rất giúp ích cho chúng tôi trong việc xác định được vùng gây ra nhức đầu để chữa. -Trông nó có vẻ rắc rối quá nhỉ. – Raina nói. -Không hề. – Ông đáp. – Thật ra nó rất đơn giản. Tôi sẽ giải thích dần dần cho cô sau, trong khi chúng ta dùng nó. -́y vậy mà tôi thì nghĩ rằng tất cả những cái bác sĩ phải làm là cho tôi xin mấy viên axpirin để chữa đau đầu thôi đấy. Ông cười với cô, “Ồ cô biết đám thầy thuốc chúng tôi rồi đấy. Chúng tôi kể tiền công ra sao đây nếu chỉ cho đơn có mấy viên thuốc quèn thôi?”. Cô lại cười. Bác sĩ quay sang Ilenơ, lặng lẽ gật đầu, đưa mắt ra hiệu về phía cửa. Đến khi cô ra tới cửa, mở nó chực đi thì ông đã quay lại với Raina. -Cậu sẽ quay lại với mình chứ? – Raina hỏi. Ilenơ quay người lại. Hai người phụ tá đã cắm điện vào máy, cô hộ lý đang giúp bác sĩ sửa soạn cho Raina. “Mình sẽ quay lại”, cô hứa. Cô bước ra, nhẹ nhàng đóng cánh cửa ở sau lưng mình lại. Mãi gần một tiếng sau, bác sĩ mới bước ra khỏi phòng. Ông buông mình ngồi phịch xuống cái ghế đối diện với Ilenơ, tay lục tìm trong túi. Rồi ông lôi ra một bao thuốc lá bẹp rúm, chìa cho Ilenơ. Cô rút một điếu thuốc, đánh diêm, châm cho cô, rồi cho ông. -Thế nào ạ? – Cô hỏi qua cặp môi mím chặt. -Chúng tôi sẽ có thể nói nhiều hơn sau khi xem qua điện não đồ. – Ông rít thuốc. – Nhưng đã rõ là có những dấu hiệu xác định được những vùng nơtron bị hỏng. -Thưa bác sĩ, xin bác sĩ làm ơn nói theo lối tôi có thể hiểu được ạ. -Tất nhiên rồi. – Ông thở mạnh. – Não của cô ấy đã lộ rõ rằng nó có những vùng thần kinh bị hỏng. Những chỗ hỏng này đã làm cô ấy khó nhớ được sự vật, những thứ đơn giản, thường ngày, như tên người, tên đất, thời gian. Mọi cái trong não cô ấy giờ đây là ở hiện tại. Không có quá khứ nữa, có lẽ không có cả khái niệm hôm nay. Chính vì do cô gắng một cách không tự giác để nhớ lại các chuyện thông thường ấy mà não bị căng thẳng và gây nên cơn nhức đầu. -Nhưng đấy chẳng phải là dấu hiệu tốt ư? – Cô hy vọng hỏi. – Đây là lần đầu tiên trong suốt một tuần qua cô ấy nom có vẻ khá bình thường. -Tôi biết cô lo lắng vô cùng. – Ông nói thận trọng. – Và tôi cũng không hề muốn tỏ ra bi quan một cách quá đáng, nhưng cơ thể con người là một cái máy rất lạ lùng. Cô ấy được như vừa rồi thật quả là đáng khâm phục cái sức chịu đựng của cơ thể cô ấy. Cô ấy đang phải trải qua những đợt sốt hồi qui cực kỳ cao. Cơn sốt ấy tàn phá tất cả mọi cái trên đường nó gặp. Thật gần như là chuyện thần kỳ ấy, khi nó hơi giảm đi một tý, dù chỉ trong một thoáng thôi, như vừa rồi, cô ấy lại có thể trở lại cái vẻ ngoài minh mẫn thế. -Bác sĩ nói như vậy có nghĩa là cô ấy đang hôn mê lại ư? -Tôi muốn nói là nhiệt độ của cô ấy đang bắt đầu tăng lên lại. Ilenơ đứng dậy, đi đến cửa. “Bác sĩ có nghĩ là tôi còn có thể nói chuyện với cô ấy một lần nữa trước khi cô ấy lại hôn mê không?” -Tôi rất tiếc là không. – Ông lắc đầu đáp. Ông đứng dậy. – Nhiệt độ cô ấy đã tăng sau khi cô rời phòng được khoảng hai mươi phút. Tôi đã đánh thuốc mê cho cô ấy để giảm đau. Cô trố mắt nhìn ông. “Ôi, trời ơi!”, cô khẽ bật kêu lên. “Bao nhiêu lâu, thưa bác sĩ, cô ấy phải chịu khổ sở thế này bao lâu nữa?” -Tôi không biết. – Ông chậm rãi đáp, nắm lấy tay cô. – Tại sao cô không để tôi đưa cô về nghỉ nhỉ? Cô tin tôi, đêm nay ở đây cô chẳng còn việv gì làm đâu. Cô ấy đang ngủ. -Tôi…tôi muốn vào nhìn cô ấy một tý. – Cô ngập ngừng nói. -Được thôi. Nhưng cho phép tôi báo trước với cô. Đừng có xúc động khi thấy cô ấy đã thay đổi. Chúng tôi buột phải cắt gần như hết bộ tóc của cô ấy để làm được điện não đồ rồi. Ilenơ đóng cửa phòng làm việc của mình lại, bước tới bàn. Có vài bức phác thảo trang phục cho bộ phim mới đang chờ được cô thông qua. Cô bật đèn, bước tới tủ rượu. Cô lấy xuống một chai Xcôtch, đổ đầy rượu vào một cái cốc đã có đá. Cầm cốc rượu, cô trở lại bàn ngồi, nhặt mấy bản phác thảo lên xem. Cô vừa ngắm nghía chúng, vừa nhấp từng ngụm rượu nhỏ. Cô ấn một một cái nút ở tay vịn ghế ngồi. Một ngọn đèn chiếu lắp trên trần rọi thẳng xuống các bản vẽ. Cô đẩy cái ghế sang cái bục nhỏ ở bên trái mình, cố hình dung ra chỗ quần áo trên người mẫu. Nhưng mắt cô vẫn mờ đi vì lệ. Đám phác thảo hình như biến đi, chỉ còn thấy mỗi một mình Raina đang đứng kia, trên cái bục, luồng ánh sáng trắng hoà chiếu trên mớ tóc dài vàng óng của cô – mớ tóc vàng vẫn còn cuộn lại thành những búp cáu kỉnh trên gối, dưới cái đầu đã cạo trọc của cô. -Chúa ơi, tại sao Người lại phải làm như thế hả Người? – Cô ngửa mặt lên trần nhà, căm hờn kêu thành tiếng. – Tại sao ông cứ phải vùi dập, tàn phá những gì đẹp đẽ? Trên đời này còn chưa đủ những cái xấu xa gớm ghiếc hay sao? Nước mắt cô vẫn còn rưng rưng mờ mờ trên hai mi, nhưng qua chúng, cô có thể nhìn thấy Raina, như lần đầu tiên Raina đứng trên cái bục nhỏ này, chiếc áo dài lụa trắng loát phủ trùm lên thân mình. Đã xa xôi gì đâu. Mới có năm năm. Và cái áo dài lụa trắng là một cái áo cưới. Khi ấy là ngay trước khi Raina lấy Nêvađa Xmith. 15 Nó thoạt tiên chỉ là một đám cưới lặng lẽ, nhưng rồi tỏa ra thành một trò ầm ỹ, một cuộc huyên náo nổi tiếng nhất từ trước tới giờ mà Hôliut đã tạo ra được. Và tất cả là do Đevid Ulf đã nghĩ ra trên cái giường của cô đào tóc đỏ đóng một vai phụ trong bộ phim Thằng phản bội. Mặc dù chỉ là một chức nhân viên tuyên truyền quảng cáo, hơn cái gã ăn lương bét nhất trong phòng có một bậc, mỗi tuần lĩnh trần xì có ba lăm đô la, nhưng đối với đám con gái, Đêvid vẫn là một nhân vật cỡ bự. Có thể giải thích lý do này bằng một danh từ ngắn gọn – Người nhà – Bơny Noman là cậu của anh. Đối với anh, nó chẳng đem lại lợi lộc gì lớn cả. Nhưng đám con gái lại không biết điều ấy. Làm sao mà họ biết được rằng Noman thậm chí cũng không chịu nổi cái mặt của thằng con giai bà chị mình, và kiếm cho nó một chỗ làm chỉ để bịt miệng bà ta lại? Hiện giờ, để ngăn thằng cháu khỏi quấy rầy mình, ông ta chỉ thị cho ba cô thư ký phải tìm mọi cách cản nó lọt vào văn phòng của ông ta, dù chuyện khẩn cấp đến thế nào đi chăng cũng mặc. Điều ấy làm Đevid khó chịu. Nhưng lúc này đây, tâm trí anh chàng không buồn đoái hoài gì đến nó. Anh mới hăm ba tuổi, và còn nhiều điều quan trọng hơn đang cần được để ý đây. Giữa đám con gái ở đây và những bé ở nhà, thật khác nhau vô cùng. Anh chàng nghỉ tới những em soát vé ở rạp Bigiu Niu Yooc, những cô nàng Italia xinh xinh, rụt rè khiếp đảm, những chị chàng Airolen béo phị trơ tráo, những cuộc làm tình chớp nhoáng tại ban công tầng hai bỏ không, hay ở trên sân khấu vắng tanh sau cái màn ảnh, trong khi bộ phim xổ ra loang loáng ở phía trên hai cái đầu căng thẵng của hai người. Yhậm chí ngay ở chốn ấy, tên của Bơny Noman cũng giúp ích được cho anh. Nếu không thì tại sao người ta lại lôi một thằng nhãi con mười tám tuổi ranh ra khỏi cái xe bò đồng nát, ấn cho nó chức trợ lý quản trị ấy nào? Cô gái đang nói cái gì đó. Thoạt đầu Đêvid không để ý. “Em bảo sao?” Anh chàng hỏi lại. -Em muốn đến dự đám cưới của Nêvađa Xmith. Vị trí của cô ta có thể không xứng, nhưng các quan điểm của cô ta thì không thế. Đêvid hiểu. “Nó sẽ là một sự kiện nhỏ thôi”, anh đáp. Cô ta ngẩng lên nhìn anh, giọng rõ ràng hơn. “Ở đó vẫn có rất nhiều người quan trọng mà em chỉ có thể gặp được trong dịp ấy thôi”. -Được, anh sẽ xem có thể làm được những gì? Và một lúc sau đó, đúng khi anh chàng tham lam cố đến lần thứ ba chọc được vào cái vòng đồng, thì ý nghĩ ấy vụt đến thật rõ ràng… Cô gái giật mình, ngước lên nhìn anh, thấy trên mặt anh một vẻ sung sướng đê mê đờ đẫn. “Từ từ nào, anh yêu. Khéo đánh thức hàng xóm dậy hết cả bây giờ!” Cô ta thì thào khe khẽ, dịu dàng, nghĩ là anh chàng đã cực khoái. Và, nói theo một cách nào đấy, thì đúng vậy thật. * * * Bơny Noman rất tự hào rằng ngày nào cũng là giám đốc đầu tiên có mặt tại xưởng phim. Sáng sáng, đúng bảy giờ, chiếc ôtô du lịch đen dài, có tài xế lái của ông ta lao qua cái cổng thép đồ sộ là lối rẽ vào của ban giám đốc, rồi dừng phắt lại trước toà nhà văn phòng của ông ta. Ông ta thích đến sớm, ông ta thường nói, là bởi vì như thế ông ta sẽ có thể đọc hết được đám giấy tờ thư từ của mình ít nhất là nhiều gấp đôi của các thành viên ban giám đốc khác, trước khi ba cô thư ký của ông ta đến. Như vậy, thời gian còn lại trong ngày ông ta thoải mái tiếp bất kỳ ai. Cửa văn phòng ông luôn luôn rộng mở, ông ta lớn tiếng tuyên bố như vậy. Thực tế là ông ta vẫn đến sớm bởi vì ông ta là một thằng chuyên rình mò soi mói vào chuyện của người khác. Mặc dù không hề nói ra, nhưng tất cả mọi người ở xưởng phim đều biết ông ta làm gì sau khi cái cửa ra vào đóng lại ở phía lưng. Ông ta sẽ lẻn đến khắp các văn phòng còn đang lặng như tờ, của cả các viên giám đốc lẫn thư ký, xem giấy tờ bỏ trên bàn, lục bất kỳ một ngăn kéo nào tình cờ quên không khoá, đọc tất cả nội dung các bức thư và ghi chép. Đến mức độ là nếu một ai đó bảo đảm chắc chắn rằng ý kiến của mình được Noman để ý, thì người đó chỉ việc để một bản thảo của mình nằm một cách ngây thơ trên bàn trước khi ra về. Noman tự bào chữa cho mình một cách dễ dàng. Ông ta đang chỉ đơn thuần bắt mạch công việc mà thôi. Người ta còn cách nào nữa, khi phải điều hành một tổ chức phứt tạp đến thế này. Sáng đó, ông ta trở lại cửa văn phòng riêng của mình vào khoảng tám giời. Chuyến kiểm tra của ông ta làm mất nhiều thời gian hơn thường lệ một chút. Ông ta thở dàinặng nhọc, mở cửa. Bao nhiêu là vấn đề. Lúc nào cũng bề bộn bao nhiêu là vấn đề. Ông ta chực bước tới bàn, rồi đứng đờ người vì khiếp sợ. Thằng cháu Đêvid của ông đang ngủ trên đivăng, trên sàn nhà quanh thằng khốn kiếp ấy, giấy tờ của ông nằm la liệt. Bơny cảm thấy rõ mồn một cơn thịnh nộ đang bốc lên ngùn ngụt trong người ông. Ông ta bước nhanh qua căn phòng, kéo dựng Đêvid dậy. “Này ngủ trong văn phòng của tao để làm cái chó gì, hả cái thằng khốn nạn đểu giả này?” Ông thét lên. Đêvid ngồi thẳng người, giật mình. Anh chàng giụi giụi mắt. “Cháu không định ngủ. Cháu đang đọc tài liệu và đã thiếp đi đấy thôi”. -Tài liệu? – Noman rít lên. – Tài liệu nào hử? – Ông ta vội nhặt một tờ lên. Ông ta quay cặp mắt đờ dại vì sợ hãi sang thằng cháu: “Hợp đồng sản xuất Thằng phản bội!” – Ông ta thét lên như buộc tội. – Hồ sơ mật của riêng tao! -Cháu có thể giải thích được. – Đêvid nói nhanh, đã tỉnh ngủ hẳn. -Không có thể giải thích giải thiếc gì hết! – Noman thét lên như đóng tuồng, tay chỉ thẳng ra cửa. – Cút! Nếu năm phút nữa mày không xéo ra khỏi xưởng phim, tao sẽ gọi bảo vệ tống cổ mày ra. Thế là mày xong. Bị sa thải. Bị đuổi[36]. Một trong những điều chúng tao không thể dung thứ được trong xưởng phim này là rình mò, nhòm ngó trái phép. Con giai của chị ruột tôi đấy! Bước!. -Ồ, cậu Bơny, xin cậu bớt nóng đi một chút! – Đêvid vừa nói vừa đứng dậy. -Xin cậu bớt nóng đi một chút, nó còn dám bảo tôi thế đấy! – Noman gầm lên. – Đến tận nửa đêm mẹ nó còn dựng tôi dậy bằng những cú điện thoại. – Giọng ông ta vô tình bắt chước giọng mũi éo éo của bà chị. – Thằng Đuviđen nhà tôi chưa về, cả đêm vừa rồi cũng không thấy “ló” về. Có “nẽ” đã bị tai nạn gì rồi! Tai nạn, a ha! Đáng nhẽ tôi nên nói với bà ấy rằng thằng Đaviđen bé bỏng của chị đã suốt đêm “cối” cái con ranh tóc đỏ đóng vai phụ của xưởng, a ha! Cút ngay! Đêvid trố mắt nhìn ông cậu của mình. “Sao cậu biết vậy?”. -Biết ư? – Ông ta gầm lên. – Tao biết mọi cái diễn ra trong xưởng này. Mày nghĩ là tao xây dựng cơ nghiệp này hay ho như cái trò vần vò con gái trong một căn phòng đầy đủ tiện nghi suốt đêm hay sao? Không, tôi làm việc, tôi xin thưa với ông như vậy, tôi làm hùng hục như một con chó bẩn thỉu. Ngày đêm hùng hục! Ông ta bước lại cái ghế đẩu đàng sau bàn làm việc của mình, buông người rơi phịch xuống. Ông ta ấp tay vào tim trong một cử chỉ phóng đại. “Bị kích động như thế này, bằng người máu mủ ruột thịt với mình, ngay từ sáng tinh mơ thì tôi đến cần phải một bộ óc khoẻ khoắn[37] khác nữa mất!”. Ông ta mở khoá bàn, lấy ra một lọ thuốc. Ông ta nhanh chóng nuốt hai viên, ngả người vào thành ghế phía sau, nhắm nghiền mắt lại. Đêvid nhì n ông cậu. “Cậu Bơny, cậu không sao đấy chứ ạ?” Noman từ từ mở mắt. “Mày vẫn còn ở đây ư?” Ông ta hòi bằng cái giọng của một người đang phải cố gắng vô cùng để liềm chế bản thân mình. “Bước ngay!”. Mắt ông ta bắt gặp chỡ giấy tờ vẫn còn ở dưới sàn. “Trước hết nhặt giấy tờ lên đã”, ông ta vội nói thêm. “Rồi xéo!” -Cậu thậm chí cũng không biết tại sao sáng nay cháu lại đến đây. – Đêvid phân trần. – Có một việc rất quan trọng. Noman mờ mắt, nhìn anh. “Nếu có việc quan trọng, đến gặp tao như những người khác vẫn làm. Mày biết rõ là cửa của tao lúc nào cũng mở”. -Mở ư? – Đêvid phá lên cười châm biếm. – Nếu đích thân chúa Giêsu mò đến đây thì ba cái con yêu tinh ấy cũng không cho ông ta vào gặp cậu đâu. -Đừng có lôi tôn giáo vào đây! – Noman gio8 tay đe. – Mày biết nguyên tắc của tao rồi đấy. Người nào cũng như người nào. Ai muốn gặp tao, nói với cô thư ký thứ ba của tao, cô này lại nói với cô số hai,cô này lại nói lên với cô số một. Cô số một nghĩ là đủ quan trọng nói với tao và ngay sau đó, mày đã thấy ở trong văn phòng của tao rồi! – Ông ta búng tách ngón tay. – Như vậy đấy. Chứ đừng có lẻn đến trong đêm. Xem trộm giấy tờ mật! Giờ thì bước ngay! -Thôi được. – Đêvid bước ra cửa. Đáng nhẽ phải biết rõ hơn là đừng có cố làm gì cho cái lão khốn kiếp này. – Tôi đi đây. – Anh nói chua chát. – Nhưng khi tôi bước qua cái cửa này, cậu nom hay lắm, thật sự là hay lắm, bởi vì là cậu đang quẳng đi một triệu đôla cùng với tôi! -Hượm đã! – Bơny gọi giật lại ở đằng sau. – Tao muốn mình là người công bằng. Mày vừa nói là có chuyện quan trọng cần nói với cậu phỏng? Nói đi, cậu nghe đây. Đêvid đóng cánh cửa lại. “Tháng sau, trước khi phim được phát hành, Nevađa Xmith và Raina Malovi sẽ lấy nhau”. -Thế là việc mày bảo tao ư? – Mặt ông cậu Đêvid đỏ ửng lên. – Ai cần cho gì? Thậm chí chúng nó cũng không mời tao dự nữa. Mà hơn nữa, Nevađa thế là hết thời. -Có thể thế. – Đêvid đáp. – Nhưng cô gái thì không. Cậu đã xem bộ phim ấy chưa? -Tất nhiên là rồi. – Noman đáp cộc lốc. – Tối nay sẽ chiếu thăm dò. -Vậy đấy, sau buổi chiếu thăm dò này, cô ta sẽ là đào lẳng lơ nhất, hấp dẫn nhất của ngành phim. Cậu Đêvid ngẩng lên nhìn anh, một ánh kính nể sáng lên trong mắt ông ta. “Thế thì sao?”. -Theo như báo chí cháu đã đọc, thì cháu thấy chưa có ai ký hợp đồng với cô ta cả. – Đêvid nói. – Cậu sáng nay ký đi. Rồi… Ông cậu Đêvid đã gật đầu lia lịa. -Rồi cậu bảo với hai người là cậu muốn tổ chức cưới cho họ. Như là quà tặng của xưởng. Chúng ta sẽ làm được một cú chấn động lẫy lừng nhất từ trước đến nay của Hôliut. Sẽ được thêm năm triệu nữa vào tổng thu nhập. -Thế thì ta có lợi lộc gì? Chúng ta không có quyền sở hữu gì về bộ phim cả, chúng ta không được hưởng lãi của nó. -Chúng ta nhận được tiền phát hành, phải không nào? – Đêvid hỏi, mỗi lúc một tin tưởng khi thấy mặt cậu mình mỗi lúc một tỏ ra chăm chú hơn. – Hăm lăm phần trăm của năm triệu là một triệu hai lăm vạn đôla. Đủ để trang trải một nửa chi phí của bộ máy phát hành trong cả một năm trời. Và cái hay của nó là chúng ta có thể đổ toàn bộ phí tổn làm đám cưới của chúng ta cho công chúng rồi lại đập nó vào phí tổn làm phim. Là ta không mất một xu. Cođơ sẽ phải lấy phần lãi của anh ta ra mà trả tất cả mọi cái. Noman đứng dậy. Mắt ông ta rơm rớm nước. “Tôi đã biết mà. Giọt máu đào hơn ao nước lã!”, ông ta thốt lên như diễn kịch. “Từ nay cháu sẽ làm cho cậu. Cháu sẽ là trợ lý của cậy! Cậu sẽ chỉ thị cho đám thư ký dọn cái văn phòng bên cạnh này dành cho cháu. Đến con đẻ của mình cậu cũng không thể trông cậy được hơn…giá như cậu có con!”. -Còn thêm một điều nữa ạ. -Gì vậy? – Noman lại cúi xuống. – Gì nữa? -Cháu nghĩ rằng ta nên tìm cách ký với Cođơ làm cho ta mỗi năm một bộ phim. Noman bắt đầu. “Ồ, không được! Không có anh ta, ở đây ta đã có đủ những thằng điên rồi!”. -Anh ta có một linh cảm với điện ảnh. Cậu cũng có thể thấy qua Thằng phản bội đấy. -Nó ăn may được đấy thôi. -Không phải đâu. – Đêvid vẫn khăng khăng giữ ý. – Cháu có mặt trong suốt thời gian quay. Không hề có cái gì trong bộ phim mà anh ta không có ý kiến của mình. Nếu không do anh ta, Malovi sẽ không bao giờ trở thành nổi tiếng như sắp tới đây đâu. Chưa bao giờ trong đời mình, cháu gặp một cặp mắt đánh giá âm vật đàn bà sắc sảo đến vậy. -Hắn ta là một thằng đồng tính luyến ái[38]. – Noman không tán thành, - Bọn ấy thì biết gì về âm vật đàn bà nào? -Họ là những người biết rõ nó từ trước cả khi Ađam dắt Eva ra khỏi vườn Êđen cơ. -Không! – Noman thốt lên. -Tại sao không ạ? -Tao không muốn có loại người ấy ở với tao. Hắn ta sẽ không thích chỉ làm độc có một phim đâu. Rồi hắn ta sẽ sớm muộn nắm lấy toàn bộ công việc. Hắn là một con bạch tuộc. Hắn không phải là loại muốn cùng làm việc với bọn công ty. Ông ta đứng dậy, bước vòng qua bàn tới chỗ Đêvid. “Không”, ông ta nói. “Cậu sẽ không muốn làm ăn gì vớo hắn cả. Nhưng những ý nghĩ khác của mày thì cậu rất thích. Sáng nay ta sẽ tìm cô kia và bảo cô ta ký hợp đồng với chúng ta. Rồi ta sẽ nói với họ về cái lễ cưới. Nêvađa sẽ không thích thú gì đâu nhưng sẽ cứ làm. Xét cho cùng, anh ta có phần tiền thu được từ bộ phim và sẽ không làm liều cái gì nữa!” Đêvid trông coi cẩn thận, bảo đảm việc gửi đến tận tay Cođo lúc ấy đang ở châu u, một bản đặc biệt về bộ phim tài liệu ghi lại đám cưới đó. Khi Giônơx bước vào căn phòng nhỏ ở Lănđơn, nơi anh đã thu xếp để chiếu cuốn phim, đèn tắt, ngay lập tức một điệu nhạc rộ lên choán ngợp căn phòng. Trên màn ảnh, những dòng chữ nối đuôi nhau ruồn ra khỏi một ống kính quay phim cho đến lúc đầy chật nó, không còn nhìn thấy cái gì khác trên đó nữa! PHIM TÀI LIỆU CỦA NOMAN BỘ PHIM Đ̀U TIÊN BỘ PHIM TUYỆT VỜI NH́T TRONG LỊCH SỬ PHIM TÀI LIỆU Cái giọng trầm buồn một cách cố ý của ngừơi thuyết minh vang lên dưới một cảnh quay khá lâu một cái nhà thờ có những đám người vây vòng trong vòng ngoài đông nghịt. Cả thành phố Holiut, cả thế giới đang rạo rực chờ đợi lễ cưới như trong truyện thần tiên ngày hôm nay ở Hôliut của Nâvađa Xmith và Raina Malovi, hai ngôi sao trong bộ phim “Thằng phản bội”, do Bơnođ B. Noman sắp sửa phát hành. Một cảnh Nêvađa cưỡi ngựa phi đến nhà thờ, lộng lẫy trong bộ quần áo dân chăn bò màu đen, do thợ may cắt, trên mình một con ngựa trắng như tuyết. Đây là chú rể, chàng chăn bò nổi tiếng toàn thế giới Nêvađa Xmith, đến nhà thờ trên mình con ngựa không kém phần lộng lẫy là Oaiti[39]. Nêvađa bước lên bậc thềm, đi vào nhà thờ trong khi cảnh sát cố sức chặn lại những đám đông hò hét điên cuồng. Rồi một chiếc xe du lịch đen lướt tới. Bơny Noman bước ra, quay lại đỡ Raina xuống xe. Cô đứng lại một thoáng, mĩm cười với đám đông, rồi khoát lấy cánh tay Noman đã chìa ra, bắt đầu đi vào nhà thờ. Và đây là cô dâu, nàng Raina Malovi xinh đẹp, ngôi sao của bộ phim “Thằng phản bội”, trên cánh tay của ông Bơnơđ B.Noman, nhà sản xuất phim nổi tiếng của Hôliut, người đã đem cho nàng đi hôm nay. Áo cưới của Malovi làm bằng đang ten ngà Alăngxông, đặc biệt vẽ kiểu dành riêng cho nàng, do Ilenơ Gala, hoạ sĩ phục trang nổi tiếng thiết kế. Chị cũng chính là người vẽ các kiểu quần áo hấp dẫn mà các bạn sẽ thấy cô Malovi mặc trong bộ phim “Thằng phản bội” của Bơnơđ B Noman. Sau đó ống kính ắt sang cảnh bên ngoài toà nhà của Nêvađa ở Bơvơly Hinđ, nơi có một chiếc lều khổng lồ đã được dựng lên, xung quanh đầy những đám người. Ở đây, trên thảm cỏ của ngôi nhà như cung điện của Nêvađa Xmith, là chiếc lều do công nhân xưởng phim của Bơnơđ B. Noman dựng – phần đóng góp của họ cho cặp vợ chồng nổi tiếng này. Nó đủ lớn đến mức chứa và dọn tiệc được cho một nghìn khách mời. Nó là chiếc lớn nhất của loại lều này trên toàn thế giới. Và bây giờ, chúng ta hãy làm quaen với một vài người khách nổi tiếng. Máy quay lăn theo thảm cỏ, trong khi một giọng thuyết minh giới thiệu nhiều tài tử nổi tiếng cùng với những nhà bình luận báo chí quen biết. Những người này ngừng lại trong các đám đông rõ ràng là bố trí cẩn thận trước, mĩm cười, cúi chào về phía ống kính. Máy quay lia ngược theo các bậc thềm dẫn vào nhà khi Nêvađa và Raina hiện ra trên ngưỡng cửa. Một giây sau, Noman đứng ở giữa họ. Raina ôm trên tay một bó hồng và lan to tướng. Và đây là cô dâu chú rể hạnh phúc, cùng với người bạn của họ, nhà sản xuất phim nổi tiếng Bơnơđ B. Noman. Cô dâu đang sắp sửa tung bó hoa của mình cho đám đông đang háo hức đón chờ. Một cảnh phim Raina tung bó hoa và một đám láo nháo mỹ nữ tranh cướp lấy nó. Cuối cùng nó lọt vào tay một cô nàng tóc đỏ, mắt to đen láy, và ống kính đột ngột đặc tả cô ta. Bó hoa được bắt bởi Anơ Bary, một bạn gái thân thiết của cô dâu. Cô Bary, một người con gái tóc đỏ xinh đẹp, cũng đóng một vai quan trọng trong “Thằng phản bội” và vừa mới nhận thêm được một hợp đồng với Công ty điện ảnh Noman vì đã hoàn thành tốt đẹp nhân vật ấy. Cuối cùng ống kính tiến đến miêu tả cận cảnh trót. Raina, Noman và Nêvađa Xmith mĩm cười xuống với cả rạp. Noman đứng ở giữa họ, một tay âu yếm quàng như ông bố, qua vai Nêvađa, tay kia khuất không trông thấy vì cô dâu. Cả ba cười như nắc nẻ, sung sướng lắm, trong khi màn ảnh mờ dần, mờ dần. Đèn trong phòng bật sáng. Giônơx đứng dậy, và không cười, lẳng lặng bước ra khỏi phòng. Một cảm giác lạnh toát nghẹn ở cuối xương ức của anh. Nếu đấy là cái lối Raina thích, thì em cứ việc. Nhưng có một điều Giônơx không thấy, cũng như tất cả những người vừa ngước nhìn lên màn ảnh. Đó là tay trái của Bơny Noman, khuất sau lưng Raina. Nó đang khoan khoái và tuỳ tiện lần mò vuốt ve những đường nét tròn trĩnh của hai mông cô. 16 Đã hơn tám giờ tối. Ilenơ nghe thấy tiếng cửa văn phòng ngoài của mình mở. Cô đặt cái bảng bảng pha màu xinh xinh xuống, chùii hai bàn tay có vương thuốc vẻ vào cái áo blu xám lùng thùng của cô. Cô quay ra phía cửa đúng lúc Raina bước vào. -Mình xin lỗi đã phải giữ cậu ở lại muộn. Chúng mình tối nay quay có quá giờ. Ilenơ mĩm cười. “Không sao đâu. Dù sao mình cũng còn một ít việc phải làm cho xong. Tại sao cậu không ngồi xuống nghỉ đi dăm phút? Mình đã nghe thấy văn phòng sản xuất bảo rằng cậu sẽ xong muộn nên đã mua cà phê và bánh mì thịt đây rồi”. Raina nhoẻn cười tươi tắn, vẻ biết ơn. “Cám ơn”, cô thốt lên, ngồi phịch xuống cái đi văng to, giũ giày ra. “Mình mệt quá!” Ilenơ đẩy một cái bàn cà phê tới đivăng. Cô mở mô5t cái tủ lạnh nhỏ, lấy ra một khay bánh mì kẹp thịt, đặt xuống trước mặt Raina. Mở nắp một cái phích mlớn đựng cà phê đen, cô nhanh nhẹn rót ra một cốc cho Raina. Raina nâng cái cốc bốc hơi ngùn ngụt lên môi. “Thế này hay quá”, cô nói qua miệng cốc. Cô nhấp thêm một nhụm cà phê nữa, rồi ngã ngật đầu trên thành cái đivăng. “Mình mệt đến mức kgông cảm thấy đói nữa!”. -Cậu đủ quyền kêu hơn thế ấy chứ! – Ilenơ đáp – Suốt một năm trời ròng rã từ khi đóng xong Thằng phản bội, không nghỉ lấy một tuần nào. Ba phim liền, hết xong bộ này lại tiếp ngay bộ kia. Rồi tuần sau lại bắt đầu một phim mới nữa chứ. Thật kỳ lạ là sao cậu chưa quỵ hẳn. Raina nhìn cô, “Mình thích làm việc”. -Mình cũng vậy. – Ilenơ đáp nhanh. – Nhưng có mức độ của nó chứ. Raina không trả lời. Cô uống cà phê và nhặt một tờ tạp chí Vơraiơty[40] lên. Lơ đãng, cô lần lượt giở từng tờ xem. Cô dừng lại ở một tiêu đề, đọc một thoáng, rồi chìa ra cho Ilenơ. “Cậu xem chưa?”. Ilenơ liếc xuống tờ báo. Hàng tít lớn thu hút mắt cô. Đúng là phong cách điển hình của Vơraiơty: MẺ LƯỚI B̃M NH́T CỦA “THẰNG PHẢN BỘI”: BUỒNG BÁN VÉ Trong một năm đầy những tiếng kêu than của các chủ rạp rền rĩ và các nhà sản xuất khổ sở vì cái vực thẳm có vẻ như không đáy mà thu nhập điện ảnh đang rơi xuống, thật đáng nức lòng khi thấy đpược một tia nắng mặt trời. Chúng tôi được biết một cách đáng tin cậy từ những nguồn thông thạo tin tức rằng tổng số thu nhập trong nước của “Thằng phản bội” đã vượt qua cái mốc năm triệu đola vào tuần trước, sau chưa đầy một năm kể từ khi được phát hành. Trên cơ sở những số liệu đó, bộ phim cùng với sự xuất hiện của Raina Malovi, với rất nhiều bản đang được chiếu tại Mỹ và tin tức từ các nơi khác trên thế giới sẽ còn được gửi về nữa, chắc chắn sẽ đi đến cái mức thu về mười triệu đôla. “Thằng phản bội”, một bộ phim do Hãng Noman phát hành, được xây dựng và tài trợ bởi Giônơx Cođơ, một người đàn ông trẻ giàu có ở miền Tây mà độc giả biết rõ hơn qua chuyến bay phá kỷ lục của anh từ Pari về Lôx Angiơlex năm ngoái. Trong bộ phim có cả sự tham gia của Nêvađa Xmith. Ilenơ ngẩng lên. “Mình đọc rồi”. -Như vậy có nghĩa là mọi người đều thu về đủ tiền của mình ư? --Mình cho là như vậy. – Ilenoơ đáp. – Đúng thế nếu như Bơny không ăn cắp sau lưng họ. Raina mĩm cười. Cô cảm thấy dào lên một cảm giác nhẹ nhõm. Cuối cùng, Nêvađa cũng không phải lo lắng gì nữa rồi. Cô cầm một chiếc bánh mỳ kẹp thịt lên và bắt đầu ăn ngấu nghiến. “Đột nhiên mình sao thấy đoái quá”, cô lụng bụng nói qua mồm đầy bánh. Lặng lẽ, Ilenơ đổ thêm cà phê vào cốc cho Raina, rồi rót một cốc nữa cho mình. Raina ăn rất nhanh, vài phút sau đã xong. Cô nhặt một điếu thuốc lá trong cái hộp nhỏ trên bàn, châm lửa. Ngả người vào thành ghế, cô thở khói lên trần nhà, một mảnh màu hồng hồng quay lại trên má cô. “Mình giờ cảm thấy dễ chịu hơn rồi. Chúng ta có thể thử đám áo xống ngay sau khi mình hút xong điếu thuốc này”. -Cứ từ từ. – Ilenơ đáp. – Mình có thời gian mà. Raina đứng dậy. “Ta bắt đầu thôi”. Cô miết điếu thuốc lá vào một cái gạt tàn. “Mình vừa sực nhớ là đã hẹn một cảnh chụp ảnh ăn sáng cho tạp chí Các ngôi sao màn bạc vào sáng mai, lúc sáu giờ”. Ilenơ đi đến tủ quần áo, gạt hai cánh sang hai bên. Sáu đôi quần áo sơ mi chẽn kiểu nghệ sĩ xiếc, có sáu màu khác nhau, treo trong đó. Raina lấy ra một bộ, quay lại phía Ilenơ, giơ bộ quần áo ngắn cộc lên trước mặt cô. “Nó càng ngày càng nhỏ lại”. Ilenơ mĩm cười “Đích thân Bơny ra lệnh làm đấy. Vả lại, tên của bộ phim là Cô gái trên chiếc đu bay mà”. Cô đã lấy bộ quần áo, giơ lên trong lúc Raina bắt đầu cởi đồ. Raina quay lưng lại phía cô, bước ra khỏi váy của mình, chật vật chui vào bộ quần áo bó chẽn. “Phù”, Cô há hốc miệng thở. “Có lẽ mình đáng ra không nên ăn mấy cái bánh mỳ ấy!” Ilenơ bước lùi lại, chăm chú quan sát bộ quần áo. “Tốt hơn hết là cậu bước lên cái bục này đi”, cô nói, “mình còn mấy chỗ phải sửa nữa”. Cô nhanh nhẹn vạch phấn đánh dấu những chỡ thay đổi. “Được rồi”, cô nói, “nào sang đến cái khác”. Raina quờ tay ra đằng sau mở móc. Một cái móc kẹp chặt lại. “Ilenơ, cậu phải giúp mình với. Mình không thể nào thoát ra khỏi cái của nợ này”. Raina bước xuống khỏi bục, xoay lưng lại phía Ilenơ. Lặng lẽ Ilenơ go84 cái móc ra. Vải bật tung sang hai bên, ngón tay cô khẽ quệt vào tấm lưng trần của Raina. Chúnt ngứa ran lên sau khi đụng vào lớp thịt ấm hồng, rắn chắc ấy. Ilenơ cảm thấy máu mình đột ngột ùa lên hai thái dương. Cô lùi vội lại như vừa chạm phải sắt nung. Cô đã bị cái ấy quyến rũ lôi vào chuyện rắc rối quá nhiều lần rồi. Phải mất bao nhiêu năm mới kiếm được việc làm yên ổn ở đây. Raina thả áo tuột xuống eo và chật vật kéo hai ống quần chật lên qua khỏi hông. Cô nhìn Ilenơ. “Mình sợ lại phải nhờ cậu giúp mất thôi!”. Ilenơ giữ vẻ mặt thản nhiên. “Bước lên bục đi”, cô khẽ nói qua cặp môi cứng ngắc. Raina bước lại lên bục, quay về phía cô. Ilenơ giật mạnh cái quần, ngón tay cô bỏng giãy lên mỗi lần chạm phải da thịt Raina. Cuối cùng, cái quần chật cũng phải chịu thua, Ilenơ cảam thấy Raina rùng mình khi tya mình vô tình quệt qua đám lông mềm như lụa. -Cậu lạnh ư? – Ilenơ hỏi, bước lùi lại. Raina mở to mắt nhìn cô rất nhanh, rồi tránh ánh mắt cô. “Không”, cô đáp nhỏ, bước ra khỏi cái quần. Cô nhặt lên, chìa nó cho Ilenơ. Ilenơ với tay cầm lấy nó, đụng vào bàn tay Raina và đột nhiên, không thể thả tay Raina ra được nữa. Cô ngẩng lên nhìn đăm đăm vào Raina, tim cô như nghẹn trong lồng ngực. Raina lại rùng mình. “Không”, cô thì thào, mắt vẫn nhìn tránh đi chỗ khác. “Mình xin cậu, đừng!”. Ilenơ cảm thấy như đang ở trong mơ. Không có cái gì là thực cả. “Nhìn vào mình đi”, cô thốt lên. Từ từ, Raina quay đầu lại. Mắt họ gặp nhau, và Ilenơ cảm thấy rõ rệt là Raina đang run lên. Cô nhìn thấy hai đầu vú Raina căng phồng lên như hai nụ hoa hồng đỏ bừng tỉnh trên một cánh đồng trắng muốt. Cô bước vội tới, vùi mặt vào cái mặt vàng hoe, mềm mại giữa hai đùi Raina. Họ im phăng phắc hồi lâu, rồi cô cảm thấy tay Raina đang nhè nhẹ vuốt ve mái tóc của mình. Cô lùi lại, Raina bước xuống gọn vào vòng tay cô. Cô cảm thấy những giọt nước mắt bỏng giãy đang chực trào ra khỏi mắt. “Tại sao?”, cô gào lên điên dại, “Tại sao cậu lại phải lấy anh ta?”. Như thường lệ, Nêvađa tỉnh dậy lúc bốn giờ ruỡi sáng, xỏ chân vào một chiếc quần bò Lêvi đã tàng và đi xuống chuồng ngựa. Như thường lệ, trên đường đi ra, anh đóng cái cửa nối hai phòng của họ để báo cho Raina biết là anh đã đi. Anh chàng chăm sóc ngựa đã chực sẵn với một ca cà phê đen bốc hơi ngùn ngụt. Hai người vừa nói chuyện lặt vặt như mọi sáng trang khi Nêvađa vừa uống và cảm thấy rõ vị cà phê ấm sực thấm xuống đến tận đáy dạ dày. Ca cà phê đã cạn, Nêvađa xăm xăm dẫn đầu, hai người đi một lượt khắp chuồng ngựa, nhìn vào từng tàu. Cuối chuồng là tàu của con Oaiti. Nêva đa đi đến, đứng dừng lại trước đó. “Xin chào, chú nhỏ”, anh khẽ nói. Con ngựa màu kem thò đầu ra khỏi cửa chắn và nhìn Nêvađa bằng cặp mắt to, thông minh. Nó giụi giụi mõm vào tay Nêvađa, tìm miếng đường mà nó biết là sẽ xuất hiện ở đó. Nó khôpng hề bị chưng hửng. Nêvađa mở cổng, bước vào tàu. Anh đưa tay xoa lướt theo hai bên sườn bóng mượt của con vật. “Cả hai ta đều hơi bự bự ra rồi đấy, chú nhỏ ạ”. Anh thì thào. “Bởi gần đây ta chẳng có gì làm cả. Có lẽ anh phải đem chú nhỏ ra luyện tập chút xíu thì hơn”. Không nói lời nào, anh chàng chăm sóc ngựa đưa cho anh cái yên cương to vắt trên vách ngăn của tàu. Nêvađa đặt nó lên hông Oaiti, buộc chặt các đai lại. Anh bịt cái hàm thiếc lên mõm nó rồi dắt con vật ra khỏi tàu. Trước tòa nhà gỗ sơn trắng, anh lên ngựa. Anh phi dọc theo con đường phi ngựa, tới một đoạn đường luyện nhỏ anh xây dựng ở chân đồi, phía sau nhà. Anh có thể nhìn thấy những bóng xam xám nhọn của cái mái của nó khi phi vút qua. Theo thói quen, tay anh giật cương như máy cho ngựa nhịp nhàng chạy theo những quãng cách ấy. Anh sực nhớ tới bài báo Vơraiơty đó. Môi anh mỉa mai cong tớn lên. Anh đang ở đây, với cái bộ phim thu được nhiều tiền nhất trong năm và trong suốt thời gian đó, chẳng có ma nào mò đến bảo anh làm một bộ khác. Thời oanh liệt của phim miền Tây oai hùng đã qua rồi. Làm chúng tốn kém quá. Ít ra thì anh không phải là người duy nhất, anh thầm nghĩ. Micx, Maynơđ, Gibxơn, Hônt – tất cả đều cùng hội cùng thuyền. Maynơđ đã cố chống lại. Anh ta đóng một loạt các phim chớp nhoáng cho hãng Univơxơn, mỗi bộ làm xong trong có năm ngày, Nêvađa đã xem một bộ. Không phải là thứ để cho anh. Hình thì nhoáng nhoàng, tiếng còn tệ hơn. Đến một nửa thời gian, không hiểu là các nhân vật nói cái gì cả. Tom Micx đã thử một cái khác. Anh ta đem một đoàn diễn “Miền Tây hoang dã” sang châu u, và nếu như đám báo chí thương mại nói đúng thì anh ta với con ngựa của anh ta là Tony đã thu hết hồn khán giả. Có lẽ cũng nên bỏ công suy nghĩ về cái đó đấy. Cái đoàn diễn của anh vẫn đang làm ăn ổn thoả trơn tru. Nếu anh bỏ đi nhập bọn với họ, thì còn có cơ phát đạt hơn nữa cơ. Phải thế hoặc là phải ôm cây ghi ta. Đấy là kiểu phim miền Tây mới-một chàng chăn bò với cây đàn. Mới chỉ nghĩ đến đó mà anh đã cảm thấy phát tởm. Cái thằng oắt con mũm mĩm Giênơ Otry đã làm cho nó đâm lừng lẫy. Cái khổ duy nhất-Anh đã nghe được một trong mấy tay chăn ngựa nói- là giữ cho thằng cha khỏi lộn cổ khỏi con ngựa. Tecse Ritơ cũng kiếm được khá ở hãng Columbia như vậy. Nêvađa lại ngẩng lên nhìn ngôi nhà. Đấy chính là cái ngớ ngẩn nhất trong toàn bộ câu chuyện-một cái bẫy ngốn một phần tư triệu bạc. Phải mất hơn hai chục gia nhân trông nom nó; nó ngốn tiền như một đàn sói đồng hoang nuốt chửng một chú bò non lạc đàn. Anh nhanh chóng nhẩm tính lại thu nhập của mình. Cái ràn chăn nuôi ở Têchxax bắt đầu cho lãi thì xảy ra cơn suy thoái và đến giờ, anh cho là may nếu nó hoà được vốn. Tiền bản quyền của anh về việc bán các kiểu đồ chơi và áo quần chăn bò sang mác Nêvađa. Như thế là anh mỗi tháng thu được gần hai nghìn. Ngôi nhà này riêng nó mỗi tháng đã nuốt của anh sáu ngàn tiền chi phí. Raina đã nói muốn đỡ đần vào phí tổn, nhưng anh đã từ chối, cảm thấy rằng trả hoá đơn là bổn phận của riêng đàn ông. Nhưng giờ đây, ngay cả khi tiền vốn mượn ngân hàng làm phim Thằng phản bội đã được trang trải, anh biết rõ ràng không thể chi phí cho ngôi nhà mà không lỗ thêm vào vốn của anh. Cái hợp lý nhất là phải giũ nó đi cho nhẹ nợ. Anh sẽ phải chịu thiệt, Thanbơg ở hãng Mêtrô đã đặt giá một trăm năm mươi ngàn đôla. Bằng cách ấy, ít ra thì anh cũng đỡ được món tiền hoa hồng cho người môi giới. Anh đã quyết định dứt khoát. Chẳng có tích sự chi ngồi không đợi chuông điện thoại réo. Anh bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Anh quyết định sẽ nói với Raina khi cô quay về nhà từ xưởng phim đêm đó. Máy điện thoại đặt trên cái cột sát hàng rào phía ngoài chợt réo lên ầm ỹ. Anh dắt ngựa đi lại đó. “Gì thế ?” -Ông Xmith ạ? Đó là giọng ông quản gia. “Phải bác Giêm!” Anh đáp. -Bà Xmith muốn rằng ông sẽ ăn sáng cùng bà ở phòng Mặt trời ạ. Anh lưỡng lự. Đám gia nhân nhận ra ai là người quan trọng trong nhà nhanh một cách lạ kỳ. Giờ đây Giêm lại dùng cái lối nói trang trọng khách sáo với anh như trước đây bác ta đã từng nói với Raina. Anh nghe thấy bác quản gia hắng giọng: “Thưa ngài, tôi đã có thể báo cho bà Xmith là ngài đang lên chứ ạ? Tôi nghĩ là bà đang đợi tiếp một số phóng viên nhiếp ảnh của tạp chí Các ngôi sao màn bạc ạ”. Ra vậy đấy. Nêvađa cảm thấy nhói lên một cảm giác bực bội. Đã mấy tháng rồi Raina mới gọi anh cùng ăn sáng và chỉ là để quảng cáo cho công chúng. Nhưng rồi gần như lập tức, anh lại cảm thấy ân hận vì đã cáu như vậy. Xét cho cùng, không phải lỗi ở cô. Cô mấy tháng vừa qua đã làm việc ngày đêm ròng rã. -Bảo với bà nhà là ngay sau khi cho ngựa vào chuồng, tôi sẽ lên. -Dạ thêm một kiểu ảnh bà rót cà phê cho ông Nêvađa nữa ạ. -Tay phóng viên chụp ảnh nói. Rồi chúng tôi xong việc ạ. Nêvađa nhấc cốc của mình lên, chìa qua bàn tới chỗ Raina. Cô nhấc bình đựng cà phê bằng bạc lên, giơ nó ở phía trên cái cốc. Tự động, theo thói quen nghề nghiệp, các nụ cười hiện ra trên môi họ. Họ đã đi qua tất cả mọi cái như thường lệ. Kiểu ảnh Raina rán thịt và trứng, anh ngó nhìn bếp lò qua vai cô. Miếng bánh mỳ vàng cháy. Cảnh đút thức ăn vào miệng nhau. Mọi cái mà độc giả hi vọng nhìn thấy ở các ngôi sao màn bạc. Kiểu ảnh này là để tạo ra cho họ một không khí chồng vợ gia đình. Sau khi đám phóng viên thu dọn dụng cụ, rút lui, là một khoảng im lặng ngượng ngập, lóng ngóng. Rồi Nêvađa thốt lên, “anh mừng vì thế là xong chuyện”. -Em cũng vậy. Raina đáp. Cô ngần ngừ, rồi ngẩng lên nhìn đồng hồ treo tường. -Em có lẽ phải sửa soạn đi rồi. Em phải đến phòng hoá trang vào lúc bảy giờ rưỡi. Cô chực đứng dây thì chuông điện thoại cạnh cô chợt réo. Cô ngồi xuống, cầm lấy ống nghe “Alô!”. Nêvađa nghe thấy một giọng léo nhéo qua ống nghe. Raina ranh mãnh nhìn anh rồi lại nói vào máy. -Chào chị, Luêla. -Giọng cô ngọt lịm.- Không, chị không đánh thức tôi đâu. Nêvađa và tôi đang ăn sáng... Ờ, đúng đấy – Cô gái trên chiếc đu bay. Đó là một kịch bản tuyệt vời...Không, Noman đã quyết định không mượn Gablơ ở hãng Mêtrô nữa. Ông ấy nói chỉ có một người xứng đáng với vai ấy thôi... Tất nhiên rồi, Nêvađa. Nó hợp với anh ấy một cách tự nhiên. Xin chị chờ cho một phút. Tôi sẽ bảo anh ấy để anh ấy đích thân nói cho chị hay. Cô đưa tay bịt lấy miệng ống nói. -”Paxơnđ đấy”, cô thì thào nhanh. “Hôm qua Bơny đã quyết định để anh đóng vai gã cưỡi ngựa nhào lộn. Luêla đang mò xem chuyện có đúng không”. -Sao vậy? - Nêvađa lãnh đạm hỏi. - Hãng MGM không cho lão ta mượn Gablơ ư? -Đừng có ngớ ngẩn! Anh cầm máy đi. -Alô, chào cô Luêla! Cái giọng quen thuộc, ngọt như mía lùi của cô ta chóp chép bên tai anh. “Chúc mừng anh nhé, anh Nêvađa. Tôi nghĩ rằng thật là tuyệt khi anh lại đóng địch thủ với người vợ đáng yêu của anh đấy!”. -Ồ hượm đã, Lueela.- Anh cười.- Đừng vội thế. Tôi không đóng phim đó đâu. -Anh không ư? - Một “ tin đặc biệt đăng trước của bản báo” đang hình thành. - Tại sao thế? -Tôi đã đồng ý đi diễn lưu động với đoàn “Triễn lãm miền Tây” của tôi.- Anh đáp. - Và việc đó sẽ làm tôi bận ít nhất là sáu tháng. Trong khi tôi đi vắng, Raina sẽ tìm một ngôi nhà khác cho tụi tôi. Tôi nghĩ là cả hai chúng tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi ở một ngôi nhà nhỏ hơn cái này. Giọng cô ta đã trở nên đầy vẻ công việc. “Anh chị định bán toà Hintop này?” -Phải. -Cho Thanbơg? - Cô ta hỏi. - Tôi nghe nói ông ta có quan tâm tới nó. -Tôi không biết. Nhiều người tỏ ý muốn mua. -Anh để tôi biết khi anh quyết định chứ? -Tất nhiên. -Giữa hai người không có trục trặc gì đấy chứ? - Cô ta ranh mãnh hỏi. -Luêla! - Anh cười. - Cô hiểu tụi tôi hơn thế nhiều. -Tôi rất mừng! Hai người đều là những người tuyệt vô cùng.-Cô ta nói. Cô ta ngần ngừ một thoáng.-Có tin gì báo cho tôi biết với nhé. -Tôi sẽ báo Luêla ạ. -Xin chúc cả hai người may mắn! Nêvađa đặt ống nói xuống, nhìn qua bàn. Anh không định để chuyện xảy ra theo hướng ấy, nhưng giờ thì không thể còn làm gì với nó được nữa. Mặt Raina tái mét đi vì tức. “Đáng lẽ anh phải nói cho tôi lấy một tiếng trước khi bảo cho cả thiên hạ chứ”. -Mà nào có dịp? - Anh bẻ lại, và bất chấp bản tính của mình, cũng phát khùng.-Đây là lần đầu tiên sau mấy tháng ta mới lại nói chuyện với nhau. Mà hơn nữa, cô cũng đáng nhẽ phải bảo tôi trước về chuyện bộ phim ấy chứ. -Suốt cả ngày hôm qua Bơny cố gọi điện cho anh nhưng anh không hề bén mảng đến máy. -Nói xạo! Suốt cả ngày hôm qua tôi ở lỳ ở nhà, không hề thấy lão ta gọi. Mà hơn nữa, tôi không thèm cái của bố thí của lão, hay là của cô nữa, về chuyện đóng phim ấy đâu. -Có lẽ nếu anh nhấc mũ khỏi cái chuồng ngựa khốn kiếp ấy lấy một lúc thì anh cũng có thể mở mắt ra thấy được cái gì đang diễn ra đấy. -Tôi biết rõ cái gì đang diễn ra. -Anh đáp cáu kỉnh.-Cô không cần phải bắt đầu đóng cái tuồng là ngôi sao màn bạc với tôi đâu. -Ôi, nói nữa được tích sự gì?-Cô thốt lên cay đắng. -Mà anh đã lấy tôi để làm cái gì cơ chứ? -Hay cũng như cô lấy tôi để làm cái gì cơ chứ? -Anh vặn lại, cũng cay đắng như vậy. Hai người trừng trừng nhìn nhau một hồi lâu. Và đột nhiên, hiểu ra sự thật. Họ lấy nhau, bởi cả hai đều biết là đã để mất nhau, và đều mong muốn một cách tuyệt vọng níu kéo lại những gì đã mất. Và cơn cáu giận tan nhanh như khi nó đến, khi họ chợt hiểu ra điều ấy.”Anh xin lỗi”, anh nói. Cô cúi nhìn cái ấm cà phê.”Em cũng thế. Em đã bảo với anh rằng em là một con phá bĩnh, rằng em chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho anh đâu”. -Thôi đừng ngớ ngẩn nữa. Không phải lỗi tại em. Dù sao thì rồi nó cũng phải xảy ra thôi. Công chuyện làm ăn đang thay đổi. -Em không nói về công chuyện làm ăn. Em đang nói về anh và em. Nhẽ ra anh nên lấy một ai đó có thể đem đến cho anh một gia đình. Em chả đem lại cái gì cho anh cả. -Em không thể nhận hết trách nhiệm về mình như vậy được. Cả hai chúng ta đều cố gắng theo cái cách của chúng ta, nhưng cả hai đều không có cái mà người kia thực cần. Chúng ta đã phạm một sai lầm, có vậy thôi. -Em chưa thể đưa đơn ly dị chừng nào chưa đóng xong cái phim tới này.-Cô nói khe khẽ. -Nếu anh muốn đưa đơn trước, thì em thấy cũng không sao cả. -Không, anh có thể đợi được.-Anh đáp bình thản. Cô liếc lên cái đồng hồ tường.”Trời ơi, em muộn mất rồi!” Cô bật kêu lên.”Em phải vội đi đây”. Đến cửa cô đứng dừng lại, quay về phía anh. “Anh vẫn là bạn em chứ?” Anh chậm rãi gật đầu và mỉm cười đáp lại nụ cười của cô, nhưng giọng anh hoàn toàn nghiêm túc. “Anh luôn luôn là bạn em”. Cô đứng lặng ở đó một giây và anh có thể thấy những giọt lệ đột nhiên rưng rưng trào lên mắt cô. Rồi cô quay ngoắt đi, chạy ra khỏi phòng. Anh bước tới cửa sổ, vén màn lên, nhìn ra sân trước, anh thấy cô lao ra khỏi nhà, thấy người lái xe đóng cửa ôtô lại. Chiếc xe biến xuống dưới chân đồi theo đường tới xưởng phim. Anh thả tay để tấm màn cửa lấp đầy như cũ. Raina không hề quay lại ngôi nhà nữa. Đêm ấy cô ở lại căn hộ Ilenơ. Ngày hôm sau, cô chuyển tới một khách sạn và ba tháng sau, đưa đơn ly dị ở Rênô. Lý do là vợ chồng không hợp tính. Và từ đấy, trừ những thủ tục giấy tờ, là cái cách chuyện đó kết thúc. 17 Rầm! Đêviđ nghe thấy tiếng cửa đập mạnh ở bên văn phòng của ông cậu. Anh đứng bật dậy, bước tới cái cửa ngách nối hai phòng. Anh mở cửa, và nom thấy cậu Bơny của mình ngồi trong ghế, mặt đỏ tím đi vì giận, há hốc mồm thở hổn hển, đang cố lắc một cái lọ dốc ngược, lấy ra mấy viên thuốc. Anh nhanh nhẹn đổ đầy một cốc nước từ cái bình đặt trên bàn, đưa cho Noman.”Chuyện gì xảy ra thế ạ”. Noman nuốt hai viên thuốc, đặt cốc xuống. Ông ta ngẩng lên nhìn Đêviđ.”Tại sao không bước vào ngành kinh doanh áo khoác và complê cùng với ông anh mình, bác Lui của mày cơ chứ?” Đêviđ biết đó là câu hỏi không cần trả lời và kiên nhẫn đợi cho đến khi Noman lại tiếp tục.”Năm mươi, một trăm bộ quần áo bán được mỗi ngày. Mọi chuyện đều êm đềm, mọi chuyện đều lặng lẽ. Đến tối, anh ấy về nhà. Anh ấy ăn, anh ấy ngủ. Không hề lo lắng. Không hề có ung nhọt. Không đau đớn khổ sở. Đấy mới đúng là cách sống của một con người. Thoải mái nhẹ nhàng. Không khổ nhục như con chó. Không như tao”. -Chuyện gì đã xảy ra thế ạ? -Đêviđ lại hỏi. -Làm như tao chưa đủ khổ sở hay sao ấy! -Noman rầu rĩ- những người giữ cổ phần của chúng ta bảo rằng chúng ta đang để lỗ rất nhiều tiền. Tao bổ nhào tới Niu Yooc để giới thiệu. Tụi công đoàn doạ sẽ bãi công ở các rạp. Tao phải ngồi xuống và chịu thoả thuận để ít nhất chúng cũng không đóng cửa rạp. Rồi tao nhận được tin Hitle đã tịch thu tất cả của cải của chúng ta ở Đức, văn phòng, rạp... tuốt tuột! Hơn hai triệu đôla cái thằng bài Do Thái[41] ấy đã ăn cướp. Rồi tao nghe đám viết kịch bản và mấy ông chủ ngân hàng phàn nàn rằng phim của chúng ta chẳng có tí giá trị nghệ thuật nào cả. Và thế là tao mua cái kịch bản nghệ thuật nhất đang diễn ở Brôđuây[42]. Những vết đen ở mặt trời,tên nó là như vậy. Nó nghệ thuật đến mức chính tao cũng chẳng hiểu đầu cua tai nheo nó ra làm sao. Và thế là bây giờ tao chết kẹt với một quả bom nghệ thuật. Tao đã nói chuyện với tất cả đạo diễn ở Hôliut. Tao cũng chưa đến mức đù đờ để mất một thời gian lâu mới hiểu rằng tất cả bọn họ cũng chả hiểu gì nó hơn tao. Vậy là tao lại phải thuê lão đạo diễn đã dựng nó trên sân khấu, Clođơ Đunba. Nhưng lão ấy ngốn mất năm mươi ngàn. Tao đã mất đứt một trăm năm mươi ngàn mà vẫn chưa có một ngôi sao nào nổi tiếng. Tao gọi điện cho Lui và nói hắn ta cho tao mượn Gabô. Nó cười vào mũi tao. Ông không đủ tiền đâu, nó nói thế chứ. Hơn nữa, chúng tôi đang để cô ấy đóng bộ phim nghệ thuật nhất của chúng tôi. Ana Krixti của Ơgien Ô Nen. Xin chào. Và tao lại gọi cho Giăc Oanơ. Bet Đêvix thế nào? Xin chờ cho một tý nhé, nó nói. Tao cầm máy chờ mười phút liền. Thằng chó chết ấy nghĩ là tao không biết nó đang làm gì ư? Nó gọi thằng anh Harry của nó ở Niu Yooc, thế đấy. Và thì tao ở ngay đó, chờ điện thoại đường dài, tiền tính từng phút, trong khi nó gọi về cho anh nó đang ngồi cách tao có hai toà nhà thôi. Treo máy lên đi, tao chỉ muốn bảo được nó như thế. Tôi chỉ mất năm xu là gọi cho anh chú được thôi. Và cuối cùng, Giắc cũng quay lại nói được với ta, sau khi tao mất béng chín nhăm đôla tiền chờ. Ông gặp may rồi, nó nói. Từ nay đến tháng chín, cô ấy chưa ký kết gì với chúng tôi cả. Ông có thể có cô ấy với một trăm năm mươi ngàn. Một trăm năm mươi ngàn ư? Thế thì đừng bảo là giúp gì tôi nữa, tao nói. Nhiều nhất là cô ta chỉ đáng ba mươi, ba lăm một bộ phim thôi, có khi còn không đến ấy. Thế ông muốn trả bao nhiêu, nó hỏi. Năm mươi, tao đáp. Thế thì bỏ đi, nó nói. Vậy thì bảy lăm nhé, tao nói. Thôi được, đồng ý, nó bảo. Tao gác máy. Thế là nói có hai phút điện thoại mà tao mất đứt một trăm ba mươi lăm đôla. Vậy là tao trở lại phố Uôn, nói với đám nhà văn và chủ ngân hàng là chúng ta giờ đã có uy tín nghệ thuật rồi. Bộ phim này sẽ có tính nghệ thuật rất cao và may thì chúng ta sẽ có thể làm cho tất cả mọi người mò đến rạp. Họ sướng lắm, chúc mừng tao, rồi tao lên tàu, về Hôliut đây. Bơny bỗng nhiên hụt hết hơi, cầm cái cốc lên một lần nữa, uống cạn. “Thế còn chưa đủ khổ sở cho một người sao?” Đêviđ gật đầu. -Mày cũng đồng ý là cậu đã quá khổ nhục khi sáng nay bước vào văn phòng này chứ gì? Và tao đã đụng không phải với ai khác mà là Raina Malovi, cái con bé đàng điếm[43] ấy. “Chào cô Raina thân yêu”, tao nói.”Sáng nay nom cô lộng lẫy quá”. Tao thậm chí có lấy được tiếng chào Hêlô không? Không hề. Cô ta gí tờ Ripotơ vào mũi tao và nói “Cái gì đây? Có thật không?”. Tao cúi xuống nhìn và thấy câu chuyện của Đêviđ với bộ phim Những vết đen của mặt trời,”Raina thân yêu, cô việc gì phải sôi sục đến vậy vì cái ấy thế?”,tao nói,”Nó không phải dành cho cô đâu, một quả bom nguy hiểm như vậy. Tôi đã có một vai cho cô, một vai sẽ hấp dẫn thiên hạ. Phim Nàng Shêhêrazad[44]. Quần áo tuyệt vời, cô chưa bao giờ nhìn thấy trong đời. Và mày có biết cô ta đã nói gì với tao hay không? -Ông ta buồn bã lắc đầu. -Gì thế ạ? -Đêviđ hỏi. -Sau tất cả những cái tao đã làm cho cô ta, cô ta lại ăn nói với tao như vậy đấy! -Ông cậu Đêviđ thốt lên, vẻ chạnh lòng.-”Bỏ cái tay thối khỏi vú tôi đi!”, cô ta bảo,”Và nếu tôi không được đóng vai đó, thì ông có thể đem cái bộ phim Shêhêrazad nhét vào lỗ đít béo ị của ông được đấy!”, và cô ta bỏ đi thẳng. Thế nào, mày có thích không? - Noman đau khổ hỏi.-Và sau đó tất cả những gì tao cố làm là làm cho cô ta dịu đi một chút. Thật sự là cô ta đã ăn nằm với không sót một ai ở Hôliut này, vậy mà cô ta ăn nói với tao thế đấy. Đêviđ gật đầu. Anh cũng đã nghe được về cô ta. Suốt một năm, kể từ khi cô ta ly dị Nêvađa, có vẻ như đột nhiên cô ta phát cuồng lên. Người ta xì xầm rằng những bữa tiệc ở ngôi nhà mới của cô ta ở Bivơly Hind là những trận trác táng truy hoan. Thậm chí còn có lời đồn về cô ta và Ilenơ Gala, hoạ sĩ vẽ quần áo, nữa kia. Nhưng chừng nào còn chưa có chuyện gì trương lên báo, thì họ vẫn ngoảnh mặt đi chỗ khác. Chừng nào nó còn chưa làm hại đến họ, thì những gì cô ta làm là việc của cô ta. “ Thế cậu định tính sao bây giờ?” -Còn làm sao được nữa? - Bơny hỏi lại. - Đưa vai đó cho cô ta thôi. Nếu cô ta bỏ chúng ta, ta còn mất gấp đôi cái ta đang mất bây giờ. Ông ta cầm lấy một điếu xì gà. “Chiều nay tao sẽ gọi điện, báo cho cô ta biết”.Tay ông đang định châm lửa bỗng khựng lại.”À, mà không, tao có ý hay hơn. Chiều nay mày đến nhà cô ta bảo cô ta. Mẹ kiếp. Tao không để con bé khiến mọi chuyện có vẻ như là tao phải liếm đít nó thế này”. -Dạ, được ạ.- Đêviđ vừa nói vừa quay đi, bước về văn phòng mình. -Hượm đã nào.-Ông cậu anh gọi giật lại. Đêviđ quay lại. -Mày có biết tao chạm chán ai trong cái đêm cuối cùng ở khách sạn Oanđơf ở Niu Yooc không? -Bơny hỏi.-Bạn mày đấy. -Bạn cháu? -Phải, mày biết ai rồi đấy. Cái anh chàng điên ấy mà. Anh chàng lái tàu bay. Giônơx Cođơ ấy. -Ồ! -Đêviđ thốt lên. Anh hài lòng với cách cậu mình nói như vậy, khiến anh nhớ lại cuộc trò chuyện của hai người mấy năm trước đây. Anh và Cođơ chưa hề nói với nhau được lấy một lời. Thậm chí không biết Cođơ có biết rằng anh tồn tại ở trên đời này không nữa.-Nom anh ta thế nào ạ? -Vẫn thế.-Noman đáp. Như một thằng vô nghề nghiệp. Đi giày vải, không thắt cà vạt. Tao không hiểu sao anh chàng vẫn làm ăn được. Người ta có thể tống cổ bất kỳ ai, thế mà anh ta lại không bị. Thấy chưa, tiền của bọn ngoại đạo thì chả được mấy đâu. -Cậu đã nói chuyện với anh ta ạ? -Đêviđ hỏi tò mò. -Hẳn rồi. Ta đọc báo biết anh ta đang định làm phim gì đó. Biết đâu đấy, tao tự nhủ, cái thằng ăn mày này[45] lại gặp may thì sao. Ngoài ra với cái uy tín nghệ thuật mà tao đang bị chết kẹt đây này, ta có thể sử dụng anh ta. Với tiền của anh ta, ta có thể trả được ối thứ. Lúc đó đã là hai giờ sáng và anh ta ôm hai con đào non trong tay. Tao tiến tới, nói” Xin chào anh, Giônơx!”. Anh ta ngẩng lên nhìn, cứ như chưa hề gặp tao bao giờ.”Nhớ tôi không?”, tao bảo,”Bơny Noman ở Hôliut đây mà”. “Ồ, hẳn rồi”, anh ta đáp. Nhưng nom mặt anh ta, tao không biết thế có đúng hay không, râu anh ta cần phải cạo lắm rồi.”Hai em bé xinh xinh đây cũng là nghệ sỹ đấy”, anh ta nói với tao.”Nhưng tôi không cho ông biết tên họ đâu. Nếu không thì ông lại cuỗm họ vào hợp đồng với ông mất. Nếu tôi ưa một cô gái”, anh ta nói,” thì bây giờ tôi để cô ấy làm hợp đồng với Công ty thuốc nổ Cođơ. Tôi không còn chơi trò liều và để họ chuội khỏi tay tôi theo cái lối ông ký vơi bà Malovi ấy đâu!” .Và anh ta khôi hài thụi vào tay tao một cú đến nỗi hai tiếng sau tao mới nhấc nổi nó lên được. Tao cố mỉm cười mặc dù không muốn tí nào.”Trong cái nghề của chúng tôi, người ta phải nhanh chân mới được”, tao nói, “nếu không thì tụt lại sau mất. Nhưng chuyện ấy đã xong và qua rồi. Cái tôi muốn nói với anh là bàn về bộ phim mà tôi được nghe anh sắp sửa làm. Lần trước, chúng tôi đã làm được cho anh một cú rất tuyệt và tôi nghĩ là ta nên bố trí một cuộc gặp nhau”. “Thế bây giờ thì sao?”. Anh ta hỏi.”Tôi thấy được đấy”, tao đáp. Anh ta quay sang hai con bé.”Chờ ở đây nhé”, anh ta bảo với họ.Rồi anh ta quay sang tao, nắm tay lôi đi.”Nào đi, ta lên văn phòng của tôi”. Tao trố mắt ngạc nhiên nhìn anh ta.”Anh có văn phòng ở đây ư, trong khách sạn Oanđơf này?”. Tôi có văn phòng trong mọi khách sạn ở nước Mỹ”, anh ta đáp. Chúng tao bước vào một cái thang máy và anh ta nói, “tầng gác lửng”.Rồi chúng tao bước ra, đi hết căn phòng to tới một cái cửa. Tao nhìn biển đề “NAM GIỚI”. Tao nhìn anh ta. Anh ta toét miệng cười.”Văn phòng của tôi đấy”, anh ta vừa nói vừa mở cửa. Chúng tao bước vào, căn phòng trắng toát, không có ai cả. Có một chiếc bàn và một chiếc ghế dành cho người phục vụ. Anh ta ngồi xuống ghế và đột nhiên tao nhận thấy anh ta hoàn toàn tỉnh táo, anh ta không mỉm cười nữa. “Tôi chưa quyết định phát hành bộ phim ở đây”, anh ta nói,” nó còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc tôi nhận được bản hợp đồng tốt nhất ở chỗ nào”. “Nghĩ như vậy là rất thông minh”, tao đáp, “nhưng tôi thực sự chưa thể làm gì được về chuyện ấy, chừng nào còn chưa rõ bộ phim của anh nói về cái gì”.”Tôi sẽ bảo cho ông biết”, anh ta đáp,”nó nói về các phi công trong đại chiến thế giới. Tôi đã mua được khoảng năm chục chiếc máy bay cũ -loại Xpad, Fôcke, Nicpot, Đờ Haviland – và tôi tính là treo một quả khí cầu để cho chúng bay lên được”. “Ồ, hoá ra là một phim chiến tranh”, tao nói,”thế chẳng hay gì lắm đâu. Phim chiến tranh đã hết thời kể từ sau bộ Phía Tây không có gì lạ rồi. Không ma nào mò đi xem nó nữa cả. Nhưng bởi vì tôi đã có kinh nghiệm làm ăn với anh và chúng ta đã cùng gặp may, nên tôi có thể sẽ cùng thử với anh lần nữa. Anh chờ những điều kiện gì nào?”. Anh ta nhìn thẳng vào mắt tao.” Tổng chi phí xưởng , mười phần trăm-Phát hành, mười lăm phần trăm với toàn bộ phí tổn trừ khỏi tổng thu nhập trước khi tính phí tổn phát hành”. “Thế thì không thể được”, tao bảo, “Tổng chi phí xưởng của tôi ít nhất là hai lăm phần trăm”. -”Nó không đến đâu”. Anh ta đáp “Nhưng tôi không muốn nói vòng vo về điều đó. Tôi chỉ muốn bảo cho ông thấy những con tính số học đơn giản thôi. Theo thống kê hàng năm của ông, tổng chi phí xưởng của ông mấy năm gần đây là hăm lăm phần trăm, tính trung bình. Trong thời gian ấy, Thằng phản bội đã đem lại hăm nhăm phần trăm cho tổng thu nhập của ông. Khấu chỗ ấy đi khỏi thu nhập, ông sẽ thấy tiền chi phí cho xưởng ông lên tới ba sáu phần trăm. Cũng số ấy sẽ được đưa vào xưởng”. Anh ta nói, “ khối lượng quyết định tỉ lệ và nếu tôi là kẻ cung cấp khối lượng, thì tôi không muốn bị phiền phức gì về những tỉ lệ phần trăm lằng nhằng thông thường. Tôi muốn hưởng nước béo, theo cách gọi của đám làm phim các ông ấy”. -”Tôi không thể chịu phí tổn thế được” tao nói.” Theo tình cảnh điện ảnh hiện nay đang lâm vào, thì ông không thể chịu nổi khi phải bỏ nó”, anh ta đáp.”Ban giám đốc của tôi sẽ không bao giờ đồng ý nổi việc này”, tao bảo. Anh ta đứng dậy, mỉm cười,”Họ sẽ đồng ý. Cứ để cho họ hai năm rồi họ nhất định sẽ đồng ý. À, mà tại sao ông không đái nhỉ, khi vẫn còn ở đây? Anh ta hỏi.Và tao ngạc nhiên cũng thấy mình đến máng đái thật. Khi tao quay lại, anh ta đã đi mất. Sáng hôm sau, trước khi lên tàu hoả, tao cố liên lạc với anh ta nhưng hình như chẳng có ai biết anh ta ở đâu cả. Thậm chí văn phòng của anh ta cũng không biết anh ta ở Niu Yooc. Anh ta hoàn toàn mất tăm”.-Bơny cúi xuống nhìn mặt bàn.-Một thằng cha ma quái[46] thực sự, tao bảo thật. Đêviđ mỉm cười. “Cháu đã nói với cậu là anh ta sẽ học rất nhanh mà. Cậu cũng thấy đấy, mấy con tính số học của anh ta rất đúng”. Noman ngẩng lên nhìn anh. “Mày nghĩ là tao không biết ư? - Ông ta hỏi đay lại.-Nhưng anh ta kiết xác đến nỗi tao phải móc họng lấy bánh mỳ của tao cho anh ta ăn ư? * * * -Dạ, xin mời ông theo tôi ạ.-Người quản gia nhã nhặn nói.- Cô Malovi đang ở phòng tắm nắng. Đêviđ gật đầu, lặng lẽ theo lên cầu thang tới phía sau ngôi nhà. Người quản gia dừng lại trước một cái cửa, khẽ gõ. -Thưa, ông Ulf đã ở đây ạ. -Mời ông ấy vào. -Raina gọi qua cánh cửa đóng. Người quản gia mở cửa để anh bước vào. Anh nhấp nháy mắt. Ánh sáng chói loà của mặt trời Caliphonia đột nhiên ùa vào anh. Mái của căn phòng là một cái vòm kính trong suốt. Các bức tường bên cũng vậy. Một bức màn lớn đầu kia của căn phòng. Giọng Raina từ đó vọng tới.”Anh cứ tự nhiên uống cái gì ở tủ rượu đi. Tôi ra ngay bây giờ đây”. Đêviđ tìm quanh, thấy tủ rượu ở một góc. Rải rác khắp nhà là những chiếc ghế bạt. Một tấm thảm trắng lớn che gần kín sàn. Ilenơ Gala bước ra khỏi màn. Cô mặc một chiếc áo trắng, tay xắn quá khuỷu và một chiếc quần thợ may cắt kiểu đàn ông, bó chật lấy hai hông hẹp của cô. Mái tóc có lẫn những sợi bạc của cô chải thẳng, lật về phía sau. -Xin chào Đêviđ, để tôi giúp anh nào. -Xin cảm ơn, chị Ilenơ. -Pha cho mình một cốc Mactini nhé! -Raina gọi với ra. Ilenơ không đáp. Cô nhìn Đêviđ. -Của anh là gì nào? -Xcôtch và nước lã. Có thêm ít đá nữa. -Được.-Cô đáp, và hai tay đã lặng lẽ chuyển động sau cái quầy. Cô chìa cốc rượu cho anh.-Đây, thế nào? Anh nếm thử “ Tuyệt quá”. -Xong Mactini cho mình chưa?-Raina nói ở sau lưng anh. Anh quay lại. Cô vừa mới bước ra khỏi màn, đang thắt chặt một cái áo choàng trắng bằng vải bông quanh người. Anh thoáng bắt gặp một vài mảng đùi rám nắng thấp thoáng qua vạt áo khi cô bước, và thẩm đoán rằng bên trong cô không mặc gì cả. -Chào chị, Raina. -Chào anh Đêviđ,-Cô đáp. Cô nhìn Ilenơ.-Rượu mình đâu? -Rõ ràng là anh Đêviđ đến đây bàn công việc. Ilenơ đáp,-sao cậu không thể chờ sau khi đã nói chuyện xong đã nào? -Đừng có tỏ vẻ bề trên đến vậy,-Raina gắt. -Pha rượu đi!-Cô quay sang Đêviđ.-Ông bố tôi đã cho tôi uống Mactini ngay từ khi tôi còn nhỏ. Tôi có thể uống nó như uống nước ấy. Ilenơ hình như chẳng hiểu tí gì cả. -Đây,-giọng Ilenơ gọn lỏn. Raina cầm lấy cốc rượu từ tay cô.-Xin mời, anh Đêviđ. -Xin mời.-Đêviđ đáp lời. Cô uống cạn một nửa cốc Mactini rồi dẫn anh đến một cái ghế.-Anh ngồi đi,-cô nói, và buông mình xuống một cái ghế bên cạnh. -Các chị có cái nhà đẹp thật. -Đêviđ lịch sự nói. -Nó rất tuyệt.-Raina đáp.-Ilenơ và tôi rất thú vị mua sắm, thiết kế nó.-Cô vươn tay ra vuốt ve má Ilenơ.-Ilenơ có nhạy cảm tinh tế vô cùng về màu sắc. Anh nên nói lại với ông cậu anh để chị ấy thử tài của mình ở chức vụ chỉ đạo nghệ thuật. Tôi chắc chắn rằng ông ấy sẽ thấy chị ấy có thể làm “chúa” đến vô cùng. -Raina!-Ilenơ thốt lên, giọng thoáng một vẻ sung sướng.-Mình tin rằng Đêviđ đến đây không phải là để nói về mình đâu. -Tôi sẽ nói lại với cậu Bơny của tôi.-Đêviđ nhã nhặn đáp.-Tôi cũng rất tin là chị Ilenơ sẽ làm được việc đó. -Thấy chưa?-Raina nói.-Có cái khổ là Ilenơ quá khiêm nhường. Chị ấy là một trong những con người tài năng nhất mà tôi đã gặp. Cô chìa cái cốc không cho Ilenơ .-Rót cho mình cốc nữa. Anh thoáng nhìn thấy cặp vú đầy đặn, gợi tình của cô. Nếu cô cứ uống tiếp như thế này thì nguyên việc xoa bóp thôi không đủ làm cho cô tăng cân lên nữa. Raina phá ngang luồng suy nghĩ của anh.-Cái ông quái già ấy đã quyết định cho tôi đóng Những vết đen ở mặt trời chưa thế hả? Đêviđ nhìn cô.-Chị Raina, chỉ cũng nên hiểu quan điểm của cậu tôi hơn một chút, chị ạ.-Anh nói nhanh,-Chị là cái vốn quý nhất mà hãng ta có. Chị không thể buộc tội cho ông nếu như ông không muốn đưa chị vào một bộ phim mà gần như chắc chắn là thất bại. Raina cầm lấy cốc rượu từ tay Ilenơ.-Tóm tắt lại chỉ là thế này,-cô nói như gây sự,-rằng ông ta nghĩ rằng tôi không thể đóng được . Tất cả những gì tôi có thể làm tốt là đi lại nhênh nhang trần truồng đến mức ông ta có thể bảo tôi trần truồng được. -Raina, ông ấy coi chị như một diễn viên giỏi. Nhưng quan trọng hơn, chị là một ngôi sao trong số hàng triệu người. Ông chỉ cố bảo vệ chị, có thế thôi. -Tôi tự khắc biết bảo vệ lấy cái thân tôi,- cô đáp cộc cằn.-Tôi có đóng hay không đóng vai ấy nào? -Chị có được phân vai ấy. -Tốt.-Cô thốt lên, nhấp cốc rượu. Cô đứng dậy khỏi cái ghế, và anh nhận thấy rằng cô đã ngà ngà say.-Làm ơn bảo hộ với ông cậu anh rằng lần sau, khi tôi vào văn phòng của ông ta, tôi sẽ không mặc xu chiêng đâu. -Tôi tin rằng việc ấy sẽ làm cho ông ta rất vui đấy.-Anh nhoẻn cười với cô. Anh đặt cốc của mình xuống, đứng dậy. -Tôi nghĩ rằng ông ta muốn ngủ với tôi.-Cô thốt lên, người hơi lảo đảo. Anh bật cười.-Ai không muốn nào-anh hỏi-Tôi có thể kể tên ít nhất sáu mươi triệu đàn ông đã từng mơ đến việc đó! -Anh thì không.-Cô đáp, đột ngột nhìn thẳng vào mắt anh. -Ai bảo thế? -Tôi bảo.-Cô nói nghiêm túc.-Anh chưa hề ngỏ ý với tôi bao giờ cả. -Xin hãy nhớ đến tôi một lúc nào đó tôi bốc máu lên đấy nhé! -Thế ngay bây giờ thì sao nào?-Cô hỏi, giật bung cái dải vải thắt lưng ra. Cái áo choàng mở tung, để lộ tấm thân trần trắng ngời. Anh trố mắt, kinh ngạc không thốt nổi thành tiếng. -Xuống gác đi, Ilenơ!-Raina nói, không rời mắt khỏi anh. Và trông nom để cơm chiều đúng giờ. Đêviđ thoáng bắt gặp ánh mắt của Ilenơ khi cô vội vã lập cập đi lướt qua anh, bước ra cửa. Có sống được đến một trăm tuổi, anh cũng không bao giờ quên nổi cái chiều sâu không cùng của nỗi đau đớn thống khổ anh đã thấy trong đôi mắt đó. 18 Cho tới khi gặp Raina Malovi, trong đời mình, Clođơ Đunba chỉ yêu có ba thứ: mẹ ông, bản thân ông và sân khấu-theo đúng trật tự như vậy. Vở Hamlet với trang phục hiện đại của ông là vở Sêchxpia thành công nhất từ trước đến nay trên sân khấu Niu Yooc. Nhưng chính việc ông dựng Những vết đen ở mặt trời và các vở loàng xoàng khác đã đưa ông lên tột đỉnh vinh quang trong nghề. Những vết đen ở mặt trời là một vở kịch ba lê, về hai người tìm quặng, sống cô đơn ở bên rìa một sa mạc mênh mông và một cô gái trẻ, một người mắc bệnh quên, tình cờ lang thang lọt vào khu vực của họ. Vở kịch phát triển thành xung đột giữa hai người đàn ông, người trẻ hơn cố che chở cho cô gái khỏi lòng dâm đãng của gã già hơn, và chỉ cuối cùng hoá ra là anh ta, sau khi thắng lợi, lại không chống nổi lòng dâm đãng của cô gái. Vở kịch chỉ toàn đối thoại, có rất ít hành động. Và mặc dù nó đã được diễn liên tục suốt một năm ở Brôđuây, khi Noman gọi điện cho Đunba bảo rằng ông ta đã mua vở kịch và muốn ông dựng thành phim, ông ngạc nhiên đến mức đồng ý ngay không lưỡng lự. Chỉ mãi đến khi ông đến Caliphonia, ông mới được biết rằng ai sẽ đóng vai nữ chính ấy. -Raina Malovi ư?-Ông nói với Noman.-Tôi sẽ nghĩ là Đêvix sẽ đóng cơ mà. Nhà sản xuất giương mắt dịu dàng nhìn ông.-Oanơ đã chơi xỏ tôi.-Ông ta đáp, rồi thấp giọng thì thào bí mật.-Nhưng tôi nghĩ Raina cũng ổn đấy chứ. -Vậy...vậy không còn ai nữa à, ong Noman?-Đunba hỏi, hơi lắp bắp, mỗi khi lúng túng ông ta đều trở nên lắp bắp như vậy.-Cô diễn viên đóng vai ấy trong vở kịch được không? -Vô danh tiểu tốt.-Noman đáp nhanh. -Vở kịch của ông là một món rất quan trọng. Chúng tôi phải bảo đảm cho nó bằng tất cả những ngôi sao lừng lẫy nhất có thể kiếm được. Raina chưa bao giờ đóng một bộ phim nào mà nó lại không làm ra tiền cả. -Có thể thế lắm.-Đunba công nhận.-Nhưng cô ta có đóng được không? -Không có diễn viên nữ nào ở Hôliut này giỏi hơn cô ấy đâu. Ông là một đạo diễn. Chiều nay ông cầm kịch bản đến nhà cô ấy và xem xem. -Ông Noman... Nhưng Noman đã cầm lấy tay ông, dẫn ông ra cửa.”Hãy công bằng, ông Đunba ạ. Để cô bé ấy có dịp thử sức chứ, làm việc với cô ấy một chút đã. Rồi nếu ông vẫn còn nghĩ là cô ấy không đóng được, ta sẽ tính”. Nhà sản xuất đã tìm cách tống khứ ông khéo đến mức mãi tới khi đứng sững bên ngoài cánh cửa khép kín, ba cô thư kí đang trợn tròn mắt nhìn, ông mới nhận ra. Ông cảm thấy máu dồn hết lên mặt và để giấu vẻ ngượng ngùng, ông bước tới cô thư kí gần cửa nhất:” Cô có thể làm ơn cho tôi biết cô Malovi sống ở đâu được không ạ? Và đến đó như thế nào?”. Cô thư ký mỉm cười “thưa ông Đunba, tôi có thể làm hơn thế cơ”, cô ta nhanh nhẹn đáp, cầm máy điện thoại.”Tôi sẽ bố trí để có xe đến đón ông đưa tới đó”. Hentropy Chiều ấy, trước khi đến nhà Raina. Clođơ Đunba vào một rạp chiếu bóng đang chiếu bộ phim mới nhất của cô. Ông chăm chú ngắm nhìn màn ảnh với một vẻ kinh sợ lẫn bị mê hoặc. Không còn nghi ngờ gì cả, cô gái thực sự xinh đẹp. Thậm chí ông còn nhận thấy rằng cô ta có một vẻ rạo rực như cầm thú có thể lôi cuốn một loại khán giả nhất định nào đó. Nhưng cô ta không phải loại con gái mà vở kịch cần. Cô gái trong vở kịch dịu dàng, khiếp nhược, hay dằn vặt nội tâm. Và bởi vì cô cố tìm lại trí nhớ đã mất của mình, cô nom bên ngoài cũng như những gì cô nghĩ-hốc hác, vật vã, khô kiệt đi vì sức nóng của sa mạc. Chính cái việc cô là một người khác giống , một người đàn bà đã khuấy động lửa dục của hai người đàn ông, chứ không phải vẻ bên ngoài xác thịt của cô. Và chỉ mãi tới cao trào của nó, vở kịch mới để lộ những nỗi sợ của cô chính là khả năng dâm đảng của bản thân cô. Trên màn ảnh, Raina rạo rực và táo bạo, hiểu rất rõ vẻ lẳng lơ quyến rũ của mình và liên tục phô trương nó với khán giả. Nhưng không hề có sự tinh tế nào trong diễn xuất của cô. Tuy vậy, chân thành mà nói, ông cảm thấy rõ rệt cái sức sống hừng hực của cô tràn ra từ đó. Khi có cô trên màn ảnh, dù là trong khuôn hình còn thêm ai đi chăng nữa, ông cũng không thể rời mắt khỏi cô. Ông ra khỏi rạp, đi về khách sạn, nơi xe sẽ đến đón ông. Và như những lần cảm thấy bối rối khác, ông gọi điện thoại cho mẹ mình.”Mẹ, mẹ có biết người ta muốn ai đóng trong phim không?” -Ai đó?-Mẹ ông hỏi, bình thản như thường lệ. -Raina Malovi. Giọng mẹ ông đầy kinh hoàng.”Không!” Bà thốt lên. -Đúng đấy, mẹ ạ. Ông Noman đã bảo con rằng họ không thể mướn được Bet Đêvix. -Được, con quay về, về nhà ngay đi.-Mẹ ông nói như đinh đóng cột.-Bảo với ông Noman rằng con có danh tiếng cần phải giữ gìn, rằng ông đã hứa với con rằng sẽ có Đêvix, con sẽ không chấp nhận cái đứa tóc vàng ấy làm thử thay cho Đêvix đâu. -Nhưng con đã chót bảo với ông Noman là con sẽ nói chuyện với cô Malovi. Ông ta nói rằng nếu con không hài lòng sau khi gặp cô ta, ông ấy sẽ cố kiếm ra người khác. -Được.-Bà đáp.-nhưng nhớ rằng tính liêm chính của con còn quan trọng hơn tất cả ấy. Nếu con không hài lòng hoàn toàn thì con về nhà ngay! - Vâng. Chào mẹ ạ. - Chào con. Và tính toán cho cẩn thận. – Mẹ ông đáp, làm trọn vẹn những lời từ giã nhau của hai người bằng đoạn câu cuối cùng như vậy. Raina bước vào phòng nơi ông đang đợi, cô mặc một bộ quần áo chẽn đen, kiểu quần áo tập của diễn viên bale, che kín từ cổ đến chân cô. Mái tóc vàng nhạt của cô chải lật ra phía sau, được búi gọn thành một búi. Cô không son phấn. - Chào ông Đunba. – Cô bước tới chỗ ông, chìa tay ra cho ông, không mỉm cười. - Chào cô Malovi – Ông đáp, bắt tay cô. Ông ngạc nhiên về sức mạnh của những ngón tay ấy. - Tôi rất mong được gặp ông. Tôi đã được nghe về ông rất nhiều. Ông mỉm cười, hài lòng. “Tôi cũng vậy, tôi đã được nghe về cô rất nhiều”. Cô ngẩng lên nhìn, và lần đầu tiên mỉm cười. “Hẳn là như vậy”. Cô nói không hề có ác ý. “Chính vì vậy mà ông đến đây ngay trong ngày đầu tiên ông ở Hôliut. Có lẽ ông ngạc nhiên hỏi xem vì sao mà tôi lại muốn nhảy vào đóng Những vết đen ở mặt trời chứ gì?” Ông choáng người vì sự công nhận thẳng băng ấy của cô. “Mà tại sao thế, cô Malovi? Hình như theo tôi cô không muốn lắc cho thuyền chìm cơ mà. Cô có công việc kiếm kha khá ở đây đó thôi”. Cô buông mình ngồi xuống một cái ghế. “Muốn xoay thuyền như chong chóng thôi”, cô đáp thờ ơ. “Tôi được coi là một nghệ sĩ. Tôi muốn phát hiện xem mình là nghệ sĩ đến mức nào. Và ông là đạo diễn duy nhất có thể giúp tôi tìm ra điều ấy”. Ông tròn mắt nhìn một lúc. “Cô đọc kịch bản chưa?” Cô gật đầu. - Cô có những lời đầu tiên cô gái nói , khi cô ta lang thang lọt vào trại của họ không? - Có. - Đọc chúng cho tôi nào – Ông vừa nói vừa đưa kịch bản cho cô. Cô cầm lấy cái bản thảo nhưng không mở. “Tên tôi là Mary. Ừ, đúng thế. Tôi nghĩ mình tên là Mary”. - Cô đang nói những lời của kịch bản cô Malovi ạ. – Ông thốt lên, nhíu mày nhìn cô. – Nhưng cô không nghĩ về chúng. Cô không cảm thấy cái cố gắng của cô gái để nhớ lại tên mình. – Cô hãy nghĩ như thế này. Tôi không thể nhớ nổi ra tên tôi. Nhưng nếu tôi nhớ ra được, nó là một cái tên thông thường quen thuộc. Nó là tên người ta suốt đời gọi tôi, ấy thế mà tôi không nhớ được. Ngay cả khi nó là một cái tên được nhắc đến ở nhà thờ luôn, và tôi vẫn hay nói nó trong những khi cầu nguyện. À nó quay lại đây rồi. Tôi nghĩ rằng tôi đã nhớ ra nó. “Tên tôi là Mary, ừ, đúng thế thật. Tôi nghĩ rằng tên mình là Mary”. Lặng lẽ, Raina mở to mắt nhìn lại ông. Rồi cô đứng dậy, đi đến bên lò sưởi. Cô đạt tay lên bệ lò sưởi, quay lưng lại phía ông. Cô giật búi tóc ra, mái tóc cô xổ bung xuống vai. Cô quay lại đối diện với ông. Mặt cô đột nhiên hốc hác, căng thẳng. “Tên tôi là Mary”, cô khàn khàn thì thào. “Ừ, đúng thế thật. Tôi nghĩ mình tên là Mary”. Ông nhìn cô, và cảm thấy hai cánh tay sởn hết gai ốc lên. Ông luôn cảm thấy như vậy mỗi khi có một điều gì lớn lao trên sân khấu làm ông xúc động. * * * Bơny Noman tới chỗ dựng cảnh trong cảnh quay cuối cùng. Ông ta lắc đầu, mở cửa, bước lên cái sàn quay rộng. Đáng nhẽ ông ta phải biết rõ hơn trước khi thuê cái lão ấy đạo diễn cho bộ phim. Mà hơn thế nữa kia, đáng nhẽ ông phải đem đầu mình đi kiểm tra xem có điên không trước khi để họ xui khôn xui dại mua cái kịch bản như vậy. Mọi chuyện về nó thật cứ lộn tùng phèo. Thoạt tiên, lịch quay phải lui lại một tháng. Đạo diễn cần có ba mươi ngày để cho Raina nhập vai. Noman phải chịu thua khi Raina nhấn đi nhấn lại rằng cô ta sẽ không chịu làm, trước khi Đunba nói rằng cô đã được chuẩn bị sẵn sàng. Và việc đó đã ngoém mất một trăm năm mươi ngàn đôla lương nghỉ. Rồi đạo diễn khăng khăng bắt làm mọi cái như trên sân khấu. Kệ xác chi phí. Thêm năm mươi ngàn nữa mất vào đấy. Và trên tất cả mọi phiền phức, Đunba bắt âm thanh ở mọi cảnh phải đạt tới mức hoàn thiện. Không hở, không chệch so với cử động của môi. Ông ta không buồn đoái hoài phải quay bao nhiêu cảnh thì mới được như vậy. Mà cái lão khốn kiếp ấy để ý làm gì đến điều ấy cơ chứ? Noman nghĩ. Có phải tiền của lão ta đâu. Và bộ phim đã làm quá ba tháng so với kế hoạch. Một triệu rưỡi đã bị quẳng xuống cống. Noman nhấp nháy mắt khi bước vào màn ánh sáng chói lòa ở sân quay. Lạy Chúa, đây là cảnh quay cuối cùng. Cảnh bước vào căn nhà gỗ nhỏ, khi buổi sáng cô gái mở cửa, thấy hai người đàn ông đã chết, người trẻ hơn giết người già trước, rồi tự sát, khi nhận thấy cô gái đã lôi anh ta xuống những vực sâu đến mức độ nào. Tất cả những gì cô ta phải làm là nhìn hai người đàn ông, khóc một tí, rồi đi thẳng vào sa mạc. Đơn giản. Không thể hỏng hóc cái gì được. Mười phút là xong. - Về chỗ! Hai diễn viên nam nằm soài xuống trước cửa căn nhà gỗ. Một phó đạo diễn và cô theo dõi kịch bản nhanh chóng so vị trí, tư thế của họ với ảnh chụp những cảnh đã quay và chữa một vài chỗ sai. Một bàn tay của một người đặt sai. Người kia thì dính một vệt nhọ trên má. Noman thấy Đunba gật đầu. “Ghi đi!”. Tất cả lặng thinh một giây trong khi máy quay đánh số cảnh. Rồi Đunba khẽ gọi. “Vào cảnh!”. Noman thầm mỉm cười một mình. Cảnh này ăn chắc được. Thậm chí cũng không có một âm thanh nào để có thể còn bảo là làm hỏng. Từ từ, cánh cửa căn nhà gỗ mở. Raina bước ra, cúi xuống nhìn hai người đàn ông. Noman chửi thầm trong bụng. Mẹ kiếp ít nhất thì cái lão khốn kiếp[47] ấy cũng phải biết nghĩ một tý chứ, để cho cô ta hở hang đôi chút. Xét cho cùng, đây là ở sa mạc cơ mà. Ấy vậy mà không, áo cô tay chạy kín lên đến tận cổ, làm như đang ở giữa mùa đông không bằng. Đunba làm việc với cặp vú đẹp nhất của làng màn ảnh, vậy mà ông ta giấu kín nó đi thế đấy. Cái máy quay to tướng lừ lừ tiến tới ghi một cảnh đặc tả. Raina từ từ ngẩng đầu, nhìn thẳng vào ống kính. Một thoáng trôi qua. Rồi một thoáng nữa. “Khóc đi, quỷ bắt cô đi cho rảnh!”. Đunba thét lên “Khóc đi!”. Raina chớp chớp mắt. Không có gì cả. - Cắt! – Đunba gào lên. Ông bước vào sàn quay, bước ngang qua hai anh chàng vẫn nằm sóng soài, tới chỗ Raina. Ông chằm chằm nhìn cô một hồi. – Trong cảnh này, cô được dự tính là rỏ mấy giọt nước mắt, nhớ không? – Ông châm biếm hỏi. Cô lặng lẽ gật đầu. Ông quay lại, bước về chỗ của mình bên cạnh máy quay. Raina đi lại vào trong nhà, đóng cửa. Tay phó đạo diễn và cô theo dõi kịch bản kiểm tra các sai sót, rồi bước ra khỏi sàn quay. - Ghi đi. - Cảnh ba mươi bảy, quay lần hai! – Người đánh dấu cảnh nói lớn trước ống kính máy quay, rồi nhanh nhẹn bước tránh sang một bên. - Vào cảnh! Mọi cái lại diễn ra hệt như lần trước cho đến khi Raina nhìn thẳng vào máy quay. Cô nhìn nó một thoáng. Mắt mở trân trân. Khô khốc. Và bất chợt, cô bước vụt sang bên. - Cắt! – Đunba hô lớn. Ông lại bước ra sàn quay. - Anh Clođơ, tôi xin lỗi – Raina thốt lên. – Tôi chịu. Tốt hơn là ta dùng nước mắt giả vậy. - Nước mắt giả! – Anh chàng phó đạo diễn năng nổ kêu to – Đem nước mắt giả đến đây! Noman gật đầu. Chẳng việc gì phải phung phí tiền. Trên màn ảnh, không ai có thể phân biệt nổi. Mà hơn nữa, nước mắt giả vào phim nom còn hơn thật – nó lăn tròn trên má, như những giọt dầu xinh xinh, tròn vo. Đunba quay ngoắt lại. “Không dùng nước mắt giả”. - Không dùng nước mắt giả - Anh phó của ông lặp lại. – cất đi. Đunba nhìn Raina. “Đây là cảnh quay cuối cùng của bộ phim”. Ông nói . “Hai người đàn ông đã chết vì cô và tất cả những gì tôi cần là một chút nước mắt chết tiệt. Không phải bởi vì cô thương họ hay tủi cho cái thân cô. Mà chỉ là vừa đủ để cho tôi biết rằng ở một nơi nào đó trong cô, cô vẫn còn có một tâm hồn. Không nhiều nhặn gì, chỉ đủ để biểu lộ cô là một nguời đàn bà, chứ không phải là một con thú. Hiểu chưa?” Raina gật đầu. - Vậy tốt rồi, - Ông nói lặng lẽ - Hãy làm tuyệt nhất – Ông về chỗ mình cạnh cái máy quay. Ông hơi cúi về phía trước, căng mắt theo dõi Raina bước qua cửa. Cô cúi xuống nhìn hai người đàn ông, rồi ngẩng lên nhìn máy quay đang tiến lại gần. “Nào”, giọng Đunba gần như thì thào, “khóc đi”. Raina giương mắt nhìn cái máy quay đang tiến lại. Không xảy ra chuyện gì cả. - Cắt. – Đunba thét lên, cáu kỉnh bước nhào vào sàn quay. – Mẹ kiếp, cô là cái hạng đàn bà chó gì thế không biết? – Ông quát vào mặt cô. - Anh Clođơ, tôi xin anh – Cô van vỉ. Ông lạnh lùng nhìn cô. “Trong năm tháng ròng, chúng ta đã làm bộ phim này. Tôi làm quần quật ngày đêm, chỉ vì một lý do. Cô muốn chứng minh cô là một nghệ sĩ. Đấy, tôi đã làm hết sức rồi đấy. Tôi sẽ không phá hủy tính trọn vẹn của bộ phim ở cái cảnh cuối cùng này đâu, chỉ vì sự kém cỏi của cô. Cô muốn là nghệ sĩ thì đấy, chứng minh đi! Đóng đi!”. Ông quay ngoắt lưng lại với cô, bỏ đi. Noman đưa hai tay bưng vội lấy mặt. Mười nghìn đôla mất tong mỗi ngày vì chuyện như vậy. Đáng nhẽ ông ta phải khôn hồn mà biết sớm hơn. - Vào cảnh! Noman mở ngón tay, he hé nhìn qua chúng vào sàn quay. Lần này, ông nghe thấy tiếng Đunba nói với Raina, giọng khe khẽ. “Thế, thế, nào cô bắt đầu bước ra. Cô nhìn xuống và thấy họ. Đầu tiên nhìn Pôn, rồi Giôdeph. Cô nhìn thấy khẩu súng trong tay Giôdeph và hiểu đã xảy ra chuyện gì. Bây giờ cô bắt đầu ngẩng nhìn lên. Cô đang nghĩ, họ đã chết. Có thể cô đã không hề yêu họ, nhưng cô đã sống với họ, cô đã sử dụng họ. Có thể trong phút giây ngắn ngủi nào đó, một người trong bọn họ đã gợi lại cho cô một mảnh ký ức – cái ký ức mà cô đã bị mất và không bao giờ còn khôi phục lại được. Nhưng rồi trong một khoảnh khắc, tấm màn che được nhấc lên. Và chính là cha cô, hoặc anh cô, hay có thể đứa con cô, đứa con mà cô không bao giờ có, đang nằm dưới chân cô, trên mặt cát. Nước mắt trào lên trong mắt cô”. Noman từ từ buông tay ra khỏi mặt, ông ta nín thở, bước né sang một bên, tránh cái máy quay đang che mất tầm nhìn của ông. Raina đang khóc. Nước mắt thật. Đunba vẫn thì thầm: “Nước mắt đã ứa ra nhưng tấm màn lại sập xuống. Và cô không thể nhớ ra là mình vì sao lại khóc. Nước mắt ngừng ngay, mắt cô khô đi. Giờ cô quay ra, nhìn sâu vào sa mạc. Ở tít xa kia, trong vùng cát cô đơn, một người nào đó đang đợi cô, một người nào đó cùng với ký ức của cô. Cô sẽ tìm thấy người ấy ở chỗ kia. Và rồi cô sẽ thực sự biết cô là ai. Cô bắt đầu bước vào sa mạc… chậm…chầm… chậm… chầm chậm”. Giọng Đunba nhỏ dần theo bước chân của Raina bỏ đi xa dần, ngay tấm lưng thẳng, vươn cao kiêu hãnh của cô cũng não lòng người xem. Noman nhìn quanh. Cả đoàn làm phim đang đổ dồn mắt vào Raina. Họ quên bẵng tất cả mọi cái khác trong cảnh, trừ có cô. Ông ta cảm thấy mắt mình cũng rân rấn nước. Cái cảnh khỉ gió này cũng làm ông ta xúc động mới chết chứ. - Cắt. – Giọng Đunba vụt lên, khàn khàn đắc thắng – Im đi! – Ông ta buông phịch người xuống một cái ghế, kiệt sức. Và đột nhiên, trường quay ồn lên như vỡ chợ, mọi người vỗ tay ầm ỹ. Thậm chí những bậc kỳ cựu trong nghề, lòng đã sắt lại trước mọi chuyện, cũng đang ngoác miệng cười. Noman chạy bổ vào sàn quay, háo hức chộp lấy hai tay Raina. “ Cô tuyệt lắm, cô bé ạ. Tuyệt vời!”. Raina nhìn ông ta. Trong một thoáng, tâm trí cô như đang ở tận đâu, rồi mắt cô vụt trở lại trong veo. Cô nhìn Đunba đang ngồi trong ghế, tốp quay phim và phụ đạo diễn xúm xít quanh ông, rồi nhìn lại Noman. “Ông thực sự nghĩ như vậy ư?”. - Nếu tôi không thực sự nghĩ như vậy thì tôi nói làm gì hả cô bé? – Ông ta đáp, mỉm cười . – Cô hiểu tôi hơn nhiều chứ lại. Nào, giờ hãy nghỉ ngơi thoải mái lấy đôi ba tuần. Tôi sẽ sửa soạn cảnh quay Shêhêrazad ngay sau đó. - Cô quay đi, chăm chú nhìn Đunba đang chậm rãi tiến tới chỗ họ. Vẻ kiệt sức hằn sâu trên khuôn mặt gầy gò, bốn mươi tuổi của ông. “Cảm ơn anh”, cô thốt lên, nắm lấy tay Đunba. Ông mỉm cười mệt nhọc. “Cô là một nghệ sĩ lớn, cô Malovi ạ”. Ông nói, lại trang trọng lịch thiệp khi giờ đây, công việc của họ đã xong. “Thật vinh hạnh được làm việc với cô”. Raina chăm chú nhìn ông một thoáng, người cô đột nhiên bừng lên một sức sống tươi trẻ, mới mẻ. “Anh mệt đến quỵ mất thôi”, cô lo âu thốt lên. - Nghỉ ngơi một chút là tôi lại đâu vào đấy ngay thôi mà. – Ông đáp nhanh. – Có lẽ từ khi bắt đầu bộ phim đến giờ, chưa có đêm nào tôi ngủ trọn giấc. - Ta sẽ bố trí ngay thôi. – Raina nói chắc chắn. – Ilenơ! Từ một chỗ nào đó trong đám đông, Ilenơ bất chợt hiện ra. Bác bảo Giêm chuẩn bị phòng khách cho ông Đunba nhé. Nhưng, cô Malovi. – Người đạo diễn phản đối. – Tôi không thể quấy quả cô thế được. Anh nghĩ là tôi sẽ để anh quay lại cái phòng khách sạn trống rỗng ấy trong khi người anh như thế này ư? – Raina gắt lên. Nhưng tôi đã hứa với mẹ tôi rằng xong phim là sẽ gọi điện thoại cho bà ngay. Anh có thể gọi ngay ở đây. – Raina bật cười. – Chúng ta thực sự có điện thoại ở đây mà. Noman thân mật chụp lấy vai Đunba. “Anh hãy làm như Raina bảo đi, anh Đunba. Anh sẽ tận dụng được chỗ nghỉ. Anh vẫn còn mười tuần dựng phim ở trước mặt nữa đấy. Nhưng đừng có lo, anh đã có một bộ phim vĩ đại trong tay rồi. Tôi không ngạc nhiên gì nếu hai người giật được Giải thưởng Viện hàn lâm đâu?[48]” Khi nói như vậy, Noman không hề tin là đúng, nhưng cuối cùng, té ra đấy chính xác là sự thật. 19 Nelia Đunba, sáu mươi ba tuổi, vững vàng như đá theo câu ví quen thuộc, bước qua căn phòng, cúi xuống nhìn con trai mình. “Cái con quái quỷ xấu xa ấy!”. Bà nói khẽ. Bà nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh con trai, đỡ đầu ông ngả vào vai mình. Lơ đãng, bà vuốt ve mái tóc ông. “Mẹ đang hỏi không biết con phải mất bao lâu mới nhận ra bộ mặt thật của nó. Mẹ đã bảo con đừng có lấy nó cơ mà”. Clođơ lặng thinh không đáp. Ông không cần phải đáp. Trong vòng tay của mẹ mình, ông lại thấy một vẻ bình yên thân thuộc. Như những lần trước. Như ngày từ thuở ông còn là một đứa trẻ con, ù té chạy về nhà sau khi tan học, khi lũ trẻ vây lấy bắt nạt ông. Mẹ ông hiểu hết. Ông không cần phải nói với bà khi nào ông khổ sở. Ngay sau lễ cưới của ông với Raina, theo linh cảm, bà đã đến ở Caliphonia ngay. Chưa bao giờ ông cảm thấy khỏe mạnh vững vàng. Lúc nào ông cũng mỏng manh, yếu ớt. Những cơn căng thẳng thần kinh đến tột độ khi miệt mài sáng tạo nghệ thuật luôn để lại cho ông sự kiệt sức, làm ông rã rời. Mỗi lúc như vậy, mẹ ông lại chăm nom ông, bắt ông lên giường nằm – đôi khi hàng mấy tuần liền. Bà nấu cơm cho ông, đem báo chí đến cho ông, đọc cho ông nghe những cuốn sách mà cả hai người cùng yêu thích. Ông thường cảm thấy những giây phút ấy là giây phút hạnh phúc nhất trong đời. Ở đây, giữa bức tranh màu phấn dịu dàng của căn phòng mẹ ông đã bài trí dành cho ông, ông cảm thấy ấm áp, thoải mái và dễ chịu. Mọi cái ông muốn đều ở sẵn dưới tầm tay ông. Những gì bẩn thỉu và ty tiện của thế giới đều bị ngăn hẳn ở bên ngoài những bức tường của căn phòng này. Đối với ông, ba ông chỉ là một hình bóng mờ mờ. Ông gần như không nhớ rõ ba mình, bởi ba ông chết ngay khi ông mới năm tuổi. Cái chết ấy gần như không làm xáo động gì lối sống của họ, bởi người quá cố để lại đủ tiền. Không giàu có gì nhưng cũng chưa hề biết đến thế nào là thiếu thốn. - Con quay về nhà, lấy mấy thứ đồ cần của con đi. – Mẹ ông nói. – Con sẽ ngủ lại đây.Sáng mai, ta sẽ tính tới chuyện ly dị. Ông nhấc đầu khỏi vai mẹ, ngẩng lên nhìn bà. “Nhưng mà mẹ, con chưa hề biết nói năng sao với luật sư!” - Chớ có lo. – Bà đáp chắc chắn. – Mẹ sẽ đứng ra tính mọi chuyện. Ông bỗng dưng cảm thấy nhẹ hẳn người. Lại một lần nữa, mẹ ông đã thốt ra những lời kỳ diệu ấy. Nhưng khi ông đứng giữa đường trước nhà, nhìn thấy ôtô của Raina đỗ ở trong sân, ông lại sợ không dám vào nữa. Nhất định lại bùng lên một cuộc ầm ỹ nữa thôi, mà ông thì không hề muốn. Ông không còn sức chịu đựng nữa. Ông nhìn đồng hồ ở tay mình. Gần mười một giờ trưa rồi. Cô ta sắp sửa đi rồi vì đã hẹn một bữa tiệc trưa ở xưởng. Ông đi ngược trở lại xuống đồi, tới quầy rượu ngay góc phố Xănxet. Ông sẽ uống một chút gì đó trong khi đợi. Ông có thể nom thấy xe của cô khi nó đi xuống đồi. Ông bước vào quán. Gian hàng vẫn còn tối mò mò, ghế vẫn úp ngược trên mặt bàn. Tuy vậy, quầy rượu đã bán, đã có một số khách ngồi với cốc bia trước mặt anh ta. Clođơ leo lên một chiếc ghế đẩu cao gần cửa sổ. Từ chỗ này ông có thể nhìn thấy mặt phố một cách dễ dàng. Ông khẽ rùng mình. Từ lúc ông đi xuống chân đồi, trời bắt đầu mưa lất phất và bắt đầu chuyển thành một trong các buổi chiều lạnh lẽo, nhớp nháp, đặc biệt của riêng cái xứ Caliphonia đầy nắng này. Ông lại rùng mình. Ông thầm mong là đã không bị nhiễm lạnh. “Cho xin uyxki và nước ấm”, ông nói với người bán bar, nhớ ra món thuốc mà mẹ ông luôn bắt ông uống ngay sau khi thấy những dấu hiệu đầu tiên của cơn cảm lạnh. Tay quán bar nhìn ông bằng cặp mắt rất lạ lùng. “Nước ấm ạ?”. Clođơ gật đầu. “Phải, xin anh như vậy”. Ông ngẩng lên và để ý thấy người khách ngồi một mình kia cũng đang chăm chú theo dõi ông – một thanh niên trẻ mặc vét tông vàng kiểu thợ đốn gỗ. “Và xin anh một lát chanh nữa, nếu anh có”, ông gọi với sau lưng tay bán rượu. Clo nhấc cái ca nhỏ bốc hơi ngùn ngụt lên miệng. Ông nhấp một ngụm và cảm thấy hơi nóng từ từ ngấm sâu tới tận dạ dày. Rồi ông quay lại, nhìn qua cửa sổ. Mưa đã thật sự nặng hạt. Ông nhấc cái ca lên và ngạc nhiên thấy nó đã cạn sạch. Ông quyết định gọi thêm ca nữa. Còn ối thì giờ. Ông biết rất rõ lúc này Raina đang làm gì. Ông ra hiệu cho tay bán bar. Đúng lúc này đây, cô ta đang ngồi trước bàn phấn trang điểm hết sức kỹ càng, cho đến kỳ hài lòng mới thôi. Rồi cô ta sẽ xổ cho tóc tung ra, gỡ hết cho đến khi nó buông hững hờ qua vai, nhưng thực ra là sợi nào cũng đã ở đúng chỗ đã định cho nó. Cô ta khư khư giữ một điều mê tín là không bao giờ đến một nơi nào đó đúng giờ. Cô ta luôn tới muộn ít nhất là một tiếng, còn hầu hết là hơn thế nữa. Ông đã từng đợi cô đến phát điên lên, nhưng không hiểu sao điều ấy không làm ai bực cả. Họ coi chuyện ấy là phải thế. Clođơ lại nhìn vào ca rượu. Nó lại đã cạn. Ông gọi một suất nữa. Ông bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Hẳn là Raina sẽ ngạc nhiên khi về tới nhà thấy đồ đạc của ông đã không còn. Cô ta không còn có thể gọi ông là đàn ông một nửa được nữa. Cô ta sẽ phải đớ ra thấy ông là đàn ông đến mức độ nào khi viên luật sư giơ vào mặt cô ta đám giấy tờ ly dị. Khi ấy thì cô ta sẽ phải nhận ra rằng cô ta không thể vờn ông như trẻ con được đâu. Và cô ta sẽ không còn bao giờ có thể nhìn ông theo cái lối cô ta đã làm đêm tân hôn của họ - đầy trắc ẩn nhưng cũng đầy khinh miệt, và tệ nhất là cái ánh mắt vụt hiểu ra của cô ta khi cô ta nhìn sâu vào trong ông, phơi trần những bí mật của hồn ông, những bí mật ngay cả với bản thân mình, ông cũng giấu. Ông bước vào phòng ngủ được che tối lại, bưng trên tay một cái khay có một chai sâm banh ướp lạnh và hai cái cốc. “Anh đem rượu tới cùng em đây”. Rồi họ bắt đầu ái ân. Dịu dàng và đẹp đẽ, đúng như ông đã hình dung ra, bởi vì ông chưa hề chung chăn gối với ai. Và thật ưa nhìn, thật dễ chịu – những đường cong của thân thể đàn bà của cô đang nằm trên giường kia, thật bị động, thật khép nép. Thậm chí ông đã bắt đầu làm những vần thơ ngợi ca sắc đẹp của cô. Rồi đột nhiên, ông cảm thấy bàn tay cô đang lần mò trên da thịt mình. Trong khoảnh khắc, ông đờ người, choáng váng bất ngờ bởi những ngón tay xa lạ của cô. Rồi ông thấy trở lại bình thường, vì cái động chạm của cô nhẹ nhàng và dịu dàng quá, đến nỗi hầu như ông không nhận biết được rõ. Rồi ông cảm thấy người cô chợt giật lên một cái nữa, cái nữa, và đột ngột, một luồng hơi nóng bỏng như hực lên từ thân thể cô. Tít ở trong cô, rít lên một tiếng kêu khẽ, cô kéo nhào ông xuống với cô, tay giằng tung phần dưới bộ Pigiama của ông. Cô không hề còn khẩn khoản hay dịu dàng nữa, cô không hề đếm xỉa đến việc ông cảm thấy gì hay cần gì. Cô bị cuốn tuột vào cơn cuồng dại của chính bản thân mình. Những ngón tay cô cào xước ông trong khi cô hướng dẫn ông, bắt ông nhập vào cô. Người ông rúm lại trong một cơn kinh hoàng bất chợt ập đến. Kinh hoàng trước lửa tình hừng hực của cơ thể cô, từ trước đến nay vẫn nằm im lìm ẩn dấu, giờ mới đến lúc bừng lên ngốn ngấu cái sức đàn ông của ông, nuốt chửng người ông. Gần như mê đi vì sợ, ông giằng bật ra khỏi cô, đứng cạnh giường, run lẩy bẩy. Ông cố quấn những mảnh Pigiama tơi tả lại quanh người và nghe thấy tiếng thở của cô êm dần, nhẹ dần. Có tiếng loạt soạt của chăn đắp. Ông cúi xuống nhìn cô. Cô đã lại nằm nghiêng lên, ngẩng nhìn ông chằm chằm, mảnh chăn đắp phong phanh qua đùi. Hai vú cô nặng trĩu, núm vú vẫn cương mọng lên vì kích động. Mắt cô nhìn như rọi lửa vào ông. “Có thật anh đúng là cái loại đàn ông mà đôi ba người bảo không?”. Ông thấy hai má mình nóng rực. Trước kia ông không phải không biết tới những nhận xét ác ý ấy nói vụng sau lưng ông. Nhưng đám người tầm thường không thể nào hiểu nổi sự say mê miệt mài của ông với công việc được. “Không!” ông đáp nhanh. - Vậy anh là cái loại đàn ông gì? Ông quỳ thụp xuống giường, nhìn cô. - Anh xin em. – Ông kêu lên. – Anh xin em. Em phải hiểu, phải thông cảm. Anh lấy em bởi anh yêu em, nhưng anh không giống những người khác. Mẹ anh bảo anh nhậy cảm hơn, dễ bị kích thích hơn. Cô lặng thinh không đáp, và ông nhìn thấy sự kết hợp khủng khiếp giữa niềm ái ngại xót xa, vẻ khinh bỉ và sự hiểu biết đột nhiên tỏa lên trong mắt cô. “Xin em đừng nhìn anh như thế”, ông van vỉ. “Lần sau mọi cái sẽ khá hơn. Anh sẽ không mất bình tình như thế này nữa. Anh yêu em. Anh yêu em!”. Ông cảm thấy tay cô dịu dàng đụng vào đầu mình, rồi chậm rãi vuốt ve hai thái dương. Nước mắt ông dần dà lắng xuống, ông chộp lấy hai tay cô hôn, đầy vẻ biết ơn. “Em ơi, lần sau nhất định sẽ khá hơn, em yêu ạ”, ông hứa. Nhưng không bao giờ có lần sau nào khá hơn cả. Trong cái bản năng sinh dục đến kinh khủng của cô, trong những đường nét đàn bà đến hoàn thiện của thân thể cô, còn một cái gì đó, một cái gì khiến cho ông sợ phát khiếp, đến mức ông hoàn toàn đâm ra bất lực. Ông bảo gì cơ ạ? – Từ quá khứ, ông bừng tỉnh trở về hiện tại. Ông ngẩng lên nhìn. Người khách hàng kia, anh chàng thanh niên mặc áo vét tông màu vàng đang nói với ông. – Xin lỗi, tôi lại cứ ngỡ ông vừa nói gì với tôi đấy ạ. Clođơ ngượng chín người. Rõ ràng là ông đã nói buột lên thành tiếng. Bao giờ cũng vậy, khi nào ông mải mê suy nghĩ quá. Ông bắt đầu cảm thấy lúng túng. “Đúng vậy đấy”. Ông nói nhanh, cố khỏa lấp nỗi vụng về ngượng ngập của mình. “Tôi đã nói rằng ngày hôm nay lại đâm ra tồi tệ quá, nhỉ?”. Mắt anh thanh niên lướt qua ông, nhìn ra cửa sổ, rồi quay lại. “Vâng ạ”, anh ta đáp lịch sự, “đúng vậy thật”. Clođơ nhìn anh ta. Nom anh ta có vẻ là một thanh niên trẻ khá đáng yêu. Đẹp trai nữa, tuy theo kiểu hơi thô. Có lẽ là một diễn viên, đang lúc không may, ghé vào đây nhấm nháp một cốc bia chờ đến khi mưa tạnh. “Để tôi đãi anh một chầu nhé”, ông nói. Anh chàng thanh niên gật đầu. “Cám ơn. Tôi muốn uống thêm ít bia ạ”. - Anh bán hàng, cho anh bạn trẻ đây một cốc bia! – Clođơ lớn tiếng gọi. Ông gõ vào cái ca của mình. – Còn tôi thì lại làm thêm cốc này nữa. Mãi đến khi uống xong ba cốc nữa, lúc nhìn thấy ôtô của Raina rẽ xuống hướng dưới thành phố, tới khách sạn Hoàng hôn, ông mới nảy ra ý định ấy. Bởi xét cho cùng, có khá nhiều thứ ông muốn mang đi mà một mình ông thì khuân không xuể. Sau khi rung chuông đến lần thứ hai, ông mới nhớ hôm nay là thứ năm, ngày nghỉ của tất cả người làm công. Ông móc túi lấy chìa khóa. Hai người đi thẳng lên buồng ông. Ông mở tủ, lấy ra một cái valy. “Anh bỏ hết đồ đạc trong cái ngăn kéo này vào đây”, ông nói với tay thanh niên. “Tôi sẽ đi kiếm một cái valy nữa”. Ông bỏ ra khỏi phòng một lát và khi quay lại, ông thấy anh chàng cùng đi với mình đang cầm trên tay một bức ảnh Raina trước kia đặt trên bàn. “Ai thế này?”. - Vợ tôi. – Clođơ đáp cụt lủn. Rồi ông khùng khục cười khẽ. – Hẳn là cô ta sẽ ngạc nhiên khi thấy tôi đã bỏ đi rồi. - Ông là chồng của Raina Malovi ư? Clođơ gật đầu. “Nhưng từ giờ trở đi thì thôi rồi, ơn Chúa!”. Gã thanh niên nhìn ông kỳ quặc. “Ông muốn bỏ cái đĩa bự như thế này để làm quái gì cơ chứ nhỉ?”. Gã thốt lên. Cáu kỉnh, Clauđơ giật bức ảnh khỏi tay gã, ném mạnh vào tường. Tấm kính vỡ vụn, rơi lả tả xuống thảm. Ông quay ngoắt người đi vào buồng tắm. Ông cởi phăng áo vét tông, nới lỏng cà vạt, vặn vòi nước rửa tay. Nhưng đột nhiên, tiếng nước chảy rào rào xuống chậu sứ làm ông nhớ lại lúc ông bước vào phòng Mặt trời. Ông nhớ lại tiếng cột nước phun rào rào và bất chợt nhận ra Raina đang phơi nắng, nằm khỏa thân trên bàn, đang được Ilenơ xoa bóp. Ilenơ cởi trần đến thắt lưng, nửa dưới của cô ta kín trong đôi ống quần chẽn đen cô ta thường mặc. Ông để ý nhận thấy những cơ bắp rắn chắc đều đặn hằn trên lưng cô theo nhịp tay cô ta dịu dàng nắn bóp suốt người Raina. Raina vắt một tay lên mắt để che nắng. Thân thể cô quằn quại khoan khoái dưới những động chạm của Ilenơ. Khi họ nhận ra sự có mặt của ông, Raina giơ tay lên. Ông mơ hồ để ý thấy và ngạc nhiên trước cái ngực phẳng quá của Ilenơ. “Đừng có ngừng, mình”, Raina trầm trầm nói với Ilenơ. Ilenơ lại ngoan ngoãn xoa bóp tiếp. Cái nhịp rung chuyển dâm dật khoan khoái có vẻ lại trở lại với thân thể Raina. Cô cứ nằm nguyên, nghiêng đầu, chăm chú nhìn ông. Sau một lúc, cô giơ hai tay lên vít đầu Ilenơ xuống bẹn mình. “Hôn em đi nào, người yêu!”, Cô ra lệnh, mắt vẫn chăm chú theo dõi ông. Ông đột ngột quay ngoắt lại, chạy vụt ra khỏi phòng, tiếng cười nhạo báng của cô, hòa với tiếng vòi phun nước, vẫn còn rộ lên trong tai ông một lúc lâu. Ông bất chợt đưa tay lên ôm vội lấy mặt. Ngẩn ra nhớ lại chuyện ấy, mặt ông đã tóa đầy mồ hôi. Quần áo ông dính bết vào người. Da ông bắt đầu sởn hết cả lên. Ông quyết định phải tắm một cái. Những tia nước nỏng bỏng của vòi hoa sen bắt đầu làm ông thấy dịu đi. Hình như chúng đang đun cái hơi ấm bên trong của chỗ rượu uyxky lên trên bề mặt da ông. Ông khoan khoái xoa xà phòng đầy người, thứ xà phòng thơm dịu mà mẹ ông mua từ Lănđơn dành riêng cho ông. Ông bước ra khỏi màn nước, xoa người rất mạnh. Hài lòng, ông cúi xuống nhìn lớp da hồng căng của mình. Ông thích sạch sẽ. Ông tìm cái áo choàng của ông, nhưng nó không có trên cái móc như thường lệ. “Anh làm ơn lấy hộ tôi cái áo choàng xanh thẫm trong tủ với”, ông gọi to buột miệng, không nghĩ ngợi gì cả. Ông với lấy lọ nước hoa Côlônhô trên giá xuống, đổ ứa rat ay và bắt đầu xoa từ trên xuống dưới. Đột nhiên, linh tính khiến ông ngẩng vụt lên nhìn vào gương. Gã thanh niên đang đứng sững sờ ở cửa, nhìn ông. Cái áo khoác nằm vắt trên tay anh ta. Anh ta đã bỏ áo vét tông vàng ra, mặc một chiếc áo chữ T trắng bẩn thỉu. Clođơ nhìn thấy đám lông đen cứng đâm ra tua tủa từ tay, mi và ngực gã thanh niên. Một cảm giác buồn nôn ựa lên trong ông. “Anh có thể bỏ cái áo ở ghế kia kìa!” Ông vừa nói vừa lấy khen che bớt một phần thân thể. Gã thanh niên không làm theo mà nhoẻn cười vẻ hiểu ý, tiến vào buồng tắm, lấy chân đá sập cửa lại. Clođơ quay ngoắt lại, cáu kỉnh. “Xéo ngay khỏi đây!”. Gã thanh niên không nhúc nhích. Mồm anh ta lại càng cười ngoác ra hơn. “Ồ, ồ, đừng phát khùng lên thế, ông bạn già”. Hắn ta đáp, “Rõ ràng là ông không đem tôi lên đây để khuân đồ giúp ông có phải không?”. - Xéo ngay, không tôi kêu cứu lên bây giờ. – Clođơ đáp, chợt cảm thấy người rực lên vì sợ một cách kỳ lạ. Gã thanh niên bật cười. “Ma nào nghe thấy hả?” Gã hỏi. “Tôi biết tỏng ý ông từ lúc ông bảo tôi rằng tất cả người làm đều nghỉ hết cả”. - Đồ đê tiện! – Clođơ thét lên. Một cú đấm nổ đom đóm, ông ngã nhào xuống. Ông lồm cồm bò dậy. – Xin hãy đi đi cho – giọng ông thì thào, rè rè. Gã trai trẻ giơ tay lên, vẻ hung hãn. Theo linh tính, Clođơ lùi bật lại, nhưng quá chậm. Cả một bàn tay vả gọn vào mặt ông, đầu ông vập mạnh vào thành chậu sứ đại tiện. Ông trố mắt kinh sợ nhìn gã thanh niên. - Ông thực ra không hề muốn tôi đi, đúng không nào? – Gã nói, tay lần rút cái thắt lưng da đen quanh hông ra. – Ông thuộc loại thích bị kích động lên một chút trước khi vào cuộc đấy mà. - Tôi không hề! - Không ư? – Gã thanh niên bật cười giễu cợt, giơ cái thắt lưng lên. – Đừng bịp tôi, tôi nom thấy mà. Trong một thoáng. Clođơ hiểu hắn nói thế là thế nào. Rồi ông cúi xuống nhìn người ông. Một ý nghĩ điên dại loang loáng vụt qua đầu ông. Nếu lúc này Raina mà thấy ông, chắc cô ta sẽ biết ông đích thực là đàn ông nhé. Cái dây lưng quật chéo lưng ông. Một cơn đau nhói rùng rùng chạy dọc xuống tới tận xương cụt. “Đủ rồi!” Ông rên rỉ, “xin đừng đánh tôi thêm nữa!”. * * * Ông mệt mỏi nhấc người khỏi sàn, nhìn vào trong phòng ngủ. Gã thanh niên đã đi, vơ sạch số tiền mà Clođơ lúc đó có. Chậm chạp, ông lại đứng dưới vòi hoa sen, mở khóa nước nóng. Nước ngấm vào da thịt ông, ông cảm thấy sức mạnh của mình trở lại. Điều vừa xẩy ra khủng khiếp, kinh tởm quá, ông nghĩ, hình dung lại tất cả những hành động nhục nhã mà gã thanh niên bắt ông làm. Người ông chợt ấm lên một cảm giác hài lòng. Nếu ông mà là người khỏe hơn, ông đã cho thằng đó biết tay. Ông cảm thấy một cơn kích động chợt dội lên náo nức trong ngực ông. Ông thầm hình dung ra cảnh mình giật phăng cái thắt lưng khỏi tay thằng ấy và đánh nó đến bật máu. Đột ngột, sức mạnh chợt trào lên ở bẹn ông. Chính cái giây phút ấy, ông bỗng dưng nhận ra sự thật của mọi chuyện. “Ôi, không, không!” Ông thét lên, bàng hoàng trước cái sự thật trần trụi ấy. Điều mọi người nói về ông là hoàn toàn đúng. Chỉ có mỗi mình ông là mù tịt không nhận ra nó cho đến khi chính thể xác ông phản lại ông. Ông nghẹn đi vì một nỗi căm giận đến đờ đẫn. Ông bước vụt ra khỏi vòi hoa sen, mặc nước chảy xối xả. Ông mở tủ thuốc, lấy ra một con dao cạo thẳng, kiểu cũ mà ông đã dùng lúc có râu để cạo – con dao đã từng đứng thẳng một cách kiêu hãnh đối với ông, như một biểu tượng cho tính đàn ông của ông. Ông mê đi trong một cơn giận dữ đến điên dại, cắt phứa vào ông một cách mù quáng. Nếu ông không phải là đàn ông, thì ít nhất ông cũng có thể biến mình thành được đàn bà. Ông lại cứa một nhát nữa, rồi nhát nữa. Cuối cùng, kiệt sức, ông ngã sụp xuống sàn nhà. - Quỷ bắt bà đi! – Ông thét lên. – Quỷ bắt bà đi, mẹ ạ! Đó là những lời cuối cùng của ông. 20 Đêviđ Ulf đứng sững ở ngưỡng cửa buồng tắm, dạ dày ục lên như muốn nôn. Máu – chỗ nào cũng có máu, trên cái sàn lát gạch vuông nửa trắng nửa xanh, trên tường, dọc hai bên thành cái bồn tắm màu trắng, chậu rửa mặt, chậu đại tiểu tiện. Thật khó mà tin được rằng chỉ mới ba chục phút trước đây, cửa văn phòng của anh ta mở tung, để lộ ra bộ mặt đỏ tía lên của ông cậu anh mỗi khi ông ta cực kỳ xúc động. “Đến nhà Raina Malovi ngay lập tức”, Bơny Noman nói, “Một đứa trong phòng tuyên truyền quảng cáo vừa chộp được mẩu tin từ đồn cảnh sát Bivơly Hind nói rằng Đunba vừa tự tử”. Đêviđ ngay lập tức đã ra đến gần cửa. - Bảo đảm là cô ta được bảo vệ chu đáo nhé! – Ông cậu già thét với theo anh. – Ta còn hai triệu đôla trong chỗ âm bản chưa phát hành của phim cô ta đấy. Anh gọi Hary Risơt, trưởng đội bảo vệ xưởng phim đi cùng, lúc ra đến cổng. Risơt, nguyên là trung sĩ cảnh sát, có quan hệ tốt với tất cả đám này. Anh đi tắt đường, qua các con đường dọc theo Cônđoatơ Caniơn tới Xămxet. Hai mươi phút sau anh đã đến nhà Raina. Giờ thì hai nhân viên nhà xác mặc áo chẽn trắng đang nhấc cái thân thể của Đunba, không hiểu sao lại hơi co lại, đặt vào chiếc cáng nhỏ, nom giống hình cái rổ và phủ một tấm vải bạt trắng lên. Hai nhân viên nhấc cáng khỏi sàn, Đêviđ đứng né sang cho họ đi qua. Anh châm một điếu thuốc, đi theo sau cái thi thể qua phòng ngủ, ra ngoài hành lang. Luồng khói trắng đầu tiên ngấm xuống, làm yên cái dạ dày. Một tiếng thét vẳng lên từ căn phòng ngoài ở tầng dưới. Anh vội đi tới cửa. Không biết có phải Raina đã tìm cách thoát ra được khỏi tay bác sĩ không. Nhưng ra tới đầu cầu thang, anh thấy rằng không phải là Raina. Mà là mẹ của Đunba. Bà ta đang vùng vẫy, tìm cách thoát khỏi hai viên cảnh sát đang đỏ mặt tía tai giữ bà ta, khi cái cáng phủ bạt trắng đi qua. “Con tôi!”, Bà ta thét lên “để tôi nhìn mặt con giai bé bỏng của tôi!”. Hai nhân viên lẳng lặng đi qua bà và khuất sau cửa. Đêviđ có thể nhìn thấy đám phóng viên bu kín ở ngoài, dán chặt vào cái cửa khi nó mở ra và đóng lại. Anh bước xuống thang, lại nghe thấy tiếng bà già bắt đầu thét lên. Bà ta đã giằng bung ra khỏi một viên cảnh sát, một tay bấu ghi lấy thành cầu thang. “Mày giết con tao, đồ chó cái!” Cả tòa nhà như đầy tiếng thét chói tai của bà ta. “Mày giết nó vì mày phát hiện ra rằng nó sắp quay về với tao!” Bà cụ già đã giằng nốt được tay kia ra. Hình như bà ta đang cố sức lao lên cầu thang. - Tống cổ cái mụ điên ấy khỏi đây ngay! – Đêviđ giật mình vì một giọng khắc nghiệt vang từ đầu cầu thang trên ngay sau mình. Anh quay lại. Ilenơ đang đứng, mặt căm tức, hung hãn. “Tống cổ đi!” Cô rít lên. “Bác sĩ đang đủ khổ với Raina lắm rồi, cô ấy chẳng cần phải nghe thêm con mụ điên này nữa đâu!”. Đêviđ bắt gặp cặp mắt Risơt nhìn liền gật đầu. Ngay lập tức, Resơt bước đến một cảnh sát, thì thào vào tai anh ta. Thế là mọi vờ vĩnh làm ra vẻ lịch sự biến mất, hai viên cảnh sát lại túm chặt lấy bà già, một người đưa tay bịt miệng bà ta lại. Họ nửa lôi, nửa khiêng bà ta ra khỏi phòng. Một thoáng sau, nghe có tiếng một cửa ngách sập mạnh. Rồi im lặng. Đêviđ bước lên cầu thang, nhưng Ilenơ đã biến mất. Anh bước tới chỗ Risơt “Tôi đã bảo mấy cậu đó đem bà ta tới nhà an dưỡng Coltơn”, viên cựu trung sỹ cảnh sát thì thao. Đêviđ gật đầu tỏ ý hài lòng. Bác sĩ Coltơn sẽ biết phải làm gì. Xưởng phim đã từng gửi nhiều ngôi sao của mình đến đấy để tĩnh dưỡng tâm trí. Ông già chắc chắn sẽ có cách đảm bảo rằng bà ta sẽ không nói gì với ai trước khi ông ta làm bà ta dịu đi. - Gọi điện về xưởng bảo mấy người của cậu đến đây. Tôi muốn không để cho bất kỳ một tay phóng viên nào lọt được vào nhà khi cảnh sát ra về. - Tôi đã làm rồi. – Risơt đáp, nắm lấy cánh tay anh. – Sang phòng khách đi. Tôi muốn anh gặp trung úy Stanlây một tý. Trung úy Stanlây đang ngồi cạnh một cái bàn điện thoại nhỏ, hình quả thận với quyển sổ mở để trước mặt. Anh ta đứng dậy, bắt tay Đêviđ. Anh ta là một người gày gò, mặt nhợt nhạt, tóc lấm tấm bạc. Đêviđ thầm nghĩ anh ta giống một anh kế toán hơn là một thám tử. - Công việc cực nhọc, khủng khiếp thật đấy, thưa Trung túy. – Đêviđ nói. – Các anh đã tìm ra diễn biến mọi cái chưa? Viên trung úy cảnh sát gật đầu. “Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi đang tập hợp mọi chi tiết lại dựng lên toàn cảnh. Không còn nghi ngờ gì nữa – ông ta tự sát, đúng thế. Tuy vậy vẫn còn một điều tôi thấy băn khoăn. - Điều gì thế? - Chúng tôi lần lại các hoạt động của Đunba cho đến lúc chết, như vẫn thường làm với những vụ khác. – Viên trung úy nói. – Và biết rằng ông ta đã làm quen với một người đàn ông trẻ trong quán rượu ngay trước khi quay lại đây. Trong quán, ông ta móc ra khá nhiều tiền và chúng tôi lại không tìm thấy đồng nào trong phòng của ông ta nữa. Ngoài ra ông ta có mấy chỗ sưng ở đầu và lưng mà nhân viên điều tra đột tử không thể giải thích nổi nguyên nhân. Chúng tôi đã được người bán Bar tả khá chi tiết gã thanh niên ấy. Chúng tôi sẽ gọi cho hắn. Đêviđ nhìn anh ta. “Nhưng điều ấy có lợi gì? Các anh đã tin chắc Đunba tự sát. Vậy thì cái anh chàng kia còn nói thêm được gì nữa?” - Một số người không hề tính đến chuyện là ông ta đã kiếm một gã tình dục đồng giới, gã này đã đánh ông ta một tý để kích thích rồi làm tình với ông ta để sau đó vơ sạch tiền của ông ta. - Thế ư? - Thế tức là Đunba không phải là người tình dục đồng giới duy nhất trong quận của chúng tôi. – Viên trung úy trả lời. - Ở đồn chúng tôi có một danh sách bọn họ dài đến hàng chục thước ấy. Phần lớn họ đều yên ổn làm ăn và họ được quyền che chở của luật pháp, nói theo một cách nào đó. Đêviđ đưa mắt liếc Risơt. Anh chàng đội trưởng bảo vệ xưởng phim nhìn lại anh, bình thản. Đêviđ quay lại người cảnh sát. “Xin cảm ơn trung úy vì đã nói chuyện với tôi. Tôi rất khâm phục trước cái phong cách làm việc nhanh chóng, đầy hiệu quả khi các anh giải quyết vụ này”. Anh đứng dậy, đi ra khỏi phòng, để Risơt ở lại một mình với người cảnh sát. Đến cửa, anh nghe thấy tiếng Risơt thì thào nằng nặng. - Này, Xtan. – Anh chàng cựu trung sĩ to lớn nói. – Nếu chuyện này mà lọt được lên báo, thì mọi thứ sẽ nháo nhào lên mất, và xưởng phim tớ có khi bị hại rất nặng nề. Chỉ vì cái vụ tự tử thôi thì xưởng cũng đã ế ẩm lắm rồi đấy. Đêviđ đi qua cửa, qua phòng ngoài tới cầu thang. Đem tới anh chàng cựu cảnh sát đi theo là việc tuyệt vời nhất mà anh đã làm được. Giờ thì anh chắc rằng sẽ không hề có lời nào đả động đến người thứ hai ở trên mặt báo nữa. Anh lên cầu thang, vào cái phòng khách dẫn tới buồng ngủ của Raina. Ilenơ đang ngồi rũ người trong một cái ghế bành. Thấy anh bước vào, cô ngẩng lên. “Cô ấy thế nào?” - Tắt phụt như một ngọn đèn ấy. – Ilenơ mệt mỏi đáp. – Bác sĩ đã tiêm cho cô ấy một liều thuốc ngủ đủ đánh gục cả một con ngựa. - Chị nên uống một chút gì đi. – Anh bước tới cái tủ rượu nhỏ, mở tủ. – Cả tôi nữa. – Anh nói thêm. – Xcôtch nhé? Cô lặng thinh không đáp. Anh rót đầy hai cốc từ cái chai Haig cổ thắt, chìa cho cô một rồi ngồi xuống đối diện với cô. Một vệt hồng mờ mờ từ từ lan trên má cô khi chỗ uyxky đã vào đến bụng. “Kinh khủng quá!”. Cô thốt lên. Anh lặng thinh không đáp. Cô lại uống thêm một ngụm rượu. “Raina có một cái hẹn dự tiệc trưa nên khoảng bốn giờ chúng tôi từ xưởng về nhà. Chúng tôi lên gác mặc quần áo, trang điểm vào lúc bốn rưỡi, và Riana nói là Raina nghe thấy hình như có tiếng nước chảy trong phòng tắm của Clođơ. Đám người làm lại nghỉ nên Riana bảo tôi đến xem xem. Nhất định là con bé đã có linh tính thấy rằng chuyện gì không ổn rồi khi tôi không quay lại ngay. Nó vào phòng ngủ trong khi tôi đang gọi điện cho cảnh sát. Tôi cố ngăn không cho nó nhìn thấy đã xảy ra chuyện gì, nhưng khi tôi vừa quay lại, nó đã bổ đến cửa buồng tắm rồi!” Cô đặt vội cái cốc xuống, quờ quạng lần tìm thuốc lá. Đêviđ châm một điếu thuốc, đưa cho cô. Cô cầm lấy, cắn vào giữa hai môi, làn khói thuốc ôm tròn lấy mặt cô. “Con bé đứng sững ở đó, trừng trừng nhìn ông ta, trừng trừng nhìn đám máu lênh láng kinh khủng, nói đi nói lại với mình. “Ta đã giết anh ấy! Ta đã giết anh ấy! Ta đã giết chết anh ấy như từng giết chết tất cả những người yêu thương ta!”. Rồi con bé thét lên. Ilenơ vụt đưa tay ôm chặt lấy tai. Đêviđ cúi xuống nhìn cốc rượu của mình. Cốc đã cạn. Lặng lẽ, anh đứng dậy đổ đầy lại rượu vào cái cốc. Rồi anh ngồi xuống. Anh tư lự nhìn sâu vào lớp rượu màu hổ phách. “Chị biết không”, anh thốt lên. “Có điều tôi không tài nào hiểu nổi là tại sao cô ấy lại lấy ông ta.” - Khổ thế đấy. – Ilenơ cáu kỉnh đáp. – Không một ai trong số các người buồn hạ cố để ý đến con bé một chút để hiểu nó. Đối với các người, nó chỉ là một cái tên thu được lợi nhuận khổng lồ, là tiền ở nhà băng. Không ai đếm xỉa gì đến nó. Tôi xin nói cho anh biết là tại sao Raina lại lấy ông ấy nhé. Bởi vì nó thương ông ấy, bởi nó muốn làm cho ông ấy trở thành một người đàn ông vững vàng. Chính vì lý do ấy đấy. Chính là vì thế mà nó đang nằm sóng soài ở buồng ngủ của nó kia, nức nở, ngay cả trong khi đã bị đánh thuốc ngủ lịm đi rồi. Nó khóc bởi nó không làm được như nó mong muốn. Chuông điện thoại chợt rung lên một hồi. Rồi một hồi nữa. Đêviđ nhìn Ilenơ. “Để tôi nghe cho”, anh nói. - Alô! - Ai vậy? - Đêviđ Ulf đây. – Anh buột miệng đáp. - Tôi là Giônơx Cođơ. – Giọng trong máy trả lời. - Thưa ông Cođơ, tôi làm việc cho ông Noman ở… - Tôi biết rồi. – Cođơ ngắt lời. – Tôi nhớ ra anh rồi. Anh là cái anh chàng thanh niên nhảy ra làm đỡ cho Bơny mọi công việc rắc rối cần phải giải quyết. Tôi vừa mới nghe qua rađiô biết tin tai nạn xong. Raina hiện giờ ra sao rồi? - Cô ấy hiện giờ đang ngủ. Bác sĩ đã đánh thuốc cho cô ấy. Dây nói lặng ngắt hồi lâu, Đêviđ đã tưởng điện thoại đã bị cắt. Rồi giọng nói Cođơ trở lại. “Mọi cái thu xếp được chứ?” - Tôi nghĩ vậy. - Tốt. Cứ như vậy. Nếu các anh cần gì, cứ bảo tôi nhé. - Được ạ. - Tôi sẽ không quên những việc anh làm đâu. – Cođơ nói. Máy kêu tách một hồi rồi ngắt. Đêviđ từ từ đặt ống nghe xuống. “Đấy là Giônơx Cođơ”, anh nói. Ilenơ vẫn không ngẩng mặt lên khỏi tay. Đêviđ quay lại, nhìn cái điện thoại. Thật khó tin được là thật. Theo những lời đồi đại về Cođơ mà anh được nghe, anh ta không phải là cái loại người chịu phí thời gian gọi điện hỏi thăm nhăng nhít. Nếu muốn nói về anh ta, thì Cođơ phải là ngược hẳn với vừa rồi cơ. Vô tình, anh đưa mắt liếc về cái cửa đóng dẫn sang phòng ngủ của Raina. Nhất định phải có gì hơn đây trong việc này, anh nghĩ. Và bốn tháng sau, anh mới gặp lại Raina. Đang ngồi trên cái đivăng trong văn phòng của ông cậu, anh ngẩng lên nhìn thấy cô bước vào. - Ôi, Raina, cô em thân yêu! – Bơny Noma rú lên, đứng bật dậy, ôm chầm lấy cô. Rồi nhà sản xuất phim bước lùi lại, đưa mắt ngắm nghía đi vòng quanh cô, cứ như cô là một con bê cái tơ trúng giải nhất trong một hội thi gia súc. “Thon thả và lộng lẫy hơn bao giờ hết!”. Raina nhìn lướt qua ông ta. “Chào anh, anh Đêviđ”, cô nói lặng lẽ. - Chào Raina. – Anh đứng dậy. – Cô có khỏe không? - Khỏe lắm. – Cô đáp. – Sau ba tháng ở một trại an dưỡng, ai mà lại không khỏe lên được nào? Anh bật cười. “Và bộ phim mới của cô sẽ là một kỳ nghỉ nữa”. Noma nói chen vào. Raina quay lại phía ông ta, mặt thoáng một nụ cười. “Nói tiếp đi, cái lão quái già này. Lại giở trò mồi chài tôi lao vào một phim nữa chứ gì!”. Noma cười khanh khách sung sướng. “Ấy, đợi một phút, tôi không tin được là cô em thân yêu của mình lại là người đang bước vào căn phòng, xinh hết ý!” Raina bật cười. “Kỳ nghỉ gì vậy?”, Cô hỏi. - Châu Phi! – Noma thốt lên, giương giương tự đắc. – Kịch bản rừng xanh tuyệt vời nhất kể từ phim Tù và người lái buôn mà tôi đã được đọc. - Tôi biết ngay mà. – Raina nói với Đêviđ. – Sau bộ phim vừa rồi, tôi biết thế nào ông này cũng bắt tôi làm một vai “Taczan” nữ mà! Sau khi cô đã đi, Đêviđ nhìn qua căn phòng tới chỗ ông cậu. “Raina có vẻ lặng lẽ hơn, nhún nhường hơn thế nào ấy nhỉ”. Noma tinh quái nhìn lại anh. “Thì sao?”, Ông ta hỏi lại. “Có thể là cô ta đã lớn khôn lên một chút và bắt đầu tu chỉnh nghiêm túc. Đã đến lúc rồi”. Ông ta đứng dậy, rời khỏi bàn đến chỗ Đêviđ. “Ta chỉ còn có sáu tháng nữa là tới cuộc họp các cổ đông vào tháng ba năm sau”. - Cậu vẫn chưa biết ai đang bán phá giá chúng ta ư? - Chưa. – Noma lắc đầu. – Tao đã thử mọi nơi. Đám mối lái, bảo hiểm, ngân hàng. Tất cả đều cố lùng tìm. Tất cả đều không biết. Trong khi đó thì cổ phiếu cứ vụt xuống hàng ngày. – Ông ta nhai đầu điếu xì gà chưa châm lửa. – Tao đã mua tất cả số cổ phần có thể, nhưng không đủ tiền để ngăn lại. Tất cả tiền mặt tao cầu xin, vay mượn được đều đã cạn sạch. - May ra cổ phiếu sẽ lên khi chúng ta thông báo là Raina sẽ chuẩn bị làm phim mới. Ai cũng biết cô ta là một ngôi sao chắc chắn kiếm ra tiền. - Tao cũng trông mong như vậy. – Noma đáp. – Chỗ nào ta cũng lỗ vốn. Thậm chí cả những rạp chiếu bóng nữa. – Ông ta quay lại ghế của mình, ngồi rụi xuống. – Đấy chính là vì sai lầm tệ nhất của tao. Nhẽ ra đừng bao giờ mua chúng. Vì chúng mà tao phải thả nổi chứng khoán, vay mượn tất cả số tiền đó ở ngân hàng. Phim ảnh thì tao thông thạo, còn bất động sản thì – phừ! Đáng nhẽ mười năm trước đây, tao không nên nghe lời xui của cái đám đạo đức giả[49] ấy ở phố Uôn. Giờ thì nếu tao có bán công ty, tao cũng chẳng thêm được đồng nào. Mà thậm chí cũng không biết đứa nào sẽ là chủ nó nữa chứ! Đêviđ đứng dậy. “Thôi, ngồi lo lắng cũng chẳng được tích sự gì. Vẫn còn sáu tháng từ nay tới cuộc họp. Và trong sáu tháng, có thể có ối chuyện sẽ xảy ra.” - Ờ. – Noma đáp chán chường. – Có thể sẽ tồi tệ hơn. Đêviđ đóng cửa văn phòng mình sau khi đã bước vào. Anh ngồi xuống bên bàn, liệt kê ra đanh sách những địch thủ mà ông cậu anh trong đời đã gây nên. Đó là một danh sách dài nhưng không một ai trong số ấy là người có đủ tiền cần cho việc điều hành công việc này. Hơn nữa, phần lớn họ đều trong ngành kinh doanh điện ảnh và cũng chơi lại cậu anh đủ miếng như cậu anh chơi họ. Giống như một ván bài giữa các hội viên của cùng một câu lạc bộ. Họ chửi rủa, la mắng nhau nghe cũng gớm đấy, nhưng chưa có một ai thực sự để bụng trở thành một mối hằn thù như thế này. Đột nhiên, anh sực nhớ ra một điều – Raina. Anh liếc ra cửa, tay vô tình như cái máy với về phía điện thoại. Anh rụt mạnh lại. Thật ngớ ngẩn nếu tự biến mình thành một thằng lố bịch. Nhưng anh vẫn có linh cảm. Và anh không biết rằng anh đã đúng vô cùng cho mãi tới khi sáu tháng sau, anh bảo Ilenơ đưa Raina vào bệnh viện, đăng ký dưới một cái tên giả. Raina vừa ở châu Phi về, sau khi quay xong Nữ hoàng của rừng xanh, và đột nhiên ốm quị. Anh không muốn báo chí tìm ra được điều đó trước khi bộ phim được phát hành. 21 Giônơx Cođơ! – Noman cay đắng thốt lên. – Lần nào cũng là Giônơx Cođơ. Tại sao mày không bảo cậu trước hả? Đêviđ quay người khỏi cái cửa sổ khách sạn nhìn ra Vườn hoa Trung tâm. “Trước kia cháu không biết. Chỉ mới đoán thôi”. - Biết, không biết. – Lão sản xuất phim làu bàu, nhai đầu điếu xì gà đã tắt ngấm. – Dù sao thì mày cũng đáng nhẽ phải bảo chứ. - Nhưng như thế thì được tích sự gì? – Đêviđ hỏi lại – Cháu đã không thể chứng minh được điều đó, mà giả dụ như cháu chứng minh được cậu cũng chẳng có tiền chọi lại nổi anh ta đâu. Noman rút điếu xì gà trong miệng ra, nhìn nó một cách rầu rĩ. Cáu kỉnh, ông ta vứt bộp nó xuống sàn nhà. “Tao đã làm hại đếch gì anh ta mà anh ta lại định bảo tao làm khuynh gia bại sản hả?” Ông ta giận dữ thét lên. Đêviđ không đáp. - Không có gì hại cả. Tao đã làm như vậy đấy. Chỉ kiếm tiền cho anh ta. Càng ngày càng nhiều để rồi đây anh ta cắt cổ tao bằng chỗ tiền ấy! – Ông ta lấy một điếu xì gà mới ở trong túi, dứ dứ trước mặt Đêviđ. – Lấy đó mà nhớ đời cháu ạ. Đừng bao giờ làm lợi cái gì cho bất kỳ một ai, đừng bao giờ kiếm hộ tiền cho ai, ngoài bản thân ra. Nếu không thì mày sẽ thấy lưng mày bị xẻ một nhát bằng con dao bằng bạc của chính mày! Đêviđ nhìn bộ mặt tím tía lên của ông cậu, nhớ lại cảnh cuộc họp các cổ đông vừa rồi. Noman tới đó, tự tin hơn bao giờ hết kể từ mấy tháng trở lại đây. Số phần trăm giấy ủy quyền trở lại cũng là số phần trăm như mọi năm. Chỉ có hăm nhăm phần trăm cổ đông buồn gửi trở lại giấy ủy quyền. Tất cả những gì đám cổ đông quan tâm là bao giờ thì họ sẽ bắt đầu nhận được tiền chia lãi cổ phần. Nhưng số giấy ủy quyền ấy, cộng thêm tám phần trăm cổ phiếu đứng chính tên Noman, đem lại con số ba lăm phần trăm cổ phiếu thật dễ chịu để bầu cử. Người dự họp cũng như thường lệ, dăm nhà kinh doanh đã về hưu, mấy mẹ nạ dòng bỏ không lang thang ở Phố mò đến đây bởi là chủ độ một chục cổ phiếu và cuộc họp cũng là một thứ hay hay, đến dự cho đỡ buồn; thêm mấy viên giám đốc tình cờ ở Niu Yooc và những nhân viên của công ty trong văn phòng của chi nhánh Niu Yooc này. Chỉ mãi đến khi thủ tục khai mạc làm xong và Noman đang yêu cầu đề cử danh sách ban giám đốc, thì ông ta mới đánh hơi thấy có chuyện bất ổn. Đang nói, ông ta thấy Đan Piơx – viên đại lý – và một người đàn ông quen mặt nhưng ông ta không nhớ ra tên, bước vào phòng, ngồi ngay xuống hàng ghế trên cùng trong căn phòng họp nhỏ. Một tay phó chủ tịch, phụ trách bản phim, ngoan ngoãn đoc hết cái danh sách đã được Noman thông qua, đề cử ban giám đóc. Một tay phó chủ tịch khác, phụ trách các rạp chiếu bóng, ngoan ngoãn ủng hộ. Một phó chủ tịch thứ ba, phụ trách các hoạt động ở ngoại quốc, sau đó ngoan ngoãn tuyên bố là phần đề cử kết thúc. Đúng lúc ấy, Piơx đứng dậy. “Thưa ông Chủ tịch, tôi còn có thêm nhiều tên đề cử vào ban giám đốc của công ty ta.” - Anh không có quyền! – Noman từ diễn đàn thét lên. - Theo điều luật của hãng. Đan Piơx bẻ lại – Bất kỳ một cổ đông chính thức nào cũng có thể đề cử một danh sách giám đốc bằng với số giám đốc trong công ty! Noman quay vụt sang viên phó giám đốc kiêm cố vấn trưởng. “Thật thế không?” Viên luật sư bối rối lắc đầu. “Anh, anh đã bị sa thải, đồ bị thịt, ngậm hột thị khốn kiếp!” Noman thì thào rít lên. Người đàn ông đang ngồi cạnh Piơx liền đứng dậy. “Sự đê cử của ông Đan Piơx là hoàn toàn hợp lệ và tôi, lấy tư cách cá nhân, có thể chứng thực tính hợp pháp ấy.” Đến lúc đó, Noman mới sực nhớ ra tên anh ta – Mac Alixtơ, luật sư riêng của Giônơx Cođơ. Ông ta lập tức dịu ngay xuống. “Tôi nghĩ rằng các ông có thể chứng minh là cổ đông được chứ?” Ông ta cẩn thận hỏi. Mac Alixtơ mỉm cười. “Tất nhiên”. - Tất nhiên là ông có quyền. – Mac Alixtơ nói, bước lại diễn đàn, chìa ra một giấy chứng nhận cổ phần. Noman cúi nhìn tờ giấy. Đó là một chứng nhận mười cổ phần ghi tên Đan Piơx một cách hợp lệ. “Đây là tất cả cổ phần của các anh ư?” Ông ta ngây thơ hỏi. Mac Alixtơ lại mỉm cười. “Đấy là tất cả những bằng chứng tôi cần”, lảng tránh những cố gắng của lão sản xuất phim muốn biết xem anh đại diện cho họ bao nhiêu cổ phần. “Cho phép tôi tiếp tục đề cử chứ ạ?” Noman lặng lẽ gật đầu và Piơx lại đứng dậy, đưa ra một danh sách sáu tên của ban giám đốc chọn người. Vừa đủ để bảo đảm một sự khống chế áp đảo rõ rệt. Ngoài tên anh ta và Mac Alixtơ, bốn cái tên kia đều lạ đối với Noman. Khi các phiếu bầu chuẩn bị giơ lên để đếm, Mac Alixtơ đưa ra trước cuộc họp các giấy ủy quyền, đại diện cho bốn mốt phần trăm cổ phần của hãng – hai mươi sáu phần trăm mang tên Giônơx Cođơ và mười lăm phần trăm của một số nhà môi giới. Tất cả sáu tên anh ta đề cử đều trúng. Noman quay sang các nhân viên của mình. Ông ta chằm chằm lặng lẽ nhìn họ hồi lâu rồi rút lui sáu tên đề cử của mình đi, để lại có bản thân, Đêviđ và viên phó chủ tịch kiêm thủ quỹ. Cuộc họp kết thúc, ông ta triệu tập cuộc họp ban giám đốc tại văn phòng của hãng vào chiều đó để bầu các quan chức khác trong công ty. Ông ta lặng lẽ bỏ ra khỏi phòng, bộ mặt vốn đỏ ửng của ông ta giờ trắng bệch. Piơx cản ông ta ở cửa. “Bơny”, Piơx nói, “tôi muốn nói chuyện với anh một chút trước khi họp ban giám đốc”. Noman trợn mắt nhìn ông ta. “Tao không thèm nói chuyện với đứa phản bội đồng loại của mình”. Ông ta lạnh lùng đáp. “Xéo đi mà nói chuyện với Hitle ấy!” Ông ta hằm hằm nhìn ra khỏi cửa. Đan Piơx quay sang Đêviđ, “Đêviđ, hãy làm cho ông ấy chịu lắng nghe phải trái”. Ông ta nói, “Cođơ ủy quyền tôi đề nghị trả ba triệu đôla mua chỗ cổ phần của ông ta. Như thế là gấp đôi giá trị của chúng. Nếu ông ta không bán, Cođơ nói sẽ đặt hãng vào tình trạng tài sản đang tranh tụng và tất cả cổ phiếu khi ấy sẽ chỉ là mớ giấy lộn thôi”. - Dạ được để tôi có sức xem. – Đêviđ đáp, lập cập đuổi theo ông cậu của mình. Và giờ thì Noman lồng lộn đi đi lại lại trong văn phòng thét váng lên, dọa sẽ đấu giấy ủy quyền. Ông ta sẽ cho cái thằng điên Cođơ ấy biết rằng Bơny Noman này không phải là một thằng ngu, rằng ông ta không phải xây dựng nên cơ đồ như ngày nay từ con số không, với hai bàn tay trắng, không có cái đếch gì trong đầu[50] của ông ta cả. - Hượm đã! – Đêviđ giật giọng. Nghe những lời lảm nhảm của cậu thế là quá đủ rồi. Đã đến lúc cần có người dạy cho ông già biết thực tế của đời. – Cậu bảo chống lại anh ta bằng cái mớ giấy ủy quyền. – Anh thét lên. – Cậu định chọi lại anh ta bằng cái gì? Đạn giấy thay cho tiền ư? Và nếu cậu làm, liệu cậu có thật tin rằng mọi người sẽ về phe với cậu không? Bốn năm vừa rồi, hãng ta liên tục thua lỗ. Bộ phim lãi nhất trong thời gian ấy là Thằng phản bội – phim của Cođơ, chứ không phải của ta. Và cái phim lãi nhất hiện nay là Bầy quỷ ở trên trời – lại cũng là phim của Cođơ, cái phim cậu không phát hành cho anh ta vì không đủ béo bở[51] ở trong đó cho cậu. Liệu cậu có nghĩ rằng bất kỳ người bình thường nào, không điên dại, sẽ chọn cậu hơn là chọn Cođơ ư? Viên chủ hãng trố mắt nhìn anh. “Thật không tưởng tượng nổi”, ông ta gào lên, “rằng từ miệng đứa máu mủ ruột thịt với tôi lại có những lời ấy!” - Thôi đi, cậu Bơny ạ. – Đêviđ nói, - Gia đình thì có dính líu gì đến đây. Cháu chỉ đang tính đến thực tế thôi. - Thực tế ư? – Noman thét lên. – Mày muốn thực tế hả? Được rồi, nào thì tính. Ai bỏ đi, mua được Những vết đen trên mặt trời, một bộ phim mà hầu như nẫng sạch mọi giải thưởng. Ai hả? Không ai cả, mà là tao. - Nhưng nó cũng bị lỗ mất một triệu đôla. - Lỗi ấy tại tao ư? – Noman bẻ lại, cay đắng. – Tao không bảo trước với họ ư? Không, họ muốn có uy tín vinh quang, và họ đã được quang vinh,uy tín. - Chuyện ấy xong xuôi rồi, cậu Bơny ạ. – Đêviđ nói. – Không còn liên quan gì đến hôm nay nữa. Không ai còn tính đến họ nữa. - Tao còn tính đến nó. – Noman đay lại. – Bởi họ đang hút máu của họ. Tao là con mồi họ quẳng cho chiếc máy nghiến. Nhưng trừ phi tao chết hẵng nhé! Khi tao bảo họ về những bộ phim tao sẽ làm với Raina Malovi, tao sẽ kiếm được đủ tất cả giấy ủy quyền mà tao muốn. Đêviđ chằm chằm nhìn ông cậu mình một thoáng, rồi bước tới điện thoại. “Cho xin điện thoại đường dài ạ”, anh gọi, “Tôi muốn gọi điện đến bệnh viện Contơn, Xanh Monica, Caliphonia, phòng số ba – không – chín”. Anh liếc nhìn Noman, lúc đó đang ngoảnh ra nhìn qua cửa sổ. “Ilenơ đấy hả? Đêviđ đây. Cô ấy thế nào rồi?” - Không tốt. – Ilenơ đáp, giọng khẽ đến mức hầu như anh không nghe nổi. - Bác sĩ bảo sao? Đêviđ nghe thấy tiếng nức nở òa lên trong máy. “Bình tĩnh nào. Bây giờ không phải lúc quỵ xuống như thế.” - Ông ấy nói… rằng cô ấy đang hấp hối. Thật là một điều kỳ diệu là cô ấy vẫn còn sống được đến giờ. Ông ấy không hiểu cái gì đã làm cho cô ấy vẫn còn sống. Điện thoại kêu đánh tách rồi chết lặng trong tay anh. Đêviđ quay sang ông cậu. “Raina sẽ không bao giờ còn đóng được phim cho cậu hay cho bất kỳ ai khác nữa. Cô ấy đang hấp hối.” Nhà sản xuất phim nhìn anh, trợn tròn mắt, mặt tái mét. Ông ta ngồi phịch xuống một cái ghế. “Trời ơi! Thế thì hãng sẽ ra sao? Cô ta là cái nguồn duy nhất cứu vớt chúng ta. Không có cô ta, cổ phiếu sẽ tụt tới đáy, chúng ta sẽ đi tong”. Ông ta rút mùi xoa lau mặt. “Giờ thì ngay đến Cođơ cũng không làm ta lo nghĩ nữa.” Đêviđ trố mắt nhìn cậu mình. “Cậu nói thế nghĩa là sao ạ?” - Đồ ngu! – Noman gắt lên. – Mày chưa thấy sao? Tao phải vẽ ra cho nhìn nữa ư? - Thấy! – Đêviđ lặp lại, bàng hoàng. – Thấy gì cơ ạ? - Rằng Cođơ không hề quan tâm đến hãng phim lấy mảy may. – Ông cậu già đáp. – Rằng tất cả những gì anh ta cần là con bé. - Con bé? - Phải. – Noman đáp. – Raina Malovi. Còn nhớ cuộc gặp gỡ của tao với anh ta ở nhà vệ sinh trong khách sạn Oanđơf không? Còn nhớ lời tao thuật lại rằng anh ta đã nói gì không? Anh ta không để lộ cho tao biết tên hai con đàng điếm ấy bởi vì tao đã nẫng tay trên con bé Malovi của anh ta, nhớ chưa? Ngay lập tức, Đêviđ tỉnh ra ngay. Tại sao anh lại không thấy trước ngay thế nhỉ? Nó liên quan chặt chẽ với cú điện thoại Cođơ gọi cái đêm Đunba tự tử. Anh nhìn ông cậu, đầy kính trọng. “Thế giờ ta sẽ làm gì ạ?” - Làm gì ư? – Noman lặp lại. – Làm gì ư? Ta sẽ câm miệng như hến đi tới cuộc họp ấy. Tim tao có thể vỡ cũng mặc, nhưng nếu anh ta định trả ba triệu đôla cho chỗ của tao, anh ta sẽ phải trả đến năm triệu. * * * Lần này, khi Raina mở mắt, giấc mơ không chuội đi nữa. Và nếu nói cho đúng, nó có vẻ lại trở thành thật hơn bao giờ hết. Cô nằm im phăng phắc một hồi lâu, đăm đăm ngẩng lên nhìn cái lồng chất dẻo trong suốt úp chụp đầu vào ngực cô. Rồi cô từ từ ngoảnh đầu sang bên. Ilenơ đang ngồi trong một cái ghế bành, chăm chú nhìn cô. Cô thầm mong có thể bảo Ilenơ rằng đừng có lo, chẳng có gì thực sự đáng ngại cả. Cô đã trải qua cảnh này vô khối lần rồi, trong mơ ấy. “Ilenơ ơi”, cô khẽ gọi. Ilenơ giật mình, đứng dậy. Cô ngẩng lên mỉm cười với Ilenơ. “Mình thực đây mà”. Cô thì thào. “Mình không mất trí đâu”. - Raina! – Cô cảm thấy tay Ilenơ nắm chặt lấy tay mình dưới tấm vải. – Raina ơi! - Đừng có khóc, Ilenơ! – Cô thì thào. Cô ngoảnh đầu cố nhìn tấm lịch treo trên tường nhưng xa quá. – Hôm nay là thứ mấy rồi? - Thứ sáu. - Ngày mười ba ư? – Raina cố mỉm cười. Cô nhìn thấy nụ cười hiện ra trên mặt Ilenơ, mặc dù nước mắt Ilenơ vẫn ròng ròng lăn trên má. – Gọi cho mình anh Giônơx, - Raina nói yếu ớt. – Mình muốn gặp anh ấy. Cô nhắm mắt lại một lúc, rồi lại mở mắt ra khi Ilenơ trở lại bên giường. “Cậu có tìm được anh ấy không?” Ilenơ lắc đầu. “Văn phòng anh ấy bảo anh ấy ở Niu Yooc. Nhưng họ cũng không biết có thể liên lạc với anh ấy ở đâu.” - Cậu tìm bằng được anh ấy đi, dù anh ấy ở đâu đi nữa! – Raina mỉm cười. – Cậu từ giờ thì không thể lừa mình được nữa đâu. Mình đã đóng cảnh chết này quá nhiều lần rồi. Gọi anh ấy đi. Anh ấy chưa đến đây, mình chưa chịu chết đâu. – Một nụ cười hài hước thoáng hiện trên mặt cô. Mà dù sao, không ai chết ở đây vào ngày nghỉ cuối tuần đâu. Tất cả các cột báo cuối tuần đều đã được đem đến xưởng in cả rồi. Quyển năm - GIÔNƠX – 1935 1 Tôi kéo cái cần lái vào lòng, hơi lệch sang trái một chút. Cùng lúc đó, tôi mở hết khóa ga. Chiếc CA - 4 lao vụt lên trời theo nửa vòng lộn, hệt như một mũi tên rời khỏi cung. Tôi cảm thấy rõ trọng lực đè gí tôi xuống ghế, làm máu rung lên bần bật trong các mạch máu ở hai cánh tay tôi. Tôi cho máy bay lao ra bằng ở đỉnh vòng lộn. Nhìn lại bảng đồng hồ, tôi thấy đang ở tốc độ một trăm mét giây. Chúng tôi đang bay bùn vụt trên Đại Tây Dương, bỏ Loong Aixlơn[52] rất xa lại phía sau. Cúi về phía trước, tôi gõ gõ vào vai viên phi công quân đội ngồi trước mặt tôi. “Thế nào, trung tá?”. Tôi thét to, cố át tiếng gầm của động cơ kép và tiếng gió rít vù vù của cái nắp chất dẻo phía trên đầu chúng tôi. Tôi thấy anh ta gật đầu trả lời tôi, nhưng không quay lại. Tôi biết anh ta đương làm gì. Anh ta đang kiểm tra bảng đồng hồ trước mặt. Trung tá Forextơ là một trong những phi công thực thụ. Anh ta đã lần lượt vất vả leo hết các cấp để trở về đến được chỗ với Edi Rickenbacơ[53] và là lính cựu trong phi đoàn Ring. Không hề giống gì với cái lão tướng già chúng tôi đã bỏ lại trên phi trường Rudơvelt mà quân đội đã phái đến để xem xét máy bay của hãng chúng tôi. Viên tướng đó chễm chệ chiếm cái ghế Cục trưởng Cục đặt mua và ủy quyền ở Oashingtơn. Dịp lão ta tiếp xúc gần nhất với máy bay là khi lão ta có chân trong thẩm phán đoàn tòa án binh xử vụ Bily Mitchel. Nhưng lão chính là cái mồm thốt ra tiếng Ôkê. Chúng tôi thế còn may đấy, vì lão cũng có được một sĩ quan không quân trong đám tùy tùng của mình. Tôi để ý đến lão ngay từ lúc lão bước vào nhà để máy bay, Môrixây đi lật bật bên cạnh tỏ vẻ bồn chồn khó chịu. Theo sát chân viên tướng là hai tùy tùng của ông ta - một đại tá và một đại úy. Cả hai đều không có đôi cánh bạc trên ve áo. Viên tướng đứng dừng ở cửa nhà để máy bay, giương mắt đứng nhìn chiếc CA - 4. Tôi có thể nhìn rõ vết nhăn không hài lòng hiện ra ngang mặt ông ta. “Xấu xí quá!” Ông ta thốt lên “nom nó như con cóc ấy”. Giọng ông ta vọng rõ mồn một từ đấy đến chỗ tôi, đang ở trong buồng lái, kiểm tra lại lần cuối cùng. Tôi leo ra ánh và để chân không, nhảy bộp xuống đất. Tôi đi thẳng về hướng ông ta. Ông ta biết chó gì về dáng khí động học và thiết kế cơ chứ? Có lẽ cái đầu của ông ta cũng nặng trịch một cục như cái bàn làm việc của ông ta mà thôi. “Ông Cođơ ơi!” Tôi nghe tiếng thì thào đằng sau. Tôi ngoảnh lại. Đó là anh chàng thợ máy. Mặt anh ta đang ngoác ra cười. Anh ta cũng đã nghe được lời nhận xét của viên tướng. - Anh cần gì, hả? - Tôi chuẩn bị đẩy nó ra. - Anh chàng đáp nhanh. - Tôi không muốn làm bẹp giày của ông ạ. Tôi trừng trừng nhìn anh ta một giây, rồi mỉm cười. “Cảm ơn”. Vừa nói tôi vừa quay lại xỏ chân vào giày. Đến khi tôi tới chỗ Morixây và viên tướng, tôi đã dịu đi. Morixây có một bản số liệu trong tay và đang đọc cho viên tướng nghe để ông ta biết. “Máy bay Cođơ 4 thể hiện một quan niệm mới mẻ về máy bay chiến đấu – ném bom, hai chỗ ngồi, có tầm bay hơn ba nghìn hai trăm kilômét, tốc độ hành trình 380km/giờ, tốc độ tối đa 580km/giờ. Nó có thể mang mười súng máy, hai canông và 45kg bom ở hai cánh và trong một khoang đặc biệt ở bụng”. Tôi quay lại nhìn chiếc máy bay giữa những lời Morixây nói. Hẳn là một quan niệm mới mẻ và táo bạo. Nom nó như một con báo đen ngồi chồm chỗm trên sàn nhà để máy bay, cái mũi dài nhô hẳn ra phía trước, đôi cánh vuốt hẳn về phía sau. Nắp chất dẻo của buồn lái lấp lánh như một con mắt mèo khổng lồ trong bóng tối mờ mờ của căn nhà. - Rất thú vị. - Tôi nghe thấy tiếng viên tướng nói. - Bây giờ tôi chỉ có thêm một câu hỏi nữa thôi. - Thưa, gì cơ ạ? - Morixây hỏi. Viên tướng cười khùng khục lên một tiếng, nhìn đám tùy tùng của mình. Hai anh chàng tỏ vẻ để lộ ra một nụ cười nhạt trên môi. Tôi biết ngay là cái thằng rắm thối già này sửa soạn cho xịt ra một trong số câu khôi hài ưa thích của lão. “Chúng tôi, đám quân nhân đã xem mỗi năm hơn ba trăm cái gọi là máy bay theo quan niệm mới mẻ và táo bạo của các anh. Liệu nó có bay được không?” Tôi không thể kìm được nữa. Mấy triệu đồng tôi đổ ra để cái CA - 4 được như thế này cho tôi đủ quyền được mở miệng. “Nó sẽ bay, sẽ gí đít vào mũi tất cả những gì mà các ngài đang có trong quân đội, tướng quân ạ”. Tôi thốt lên. “Và tất cả các loại máy bay trên thế giới nữa, kể cả những loại máy bay chiến đấu mới mà Vili Mexesmit[54] đang chế tạo!” Viên tướng quay ngoắt về phía tôi, mặc tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi thấy mắt ông ta nhìn cái áo khoác trắng lem nhem dầu mỡ của tôi một lượt từ trên xuống dưới. Morixây vội nói ngay. “Xin giới thiệu, đây là tướng Giađix, đây là ông Giônơx Cođơ”. Viên tướng chưa kịp mở mồm thì một giọng nói đã vang lên ở ngưỡng cửa phía sau ông ta. “Ông làm cách nào mà biết được Mexesmit đang chế tạo cái gì thế?” Tôi ngẩng lên nhìn, vừa đúng lúc người hỏi câu ấy xuất hiện. Rõ ràng là viên tướng có đem theo một phụ tá thứ ba. Đôi cánh bạc sáng ngời trên ve áo anh ta, làm thành cặp hài hòa với những cái lá sồi bạc ở vai. Anh ta khoảng bốn mươi tuổi, cao dong dỏng, để bộ ria kiểu phi công. Anh ta đeo hai dải huân chương trên áo - Thập tự chiến tranh của Pháp và thập tự bay xuất sắc. - Ông ta bảo tôi. – Tôi đáp cộc lốc. Một vẻ kì quặc hiện lên trên mặt viên trung tá - Vili làm ăn ra sao hả ông? Viên tướng chẹn ngay trước khi tôi kịp trả lời. “Chúng ta đến đây để xem xét một cái máy bay”, ông ta nói sin sít, “chứ không phải để hỏi han về những bạn bè của hai người đâu nhớ”. Giờ đến lượt tôi ngạc nhiên. Tôi đưa mắt nhìn viên trung tá loáng một cái, nhưng một tấm màn thản nhiên đã sập xuống trên mặt anh ta. Mặc dù vậy, tôi có thể thấy được hai người này chả lấy gì ưa nhau cho lắm. - Thưa ngài, rõ. - Viên trung tá đáp nhanh. Anh ta quay sang nhìn chiếc máy bay. - Anh thấy nó thế nào, Forextơ? Forextơ hắng giọng. “Thưa ngài, thú vị ạ”. Anh ta quay về phía tôi. “Các cánh quạt đổi góc quay được, hả”. Tôi gật đầu. Trong ánh sáng chập choạng thế này, mắt anh ta tinh đấy. “Quan niệm rất khác thường”, anh ta nói, “để hai cánh ở chỗ của nó và vuốt nó về phía sau. Có lẽ sẽ làm khoảng nâng thông thường của máy bay tăng lên đến bốn lần”. - Đúng vậy đấy - Tôi đáp. Ơn Chúa, ít nhất cũng còn có một người biết rõ ý nghĩa của vấn đề. - Forextơ, tôi hỏi anh nghĩ thế nào về hình dáng của nó. - Viên tướng cáu kỉnh nhắc lại. Tấm màn lại sập xuống mặt Forextơ khi anh quay sang bên. “Rất khác thường, thưa ngài. Lạ lùng đấy ạ”. Viên tướng gật đầu. “Tôi nghĩ như vậy đấy. Xấu xí. Hệt như một con cóc ngồi chồm chỗm”. Tôi xực cức từ miệng ông ta thế là quá đủ. “Dạ, có phải tướng quân đánh giá một cái máy bay theo cách ngài đánh giá đàn bà ở một cuộc thi sắc đẹp không ạ?” - Tất nhiên không! - Ông ta đáp cộc cằn. - Nhưng có tồn tại một số kiểu thiết kế nhất định,được người ta chấp nhận là tiêu chuẩn. Ví dụ như kiểu máy bay chiếnđấu mới của hang Cơtix chúng tôi xem hôm nọ. Cái máy bay ấy nom ra cái máy bay, chứ không trùi trũi như một quả bom gắn thêm cánh như thế này. - Cái của nhép này mang vũ khí nhiều gấp đôi, cộng thêm bốn tạ rưỡi bom, bay xa hơn tám trăm năm mươi cây số, cao hơn nghìn bảy mét, nhanh hơn một trăm ba mươi cây số một giờ so với cái máy bay chiến đấu Cơtix mà ngài đang nói tới đấy ạ - Tôi bẻ lại. - Hãng Cơtix làm máy bay đều tốt cả - Viên tướng buông thõng. Tôi trố mắt nhìn ông ta. Tranh luận với lão này thật phí công. Như là nói trước một bức tường đá. “Thưa tướng quân. Tôi có nói là không đâu. Hãng Cơtix bao nhiêu năm rồi vẫn làm ra máy bay tốt cả. Nhưng tôi đang nói máy bay này thì hơn hẳn mọi kiểu đã có”. Tướng Gađix quay sang Morixây. “Chúng tôi đã sẵn sàng xem máy bay của các ông biểu diễn”, Ông ta nói sõng sượt. “Nghĩa là, nếu anh chàng phi công này hết lèm bèm tranh luận nữa”. Morixây bối rối liếc vội sang tôi. Rõ ràng là viên tướng không hề thấy tên tôi có gì lạ cả. Tôi gật đầu với anh và quay lại nhà để máy bay. - Đẩy nó ra! - Tôi gọi to đám thợ máy đang đứng đợi ở đó. Morixây, viên tướng và đám tùy tùng bước ra ngoài. Khi tôi đi ra, tôi thấy Morixây và những người khác đã xúm lại thành một vòng tròn quanh viên tướng, nhưng Forextơ hơi tách ra, đang nói chuyện với một phụ nữ trẻ. Tôi nhìn quanh cô ta. Nom được đấy - mắt sáng ngời liều lĩnh, miệng ướt lẳng. Tôi theo sau máy bay ra tới đường băng. Nghe thấy tiếng chân lộp bộp sau lưng, tôi quay lại, Morixây. “Đáng nhẽ anh không nên bắt đầu với ông tướng ấy theo kiểu như vậy”. Tôi ngoác miệng cười với anh. “Có lẽ sẽ làm cho lão ấy tỉnh ra một chút. Lão ấy đã có đủ những thằng vâng dạ ở xung quanh đến mức có thể làm một tay chủ sản xuất phim được rồi”. - Dù sao, khó có thể bán cho lão theo giá ấy được đấy anh ạ. Tôi biết Cơtix tính một trăm năm mươi ngàn một cái của họ. Mà anh cũng đã rõ đấy, cố lắm chúng ta cũng chỉ hạ được đến mức trăm hai rưỡi. - Vậy thì sao? Đấy chính là sự khác nhau giữa thịt gà và phân gà. Người ta không thể mua một chiếc Cađilac với giá của một chiếc Phođ được. Anh ta nhìn tôi một thoáng, rồi nhún vai. “Giônơx, đấy là tiền của anh”. Tôi nhìn theo anh ta quay trở lại chỗ viên tướng. Anh ta có thể là một kĩ sư hàng không tuyệt vời, nhưng quá dễ xúc động, không thể làm được một tay chào hàng giỏi. Tôi quay sang anh chàng thợ máy. “Xong chưa?”. Vẫn như từ lúc ông kiếm tra đấy ạ. - Tốt lắm. - Tôi đáp và bắt đầu leo vào buồn lái. Tay ai giật giật chân tôi, tôi cúi nhìn xuống. - Tôi ngồi cùng một chuyến có sao không? - Viên trung tá hỏi. - Không hề gì. - Tôi đáp. - Nhảy vào đi. - Xin cảm ơn. À mà này, tôi còn chưa nhớ tên anh lúc giới thiệu đâu. - Giônơx Cođơ - Tôi nói. - Tôi là Rôgiơ Forextơ. – Anh ta đáp chìa tay ra cho tôi. Đáng lẽ tôi phải đoán ra ngay từ cái phút đầu tiên nghe tên anh ta, nhưng vì mãi đến giờ tôi mới thấy hết xúc động. Rôgiơ Forextơ một trong những con chủ bài tuyệt nhất của Không đoàn Lafayet[55]. Hai mươi hai máy bay Đức là chiếc công của anh ta. Anh ta là một trong những thần tượng của tôi thuở còn nhỏ. - Tôi đã được nghe nhiều về anh. - Tôi thốt lên. Nụ cười mỉm của anh ta chợt mở rộng. “Tôi cũng được nghe nhiều về anh”. Cả hai bật cười. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi kéo tay anh ta. Anh ta lao vụt lên, đứng trên cánh cạnh tôi. Anh ta ngó vào buồn lái, rồi nhìn tôi. - Không có dù à? - Không bao giờ dùng cả. - Tôi đáp. - Chúng tôi làm với căng thẳng. Về mặt tâm lý học mà nói, nó biểu hiện một sự thiếu tin tưởng. Anh ta bật cười. - Tôi có thể lấy cho anh một cái nếu anh muốn. Anh ta bật cười. “Kệ xác nó”. Bay ra đại dương được khoảng năm chục cây số, tôi cho máy bay làm tất cả những trò đã viết trong sách và một vài trò nữa mà chỉ cái CA - 4 này mới làm được. Và anh ta không mảy may chớp mắt. Làm một cú dứt điểm, tôi cho máy bay lao đứng lên vòn vọt tới năm chục ngàn thước. Nó rung bần bật giữa trời như một con ruồi nhảy nhót trên đầu mũi kim. Rồi tôi cho nó đâm nhào xuống, lộn xoáy lò xò khiến cho đồng hồ nhẩy tới tốc độ tám trăm cây số giờ. Máy bay vẫn vùn vụt cắm thẳng xuống, còn cách mặt đất có năm trăm thước, tôi buông cả hai tay khỏi cần lái, vỗ vào vai anh ta. Anhta quay ngoắt lại, nhanh đến nỗi đầu như bắn văng ra khỏi cổ. Tôi cười lớn. “Trung tá, anh lái đi”. Đến tay anh ta quay người được lại, chúng tôi đã lao xuống tới bốn trăm mét, ba trăm sáu mét khi anh ta điều khiển được vòng lộn xoay chong chóng của máy bay, ba trăm khi anh ta cho nó lao ra thẳng được xuống và một trăm ba mươi mét khi anh ta kéo ngược cái cần lái lên. Tôi cảm thấy rất rõ máy bay rung bần bật ở dưới tôi, hai cánh nó xé gió rít lên u ú. Trọng lực gí tôi vào ghế, làm hơi nghẹn lại trong cuống họng tôi. Đột nhiên, mọi cái nhẹ bỗng. Chúng tôi cánh mặt đất chưa đầy tám thước khi máy bay bắt đầu lao ngược lên. Forextơ ngoảnh lại nhìn tôi. “Từ cái thời một mình tung hoành năm mười năm đến nay, chưa bao giờ tôi đượcmột mẻ sợ bạt vía thế này”. Anh ta thét lên, nhoẻn miệng cười. “Mà làm sao anh biết được rằng nó không rụng cánh trong cái cú lộn chong chóng ấy hả?” - Ai biết đâu? - Tôi bẻ lại. – Nhưng lúc nãy cũng là một dịp tốt như bất kì dịp nào khác để xem có phải thế không. Anh ta bật cười. Tôi nhìn thấy anh ta với tay lên trước, gõ gõ vào bảng điều khiển. “Thế này mới gọi là máy bay chứ! Đúng như anh đã nói, nó đúng thực sự biết bay”. - Đừng có bảo tôi, mà nói với lão sư cụ ở dưới kia ấy! Mặt anh ta thoáng tối lại. “Tôi sẽ cố. Nhưng không biết có làm gì được nhiều không. Anh lái đi”. Anh ta nhấc tay lên. “Giờ thì anh cho nó vòng về thôi”. Tôi có thể nhìn thấy Morixây và đám sĩ quan đang đứng trên sân bay, nhìn chúng tôi qua ống nhòm. Tôi cho máy bay vòng rộng ra và vỗ vỗ vào vai Forextơ. “Tôi cuộc mười đồng rằng tôi sẽ cho bay mũ lão tướng già ngay từ lần lướt qua đầu tiên. Anh ta ngần ngừ một thoáng, rồi nhoẻn cười. “Xong rồi”. Từ độ cao ba trăm mét, tôi nhào xuống bay bằng, cách đường băng có năm thước. Chúng tôi lao vụt qua họ, nhìn thấy rõ vẻ sững sờ kinh ngạc trên mặt họ. Tôi kéo ngược cần lái vào lòng. Chúng tôi bay sạt đầu họ, leo gần như dựng ngược lên, thổi thốc luồn hơi đẩy cánh quạt vào đúng đầu họ. Tôi ngoảnh lại vừa kịp nhìn thấy viên đại úy đang tất tả chạy đuổi theo cái mũ của lão già. Tôi lại gõ vào vai Forextơ. Anh ta ngoái nhìn xuống và cười sặc sụa, ứa cả nước mắt. Máy bay nhẹ nhàng hạ xuống như một chú bồ câu đậu về tổ. Tôi đẩy nắp buồn lái bằng nhựa về phía sau, và chúng tôi leo xuống, cùng đi lại chỗ nhóm người đang đứng. Tôi đưa mắt liếc Forextơ. Tất cả vui vẻ đã biến mất, cái mặt nạ đề phòng cẩn thận lại hiện lên. Viên tướng đã đội mũ lại trên đầu. “Thế nào Forextơ?”, ông ta hỏi cộc lốc. “Anh nghĩ sao?” Forextơ nhìn thẳng vào mặt cấp trên của mình. “Thưa ngài, không còn nghi ngờ gì nữa, đây là loại máy bay tốt nhất trên không hiện nay”. Anh ta nói bằng giọng đều đều lãnh đạm. “Thưa ngài, tôi đề nghị ngài ra lệnh tổ chức một nhóm kiếm trả để tiến hành kiểm tra ngay lập tức nhằm xác định ý kiến của tôi ạ”. - Hừm... - Viên tướng lạnh lùng thốt lên. - Ê, anh cũng tham gia vào đó chứ, hả? - Thưa ngài, tôi sẽ làm. - Forextơ khẽ nói. - Forextơ, còn những điều khác phải tính nữa kia. Anh có biết giá những máy bay loại này bao nhiêu không hả? - Thưa ngài không. - Forextơ đáp. - Bổn phận duy nhất của tôi là đánh giá hoạt động của bản thân máy bay thôi ạ. - Bổn phận của tôi thì sâu sắc hơn nhiều. Anh phải nhớ rằng chúng ta đang hoạt động torng một ngân quỹ rất eo hẹp. - Rõ, thưa ngài. - Xin anh hãy nhớ rằng. - Viên tướng cáu kỉnh nói. – Nếu tôi cứ bốc lên nửa đời nửa đoạn với mọi ý nghĩ của đám không quân các anh thi2kho6ng còn đủ tiền để quân đội tiêu trong một tháng đâu. Mặt Forextơ đỏ chín lên. “Rõ, thưa ngài”. Tôi liếc nhìn anhta. Không hiểu sao anh chàng lại vẫn đứng ngay đơ ở đó, nhẫn nhục nuốt hết mọi cái. Thật vô lý. Không thể thế được,với danh tiếng như vậy. Anh ta có thể ra khỏi quân đội và kiếm được gấp hai mươi lần như hiện nay với bất kỳ một hãng hàng không nào.Anh ta có một cái tên chẳng kém gì tên Rickenbacơ tý nào cả. Viên tướng quay sang Morixây. “Nào, bây giờ thưa ông Morixây”, ông ta đã gần như hồ hởi thốt lên, “Chúng tôi có thể nói chuyện với ai để thu thập được một ít sự thật và số liệu về chi phí của chiếc máy bay này được nhỉ?” - Thưa ngài, các ngài có thể nói chuyện với ông Cođơ. - Tốt lắm. - Viên tướng nói oang oang. - Nào hãy vào văn phòng và gọi ông ta. - Thưa tướng quân, ngài không cần phải làm thế đâu. - Tôi nói nhanh. - Ta có thể nói chuyện ngay tại đây. Ông ta trố mắt nhìn tôi, rồi mồm ông ta ngoác ra trong một thứ mà ông ta nghĩ là nụ cười rộng mở. “Không hề có ý định làm mếch lòng đâu, con giai ạ. Bác nghe tên mà quên khuấy không nghĩ ra”. - Thưa tướng quân, không sao ạ. - Ba cháu với bác vốn là bạn cũ đấy. - Ông ta nói. – Torng cuộc chiến tranh vừa rồi, bác đã mua khá nhiều cái đám thuốc súng của ông cụ. Nếu cháu thấy không sao thì bác muốn bàn việc này với ba cháu. Chỉ là tình bạn cũ thôi, cháu hiểu đấy. Ngoài ra, việc này có thể trở thành một hợp đồng khổng lồ đấy. Bác chắc chắn là ba cháu sẽ muốn tự mình đứng ra giải quyết. Tôi cảm thấy mặt mình tái nhợt đi. Cố hết sức, tôi mới trấn tĩnh nổi. Mày còn phải sống núp dưới bóng ông già bao lâu nữa hả? Giọng tôi vang lên, lạnh cùng và căng thẳng, ngay cả tôi cũng thấy rõ. “Thưa tướng quân, tôi chắc chắn là ông ấy sẽ thấy thế. Nhưng tôi sợ rằng ông sẽ phải nói chuyện với tôi thôi, ông không thể nói chuyện với ông ấy được đâu”. - Tại sao không? - Giọng ông ta đột nhiên lạnh ngắt. - Ba tôi đã chết cách đây mười năm. - Tôi nói, quay lưng đi, bước về phía nhà để máy bay. 2 Tôi bước vào căn phòng nhỏ ở phía sau nhà, nơi Morixây dùng làm phòng làm việc. Tôi đóng sập cửa lại, bước tới bàn của anh, rút ra một chai uyxky ngô luôn luôn có ở đấy dành cho tôi. Rót đầy rượu ra một cái cốc giấy, tôi đổ ộc vào họng. Rượu đốt bỏng rát họng tôi. Tôi cúi xuống nhìn hai bàn tay, chúng đang run lên bần bật. Có những con người không chịu bị coi là đã chết. Người ta làm cách nào cũng vẫn thế. Người ta có thể vùi họ xuống đất đen, nhấn chìm họ xuống biển sâu hay đốt họ ra tro. Những ký ức về họ vẫn làm bụng dạ ta nhão ra, hệt như họ vẫn còn đang sống. Tôi nhớ lại những gì mà tôi đã nói với tôi ở ràn ngựa sau nhà vào một sáng sớm. Khi đó ông mới cưới Raina. Sáng đó tôi đến xem Nêvađa luyện một con ngựa chưa thuần hẳn. Mới chỉ hơn năm giờ một tý, mặt trời vừa ló đầu ra khỏi sa mạc. Đó là một con ngựa đen nhỏ chắc lẳn, hung dữ đến mức sau mỗi lần hất văng Nêvađa xuống đất, nó còn nhe răng chực cắn và tung vó lên loang loáng nhằm đá anh. Lần cuối cùng hất văng anh ra, nó thậm chí còn định lăn đè lên anh. Nêvađa lồm cồm bò dạt sang bên, nhảy qua hàng rào vừa đúng lúc. Anh dựa vào hàng rào, thở hồng hộc trong khi đó mấy chú bé người Mêhicô đuổi con ngựa. Tiếng hò hét của các cậu phá tan cảnh lặng lẽ sáng mai. “Hắn là một thằng khùng”, Nêvađa thốt lên. - Anh bây giờ định tính sao với nó? - Tôi hỏ tò mò. Hiếm khi tôi thấy Nêvađa ngã liên tiếp ba lần trong một vòng như vậy. Các cậu người Mêhicô đã tóm được con ngựa. Nêvađa nhìn họ chăm chú dắt nó về. “Thử lần nữa coi”, anh tư lự đáp, “và nếu không ăn nhằm gì, thì đến thả nó vậy”. Giọng ba tôi vang lên từ phía sau một cách đột ngột: “Vậy là đúng ý nó muốn đấy!”. Nêvađa và tôi ngoảnh lại. Ba tôi đã ăn mặc chỉnh tề như sắp sửa đi thẳng tới nhà máy. Ông mặc bộ conplê đen, cái cà vạt nằm ngay ngắn giữa cổ áo hồ dầy cộp, trắng toát. “Tại sao anh không đóng hàm thiết vào mỏm nó để nó không cắn được nhỉ?”. Nêvađa nhìn ông: “Không ai tới gần được nó mà không mất tiêu một cẳng tay”. - Nhảm! - Cha tôi đáp cộc lốc. Ông nhặt lấy một đoạn dây thòng lọng ngắn vắt trên cột rồi lách qua hàng rào, bước vào ràn. Tôi có thể nhìn thấy tay ông thắt cái dây thành một nút thòng lọng nhỏ trong khi chân bước tới chỗ con ngựa. Con ngựa hoang đứng gõ chân xuống đất, gườm gườm theo dõi cha tôi. Hai cậu Mêhicô ghì chặt sợi dây giữ qua cổ nó. Cha tôi tung thòng lọng lên, con ngựa bật lại, tung hai vó trước lên. Cha tôi vừa kịp tránh. Ông đứng sững lại một thoáng, chằm chằm nhìn vào mắt con ngựa, rồi vươn tay lên. Con ngựa lắc đầu điên dại, hung hãn bổ vó vào tay cha tôi. Các móng chân nó một lần nữa lại bay loáng qua, vồ hụt cha tôi. Nó đã thực sự phát điên sau lần thứ hai đá hụt, rùng mình, vặn vẹo như đã có người trên lưng. Hai cậu Mêhicô ghì mọp người trên dây thừng để giữ nó đứng lại. Sau một lúc, cha tôi lại bước tới. - Đồ chó đẻ khốn kiếp, - ông lặng lẽ nói. Con thú nhe răng đợp ông. Dường như cha tôi chỉ kịp nhấc tay khỏi trước mấy phần mười của giây khi mõm nó sượt qua.. - Thả nó ra. - Cha tôi thét hai cậu Mêhicô. Hai cậu đưa mắt thoáng nhìn nhau, rồi nhún vai gần như không nhận thấy, miễn cưỡng từ bỏ trách nhiệm của mình, hai cậu buông dây giữ ra. Đột ngột không bị kìm giữ gì nữa, con ngựa đứng đờ ra trong một giây, kinh ngạc. Ba tôi đứng trước mặt nó, cao lớn, mặc quần áo đen. Mắt ông và mắt nó ngang tầm nhau. Từ từ, cha tôi bắt đầu đưa tay lên một lần nữa, và con ngựa phát khùng. Nó lùi lại, mắt sáng quắc, răng trắng nhởn, tung vó trước ra. Cha tôi lần này bước lùi lại. Con ngựa nhào xuống, cha tôi lao người tới trước. Trong một khoảnh khắc, tôi nhìn thấy nắm đấm của ông lơ lửng trên đầu nó. Bốn vó con ngựa đập xuống đất. Nắm tay ông, như một nhát búa, đập đánh rầm vào phía trên mắt nó. Tiếng nắm đấm vọng tít tới tường nhà. Con vật đứng đờ ra một thoáng, rồi từ từ khuỵu người xuống đầu gối, hai chân trước nhũn ra như đột nhiên biến thành cao su. Nhanh như chớp, cha tôi bước vụt sang bên, vỗ mạnh bàn tay vào cổ con ngựa. Nó ngã kềnh sang một bên. Nó nằm nguyên như thế mấy giây, người phập phồng, rồi ngẩng nhìn lên cha tôi. Bốn chúng tôi - hai cậu bé Mêhicô, Nêvađa và tôi - lặng thinh, đứng nhìn họ. Cái đầu con thú ngẩng lên hắt thành một bóng râm dài trên mặt đất rầm bụi của ràn ngựa. Bóng ấy bị nhòe to ra bởi bóng của cha tôi khi ông và con vật nhìn xói vào mắt nhau. Rồi con vật có vẻ như thở dài thở dài đánh sượt một cái rất to và lại vật đầu xuống đất. Cha tôi chằm chằm nhìn nó một lúc, rồi cúi xuống, cầm lấy mấy cái dây ở gần miệng con vật, lôi nó đứng dậy. Con ngựa đứng sững, chân run lẩy bẩy đầu cúi gục uể oải,không ngẩng lên ngay cả khi cha tôi vượt qua mặt nó, lách lại qua hàng rào tới chỗ chúng tôi. - Các anh từ giờ trở đi sẽ chẳng gặp phiền nhiễu gì với nó nữa đâu. – Cha tôi vắt lại sợi dây lên cọc và bước về phía tòa nhà. - Có vào ăn sáng cùng không, Giônơx? - Ông vẫn bước đều chân, không ngoảnh đầu lại, gọi với lên như thế. Nêvađa đã vào lại ràn ngựa và bước tới chỗ con vật đứng. “Vân, có ạ”, tôi đáp, đuổi theo ba tôi. Đến thềm sau thì tôi kịp ông. Chúng tôi cùng quay lại, ngắm Nêvađa đang leo lên con ngựa. Con vật nhảy chụm bốn vó, tung lên, vùng vằng, nhưng có thể dễ dàng thấy nó chả để tâm trí vào đó nữa. Ba tôi quay sang phía tôi, không mỉm cười. “Có một số con ngựa giống như người ấy. Cái ngôn ngữ duy nhất mà chúng hiểu là một quả đấm nện vào đầu”. - Con cứ ngỡ là ba không quan tâm về ngựa đến thế đâu - Tôi thốt lên. - Ba không bao giờ xuống ràn cả. - Tôi không quan tâm về chúng. - Ông đáp nhanh. - Anh mới là đều tôi quan tâm. Anh còn phải học hỏi nhiều thứ nữa lắm. Tôi bật cười. “Khối thứ con học được từ cú đấm của ba lên đầu con ngựa đấy”. - Anh đã học được một điều: rằng Nêvađa không thể cưỡi được con ngựa ấy cho tới khi tôi làm cho anh ta có thể cưỡi được. - Thế ạ? Cha tôi quay lại. Ông là một người cao lớn; hơn một mét tám, nhưng tôi còn cao hơn. “Thế đấy”, ông đáp chậm rãi, “dù mày có lớn phổng phao đến đâu, mày cũng không đủ to để xỏ vừa giày của ba đâu, cho đến khi nào ba cho phép mày mới được”. Tôi theo cha tôi bước vào phòng ăn. Lưng Raina quay lại phía tôi, mái tóc của em ánh lên như bạc khi em ngẩng má để đón cái hôn buổi sáng của ông. Cha tôi đứng thẳng người lại, nhìn tôi, mắt ánh lên một vẻ đắc thắng lặng lẽ. Ông không nói gì cả - ngồi xuống ghế của mình. Ông không cần phải nói. Tôi biết ông đang nghĩ gì. Ông không cần phải nện cho tôi một cú đấm vào đầu mới làm tôi tỉnh ra. - Ăn sáng cùng chúng tôi nhé, Giônơx? – Raina lịch sự mời. Tôi chằm chằm nhìn em một thoáng, rồi nhìn cha tôi. Một cảm giác buồn nôn quặn lên trong ruột tôi. “Không ạ. Xin cảm ơn. Tôi không thấy đói”. Tôi quay ngoắt người, bước vội ra cửa, xuýt nữa thì xô phải bác Rôbe đang bưng một cái khay vào. Đến khi tôi trở lại ràn ngựa, Nêvađa đang cho con ngựa hoang bước tiến bước lùi, dạy nó nhận hiệu cương. Ba nói đúng, con vật không gây gổ gì với Nêvađa nữa. Và giờ đây, sau mười hai năm, tôi vẫn còn nghe rõ mồn một giọng của ông lặng lẽ vọng lại trên cái thềm nhà buổi sáng hôm đó. - Xéo đi, ông già, xéo đi! – Tôi cáu kỉnh quát lên, đấm thình tay xuống mặt bàn trống rỗng. Cơn đau điên dại chạy xộc ngược lên tới bả vai tôi. - Ông Cođơ! - Tôi ngẩng phắt lên, ngạc nhiên. Morixây đang đứng ở ngưỡng cửa, miệng há hốc. Tôi cố gắng mới trở về được hiện tại. - Đừng có đứng sững như trời trồng thế! - Tôi gắt lên. - Vào đi! - Anh ta ngập ngừng bước vào. Một lát sau, Forextơ cũng hiện ra ở ngưỡng cửa, cũng lặng thinh đi vào theo. - Ngồi xuống các anh, uống hớp rượu nhé? – Tôi vừa nói vừa đẩy chai uyxky ngô về phía họ. - Xin để tôi tự nhiên. - Forextơ nhấc chai rượu và cái cốc giấy lên. Anh ta rót cho mình một cốc đầy tràn. - Mắt anh đỏ ngầu lên rồi kìa. - Vì viên tướng đấy. - Tôi đáp. - À mà lão ta giờ đâu rồi? - Trên đường về thành phố. Ông ấy có hẹn gặp tay chủ nhà máy làm giấy vệ sinh. Tôi bật cười. “Ít nhất thì ông ấy có thể tự mình kiểm tra được chất lượng của cái đó”. Forextơ bật cười theo, nhưng Morixây vẫn ngồi rầu rĩ. Tôi đẩy chai rượu về phía anh ta. “Ông bạn kiêng rượu à?” Anh ta lắc đầu. “Chúng ta làm gì bây giờ?” Tôi chăm chú nhìn anh ta một thoáng, rồi nhấc chai rượu lên, rót cho mình một cốc nữa. “Là tôi đang nghĩ về chuyện đến phải tuyên bố chiến tranh với Hoa Kỳ thôi. Đấy là cách để chúng ta chỉ cho lão ấy thấy máy bay của chúng ta tốt như thế nào”. Morixây vẫn không nhếch được mép để cười. “CA - 4 là cái máy bay tốt nhất mà tôi đã từng thiết kế”. - Thế thì sao hả? - Tôi đay lại. - Anh có tốn tiền quái gì về nó đâu. Tiền ấy là của tôi. Hơn nữa, thiết kế máy bay anh đã kiếm được gì ghê gớm đâu, được bao nhiêu nào? Thậm chí nó không được bằng một phần hai mươi số tiền bản quyền hàng năm về cái xu chiêng ranh mà anh đã thiết kế cho Raina Malovi ấy. Đúng vậy, chính Mac Alixtơ là ngời đã nhìn ra cái tầm lớn lao về thương mại của cái khỉ ấy và xin đăng ký phát minh mang tên Công ty máy bay Cođơ. Morixây có một hợp đồng làm việc tiêu chuẩn với công ty, trong đó quy định rằng tất cả những thiết kế và phát minh của anh là thuộc về công ty. Nhưng torng công việc này, Mac Alixtơ là người đàng hoàng trung thực. Anh đã đưa cho Morixây mười phần trăm lãi trong số tiền bản quyền phát minh, coi như tiền thưởng. Trong năm ngoái, phần của Morixây đã lớn hơn một trăm nghìn đôla nữa rồi. Thị trường đang ngày càng đòi hỏi mẫu ấy. Đã từ rất lâu, việc khoe cặp vú không bao giờ là mốt lạc hậu cả. Morixây không trả lời. Mà tôi cũng không hy vọng nhận được câu trả lời của anh chàng. Anh ta thuộc loại người không hề quan tâm tới tiền nong. Tất cà cuộc sống của anh ta là dành cho công việc. Tôi uống cạn chỗ rượu, rồi châm một điếu thuốc, thầm chửi rủa mình. Đáng nhẽ tôi không được để một lời nhóc vô tình đến cha tôi làm tôi phát bẳn lên như vậy. Tôi có thể chịu đựng được tổn thất vừa rồi. Nhưng có ma nào thích quẳng hành triệu bạc xuống cống đâu. - Có thể tôi sẽ làm được một điều gì đó. – Forextơ thốt lên. Một tia hy vọng lóe lên trong mắt Morixây. “Anh làm được ư?” Forextơ nhún vai. “Tôi không rõ”, anh nói chậm rãi, “tôi bảo là có thể thôi”. Tôi chằm chằm nhìn anh ta. “Anh nói có thể nghĩa là thế nào?” - Đây là cái máy bay tốt nhất tôi được thấy. Tôi không thích để không quân chúng tôi mất nó vì sự ngu ngốc của lão già. - Cám ơn. - Tôi đáp. - Chúng tôi sẽ rất biết ơn anh, nếu anh làm được một điều gì đó. Forextơ mỉm cười. “Anh chẳng cần phải chịu ơn tôi cái gì cả. Tôi là một trong những anh chàng thủ cựu, không thích thấy chúng ta bị thất thế nếu những trò đó nhiên lại bùng ra”. Tôi gật đầu. “Chúng rồi cũng sớm bùng ra thôi. Chừng nào Hitle nghĩ là hắn đã chuẩn bị xong”. - Anh cho là đến bao giờ?! - Ba, hay có lẽ là bốn năm nữa. - Tôi đáp, - khi chúng có đủ máy bay và phi công được đào tạo cẩn thận. - Hắn kiếm được ở đâu ra hả? Hiện hắn đã có gì đâu. - Hắn sẽ kiếm đủ. Hiện nay các chủ tàu lượn mỗi tháng cho ra mười nghìn phi công, và trước khi hết hè, Mexesmit sẽ đưa chiếc ME - 109 của ông ta vào dây chuyền sản xuất hàng loạt đấy. - Bộ tổng tham mưu cho rằng hắn sẽ chẳng làm được gì nhiều, khi hắn ta chạm tới tiến sĩ Maginô[56]. - Hắn ta sẽ không chạm tới nó. - Tôi đáp, hắn sẽ bay qua nó. Forextơ gật đầu. “Càng thêm lý do để cho tôi cố bảo họ xem xét máy bay của anh”. Anh ta nhìn tôi với ánh mắt là lạ. “Anh cứ như là người biết rõ chuyện ấy”. - Tôi biết. - Tôi đáp. - Tôi ở bên đó chưa đầy chính tháng trước. - À, phải. - Anh ta đáp. Tôi nhớ ra rồi. Tôi đọc báo thấy có nói đến việc đó. Hình như có chuyện om sòm gì đó, phải không? Tôi bật cười. “Có thể đấy. Một số người còn buộc cho tôi cái tội cảm tình quốc xã cơ”. - Bởi một triệu đôla anh chuyển cho Ngân hàng đế chế phải không? Tôi đưa mắt liếc nhanh anh ta. Forextơ không phải đù đờ đơn giản như ta giả vờ lộ ra bên ngoài. “Có lẽ thế”, tôi đáp, “anh biết đấy, tôi chuyển khoản tiền đó chỉ trước một ngày Rudơvelt ra lệnh cấm vận”. - Anh đã biết là sẽ có lệnh cấm vận, đúng không nào? Đáng nhẽ anh đã có thể cứu được tiền của anh rồi, bằng cách chỉ cần nán lại một ngày thôi. - Tôi không thể nán lại được, số tiền ấy phải đến được Đức, chỉ có vậy đối với nó thôi. - Sao thế? Tại sao anh lại gửi tiền cho chúng khi rõ ràng anh nhận thấy đó là kẻ thù tương lai của chúng ta? - Đó là tiền chuộc một người Do Thái. - Tôi đáp. - Một số người trong đám bạn bè tốt nhất của tôi là người Do Thái. - Forextơ nói. – Nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi việc gửi đi một triệu đô để chuộc một người Do Thái. Tôi chằm chằm nhìn anh ta một thoáng, rồi rót rượu thêm vào cốc giấy của tôi. “Người này xứng đáng với số tiền ấy”. Tên ông ta là Ôtô Xtraxme, và ông ta bắt đầu cuộc đời từ cái chân kỹ sư kiểm tra chất lượng torng một nhà máy sứ mà miền Bavaria có vô số. Từ sành sứ, ông chuyển qua chất dẻo, ông chính là người phát minh ra cái khuôn cao tốc mà tôi đã mua và bán lại cho một loạt các nhà sản xuất Mỹ. Hợp đồng đầu tiên của chúng tôi là dựa trên cơ sở tính theo quyền phát minh, nhưng sau khi nó đã được áp dụng mấy năm, Xtraxme muốn thay đổi nó. Khi đó là năm 1933, Hitle vừa lên nắm chính quyền. Ông đến phòng khách sạn của tôi ở Beclin, nơi tôi vừa tối trong chuyến đi châu u hằng năm của mình, và giải thích ông muốn gì. Ông sẵn sàng từ bỏ tất cả lợi nhuận trong tương lai tính theo bản quyền để lấy ngay một triệu đôla, ghi lại thành văn bằng do người thứ ba giữ cho ông ta ở Mỹ. Tất nhiên, tôi đồng ý theo như thế. Phần lợi nhuận bản quyền của ông ta còn cao hơn thế, tính đến hết hợp đồng. Nhưng tôi không hiểu vì sao. Và tôi hỏi ông. Ông đứng dậy khỏi ghế, đi đến bên cửa sổ. “Ông hỏi tôi tại sao ư, thưa ông Cođơ?” Ông ta lặp lại, giọng nói tiếng anh lơ lớ rất lạ. Tay ông ta chỉ ra cửa sổ. “Kia là lý do tại sao đấy”. Tôi đi đến cửa sổ, cúi nhìn xuống đường. Trên phố, trước cổng Ađlơn, một nhóm thanh niên, hầu như là choai choai mới lớn, mặc sơmi nâu, đang hành hạ một ông già mặc áo choàng dài. Trong lúc chúng tôi nhìn, hai lần bọn chúng đánh ông ngã xuống rãnh nước. Chúng tôi có thể thấy rõ ông đang nằm vật ở rìa hè, đầu gục xuống rãnh nước lể đường, máu ròng ròng nhỏ ra từ mũi. Đám nhãi con đứng sững hồi lâu nhìn ông, rồi bỏ đi, sau khi đã khinh miệt đá bình bịch vào ông mấy cái nữa. Tôi quay lại nhìn Xtraxme, ngỡ ngàng. - Đó là một người Do Thái, ông Cođơ ạ. - Ông khẽ nói. - Thế thì tại sao? Tại sao ông ta không gọi cảnh sát? Xtraxme chỉ tay ngang qua đường. Hai viên cảnh sát đang đứng ở góc đối diện. “Họ đã nhìn thấy mọi chuyện xảy ra”. - Sao họ không ngăn chúng lại? - Họ được chỉ thị không làm gì cả. Hitle tuyên bố rằng dưới pháp lực Đức, người Do Thái không có quyền gì cả. - Điều ấy có liên quan gì đến ông? - Tôi là một người Do Thái. - Ông nói đơn giản. Tôi lặng thinh hồi lâu. Rồi lấy ra một điếu thuốc, châm lửa. “Ông muốn tôi làm gì với số tiền ấy nào?”. Giữ nó cho đến khi ông nghe được tin tức về tôi. - Ông mỉm cười. - Vợ và con gái tôi đã ở Mỹ rồi. Tôi rất biết ơn nếu ông báo cho họ biết là tôi vẫn bình thường yên ổn. - Tại sao ông không sang ở với họ? - Tôi hỏi. - Có lẽ sẽ sang... đến một lúc nào đó. Nhưng tôi là người Đức. Và tôi vẫn hy vọng cơn điên này một ngày nào đó sẽ qua đi. Nhưng hy vọng của ông Xtraxme đã không trở thành hiện thực. Điều này tôi hiểu ra trong vòng chưa đầy một năm sau, khi ngồi trong văn phòng của Thống chế không quân Đức. “Bọn Do Thái trên thế giới này đã đến ngày tận số”. Gơrinh lịch thiệp đáp. “Chúng tôi, người của Trật tự mới, nhận thức được điều đó và hoan nghênh bạn bè và đồng minh của chúng tôi ở bên kai đại dương, những người mong muốn cùng tham gia cuộc thập chinh với chúng tôi”. Tôi lặng thinh chờ ông ta tiếp tục nói. - Chúng ta, những con người của không trung, rất hiểu nhau. Tôi gật đầu. “Vâng, thưa ngài Thống chế”. - Tốt lắm. - Ông ta nói, và mỉm cười. - Vậy thì ta đừng lãng phí thời gian nữa. - Ông ta ném mấy tờ giấy lên mặt bàn. - Theo điều luật mới. Đế chế đã tịch thu tài sản của một ông già Ôtô Xtraxme nào đó. Theo chúng tôi hiểu, có những khoản tiền gã ta nhận từ ông; do vậy ông sẽ được hướng dẫn và trả vào Ngân hàng đế chế. Tôi không ưa cái từ “được hướng dẫn” chút nào cả. “Tôi đã và đang cố liên lạc với Xtraxme”, tôi nói. Gơrinh lại mỉm cười. “Xtraxme bị suy sụp sức khỏe khá nặng nề và hiện đang phải ở trong một bệnh viện”. - Tôi thấy rồi. - Tôi đáp, và đứng dậy. - Đế chế thứ ba sẽ không quên bè bạn của mình, - Viên thống chế nói, tay ấn lên cái nút đặt trên bàn giấy. Một trung úy Đức trẻ tuổi hiện ra ở ngưỡng cửa. “Hail Hitle!” Gã kêu to, giơ thẳng tay chào theo kiểu quốc xã. - Hail Hitle! - Gơ rinh lơ đãng đáp. Ông ta quay sang tôi. - Trung úy Muyle sẽ tháp tùng ông đến nhà máy Mexismit. Tôi chờ đón gặp ông ở bữa tiệc chiều đấy, ông Cođơ ạ. Nhà máy Mexismit đã làm tôi sáng mắt. Không có một cái nào được như nó đang làm máy bay ở Mỹ cả. Những gì duy nhất có thể so sánh được với nó là các dây chuyền sản xuất ôtô ở Đitrôit. Và khi tôi được nhìn vào vài phác thảo của chiếc ME - 109 trang trí torng văn phòng của Mexismit, tôi không cần phải trố mắt xem lại đến lần thứ hai. Chỉ có thể thét lên chịu thua nếu như không mau mau thoát khỏi cái đám khú đỉn chung của tất cả chúng ta. Tối ấy, tại bữa tiệc chiều, viên thống chế không quân Đức kéo tôi vào một góc. “Ông nghĩ về nhà máy của chúng tôi thế nào hả?” - Gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Ông ta gật đầu, hài lòng. Nó bắt chước mẫu nàh máy của ông ở Caliphonia đấy. Nhưng lớn hơn rất nhiều, tất nhiên”. - Tất nhiên. - Tôi đồng ý. Không hiểu họ làm sao mà tới được đó nhỉ. Rồi tôi hiểu ra, chúng tôi có giữ bí mật gì về nó đâu. Cho tới nay, chúng tôi chưa bao giờ nhận được hợp đồng nào của chính quyền cả; tất cả những gì chúng tôi làm đều là máy bay thương mại. Ông ta cười to, khoái chí, rồi quay người chực bỏ đi. Một thoáng sau, ông ta quay lại. “À mà nhân tiện câu chuyện, tôi xin nói”, ông ta thì thào. “Lãnh tụ[57] rất hài lòng về sự cộng tác của ông đấy. Liệu khi nào chúng tôi có thể thông báo với Người rằng chúng tôi sẽ nhận được tiền của ông?”. Tôi nhìn thẳng vào ông ta. “Trong cái ngày ông Xtraxme bước vào văn phòng của tôi ở Niu Yooc”. Ông ta cũng tròn mắt nhìn lại tôi. “Lãnh tụ sẽ không thích chuyện này đâu”, ông ta thốt lên, “tôi đã bảo với Người rằng ông là bạn của chúng tôi”. - Tôi cũng là bạn của ông Xtraxme. Ông ta vẫn tròn mắt nhìn tôi. “Tôi không biết bây giờ sẽ ăn nói ra sao với Lãnh tụ đây. Chắc chắn là Người sẽ rất thất vọng khi biết rằng chúng ta sẽ không nhận được số tiền đó”. - Trong trường hợp đó, - tôi đáp, - tại sao lại phải làm ông ấy thất vọng cơ chứ? Thêm hay bớt một người Do Thái cũng chả ảnh hướng đến nước Đức nhiều nhặn gì cho lắm. Ông ta từ từ gật đầu. “Có lẽ đấy là cách tốt nhất thật”. Đúng một tháng sau, người kỹ sư Đức nhỏ bé bước vào văn phòng của tôi ở Niu Yooc. - Ông định sẽ làm gì bây giờ? - Tôi hỏi. - Đầu tiên, tôi sẽ về với gia đình ở Colôrađô, nghỉ ngơi một chút. - Ông đáp. - Rồi tôi sẽ phải tìm việc làm. Tôi không còn là người giàu nữa rồi. Tôi mỉm cười với ông ta. “Hãy đến làm với tôi. Tôi sẽ tính cái món một triệu đôla ấy là khoản tạm ứng, trừn vào khoản tiền lãi bản quyền của cụ đấy”. Khi ông đi khỏi, tôi đồng ý để Morixây tiếp tục cái CA - 4. Nếu linh cảm của tôi mà đúng, thì sẽ không còn đủ thời gian cho bất kỳ một ai trong số chúng ta nữa đâu. Nhưng làm cho Hoa Kỳ tin như thế, thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Tôi quay nhìn Forextơ qua mặt bàn. - Tôi sẽ quay về thành phố, gọi mấy cú điện thoại về Oashingtơn. Tôi vẫn còn một số bạn hữu ở đó. - Anh nói. - Tôi sẽ ghé lại, nói thêm với ông tướng. May ra tôi có thể thuyết phục ông ta lắng nghe anh. - Tốt lắm. - Tôi thốt lên, đưa mắt nhìn đồng hồ tay. Đã gần mười hai rưỡi. Cuộc họp các cổ đông lúc này đã tan. Mac Alixtơ và Piơx chắc đã về lại đến khách sạn và đã gọn gàng nhét được Noman vào túi quần sau của họ rồi. - Tôi có việc hẹn ở khách sạn Oanđơf lúc một giờ. - Tôi nói, - Tôi có thể chở anh về cùng không? - Cám ơn, Forextơ thốt lên cảm kích, - Tôi cũng có một bữa tiệc trưa rất ngại đến trễ đấy. Anh ta đi cùng đến Oanđơf với tôi rồi rẽ ngoặt sang Piooc trong khi tôi đi bộ tới chỗ thang máy. Tôi đứng đợi thang và nhìn thấy một người phụ nữ đứng dậy đón anh ta. Vẫn cái cô tôi đã nhìn thấy đi với anh ta ngoài sân bay. Mơ hồ, tôi thầm hỏi sao cô ta không đợi ở ngoài đó rồi về cùng nhỉ. Lơ đãng, tôi nhìn Ricô, quản gia khách sạn, dẫn hai người đi vòng qua gác, đưa vào một cái bàn khuất. Tôi bước tới lối ra vào, đứng đó cho đến khi bác đó quay lại. - A, Mơxiơ Cođơ. – Bác ta mỉm cười. – Ăn cơm một mình sao? - Không phải ăn cơm đâu, bác Ricô ạ. - Tôi đáp, ấn vào tay bác ta một tờ bạc. - Một câu hỏi. Cái bà đi với trung tá Forextơ... Ai thế? Ricô tủm tỉm cười, tỏ ý hiểu biết. Bác hôn hôn mấy ngón tay của mình. “À, quyến rũ[58]”, bác ta đáp, “đó là bà Gađix, phu nhân của tướng quân Gađix”. Trên đường quay lại thang máy, tôi vừa đi vừa ngó quanh các phía hành lang. Viên tướng chắc cũng ở quanh quẩn đâu đây thôi. Từ những gì tôi nhìn thấy thái độ của ông ta đối xử với Forextơ, tôi đã đoán rằng giữa hai người, không chỉ có chuyện quân đội với máy bay máy biếc đâu. Tôi nhìn thấy ông ta vừa lúc ông ta đi ngang qua hành lang vào nhà vệ sinh nam, cạnh thang máy. Mặt ông ta hằm hằm, đỏ tía lên. Tôi chờ cánh cửa sập lại hẳn sau ông ta rồi mới bước tới thang máy. Kể từ khi chiếc CA - 4 hạ cánh xuống Rudơvelt tới giờ, lúc này tôi mới cảm thấy dễ chịu. Mọi thứ đang đâu vào đấy. Tôi không còn lo lắng nữa. Vấn đề duy nhất, còn lại là quân đội sẽ mua máy bay với số lượng bao nhiêu. 3 Cái điều tôi mong muốn nhất lúc này là tắm một tý rồi chợp mắt lấy một chốc. Sáng đó, mãi đến năm giờ, tôi vẫn chưa ngủ được. Tôi thả quần áo rơi xuống cái ghế, bước vào buồng tắm, đứng dưới vòi hoa sen, vặn nước ra. Các bắp thịt cứng đờ của tôi dưới làn nước ấm dịu cảm thấy giãn ra rõ rệt. Trong khi tắm, tôi nghe thấy chuông điện thoại réo vang nhiều lần như cứ kệ. Khi bước ra, tôi cầm máy nói với cô tổng đài là từ giờ đến bốn giờ tôi không muốn nghe một cuộc nói chuyện điện thoại nào hết. - Nhưng ông Mac Alixtơ bảo tôi gọi cho ông ngay khi ông vừa mới đến. - Cô ta kêu ré lên. - Ông ấy bảo việc quan trọng lắm. - Cô có thể nối máy cho ông ấy vào lúc bốn giờn. – Tôi nói, thả ống nghe xuống, ngã ra giường và ngủ thiếp ngay như một đứa trẻ. Tiếng chuông réo làm cho tôi choàng tỉnh, vừa với lấy điện thoại tôi vừa ngó đồng hồ tay. “Đúng bốn giờ”. Mac gọi. “Tôi lùng anh suốt cả chiều đến giờ”, anh thốt lên, anh rúc vào cái xó nào thế hả?” - Tôi ngủ. - Ngủ! - Anh kêu tướng lên. - Chúng ta sẽ có một cuộc họp bạn giám đốc ở văn phòng của Noman. Ngay bây giờ phải tới đó rồi. - Thì anh có bảo gì tôi đâu. - Tôi bảo anh thế chó nào được, khi anh không buồn trả lời điện thoại thế hả? - Tìm tướng Gađix hộ tôi cái, - tôi nói với cô tổng đài, - tôi cho là ông ấy cũng ở đây đấy. Vừa đợi, tôi vừa châm một điếu thuốc lá. Ống nghe kêu đánh tách bên tai tôi. “Tướng Gađix đang nói đây”. - Thưa tướng quân, tôi là Giônơx Cođơ. Tôi đang ở trong phòng của tôi. Ba mốt - mười lăm, khu Tháp. Tôi muốn nói chuyện với ngài. Giọng viên tướng lạnh lùng. “Chúng ta không có gì để nói với nhau cả. Anh là một gã nhãi ranh bố láo đến vô lương, một...” - Tướng quân, tôi không muốn bàn về tác phong của tôi, - tôi ngắt lời, - mà là vợ ngài kìa. Có thể nghe thấy rõ ông ta lắp bắp qua ống nói. “Vợ tôi? Cô ta thì có dính gì vào việc của chúng ta?” - Rất nhiều đấy, tướng quân ạ, tôi tin như vậy. - Tôi đáp. - Cả hai chúng ta đều biết ai là người cô ấy gặp gỡ ở Piooc lúc một giờ. Tôi không thể tin được rằng Bộ Chiến tranh sẽ đồng tình với chuyện để một mâu thuẫn cá nhân là cơ sở cho việc từ chối chiếc CA - 4 đâu. Ống nghe lặng ngắt. - À, mà nhân tiện, xin hỏi ngài thích dùng đồ uống gì nhỉ? - Xcotch. - Ông ta đáp theo thói quen máy móc. - Tốt lắm, tôi sẽ cho gọi một chai lên đây, chờ ngài. Mười lăm phút nữa, được không nhỉ? Trước khi ông ta kịp trả lời, tôi đã gác máy và gọi hầu phòng. Đang đợi trả lời, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. “Vào đi”, tôi kêu váng lên. Ngồi trên giường, tôi thấy Mac và Đan bước vào. Tới buồn ngủ, mặt Mác vẫn có vẻ tư lự như thường lệ, còn mặc Đan thì ngoác ra trong một nụ cười. Ông ta đang sắp đạt được mọi cái mà ông ta hằng mong muốn. Cuối cùng hầu phòng cũng tới. Từ đằng xa, tôi đã nghe thấy tiếng bát đĩa chạm nhau lanh canh, và đột nhiên cảm thấy đói ngấu. Từ bữa điểm tâm tới giờ, tôi chưa hề ăn thêm gì cả. Tôi gọi ba suất bánh mì thịt bò, một chai sữa, một bình cà phê đen, một chai Xcotcht, hai chai uyxky, một suất kép thịt rán kiểu Pháp. Đặt ống nghe xuống, tôi nhìn hai người. “Thế nào, chuyện xảy ra sao?” - Bơny kêu rống lên như lợn bị chọc tiết, - Đan ngoác miệng cười. - Nhưng chúng tôi đã túm được tóc gáy của ông ta, và ông ta biết rõ điều ấy. - Thế còn cổ phần của ông ta? - Tôi không rõ, Giônơx ạ, - Mac đáp. – Ông ta không nói với Đan. - Tuy vậy, tôi đã nói với Đêviđ Ulf. - Đan nói nhanh, - tôi bảo anh ta làm cho ông cậu muốn bán đi, nếu không chúng ta sẽ làm cho công ty lão phá sản. - Anh đã có được Mục bảy hai lăm đấy chưa? - Tôi hỏi Mac. Anh biết tôi muốn nói gì - một kiến nghị cử người nhận trong trường hợp phá sản. - Trong cặp tôi đây rồi. Trước cuộc họp sáng nay, tôi đã có cuộc thảo luận ngắn với các luật sư của ta ở đây. Họ đều cảm thấy có thể xoay được một kiến nghị chỉ định người nhận hết mức có lợi. Tôi chằm chằm nhìn thẳng vào anh. “Anh có vẻ không vui thích về chuyện này thì phải”. - Tôi không vui. - Anh đáp. - Noman là một lão già ranh ma. Tôi không nghĩ là anh chơi lão dễ thế được. Lão ta biết rõ là nếu anh làm phá sản Công ty, anh cũng phải mất ngang như bất kỳ người nào khác. - Và lão ta cũng là một thằng cha khốn kiếp, tham lam. Lão sẽ không chịu để mất những gì lão ki cóp được nhằm để thỏa mãn thấy tôi cũng mất như lão đâu. - Tôi hy vọng là anh đúng. - Ta sẽ sớm thấy ngay thôi mà. - Tôi quay sang Đan. - Ông đã có thể liên lạc được với Raina chưa? Ông ta lắc đầu. “Tôi đã cố tất cả mọi nơi. Vẫn không may. Nhà cô ta không có trả lời. Xưởng phim không rõ cô ta ở đâu. Thậm chí tôi có liên lạc với cả Luêla nhưng cô ấy cũng chịu không biết!”. - Tiếp tục tìm đi, - Tôi nói, - chúng ta phải tìm ra cô ấy. Tôi muốn cô ấy đọc cái kịch bản đó. - Tôi cũng vậy. - Đan đáp. - Cô ấy là người duy nhất làm ta nổi đình nổi đám, nhất là khi tôi có cái của Đờ Milơ ấy sang tên từ hãng Paramout. - Paramout ôkê nó rồi ư? - Sáng nay, - ông ta đáp, - tôi đang có trong túi đây một bức điện từ Zuco. - Tốt lắm. –-Tôi đáp. Đây sẽ là bộ phim vĩ đại nhất từ trước đến nay, lại làm ngay ở ngõ Đờ Milơ nữa chứ. Chúng tôi sẽ quay nó bằng một loạt phim màu mới, gọi là Têchnicalơ, và sẽ tốn khoảng sáu triệu. Đó là câu chuyện về Mary Magđalen[59]. Chúng tôi sẽ gọi nó là Người có tội. - Anh làm thế có phải là tự mình hơi vội không nhỉ? - Mac Alixtơ hỏi. - Thế nhỡ cô ấy không muốn đóng nó thì sao? - Cô ta sẽ đóng. - Tôi đáp.- Thế anh nghĩ tôi muốn cái công ty Noman để làm khỉ gì nữa nào? Hợp đồng với cô ấy là tài sản duy nhất mà họ có. - Nhưng hợp đồng ấy cho quyền cô ấy tán thành kịch bản. - Cô ấy sẽ tán thành. - Tôi đáp. Em sẽ phải tán thành. Tôi đã cho viết cái của ấy chính là để dành riêng cho em. Khi hầu phòng mang thức ăn tới, tôi tung chân vắt qua giường, bảo anh ta dọn bàn ăn ngay trước mặt tôi. Đến bây giờ tôi mới nhận thấy tôi đói như thế nào. Cho đến khi cậu hầu bàn đi khuất ra khỏi cửa, tôi đã ăn hết vèo một cái bánh mì thịt bò và uống cạn nửa chai sữa. Đang ăn dở cái bánh mì thứ hai, tôi thấy viên tướng bước vào. Đan đưa ông ta tới phòng ngủ, và tôi giới thiệu ba người với nhau. Rồi tôi xin lỗi Đan và Mac để chúng tôi ở lại một mình. - Xin mời ngài ngồi, thưa tướng quân. - Tôi nói khi cửa ra vào đã đóng lại. - Và xin cứ rót rượu ra mà uống. Chai Xcotch ở trên bàn đấy ạ. - Không, cám ơn. – Ông ta đáp cộc lốc, vẫn đứng sừng sững. Tôi nhún vai, nhặt cái bánh mì thứ ba lên. Tôi đi thẳng luôn vào việc. “Nếu tôi bảo Forextơ rời khỏi quân đội, ngài thấy thế nào?”. - Cái gì đã làm anh nghĩ là tôi muốn thế hả? Tôi nuốt một mồm đầy bánh mì. “Thưa tướng quân, ta đừng vờ vĩnh loanh quanh nữa. Tôi là thằng cũng lớn rồi, cũng có con mắt biết nhìn. Tất cả những gì tôi muốn là một cuộc kiểm nghiệm công bằng chiêc CA - 4 thôi. Từ sau đó trở đi, quyền là ở ngài. Không còn cái gì ép buộc nữa đâu”. - Cái gì đã làm anh nghĩ rằng tôi sẽ không tổ chức một cuộc kiểm nghiệm công bằng cái máy bay của anh nào? Tôi mỉm cười nhìn ông ta. “Và để thổi thêm hình ảnh của Forextơ trong mắt bà nhà chăng?” Tôi cảm thấy rõ sự căng thẳng đã rời bỏ ông ta. Trong một thoáng, tôi gần như cảm thấy ái ngại cho ông ta. Cái ngôi sao thiếu tướng trên vai ông ta chả có nghĩa lý gì hết. Ông ta chỉ là một người đàn ông già nua đang cố giữ lấy bà vợ trẻ của mình. Tôi thấy muốn bảo cho ông ta thôi cái trò tự làm hại mình đi. Nếu không phải Forextơ, thì sớm muộn cũng sẽ là một thằng cha nào đó. - Có lẽ tôi phải uống một chút gì mất. - Xin ngài cứ tự nhiên. Ông ta mở một chai rượu, rót cho mình một cốc nguyên không pha. Ông ta uống cạn, rồi buông mình xuống cái ghế đối diện tôi. “Vợ tôi không phải một người tồi, ông Cođơ ạ”, ông ta thốt lên, gần như là xin lỗi, “có điều cô ấy còn trẻ quá... và dễ bị xúc động”. Ông ta không lừa tôi. Nhưng không hiểu ông ta có đang tự dối lòng ông ta hay không. “Tôi hiểu, thưa tướng quân”. - Ông hiểu với các cô gái trẻ thì chuyện như thế nào rồi đấy. - Ông ta tiếp tục nói. – Họ chỉ nhìn thấy ánh hào quang, thấy vẻ rực rỡ của bộ quân phục. Một người đàn ông như Forextơ... phải, dễ hiểu thôi. Đôi cánh bạc trên ve áo anh ta, Thập tự bay xuất sắc, rồi Thập tự chiến tranh của Pháp nữa. Tôi lặng lẽ gật đầu, rót cho mình một tách cà phê đen. - Tôi cho rằng đấy là kiểu người lính mà cô ấy nghĩ tôi là thế, khi cô ấy lấy tôi. - Ông ta trầm ngâm thốt lên. - Nhưng chẳng bao lâu sau, cô ấy đã nhận ra rằng tôi chẳng là cái gì sất cả, chỉ là một lão đặt hàng vinh quang mà thôi. Ông ta lại rót thêm vào cốc rượu của mình rồi nhìn thẳng vào tôi. “Quân đội ngày nay là một bộ máy phức tạp, ông Cođơ ạ. Mỗi một người lính ở tiền tuyến muốn chiến đấu được là cần phải có năm hay sáu người khác ở đằng sau lo việc cung cấp cho anh ta. Tôi luôn tự hào với bản thân vì tôi đã chú ý lo lắng để anh ta được cung cấp những thứ tốt nhất”. - Thưa tướng quân, tôi cũng rất tin như vậy. - Tôi đáp và đặt tách cà phê xuống. Ông ta đứng dậy, cúi xuống nhìn tôi. Có thể đó là do tôi tưởng tượng nhưng ông ta càng nói, người ông ta càng như lớn lên, căng thẳng ra trước mặt tôi. “Chính vì thế mà tôi đến đây nói chuyện với ông, ông Côđơ ạ”, ông ta nói với vẻ kiêu hãnh đàng hoàng, kín đáo, “không phải bởi vì ông đã chọn vợ tôi làm chủ đề nói thêm, không hề liên quan đến công việcc kia; mà là để báo cho ông biết rằng một nhóm kiểm nghiệm sẽ có mặt ở sân bay Rudơvelt sáng mai để xem xét cái máy bay của ông. Sáng nay, khi về tới thành phố tôi đã yêu cầu ngay như thế. Tôi đã gọi điện cho ông Morixây nhưng chắc là ông ấy không thể báo cho ông được vì trắc trở gì đó”. Tôi ngẩng lên nhìn ông ta, ngạc nhiên. Một cảm giác hổ thẹn nghẹn trong người tôi. Trước khi xổ thốc xổ tháo mồm miệng như thế, đáng nhẽ tôi phải còn đủ trí khôn để gọi cho Morixây xem tình hình ra sao mới đúng. Một nụ cười thoáng hiện trên mặt viên tướng. “Ông thấy đấy, ông Cođơ. Ông không phải thỏa thuận gì với tôi về chuyện Forextơ để ép tôi cả. Nếu máy bay của ông qua được cuộc kiểm tra, quân đội sẽ mua nó”. Cửa ra vào khép lại sau lưng ông ta. Tôi với lấy một điếu thuốc. Ngả người vào thành giường ở phía đầu, tôi rít một hơi thuốc sâu vào trong hai cánh phổi. Cô tổng đài ở khách sạn Chatham đã tìm thấy Forextơ ở quầy rượu. “Giônơx Cođơ”, tôi nói. “Tôi đang ở khách sạn tháp Oanđơf cuối phố. Tôi muốn gặp anh nói chuyện”. - Tôi cũng muốn nói chuyện với anh. - Anh ta đáp. - Sáng mai họ sẽ kiểm tra máy bay của anh đấy. - Tôi biết rồi, đấy là điều tôi muốn bàn với anh. Chưa đầy mười phút sau, anh ta đã có mặt ở phòng tôi. Mặt anh chàng đỏ ửng, nom anh ta hình như đã bỏ cả buổi chiều ngồi chết gí với một chai rượu. “Có vẻ như lão già đã nhìn ra vấn đề hay sao ấy”, anh ta thốt lên. - Anh thực nghĩ như vậy ư? - Tôi hỏi, trong khi anh ta đang rót cho mình một cốc. - Muốn nói gì thì nói. Nhưng Gađix là một người lính tốt. Ông ta biết làm việc. - Rót cho tôi xin một cốc với, - tôi nói. Anh ta nhặt một cái cốc nữa, rót rượu, rồi chìa ra cho tôi. Tôi cầm lấy. “Tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc anh nên thôi cái trò lính tráng rồi đó”. Anh ta tròn mắt nhìn tôi. “Anh định tính cái gì thế?” - Tôi nghĩ rằng từ nay trở đi Công ty máy bay Cođơ sẽ làm ăn với quân đội khá nhiều. Và tôi cần một người hiểu biết các mối dây - đám chỉ huy quân sự, những gì họ muốn ở một cái máy bay. Lập các quan hệ bạn bè cho chúng tôi, tiến hành các cuộc tiếp xúc. Anh biết tôi định nói gì rồi đấy. - Tôi hiểu ý anh định nói gì rồi. - Anh ta thốt lên. - Kiểu như là không được gặp gỡ với Vơgina Gađix nữa vì như thế sẽ chăng hay ho gì cho công ty cả, chứ gì? - Đại để là như vậy đấy. - Tôi lặng lẽ đáp. Anh ta dốc tuột cả chỗ rượu vào họng. “Tôi không biết mình làm thế liệu có nên trò trống gì không. Tôi đã ở trong không quân từ thuở còn là một đứa bé con cơ”. - Nếu không thử thì không bao giờ anh có thể biết được. Hơn nữa anh sẽ có ích cho không quân nhiều hơn khi anh đã ra ngoài: sẽ không còn ai ngăn chặn anh nữa, nhếu như anh muốn thực hiện một ý định nào đó. Anh ta nhìn tôi. “Nói tới ý định”, anh ta thốt lên, “vậy ý định này là của ai - anh hay Gađix?” - Của tôi. Tôi đã quyết định sáng nay sau khi ta nói chuyện ở trong văn phòng của Morixây. Và nó không liên quan gì tới việc người ta có chấp được cái CA - 4 hay không. Anh ta đột ngột nhoẻn miệng cười. “Tôi cũng đã quyết định sáng hôm nay”. Anh ta nói, - “Tôi sẽ nhận việc đó, nếu anh đề nghị tôi”. - Anh thích bắt đầu từ chức vụ nào? - Tôi hỏi. - Cầm đầu. - Anh ta đáp tức thì. - Quân đội không tộn trọng ai khác ngoài người cầm đầu. - Hợp lý đấy. - Tôi nói. - Điều đó có lý. Anh là chủ tịch mới của Công ty máy bay Cođơ. Anh muốn lương bao nhiêu? - Anh đã để cho tôi chọn chức vụ. Tôi sẽ để cho anh đặt lương. - Hăm nhăm ngàn một năm cộng thêm chi phí làm việc. Anh ta huýt lên tiếng sáo. “Anh không phải tốn kém đến thế đâu. Gấp bốn lần chỗ tôi nhận hiện nay đấy”. - Này, nhớ lấy lời vừa rồi khi đến đòi tăng lương thêm đấy nhé! - Tôi nói. Cả hai đều phá lên cười, chạm cốc. “Có một vài cái thay đổi trên máy bay tôi muốn bàn với anh trước khi có cuộc kiểm tra ngày mai”, anh ta nói. Đúng lúc đó, Mac Alixtơ bước vào phòng ngủ. “Giônơx, gần sáu giờ rồi”, anh thốt lên, “anh nghĩ ta có thể bắt họ chờ thêm được bao lâu nữa hả? Đan vừa gọi điện nói chuyện với Đêviđ Ulf xong. Anh ta nói rằng Noman đang dọa bỏ đi đấy”. - Mặc quần ngoài xong là tôi đi với các anh ngay đấy. - Tôi đang cài khuy áo sơ mi thì chuông điện thoại réo vang. - Nghe hộ tôi tý, anh Mac. - Thế còn những thay đổi thì sao? - Forextơ hỏi trong khi Mac cầm máy. - Anh ra sân bay và cùng thực hiện với Morixây. - Lôx Angiơlex gọi. - Mac nói, và đưa tay bịt ống nghe lại. - Ta không còn nhiều thời gian nữa đâu. Tôi nhìn anh một thoáng. “Bảo họ rằng tôi vừa mới đi họp. Rằng hai tiếng nữa họ có thể gọi đến văn phòng Noman sẽ được gặp tôi”. 4 Trời bắt đầu mát dần, và các cô gái đang từ nhà mình đổ ra đại lộ Pac, mặc váy áo mùa hè, khăn lông hờ hững vắt trên vai. Trên đại lộ sốn sáu, các cô gái đang đổ ra rất đông. Nhưng những cô này không bước vào xe tắc xi; họ vội vàng rảo bước tới đường xe điện ngầm,mất hút vào những lối hun hút ấy, vui mừng vì thế là đã xong một ngày làm việc. Niu Yooc có một nhịp sống hừng hực biến dạng rất buồn cười, đối lập hẳn với không khí ủ ê đình trệ đang bao trùm cả đất nước[60]. Các tòa nhà mới đang mọc lên ở lên, bất chấp những lời rền rĩ kêu rên của Phố Uôn - các tòa văn phòng, những căn hộ đắt tiền. Nếu như tất cả tiền bạc đều đã mất tiêu như người ta cho rằng thế, vậy thì làm sao có nhiều gái điếm loại sang vẫn sống trong những khu tốt nhất như thế này? Không, tiền có mất đâu. Nó chỉ chốn đi thôi, chui tuột xuống đất như một con chuột chũi để lại ngoi lên khi các mối bấp bênh đã giảm đi, thời cơ sinh lợi đã lớn hơn. Trên đại lộ số sáu, các bảng thông báo nằm hững hờ trước các văn phòng tìm việc. Đám bảng đen với dòng chữ ghi tên công việc bằng phấn trắng ấy nom cũng đã bắt đầu mệt mỏi. Và những cô gái ăn sương hai đôla một lần cũng đã bắt đầu phát vãng phất phơ kiếm khách của mình. Một em trong toán ấy, đứng ở rìa đám đông, quay ra nhìn tôi khi tôi đi ngang qua. Mắt cô ta to, mệt mỏi, rầu rĩ và thông minh. Tôi nghe được tiếng thì thào từ đôi môi hầu như bất động của cô nàng: “Anh yêu ơi, anh là người đầu tiên hôm nay đấy. Thế nào, bắt đầu một ngày mới đi chứ?” Tôi nhoẻn cười với cô ta; và cô ta cho đó là một dấu hiệu khích lệ. Cô ta tiến lại chỗ tôi. “Chỉ hai tờ thôi”, cô ta thì thào nhanh, “và em sẽ dạy cho anh những cái mà anh không bao giờ học được ở trường cả”. Tôi dừng lại, tủm tỉm cười. “Anh tin là nhất định thế”. Mac và Đan đã đi quá tôi được mấy bước. Mac quay ngoắt lại nhìn tôi, vẻ khó chịu. Người đàn bà đưa mắt nhìn loáng họ một cái, rồi quay sang tôi. “Anh bảo với các bạn mình đi, rằng em sẽ tính giá đặc biệt cho cả ba anh. Năm tờ thôi”. Tôi thọc tay vào túi, lôi ra một đôla, ấn vào tay cô gái. “Để khi khác nhé. Nhưng anh nghĩ là mấy ông giáo kia của anh không thích thế đâu”. Cô ta cúi nhìn tờ một đôla. Một ánh hài hước lóe lên trong cặp mắt đen mệt mỏi của cô ta. “Chính những anh chàng như anh đã làm hư con người ta đấy, làm cho người ta thấy khó không muốn hành nghề được nữa”. Cô gái đâm nhào vào một quán rượu bên kia đường trong khi chúng tôi rẽ vào hành lang của tòa nhà mới thuộc Trung tâm Rocơfelo. Vào đến văn phòng ban giám đốc, tôi vẫn còn tủm tỉm cười. Noman ngồi ở đầu cái bàn dài, Đêviđ Ulf ngồi bên phải ông ta, còn bên trái là một người đàn ông tôi đã từng gặp ở xưởng quay, Ơnơxt Hauly, thủ quỹ trưởng. Dọc hai bên là những người đề cử của chúng tôi; hai người làm nghề môi giới, một chủ ngân hàng, một kế toán. Đan và Mác kéo hai cái ghế ở hai bên ngồi xuống, chừa lại một chỗ đầu bàn cho tôi. Tôi chực ngồi. Bơny đứng vụt dậy. “Hượm đã, Cođơ”, ông ta nói, “cuộc họp này chỉ dành cho ban giám đốc thôi”, ông ta sừng sộ với tôi, “trước khi tôi ngồi cùng bàn với anh, tôi thà bỏ đi còn hơn”. Tôi rút túi lấy ra một bao thuốc lá, rút ra một điếu, châm lửa. “Thì cứ việc đi”, tôi lặng lẽ đáp, “dù sao sau cuộc họp này, ông cũng chẳng còn việc gì vớ vẩn ở đây để làm đâu”. - Thưa các vị, thưa các vị. - Mac Alixtơ nói nhanh. - Đây không phải là cách chúng ta tiến hành một cuộc họp quan trọng. Chúng ta có nhiều vấn đề trọng yếu có liên quan tới tương lai của công ty phải xem xét. Chúng ta sẽ không giải quyết được cái gì trong bầu không khí không tin tưởng nhau như thế này. - Không tin tưởng! - Bơny gào lên. - Ông chờ tôi tin hắn ta ư? Sau khi hắn ăn cắp cả hãng phim của tôi khuất mặt tôi như vậy! - Cổ phần được bán ở thị trường công khai, tôi đã mua, thế thôi. - Với giá bao nhiêu hả? - Ông ta thét tướng lên. - Thoạt tiên, hắn ép giá xuống, rồi hắn mua hết cổ phần. Thấp hơn giá trị của nó. Hắn không them đếm xỉa đến việc hắn làm hãng có mùi tồi tệ như thế nào khi giở trò như vậy. Rồi hắn lại mò đến đây, hy vọng rằng tôi cũng sẽ bán cổ phần của tôi với giá đánh sụt mà hắn đã trả cho những kẻ khác đấy. Tôi cười thầm, cuộc mua bán đang tiếp diễn. Lão già tính rằng cách tốt nhất có được những gì lão muốn đã tấn công phủ đầu tôi. Cái việc tôi có mặt ở cuộc họp này đã hoàn toàn bị quên. “Cái giá mà tôi định trả là gấp đôi thứ mà tôi đã trả ở thị trường công khai đấy”. - Anh đã định giá ở thị trường. - Tôi không điều hành hãng phim. - Tôi trả miếng lại. - Mà là ông. Và trong sáu năm trở lại đây, điều hành trong tình trạng thua lỗ. Lão già bước vòng qua cái bàn. “Và anh có thể làm tốt hơn ư?” - Nếu tôi không nghĩ thế, tôi đã đặt hơn cái số bảy triệu mà ông đòi cơ. Cáu kính, ông ta nhìn vào mắt tôi một giây, rồi bước lại cái ghế của mình ngồi. Ông ta cầm một chiếc bút chì lên, gõ gõ nó xuống mặt bàn. “Cuộc họp thường kỳ của Ban Giám đốc Hãng điện ảnh Noman, hợp nhất, xin bắt đầu”. Ông ta nói, giọng đã nhỏ hơn. Ông ta ngó sang anh chàng cháu của mình. “Đêviđ, anh sẽ làm thư ký cho đến khi ta cử được một người mới”. Lão già tiếp tục. “Số đại biểu quy định đã có mặt, đồng thời có mặt- theo lời mời - là ông Giônơx Cođơ. Ghi chú thêm, Đêviđ, rằng ông Cođơ có mặt theo lời mời của một số thành viên nhất định torng ban giám đốc, mặc dù chủ tịch phản đối”. Ông ta chằm chằm nhìn tôi, chờ tôi phản ứng lại với lời vừa rồi. Tôi ngồi thản nhiên. - Chúng ta giờ sẽ sang mục thứ nhất của cuộc họp, là việc bầu chức vụ của hãng cho năm tới. Tôi gật đầu với Mac Alixtơ. “Thưa ông chủ tịch”, anh ta nói, “cho phép tôi đề nghị chứ ạ? Là hoãn việc bầu các chức vụ cho đến khi ông và ông Cođơ đây hoàn thành xong các cuộc thảo luận có liên quan tới việc cổ phần của ông”. - Cái gì khiến anh nghĩ rằng tôi tính chuyện bán cổ phần của mình đi hả? - Bơny hỏi vặn. – Niềm tin của tôi vào tương lai của hãng này vẫn vững vàng như trước. Tôi đã lập nhiều kế hoạch bảo đảm cho sự thành công của hãng, và nếu tụi nhãi nhép các anh nghĩ rằng các anh có thể ngăn tôi, tôi sẽ lôi các anh vào một cuộc đấu tranh giấy ủy quyền mà các anh chưa baogiờ biết được. Đến Mac Alixtơ cũng phải mỉm cười. Lão sẽ chống lại bằng cái gì cơ chứ? Chúng tôi đã chiếm bốn mốt phần trăm phiếu bầu rồi. “Nếu mối quan tâm của ông chủ tịch về tương lai của hãng này cũng chân thành như mối quan tâm của chúng tôi”, Mac Alixtơ lịch thiệp nói, “thì chắc chắn ông cũng đã thấy ra được những thiệt hại có thể tạo nên bằng việc phát động một cuộc đấu tranh về giấy ủy quyền mà ông không thể nào thắng được”. Một vẻ tinh quái hiện ra trên mặt Bơny. “Tôi không phải là một thằng ngu như các anh tưởng đâu. Suốt chiều nay tôi đã bận bịu, tôi đã có đủ trong tay các đề nghị của cổ đông để khống chế được tình hình nếu tôi chống lại các anh. Tôi sẽ còn sống lâu, và chừng nào chết đi, tôi mới chịu hiến cái hãng riêng của tôi - cái hãng mà đổ mồ hôi sôi nước mắt tôi mới làm ra được thế này - cho Cođơ nhé, để rồi anhta có thể có thêm tiền quyên cúng cho các ông bạn anh ta là lũ quốc xã”. Ông ta nắm tay đấm thình xuống bàn, nom rất kịch. “Không, không bao giờ, cho dù anh ta có trả bảy triệu đôla riêng cho chỗ cổ phiếu của tôi”. Tôi đứng im, môi mím chặt, tức giận. “Tôi xin hỏi ông Noman xem ông ta sẽ làm gì với bảy triệu đôla, giả sử tôi có đưa thật chỗ đó cho ông ta. Ông ấy chắc cũng quyên cúng hết vào Quỹ Cứu trợ Do Thái cả chứ gì?”. - Tôi làm gì với tiền của tôi, thì cũng không phải việc của ông Cođơ! - Ông ta kêu tướng lên từ đầu bàn đằng kia lại phía tôi. - Tôi không phải là người giàu như ông ta. Tất cả những gì tôi có là dăm cái cổ phần của chính hãng này của tôi. Tôi mỉm cười. “Thưa ông Noman, ông vui lòng để tôi đọc cho ban giám đốc nghe một danh sách các tài sản và ngân khoản của ông chứ, đứng tên ông lẫn tên bà nhà ta?”. Bơny lộ vẻ bối rối. “Danh sách ư?” Ông ta hỏi. “Danh sách nào?”. Tôi nhìn Mac Alixtơ. Anh đưa cho tôi một tờ giấy lấy từ trong cặp. Tôi bắt đầu đọc. “Khoản gửi mang tên Mây Noman: Ngân hàng bảo hiểm Nesơnơn Bôxtơn - một triệu, bốn trăm ngàn; Ngân hàng công ty Manhatơn Niu Yooc - hai triệu, một trăm ngàn; Công ty bảo hiểm Nesơnơn Paiơnia Lôx Angiơlex - bảy trăm ngàn; Ngân hàng an hem Lêman Niu Yooc - ba triệu, một trăm năm mươi ngàn; cộng hơn các ngân khoản nhỏ hơn khắp đất nước, khoảng sáu hoặc bảy trăm ngàn nữa. Thêm vào đó, bà Noman còn là chủ năm trăm hecta đất điền trang hạng nhất ở Oextut, gần Bivơly Hind, tính một cách khiêm tốm là bốn mươi nghìn đôla một hecta”. Bơny trố mắt nhìn tôi. “Anh kiếm đâu ra cái danh sách ấy?” - Không cần để ý đến việc tôi kiếm ở đâu ra. Lão già quay sang anh chàng cháu mình. “Thấy chưa, Đêviđ”, lão hạ giọng nói nhỏ, “thấy một người vợ đảm đang có thể tiết kiệm chi phí trong nhà, dành dụm được nhiều tiền thế đấy”. Giá như lão ta không là một thằng gian manh đến thế, nghe câu ấy, tôi đã phá lên cười. Nhưng vẻ mặt anh chàng kia đớ ta, chứng tỏ anh ta đã không hề biết những của nả đặc biệt đó. Một điều gì đấy bảo thầm với tôi rằng Đêviđ sẽ còn vỡ mộng nhiều. Lão già quay lại phía tôi. “Như vậy là vợ tôi đã có dành dụm được một vài đồng. Điều ấy cho anh cái quyền ăn cướp của tôi ư?”. - Trong sáu năm qua, trong khi hãng của ông lỗ vốn mất mười một triệu đôla, tôi thật thấy là vợ ông lại có thể mỗi năm tích cóp bỏ nhà băng được đến một triệu từ chổ vốn riêng của bà ấy đấy”. Mặt Bơny đỏ lên. “Nhà tôi cũng dùng tiền nong đầu tư rất thông minh”, ông ta nói, “tôi không bỏ thời gian của tôi nhòm ngó qua vai bà ấy làm gì sất cả”. - Có lẽ là ông nên làm việc ấy đi. - Tôi đáp. - Ông sẽ thấy rằng bà ấy thực tế đã nhận tất cả những hợp đồng cung cấp chủ yếu về trang bị và dịch vụ cho Hãng điện ảnh Noman. Ông không thể nói với tôi rằng ông không biết là bà ấy đã lấy tiền hoa hồng nhận thầu từ năm đến mười lăm phần trăm tổng số đơn đặt hàng của hãng này. Ông ta ngồi phịch trở lại ghế. “Thế thì có gì sai nào? Bà ấy là người bán cho chúng tôi những món đó, vậy tại sao bà ấy lại không được ăn hoa hồng? Đó là việc kinh doanh hoàn toàn bình thường”. Nghe lão ta lảm nhảm bịp thế là đủ. “Thôi được, ông Noman”, tôi nói, “ta đừng có lòng vòng bịp quanh nữa. Tôi đã đề nghị trả hơn cái giá công bằng cho chỗ cổ phiếu của ông. Ông có muốn bán không thì bảo?”. - Không phải với giá ba triệu rưỡi, không. Năm thì tôi có thể nghe. - Ông đang ở vị trí không mà cả được đâu, ông Noman ạ. Nếu ông không nhận lời đề nghị của tôi, tôi sẽ chuyển công ty vào tình trạng tài sản tranh tụng. Rồi chúng ta sẽ cùng xem xem liệu một trọng tài Liên bang có tìm ra điều nào phạm tôi trong những cái gọi là hợp đồng buôn bán hợp pháp của vợ ông không. Có vẻ ông đã quên rằng những gì ông làm với hãng là một vấn đề nhà nước, bởi ông đã bán cổ phiếu trên thị trường chung công khai. Nó có hơi khác với khi ông là chủ duy nhất của cái hãng này. Thậm chí ông có thể thấy mình, rút cục là ở trong tù đấy. - Anh không dám làm thế đâu. - Không ư? - Tôi thốt lên. Tôi chìa tay ra. Mac Alixtơ đưa cho tôi các giấy tờ ghi Mục 722. Tôi quẳng chúng lại cho Bơny. - Tùy ông đấy. Nếu ông không bán, thì giấy tờ này sáng mai sẽ ở tòa án. Ông ta cúi xuống nhìn chúng, rồi ngẩng lên nhìn tôi. Một vẻ căm uất điên dại hiện lên trong mắt ông ta. “Tại sao anh lại làm thế đối với tôi hả?” Ông thét tướng lên, “bởi vì chính là mày đã căm thù người Do Thái đến xương tủy, trong khi tất cả những gì tao làm cho mày là cố giúp đỡ mày thôi, có phải thế không?”. Đó là giọt nước cuối cùng làm tràn bát. Tôi đứng vụt dậy, đi vòng qua bàn, túm cổ lão, lôi phắt dậy, ấn vào tường. “Đồ Do Thái đê tiện khốn kiếp”, tôi thét lên, “tao nghe cứt mày phụt ra thế là đủ lắm rồi. Mỗi một lần mày đề nghị giúp tao, là một lần mày rạch túi của tao. Mày lúc này đang điên lên bởi lần này thì tao không để mày tái diễn cái trò ấy một lần nữa, một lần nữa nhé!”. - Đồ quốc xã! - Lão nhổ vào tôi. Tôi từ từ để lão xuống, rồi quay lại phía Mac Alixtơ. “Gửi chỗ giấy tờ ấy đi. Đồng thời phát ra một đơn kiện, buộc tội Noman và vợ ông ta đã ăn cắp vốn của hãng”. Rồi tôi chực bước ra cửa. - Hượm đã!. - Giọng Bơ ny làm tôi đứng lại. Một nụ cười kỳ quặc hiện lên trên mặt lão ta. - Anh không phải điên khùng bỏ đi như vậy, chỉ vì tôi đã có một chút mất bình tĩnh. Tôi tròn mắt nhìn lão chằm chằm. - Quay lại đi.- Lạo ta vừa nói vừa ngồi lại xuống ghế.- Chúng ta có thể giải quyết toàn bộ vấn đề giữa hai ta trong vòng mấy phút thôi. Như những người đàng hoàng chính trực. Tôi đứng cạnh cửa sổ, chăm chú nhìn Bơny ký giấy tờ chuyển giao cổ phần. Có một cái gì đó kỳ quặc phi lý trong cái cảnh ông ta ngồi kia, ngòi bút sột soạt lia, ký bỏ đi toàn bộ công sức làm ăn một đời của mình. Thiên hạ có thích phải có một anh chàng thương hại cho anh ta đâu. Ấy thế mà, theo một phương diện nào đó, lúc này đây chính tôi lại cảm thấy như vậy. Ông ta là một lão già ích kỷ, ti tiện. Ông ta không hề có ý thức gì về sự tử tế, không hề biết tự trọng, không hề có đạo đức; ông ta hy sinh bất kỳ ai cho quyền lực của ông ta. Nhưng bây giờ, khi ông ta lia bút qua từng tờ giấy chứng nhận, tôi có cảm giác như máu của ông ta đang bị rút kiệt qua cái đầu ngòi bút vàng cùng với dòng mực. Tôi quay đi, nhìn qua cửa sổ, từ tầng thứ ba mươi xuống đường. Ở dưới kia, con người nom nhỏ xíu, họ có những ước mơ con con, những kế hoạch be bé. Mai là thứ bẩy. Ngày nghỉ của họ. Có thể họ sẽ ra biển, hay có thể sẽ vào công viên. Nếu họ có tiền, có thể họ sẽ lái ôtô về nông thôn chơi. Họ sẽ ngồi trên thảm cỏ cạnh vợ họ, ngắm lũ con họ và có dịp cảm thấy mặt đất mát rượi, mới tinh khôi dưới bàn chân của họ. Họ là những con người may mắn. Họ không sống trong một rừng rậm, nơi mà giá trị của con người ta được đo bằng khả năng có thể tồn tại cùng bầy sói được không. Họ không sinh ra ở một nhà có một người cha không thể yêu được con trai mình, trừ phi nó trở nên giống như cái khuôn do chính ông ta đúc. Họ không bị vây quanh bởi con người chỉ có mục đính duy nhất là gắn mình vào những nguồn của cải. Khi họ yêu, thì đó là chỉ vì họ cảm thấy muốn yêu, chứ không phải vì họ tính thế là lợi như thế nào. Miệng tôi đột nhiên chua loét. Có thể đó là cái lối sống ở dưới kia, nhưng tôi cũng không thực rõ. Mà tôi cũng không thực háo hức muốn tìm ra xem có phải thế không. Tôi thích ở trên này cơ. Ở đây giống như ở trên đời, không có ai quanh anh để dạy bảo anh rằng phải làm thế này, đừng làm thế kia; tự anh đặt ra luật lệ cho anh. Và mọi người phải sống theo chúng, dù họ có thích hay không thích. Chừng nào anh còn đứng trên đỉnh. Tôi muốn đứng trên đỉnh thật lâu. Lâu đến mức để khi người ta nói đến tên Giônơx Cođơ, thì họ hiểu là đang nói tên ai. Tên tôi, chứ không phải tên của ba tôi. Tôi rời cửa sổ, bước lại bàn. Tôi cầm đám giấy chứng chỉ nhìn. Chúng đã được ký đúng đắn. Bơny.B.Noman. Bơny ngẩng lên nhìn tôi. Ông ta cố mỉm một nụ cười. Nhưng nom nó không thực là nụ cười lắm. “Bao nhiêu năm trước đây, khi Bơny Nomanôvit, mở cái tiệm chiếu bóng năm xu của mình ở Phố số bốn, khu Đông, không ai nghĩ rằng một ngày kia ông ta sẽ bán hãng của mình lấy ba triệu rưỡi đôla”. Đột nhiên, tôi không thấy ái ngại nữa. Tôi không hề còn thương hại ông ta một chút nào. Ông ta đã chiếm đoạt và cướp không hơn mười lăm triệu đôla của một công ty, và cái lời bào chữa duy nhất cho việc đó là ông ta là người tình cờ bắt đầu xây dựng nó mà thôi. - Tôi cho rằng anh thích cái này nữa, - ông ta vừa nói vừa móc túi áo ngực, lấy ra một tờ giấy gập tư. Tôi cầm lấy tờ giấy, mở ra. Đó lào đơn từ chức chủ tịch công ty và chủ nhiệm ban giám đốc của ông ta. Ngạc nhiên, tôi ngẩng lên nhìn Noman. - Nào bây giờ còn gì để tôi làm cho anh nữa không? - Không. - Tôi đáp. - Ông nhầm rồi, ông Cođơ ạ. - Ông ta dịu dàng thốt lên. Ông ta đi ngang qua căn phòng, tới cái bàn điện thoại ở góc. “Cô tổng đài, tôi là Noman đây. Cô có thể nối máy gọi cho ông Cođơ được rồi đấy”. Ông ta chìa ống nghe ra cho tôi. “Gọi ông đấy”, ông ta bình thản nói. Tôi cầm lấy ống nghe. Giọng cô tổng đài vang lên. “Lôx Angiơlex,tôi có ông Cođơ cầm máy rồi đấy”. Ống nghe kêu tách một tiếng, rồi tiếng nữa, trong khi lời nói của cô ta vọng từ đầu kia. Tôi nhìn thấy Noman xảo quyệt nhìn tôi, rồi quay lưng bước ra cửa. Ông ta quay lại, nhìn người cháu. “Đi chứ mày, Đêviđ”. Ulf chực nhỏm dậy khỏi ghế. - Anh. - Tôi thốt lên, đưa tay bịt miệng ống nói lại. - Anh ở lại đã. Đêviđ nhìn Bơny, rồi khẽ lắc đầu, ngồi lại xuống ghế. Lão già nhún vai. “Tại sao tôi lại cứ phải trông mong đứa cháu máu mủ ruột thịt với mình làm hơn thế này nhỉ?”Lão thốt lên. Cánh cửa đóng lại sau lão ta. Một giọng nữ vọng tới tai tôi. Nghe giọng nói có vẻ quen quen. “Anh Giônơx Cođơ đấy ư?”. - Tôi đây. Ai đấy? - Inelơ Gala. Suốt chiều nay, tôi đã cố tìm anh. Raina... Raina... - Giọng cô ta nấc nghẹn lại. Vùng ngực quanh tim tôi chợt lạnh toát đi, lo ngại. “Sao, cô Gala”, tôi thốt lên, “Raina làm sao?”. - Cô ấy đang hấp hối, ông Cođơ ạ, đang hấp hối. - Cô ta nức nở. - Và muốn gặp ông. - Hấp hối ư? - Tôi lập lại bàng hoàng. Không thể tin được. Không phải Raina. Em bất diệt, không gì có thể hủy hoại được. - Vâng, đúng thế đấy. Viêm não. Và tốt hơn hết là ông hãy nhanh lên. Bác sĩ không biết lào cô ấy sống được bao lâu nữa. Cô ấy đang ở Nhà an dưỡng Cơntơn, Xanhta Monica. Tôi có thể báo với cô ấy rằng ông đang tới nhé? - Bảo với cô ấy rằng tôi đang trên đường tới! - Tôi thét lên, đặt máy xuống. Tôi quay lại nhìn Đêviđ Ulf. Anh ta đang chằm chằm nhìn tôi, mặt lộ rõ một vẻ là lạ. “Anh đã biết”, tôi nói. Anh ta gật đầu, đứng dậy. “Tôi đã biết”. - Tại sao anh không báo cho tôi trước? - Làm sao tôi có thể làm được? - Anh ta hỏi lại. - Cậu tôi sợ rằng nếu anh tìm ra điều ấy, anh sẽ không cần cổ phần của ông ấy nữa. Căn phòng lại lặng ngắt một cách kỳ lạ khi tôi lại cầm ống nói lên. Tôi nói cho cô tổng đài số điện thoại của Morixây ở sân bay Rudơvelt. - Ông có muốn tôi đi bây giờ không? - Ulf hỏi. Tôi lắc đầu. Tôi đã bị đưa vào “Xiếc” một cách rất tuyệt để mua một công ty vô giá trị, trơ trụi như một con cừu ranh đã bị cạo sạch lông. Nhưng tôi không có quyền mở mồm than thở. Tôi biết mọi luật chơi rồi. Nhưng giờ đây, gnay điều ấy cũng không còn quan trọng. Không cái gì còn quan trọng nữa cả. Chỉ có mỗi một điều mà thôi - Raina. Tôi bồn chồn rủa thầm, nóng lòng chờ Morixây cầm máy. Cách duy nhất tôi còn để đến kịp với Raina là bay tới đó bằng chiếc CA - 4. 5 Trong cái nhà để máy bay đen đóm sáng trưng, mọi việc đang rối rít tít mù. Tốp thợ hàn đang ngồi vắt vẻo trên hai cánh máy bay, mặt nạ che kín, ngọn lửa xang nóng rực cháy từ đầu que hàn của họ. Họ hàn những thùng dầu phụ vào đó. Đám thợ cơ khí đang lột bỏ mọi cái làm nặng thêm trọng lượng mà không thật cần thiết cho chuyến bay. Tôi nhìn đồng hồ khi thấy Morixây bước lại gần. Đã sắp sửa mười hai giờ đêm. Như vậy là gần chín giờ ở Caliphonia. “Còn lâu không?” - Tôi hỏi. - Không bao lâu nữa đâu. - Anh cúi xuống nhìn tờ giấy trong tay. - Bỏ mọi cái khỏi nó, ta vẫn còn bảy trăm cân quá tải nâng. Vùng trung tâm đang hoàn toàn có giông, theo lời báo lại câu hỏi về khí tượng của chúng tôi. Nếu tôi muốn vượt qua được vùng đó, tôi phải bay về phía nam vòng qua các cơn giông ấy. Morixây đã tính là phải thêm bốn mươi ba phần trăm nhiên liệu cho bản thân chuyến bay và ít nhất bảy phần trăm dự trữ an toàn nữa. - Tại sao anh không nán lại đến sáng? - Morixây hỏi. - Có thể thời tiết sẽ khá hơn và anh có thể bay thẳng qua được. - Không. - Lạy Chúa! - Anh gắt lên. - Anh sẽ không bao giờ nhấc nổi nó lên khỏi mắt đất đâu. Nếu anh nóng lòng muốn giết mình thế, sao không dùng béng một khẩu súng đi cho rồi! Tôi quay lại, nhìn thấy phụ tùng cạnh chiếc máy bay. “Vô tuyến điện nặng bao nhiêu?”. - Hai trăm linh năm cân. - Anh đáp nhanh. Rồi tròn mắt nhìn tôi. - Anh không thể bỏ nó đi được, làm thế quái nào mà anh biết rằng đang ở đâu, hay thời tiết phía trước như thế nào? - Theo như cái cách tôi đã làm được khi người ta lắp vô tuyến điện cho máy bay ấy. Quẳng nó đi! Anh chực bước vào máy bay, lắc đầu. Tôi chợt nẩy ra ý nữa. “Còn hệ thống ôxy nén cho buồng lái?” - Ba trăm ba lăm cân, kể cả thùng. - Vứt cả cái ấy nữa. - Tôi đáp. - Tôi sẽ bay thấp. - Anh sẽ phải cần ôxy khi xượt qua dãy Rocky. - Đặt một thanh xách tay cạnh chỗ tôi trong buồng lái. Tôi đi vào văn phòng và gọi điên cho Baz Đaltơn ở văn phòng. Hãng hàng không liên lục địa ở Lôx Angiơlex. Anh chàng đã về nhà, vì vậy người ta chuyển máy về số máy ở nhà anh ta. “Baz, tớ là Giônơx đây”. - Tớ đang hỏi quái không biết là ai. - Tớ muốn cậu giúp tớ một việc. - Xong rồi. - Anh chàng đáp ngay. - Gì thế? - Đêm nay tớ chuẩn bị bay sang bờ phía Đông. - Tôi đáp. - Và tớ muốn cậu thông báo thời tiết bằng tín hiệu cho tớ tại mọi nhà để máy bay của hãng ICA trên toàn quốc. - Vô tuyến điện của cậu bị làm sao hả? - Tớ sẽ cho cái CA - 4 bay liền một mạch. Và tớ không thể kéo lê tất cả cái của nặng ấy theo. Anh ta huýt một tiếng sáo. “Cậu sẽ không làm được đâu, chiến hữu ơi!”. - Tớ sẽ làm được. Dùng đèn pha nhấp nháy ban đêm, sơn mái nhà ban ngày. - Được rồi. - Anh ta đáp. - Đường bay của cậu thế nào? - Tơ chưa quyết định. Cứ thông báo ở tất cả các sân bay. - Được rồi. - Anh ta đáp. - Chúc may mắn. Tôi đặt ống nghe xuống. Tôi thích tính Baz là vì vậy đấy. Có thể dựa và anh ta. Anh không phí thời gian hỏi những câu vô ích ngớ ngẩn như tại sao, khi nào hoặc ở đâu. Anh ta làm như được yêu cầu. Điều duy nhất anh chàng quan tâm tới là Hãng hàng không. Chính vì vậy mà ICA đang nhanh chóng trở thành Hãng hàng không thương mại lớn nhất đất nước. Tôi nhấc chai uyxky ngô khỏi bàn, nốc một hơi dài. Rồi tôi bước tới đivăng. Trong khi tốp thợ máy đang kết thúc, tôi có thể tranh thủ chợp mắt một chốc. Tôi nhắm mắt lại. Tôi cảm thấy Morixây đang đứng cạnh mình, và mở mắt ra. “Sẵn sàng rồi chứ?” Tôi ngước lên hỏi. Anh gật đầu. Tôi tung chân qua thành đivăng, ngồi dậy. Tôi nhìn ra ngoài nhà để máy bay. Nó trống rỗng. “Đâu rồi?”. - Ở ngoài kia. - Anh đáp. - Tôi đang cho khởi động nó. - Tốt lắm. - Tôi đáp, nhìn đồng hồ. Ba giờ hơn mấy phút. Anh theo tôi vào phòng vệ sinh. “Anh mệt đấy”, anh thốt lên, chăm chú nhìn tôi trong khi tôi vã nước lạnh vào mặt. “Anh có thực thấy mình cần đi không?”. - Tôi phải đi. - Tôi đã để sáu cái bánh mỳ kẹp thịt bò rán và hai phích một phần tư lít đựng cà phê đen trong máy bay cho anh đấy. - Cám ơn lắm. - Tôi nói, bắt đầu bước ra. Tay anh ngăn tôi lại. Anh chìa ra một cái lọ màu trắng. “Tôi đã gọi bác sĩ của mình”, anh nói, “và ông ấy đã đem những cái này ch anh”. - Gì vậy? - Một loại thuốc mới. Bezêđrin. Uống một viên nếu anh buồn ngủ. Nó sẽ làm anh tỉnh. Nhưng cẩn thận với chúng đấy. Đừng có uống nhiều quá, nếu không anh sẽ bay vèo qua mái nhà đấy. Chúng tôi cùng bước về phía cái máy bay. “Đừng có mở các thùng dự trữ cho đến khi anh còn có một thùng một phần tư. Bơm tiếp dầu trọng lực sẽ không kéo đâu nếu như nó ghi lại được sức nén lớn hơn thế, thậm chí nó có thể khóa lại đấy”. - Vậy tôi làm thế nào biết được là các thùng dự trữ đang hoạt động? Anh nhìn tôi. “Anh sẽ không biết cho đến lúc anh hết dầu. Và nếu bơm khóa, áp suất khí cũng vẫn làm cho đồng hồ đo chỉ một phần tư, ngay cả khi thùng dầu đã cạn khô”. Tiếc liếc loáng sang Morixây một cái, nhưng lặng thinh. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Tôi leo lên cánh và hướng về phía buồng lái. Một bàn tay nắm ống quần tôi giật giật. Tôi quay đầu lại. Forextơ đang ngẩng lên nhìn tôi, mặt bàng hoàng. “Anh định làm gì với cái máy bay thế hả?” - Bay tới Caliphonia. - Thế còn cuộc kiểm nghiệm ngày mai thì sao? - Anh ta thét lên. - Tôi thậm chí đã mời được cả Xtivơ Ranđơn tới nữa đấy. - Xin lỗi. - Tôi đáp. - Báo hoãn lại vậy. - Nhưng còn viên tướng. - Anh gào ta. - Tôi giải thích thế nào với lão đây? Lão sẽ phát khùng lên đấy. Tôi trèo vào buồng lái, cúi nhìn thẳng vào anh. “Điều đó không còn là nỗi đau đầu của tôi nữa, mà là của anh”. - Thế nhỡ máy bay xảy ra chuyện gì thì sao hả? Tôi đột ngột nhoẻn cười. Linh cảm của tôi về anh ta đã đúng. Anh ta sẽ trở thành một giám đốc hạng nhất. Không hề có một mảy may quan tâm về tôi, tất cả chỉ đổ dồn cho cái máy bay. “Thì làm cái khác”, tôi kêu to, “anh đã là chủ tịch công ty rồi mà”. Tôi vẫy tay, rồi nhả phanh, bắt đầu từ từ cho máy bay chạy ra đường băng. Tôi cho nó chạy về phía gió, rồi phanh lại, tăng vòng quay của động cơ. Khi đồng hồ đo tốc độ góc đạt tới hai mươi tám, tôi sập nắp buồng lái lại và nhả phanh. Chúng tôi lao vùn vụt trên đường băng. Tôi thậm chí không nâng máy bay lên khi vận tốc chạy dưới đất chưa đạt tới mức hai trăm hai lăm cây số/giờ. Khi máy bay bắt đầu nhấc lên khỏi mặt đất, chúng ta đã gần như chạy hết cả đường băng. Sau đó, nó bốc lên rất ngon lành. Đến độ cao một ngàn ba trăm thước, tôi cho máy bay bay bằng, nhắm thẳng hướng nam. Tôi ngoảnh nhìn qua vai. Sao Bắc đẩu đang ở chính giữa lưng tôi, nhấp nháy rực rợ trong nền trời quang, đen mịn. Thật khó mà tin được rằng cách đây một ngàn năm trăm cây số, trời lại nghẹt trong giông tố. Đang ở trên vùng trời Pixbơg, tôi bỗng nhớ tới một điều Nêvađa đã dạy tôi thuở còn bé. Chúng ta đang bay trên đường lùng một con mèo rừng lớn, anh chỉ lên sao Bắc đẩu. Người da đỏ có một câu tục ngữ nói rằng khi sao Bắc đẩu lập lòe như vậy, là có một cơn giông đang tràn xuống phía nam. Tôi lại ngẩng lên nhìn. Sao Bắc đẩu đang lập lòe như đêm ấy. Tôi lại nhớ ra một câu tục ngữ nữa mà Nêvađa đã dạy tôi. Con đường ngắn nhất theo phía tây là xuôi theo chiều gió. Tôi đã quyết định. Nếu người da đỏ đúng, thì đến khi tôi bay đến miền trung tây, cơn giông đã ở phía nam dưới tôi. Tôi nghiêng cánh máy bay, liệng vào chiều gió thổi. Và đến khi rời mắt khỏi la bàn, tôi ngẩng lên nhìn, sao Bắc đẩu đã nhấp nháy rực rỡ phía vai phải. Vai tôi đau như dần - mọi thứ đều như bị dần - vai, hai cánh tay, hai chân tôi. Mắt tôi nặng hàng tạ. Tôi cảm thấy chúng đang từ từ khép lại, liền với tay lấy phích cà phê. Cái phích nhẹ bỗng. Tôi nhìn đồng hồ. Đã mười hai giờ đồng hồ trôi qua kể từ lúc rời Rudơvelt. Tôi thọc tay vào túi, lấy ra hộp thuốc Morixây đã đưa cho. Tôi bỏ một viên vào miệng, nuốt chửng. Mấy phút đầu, tôi chẳng thấy có gì lạ. Rồi tôi bắt đầu thấy dễ chịu hơn. Tôi hít một hơi thở thật sâu, đảo mắt nhìn chân trời. Nom có vẻ như không còn xa rặng núi Rocky lắm thì phải, tôi thầm nhủ. Hăm lăm phút sau, nó đã hiện ra. Tôi kiểm tra lại đồng hồ đo dầu. Nó đã chỉ ở mức một phần tư. Tôi đã phải mở các thùng nhiên liệu trước đó rồi. Cái mép ngoài của cơn giông tôi phải vượt qua ở miền trung tây đã làm tốn mất hơn một giờ nhiên liệu. Mà giờ tôi lại cần phải thắng được sức gió để vượt qua rặng Rocky này. Tôi mở van ga, rồi lắng tai nghe tiếng động cơ. Chúng gầm lên nặng hơn, nghe đầy đặn hơn khi luồn hỗn hợp nhiên liệu được lùa vào các mạch máu của chúng. Tôi kéo ngả cần lái về phía sau, bắt đầu leo lên theo triền núi. Vẫn còn cảm thấy hơi mệt, tôi bỏ một viên thuốc nữa vào miệng. Đến độ cao bốn ngàn mét, tôi bắt đầu cảm thấy lạnh. Tôi xỏ chân vào đôi hurachô rồi với lấy bình ôxy. Gần như ngay lập tức, tôi cảm thấy máy bay như nhảy vọt lên thêm một cây số nữa. Tôi nhìn đồng hồ độ cao. Nó mới chỉ có bốn ngàn một trăm ba mươi. Tôi lại hít thêm một hơi ôxy nữa, và người tôi bỗng rực lên một sức mạnh lạ thường, tôi bất giác chụp cả hai tay lên bảng điều khiển. Cần quái gì dầu xăng! Tôi có thể nhấc cả máy bay này qua rặng Rocky bằng hai tay không. Chỉ cần có ý chí thôi. Giống như khi những thầy tu khổ hạnh ở Ấn Độ làm ta kinh ngạc bối rối trước những mẹo làm người bay được của họ - đó chỉ là cần có ý chí thôi, ý chí chế ngự vật chất. Mọi cái đều ở trong đầu ta! Raina! Tôi gần như thét lên thành tiếng. Tôi trừng trừng nhìn đồng hồ độ cao. Kim đã tụt xuống ba nghìn hai trăm, và đang còn tụt nhanh nữa. Tôi ngoái sang các sườn núi đang vùn vụt lao ập vào mặt tôi. Tôi vồ lấy cần lái, kéo mạnh vào lòng. Tôi kéo mãi, kéo mãi, tưởng hàng thế kỉ trôi qua trước khi các đỉnh núi lại tụt hẳn xuống phía dưới. Tôi nhấc tay ra, quệt mồ hôi đã ướt lông mày. Má tôi ròng ròng nước mắt. Cảm giác kỳ quặc về sức mạnh đã qua, người tôi lại cảm thấy mệt bã, đầu đau nhức. Morixây đã báo trước cho tôi về tác dụng của thuốc, lại cộng thêm chỗ ôxy nữa chứ. Tôi xoay nút ga, cẩn thận điều chỉnh lại hỗn hợp nhiên liệu cho động cơ. Tôi vẫn còn phải bay thêm sáu trăm năm mươi cây số nữa, và tôi không muốn phung phí chất đốt. 6 Tôi hạ cánh xuống sân bay Bơbank lúc hai giờ chiều. Tôi đã ở trong không trung như vậy đã gần mười lăm tiếng. Tôi cho máy bay chạy vào nhà để máy bay của Hãng máy bay Cođơ, tất cả động cơ đã bắt đầu trèo xuống. Tai tôi vần còn ầm tiếng động cơ của nó. Tôi bước xuống đất; ngay lập tức, một đám đông quây chặt lấy tôi. Tôi nhận ra một đôi người, phóng viên. “Tôi xin lỗi, thưa các vị”, tôi vừa nói vừa đẩy họ ra, rẽ lấy lối đi về phía nhà để máy bay. “Tai tôi vẫn còn điếc đặc vì tiếng động cơ máy bay này. Tôi không thể nghe thấy các vị nói gì cả đâu”. Baz cũng đứng trong đám đó, miệng đang ngoác ra cười rạng rỡ. Anh chàng vồ lấy hai tay tôi, du đi du lại. Môi anh ta mấp máy, nhưng tôi không thể nghe được phần đầu của câu nói. Rồi đột nhiên, tai tôi lại thông hẳn, nghe rõ mồn một. - ... lập một kỷ lục mới về bay từ đông sang tây, bờ đại dương này sang bờ đại dương kia. Lúc này đây, điều đó không có ý nghĩa gì cả. “Cậu có cho ôtô chờ mình không?” - Ở cổng trước kia. - Baz đáp. Một anh chàng nhà báo văng ra khỏi đám đông được. “Ông Cođơ”, anh ta thét lên, “có thật là ông tiến hành chuyến đi này để đến gặp Raina trước khi cô ấy chết không?”. Sau cái nhìn của tôi, anh ta nhất định phải về nhà tắm. Tôi lặng thinh không đáp. - Có phải là ông mua trọn Hãng điện ảnh Noman chỉ là để nắm quyền quản lý hợp đồng với cô ấy không? Tôi đã chui vào xe nhưng bọn họ vẫn nhao nhao hỏi chõ vào. Xe chuyển bánh. Một cảnh sát đi môtô vụt lên trước đầu xe chúng tôi, rú còi dẹp đường. Chúng tôi tăng tốc ngày một lớn khi xe cộ dẹp vội sang bên. - Giônơx, tớ xin lỗi về chuyện Raina. - Baz thốt lên. - Tớ không biết cô ấy là vợ của ông già cậu. Tôi nhìn anh ta. “Từ đâu mà cậu biết được chuyện đó thế?” - Trên các báo. Hãng Noman đã thông báo trong cuộc họp báo của họ, cùng với câu chuyện cậu đang bay tới đây để gặp cô ấy. Tôi mím môi. Cái nghề phim là phải thế đấy. Lúc nào nó cũng rình rập xen vào đời tư của người ta như một lũ ma cà rồng lượn lờ trên một chiếc mả. - Tớ có một chiếc bình cà phê với một chiếc bánh mỳ kẹp thịt trong xe đấy, nếu cậu thích. Tôi với lấy chỗ cà phê. Dòng nước đen nóng bỏng thấm vào ruột tôi tới đâu biết rõ tới đấy. Tôi quay sang bên, nhìn ra cửa xe. Lưng tôi lại bắt đầu giần giật, đau nhừ. Không biết tôi có thể nán chờ được cho đến khi chúng tôi tới bệnh viện, rồi tôi mới vào phòng vệ sinh được không, tôi tự hỏi thầm. Nhà an dưỡng Coltơn giống như một khách sạn hơn là bệnh viện. Nó nằm ngay trên dãy đá Thái Bình Dương, nhìn xuống biển. Để tới được nó, người ta phải quốc lộ ven biển, rẽ ngoặt vào một con đường nhỏ ngoằn ngoèo. Và ở kia, cạnh cái cổng sắt, là một người gác. Chỉ có thể vượt qua anh ta sau khi đã trình đủ giấy tờ hợp lệ. Bác sĩ Coltơn không phải là một gã lang băm ở Caliphonia. Ông ta chỉ là một người tinh ranh, nhận rõ sự cần thiết của một bệnh viện hoàn toàn riêng tư. Các ngôi sao màn bạc đi tới đây vì mọi lý do, từ sinh đẻ đến thăm bệnh, từ mổ bó bột đến chữa suy nhược thần kinh. Và một khi đã ở trong cái cổng sắt, họ có thể hít thở tự do, nghỉ ngơi thoải mái. Bởi vì từ trước đến nay chưa hề có một phóng viên nào lọt được vào đây. Họ có thể chắc chắn biết rằng dù họ có vào đây vì lý do gì thì những lời duy nhất mà thế giới bên ngoài biết tới được, là những lời từ chính miệng họ. Người gác cổng rõ ràng đang chờ chúng tôi, bởi anh ta mở cổng ngay khi thấy cái môtô của tay cảnh sát. Đám nhà báo thét hỏi chúng tôi, còn thợ ảnh thì cố chụp lia lịa. Thậm chí một anh chàng phóng viên còn bấu được thành xe lọt vào trong cổng. Rồi đột nhiên một người bảo vệ thứ hai xuất hiện, túm lấy anh chàng kia, giằng phăng ra khỏi ôtô. Tôi quay sang Baz. “Họ dai như đỉa đói ấy, nhỉ?”. Mặt Baz rất nghiêm túc. “Từ nay trở đi, cậu nên quan tâm tới việc này, Giônơx ạ. Mọi cái cậu làm sẽ trở thành tin tức hết”. Tôi tròn mắt nhìn anh ta. “Vớ vẩn”, tôi thốt lên, “chỉ hôm nay thôi, ngày mai thì lại là người khác”. Baz lắc đầu. “Cậu đã không xem báo, hoặc là nghe đài ngày hôm nay. Cậu trở thành một người cả nước biết tiếng rồi. Trong việc cậu đã làm vừa rồi, có một cái gì đấy khuấy động, thu hút trí tưởng tượng của công chúng. Các đài phát thanh từng nửa giờ một lại thông báo diễn biến chuyến bay của cậu. Ngày mai, tờ Người xem xét sẽ bắt đầu đăng chuyện đời cậu. Chưa bao giờ, từ thời Linbơg[61], lại có chuyện náo động cả cái nước này như vậy đó”. - Cậu nghe đâu mà bảo thế hả? Baz mỉm cười. “Ở các ô tô quảng cáo của Người xem xét chứ ở đâu. Người ta vẽ áp phích cái mặt cậu. “Xin đón đọc chuyện đời của con người bí ẩn của Hôliut. - Giônơx Cođơ do Ađêla Râugiơ Xênt Giôn viết”. Tôi tròn mắt nhìn anh. Có lẽ mình đã phải quen với chuyện này rồi mới phải. Xênt Giôn là cây bút nữ số một chuyên viết chuyện tình cảm của tập đoàn xuất bản Hơxt. Như vậy có nghĩa là ông già cầm trích tít ở Xan Ximiơn đã giơ ngón tay tỏ ý tán thưởng tôi. Từ nay trở đi, tôi sẽ sống như ở trong bể cá vàng. Xe dừng, một người hầu cửa xuất hiện. “Xin ngài làm ơn theo tôi ạ, thưa ngài Cođơ”, bác ta lịch sự mời. Tôi theo bác bước lên bậc thềm vào bệnh viện. Cô y tá mặc đồng phục trắng ngồi sau bàn mỉm cười chào tôi, chỉ cuốn sổ đăng ký bọc da đen. “Thưa ông Cođơ, xin mời ông ạ. Theo nội quy của bệnh viện, tất cả khách đến thăm đều phải ký vào sổ ạ”. Tôi ký loáng vào sổ. Cô y tá ấn một cái nút dưới quầy. Một thoáng sau, cô y tá khác hiện ra cạnh bàn. “Xin mời ông theo tôi, thưa ông Cođơ”, cô ta nhã nhặn nói. “Tôi sẽ đưa ông tới buồng của cô Malovi ạ”. Tôi theo cô ta tới một hàng các thang máy nhỏ ở phía sau hành lang. Cô ta ấn nút, ngẩng lên nhìn đồng hồ báo hiệu. Mặt cô ta thoáng có nếp nhăn nhíu lại. “Tôi xin lỗi vì đã làm ông phiền, thưa ông Cođơ. Nhưng ta sẽ phải đợi mấy phút ạ. Cả hai thang máy đều đang ở trên phòng mổ ạ”. Một bệnh viện rút cục vẫn là một bệnh viện, dù có làm nó nom giống như khách sạn đến thế nào đi chăng nữa. Tôi ngó quanh, cho đến khi thấy cái định tìm. Đó là cái cửa có đề một cách tế nhị dòng chữ: NAM GIỚI. Tôi rút một điếu thuốc từ trong túi ra, cánh cửa thang máy khép lại phía sau lưng tôi. Bên trong cái thang máy này, mọi thứ lại sặc sụa mùi bệnh viên. Rượu, thuốc tẩy uế, fomalđêhit. Sự ốm đau và cái chết. Tôi đánhmột que diêm, châm vào đầu điếu thuốc, thầm mong cô y tá đừng để ý thấy những ngón tay đột nhiên run bắn lên của tôi. Thang máy dừng, cánh cửa lăn ra. Chúng tôi bước sang một hành lang bệnh viện sạch như li như lau. Tôi rít ngốn ngấu điếu thuốc lá, lập cập theo sau cô y tá. Đến trước một cánh cửa, cô ta đứng dừng lại. “Thưa ông Cođơ, tôi e rằng ông phải dập thuốc lá đi đấy ạ”. Tôi ngẩng lên bắt gặp tấm biển màu da cam: CẤM HÚT THUỐC CÓ ÔXY ĐANG ĐƯỢC DÙNG TRONG NÀY! Tôi rít thêm một hơi nữa rồi quẳng nó vào một thùng đựng rác đặt ở cạnh cửa. Tôi đứng sững hồi lau, đột nhiên cảm thấy sợ không dám vào. Cô y tá vòng tay qua tôi, mở cửa. “ Thưa ông Cođơ, bây giờ ông có thể vào được rồi đấy ạ”. Cửa mở toang, để lộ ra một căn phòng ngoài nhỏ. Một cô y tá khác đang ngồi trên ghế tựa, đọc một tờ tạp chí. Cô ta ngẩng nhìn tôi. “Xin mời ông vào, ông Cođơ”, cô ta thốt lên một cách vui vẻ giả tạo, “chúng tôi đang chờ ông đấy”. Từ từ, tôi bước qua ngưỡng cửa. Có tiếng cửa đóng lại phía sau lưng tôi, tiêng chân cô dẫn đường bước xa dần. Đối diện với cửa ra vào là một cái cửa khác. Cô y tá bước tới chỗ nó. “Cô Malovi ở trong này ạ”, cô ta nói. Tôi đứng sững ở ngưỡng cửa. Thoạt tiên, tôi không thể nhìn thấy em. Ilenơ Gala, một bác sĩ và một y tá nữa đang đứng cạnh giường, quay lưng lại phía tôi. Rồi, như một tiếng còi nào gọi giật, tất cả đột nhiên quay phắt lại. Tôi tiến đến giường. Cô y tá rời đi, còn Ilenơ và bác sĩ hơi né người sang bên để dành chỗ cho tôi. Rồi tôi nhìn thấy em. Một cái lồng bằng chất dẻo trong suốt chụp kín đầu và hai vai em. Em có vẻ như đang ngủ. Trừ mặt em ra, còn tất cả người em hoàn toàn bị che phủ bởi một tấm băng trắng dày cộp khiến mớ tóc vào sáng ngời của em không nhìn thấy được nữa. Mắt em nhắm nghiền, tôi có thể nhận thấy có một mạch máu nhỏ quầng xanh dưới lớp da mi. Da mặt em bị kéo căng ra về phía hai gò má cao, để lại một hốc sâu quanh hai má hốc hác khiến người ta có cảm giác rằng lớp thịt ở dưới chúng đã không còn nữa. Cái miệng rộng của em, trước kia lúc nào cũng tươi tắn, ấm nóng, giờ tái nhợt, hơi co lên, để lộ hàm răng đều đặn trắng muốt. Tôi đứng sững bên giường, lặng thinh một thoáng. Tôi không thấy em thở. Tôi ngoảnh sang bác sĩ. Ông lắc đầu. “Cô ấy vẫn sống, ông Cođơ ạ”, ông thì thào, “nhưng chỉ hơn cái chết một tý thôi”. - Tôi nói chuyện với ấy được chứ ạ? - Ông cứ thử xem, ông Cođơ ạ. Nhưng đừng thất vọng nếu như cô ấy không trả lời ông. Trong mười tiếng ròng rã vừa qua, cô ấy cứ ở trong tình trạng như thế này. Và nếu như cô ấy đáp lời, ông Cođơ ạ, cô ấy sẽ có thể không nhận ra ông. Tôi quay lại phía em. “Raina!” Tôi khẽ gọi, “anh đây, Giônơx đây”. Em vẫn nằm im phăng phắc. Tôi luồn tay vào ống chất dẻo, tìm tay em, nắm lấy nó, xiết mạnh. Nó mềm nhũn lạnh toát. Đột nhiên trong tôi mọi cái dừng phắt lại điên dại. Tay em lạnh rồi. Em đã chết rồi. Em đã chết rồi. Tôi quỳ sụp xuống cạnh mép giường, gạt phăng cái lồng chất dẻo sang bên, cúi sát xuống người em. “Raina, Raina, đừng em!” Tôi van vỉ như điên, “Anh đây, Giônơx đây! Đừng em, đừng chết!”. Tôi đột ngột cảm thấy tay em hơi nặng trở lại. Tôi cúi nhìn xuống em, hai má ròng ròng nước mắt. Tay em nhúc nhích rõ rệt hơn. Rồi em từ từ mở mắt ra, nhìn thẳng vào mặt tôi. Thoạt tiên, cặp mắt ấy đờ đẫn và xa vời vợi. Rồi nó vụt trở lại trong vắt, và môi em cong lên thành một cái gì hơi giống nụ cười. “Giônơx”, em thì thào, “em đã biết thế nào anh cũng đến mà”. - Em chỉ cần huýt một tiếng sáo thôi là anh bổ đến ngay. Môi em chum lại, nhưng không phát ra được thành tiếng. “Em chả bao giờ học huýt sáo được cả”, em khẽ thì thào. Giọng ông bác sĩ vọng lại từ phía sau tôi. “Cô Malovi, giờ thì cô nên nghỉ đi lấy một chút”. Mắt Raina nhìn lướt qua vai tôi về phía ông. “Không”, em đáp khẽ, “cho tôi xin. Tôi không còn nhiều thời gian nữa. Hãy cho tôi nói chuyện với Giônơx”. Tôi quay lại nhìn bác sĩ. “Thôi được”, ông đáp, “nhưng một chút thôi đấy”. Rồi tôi nghe thấy tiếng cửa đóng lại đánh tách ở sau lưng. Tôi cúi xuống nhìn Raina. Tay em khẽ nấc lên, vuốt vuốt má tôi. Tôi ôm lấy những ngón tay em, ép vào môi mình. - Em phải gặp anh, Giônơx ạ. - Tại sao em lại nán chờ lâu đến thế hả Raina? - Vì em phải gặp anh, - em thì thào, - để giải thích. - Bây giờ thì cần gì phải giải thích nữa em? - Giônơx, xin anh hãy cố hiểu em. Em yêu anh từ giây phút đầu tiên gặp. nhưng em sợ. Em đã từng là cái nợ đem rủi ro đến cho những người yêu thương em. Mẹ em, anh trai em vì yêu thương em mà đã thiệt mạng. Cha em thì chết trong tù vì đau khổ. - Đấy không phải là lỗi tại em. - Em đẩy Magrit ngã xuống cầu thang và giết chị ấy. Em giết con em ngay từ khi nó thậm chí còn chưa ra đời, cướp mất nghề của Nêvađa, và Clođơ đã tự tử vì những cái em đã hành anh ấy. - Những điều ấy xẩy ra vì phải xẩy ra. Em đừng có tự buộc tội như vậy. - Em có tội. - Em thì thào khan khan, bướng bỉnh. - Hãy xem em đã làm gì anh, làm gì cuộc hôn nhân của anh. Đáng nhẽ em không bao giờ được mò đến khách sạn của anh đêm ấy mới phải. - Đó là lỗi của anh. Anh ép buộc em phải đến. - Không ai buộc em cả. - Em thì thào. - Em đã đến, bởi vì em muốn đến. Và khi cô ấy xuất hiện, em đã nhận ra mình sai đến mức nào. - Tại sao vậy? - Tôi cay đắng hỏi. - Vì cô ta mang cái bụng phưỡn ra đến vậy ư? Thậm chí đứa bé ấy không phải là con anh nữa. - Thế thì khác gì nào hả anh? Nếu trước khi gặp anh, cô ấy đã ăn nằm với ai đó, thì sao? Anh nhất định phải rõ chuyện đó khi anh cưới cô ấy. Và khi đó, nó đã không thành vấn đề đối với, thì tại sao anh lại cảm thấy đau khổ khi cô ấy sắp sửa đẻ đứa bé với người khác? - Điều đó có thành vấn đề đấy. - Tôi vẫn khăng khăng. - Tất cả những gì cô ta quan tâm chỉ là tiền của anh mà thôi. Thế em nghĩ sao về sự thỏa thuận nửa triệu đôla cô ta nhận khi cuộc hôn nhân được hủy bỏ? - Không đúng đâu. - Em thì thào. - Cô ấy yêu anh, em có thể nói như vậy, nhìn cặp mắt đau đớn của cô ấy, em biết lắm. Và giả sử nói rằng cô ấy coi tiền là quan trọng như vậy, tại sao cô ấy lại đưa hết cho ba mình? - Anh không biết là có chuyện ấy. - Anh còn không biết nhiều cái lắm. - Raina thì thào. - Nhưng em không còn thời gian nói cho anh rõ hết nữa rồi. Chỉ vì một điều này. Em đã phá hoại hạnh phúc gia đình anh. Vì lỗi lầm của em mà đứa bé tội nghiệp ấy đang lớn lên không được mang họ anh. Em muốn bằng cách nào đó đền bù cho con bé. Em nhắm nghiền mắt lại trong một thoáng. “Có thể gia sản của em không còn nhiều nhặn gì”, em khẽ nói, “chưa bao giờ em biết cách dùng tiền thế nào cho thật tốt cả, nhưng em sẽ để lại toàn bộ của cải của em cho con bé ấy, và chỉ định anh là người thực hiện di chúc của em. Anh hứa với em đi – Rằng anh sẽ làm mọi cách để nó nhận được số tài sản đó”. Tôi cúi nhìn xuống mắt em. “Anh xin hứa”. Em chậm rãi mỉm cười. “Giônơx, cám ơn anh. Em biết mà, lúc nào em cũng trông cậy vào anh được”. - Thôi bây giờ cố ngủ đi một chút, em. - Để làm gì? - Em thì thào. - Để em lại sống thêm vài ngày nữa trong cái thế giới điên dại, ngớ ngẩn đang quay cuồng trong đầu em ư? Không, Giônơx. Nó làm em đau đớn không chịu nổi. Em muốn chết. Nhưng đừng để em chết ở đây, kẹt cứng trong cái lồng chất dẻo này. Đem em ra ngoài bao lơn. Hãy để em nhìn thấy bầu trời một lần nữa. Tôi tròn mắt nhìn em. “Bác sĩ sẽ...” - Giônơx, em xin anh... Tôi cúi xuống nhìn em. Em mỉm cười. Tôi mỉm cười lại và gạt cái lồng chụp ôxy sang bên. Tay tôi nhấc bổng em lên, ấp sát vào người. Em nhẹ bẫng như một chiếc lông chim. - Giônơx, được ở trong vòng tay anh một lần nữa, dễ chịu quá. - Em thì thào. Tôi hôn lên trán em, và bước ra nắng. “Em đã gần như quên mất một cái cây có thể xanh đến thế nào”, em thì thào, “tít ở Bôxtơn, có một cây sồi xanh ngắt, xanh đến độ anh chưa hề thấy đâu. Giônơx, xin anh đưa em về lại đó đi”. - Anh nhất định sẽ làm. - Và đừng để cho họ làm rùm beng chuyện này nhớ. - Em thì thào. - Họ có thể làm như vậy đấy, trong cái nghề điện ảnh này. - Anh biết. - Ở đấy sẽ có chỗ dành cho em. - Em nói khẽ. - Cạnh ba em. Tay em tuột khỏi ngực tôi. Và một sức nặng mới xuất hiện trong thân thể em. Tôi cúi nhìn mặt em. Mặt em khuất vùi trên vai tôi. Tôi quay đi, nhìn cái cây đã làm em nhớ lại quê nhà. Nhưng tôi không nhìn thấy nó. Mắt tôi nhòe nước. Khi tôi quay người lại, Ilenơ và ông bác sĩ đã ở trong phòng. Lặng lẽ, tôi bế Raina đi vào giường, nhẹ nhàng đặt em xuống. Tôi đứng thẳng người dậy, nhìn họ. Tôi cố nói, nhưng trong một lúc, không lời nào có thể thoát ra được khỏi miệng. Và cuối cùng, khi nói được,giọng tôi khản đặc vì đau đớn. - Cô ấy muốn chết trong nắng mặt trời. - Tôi nghẹn ngào. 7 Tôi nhìn ông mục sư đang lặng lẽ mấp máy môi đọc kinh theo quyển Thánh kinh bé xíu bọc bìa đen trong tay. Rồi ông ta ngẩng mặt lên nhìn trời một giây, sau đó gập quyền Thánh kinh lại và chậm rãi đi xuôi theo con đường nhỏ. Một thoáng sau, những người khác cũng đi theo ông ta. Chả mấy, bên nấm mồ chỉ còn tôi và Ilenơ ở lại. Cô ta đứng sững, đối diện tôi, gầy hốc hác, lặng lẽ, mặc bộ áo váy đen. Tấm mạng nhỏ xíu từ chiếc mũ đen che lấy mặt. “Thế là hết”, cô ta mệt mỏi thốt lên. Tôi gật đầu, cúi xuống nhìn mộ chí. Raina Malovi. Giờ thì không còn là gì nữa, ngoài một cái tên. “Tôi mong rằng mọi cái đã làm đúng theo lời cô ấy mong”. - Tôi tin là như thế đấy. Rồi chúng tôi lại im lặng, nỗi im lặng lung túng giữa hai con người gặp nhau ở nghĩa trang, quen nhau qua mối liên hệ giờ đây đã nằm dưới mộ ấy. Tôi thở dài một hơi thật sâu. Đến lúc phải về rồi. “Cho phép tôi chở chị về khách sạn chứ?” Cô lắc đầu. “Tôi muốn ở lại đây một lúc nữa, ông Cođơ ạ”. - Chị sẽ không sao chứ? Tôi không thấy ánh mắt cô sau tấm mạng. “Tôi sẽ không sao đâu, ông Cođơ ạ. Giờ thì chẳng còn gì hơn có thể xẩy ra đối với tôi nữa đâu”. - Tôi sẽ bảo một chiếc tắcxi chờ chị. Thôi chào chị, chị Gala. - Xin chào ông, ông Cođơ ạ. - Cô ta trang trọng đáp lại. - và... và... xin cảm ơn ông. Tôi quay người, bước xuôi con đường nhỏ ra đường lớn của nghĩa trang. Đám đông bệnh hoạn và tò mò vẫn còn đang ở kia, phía đối diện, sau lưng hàng rào cảnh sát. Một tiếng reo khẽ dậy khi tôi bước qua cổng nghĩa trang. Tôi đã làm hết sức, nhưng không hiểu sao, bao giờ cũng vẫn còn những đám đông bu lấy... Anh lái xe mở cửa chiếc xe hòm, tôi bước vào. Anh ta đóng nó lại, rồi tất tả chạy về chỗ của mình. “Thưa ông Cođơ,chúng ta đi đâu ạ?” ông ta vui vẻ hỏi. “Về khách sạn chứ ạ?”. Tôi xoay người, nhìn qua cửa. Chúng tôi đang ở trên đỉnh một đoạn đường đồi nhỏ. Tôi có thể nhìn thấy Ilenơ trong nghĩa trang. Cô ta đang ngồi cạnh nấm mồ, tội nghiệp, rũ rượi trong bộ quần áo đen, mặt vùi trong hai tay. Rồi chúng tôi qua chỗ ngoặt, không nhìn thấy cô ta nữa. - Về lại khách sạn chứ, thưa ông Cođơ? - Anh tài xế lại hỏi. Tôi ngồi thẳng người, lục túi tìm một điếu thuốc. “”Không”, tôi đáp, châm lửa, “ra sân bay”. Tôi rít một hơi rất dài, để luồng khói đốt bỏng phổi. Đột nhiên tôi muốn, chỉ muốn rời xa tất cả. Bôxtơn và cái chết, Raina và những giấc mơ. Tôi có quá nhiều ký ức mất rồi. Tiếng gầm rú dội lên đỉnh tai tôi, khi tôi bắt đầu leo lên cái thang dài ngoẵng, đen kịt thoát ra khỏi bóng tối dày kịt trên đầu. Càng leo lên, tiếng động càng rộ lên mãi, càng to lên mãi... Tôi mở choàng mắt. Ngoài cửa sổ, đoàn tàu điện đại lộ số ba đang ầm ầm lao qua. Tôi có thể nhìn thấy những hành khách trong các toa xô dúi vào nhau, rời những người đứng trên sân ga bé xíu, ở ngoài trời. Đoàn tàu qua hẳn. Một sự lạnh ngắt kỳ quái ập xuống căn buồng. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Một căn buồn nhỏ, tối tối, giấy dán tường trước trắng nay đã ố nâu vàng. Cạnh cửa sổ là một cái bàn nhỏ, trên tường ngay đó treo một chữ thập ác. Tôi đang nằm trong một chiếc giường cũ kỹ bằng đồng. Từ từ, tôi vắt chân thả xuống sàn nhà, ngồi dậy. Đầu tôi đau như muốn rồi ra khỏi cổ. - A, thế là anh đã tỉnh dậy rồi đấy nhỉ? Tôi chực ngoái cổ lại, nhưng người phụ nữ đã vòng tới trước mặt tôi. Nom mặt cô ta mơ hồ có vẻ gì quen quen, nhưng tôi chịu, không nhớ nổi ra là đã gặp ở đâu. Tôi giơ một tay lên xoa má, cằm tôi nhám như một tờ giấy ráp. - Tôi đã ở đây bao lâu rồi nhỉ? Người đàn bà mỉm cười. “Gần một tuần rồi”, cô ta đáp, “và tôi bắt đầu ngỡ rằng chẳng bao giờ anh sẽ hết khát nữa”. - Tôi đang uống nước ư? - Kia kìa. Tôi nhìn theo ánh mắt cô xuống sàn nhà. Ba thùng các tong đầy vỏ chai uyxky. Tôi vò vò gáy. Thảo nào mà đầu nhức như búa bổ. “Tại sao tôi lại vào đây được nhỉ?” Tôi hỏi. - Anh không nhớ ra ư? Tôi lắc đầu. - Anh đi tới trước mặt tôi ngay trước cửa hiệu ở Đại lộ số sáu ấy, túm lấy tay tôi và nói rằng anh đã sẵn sàng học cái bài học ấy rồi. Khi ấy anh đã say rượu. Rồi chúng ta vào tiệm Hoa hồng trắng uống thêm đôi cốc. Ở đó anh gây sự, đánh nhau với lão chủ quầy. Thế là tôi đã đem anh về nhà đây để trông nom chăm sóc anh. Tôi dụi mắt. Bắt đầu thấy lờ mờ nhớ ra. Tôi từ sân bay xuống và đang đi dọc Đại lộ số sáu tới các văn phòng của Hãng Noman thì đột nhiên cảm thấy muốn uống một chút gì đó. Sau đó, mọi việc theo là mờ mịt lộn xộn. Tôi mang máng nhớ lại rằng mình đã có lùng sục trước một cửa hàng bán rađiô, tìm cái cô gái điếm đã hứa dạy một đôi điều mà tôi không được biết đến lúc ở trường đi học. - Thế cô là người ấy à? - Tôi hỏi. Cô ta bật cười. “Không, không phải tôi đâu. Nhưng ở cảnh anh lúc ấy, thì điều đó cũng chẳng khác gì nhau lắm, tôi đã nghĩ thế. Khi ấy anh không tìm kiếm một người đàn bà, mà là lùng một nỗi buồn để nhấn chìm mình vào đó”. Tôi đứng dậy, nhận thấy mình đang mặc quần đùi. Tôi ngẩng lên nhìn cô ta, tỏ ý hỏi. “Ngày hôm qua, khi anh không đòi uống nữa, tôi đem quần áo xuống nhà cho hiệu giặt. Tôi sẽ đi xuống lấy cho anh bây giờ, còn anh tắm rửa một chút cái đi”. - Phòng tắm ở đâu kia? Cô ta chỉ một cái cửa. “Không có vòi hoa sen đâu. Nhưng có đủ nước nóng trong bồn tắm đấy. Và ở trên cái giá ngay trên bồn, có một lưỡi dao cạo đấy”. Khi tôi tắm xong bước ra, quần áo đã sẵn sàng. “Tiền của anh ở trong ngăn kéo ấy”, cô nói khi tôi đã mặc xong sơmi và xỏ tay vào áo vét. Tôi đi đến ngăn kéo, nhặt nó lên. - Anh sẽ thấy nó vẫn còn nguyên, trừ số tôi đã lấy mua rượu. Cầm nắm tiền trong tay, tôi nhìn cô ta. “Tại sao cô lại đưa tôi về đây thế?”. Cô nhún vai. “Chúng tôi, những người Airơlen, chỉ làm được những con nhà thổ tồi. Chúng tôi hay thương những người nghiện rượu”. Tôi cúi xuống nhìn nắm tiền trong tay. Có khoảng hai trăm đôla tất cả. Tôi nhặt ra một tờ năm đôla, đút vào túi; còn lại, tôi bỏ tất cả lên mặt bàn. Cô ta lặng thinh cầm lấy chỗ tiền, rồi theo tôi ra tới cửa. - Cô ấy đã chết rồi, anh biết đấy. - Cô nói. - Và tất cả rượu uyxky trên đời này cũng không làm cô ấy sống lại được nữa đâu. Chúng tôi đứng lặng yên nhìn thẳng vào nhau một thoáng, rồi người đàn bà đóng cửa lại. Tôi lần mò xuống khỏi cái cầu thang tối, bước ra đường. Tôi đi bộ tới một cửa hàng bách hóa nằm ở góc phố Tám hai với Đại lộ ba và gọi điện cho Mac Alixtơ. - Anh chết dúi vào cái xó nào vậy hả? - Mac thốt lên. - Rượu say. - Tôi đáp. - Anh có một bản sao di chúc của Raina không? - Có, tôi có một bản. Chúng tôi đã sục nhào cả thành phố Niu Yooc này lên tìm anh. Anh có nhận ra cái gì đang xẩy ra ở xưởng phim không? Họ cứ chạy ngược chạy xuôi như gà con bị cắt mất đầu ấy. - Di chúc anh để đâu? - Trong cái bàn ở phòng ngoài nhà anh ấy, nơi anh đã bảo tôi. Nếu chúng ta không tổ chức sớm một cuộc họp về cái hãng phim ấy, anh sẽ không còn phải lo lắng vào chỗ tiền anh đầu tư vào đó nữa đâu. Sẽ không còn gì nữa cả. - Ôkê. Vậy tổ chức ngay một cuộc họp đi. - Tôi đáp, và bỏ máy ngay, không cho Mac kịp trả lời. Tôi bước ra trả tiền tắcxi, rồi bắt đầu đi dọc trên vỉa hè trước mặt các ngôi nhà. Trẻ con đang chơi đùa trên bãi cỏ, đưa mắt tò mò theo tôi. Hầu như tất cả cửa của các nhà đều mở, nên tôi không nom thấy số nhà. - Ông tìm ai đấy hở ông? – Một đứa bé hỏi. - Cô Uynthrop. - Tôi đáp,- Monica Uynthrop. - Cô ấy có một đứa con gái chứ gì? Lên năm tuổi chứ gì? - Có lẽ vậy đấy. - Thế thì bốn nhà nữa là tới. Tôi cảm ơn cháu bé rồi đi xuôi xuống. Đến lối vào của ngôi nhà thứ tư, tôi nhìn tên chủ nhà gắn dưới nút chuông. Uynthrop. Không ai trả lời. Tôi lại ấn lần nữa. - Cô ấy đi làm chưa về đâu. - Một ông nhà bên cạnh nói với sang chỗ tôi. - Cô ta còn ghé qua nhà trẻ đón con bé đã. - Thế độ bao giờ cô ấy về ạ? - Mấy phút nữa thôi. - Ông ta đáp. Tôi nhìn đồng hồ. Bảy giờ kém mười lăm. Mặt trời đã bắt đầu lặn. Ngày cũng bớt nóng dần. Tôi ngồi xuống bậc thềm, châm điếu thuốc. Miệng tôi đắng ngăn ngắt. Có thể cảm thấy rõ mộn một cơn đau đầu lại sắp sửa bắt đầu. Điếu thuốc gần hết thì tôi thấy Monica từ góc phố rẽ ra, đi trên vỉa hè, một đứa bé con nhảy tâng trăng chạy trước. Tôi đứng dậy khi con bé nhìn thấy tôi, dừng phắt lại. Mũi nó chun chun lại, cặp mắt đen xếch lên. “Mẹ ơi”, nó kêu lên lanh lảnh, “có bác nào đứng ở thềm nhà ta kìa”. Tôi nhìn Monica. Trong một thoáng, chúng tôi đứng sững trước mặt nhau như vậy. Nom cô vẫn thế, nhưng lại có một vẻ gì khang khác. Có thể là do cô ấy để kiểu tóc thế. Hoặc là do cái áo đi làm giản dị. Nhưng chủ yếu nhất, chính là cặp mắt. Chúng có một vẻ tự tin bình thản trước kia không hề có. Cô chìa tay ra, kéo con bé vào lòng. “Không sao đâu, Giô - an ạ”, cô bế bổng con bé lên, “bác ấy là bạn mẹ đấy”. Cô bé mỉm cười. “Cháu chào bác ạ”. - Chàu cháo. - Tôi đáp, rồi nhìn Monica. - Chào Monica. - Chào anh Giônơx.- Cô đáp lạnh lùng.- Anh khỏe chứ? - Bình thường. Anh muốn gặp em một chút. - Về việc gì vậy? - Cô hỏi. - Em tưởng là mọi chuyện thu xếp xong xuôi rồi. - Không phải về chúng ta. - Tôi đáp. - Về đứa bé. Cô đột nhiên ôm chặt hơn con bé vào lòng. Một cái gì giống như sợ hãi lóe lên trong mắt cô. “Giô - an làm sao cơ?”. - Không có gì đáng ngại đâu em ạ. - Tôi nói. - Có lẽ tốt hơn là ta vào nhà đi. Tôi bước tránh sang bên cho cô mở cửa, rồi bước theo cô vào căn phòng ở nhỏ bé. Cô đặt con xuống đất. “Giô - an đi về phòng con chơi với mấy con búp bê đi”. Con bé cười khanh khách sung sướng, lũn cũn chạy vụt đi. Monica quay lại chỗ tôi. “Nom anh có vẻ mệt”, cô thốt lên, “anh đợi có lâu không?” Tôi lắc đầu. “Không lâu lắm”. - Anh ngồi xuống đi. - Cô nói khẽ. - Để em pha cà phê. - Thôi đừng vất vả. Anh sẽ không làm phiền lâu đâu. - Không sao mà. - Cô đáp nhanh. - Không phiền đâu. Chúng em cũng hiếm khi có khách. Cô đi vào bếp. Tôi thả người xuống một cái ghế, đưa mắt nhìn quanh. Không hiểu sao, tôi không thề quen với cái ý nghĩ rằng đây là nơi cô ấy sống. Nom nó có vẻ như được trang bị bởi đồ đạc mua từ tầng hầm cửa hiệu Gimbel. Không phải là chúng không tốt. Mà là vì mọi cái đều gọn gàng đơn giản hơn, thực tế và rẻ tiền. Vậy mà Monica trước kia đã từng quen sống theo cái kiểu ở dinh thự Groxfeld cơ đấy. Cô quay lại, bưng một tách cà phê đen bốc hơi ngùn ngụt, đặt nó xuống bàn cạnh tôi. “Hai thỏi đường nhỉ, đúng không?” - Loại Oashingtơn G. đấy. - Thế là thế nào? - Bạn của chị em làm việc. - Cô đáp. - Cà phê pha luôn. Khi đã quen rồi, thì cũng không thấy nó tồi cho lắm. - Không biết rồi họ sẽ nghĩ ra cái gì nữa cơ chứ? - Em lấy cho anh mấy viên axpirin nhé? - Cô hỏi. - Nom anh có vẻ như đang đau đầu ấy. - Sao em biết được thế? Cô mỉm cười. “Chúng ta đã từng lấy nhau một thời gian, anh còn nhớ không? Mỗi khi đau đầu trán anh lại có một nếu nhăn như vậy”. - Thế thì cho anh xin hai viên. - Tôi đáp. - Cám ơn em. Cô ngồi xuống đối diện với tôi, sau khi tôi đã uống thuốc. Mắt cô chăm chú nhìn tôi. “Anh ngạc nhiên thấy em ở trong một nơi thế này chứ gì?” - Hơi có thế thật. - Tôi đáp. - Mãi tới gần đây, anh mới biết là em không hề giữ lại một chút nào trong số tiền mà anh đưa cho em. Tại sao vậy? - Em không cần nó, cô đáp giản dị, - mà ba em thì lại cần. Như vậy em giao nó cho ba em. Ba em cần để làm ăn buôn bán. - Thế em đã cần gì? Cô ngần ngừ mãi rồi mới trả lời. “Cái mà em giờ đang có. Giô - an. Và đừng bị ai động đến nữa. Em dành dụm được đủ tiền để quay về miền Đông đẻ. Rồi khi con bé đủ cứng cáp, em tìm việc làm”. Cô mỉm cười, “em biết rằng so với nghề của anh thì nó chẳng thấm tháp gì đâu. Nhưng em là một thư ký hành chính đấy. Mỗi tuần em lĩnh được bảy mươi đôla”. Tôi lặng thinh cho đến khi uống hết chỗ cà phà còn lại. “Ông Amôx giờ thế nào?” Tôi hỏi cô. Cô nhún vai. “Em không rõ. Bốn năm rồi em không biết gì về ba em cả. Làm cách nào mà anh tìm ra chỗ em ở thế?” - Từ Raina. - Tôi đáp. Cô lặng thinh một hồi lâu. Rồi cô thở dài. “Giônơx, em thương quá”. CÓ thể thấy rõ mắt cô ngời ngời niềm tiếc thương. “Có thể là anh không tin, nhưng em thực sự thương cô ấy quá. Em đã đọc báo. Kinh khủng quá. Có nhiều cái đến thế, rồi ra đi như thế”. - Raina không còn họ hàng nào cả. - Tôi nói, - chính vì vậy mà anh đã đến đây. Cô lộ vẻ ngỡ ngàng. “Em không hiểu”. - Cô ấy để lại toàn bộ tài sản của mình cho con bé con em. - Tôi nói nhanh, - Anh không rõ chính xác là bao nhiêu, có thể là ba mươi, hay bốn mươi ngàn, sau khi đã trừ nợ và trả thuế. Cô ấy giao cho anh làm người thực hiện di chúc đó và bắt anh phải hứa bảo đảm cho con bé nhận được tiền. Cô đột nhiên tái mặt, trào nước mắt. “Tại sao cô ấy lại phải làm thế? Cô ấy có nợ gì em đâu”. - Cô ấy nói là cô ấy phải chịu trách nhiệm vể những gì xẩy ra giữa chúng ta. - Những gì xẩy ra giữa chúng ta là lỗi lầm của em và anh. - Cô nói dữ dội. Rồi ngừng bặt, cô nhìn tôi. - Mà thật ngớ ngẩn khi lại xúc động về chuyện đó lúc đã muộn mằn quá như thế này. Chuyện ấy đãkết thúc và đi qua rồi. Tôi lặng lẽ nhìn cô hồi lâu, rồi đứng dậy. “Đúng vậy, Monica à. Chuyện đó đã kết thúc và đã qua lâu rồi”. Tôi bước về phía cửa. “Nếu em liên lạc với Max Alixtơ, anh ấy sẽ chuẩn bị sẵn mọi giấy tời cho em”. Cô nhìn thẳng vào mặt tôi. “Sao anh không ở lại, để em nấu cơm chiều cho ăn”. Cô lịch sự. “Nom anh có vẻ mệt đấy”. Rõ ràng không thể bảo cho cô ấy biết rằng cái mà cô nhìn thấy chính là cơn rời rã sau một trận uống rượu say mèm. “Không, xin cám ơn em”, tôi cũng lịch thiệp đáp lại. “Anh phải về. Anh có mấy cuộc hẹn gặp vì công việc”. Mặt cô lại lộ vẻ nhăn nhó, gần như cay đắng. “Ồ, suýt nữa thì em quên mất đấy”. - Cô thốt lên. “Anh còn công việc nữa”. - Đúng vậy đấy. - Tôi đáp. - Có lẽ em phải biết ơn vì anh đã bỏ thời giờ đến đây. - Cô quay đi, gọi con trước khi tôi kịp trả lời. - Giô - an ơi, ra đây cám ơn bác tốt bụng đi con! Cô bé bước vào phòng, ôm trong tay một con búp bê. Nó ngẩng lên nhìn tôi, mỉm cười. “Đây là búp bê của cháu đấy”. Tôi cúi xuống mỉm cười với đứa trẻ. “Con búp bê đẹp quá!” - Chào bác về đi, Giô - an. Giô - an chìa tay ra cho tôi. “Chào bác ạ”. Con bé nói chững chạc. “Lần sau bác lại đến thăm chúng cháu nhé. Một hôm nào đấy. Sớm nhé”. Tôi cầm lấy tay nó. “Bác nhất định sẽ lại tới, Giô - an ạ. Chào cháu”. Giô - an mỉm cười, rụt nhanh tay lại, rồi chạy vụt ra khỏi phòng. Tôi đứng thẳng người dậy. “Thôi, xin chào Monica. Nếu cần gì, cứ gọi điện cho anh”. - Sẽ ổn cả thôi, anh Giônơx ạ. - Cô vừa nói vừa chìa tay ra cho tôi. Tôi nắm lấy nó xiết chặt. Cô mỉm cười trước. - Cám ơn anh, anh Giônơx ạ. Và em tin chắc rằng nếu Giô - an mà hiểu ra được, nhất định nó cũng sẽ cám ơn anh. Tôi mỉm cười lại. “Con bé xinh xắn ngoan ngoãn quá”. - Thôi tạm biệt, anh Giônơx. - Cô rụt tay khỏi tay tôi, đứng giữa khung cửa ra vào mở rộng. Tôi bước xuống đường. - Anh Giônơx! Tôi quay lại. “Gì vậy, Monica?”. Cô ngần ngừ một thoáng, rồi bật cười. “Không có gì đâu, anh Giônơx ạ”. Cô nói, “đừng có làm việc quần quật quá”. Tôi cười. “Anh sẽ cố không làm thế thử xem”. Cô đóng nhanh cửa lại. Tôi tiếp tục đi bộ dọc theo vỉa hè. Khu Forext Hil, vùng Quin đúng là một nơi thổ tả mà người ta phải sống. Tôi phải lóc cóc lê bộ qua sáu dãy nhà mới gọi được xe tắc xi. - Vậy thì bây giờ ta phải làm gì với Hãng đây? - Ulf hỏi. Tôi nhìn qua mặt bàn thẳng vào anh ta, rồi nhấc chai uyxky ngô lên, rót đầy lại cho cốc của mình. Tôi tiến đến bên cửa sổ, cúi xuống nhìn Niu Yooc. - Còn Người có tội nữa? - Đan hỏi. - Chúng ta sẽ phải quyết định làm gì với nó. Tôi đã nói chuyện với hãng Mêtrô hỏi mượn Halâu rồi. Tôi quay ngoắt lại chằm chằm nhìn ông ta. “Tôi không cần Halâu”, tôi buông thõng. “Đấy là bộ phim của Raina”. - Nhưng lạy Chúa ơi, anh Giônơx. - Đan kêu lên, - Anh không thể quẳng cái kịch bản ấy đi như thế được. Nó sẽ ngốn mất của anh nửa triệu cho đến khi anh trả hết nợ nhà Đơ Milo. - Tôi cóc để ý tới phí tổn. - Tôi rít lên. - Tôi quẳng nó đi đấy! Căn phòng lặng ngắt đi. Tôi quay lại cửa sổ. Phía trái tôi, ánh đèn khu đường Brôđuây sáng ngược lên đến tận trời; phía bên phải tôi, có thể nhìn thấy sông Ixt. Qua con đường ấy là Forext Hil. Tôi nhăn mặt, nuốt ực ngụm rượu. Monica đã nói đúng một điều. Tôi đang làm việc quá quần quật. Tôi có quá nhiều người bấu víu phía sau lưng; quá nhiều công việc. Công ty thuốc nổ Cođơ; Hãng hàng không liên lục địa. Giờ tôi lại là chủ một hãng sản xuất phim mà mình không hề mong muốn. - Thế nào, Giônơx? - Max Alixtơn lặng lẽ hỏi, - anh định làm gì bây giờ? Tôi quay lại bàn, rót thêm rượu vào cốc. TÔi đã quyết định, tôi đã biết từ nay trở đi tôi sẽ làm gì. Chỉ những cái mình muốn. Hãy để họ tự kiếm lấy và ăn mà chứng minh cho tôi thấy họ được việc như thế nào. Tôi chăm chăm nhìn Đan Piơx. “Ông luôn miệng nói rằng ông có thể làm phim tốt hơn bất kỳ ai trong ngành này. Vậy thì ôkê, ông sẽ phụ trách phần việc sản xuất”. Trước khi ông ta kịp mở miệng, tôi quay ngoắt sang Ulf. “Anh lo lắng rằng chuyện gì sẽ xảy ra với Hãng ư? Vậy thì từ naya nh sẽ thực sự có cái mà lo lắng đấy. Anh sẽ phụ trách mọi thứ khác - buôn bán, hệ thống rạp, bộ máy điều hành”. Tôi quay người đi, bước lại về phía cửa sổ. - Giônơx, thế là tốt lắm. - Mac Alixtơ nói. - Nhưng anh không hề bảo cho chúng tôi biết ai sẽ là những quan chức của Hãng. - Anh là chủ nhiệm ban giám đốc, Mac ạ. - Tôi đáp. - Đan là chủ tịch Hãng; Đêviđ, phó chủ tịch hành chính. - Tôi uống một ngụm rượu từ cái cốc. - Còn câu hỏi nào nữa không? Họ nhìn nhau. Rồi Mac quay lại phía tôi. “Trong khi anh không có mặt ở đây, Đêviđ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu tình hính của Hãng. Hãng cần ba triệu đôla vốn luân chuyểnđể qua được năm nay nếu ta muốn giữ mức sản xuất như hiện tại”. - Các anh sẽ có một triệu đô la. - Tôi nói. - Các anh phải xoay sở với chừng ấy để làm được thế. - Nhưng, Giônơx. - Đan phản đối. - Làm sao anh có thể chờ tôi làm ra được loại phim mà tôi muốn làm, nếu như anh không cho chúng tôi số tiền như vậy? - Nếu ông không thể làm được, - tôi hằm hè, - vậy thì cắp đít xéo, để tôi kiếm người khác có thể. Tôi nhìn thấy mặt Đan trắng nhợt ra. Ông ta mím chặt môi rầu rĩ, và lặng thinh không đáp. Tôi nhìn ông ta, rồi lần lượt nhìn những người khác. “Tất cả các anh cũng sẽ như vậy. Từ nay trờ đi, tôi xin đủ cái trò vú em thay tã cho cả thiên hạ. Người nào không thể làm được, xin mời bước. Nếu tôi muốn cần các anh, tôi sẽ gọi điện. Nếu các anh có gì muốn báo cáo, viết thành văn bản gửi cho văn phòng của tôi. Hết đấy, thưa các vị. Chúc ngủ ngon”. Cửa ra vào đóng lại sau lưng họ. Tôi cảm thấy rõ mồn một cái nút thắt cứng đờ, cáu kỉnh đang nghẹn lại trong ruột. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Forext Hil. Không hiểu ở đó có những trường học như thế nào để cho một cô bé như Giô - an được học hành tử tế. Tôi uống cạn chỗ rượu còn lại trong cốc. Nó không cởi gỡ cái nút nghẹn trong ruột tý nào mà lại làm nhức nhối hơn. Đột nhiên, tôi cảm thấy them khát một người đàn bà. Tôi nhấc máy điện thoại, gọi Riôsê, trưởng hầu bàn tại câu lạc bộ Riô dưới nhà. “Dạ, tôi đây thưa ông Cođơ”. - Bác Riôsê. - Tôi nói. - Cái cô ca sĩ trong bạn nhạc Rumba ấy... Cái cô có cặp mắt... - ... to ấy mà. - Bác ta tiếp lời, khẽ cười. - Vâng ạ, thưa ông Cođơ, tôi biết. - Nửa tiếng nữa cô ấy sẽ có mặt ở chỗ ông ạ. Tôi đặt ống nghe xuống, bước lại bàn. Tôi cầm chai rượu lên, đem nó lại cửa sổ, vừa đi vừa rót rượu vào cốc. Tối nay tôi đã biết được thêm một điều nữa torng đời. Người ta sẽ trả bất kỳ giá nào cho những gì họ thực sự muốn. Monica sẽ chịu sống ở khu Quin để giữ được con gái của em. Đan chịu nuốt những lời lăng nhục của tôi để có thể làm được phim. Ulf sẽ làm mọi cái để chứng minh là anh ta có thể điều hành hãng tốt hơn ông cậu Bơny của mình. Và Mac tiếp tục trả giá cho cảnh yên ôn ấm no mà tôi đã cho anh. Khi tính lại, con người ta ai cũng có giá riêng của mình. Có thể chủng loại trả tiền cho những giá ấy khác nhau. Nó là thể là tiền bạc, là quyền lực, là vinh quang, hay là tình dục. Bất kỳ mọi cái. Chỉ cần biết rõ là họ thực sự muốn gì. Có tiếng gõ ngoài cửa, “Vào đi”, tôi gọi to. Cô ta bước vào, cặp mắt đen sáng lấp lánh, mớ tóc đen dài phủ kín lưng, gần tới hông. Chiếc áo choàng đen khoét ngực để lộ một màu trắng lóa đến tận rốn. Cô ta mỉm cười. “Xin chào ông Cođơ ạ”. Giọng cô ta không còn giả vờ lơ lớ như ở dưới quầy rượu nữa. “Ông mời tôi lên đây thật tử tế quá”. Đèn ở khu Quin không nhiều bằng khu Manhantan này. Và những ngọn đèn ít ỏi ấy lại cũng chẳng lấy gì làm sáng cho lắm. Đột nhiên, tôi cảm thấ bực tức. Tôi giật mạnh sợi dây giữ tấm rèm cửa mành mành. Nó sập xuống cửa sổ. Và thành phố mất hẳn. Tôi quay lại nhìn cô gái. Cô ta đang trân trân nhìn tôi, mắt mở rộng. - Tôi chán phải nhìn khu Quin lắm rồi! - Tôi đáp, và bước ngang căn phòng tới chỗ cô ta. Quyển sáu - CHUYỆN CỦA ĐÊVIT ILF 1 Đêvit Ulf bước vào phòng khách sạn của mình, để nguyên cả quần áo, quăng mình nằm phịch xuống giường, ngửa mặt lên nhìn cái trần nhà tối sầm. Đêm có vẻ như đã kéo dài đến một nghìn năm, thậm chí mặc dầu anh biết rõ là mới chỉ hơn một giờ sáng. Anh vừa thấy mệt nhoài, vừa thấy không mệt. Người anh nhẹ lâng lâng, đồng thời không hiểu sao, lại thấy mệt mỏi ủ rũ. Anh cảm thấy rạo rực đắc thắng; đồng thời lại có một cảm giác cay đắng mơ hồ về một thất bại không thể nào hiểu được đang khuấy động trong anh. Đây chính là sự bắt đầu cho cơ hội phất lên của anh, cái bình minh le lói đầu tiên của những khát vọng thầm kín, những ấp ủ, những ước mơ của anh. Vậy tại sao lại có cảm giác lẫn lộn khó hiểu thế này? Trước kia không hề bao giờ lại như vậy cả. Anh luôn luôn biết một cách chính xác mình muốn gì. Mọi cái đều rất đơn giản. Một đường thẳng từ anh vươn tới tột cùng. Nhất định là do Cođơ, anh thầm nghĩ. Hẳn là tại Cođơ. Không thể còn có lý do nào khác được. Không hiểu Cođơ có tác động đến người khác theo cái lối này không. Anh vẫn còn cảm thấy rõ mồn một nỗi choáng váng đã nghẹn người anh khi bước vào khách sạn, nhìn thấy Cođơ lần đầu tiên, kể từ tối Cođơ bỏ cuộc họp ban giám đốc, bay tới bờ Thái Bình Dương ấy. Mười lăm ngày đã trôi qua, hai tuần hoảng loạn, và hãng đã bắt đầu tan rã ngay trước cặp mắt anh. Những tiếng thì thào của đám nhân viên trong các văn phòng hãng ở Niu Yooc vẫn còn văng vẳng bên tai anh, những cái liếc trộm sợ hãi, lo âu sau lưng anh khi anh đi qua họ trong hành lang. Và anh không thể làm gì được cho hãng cả, anh không thể nói gì được với họ cả. Dường như cả công ty đang đờ người trong một cơn choáng, chờ tiếp máu để có sinh lực mới tràn vào trong các huyết mạch của mình. Và bây giờ, cuối cùng, Cođơ đã ngồi kia, một chai uyxky đã vơi đến nửa ở trước mặt – cái vỏ trống rỗng, vật vã méo mó của con người họ vừa mới trông thấy đôi ba tuần trước. Anh ta gầy tọp đi, vẻ kiệt sức in hằn thành những nếp nhăn mệt mỏi trên má. Nhưng chỉ đến khi nhìn vào mắt Cođơ, ta mới nhận thấy rằng, không phải chỉ xảy ra sự thay đổi duy nhất về thể xác. Bản thân tâm hồn con người ấy đã thay đổi rồi. Thoạt đầu, Đêvit không thể nào cắt nghĩa được. Rồi sau một thoáng, tấm màn che vụt nhấc lên, anh đột nhiên hiểu. Anh lờ mờ cảm giác được sự cô đơn đến vô song của con người ấy. Dường như anh ta là người khách đến từ một thế giới khác. Tất cả những người xung quanh anh ấy đã trở thành xa lạ, đối với anh ta gần như thành trẻ nhỏ, có những khao khát con con mà anh ta vượt qua từ lâu lắm rồi. Chừng nào anh ta còn thấy hữu dụng, chừng đó anh ta còn chịu đựng được họ; nhưng một khi mục đích ấy đã được thực hiện, anh ta lại rút vào cái thế giới chỉ trơ trọi một mình anh ta. Cả ba người lặng thinh suốt thời gian đi thang máy xuống tầng một, sau khi rời phòng của Cođơ. Mãi đến khi họ bước ra hành lang, hòa lẫn vào đám đông đang đổ vào khách sạn xem buổi biểu diễn nửa đêm trên sân thượng Xtalait, Mac Alixtơ mới nói: ”Tôi nghĩ, có lẽ ta nên tìm một chỗ yên tĩnh để nói chuyện tý chút”. - Quầy rượu Nam giới ở dưới kia được đấy. Nó vẫn mở cửa – Piơx đề nghị. Đúng là nó vẫn mở cửa thật, và khi hầu bàn đem rượu đến cho họ, Mac Alixtơ nhấc cốc của mình lên. ”Chúc may mắn”, tất cả lặp lại lời anh, uống cạn rượu, rồi đặt cốc xuống bàn. Mac Alixtơ lần lượt nhìn hai người, rồi mới thốt lên: ”Thế đó, từ nay trở đi, mọi cái tùy thuộc vào chúng ta. Giá như tôi có thể cống hiến trực tiếp được thì hay biết bao nhiêu”, anh nói theo cái giọng hơi khoa trương, lịch thiệp của mình. "Nhưng tôi chỉ là một luật sư, và hầu như chả hiểu mô tê gì về điện ảnh cả. Tuy vậy cái mà tôi có thể làm được là giải thích việc tổ chức lại hãng mà Giônơx đã thông qua, trước khi hợp đồng mua được thực sự ký kết." Mãi đến khi ấy, Đêvit mới thấy Cođơ có tầm nghĩ xa đến thế nào – rút hết những chứng khoán thông dụng cũ về để đổi lấy các cổ phần mới; phát hành những chứng khoán được giá hơn để đáp ứng được một số món nợ khá khá của công ty cùng với những giấy nợ còn quyền giữ làm vật cầm đồ tất cả bất động sản của hãng, kể cả xưởng phim và các rạp chiếu bóng, nhằm đổi lấy việc lập một ngân khoản rút ra được một triệu đôla để làm ăn. Vấn đề thứ hai Mac Alixtơ đề cập tới là lương bổng của họ. Đêvit và Đan Piơx sẽ được đề nghị ý những hợp đồng làm việc bảy năm, với mức lương khởi điểm sáu mươi lăm ngàn đôla, tăng hàng năm mười ba ngàn nữa cho đến khi hết hạn hợp đồng. Thêm vào đó, mỗi người sẽ được thanh toán hoàn toàn các chi phí công việc, và tiền thưởng – nếu như có lãi – sẽ là hai phẩy năm phần trăm, có thể lấy ra dưới dạng cổ phiếu hay tiền mặt. - Về điều ấy là như vậy đấy. – Mac nói, - Có hỏi gì không nào? - Nghe được đó. – Đan Piơx thốt lên. – Nhưng chúng tôi có gì bảo đảm rằng Giônơx sẽ giữ chúng tôi khi một triệu đôla đã đi tong? Không có gì cả. Mà anh ta hoàn toàn giữ được giấy nợ và chứng khoán của mình. - Anh nói đúng. – Mac Alixtơ đồng ý. – Các anh không có gì đảm bảo cả. Nhưng mà anh ấy không có gì đảm bảo rằng cổ phiếu của anh ấy sẽ đáng giá bao nhiêu nếu việc điều hành hãng của các anh chẳng ra gì. Như tôi thấy, công việc có chạy hay không là ở các anh cả. - Nhưng nếu bản nghiên cứu tình hình của Đêvit mà đúng, - Đan tiếp tục nói, - thì chúng tôi chưa làm được nửa bộ phim đầu tiên đã không thể trả lương tuần đủ cho mọi người được rồi. Tôi không hiểu Giônơx đã nghĩ ngợi ra sao, chứ người ta không thể làm những bộ phim thu hàng triệu bạc với hai tay trơ khốc. - Ai bảo chúng ta làm những phim hàng triệu bạc nào? – Đêvit khẽ khàng hỏi. Đột nhiên, mọi cái trở nên rõ mồn một. Anh bắt đầu hiểu ý nghĩa của những điều Giônơx đã làm. Thoạt tiên trước đó, anh cảm thấy không hài lòng vì không được cử phụ trách xưởng phim. Anh thích cái tên chủ tịch gắn ở cửa văn phòng mình. Nhưng Cođơ đã cắt ngang toàn bộ công việc rõ ràng như một con dao xiến vào tảng bơ. Trong thực tế, xưởng phim chỉ là một cái nhà máy làm ra sản phẩm cho hãng. Việc điều hành, buôn bán và chỉ đạo các rạp là nằm dưới tay anh, và đó mới là nơi tiền của đổ về. Tiền luôn luôn chỉ đạo chính sách, phương hướng làm phim của xưởng, và anh lại nắm tiền. - Với một triệu đôla, ta có thể làm ra mười phim. Và sẽ thu lãi được của phim thứ nhất trước khi phim thứ năm sản xuất ra. - Không phải tôi đâu nhớ. Đan đáp nhanh. – Tôi không hề chui sâu vào cái ngành này đến mức chỉ để làm các phim nhoáng nhoàng, việc ấy là của bọn Cộng hòa hay Mônôgram. - Côlumbia, Oanơ, và RKO cũng không quá kiêu đến vậy đâu. – Đêvit đáp, một vẻ lành lặn mới mẻ xuất hiện trong giọng anh. - Nếu họ muốn, mặc xác họ. – Đan nói sẵng. – Nhưng tôi còn có danh tiếng cần phải giữ. - Đừng đưa cái của thối ấy ra cho tôi! Đêvit phát khùng. – Cái duy nhất mà ngành này kính trọng là sự thắng lợi. Người ta không thèm để ý đến, rằng ông ta đã làm cách gì để kiếm được tiền chừng nào nó vẫn làm cho số lãi tăng lên. Cái làng điện ảnh này đều biết rõ là ông đã tán tỉnh Cođơ mua bằng được hãng, để ông có thể trở thành nhà sản xuất phim. Nếu ông bỏ chạy, ông chả có tý mẹ danh tiếng gì đâu. - Ai đã nói gì về chuyện bỏ chạy hả? Đêvit duỗi dài người thoải mái trong ghế. Một cảm giác về quyền lực rất mới mẻ tràn ngập anh. Giờ thì anh đã hiểu tại sao cậu Bơny của anh cảm thấy khó mà bỏ đi được. Anh nhún vai. “Ông đã nghe ông Cođơ nói rồi đấy. Nếu ông không làm, một người khác nào đó sẽ làm.” Piơx chằm chằm nhìn anh một hồi, rồi quay sang nhìn Mac Alixtơ. Mặt người luật sư vẫn không để lộ gì cả. “Anh nói thế nghe có vẻ được đấy, Piơx lúng búng, nhưng trong khi tôi vắt óc suy nghĩ ở xưởng, anh sẽ định làm gì nào?” - Tính toán xem xét mọi cái để chúng ta có thể sống sót được đến lúc ông thực hiện được chương trình sản xuất phim của ông. – Đêvit đáp. - Bằng cách nào? – Mac Alixtơ hỏi, mặt lộ rõ vẻ quan tâm. - Ngày mai tôi sẽ cho giảm biên chế bốn mươi phần trăm ở tất cả các chi nhánh trong nước. - Như thế hơi quyết liệt quá đấy. Mac Alixtơ thốt lên. – Liệu anh có thể điều hành được trong những điều kiện như vậy không? Đêvit chăm chú nhìn mặt người luật sư. Đây là một thứ kiểm tra. “Chúng ta sẽ có thể làm được việc.” Anh lặng lẽ đáp. - Làm cách ấy không còn kết bạn được với ai đâu. – Đan xen vào. - Tôi không thể thương kém hơn được. – Đêvit mỉa mai đáp lại. – Tôi không cố giành thắng lợi trong một cuộc tranh thủ lòng người. Và đây mới chỉ là sự bắt đầu thôi. Tôi không đếm xỉa xem ai sẽ bị thiệt – hãng sẽ phải qua khỏi cơn lao đao này. Người luật sư chằm chằm nhìn anh hồi lâu. Rồi Đêvit thấy một nụ cười mờ mờ ánh lên trong mắt anh ta. Mac Alixtơ quay sang Đan. “Ông thấy thế nào?” Đan mỉm cười. “Tôi cho rằng ta thành công rồi. Nếu không, anh giải thích ra sao việc Giônơx muốn anh ta vẫn tiếp tục ở lại hả?” Mac Alixtơ với lấy cái cặp của mình. “Hợp đồng của anh đây. Anh nói với Đêvit. Giônơx muốn anh ngay đêm nay ký nó đấy”. Đêvit trố mắt nhìn người luật sư. “Thế còn Đan thì sao?” Mac Alixtơ mỉm cười. “Đan đã ký bản của mình trong cái ngày họp ban giám đốc ấy.” Trong một khoảnh khắc, Đêvit cảm thấy người sôi lên vì giận. Té ra tất cả vừa rồi chỉ là một màn kịch. Họ đã đem đặt anh qua cái máy vắt để xem sự gì xảy ra. Rồi anh hít vào thật sâu. Nhưng chuyện đó có làm khác mọi việc đi tý nào đâu? Anh cầm lấy cái bút máy người luật sư chìa ra cho anh. Đây mới chỉ là bắt đầu. Họ vẫn chỉ là những kẻ ngoại đạo, và còn khá lâu họ mới hiểu rõ về hãng như anh hiện nay. Và, cho đến khi ấy, thì chẳng còn gì phiền nữa. Bởi một khi anh đã ký vào hợp đồng, anh là người điều khiển công việc. * * * Cánh cửa nối phòng anh với phòng Noman từ từ mở, một luồng ánh sáng rọi vào trong bóng tối của căn phòng. “Đêvit, cháu có ở trong ấy không hả?” Anh ngồi nhỏm dậy, thả chân xuống đất, vươn người bật đèn cạnh giường. “Có ạ, cậu Bơny”. Noman bước vào trong phòng. “Thế nào”, ông ta hỏi, “mày đã gặp hắn ta rồi hả?” Đêvit gật đầu, với lấy một điếu thuốc lá. “Cháu gặp rồi”. Anh châm lửa. “Nom anh ta khủng khiếp quá. Cái chết của Raina đã giáng cho anh ta một vố choáng người.” Lão già phá lên cười. “Rất buồn là ta không thể thương hại cho hắn ta được.” Ông ta cay đắng nói. “Sau những cái mà hắn đã chơi tao.” Ông ta rút một điếu xì gà ở trong túi ra, không châm lửa cắm luôn vào miệng mình. “Hắn đề nghị cháu giữ một chức vụ gì chứ hả?” Đêvit gật đầu. - Chức gì vậy? - Phó chủ tịch hành chính. Ông cậu rướn hai hàng lông mày. “Thế ư?” ông ta tỏ vẻ lưu tâm. “Ai làm chủ tịch?” - Đan Piơx. Ông ấy sẽ làm phim. Cháu sẽ chỉ đạo mọi cái khác – hành chính sự vụ, buôn bán và quản lý các rạp. Điếu xì gà háo hức gật lên gật xuống trong miệng lão già. Một nụ cười nở ngoạc ra hết cỡ trên mặt lão. “Cháu ơi, ta tự hào về mày đấy”. Ông ta đấm bồm bộp vào vai Đêvit. “Ta đã từng bảo là rồi có ngày mày sẽ làm nên chuyện mà”. Đêvit nhìn ông cậu mình, hết sức ngạc nhiên. Đây không phải là cái phản ứng mà anh đã đợi. Có lẽ một lời chửi rủa, buộc tội phản bội thì mới hợp hơn. “Cậu cảm thấy thế ư?” - Hẳn rồi. – Bơny sôi nổi đáp. – Thế mày bảo cậu còn chờ đợi gì nữa từ đứa con giai của bà chị ruột mình nào? Đêvit tròn mắt nhìn lão. “Cháu lại đã nghĩ…” - Nghĩ gì hả? Lão già ngắt lời, vẫn còn mỉm cười. – Mày đã nghĩ gì thì giờ có khác quái gì đâu? Chuyện qua rồi thì để cho qua. Bây giờ ta mới có thể thực sự cùng hiệp tác với nhau. Cậu sẽ bảo cho mày những cách làm ra tiền, mày chưa bao giờ mơ ra được đâu. - Làm ra tiền ư? - Chứ sao. Bơny đáp, thấp giọng xuống thì thào bí mật. – Một cái đầu Do Thái[62] luôn luôn là một cái đầu ranh mãnh. Mày mà làm trùm, ma nào mà biết được chuyện gì đang xẩy ra nào? Ngày mai, tao sẽ bảo cho tất cả chủ thầu cung cấp biết rằng hợp đồng cũ vẫn còn giá trị. Ngay bây giờ mày cũng đã có hăm lăm phần trăm lãi rồi. - Hăm lăm phần trăm ư? - Thế thì sao? – Bơny ranh ma hỏi lại. – Hăm lăm phần trăm chưa đủ cho mày ư? Đêvit lặng thinh không trả lời. - Thôi được, cậu Bơny của mày không phải là một thằng bần tiện[63]. Vậy thì năm mươi phần trăm nhớ. Đêvit miết điếu thuốc vào cái gạt tàn, đứng dậy, lặng lẽ đi ra cửa sổ. Anh nhìn xuống cái công viên ở bên kia đường. - Làm sao thế? – Cậu anh nói ở sau lưng. – Năm mươi rưỡi còn chưa công bằng ư? Mày còn nợ cậu một chuyện. Nếu không có tao, mày đã chẳng kiếm được cái chức ấy đâu. Một cảm giác đắng nghét xộc lên trong họng Đêvit. Anh quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào lão già. “Tôi còn nợ cậu ư?”. Anh cáu kỉnh đay lại, “chịu cái ơn trong bao nhiêu năm ròng rã tôi làm đến cụp đuôi lại, để lĩnh mỗi tuần ba trăm năm mươi đôla khốn khổ khốn nạn ấy ư? Hễ mỗi lần tôi đề nghị tăng thêm lương là cậu kêu toáng lên rằng hãng đang lỗ vốn điêu đứng. Và trong suốt thời gian ấy, cậu cứ rút ngon mỗi năm một triệu đôla bỏ túi mình.” - Đây là chuyện khác. Mày không hiểu gì cả. Đêvit phá lên cười. “Tôi hiểu, tôi hiểu, cậu Bơny ạ. Cái mà tôi hiểu là cậu đã nẫng gọn gàng nhẹ nhõm mười lăm triệu đôla. Mà nếu cậu có sống đến một ngàn năm, cậu cũng không tiêu hết nổi chỗ ấy đâu. Vậy mà cậu còn muốn nuốt thêm nữa kia chứ”. - Thế thì có gì là sai hở thằng kia? – Bơny hạch. – Tao đã làm vì hãng. Số phận tao gắn liền với nó. Mày muốn ta phải nhả tất cả ra để một thằng đểu giả ti tiện[64] nào đó nẫng tay trên công việc của chính tao ư? - Phải. - Mày… mày đứng về phe cái thằng… thằng Quốc xã ấy chống lại chính họ hàng máu mủ của mày ư? – Lão thét lên với anh, mặt đỏ tía vì uất. Đêvit chằm chằm nhìn trả lại lão. “Tôi không việc gì phải đứng về phe phiếc nào cả, cậu Bơny ạ.” Anh đáp khẽ khàng. “Chính cậu cũng đã công nhận rằng hãng không còn là của cậu nữa”. - Nhưng mày đang điều hành nó. - Đúng. – Đêvit gật đầu. – Tôi điều hành chứ không phải là cậu. - Vậy mà giữ khư khư mọi cái cho mỗi mình mày ư? – Lão già hỏi như buộc tội. Đêvit quay đi, lặng thinh không đáp. Một hồi lâu, căn phòng im phăng phắc. Rồi giọng ông cậu vang lên. “Mày còn đểu hơn cả hắn ta”, Bơny cay đắng nói, “ít nhất hắn ta cũng không hề cướp giật từ chính máu mủ ruột thịt với hắn”. - Hãy để cho tôi yên, cậu Bơny. – Đêvit thốt lên, vẫn không quay người lại. Tôi mệt rồi và muốn ngủ. Anh nghe thấy tiếng bước chân lão già đi băng qua phòng ra cửa, rồi cánh cửa giận dữ đóng sập lại. Anh mệt mỏi dựa đầu vào thành cửa sổ. Như vậy đó chính là lý do tại sao ông già không về ngay Caliphonia sau cuộc họp ấy. Anh cảm thấy họng như nghẹn lại. Không hiểu sao, anh đột nhiên muốn òa lên khóc thật to. Từ phía dưới đường, vẳng đến tai anh một tiếng chuông lanh lảnh. Anh khẽ dịch đầu ra, nhìn qua cửa sổ. Tiếng chuông lớn dần lên, rồi một chiếc xe cấp cứu rẽ ngoặt từ đại lộ năm sang phố năm mươi chín. Anh quay người lại, từ từ rời cửa sổ đi vào phòng, văng vẳng bên tai anh là tiếng chuông ấy. Không hiểu sao, suốt đời anh, chuyện cứ như vậy. Khi anh ngồi lên chiếc xe chở hàng đồng nát, cạnh thầy anh trên chiếc ghế gỗ cứng quèo, hình như đó là âm thanh duy nhất mà anh đã nghe – tiếng lanh canh của một cái chuông. 2 Mấy cái chuông bò buộc ngang chiếc xe phía sau chú kêu lanh canh uể oải theo nhịp bước của con ngựa mệt mỏi nhích từng phân một, giữa hai hàng xe kéo đổ ngổn ngang trong phố Rivinhtơn. Nắng hè hầm hập trên đầu Đêvit. Chú hờ hững buông lỏng sợi cương giữa mấy ngón tay. Chẳng thể điều khiển được con nghẽo trong tình cảnh này. Tự nó cũng có thể lách ra được đường đi, máy móc nhích lên mỗi khi đám xe kéo dạt ra, để lộ một khoảng trống. - Mua quần áo… áo cũ… ũ đơi… ơi! – Tiếng rao ngân nga của thầy chú nổi rõ lên khỏi tiếng động rào rào của cái phố chợ, vọng tới tận các tầng cửa sổ của dãy nhà cho thuê – những hố mắt toang hoác, mù tịt nhìn ra cái thế giới đói khát này. - Mua quần áo… áo cũ… ũ đơi… ơi! – Ngồi trên xe, chú cúi xuống nhìn sang bên cạnh, thầy chú đang sải bước trên vỉa hè đông đúc, râu cằm vểnh đi vểnh lại như điên theo hướng mắt ngó nghiêng, tìm kiếm một dấu hiệu buôn bán được. Nom ông cụ khá đàng hoàng chững chạc – cái mũ lông hải ly đen rộng vành mang từ nước cũ sang, tấm áo choàng đen dài lật phật đập quanh mắt cá chân, chiếc áo sơ mi cổ hồ bột trắng dày cộp hầu như lộ rõ của cụ. Mặt ông xanh trắng mát mẻ; không hề có thoáng một dấu hiệu mồ hôi nào, thậm chíc hỉ là ướt lông mày thôi, trong khi đó thì người Đêvit cứ đầm đìa như tắm. Hình như là đám quần áo đen dày cộp ấy có sức ngăn cản cái nóng hay sao ấy. - Này bác đồng nát ơi! Thầy chú bước rạp xuống rãnh nước bên lề đường để nhìn cho rõ hơn. Nhưng Đêvit chính là người đầu tiên nom thấy bà ta trước – một bà già vẫy tay từ cửa sổ tầng năm. “Bà Xanpơxtên đấy thầy ạ.” - Mày tưởng tao không thấy hả? – Thầy chú làu bàu. Ê, ô, chào bà Xapơxtên! - A, ông Ulf đấy ư? – bà già nói vọng xuống. - Phải rồi. – Ông lão nói to lên. – Bà có cái gì thế? - Lên đây tôi cho xem. - Tôi không cần quần áo mùa đông đâu. – Ông già thét to lên. – Ai sẽ mua loại ấy hả? - Ai nói là quần áo mùa đông nào? Lên đây, ông sẽ thấy! - Buộc ngựa vào chỗ kia đi. – Thầy chỉ một khoảng trống giữa hai chiếc xe đẩy. – Rồi lên khuân hàng xuống. Đêvit gật đầu, thầy chú băng qua đường, biến mất vào lối ra vào của một ngôi nhà. Đêvit thúc con ngựa tiến tới, rồi buộc nó vào một vòi nước cứu hỏa. Xong, chú choàng vào những bắp thịt mệt mỏi ở cổ nó một túi thức ăn rồi đuổi theo thầy mình. Lần mò qua cái phòng ngoài tối om, không đèn đóm, lên cầu thang, chú tới đứng trước cửa phòng bà già. Chú gõ cửa. Nó mở ngay tức thì. Bà Xapơxtên đứng đó, mớ tóc bạc cuộn lại thành nhiều vòng ngay giữa đỉnh đầu. “Vào đi, vào đi cháu.” Đêvit bước vào bếp thấy thầy mình đang ngồi cạnh bàn ăn. Trước mặt ông là một đĩa đầy bánh dẹt. “Uống một cốc chè nóng[65] chứ, Đêvit?” Bà già vừa hỏi vừa đi xuống bếp lò. - Không ạ, xin cảm ơn bà, bà Xapơxtên. – Đêvit lịch sự đáp. Bà lão lôi một cái can đỏ nhỏ trên cái giá phía trên bếp lò xuống, cẩn thận xúc hai thìa chè đổ vào nồi nước đang sôi sùng sục. Ngay lập tức, những búp chè nổ tung ra, quay cuồng như điên trên mặt nước. hi bà rót chè ra từ một cái cốc từ bình hãm rồi đặt nó trước mặt thầy chú, nước đã đen đặc gần như cà phê. Thày chú nhặt một miếng đường từ bát đựng, ngậm vào giữa hai môi, rồi hớp cốc nước chè. Sau khi đã nuốt ngụm nước đầu tiên bỏng dẫy ấy, ông há miệng, “khà” một tiếng. - Ngon, hả? – Bà Xapơxtên tủm tỉm cười. Đấy mới là chè thực chứ. Suy – Tách – Ni. Giống như ở quê của ta ấy. Chứ không phải là cái của bịp[66] người ta cố bán cho ta ở cái chốn này. Thầy chú gật đầu, lại nâng cái cốc lên. Khi ông đặt lại xuống bàn, nó đã cạn và thế là những lời mào đầu lịch sự đã hết. Giờ là lúc bắt tay vào công việc. “Thế nào, bà Xapơxtên?” Nhưng bà Xapơxtên lại thấy chưa có bụng dạ muốn làm công việc. Bà ta nhìn Đêvit. “Cháu Đêvit nhà bác nom ngoan quá”. Bà ta thốt lên, gợi chuyện. “Nó làm tôi nhớ lại thằng Hôuôt nhà tôi lúc trạc tuổi này”. Bà ta nhấc đĩa bánh dẹt lên, chìa cho chú. “Ăn đi một cái đi nào”, bà ta giục, “bác nướng lấy đấy”. Đêvit cầm lấy một cái, bỏ vào miệng. Nó cứng quèo, khô khốc, và vỡ vụn ra. “Ăn cái nữa đi”, bà ta lại giục, “nom cháu có vẻ gầy đấy, mày phải chịu ăn vào cháu ạ.” Đêvit lắc đầu. - Bà Xapơxtên, - thày chú đáp, tôi bận lắm. Bà có gì bán được cho tôi phải không. Bà già gật đầu. “Theo tôi nào[67]”. Hai người theo bà ta đi qua căn hộ hẹp như trong toa tầu hỏa. Trong một căn phòng, trên cái giường, có một lô vét tông đàn ông, mấy chiếc áo dài đàn bà, áo sơ mi, và trong cái túi giấy, là dăm đôi giày nữa. Thầy Đêvit bước tới, nhấc nhấc mấy cái quần áo lên xem. “Quần áo mùa đông!”, ông thốt lên trách móc, “vì cái này mà tôi phải bở hơi tai leo lên bốn khúc cầu thang ư bà?” - Còn như mới, như mới ông Ulf ạ. – Bà già đáp. – Của thằng Hôuôt nhà tôi và vợ nó. Mới mặc có một vụ. Chúng nó định quyên cho Đoàn cứu tế quân đội nhưng tôi đã bảo gửi đến đây cho tôi đấy. Thầy Đêvit lặng thinh, không đáp, ông đang soạn nhanh chỗ quần áo. - Thằng Hôuôt nhà tôi đang sống ở Bronkx đấy. – Bà già tự hào thốt lên. – Trong một ngôi nhà mới, tại Granđ Conco ấy. Nó là đốc tờ. - Hai đôla cho toàn bộ chỗ này[68]! – Thầy Đêvit tuyên bố. - Ối ông Ulf! – Bà già kêu lên. – Chỗ này ít nhất phải đáng giá hai mươi đôla. Ông nhún vai. “Tôi mua chỉ để bán cho HCKD. Đoàn cứu tế quân đội đúng là không nên lấy thật.” Đêvit chỉ để một tai hờ hững nghe cuộc mặc cả. HCKD là chữ viết tắt của Hội Cứu Tế kiều dân Do Thái. Lời tuyên bố của thầy chú chẳng có tác động đến chú một mảy may. Chú đã viết rằng chẳng bao giờ chỗ áo quần này sẽ tìm được đường tới đó cả. Mà thay vào đấy, sau khi đã được mẹ chú giặt giũ, chải, hấp cẩn thận, chúng sẽ được treo lên ở các hàng quần áo cũ dọc đoạn đường cuối phố Brory và Brôtuây đông. - Mười đôla. – Bà Xapơxtên nói. Vẻ vờ vịt đã hết, bà ta bấy giờ dồn hết tâm trí vào chuyện mặc cả. – Ít hơn tôi không chịu nhận đâu. Nếu không thì trả công cho thằng Hôuôt nhà tôi đem chúng xuống đây cũng chả đủ. Từ Bronkx tới đây nó cũng phải mất tiền xăng chứ. - Năm đôla. Không hơn xu nào nữa. - Sáu vậy. – Bà già thốt lên, tinh quái nhìn ông. – ít nhất thì nó cũng phải được tiền xăng chứ. - Tàu điện ngầm vẫn chạy như thường cơ mà. – Thầy Đêvit đáp. – Tôi phải trả nhiều tiền chỉ vì chuyện con bà là thằng thích vung vinh đi xe hơi hay sao? - Năm rưỡi vậy. Thầy Đêvit nhìn bà ta hồi lâu. Rồi ông nhún vai, luồn tay vào trong cái áo chùng thâm. Ông lôi ra một chiếc ví, buộc vào thắt lưng ông bằng một sợi dây giày dài, màu đen, mở nó ra. “Năm đôla rưỡi vậy”. Ông thở dài. “Nhưng có giời chứng giám, tôi đang mất vốn đây”. Ông ra hiệu cho Đêvit và bắt đầu đếm tiền bỏ vào tay bà già. Đêvit cuộn tất cả chỗ quần áo vào cái áo choàng, lấy hai ống tay buộc lại. Chú nhấc bó quần áo lên vai rồi đi xuống cầu thang. Chú quẳng nó vào trong xe, đi vòng qua phía trước sang thành bên kia. Chú nhấc bó cỏ ra khỏi đầu con ngựa, tháo dây cương khỏi vùi cứu hỏa, leo lên xe. - Ê, Đêvit! Chú cúi nhìn xuống vỉa hè. Một anh chàng cao lớn đứng đó, ngẩng lên nhìn chú mỉm cười. “Tao tìm mày suốt cả buổi chiều”. - Tao với ông già ở khu Brucklin. – Đêvit đáp. – Ông già tao sắp ra đây ngay bây giờ. - Thế thì tao phải lẹ mới được. Shocky chịu mày mười tờ, nếu mày đưa con ngựa và cái xe tới đó đêm nay. Chúng tao phải đưa một chuyến hàng lên phố. - Nhưng hôm nay là tối thứ sáu. - Chính vì thế đấy. Phố xá ở đây vắng ngắt. Sẽ không có đứa nào hỏi là ta tò mò làm gì đêm hôm thế này. Và tụi “mo” sẽ không làm phiền ta khi nom thấy cái biển xe chở hàng đồng nát. - Tao sẽ cố xem. – Đêvit đáp. – Mấy giờ hả Mũi kim? - Chín giờ sau gara của Shocky. Thôi ông “khốt” mày ra kìa. Tao té đây, hẹn tối nhé. - Mày vừa nói chuyện với đứa nào thế? – Thầy Đêvit hỏi. - Một thằng lăng quăng ấy mà, thầy. - Iđiođo Xchôtx hả? - Vâng ạ, thằng Mũi Kim. - Tránh xa nó ra, Đêvit. – Thầy chú gằn giọng. – Chúng ta không cần cái thứ đó. Một thằng ăn bám. Một đứa vô tích sự. Cùng với những đứa tụ tập ở cái gara của lão Shocky ấy. Hở ra cái gì là chúng ăn cắp của người ta ngay. Đêvit gật đầu. - Cho ngựa vào chuồng. Tao đi đến nhà thờ đây. Bảo với mẹ mày là nên nấu cơm xong xuôi vào lúc bẩy giờ. Exthơ Ulf trước đèn thờ thánh[69], mặt phủ kín cái khăn khấn. Đám nến nổ lép bép, bắt thành ngọn lửa vàng khi bà đưa que diêm gỗ dài tới sát chúng. Rồi bà cẩn thận thổi tắt que diêm, đặt nó vào một chiếc đĩa để trên cái bàn ăn nhỏ. Bà chờ cho đến khi lửa nến cháy vàng rực lên rồi mới cầu nguyện. Thoạt tiên bà cầu nguyện cho con trai, thằng Đuvidel tội nghiệp[70], đứa con ra đời quá muộn, lúc bà và chồng bà – ông lão Chaim – đã gần như hết hy vọng là sẽ được giời thương cho có kẻ nối dõi. Rồi bà khấn Giêhôva[71] sẽ làm cho chồng bà, ông Chaim, có thêm lòng quyết tâm làm ăn phát đạt ra mãi. Đồng thời bà cầu xin Chúa tha tội vì chính công việc của Chúa ở nhà thờ đã ngăn ông không làm trọn được việc làm ăn của ông. Sau cùng, như mọi khi, bà xin chịu tội vì mình đã là kẻ khiến cho Chaim không theo được nghề đã chọn. Ông thuở ấy là một học sinh trường đạo, khi họ lần đầu gặp nhau ở đất nước cũ. Bà nhớ lại hình ảnh ông ngày đó, trẻ trung, gầy dong dỏng, da mai mái xanh, lớp râu quai nón đầu tiên mềm quăn quăn, sáng ngời lên như những tia nắng vàng rực. Hai mắt ông đen thẳm, lấp lánh khi ngồi ở bàn ăn nhà thầy đẻ của bà, nhúng miếng bánh nhỏ vào rượu vang là nhiều, chứ không chịu ăn như ông giáo sĩ và các bậc trên khác. Nhưng khi họ đã lấy nhau, Chaim lại theo nghề của bố bà. Rồi cuộc tàn sát người Do Thái xẩy ra, mặt người dân Do Thái trở nên gầy xọp đi, hốc hác. Họ chỉ dám rời nhà vào ban đêm, lập cập lủi nhanh như những con thú nhỏ trong rừng; hoặc là ngồi rúm lại với nhau dưới tầng hầm nhà, tất cả cửa lớn cửa bé đều chẹn chặt và khóa lại, như bầy gà con cố trốn ở trong chuồng khi cảm thấy bước chân đến gần của con cáo. Cho đến đêm ấy thì bà không thể chịu đựng nổi nữa. Đang nằm cạnh ông trên ổ rơm, bà ngồi vụt dây, thét lên, tâm trí còn nhớ rõ mồn một bức thư của em trai bà là Bơnơt ở Mỹ mới gửi về. “Ta cứ phải sống như con thỏ trong bẫy thế này sao? Chịu chờ bọn Codăc ập tới giết ta sao?”. Bà kêu lên, “Chồng em định để em cho ra đời một đứa con giữa cái thế giới tối tăm này ư? Thậm chí nếu thánh Giêhôva cũng không thể ban cho ta con cái trong cái tầng hầm thế này được”. - Xuỵt. – Chàng thì thào gắt gỏng. – Đừng có mất niềm tin vào cái tên thiêng liêng của Chúa. Hãy cầu xin Người đừng ngoảnh mặt khỏi chúng ta đi! Bà bật lên cười, cay đắng. “Người đã bỏ chúng ta rồi còn gì. Người cũng như mọi kẻ khác, đã ù té chạy, trước khi bọn lính Côdăc tới! - Im ngay, đồ đàn bà! – Chaim gầm lên. Bà nhìn những cái phản rơm khác trong gian hầm ẩm thấp. Trong bầu ánh sáng lờ mờ, bà hầu như chỉ nhận ra được những khuôn mặt xám ngoét, sợ hãi của bố mẹ mình. Đúng lúc ấy, đột nhiên rộ lên tiếng vó ngựa ầm ĩ bên ngoài ngôi nhà, rồi một báng súng đập ầm ầm vào cửa. Bố của bà bật dậy. “Nhanh lên, các con[72] ông thì thào, “cửa che mưa của tầng hầm ở phía sau nhà ấy. Chạy ngay ra đồng, chúng không thấy các con trốn theo lối ấy đâu”. Chaim vồ lấy tay Exthơ, lôi chạy ra cửa. Đột nhiên, Chaim đứng phắt lại, nhận ra rằng bố mẹ bà không chạy theo. “Đi đi”, ông thì thào. Nhanh lên bố mẹ. Không còn thì giờ đâu.” Bố của bà đứng lặng lẽ trong bóng tối, tay quàng vai vợ. “Chúng tao không đi đâu đâu”, ông đáp, “tốt hơn là phải còn ai ở đây cho chúng bắt gặp, nếu không chúng sẽ lục soát cánh đồng ngay”. Trên đầu họ, tiếng động mỗi lúc một ầm ỹ. Các báng súng đã phá vỡ được cửa ngoài. Chaim bước lại chỗ bố của bà. “Vậy thì chúng con sẽ ở lại”. Ông bình tĩnh đáp, tay nhặt một thanh củi nặng trịch từ dưới sàn lên. Chúng nó sẽ biết được rằng một người Do Thái không dễ chịu chết quá đâu”. - Đi đi. – Ông già khẽ nói. – Chúng tao đã có con gái mình đi lấy chồng rồi. Chính việc lo cho con yên lành phải là lo lắng đầu tiên của mày, chứ không còn là của chúng tao nữa. Lòng dũng cảm của mày chỉ là ngu dại. Người Do Thái sống sót thế nào được hàng nghìn năm nay, nếu không bằng cách chạy trốn hả? - Nhưng… - Chaim phản đối. - Đi đi. Ông lão rít lên. – Đi nhanh đi. Chúng tao già rồi, đời chúng tao thế là xong. Nhưng các con còn trẻ. Phải cho con cái các con có dịp sống chứ! Mấy tháng sau, họ đã ở Mỹ. Nhưng phải mất hai mươi năm sau đó, thánh Giêhôva mới rủ lòng thương, ban cho họ một đứa con. Cuối cùng bà cầu nguyện cho cậu em mình là Bơnơt, giờ đã là ông chủ[73], làm ăn ở một vùng xa lăng lắc có tên là Caliphonia, nghe đâu nơi ấy quanh năm là mùa hạ. Bà khấn rằng cậu ấy vẫn bình yên, mạnh khỏe, không bị người mọi da đỏ quấy nhiễu, như trong các bộ phim bà đã xem bằng tấm thẻ ra vào rạp chiếu của cậu ấy cho. Cầu nguyện xong, bà đi vào bếp. Nồi súp đang sôi sùng sục trên lò, mùi thịt gà thơm ngào ngạt, gần như nhìn thấy được đang lơ lửng trong không khí. Bà cầm lấy một cái thìa, cúi xuống nồi xúp. Cẩn thận khéo léo, bà hớt váng mỡ, bỏ vào một cái bình. Sau này, khi mỡ đã nguội đi, đặc lại, có thể phết nó lên bánh mỳ hoặc trộn nó với các miếng thịt khô khác cho thêm hương vị. Đang lúi húi làm như vậy, bà nghe thấy tiếng cửa trước mở. Nghe tiếng chân bà đã biết là ai. “Mày đấy hả con, Đuđêvit?” - Vâng, mẹ ạ. Việc xong, bà đặt thìa xuống, chậm rãi quay lại. Và cũng như mọi khi, ngực bà lại đột nhiên nghẹn lại niềm tự hào khi nhìn thấy thằng con trai mình đứng kia, cao lớn phổng phao dường ấy. - Thầy tới nhà thờ. – Đêvit nói. – Bẩy giờ thầy sẽ về. Bà mỉm cười nhìn con. “Tốt”, bà đáp, “thôi con đi rửa ráy rồi rồi tắm đi. Cơm chín rồi”. 3 Khi Đêvit cho con ngựa rẽ vào cái ngõ nhỏ dẫn tới phía sau gara của Shocky, Mũi Kim vội vàng chạy tới. “Mày đấy hả Đêvit?” - Thế mày còn tưởng là ma nào nữa hả? – Đêvit giễu lại. - Hì, bọn tao không rõ mày có tới hay không. Gần mười giờ rồi. - Tao chờ mãi đến lúc ông già ngủ rồi mới lỉnh đi được. Đêvit đáp, dừng xe lại bên tường gara. Một thoáng sau, Shocky bước đến, cái đầu hói của lão sáng loáng trong bóng đèn chập choạng. Lão là người tầm thước, ngực tròn ủng như cái thùng, tay dài gần tới đầu gối. “Mày đờ đẫn kỹ quá đấy”, lão càu nhàu với Đêvit. - Tôi đã đến đây rồi thôi, đúng không? Shocky không đáp. Lão ta quay sang Mũi Kim. “Bắt đầu dỡ chỗ can đi. Nó có thể giúp mày một tay đấy”. Đêvit tụt xuống xe, theo Shocky vào gara. Một hàng dài những can kim loại sáng mờ mờ dưới ánh ngọn đèn điện duy nhất mắc cao tít trên trần. Đêvit dừng lại, huýt lên một tiếng sáo khe khẽ. “Phải đến bốn chục can ấy”. - Xem kìa nó cũng biết đếm đấy chứ hả. – Shocky nói. - Như vậy là hai trăm cân. Tôi nghĩ là con Bexy không thể lôi nặng được đến thế đâu. Shocky nhìn chú chằm chằm. “Lần trước mày cũng kéo được thế cơ mà.” - Không lần trước không hề như thế này. Chỉ có ba mươi can thôi. Và thậm chí khi đó nhiều lúc tôi đã nghĩ rằng con Bexy sắp sửa ngã quỵ xuống mất. Giả thử đúng thế thì sao? Tôi sẽ trơ ra giữa đường với một con ngựa chết và hai trăm galông rượu trong xe. Mà thậm chí thầy tôi biết được thế, cũng đủ chết rồi.” - Lần này nữa thôi. – Shocky đáp. – Tao đã hứa với Gienuariô. Tại sao ông không dùng một chiếc xe tải của ông hả? - Không thể làm thế được. – Shocky nói. Đấy chính là cái bọn “Mo” nó lùng. Nó sẽ không tìm một cái xe một cái xe đồng nát đâu. Nhiều nhất là tôi chỉ chở được hăm lăm can thôi. Shocky chằm chằm nhìn chú. “Lần này tao sẽ trả mày hai mươi tờ vậy. Mày làm tao chết kẹt đây”. Đêvit lặng thinh. Hai mươi đôla là số tiền hơn chỗ thầy chú làm việc có khi cả một tuần. Mà phải đánh xe đi đèo đẽo giữa trời, sáu ngày liền, mưa hay nắng, nóng chảy mỡ hè hay rét cắt thịt đông, sáu ngày liền, chỉ trừ có thứ bảy là ngày thầy chú ở nhà làm việc. - Hăm lăm đôla. – Shocky nói. - Ôkê, tôi thử liều một cú vậy. - Xếp can lên đi. – Shocky hai tay nhấc hai can lên. Đêvit ngồi một mình trên ghế xe, trong khi con Bexy già uể oải lần bước đi vào thành phố. Chú cho xe nép vào một góc đường, tránh một chiếc ôtô tải. Một viên cảnh sát đủng đỉnh đi tới. “Đêvit, đêm hôm mày làm gì thế này”. - Thầy mày đâu? - Hôm nay là tối thứ sáu mà. - Ờ nhỉ. – Viên cảnh sát thốt lên. Bác ta tinh quái nhìn Đêvit. – Ông ấy có biết mày đi thế này không hả? Đêvit lặng lẽ lắc đầu. Viên cảnh sát bật cười. “Trẻ con chúng mày đứa nào cũng thế cả.” - Tôi phải đi thôi, nếu không ông cụ sẽ biến mất. Đêvit vừa nói vừa thúc con ngựa. Bexy chậm rãi bắt đầu bước. Viên cảnh sát gọi ở đằng sau. Đêvit dừng xe, quay đầu lại. - Bảo thầy mày để ý tìm hộ quần áo cho một đứa con trai chín tuổi nhớ. – Bác ta gọi to. – Thằng Maicơn nhà tao mặc những thứ lần trước đã chật rồi. - Vâng ạ, thưa ông Đoy. – Đêvit đáp, khẽ giật cương ngựa. Khi Đêvit cho cái xe chạm sát vào cái bệ dỡ hàng, Shocky và Mũi Kim đã có ở đó. Gienuariô đứng trên bệ xem mấy người bốc hàng xuống. Đột nhiên từ trong bóng tối, mấy thám tử xuất hiện, súng lăm lăm. “Ôkê giơ tay lên!” Đêvit sững người, một can rượu vẫn còn trong tay chú. Ngay lập tức, chú thoáng nghĩ tới việc quẳng cái can đi, ù té chạy. Nhưng con Bexy và chiếc xe vẫn còn đấy. Chú sẽ giải thích ra sao với thầy mình? - Bỏ can xuống cậu nhóc. – Một thám tử nói. Từ từ, Đêvit hạ can xuống, quay mặt lại phía họ. “Ôkê, đứng úp vào tường”. - Ông Giô, ông đáng nhẽ đừng có cố như thế này nữa. – Một thám tử nói với Gienuariô khi ông ta xuất hiện. Gienuariô mỉm cười. Đêvit nhìn ông ta. Có vẻ như ông ta không hề bị bối rối chút nào về những điều xẩy ra cả. “Trung úy, xin mời ông vào trong đây ạ”, ông ta hồ hởi nói, “chúng ta sẽ giải thích mọi chuyện dễ dàng, tôi chắc vậy”. Viên trung úy theo Gienuariô bước vào tòa nhà. Đối với Đêvit, họ đã bỏ đi hàng thế kỷ. Nhưng chỉ mười phút sau, cả hai lại bước ra, cả hai đều mỉm cười. - Thôi được các cậu ạ. Viên truy úy nói với đám lính. – Có vẻ như chúng ta đã nhầm to rồi. Ông Gienuariô đây đã giải thích mọi cái. Đi thôi! – Và cũng nhanh như khi xuất hiện, đám thám tử biến mất. Đêvit sững sờ nhìn theo họ, mồm há hốc. * * * Mũi Kim lặng thinh ngồi trên chiếc xe cạnh Đêvit. Hai đứa rẽ vào chuồng ngựa. “Tao đã bảo mày là mọi cái đã bố trí tính toán hết cả rồi”, hắn ta thốt lên khi hai đứa bước lại ra phố. Đêvit nhìn thằng bạn. Bố trí tính toán hay không, chú thấy thế là quá đủ. Thậm chí hăm lăm đôla trong túi chú cũng chẳng đáng nữa. “Tao đủ”, chú thốt lên, “từ giờ thì thôi”. Mũi Kim phá lên cười. “Mày hãi rồi à?” - Mẹ kiếp hãi hẳn đi chứ. Nhất định phải còn có cách kiếm sống dễ hơn. - Nếu mày tìm ra cách nào hươn. – Mũi Kim đáp. – Làm ơn bảo tao biết với nhé. – Anh chàng bật cười. – Shocky kiếm được mấy con bé người Tàu đang ở nhà ông ta đấy. Ông ta bảo nếu ta muốn, ta có thể vần chúng tối nay đấy. Đêvit không đáp. - Xinh Lu sẽ có mặt ở đấy đấy. – Mũi Kim nói. – Mày nhớ chứ con bé xinh xinh, con bé vũ nữ cạo lông của nó đi ấy. Đêvit ngần ngừ, cảm thấy người mình đột nhiên rực lên một niềm háo hức bất ngờ. * * * Khi chú rẽ ngoặt về phố mình, cái đồng hồ to tướng trên nóc hiệu “Sơn hào hải vị” của lão Gôđfab đã chỉ một giờ. Một chiếc xe cảnh sát đang đậu ở cửa nhà chú, vây vòng trong vòng ngoài quanh đó là một đám người đang tò mò cố nhòm vào trong. Người Đêvit bỗng nghẹt lại vì sợ. Cái gì đã trục trặc rồi. Cảnh sát đã đến đợi bắt chú. Chú định co chân chạy biến đi. Nhưng một sức mạnh cứ hút chú về ngôi nhà. “Chuyện gì thế ạ?”, chú hỏi một người đàn ông đứng ở rìa đám đông. - Tui nỏ biết. – Ông ta đáp. Ông ta ngó ngó nhìn chú vẻ lạ lùng. – Nghe đâu trong đó đang có người hấp hối chi đó. Và đột nhiên, điên dại, Đêvit gạt văng đám người ra, lao vụt vào nhà. Đang chạy thình thịch ngược cầu thang lên đến căn hộ nhà mình ở tầng ba, chú nghe thấy một tiếng thét váng tai. Mẹ chú đang đứng ở ngưỡng cửa, vùng vẫy trong tay hai người cảnh sát. “Chaim, ông Chaim ơi!”, bà lại thét lên. Đêvit quay người, nhìn theo ánh mắt mẹ. Một cánh cửa dãy buồng vệ sinh đang mở toang. Thầy chú ngồi kia, trên ghế, người ngả ngật vào tường rất kỳ cục, miệng và hai mắt mở trừng trừng, những giọt nước ròng ròng lăn xuống chòm râu bạc. - Ông Chaim ơi! – Mẹ chú thét lên trách móc. – Ông bảo tôi rằng ông hít phải hơi xăng. Ông đã không bảo tôi rằng ông ra đây để ông chết. Ông Chaim ơi! 4 - Thế là do lỗi ở tôi mà thầy nó chết trước khi nó học hành xong đấy phỏng? – Cậu Bơny vặn lại cáu kỉnh. – Hãy để nó đi làm nuôi lấy cái thân nó, rồi đi đêm chơi gái nếu nó thích cuồng lên như thế. Đêvit ngồi ở mép ghế, đưa mắt nhìn mẹ mình. Chú lặng thinh. “Cậu Bơny, tôi không xin cậu bố thí”, mẹ chú nói, “Đêvit nó muốn có một việc gì để đi làm. Tôi chỉ nhờ cậu có thế thôi”. Noman quay lại, nhìn đứa cháu, ngờ vực. “Có lẽ cái việc nó thích làm trong hãng tôi là chức phó chủ tịch hãng chăng, hả?” Đêvit cáu kỉnh đứng vụt dậy, “Tôi đi đây, mẹ ạ”. Chú thốt lên. “Mọi cái thiên hạ nói về ông ta đều đúng hết”. - Nói về tao ư? – Cậu chú thét lên. – Họ nói gì về tao hả? Đêvit chằm chằm nhìn ông ta. “Ở nhà thờ, khi tôi tới đọc kinh Yisko cho thầy tôi, người ta đã kể cho tôi nghe về ông. Người ta bảo rằng ông không tới đám ma thầy tôi vì ông sợ có người sẽ hỏi xin ông mấy xu”. - Từ Caliphonia tao đến đây trong một hôm được sao? – Noman gầm lên. – Cánh, tao không có! Đêvit chực đi ra cửa. “Hượm đã, con”. Mẹ chú khẽ khàng nói. Bà quay sang cậu em mình. “Khi cậu cần năm trăm đôla, ngay trước chiến tranh ấy, cậu đã kiếm được từ ai nhỉ?” Bà lặng thinh một lúc, rồi tự trả lời. “Từ cái ông lão kiết xác[74], ông anh rể của cậu, ông Chaim, ông hàng đồng nát chè chai ấy. Ông ấy đã đưa tiền cho cậu, con cậu ghi lại cho ông ấy một mảnh giấy. Mảnh giấy ấy tôi vẫn còn giữ đây, nhưng đã bao giờ tôi thấy nhận được chỗ tiền ấy chưa?” - Giấy? – Bơny hỏi, - Giấy nào? - Tôi vẫn còn giữ đây. – Bà đáp. – Trong cái tráp mà ông Chaim đã bỏ nó vào cái tối ông ấy đưa tiền cho cậu ấy. - Đưa tôi xem nào. – Mắt Bơny nhìn theo bà ra khỏi phòng. Ông ta đã bắt đầu nhớ ra rồi. Đó là một giấy chứng nhận anh rể của ông ta có năm phần trăm cổ phần trong Hãng Noman khi ông ta mua lại Hãng phim Kim Cương. Ông ta đã quên bẵng nó. Nhưng một thằng cha luật sư thông thạo thì có thể làm mảnh giấy ấy trở nên một đống tiền ngay. Bà chị đã quay lại phòng, chìa cho ông ta mảnh giấy. Nó đã bạc phếch, ngả màu vàng, nhưng ngày tháng trên đó vẫn còn rõ ràng đâu ra đấy lắm. Mồng bảy tháng chín năm một chín mười hai. Như thế là đã mười bốn năm. Thời gian trôi nhanh biết chừng nào. Ông ta nhìn bà chị. “Thuê mướn người nhà là ngược lại với chủ trương của tôi. Công việc làm ăn nom sẽ chẳng hay ho gì.” - Nhưng ai sẽ biết được nó là cháu cậu nào? – Ethơ đáp. – Mà hơn nữa, ai sẽ làm hơn cho cậu, nếu không phải là máu mủ ruột thịt cậu! Ông ta chằm chằm ngó bà chị hồi lâu, rồi đứng dậy. “Thôi được, tôi sẽ nhận. Như vậy là trái với suy đoán hợp lệ của tôi, nhưng có thể là chị đúng đấy. Giọt máu đào hơn ao nước lã. Ở phố bốn ba, gần bờ sông, chúng tôi có một cái kho hàng. Người ta sẽ nhận nó vào làm”. - Cháu cảm ơn cậu, cậu Bơny ạ. – Đêvit cảm động nói. - Tao báo cho mày biết trước là đừng có nói hở gì về việc là cháu tao đấy. Chỉ một lời tao nghe thấy thôi, là mày nghỉ. - Cháu sẽ không nói gì đâu, cậu Bơny ạ. Noman đi ra cửa. Nhưng trước lúc đi khỏi, ông ta bỗng quay lại tay cầm tờ giấy. Ông ta gập nó lại, đút vào túi. “Cái này tôi sẽ đem đi theo”, ông ta nói với bà chị. “Khi tôi trở về văn phòng, người ta sẽ gửi cho chị một cái séc lĩnh năm trăm đôla với số lãi của mười bốn năm ở mức ba phần trăm”. Mặt người chị đột nhiên tỏ vẻ lo âu. “Cậu Bơny, cậu có chắc là cậu có đủ tiền tôi nhiều đến vậy không?” Bà hỏi nhanh. “Không việc gì phải vội đâu… Nếu Đêvit đi làm, chúng tôi sẽ xoay xở đủ mà”. - Có đủ, hừm… có đủ. – Noman tỏ vẻ hào hiệp. – Hãy để cho không đứa nào nói được rằng Bơny Noman này không hề giữ lời hứa bao giờ. * * * Tòa nhà đó màu xám nhem nhuốc, vốn là một tòa nhà của nhà máy, được xây cạnh sông Hăđxơn, bị bỏ đi không dùng nữa, rồi được chữa lại thành các tầng để đồ. Phía sau nó có hai thang máy lớn để chở hàng, gần cửa ra vào phía trước và ba thang máy bé tý, hầu như không vận chuyển nổi số người làm ở đây ùa vào lúc tám giờ sáng và ùn ùn đổ ra lúc sáu giờ chiều hàng ngày. Có năm cơ sở thuê tòa nhà ấy. Tầng một là của một hãng bán phụ tùng ô tô; tầng hai là một hãng sản xuất son phấn; tầng ba dùng làm xưởng ép của một hãng nhỏ sản xuất đĩa hát; tầng bốn, xưởng sản xuất của Hãng Henri Frank, hãng lớn nhất thế giới,cô huyên làm thuốc tránh thụ thai và capôt với giá bình dân. Tầng năm và sáu là của hãng phim Noman. Đêvit đến đây từ sớm. Chú từ thang máy bước ra tầng sáu, từ từ đi dọc theo cái hành lang rộng giữa những hàng giá sắt và gỗ. Chỗ tận cùng, gần cửa sổ sau là một đám bàn làm việc, lưng quay lại với nhau. - Xin chào! – Đêvit gọi to. – Có ai ở đây không đấy? – Giọng chú uôm uôm vọng lại nghe kỳ quái từ cái sàn nhà rỗng tuếch, kín như hang. Trên một bàn làm việc, có chiếc đồng hồ. Nó chỉ bảy rưỡi. Cửa thang máy chở hàng mở ra đánh rầm, rồi một người đàn ông tóc bạc trắng ló đầu ra, ngó dọc hành lang nhìn thấy Đêvit. “Tôi nghe như vừa có ai gọi gì thì phải”, ông lão nói. Đêvit bước tới chỗ ông già. “Cháu được người ta bảo đến gặp ông quản đốc nhận việc ạ.” - Ồ, thì ra chú là anh chàng ấy đấy phỏng? Đêvit bối rối. “Thế là thế nào ạ?” - Anh chàng mới đến ấy mà. – Ông lão giữ thang máy đáp. – Cháu của cụ Noman ấy mà. Đêvit không trả lời. Chú ngạc nhiên quá. Ông già coi thang máy đã sửa soạn sập cái cửa lại. “Chưa có ai đến đâu. Tám giờ sáng họ mới tới cơ”. Cửa sắt cầu thang đóng lại, nó ken két tụt xuống, rồi mất hút. Đêvit tư lự quay đi. Cậu Bơny đã đe chú rằng không được nói gì cả. Chú đã không nói. Vậy mà bọn họ đã biết. Không hiểu cậu chú có biết rằng họ đã biết không. Chú quay lại chỗ mấy cái bàn. Đột nhiên chú rừng phắt lại trước một tờ áp phích quảng cáo lớn. Hàng chữ màu đỏ tươi Vilma Banky và Rot La Rôcơ. Bức tranh vẽ cô đào Banky nằm trên một chiếc xôpha, vén váy quá gối. Đằng sau cô ta là tài tử La Rôcơ, đẹp trai một cách dữ tợn theo cái mốt Valentino hiện giờ thịnh hành; anh ta đang đắm đuối nhìn chằm chằm xuống cô gái. Đêvit nhìn bức áp phích kỹ hơn nữa. Một ai trong khu kho này đã tô điểm cho nó thêm những chi tiết cuối cùng. Lủng lẳng trước quần anh chàng tài tử là một chiếc capôt màu trắng đục, đóng vào tường bằng một cái đinh bấm. Ngay cạnh đó là dòng chữ màu đen, sắc nét: Hãng Henri Frank xin chúc mừng. Đêvit bật cười, tiếp tục đi dọc theo lối đó. Chú ngó vào các thùng sắt. Áp phích, tranh treo hành lang, quảng cáo nhét đầy trong đó. Mỗi cái là một bộ phim khác nhau. Đêvit lần lượt giở chúng ra xem. Chúng giống nhau một cách ngạc nhiên. Rõ ràng điều duy nhất là tay họa sĩ làm là thay đổi tên các tài tử và tên phim mà thôi. Chú nghe thấy tiếng thang máy chở người dừng lại, rồi tiếng chân nện vang trên sàn nhà. Chú ngoảnh người lại, đứng chờ. Một người đàn ông cao lớn, gày gò, tóc màu đỏ cát, mặt quàu quạu, mệt mỏi từ cái ngách có mấy chiếc bàn gói hàng rẽ ra. Ông ta đứng lại, lặng thinh nhìn Đêvit. - Tôi là Đêvit Ulf. Người ta bảo tôi đến để gặp ông quản đốc nhận việc ạ. - Tôi là quản đốc đây. – Ông ta đáp, quay đi bước tới một cái bàn giấy. – Tên tôi là Oagnơ. Giac Oagnơ. Đêvit chìa tay ra. “Tôi rất hân hạnh được gặp ông, thưa ông Oagnơ.” Người đàn ông nhìn bàn tay chìa ra cho mình. RỒi ông ta bắt tay Đêvit. Bàn tay ông ta mềm nhẽo, không có gì cả quyết. “Vậy anh là cháu Noman đấy”, ông ta nói như buộc tội. Đột nhiên, Đêvit nhận ra rằng ông ta đang hồi hộp, hồi hộp hơn cả chú nữa. Không hiểu tại sao nhỉ, chú thầm hỏi. Thật vô lý nếu như đó là mối quan hệ họ hàng giữa chú với cậu Noman làm cho ông ta bối rối. - Đã có dự định là không ai được biết điều ấy, trừ tôi. – Oagnơ nói. – Ngồi xuống đây đi. – Ông ta chỉ một cái ghế gần bàn, rút ra một tờ giấy, đẩy về phía Đêvit. – Điền vào tờ khai nhân sự này. Chỗ nào có yêu cầu kể ra tên những họ hàng làm việc cho hãng thì để trống mục đó. - Dạ, vâng ạ. Oagnơ rời bàn đứng dậy, bỏ đi. Đêvit bắt đầu điền vào tờ khai. Đằng sau, chú nghe thấy tiếng thang máy mở cửa ra, rồi đóng lại. Mấy người đàn ông đi ngang qua, họ đưa mắt liếc trộm chú khi tới chỗ mấy cái bàn đóng gói, lôi ra đồ nghề của mình. Đêvit quay trở lại với tờ giấy. Đúng tám giờ, một hồi chuông réo lên, cả tòa nhà lập tức rào lên một âm thanh của công việc. Ngày làm việc bắt đầu. Khi Oagnơ trở lại, Đêvit đưa cho ông ta tờ khai. Ông ta nhìn lướt qua một cách cẩu thả. “Tốt,” ông ta mơ hồ nói, thả nó xuống bàn, rồi lại bỏ đi. Đêvit chăm chú theo dõi ông ta tiến đến nói chuyện với người đang làm ở bàn đóng gói thứ nhất. Cả hai đều quay lưng lại phía này, và Đêvit biết chắc rằng họ đang nói về chú. Chú bắt đầu cảm thấy hồi hộp, châm một điếu thuốc hút. Oagnơ ngoảnh lại, vẻ quàu quạu hiện rõ rệt thêm trên mặt ông ta. – Anh không được hút thuốc ở đây. – Ông ta kêu to với Đêvit. – Anh không đọc thấy biển đề gì hả? - Ồ, tôi xin lỗi. – Đêvit thốt lên, ngó quanh tìm một cái gạt tàn. Không có cái nào cả. Đột nhiên, chú nhận ra rằng công việc đã ngừng lại, mọi người đang nhìn cả vào chú. Chú cảm thấy rõ trán mình đột nhiên râm rấp mồ hôi. - Anh có thể hút thuốc trong phòng vệ sinh ấy. – Oagnơ nói to, chỉ tay về phía cuối nhà kho. Đêvit đi dọc theo các giá để đồ phía sau, cho đến khi tìm được phòng vệ sinh. Bỗng dưng chú cảm thấy buồn đi giải, chú bước lên một cái máng tiểu. Cánh cửa sau lưng chú mở ra, rồi một người đàn ông đứng cạnh – chú cảm thấy như vậy. “Chào cậu nhóc[75]”, ông ta nói. Đêvit trố mắt nhìn ông ta. Ông ta nhoẻn cười lại, để lộ ra một mồm đầy răng vàng. “Mày là con giai của lão Chaim Ulf chứ gì?”, ông ta nói bằng tiếng Do Thái. Đêvit gật đầu. - Tao là cảnh sát trưởng, Yitzchak Magôlix. Trong hội Prushnidơ cùng với thầy mày đấy. Thế thì chẳng còn lạ gì về chuyện cháu Noman tóe loe ra nhanh thế. “Ông làm ở đây à?”, Đêvit tò mò hỏi. - Tất nhiên. Mày nghĩ tao đi suốt đường đến đây chỉ để đái thôi ư? – Ông ta hạ giọng thì thầm bí mật. – Tao thấy cậu mày thật “cáo” khi phái mày đến đây đó. - “Cáo” ư? Ông cựu cảnh sát gật cái đầu hói của mình. “Phải, cáo” ông ta vẫn thì thào nói theo kiểu ở trên sân khấu. “Giờ thì chúng nó có cái mà lo lắng rồi. Chúng nó đã giết người ta bao lâu rồi mà vẫn thoát. Cháu chỉ cần nhìn vào đám phiếu ấy là đủ”. - Phiếu ư? - Phải, phiếu vận chuyển hàng ấy. Tao gói một ngày ba bận thì bằng chỗ một thằng chúng nó làm cả tuần. Tao, tao chẳng phải lo gì cả. Nhưng cái bọn làm ăn phất phơ ấy thì hãy để cho chúng nó lo đến chỗ làm của chúng nó. Đến bây giờ, Đêvit mới bắt đầu hiểu. Thì ra đám người kia sợ chú, sợ chỗ làm của họ. “Nhưng thực ra họ không việc gì phải sợ cả”, chú buột ra lời, “tôi sẽ không cướp việc của họ đâu”. - Mày không ư? – Magôlix hỏi lại, mắt lộ vẻ bối rối ngỡ ngàng. - Không, bởi tôi đến đây là vì tôi cần phải có việc làm. Mặt ông cựu cảnh sát đớ ra, chưng hửng. Rồi đột nhiên, mắt ông ánh lên ranh mãnh. “Cáo lắm”, ông ta thốt lên, “thằng bé cáo lắm. Tất nhiên là mày chẳng cướp việc của ai cả. Tao sẽ bảo với họ thế”. Ông ta đi ra cửa. Đến cửa, ông ta dừng lại, nhìn Đêvit. “Mày làm bác nhớ đến ông cậu mày đấy. Cái lão quái già ấy không bao giờ cho tay trái mình biết tay phải mình đang làm gì”. Cửa đóng lại sau ông ta. Đêvit quẳng điếu thuốc lá vào máng nước giải. Đi được nửa đường giữa cái giá để đồ trở về thì chú gặp Oagnơ. - Anh biết cách sử dụng xe nâng hàng chứ? - Cái loại để người ta nâng các kiện bông chứ gì? Viên quản đốc gật đầu. “Tôi định nói tới loại ấy đấy!” - Biết ạ. – Đêvit đáp. Mắt Oganơ vụt mất ánh lo lắng. “Tốt lắm”, ông ta nói to. “Có năm trăm ngàn bản in ở sân hàng dưới kia. Đem chỗ đó lên đây”. 5 Thang máy dừng lại ở tầng một, hai cánh cửa nặng nề của nó mở ra cái sân hàng bận rộn. Dăm chiếc xe tải đang từ từ lui vào sân, công nhân đang tất tả ngược xuôi chất hàng lên, dỡ hàng xuống. Dọc theo bức tường chắn màu đen ở phía sau sân hàng là những đống bìa các tông và vật liệu. Đêvit quay sang ông già giữ thang máy. “Đống nào là đống người ta bảo tôi mang lên nhỉ?” Ông ta nhún vai. “Hỏi ông trùm sân ấy. Tôi chỉ giữ thang máy”. - Ai là ông trùm sân vậy? Ông già chỉ một người đàn ông lực lưỡng mặc mayô. Ngực ông ta đầy lông đen kịt, hai cánh tay cũng rậm rịt đầy lông là lông. Nom ông ta thô lỗ và nặng nề; da ông ta đỏ tím cái màu da của những gã sâu rượu. Đêvit bước tới chỗ hắn ta. - Mày muốn gì hả? – Hắn ta hỏi. - Ông Oagnơ bảo tôi xuống đem chỗ bản in lên. Gã trùm sân nheo mắt nhìn chú. “Oagnơ, hả? Thế Xam đâu?” Đêvit trố mắt nhìn gã ta. “Xam ư?” - Xam, thằng nhân viên tiếp nhận ấy. Đồ ú ớ! - Tôi biết thế quái nào được? – Đêvit vặc lại. Chú bắt đầu cảm thấy cáu. Gã trùm sân nhìn qua đầu chú tới chỗ lão coi thang máy. “Người ta không thải Xam để giao việc này cho cái thằng ngớ ngẩn đây chứ hả?”, gã ta thét với về chỗ ông ta. - Không… không đâu. Tôi đã thấy anh ta đang làm việc ở một bàn gói hàng trên kia đấy. Gã trùm sân quay lại Đêvit. “Ở chỗ kia kìa”. Gã chỉ tay “Sát tường ấy”. Các bản tin được xếp trên các giá gỗ, cứ một nghìn một bó. Có bốn giá gỗ cả thảy, như vậy mỗi giá có một trăm hai mươi lăm bó. Đêvit đẩy cái xe nâng đến gần một giá trong số đó, đưa hai cái răng nâng luồn xuống dưới nó. Chú đè người lên những tay quay. Nhưng sức nặng sáu mươi cân của người chú không đủ nhấc được cái giá gỗ lên khỏi sàn. Đêvit quay nhìn xung quanh. Gã trùm sân hàng đang ngoác mồm ra cười. “Ông giúp tôi nâng hộ cái này một chút được không?” Gã đàn ông phá lên cười. “Tao còn có việc của tao phải làm chứ”, gã thốt lên nhạo báng. “Về bảo với lão Noman ấy rằng lão đã thuê một thằng trẻ con để làm việc của một người lớn!” Đêvit đột nhiên nhận thấy rằng cả cái sân đã lạnh ngắt. Chú nhìn quanh. Lão coi thang máy cười rạn cả mặt, thậm chí mấy thằng cha lái xe tải cũng đang ngoác miệng ra cười. Chú bực tức cảm thấy máu đang dồn hết lên mặt. Tất cả bọn họ đều đồng mưu với nhau hết. Họ đang đợi xem cậu cháu của ông chủ ngã dập mặt xuống đất như thế nào. Lơ đãng, chú rút một điếu thuốc lá từ túi ra, định châm lửa. - Không hút thuốc ở sân hàng. – Gã trùm sân hàng nói. – Ra phố, nếu mày muốn hút thuốc. Đêvit nhìn thằng cha một thoáng, rồi lặng thinh đi xuôi đoạn đường dốc, bước ra phố. Chú nghe thấy một trận cười đột ngột rộ lên ở sau lưng. Lời gã trùm sân nghe rõ mồn một. “Tao cho rằng bọn ta đã cho thằng oắt con Do Thái ấy biết phải bắt đầu từ đâu”. Chú đi vòng ra đầu tòa nhà, châm thuốc. Không hiểu có phải là tất cả bọn họ đều đồng mưu với nhau không, chú thầm hỏi. Thạm chí cả lão quản đốc ở trên gác kia cũng không thực lấy làm vui vẻ gì khi gặp chú. Nhất định là lão ta biết rằng chú không đủ sức nặng để nâng cần xe lên, nhưng vẫn cứ giao việc ấy cho chú. Chú nhìn sang bên kia đường. Một gara ôtô đứng đối diện ở đó. Nó làm chú chợt nẩy ra một ý. Mất năm mươi xu cho tay thợ cơ khí, chú quay về, lôi xềnh xệch một chiếc kích thủy lực to tướng dùng cho xe tải. Cả sân lại lạnh ngắt đi khi chú đặt cái kích xuống dưới giá gỗ. Rồi chú nhanh nhẹn ấn cần kích một hồi, cái giá gỗ bị nhấc bổng lên. Trong vòng chưa đầy năm phút, chú đã xếp gọn cả bốn giá gỗ vào thang máy. “Ôkê”, chú nói với lão già điều khiển thang. “Ta đưa nó lên nào”. Chú mỉm cười khi hai cánh cửa thang đóng sầm lại trước bộ mặt sưng sỉa của gã trùm sân. Đám người ngồi trước bàn ngẩng hết cả lên khi cửa thang máy mở ra ở tầng sáu. “Hượm đã”, Đêvit bảo lão già coi thang “tôi sẽ đi hỏi Oagnơ xem ông ta muốn để chỗ này ở đâu”. Chú đi dọc theo dãy giá để hàng, tới cái bàn trống không của viên đốc công. Chú quay lại, bắt gặp đám người đang chăm chú nhìn mình. “Ông Oagnơ đâu các bác?” Họ nhìn nhau ngượng ngập một thoáng; cuối cùng viên cựu cảnh sát đáp. “Ông ấy đang ở trong nhà vệ sinh hút thuốc”. Đêvit cảm ơn rồi đi theo lối sau tới phòng vệ sinh. Lão đốc công đang nói chuyện với một người đàn ông khác, thuốc lá cầm tay. Đêvit tiến sát đến lưng ông ta. “Ông Oagnơ”. Oagnơ nhẩy dựng lên. Ông ta quay ngoắt lại, mặt bàng hoàng rất lạ. “Gì thế Đêvit?” ông cáu kỉnh hỏi. “Mày không đem được chỗ bản in ấy lên hả?” Đêvit chằm chằm nhìn lão. Phải, đốc công cũng vào hùa với chúng nó. Tất cả đều vào hùa với nhau. Chú cay đắng cười thầm. Thế mà cậu Bơny bảo rằng chuyện ấy sẽ là một bí mật đấy. - Thế nào? – Viên đốc công bực tức hỏi. – Nếu anh không làm được, bảo cho tôi biết chứ. - Chúng đang ở trên đây. Tôi chỉ muốn biết là sẽ bỏ chúng vào chỗ nào thôi. - Anh đã đem chúng lên rồi à? – Oagnơ hỏi. Giọng ông ta mất hẳn cái vẻ chắc chắn vừa mới thoáng lộ ra ở câu trước. - Dạ, vâng ạ. Oagnơ quăng điếu thuốc vào máng nước giải. “Tốt lắm”, ông ta nói, mặt thoáng lộ vẻ bối rối khó hiểu. “Chúng sẽ xếp ở dãy số 5. Tôi sẽ chỉ cho anh bỏ vào thùng nào”. Khi Đêvit dỡ hết chỗ giấy xếp vào các thùng đựng xong xuôi thì đã gần mười rưỡi. Chú đặt tập giấy cuối cùng vào chỗ, rồi vươn vai đứng thẳng dậy. Mồ hôi chảy ròng ròng thành giọt, lăn dưới cái áo sơ mi của chú; chú cúi xuống nhìn. Cái áo trắng tinh mẹ chú buổi sáng bắt chú mặc, giờ đã trở thành lem luốc. Lấy ống tay áo quệt mồ hôi trán, chú bước tới bàn viên quản đốc. “Ông còn muốn tôi phải làm gì nữa ạ?” - Có phải là năm trăm cuộn phải không? – Viên quản đốc hỏi. Đêvit gật đầu. Ông ta đẩy một giấy về phía chú. “Vậy thì điền vào phiếu nhận này đi”. Đêvit vừa nhìn tờ giấy vừa vớ lấy cái bút chì. Đó là hóa đơn của số giấy. “500M bản in. Đơn giá: 1 đô la 1 M – Tổng cộng: 500 đô la 00”. Giấy đắt tiền thật, chú nghĩ thầm, ký nhanh vào phía dưới tờ hóa đơn. Điện thoại trên bàn viên quản đốc chợt réo chuông, ông ta cầm lấy ống nghe. “Kho hàng đây”. Đêvit có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của người nói ở đầu dây kia, nhưng không phân biệt được rõ từng chữ. Oagnơ đang gật đầu. “Vâng ạ, thưa ông Bony. Chúng vừa mới tới”. Ông ta nhìn Đêvit, một tay che ống nói lại. “Lấy cho tôi một mẩu giấy in bản tin ấy ra đây”.luôn Đêvit gật đầu, chạy vụt vào dãy giá để đồ. Chú rút một tờ giấy ra khỏi bó giấy, mang lại cho viên quản đốc. Oagnơ giằng tờ giấy khỏi tay chú, nhìn kỹ nó. “Thưa ông Bonđơ không phải ạ. Một màu”. Giọng nói đầu kia điện thoại ré lên thành những tiếng rít róng. Oagnơ bắt đầu nom có vẻ khổ sở. Rồi ngay sau đó, ông ta từ từ đặt ống nghe xuống. “Đấy là ông Bonđ, ở phòng cung ứng vật tư”. Đêvit gật đầu, không nói gì. Oagnơ khổ sở khạc đờm trong họng. “Những cái bản tin vừa rồi ấy mà, các ông ấy nghĩ là sẽ nhận được loại giấy hai màu cơ”. Đêvit cúi xuống nhìn tờ quảng cáo phát tay đen trắng. Chú không hiểu tại sao người ta lại om xòm về một chuyện cỏn con như vậy. Cuối cùng, chúng là của vất đi cơ mà. Một hay hai màu thì có gì khác nhau đâu. - Ông Bonđ bảo thải chúng đi. Đêvit nhìn Oagnơ, ngạc nhiên. “Thải ư?” Oagnơ gật đầu, đứng dậy. “Dỡ chúng ra khỏi các thùng đựng, đem xuống gác. Chúng ta cần chỗ để. Đám giấy mới chiều nay sẽ tới”. Đêvit nhún vai. Công việc làm ăn ở đây buồn cười thật, có thể vứt đi một thứ nào đó thậm chí ngay cả trước khi nó được trả tiền. Nhưng đó không phải là chuyện lo của chú. “Tôi sẽ làm ngay đây”. Đến mười hai giờ rưỡi thì chú lại xuống tới sân hàng, đẩy cái giá đầu tiên chất đống bản tin. Gã trùm sân kêu ré lên. “Này mày đem cái đó đi đâu thế hả?” - Đem vứt đi. Gã trùm sân bước tới, ngó vào trong thang máy. “Vứt đi, hả?” – Gã hỏi. “Tất cả hả?” Đêvit gật đầu. “Tôi bỏ chúng ở chỗ nào bây giờ?” - Mày không bỏ ở chỗ nào cả. Đem ngược ngay lên, và bảo với Oagnơ rằng chi ra năm tờ nếu lão ta muốn tao tống khứ hộ cái của nợ này nhớ! Và, Đêvit cảm thấy cơn giận từ từ dâng lên trong lòng. Oagnơ đang ngồi cạnh bàn lúc Đêvit quay trở lại tầng gác. “Tay trùm sân đòi năm đôla để tống khứ đám giấy loại đó đi”. - Ồ, phải. – Oagnơ thốt lên. – Tôi quên mất. – Ông ta lôi một cái hộp thiếc ra khỏi bàn, mở nắp. Ông ta lấy ra một tờ năm đôla. Đêvit trố mắt nhìn tờ bạc. “Ông định trả tiền thật cho cái thằng cha ấy ư?” Chú thốt lên không tin. Oagnơ gật. - Nhưng đó là giấy in báo rất tốt. Thầy tôi sẽ chịu kéo nó suốt cả ngày. Mỗi tạ phải được một hào. Cả chỗ đó, đem tới bất kỳ một cái sân buôn bán đồ phế thải nào, cũng được năm mươi đôla đấy. - Ta không có thời gian lằng nhằng với nó đâu. Này đây, đưa cho hắn ta năm đồng, rồi quên chỗ giấy ấy đi. Đêvit trố mắt nhìn viên quản đốc. Không có cái gì trong công việc kinh doanh này làm chú hiểu cả. Người ta vứt một đống giấy trị giá năm trăm đôla trước khi họ trả tiền cho nó, rồi thậm chí người ta cũng không muốn vớt vát lại năm mươi đôla từ chỗ đó nữa. Người ta thích tốn thêm năm đôla để rũ nhẹ nợ với nó. Nếu cậu chú điều hành mọi chuyện như thế này, thì ông ấy không hề tinh ma như người ta vẫn nói. Mà nhất định là chỉ vì gặp may. Nếu không phải là vận may, ở địa vị cậu ấy, thầy chú đã có thể trở thành triệu phú. Chú hít mạnh một hơi thật sâu vào lồng ngực. “Thưa ông Oagnơ, có phải tôi được phép nghỉ một tiếng để ăn trưa không ạ?” Viên đốc công gật đầu. “Hẳn rồi. Tất cả chúng ta đều được thế”. - Liệu tôi có thể nghỉ ngay từ bây giờ được không ạ? - Anh có thể nghỉ ngay sau khi đã lo xong xuôi chỗ ấy. - Nếu ông thấy không sao, - Đêvit nói, - thì tôi sẽ giải quyết nó trong giờ nghỉ trưa của tôi ạ. - Tôi thấy không sao cả. Nhưng anh không cần phải làm thế. Anh được nghỉ hoàn toàn trong một tiếng để ăn trưa mà. Đêvit nhìn cái điện thoại. “Xin phép cho gọi điện thoại một lần được không ạ?” Oagnơ gật. Đêvit gọi điện cho Mũi Kim đang ở gara của Shocky. “Từ đó đến đây với một chiếc xe tải, mày cần bao nhiêu thời gian hả?”, chú hỏi, và vắn tắt giải thích đầu đuôi câu chuyện. - Hai mươi phút, Đêvit ạ! – Mũi Kim đáp. Giây nói im lặng một thoáng, rồi Mũi Kim trở lại. – Shocky bảo ông ta lấy mày mười đồng, tiền cái xe tải. - Bảo ông ta là tao xong. – Đêvit nói nhanh. – Và đem theo đi một đôi quả đấm sắt nhé. Có thể ta sẽ hơi gặp rắc rối đấy. - Hiểu rồi, Đêvit ạ. – Mũi Kim đáp. - Ôkê. Tao sẽ chờ mày ở cổng. Chú đặt ống nghe xuống. Oagnơ lo ngại nhìn chú. “Tôi không muốn gây ra chuyện rắc rối! ông ta bồn chồn thốt lên. Đêvit chằm chằm nhìn ông ta. Nếu họ sợ chú như vậy, đáng nhẽ họ đừng để chú làm việc ấy. Chú sẽ làm cho họ biết sợ. “Thưa ông Oagnơ, ông biết chuyện rắc rối gì sẽ xẩy ra, nếu cậu Bơny tôi phát hiện ra rằng ông đã bỏ năm đôla để vứt đi năm mươi đôla đấy”. Mặt viên quản đốc chợt tái mét. Trán ông đột nhiên rịn mồ hôi. “Tôi không làm ra cái quy tắc”, ông đáp nhanh, “tôi chỉ làm theo lệnh phòng cung ứng vật tư thôi”. - Vậy thì ông không có việc gì phải lo cả. Oagnơ bỏ đồng năm đôla trở lại cái hộp thiếc, rồi đặt cái hộp vào ngăn kéo, khóa lại. Ông ta đứng dậy. “Có lẽ tôi phải đi ăn trưa đây”. Đêvit ngồi phịch xuống ghế của ông ta, châm thuốc hút, phớt lờ cái bảng cấm hút thuốc có ở đó. Đám đàn ông chỗ các bàn đóng gói đang chăm chú nhìn chú. Chú lặng lẽ giương mắt nhìn trả lại. Sau mấy phút, họ bắt đầu bỏ đi, lúc một người, lúc hai người, rõ ràng là đi ăn trưa. Chả mấy chốc, người duy nhất còn lại là viên cựu cảnh sát. Ông già ngẩng lên khỏi cái bọc mình đang gói. “Mày hãy nghe lời bác, cháu ạ”. Ông ta nói, “Mày chả đáng bị giết như thế đâu. Cái thằng Tong dưới kia là một thằng côdăc. Mày đi bảo với cậu mày giao cho làm một việc khác đi, cháu”. - Cụ bô ơi, làm sao con có thể làm thế được? Nói với ông ta để ông ta giao cho con làm việc này là cũng đủ tướt mồ hôi rồi. Nếu giờ con mà mò đến khóc sướt mướt với ông ấy, thì nên thôi việc sớm còn hơn. Ông già bước lại gần chú. “Mày biết họ bỏ đi đâu không?” Giọng ông rít lên the thé. “Tất cả chúng nó ấy? Chúng nó có đi ăn cơm đâu. Chúng nó xuống dưới phố hết. Chúng nó đang chờ xem Tong giết cháu đấy”. Đêvit rít điếu thuốc, tư lự. - Làm sao năm đồng bạc lại to chuyện thế hả cụ? - Hắn ta kiếm được ít tiền đấm bóp từ tất cả các cơ sở làm ở đây. Hắn không thể để mày chuội đi được. Như thế rồi thì hắn sẽ mất tất cả. - Thế thì nó là thằng khốn nạn[76]. – Đêvit đột nhiên phát cáu. – Tất cả những gì tôi muốn là hoàn thành công việc của mình. Đáng nhẽ không có gì xẩy ra cả. Hắn cứ việc thu tiền vi thiềng của hắn chứ. Chú đứng dậy, quẳng tạch điếu thuốc xuống nền nhà, lấy gót chân nghiền nát. Miệng chú đắng nghét. Toàn bộ câu chuyện thật ngu ngốc. Và chú chẳng có gì là ranh ma hơn tất cả chúng nó. Chú để cho mình rơi tọt vào cái bẫy mà chúng đã chuẩn bị sẵn sàng cho chú. Giờ thì chú không thể rút lui được nữa rồi, thậm chí nếu chú có muốn rút lui cũng thế. Mà chú cũng không thể thua trong trận đánh nhau ở dưới sân kia được. Nếu như vậy, nhất định là cậu chú sẽ biết. Và thế có nghĩa là đi đời cái chỗ làm của chú. Mũi Kim đang đợi chú dưới cầu thang. - Ôtô đâu? - Ở bên kia đường. Tao đã đem quả đấm sắt tới đây. Mày cần loại nào – trơn hay có gai? - Có gai. Tay Mũi Kim nhấc khỏi túi quần. Đêvit cầm lấy chuỗi vòng sắt. Chú nhìn chúng. Những cái gai tù tù thân tròn, mũi nhọn hoắt sáng nhờ nhờ hung bạo trong nắng. Chú đút chúng vào túi. - Chúng ta sẽ đối xử với thằng cha ấy theo kiểu nào? Mũi Kim hỏi, - Kiểu Trung Quốc chứ hả? Đó là một kiểu đánh thông dụng ở khu phố Trung Quốc. Một người ở phía trước, một ở phía sau. Chín trong số mười trường hợp, hắn ta không bao giờ biết được rằng cái gì đã giáng xuống hắn. Đêvit lắc đầu. “Không. Tao phải tự mình tính với thằng này, nếu không thì chẳng có tác dụng gì cả”. - Thằng ấy sẽ giết mày mất. – Mũi Kim nói. – Nó nặng hơn mày đến hăm lăm cân ấy. - Nếu mày gặp chuyện không may, - Mũi Kim nói khô khốc, - thì còn độc có việc chôn mày là không quá muộn. Đêvit nhìn thằng bạn, rồi nhoẻn cười. “Nếu như vậy, hãy gửi hóa đơn chi phí đám ma cho cậu Bơny tao. Chính là do ý ông ấy tất cả. Nào đi thôi”. 6 Họ đang chờ, đúng vậy. Ông già cựu cảnh sát nói đúng. Cả tòa nhà này đều đã biết điều gì sắp xảy ra. Thậm chí có cả mấy cô nàng ở xưởng làm phấn son và nhà máy của Henry Frank nữa. Trời nắng gắt. David cảm thấy mồ hôi ròng ròng chảy dưới lớp quần áo của chú. Cái sân bốc dỡ hàng lúc trước vừa rào rào tiếng động - người ta nói chuyện, bàn tán, giả vờ ăn bánh mỳ kẹp nhân hay cơm trưa gói ở nhà đi. Nhưng bây giờ, mọi vẻ vờ vịt biến mất, chuyện bị dừng, cơm trưa bị quên bẵng. Cái làn sóng lạnh ngắt ấy đập vào chú. Chú cảm thấy rõ những cái liếc tò mò, gần như thản nhiên ngoài cuộc của họ. Lơ đãng, chú nhìn đám đông. Chú nhận ra mấy người gói hàng trên gác. Họ đưa mắt nhìn lảng đi nơi khác khi chú bước qua. Đột nhiên, cảm thấy buồn nôn. Chuyện này thật là điên. Chú không phải là một thằng anh hùng rơm. Làm thế này để làm gì cơ chứ? Cái trò khốn khổ này có ý nghĩa to lớn gì để đến nỗi chú phải bị chết vì nó cơ chứ? Rồi chú trông thấy gã trùm sân và quên sạch mọi ý nghĩ. Không còn đường quay lại nữa. Tất cả lại là rừng xanh - những hẻm ở khu phố Đông, các sân đồ cũ dọc sống, và gời là một nhà kho ở trên đường số bốn mươi ba này. Mỗi một nơi đều có một ông vua nhỏ của nó, một ông vua luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ cái vương quốc nho nhỏ của mình - bởi vì lúc nào cũng có một kẻ nào đó luôn luôn rình chờ cướp nó từ tay ông ta. David chợt nhận ra một điều lớn lao; và người chú chợt dào lên một cảm giác hào hùng mạnh mẽ. Thế giới này đều như vậy; thậm chí ngay cả cậu chú, ngồi tít trên cao kia, cũng là một ông vua, theo một cách riêng của cậu ấy. Chú thầm nghĩ, không biết đã bao đêm cậu Berny phải thức trắng lo nghĩ về những mối đe dọa đêvit vương quốc của mình. Vua chúa phải sống cùng với sợ hãi - sợ hãi nhiều hơn những người thường. Họ có nhiều cái có thể bị mất hơn. Và luôn luôn có điều đó, chôn vùi rất sâu ở trong lòng họ - sự nhận biết rằng rồi một ngày kia, tất cả sẽ hết. Bởi xét cho cùng, vua chúa cũng là người, tất cả sức mạnh của họ rồi sẽ giảm đi, trí óc họ sẽ không còn anh minh tinh nhậy như trước nữa. Và vua chúa rồi cũng phải chết, những người nối tiếp họ sẽ kế thừa. Chuyện sẽ xảy ra như vậy với gã trùm sân, với cậu Berny của chú. Một ngày nào đó, tất cả sẽ thuộc về chú, bởi vì chú còn trẻ. - Đem ô tô lại đây. - Chú nói, khẽ nhếch mép. Mũi Kim đi xuôi xuống con đường dốc, băng qua mặt phố sang bên kia, chỗ cái xe tải đỗ. David quay đi, đẩy cái kích to tới cái giàn gỗ gần nhất. Chú bơm cầm tay, cái giàn gỗ nhấc rời khỏi mặt đất, chú đi tới mép cái bộ dỡ hàng thì vừa lúc Mũi Kim cho xe lùi đuôi vào, dừng lại. Mũi Kim bỏ tay lái nhẩy xuống. "Có cần giúp không, David?" - Tao làm được. - David đáp. Chú đẩy các kích dỡ khối hàng tới bên thành xe đã mở rồi giật chốt tháo. Cái mặt gỗ rơi gọn xuống sàn xe. Vừa quay lại giá thứ hai, chú vừa đưa mắt nhìn trộm gã trùm sân một cái. Gã không nhúc nhích. Lòng David mơ hồ dấy lên một nỗi hy vọng. Có lẽ chú đã nhầm. Có lẽ tất cả bọn họ đã nhầm. Chú lăn cái giá đỡ vào xe và kéo chốt tháo. Cuối cùng, sẽ không có chuyện xô xát gì nữa cả. Vừa quay cái xe kích vòng ra để đẩy nó ra khỏi sàn ô tô, chú chợt nghe thấy đám đông thở hắt đến "rào" một cái. Chú ngẩng lên. Gã trùm sân đang ở đằng kia, chặn ở cuối sàn ô tô. Lì xì, David đẩy xe chậm rãi tiến lại gã. Cái xe đến trước mặt gã, gã giơ một chân chặn lên thành trước xe lặng thinh nhìn David chằm chằm. David cúi xuống nhìn chân gã. Chiếc ủng làm việc gót dày, mũi bạnh ra bè bè, chặn lì lợm lên trước cái xe kích. Một lần nữa, tiếng xì xào căng thẳng lại cất lên từ đám đông. Gã trùm sân mở miệng, giọng đều đều. "Mày phải mất năm đô la để đi khỏi đây, thằng oắt Do Thái ạ." Gã nói, "Nếu mày không có, thì cứ đứng đấy!" David thọc tay vào túi. Những cái nhẫn sắt lành lạnh chạm vào ngón tay chú khi chú luồn tay qua chúng. "Tôi có cái này cho ông đây", chú khẽ nói, bước lại gần gã đàn ông, tay vẫn trong túi. - Thằng nhóc Do Thái, thế là mày biết điều đấy, con ạ. - Gã thốt lên, mắt rời khỏi David, nhìn quay lại đám đông. Chính lúc ấy, David đánh. Tay chú dội lên, đau nhói đến tận bả vai khi quả đấm sắt cắm phập vào mặt gã. Gã thét lên đau đớn, các răng nhọn xé toạc má hắn ra như một quả dưa hấu quá chín. Gã quay ngoắt lại, điên cuồng giáng một cú trúng đầu David, chú ngã dập lưng vào thành ô tô. Chú cảm thấy đầu mình bắt đầu ù lên. Phải đánh nhanh, nếu không thằng cha sẽ giết tươi chú. Chú lắc đầu, định thần lại, ngẩng lên nhìn bắt gặp gã trùm sân đang bổ tới. Tì chân vào thành xe làm đòn bẩy, chú vung lên, đấm bổ vào mặt gã. Cú đấm không bao giờ tới được đích của nó. Gã trùm sân tóm được nó, nhưng đà của nó đẩy văng gã tới mép sàn bốc dỡ hàng. Nhanh như chớp, David bồi thêm quả nữa. Gã bước sang một bên, tránh được, nhưng loạng choạng bước hụt, ngã nhào từ trên sàn dỡ hàng xuống mặt sân. David ngả người qua cái xe kích to tướng, cúi nhìn xuống. Gã đang quều quào bò dậy bằng cả bốn chân tay. Gã ngửa mặt lên nhìn chú, máu ròng ròng trên má, đôi môi điên dại miết chặt vào răng. “Tao sẽ giết mày, đồ Do Thái chó đẻ!” Đêvit chằm chằm nhìn gã. Gã đàn ông đã quì được một gối dậy. “Ông thích như thế chứ gì, thưa ông”. Đêvit thốt lên, với lấy tay cầm của chiếc xe kích. Chiếc xe kích rơi thẳng xuống. Gã trùm sân thét lên một tiếng rồi im bặt, nằm sấp mặt xuống đất. Chiếc xe kích nặng nề ngất ngưởng trên lưng gã như một con quái vật thời tiền sử. Từ từ, Đêvit nhỏm người đứng thẳng dậy, ngực thở phập phồng. Chú chằm chằm nhìn đám đông. Họ đang bắt đầu tản đi, mặt tái mét khiếp sợ. Mũi Kim trèo lên chiếc xe tải. “Mày nghĩ sao, nó “củ” rồi hả?” Đêvit nhún vai. Chú thả quả đấm sắt chuội vào túi bạn. “Tốt hơn hết là mày đưa xe đi khỏi đây đi”. Mũi Kim gật đầu, trèo vào buồng lái. Đêvit bước ngang sang sàn bốc dỡ. Chiếc xe tải vừa khuất khỏi phố thì Oagnơ chạy tới với một viên cảnh sát. Viên cảnh sát nhìn Đêvit. “Có chuyện gì xẩy ra vậy hả?” - Tai nạn, - Đêvit đáp. Viên cảnh sát cúi xuống nhìn gã trùm sân. “Gọi xe cấp cứu ngay”, ông ta nói nhanh, “một người vào đây giúp tôi nhấc cái này khỏi anh ta nào”. Đêvit quay đi, bước vào thang máy chở hàng. Chú nghe thấy tiếng còi cấp cứu văng vẳng trong khi đang ở buồng tắm, lau rửa mặt. Cánh cửa phía sau chú chợt mở ra, ngoảnh lại. Ông già cựu cảnh sát đứng đó, tay cầm một cái khăn mặt. “Bác nghĩ là mày sẽ cần đến nó”. - Xin cảm ơn ạ. – Đêvit đỡ lấy nó, vò kỹ trong nước nóng rồi ấp lên mặt. Hơi nóng làm chú thấy dễ chịu. Chú nhắm mắt lại. – Tiếng còi xe cấp cứu nhỏ dần. “Mày không sao đấy chứ hả?” – Ông già hỏi. - Cháu vẫn bình thường ạ. Chú nghe thấy tiếng chân ông lão bước đi. Cửa đóng lại, Đêvit bỏ cái khăn khỏi mặt. Chú chăm chú nhìn mình trong gương. Trừ một vết tím ở thái dương ra, nom chú vẫn bình thường. Chú vã nước lạnh lên mặt rồi thấm khô nó. Để cái khăn vắt trên thành chậu sứ, chú bước ra. Một cô gái đứng gần cầu thang, mặc áo choàng xanh nước biển có chữ Henri Frank in ở túi. Chú dừng lại, nhìn cô ta. Nom cô ta có vẻ quen quen. Nhất định cô ta là một trong những cô mà chú đã thấy ở dưới sân. Cô ta bạo dạn mỉm cười với chú, để lộ ra hàm răng không lấy gì làm thật đẹp cho lắm. “Có phải đúng anh là cháu ông Noman không?” Chú gật đầu. - Frêđi Giôn, phụ trách phòng nhiếp ảnh của các anh ấy, bảo rằng tôi đáng được lên phim lắm. Anh ta bảo tôi làm mẫu cho anh ta. - Ồ…? - Tôi có các ảnh ấy đây. – Cô ta đáp. – Anh có muốn xem không? - Có chứ? Cô ta mỉm cười, rút túi ra mấy bức ảnh. Chú cầm lấy, nhìn chúng. Cái tay Frêđi này, dù là người thế nào đi chăng nữa thì cũng là một tay biết chụp ảnh. Nom cô ta xinh hơn hẳn nếu không cười. Và không quần áo. - Có thích chúng không? - Có. - Anh có thể cứ cầm lấy được đấy. – Cô ta nói. - Xin cảm ơn. - Nếu anh có dịp, đưa cho ông cậu của anh xem. – Cô ta nói nhanh. – rất nhiều cô gái đóng phim bắt đầu từ con đường ấy đấy. Chú gật đầu. - Tôi đã xem tất cả mọi cái ở dưới kia. Tong đáng đời lắm. - Cô không thích hắn à? - Không có ai thích hắn cả. – Cô gái đáp, - Nhưng tất cả mọi người đều sợ hắn. Tay cảnh sát hỏi tôi chuyện gì đã xẩy ra. Tôi bảo đó là tai nạn. Cái xe kích rơi vào người hắn. Chú nhìn thẳng vào mắt cô. Đôi mắt vững vàng, sáng ngời. - Anh hay lắm. – Cô ta thốt lên. – Tôi rất thích anh. – Cô rút một vật gì đó trong túi ra, đưa cho anh. Nom nó như một hộp thuốc axpirin nhưng dòng chữ thì lại đề Henri Frank De Luxe. - Anh không phải lo lắng về những cái này đâu. – Cô nói. Đây là những cái tốt nhất mà chúng tôi làm ra đấy. Anh có thể đọc được cả qua báo chúng đấy. Chính tay tôi đã kiểm tra và cuốn chúng lại. - Xin cảm ơn. - Tôi phải quay về đi làm đây. – Cô thốt lên. Cô đi lại cầu thang. – Hẹn gặp anh. - Hẹn gặp. Anh cúi xuống nhìn cái hộp giấy thiếc bé tí trên tay, rồi mở ra. Cô ta nói đúng. Có thể đọc xuyên một tờ báo qua chúng được. Ở đây có một mảnh giấy mang cái tên Bety và một con số điện thoại viết bằng bút chì. Oagnơ đang ngồi ở bàn khi Đêvit đi ngang qua. “Anh không gặp may”, ông ta nói, “Bác sĩ bảo Tong chỉ bị chấn động nhẹ và gẫy hai xương sườn thôi. Tuy thế, hắn ta phải khâu mười hai mũi ở má”. - Ông ta thật may. – Đêvit nói. – Đó là một tai nạn. Mắt viên quản đốc trố lên nhìn Đêvit, rồi dịu lại trước cái nhìn của chú. “Nhà gara bên kia đường đòi mười đôla để sửa lại xe kích”. - Mai tôi sẽ trả tiền cho họ. - Anh không cần phải làm thế đâu. – Oagnơ đáp nhanh, - Tôi đã trả rồi. - Xin cảm ơn. Viên quản đốc ngẩng lên khỏi bàn. Ông ta nhìn thẳng vào mắt Đêvit. “Tôi cho rằng chúng ta có thể cho là buổi sáng nay chưa hề có”. Ông ta thấp giọng nói, “Tôi muốn bắt đầu lại mọi cái”. Đêvit chằm chằm nhìn ông ta một thoáng. Rồi chú mỉm cười, chìa tay ra. “Tôi là Đêvit Ulf. Người ta bảo tôi đến gặp ông quản đốc để nhận việc”. Viên quản đốc nhìn anh, đứng dậy. “Tôi là Giăc Oagnơ, quản đốc”, ông ta đáp. Cái bắt tay của ông ta chặt chẽ, hồ hởi. “Để tôi giới thiệu anh với anh em ở đây”. Khi Đêvit quay lại phía các bàn đóng gói, tất cả đám người ở đó đang nhoẻn cười nhìn anh. Và đột nhiên, họ không còn là xa lạ với nhau nữa. Họ trở thành bạn của nhau. 7 Bơnơt Noman bước vào văn phòng Niu Yooc của mình. Khi đó là mười giờ sáng, mắt ông ta tươi tỉnh, sáng ngời, mặt đỏ hồng lên vì cái lạnh mùa đông, sau chặng cuốc bộ nhanh từ khách sạn sang đây. - Xin chào ông Noman ạ. – CÔ thư ký của ông ta nói. – Ông ta đi đường vui chứ ạ? Ông ta mỉm cười với cô ta rồi bước nhanh vào văn phòng riêng của mình mở toang cửa sổ. Ông ta đứng đó, hít thật sâu vào buồng phổi cái bầu không khí tươi mát lạnh giá ban mai. A, thật là tuyệt vời[77]. Không hề giống với cái cảnh tẻ ngắt đều đều hàng ngày ở Caliphonia tý nào cả. Noman đi đến bàn, mở hộp giữ ẩm cho xì gà, lấy ra một điếu. Ông ta chậm rãi châm lửa, tận hưởng cái hương thơm ngát đặc vị Havana của nó. Thậm chí xì gà hút cũng có vẻ ngon hơn ở cái chốn Niu Yooc này. Nếu còn thì giờ, có thể ông ta sẽ đảo qua tiệm Ratnơ ở phố Đilanxi ăn trưa. Ông ta ngồi xuống, bắt đầu xem các báo cáo xếp trên bàn mình. Ông ta gật gù với mình, hài lòng. Giá cổ phiếu năm vừa qua thế là đã lên. Ông ta quay sang báo cáo của các nhà hát lớn ở Niu Yooc. Rạp Noman, rạp chủ yếu của ông ta trên đường Brôtuây đã tăng thu nhập kể từ khi họ cho biểu diễn sân khấu kèm với chiếu phim. Nó cũng làm ăn trôi chảy với các rạp Lâui Xtêt và Palix. Ông ta lướt xem qua mấy báo cáo nữa, rồi dừng lại, đọc kỹ bản báo cáo của rạp Pac. Tổng thu nhập hàng tuần trung bình trong hai tháng vừa qua là bốn ngàn hai trăm đôla. Nhất định đây là một sự nhầm lẫn. Rạp Paac chưa bao giờ vượt quá được ba ngàn đôla là mức cao nhất của nó. Nó chỉ là một rạp hạng ba ở phía trái đường phố mà thôi. Noman xem tiếp bản báo cáo. Mắt ông ta dừng lại ở một mục mang tên Tiền thưởng cho nhân viên. Trung bình ba trăm đôla một tuần. Ông ta với vội lấy điệnt hoại. Nhất định là có thằng nào phát điên rồi. Ông ta không bao giờ ôkê mức tiền thưởng như vậy. Toàn bộ bản báo cáo nhất định là sai. - Dạ, thưa ông Noman, có gì ạ? – Giọng cô thư ký vọng lại. - Bảo Ơny dẫn xác vào đây. – Noman nói. – Ngay lập tức. Ông ta bỏ điện thoại xuống. Ông Hauly là thủ quỹ trưởng của ông ta. Hauly có đủ khả năng trả lời chuyện này. Hauly bước vào, cặp kính dày cộp che khuất đôi mắt. “Bơny, ông khỏe chứ ạ?” Ông ta hỏi. “Đi đường vui chứ ạ?” Noman gõ gõ tay xuống bản báo cáo đang nằm trên mặt bàn. “Thế nào, chuyện gì đã xảy ra trong cái báo cáo về rạp Pac thế hả? Đám kế toán khốn kiếp các anh không thể làm ăn được cho đúng sao?” Hauly tỏ vẻ bối rối. “Rạp Pac ư? Để ta xem lại xem nào”. Noman dúi cho ông ta bản báo cáo, ngật người dựa vào ghế, hung hãn hút điếu xì gà. Hauly ngẩng lên nhìn. “Tôi chả thấy chỗ nào sai cả”. - Ông không thấy ư? – Noman mỉa mai thốt lên. – Ông nghĩ rằng tôi không biết rạp Pac chưa bao giờ thu được quá ba ngàn đôla một tuần kể từ ngày được xây ư? Tôi không phải là thằng ngu quá đâu. - Bơny, tổng thu của rạp Pac trong báo cáo là đúng. Tuần nào kế toán của chúng tôi cũng kiểm tra lại. Bơny quắc mắt nhìn ông ta. “Thế còn những khoản tiền thưởng cho nhân viên đó thì sao hả? Hai nghìn bốn trăm đôla trong hai tháng vừa qua! Ông nghĩ rằng tôi đã phát điên rồi ư? Tôi không bao giờ đồng ý một điều như thế cả!” - Ông đã đồng ý như vậy đấy, Bơny ạ. – Hauly đáp. – Đó là khoản tiền thưởng hăm lăm phần trăm cho chủ nhiệm rạp mà chúng ta đã định ra để vượt qua cảnh ế ẩm sau Nôen đấy thôi. - Nhưng ta lấy thu nhập cao nhất làm chỉ tiêu. – Noman gắt. – Ta đã tính rằng nó sẽ chẳng làm ta tốn xu nào cả. Ta tính chỉ tiêu của rạp Pac là bao nhiêu hả? - Ba nghìn. Noman cúi nhìn bản báo cáo. “Đây là một trò xỏ lá”. Ông ta thốt lên. “Lão Taubman đã ăn cắp trước mặt ta mà ta không biết. Nếu không phải thế, thì làm thế nào mà đánh đùng một cái, lão lại thu vọt lên đến bốn ngàn hai hả? - Taubman hiện giờ không còn quản lý rạp ấy nữa. Ông ta đang nghỉ mổ ruột thừa ngay sau Nôen. - Chữ ký của ông ta ở báo cáo rành rành đây thôi. - Đấy chỉ là một con dấu cao su thôi. Tất cả các chủ nhiệm rạp đều có nó. - Vậy thì ai đang quản lý cái rạp ấy hả? – Noman hỏi. – Ai là cái thằng ranh ma moi được ba trăm đôla mỗi tuần của ta hả? Hauly tỏ vẻ khổ sở. “Bơny, chúng ta khi ấy bị kẹt quá. Taubman lăn ra ốm đúng lúc bí bách nhất. Ta chẳng còn ai khác để giữ chức vụ đó cả”. - Thôi, bỏ cái trò loanh quanh ấy đi, nói trắng ra cho tôi xem nào! – Noman gằn giọng. - Cháu ông ấy mà, Đêvit Ulf ấy. – Ông thủ quỹ trưởng ngập ngừng nói. Noman vỗ hai tay đánh bộp một cái, rồi chắp tay lên đầu như đang ở trên sân khấu. “Trời ơi! Đáng nhẽ ta phải biết trước như thế mới phải chứ!” - Chúng ta không còn cách nào khác nữa cả. – Hauly bối rối lấy một điếu thuốc lá. – Nhưng ông Bơny ạ, anh chàng ấy làm ăn được đấy. Anh ta đặt quan hệ chặt chẽ với tất cả cửa hiệu quanh đấy, mua vào những thứ đồ bán rẻ, rồi mỗi tuần hai lần, tung bản tin quảng cáo phim ngập các khu quanh đấy. Anh ta thậm chí còn tổ chức cái anh ta gọi là tối vui cả nhà, vào tối thứ hai và thứ tư là những tối ta bán được ít vé. Cả một gia đình có thể vào rạp, mất có bảy lăm xu thôi. Và việc đó đã ăn mới chết chứ. Rồi đám kẹo và ngô rang quà vặt của anh ta đã bán được gấp bốn lần so với trước nữa. - Vậy những trò phụ thêm ấy làm ta tốn bao nhiêu hả? Viên thủ quỹ trưởng lại tỏ vẻ khổ sở bối rối. “Tất nhiên là phải tốn thêm một ít chi phí hoạt động, nhưng chúng tôi nghĩ là cũng đáng”. - Thế ư? – Noman hỏi. – Chính xác là bao nhiêu? Hauly cầm bản báo cáo lên. Ông ta hắng giọng. “Đâu quãng giữa tám mươi và tám lăm mỗi tuần”. - Đâu quãng giữa tám mươi và tám lăm mỗi tuần, - Bơny mỉa mai lặp lại. Ông ta đứng dậy, nhìn nẩy lửa vào viên thủ quỹ trưởng. – Tôi vớ được cả một đám khốn kiếp làm cho tôi! Ông ta thét lên – Toàn bộ số tăng thu chả đem lại cho ta cái gì cả. Còn đối với thằng dó thì hay lắm. Mỗi tuần nó bỏ túi được ba trăm đôla ngon ơ. Ông ta quay ngoắt đi, bước nhào đến cửa sổ, nhìn ra ngoài. Không khí giá lạnh ập vào khung cửa mở. Ông ta cáu kỉnh sập mạnh cánh cửa lại. Thời tiết ở đây thật chết tiệt, chả giống gì với Caliphonia ấm áp, đầy nắng một tí nào cả. - Tôi thì không nói thế. Hauly đáp. – Khi ông tính lại toàn bộ, kể các các buổi cho thuê, mỗi tuần ta thu hơn được một trăm rưỡi nữa. Noman quay vụt lại. “Nó dùng của ta mỗi tuần chín trăm bạc để kiếm thêm cho nó được ba trăm. Chúng ta còn phải họp lại bỏ phiếu cảm ơn nó vì nó đã để cho ta giữ được thêm một trăm rưởi khốn khổ ấy nữa ư?” – Giọng ông ta ré lên thành tiếng the thé. “Hay là cảm ơn nó vì nó chưa nghĩ ra cách nào cướp trắng của chúng ta các cơ nghiệp này ư?’. Ông ta cáu kỉnh bước thình thịch lại bàn giấy của mình. “Tôi không rõ thế là ra làm sao, nhưng hễ lần nào đến Niu Yooc là lần ấy lại phải thấy những chuyện khốn nạn[78]!” Ông ta quẳng bộp điếu xì gà vào thùng giấy lộn, lấy điếu mới trong hộp cắm vào môi; vừa nhai nhai đầu xì gà, ông ta vừa thốt lên: - Một năm rưỡi trước, tôi mò tới Niu Yooc, và đã thấy gì? Nó làm việc ở kho hàng ấy mới được hơn một năm đã kiếm được nhiều tiền hơn tất cả chúng ta. Mỗi năm nó được hơn một ngàn đôla tiền bán bản tin đã bỏ đi, hơn hai ngàn nữa tiền bán ảnh khỏa thân mà nó in hàng trăm cái bằng chính giấy ảnh của chúng ta. Nó đã nghĩ ra cái trò giao cho tất cả các văn phòng của chúng ta ở khắp nước Mỹ này bán buôn cho nó các capôt chống thụ thai. May mà tôi đã phát hiện ra, chặn nó lại, chứ không tất cả chúng ta đều đã rũ tù rồi. - Nhưng Bơny, ông cũng phải công nhận rằng chưa bao giờ việc ở kho hàng lại chạy đều được như vậy cả. – Hauly nói, - Hàng tồn kho luân chuyển quay vòng như vậy đã đỡ cho chúng ta cả một đống tiền đặt mua lại. - Ha! – Noman kêu lên, - Ông tưởng rằng nó nghĩ đến chúng ta khi nó làm như vậy ư? Đừng có ngu! Lương nó mười bẩy đôla một tuần, mà hàng ngày đi làm, nó chễm trệ trên một chiếc ôtô Buych giá hai ngàn ba trăm đôla đấy! Bơny đánh diêm, dí vào đầu điếu xì gà, bập bập môi rít liên hồi cho đến khi nó bén lửa. Rồi ông ta thở ra một đám khói to tướng, vứt que diêm vào một cái gạt tàn thuốc lá. “Tôi vì vậy đem nó lên rạp Noman, giao cho chức trợ lý quản trị. Mọi cái giờ thì sẽ lặng lẽ thôi, tôi đã nghĩ như vậy. Tôi đã nghỡ rằng giờ thì mình có thể ngủ yên được rồi. Với một cái rạp to như rạp Noman thế, sức mấy có thể gây được chuyện gì rắc rối nào?” - Rắc rối, A ha! – Ông ta thốt lên cay đắng. – Sáu tháng sau, quay trở lại, tôi phát hiện ra rằng nó đã biến cái rạp thành một cái nhà chứa và một sòng bạc! Tất cả các chương trình sân khấu tạp kỹ đột nhiên chỉ muốn biểu diễn ở rạp Noman. Mà tại sao chúng nó lại phải không cơ chứ? Liệu rạp Lâui Xtêt và Palix có được những cô hướng dẫn chỗ ngồi xinh nhất đường Brôtuây như thế không, những con bé sẵn sàng để cho người ta dằn ngửa ra từ mười giờ sáng cho đến một giờ đêm, hả? Rạp Lâui Xtêt và Palix có một trợ lý quản trị như thế không, người ta sẵn sàng để ngài vào cuộc bất cứ một cuộc đua ngựa nào diễn ra ở cái nước Mỹ này mà ngài không cần phải nhọc công bước ra khỏi phòng thay quần áo của ngài một bước nào cả, hả? - Nhưng Galagơ và Shean, Oebơ và Fild, và tất cả các vở nổi tiếng khác đều đã diễn ra ở đấy đó thôi, có phải không? – Hauly hỏi lại. – Và họ vẫn đang biểu diễn ở đó, làm rạp thu được vô số tiền. - May mà tôi tống cổ nó khỏi chỗ đó, nhét đến rạp Hopkin ở khu Bruklin trước khi vụ cảnh sát chống tệ nạn xã hội đánh hơi được chuyện đó. Giờ thì mình không phải lo gì rồi, tôi đã nghĩ. Nó có thể ở yên đó suốt đời với chức quản trị ấy. Ở khu Bruklin thì nó làm quái gì được chúng ta nào, tôi đã nghĩ như thế. Tôi quay về miền tây, yên trí lắm. Mình có thể quên nó đi được rồi. Đột nhiên, ông ta vụt đứng dậy. “Vậy sáu tháng sau, tôi quay trở lại, tôi đã thấy gì hả? Nó chơi xỏ cả hãng chúng ta. Nó đem về nhà một số tiền còn hơn cả lương của phó chủ tịch hãng nữa!” Hauly nhìn ông ta. “Có lẽ đó là điều ông đáng ra nên làm rồi mới phải”. - Hả? - Cho anh ta làm phó chủ tịch. – Hauly đáp. - Nhưng… nhưng nó còn là một đứa trẻ. – Noman thốt lên. - Tháng trước anh ta đã hăm mốt tuổi rồi. Anh ta là cái loại thanh niên tôi thích chúng ta có. - Không được, - Noman đáp, ngồi phịch lại xuống ghế. Ông ta tư lự nhìn viên thủ quỹ trưởng. – Lương nó giờ bao nhiêu? - Ba trăm đôla một tuần. – Hauly nói nhanh. Noman gật đầu. “Lôi nó lên đây, chuyển nó sang phòng quảng cáo của xưởng phòng him”. Ông ta nói, “Nó sẽ không còn dính vào chuyện gì lôi thôi nữa. Tự tôi sẽ để mắt đến nó”. Hauly gật đầu, đứng dậy. “Tôi sẽ làm ngay, ông Bơny ạ”. Bơny nhìn viên thủ quỹ trưởng đi khuất, rồi với lấy điện thoại. Ông ta sẽ gọi điện cho bà chị, bảo bà ta đừng lo. Ông ta sẽ trả chi phí chuyển nhà tới Caliphonia cho họ. Rồi ông sực nhớ. Bà ấy không có điện thoại. Người ta sẽ bảo gọi bà ấy xuống nghe nhờ ở cửa hàng bánh kẹo ở dưới nhà. Ông ta bỏ lại ống nghe về chỗ cũ. Ông ta sẽ đảo tới gặp bà chị sau khi đã ăn trưa cái món Blintzes với kem chua. Bà ấy không bao giờ đi đâu cả. Bà ấy luôn luôn ở nhà. Ông ta cảm thấy tự hào rất lạ. Cái thằng cháu của ông ta là một đứa thông minh, cho dù là có những ý nghĩ điên rồ đi nữa. Với một ít chỉ dẫn của chính ông ta, điều mà thằng bé không bao giờ có được từ bố đẻ của nó, ai mà đoán nổi điều gì sẽ xẩy ra nào? Thằng ấy rồi còn tiến xa. Ông ta mỉm cười với mình, cầm bản báo cáo lên. Bà chị ông ta đã nói đúng. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. 8 Hary Risơt, đội trưởng đội bảo vệ của xưởng phim, đang ngồi trong buồng gác, khi Nêvađa lái xe qua cái cổng chính của xưởng. Anh ta bước vội ra khỏi buồng gác, tay chìa ra. “Ôi chao, ông Nêvađa. Gặp lại ông thật tuyệt quá!” Nêvađa mỉm cười chào lại nụ cười của anh ta, vui vẻ trước tình cảm chân thành lộ rõ của tay đội trưởng. “Harry, gặp lại được anh thật hay quá!” - Từ đó đến giờ lâu thật đấy, ông nhỉ? – Tay đội trưởng nói. - Ờ. – Nêvađa đáp. – Bảy năm rồi đó. – Lần cuối cùng ông tới xưởng phim là một vào năm 1930, ngay sau khi bộ phim Thằng phản bội được phát hành. – Tôi có hẹn với Đan Piơx. - Ông ấy đang chờ ông đấy ạ. – Risơt nói. – Ông ấy ở văn phòng cũ của ông Noman. Nêvađa gật đầu, sang số. Risơt bước né ra khỏi chiếc xe. “Ông Xmith, tôi mong rằng mọi cái sẽ thực hiện được. Có ông trở lại, thì công việc lại tuyệt như thời trước ấy”. Nêvađa mỉm cười, rẽ ôtô xuống con đường dẫn tới tòa nhà hành chính. Ít nhất là đã có một cái không thay đổi ở xưởng phim. Không có chuyện gì là bí mật cả. Mọi người đều biết chuyện gì đang xẩy ra. Rõ ràng là họ biết hơn cả ông. Tất cả những gì ông biết là những dòng chữ trong bức điện của Đan Piơx mà thôi. Ông vừa từ ngoài bãi chăn về, thấy nó nằm trên cái bàn ở lối vào phòng khách. Ông cầm lên, xé toạc phong bì ra ngay. CÓ MỘT HỢP ĐỒNG PHIM QUAN TRỌNG DÀNH CHO ANH. RẤT MONG ANH LIÊN LẠC VỚI TÔI NGAY. ĐAN PIƠX. Matha bước vào phòng trong lúc ông đang đọc. Bà khoác một chiếc tạp dề ra ngoài váy áo, vừa mới ở bếp ra. “Cơm trưa chín rồi đấy”, bà nói. Ông chìa cho bà xem bức điện. “Đan Piơx có một hợp đồng đóng phim dành cho tôi đây này”. - Nhất định là họ đang ế ẩm rồi. – Bà đáp khẽ khàng. – Nếu không thì sau bao nhiêu năm như vậy, họ còn vời đến anh làm gì? Ông nhún vai, giả vờ một vẻ tôi hản nhiên mà ông không có. “Chưa hẳn là phải thế đâu. Giônơx không như Bơny Noman. Có lẽ mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi chú đó chỉ đạo xưởng”. - Em cũng mong như vậy. – Bà đáp. Giọng bà hơi vui lên một chút. – Em chỉ không muốn cho họ lợi dụng anh được lần nữa. – Bà quay đi, bước vào bếp. Ông đăm đăm nhìn theo bà một hồi lâu. Bà thích bà về cái đó đấy. Bà vững vàng và có thể trông cậy được. Bà chỉ sống vì ông, không vì bất cứ ai khác nữa, kể cả bản thân bà. Không hiểu vì sao, ông sẽ biết rồi mọi chuyện sẽ như thế này, ngay từ ngày họ lấy nhau, hai năm về trước. Vợ góa của Chaly Dol chính là kiểu đàn bà đáng nhẽ ông phải lấy từ lâu rồi mới phải. Ông đi vào bếp theo bà. “Tôi phải lên Lôx Angiơlex, đến nhà băng về cái vụ năm trăm héc – ta tôi chuẩn bị mua của lão Mơchinsơn. Nên cũng chả tốn gì nếu ghé qua chỗ Đan xem ông ta có ý định gì”. - Không, đúng là chẳng mất gì cả. – Bà vừa nói vừa đặt ấm cà phê lên bàn. Ông ngồi cưỡi lên một chiếc ghế, rót cà phê vào cốc của mình. “Này mình”, ông đột nhiên nói, “chúng ta sẽ cùng đi tới đó. Ta sẽ ở khách sạn Đại Sứ và vui đùa tiêu xài như ngày xưa một chút chơi”. Bà quay lại nhìn ông. Một ngọn lửa háo hức lóe lên từ rất lâu trong cặp mắt kín đáo của ông. Chính vào lúc ấy, bà chợt hiểu ra rằng ông sẽ trở lại đóng phim nếu như có vai cho ông. Không phải là vì họ đang túng tiền. Nêvađa là một người giầu có, tính theo mức nào cũng thế. Mọi cái đang trả lãi – Triển lãm Miền Tây hoang dã, vẫn còn mang tên ông; cái bãi chăn đồng thời là trai nghỉ mát ở Renơ mà ông và người chồng quá cố của bà cùng chung vốn mở; rồi đồng cỏ chăn súc vật ở bang Têchxax này đây, chỗ hai người đang ở. Không, không phải chuyện tiền. Ông ta đã từ chối một khoản một triệu đôla trả cho quyền được khai thác dầu ở vùng đất phía bắc. Người ta đã tìm thấy dầu hỏa ở chỗ đất gắn vào đó. Nhưng ông lại muốn để đồng cỏ theo đúng như xưa, không thích cái tháp khoan dầu nhô lên nham nhở trên đất của mình. Chính là sự háo hức, sự nhận ra ông khi ông bước dọc theo đường phố. Đám thanh niên huyên náo, thét gọi ở phía sau ông. Nhưng giờ thì họ có những thần tượng mới rồi. Đó chính là cái ông nhớ tiếc. Cái đó… và Giônơx. Xét đến cùng, có lẽ là vì Giônơx. Giônơx là đứa con trai mà ông đã không bao giờ có được. Mọi cái khác chỉ là sự thay thế cho nó mà thôi – ngay cả bà. Trong một thoáng, bà đột ngột thấy xót xa cho ông. - Thế nào mình? – Ông ngẩng đầu lên hỏi. Người bà đột nhiên thấy dâng lên một cảm giác nghẹn ngào dịu dàng. Luôn luôn xẩy ra như vậy. Thậm chí từ những năm xa lơ xa lắc thuở trước, khi họ còn rất trẻ, khi ông từ Têchxax tới cái trại ở Renô, nơi bà và Chaly đang ở. Mệt mỏi, tả tơi, bị luật pháp săn lùng, mắt ông có một ánh cô đơn, hun hút, liếc nhanh loang loáng. Ngay từ khi ấy, bà đã cảm thấy được tấm lòng tốt đẹp tiềm tàng trong ông. Bà mỉm cười. “Em nghĩ rằng thế thì hay quá ạ”. Bà thốt lên, gần như bẽn lẽn. * * * - Đây là một cái lò chạy đua chết tiệt! – Đan nói. – Chúng tôi không làm phim nữa. Chúng tôi giờ là một nhà máy. Mỗi tháng chúng tôi phải rặn cho đủ một số lượng phim nhất định. Nêvađa ngả người sâu hơn vào trong ghế, mỉm cười. “Nó có vẻ hợp với ông đó, ông Đan ạ. Nom ông chẳng tồi đi tý nào cả”. - Các trách nhiệm đang giết tôi đây này. Nhưng cũng đáng việc. Nêvađa ranh mãnh nhìn ông ta. Piơx đã phát phì ra. “Nhưng kiếm sống thế cũng không đến nỗi đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhỉ?” Đan giơ hai tay lên trời. “Nêvađa, tôi đã biết rằng chả trông đợi được gì ở lòng ái ngại ở anh đối với cái thân tôi đâu mà! Cả hai đều bật cười to. Rồi Đan cúi xuống nhìn mặt bàn mình. Khi ông ta ngẩng lên, mặt ông ta đã trở lại hoàn toàn nghiêm túc. “Tôi đoán rằng anh đang hỏi tại sao tôi lại gửi cho anh bức điện ấy chứ gì?” Nêvađa gật đầu. “Vì vậy mà tôi đã tới đây”. - Tôi rất quý là anh đã đến. Khi có cái hợp đồng đó, anh là người đầu tiên tôi nghĩ tới. - Cảm ơn. – Nêvađa đáp ráo hoảnh. – Cái gì là thòng lọng vậy? Mắt Đan trợn tròn lên, ông ta giả vờ giận dỗi. “Nêvađa, anh bạn”, ông ta phản đối. “Đấy là cái cách nói năng với bạn cũ sao? Tôi đã từng là đại lý của anh. Ai kiếm cho anh vai đầu tiên hả?” Nêvađa mỉm cười. “Ai đã bán tống cái đoàn triển lãm của tôi đi khi biết rằng ông ta có thể thu được nhiều hơn từ đoàn Băfơlau Bil hả?” Piơx phẩy tay cắt ngang. “Nêvađa, chuyện đó đã cũ mốc ra rồi. Tôi ngạc nhiên thấy anh lại bới ra đấy”. - Chính là để cho công bình thôi, ông Đan ạ. – Nêvađa đáp. Giờ thì ông đang có dự tính gì nào? - Anh có biết thời buổi bây giờ phim bán được theo cách thế nào không? – Piơx hỏi, rồi nói luôn không đợi Nêvađa trả lời. – Chúng tôi bán trước cả một năm. Bằng này phim kiểu A, bằng này phim kiểu B, bằng này phim mạo hiểm, bằng kia phim trinh thám ly kỳ, bằng đó phim chăn bò miền Tây. Có lẽ mười phần trăm số đó là đã làm khi có hợp đồng mua bán, chỗ còn lại thì tuần tự làm sau. Tôi nói trò chạy đua chết tiệt là nghĩa như thế đấy. Nếu vượt đến kịp thời của hợp đồng là may phúc lắm rồi. - Tại sao các anh không dự trữ một ít làm vốn trước? – Nêvađa hỏi. – Như vậy là sẽ giải quyết được vấn đề. Đan mỉm cười. “Hẳn vậy, nhưng chúng tôi không có tiền dự trữ. Chúng tôi lúc nào cũng phải chờ thu được tiền khi phát hành bộ phim trước để có cái làm bộ phim sau. Thật là một cái vòng đèn cù khốn khổ?” - Tôi vẫn chưa nghe thấy đề nghị của ông đó. - Tôi đang định nói tiếp trong khi giải thích đây. Tôi cảm thấy rằng với anh, tôi có thể nói trắng ra được. Nêvađa gật đầu. - Giônơx cho chúng tôi một ngân quỹ eo hẹp quá. – Đan nói, - Tôi không phàn nàn gì đâu; có thể là Giônơx đúng. Ít nhất, năm ngoái chúng tôi không lỗ vốn nữa và lần đầu tiên trong vòng năm năm qua, đã hòa tiền. Năm nay, phòng bán phim nghĩ rằng họ có thể bán được mười bốn phim miền Tây. - Nghe có vẻ được đó. – Nêvađa nói. - Chúng tôi không có tiền làm chúng. Nhưng ngân hàng sẽ cho chúng tôi vay nếu anh đóng vai chính trong các phim ấy. - Ông biết thế ư? – Nêvađa hỏi. Piơx gật đầu. “Đích thân tôi đã nói chuyện với Môrôni. Ông ta cho rằng đó là một dự kiến rất tuyệt”. - Người ta sẽ chi trước cho ông bao nhiêu? – Nêvađa hỏi. - Bốn mươi nghìn một phim. Nêvađa bật cười. “Cho toàn bộ âm bản sao?” Đan gật đầu. Nêvađa đứng dậy. “Vậy thì xin cảm ơn, bồ”. - Hượm đã, Nêvađa. – Đan thốt lên. – Chờ cho tôi nói xong đã. Anh không nghĩ là nếu tôi không tính được rằng anh chẳng kiếm được xu nào thì đã không gọi anh lên đây chứ, hả? Nêvađa lặng lẽ ngồi lại xuống ghế. - Tôi biết anh nghĩ như thế nào về đám phim làm cấp tốc rồi. Nhưng anh hãy tin lời tôi, những phim này sẽ khác. Chúng tôi vẫn còn nguyên các cảnh dự trù cho Thằng phản bội ở kho hậu kia. Sửa sang đôi chút cho chúng, thế là chúng lại tươm như mới. Tôi sẽ dùng bộ sậu làm phim cừ nhất. Anh cứ tùy ý chọn bất kỳ đạo diễn và quay phim nào mà tôi có. Cả nhà viết kịch bản và người làm phim nữa. Tôi coi trọng anh đến mức không thể làm gì hạ thấp uy tín của anh đâu, anh bạn già ạ. - Hay lắm. – Nêvađa đáp. – Nhưng tôi làm thế để được gì nào? Nước miếng với thuốc rê thôi ư? - Tôi nghĩ là sẽ thỏa thuận một hợp đồng rất lợi cho anh. Tôi sẽ cho đám kế toán xem xét vấn đề đó, và nghĩ ra một cách để anh có thể giữ lại được chút ít tiền cho anh, chứ không phải è cổ ra đóng những khoản thuế khốn nạn mà Rudơbelt đang chịt lấy chúng ta. Nêvađa chăm chú nhìn ông ta. “Như vậy tốt hơn đó”. - Chúng tôi sẽ trả lương anh mười nghìn một phim. Như vậy có nghĩa là năm ngàn một tuần, bởi vì mỗi phim chỉ quay mất hai tuần thôi. Anh sẽ hoãn nhận lương cho đến khi phim bắt đầu thu lãi, và chúng tôi sẽ đưa đứt nó cho anh sau bảy năm. Anh sẽ là chủ toàn bộ - âm bản lẫn các bản in – chủ từ khóa đến kho đến hàng. Rồi, nếu anh muốn, chúng tôi sẽ mua lại từ anh. Và thế là anh sẽ được một món lớn. Mắt Nêvađa không để lộ một tình cảm gì cả. “Anh nói nghe giống giọng Bơny Noman quá. Chắc là bởi văn phòng này vốn là chỗ của lão”. Piơx mỉm cười. “Chỉ có cái khác là Noman muốn xỏ mũi anh, còn tôi thì không. Tôi chỉ muốn cho cái nhà máy này chạy đều thôi”. - Chúng ta dùng cái gì làm kịch bản? - Tôi đã không muốn ngó ngàng đến việc đó chừng nào còn chưa bàn với anh. – Đan đáp nhanh. – Anh biết đấy, tôi luôn tin vào cảm giác thính nhậy của anh về kịch bản. Nêvađa mỉm cười. Nghe câu trả lời của Piơx, ông biết là ông ta chưa hề nghĩ tới chuyện kịch bản gì cả. “Điều quan trọng là phải làm cả cái loạt phim xoay quanh một nhân vật mà người ta có thể tin được”. - Đúng, đúng như tôi đã nghĩ! – Đan kêu tướng lên. – Tôi đã nghĩ rằng có lẽ chúng ta sẽ để anh đóng anh. Mỗi bận, anh sẽ gặp một chuyện phiêu lưu khác nhau. Anh biết đấy, lạ rất nhiều cảnh lộn nhào, trò ảo thuật, bắn súng như thời trước ấy. Nêvađa lắc đầu: “Ù… ù… Tôi không thể mua những thứ đó được đâu. Lúc nào nó cũng có vẻ giả trá quá. Gien Otry và Roy Rogơ đang làm những trò đó ở hãng Cộng hòa. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng không ai tin chúng đâu. Đầu tôi bạc trắng rồi đây này”. Piơx nhìn ông. “Chúng tôi có thể nhuộm đen nó được ngay mà”. Nêvađa mỉm cười. “Khỏi, cảm ơn. Tôi đã quên rồi”. - Chúng ta sẽ để như vậy. – Đan thốt lên. – Thậm chí dù có phải vay mượn một cái gì đấy từ Zan Grây Mălfot. Anh chỉ cần ừ một tiếng là xong. Nêvađa đứng dậy. “Để tôi nghĩ một chút đã nhé”. Ông nói. “Tôi sẽ bàn với Matha rồi báo cho ông sau”. - Tôi đx nghe biết rằng anh đã lập gia đình lại. – Đan nói. Xin gửi đến anh chị lời chúc mừng muộn mằn của tôi. Nêvađa đi ra phía cửa. Nửa đường, ông đột ngột đứng sững lại, quay nhìn Đan. “À, Giônơx thế nào?” Lần đầu tiên kể từ khi họ gặp nhau đến giờ, Piơx có vẻ ngần ngừ. “Ổn cả, tôi đoán thế”. - Ông đoán thế? – Nêvađa hỏi lại. – Tại sao vậy? Ông không gặp chú ấy sao? - Không, kể từ khi cuộc họp ở Niu Yooc, hai năm trước. Piơx đáp. – Khi chúng tôi nhận trách nhiệm điều hành hãng phim. - Và từ đó tới nay không hề gặp chú ấy? – Nêvađa hỏi lại, hết sức ngạc nhiên. – Chú ấy không bao giờ tới xưởng ư? Đan cúi nhìn xuống mặt bàn. Ông ta nom có vẻ gần như là xấu hổ. “Không có ai còn nhìn thấy cậu ấy nhiều nữa. Năm thì mười họa, nếu chúng tôi gặp may, thì nghe thấy anh ấy gọi ở têlephon. Một đôi lần, anh ấy cũng đến đây. Nhưng lần nào cũng vào lúc đêm đã khuya, không còn ai ở lại cả. Chúng tôi biết rằng anh ấy đã đến là vì có những lời anh ấy để lại”. - Nhưng nếu có chuyện gì trọng yếu thì sao? - Chúng tôi gọi điện cho Mac Alixtơ, Mac sẽ báo cho Giônơx biết rằng chúng tôi cần ý kiến của anh ấy. Đôi khi anh ấy gọi điện lại cho chúng tôi. Nhưng hầu hết các trường hợp, anh ấy chỉ bảo qua Mac là anh ấy muốn việc được làm theo cách nào thôi. Đột nhiên, Nêvađa có cảm giác rằng Giônơx đang cần có ông. Ông nhìn Đan ở đầu kia văn phòng. “Ồ, tôi không thể quyết định được, chừng nào còn chưa nói chuyện với Giônơx”. - Nhưng tôi vừa bảo với anh rằng không ai gặp được anh ấy cả đấy thôi. - Ông muốn tôi đóng các phim đó phải không nào? Đan tròn mắt nhìn ông, “Anh ấy thậm chí không ở nước Mỹ này nữa kia. Chúng ta có thể bặt tin anh ấy hàng tháng”. Nêvađa mở cửa. “Tôi có thể đợi được”, ông đáp. 9 - Mày có ở lại ăn chiều không, Đuđêvit? - Con không thể ở được, mẹ ạ. – Đêvit đáp. Con chỉ tạt qua xem mẹ có khỏe không. - Tao có khỏe không ư? Tao vẫn là tao như thường ngày thôi. Vẫn cái bệnh phong thấp ấy. Không ra đau, cũng không ra khỏi. Như thường vẫn vậy. - Mẹ nên ra phơi nắng nhiều hơn nữa. Chứ như thế này thì chẳng khác gì mẹ vẫn đang ở Niu Yooc cả. - Tao có một đứa con trai. – Bà Ulf nói. – Dù là tao chẳng bao giờ nom thấy mặt nó. Dù là nó sống ở khách sạn. Ba tháng một lần, có thể là nó sẽ đến thăm tao. Tao thấy nó cuối cùng thì cũng đã đến, tao phải mừng chứ. - Thôi đi mẹ ơi. Mẹ đã biết con bận thế nào rồi còn gì. - Cậu Bơny mày tìm ra thời gian tối nào cũng về được đấy thôi. - Thời thtế bây giờ khác trước rồi, mẹ ơi. – Đêvit yếu ớt phản đối. Anh không thể nào bảo với mẹ được rằng em bà được cả Hôliut biết tiếng là lão già trác táng ban ngày. Ngoài ra, mợ Mây sẽ giết sống cậu ấy nếu cậu ấy đi chơi đêm. Mợ ta theo dõi Noman còn riết róng hơn cả chính phủ canh phòng kho vàng Fot Nokx. - Mày đã ở đấy một tuần rồi mà lần này mới là lần thứ hai mày đến thăm tao, và thậm chí không thèm ăn cơm tối nữa! - Mẹ, con xin hứa là nhất định sẽ ăn cơm vào lần sau. Ngay gần đây thôi. Bà chằm chằm nhìn anh, mắt sáng quắc. “Vậy tối thứ năm”. Bà đột ngột nói. Anh ngạc nhiên nhìn bà. “Tối thứ năm ư? Tại sao lại đánh đùng một cái là tối thứ năm hả mẹ?” Một nụ cười bí hiểm hiện ra trên mặt bà. “Tao có một người, tao muốn mày gặp”. Bà đáp. – Một người rất tuyệt”. - Ôi giời, mẹ ơi. – Anh rên lên. – Không phải một cô nào đấy nữa chứ ạ? - Gặp một cô gái ngoan thì làm sao hả? – Bà chạnh lòng. – Đêvit, con ấy ngoan lắm, mày nghe mẹ nói. Gia đình nhà nó khá giả. Nó lại tốt nghiệp đại học nữa. - Nhưng cụ ơi, con không muốn gặp cô nào sất cả. Con không có thì giờ. - Mày không có thì giờ hả? – Mẹ anh hạch. – Đã ba mươi tuổi rồi đấy. Đã đến lúc phải lấy vợ. Một con bé ngoan ngoãn. Con nhà tử tế. Chứ không phải suốt đời nhông nhông ở các hộp đên với cái lũ đàng điếm[79] ấy đâu. - Mẹ ơi, đấy là công việc. Con phải đi với họ. - Mọi cái nó muốn làm nó đều bảo đó là công việc. – Bà nhại lại. – Rồi khi nó không muốn làm, thì đấy cũng là công việc nốt. Này mày hãy nói dứt khoát tao xem, mày có đến ăn cơm hôm ấy hay không hả?” Anh nhìn mẹ một thoáng, rồi nhún vai nhẫn nhục. “Thôi được, mẹ ạ. Con sẽ đến. Nhưng mẹ nhớ là con sẽ đi sớm ngay sau đấy đấy. Con còn nhiều việc phải làm lắm”. Bà hài lòng mỉm cười. “Được rồi. Đừng có đến muộn đấy. Bảy giờ. Đúng bảy giờ”. Khi anh trở lại khách sạn, trên bàn anh có mảnh giấy bảo anh gọi điện thoại cho Đan Piơx. “Gì vậy, Đan?” Anh hỏi khi ông ta cầm ống nghe. - Anh có biết Giônơx hiện giờ ở đâu không? Đêvit phá lên cười. “Cái tên ấy nghe quen quen quá nhỉ.” - Đừng đùa. Việc này nghiêm trọng đấy. Con đường duy nhất ta bảo Nêvađa đóng được chỗ phim miền Tây đó là phải để cho Giônơx nói chuyện với ông ta. - Thế là Nêvađa thực muốn có hợp đồng à? – Đêvit thốt lên. – Anh đã từng không thật tin chuyện đó. Ông ta không cần tiền, và mọi người đều biết ông ta nghĩ về phim làm cấp tốc như thế nào. - Ông ta sẽ làm. Sau khi đã nói chuyện với Giônơx. - Chính tôi cũng muốn nói chuyện với anh ấy đây. – Đêvit đáp. – Chính phủ lại đang bắt đầu giở cái trò chống các tờrớt. - Tôi biết. Tôi đang chết tắc ở cổ về chuyện nghiệp đoàn. Tôi không biết mình có thể xoa dịu họ được bao lâu nữa. Ta không thể than thở nghèo túng với họ được. Họ đã xem được các báo cáo thường niên của năm ngoái. Họ biết rằng ta đang hòa vốn và sang năm sẽ thu lãi. -Tôi nghĩ có lẽ ta nói chuyện với Mac tốt hơn. Ta sẽ để cho anh ấy quyết định. Tôi nghĩ hai năm trời không một lần gặp mặt thế là quá đủ rồi. Nhưng Mac Alixtơ cũng không biết Giônơx hiện giờ ở đâu. Đêvid dằn cái ống nghe xuống, thoáng bực mình. Cứ như là làm việc trong chân không ấy. Quay đi đâu cũng vồ hụt, chẳng đụng vào được cái gì. Tất cả những gì anh làm được là xoay xở, thoả thuận hợp đồng. Hợp đồng. Hết cái này chồng lên cái khác, như một kim tự tháp không có tận cùng. Anh buôn bán với các hãng Foox, Lâuri, RKO, Paramaut, Oanơ. Anh chiếu ở rạp của họ. Họ chiếu ở rạp của anh. Tất cả những gì anh có thể làm là đứng bằng một chân, hết co chân này lên lại thả chân khác xuống, như một thằng cụt. Anh thầm băn khoăn, không hiểu tại sao Giônơx lại có thái độ như vậy. Với các ngành đầu tư khác, anh ấy không hề như thế. Công ty máy bay Côđơ đang nhanh chóng trở thành một hãng khổng lồ trong ngành công nghiệp này; hãng hàng không Liên lục địa thì đã là hãng hàng không thương mại lớn nhất ở Mỹ. Còn Công ty thuốc nổ Cođơ và công ty chất dẻo Cođơ đang cạnh tranh thắng lợi ở nhà Đuy Pôngt. Nhưng khi nhìn tới hãng điện ảnh, người ta chỉ cho họ đủ sống. Sớm muộn rồi Giônơx cũng phải chạm trán với cái đó. Hoặc anh ấy muốn ở trong ngành này, hoặc anh ấy phải bật ra. Phải luôn luôn vượt lên trên. Ngành điện ảnh luôn có cái sức năng động vươn tới cái mới. Nếu dừng lại, không còn xông lên được nữa, thì tức là người ta đã chết. Và Đêvid đã xông lên với hết khả năng mình có. Anh đã chứng minh rằng hãng có thể sống được. Nhưng nếu họ muốn nó thực sự hoạt động, họ phải tới được một cái gì đó thực ra trò. Hợp đồng hay phim – anh không cần biết, nhưng phải thật lớn. Anh thì anh thích hợp đồng hơn. Chúng an toàn hơn, ít phiêu lưu hơn những phim bỏ vốn lớn. Đixnây, Gôđuyn và Bone đang tìm kiếm những người nhận phát hành vòng ngoài của họ. Mà phim của họ đều là những phim nổi tiếng cả, thu được nhiều tiền cả, và cái tuyệt nhất là hoàn toàn do họ bỏ tiến ra làm hết. Anh đang đợi Gôđuyn và Đixnây trả lời những đề nghị ướm của anh. Nhưng chỉ có Giônơx mới duyệt được những hợp đồng đó. Ngoài anh ấy, chả ai có quyền. Bonơ thỏa thuận muốn có cái cơ cấu như Hal Oalix có với hãng Oannơ, hay Zanuc làm ăn với hãng Foox – thế kỷ hai mươi, toàn quyền xem xét về mặt hành chính tất cả chương trình, mỗi năm sản xuất riêng của ông ra bốn bộ phim lớn, cổ phiếu và quyền mua bán cổ phiếu của hãng. Đó là cái giá quá cao, nhưng khi muốn có của tốt nhất, thì phải trả ở mức đó. Xkurax đã không ngần ngại khi ông cần Zanuc. Người như vậy có thể đem lại cho ta hai mươi triệu cho túi của ta ngay. Sống không thôi với chơi bời em út khác nhau một trời một vực là ở cái chỗ có hay không hai mươi triệu ấy đấy. Nhưng hiện giờ, Giônơx ở đâu? Giônơx đang giữ cái chìa khoá duy nhất có thể mở cánh cửa vàng ròng ấy. -Có một ông Irving Xchuazt có gọi điện cho ông đây ạ. – Cô thư ký nói với anh qua điện thoại nội bộ. Đêvit nhíu trán. “Ông ta muốn gì vậy? Tôi có quen Irving Xchuat Xchuyết nào đâu”. -Ông ta nói rằng ông ta biết ông, ông Ulf ạ. Ông ta bảo rằng tôi nói với ông cái tên Mũi Kim. -Mũi Kim! – Đêvid kêu lên. Anh phá ra cười. – Tại sao anh ta không nói ngay từ đầu hả? Nối điện thoại đi. Ông nghe kêu đanh tách một cái khi cô thư ký chuyển máy. “Mũi Kim!” Đêvid gọi, “Đồ quỷ, dạo này thế nào?” Mũi Kim cười khẽ. “Cũng Ôkê. Thế còn cậu, Đêvy?” -Tốt lắm. Tuy vậy, tớ đang làm quần quật như trâu ấy. -Tớ biết, - Mũi Kim nói. – Tớ đã nghe được ối lời hay về cậu. Thật là khoái khi được nghe thấy một thằng cùng phố cũ với mình ăn nên làm ra thế. -Không ghê gớm lắm đâu. Cũng chỉ là công việc thôi. – Bắt đầu có vẻ như muốn vay tiền đây. Anh nhẩm tính nhanh xem bạn cũ thì phải đưa bao nhiêu không biết. Năm mươi hay một trăm nhỉ? -Tuy vậy, việc ấy cũng là việc quan trọng đấy. -Tớ thế là đủ rồi.- Đêvid thốt lên, nóng lòng muốn chuyển câu chuyện. – Thế còn cậu? Cậu đang làm gì ở đây hả? -Tớ cũng chu thôi. Tớ giờ sống ở đây. Tớ có một ngôi nhà ở khu Khe Nước Lạnh. Đêvid suýt nữa thì buột mồm huýt lên một tiếng sáo. Bạn anh đúng là làm ăn chu lắm. Nhà ở khu đó ít nhất là bảy mươi lăm ngàn. Ít nhất thì đây không phải là trò vay tiền. “Thế thì tuyệt quá”, Anh nói, “Nhưng từ phố Rivinhtơn đến đó đã xa thật đấy”. -Đúng vậy, nhưng tớ muốn gặp cậu, Đêvy ạ. -Tớ cũng thế. Nhưng tớ bị giữ chịt ở đây vì công việc. Giọng Mũi Kim vẫn dịu dàng, nhưng cương quyết. “Tớ biết rõ là câu bận, Đêvid ạ. Nhưng tớ không nghĩ là nó quan trọng, tớ đã không làm phiền cậu”. Đêvid suy nghĩ một thoáng. Nếu không phải là vay tiền, thì chuyện gì quan trọng thế nhỉ?. “Tớ bảo cậu thế này nhé, anh đáp, “tại sao cậu không đến xưởng đây nhỉ. Ta có thể ăn trưa với nhau, rồi tớ sẽ dẫn cậu đi xem nó”. -Đêvid, thế không hay đâu. Ta phải gặp nhau ở đâu đó mà không ai có thể nhìn thấy được cơ. -Vậy thì nhà cậu thế nào? -Cũng không được. Tớ không tin vào gia nhân. Cả khách sạn nữa. Biết đâu có người sẽ nhận ra ta. -Chúng ta không thể nói chuyện điện thoại được ư? Mũi Kim bật cười. “Tớ cũng không tin vào nó nốt”. -À hượm đã. – Đêvid thốt lên, - Tối nay tớ sẽ ăn cơm ở nhà bà cụ tớ. Đến ăn cơm với mẹ tớ. Cụ ở khu tập thể Pac ở khu Oextut. -Nghe ổn đấy. Bà cụ vẫn làm cái món Knaidlach trong súp đặc những váng mỡ gà chứ hả? Đêvid bật cười. “Hẳn rồi. Các viên bột sẽ chất nặng cục trong dạ dày như gạch nặng đến hàng tấn ấy. Cậu sẽ ngỡ là cậu đã không bao giờ bỏ nhà đi đâu cả? -Hay lắm, mấy giờ nào? -Bảy giờ. -Tớ sẽ đến đó. Đêvid bỏ máy xuống. Anh vẫn còn tò mò không biết Mũi Kim muốn gì. Nhưng chả bao lâu, Đan đâm bổ vào phòng anh, mặt đỏ tía lên vì hồi hộp, mồ hôi loáng ướt cái cằm nặng trịch của ông ta. “Anh vừa nói chuyện với một tay Xchuatz phỏng?”. -Phải. – Đêvid ngạc nhiên đáp. -Anh sẽ gặp anh ta hả? -Tối nay. -Ôi, cảm ơn Chúa! – Đan thốt lên, ngồi phịch xuống một chiếc ghế bành đặt trước mặt bàn giấy. Ông ta rút khăn mùi xoa ra lau mặt. Đêvid tò mò nhìn ông ta. “Có gì ghê gớm về việc tôi sẽ gặp một tay bạn hồi nhỏ của mình đến thế hả?” Đan chằm chằm nhìn Đêvid. “Anh có biết anh ta là ai không?” -Có chứ. Tay ấy đã ở cạnh nhà tôi ở khu Rivinhtơn. Chúng tôi đã từng đi học với nhau. Đan khẽ cười. “Ông bạn anh từ khu Đông Niu Yooc đã vượt qua được cả chặng đường dài. Người ta phái anh ta đến đây sáu tháng trước, khi Biof và Braun gặp rắc rối. Chính thức mà nói, anh ta là thủ lĩnh công đoàn, nhưng thật sự, anh ta là trùm Nghiệp đoàn toàn bộ cái miền Tây này đấy”. Đêvid đớ người, trợn mắt nhìn ông ta. -Tôi hy vọng là anh có thể gặp được anh ta. – Đan nói, - Bởi vì, có Chúa biết đấy, tôi đã cố, mà không được. Nếu anh không gặp nổi, thì một tuần nữa là ta sẽ đi tong. Chúng ta sẽ chịu một cuộc bãi công lớn nhất, khốn kiếp nhất anh chưa từng thấy. Bọn họ sẽ bỏ tất cả mọi thứ. Xưởng phim, các rạp chiếu, tất cả công việc khác. 10 Vừa theo mẹ vào bếp, Đêvit vừa liếc nhìn cái bàn ở phòng ăn. Có năm chỗ được dọn cả thẩy. “Mẹ chẳng bảo trước gì cả là mẹ sẽ có khách nhiều đến thế”. Mẹ anh đang ngó nhìn vào một cái nồi trên bếp, không hề ngoảnh lại. “Một cô gái tử tế ăn cơm với người đàn ông trẻ lần đầu tiên mà không cần đi với bố mẹ hả mày?”. Đêvit cố nén cho khỏi phát rên lên. Mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn là anh tưởng. “À mẹ ạ, mẹ dọn thêm một chỗ nữa đi. Con đã mời một anh bạn cũ đến cùng ăn với ta”. Mẹ anh quắc mắt nhìn thẳng vào anh. “Mày mời vào đúng tối nay ư?” -Mẹ, con phải làm thế. Vì công việc mà. Chuông cửa réo. Anh nhìn đồng hồ tay. Bảy giờ, “Con mở cửa cho, mẹ”. – Anh nói nhanh. Có thể đó là Mũi Kim. Anh mở cửa ra, bắt gặp một người đàn ông thấp nhỏ, mặt đăm chiêu, mới chớm khoảng sáu mươi, tóc màu thép. Một bà cũng độ tuổi ấy và một cô gái trẻ đứng cạnh ông ta. Cái vẻ đăm chiêu biến mất khi ông già mỉm cười. Ông già chìa tay. “Anh bạn hẳn là Đêvit. Tôi là Ôtô Xtraxme”. Đêvit bắt tay ông ta. “Xin chào ông ạ, ông Xtraxme”. -Đây là bà Frêđa, vợ tôi. Đây là Rođa, con gái tôi. Đêvit mỉm cười với họ. Bà Xtraxme bồn chồn gật đầu, nói mấy lời gì đó bằng tiếng Đức, rồi là câu chào của cô gái, “Xin chào ông”. Giọng cô có một cái gì đó đột nhiên làm Đêvit phải nhìn cô. Cô gái không cao, có lẽ chỉ một mét sáu mươi. Và theo mắt anh nhìn, cô ta là ngừơi thanh mảnh. Mái tóc đen của cô, quấn lại thành hai cuộn chặt ở bên đầu, ôm lấy một vầng trán rộng ở phía trên đôi mắt xám sâu, gần như khuất sau hàng mi dài. Thoáng một vẻ phớt đời hiện ra ở gò má và cái miệng hơi bĩu ra của cô. Ngay lập tức Đêvit nhận ra. Cô này cũng chẳng quan tâm gì đến buổi chiều hôm nay nhiều hơn anh. -Ai đấy, Đêvit? – Mẹ anh từ bếp gọi vọng ra. -Xin lỗi hai bác, - Anh đáp nhanh. – Xin mời vào ạ. – Anh đứng né sang một bên nhường lối cho họ. – Dạ các bác Xtraxme ạ - Mời các bác và cô ấy sang phòng khách. – Mẹ anh gọi ra. – Trên bàn có rượu đấy. Đêvit đóng cánh cửa phía sau mình lại. “Cho phép tôi cởi áo khoác hộ cô chứ ạ?” – Anh hỏi cô gái. Cô ta gật đầu, chuội hai tay khỏi chiếc áo khoác. Cô ta mặc một chiếc áo Bludơ cắt đơn giản kiểu đàn ông và một chiếc váy chẽn lại ở chỗ eo bé xíu bằng một cái thắt lưng da to bản. Anh ngạc nhiên. Anh cũng đủ kinh nghiệm để biết rằng đôi vú nhô ra thẳng căng dưới lần vải lụa của chiếc bludơ thế kia là không bị uốn nắn bởi bất cứ một kiểu xu chiêng nào cả. Mẹ cô ta nói cái gì bằng tiếng Đức. Rôda ngẩng lên nhìn anh. “Má tôi bảo anh với ba tôi cứ vào uống rượu trước đi. Chúng tôi sẽ xuống bếp xem có giúp gì một tay đuợc không”. Đêvit nhìn cô gái. Lại cái giọng ấy. Vừa lơ lớ, vừa như không lơ lớ. Ít nhất thì nó cũng không lơ lớ giống như ông bố của cô ta. Hai người đàn bà rẽ sang bếp. Anh nhìn ông Xtraxme. Ông già nhỏ nhắn mỉm cười, rồi theo anh đi vào phòng khách. Đêvit thấy một chai uyxky nằm trên bàn cà phê, giữa mấy cái cốc thấp. Một chai nửa lít rượu ulđ uvơhôld. Anh cố giữ cho khỏi nhăn mặt. Đó là loại uyxky truyền thống cố hữu, xuất hiện ở mọi lễ lạt – ngày sinh, lễ thánh[80], cưới xin, ma chay. Một cái của nặng xì nấu bằng lúa mạch đen, đốt rát họng người ta, làm hai lổ mũi người ta sặc sụa mùi cồn. Đáng nhẽ anh phải đủ khôn, nghĩ đến việc thủ tới đây một chai Xcốch mới đúng. Anh chắc chắn rằng vì cái của khỉ ulđ uvơhôld này mà người Do Thái không bao giờ biết thế nào là một vị uyxky ngon cả. Nhưng rõ ràng là ông Xtraxme không có chung một cảm nghĩ như anh. Ông ta cầm chai rượu lên, nhìn nó; rồi quay lại phía Đivit, nhoẻn cười. “A, rượu ngon[81] quá”. Đêvit cười lại, đỡ chai rượu từ tay ông ta. “Không pha hay là có pha ạ” anh vừa nói vừa bẻ vỡ xi. Đấy cũng là một điều đã trở thành truyền thống. Chai rượu luôn luôn được gắn xi kín. Một khi nó đã được mở ra, không được uống hết, không bao giờ người ta đem đãi khách nữa. Anh thầm hỏi chuyện gì đã xảy ra với những chai đã mở và uống dỡ ở nhà này. Nhất định chúng đang chồng đống trong một cái tủ tối mò mò nào đó, chờ ngày được giải phóng. -Không pha. – Ông Xtraxme đáp, giọng thoáng vẻ khiếp sợ. Đêvit rót đầy một cốc, đưa cho ông già, “Cháu thì phải có thêm một ít nước ạ”, anh xin lỗi. Đúng lúc ấy, Rôda bước vào, bưng một bình nước lọc và mấy cái cốc không có chân. “Con nghĩ là hai người cần cái này ạ”. Cô mỉm cười đặt tất cả xuống bàn cà phê. -Xin cám ơn. Cô mỉm cười, bước đi. Đêvit rót cho mình một cốc, pha nước ê hề vào đó. Anh quay sang ông Xtraxme. Ông già thấp bé người Đức giơ cái cốc của mình lên. “Xin chúc anh”[82]. -Xin chúc bác ạ[83]. – Đêvit đáp. Ông Xtraxme gật mạnh đầu về phía sau, nuốt ực một hơi cạn cốc rượu. Ông ho một cách lịch sự, quay lại Đêvit, chảy cả nước mắt. “Khà…ngon quá!”[84]. Đêvit gật đầu, nhấp một ngụm nhỏ. Kinh cả người, mặc dù đã có nước. “Dạ một cốc nữa chứ ạ?” anh lịch sự hỏi. Ôtô Xtraxme mỉm cười. Đêvit đổ đầy lại cái cốc của ông. Người đàn ông thấp bé quay lại, ngồi xuống đivăng. “Vậy ra anh là Đêvit đấy”. Ông thốt lên. – “Tôi đã được nghe nhiều về anh lắm”. Đêvit mỉm cười lại, gật đầu. Tối nay là theo đúng kiểu thế này đây. Đến khi nó kết thúc, mặt anh sẽ phát nhức lên vì những nụ cười lịch thiệp loại này mất. -Phải, - ông Xtraxme tiếp tục nói. – Tôi đã được nghe nhiều về anh lắm. Đã lâu rồi, tôi có ý muốn gặp anh. Anh biết đấy, cả hai chúng ta đều làm cho một người mà. -Một người ư? -Đúng đấy. – Ông Xtraxme gật đầu. – Giônơx Cođơ. Anh làm cho anh ấy trong ngành điện ảnh, còn tôi làm cho anh ấy ở lĩnh vực chất dẻo. Chúng tôi gặp má anh ở nhà thờ vào dịp lễ Thánh năm ngoái. – Ông già mỉm cười. – Chúng tôi nói chuyện loanh quanh thế nào lại phát hiện ra rằng bà nó nhà tôi, bà Frêđa ấy là em họ xa với thầy anh. Cả hai họ đều có gốc từ miền Xilêđia đấy. Ông nuốt ực chỗ uyxky trong cốc. Và ông lại ho sặc lên, ngước cặp mắt ứa nước nhìn Đêvit. “Thế giới kể cũng nhỏ nhỉ?”. -Vâng, quả đất đúng là tròn. – Đêvit tán đồng. Giọng mẹ anh vang lên ở phía sau anh. “Thế nào, đã đến lúc ăn cơm rồi, vậy cái ông bạn của con đâu hả?” Mấy phút nữa là anh ta tới ngay thôi, mẹ ạ. -Mày bảo anh ta là bảy giờ chứ hả? – Bà cụ ngờ vực nhìn anh. -Vậy tại sao anh ta chưa có mặt ở đây? Anh ta không biết rằng khi đã đến giờ ăn, thì phải ăn ngay nếu không mọi cái sẽ hỏng hết sao? Đúng lúc ấy, chuông cửa réo vang. Đêvit thở dài nhẹ nhõm. “Anh ta đây rồi, mẹ ạ”. Anh vừa nói vừa bước ra cửa. Anh chàng thanh niên cao lớn, đẹp trai đứng sững trước ngưỡng cửa kia thật khác hẳn với cái chú nhóc con gầy nhẳng, hồi hộp, mắt đen mà anh nhớ. Tyrên cái chỗ vốn là một cái vòi nhọn hoắt, khoằm cụp xuống khiến cho anh ta có cái biệt danh ấy, là một cái mũi thanh tú, hơi khoằm khoằm, đối lập một cách đẹp đẽ với cái miệng rộng và cái cằm hình đèn lồng. Anh chàng mỉm cười khi thấy vẻ bàng hoàng lộ ra trên mặt Đêvit. “́y tớ đã mò đến một xưởng nặn lại mặt để chỉnh nó lại đấy. Chả hay ho gì khi tớ lượn lờ quanh khu Bivơly Hil với một cái mũi kiểu Eđông Niu Yooc cả!” Anh chìa tay ra, “Đêvy, rất mừng được gặp lại cậu”. Đêvit nắm tay anh ta. Cái bắt tay của anh ta vững vàng mà thân mật. “Vào đi”, anh nói, “cụ già đã phát bẳn rồi đấy. Cơm xong xuôi sẵn sàng cả rồi”. Họ đi vào phòng khách. Ông Xtraxme đứng dậy , còn mẹ anh nghi hoặc nhìn Mũi Kim. Đêvit đưa mắt liếc thoáng sang xung quanh. Rôda không có trong phòng. “Mẹ, mẹ còn nhớ Irving Xchuatz không?” -Cháu xin chào bác, bác Ulf ạ. -Yzchak Xchuatz. – Bà cụ đáp. – Hẳn là tao vẫn nhớ chứ. Mũi mày bị làm sao thế?” -Mẹ! Đêvit cự lại. Mũi Kim mỉm cười. “Không sao, Đêvit. Bác Ulf ạ, cho đã cho đắp chỉnh lại nó”. -Khốn khổ chưa. Với cái mũi nhỏ tí thế này, thật là kỳ là mày vẫn còn chỗ để thở được. Yzchak, mày có công ăn việc làm tử tế ấy chứ hả – Bà hung hăng hỏi. – Hay là vẫn lượn lờ cùng cái đám vô công rỗi nghề ở gara của lão Shocky? -Mẹ, - Đêvit nói nhanh. – Irving hiện giờ sống ở đây. -Vậy bây giờ là Irving đấy. – Mẹ anh cáu. – Thay mũi chưa đủ, nó còn thay cả tên nữa cơ. Cái tên thầy mẹ anh đặt cho anh thì xấu xí gì hả, có phải không Iđiđo? Mũi Kim bật cười thành tiếng, liếc nhìn Đêvit. “Cháu hiểu ý bác muốn nói gì rồi ạ. Không có gì thay đổu đâu. Cái tên ấy chả có gì là xấu xí cả, bác Ulf ạ. Nhưng Irving thì dễ viết hơn”. -Mày cứ học hành y hệt thằng Đêvit nhà tao thì có hơn không. – Bà vặn lại. – Như thế thì hẳn là đã chẳng khó viết đến vậy. -Thôi bác Ulf ơi. Đêvit đã hứa cho cháu một món Knaidlach. Cháu không chờ nữa được rồi. Cả ngày hôm nay, cứ nghĩ đến nó là cháu thấy đói lả. Bà Ulf nghi nghi hoặc hoặc nhìn anh ta. “Giờ hãy ngoan ngoãn nhé”, bà thốt lên, không hiểu sao đã dịu lại. “Hàng tuần, cứ thứ sáu lại đây mà ăn Knaidlach”. Đúng lúc Đêvit đang định giới thiệu Mũi Kim với Xtraxme và bà vợ ông ta thì Rôda bước vào phòng. Cô đứng dừng lại ở cửa, ngạc nhiên. Rồi cô mỉm cười, bước vào phòng. “A, ông Xchuatz. Rất vui lại được gặp ông”. Mũi Kim ngẩng lên. Anhnta chìa tay ra. “Xin chào bác sĩ”, anh ta thốt lên. “Tôi không biết là bác sĩ có quen ông bạn Đêvit của tôi đấy”. Cô bắt tay Xchuatz. “Chúng tôi cũng vừa mới biết nhau tối nay”. Irving nhìn Đêvit. “Bác sĩ Xtraxme đây đã làm mũi cho tớ đấy. Bác sĩ thật có đôi tay vàng, Đêvit ạ. Cậu có biết rằng bác sĩ đã chữa cho Linđa Đêvit năm ngoái không?” Đêvit tò mò nhìn Rôda. Chả có ai đã nói lời nào về cô là bác sĩ cả. Và cuộc phẫu thuật cho Linđa Đêvit đã từng rất nổi tiếng. Mặt của cô đào này đã bị rạch vụn ra trong một tai nạn ôtô. Vậy mà một năm sau, khi cô ta trở lại đứng trước ống kính máy quay, không hề nhìn thấy một vết sẹo nhỏ nào hết. Anh đột nhiên nhận thấy rằng ông bà Xtraxme đang chăm chú nhìn anh một cách hồi hộp. Anh mỉm cười với Rôda. “Thưa bác sĩ, bác sĩ chính là người tôi đang muốn gặp để xin ý kiến đấy ạ. Bác sĩ bảo tôi phải làm thế nào để chữa cái cảm giác trống rỗng kinh khủng đột nhiên vừa xuất hiện trong dạ dày tôi nào?” Cô nhìn anh, tỏ vẻ biết ơn. Mắt cô đã hết hồi hộp, giờ chúng ánh lên những tia ranh mãnh. “Tôi cho rằng một ít Knaidlach của bà cụ mẹ anh sẽ chữa được bệnh ấy đấy “. -Knaidlach ư? Ai nói về món Knaidlach của tôi thế? – Mẹ anh thốt lên từ ngưỡng cửa. – Vậy mời tất cả hãy ngồi vào bàn. – Bà trịnh trọng nói. – Xúp đã ở trên bàn và sắp sửa nguội mất rồi. 11 Khi bữa ăn đã xong, Rôda nhìn đồng hồ của mình. “Bác và mọi người cho cháu xin phép ạ. Cháu phải chạy tới bệnh viện một thoáng để xem xét lại một bệnh nhân ạ”. Đêvit nhìn cô. “Nếu cô muốn, tôi sẽ chở cô đến bệnh viện”. Cô mỉm cười. “Anh không cần phải làm thế. Tôi có xe mà”. -Không có gì phiền đâu. – Đêvit nói lịch sự. Ít nhất thì hãy để tôi đi cùng. Irving đứng dậy. “Tôi cũng phải đi đây”. Anh ta quay sang bà Ulf. “Cháu xin cảm ơn bác. Bữa cơm ngon quá. Nó làm cháu nhớ nhà quá”. Mẹ Đêvit mỉm cười. “Yzchak cứ ngoan ngoãn đi. Rồi thì lại đến đây”. Rôda mỉm cười với mẹ Đêvit. “Chúng cháu không đi lâu đâu ạ”. -Cứ đi đi. Các anh chị không việc gì phải vội về đâu. – Bà rạng rỡ mặt mày, liếc nhìn mẹ Rôda đầy ngụ ý. – Những người già chúng tôi có ối chuyện để nói với nhau đấy. -Irving mình xin lỗi. – Đêvit thốt lên khi họ đã đi ra khỏi nhà. – Chúng ta đã chẳng có dịp nào để nói chuyện cả. Liệu mai ta có thể gặp nhau được không? -Ta có thể nói ngay bây giờ. – Irving nói lặng lẽ, - Tớ chắc chắn rằng ta có thể tin vào Rôda được. Phải không nhỉ, bác sĩ? Rôda phát một cử chỉ ra hiệu. “Tôi có thể ngồi chờ trong ôtô”, cô nói nhanh. Đêvit ngăn cô lại. “Không, không sao cả đâu”. Anh quay sang Irving. “Nghe tớ hôm qua nói năng có vẻ ngớ ngẩn quá, phải không nào? Nhưng đúng ra hầu hết các vấn đề về giới nghiệp đoàn từ trước đến nay đều do Đan Piơx làm cả!”. -Không sao cả đâu, Đêvy. Tớ tính trước là sẽ như thế mà. -Đan bảo với tớ là bọn tớ đang có nguy cơ bị một cuộc đình công. Chắc chắn rằng cậu cũng biết chúng tớ không thể nào chịu được một vố như thế. Nó sẽ làm mọi cái tanh bành ra mất. -Tớ biế. Và đang cố gắng giúp đỡ các cậu. Nhưng tớ đang bị kẹt, trừ phi chúng ta nghĩ ra được một thoả thuận nào đó. -Cậu có thể bị kẹt ở cái điểm nào nhỉ? Không ai ép các cậu phải đình công cả. Các đáon viên nghiệp đoàn của cậu cũng chỉ vừa mới thoát qua các đợt giãn thợ về suy thoái thôi mà. -Phải. – Irving gật đầu, - Họ không muốn bãi công, nhưng mấy tay cộng sản đã nhảy vào. Và những người này khuấy lên đủ chuyện rắc rối về việc các hãng phim đã giữ riêng phần béo bở cho phía chủ như thế nào. Rất nhiều người lắng nghe họ. Họ được nghe rằng các ngôi sao và giám đốc hành chính có lương cao như thế nào, vậy còn họ? Tại sao họ không đòi thêm cho họ nhỉ? Đám cộng sản đã khuấy được anh em lên. -Thế Biof và Braun thì sao? -Đó là những con lợn – Irving khinh bỉ nói. – Đứng về một phía với hai thằng cha ấy vẫn là chưa đủ. Chúng đã cố chơi cái trò bắt cá hai tay cơ. Chính vì vậy mà chúng tớ vứt chúng đi. -Các cậu vứt họ đi ư? – Đêvit bán tín bán nghi. – Tớ lại cứ nghĩ họ bị bắt quả tang cơ đấy. Irving chằm chằm nhìn anh. “Thế cậu nghĩ chính phủ đào đâu ra tài liệu để lập thành án được hả? Chúng không rơi đầy ở đường phố đâu”. -Tớ nghĩ là các cậu đang cố dùng chúng tớ để dập tắt một ngọn lửa mà chính người của các cậu đã nhóm lên. – Đêvit nói. – Các cậu dùng cái lý do mấy tay cộng sản để làm cớ thôi. Irving mỉm cười. “Có thể thế thật, nhưng chỉ đôi chút thôi. Đán cộng sản đang thực sự hoạt động tích cực trong các tổ chức phường hội của chúng tớ.Và toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh vừa ký những hiệp định mới với Nghiệp đoàn các đạo diễn phim và các nhà viết kịch bản phim đòi một mức tăng lương lớn nhất từ trước đến giờ. Và tất cả công lao ấy là của đám những tay cộng sản. Giờ thì họ bắt đầu xông vào các tổ chức cửa công nhân làm việc chân tay. Và cậu biết đám công nhân này như thế nào rồi đó. Họ tính rằng những người cộng sản đòi được quyền lợi cho phường hội đạo diễn và biên kịch, thì hẳn họ cũng đòi được cho mình. Các cuộc bầu cử của nghiệp đoàn sắp tới nơi rồi, và nếu như chúng tớ không sớm làm một cái gì đó, thì chúng tớ sẽ chỉ còn đứng ngoài nhìn vào mà thôi, vì đám cộng sản đang tuyên truyền ghê gớm lắm. Nếu điều ấy mà xảy ra, các cậu sẽ thấy mấy ông cộng sản ấy còn cứng cổ hơn bọn tớ nhiều về khoản bàn bạc thoả thuận với các cậu đấy”. Đêvit nhìn anh ta. “Vậy thì cậu đề nghị gì về chuyện để chúng tớ quyết định xem thích bàn bạc thỏa thuận với các cậu hay với những tay cộng sản? Thế các thành viên của các cậu cảm nghĩ ra sao? Họ không nói gì cả ư? Giọng Irving thản nhiên đến lạnh lẽo. “Họ phần lớn đều là một lũ ngớ ngẩn cả”. Anh ta khinh bỉ đáp. “Tất cả những gì họ quan tâm tới là cái phong bì lương của họ và ai sẽ hứa đem lại nhiều nhất cho họ mà thôi”. Anh ta rút ra một hộp thuốc lá. “Đúng lúc này đây, đám cộng sản có vẻ hấp dẫn nhất đối với họ”. Đêvit lặng thinh trong khi bạn anh châm thuốc lá. Cái bật lửa vàng vụt loé lên, rồi lại rơi trở lại túi của Irving. Áo vét của anh ta hơi phanh ra. Đêvit thoáng bắt gặp cái báng súng lục đen đen thò ra ở cái bao đeo nách. Bật lửa vàng và súng lục. Và hai chú nhãi con từ khu Đông Niu Yooc đứng dưới một vòm trời đêm mùa Xuân ấm áp ở Caliphonia lấp lánh sao, bàn về tiền bạc, quyền lực và chủ nghĩa cộng sản. Anh thầm hỏi không biết Irving có thể thu được cái gì qua chuyện này, nhưng biết rằng anh không thể thốt thành tiếng. Có những điều hoàn toàn không phải việc của anh -Cậu muốn tớ phải làm gì? – Anh hỏi. Irving búng điếu thuốc bay loé lên, rơi xuống rãnh nước lề đường, “Đám cộng sản đòi tăng lương hai mươi lăm xu một giờ, ba lăm giờ làm việc một tuần. Chúng ta sẽ nhất trí tăng năm xu một giờ vào thời điểm hiện nay, một hào sang năm và tuần làm việc là ba mươi bảy giờ rưỡi”. Anh ta nhìn thẳng vào mặt Đêvit. Đan Piơx nói rằng ông ta không có quyền quyết định gì về chuyện đó cả. Ông ta nói không thể liên lạc được với Cođơ. Tớ đã đợi đến nay là ba tháng. Tớ không thể đợi được nữa. Các cậu cứ ngồi trong cái thùng của các cậu đi, cuộc đình công sẽ nổ ra. Các cậu mất, chúng tớ cũng hỏng việc. Chỉ có điều là các cậu sẽ mất nhiều hơn. Cả cái hãng của các cậu sẽ đi đời nhà ma. Chúng tớ vẫn có nhiều hoạt động ở nhiều nơi khác. Kẻ chiến thắng thực sự duy nhất là đám cộng sản”. Đêvit ngần ngừ. Anh cũng không có quyền gì hơn Đan cả trong việc thỏa thuận hợp đồng này. Nhưng không còn thì giờ chờ Giônơx được nữa. Dù Giônơx thích hay không, anh cũng phải ủng hộ Irving. Anh hít một hơi mạnh. “Nhất trí với thoả thuận của cậu”. Hàm rằng của Irving trắng loé lên qua nụ cười. Anh ta đấm nhẹ vào vai Đêvit. “Khá lắm chú mình”. Anh ta nói. “Tớ nghĩ rằng chẳng có gì khó khăn để làm cậu nhận ra vấn đề đâu. Sáng mai, ủy ban thương lượng sẽ làm việc với Piơx. Chúng tớ sẽ để họ ra thông cáo”. Anh ta quay sang Rôda. “Xin lỗi vì đã đâm nhào vào bữa tiệc của mọi người thế, bác sĩ ạ. Nhưng đúng là tôi rất vui vì được gặp lại bác sĩ”. -Không sao đâu, ông Xchuatz ạ. Hai người nhìn Irving bước tới đọan đường vòng, chui vào chiếc xe của anh ta, một chiếc Cađilac sang trọng mui ngập. Anh ta nổ máy, ngẩng lên nhìn họ. “Này hai bạn. Các bạn biết không?” -Gì vậy? – Đêvit hỏi. Irving nhoẻn cười. “Như bà cụ nhà cậu nói ấy, các bạn nom đẹp đôi với nhau lắm”. Họ nhìn anh ta rẽ ngoặt ra phố. Rồi Đêvit nhìn Rôda. Có vẻ như cô thoáng đỏ mặt. Anh đỡ lấy tay cô. “Xe của tôi ở bên kia đường”. Cô lặng thinh gần suốt đoạn đường đến bệnh viện. “Bác sĩ, cô lo nghĩ gì vậy?” -Giờ thì anh phải làm việc này nhé, - Cô đáp, - Mọi người ai cũng gọi tôi là bác sĩ, bác sĩ. Tôi thích được anh gọi tôi là Rôda hơn. Anh mỉm cười, “Rôda đang nghĩ gì vậy?” Cô cúi xuống nhìn bảng đồng hồ trước mặt. “Chúng tôi đã vượt một chặng đường dài đến Mỹ chính là để tránh khỏi chúng mà thôi”. -Chúng nào? – Đêvit hỏi. -Đồng bọn với tụi Đức ấy. – Cô nói gọn. – Bọn quốc xã. Tụi găng xtơ. Giống hệt nhau, thực vậy. Nói hệt một giọng. Làm ăn với chúng tôi, không thì sẽ vớ phải bọn cộng sản. Và chúng tôi thì dễ sống hơn với các anh, các anh có thể bàn bạc, thỏa thuận với chúng tôi được. – Cô ngẩng phắt lên nhìn anh. – Nhưng anh sẽ nói năng ra sao khi anh nhận thấy rằng chúng đã cướp của anh tất cả mọi cái? Đấy chính là luận điệu mà chúng đã tuyên truyền để chiếm quyền ở Đức. Nắm quyền để cứu đất nước khỏi cộng sản. -Rôda coi ông bạn Irving Xchuatz của tôi là gần gũi với bọn quốic xã ư? Cô nhìn thẳng vào anh. “Không, anh ta không phải là quốc xã!” – Cô nghiêm túc trả lời. “Nhưng cũng cái nổi thèm khát quyền lực đến điên cuồng bệnh hoạn ấy chi phối mãnh liệt anh ta. Bạn anh là một người rất nguy hiểm. Anh ta có mang súng theo người đấy, anh có biết không?” Đêvit gật đầu. “Tôi có nhìn thấy”. -Tôi đã thầm hỏi không biết anh ta sẽ làm gì, nếu anh từ chối anh ta. – Cô khẽ nói. -Không có gì đâu. Mũi Kim không thể làm hại gì được tôi. Cặp mắt đen xám của cô lại nhìn anh lấp lánh. “Không, không phải với khẩu súng lục đâu”. Cô nói nhanh. “Để chống lại anh, anh ta có những vũ khí khác. Những vũ khí kinh tế có thể làm anh phá sản. Nhưng một người đàn ông không đeo súng nếu anh ta không định sử dụng nó, sớm hay muộn”. Đêvit cho dừng xe trước cổng bệnh viện. “Rôda nghĩ tôi phải làm gì? Từ chối không thỏa thuận với anh ta để mọi cái tôi xây đắp nên trong suốt bao nhiêu năm qua sụp đổ tan tành hết đi ư? Làm hại tất cả những con người khốn khổ ki cóp được mấy đồng bạc mua một hai cổ phiếu của hãng ư? Đẩy tất cả nhân viên và công nhân của hãng ra đường tìm việc ư? Đấy là cái đáng nhẽ tôi phải làm ư? Tôi có lỗi ư, khi công nhân của tôi không có đủ đầu óc chọn được cho họ những đại diện tử tế, và xem xét để nghiệp đoàn của họ là một nghiệp đoàn trung thực?”. Giọng anh mỗi lúc một to, bực tức, chính anh cũng không nhận thấy. Đột nhiên, cô cúi người về phía trước, đặt tay mình lên bàn tay anh đang để trên vôlăng. Bàn tay cô rắn chắc và ấm áp. “Không tất nhiên là anh không hề có lỗi”, cô đáp nhanh, “anh đã làm cái mà anh nghĩ rằng nó là đúng”. Một người gác cửa bước hết mấy chục bậc thềm xuống mở cửa xe cho họ. “Xin chào bà, bác sĩ Xtraxme”. -Xin chào bác – Cô đáp. Cô ngồi thẳng dậy, nhìn Đêvit. – Anh có muốn vào xem tôi làm việc chỗ nào không? -Tôi không muốn làm phiền Rôda đâu. Nếu Rôda không muốn tôi ngồi ở xe chờ Rôda cũng được. Cô mỉm cười, đột nhiên xiết chặt tay anh. “Anh vào đi nào, nhé?”. Cô nói. “Như vậy sẽ làm tôi thấy hạnh phúc hơn. Bở vì thế thì ít nhất, tôi cũng biết rằng anh không cáu về việc tôi đã bỏ ra – theo cách anh vừa nói thế nào nhỉ – bỏ ra hai xu đầu tư vào hãng của anh”. Anh bật cười. Và vẫn nắm tay anh, cô bước ra khỏi xe, dẫn anh bước lên các bậc thềm bệnh viện. * * * Anh đứng ở ngưỡng cửa, chăm chú nhìn cô nhẹ nhàng nhấc cái băng khỏi mặt đứa bé. Cô lặng lẽ giơ một tay sang bên, cô hộ lý lấy một miếng gạc trong một cái lọ, đặt vào tay cô. “Mary, bây giờ có thể hơi đau một tí đấy”, cô nói, “nhưng cháu sẽ không động đậy, không nói gì, nhé?” Cô bé lắc đầu. -Vậy được rồi. – Rôda nói, - Bây giờ thì ta sẽ rất khẽ, khẽ nào…Thế!. Giọng cô thì thầm, nhè nhẹ, êm ái trong khi tay cô nhanh chóng đưa miếng gạc lau vòng quanh môi cô bé. Đêvit thấy mắt em nhỏ đột nhiên trào nước. Trong một thoáng, anh đã tưởng là Mary sẽ quay đầu đi. Nhưng không phải. -Thế hay lắm. – Rôda nói nhẹ nhàng trong khi cô hộ lý nhanh nhẹn và thành thạo băng lại miệng của Mary. – Sáng mai, chúng ta sẽ tháo băng ra và cháu có thể về nhà được rồi. Cô bé con với lấy một cuốn sổ và cái bút chì nằn trên bàn cạnh giường mình. Nó viết mấy chữ, rồi chìa ra cho Rôda. Cô cúi xuống nhìn tờ giấy, và mỉm cười. “Sáng mai, sau khi đã tháo băng…” Đêvit thấy mắt cô bé con loé lên một ánh cười. Rồi Rôda quay sang nói với Đêvit lúc hai người đã quay ra đi dọc hành lang. “Chúng ta bây giờ có thể quay về nhà mẹ anh được rồi”. -Con bé con nom xinh quá! – Anh thốt lên khi cùng Rôda đứng đợi thang máy. -Đúng như vậy. -Nó bị làm sao thế? Cô nhìn anh. “Sứt môi trên”. Cô đáp. “Con bé bị tật bẩm sinh”. Giọng cô thoáng một vẻ tự hào lặng lẽ. “Bây giờ thì nó sẽ như mọi người khác. Không còn ai sẽ trố mắt nhìn nó, hay cười phá lên khi nó nói nữa”. Cửa thang máy mở ra, họ bước vào. Đêvit ấn nút, thang máy đóng lại. Anh chợt để ý thấy mảnh giấy cô bé đưa cho Rôda vẫn còn trong tay cô. Anh cầm lấy nó xem. Một dòng chữ nguệch ngoạc của trẻ con. “Bao giờ thì cháu nói được ạ?” Anh nhìn Rôda. “Hẳn là nó làm cho Rôda thấy hạnh phúc”. Cô gật đầu. “Phẫu thuật chỉnh hình không chỉ thuần tuý là việc sửa lại mũi, chữa lại cằm xệ cho các ngôi sao điện ảnh. Cái phần quan trọng của nó là giúp đỡ con người để họ có thể sống một cuộc sống bình thường. Giống như bé Alary đang ở trên kia. Anh không hiểu nổi một cái tật như vậy có ảnh hưởng tai hại đến cuộc đời của một đứa trẻ đến mức nào đâu”. Anh chợt cảm thấy dào lên trong lòng một niềm kính trọng mới mẻ đối với cô. Họ đi ngang qua hành lang tới cửa trước. Bác gác cửa đưa tay lên mũ. “Thưa ngài, tôi sẽ lái xe của ngài ra ngay đây ạ”. Anh chạy dọc xuống thềm, bước băng qua sân tới bãi đỗ xe. Một chiếc xe hòm lớn lướt tới. Đỗ xịch trước mặt họ. Đêvit thoáng đưa mắt liếc thờ ơ về phía nó, rồi quay sang Rôda. Anh rút một bao thuốc lá. “Hút thuốc không, Rôda?” Anh nghe thấy có tiếng cửa xe hòm mở ra phía sau khi Rôda rút một điếu thuốc lá. Anh ngậm một điếu; bật lửa, châm cho cô. “Anh muốn gặp tôi phải không, Đêvit?” Anh quay ngoắt lại , suýt nữa đánh rớt cái bật lửa. Anh nhìn thấy một vạt áo sơ mi trắng mờ mờ, rồi một cái đầu và đôi vai hiện ra ở khuôn cửa sổ của chiếc xe hòm. Giônơx Cođơ. Đêvit trố mắt nhìn anh ta, lặng thinh. Vô tình, anh đưa mắt liếc nhanh sang Rôda. Một vẻ lạ lùng hiện ra trên mặt cô. Anh thầm nghĩ, có lẽ là cô sợ. Anh đưa tay nắm chặt lấy tay cô. Giọng Giônơx gù gù khẽ ở phía sau lưng anh. “Không sao đâu, Đêvit. Anh có thể đem Rôda đi cùng với anh”. 12 Rôda hơi ngả người trên cái ghế ở góc chiếc xe hòm. Cô liếc sang nhìn Đêvit đang ngồi cạnh, rồi nhìn Giônơx. Trong xe tối mờ mờ, thỉnh thoảng một ánh đèn đường ở phía trên đầu họ loé lên, soi qua mặt Giônơx. Anh ngồi đối diện với họ, trên chiếc ghế phụ, đôi chân dài duỗi ngang sàn xe. -Ba cô có khoẻ không, Rôda? -Ông khoẻ lắm ạ, thưa ông Cođơ. Ông thường nhắc tới ông luôn đấy. Cô cảm thấy, hơn là nhìn thấy nụ cười của Cođơ. “Khi nào gặp ông, cho tôi gửi lời thăm hỏi nhé”. -Vâng, tôi sẽ làm, ông Cođơ ạ. – Cô đáp. Chiếc ôtô to lớn tăng tốc độ khi rẽ lên quốc lộ ven biển, Rôda liếc qua cửa xe. Họ đang rời Lôx Angiơlex, đi ngược lên miền bắc, về hướng thành phố Xanta Babara. -Đêvit, Mac Alixtơ nói rằng anh muốn gặp tôi. Cô cảm thấy Đêvit cựa quậy trên cái ghế cạnh mình. Anh cúi về phía trước. “Anh Giônơx, chúng tôi đã đi xa đến hết mức của mình tự làm rồi. Nếu chúng tôi định tiến thêm nữa, thì phải cần anh đồng ý mới được”. Giọng Giônơx đều đều. “Tại sao lại phải tiến thêm nữa? Tôi bằng lòng với mọi cái như hiện nay. Các anh đã xoá bỏ được lỗ vốn sản xuất. Từ nay trở đi, các anh sẽ yên ổn”. -Chúng tôi yên ổn sẽ không lâu đâu. Các nghiệp đoàn đang đòi tăng lương, nếu không họ đình công. Như vậy thì mọi lợi nhuận được chút nào đều sẽ mất sạch. -Cứ để họ làm. Giọng Giônơx vẫn không một chút tình cảm. – Anh không phải biếu lợi nhuận cho họ. -Tôi đã làm điều ấy rồi. – Đêvit đáp. Rôda gần như cảm thấy rõ mồn một cái lạnh ngắt trong một thoáng. Cô lần lượt nhìn họ, mặc dù không nom thấy mặt hai người. -Anh đã làm ư? Giônơx hỏi, lặng lẽ. Nhưng một vẻ lạnh lẽo đã ngấm vào trong giọng nói của anh. – Tôi nghĩ rằng thương lượng với các nghiệp đoàn là lĩnh vực của Đan đấy. Giọng Đêvit vững vàng. Có một vẻ thận trọng ở trong đó, nhưng đó là cái thận trọng, chứ không phải là nỗi sợ hãi, của một người đang tìm đường đi trong một vùng không quen biết. “Đúng vậy, cho đến tối hôm nay”. Anh đáp, “cho đến khi việc đó tác động đến lợi ích của cả hãng. Và như vậy nó thành việc của tôi”. - Tại sao Đan đã không thể giải quyết được nó? - Bởi vì anh đã không hề trả lời các bức điện của ông ấy. – Đêvit nói lặng lẽ, - Ông ấy cảm thấy rằng ông ấy không thể thỏa thuận được một cái gì, nếu không có anh đồng y sẽ. - Còn anh cảm thấy khác với ông ấy sao? - Vâng. Giọng Giônơx lạnh lùng hơn. “Cái gì đã khiến anh nghĩ là anh không cần sự chấp thuận của tôi hơn ông ấy thế hả?” Cô nghe thấy tiếng bật lửa kêu đánh tách một cái. Đêvit đưa ngọn lửa đến điếu thuốc ngậm ở miệng. Ánh sáng nhảy nhót trên mặt anh một thoáng, rồi vụt tắt. Điếu thuốc cháy hồng trong bóng tối. “Bởi vì tôi cho rằng nếu anh muốn tôi làm phá sản hãng, thì anh đã nói với tôi từ hai năm trước.” Giônơx không đáp lại câu đó. “Anh còn có việc gì muốn gặp tôi?” - Chính phủ lại bắt đầu chơi cái trò chống các tờrớt. – Đêvit nói – Người ta muốn chúng ta phải tách các rạp chiếu bóng ra khỏi xưởng làm phim. Tôi đã gửi tới anh tất cả số liệu có liên quan. Chúng ta phải trả lời họ. Giônơx có vẻ không quan tâm. “Tôi đã bảo Mac phải làm gì với chuyện đó rồi. Chúng ta sẽ có đủ khả năng trùng trình đến sau chiến tranh, khi đó chúng ta sẽ bán rạp được với giá cao. Sau một cuộc chiến tranh, bao giờ cũng có một sự lạm phát về giá bất động sản.” - Nếu ta không có chiến tranh thì sao? - Chúng ta sẽ có chiến tranh. – Giônơx nói thẳng tuột. – Chỉ vài năm tới nữa thôi; Hitle sẽ thấy hắn ta lọt vào cái ngõ cụt. Hắn ta phải bành trướng, nếu không sợ đi tong cái phồn vinh giả tạo mà hắn ta đã đem đến cho nước Đức. Rôda cảm thấy ruột mình thắt lại. Cảm nhận thấy một điều không thể tránh khỏi và nói thẳng ra điều ấy là hai việc hoàn toàn khác nhau, bởi vì lòng ta vẫn thăm thẳm hy vọng là ta nhầm. Nhưng nói trắng ra, đơn giản và chính xác như Giônơx thì… không còn chút tình cảm nào nữa; hai với hai bằng bốn. Chiến tranh, và rồi không còn chỗ mà đi. Nước Đức sẽ thống trị cả thế giới. Thậm chí đến ba cô còn nói là Tổ quốc đã phát triển tiên tiến đến mức cả thế giới phải mất một thế kỷ nữa mới đuổi kịp được nó. Cô trố mắt nhìn Đêvit. Làm sao mà người Mỹ lại có thể biết ít ỏi đến thế được? Họ tin tưởng một cách thật lòng rằng họ có thể thoát khỏi cuộc chiến tranh nguyên lành sao? Làm sao mà anh có thể ngồi đàng hoàng bàn chuyện làm ăn, dường như sẽ chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Anh ấy là một người Do Thái. Anh ấy không cảm thấy cái bóng của Hitle đang đổ lên đầu anh ấy sao? Cô nghe thấy tiếng Đêvit cười khẽ. “Vậy thì ta cùng hội cùng thuyền với họ.” Cô trố mắt nhìn anh, ngạc nhiên đến bàng hoàng. Anh nói tiếp. “Cái mà chúng ta làm với danh nghĩa các biện pháp kinh tế củng cố ấy, chính là xây dắp một nền kinh tế phồn vinh giả tạo cho chúng ta. Một biện pháp trong số ấy là chúng ta gọi những cái chúng ta tiết kiệm được từ những chi phí của chính chúng ta là lợi nhuận. Còn chúng ta có hề tạo ra được những nguồn thu mới, thu lợi nhuận thực sự đâu.” - Và đấy là lý do khiến anh đã nói chuyện với Bơny phỏng? Cô cảm thấy Đêvit giật nẩy người, ngạc nhiên. Lần đầu tiên, từ tối đến giờ, giọng anh không còn vẻ đầy tự tin nữa. “Vâng,” anh đáp. - Tôi cho rằng anh cảm thấy việc khởi xướng những cuộc bàn bạc kiểu ấy mà không cần thảo luận trước với tôi là hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền lực của anh, phải không? – Giọng Giônơx vẫn khẽ khàng. - Từ một năm trước đây, tôi gửi tới anh một bức thư xin phép được nói chuyện với Zanue. Tôi đã không hề nhận được thư trả lời của anh, và Zanue sau đó ký hợp đồng với hãng Fooxx. - Nếu tôi muốn anh nói chuyện với ông ta, tôi đã bảo anh biết. – Giônơx cộc cằn gắt. – Cái gì đã làm anh nghĩ rằng Đan không thể làm được điều mà Bơnơ có thể, hả? Đêvit ngần ngừ. Anh dụi tắt điếu thuốc lá vào cái gạt tàn ở thành ghế của anh. “Có hai điều”, anh nói một cách thận trọng. “Tôi không nói xấu để lật Đan. Ông ấy đã chứng minh rằng ông ấy là một quản đốc và quản lý hành chính vô cùng có năng lực đối với xưởng phim. Ông ấy đã thảo ra và hoàn chỉnh được một chương trình làm việc cho xưởng hoạt động ở năng lực tối đa của nó. Nhưng một trong những cái mà ông ta thiếu là tính tự phụ sáng tạo của những người như Bơnơ hay Zanue. Cái năng lực chớp bắt được một ý tưởng và tự mình biến nó thành một bộ phim tuyệt vời.” Anh chằm chằm nhìn Giônơx trong bóng tối. Họ vượt qua một ngọn đèn đường. Ánh đèn trong một thoáng để lộ bộ mặt của Giônơx – nét mặt thản nhiên, không hề thể hiện một chút tình cảm, hai mắt tối hun hút. “Sự thiếu cái tính tự phụ sáng tạo chính là điều khác nhau giữa một nhà làm phim chân chính với một người quản lý xưởng phim giỏi, mà Đan thực sự là loại thứ hai. Theo tôi, anh bộc lộ cái đó trong hai bộ phim anh đã làm còn nhiều hơn của Đan trong toàn bộ số năm mươi phim có lẻ của ông ta hai năm vừa qua đấy.” - Thế còn lý do thứ hai? – Giônơx hỏi, lờ cái nội dung tán dương ngầm trong lời của Đêvit. Rôda mỉm cười, nhận thấy rằng Giônơx đã coi đó là một sự thật hiển nhiên. - Lý do thứ hai là tiền. – Đêvit đáp. – Cứ coi Đan sẽ có thể phát triển được cái năng lực ấy đi, thì ta cũng phải có tiền mới phát hiện ra điều đó. Năm triệu đôla, để làm hai hoặc ba phim lớn. Anh thì không muốn đầu tư thêm tiền. Bơnơ đem tiền riêng của ông ta vào. Mỗi năm ông ta sẽ làm bốn phim, còn số đầu tư của ta ở mức tối thiểu, chỉ là tổng phí tổn ở mỗi phim. Dù có xẩy ra chuyện gì đi chăng nữa, nằm giữa chi phí phát hành và phần lợi nhuận được chia, ta chẳng sao cả. Và việc ông ta muốn trông coi toàn bộ phần còn lại của chương trình thì chỉ giúp ích cho ta thôi.” - Anh đã nghĩ đến việc cái đó sẽ tác động thế nào với Đan chưa? Đêvit hít một hơi thật mạnh. “Đan là trách nhiệm của anh phải lo. Trách nhiệm của tôi là tính công việc cho hãng.” Anh ngần ngừ một thoáng. “Vẫn có nhiều cái Đan có thể làm được đấy.” - Đấy không phải là điều anh muốn. – Giônơx nói thẳng. Không có công việc nào có thể tiến hành được với hai người đầu trò cùng một lúc cả. Đêvit lặng thinh. Những lời của Giônơx cắt gọn qua màn đêm sắc như dao. “Được, anh thỏa thuận với Bơnơ đi. Nhưng loại bỏ Đan hay không là tùy anh.” Giônơx quay người trên cái ghế phụ về phía trước. “Giờ thì bác có thể đưa chúng tôi về lại chỗ đỗ xe của ông Ulf được rồi, bác Rôbe ạ.” - Vâng, thưa ông Cođơ. Giônơx quay lại phía họ. “Trước cuộc gặp anh, tôi đã gặp Nêvađa. Anh ấy sẽ đóng loại phim đó cho chúng ta.” - Tốt quá. Chúng tôi sẽ xem xét các cốt chuyện ngay. - Không cần đâu. – Giônơx đáp. – Chúng tôi đã tính toán xong rồi. Tôi đề nghị anh ấy rằng chúng ta sẽ lấy lại nhân vật Macx Xanđ trong Thằng phản bội và tiếp tục từ đó. - Làm sao ta làm thế được? Ở cuối phim anh ta đi vào vùng đồi để tự vẫn cơ mà. Giônơx mỉm cười. “Chúng ta cho rằng anh ta đã không chết. Giả sử anh ta sống, mang một cái tên khác, và tu tỉnh. Anh ta để phần còn lại của đời mình giúp đỡ những người không còn ai khác để nhờ cậy nữa. Anh ta dùng khẩu súng của mình làm phương tiện cuối cùng thôi. Nêvađa thích cái ý tưởng đó.” Đêvit trân trân nhìn Giônơx. Làm sao Nêvađa lại không thích cơ chứ? Khuấy động trí tưởng tượng của người ta ngay. Ngay cả cái làng điện ảnh này, không một ngôi sao miền Tây nào lại không nhảy lên vồ lấy dịp đóng loạt phim ấy. Anh nói về tính tự phụ sáng tạo chính là nghĩa đó. Giônơx đúng là thực sự có nó. Ôtô đứng sững lại trước cổng bệnh viện. Giônơx cúi người, mở cửa xe. “Hai người hãy xuống ở đây”, anh nói khẽ khàng. Cuộc gặp kết thúc. * * * Họ đứng trước đầu xe của Đêvit, chăm chú nhìn chiếc xe hòm to lớn màu đen xa dần rồi mất hẳn dưới con đường vòng. Đêvit mở cửa xe. Rôda ngẩng lên nhìn anh. “Đêm nay thật đáng ghi nhớ, nhiều chuyện, nhỉ?” Anh gật đầu. “Một đêm rất đáng ghi nhớ.” - Anh không phải đưa tôi về nữa đâu. Tôi có thể đi taxi từ đây. Tôi hiểu anh giờ sẽ bận mà. Anh cúi xuống nhìn cô. Mặt anh nghiêm nghị, rồi anh mỉm cười. “Ta kiếm chỗ nào uống chút gì đi, Rôda thấy thế nào?” Cô lưỡng lự một thoáng. “Tôi có một ngôi nhà nhỏ ở Malibu.” – Cô đáp. – “Không cách xa đây lắm. Ta có thể đến đó, nếu anh thích.” Mười lăm phút sau họ đã tới chỗ đó. “Đừng có bàng hoàng gì về đồ đạc trong nhà nhé”. Cô vừa giao hẹn vừa tra chìa khóa vào ổ. “Mấy hôm và rồi tôi chẳng có thời giờ dọn dẹp lại đâu”. Cô bật đèn. Anh theo cô vào một cái phòng khách rộng, hầu như không bày biện gì. Một cái đivăng, mấy cái ghế để lung tung, hai chiếc bàn nhỏ có đèn. Một đầu là lò sưởi, đầu kia là cả một bức tường kính dày trông thẳng ra đại dương. Trước bức tường kính đó là một cái giá vẽ đỡ một bức tranh sơn dầu đang vẽ dở. Một cái áo choàng, một bảng trộn màu quăng trên nền nhà. - Anh uống gì? - Xcotch nếu như Rôda có. - Tôi có. Ngồi chờ một tí nhé để tôi đi lấy đá vào cốc. Anh chờ cho đến khi cô bước hẳn sang phòng khác, liền bước tới cái giá vẽ. Anh nhìn bức tranh. Đó là cảnh hoàng hôn trên Thái Bình Dương, những mảng màu đỏ, vàng, da cam rực rỡ chói lọi trùm lên mặt nước gần như đen kịt. Có tiếng đá lanh canh chạm vào cốc, anh quay lại. Cô chìa ra một cốc cho anh. - Của Rôda vẽ đấy ư? – Anh vừa hỏi, vừa cầm lấy cái cốc. Cô gật đầu. “Tôi thực ra cũng chẳng giỏi giang gì về chuyện này đâu. Cũng như chơi pianô ấy. Nhưng đó là cách tôi giải trí, cho khuây đi nỗi bứt rứt về những năng lực kém cỏi của mình. Đó là cách tôi tự an ủi về việc mình không là thiên tài đấy.” - Không phải nhiều người là thiên tài đâu. – Anh đáp. – Nhưng từ những điều tôi được nghe biết, thì Rôda là một bác sĩ rất giỏi. Cô nhìn anh. “Tôi cho rằng mình như vậy. Nhưng chưa đủ mức. Điều anh nói tối nay thật hấp dẫn và hay vô cùng. Và đúng vô cùng.” - Điều gì vậy? - Về các tính tự phụ sáng tạo ấy mà, cái năng lực làm được điều người khác không thể làm nổi. Một bác sĩ hay một nhà phẫu thuật lớn phải có cái đó. – Cô nhún vai. – Tôi chỉ là một người thợ rất thạo việc, thế thôi. - Rôda có lẽ đang đánh giá mình không công bằng đấy. - Không, không hề. – Cô đáp nhanh. – Tôi đã được học với các bác sĩ thiên tài, và đã được gặp nhiều người tài, đủ mức có thể biết rõ mình đang nói gì mà. Ba tôi, theo cách của ông, cũng là một thiên tài. Ông có thể làm những điều với gốm và chất dẻo mà không một ai trên thế giới này làm được. Xigmơnd Frơt, bạn của ba tôi; Picaxo, tôi đã gặp ở Pháp; Giogiơ Bơnơt Sô, người đoc bài giảng của tôi ở trường đại học ở Anh – tất cả họ đều là thiên tài. Và tất cả những con người ấy đều có một phẩm chất chung. Cái tính tự phụ sáng tạo, làm cho họ có khả năng thực hiện được những điều mà không ai trước họ có thể làm được. – Cô lắc đầu. – Không, tôi biết. Tôi không phải là người có tài. Anh nhìn cô. “Tôi cũng vậy.” Anh quay đi nhìn ra đại dương. Cô đến bên anh, đứng cạnh anh. “Tôi cũng có biết một số thiên tài.” Anh thốt lên. “Cậu Bơny của tôi, người lập nên hãng điện ảnh Noman, là một thiên tài. Cậu ấy đã làm được những cái giờ mà mười người làm mới xuể. Và Giônơx Cođơ nữa, về một phương diện cũng là một thiên tài. Nhưng tôi không không dám nói chắc anh ấy là thiên tài ở lĩnh vực nào. Anh ấy có thể làm được nhiều thứ quá, và đó là một điều đáng tiếc.” - Tôi hiểu ý anh. Ba tôi cũng đã nói gần y hệt như vậy về anh ấy. Anh nhìn cô. “Thật là chán, phải không?” Anh nói, “Hai kẻ bất tài loàng xoàng, đứng đây nhìn ra Thái Bình Dương.” Một nụ cười ánh lên trong mắt cô. “Mà đại dương thì vĩ đại đến thế.” - Vĩ đại nhất. – Anh nói trang trọng. – Hay theo lời một vài thiên tài đã nói, vĩ đại nhất trên thế giới này. – Anh giơ cốc rượu lên. – Chúng ta hãy chúc mừng nó. Họ uống cạn cốc rượu. Anh lại quay ra phía biển. “Trời ấm quá nhỉ. Ấm đến mức có thể bơi được đấy.” - Tôi nghĩ là đại dương sẽ không phản đối nếu hai kẻ thường dân đi bơi một chút đâu. Anh nhìn cô và chậm rãi mỉm cười. “Chúng mình bơi được sao?” Cô phá lên cười. “Hẳn rồi. Anh sẽ thấy quần áo tắm trong cái tủ khóa ở phòng để đồ ấy.” Đêvit bước lên khỏi mặt nước, buông mình xuống dưới cái chăn. Anh lật nghiêng người, chăm chú ngắm cô đang chạy ngược bờ cát lên chỗ anh. Anh nín thở. Cô là một người đàn bà tuyệt vời quá, đến mức gần như anh quên khuấy cái việc anh đã chỉ coi cô như một bác sĩ. Cô ngã xuống cạnh anh, vươn tay lấy một chiếc khăn tắm, khoác lên vai mình. “Tôi không nghĩ là nước lại lạnh đến thế.” Anh bật cười. “Thật tuyệt vời.” Anh với lấy một điếu thuốc lá. “Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi thường bơi từ các bến tàu ở sông Đông. So với bây giờ thật khác hẳn một trời một vực.” - Giờ anh đã cảm thấy dễ chịu chưa nào? Anh gật đầu. “Đúng là như các bác sĩ thường ra lệnh.” Anh bật cười. “Mọi bứt rứt căng thẳng đã hết.” - Tốt lắm. Cô nói. Cô rít một hơi thuốc lá nữa rồi trả lại nó cho anh. - Rôda có biết không. – Anh thốt lên, gần như ngượng ngập. – Khi mẹ anh bảo đến ăn cơm để gặp em, anh đã không muốn tới đấy. - Em biết. – Cô đáp. – Em cũng có cảm giác tương tự. Em tin chắc rằng anh sẽ cao kỳ vênh vang lắm. Và cô ở trong vòng tay anh, môi cô mằn mặn vị muối đại dương. Tay anh tìm thấy vú cô dưới lần áo tắm. Anh thấy cô rùng mình, rồi đầu vú cô lớn dần lên trong lòng tay anh. Những ngón tay cô đụng vào anh, cầm lấy anh. Từ từ, anh giơ tay lên, kéo cái áo tắm khỏi vai cô, vuốt chầm chậm nó xuôi xuống người cô. Anh vùi mặt vào ngực cô, thấy hơi thở cô dạt dào trong buồng phổi. Tay cô ôm ghì qua đầu anh, ngăn cách anh với màn đêm. Đột nhiên, những ngón tay cô run bắn lên, lập cập, rối rít đưa anh đến với cô. Giọng cô nặng nề, khẩn khoản. “Đêvit, Đêvit, đừng quá dịu dàng thế, đừng… Em là đàn bà mà!” 13 Rôda về tới ngôi nhà nhỏ, đi thẳng luôn vào phòng ngủ. Cô liếc nhìn cái đồng hồ đặt trên bàn đêm. Đã đến bản tin sáng giờ. Cô bật đài. Giọng phát thanh viên rộ lên trong căn phòng khi cô cởi quần áo. Hôm nay, niềm tự hào của quân đội Đức, Rômel, “con cáo của sa mạc”, đã được nếm mùi thế nào là cát sạn rồi. Trong một cơn bão cát quay cuồng, tối tăm trời đất. Môntgômêri bắt đầu đẩy hắn ta trở về Tôbruc. Rõ ràng là không được chuẩn bị cho một cuộc chém giết kinh khủng như vậy, quân Italia giữ sườn cho Rômel, đang đầu hàng tập thể. Với hai cánh bị hở trơ ra như vậy, Rômel không còn cách nào khác, ngoài cách bắt đầu tháo lui ra biển. Ở Lănđơn hôm nay, thủ tướng Uynxtơn Chơchil nói… Cô tắt phụt đài. Tin chiến sự. Không gì khác ngoài tin chiến sự. Hôm nay cô không muốn nghe nó. Cô quay đi, ngắm thân thể không quần áo của mình trước cái tủ gương. Cô ép tay vào bụng. Nó cứng và đầy đầy. Cô nghiêng người, chăm chú xem xét kỹ lưỡng mình. Cô vẫn còn thon thả, nhỏ nhắn lắm. Nhưng chỉ một ít lâu nữa, cô sẽ bắt đầu tròn trĩnh dần, đầy ra dần. Cô tủm tỉm cười với mình, nhớ lại giọng ông bác sĩ Mayơ giật lên, bàng hoàng. “Trời ơi kìa bác sĩ, bà có mang rồi.” Mắt ông ta đầy kinh ngạc. Cô bật cười. “Vâng thưa bác sĩ, tôi cũng nghĩ là như vậy đấy.” - Ờ… - Ông lập cập nói. - Ờ, ờ… - Đừng có quá bàng hoàng như vậy, bác sĩ ạ. – Cô thốt lên, gần như thản nhiên. – Những chuyện chửa đẻ như thế này được coi là xẩy ra với rất nhiều phụ nữ. Rồi cô ngạc nhiên thấy một cảm giác kiêu hãnh và sung sướng đột ngột tràn khắp người cô. Cô chưa bao giờ lại nghĩ rằng mình sẽ cảm thấy như thế này. Cái ý tưởng đẻ con luôn làm cô hoảng sợ. Không phải vì đau đớn cho cơ thể, mà sợ chuyện chửa đẻ sẽ ngăn cô không làm việc được, ngáng trở những hoạt động của đời cô. Nhưng té ra không hề như vậy. Cô kiêu hãnh, sung sướng và rạo rực. Đây là một điều chỉ có cô mới làm được. Trong tất cả lịch sử y học, chưa ghi lại một trường hợp đàn ông đẻ con nào. Cô vắt một cái khăn qua vai, đi vào buồng tắm, vặn vòi nước. Rồi gần như uể oải, cô rắc muối thơm xuống bồn nước. Mùi thơm xộc lên. Cô hắt hơi. “Tuyệt quá”, cô kêu lên với mình, ép tay vào bong. Cô đột nhiên phá lên cười. Đứa con thậm chí chưa thành hình trong cô mà cô đã nói chuyện với nó. Cô ngắm mình trong tấm gương phòng tắm. Da cô mịn, trắng hồng, hai mắt cô lấp lánh. Cô lại mỉm cười. Lần đầu tiên trong đời, cô thấy vui vì mình là một người đàn bà. Cô cẩn thận bước vào bồn tắm, ngâm mình xuống nước. Cô cũng không ngâm lâu được. Cô muốn ở bên cạnh điện thoại lúc bảy giờ, khi Đêvit gọi từ Niu Yooc về cho cô. Cô muốn nghe thấy niềm hạnh phúc tràn ngập giọng anh khi cô báo cho anh biết. * * * Đêvit cúi nhìn quyển sổ kế toán bọc da màu xanh. Sáu triệu đôla lãi trong năm nay. Năm ngoái gần được hai triệu. Chỉ riêng cá ccon số này đã chứng minh anh đúng như thế nào khi ký hợp đồng với Bonơ ba năm trước đây. Thực tế mà nói, Bonơ cũng thu được nhiều xấp xỉ như thế cho mình. Nhưng ông ta có quyền được như vậy. Hầu như toàn bộ số lãi là do các bộ phim của ông ta, do chính ông ta bỏ tiền ra, chính ông ta làm. Giá Đêvit đã thuyết phục được Giônơx bỏ tiền ra làm cùng với Bonơ khi ông ta đề nghị thì lợi nhuận năm nay đã là mười triệu đôla. Chỉ có một điều Đêvit lo nghĩ. Trong năm vừa qua, Cođơ đã dần thanh toán số cổ phần của anh ấy khi thị trường giá đang lên. Anh ấy đã thu được số tiền đầu tư nguyên thủy của mình, và hai mươi ba phần trăm cổ phần đứng tên anh ấy giờ hoàn toàn không nợ nần vướng mắc gì nữa. Thong thường, trong một hãng cỡ này, điều ấy có nghĩa là anh ấy nắm quyền chi phối công việc. Nhưng có kẻ đang mua cổ phiếu. Lại là câu chuyện của cậu Bony. Nhưng lần này, Giônơx đứng ở thế yếu. Một hôm có một người môi giới tên là Shefild đã đến gặp anh. Người ta xầm xì rằng ông ta là trùm của một xanhđica hùng mạnh có cổ phần đáng kể của hãng anh. Đêvit nhìn ông ta, tỏ ý hỏi, ông ta ngồi xuống. - Gần một năm rồi, chúng tôi đã cố bố trí được một cuộc gặp gỡ với ông Cođơ để thảo luận về những vấn đề có liên quan tới cả hai bên. – Shefild nói. – Nhưng có vẻ chả một ai biết ông ta ở đâu hay làm cách nào liên lạc được với ông ta. Chúng tôi đã chả nhận được một phúc đáp nào cho những bức thư của chúng tôi cả. - Ông Cođơ là một người bận nhiều việc. - Tôi biết, - Shefild đáp nhanh, - Tôi đã từng làm ăn với ông ta. Nhẹ nhất thì tôi cũng có thể nói rằng tính ông ta thất thường, bạ đâu hay đấy lắm. – Ông ta rút từ trong túi ra một hộp thuốc lá bằng vàng, mở hộp, cẩn thận lấy ra một điếu thuốc, rồi cẩn thận cất cái hộp vàng vào túi. Ông ta phả một luồng khói về phía Đêvit. – Lòng kiên nhẫn của chúng tôi đã hết. Chúng tôi có một số đầu tư đáng kể trong hãng này, một vốn đầu tư không cho phép có sự hoạt động lông bông tài tử trong công việc làm ăn, cũng như việc cố tình chểnh lảng không chộp lấy cơ hội thu lợi nhuận lớn hơn. - Hình như theo tôi, các nhà đầu tư có rất ít điều phải phàn nàn về công việc của hãng. – Đêvit đáp. – Nhất là trong chuyện lợi nhuận năm nay. - Tôi xin cảm phục lòng trung thành của ông, ông Ulf ạ. – Shefild nói. Ông ta mỉm cười. – Nhưng cả hai ta đều biết rõ hơn mọi chuyện. Nhóm các nhà đầu tư chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền thêm cho những chi phí cần cho một số phim nhất định, để có thể tăng gấp đôi lợi nhuận của chúng ta lên. Nhưng ông Cođơ thì không. Chúng tôi sẵn sàng vạch ra một kế hoạch chia lợi nhuận và mua cổ phần hợp tình hợp lý cho một số nhất định các quan chức quản lý, chủ chốt của hãng. Ông Cođơ thì không. Và dứt khoát là chúng tôi không ưa để hãng phải è ra gánh một số chi phí nhất định nào đó, kiểu như ở khách sạn đại lộ Pac ấy. Đêvit đã thầm tính ông ta sẽ vòng vèo bao nhiêu lâu trước khi nói tới việc này. Đó là một bí mật mà cả ngành điện ảnh này đều biết. Cái hậu cung chứa phi tần mỹ nữ của Cođơ, người ta gọi thế. Việc đó xảy ra cách đây hai năm, khi Giônơx cố thuê một căn hộ trong khách sạn đó cho một cô gái và bị từ chối. Dùng hãng phim làm cái cớ để liên hệ, anh ấy đã thuê liền mấy tầng cái tòa nhà đường bệ ở ven khu đồi Bivơly ấy. Trong ngày hợp đồng thuê được ký, anh ấy ra lệnh cho xưởng phim chuyển toàn bộ các cô nàng có trong danh sách đóng phim dọn đến đó ở. Thật gần như đã xẩy ra một cuộc nổi loạn khi ba chục cô nàng ùa đến chiếm bằng ấy căn hộ trước cặp mắt bàng hoàng đờ người ra của tay quản lý khách sạn. Báo chí được một dịp bở, bàn tán om sòm, vạch ra rằng không có cô nào trong cái đám ấy làm ra một năm được bằng giá tiền căn hộ họ đang ở trong một tháng. Chuyện xảy ra hai năm trước, nhưng hợp đồng thuê là mười lăm năm. Phải công nhận rằng nó làm cho hãng tốn một khoản lớn. Khách sạn thì quá sẵn sàng cho hủy ngay cái hợp đồng đó, nhưng Giônơx không chịu. Dần dà, hầu hết các cô nàng ấy đều đã dọn đi. Hiện giờ, hầu hết các căn hộ đều trống rỗng, trừ những khi thỉnh thoảng Giônơx gặp được một cô mà anh ấy nghĩ có thể đóng được phim. Đêvit ngả người về phía sau, dựa vào ghế. “Tất nhiên, tôi không cần phải chỉ rõ ra rằng ông Cođơ đã không nhận được tiền thù lao hay bồi hoàn phí tổn nào của hãng cả.” Shefild mỉm cười. “Chúng tôi không có gì phản đối, nếu ông Cođơ giúp đỡ cho hãng cả. Nhưng thực tế là ông ấy không hề tỏ ra tích cực. Kể từ khi ông ta bắt đầu có liên hệ với công ty, ông ta không hề tham dự lấy một buổi họp ban giám đốc.” - Ông Cođơ mua cổ phần nắm quyền chi phối hãng. – Đêvit vạch rõ. – Do đó, mối liên hệ của ông ấy với hãng không nằm trong phạm trù đơn thuần liên quan tới các người làm công cho hãng mà thôi. - Tôi rất biết điều đó. Nhưng ông có chắc rằng việc chi phối hãng còn nằm trong tay ông ta không? Chúng tôi có hiện nay một số cổ phần bằng, thậm chí hơn ông ta nữa. – Chúng tôi cảm thấy rằng mình cũng đến lúc phải có tiếng nói trong việc điều hành hãng rồi. - Tôi rất vui mừng chuyển lời đề nghị của các ông tới ông Cođơ. - Không cần đâu. – Shefild nói. – Chúng tôi tin chắc rằng ông ta không quan tâm đến nó, bởi ông ta từ chối các lời đề nghị gặp gỡ của chúng tôi. - Trong trường hợp ấy, vậy tại sao ông còn đến gặp tôi? – Đêvit hỏi. Mào đầu loanh quanh đã hết, giờ họ đang đi thẳng vào vấn đề. Shefild cúi người về phía trước. “Chúng tôi cảm thấy rằng sự thành công của hãng này là trực tiếp nhờ ở ông và các chủ trương của ông. Chúng tôi có những đánh giá cao nhất về năng lực của ông và mong thấy được ông đảm nhận chức vị xứng đáng với ông trong hãng này – chức vụ quản lý chủ chốt. Với quyền hạn và đãi ngộ thích đáng, tất nhiên.” Đêvit chằm chằm nhìn ông ta. Những lời đầu tiên hấp dẫn. “Như thế thì tôi biết ơn các ông quá,” anh nói một cách thận trọng. “Nhưng nếu tôi yêu cầu các ông cứ để mọi việc như hiện nay thì sao? Nếu tôi sẽ thuyết phục ông Cođơ chấp nhận một số gợi ý của các ông thì sao? Như vậy các ông có thấy hài lòng không?” Shefild lắc đầu. “Với tất cả lòng kính trọng sự chân tôi hành của ông, xin trả lời rằng – không. Ông thấy đấy, chúng tôi tin chắc rằng ông Cođơ chỉ ngăn cản sự phát triển của hãng mà thôi.” - Như vậy là nếu tôi không đi theo các ông, các ông sẽ gây ra một cuộc đấu tranh về giấy ủy quyền ư? - Tôi không tin là cần có cái đó. Tôi đã nói rồi đấy, chúng tôi là chủ một phần cổ phiếu quan trọng. Một số nhất định các nhà môi giới đã đề nghị thêm với chúng tôi năm phần trăm nữa. – Ông ta rút một tờ giấy trong túi ra đưa cho Đêvit. – Và đây là giao ước của ông Bonơ bán cho chúng tôi toàn bộ cổ phần ông ta sở hữu trong ngày mười lăm tháng chạp, ngày họp hàng năm, tức là vào tuần sau. Mười phần trăm cổ phần của ông Bonơ sẽ làm tổng giá trị của chúng tôi lên đến ba mươi tám phần trăm. Có hoặc không có năm phần trăm của ông, chúng tôi cũng thừa đủ cổ phần để nắm quyền chi phối hãng. Thậm chí với các giấy ủy quyền, ông Cođơ cũng không thay mặt được nổi hơn ba mươi phần trăm cổ phiếu đâu. Đêvit cầm tờ giấy lên nhìn. Đúng vậy, một bản giao ước chắc chắn. Chữ ký của Bonơ. Anh đẩy lại tờ giấy cho Shefild. Lặng thinh. Đột nhiên, anh sực nhớ tới cái kho hàng thời còn Noman ấy, nơi anh đầu tiên vào đời đi làm. Ông vua rồi phải chết. Nhưng đây không phải chỉ là một gã trùm sân bốc dỡ, mà là Giônơx. Cho mãi đến đúng lúc này, chưa bao giờ anh để mình nghĩ về điều đó. Đối với anh, Giônơx đã có vẻ như vô địch. Nhưng tất cả đã thay đổi. Giônơx đang trượt dần xuống. Và cái mà Shefild nói, lý giải thẳng ra thì là: “vào cầu” với chúng tôi đi, chúng tôi sẽ làm anh trở thành ông vua. Đêvit thở vào thật mạnh. Tại sao không thể là anh nào? Đó chính là điều anh đã từng cảm thấy, từ cái ngày đầu tiên ở kho vàng ấy. Rôda thả tờ báo xuống giường, với lấy một điếu thuốc lá. Cô nhìn đồng hồ. Đã hơn tám giờ. Như vậy là hơn mười một giờ ở Niu Yooc. Đêvit đáng nhẽ bây giờ đã phải gọi điện cho cô rồi. Thường là nếu anh phải ở lại quá giờ, anh sẽ báo cho cô biết. Liệu có thể đã xảy ra chuyện gì với anh chăng? Liệu có phải anh đang nằm bị thương giữa đường phố Niu Yooc, cách cô ba ngàn dặm, và có lẽ không bao giờ biết được, cho đến khi tất cả đã trở thành quá muộn rồi chăng? Cô cầm ống nói lên, gọi anh ở phòng khách sạn của anh tại Niu Yooc. Những tiếng lách cách liên tục chuyển đường dây suốt bề ngang đất nước vang lên mồn một trong ống nghe của cô. Rồi chuông réo vang trong phòng anh. Réo rất lâu. - Alô. – Anh nói. Giọng nhỏ và e dè. - Đêvit, anh không làm sao đấy chứ? - Anh vẫn khỏe lắm. - Em lo quá tại sao anh không gọi điện cho em? - Anh đang họp. - Ồ… Anh đang ở một mình đấy chứ? Anh ở trong phòng ngủ đấy chứ? - Ừ. – Anh trả lời, vẫn cái giọng nhỏ và thận trọng ấy. – Anh đang ở trong phòng ngủ. - Anh đang ngồi trên giường phải không? - Ừ. - Em đang nằm trên giường. – Cô chờ anh hỏi câu hỏi thường lệ. Lần này anh không nói gì, cô liền bảo anh. – Em không mặc gì cả. – Cô thì thào. Người cô cảm thấy đột nhiên nóng rực lên. Ôi Đêvit, em nhớ anh quá. Em ước gì anh đang ở bên em, ngay cạnh đây. Cô nghe thấy văng vẳng tiếng một que diêm đánh lửa. “Anh cuối tuần này sẽ về đó.” - Em không thể hcờ được, Đêvit. Anh có thể chờ được không? - Không. – Anh đáp, vẫn giọng cẩn thận e dè. - Đêvit, nằm lên giường một tí tẹo đi. – Cô thì thào. – Em muốn anh cảm thấy em như con em cảm thấy anh. - Rôda… - Ôi, Đêvit, - cô thì thầm, ngắt lời. – Em có thể thấy anh rồi. Cứng rắn quá, khỏe quá. Anh đang trút sức sống vào em, em cảm thấy thế. – Cô nhắm nghiền mắt lại, một luồng sức nóng mãnh liệt rực lên ở đùi cô. Cô có thể nghe thấy tiếng anh thở trong ống nghe. – Đêvit. – Cô thì thầm. – Em không đợi được. - Rôda. – Giọng anh cộc lốc. – Anh… Giọng cô ấm áp và chậm rãi. Cô thì thào. “Frơt vừa rồi mà lấy em nghiên cứu thì thật tuyệt vời. Đêvit, anh có bực với em không, về việc em tham lam đến thế ấy?” - Không. – Anh đáp. Cô thở mạnh. “Em rất vui. Anh yêu, em có một tin rất tuyệt muốn nói với anh.” - Rôda, để đến mai được không em? – Anh nói nhanh. – Anh đang dở một cuộc họp quan trọng. Cô ngần ngừ, lặng người đi bàng hoàng. Anh ngỡ là cô đồng ý. “Em ngoan lắm, em yêu ạ. Tạm biệt em nhé.” Ống nghe kêu đánh tách một cái. Anh đã rời máy trước khi cô kịp đáp. Cô đờ người nhìn cái ống nghe, rồi từ từ đặt nó xuống. Cô với tay cầm điếu thuốc vẫn cháy trong gạt tàn. Khói cay xè đốt bỏng họng cô. Cáu kỉnh, cô dụi tắt nó, úp mặt vùi vào gối, nằm lặng một hồi lâu. Mình đáng nhẽ đừng gọi anh ấy, cô thầm nghĩ. Anh ấy nói rằng anh ấy bận. Cô nhổm dậy, đi sang buồng tắm. Cô nhìn mình trong gương. Mày đáng nhẽ phải hiểu điều đó mới phải. Đã có những lúc mày bận đến nỗi không tới được điện thoại trả lời khi anh gọi. Mày, chính mày chứ ai xa lạ đâu. Gần như ngạc nhiên, cô thấy nước mắt đột nhiên giàn dụa mắt cô và bắt đầu lăn xuống má. Rồi không cưỡng lại được, cô quỳ sụp xuống, mặt úp vào cái thành sứ lạnh lẽo của chậu tắm. Cô đưa tay bưng vội lấy mặt. Là người đàn bà có nghĩa như thế này ư? Môrixơ Bonơ ngồi nhổm dậy trên giường, chăm chú ngắm. Cô gái bước tới một cái ghế, ngồi xuống. Ông ta nhìn cô kỹ càng, đầy tán thưởng. Cô ta trần truồng. Và rất đẹp. Cặp vú đầy đặn, rắn chắc, nằm trên một khuôn ngực tròn trặn thon thả. Cái bụng phẳng, cũng rắn đột ngột xuôi xuống gồ lên đến ngạc nhiên ở đám lông rồi vuốt thon thon xuống thành hai cái đùi của cặp chân dài, thanh mảnh. Ông ta nom thấy những bắp thịt lưng của cô ta di động uyển chuyển khi cô ta vươn tay với lấy hộp thuốc lá đặt ở bàn. Ông ta gật đầu với mình. Con bé quả là đẹp, đẹp thật. Có lẽ không đúng theo nghĩa thông thường của từ ấy, nhưng thật sự là cô ta đẹp như một gái điếm có thể đẹp được. Mà từ trước tới nay, Môrixơ đã thấy có đứa nào được thế đâu. - Trời ơi, nom ông xấu xí quá. – Cô gái nhìn ông ta, kêu lên. Ông ta nhoẻn cười, phô hàm răng bàn cuốc nham nhở trên cái mặt ngựa của mình. Cô ta nói một điều chả có gì lạ cả. Ông ta không phải không hề biết tý gì về cái đó. Ông ta có thể nom thấy hình mình trong gương. Ông ta tung chăn, bước ra khỏi giường. - Này, che người lại đi! – Cô gái nói, quăng một tấm khăn lại cho ông ta. – Nom ông chả khác gì con đười ươi với cái của quý lòng thòng ra thế kia cả. – Ông ta lặng thinh bắt lấy cái khăn, quấn nó quanh hông. – Thế nào, thấy có được không? – Ông ta tò mò hỏi, với lấy một điếu thuốc lá. Cô không trả lời. - Có đáng không? - Tôi nghĩ rằng có. – Cô bình thản đáp. Ông ta quay lại đến ngồi bên mép giường. “Đối với cô thì chả có nghĩa lý gì cả ư? Lại là một tay kèo tay cột nào nữa thôi ư?” Cô chăm chăm nhìn ông. “Người ta bảo ông là một tay rất am hiểu. Ông muốn biết sự thật hả?” Ông mỉm cười lần nữa. “Sự thật. Tất nhiên rồi.” - Ông thì cũng như rứa thôi. – Cô thốt lên, nhìn thẳng trả lại cái nhìn của ông. – Ông có đem một cái chai Côca-Côla thay vào đó thì tôi cũng chả thấy khác gì. - Vậy cô không bao giờ biết rung cảm nữa sao? - Tất nhiên là có chứ. Tôi cũng là người. Nhưng tôi không cảm thấy gì với khách hàng cả. Tôi không thể cho phép mình làm được điều ấy. Khách trả tiền để đạt được khoái cảm nhất cho họ. – Cô dụi tắt điếu thuốc vào cái gạt tàn. – Khi nào tôi thấy cần phải xua tan những ủ ê bứt rứt trong mình đi, tôi nghỉ một tuần, đi đến một cái trại chăn nuôi nào đó, nơi có mở các trò du hý cho đám đàn bà đã lấy chồng ấy. Bao giờ cũng có một chàng chăn bò nào đó nghĩ là đã làm tôi hiểu thế nào là yêu đương giường chiếu cho ra trò. Mà đúng là anh ta cảm thấy vậy, bởi tôi không giở các ngón nghề tuyệt nhất ra cho anh ta. Còn các ông, đám ông kèo ông cột, đã bỏ tiền ra mua vui. Các ông có quyền được hưởng. - Vậy cô không lừa đám kèo cột sao? Ông mỉm cười. “Ông có cảm thấy bị lừa không?” - Không. – Ông đáp. Rồi vội vàng nói thêm. – Tôi không biết. Tôi đã không rõ có phải cô đóng trò hay không? - Tôi không đóng trò. – Cô vừa nói vừa rút một điếu thuốc nữa. – Tôi làm việc. Đó là nghề của tôi. Ông lặng thinh. Cô châm lửa, khoát tay ra hiệu cho ông chú ý. “Đấy ông xem. Ông ăn một bữa ngon. Sau đó, ông bảo với bạn bè thân quen, món thịt bò đó thật tuyệt vời. Vô cùng tuyệt vời. Ông không sợ phải nói ra cái việc ấy. Thậm chí ông cũng không ngại bảo với bạn bè là ông đã được ăn nó ở đâu, để họ cũng có dịp nếm. Đúng chưa?” Ông gật đầu. - Tôi cũng tương tự như vậy. Ông có một người bạn. Trong trường hợp này là Iru Xchuatz. Ông đang chơi bời với anh ta, anh ta đột nhiên nhìn ông, nói “Đêm qua tớ được một “quả” tuyệt trần. Tuyệt vời nhất trần đời. Tên con bé là Gieny Đentơn. Đến làm một tối với nó mà xem.” Và thế là ông tới đây, đặt tiền lên bàn. Ông leo lên, ông leo xuống. Người ông lâng lâng như một quả cầu bơm đầy khí, lềnh bềnh bay vòng quanh thế giới. Tôi đánh cuộc với ông rằng đã từ rất lâu rồi ông mới lại làm được ba bận trong bằng ấy giờ đồng hồ như vừa mới rồi, phải không nào? Ông còn có cảm thấy bị lừa nữa không nào? Ông ta lại bật cười thành tiếng to, đột nhiên thấy như trẻ khỏe ra. Cô ta nói đúng. Đã rất lâu rồi ông ta mới có cảm giác như thế này, đến hai mươi năm rồi chứ chả ít. Một luồng hơi nóng rực đột ngột xộc lên đùi ông. Ông đứng dậy, để cái khăn rơi tuột xuống sàn. Cô phá lên cười. “Ông còn trẻ hơn là tôi tưởng đấy. Này, đã nửa đêm rồi.” - Thế ư? – Ông tròn mắt nhìn cô. - Thỏa thuận là hai tờ tới nửa đêm. Ông đã được trả hết giá trị số tiền đó. Từ giờ đến sáng là ba tờ. Nhưng thế thì có cả bữa ăn điểm tâm. Ông cười to. “Cô còn tồi tệ hơn cả hãng điện ảnh MCA đấy. Ôkê. Tôi xin chấp thuận.” Cô mỉm cười đứng dậy. “Nào đi.” Ông theo cô vào một cái phòng tắm rộng có cái bồn tắm bằng đá cẩm thạch chôn chìm xuống sàn. Cạnh cửa sổ, sát tường là một cái bàn kỳ. Cô chỉ tay ra hiệu về phía đó. “Leo lên kia đi.” Ông ngồi lên mép bàn, chăm chú theo dõi cô mở tủ thuốc. Cô rút ra một hộp dao cạo, một ống kem cạo râu và một cái bàn chải. Cô mở vòi nước, hứng nước đầy vào một cái cốc không có chân, dấp ướt một miếng vải. Rồi cô đặt tất cả lên rìa bàn. “Nằm ra đi”. Cô nhúng bàn chải vào cốc nước, bôi kem, đánh sùi lên thành bọt. - Cô định làm gì vậy? - Nom nó giống cái gì nào? – Cô hỏi lại. – Tôi chuẩn bị cao cho ông. - Tôi đã cạo râu lúc tối rồi mà. Cô phá lên cười. “Không phải cạo mặt ông đâu, đồ quỷnh ạ.” Cô đưa một tay ra, ép ông nằm ngửa xuống. “Tôi muốn nom ông ra sao dưới lớp lông thú này.” - Nhưng… - Nằm yên. – Cô hung hăng quát lên, quệt cái bàn chải đầy bọt vào ngực ông. – Tôi không làm ông xước da đâu mà sợ. Hồi còn làm ở bệnh viện, tôi đã quen với cái trò này quá đi rồi. Đám bọt xà phòng êm êm dễ chịu đến kỳ quái. “Cô đã từng làm việc ở bệnh viện ư?” Cô gật đầu. “Năm hai mươi, tôi đã tốt nghiệp trường y tá. Cumlande[85] nữa đấy.” - Tại sao cô lại bỏ nó? Ông hầu như chỉ cảm thấy lưỡi dao lướt thoang thoáng trên người mình. Cô quay đi rửa nó dưới vòi nước. “Sáu lăm đôla một tháng. Mỗi ngày làm mười tám tiếng.” Cô nói, quay lại chỗ ông. Cô bắt đầu quệt xà phòng vào phía bên kia ngực ông. “Và quá nhiều thằng cha nghĩ là có thể láng cháng không mất tiền nữa.” Ông bật cười khi lưỡi dao lướt qua bụng. “Hì… hì… buồn quá!” Cô rửa lại con dao. “Nằm sấp ra. Tôi muốn cạo lưng và vai ông nữa.” Ông lật người, úp mặt vào hai cánh tay khoanh lại. Mùi mentonin của xà phòng thoang thoảng bay qua mũi ông. Ông cảm thấy lưỡi dao lướt nhanh qua người ông. Ông nhắm mắt lại. Cô gõ vào vai ông, giật mình ông mở choàng mắt. Cô với tay lên ngăn tủ, lấy ra một bánh xà phòng. Cô xé tung vỏ bọc, chìa nó cho ông. “Giờ thì đi tắm nước nóng đi, kỳ cọ cho kỹ vào.” Làn nước nóng chảy rào rào xuống người ông qua vòi hoa sen, bốc hơi dày đặc, thoảng mùi hoa nhài của miếng xà phòng. Ông cảm thấy rõ rệt da mình như đang căng lên, đỏ hồng ra. Khi ông bước ra khỏi màn nước, mặt ông đỏ tía, nhoẻn cười. Cô giơ một tấm khăn tắm to tướng về phía ông. “Lau khô người đi, rồi leo lại lên bàn.” Ông làm rất nhanh rồi nằm dài ra. Cô lấy một cái máy xoa cầm tay từ trong ngăn tủ ra, cắm phích điện vào ổ. Cô bắt đầu chậm rãi xoa bóp người ông. Tiếng máy chạy rì rì dường như làm tất cả các bắp thịt người ông như giãn ra, chùng xuống. “Ôi thế này còn tuyệt hơn cả kiểu tắm Thổ Nhĩ Kỳ!” ông thốt lên. - Đây là kiểu tắm Thổ Nhĩ Kỳ. – Cô nói khô khốc, tắt máy xoa bóp, ném một cái khăn phủ lên người ông. – Giờ ông cứ nằm nguyên mươi phút ở đó đã nhé. Ông chăm chú theo dõi cô cúi xuống bồn tắm cẩm thạch, vặn nước chảy vào đó. Cô thử đi thử lại cẩn thận, cho đến khi đạt được nhiệt độ vừa ý mới để cho vòi nước chảy vào hết cỡ. Khi nước ngập trong bồn độ mười phút, cô tắt vòi. “Ôkê. Dậy đi.” Ông ngồi nhỏm dậy, cái khăn rơi tuột về phía sau. “Ông biết không”, cô thốt lên, “nom ông khi không có đám lông đó cũng chẳng đến nỗi nào cho lắm.” Cô đưa chân đóng sập cái cửa buồng tắm lại, để lộ ra một tấm gương có cỡ gắn ở phía sau nó. Ông nhìn vào gương và nhoẻn người. Cô nói đúng. Nom ông trẻ ra đến hai mươi tuổi. Thân hình ông trắng muốt mịn màng dưới lớp lông ấy. Thậm chí ông cảm thấy mình như thon thả đi nữa. Cô mỉm cười với ông ở trong gương. “Thôi tự mê mẩn với mình thế là đủ rồi. Vào bồn tắm đi.” Ông ngồi vào bồn nước. Nhiệt độ nước chỉ âm ấm hơn người một chút. “Nằm duỗi ra đi. Tôi quay lại ngay bây giờ đây”. Ông ngả người vào thành bể. Chỉ một thoáng sau cô lại trở lại, một tay cô cầm một chai sâm banh cỡ hai lít một phần tư, tay kia nắm chặt cái lọ nhỏ. Cô đặt chai sâm banh xuống sàn, mở cái lọ nhỏ, rỏ vài giọt nước trong lọ xuống bồn tắm. Ngay lập tức, cả căn phòng ngào ngạt mùi hoa nhài. Cô để cái lọ lên thành bể, nhấc chai sâm banh lên. Cô thành thạo xé toạc giấy bọc, giật cái sợi dây quanh nút chai ra. Nút chai nổ bốp, rượu vọt trào hết ra mấy ngón tay cô. “Cô quên không mang cốc vào rồi”, ông thốt lên, chăm chú theo dõi cô làm. - Đừng có ngớ ngẩn. Chỉ có đồ quỷ mới nốc cái của này. Đây là đổ vào bồn tắm. Còn hay hơn cả tắm bọt cơ. – Cô dốc tuột chỗ sâm banh thành vòng quanh người ông. Rượu mơn man, khẽ giần giật quanh lớp da ông một cảm giác đê mê khoan khoái. Cô đặt cái chai xuống đất, mở tủ lấy ra một hộp thuốc lá. Mở hộp ra, cô lấy một điếu, châm lửa. Ông ngửi thấy mùi thuốc phiện hăng hăng ngàn ngạt. Cô rít một hơi rồi chìa điếu thuốc ra cho ông. “Đây. Nhưng chỉ được kéo hai hơi. Không hơn.” Ông lắc đầu. “Không. Xin cảm ơn. Tôi không chơi cái của này.” - Đừng có làm tôi phải vất vả. Tôi chỉ muốn phanh ông lại đôi chút thôi. Ông cầm lấy điếu thuốc, cẩn thận đặt vào miệng. Ông rít một hơi. Luồng khói chạy thẳng vào trong ông. Chả cần phải thở ra một tí nào cả. Người ông như một miếng bọt biển đã ngốn ngấu hết. Ông kinh ngạc nhìn lại mình. Đột nhiên, ông cảm thấy nhẹ nhàng lâng lâng hết mức. Thân thể ông cảm thấy sạch bong và vô cùng khỏe khoắn. Ông ngắm nhìn ông. Cô bước vào bồn. Ông rít thêm một hơi thuốc nữa. Người ông như nổi bập bềnh trên mặt nước. - Thôi thế là đủ rồi. – Cô giật điếu thuốc quẳng nó vào cái gạt tàn thuốc khỏi miệng ông. - Thế này điên thật! – Ông thốt lên, mỉm cười, khi cô nằm dài trong nước cạnh ông. - Nên phải thế. – Cô vừa nói vừa đặt đầu lên ngực ông, giữa một lớp nước hơi lang láng trên đó. Ông giật mình ngạc nhiên khi cảm thấy cô đưa răng hơi nha nhá ngực mình. – Nên phải thế. – Cô lặp lại. – Chai sâm banh ấy đã làm tôi tốn hai mươi đô la đấy. * * * Ông không thể nhớ nổi một cách chính xác cái ý ấy nẩy ra khi nào. Có lẽ là trong khi ông đang ngủ. Nhưng không hề gì. Nó đã đến với ông rồi, khi sáng đó ông xuống gác ăn điểm tâm. Và ông có một niềm tin vững chắc về nó, một niềm tin đã đến cùng với những ý tưởng tạo nên những thành công thời trước đó. Nghe tiếng chân ông dưới cầu thang, cô ngẩng lên nhìn từ cái bàn ăn. “Chào ông Bonơ. Đói rồi chứ ạ?” Ông nhoẻn cười lại với cô, đầy tán tưởng. “Đói như bào ruột rồi đây”. Ông thầm ngạc nhiên với chính mình. Đã lâu lắm rồi ông mới cảm thấy thích ăn sáng thật nhiều như thế này. Thường thì ông chỉ uống một cốc nước quả và một tách cà phê là đủ. Ông thấy chân cô nhúc nhích, ấn xuống một cái nút. Vang lên tiếng chuông ngân nga ở cái bếp phía sau ngôi nhà. “Ông uống nước quả đi. Cơm sáng đến ngay bây giờ đây”. Ông ngồi xuống đối diện với cô, nhấc cái cốc thủy tinh to đựng nước cà chua ép ngâm trong chậu nước đá. “Xin mời cô.” Ông nhìn cô, đầy tán thưởng. Trong ánh sáng ban ngày rõ rệt, mặt cô không hề có một nếp nhăn nào. Đôi mắt cô trong sáng, đen nhánh, chỉ có thoáng một chút hồng trên hai môi cô. Mái tóc màu nâu nhạt của cô được chải gọn gàng, buộc thành một cái đuôi sóc ở phía sau đầu. Hai cánh tay cô rám nắng, nổi bật rên nền áo sơ mi. Cái áo được giắt gọn gàng vào chiếc váy may đo, cắt chéo vải. Cửa ra vào ở phía sau cô chợt mở, một người đàn bà… béo lạch bạch bưng một cái khay to bước vào. Bà ta xếp tất cả thức ăn lên một cái khay xoay lớn đặt ở giữa bàn. Rồi bà ta lặng lẽ nhấc cái cốc không ở trước mặt ông đi, thay vào đó một cái đĩa ăn lớn. “Café un momento”[86], bà nói nhanh, rồi đi mất. - Ông Bonơ, xin mời ông cứ lấy tự nhiên. Gieny nói. – Ông sẽ thấy giăm bông, thịt hun khói, thịt bò, bầu dục, cá trích muối hun khói trong các đĩa phủ khăn xanh ấy. Có trứng rán, trứng bác, khoai cắt lát rán kiểu Pháp ở các đĩa phủ khăn vàng. Ông xoay cái khay cho đến khi tìm thấy giăm bông, xúc vào đĩa của mình. Vừa mới đang xúc, ông lại thấy người đàn bà Mêhicô quay lại với một bình cà phê, bánh cuộn nóng và bánh mỳ nướng. Ông cúi xuống nhìn cái đĩa của mình. Giăm bông được làm đúng kiểu ông thích. Gieny mỉm cười. “Trong căn nhà này, không có cái gì là rẻ tiền cả.” Bà già Mêhicô bước sang bên kia, rót cà phê cho Gieny rồi ì ạch trở lại bếp. “Nom cô có vẻ như chuẩn bị chơi tenit sáng nay ấy.” Cô gật đầu. “Chính xác là như vậy đấy. Sáng nào tôi cũng chơi hai tiếng đồng hồ.” - Cô chơi ở sân nào? - Bel E. Tôi có một lịch tập thường xuyên với Frankie Gatnơ. Ông nhướn mày ngạc nhiên. Frankie Gatnơ là một trong những cầu thủ nhà nghề giỏi nhất nước này. Tiền thuê chơi với anh ta khá đắt – ít nhất là hai nhăm đôla một tiếng. “Anh ta cũng là một trong những khách hàng của cô phải không?”, ông tò mò hỏi. - Tôi không bao giờ chi với khách cả. Như thế có hại gì cho nghề của tôi. Tôi mua thời gian của anh ta như những người khác. Tôi thích luyện tập thể thao. Thể thao làm tôi giữ được dáng vóc, có sức. Bây giờ thì ông biết rồi đấy, đôi khi tôi phải làm việc mệt nhọc mấy tiếng liền. - Tôi hiểu ý cô. Thế cô không bao giờ nghĩ đến việc làm một nghề gì khác ư? – Ông nói thế nghĩa là thế nào? Tôi đã chả bảo là tôi đã từng học nghề y tá sao? - Tôi không định nói thế. Tại sao cô không thử với điện ảnh một phen nhỉ? Cô phá lên cười giòn giã vui vẻ. “Ông Bonơ, tôi là dân Caliphonia bản xứ mà. Tôi đã tận mắt chứng kiến các em ở nơi khác tới đây đã ra thế nào. Xinh xắn hơn hẳn tôi. Tất cả đều hoặc nhảy xe tàu, tất cả ngược xuôi chạy việc, hoặc trở thành gái điếm năm đôla, phất phơ dọc đường Xtrip. Tôi biết thân tôi lắm.” - Tôi có ý định đứng đắn mà. – Ông nói chân thành. – Cô biết tôi là ai không? - Tất nhiên là có chứ, ông Bonơ. Tôi có đọc báo. Ông là một trong những nhà làm phim lớn nhất ở Holiut. - Vậy là có thể tôi biết rõ mình nói năng gì chứ, hả? - Có thể như vậy. – Cô mỉm cười. – Nhưng tôi hiểu tôi lắm. Tôi không là diễn viên. - Nhưng đêm qua cô có nói thế đâu. - Đây là chuyện khác. – Cô đáp. – Đấy là nghề của tôi. Ngoài ra, ông thấy lối tôi sống rồi đấy. Từ nay cho đến khi tôi đóng phim được một ngàn một tuần còn xa tướt bơ lắm. - Cô thì biết làm sao được hả? Chúng tôi năm năm nay có một cái kịch bản bỏ đấy vì chúng tôi không thể tìm được vai chính cho nó. Nó được viết cho Raina Malovi. Tôi nghĩ là cô có thể đóng được. - Ông điên rồi! – Cô bật cười. Raina Malovi là một trong những người đàn bà đẹp nhất trên màn ảnh. Tôi xách dép cho cô ấy cũng không đáng! Ông đột nhiên nghiêm trang. “Cô có những cái làm tôi nhớ đến cô ấy.” - Cũng có thể. – Cô đáp. – Tôi nghe nói rằng cô ấy khá ngang. - Đó cũng là một việc. – Ông đáp, cúi người về phía cô. – Nhưng đấy không phải là cái tôi muốn nói. Mai cô đến xưởng đi, tôi sẽ bố trí một cuộc đóng thử. Nếu phim đóng thử không ăn thua gì, ta sẽ quên chuyện này đi. Nếu ngược lại thì… ờ, tôi chỉ cần một người nữa đồng ý là cô có hai nghìn một tuần ngay. - Hai nghìn? – Cô trố mắt nhìn ông. – Ông nói đùa! Ông lắc đầu. “Tôi không nói đùa về tiền nong bao giờ cả.” - Tôi cũng vậy. – Cô nghiêm túc đáp. – Ai là cái người mà ông cần đồng ý thế. - Giônơx Cođơ. - Vậy thì chúng ta nên quên chuyện này đi. – Cô thốt lên. – Theo tất cả những điều tôi nghe chị em bàn tán trong thành phố, đó là một người điên khùng thực sự. 14 Irving theo Đêvit đi vào phòng khách trong khi Rôda bắt đầu dọn dẹp bát đĩa cất đi. “Chưa bao giờ tớ thấy cô ta đẹp đến thế”, anh ta thốt lên, duỗi dài người trên một cái ghế trước lò sưởi. Đêvit lơ đãng gật đầu. “Ờ.” Irving nhìn anh. “Cậu đang có ý định gì phỏng, Đêvit?” - Vẫn những cái thường lệ ấy mà. – Đêvit nói lảng. - Theo như tớ nghe được thì không phải như vậy. Một cái gì đó trong giọng anh ta khiến Đêvit căng thẳng chú ý tức thì. “Cậu nghe thấy cái gì?” - Thiên hạ xầm xì rằng người ta đang bóp cái anh chàng của cậu. – Irving nói nhỏ. - Cậu còn nghe thấy cái gì nữa? - Đám mới muốn cậu làm cóc cụ, nếu cậu tung hê hết, đi với họ. – Irving đáp. – Người ta cũng nói rằng Bơnơ đã bán cổ phần cho họ rồi. Đêvit, lặng thinh. Anh không thể tin rằng Giônơx không hề biết gì về những cái đang xẩy ra thế này. Nhưng cũng có thể có chuyện đó lắm. - Đêvy, cậu chả nói gì cả. – Irving nói khẽ khàng. – Cậu hẳn là không mời tớ đến đây để ăn suông thế này. - Sao mà cậu biết được cái tin đó? Irving nhún vai. “Chúng tớ có cổ phần.” Anh ta đáp một cách hờ hững. “Đôi ba chú đàn em gọi điện lên báo tớ rằng đám môi giới của họ được người ta tiếp xúc. Họ muốn biết là họ phải làm gì?” - Bao nhiêu cổ phần? - Ồ, tám chín mười nghìn cổ phiếu gì đó trong toàn quốc. Chúng tớ tính rằng theo cái cách điều hành hãng của cậu, mẻ đó sẽ vớ. - Bọn các cậu đã… - Đêvit. – Đám đàn em của cậu đã quyết định theo hướng nào chưa? – Số cổ phần ấy có thể quan trọng ấy. Nó chiếm ba phần trăm của hai triệu rưỡi cổ phần quan trọng nhất. - Không đâu, chúng tớ thuộc diện khá bảo thủ. – Irving nói. – Chúng tớ thích theo đằng nào làm ra tiền. Mà đám ấy nói nghe có vẻ hấp dẫn thực sự. Hoàn toàn họ bỏ tiền, lợi nhuận gấp đôi, thậm chí đôi ba năm nữa là có thể chia cổ phần. Đêvit gật đầu. Anh tư lự với lấy một điếu thuốc lá. Điếu thuốc nằm nguyên không được châm lửa ở môi anh. Tại sao Giônơx lại đã không trả lời gì cho các bức điện của anh cả? Anh đã ba lần cố tìm gặp Giônơx qua dây nói, cả ba đều không nhận được trả lời. Nhất định là bây giờ anh ấy đã phải biết chuyện đó. Chỗ cuối cùng anh gọi tới đã nhắn lại rằng Giônơx đã ra nước ngoài. Nếu thực tế, toàn bộ mọi cái sẽ trở thành fait accomli[87] “việc đã rồi” khi anh ấy quay trở lại. - Đêvy, cậu định sẽ làm gì? – Irving hỏi nhẹ nhàng. - Tớ không biết. Tớ không biết phải làm gì bây giờ. - Cậu không thể cứ ngồi ngất ngưởng trên hàng rào mãi như thế được, chiến hữu ạ, - Irving nói. – Trên đời này không ai muốn sống với kẻ thua lỗ đâu. - Tớ biết. Đêvit gật đầu. Cuối cùng anh cũng nhớ ra việc đánh diêm châm thuốc. – Nhưng việc này không phải như vậy. Tớ biết Cođơ không đếm xỉa nhiều gì đến chúng tớ, thậm chí một đôi khi anh ấy còn kìm giữ chúng tớ lại một ít nữa. Nhưng tớ còn biết là anh ấy có thể làm được một bộ phim lớn, anh ấy có linh cảm của cái nghề này. Chính vì vậy mà anh ấy mới mua hãng để nhập cuộc. Chứ không lạnh như đít ma so với Shefild và đám cùng hội với lão ta. Tính toán số học đơn giản kiểu môi giới và chủ nhà băng, kệ cha mọi thứ, trừ có bản tính toán lỗ lãi và tờ giấy cân bằng chi phí. - Nhưng các chủ nhà băng và môi giới đang nắm tất cả các con bài. – Irving nói. – Chỉ có một thằng ngu mới cầm bài chia thôi. - Phải. – Đêvit thốt lên, gần như hung hăng, nghiền nát điếu thuốc lá trong cái gạt tàn. Irving lặng thinh một lúc. Rồi mỉm cười. “Đêvy, tớ bảo cái này nhé. Tớ sẽ tập hợp toàn bộ giấy ủy quyền của tớ lại, gửi cho cậu. Khi cậu đã quyết định cách nào là tốt nhất, đem đầu tư chỗ đó cho chúng tớ.” Đêvit tròn mắt nhìn anh ta. “Cậu định làm thế thật ư?” Irving phá lên cười. “Theo cách tớ nhìn, chúng tớ chả còn có gì lựa chọn được cả. Có phải là cậu đã không chở rượu cho bọn tớ từ gara của Shocky đi không nào?” - Cà phê đến đây rồi! – Rôda thốt lên trịnh trọng, bưng một cái khay bước vào. - Ủa, trời đất ơi! – Irving kêu lên. – Coi cái lớp Sôcôla bự không nè. Rôda bật cười, vui thích. “Tôi tự tay nướng chúng đấy.” * * * Irving ngả người vào thành đivăng. “Ồ, bác sĩ!” anh ta thốt lên, nheo mắt nhìn Rôda, nháy một cái. - Anh ăn bánh mỳ nữa nhé? - Tôi đã xơi ba cái rồi. Thêm cái nữa là chị phải mổ chỉnh hình cho cái dạ dày của tôi để tôi trở lại thon thả đấy. - Vậy thì anh uống thêm một ít cà phê nữa. – Cô nói, rót cà phê đầy cốc anh ta. Cô bắt đầu xếp các đĩa đựng bánh lại. - À, Đêvy, tớ đang muốn hỏi cậu. Cậu có biết bé nào tên là Gieny Đentơn không? - Gieny Đentơn ư? – Đêvit lắc đầu. – Không. - Tớ quên. – Irving thốt lên, liếc Rôda. – Cậu đã ra khỏi hội rồi. - Cô ta làm sao vậy? – Rôda hỏi. – Tôi cũng biết một cô tên là Gieny Đentơn. - Chị biết ư? Chị biết cô ta ở đâu hả bác sĩ? - Ở bệnh viện. Bốn năm trước ở đó có một cô y tá tên như vậy. - Cao khoảng một mét sáu lăm, mắt đen, tóc nâu nhạt dài, người rất có dáng, có một dáng đi nom hay hay, phải không? Rôda bật cười. “Nom lẳng lơ, anh muốn nói thế chứ gì?” - Có vẻ là cùng một người đấy. – Rôda đáp. - Cô ta làm sao? – Đêvit hỏi. - Ồ, Gieny có lẽ là em làm tiền đắt nhất ở cái thành phố Lôx Angiơlex này. Cô ta có một tòa nhà sáu phòng ở khu đồi. Nếu ông bạn muốn gặp cô ta ư, xin cứ việc hẹn gặp trước, rồi hẵng tới. Cô ta không thèm vào phòng khách sạn đâu. Cô ta có hẳn một cái danh sách khách hàng được lựa chọn cẩn thận, và nếu ai muốn hẹn một tối ư, xin cứ phải chờ hai, có khi ba tuần nhé. Cô ta chỉ làm việc tuần năm ngày thôi. - Nếu anh đang quảng cáo cô ta cho ông xã nhà tôi. – Rôda tủm tỉm cười, chen vào. – Thì tốt nhất là anh ngừng ngay ở đây đi thôi. Irving mỉm cười. “Ồ, hình như có một đêm, đầu tuần này thì phải Morixơ Bơnơ đã tới chỗ đó, và cô ta đã giở đủ tất cả các ngón tiếp đãi. Kết quả là sáng hôm sau, ông ta bắt Gieny mò tới xưởng phim, quay thử. Ông ta quay màu cho cô ta, theo mấy cảnh của cái kịch bản cũ rích ông ta có sẵn ở đâu đó. Quay thử, nhưng ông ta đã làm hết sức mình, ông ta quyết định thế. Ông ta cho Gieny mặc váy áo lụa trắng. Hình như đó là một cảnh rửa tội, và khi cô ta bước ra khỏi mặt nước trong cái két nước to tướng ở sân quay Mười hai ấy, có thể nhìn thấy rõ mồn một mọi cái cô ta có. Trong hai ngày, đoạn phim thử ấy trở thành một bộ phim nổi tiếng nhất chiếu giải trí trong các gia đình của nội bộ làng điện ảnh. Bơnơ được hỏi xin bản in của nó còn nhiều hơn cả Xelnich với Cuốn theo chiều gió nữa cơ.” Đêvit nhớ rõ chỉ một kịch bản có cái cảnh rửa tội ấy. “Cậu không nhớ tên kịch bản ấy ư? Có phải là Người có tội không?” - Có thể đấy. - Nếu đúng vậy, thì đó là kịch bản mà anh Cođơ viết riêng cho Raina Malovi, trước khi cô ấy chết. - Tớ cóc cần biết là nó viết cho ai. – Irving mỉm cười. – Cậu nên xem bản quay thử ấy đi. Cậu sẽ thấy lịm người. Tớ làm phiền hai đợt. Và tất cả những người có mặt trong phòng chiếu hôm ấy cũng thế. - Mai tớ sẽ xem nó. – Đêvit nói. - Em cũng muốn xem. Đêvit nhìn Rôda. Anh mỉm cười. Đây là lần đầu tiên cô tỏ ý quan tâm đến một bộ phim. “Mười hai giờ sáng mai, em hãy tới xưởng.” Anh nói, “ta sẽ cùng xem.” - Nếu mà tớ không phải gặp gỡ gì quan trọng. – Irving thốt lên. – Mai tớ cũng sẽ mò vào đấy. Đêvit buộc hai cái dải dây lưng của chiếc pigiama lại, ngồi xuống chiếc ghế cạnh cửa sổ, nhìn ra dại dương. Anh có thể nghe thấy tiếng nước chảy rào rào trong bồn tắm và giọng hát nho nhỏ của Rôda đang xát xà phòng lên mặt cô. Anh thở dài. Ít nhất thì cô ấy cũng thấy hạnh phúc trong công việc. Một bác sĩ thì chả cần gì phải vượt qua cả một cuộc chiến tranh về thần kinh mới làm được nghề thuốc của mình. Cửa mở đánh tách ở phía sau. Anh quay lại. Cô đứng sững ở ngưỡng cửa, nhìn anh, mặt tỏ vẻ khôi hài vui vui. - Em định có chuyện gì nói với anh phải không? – Anh mỉm cười. – Kể đi. - Không, Đêvit ạ. – Mắt cô dịu dàng. – Nghĩa vụ của người vợ là phải im lặng lắng nghe khi ông chúa và ông chủ của mình cất tiếng nói. - Anh chả thấy mình có tý gì là ông chúa ông chủ cả. - Đêvit, có việc gì không ổn phải không anh? - Anh cũng không biết nữa. – Anh đáp. Và anh bắt đầu kể cho cô biết mọi chuyện, từ cái đêm anh gặp Shefild lúc cô gọi điện cho anh. Cô bước lại gần anh, quàng tay ôm lấy đầu anh, kéo nó áp vào ngực mình. “Tội nghiệp Đêvit,” cô thì thào ái ngại. “Nhiều vấn đề quá!” Anh ngẩng lên nhìn vào cô. “Anh sẽ phải sớm đi đến một quyết định. Em nghĩ là anh sẽ phải làm gì bây giờ?” Cô nhìn xuống anh, đôi mắt xám của cô lấp lánh. Cô cảm thấy mình khỏe vô cùng, có sức làm được mọi cái, dường như cô đã bắt rễ rất sâu vào lòng đất. “Đêvit, dù anh có quyết định thế nào chăng nữa,” cô thốt lên. “Em cảm thấy chắc chắn là nó sẽ đúng đắn cho chúng em.” - Cho chúng em? Cô từ từ mỉm cười. Cái sức mạnh vừa tìm thấy ấy, cũng chính là ý nghĩa của việc làm một người đàn bà. Giọng cô nho nhỏ, tràn ngập hạnh phúc. - Chúng ta sẽ có một đứa con. 15 Từ trong bóng tối của phòng chiếu bước ra, họ nhức mắt vì ánh nắng chói chang. Họ lặng thinh bước về văn phòng của Đêvit, đặt tại một biệt thự của các giám đốc. - Đêvit, anh đang nghĩ gì thế? – Cô lặng lẽ hỏi. – Bộ phim thử ấy làm anh ân hận vì đã lấy vợ rồi phỏng? Anh nhìn cô, bật cười. Anh mở cửa biệt thự, họ bước nhanh qua bàn cô thư ký, vào văn phòng riêng của anh. Anh đi vòng qua đằng sau bàn mình, ngồi xuống ghế. Cô ngồi xuống một chiếc ghế bành bọc da ngay trước bàn anh. Mặt anh vẫn trầm ngâm tư lự. Cô rút một điếu thuốc châm lửa. - Em nghĩ thế nào về cái phim thử ấy? – Anh hỏi. Cô mỉm cười. “Bây giờ em mới hiểu tại sao cô ta làm đàn ông các anh phát si phát cuồng lên như vậy. Cái cách tấm vải dính bết vào người cô ta lúc cô ta bước ra khỏi nước là điều gợi tình nhất mà em được thấy từ trước đến giờ.” - Quên cái cảnh ấy đi. Nếu nó không có trong phim, em nghĩ thế nào về cô ta? Cô rít một hơi thuốc. Nụ cười vụt tắt trên mặt cô. “Em nghĩ cô ấy thật tuyệt vời. Cô ấy gần như làm em thắt lòng lại trong cái cảnh chỉ thấy có những bàn chân Giêsu bước đi, cái đuôi của chiếc Thánh giá kéo lê trên mặt đất, cô ấy bò trong đám bụi theo Người, cố hôn lên chân Người. Em đã phải khóc cùng cô ấy. – Cô lặng thinh một hồi. – Nước mắt ấy là nước mắt thật hay giả đấy?” Đêvit chằm chằm nhìn thẳng vào cô. “Đó là nước mắt thật. Người ta không dùng nước mắt giả trong các lần quay thử.” Anh bắt đầu cảm thấy niềm rạo rực lớn dần lên trong anh. Theo cách riêng của mình, Rôda đã đem lại cho anh câu trả lời. Chưa bao giờ anh lại cảm thấy như thế này kể từ khi lần đầu anh nhìn thấy Raina Malovi trên màn ảnh. Tất cả những người khác đều mờ mắt vì cái lễ rửa tội mà không thấy ra được điều này. Anh rút một mẩu giấy kẹp trong cái giá để trên bàn anh, bắt đầu viết lên đó. Rôda chăm chú nhìn anh một thoáng, rồi đi vòng ra đằng sau bàn, tò mò ngó qua vai anh. Anh đã viết xong, với tay cầm lấy ống nói. GIÔNƠX, TÔI NGHĨ LÀ TA Đà ĐẾN LÚC PHẢI QUAY LẠI VỚI ĐIỆN ẢNH RỒI. HÃY CHO TÔI BIẾT ANH ĐANG Ở ĐU. ĐÊVIT. - Cho tôi xin Mac Alixtơ, Renô. – Anh nói vào điện thoại. Anh ngẩng lên nhìn Rôda và mỉm cười. Cô mỉm cười lại, quay trở về ghế. - Alô, anh Mac đấy à. Giọng Đêvit vững vàng và tự tin. – Có hai câu tôi muốn anh trả lời hộ. Cô bất chợt cảm thấy lòng dạt dào kiêu hãnh. Cô thầm vui là đã đến xưởng phim. Đây là một mặt của cuộc đời chồng cô mà trước kia cô đã không hề biết tới. - Câu thứ nhất. – Đêvit nói, - Tôi có thể ký một hợp đồng thuê diễn viên với tư cách là Công ty thuốc nổ Cođơ không? Tôi có những lý do quan trọng. – Anh tỏ vẻ hơi nhẹ người đi sau khi nghe trả lời. – Tốt lắm. Câu thứ hai. Tôi có một ít phim muốn Giônơx xem ngay. Anh có thể liên lạc được với anh ấy ngay không? Anh chờ một chốc. “Tôi không thể yêu cầu hơn thế được, hay lắm. Hai tiếng nữa tôi sẽ gửi phim đến văn phòng Lôx Angiơlex của anh. Cám ơn anh, anh Mac. Chào anh.” Anh ấn cái cần ở hộp điện thoại một cái, rồi lại nahác ống nghe lên. “Cô Uynxơn, gọi cho tôi Giex Li ở phòng in tráng, rồi cô vào đây ngay.” Anh cầm lấy một cái ống nghe, tay kia với lấy thuốc lá. Anh để nó vào miệng. Cô cúi người qua bàn, châm diêm cho anh. Anh rít một hơi thuốc, nhìn cô, nhoẻn cười. - Anh Giex. – Anh gọi, vừa lúc cô thư ký mở cửa bước vào. Tôi sẽ gửi đến chỗ anh một tấm bìa ghi chữ. Tôi muốn anh chụp nó vào khuôn hình ghi đầu đề phim và gắn nó vào cuối bộ phim quay thử của Gieny Đentơn, ngay lập tức. Đêvit đưa tay bịt ống nói lại, bảo cô thư ký. “Cô cầm hộ cái miếng bìa kia đến chỗ Giex Li ngay.” Cô thư ký lặng lẽ nhặt nó lên, đi khỏi phòng. - Tôi biết đó là một bộ phim thử nghiệm rất bạo tay, Giex ạ. – Anh nói vào máy. – Nhưng anh cứ in ngay ra một bản với dòng chữ của tôi rồi gửi thẳng tới cô thư ký của ông Mac Alixtơ tại Công ty thuốc nổ Cođơ. Trước trưa nay. - Anh đã quyết định rồi ư? Anh gật đầu. ‘Anh đang chơi cái trò bắn đạn tầm xa, rất xa đấy. Nếu anh nhầm, thì ai thắng cũng thế thôi. Bởi anh sẽ là kẻ mất hết.” Rôda mỉm cười. “Mọi ca mổ đều có một giây phút tương tự như thế, anh ạ. Ta là bác sĩ phẫu thuật, dao mổ trong tay ta, bệnh nhân đã nằm chờ trước ta. Theo sách vở thì có rất nhiều cái ta có thể làm, nhiều cách ta có thể theo. Nhưng ta chỉ có một con đường duy nhất – con đường đúng. Và thế là ta quyết định. Theo cách của ta. Dù có sức ép bên ngoài thế nào đi chăng nữa, dù sách có nói ngang nói dọc thế nào đi chăng nữa. Ta phải theo con đường riêng của ta.” Cô ngẩng lên nhìn anh, miệng vẫn tươi tắn mỉm cười. “Đêvit, có phải anh đang làm thế không? Anh đang đi theo con đường của riêng anh không?” Anh nhìn cô, thầm bàng hoàng ngạc nhiên trước tầm hiểu biết sâu xa tinh tế của cô. “Đúng”, anh đáp quả quyết, “anh đang đi con đường riêng anh chọn.” Trước kia anh đã không hề nghĩ ra được điều đó. Rôda nói đúng. Anh đã quyết định theo cách của mình. * * * Đang ngồi bên bàn mình trong phòng khách ký séc, trả tiền cho các hóa đơn chi phí tháng vừa qua, Gieny nghe thấy tiếng chuông cửa ngân nga vang lên. Cô nghe tiếp thấy tiếng chân bà quản gia Mêhicô lạch bạch đi ra cửa trả lời. Cô nhíu mày, cúi lại xuống bàn. Mày là một con ngốc, cô cay đắng nghĩ, nghe dỗ ngon dỗ ngọt bùi tai mà nhảy vào đóng cái đoạn phim thử ấy. Đáng nhẽ cô phải biết rằng cái lão ba vạ ấy chỉ nhỡ mồm khuếch khoác thế thôi. Giờ thì cả Hôliut đang cười đến vỡ bụng vì chuyện đó. Ít nhất cũng đã bốn thằng ba vạ khác gọi điện đến cho cô, giễu cợt chúc mừng cô về cái bộ phim thử ấy. Tất cả mọi người đều đã xem nó. Cô đã biết rằng cô không hề là diễn viên diễn viếc gì được cả. Tại sao, tại sao cô lại sa vào cái bẫy chết tiệt như thế cơ chứ? Hệt như bất kỳ một con ranh mê mẩn vì thích được lên màn bạc từ khắp nơi mò đến. Cô đã từng nghĩ là mình tỉnh táo thông minh hơn cái đám ấy. Cô sẽ không bao giờ rơi vào một cái bẫy như vậy. Ấy thế mà cuối cùng cô lại mắc, như bất kỳ một ai. Đáng nhẽ ngay từ cái phút đứng trước ống kính máy quay, cô đã phải hiểu ra điều đó. Trước đấy cô đã đọc kịch bản. Mary Magđalen. Thoạt đầu, cô cười đến mức suýt chết sặc. Đúng là không có gì lại khi Bơnơ nhớ đến cô. Thật người với nhân vật hợp nhau hết chỗ nói nhé. Rồi một cái gì đó của câu chuyện đã thấm vào cô. Cô cảm thấy lôi cuốn, xúc động, đau đớn thực sự. Cô quên bẵng mất là mình đang đóng phim và nhiều lần, trước ống kính máy quay như vậy mà cô cũng đã phát khóc thực sự. Và đó là điều mà từ lúc bảy tám tuổi đến giờ, cô hầu như không còn làm nữa. Chả có gì lạ khi cả thiên hạ đang phá lên cười. Nếu là người khác, chắc chắn cô cũng cười con bé ấy. Một con gái điếm khóc than cho một con gái điếm khác. Đáng nhẽ cô không được nghe theo như vậy. Một tuần đã qua mà Bơnơ đã chẳng buồn gọi điện đến, dù chỉ một lời. Có tiếng chân nặng nề của bà quản gia ở đằng sau. Cô quay lại. Cặp mắt như hai hạt cườm to của bà ta thăm thẳm không để lộ một điều gì. “Có ông Ulf muốn gặp ạ.”[88] - Việc riêng ạ[89]. – Bà quản gia nói thêm rất nhanh. - Ồ! – Cô gật đầu. – Mời vào đi[90]. – Cô quay lại bàn, bà quản gia bước đi. Cô nhanh nhẹn xếp gọn đám hóa đơn lại thành một tập, bỏ vào ngăn kéo. Vừa mới quay lại ghế, cô đã thấy người đàn bà Mêhicô dẫn một thanh niên bước vào. Cô lạnh lùng nhìn anh ta, từ từ đứng dậy khỏi ghế. “Bơnơ sai anh đến đây hả?” - Không. – Anh đáp. – Thật ra thì Bơnơ chẳng hề biết tôi đang ở đây đâu. - Ồ! – Giờ thì cô rõ tại sao anh ta đến rồi. – Anh đã xem cái bộ phim thử đó rồi phỏng? Anh gật đầu. Giọng cô trở nên giá ngăn ngắt. “Vậy thì anh nên bước đi thì hơn. Tôi không tiếp một ai trừ phi đã có hẹn trước.” Môi anh thoáng một nụ cười. Cô phát cáu. “Và anh nên bảo với cái lão Bơnơ nhà anh biết rằng tốt hơn hết là lão phải dừng ngay việc chiếu cái bộ phim thử một cách lung tung khắp thành phố đi, nếu không lão hối không kịp đấy.” Anh phá lên cười. Rồi trở lại vẻ mặt nghiêm túc. “Cô Đentơn, tôi đã làm việc đó.” - Anh đã làm rồi ư? – Cô cảm thấy cơn tức dịu đi. – Một cái trò như vậy sẽ có thể làm hại cái nghề của tôi đấy. - Tôi thì nghĩ là cô đã ra khỏi cái nghề ấy rồi. – Anh nói lặng lẽ, nhỏ nhẹ. Cô mở to mắt nhìn anh, kinh ngạc. “Anh nói thế nghĩa là sao?” - Tôi e rằng từ nẫy đến giờ cô vẫn chưa hiểu chuyện. – Anh rút một tấm danh thiếp từ trong túi mình ra, chìa cho cô cầm. Cô cúi xuống nhìn nó. Đó là một tấm danh thiếp mạ vàng đắt tiền, Đêvit Ulf, chỉ ghi đơn giản có vậy. Và dưới một góc: Phó chủ tịch phụ trách hành chính. Dưới đó là tên hãng điện ảnh mà Bơnơ đang có hợp đồng. Giờ thì cô nhớ ra anh ta là ai. Cô đã đoc báo viết về anh ta. Cậu nhóc thần đồng của Cođơ. Con người trẻ trung thông minh. Cô ngẩng nhìn anh. Môi anh lại thoáng nụ cười lúc nẫy. “Cô có thích đóng vai Mary Magđalen không nào?” Đột nhiên, cô cảm thấy hồi hộp, căng thẳng. “Tôi không biết”. Cô ngập ngừng. “Tôi tưởng… đó chỉ là một kiểu đùa của ông Bơnơ.” - Có thể là thế. – Đêvit nói nhanh. – Tôi không biết ông ta đã nghĩ gì. Nhưng đối với tôi, đó không phải là chuyện đùa. Cô có thể trở thành một ngôi sao lớn. – Anh im lặng một thoáng. – Và vợ tôi, cô ấy cũng nghĩ như vậy. Cô ngạc nhiên nhìn anh, tỏ ý hỏi. - Rôda Xtraxme. Bốn năm trước, cô ấy có biết cô ở bệnh viện. Mắt cô vụt sáng. “Anh muốn nói là bác sĩ Xtraxme phải không? Người đã chữa mặt cho Linđa Đêvix?” Anh gật đầu, mỉm cười. - Tôi là y tá trưởng ca mổ ấy đấy. Chị ấy giỏi vô cùng. - Xin cám ơn cô. Nào, thế bây giờ cô có thích đóng Mary Magđalen không nào? Đột nhiên, cô thấy muốn nó hơn bất kỳ một điều gì khác trên đời. “Có, có”. - Tôi đã hy vọng rằng đó chính là câu trả lời của cô. – Anh vừa nói vừa rút ra một tờ giấy từ túi áo trong. – Bơnơ đã bảo rằng ông ta trả cô bao nhiêu nhỉ? - Hai ngàn một tuần. Anh đã cầm bút trong tay và đang viết trên giấy. “Hượm đã, anh Ulf.” – Cô vội nói, “Tôi biết Bơnơ định giễu thế thoi. Anh không cần phải trả tôi nhiều đến thế đâu.” - Có lẽ ông ta định giễu thật. Nhưng tôi thì không. Ông ta đã nói là hai ngàn, thì đây: cô sẽ được như vậy. – Anh viết xong, đưa tờ hợp đồng cho cô. – Cô nên đọc nó cho cẩn thận. Cô cúi xuống nhìn tờ giấy in. Chỉ có tên cô và số lượng là viết tay. “Tôi cần phải làm thế ư?” Đêvit gật đầu. “Tôi nghĩ là cô nên làm thế”. Anh đáp. “Hợp đồng là thứ dễ ký nhưng khó thoát ra đấy”. Gieny buông mình lại xuống ghế, bắt đầu đọc. “Tôi có để ý thấy đây là hợp đồng với Công ty thuốc nổ Cođơ.” - Đấy là cách làm thông thường tiêu chuẩn của chúng tôi. Anh Cođơ là chủ hãng phim mà. - Ồ! – Cô thốt lên sau khi đã đọc xong, với tay cầm lấy bút. Cô nhanh nhẹn ký tên mình vào đó rồi đưa lại tờ giấy cho anh. Cô mỉm cười. “Giờ thì chúng ta phải làm gì nào?” Anh bỏ tờ hợp đồng vào túi. “Việc đầu tiên ta phải làm là đổi tên cô đi.” - Để như vậy thì làm sao cơ? - Sẽ có rất nhiều người nhận ra nó. Rồi về sau có thể gây ra nhưng chuyện mắc cỡ rắc rối đấy. Cô nghĩ ngợi một thoáng, rồi phá lên cười. “Tôi cóc cần để ý. Anh thì sao?” Đêvit lắc đầu. “Cô đã không, thì chẳng sao cả.” Cô lại bật cười lên. Cứ để cho đám Kèo Cột khách hàng chơi tiếc đến mụ người vì cái mà chúng đã bot tuột mất. Anh nhìn quanh căn phòng. “Của cô hay là cô thuê cái này?” - Tôi thuê thôi. - Tốt. Vậy hãy đóng cửa bỏ đi đâu đó một thời gian. Tới sa mạc, Palm Xprinh, chẳng hạn. Đừng để cho ai ngoài tôi biết chỗ cô tới. - Được. – Cô đáp. – Rồi tôi sẽ làm gì? - Cô cứ đợi. Đợi đến khi chúng tôi “phát hiện” ra cô. 16 - Rất tiếc, Đêvit ạ. – Piơx đáp, đứng dậy. Ông ta mỉm cười, nhưng mắt thì lạnh lùng. – Tôi không thể giúp anh khỏi bị kẹt đâu. - Tại sao không? - Bởi vì tôi đã bán cổ phần của mình từ một năm trước rồi. - Cho Shefild? Viên đại lý gật đầu. - Tại sao ông lại không liên lạc chuyện đó với Giônơx nhỉ? - Bởi vì tôi không muốn. – Piơx cộc cằn gắt lên. – Anh ta dùng tôi kiếm lợi thế là đủ rồi nhé. Trong những năm gay cấn, tôi có ích cho anh ta. Làm cực nhọc đổ mồ hôi sôi nước mắt đến cái phút có thể làm ăn lớn, anh ta liền rước Bơnơ vào. - Ông cũng đã lợi dụng anh ấy. Anh ấy đã bỏ ra mấy triệu bạc mua hụt một cái hãng phim chỉ vì ông muốn có một xưởng phim trong tay ông. Nhờ có anh ấy mà ông trở thành một người giầu có. Và đến khi Bơnơ tới, chính ông cũng nhận ra rằng ông chỉ là một đại lý điện ảnh, chứ không phải là một nhà làm phim. Cả cái làng điện ảnh này đều biết tỏng như vậy. - Chỉ là bởi vì anh ta chưa bao giờ cho tôi một dịp trổ tài nào cả. Đan nhăn nhở cười không lấy gì làm vui vẻ. – Giờ thì đến lượt anh ta phải toát mồ hôi đây. Tôi đang chờ xem anh ta thích thú nó đến mức nào. – Ông ta cáu kỉnh bước ra cửa. Nhưng đến khi ông ta ngoảnh lại nhìn Đêvit, cơn cáu của ông ta có vẻ đã tan mất. – Nhưng Đêvit, cứ duy trì liên lạc với nhau nhé. Tôi có thể xoay xở mượn Traxy và Gabơn từ hãng Mêtrô cho các anh, nếu các anh có giá trả thỏa đáng đấy. Đêvit gật đầu, viên đại lý bước ra. Anh cúi nhìn xuống bàn. Công việc là như thế đấy, thường thế đấy – anh chua chát nghĩ. Piơx không hề nghĩ tới chuyện thỏa thuận, để đem lại cho hãng một triệu đôla lãi. Nhưng đó là việc công ông ta. Nó chẳng có liên quan gì đến cá nhân Cođơ cả. Nhưng chuyện ông ta đã bán chỗ cổ phần của ông ta đi lại là một vấn đề khác. Anh uể oải cầm ống nói lên. “Dạ, tôi nghe đây thưa ông Ulf.” - Cô gọi văn phòng của Bơnơ xem tôi có thể gặp ông ta ngay được không? - Tại văn phòng ông hay văn phòng ông ấy ạ? Anh mỉm cười với mình. Theo nguyên tắc đề ra, Bơnơ phải đến với anh. Nhưng thật đến ngạc nhiên về cái hệ thống thông tin rỉ tai nhau của xưởng lại nhậy đến vậy. Cho tới bây giờ, mọi người đều biết là đang sắp sửa xẩy ra một cái gì đó, và ngay đến cô thư ký của anh cũng không tin hoàn toàn chắc chắn vào vị trí của anh nữa. Cái cách hỏi này là cách thăm dò của cô ta đây. - Văn phòng tôi, tất nhiên là như vậy. – Anh đáp cộc lốc, bỏ máy. * * * Bơnơ vào văn phòng anh chậm bốn mươi phút so với giờ hẹn. Thế là không tồi lắm, trong tình thế quan trọng liên quan tới cả đôi bên. Không muộn quá đến mức tỏ ra thô lỗ, không nhanh quá đến mức tỏ ra quỵ lụy. Ông ta đi ngang qua văn phòng, đến ngồi xuống trước bàn của Đêvit. “Xin lỗi vì đã quấy rầy ông, ông Morixcơ ạ”, Đêvit lịch sự nói. - Không sao đâu, Đêvit ạ. – Bơnơ đáp cũng lịch thiệp như vậy. – Tôi đã cố thúc cho xong cuộc họp sản xuất sáng nay. - Tốt lắm. Vậy là ông giờ đã có chút ít thời gian rồi phải không? Bơnơ nhìn đồng hồ tay. “Tôi có hẹn xem một kịch bản vào ngay bây giờ đây.” Đêvit mỉm cười. “Đám nhà văn quen với việc chờ đợi lắm.” Bơnơ tò mò nhìn Đêvit. Vô tình, tay ông ta luồn vào trong áo vét tông, hơi mở phanh sơ mi, cào cào. Đêvit để ý nhìn theo, nhoẻn miệng cười. “Bị phát ban hả?” - Anh cũng nghe chuyện rồi ư? – Bơnơ hỏi. Đêvit gật đầu. Bơnơ mỉm cười, gãi sồn sột. “Nó làm tôi ngứa điên lên mất. Nhưng mà đáng giá lắm. Anh cũng nên một lúc nào đó thử Gieny một tí chơi. Con bé ấy có thể làm một cái viôlông cà khổ của anh kêu vang như một chiếc Xtrađivari[91] ấy. - Hẳn rồi. Tôi đã xem đoạn phim thử. Bơnơ nhìn anh. “À, tôi đã định hỏi anh. Tại sao anh lại thu hết tất cả bản in của nó về?” - Tôi phải làm thế. Người có tội không phải là tài sản của ta. Nó thuộc về cá nhân anh Cođơ. Và ông cũng rõ anh ấy thế nào rồi đấy. Tôi không muốn mang vạ vào thân. Bơnơ lặng lẽ nhìn Đêvit. Chẳng việc gì phải vòng vèo nữa. – Đêvit quyết định. “Shefild đã cho tôi xem bản thỏa thuận bán cổ phần của ông cho ông ta.” Bơnơ gật đầu. Ông ta không gãi nữa. “Tôi cũng tính là ông ta sẽ làm như vậy.” - Tại sao vậy? Nếu ông muốn bán, tại sao ông không nói chuyện với Cođơ? Bơnơ lặng thinh một hồi. “Như thế để làm gì? Tôi chưa hề nom thấy mặt anh ta bao giờ cả. Nếu anh ta đã chẳng có đủ lịch sự tối thiểu gặp tôi lấy một lần trong suốt ba năm tôi làm cho anh ta, thì giờ tôi thấy chẳng có lý do gì phải bổ đi bám tìm anh ta cả. Ngoài ra, hợp đồng của tôi tháng sau thì hết, mà chẳng thấy có ai mò đến nói chuyện gia hạn thêm gì. Thậm chí tôi cũng chả có lấy một lời ừ của Mac Alixtơ nữa.” Ông ta lại bắt đầu gãi. Đêvit châm một điếu thuốc hút. “Tại sao ông không nói đến tôi nhỉ?” – Anh hỏi dịu dàng. “Tôi đã đưa ông đến đây làm mà.” Bơnơ lảng cái nhìn chằm chằm của anh. “Đêvit, phải rồi, đáng nhẽ là tôi nên làm thế. Nhưng mọi người ai cũng biết là anh chẳng có thể làm được cái gì nếu không có lời ôkê của tay Cođơ. Đến khi anh tìm được tới anh ta thì hợp đồng của tôi đã quá hạn rồi. Tối trở thành một thằng đần trước mắt cả cái ngành này.” Anh hít một hơi khói rất dài và rất sâu vào phổi. Họ đều giống nhau như đúc – tinh ma quỷ quái vô cùng, tàn nhẫn vô cùng, có nhiều khả năng sức lực vô cùng, và rồi vẫn khờ dại vô cùng, như những đứa trẻ con, với cái niềm kiêu hãnh đần độn ngớ ngẩn ấy. Bơnơ lầm tưởng sự im lặng ấy là biểu hiện chịu thua. “Shefild đã bảo tôi là ông ấy sẽ lo cho cả hai ta”, ông ta nói nhanh, “Đêvit, ông ấy cần cả hai người chúng ta. Anh cũng biết thế rồi đấy. Ông ấy nói ông ấy sẽ lập ngay một hợp đồng mới từ cái phút đầu tiên nắm được hãng. Ông ấy sẽ tài trợ cho các bộ phim, cho chúng ta một kế hoạch mới về chia lợi nhuận, và một số tỷ lệ cổ phần thực sự nữa.” - Ông có những điều ấy thành văn bản không? Bơnơ lắc đầu. “Tất nhiên là không. Ông ta không thể ký bất kỳ một hợp đồng nào với tôi được trước khi tiếp quản hãng. Nhưng lời của ông ta là chắc rồi. Ông ta là một người có cỡ. Ông ấy kò là một quả bóng Gôlf như Cođơ, nóng lạnh thất thường.” - Đã bao giờ anh Cođơ nuốt lời với ông chưa? Bơnơ lắc đầu. “Chưa. Anh ta chưa bao giờ có dịp cả. Tôi có một hợp đồng. Và giờ nó sắp hết đến nơi rồi, tôi không cho anh ta có một dịp nữa đâu.” - Ông y hệt như cậu tôi ấy. – Đêvit thở dài. – Cậu ấy nghe theo những kẻ như Shefild và cuối cùng kết thúc bằng các khế ước với lại cổ phiếu. Và thế là cậu ấy mất tong cả hãng. Giờ thì ông lại đang làm chính cái việc đó. Lão ta không thể ký cùng ông một hợp đồng được vì lão ta không điều hành hãng, còn về phần ông, ông đưa cho lão ta một bản cam kết có ký nhận hẳn hoi, giúp cho lão ta có thể dành lấy quyền chiếm được hãng. – Anh đứng phắt dậy, bực tức. – Vậy đấy. Rồi ông, đồ ngu ạ, ông sẽ làm gì khi hắn ta bảo ông, sau khi hắn ta đã nắm được quyền, rằng hắn ta không thể giữ lời hứa được nữa, hả? - Nhưng ông ấy cần chúng ta để tiến hànhc việc. Ai sẽ làm phim cho ông ấy, nếu như tôi không? - Đấy chính là cái mà ông cậu tội nghiệp của tôi đã nghĩ đó. – Đêvit mỉa mai giễu cợt. – Nhưng rồi diện ảnh vẫn phát triển không cần có ông ấy. Và nó có thể kiếm được một ai đó nắm cái xưởng phim cho ông ta. Xchary ở hãng MGP đang nhăm nhăm chờ một chức như vậy để trổ tài. Maty Foocx ở hãng Univơxơn sẽ bổ nhào tới, gọn như một con vích nhào xuống nước. So với đằng ấy, ông sẽ thấy chỗ này dễ ăn hơn đến một nửa. Anh đột ngột ngồi phịch xuống. “Thế nào, liệu ông vẫn còn tưởng là lão ta không thể làm được trò trống gì khi không có ta nữa chứ hả?” Bơnơ trợn mắt nhìn anh, mặt trắng bệch. “Nhưng Đêvit, tôi bây giờ có thể làm gì được hả anh? Tôi đã ký mất rồi. Shefild có thể kiện tôi đến vỡ mặt nếu tôi đòi hỏi rút lui nó.” Từ từ, Đêvit nhấc điếu thuốc lá ra khỏi miệng. “Nếu tôi nhớ không nhầm cái bản ấy, thì ông đã đồng ý bán cho lão ta toàn bộ cổ phần ông có trong ngày mười lăm tháng mười hai, phải không?” - Đúng thế đấy. - Vậy như đúng ngày đó, tình cờ ông chỉ còn một cổ phiếu thì sao hả? Đêvit nhỏ nhẹ hỏi. – Nếu ông bán cho lão ta cái cổ phiếu ấy, ông vẫn giữ được lời hứa cơ mà. - Nhưng mười lăm đã là tuần sau rồi. Anh có thể bảo ai mua được chỗ cổ phần ấy từ nay đến trước ngày ấy? - Giônơx Cođơ. - Nhưng nếu anh không tìm được anh ta đúng hẹn thì sao? Tối mất tong bốn triệu đôla. Mà nếu tôi bán nó ở thị trường công khai, nó sẽ làm giá cổ phiếu chung của hãng tụt xuống ngay lập tức. - Tôi sẽ bảo đảm lo cho ông có đủ tiền. – Đêvit cúi người qua bàn. – Và ông Morixơ ạ, - anh nói thêm, dịu dàng. – Ông có thể bắt đầu viết hợp đồng mới cho mình đi, ngay bây giờ. * * * - Bốn triệu đồng! – Irving thét lên. – Cậu nghĩ tớ lấy ở chỗ chó nào ra được chỗ tiền ấy hả? Đêvit chằm chằm nhìn bạn. “Bình tĩnh lại đi, Mũi Kim. Điều này…” - Và nếu như Cođơ bảo là anh ta không cần chỗ cổ phần đó thì sao nào? – Irving hỏi, giọng đã dịu hơn, - Tớ sẽ làm gì khi ấy hả? Dùng chúng làm giấy chùi đít ư? – Anh ta nhai điếu thuốc xì gà ngốn ngấu. – Cậu được coi là bạn của tớ. Tớ đã nhầm trong chuyện hợp đồng này. Tớ không có ai là bạn cả. Mồ ma thằng Yxchat Xchuatz, - rồi người ta sẽ gọi tên tớ thế. - Không đến mức tồi tệ như vậy đâu. - Đừng có mở miệng nói chuyện tồi tệ hay không với tớ. – Irving cáu kỉnh nói. – Công việc của bọn tớ mà hỏng thì không đơn thuần là bị thải như các cậu đâu. Đêvit lặng thinh nhìn anh ta một thoáng. “Irving, tớ xin lỗi cậu. Tớ không có quyền gì bắt cậu phải liều một cú như thế này cả”. Anh quay đi, nhằm cửa bước ra. - Hầy, hượm đã nào! – Giọng của Irving làm anh dừng lại. – Cậu định đi đâu thế? Anh nhìn chằm chằm vào anh ta. - Tớ có bảo dứt khoát là không làm đâu nào? – Irving nói. * * * Bộ ngực đồ sộ của mợ May phập phồng phẫn nộ. “Cậu Bơny mày đã đối xử với mày như bố đẻ”, bà ta cất giọng the thé chói tai, “có phải mày đã từng như con của ông ấy không? Đã bao giờ mày thốt ra được một lời tán thưởng biết ơn những cái ông ấy đã làm cho mày chưa? Chưa hề. Thậm chí ngay cả hồi mồ mả ông ấy còn, mày cũng không một lần nói được hai tiếng cám ơn nữa”. Bà ta rút ở túi ngực ra một cái khăn mùi xoa, bắt đầu chấm chấm hai mắt, viên kim cương mười hai cara trên chiếc nhẫn cưới hơi ngả màu hồng của ba ta lấp lánh phát ra những tia ngũ sắc như một đốm đèn chiếu. “Cũng may nhờ ơn Chúa mà bà mợ[92] tội nghiệp của mày không đến nỗi phải sống những ngày tàn trong nhà tế bần.” Đêvit bứt rứt ngả người dựa vào thành chiếc ghế cứng quèo. Cái lạnh của đêm trong căn phòng rộng thênh thang, trơ trọi của tòa dinh thự đồ sộ ngấm vào người anh. Anh khẽ rùng mình. Không rõ đó là do cái lạnh hay là khung cảnh tòa nhà khiến anh cảm thấy thế. “Mợ có muốn cháu nhóm lò sưởi lên không ạ?” - Mày lạnh ư, Đêvit? Anh nhún vai. “Cháu nghĩ là mợ sẽ bị cảm lạnh mất.” - Lạnh ư? – Bà già lặp lại. – Bà mợ tội nghiệp của mày đã phải quen chịu với cảnh lạnh lẽo thế này rồi. Phải tính từng xu một, mợ mày mới có thể còn sống được trong căn nhà này đấy. Anh nhìn đồng hồ. “Muộn rồi, mợ ạ. Cháu phải đi đây. Thế nào, mợ có trao cho cháu cái giấy ủy quyền không ạ?” Bà già ngẩng nhìn anh. “Tại sao tao lại phải trao nào? Tao phải trao cái giấy ấy để giúp cho cái thằng Momxe, cái thằng khốn nạn vô tích sự đã cướp trắng hãng phim của ông ấy ư?” - Không ai ăn cắp ăn cướp mất hãng phim đâu. Cậu Bơny dù sao cũng sẽ phá sản. Cậu ấy may nên mới được anh Cođơ để cho cậu ấy thoát ra dễ đến thế đấy ạ. - Ông ấy may ư? – Giọng của bà ta the thé lên. – Bằng ấy cổ phần, cuối cùng là tao được hai lăm ngàn. Chỗ còn lại đã ra sao rồi? Nói tao nghe. Chỗ ấy ra sao rồi, hả? - Cậu Bơny đã nhận được ba triệu rưỡi đôla thay cho cổ phần của cậu ấy. - Vậy thì sao hả? – Bà hạch lại.- Chúng đáng giá gấp ba như vậy. - Chúng đáng giá cái cóc khô[93] ấy! – Anh phát cáu. – Cậu Bơny đã ăn cắp trắng trợn của hãng, mà mợ không lạ gì điều đó. Chỗ cổ phần của cậu ấy thực không đáng với tiền giấy in ra chúng đâu. - A, giờ mày lại gọi ông cậu của mày là thằng ăn trộm đấy! – Bà già uy nghi từ từ đứng dậy. – Xéo! – Bà ta thét lên, chỉ tay thẳng ra phía cửa. – Xéo ngay ra khỏi nhà tao! Anh chằm chằm nhìn bà ta một hồi, rồi lặng lẽ đi về phía cửa. Anh đột ngột đứng sững lại, sực nhớ. Ông cậu anh cũng đã một lần làm như thế này, cũng đã đuổi anh ra khỏi văn phòng của ông ta bằng đúng những lời đó. Nhưng rồi anh đã đạt được điều anh muốn. Mà bà mợ này còn tham lam hơn cả ông ta kia. Anh quay lại. - Đúng vậy, cuối cùng chỉ còn lại có hăm lăm ngàn cổ phiếu. – Anh nói. – Chỉ chiếm một phần trăm khốn khổ. Nhưng giờ thì nó đang còn là một cái gì đáng giá. Ít nhất, mợ cũng còn có người trong gia đình chăm lo đến lợi nhuận cho mợ. Chứ còn trao giấy ủy quyền của mợ cho Shefild rồi xem. Lão ta chính là loại người đã đưa lối chỉ đường cho cậu Bơny sa chân vào cái phố Uôn ấy. Nếu mợ làm như vậy, cháu chẳng còn ở đấy mà trông nom tiền cho mợ được đâu. Cổ phần của mợ rồi sẽ chẳng hơn gì giấy lộn. Bà già trợn mắt nhìn anh. “Thật thế ư?” Anh có thể nom thấy rõ cái máy tính trong đầu bà ta đang quay tít. “Không sai một lời đâu ạ.” Bà ta thở dài đánh sượt. “Thôi được. Nào, mợ sẽ ký giấy ủy quyền cho cháu”. Bà ta quay đi, lạch bạch bước lại cái tủ con. “Cậu của cháu, cầu cho hương hồn ông ấy an nghỉ, trước kia đã luôn luôn dặn mợ là phải lắng nghe cháu nếu lúc nào đó cần có lời khuyên. Cái thằng Đêvit ấy – ông ấy thường nói thế - có cái đầu thông minh biết làm ăn lắm.” Anh chăm chú nhìn bà lấy mấy tờ giấy từ trong tủ ra. Bà ta bước đến bên một cái bàn, nhặt cái bút lên, ký vào đám giấy. Anh cầm lấy, bỏ chúng vào túi áo vét tông. “Cháu xin cám ơn mợ, mợ May ạ.” Bà già ngẩng nhìn anh, mỉm cười. Anh ngạc nhiên thấy bà ta với tay ra, vuốt ve tay anh, gần như ngượng ngập. “Cậu mày với mợ, không được giời thương cho đứa con nào cả”. Bà run run nói, “Ông ấy đã thực sự coi mày như con rứt ruột đẻ ra”. Mắt bà ta chớp chớp liên hồi. “Cháu, mày không biết ông ấy đã kiêu hãnh thế nào đâu, khi đọc báo thấy mày làm ăn khấm khá, dù lúc đó là ông ấy đã về hưu rồi, ra khỏi hãng rồi”. Một cảm giác thương xót bà già cô đơn từ từ dâng lên nghèn nghẹn trong cổ anh. “Cháu hiểu, mợ May ạ.” Bà già cố mỉm cười. “Và được con vợ xinh đến thế nữa.” Bà nói. “Đừng có làm như người lạ thế. Tại sao cháu không thỉnh thoảng đem nó đến đây uống chè với mợ hả mày?” Anh đột nhiên ôm chầm lấy bà già, hôn lên má bà. “Cháu nhất định sẽ làm thế, mợ ạ”. Anh thốt lên. “Nhất định chúng cháu sẽ đến, sớm ngay đây thôi ạ”. * * * Khi trở lại xưởng, anh thấy Rôda đang ngồi chờ. “Khi cô Uyxơn gọi điện cho em báo rằng anh về muộn, em nghĩ là anh đến đây rồi chúng ta cùng đi ăn cơm tối ở hiệu có khi lại hay đấy, phải không anh?” - Tuyệt. – Anh đáp, hôn nhẹ lên má cô. - Thế nào rồi hả anh? Anh ngồi phịch xuống ghế của mình. “Mợ May đã trao giấy ủy quyền của mợ ấy cho anh.” - Thế có nghĩa là anh có được mười lăm phần trăm để bầu cử. Anh nhìn cô. “Nó chẳng có tác dụng gì lắm nếu anh Giônơx không ủng hộ anh. Irving đã bảo anh là anh ta sẽ bán cổ phần cho Shefild nếu anh Cođơ không mua”. Cô đứng dậy. “Thôi được, anh đã làm hết các việc anh có thể”, cô thốt lên bằng một giọng tỉnh táo, thực tiễn. “Giờ thì ta đi ăn đi”. Cô thư ký bước vào đúng lúc Đêvit đứng dậy. “Thưa ông Ulf, có một bức điện ở Lănđơn gửi cho ông ạ.” Anh cầm lấy cái phong bì, xé ra. QUYẾT ĐỊNH NGÀY BẮT ĐẦU LÀM “NGƯỜI CÓ TỘI”: MỘT THÁNG BA. COĐƠ Anh vừa định đưa nó cho Rôda xem thì cửa mở, cô thư ký lại bước vào. “Thưa ông Ulf, có một bức điện nữa ạ.” Anh vội vàng xé toạc phong bì. Mắt anh lướt nhanh trên tờ giấy. Một cảm giác nhẹ nhõm đột ngột tràn ngập khắp người anh. MAC ALIXTƠ CHUẨN BỊ BẤT KỲ SỐ TIỀN MẶT CẦN THIẾT ĐỂ TRỊ SHEFILD – CHO LÃO TA MỘT ĐÒN NÊN THN VÀO. Cũng như bức điện trước, dưới ký Cođơ. Anh đưa cả hai cho Rôda. Cô đọc, rồi ngẩng lên nhìn anh, mắt sáng ngời. “Ta thắng rồi!” anh phấn khởi thét tướng lên. Anh ôm chầm lấy cô, chực nhấc bổng cô lên thì cửa lại mở. - Gì thế cô Uynxơn? – Giọng anh khó chịu. Cô thư ký ngập ngừng đứng ở ngưỡng cửa. “Thưa ông Ulf, tôi xin lỗi là đã quấy rầy ạ. Nhưng lại vừa có một bức điện nữa tới”. - Ồ, đừng có đứng sững thế. Đưa cho tôi nào. – Anh nhìn Rôda. – Bức này đề gửi cho cả hai chúng ta. – Anh đưa bức điện cho cô. – Em bóc đi. Cô cúi xuống nhìn cái phong bì, rồi ngẩng lên nhìn Đêvit. Một nụ cười hiện ra tươi tắn trên mặt cô. Anh nhìn xuống mảnh giấy trong tay cô. TUYỆT! MONG SẼ ĐẺ SINH ĐÔI! Dưới bức điện này là một chữ ký khác: GIÔNƠX. Quyển bẩy - GIÔNƠX – 1940 1 Thật ngu hết chỗ nói!- Forextow làu bàu, đưa chiếc CAB-200 bổng lên không trung, sau biên đội máy bay khu trục Xpitfaiơ. Ngu cái gì thế? – Tôi hỏi lại, cúi nhìn xuống qua lưng chiếc ghế phi công thứ hai. Lănđơn đã chìm khuất sau màn sương sớm mờ mờ. Mấy đốm lửa của trận ném bom đêm qua vẫn còn đang cháy. – Họ đã không ném máy bay của ta nhưng đã mua hết toàn bộ chỗ B17 mà ta có. Kêu làm quái gì, ta đều biết là họ phải qui chuẩn hóa không quân của họ. Tôi không nói chuyện đó- Rogiơ lẩm bẩm. Động cơ số một và số hai, kiểm tra xong! – Morixây từ phía sau gọi với lên. – Động cơ số ba và số bốn, kiểm tra xong. Các anh có thể cắt nhiên liệu được rồi đấy? Xong. – Rogiơ giảm bớt hỗn hợp nhiên liệu xuống.- Tôi nói về chuyện kia kìa. – Anh phác tay về phía Morixây đang đảm nhận nhiệm vụ của kỹ sư chuyến bay. – Thật là ngốc quá. – Tất cả bọn ta đều lên cùng một máy bay. Nhỡ nó rơi thì sao? Còn ai để nắm vững hãng nữa hả? Tôi ngoác miệng cười với anh ta. “Anh quá lo đấy”. Anh ta mỉm cười đáp lại, nhưng không có chút ý nào hài hước. “Anh trả lương cho tôi để tôi làm vậy mà. Chủ tịch hãng là kẻ phải lo nghĩ. Đặc biệt là trong tình hình ta đang lớn phình ra thế này. Năm ngoái tổng thu nhập của ta là hơn ba trăm triệu đôla; năm nay ta vượt quá một trăm triệu do các đơn đặt hàng quân sự. Chúng ta rồi sẽ phải bắt đầu cất nhắc nhân sự để có người sẽ gánh vác được trách nhiệm, nếu như có chuyện gì xẩy ra với chúng ta”. Tôi với tay lấy một điếu thuốc lá. “Chuyện gì sẽ xẩy ra với chúng ta được hả?” Tôi hỏi, đánh diêm châm lửa. Tôi nhìn anh ta qua màn khói thuốc. “Trừ phi là anh đã cảm thấy ghen ghen với cánh không quân Hoàng gia dưới kia và đang tính tới chuyện quay lại quân đội”. Forextơ vươn người ra, giật điếu thuốc của tôi, đưa lên miệng ngậm. “Giônơx, anh phải hiểu tôi hơn thế chứ lại. Tôi không thể theo được với đám trẻ nữa rồi. Họ sẽ quây vòng lấy tôi mất. Còn nếu tôi phải làm một thứ phi công ghế bành bàn giấy thì thà tôi làm ở đây còn hơn, nơi ít nhất tôi cũng còn ở trong ban tham mưu của anh”. Có một điều gì đó mang ý nghĩa trong lời anh ta nói. Cuộc chiến tranh đang đẩy chúng tôi mở rộng phạm vi công việc tới một mức cả hai đều đã không lường tới. Và chúng tôi cũng chưa chuẩn bị đầy đủ để vào cuộc. Chúng ta phải kiếm một ai đó làm giám đốc nhà máy ở Canađa. Tôi lặng lẽ gật đầu. Anh ta đã đúng – đó là một hành động thông minh vô cùng, mẹ kiếp. Chúng tôi sẽ làm sẵn các phụ kiện ở những nhà máy tại Mỹ rồi chở chúng tới Canađa, nơi có dây chuyền lắp ráp. Và khi xong xuôi, các phi công của Không quân Hoàng gia sẽ bay chúng về Anh. Nếu công việc này thực hiện được, mỗi tháng một máy bay chúng tôi sẽ làm xong sớm được ba tuần. Ý tưởng này còn có một số lợi thế về tài chính nữa. Chính phủ Anh và Canađa sẵn sàng cung cấp tiền cho việc xây dựng nhà máy, và chúng tôi sẽ đỡ được hai khoản. Nhà máy sẽ bớt tổn phí bởi vì chúng tôi không phải đóng tiền thuế lợi tức, còn thuế tổng thu nhập có thể nộp ở Canađa, nơi có mức cho phép giảm giá gấp bốn lần cái mức chú Sam chịu cho phép ở nước mình. Và các thần dân của quốc vương Anh quốc cũng khoái điều đó, bởi sống ở trong khối dùng đồng bảng, họ đỡ phải trả đôla hơn. - Ôkê. Tôi tán thành. Nhưng không có tay nào trong đám đang làm cho ta có đủ kinh nghiệm để đảm nhận một việc lớn như vậy, trừ Morixây. Mà ta thì không thể hy sinh anh chàng được. Anh đã tính đến ai chưa? - Tất nhiên rồi,- Anh nhìn tôi loáng một cái với vẻ là lạ.- Nhưng anh sẽ không thích điều này đâu. Tôi chằm chằm nhìn lại anh ta. “Cứ thử nói xem nào”. - Amôx Uynthrop. - Không! - Ông ta là người duy nhất có thể nắm được việc đó,- Forextơ nói. – Và ông ta sẽ chẳng còn rỗi được bao lâu nữa đâu. Cứ cái đà bành trướng của ngành này như hiện nay sẽ sớm có người khác chộp lấy ông ta mất. - Kệ xác họ! Lão ta là con quỷ dâm dục, là con sâu rượu. Ngoài ra, lão ta làm tan hoang mọi cái lão ta đã từng xây dựng được. - Ông ta biết cách sản xuất máy bay. – Forextơ vẫn khăng khăng. – Anh lại liếc tôi.- Tôi đã nghe nói về cái đã xảy ra với hai người. Nhưng nó không hề liên quan gì tới việc này cả. Tôi lặng thinh không đáp. Trước mặt chúng tôi, chiếc máy bay của biên đội trưởng tốp Xpitfaiơ lắc cánh. Đó là tín hiệu bật rađiô. Forextơ cúi người về phía trước, mở công tắc,. “Gì vậy, đại úy?” - Chúng tôi rời các bạn ở đây thôi, các người anh em ạ… - Ôkê, đại úy. Xin cám ơn các anh. - Đi về may mắn nhé. Và đừng quên gửi cho tụi này những chiếc ra trò đấy. Chúng tôi sẽ cần đến chúng để hè sang năm trả cho toán lính Đức ít nợ cũ. Forextơ cười phá len trong micrô. Người Anh đã trải qua những trận sinh tử tơi bời, vậy mà giờ đây chỉ muốn đánh lại quân địch. “Đại úy, rồi các bạn sẽ có”. - Hay lắm. Tắt rađiô đi nhé. Anh ta lại nghiêng cánh máy bay một lần nữa, rồi tốp khu trục lượn rộng ra, vòng trở lại phía bờ biển nước họ. Sau đó mọi cái trở lại lặng lẽ, một mình chúng tôi bay qua Đại Tây Dương trở về nhà. Tôi cởi dây an toàn buộc thắt lưng ra, đứng dậy. “Nếu anh thấy ổn mọi việc cả, thì tôi lui lại phía sau chợp mắt tí đây!” Rogiơ gật đầu. Tôi mở cửa khoang giữa. “Anh hãy suy nghĩ về cái tôi vừa nói nhé!”, anh ta gọi với lại. - Nếu anh muốn nói về Amôx Uynthrop, thì quên đi nhé! Morixây đang hờ hững ngồi trong cái ghế bành của kỹ sư chuyến bay, thấy tôi vào liền ngẩng đầu lên. “Tôi không thể hiểu nổi”, anh buồn bã nói. Tôi ngồi ghế xuống mép ghế. “Dễ tính ra thôi mà. B-17 bay với tổ lái năm người, còn ta lại cần chín. Như thế có nghĩa là họ có thể đưa lên không số máy bay gần gấp đôi. Một vòng từ đó sang Đức nhiều nhất là ba ngàn hai trăm cây số, do đó họ chẳng cần đến tầm bay tám ngàn cây. Ngoài ra, chi phí hoạt động cho nó chỉ nhỉnh hơn một nửa so với máy bay của chúng ta”. - Nhưng cái máy bay này bay cao hơn ba ngàn mét, nhanh hơn ba trăm hai mươi cây số giờ. Nó được chở gần gấp đôi số bom nữa. – Morixây đáp. - Morixây, anh có cái khổ là anh luôn đi trước thời đại. Người ta chưa chuẩn bị gì để đón nhận những máy bay như kiểu này đâu. Tôi nhìn thấy vẻ bàng hoàng lộ rõ trên mặt anh ta. Trong một thoáng, tôi chợt cảm thấy ái ngại cho anh. Và điều tôi đã nói là rất đúng. Với số lượng và tiền bỏ ra của tôi, anh chàng là công trình sư máy bay lớn nhất thế giờ hiện nay. “Hãy quên đi. Đừng có lo lắng gì cả, rồi thiên hạ sẽ đuổi kịp anh. Rồi có ngày, người ta sẽ bay hàng nghìn chiếc máy bay như thế này”. - Nhưng không phải trong cuộc chiến trnah này đâu.- Anh thốt lên, chịu thua tôi. Anh cầm một cái phích từ hộp các tông lên. – Có lẽ tôi phải đem cho Rogiơ một chút cà phê. Anh ta đi lên phía trước, vào buồng phi công. Tôi nằm duỗi dài trên ghế nệm của kỹ sư chuyến bay. Tiếng gầm gừ đều đều của bốn cái động cơ ù ù trong tai tôi. Tôi nhắm mắt lại. Suốt ba tuần ở Anh, tôi không hề có một đêm ngủ ngon giấc. Chập chờn giữa các trận bom và các cô gái. Bom và con gái. Bom. Con gái. Tôi thiếp đi. Tiếng quả bom rít lên như còi mỗi lúc một to rồi nổ choáng óc ngay gần đó. Mọi câu chuyện quanh bàn ăn ngừng phắt lại trong một thoáng. - Tôi lo cho con bé quá, ông Cođơ ạ. – Người đàn bà có tuổi, mảnh khảnh ngồi bên phải tôi thốt lên. Tôi nhìn bà ta, rồi liếc nhanh sang Morixây ngồi đối diện với mình. Mặt anh chàng căng thẳng, tái mét. Tôi quay sang phía người đàn bà. Quả bom đã thực sự rơi đúng vào nhà hàng xóm, bà ta vẫn ngồi đây lo cho con gái bà ta, tận tít bên Mỹ. Nhưng có lẽ bà ta phải lo lắng thế thật. Bà ta là mẹ của Monica. - Tôi không hề gặp Monica từ khi nó chín tuổi. Bà Hôlm nói tiếp, vẻ căng thẳng. – Thế là đã gần hai mươi năm rồi. Tôi thường nghĩ về nó nhiều lắm. Bà không nghĩ về cô ấy nhiều lắm đâu, tôi thầm nhủ. Trước kia tôi đã ngờ là các bà mẹ thì khác. Nhưng té ra họ cũng chẳng hơn gì các ông bố cả. Họ nghĩ trước tiên là cho họ. Ít nhất thì tôi cũng có chung một cái với Monica. Cha mẹ chúng tôi không thèm ngó ngàng gì đến chúng tôi hết. Mẹ tôi thì chết, còn mẹ Monica thì bỏ trốn nhà theo giai. Bà ta ngước mắt nhìn tôi, cặp mắt tím sâu thẳm dưới hàng lông mi đen rất dài. Tôi có thể hình dung ra cái nhan sắc của bà ta về truyền lại cho cô con gái. “Ông Cođơ, liệu ông có nghĩ là khi về Mỹ ông sẽ gặp nó không?” - Thưa bà Hôlm, tôi không chắc đâu ạ. Monica sống hiện giờ ở Niu Yooc. Còn tôi ở Nêvađa. Bà lặng thinh một hồi. Rồi cái ánh mắt sâu thẳm ấy nhìn xoáy vào tôi. “Ông không thích tôi lắm, ông Cođơ nhỉ?” - Bà Hôlm, tôi thực không hề nghĩ tới điều ấy, - Tôi đáp nhanh. – Tôi xin lỗi là đã gây nên ấn tượng ấy. Bà ta mỉm cười: “Không phải bởi vì ông đã nói cái gì quá đáng đâu. Mà là tôi cảm thấy ông bất giác chùn người lại khi nghe thấy tôi giới thiệu mình là ai?” Bà ta bứt rứt nghịch cái thìa trong tay. “Tôi biết rằng Amôx đã kể hết mọi cái về tôi cho ông nghe… về chuyện tôi đã bỏ đi theo một gã đàn ông như thế nào, để lại một đứa con nhỏ cho ông ta phải nuôi ra sao, phải không nào?” - Ông Uynthrop và tôi chưa bao giờ gần gũi với nhau đến mức độ ấy đâu ạ. Chưa bao giờ chúng tôi nói gì về bà cả. - Ông phải tin tôi, ông Cođơ. – Bà ta thì thào, giọng đột nhiên căng thẳng.- Tôi không hề bỏ rơi con gái tôi. Tôi muốn nó biết như vậy, và thông cảm về điều ấy. Thật chả hề có tý gì thay đổi cả. Đối với các bậc làm cha làm mẹ người ta, họ thấy điều con cái hiểu họ, thông cảm với họ là quan trọng hơn việc họ phải thông cảm với chúng, hiểu chúng. - Amôx Uynthrop là một kẻ trụy lạc đàng điếm và một gã lừa đảo.- Bà nói khẽ khàng, không hề có một chút gì cay độc. – Mười năm lấy nhau của chúng tôi là mười năm sống trong địa ngục. Ngay trong tuần trăng mật, tôi đã phát hiện ra ông ta dan díu với những người đàn bà khác. Và cuối cùng, khi tôi yêu một người đàn ông tử tế, trung thực, ông ta hăm dọa tôi, bắt tôi phải từ bỏ con gái nếu không ông ta làm chuyện vỡ lở ra, làm cho người sĩ quan Hoàng gia Anh ấy phải mất nghiệp. Tôi nhìn bà ta. Những điều đó có lý lắm. Amôx rất thông thạo trong những trò như vậy. Tôi đã từng biết. “Bà đã bao giờ viết thư cho Monica nói cho cô ấy biết chưa?” - Làm sao mà người ta có thể viết những điều ấy cho chính con gái của người ta được hả ông? Tôi lặng thinh. - Khoảng mười năm trước, tôi có nghe Amôx báo là ông ta sẽ gửi nó đến ở với tôi. Tôi khi ấy đã nghĩ rằng khi con bé đã hiểu tôi, tôi sẽ giải thích và rồi nó sẽ thông cảm.- Bà khẽ gật đầu. – Tôi đọc báo thấy cuộc hôn nhân của ông, và nó không hề sang đây nữa. Người quản gia bước vào, dọn các đĩa bát ăn rồi mang đi. Một người hầu khác đặt mấy cái tách uống cà phê xuống trước mặt chúng tôi. Khi anh ta đã đi khỏi, tôi nói: “Thưa bà Hôlm, bà định muốn tôi làm gì ạ?” Cặp mắt bà chăm chú nhìn tôi một hồi. Tôi thoáng thấy chúng mờ đi, ươn ướt. Nhưng giọng bà vẫn vững vàng. “Ông Cođơ ạ, nếu có dịp nào đó ông tình cờ nói chuyện với nó, xin nói cho nó biết rằng tôi đã hỏi thăm về nó, nghĩ tới nó, rằng tôi rất mừng, rất vui nếu nó viết thư cho tôi”. Tôi chậm rãi gật đầu. “Thưa bà Hôlm, tôi sẽ làm thế!” Ông quản gia bắt đầu rót cà phê. Và những tiếng bom xa ì ầm vọng vào căn phòng đã buông rèm kín, hệt như những tiếng sấm thuở Lănđơn còn thanh bình. * * * Tôi mở choàng mắt, tiếng gầm của bốn cái động cơ to tướng ập ngay vào tai tôi. Morixây đang ngồi trong cái ghế bành cạnh tôi, tay chống đầu nghẹo về một bên, gà gà ngủ. Anh choàng dậy khi tôi ngồi nhỏm lên. “Tôi đã ngủ bao lâu thế?”, tôi hỏi. - Khoảng bốn tiếng gì đó. - Có lẽ giờ phải thay phiên cho Rogiơ thôi. – Tôi đứng dậy. Thấy tôi bước vào buồng lái, Rogiơ ngẩng lên nhìn. “Anh hẳn là đã mệt lắm. Anh ngáy to đến nỗi ở đây, tôi đã bắt đầu nghĩ là ta có năm cái động cơ chứ không phải bốn đâu!” Tôi ngồi phịch xuống cái ghế phi công thứ hai. “Có lẽ tôi thay cho anh nghỉ một chút. Ta đang ở đâu?” - Quãng này này, - Anh trỏ tay vào cái bản đồ đặt trên giá ở giữa chúng tôi. Tôi cúi xuống nhìn. Chúng tôi bay ra đại dương được khoảng một ngàn sau trăm cây số. - Ta bay chậm đấy. Anh gật đầu. “Chúng ta đã đâm thẳng vào một luồng gió ngược”. Tôi với tay kéo cái cần lái lại phía mình cho tới khi nó vào khớp chỗ tôi. “Được rồi. Tôi đã nắm được toàn bộ máy bay rồi!” Forextow rời cần lái của anh, đứng dậy, vươn vai. “Có lẽ tôi cố chợp mắt một lúc xem sao? - Đi đi. – Tôi nhìn qua cửa chắn gió. Trời bắt đầu mưa. - Anh có thể thức được mấy tiếng chứ hả? - Được mà. Anh ta bật cười thành tiếng. “Hoặc là anh cừ hơn tôi, Guaga Đin ạ, hoặc là tôi đã già mất rồi. Ở bên ấy, đã có lúc tôi nghĩ rằng anh sẽ “cối” tất cả đàn bà nước Anh mất”. Tôi ngẩng lên nhìn anh, toét miệng cười. “Với tốc độ bom rơi như thế, tôi nghĩ là phải tận dụng hết các dịp may”. Anh ta lại bật cười và rời buồng lái. Tôi quay lại bảng điều khiển. Rõ ràng là không phải chỉ mình tôi có cảm giác ấy. Nhất định là đám con gái cũng nghĩ như vậy. Trong cái cách họ đến với ta, thương ta, có một vẻ gì đó tuyệt vọng vô cùng, quyết liệt vô cùng. Bây giờ thì trời bắt đầu đổ tuyết, những bông tuyết to xoáy tít, đập bồm bộp vào kính chắn gió. Tôi bật máy làm tan băng, ngắm các bông tuyết chảy tan thành nước trên lớp thủy tinh plêxi. Tốc độ máy bay là ba trăm sáu và đang chậm dần. Như vậy có nghĩa là cơn gió ngược đang mạnh lên. Tôi quyết định tăng độ cao xem sao. Tôi kéo cần lái vào lòng. Chiếc máy bay từ từ ngóc lên. Chúng tôi ngoi khỏi mây, lao vào bầu trời rực nắng ở bốn nghìn mét. Tôi khóa đồng hồ bù chuyển và cảm thấy máy bay trở lại bay bằng. Chuyến bay thông đồng bén giọt suốt chặng đường về còn lại. 2 Rôbe đứng chờ ở khung cửa mở khi tôi từ thang máy bước ra. Mặc dù lúc này là bốn giờ sáng, bác vẫn nom tươi tỉnh, mắt mở to tinh nhanh như vừa mới ngủ dậy. Bộ mặt đen bóng của bác sáng lên một nụ cười, nổi bật trên nền áo sơ mi trắng và chiếc vét tông quản gia cắt vừa như in người bác. “Chào ông Cođơ ạ. Ông bay yên lành chứ ạ?” - Chào bác Rôbe, chuyến bay tốt lắm, cám ơn bác. Bác đóng cánh cửa phía sau mình lại. “Có ông Mac Alixtơ đang chờ trong phòng khách. Ông ấy đợi từ tám giờ sáng hôm qua đấy ạ.” - Được, tôi sẽ nói chuyện với ông ấy. – Tôi đi qua gian nhà ngoài. - Tôi sẽ đem cho ông mấy cái bánh mỳ kẹp thịt và cà phê ạ, thưa ông Cođơ. Tôi đứng dừng lại, nhìn bác da đen cao lớn. Bác nom không hề già đi chút nào cả. Mớ tóc bác vẫn đen nhánh và dầy cộp, vóc người bác vẫn chắc nịch, vạm vỡ như một người khổng lồ. “Hì, bác Rôbe, bác có biết không, tôi nhớ bác lắm đấy!” Bác lại mỉm cười. Nụ cười không chút khúm núm quỵ lụy hay giả dối. “Tôi cũng nhớ ông, ông Cođơ ạ”. Tôi quay đi, bước vào phòng khách. Rôbe không chỉ là một người bạn. Về một phương diện nào đó, bác là vị thần hộ mệnh của tôi. Tôi không biết mình sẽ gượng dậy ra sao sau khi Raina chết, nếu không có Rôbe. Đến lúc tôi lần về được Renô từ Niu Yooc, người tôi là một cái xác không hồn. Tôi không thiết làm ăn gì nữa cả, chỉ uống, uống và quên đi mọi cái. Tôi gần gũi đụng chạm đến con người thế là đủ. Ba tôi đã cười trên vai tôi như một thằng da đỏ sống trên sa mạc cưỡi trên con ngựa hoang của nó. Bà vợ ông ta chính là người tôi thèm khát bấy lâu. Bà vợ ông ta chính là người đã chết. Vậy tại sao tôi lại khóc? Tại sao lòng tôi lại hoang trống thế này? Rồi một sớm, tôi tỉnh dậy trên nền đất bẩn thỉu, sau căn buồng của Nêvađa ở gian nhà ngang, thấy Rôbe đang cúi xuống nhìn mình. Tôi lờ mờ nhớ lại là đã từng dựa người vào tường căn nhà, uống nốt chỗ rượu uyxky ngô trong một cái chai. Đó là đêm qua. Tôi từ từ ngoảnh đầu sang một bên. Cái chai không nằm chỏng chơ bên cạnh. Tôi cảm thấy hai tay Rôbe luồn qua nách tôi, xốc tôi dậy. Chúng tôi bắt đầu chập choạng bước trên nền đất cứng quèo. “Cám ơn bác”, tôi khoan khoái dựa vào người bác. “Có được mấy ngụm rượu nữa là tôi khỏe ngay thôi mà”. Giọng bác khẽ khàng và dịu dàng đến nỗi thoạt đầu tôi ngỡ là mình đã không nghe ra. “Ông Cođơ ạ, sẽ không có thêm một giọt uytxky nào nữa”. Tôi trợn mắt, ngẩng phắt đầu lên nhìn. “Hả, anh bảo sao?” Đôi mắt to của bác ta thăm thẳm, không có một vẻ gì cả. “Sẽ không có một giọt uytxky nào nữa, ông Cođơ ạ”, bác nhắc lại, “tôi nghĩ là đã đến lúc ông nên thôi uống rượu được rồi”. Cơn giận đột ngột bùng lên trong người tôi, làm tôi khỏe hẳn. Tôi vằng người ra khỏi Rôbe. Anh nghĩ anh là cái chó gì thế hả?” Tôi quát lên: “Ta muốn uống, là ta cứ uống”. Bác ta lắc đầu, “Không thêm một giọt uytxky nào nữa. Ông không còn bé bỏng gì. Ông không thể cứ bỏ chạy, vùi đầu vào rượu, mỗi khi gặp phải một chuyện gì không hay đâu. Tôi trợn mắt nhìn bác ta, nghẹn lời, từng đợt sóng căm giận lẫn bàng hoàng dâng nghẹn người tôi, lạnh ngăn ngắt. Mãi một hồi lâu, tôi mới thốt nổi ra lời. “Xéo. Mày bị đuổi”. Tôi thét lên. “Không một thằng da đen chó đẻ nào sẽ làm chủ tao đâu nhé!” Tôi quay ngoắt người, chực bước về tòa nhà. Tay Roobe đụng vào vai tôi. Tôi quay lại. Một nỗi buồn sâu xa hiện lên trên mặt bác ta. “Tôi xin lỗi, thưa ông Cođơ”. - Rôbe, xin xỏ bây giờ cũng chẳng được cái chó gì nữa đâu. - Ông Cođơ ạ, tôi không xin lỗi về những điều tôi đã nói đâu. – Bác ta âm thầm đáp lại. Rồi, tôi thấy nắm đấm khổng lồ, như búa tạ của bác vụng về phía tôi. Tôi cố sức nhẩy tránh sang một bên, nhưng thân thể tôi có vẻ như không chịu sự điều khiển của tôi nữa. Và tôi lại chìm lịm vào màn đêm đen kịt. Lần này, tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường, đắp những tấm chăn vải sạch. Lò sưởi đang tí tách cháy. Tôi cảm thấy người rất yếu. Tôi ngoảnh đầu sang bên. Rôbe đang ngồi trên một cái ghế cạnh giường. Trên chiếc bàn cạnh bác ta là một cái liễn nhỏ đựng xúp. “Tôi mang xúp nóng đến cho ông đây.”, bác nói, nhìn thẳng vào mắt tôi. - Tại sao anh lại đem ta lên đây? - Không khí miền núi sẽ làm sức khỏe ông chóng hồi phục. - Ta sẽ không ở.- Tôi nhỏm dậy. Tôi đã có đủ chuyện với căn nhà gỗ nhỏ này rồi. Lần trước. Trong tuần trăng mật ấy. Bàn tay to của Rôbe đẩy tôi nằm xuống. “Ông sẽ ở lại”, bác nói khẽ khàng, cầm cái liễn lên, đưa thìa vào trong múc xúp ra, chìa cho tôi. “Ăn đi”. Trong giọng nói khẽ khàng của bác ta có một vẻ oai nghiêm đầy quyền lực đến mức vô tình, tôi há miệng ra không kịp nghĩ. Ngụm xúp nóng bỏng chạy thấm vào dạ dày tôi. Rồi xực nhớ, tôi gạt tay bác ta ra. “Tôi không muốn ăn”. Tôi chằm chằm nhìn thẳng vào cặp mắt đen thẳm của bác một hồi lâu. Ròi lòng tôi chợt quặn lên một miền đau đớn vò xé và cô đơn hơn bao giờ hết. Và đột ngột, tôi òa lên khóc. Rôbe đặt cái đĩa xuống. “Cứ khóc đi, ông Cođơ. Khóc cho thỏa đi ông ạ. Nhưng rồi ông sẽ thấy nước mắt chẳng làm hại ông được như rượu uyxky đâu”. Cuối cùng khi tôi bước ra, bác đang ngồi ngoài hiên trong ánh nắng chiều muộn. Xung quanh một màu xanh ngắt, các cây to, các bụi cây chạy tít xuống chân núi, tới khi chạm vào rìa cát đỏ và vàng của sa mạc. Nghe thấy tiếng tôi mở cửa, bác đứng dậy. Tôi đi đến bên lan can hàng hiên, nhìn xuống. Chúng tôi đang ở cách rất xa đám người bon chen dưới kia. Tôi quay lại nhìn bác ta. “Chiều nay ta ăn gì, bác Rôbe?”. Bác nhún vai. “Thưa ông Cođơ ạ, nói thật ra tôi đang chờ xem ý ông thế nào đã”. - Ở dòng suối dưới kia có một con cá hồi to đến mức bác chưa từng thấy đâu. Bác mỉm cười. “Cơm cá hồi có vẻ tuyệt đấy, ông Cođơ ạ”. Và gần hai năm sau, chúng tôi mới xuống núi. Thú săn được khá sẵn, và mỗi tuần một lần. Rôbe lái xe xuống núi lấy thêm đồ cần thiết. Tôi gầy bớt đi, đen hơn bởi dãi nắng nhiều và các dấu vết của cuộc sống ở các thành phố lớn mất dần, những bắp thịt ở người tôi cứng dần, lớn hẳn lên. Chúng tôi đề ra một lề thói làm việc và thật ngạc nhiên thấy công việc làm ăn không có tôi vẫn chạy đến thế. Đúng là nó chứng minh cho cái tiền đề quen thuộc: một khi anh đã đạt được đến độ lớn nhất định ấy, thì khó mà có thể ngăng anh không lớn thêm được nữa. Tất cả các công ty đều ăn ra làm nên, từ có mỗi hãng phim. Nó được cung cấp đủ vốn, nhưng điều ấy đối với tôi cũng chẳng có gì quan trọng. Mỗi tuần ba lần, tôi nói chuyện bằng điện thoại với Mac Alixtơ. Như thế thường là đủ giải quyết mọi vấn đề. Tháng một lần, Mac lái xe theo con đường ngoằn ngoèo lên căn nhà gỗ, cái cặp của anh đầy các giấy tờ cho tôi ký hoặc các báo cáo để tôi nghiên cứu. Mac là một con người chu đáo đến kỳ lạ. Hầu như có rất ít cái thoát khỏi cặp mắt chăm chú của anh. Bằng một cách bí hiểm nào đó, mọi vấn đề quan trọng nào đó trong bất kỳ một công ty nào cũng tìm được đường xuất hiện trong các báo cáo của anh. Tôi biết có nhiều cái đáng ra tôi phải đích thân tham dự, nhưng không hiểu sao, mọi việc giờ đây có vẻ như lùi xa hẳn tôi, trở nên không đáng kể. Chúng tôi đã sống như thế gần được một năm rưỡi thì có người khách đầu tiên từ thế giới bên ngoài đến thăm. Tôi đi săn về, đang ngược đường mòn leo lên, tay vung vẩy một đôi chim cun cút thì chợt nhận ra là có một cái ôtô lạ đỗ ở trước tòa nhà gỗ. Một chiếc Chêry mang biển số của bang Caliphonia. Tôi đi vòng ra đằng trước, ngó vào bảng đăng ký gắn ở cột tay lái: Rôda Xtraxme, B.S 1104 đường bờ biển Malibu, Cal. Tôi quay đi, bước về phía căn nhà. Một người phụ nữ trẻ đang ngồi trên đivăng hút thuốc. Cô ta có mớ tóc đen, mắt xám, cái cằm lộ vẻ cương nghị. Khi cô gái đứng dậy, tôi để ý thấy cô ta mặc một cái quần bò Lêvi đã bạc không hiểu sao nhấn mạnh rất khéo những đường cong thon thả, đặc biệt phụ nữ ở hai hông. “Ông là ông Cođơ ạ?”, cô ta hỏi, chìa tay ra cho tôi, giọng thoáng lơ lớ, “Tôi là Rôda Xtraxme, con gái của ông Ôtô Xtraxme”. Tôi nắm lấy tay cô gái, chằm chằm nhìn cô một hồi. Cái nắm tay của cô rất chặt. Tôi cố không để lộ ra một thoáng khó chịu trong giọng nói. “Làm sao mà cô lại biết cách tìm tôi ở đây vậy?” Cô rút ra một cái phong bì, chìa ra cho tôi. “Ông Mac Alixtơ nhờ tôi chuyển cái này, khi ông ấy nghe thấy rằng tôi sẽ lái xe qua đây trong kỳ nghỉ phép của tôi”. Tôi mở phong bì, nhìn chỗ giấy tờ bên trong. Chả có gì quan trọng đến mức không thể chờ tới lần lên sau của anh ta cả. Tôi quăng nó xuống bàn. Đúng lúc ấy, Rôbe bước vào phòng. Bác ta vừa nhìn tôi với ánh mắt là lạ vừa đỡ lấy đôi chim cun cút và khẩu súng mang xuống bếp. - Tôi mong là đã không làm phiền ông, ông Cođơ ạ. – Cô gái nói nhanh. Tôi nhìn cô ta. Dù tôi có cảm thấy thế nào, thì đó cũng không phải là lỗi của cô ta. Đó là lời nhắc nhủ không laýa gì làm kín đáo lắm của Mac rằng tôi không thể cứ sống mãi ở trên núi được. “Không đâu”. Tôi đáp. “Cô phải tha thứ cho sự ngạc nhiên của tôi nhé. Chúng tôi ở trên này không có được nhiều khách tới thăm đâu”. Cô gái đột nhiên nhoẻn miệng cuời. Khi cô mỉm cười, khuôn mặt cô sáng bừng lên một vẻ đẹp kỳ lạ. “Và tôi có thể hiểu tại sao ông không mời thêm người lên đây, ông Cođơ ạ. Quá hai người là sẽ làm một cái thiên đường như thế này trở nên chật chội ngay”. Tôi lặng thinh không trả lời. Cô ngần ngừ một thoáng, rồi chực đi ra cửa. “Tôi giờ phải đi rồi”, cô vụng về thốt lên. “Tôi rất mừng là đã gặp ông. Tôi đã được nghe ba tôi nói ra rất nhiều về ông đấy”. - Bác sĩ Xtraxme! Cô ngạc nhiên quay người lại, “Gì thế ạ? Ông Cođơ”. - Tôi phải xin cô tha lỗi cho tôi một lần nữa. – Tôi nói nhanh. – Sống mãi ở cái xó này, tôi có vẻ quên hết những thói quen lịch sự mất rồi. Ông cụ nhà ta có khỏe không ạ? - Ba tôi khỏe và vui lắm ạ, nhờ có ông đấy, ông Cođơ ạ. Ông cụ cứ kể mãi không biết mệt rằng ông đã làm thế nào buộc được Gơrinh phải để cụ rời khỏi nước Đức. Ông cụ nghĩ ông là một người rất dũng cảm. Tôi mỉm cười. “Bác sĩ ơi, chính ông cụ cô mới là người dũng cảm. Cái tôi đã làm thực ra là rất ít”. - Đối với má tôi và tôi, thì đó lại là rất lớn. – Cô đáp và lại ngập ngừng.- Giờ thì tôi phải đi thực rồi. - Cô ở lại ăn cơm chiều với chúng tôi đã. – Tôi đáp.- Bác Rôbe có một kiểu nhồi cun cút với gạo hoang mà tôi nghĩ là cô sẽ rất thích sau khi đã thưởng thức. Cô đưa mắt nhìn tôi, vẻ dò hỏi trong một thoáng. “Tôi sẽ ở lại”, cô đáp. “Nhưng với một điều kiện- là anh sẽ gọi tôi là Rôda, chứ không phải là bác sĩ”. - Đồng ý. Giờ thì mời cô ngồi xuống lại đi. Tôi sẽ bảo bác Rôbe mang cho cô chút gì uống. Nhưng bác Rôbe đã hiện ra ở cửa, với một bình ruợu Mactini. Khi chúng tôi ăn xong, thì đã quá muộn để cô ra về. Thế là bác Rôbe xếp dọn cái buồng khách bé xíu để cho cô. Cô đi ngủ. Tôi ngồi lại một hồi lâu trong phòng khách rồi đi về phòng mình. Sau bao nhiêu tháng, lần đầu tiên tôi lại mất ngủ. Tôi nằm ngửa, trân trân nhìn những bóng đen nhảy nhót trên trần nhà. Có tiếng động ở cửa, tôi ngồi nhỏm dậy. Cô đứng lặng lẽ ở ngưỡng cửa một thoáng, rồi tiến vào phòng. Đến bên giường tôi, cô dừng lại, cúi xuống nhìn. “Đừng có sợ, con người cô đơn ạ”, cô thì thào, giọng dịu dàng. “Em không đòi hỏi gì hơn ngoài đêm nay”. - Nhưng, Rôda… Em đặt một ngón tay lên miệng tôi, ra hiệu im lặng. Rồi em buông người xuống giường, ấm áp vô cùng, đàn bà vô cùng, nồng nàn hết mức, cảm thông hết mức. Em nâng niu đầu tôi trên bầu ngực của mình như một người mẹ nâng niu đứa trẻ. “Giờ thì em hiểu tại sao Mac Alixtơ lại bảo em lên đây rồi”. Tôi ấp hai tay đỡ lấy đôi vú trẻ trung rắn chắc của em, thì thào, “Roda, em đẹp lắm”. Tôi thấy em khẽ cười: “Em biết mình đâu có đẹp. Nhưng em rất vui khi được nghe anh nói thế với em”. Em nằm ngửa ra, đầu đè lên gối, nhìn thẳng vào tôi, cặp mắt dịu dàng, ấm áp. “Nào, anh yêu[94] ([i])…” em khẽ nói, vòng tay ôm lấy tôi. “Anh đã đem ba em trở lại thế giới của ông cụ. Hãy để em cố đem anh trở về lại với thế giới của anh”. Sáng hôm sau, khi ăn sáng xong, khi Roda đã đi, tôi trở lại phòng khách, trầm tư. Đang dọn bát đĩa ở bàn, Rôbe ngẩng lên nhìn tôi. Chúng tôi không nói. Chúng tôi không cần phải nói. Trong khoảng khắc ấy, cả hai chúng tôi đều hiểu rằng việc xuống núi chỉ còn là vấn đề thời gian. Thế giới đối với tôi không còn xa cách nữa. Mac Alixtơ đang thiu thiu ngủ trên cái đivăng khi tôi bước vào phòng khách. Tôi đến bên anh, đụng tay vào vai anh. Anh mở bừng mắt. “A. chào anh Giônơx”, anh ngồi nhỏm dậy, dụi dụi mắt, móc lấy một điếu thuốc, châm lửa. Một thoáng sau, cơn ngái ngủ biến mất khỏi mắt anh. “Tôi chờ anh vì Shefild đang đòi gặp anh ngay”. Tôi buông mình xuống cái ghế đối diện với Mac. “Đêvit đã mua cổ phần chưa?” - Rồi. - Lão Shefild đã biết chưa? - Tôi nghĩ là chưa. Nghe cái lối ông ta nói, tôi đoán rằng ông ta vẫn nghĩ là đang nắm nó trong túi ông ta.- Anh vùi tắt điếu thuốc vào gạt tàn.- Shefild nói là nếu anh gặp ông ta trước cuộc họp đó, ông ta có thể tính toán để ý đến chỗ cổ phần của ông ta. Tôi bật cười. “Lão già tử tế quá, phải không?” Tôi đã tung giầy ra khỏi chân. “Bảo lão xéo đi cho rảnh”. - Hượm đã, Giônơx, - Mac nói nhanh. – Tôi chó là anh dù sao cũng nên gặp ông ta. Ông ta có thể gây được chuyện lằng nhằng đấy. Xét cho cùng, ông ta đại diện đến ba mươi phần trăm cổ phần đấy. - Kệ xác lão. – Tôi đáp gọn lỏn.- Nếu lão ta muốn chơi nhau, tôi sẽ vặt trụi lông lão. - Dù sao thì cũng đi gặp lão ta đi, - Mac giục- Anh đã có quá nhiều việc phải lo hơn là dính vào một cuộc tranh giành như vậy. Mac lại có lý, như thường lệ. Tôi không thể một lúc có mặt ở sáu nơi được. Ngòai ra, tôi muốn làm phim Người có tội, tôi không muốn để một cái đơn kiện của một số thiểu số cổ phần ngu ngốc nào đó ngăn cản ngày sản xuất nó. - Thôi được. Gọi điện bảo ông ta tới đây ngay. - Ngay bây giờ ư?- Mac hỏi lại.- Lạy Chúa tôi! Mới có bốn giờ sáng. - Vậy thì sao? Lão ta là người muốn gặp cơ mà. Mac đi đến điện thoại. - Và khi anh nói chuyện với lão già xong, gọi dây nói cho Môrôni ở khu Bờ biển hỏi xem ngân hàng có cho tôi mượn tiền để mua lại cổ phần của Shefild không, nếu tôi ký các rạp chiếu bóng làm đồ cầm cố cho họ. Thật vô lý nếu phải chi phí thêm tiền túi của tôi hơn cái mức độ tôi đã bỏ ra như hiện nay. 3 Tôi chăm chú nhìn Shefild nhấc tách cà phê đen đưa lên miệng ông ta. Tóc ông ta còn bạc hơn, thưa hơn, nhưng cặp kính không gọng vẫn sáng lòa một cách tham lam trên cái mũi mỏng, dài thườn thượt của ông ta. Vậy mà ông ta chấp nhận thất bại một cách ung dung thoải mái hơn nhiều so với tôi, giả sử tình thế ấy rơi vào tôi chẳng hạn. - Giônơx, tôi đã nhầm ở chỗ nào nhỉ? – Ông ta thản nhiên hỏi giọng thờ ơ như một bác sĩ nói với bệnh nhân. – Rõ ràng là tôi sẵn sàng trả đủ hết cơ mà. Tôi buông người rơi xuống cái ghế bành của mình. “Ông suy tính đúng. Có điều là ông dùng nhầm loại tiền phải trả”. - Tôi hiểu. - Dân điện ảnh khác với những người khác. Tất nhiên họ cũng thích tiền như bất kỳ ai. Nhưng họ còn muốn một cái khác mạnh mẽ hơn cơ. - Quyền lực ư? Tôi lắc đầu. “Chỉ một phần thôi. Cái họ muốn nhất trên đời là làm phim. Không phải là những bộ phim loàng xoàng mà là các tác phẩm lớn sẽ đem lại danh tiếng, sự công nhận cho họ. Họ muốn coi mình là nghệ sĩ. Có đầy đủ tiền nong, tất nhiên; nhưng đồng thời là nghệ sĩ nữa cơ? - Do vậy nên họ tin vào những lời hứa của anh, bởi anh cũng là người làm phim chứ gì? - Tôi cho rằng như vậy.- Tôi mỉm cười. – Khi tôi làm một bộ phim, họ cảm thấy rằng tôi cũng san sẻ với họ những nguy cơ thành bại. Tôi không đánh liều với tiền nong. Mọi cái tôi làm đều đâu vào đấy hết. Danh tiếng của tôi, khả năng của tôi, cái tự phụ sáng tạo của tôi. - Tự phụ sáng tạo? - Đấy là một thuật ngữ tôi mượn của Đêvit Ulf. Anh ta đã dùng nó để phân hạng các nhà làm phim. Những người nào có nó thì làm ra các tác phẩm lớn. Kẻ nào không, thì chỉ đẻ ra phim. Nói tóm lại, họ chọn tôi hơn là đi với ông bởi vì tôi sẵn sàng chịu sự đánh giá theo khuôn mẫu của họ. - Tôi hiểu ra rồi.- Shefild tư lự thốt lên. – Tôi sẽ không mắc lại sai lầm này nữa. - Tôi chắc như vậy. – Một cảm giác ngờ vực dậy lên ở trong tôi. Thế này thì dễ dàng quá. Lão ta có vẻ quá nhún nhường nhận lấy thất bại. Lão ta vốn là một cao thủ có kém ai đâu. Mà cao thủ thì không dễ chịu chết ngay bao giờ. Ngòai ra, tòan bộ cách đặt vấn đề trong việc này cũng khác với lệ thường của lão. Shefild là một gã chuyên về tài chính. Lão làm ăn với người khác về chuyện tiền nong cơ. Vậy mà trong trường hợp này, lão liên hệ thẳng với những người làm phim. Thường thì đáng ra lão phải tiếp xúc trực tiếp với tôi ngay. Chúng tôi sẽ đôi co, rồi sẽ nhân nhượng với nhau một chút, và hài lòng chấp nhận cả đôi. Chỉ có thể có một câu trả lời cho sự khác thường này. Cái chuyện xẩy ra ở Anh lúc tôi đang ở bên đó đột nhiên mang ý nghĩa rất rõ. Tôi vừa ra khỏi phòng chiếu phim của văn phòng của chúng tôi ở Lănđơn, xem xong bộ phim quay thử Gieny Dentơn cùng với viên giám đốc bán hàng của hãng đó, thì chuông điện thoại réo trong phòng giám đốc. Ông ta nhấc nó lên, nói chuyện mấy phút, rồi đặt ống nghe xuống nhìn tôi. - Đám tổng đại lý phát hành phim cho mạng lưới rạp của ông Engiơl. Họ đang cuống cuồng lên vì phim. Các xưởng làm phim của họ đã tan tành ngay từ đợt ném bom lần thứ nhất. Mà họ thì lại không ký hợp đồng sản xuất cùng với các hãng bên Mỹ như những người khác. - Thế họ định làm gì bây giờ?- Miệng tôi hỏi, óc vẫn nghĩ về bộ phim thử. Lần đầu tiên kể từ ngày Raina chết, tôi lại cảm thấy người rạo rực một cảm giác rất lạ kỳ, chỉ xuất hiện lúc tôi muốn làm phim. Tôi nửa nghe nửa không nghe câu trả lời của ông ta. - Tôi không biết.- Ông ta đáp. – Họ có bốn trăm rạp cả thẩy. Và nếu sáu tháng nữa, họ không xoay thêm được phim, thì một nửa số rạp đó buộc phải đóng cửa. - Tồi thật nhỉ.- Tôi cũng chỉ để ý thương đám ấy được đến thế. Engiơl, giống như Kođa, là dân vùng Trung u di cư đến làm ăn ở nước Anh này. Nhưng trong khi Kođa chỉ chuyên để ý đến sự việc sản xuất phim cũng chỉ là giải quyết vấn đề cung cấp cho chúng mà thôi. Còn các hãng Rank, Sư tử Anh, Gomôngt, Liên hiệp thì dã xoay xở nắm được toàn bộ ngành sản xuất ở Anh cũng như ở Mỹ. Nhưng chẳng có lý do gì phải thương khóc ông ta cả. Tôi đã từng nghe thấy rằng vốn đầu tư của ông ta tại Mỹ lớn đến hơn hai mươi triệu đô la. Sau đó tôi quên bẵng cuộc đối thoại. Giờ tôi nhớ lại. Nó phù hợp với chuyện này vô cùng. Nếu Engiơl lén cướp được hãng phim dưới mũi tôi thì thật là một trò tuyệt. Và đấy cũng là cái ngón đòn mà bộ óc Trung u của ông ta có thể nghĩ ra được. Tôi nhìn Shefild. “Giờ thì Engiơl định làm gì với chỗ cổ phần nào?”- Tôi hờ hững hỏi. - Tôi không rõ.- Ông ta buột miệng. Rồi nhìn tôi. – Thật rõ rồi.- Ông ta đáp dịu dàng. – Giờ thì tôi hiểu tại sao chúng tôi không đi tới đâu cả. Anh biết tỏng mọi cái. Tôi lặng thinh. Có thể đoán ra được cái bộ mặt ngạc nhiên của Mac ngồi đằng sau ông ta, nhưng tôi làm bộ lơ đi. - Vậy thì lại bắt đầu tin vào cái khoản anh tống cho tôi, việc dân làm phim ưa sản xuất với nhau ấy.- Shefild đáp. Tôi mỉm cười. “Bây giờ, khi hợp đồng đã xôi hỏng bỏng không, tôi cho rằng Engiơl chả còn cách nào khác ngòai việc đóng cửa rạp. Ông ta không đào đâu ra phim được nữa”. Shefild lặng thinh, cặp mắt mệt mỏi. “Thôi được, Giônơx, ý anh muốn gì?” Liệu ông Engiơl có muốn mua “Công ty phát hành phim Noman, hữu hạn” ở Anh không nhỉ? Như vậy sẽ bảo đảm cho việc ông ta có được phim của chúng tôi, và có thể không phải đóng cửa các cái rạp tội nghiệp ấy. - Ông ta phải mất bao nhiêu để có nó? – Shefild hỏi. - Ông ta đang nắm bao nhiêu cổ phần nhỉ? - Khoảng sáu trăm ngàn cổ phiếu. - Ông ta phải mất chỗ ấy đấy. – Tôi nói. - Những năm triệu đô la! Công ty phát hành Noman thu thập mỗi năm có ba trăm ngàn. Với mức ấy, ông ta phải mất gần hai mươi năm mới thu hòa được vốn. - Việc đó tùy thuộc vào cách nhìn của các ông thôi. Đóng cửa hai trăm rạp có nghĩa là ông ta mất trắng mỗi năm hơn một triệu bảng. Shefild chằm chằm nhìn tôi. Một lúc sau, ông ta đứng dậy. “Cho tôi mượn điện thoại của anh gọi Lănđơn được không? Dù múi giờ có khác nhau, tôi có thể may mà bắt được Engiơl trước khi ông ấy rời văn phòng ra về”. - Xin ông cứ tự nhiên.- Tôi nói, nhìn đồng hồ trong khi ông ta bước tới máy điện thoại. Chín giờ, tôi biết chắc là nắm được ông ta trong tay rồi. Bởi vì không có một ai, thậm chí cả Gioocgiơ Engiơl, đã rời văn phòng khi mới hai giờ chiều. Nhất là ở cái đất Anh vui tươi và cổ kính ấy, nơi các văn phòng mở cửa tới tận sau giờ tối, và đám nhân viên vẫn còn ngồi sau những chiếc bàn cổ lỗ sĩ, có ghế cao lênh khênh như mấy chục năm trước. Có thể là Engiơl đang nhăm nhăm chờ ở đầu kia điện thoại nữa kia. Đến trưa thì mọi cái thỏa thuận xong. Ông Engiơl và luật sư của mình tuần sau sẽ có mặt ở Niu Yooc ký bản thỏa ước. Chỉ có mỗi cái phiền trong việc này: tôi phải ở lại Niu Yooc. Tôi với lấy ống nói. - Anh định gọi ai vậy? – Mac hỏi. - Đêvit Ulf. Anh ta là quan chức hành chính của hãng. Anh ta có thể tới đây ký đám giấy tờ ấy. - Bỏ ống nói xuống đi.- Mac mệt mỏi thốt lên.- Anh ta đã ở Niu Yooc. Tôi đem anh ta đến đây cùng tôi rồi. - Ồ!- Tôi thốt lên, bước lại cửa sổ, nhìn xuống đường Niu Yooc đang ở giữa buổi sáng. Tôi như cảm thấy rõ mồn một cái không khí căng thẳng của xe cộ ngược xuôi trên Đại lộc Pac. Người tôi bắt đầu thấy bồn chồn, bứt rứt. Tôi quay lại nhìn Mac Alixtơ. “Nào, bảo anh chàng lên đây. Hai tháng nữa tôi bắt đầu làm một bộ phim lớn. Tôi muốn biết đã chuẩn bị cho nó được những gì rồi”. - Đêvit đã đeo theo Bơnơ để bàn bạc chi tiết làm phim với anh đây. Tôi mở to mắt nhìn anh. Họ đã nghĩ tới mọi cái. Tôi quăng mình xuống một cái ghế. Chợt chuông cửa réo, Rôbe ra mở. Forextơ và Morixây bước vào. Tôi ngẩng lên nhìn họ đi tới chỗ mình. - Tôi nghĩ là sáng nay anh đi tới Caliphonia cơ mà, Morixây.- Tôi lạnh lùng thốt lên, - Đến bao giờ thì ta mới bắt đầu được cái dây chuyền sản xuất mới khốn kiếp ấy? - Giônơx, tôi không rõ là ta có thể làm được không.- Anh ta đáp nhanh.- Anh nói thế là cái quái gì hả? – Tôi thét lên. – Anh đã bảo là anh có thể làm được. Khi ký hợp đồng đó chính anh cũng có mặt ở đó cơ mà. - Đừng vội nóng, anh Giônơx.- Forextơ nói nhanh. – Ta đang mắc phải một vấn đề rắc rối. - Vấn đề gì. - Quân đội Mỹ vừa đặt mua năm chiếc CA-200 của ta. Họ muốn nhận được chiếc đầu tiên vào tháng sáu, chúng ta đang chết kẹt. Ta không thể làm B- trên cùng một dây chuyền được. Anh phải quyết định xem sẽ làm cái nào trước. Tôi chằm chằm nhìn lại anh ta. “Anh quyết định đi. Anh là chủ tịch công ty”. - Còn anh là chủ tịch của cái công ty chết dẫm ấy.- Anh ta quát lên.- Anh muốn tôn trọng cái hợp đồng nào? - Cả hai. Chúng ta không làm nghề quay lưng lại với tiền bạc, coi khinh nó. - Vậy thì ta phải cho nhà máy Canađa chạy ngay. Chúng ta có thể sản xuất các bộ phần của B-17 để nó lắp. - Vậy thì làm đi. - Được. Vậy kiếm cho tôi Amôx Uynthrop làm giám đốc. – Tôi đã bảo anh rồi. Không có Amôx Amiếc gì hết cả. - Không Amôx, không nhà máy Canađa. Tôi sẽ không đưa hàng trăm người đến chỗ chết bởi những chiếc máy bay lắp bằng tay mấy thằng cha tài tử đâu, chỉ vì lý do là anh quá ngoan cố không nhận ra được đâu là điều hợp lý. - A, vẫn muốn làm anh hùng phi công đấy nhỉ?- Tôi khịt mũi khinh bỉ. – Chuyện lắp máy bay thì dính dáng quái gì đến anh hả? Anh có bay chúng nó đâu. Anh ta đi băng qua phòng, đứng phắt lại trước ghế tôi. Tôi nhìn thấy tay anh ta nắm chặt lại. “Trong khi anh lông nhông khắp Lănđơn tìm gái, cố vuốt ve ăn nằm với tất cả bọn con ranh anh gặp, tôi dầu dãi phơi mặt ra ở khắp các sân bay, nhìn thấy những tay phi công ấy, phờ phạc, lử người vì quần nhau với tụi Đức, cố ngăn cho bom khỏi rơi xuống cái lưng khốn kiếp của anh. Chính lúc ấy, chính nơi ấy, tôi đã quyết định rằng nếu chúng ta may mắn ký được cái hợp đồng ấy, đích thân tôi sẽ xem xét để bất kỳ cái máy bay nào ta đưa cho họ cũng là cái mà tôi có thể bay một cách an tâm, không một chút gì lo lắng về độ tin cậy của nó cả”. - Ghê chưa, ghê chưa! Nghe này. – Tôi mỉa mai nói. - Anh quyết định là sẽ hài lòng gắn tên mình vào một cái máy bay loại hai từ bao giờ thế hả? Từ khi kiếm được khá tiền, lưng lửng túi là được hả? Tôi trừng trừng nhìn lại anh ta. Anh ta nói đúng. Ba tôi cũng đã từng một lần nói như vậy, theo một cách khác. Chúng tôi đang đi trong cái nhà máy ở Nêvađa thì Giêc Plat, viên giám đốc, tiến tới trình một bản báo cáo về một lô thuốc nổ có chất lượng hơi kém. Ông ta gợi ý là nên xếp nó vào một khoản giao lớn cho khách hàng, như vậy nó sẽ được lơ đi, không ai nhận ra nữa. Ba tôi gần như vồ lấy ông ta. “Thế rồi ai sẽ lơ đi cho cái chất lượng kém của danh dự của tôi hả?” Ông gầm lên. “Trên từng thùng thuốc, là cái tên của tôi. Đốt chỗ ấy đi!” - Thôi được, Rogiơ.- Tôi chậm rãi đáp. –Anh sẽ có Uynthrop. Anh nhìn xoáy vào đáy mắt tôi một thoáng. Rồi anh cất tiếng nói, giọng đã dịu hơn. “Anh phải tìm ông ta hộ chúng tôi. Tôi sẽ phái Morixây lên Canađa để cho nhà máy chạy. Còn tôi lại phải về miền Tây nắm sản xuất ở đó”. - Ông ta bây giờ ở đâu? - Tôi không rõ. Lần cuối cùng tôi nghe được, thì ông ta đang ở Niu Yooc đây. Nhưng sáng nay, khi tôi kiểm tra lại, có vẻ như chẳng ai biết được ông ta ở đâu. Ông ta có vẻ như đã biến mất tăm. 4 Chiếc xe hòm to rẽ quặt khỏi câu Quinbơrơ, tôi ngã dúi vào góc ghế. Đến giờ, tôi đã ân hận vì quyết định tìm tới đây. Khu Quin có một cái gì đó khiến tôi cảm thấy rầu rĩ, buồn bã. Tôi nhìn qua cửa kính, trong khi bác Rôbe thành thạo cho xe lách đi vùn vụt giữa dòng xe cộ ngược xuôi trên đường. Đột nhiên tôi phát bực vì Monica đã sống ở đây. Tôi đã nhận ra nhóm nhà ấy. Chiếc xe từ từ lăn bánh chậm dần rồi đỗ lại. Khu nhà vẫn không thay đổi; trừ mỗi một điều là các mảnh vườn giờ đây trở nên buồn tẻ, xám xịt vì mùa đông thay cho màu xanh rực rỡ của mùa hè lần tôi đến trước. - Bác chờ ở đây nhé.- Tôi bước lên ba cái bậc thềm, ấn nút chuông cửa. Một luồng gió lạnh ngắt rít ù ù qua các tòa nhà. Tôi quấn chặt áo khoác vào người hơn, lập cập kéo cái gói vào nách. Cửa mở, một cô bé con đứng sững ở thềm, ngước mắt lên nhìn tôi. “Giô-An, phải không nhỉ?”, tôi hỏi ướm. Con bé gật đầu lặng lẽ. Tôi trố mắt nhìn đứa bé. Hãy để cho trẻ con nhắc ta về thời gian năm tháng đã trôi qua. Chúng có một kiểu lớn nhanh đến nỗi nuốt các năm tháng của ta còn chính xác hơn cả đồng hồ. Lần gặp trước, Giô-An chỉ nhỉnh hơn tuổi quấn tã một chút. “Bác là Giônơx Cođơ. Mẹ cháu có nhà không?”. - Mời bác vào ạ. – Giọng con bé nhỏ nhẹ, trong vắt. Tôi theo nó bước vào phòng khách. – Bác ngồi xuống đây ạ. Mẹ cháu đang mặc quần áo. Mẹ cháu bảo sẽ ra ngay đấy ạ. Tôi ngồi xuống. Con bé cũng ngồi xuống một cái ghế đối diện. Nó nhìn tôi, cặp mắt mở to, nghiêm trang, nhưng không nói lời nào. Tôi bỗng dưng cảm thấy lúng túng dưới ánh mắt chăm chú bình lặng ấy. Tôi châm một điếu thuốc. Con bé đưa mắt theo tay tôi tìm chỗ dụi tắt que diêm “Gạt tàn ở kia ạ”, nó chỉ về phía cái bàn ở bên phải tôi. - Cám ơn cháu. - Dạ có gì đâu ạ. – Con bé lễ phép đáp. Rồi nó lại chăm chú nhìn tôi, lặng im. Tôi lặng thinh rít một hơi thuốc lá. - Cháu còn nhớ bác không, Giô-An?- Tôi hỏi, sau một hồi im lặng. Mi mắt nó cụp xuống, đột nhiên, nó cảm thấy ngượng lúng túng đưa tay vuốt lại mép váy phủ qua đầu gối trong một cử chỉ điển hình rất ư là con gái. “Dạ, có ạ”. Tôi mỉm cười. “Lần trước bác gặp, cháu lớn bằng ngần này này”, tôi giương tay ra ngang tầm đầu gối chân của mình. - Cháu biết ạ.- Con bé thỏ thẻ, không nhìn tôi. – Bác đứng ở thềm chờ cháu và mẹ cháu đi đến. Tôi rút cái gói vẫn kẹp ở nách ra. “Bác đem quà đến cho cháu đây. Một con búp bê”. Con bé đỡ lấy cái gói, ngồi xuống sàn mở ra. Cặp mắt nó sáng ngời, lấp lánh cười. Nó giơ con búp bê lên, nhìn tôi. “Con búp bê xinh quá”. - Bác mong là cháu sẽ thích nó đấy. - Cháu có ạ. Rất thích ạ.- Mắt con bé lại trở nên nghiêm nghị.- Cháu cảm ơn bác ạ. Một thoáng sau, Monica bước vào phòng. Giô-An nhẩy cẫng lên, chạy tới chỗ cô. “Mẹ! Xem bác Cođơ mang cho con cái gì này!”. - Giônơx anh chu đáo quá!- Monica thốt lên. Tôi lập cập đứng dậy. Chúng tôi nhìn nhau. Cô gần như có một vẻ gì đường hoàng tự chủ rất trang nghiêm mà vẫn nhã nhặn. Mái tóc đen của cô xòa ra trên đôi vai trần. Cô mặc một cái váy dài đen, kiểu đi dự tiệc chiều. Rồi chuông cửa lại réo. Cô trông trẻ ngòai giờ tới. Giô-An tíu tít khoe con búp bê mới với cô ta đến mức đâm quên cả chào khi chúng tôi cùng đi ra. Rôbe đang đứng cạnh chiếc ôtô. “Chào bác Rôbe”, Monica chìa tay ra. “Tôi rất vui là lại gặp bác”. - Tôi cũng rất mừng gặp lại cô, cô Monica ạ.- Bác cúi xuống hôn tay cô. Ôtô quay trở lại khu Manhatan. Tôi ngó qua cửa xe nhìn cảnh trần trụi thô thiển của khu Quin. “Em muốn sống ở đây để làm gì vậy?”. Cô với lấy một điếu thuốc, chờ tôi đánh diêm châm lửa hộ. “Giô-An có thể chơi ở ngòai trời khi thời tiết đẹp. Và em không có lo nó bị đường phố tiêm nhiễm cái thối xấu. Rồi thì bởi vì em chỉ có thể có đủ tiền chi phí nếu sống ở đây. Phù hợp hơn nhiều so với trong nội thành”. - Theo như anh nghe được, em làm việc tấn tới lắm mà. Nếu muốn sống ở ngoại ô, tại sao em không chuyển tới khu Oextchextơ? Ở đó đẹp hơn. -Khu đó vẫn quá đắt đối với chúng em. Em chưa làm ra được đủ mức sống ở đấy đâu. Em mới chỉ là quản lý văn phòng tạp chí, chứ chưa phải là chủ bút. - Nom em ra dáng chủ bút lắm. Cô mỉm cười. “Em không hiểu thế là anh nói thật hay tán nịnh em. Nhưng tờ tạp chí Thời trang này, chúng em cố gắng ăn mặc theo cái cách mà độc giả chúng em hình dung về chúng em đấy”. Tôi tròn mắt nhìn Monica, kinh ngạc. Thời trang đang là một trong những tạp chí về mốt mới dành cho phụ nữ trẻ ăn khách nahát. “Thế tại sao em chưa là chủ bút?” Cô bật cười “Em còn cách nó một bậc nữa. Ông Hađin là một nhà kinh doanh theo kiểu cũ. Ông ấy cho rằng mọi chủ bút phải làm việc thực tế một thời gian. Như vậy, họ mới thông thạo những việc liên quan tới chuyện ra một tờ tạp chí. Ông ấy đã để lộ ra ý rằng tờ tạp chí mới lần này sẽ là chỗ cho em”. Tôi biết lão Hađin. Ông ta là một chủ xuất bản theo kiểu cũ. Ông ta trả tiền thiên hạ bằng lời hứa chứ không bằng tiền. “Ông ta hứa bao nhiêu lâu rồi?”. - Ba năm rồi. – Monica đáp. – Nhưng em nghĩ việc này sắp sửa được thực hiện. Ông ta đang định ra một tạp chí mới về điện ảnh. In trên giấy bóng. Theo kiểu của tờ Chơi Ảnh trước kia ấy mà. Chúng em đã giải quyết xong vấn đề ấn loát, chỉ vì tài chính nên còn đang phải đình lại chưa tiến hành được đấy thôi. - Thế em sẽ làm gì ở đó? - Chủ bút phụ trách chuyện. Anh hiểu đấy, sắp xếp các câu chuyện về các ngôi sao màn bạc, đại loại thế. Tôi liếc nhìn cô. “Chính vì thế mà em định tới Hôliut phải không?” Cô gật đầu. “Em cũng định như vậy. Nhưng ông Hađin chưa có đủ tiền, nên em vượt qua cái cầu ấy khi đến đó, vẫn còn là việc của tương lai thôi”. Monica đặt tách cà phê xuống, nhìn tôi tủm tỉm cười. “Bữa ăn chiều nay tuyệt vời quá. Anh đóng vai một chủ nhân dịu dàng lịch thiệp vô cùng. Giờ thì nói cho em biết lý do tại sao đi”. - Việc này mà cũng phải có lý do rạch ròi ư? Cô lắc đầu. “Không nhất thiết. Nhưng em hiểu tính anh. Khi anh dịu dàng lịch thiệp, là anh muốn một cái gì đó”. Tôi đợi cho đến khi người bồi bàn châm diêm cho điếu thuốc của cô xong. “Anh vừa mới ở Anh về”, tôi lặng lẽ nói. “Tình cờ anh gặp lại bà cụ mẹ em ở bên đó”. Mắt cô chợt tối lại. “Vậy ư?”. Tôi gật đầu. “Nom bà tử tế, dễ mến lắm”. - Em cũng có thể hình dung ra được như vậy, từ những gì em còn nhớ được.-Thoáng một vẻ chua chát trong giọng nói của cô. - Như vậy hẳn em có một trí nhớ rất là tốt. Khi ấy em có bằng Giô-An không? Cặp mắt cô đanh lại. “Có những cái người ta không bao giờ quên được. Chẳng hạn mẹ ta bảo ta rằng bà rất yêu thương ta, rồi một hôm biến mất không bao giờ trở lại nữa”. - Biết đâu là bà không thể làm khác được thì sao. Biết đâu là bà có lý do xác đáng thì sao. - Lý do gì cơ chứ?- Cô hỏi khinh miệt- Em không thể bỏ Giô-An như thế được. - Có lẽ nếu em viết thư cho bà cụ mẹ em, bà sẽ có thể nói cho em rõ. - Rõ cái gì nữa cơ chứ? – Cô lạnh lùng thốt lên. – Rằng bà ta đã yêu một người đàn ông khác rồi bỏ đi theo lão ta ư? Em có thể hiểu và thông cảm với cái điều ấy. Cái em không thể hiểu nổi là tại sao bà ấy lại không đem em theo. Lý do duy nhất em có thể thấy ra được là đối với bà ấy, em chả có nghĩa lý gì cả. - Em có thể không hiểu mẹ. Nhưng em đã hiểu rõ ông bố em. Em hiểu ông ấy có thể căm ghét ai đó đến mức độ nào khi ông ta cảm thấy rằng người ấy đã chơi xỏ ông ta. Mắt em nhìn sâu vào tôi. “Một người nào đó như anh?” Tôi gật đầu. “Một ai đó như anh. Cái đêm ấy, khi em và ông ta lên khách sạn ở Lôx Angiơlex ấy, ông ta nghĩ tới em, hay là ông ta nghĩ tới việc phải đòi được anh bao nhiêu tiền thì rửa hận được hả?” Monica lặng lẽ hồi lâu, rồi mắt cô dịu đi. “Điều ấy cũng xẩy ra với mẹ em ư?” Tôi gật đầu. “Đại loại như vậy”, tôi lặng lẽ đáp. Cô lặng im cúi xuống nhìn đăm đăm cái khăn trải bàn. Hồi lâu sau, cô ngẩng lên, mắt đã trở lại trong vắt. “Cám ơn anh đã nói cho em biết, anh Giônơx ạ. Giờ thì em thấy lòng nhẹ đi được nhiều rồi, không hiểu sao em cũng chẳng rõ nữa”. - Vậy tốt lắm.- Anh bồi lại đến, rót cà phê đầy tách cho chúng tôi một lần nữa, - à, nhân đây anh muốn hỏi em gần đây có gặp ông bố em không? Cô lắc đầu, cười gượng. “Khoảng hai năm trước, ông cụ có đi ăn cơm chiều với em, rồi hỏi vay một nghìn đôla. Lần đấy là lần cuối cùng em gặp”. - Em có khái niệm gì là ông ấy hiện giờ ở đâu không? - Tại sao anh lại cần như vậy thế? - Anh có công việc rất hời cho ông ấy ở Canađa. Nhưng ông ấy có vẻ như là mất biệt tăm tích. Mắt Monica đột nhiên ánh lên một vẻ là lạ. “Anh vẫn có ý giao việc cho ông ư? Sau tất cả những cái ông đã làm đối với anh như vậy ư? - Anh cũng chẳng còn lựa chọn gì được nhiều.- Tôi ngập ngừng đáp. – Thực ra anh cũng chẳng thích thú cái ý ấy lắm, nhưng đang có chiến tranh. Anh cần một người ông ấy. - Một năm trước em có nhận được thư của ông cụ. Ông cụ nói gì đó về việc sẽ làm giám đốc sân bay Tetơbơrơ. - Cảm ơn em. Anh sẽ đến đó tìm. Đột nhiên, cô quài tay qua bàn, nắm chặt lấy tay tôi. Tôi ngạc nhiên, ngẩng nhìn cô. Cô mỉm cười: “Giônơx, anh biết không, bỗng dưng em lại có cảm giác rất lạ lùng là đối với em, anh sẽ trở thành một người bạn tốt hơn rất nhiều so với việc làm chồng đấy”. 5 Trưa hôm sau, khi trở về khách sạn, tôi thấy Mac Alixtơ đã đang chờ ở đó. “Anh tìm ra ông ta chưa?”. Mac hỏi. Tôi lắc đầu: “Ông ta chỉ ở đấy đủ thời gian đổi một cái séc giả lấy năm trăm đô la cho một anh chàng ngớ ngấn tội nghiệp nào đó”. - Đến mức ấy đối với ông ta thật là quá tệ. Còn manh mối nào dò ra ông ta được nữa không? - Chịu- Tôi đáp, quăng cái áo khoác lên thành một chiếc ghế, ngồi xuống. – Theo như tôi biết, có thể ông ta đang ngồi trong một nhà từ của một thành phố nhỏ, một tỉnh lẻ nào đó. Ngân phiếu giả. – Lạy Chúa tôi! - Giờ anh muốn tôi phải làm gì nào?- Mac hỏi. - Chả có gì.- Tôi thốt lên.- Nhưng tôi đã hứa với Rogiơ là sẽ cố tìm ra ông ta. Có lẽ tốt hơn là ta bây giờ phải thuê một hãng trinh thám làm việc này. Nếu như họ không moi ra được lão ta, thì ít nhất Rogiơ cũng sẽ biết là tôi đã cố. Anh gọi điện cho Hađin chưa? Mac tò mò nhìn tôi. “Rồi. Ông ta sẽ đến ngay một vài phút nữa. Tại sao anh lại muốn gặp ông ta nhỉ?” - Có thể ta sẽ tham gia vào ngành xuất bản. - Để làm gì cơ chứ? – Mac hỏi.- Anh thậm chí tờ báo cũng chẳng buồn đọc cơ mà. Tôi cười ồ lên. “Nghe nói ông ta đang tính tới chuyện ra một tờ tạp chí điện ảnh. Tôi thì đang sắp sửa làm phim. Cái cách quảng cáo tốt nhất mà tôi biết là nắm được một tờ báo nào đó. Tôi tính rắng nếu ta giúp ông ta ra được tờ tạp chí này, ông ta sẽ dành chỗ cho ta trong các tờ khác của ông ta. Như vậy mỗi tháng ta sẽ có thêm được mười hai triệu bản quảng cáo nữa. Mac lặng thinh không nói gì thêm. Chuông cửa kêu, Rôbe ra mở. X.Gi.Hađin tới, không sai một phút so với giờ hẹn. Ông ta bước vào phòng, tay chìa ra cho tôi. “Xin chào chú nhóc, Giônơx”, giọng khàn khàn mãn tính của ông ta réo lên vui vẻ. “Lâu lắm lại mới gặp cậu đấy”. Chúng tôi bắt tay nhau. “Bác có biết ông Mac Alixtơ luật sư của tôi chứ?”. Mắt X.Gi.Hađin sáng lên vui vẻ. “Thật hân hạnh, thưa ngài”. Ông ta hồ hởi chụp lấy tay Mac. Rồi ông ta quay sang nói. “Tôi ngạc nhiên khi nhận được lời mời của cậu đấy. Cậu đang tính chuyện gì vậy, chú nhóc?”. Tôi nhìn ông già. “Tôi có nghe được là bác đang tính tới việc ra một tờ tạp chí về điện ảnh thì phải”. - Đúng là tôi có đang nghĩ tới chuyện đó thật.- Ông ta công nhận. - Tôi cũng nghe được là bác hơi thiếu tiền để khai trương nó. Ông già dang hai tay sang bên, đầy ý nghĩa. “Cậu cũng rõ cái nghề xuất bản rồi đấy. Chúng tôi lúc nào cũng túng cả.” Tôi mỉm cười. Nghe lời ông già thở than, người ta có thể tưởng lầm ông ta thậm chí cái bô để đi đái cũng không có. Nhưng thực tế là ông lão X.Gi này nằm trên đống tiền, dù ông ta có kêu rên thảm thiết đến thế nào đi nữa. So với cái cách ông ta quản lý hãng của mình, lão Bơny Noman tội nghiệp chỉ đúng là một đứa trẻ. - Tôi đang sửa soạn làm một bộ phim mới, sau tám năm trời vừa qua. - Xin chúc mừng anh Giônơx!- Ông già reo ầm lên..- Bao nhiêu năm rồi tôi mới nghe một cái tin tuyệt như thế. Điện ảnh có thể trông cậy vào những người như cậu. Nhớ nhắc tôi bảo lão đại diện mua một ít cổ phần của hãng Noman của anh nhé. - Vâng ạ, tôi sẽ nhớ. - Và cậu tin chắc là tạp chí của tôi sẽ dành một khoản lớn cho cậu. – Ông ta tiếp tục.- Chúng tôi biết làm ra các số báo bán chạy như thế nào. - Đấy chính là cái tôi muốn nói chuyện với bác đấy, bác X.Gi ạ. Tôi nghĩ thật là xấu hổ khi mạng lưới xuất bản của bác không có một tờ tạp chí về điện ảnh nào. Ông già chằm chằm nhìn tôi bằng cặp mắt tinh quái. “Tôi cũng nghĩ như vậy đấy, Giônơx ạ”. - Phải tốn bao nhiêu tiền để có một tờ như vậy bầy bán được ở trên các quầy báo nào? Tôi hỏi. - Ồ, hai hoặc ba trăm ngàn gì đó. Phải đảm bảo chi phí phát hành một năm, thời gian để một tạp chí ổn định. - Một tờ tạp chí như vậy phụ thuộc vào loại chủ bút bác có, phải không? Chọn được đúng chủ bút, và thế là chạy như tôm tươi. - Đúng vô cùng, chú nhóc ạ.- Ông già vui vẻ thốt lên.- Và tôi thì có một tốp chủ bút và biên tập viên cừ nhất của làng báo. Tôi nghĩ là cậu am hiểu nghề xuất bản đấy, Giônơx ạ. Tôi luôn luôn quan tâm tới việc có được một quan điểm mới mẻ. Tin tức có được là nhờ ở cái đó đấy. - Ai sẽ là chủ bút phụ trách chuyện của bác? - Ôi trời, Giônơx!- Ông già trợn mắt, giả vờ ngây thơ.- Tôi lại cứ ngỡ là cậu biết rồi đấy. Tất nhiên là cái bà nhỏ nhắn xinh xinh ăn tối với cậu hôm qua chứ còn ai nào. Tôi phì cười. Không thể không phì cười được. Ông già tinh quái này còn ranh ma hơn là tôi tưởng. Ông ta thậm chí có cả tai mắt ở trong khách sạn “21” nữa cơ đấy. Sau khi ông ta đã quay về, tôi ngoảnh sang Mac Alixtơ. “Thực ra tôi không cần phải ở đây ký đám giấy tờ với lão Engiơl phải không?” Anh quắc mắt nhìn tôi. “Tôi thì lại không nghĩ thế. Tại sao vậy?” - Tôi muốn trở về miền Tây, tôi đang chuẩn bị làm phim. Vớ vẩn vô công rồi nghề ở Niu Yooc này làm quái gì? - Đêvit và Bơnơ đều đang ở đây, đang chờ anh gọi. - Gọi Đêvít cho tôi cái. – Một thoáng sau, Mac đưa ống nghe cho tôi. – Alô, Đêvit. Roda khỏe không? - Cô ấy khỏe lắm, anh Giônơx ạ. Và rất hạnh phúc. - Tốt lắm. Tôi gọi điện để nói với anh rằng tôi rất vui mừng thấy anh làm được một việc tuyệt như vậy. – Cái chuyện mua lại cổ phần hãng phim ấy mà. À mà này, tôi không thấy thú lắm khi cứ quẩn quanh chờ đợi ở Niu Yooc đây, trong lúc muốn sửa soạn làm Người có tội ngay. Tôi sẽ bay về miền Tây thôi. - Nhưng Giônơx, tôi đã đem Bơnơ đến Niu Yooc đây rồi mà. - Thế tốt lắm. Nhưng bảo ông ta quay lại xưởng ngay, nói với ông ta rằng tôi sẽ gặp ông ta ở đó. Xưởng phim là chỗ duy nhất để người ta tiến hành làm một bộ phim. - Ôkê, Giônơx.- Anh đáp, giọng thoáng một vẻ thất vọng.- Anh chuẩn bị bay đến đó ngay bây giờ à? - Ờ. Tôi nghĩ là mình có thể bay chuyến hai giờ của hãng ICA. Như vậy, sáng mai là tôi có mặt ở Caliphonia đấy. - Giônơx, anh gọi điện cho Roda một cái, nhé? Cô ấy sẽ rất vui khi nghe thấy giọng anh đấy. - Được rồi, Đêvit ạ, à, mà tiện đây tôi muốn hỏi, làm cách nào tôi gặp mặt được cái cô Gieny Dentơn ấy nhỉ? Có lẽ tôi cũng nên gặp gỡ ít nhất một lần cái cô đóng vai chính trong Người có tội ấy chứ. - Cô ta đang ở Palm Xpring, khách sạn Hoa nhiệt đới, dưới cái tên Giuđy Belđơn. - Cám ơn, Đêvit. Tạm biệt. - Chúc an đi đường may mắn, anh Giônơx ạ. * * * Lúc đó là mười một giờ trưa, giờ Caliphonia, ngày hôm sau. Tôi cho chiếc xe mui trần của mình đỗ lại trước cửa khách sạn Hoa nhiệt đới ở Palm Xpring. Tôi hỏi bàn quản lý, rồi bước xuôi con đường xuống biệt thự số 5. Tôi gõ cửa. Không thấy có ai trả lời. Nhưng cửa không khóa, tôi bước vào. “Cô Đentơn có nhà không nhỉ?”, tôi cao giọng gọi. Không có ai đáp. Rồi tôi nhận ra tiếng nước chảy rào rào trong buồng tắm hoa sen. Tôi đi ngang qua căn phòng, mở cửa buồng tắm. Người cô gái hiện lên thành những đường mờ mờ trên nền tấm kính đục chắn quanh vòi hoa sen. Cô đang hát khẽ, giọng trầm trầm. Tôi quay ra khép cánh cửa buồng tắm ở đằng sau mình lại, ngồi xuống cái ghế đẩu chờ. Tôi ngắm nhìn thân hình cô gái qua tấm kính đục, rồi châm một điếu thuốc lá. Tôi không phải đợi lâu. Cô gái tắt nước, khịt khịt mũi thấy mùi thuốc lá. Giọng cô, vọng qua tấm kính, nghe rất bình thản. “Nếu ở ngoài đấy là một anh bồi phòng đang đợi, anh ta nên đi ngay đi trước khi tôi ra. Nếu không tôi sẽ báo anh ta cho ban quản lý biết đấy”. Tôi lặng thinh không đáp. Cô thò đâu ra, với tay lấy một cái khăn tắm. Tôi cúi người về phía trước, đưa cái khăn vào tay cô. Qua tấm kính chắn, tôi có thể nhìn thấy cô ta quấn cái khăn ấy quanh người, rồi tấm kính bị gạt sang một bên, cô đưa mắt nhìn thẳng vào tôi. Cặp mắt xám sâu thăm thẳm, bình tĩnh. “Dám kéo chuông ở cái khách sạn này là ngỗ ngược nhất đấy”, cô thốt lên. “Họ cứ xồng xộc vào gặp ta ở những lúc bất tiện nhất”. - Cô có thể thử khóa cửa lại cơ mà. Cô bước ra khỏi bệ tắm. “Để làm gì cơ chứ? Đám ấy đều có chìa khóa hết”. Tôi đứng dậy. “Cô là Gieny Dentơn phải không?” - Theo sổ đăng ký là Giuđy Belđơn. – Một vẻ dò hỏi chợt hiện ra trên mặt cô.- Anh là …. Cảnh sát hả? Tôi lắc đầu: “Không. Tôi là Giônơx Cođơ”. Cô ngẩng vút lên nhìn tôi. Rồi một nụ cười từ từ hiện ra rạng rõ trên mặt cô. “Ồ, hay quá! Tôi đã chờ gặp anh từ lâu lắm rồi”. Tôi mỉm cười lại “Để làm gì vậy?” Cô tiến sát lại gần tôi, đưa hai tay quàng lấy cổ tôi. Cô vít đầu tôi xuống. Cái khăn tắm tụt xuống đất. Cô kiễng chân rướn người lên, hôn tôi. Rồi cô ngật đầu ra phía sau, ngẩng nhìn tôi, ánh mắt cười cười, ranh mãnh. - Thế nào, ông chủ.- Cô thì thào.- Giờ không phải là lúc anh ký hợp đồng cho em ư? 6 Cái biệt thự ấy chính là biệt thự tôi dùng làm văn phòng mười năm trước, khi dựng Thằng phản bội. Không có gì thay đổi cả, trừ mấy cô thư ký. “Xin chào ông, ông Cođơ ạ”, họ đồng thanh nói khi tôi bước vào. Tôi chào lại, đi thẳng vào văn phòng của mình. Bơnơ đang hồi hộp bước đi bước lại. Dan Piơx đang ngòi trên cái đivăng dài dưới cửa sổ. Tôi đưa mắt nhìn loáng ông ta một cái, rồi lặng thinh bước vòng ra đằng sau bàn của mình, ngồi xuống. - Tôi đã mời Piơx đến để giúp tôi thuyết phục anh.- Bơnơ nói.- Anh không thể làm một bộ phim tốn một đống tiền như vậy mà không có một cái tên nào nổi tiếng đảm bảo cho nó cả. - Nếu tôi dã làm chủ, ngay đến bảo tôi đi ỉa, Đan cũng không làm được đâu. - Hượm đã Giônơx.- Đan nói nhanh. – Tôi hiểu anh có cảm giác như thế nào. Nhưng xin cứ tin ở tôi, tôi chỉ mong làm điều tốt cho anh thôi. Tôi quay sang ông ta. “Giống như khi ông bán cổ phần của ông cho Shefild mà không nói lời nào với tôi chứ gì?” - Cổ phần là của tôi.- Đan nóng nẩy nói to. – Tôi chả phải hỏi han ai sất cả. Hơn nữa, ma nào có thể gặp được nổi anh hả? Ai cũng biết là anh chẳng coi cái hãng này ra cái chó gì, anh đang bán dần cổ phần của anh đi. Tôi với lấy một điếu thuốc. Một hồi lâu sau, tôi gật đầu. “Ông nói đúng, ông Đan ạ. Cổ phần là của ông; ông chả mang nợ gì với tôi. Ông đã làm việc của ông, tôi đã trả đầy đủ tiền, đầy đủ. – ông còn năm năm nữa, theo hợp đồng”. Tôi ngả người vào thành ghế, rít một hơi thuốc dài. “Tôi chỉ nhầm có một việc. Trước khi, khi tôi gặp ông, ông là một đại lý giỏi. Đáng nhẽ một mình tôi nên làm hết mọi việc thôi”. - Tôi đang cố gắng ngăn anh khỏi phạm phải một sai lầm nữa đấy, Giônơx ạ. Khi kịch bản người có tội được viết ra, nó là dành cho một ngôi sao lớn.- Raina Malovi. Cô ấy là ngôi sao lớn nhất thời đó. Anh không thể nhặt lấy một cô nàng ngu ngơ không có kinh nghiệm gì, chẳng ai đã từng biết đến, cho đóng một bộ phim không có tên tuổi nào nổi tiếng trợ giúp cả. Thiên hạ họ sẽ cười bắn anh ra khỏi rạp mất. Tôi ngẩng lên nhìn ông ta. “Vậy ông nghĩ tôi nên làm gì nào?”. Một vẻ tự tin loáng hiện lên trong mắt ông ta. - Kiếm dăm ba người có tên tuổi. Cứ dùng cô gái ấy nếu anh muốn, nhưng có các ngôi sao trợ giúp. Bogat, Traxy, Colman, Bablơ, Flin- một người trong số ấy là đảm bảo cho anh được rồi. - Tôi nghĩ rằng ông có thể giúp tôi thuê được họ phải không? Ông ta nhận ra ý mỉa mai. “Tôi cho rằng có thể”, ông ta thận trọng đáp. - Hay lắm. Cầu Chúa phù hộ cho trái tim nhỏ nhắn, ăn mười phần trăm lãi, thương người đến ứa máu của ông! Ông đối với tôi thế thì thật tử tế quá.- Tôi đứng dậy, - Cút ngay, Đan! Xéo ngay trước khi tôi tống cổ ông đi. Và đừng có bao giờ bén mảng đến đây khi tôi còn là chủ ở đây nhé. Ông ta trợn tròn mắt nhìn tôi, mặt đột nhiên trắng bệnh. “Anh không thể… Không thể nói…nói với tôi như vậy được”. Ông ta lắp bắp. “Tôi…tôi không phải là một thằng hầu cho anh, anh muốn thuê hay đuổi là tùy ý đâu nhé”. - Tôi đã mua ông và đã bán ông. – Tôi lạnh lùng nói,- Ông vẫn chỉ là cái thằng cha khốn kiếp như thời ông cố hại đoàn biểu diễn của anh Nêvađa để làm đoàn của Bafơlau Bill kiếm được khách. Nếu kiếm được mấy xu lãi cho mình, ông là cái hạng có thể bán ngay cả mẹ đẻ. Nhưng giờ thì ông sẽ không bán được cho tôi nữa đâu. Tôi không mua. Tôi ấn nút trên bàn. Một cô thư ký bước vào “Dạ, ông Cođơ, ông cần gì ạ?” cô ta hỏi ở ngưỡng cửa. - Ông Piơx đây đang chuẩn bị ra về.. Mặt Đan tím lại vì tức: “Giônơx, rồi nhà ngươi sẽ thấy ân hận về việc này”. Cánh cửa đóng sầm lại đằng sau ông ta. Tôi quay sang Bơnơ. “anh Giônơx, tôi…tôi xin lỗi”, ông ta lắp bắp. “Tôi…tôi đã không biết….”. - Không sao.- Tôi đáp nhẹ nhàng,- Ông đã không biết gì về chuyện này cả. - Nhưng theo mọi cái đang làm đây, bộ phim sẽ tốn khoảng hơn ba triệu đôla. Tôi cảm thấy sẽ an tâm hơn nếu ta có một đôi ngôi sao tham gia vào đó. Tôi lắc đầu. “Các ngôi sao màn bạc đều tài giỏi vĩ đại cả. Tôi không có gì chống lại họ đâu. Nhưng lần này thì không dùng. Chúng ta đang làm một câu chuyện dựa vào Kinh thánh. Khi người ta nhìn lên màn ảnh thấy Thánh Giôn hay Thánh Pitơ, tôi muốn họ cảm thấy đó thực sự là Giôn hay Pitơ, chứ không phải là Gablơ, Traxy, hay Boogat. Ngoài ra, cô gái là điều quan trọng nhất.” - Nhưng chưa hề có ai nghe thấy về cô ta cả. - Vậy thì làm sao?- Tôi vặn lại.- Phòng tuyên truyền giới thiệu của ta để làm gì? Cho đến khi bộ phim này phát hành, sẽ không còn một người đàn ông, đàn bà hay một đứa trẻ nào ở trên đời này không biết đến tên cô ấy cả. Mà ông đã tính toán nghiêm chỉnh quay thử cho cô ấy đấy thôi, đúng không? Và tất cả những gì ông biết trước đó về cô ấy chỉ là một người ông đã gặp trong một bữa tiệc. Mặt Bơnơ đột nhiên tỏ vẻ ngập ngừng là lạ. “Đó lại là chuyện khác. Đó gần như là một trò đùa. Tôi không hề nghĩ là có người sẽ coi việc đó là nghiêm túc”. - Đêvit xem nó và tính toán nghiêm túc đến nó. Tôi cũng vậy. - Nhưng một đoạn thử không phải là cả một bộ phim. Biết đâu cô ta sẽ không thể hiện được cả. - Cô ta sẽ thể hiện được.- Tôi ngắt lời.- Và ông biết rõ điều ấy. Ông đã biết điều ấy khi bảo cô ấy đến đóng thử. Ông ta chằm chằm nhìn tôi, cái bộ mặt ngựa của ông ta dài ngoằng ngoẵng. Ông ta hồi hộp thò tay vào ngực gãi sồn sột. “Cô ta đã…cô ta đã kể với anh về cái bữa tiệc ấy rồi chứ?”, ông ta ngập ngừng hỏi. Tôi gật đầu. “Cô ấy bảo rằng ông suốt tối ấy đã chăm chú ngắm cô ấy như thế nào, ông dã tiến tới chỗ cô ấy, bảo cô ấy đến đóng thử như thế nào?” Tôi bật cười. “Đám đạo diễn các ông làm tôi thực sự phục sát đất. Ông đã tìm ra được một Lana Tonơ ở một quầy xôđa. Ông đã phát hiện ra Gieny tại một bữa tiệc chiều. Làm cách nào mà ông đạt được một điều kỳ diệu như vậy thế?” Mắt ông ta đột nhiên lộ vẻ bối rối, khó hiểu. Ông ta định mở miệng thì vừa lúc điện thoại reo chuông. Tôi cầm ống nghe lên. Đầu kia là một cô thư ký của tôi “Cô Đentơn đã làm đầu xong rồi ạ. Ông có muốn mời cô ấy đến không ạ?” - Có. – Tôi quay lại Bơnơ. – Tao đã bảo Gieny tới phòng vấn tóc. Tôi có một ý, muốn thử xem sao. Cửa mở, Gieny bước vào. Cô bước chậm rãi, gần như ngập ngừng, đến giữa phòng thì dừng lại, sát cạnh bàn tôi. Từ từ, cô xoay người lại. Tóc cô không còn là nâu nhạt nữa,, mà lấp lánh một màu vàng của rượu sâm banh. Nó xòa ra thành một vòng tròn tròn qua cổ cô, xõa xuống hai vai cô, làm thành một vầng hào quang trong vắt quanh khuôn mặt rám nắng của cô. - Lạy Chúa tôi. – Giọng Bơnơ thốt lên khiếp sợ. Tôi nhìn ông ta. Mặt ông ta dại đi rất lạ. Môi ông ta mấp máy, mắt không rời khỏi Gieny. “Dường như….dường như cô ấy đang đứng ở đây”. - Đúng là như vậy.- Tôi chậm rãi nói. Tôi ngẩng lên nhìn lại. Gieny. Tim tôi bắt đầu đập nặng nhọc, nghèn nghẹn. Ôi Raina ơi… - Tôi muốn Ilenơ Gala sẽ phục trang cho cô ấy. – Tôi nhẹ nhàng nói với Bơnơ.- Tôi không hiểu như vậy có được không. – Ông ta đáp. – Cô ta đã bỏ nghề. Cô ta đã quay về miền Đông, sống ở Bôxtơn, hình như vậy thì phải. Tôi nhớ lại hình ảnh một bóng người cô đơn, tóc trắng phủ phục bên nấm mồ Raina. “Gửi cho chị ấy một bức ảnh của Gieny. Chị ấy nhất định sẽ tới”. Bơ nơ bước đến bàn, đứng cạnh Gieny, cúi xuống nhìn tôi. “À mà tiện đây, tôi xin nói một việc. Tôi đã nhận được lời mời của Oxtin Gilbơt. Ông ấy thích cái kịch bản đó lắm. Chiều nay ông ta sẽ tới xem bộ phim thử. Nếu ông ấy thích Gieny, ông ấy sẽ dựng bộ phim. - Vậy tốt lắm. – Tôi đáp. Các đạo diễn lớn là như vậy đấy. Hai trăm nghìn đồng ta trả cho họ, đối với họ chả có nghĩa lý gì cả; họ có thể kiếm chỗ ấy ở bất kỳ hợp đồng làm phim nào. Điều quan trọng đối với họ là kịch bản. Và diễn viên. Bơnơ bước ta cửa. Ông ta dừng lại ở đó, quay lại nhìn Gieny. “Tạm biệt cô”, cuối cùng ông ta thốt lên. - Vâng ạ, xin chào ông, ông Bơnơ.- Gieny nhã nhặn đáp. Tôi gật đầu khi thấy ông ta khuất khỏi cửa. - Bây giờ em đã ngồi được chưa ạ. – Gieny hỏi. - Em cứ tự nhiên. Cô ngồi xuống, lặng lẽ nhìn tôi chăm chú đọc hết chỗ giấy tờ trên bàn. Ngân quỹ khởi đầu. Dự trù dựng cảnh. Bơnơ nói đúng- rồi phải tốn khối tiền cho cái của này đây. - Em phải nom giống cô ấy ư?- Gieny khẽ hỏi. Tôi liếc lên. “Cái gì?” - Em phải nom giống cô ấy ư? - Sao em lại hỏi như vậy. Cô lắc đầu. “Em không biết. Em chỉ cảm thấy buồn cười thế nào ấy, vậy thôi. Không phải là em nữa, mà như một người khác. Như một bóng ma ấy”. Tôi lặng thinh. - Có phải đó là tất cả những gì anh nhìn thấy được ở bộ phim thử không…Raina Malovi ấy mà? - Cô ấy là diễn viên tuyệt vời nhất mà màn ảnh có được. - Em biết.- Cô nói chậm rãi.- Nhưng em không phải là cô ấy. Không bao giờ em được như cô ấy. Tôi chằm chằm nhìn cô. “Với hai nghìn đôla một tuần”, tôi đáp, “cô sẽ làm bất kỳ cái gì mà tôi bảo cô làm”. Cô không đáp. Chỉ nhìn tôi. Cặp mắt kín đáo, mờ mờ tối. Tôi không thể đọc được bất kỳ ý nghĩ nào trong chúng cả. “Cô hãy nhớ đến điều này”, tôi khẽ khàng nói, “mỗi năm có hàng nghìn cô gái như cô đến Hooliut này. Tôi có thể chọn bất kỳ cô nào tùy thích. Nếu cô không ưa đóng phim, xin cứ việc quay trở về cái nghề cô đang làm trước khi Bơnơ gặp cô ở cái bữa tiệc chiều ấy”. Một vẻ đề phòng chợt hiện ra trong mắt Gieny. Cứ để cho cô nàng sợ tôi một chút. Cô ta từ trước đến giờ tỏ ra khá là vênh vang, tự tin. “Ông Bơnơ đã kể về em cho anh nghe rồi à?”. - Không một lời. Ông ta cũng không việc gì phải làm thế cả. Cô đã kể tất cả những gì tôi cần biết. Đám con gái các cô luôn tìm kiếm một nhà làm phim thích hợp nào đó để gây ấn tượng. Đấy, cô đã gặp may – cô vớ được một người rồi. Đừng có làm nhỡ dịp. Cô từ từ thở ra. Vẻ đề phòng đã biến mất khỏi ánh mắt cô. Đột nhiên, cô mỉm cười, “Ôkê, thưa ông chủ, ông dạy gì xin cứ nói ạ”. Tôi đi vòng qua bàn, kéo cô lại, ôm vào trong hai bàn tay tôi. Môi cô ấm nóng, mềm mại. Tôi nhìn xuống, mắt cô đang nhằm nghiền. Cái điện thoại khối khiếp đột nhiên réo chuông ầm ĩ. Tôi quàng tay qua lưng Gieny, cầm máy. Mac Alixtơ gọi từ Niu Yooc. - Cái hãng trinh thám ấy đã tìm ra Uynthrop cho anh rồi.- Mac thông báo. - Tốt lắm. Liên lạc ngay với ông ta, rồi bảo ông ta vác xác tới đây nhé. - Người của hãng ấy bảo ông ta không đến đâu. - Thế thì gọi điện cho Monica, bảo cô ấy nói chuyện với ông ta. Ông ta sẽ nghe lời cô ấy đấy. - Tôi đã làm như vậy.- Mac đáp nhanh. – Nhưng trưa nay, cô ấy đã đi Caliphonia, theo hãng Thế kỷ hai mươi. Nếu anh cần ông ấy, tốt nhất là anh hãy tự mình gặp ông ta. - Tôi giờ đang bận bù đầu, không thể quay lại Niu Yooc được đâu. - Anh không phải đi xa đến thế đâu. Amôx đang ở Chicagô. Văn phòng chi nhánh hãng điều tra ở đó sẽ báo cho anh biết chỗ tìm ông ta. - Chicagô à? Vậy thì có lẽ tôi sẽ đuổi theo ông ta.- Tôi đặt ống nghe xuống, nhìn Gieny. - Sắp đến kỳ nghỉ cuối tuần rồi.- Cô nói khẽ. – Em thì chẳng có việc gì bận cả. Chicagô lại là một thành phố rất đông vui. - Em sẽ đi cùng nhé? – Tôi hỏi. Cô gật đầu “Chúng ta sẽ bay, phải không ạ?” - Bay suốt đường. – Tôi đáp. 7 Gieny nhìn tôi. “Đi thế này mới là đi chứ”, cô thốt lên, “cả một máy bay dành riêng cho chúng ta”. Tôi đưa mắt ngó quanh cái cabin của chiếc máy bay của hãng ICA rộng thênh thang mà Baz đã dành riêng cho chúng tôi khi tôi gọi điện tới. Tôi xem lại đồng hồ. Gần chín giờ. Tôi chuyển kim nhanh lên hai tiếng, theo giờ Chicagô. Tai tôi thoáng ù ù nằng nặng. Chúng tôi bắt đầu hạ thấp dần xuống. - Làm chủ cả một hãng hàng không nhất định là phải tuyệt vô cùng. – Gieny thốt lên tủm tỉm cười. - Ấy nó có cái tiện là khi ta phải vội vã đi đến một nơi nào đó thì đã sẵn phương tiện đấy rồi. - Em không hiểu…. - Em không hiểu cái gì, hả cô bé? - Anh. – Gieny đáp. – Anh làm em bối rối, không hiểu nổi. Em hiểu bụng dạ của hầu hết đàn ông. Họ chỉ quan tâm tới nhục dục thôi, và luôn luôn sẵn sàng mặc cả, nhượng bộ. Nhưng anh, anh thì lại khác. Anh cái gì cũng đạt được cả. - Không phải tất cả mọi thứ đâu. Cô gật đầu với ánh đèn Chicagô đang ở phía dưới. “Nói như vậy, anh muốn bảo rằng anh không là chủ những cái ở dưới kia, phải không?” - Đúng thế đấy. Anh là chủ của một vài thứ thôi, tuy vậy anh cũng thấy thế làm hài lòng rồi. Mắt cô trở nên mơ màng, tối lại. “Này, ngộ nhỡ ta đột nhiên nổ tan ra thì sao?” Tôi búng ngón tay. “Cần quái gì! Dễ kiếm, dễ mất”. - Thế thôi ư? - Thế thôi. Cô đưa mắt nhìn qua cửa sổ một hồi lâu, rồi quay lại tôi. “Em đoán rằng anh cũng là chủ em, theo một lối nào đấy, nhỉ?” - Anh không nói về em. Anh chỉ nói về cái máy bay thôi. - Em biết, tuy vậy điều ấy vẫn đúng. Anh là chủ của tất cả mọi người làm việc cho anh, thậm chí ngay cả khi anh không cảm thấy như vậy. Tiền đã tạo ra cái đó. - Tiền đã làm ra cho anh được rất nhiều thứ. - Tại sao anh không để nó mua cho anh được một đôi giầy nhỉ? Tôi cúi xuống hai bàn chân đi tất của mình. “Em đừng lo. Anh có giầy. Chúng đang ở đâu đấy trong cái máy bay này thôi”. Cô bật cười. Rồi lại trở nên nghiêm nghị “Tiền có thể mua thời gian cho anh. Nó cũng làm anh bắt mọi người trở thành những kiểu người anh thích”. Tôi nhướn một bên mày. “Anh đã không biết em vừa là diễn viên vừa là một nhà triết học đấy”. - Anh bây giờ cũng chưa thể chắc em làm diễn viên được đâu.. Đúng như vậy đấy. - Em tốt nhất là nên cố gắng làm được như vậy. Nếu không, trước mắt bàn dân thiên hạ, anh sẽ trở thành một thằng ngố vô cùng mất. Lại một lần nữa, mắt cô trở nên nghiêm nghị. “Anh không thích bị thế, phải không?” - Không ai thích cái đó cả. Anh cũng không khác mọi người. - Vậy tại sao anh lại làm phim, anh Giônơx? Anh không cần gì phải làm thế cả. Anh có thiếu tiền đâu. Anh muốn làm phim để làm gì vậy? Tôi ngả đầu ra sau, dựa vào thành ghế. “Có lẽ bởi vì anh muốn được người ta nhớ đến anh vì một thứ gì đó, ngoài thuốc súng, máy bay và đĩa nhựa ra”. - Người ta sẽ nhớ đến anh vì những cái đó còn lâu hơn là vì một bộ phim. - Thật không? – Tôi ngoảnh đầu sang nhìn cô. – Em nhớ đến một người đàn ông bằng cách nào? Bởi vì cái cảm giác rạo rực cháy bỏng anh ta đem lại cho em? Hay là bởi vì anh ta đã xây được tòa nhà cao nhất thế giới? Nào? - Ta sẽ nhớ tất cả những cái đó. – Cô khẽ đáp. – Nếu đó là những cái anh ấy đã làm. - Em thật đúng là một triết gia! Anh không ngờ em lại hiểu đàn ông sâu sắc đến như vậy. Cô cười. “Suốt đời, em là đàn bà mà. Và đàn ông là cái điều đầu tiên mà một cô gái cố tìm mọi cách để hiểu cho được”. Tôi cảm thấy rõ các bánh xe tiếp đất. Chúng tôi đã chạm xuống đường băng. Vô tình, tôi dúi người về phía trước định ngăn cho các bánh xe khỏi nhẩy. Rồi tôi vụt trở lại bình tĩnh. Thói quen thật là một cái rất buồn cười. Ta cho hạ cánh mọi máy bay, dù là ta có thực sự ở buồng lái hay không nữa. Cửa máy bay mở, Gieny rùng mình, quấn cái áo choàng mỏng chặt lại hơn quanh người cô chống lại luồng gió lạnh ngăn ngắt thổi thốc vào mặt. Mặt đất đầy tuyết. Chúng tôi rảo bước qua đường băng tới vạch giới hạn. Một người lái xe tiến tới chỗ chúng tôi, đưa tay lên mũ một cách kính trọng “Thưa ông Cođơ, xe của ông đang ở ngay ngoài kia ạ”. Vào đến ghế trong ôtô, Gieny vẫn còn run. “Em đã quên mất mùa đông có thể lạnh đến mức nào ròi”, cô đáp. Bốn mươi lăm phút sau, chúng tôi đã ở khách sạn Đrêk. Viên phó quản lý đón chúng tôi ở cửa. “Rất mừng lại được đón ông, ông Cođơ ạ. Phòng của ông đã sẵn sàng. Văn phòng của ông từ miền Tây đã gọi điện tới báo trước cho chúng tôi”. Ông ta búng ngón tay, một cái thang máy hiện ra như trong thần thoại. Chúng tôi một mình cùng với ông ta lướt nhanh trong quang cảnh hào nhoáng xa hoa của khách sạn. - Tôi đã tự cho phép mình đặt một bữa ăn nóng cho ông rồi đấy ạ, thưa ông Cođơ. - Cảm ơn ông, ông Catơ. Ông chu đáo quá. Catơ mở cánh cửa căn hộ cho chúng tôi. Một cái bàn nhỏ đã được đặt trong góc phòng dùng làm chỗ ăn. Trên tủ rượu, các chai rượu mới đã xếp một dãy, sáng lấp lánh. - Thưa ông Cođơ, khi nào ông xong, xin ông gọi xuống cho chúng tôi một tiếng ạ. Chúng tôi sẽ cho đem cơm lên ngay. - Ông Catơ, để chúng tôi rửa ráy tí chút đã nhé. – Tôi nói. - Thưa vâng ạ, Tôi liếc Gieny. Cô vẫn run lập cập vì lạnh. “Ông Catơ này!” - Dạ gì ạ, thưa ông Cođơ? - Cô Đentơn rõ ràng là không chuẩn bị gì cho thời tiết lạnh như thế này cả. Ông có nghĩ là ta có thể kiếm cho cô ấy một cái áo ấm được không nhỉ? Catơ khiêm nhường liếc Gieny một cái. “Thưa ngài, tôi cho rằng có thể thu xếp được ạ. Và áo lông chồn chứ ạ?” - Tất nhiên. – Tôi đáp. - Vâng ạ. Tôi sẽ cho đem mấy bộ lên ngay để cô đây chọn ạ. Cám ơn ông, ông Cođơ. Ông ta cúi gập người chào, khép cánh cửa lại sau khi đã đi ra. Gieny quay sang tôi, mở to mắt. “Khiếp thật! Em đã từng ngỡ là không có gì còn có thể làm em ngạc nhiên được nữa. Vậy mà chuyện vừa rồi cứ làm em đớ cả người. Anh biết giờ này là mấy giờ rồi không?” Tôi nhìn đồng hồ: “Mười hai giờ mười”. - Không ai, không một ai có thể đi đến cửa hiệu mua được áo lông chồn sau nửa đem như thế này đâu. - Chúng ta không đi mua. Mà là áo sẽ được đưa lên đây. Cô trố mắt nhìn tôi một thoáng, rồi gật đầu. “Ồ, em hiểu ra rồi. Hai cái đó khác nhau phải không?” - Tất nhiên. - Này, hãy bảo em biết đi. Cái gì làm cho anh trở nên quan trọng, đầy uy quyền ở chốn này thế? - Anh đã trả tiền thuê khách sạn. - Anh nói thế có nghĩa là anh luôn giữ chỗ cái căn hộ này sao? - Tất nhiên,- Tôi dáp.- Anh chẳng bao giờ biết trước được là khi nào sẽ đến Chicagô này. - Lần trước anh đến đây là vào lúc nào? Tôi xoa má. “Khoảng một năm rưỡi. Ờ, cách đây khoảng một năm rưỡi gì đó”. Điện thoại đổ chuông. Tôi nhấc ống nghe lên, rồi chìa nó cho Gieny. Mặt cô đầy vẻ ngạc nhiên. “Gọi em ư?”, cô thốt lên. “Nhưng có ai biết là em ở đây đâu”. Tôi đi vào phòng tắm, khép cánh cửa lại. Mấy phút sau, khi tôi trở ra, Gieny vẫn ngồi ở mép giường, mặt bàng hoàng ngỡ ngàng. “Đó là ông chủ hiệu áo lông thú”, cô nói, “ông ta muốn biết em thích loại lông chồn nào, màu nhạt hay sẫm. Và số bao niêu nữa”. - Em bảo số bao nhiêu với ông ta? - Mười. Tôi lắc đầu. “Anh đã nghĩ là em phải nói số mười hai cơ đấy. Không ai lại đi mua một cái áo lông chồn số mười cả. Nó chẳng hề đáng tiền chút nào đâu”. - Anh điên thật, đúng như anh đã nói. – Cô thốt lên. Rồi quăng mình vào hai cánh tay tôi, ôm chầm lấy tôi. – Nhưng là điên một cách tuyệt vời. Tôi bật cười thành tiếng. Lông chồn luôn được việc, lần nào cũng thế. 8 Anh chàng ở hãng điều tra đến lúc chúng tôi đang ăn tối. Tên anh ta là Xam Vital, và nếu anh ta có cho việc Gieny cứ mặc nguyên chiếc áo lông chồn to xù, gần như đen mà ăn là rất kỳ quặc đi chăng nữa, cặp mắt mệt mỏi, thông minh của anh ta cũng chẳng để lộ ra một vẻ ngạc nhiên nào cả. - Ở Chicagô đây lạnh quá. – Gieny giải thích. - Vâng ạ, thưa bà. – Anh ta nhã nhặn trả lời. - Các anh tìm ra ông ta có vất vả không? – Tôi hỏi. - Dạ không vất vả lắm ạ. Tất cả những gì chúng tôi phải làm là kiểm tra các hãng cho vay nợ. Ông ta để lại một vệt séc giả trên đường đi của mình. Chuyện tìm chỉ là vấn đề thời gian. Khi chúng tôi thu hẹp phạm vi truy lùng vào Chicagô, chúng tôi đến kiểm tra ở Phòng Bảo vệ trị an xã hội. Đam dân làm ăn ấy có thể đổi tên, nhưng không bao giờ lừa được phòng trị an. Ông ta giờ mang tên là Amôx Giođơn. - Ông ta đang làm gì? Ở chỗ nào thế?- Tôi tò mò hỏi. - Thợ cơ khí ở một gara Xixêrô. Ông ta kiếm đủ tiền để uống rượu. Ông ta uống khá nhiều. - Ông ta sống ở đâu? - Một tòa nhà rộng. Nhưng ông ta chỉ về đó để ngủ thôi. Hầu hết thời gian rỗi, ông ta đều ở một “động” mang tên là La Pary. Ông hẳn là đã biết tiếng những ổ gái điếm lậu như vậy. Phục vụ giải trí thường xuyên. Lúc nào cũng có một cô biểu diễn thoát y vũ trên sân khấu, trong khi các cô khác ngả ngốn vuốt ve khách xem để vòi rượu. Amôx không hề thay đổi một tí nào cả. Ông ta vẫn có mặt ở những nơi có gái. Tôi đẩy cốc cà phên ra xa. “Nào, thôi được, ta đi tìm ông ta đi”. - Em cũng xong rồi. – Gieny dáp. Vital nhìn cô ta. “Thưa bà, có lẽ bà nên ở đây ạ. Đó là một nơi khá dữ đấy ạ”. - Vậy thì sao? – Gieny đáp nhanh. – Để tôi bỏ lỡ mất dịp khoe cái áo lông chồn mới này ư? * * * La Pary là một trong số khoảng hai chục cái câu lạc bộ nằm trên một phố cũng giống như bất kỳ một phố Đèn đỏ nào ở khắp cái nước Mỹ này. Tất cả các cửa sổ của nó đều dán đầy những tấm áp phích bán khỏa thana của Mâybelenơ, Chalenơ, Đalenơ và rồi không thể không có Rôsie Hết sẩy- tất cả đều biểu diễn tối hôm nay. Thấy chiếc xe hòm đường bệ lướt tới rồi đỗ lại, gã gác cửa ngoác miệng đến tận tai cười chào. Anh ta mở cửa xe bằng một động tác rất khoa trương “Xin hoan nghênh, thưa quý vị. Thiên hạ ở khắp nơi đều vượt đường để tới được La Pary đây”. Rõ ràng là như vậy. Anh ta lao vội vào trong hộp đêm. Rồi một người đàn ông thấp bé mặc quần áo đen đột ngột hiện ra trước mặt chúng tôi. Một cô nàng coi giữ mũ, mặc cái quần chật căng, cởi áo khoác cho chúng tôi. Riêng Gieny lắc đầu, vẫn mặc nguyên cái áo lông. Chúng tôi theo người đàn ông vào một cái phòng tối mờ mờ, đặc khói thuốc, tới một cái bàn nhỏ xíu ngay sát sân khấu. Một cô nàng đang múa thoát y ở ngay trên đầu chúng tôi. Tiếng trống đường đánh có một điệu chậm rãi, cô ta gần như đã để lộ gần hết những gì cô ta có. - Hai chai sâm banh loại tốt nhất mà các ông có. – Tôi gọi. Đây không phải là chỗ gọi uyxky. Trừ phi là dạ dày ta đã được tráng một lóp kẽm trước đó. Nghe thấy tiếng “Sâm panh” cô nàng thoát y trên sân khấu đang uốn cong lưng tôm, ngửa ra phía trước, liền dừng ngay lại. Tôi nhìn thấy cô ta liếc loáng tôi một cái, vẻ tán thưởng, rồi nhoẻn một nụ cười lẳng lơ mời chào nhất. Gieny thả tuột cái áo choàng lông chồn rơi xuống thành ghế, gỡ cái khăn choàng ra. Mớ tóc vàng của cô bung xòa xuống quanh vai, rực lên chói lọi, bắt hết ánh sáng đèn. Ngay lập tức nụ cười của cô nàng trên sân khấu vụt biến mất, nhanh như lúc xuất hiện. Tôi nhìn Gieny. Cô mỉm cười với tôi. “Muốn trị được lửa thì nên dùng lửa”, cô thốt lên. Tôi bật cười. Một gã hầu bàn mặc áo trắng mang hai chai sâm banh trong một cái hộp tiến lại. Gã nhanh nhẹn đặt ba cái cốc lên bàn, mở chai rượu đầu tiên. Nút chai nổ bốp, rượu sủi bọt lên, tràn qua miệng chai. Không đợi tôi nếm gã rót đầy ngay ba cái cốc, rồi bỏ đi lập tức. Sâm banh còn nóng, nhưng uống cũng được. Tôi nhìn cái chai Haiđxich, 1937. Dù đó là nhãn giả đi chăng nữa, chỗ sâm banh này cũng không quá tồi. Tôi chợt để ý thấy cái phiếu thanh toán bằng giấy trắng đặt ở trên bàn tôi. Tám mươi đôla. - Nếu ông đi tắc xi tới. – Vital nói, - thì ông chỉ mất hai mươi đôla một chai thôi. - Thế nếu ta cuốc bộ? – Tôi hỏi. Anh ta nhoẻn miệng cười. “Mười lăm”. - Nào xin chúc mừng. – Tôi nâng cốc của mình lên. Vừa mới đặt lại xuống, các cốc của chúng tôi đã được gã hầu bàn đổ đầy ngay lại. Anh ta làm rất nhanh, đánh rớt mấy giọt rượu ra thành cốc, rồi chực úp ngược cái chai còn rượu và hộp đựng đá. Tôi đưa tay ngăn anh ta lại. “Đừng nhanh quá thế, anh bạn. Nếu như tôi đã không phàn nàn gì về cái giá cắt cổ, thì ít nhất anh cũng phải để bọn tôi từ từ uống hết chai rượu này đã chứ”. Anh ta giương mắt nhìn tôi, rồi gật đầu. Anh ta đặt cái chai rượu vào hộp đá, đầu quay lên trời, rồi biến mất. Tiếng trống rộ lên ầm ĩ, cô nàng thoát y rời khỏi sân khấu, giữa một tràng vỗ tay lẹt đẹt, không lấy gì làm hứng thú lắm của đám khán giả. - Ông ta ở chỗ kia kìa, cuối quầy rượu ấy. – Vital nói. Tôi quay người sang một bên để nhìn. Vẫn không có đủ ánh sáng. Tôi chỉ thấy lờ mờ một người, cốc rượu trên tay, đang ngồi cạnh quầy rượu, đầu rũ xuống. - Có lẽ tôi phải đến tìm ông ta đây. - Ông có cần giúp không ạ?- Vital hỏi. - Không cần. Anh ở đây với cô Đentơn. Ánh đèn lại tối đi. Một cô múa thoát y nữa lại lên sân khấu. Tôi tò mò lần tới quán rượu, giữa đường, một cô nàng cà vào người tôi. “Anh giai, tìm ai vậy?”, cô ta thì thào. Chính là cái ả vừa từ sân khấu xuống. Tôi lờ lời mời của cô ta, bước tới chỗ Amôx ở quầy rượu. Ông ta không buồn ngẩng lên nhìn tôi leo lên một cái ghế cao cạnh ông ta ngồi. “Một chai Buđwaixe”, tôi gọi. Chưa kịp ngồi cho ngay ngắn trên ghế, tôi đã thấy chai rượu hiện ra trước mặt, còn đồng đôla của tôi đã biến mất tăm. Tôi quay sang nhìn Amôx, lúc đó đang chăm chú theo dõi sân khấu. Một cảm giác bàng hoàng chợt ập đến người tôi. Ông ta già sọm đi nhiều quá. Già và bạc tóc đi đến mức không thể nào tin được. Đầu ông ta tóc còn lưa thưa, da ông ta chảy nhẽo xuống hai bên má và hàm, hệt như lớp da nhăn nheo của một ông lão. Ông ta nhấc cốc rượu đưa lên miệng. Tôi nhìn rõ tay ông ta run lập cập, có những vết đỏ bầm ở trên mu. Tôi cố tính lại. Ông ta không thể già đến mức như nhìn thế này được. Nhiều lắm ông ta chỉ hơn năm mươi một ít thôi. Đốt nhiên, tôi nhìn thấy mắt ông ta. Và tôi vụt hiểu. Ông ta đã bị đánh bại, ông ta không còn gì nữa, ngòai ký ức của ngày hôm qua. Tất cả mọi mơ ước đã tan tành, bởi vì ông ta không vượt được cái thách thức của cuộc đời, và các giai đoạn khốn kiếp đã tới. Ông ta không còn con đường nào đi nữa, ngoài đường đi xuống. Đi xuống mãi, sa sút mãi, cho đến chết. - Amôx, xin chào ông.- Tôi nói khẽ khàng. Ông đặt cốc xuống, chậm rãi quay lại. Cặp mắt đỏ ngầu, giàn giụa nước của ông ta giương lên nhìn tôi. “Cút đi”, ông ta thì thào thốt lên, giọng khàn khàn, rè rè đầy hơi rượu uyxky. “Đó là “em” của ta. Đang nhảy đấy”. Tôi liếc lên sân khấu. Người đàn bà ấy tóc đỏ, đã từng có những năm tháng tươi trẻ hơn, xinh xắn hơn. Họ là một cặp rất xứng nhau- hai con người ấy. Cả hai đều đã vật lộn với cuộc đời khắc nghiệt- một cách cực nhọc và đều đã thất bại. Tôi lặng lẽ chờ cho nhạc rộ lên kết thúc rồi mới tiếp: “Amôx, tôi có một đề nghị làm ăn muốn nói với ông” Ông ta quay lại phía tôi. “Tôi đã nói với thằng cha nhắn tin của anh là tôi không quan tâm đến nó”. Trong một thoáng tôi chực tụt xuống cái ghế ấy, bỏ đi thẳng. Đi thẳng ra bầu không khí mát mẻ, trong lành của trời đêm, thoát khỏi cái cảnh bệnh hoạn, tàn tạ, khỏi chai bia ôi này. Nhưng tôi chựng lại. Không phải vì lời hứa với Forextơ. Mà đấy còn là cha của Monica. Lão bán rượu tiến lại gần, tôi gọi một suất cho hai chúng tôi. Ông ta nhặt đồng năm đôla lên, bỏ đi. - Tôi đã nói cho Monica biết về công việc ấy. Cô ấy rất vui. Ông ta quay lại một lần nữa, nhìn tôi. “Monica luôn luôn là một con bé ngu ngốc vô cùng”, ông ta rè rè thốt lên, rồi cười khùng khục. “Anh biết không, nó không muốn ly dị anh đâu. Nó khi ấy giận điên lên, nhưng sau đó lại không muốn ly dị anh. Nó nói là nó yêu anh”. Tôi lặng thinh không đáp, ông ta lại cười nhăn nhở. “Nhưng tôi đã làm cho nó trắng mắt ra. Tôi bảo với nó là anh cũng như tôi, cả hai thằng đều không cưỡng lại nổi mùi của một “bướm” nào đầu”. - Chuyện ấy qua rồi, giải quyết xong rồi.- Tôi đáp. – Và đã lâu rồi. Ông ta dần mạnh cái cốc xuống mặt quầy, tay run bần bật. “Chưa xong!” Ông ta thét lên, “Anh tưởng tôi có thể quên chuyện anh cướp công ty khỏi tay tôi ư? Anh tưởng tôi có thể quên chuyện anh nẫng của tôi mọi hợp đồng, không hề cho tôi có dịp nào bắt đầu lại ư?”. Ông ta cười giằn, gian xảo. “Tôi không phải là thằng ngu. Anh tưởng là tôi không biết anh cho người lần mò khắp cái nước Mỹ này ư?” Tôi trố mắt nhìn ông ta. Ông ta đã ốm yếu quá. Hơn cả mức tôi tưởng. - Và giờ thì anh mò đến đây, với một đề nghị giả dối, hả? – Ông ta mỉm cười ranh ma. – Nghĩ là tôi ngu hơn anh, hả? Rằng tôi không biết là anh đang cố gạt tôi đi, bởi anh biết rõ rằng nếu người ta biết được các kế hoạch của tôi, anh sẽ đi đời ngay, đi đời ngay, hả?” Ông ta trườn người tuột khỏi cái ghế, hung hãn nhào tơí đấm thùm thụp vào tôi “Cút ngay, Giônơx!”, ông ta gào lên, “Cút ngay! Mày có nghe rõ lời tao không, hả thằng này?” Tôi quay người né, chụp lấy hai tay ông ta. Cổ tay ông gầy khẳng khiu, mỏng mảnh xương-cổ tay của một người già. Tôi giơ hai tay ông ta cao lên. Đột nhiên, ông ta ngã dúi vào tôi, đầu gục lên ngực tôi. Tôi cúi nhìn xuống. Cặp mắt ông ta đầy nước- những giọt nước mắt già cỗi, yếu ót, căm uất trước sự bất lực của chính bản thân mình. “Giônơx, tôi mệt quá”, ông ta thì thào. “Xin anh đừng săn lùng tôi nữa. Tôi xin lỗi. Tôi mệt mỏi quá rồi, không thể điều hành nổi một nhà…” Ông ta trượt khỏi người tôi, ngã huỵch xuống sàn. Người đàn bà tóc đỏ, xuất hiện sau lưng ông ta mấy phút trước đó, kêu váng lên. m nhạc ngừng bặt. Một đám đông đổ xô tới. Tôi vừa định tụt khỏi ghế bước xuống thì cảm thấy bị đẩy dúi vào thành quầy. Tôi ngẩng lên, bắt gặp bộ mặt của gã đàn ông cao lớn mặt quần áo đen. “Có chuyện gì đã xẩy ra ở đây, hả?” - Giô, để yên cho ông ấy!- Giọng Vital vang lên từ phía sau. Gã trật tự viên ngoái đầu lại, “Ồ, hóa ra là anh, anh Xam”. Rồi ngực tôi đột nhiên không bị ép nữa. Tôi nhìn Amôx. Gieny đã quỳ thụt xuống bên ông ta, tháo bớt khuy áo cổ của ông ta, gỡ cravat của ông ta ra. Tôi cúi khom người xuống. “Ông ta ngất à?” Gieny ngẩng lên nhìn tôi. “Em nghĩ là còn hơn thế nữa cơ. Ông ấy có vẻ như đang hầm hập sốt đây này. Có lẽ ta nên đem ông ta về thôi”. - Phải đấy. – Tôi đáp, rút ra một tập bạc, quẳng một tời một trăm đôla lên mặt quầy rượu. – Đây là trả cho bàn của chúng tôi. – Tôi ngẩng lên nhìn, bắt gặp người đàn bà tóc đỏ đang trân trân nhìn tôi, mắt xanh nhòe nhoẹt bởi nước mắt chảy qua lớp thuốc bôi mi mắt. Tôi bóc ra một tờ một trăm nữa, ấn vào tay chị ta.- Đi chùi nước mắt đi. Rồi tôi cúi người, bế thốc Amôx lên, đi ra phía cửa. Tôi ngạc nhiên bởi cái nhẹ bỗng của ông ta. Vital lấy cái áo khoác của chúng tôi từ tay cô ả giữ mũ áo, theo tôi bước ra ngòai. - Ông ta sống cách đây có mấy lô nhà thôi ạ- Anh ta thốt lên khi tôi đã đặt Amôx vào trong xe. Đó là một ngôi nhà xám xịt, nhem nhuốc. Trên cái thùng rác mở tung nắp ngay trước cửa, hai con mèo đi ăn đêm giương bốn con mắt vàng khè lên căm hờn nhìn chúng tôi. Tôi ngó qua cửa xe nhìn tòa nhà. Đây không phải chỗ cho một người ốm. Anh lái xe nhẩy vội ra, chạy vòng đằng sau, mở cửa ôtô. Tôi vươn người ra, kéo sập nó lại. “Anh tài, quay về khách sạn Đrêk”, tôi nói. Tôi quay lại, nhìn Amôx đang nằm sóng soài trên ghế sau. Không phải là ông ta ốm mà tôi nghĩ khác về ông ta. Nhưng không hiểu sao, tôi không thể xóa bỏ được cảm giác là nếu như chuyện đời xảy ra hơi khác đi một tí, biết đâu người nằm đây lại chính là ba tôi. 9 Ông bác sĩ bước ra, vừa đi vừa lắc đầu. Gieny theo sát đằng sau ông ta. “Sáng mai khi ông ấy trở dậy thì mọi thứ sẽ đâu vào đấy cả. Có ai đó đã tống cho ông ta một liều Xôđium anytal”. - Cái gì? - Thuốc nốc ao.- Gieny đáp.- Thuốc “chuột”[95] Tôi mỉm cười. Linh cảm của tôi rất đúng. Anh chàng Vital đã không để cái gì xẩy ra phó mặc may rủi hết. Tôi cần Amôx, anh ta làm mọi cái để đảm bảo là tôi gặp được Amôx. - Sức khỏe của ông ta đã suy sụp một cách tồi tệ.- Bác sĩ nói thêm.- Quá nhiều uytxky, quá ít thức ăn. Ông ta đang sốt, nhưng không sao cả đâu, chỉ cần chú ý chăm nom một chút. - Xin cảm ơn bác sĩ- Tôi đứng dậy. - Có gì đâu, ông Cođơ. Sáng mai tôi sẽ ghé lại thăm ông ta một lần nữa. Còn bây giờ, cô Đentơn này, mỗi một tiếng lại cho ông ta uống một viên thuocó ấy nhé. - Thưa bác sĩ, tôi sẽ nhớ làm ạ. Ông bác sĩ gật đầu chào, ra về. Tôi nhìn Gieny. “Nhưng, khoan đã. Em không việc gì phải thức trắng đêm chăm nom cho cái lão hợm mình ấy cả”. - Em chả sao đâu.- Gieny đáp.- Đây không phải lần đầu tiên em thức chăm một bệnh nhân đâu. - Bệnh nhân? - Tất nhiên,- Cô nhìn tôi ánh mắt là lạ. – Em chưa bao giờ kể cho anh biết là em học ở trường y tá ra à? Tôi lắc đầu. - Trường y tá mang tên thánh Mary, ở Xan Franxixcô. Năm một nghìn chín trăm ba lăm. Em làm y tá một năm. Rồi em bỏ. - Tại sao em bỏ. - Em chán cái nghề ấy. – Cô thốt lên, mắt thản nhiên, không để lộ điều gì cả. Tôi biết là không nên gặng nữa. Mà dù sao, đó cũng là chuyện riêng của cô ấy. “Em có muốn uống chút gì không?”, tôi bước tới tủ rượu. Cô lắc đầu. “Không, cảm ơn anh. Này anh, cả hai chúng ta cùng thức thật là vô ích. Tại sao anh không đi ngủ đi cho lại sức hả?” Tôi ngước mắt nhìn cô, tỏ ý hỏi. - Em không sao đâu. Sáng mai em ngủ bù được mà. – Cô tiến lại gần, hôn lên má tôi. – Tạm biệt anh, Giônơx. Và cám ơn anh. Anh thực sự là một con người rất tốt. Tôt bật cười. “Em không nghĩ là anh tốt thế mà lại để em đi suốt đường Chicagô với cái áo choàng mỏng như vậy ư?”. - À, cám ơn anh cả về cái áo lông nữa. Nhưng không phải chỉ vì cái áo lông đâu.- Cô nói nhanh.- Em đã nghe thấy hết những lời ông ta nói với anh. Vậy mà anh vẫn đưa ông ta về đây. - Anh còn làm gì được nữa nào? Anh không thể để ông ấy nằm trơ ở đó được. - Đúng, tất nhiên là không thể làm thế được.- Cô đáp, mắt mở to,- Thôi, giờ thì vào giường đi. Tôi quay người đi vào buồng ngủ. Đêm ấy tối và kinh khủng vô cùng. Trong giấc mơ của tôi, Amôx và ba tôi đuổi tôi chạy vòng trong một căn phòng, người nào cũng cố bắt tôi phải làm theo lời họ quát lên với tôi. Nhưng tôi không thể hiểu được lời họ- họ nói một thứ tiếng gì líu ríu rất kỳ quái. Rồi Gieny, hoặc cũng có thể đấy là Raina bước vào phòng, mặc một bộ đồng phục trắng toát, và hai ông già bắt đầu đuổi theo em. Tôi cố ngăn hai người kia lại, và cuối cùng tôi đưa được em ra khỏi phòng, đóng sập cửa lại. Tôi quay người về phía em, ôm chầm lấy em, nhưng té ra đó là Monica đang khóc thảm thiết. Rồi một ai đó ấn ngửa tôi vào tường, tôi trố mắt nhìn, nhận ra đấy là gã trật tự viên ở hộp đêm La Pary. Gã bắt đầu chiếu thẳng một ngọn đèn pin vào mắt tôi, ánh đèn cứ lớn dần lên, lớn dần lên, chói chang, nhức nhối mãi, nhức mãi… Tôi choàng tỉnh, chớp chớp mắt. Nắng ùa vào cửa sổ. Đã tám giờ sáng. * * * Gieny đang ngồi trong phòng khách với một ấm cà phên và mấy lát bánh mỳ nướng ở trước mặt. “Chào anh, anh có uống cà phê không”. Tôi gật đầu, bước tới phòng của Amôx, ngó vào. Ông ta đang nằm ngửa, ngủ li bì như một đứa trẻ. Tôi khép cửa lại, đến đivăng, ngồi xuống cạnh Gieny. “Em hẳn đã mệt lắm phải không”, tôi thốt lên, nhấc tách cà phê của mình. - Một chút thôi. Rồi sau một lúc, cũng thấy quen. Rồi cứ thế là thức được.- Cô nhìn tôi. – Ông ấy nói về anh nhiều lắm. - Vậy ư? Chắc chắn là chẳng có gì hay ho cả, nhỉ? - Ông ta tự buộc cho mình cái tội làm tan cuộc hôn nhân của anh. - Tất cả bọn anh đều có trách nhiệm một ít về việc đó.- Tôi đáp.- Lỗi của ông ta cũng chẳng hơn gì của anh…hay là của cô ấy. - Và của cả Raina Malovi? - Trong tất cả nguyên nhân, Raina là lý do ít nhất.- Tôi đáp nhanh và với lấy một điếu thuốc.- Có lẽ cái chính là anh và Monica khi ấy còn quá trẻ. Đáng nhẽ anh và cô ấy không nên lấy nhau làm người chồng, người vợ thứ nhất của nhau. Cô nhấc cốc cà phên của mình lên, ngáp. “Giờ thì em nên đi nghỉ một lúc đi”, tôi đáp. - Có lẽ em đợi đến lúc bác sĩ tới đã. - Cứ đi ngủ đi. Lúc nào ông ấy tới, anh sẽ đánh thức. - Thế cũng được.- Cô đứng dậy, đi về phía cửa phòng ngủ. Cô chợt dừng lại, quay ra cái ghế, cầm cái áo lông chồn lên. - Không cần đến nó đâu. – Tôi nói. Anh vẫn còn để giường đệm giữ hơi ấm đấy. Cô dụi dụi mặt vào lớp lông thú. “Nhưng cái này dễ chịu lắm”. Rồi cô đi khuất, khép cánh cửa phòng ngủ lại. Tôi rót đầy một tách cà phê nữa cho mình, rồi nhấc ống têlêphôn lên. Đột nhiên, tôi cảm thấy đói ngấu. Tôi gọi bộ phận phục vụ phòng, đặt một suất ăn đúp có giăm bông, trứng và một ấm cà phê nữa. Amôx bước ra giữa lúc tôi đang ăn. Ông ta quấn một cái chăn quanh người như một chiếc áo choàng dài. Ông ta lê chân tới bàn, cúi xuống nhìn tôi. “Ai đã ăn cắp quần áo của tôi rồi hả?” Ông ta vẫn đứng. Tôi lặng thinh không đáp. Một hồi lâu sau, ông ta ngó quanh căn hộ. “Cô gái đâu rồi?”. - Đang ngủ. Cô ấy thức trắng đêm trông nom ông đấy. Ông ta trầm ngâm nghĩ. “Tôi dã ngất lịm đi hả?” Câu này hầu như không phải hỏi, mà là một lời nói để mà nói thôi. Tôi không trả lời. - Chắc là như vậy rồi. – Ông ta thốt lên, gật đầu. Rồi ông ta bật lên tiếng rên, đưa vội tay lên ôm đầu. Cái chăn suýt tuột khỏi người ông ta. “Một đứa nào đó đã lừa tống cho tôi một liều thuốc “chuột” rồi”, ông ta nói như buộc tội. - Ông cố ăn lấy một chút đi. Người ta bảo thức ăn có vitamin đấy. - Tôi cần uống. - Xin cứ tự nhiên. Tủ rượu ở kia kìa. Ông ta lê đến tủ rượu, rót cho mình một cốc đầy. Ông ta uống ừng ực rất nhanh, gần như đổ thẳng vào họng. “Khà!” Ông ta thốt lên. Rồi lại uống nữa. Bộ mặt xám ngoét của ông ta dần dần trở lại có thần sắc. Ông ta lê bước quay về bàn, chai uyxky vẫn trong tay, buông người xuống cái ghế đối diện với tôi. “Anh làm cách nào tìm ra được tôi thế hả?” - Dễ thôi. Chúng tôi chỉ việc dò theo dấu các tấm séc giả của ông. - Ồ! – Ông ta thốt lên, rót rượu ra một lần nữa, nhưng để cái cốc trước mặt, không uống. Đột nhiên, ông ta giàn giụa nước mắt.- Nếu là người khác chứ không phải anh, thì chuyện không đến nỗi tồi tệ như thế này đâu. Tôi không đáp, lặng thinh ăn tiếp. - Anh không hiểu trở nên già là như thế nào đâu. Người ta sẽ bị mất hết các quan hệ cũ. - Ông không bị mất chúng. – Tôi đáp. – Mà ông đã vứt bỏ chúng. Ông ta nhấc cốc uyxky lên. - Nếu ông không thích lời đề nghị của tôi. – Tôi nói- Thì cứ việc sống như cũ, và uống cốc rượu ấy đi. Ông ta giương mắt nhìn tôi một thoáng, lặng thinh. Rồi ông ta cúi xuống nhìn cái cốc nhỏ, đầy rượu vang như hổ phách. Tay ông ta thoáng run run, mấy giọt rượu bắn tung văng xuống tấm khăn trải bàn. “Cái gì đã làm anh đột nhiên trở thành một thằng làm việc thiện như vậy hả?” - Tôi không phải là loại người ấy. – Tôi đáp, với tay lấy tách cà phê của mình và nhìn ông ta, mỉm cười. – Tôi không hề có thay đổi gì đâu. Tôi vẫn nghĩ ông là đĩ đực khét tiếng nhất thế giới. Nếu chuyện chỉ là riêng với tôi, có dùng sào dài tới ba thước để đụng tới ông, tôi cũng không thèm. Nhưng Forextơ muốn ông làm giám đốc cái nhà máy ở Canađa ấy. Anh chàng ngu đó không hiểu ông bằng tôi đâu. Anh ta vẫn nghĩ ông là người giỏi nhất. - Rôgiơ Forextơ hử? – Ông ta cất tiếng hỏi. Cái cốc uyxky được từ từ hạ xuống bàn.- Anh ta đã bay thử chiếc Tự do số năm tôi thiết kế ngay sau chiến tranh. Anh ta bảo đó là chiếc máy bay tuyệt vời nhất anh ta đã từng được bay đấy. Tôi lặng thinh giương mắt nhìn ông ta. Chuyện đó đã xẩy ra cách đây hơn hai chục năm và từ bấy đến giờ, đã có ối kiểu máy bay tuyệt vời hơn xuất hiện. Vậy mà Amôx vẫn chỉ nhớ có mỗi chiếc Tự do số năm. Đấy chính là kiểu máy bay bắt đầu làm cho ông ta nên cơ nghiệp. Một vẻ đặc biệt, chỉ riêng Amôx Uynthrop mới có đột nhiên xuất hiện trên mặt ông ta. “Cái khúc của tôi trong hợp đồng là gì vậy?” ông ta xảo quyệt hỏi. Tôi nhún vai. “Đó là việc riêng giữa ông và Rôgiơ”. - Tốt,- Ông ta đứng dậy, khá đàng hoàng chững chạc. – Chứ còn nếu phải bàn bạc với anh, dù được trả bất kỳ giá nào tôi cũng không thèm. Ông ta hiên ngang đi về phòng ngủ của mình. Đến cửa, ông ta dừng lại, quay người quắc mắt nhìn tôi. “Tôi phải làm gì về chuyện quần áo bây giờ hả?” - Dưới nhà có một cửa hàng dành cho đàn ông. Gọi điện cho họ, bảo mang lên đây những gì ông cần. Cửa đóng lại sau lưng ông ta, tôi với tay lấy một điếu thuốc lá. Loáng thoáng vọng lại tiếng ông ta nói trong máy điện thoại. Ngả người vào thành ghế, tôi uể oải thở khói thuốc ra đằng mũi. Khi quần áo được đem lên, tôi bảo mang sang phòng ngủ của Amôx. Rồi chuông cửa lại kêu, làu bàu rủa, tôi đứng dậy ra mở. Mẹ kiếp, thế này thì tôi đã trở thành một thằng quản gia thực sự rồi chứ còn gì. Tôi mở cửa. “Cháu chào bác Cođơ ạ”. Giọng trẻ con. Ngạc nhiên, tôi nhìn xuống. Giô-An đang đứng cạnh Monica, một tay túm lấy vạt áo ngòai của mẹ, một tay ôm chặt con búp bê mà tôi đã cho. - Mac Alixtơ gửi cho em một bức điện, lúc em đang ở trên tàu.- Monica giải thích,- Anh ấy bảo có lẽ anh đang ở đây. Anh đã tìm thấy ông cụ em chưa? Tôi trố mắt nhìn cô, không nói nổi ra lời. Mac có lẽ đã phát rồ mất rồi. Nhất định là anh ta phải biết là tàu sẽ dừng ở Chicagô ba tiếng để nghỉ và Monica có thể sẽ đến đây. Nhưng nếu tôi không muốn gặp cô thì sao? - Anh đã tìm thấy ông cụ em chưa?- Monica nhắc lại. - Rồi. Anh đã tìm thấy ông ấy. - A, hay quá!- Giô An đột nhiên reo lên, nhận thấy cái bàn ăn.- Cháu đói quá. – Con bé chạy băng qua tôi, leo lên một cái ghế, cầm lấy một mẩu bánh mì nướng. Tôi ngạc nhiên, chăm chú nhìn theo. Monica ngước lên nhìn tôi, vẻ xin lỗi. “Em xin lỗi, anh Giônơx. Trẻ con mà, anh biết đấy”. - Mẹ đã bảo là ta sẽ ăn sáng với bác Cođơ cơ mà, mẹ. Monica đỏ mặt. “Giô An!”. - Không sao đâu. Mời em vào nhà đi. Cô bước vào phòng. Tôi đóng cửa lại. “Anh sẽ gọi ăn sáng lên đây cho em”. Tôi bước tới máy điện thoại. Monica mỉm cười. “Phần em thì chỉ cần cà phê thôi đấy nhé”, cô vừa nói cởi áo khoác. - Bác sĩ đã đến chưa, anh Giônơx? Monica trố mắt. Tôi trố mắt. Gieny đang đứng sững ở cửa, mái tóc dài, vàng óng xòa quanh chiếc áo lông chồn đen sẫm cô quấn quanh người như một chiếc áo choàng ngủ. Cái cổ trần của cô, hai chân trần của cô để lộ rõ rằng dưới cái áo, cô không còn một thứ gì trên người nữa. Nụ cười vụt tắt trên mặt Monica. Cô quay lại phía tôi, ánh mắt lạnh ngắt. “Giônơx, tôi xin lỗi”, cô khó nhọc thốt lên, “đáng nhẽ theo kinh nghiệm, tôi đã phải gọi điện cho anh rồi hãy tới mới đúng”. Cô đi băng qua phòng, nắm lấy tay đứa trẻ. “Đi nào, Giô An”. Hai người đã ra gần tới cửa, tôi mới thốt nổi ra được thành lời. “Hẵng khoan đã, Monica”, tôi cục cằn gắt lên. Giọng Amôx cắt ngang lời tôi. “A, đúng lúc lắm, con ạ”, ông bình thản nói. “Ta có thể cùng về thôi”. Tôi quay lại phía ông ta. Cái lão già ốm yếu, bẩn thỉu chúng tôi tìm thấy ở quầy rượu hôm qua đã biến mất. Thay vào đó là Amôx của thời trước. Amôx đang đứng đó, chỉnh tề trong một bộ complê kẻ sọc màu xám, cài khuy chéo, một cái áo măng tô màu sẫm hững hờ vắt trên tay. Ông ta là hình ảnh chính xác của một quan chức hành chính, một viên giám đốc. Ông ta đi băng qua phòng, đến cửa. Tay đặt lên trên nắm đấm cửa, ông ta quay lại nhìn tôi, một nụ cười xỏ lá thoáng hiện trên môi ông ta. “Tôi và lũ trẻ không dám làm phiền…”. Ông ta ngừng lại, hơi cúi người về hướng Gieny, chào. Giận điên người, tôi đâm bổ ra cửa. Tôi mở toang nó ra, nghe thấy tiếng cửa thang máy mở ra rồi sập lại. Và hành lang trở nên lạnh ngắt. – Em xin lỗi, anh Giônơx. – Gieny thốt lên. – Em không hề có ý làm mọi chuyện của anh rối bung lên như vậy. Tôi nhìn cô. Mắt cô mở to lồ lộ, chứa chan thông cảm. “ Em chẳng làm gì phải xin lỗi cả. Mọi cái đã rối beng lên với anh từ rất lâu rồi”. Tôi bước tới tủ rượu, rót cho mình một cốc đầy. Mọi cảm giác tốt đẹp đã mất sạch. Thôi từ giờ trở đi cạch cái trò ra tay tế độ làm phúc nhé. Tôi nuốt ực cốc rượu, quay ngoắt lại phía Gieny. “Đã bao giờ em được ăn nằm trên áo lông chồn chưa hả?”, tôi hung hãn hỏi. Mặt em lộ rõ một niềm thông cảm, thương xót sâu xa. “Chưa ạ”. Tôi rót cho mình ồng ộc một cốc nữa, dốc thẳng vào họng. Chúng tôi đứng sững ở hai đầu phòng, đăm đăm nhìn nhau. Một hồi lâu sau, tôi cất tiếng. “Thế nào?”. Mắt vẫn chằm chằm nhìn soi vào mắt tôi, em chậm rãi gật đầu. Rồi em rướn hai tay lên, giơ về phía tôi. Cái áo choàng mở bung ra, để lộ thân thể trắng ngần của em. Khi em cất tiếng nói, có một cái gì đó vang lên trong giọng em, dường như em đã hiểu hết, thông cảm hết, dường như em biết rằng điều ấy luôn phải thế. - Nào, đến với mẹ nào, bé!- Em dịu dàng thốt lên khe khẽ. Quyển tám - GIENY DENTƠN 1 Gieny bước qua ngưỡng cửa che màn, tiến thẳng tới ống kính của camêra. Giọng đạo diễn quát lên: “Cắt! Gói nó lại!”. Và thế là xong. Cô đứng sững hồi lâu ở đó, đờ đẫn, chớp chớp mắt vì chưa quen với ánh sáng khi các ngọn đèn chiếu cực mạnh bắt đầu từ từ tối lại, rồi tắt hẳn. Và đột nhiên, cái nóng ngột ngạt của tháng tám bỗng ập tới người cô, làm cô nghẹt thở, như muốn ngất. Cô giang vội một tay ra cho khỏi ngã. Như vẳng lại từ rất xa, cô nghe thấy sàn quay khổng lồ bỗng ồn lên như một cái chợ hỗn loạn. Dường như tất cả mọi người đều ồ lên nói và cười cùng một lúc. Có người nào đó ấn một cốc nước vào tay cô. Cô uống ừng ực rất nhanh, khoan khoái. Rồi đột nhiên, cô bắt đầu run lập cập, cảm thấy lạnh thấu xương. Anh phụ trách phục trang quăng vội1 cái áo choàng lên hai vai cô, che bộ quần áo trong mờ mờ của cô đi. “Cám ơn anh”, cô thì thào thốt lên. - Có gì đâu, cô Đentơn. – Anh ta đáp. Anh ta chằm chằm nhìn cô một thoáng. – Cô làm sao thế? - Không sao cả đâu. – Cô thốt lên. Cô cảm thấy những giọt mồ hôi lạnh ngắt chợt rịn ra ươn ướt ở trán. Anh phụ trách phục trang khoát tay vẫy, người trang điểm lập cập chạy vội tới. Anh ta lấy một miếng cao su xốp thấm thấm mặt cô. Cô ngửi thấy mùi hương cây phỉ dại thoang thoảng thơm. Cô bắt đầu thấy dễ chịu hơn. - Cô Đentơn. – Người trang điểm thốt lên. – Cô nên đi nằm đi một lúc. Cô bị kiệt sức rồi đấy. Cô ngoan ngoãn để anh ta dẫn ra đằng sau, tới một căn buồng nhỏ dùng làm chỗ hóa trang di động. Bước qua cửa, cô ngoảnh đầu lại lại nhìn cái sàn quay. Rượu đã được đem ra, đang chảy tung tóe, mọi người đang quây chặt lấy đạo diễn, hô tướng những lời chúc tụng ông ta, những lời ca ngợi mà họ cảm thấy cần thiết phải có để đảm bảo là bộ phim sau ông ta sẽ nhận mình vào làm. Và có vẻ họ đã hoàn toàn quên mất cô. Cô đóng cửa lại, nằm dài trên chiếc giường nhỏ, mệt mỏi nhắm mắt. Ba tháng dự định làm bộ phim đã kéo dài ra thành năm. Năm tháng trời ròng rã quay ngày đêm, năm tháng trời kiệt sức, dậy từ năm giờ sáng và ngã gục xuống giường, ngủ say như chết vào nửa đêm, đôi khi còn muộn hơn. Năm tháng liền như vậy, cho đến khi cái ý nghĩ từng ở trong kịch bản đã bị biến mất vào trong mớ hỗn loạn của các cảnh quay lại, viết lại, rối mù lên. Cô lại rùng mình. Kéo vội cái chăn len mỏng đắp lên người, cô nằm run cầm cập. Cô nhắm nghiền mắt lại, nằm nghiêng sang một bên, kéo đầu gối lên sát ngực, co quắp người lại. Dần dần, hơi người cô tỏa ra xung quanh nhiều hơn, cô bắt đầu đã thấy dễ chịu hơn. Khi mở mắt tỉnh dậy, cô thấy Ilenơ Gala đã ngồi bên cạnh mình trên một chiếc ghế từ bao giờ. “Chào chị”, Gieny ngồi nhỏm dậy, “em ngủ thiếp đi có lâu không?” Ilenơ mỉm cười. “Độ một tiếng. Em cần như thế.” - Ngượng thật đấy. – Gieny thốt lên. – Thường thì em không bao giờ lại xỉu đi như thế cả. Nhưng đúng là em mệt quá. - Em đã bị ở trong một tình trạng căng thẳng kinh khủng. Nhưng giờ thì em không còn phải lo gì nữa rồi. Khi bộ phim này được chiếu ra, em sẽ trở thành một ngôi sao lớn – một trong số những ngôi sao lớn nhất. - Em cũng mong như vậy. – Gieny khiêm nhường nói. Cô nhìn Ilenơ. – Khi em nghĩ về những con người ấy, họ đã làm việc vất vả như thế, đặt nhiều mong đợi, tiền của như thế vào bộ phim, em thấy không thể chịu nổi nếu như em lại chẳng xứng với điều họ trông mong ở em. - Em sẽ xứng đáng. Xem các đoạn nháp, chị đã thấy em rồi sẽ thành công rực rỡ. – Ilenơ đứng dậy, nhìn Gieny. – Có lẽ em nên uống chút gì nóng đi. Gieny mỉm cười khi thấy Ilenơ lấy cái can đựng sôcôla “Sô-cô-la ư chị?”. – Chứ sao? – Ilenơ đáp. – Nó có nhiều năng lượng hơn là nước chè. Hơn nữa, em không cần phải lo lắng gì về chuyện ăn kiêng của em nữa rồi. Phim đã quay xong. - Cám ơn Chúa về chuyện ấy! – Gieny thốt lên, đứng dậy. Thêm một bữa trưa nữa với món pho mát nhà quê ấy là em phát điên lên mất. Có lẽ em phải đi thay cái của này ra thôi. – Cô bước ngang qua căn phòng bé xíu tới chỗ rửa mặt. Ilenơ gật đầu. Cô chăm chú ngắm nhìn Gieny tuột người ra khỏi bộ trang phục – cái quần lụa ống rộng kỳ cục, cái áo sa trong mờ mờ, chiếc áo chẽn ngoài bằng nhung xanh nước biển đính thêm các hạt vàng – trang phục của cô trong cảnh cuối cùng. Cô lướt mắt nhìn nhanh những đường nét thân thể Gieny một cách tán thưởng. Cặp mắt người vẽ mẫu của cô hài lòng với những gì cô nhìn thấy. Giờ cô thầm vui vì Giônơx đã cho người tìm cô. Thoạt tiên, cô không cảm thấy như vậy. Cô đã không muốn quay trở lại Hôliut, trở lại với cảnh lừa bịp nhau giành phần hơn, những chuyện ngồi lê đôi mách, những nỗi ghen tức nhỏ nhen. Nhưng trên tất cả, là lý do ấy. Cô không muốn trở về gặp lại những kỷ niệm. Nhưng khi chăm chú xem xét bức ảnh, có một cái gì đó thoát ra từ cô gái khiến cô như bị hút vào đó. Cô có thể hiểu ra Giônơx đã nhìn thấy được cái gì trong cô gái này. Có một cái gì đó như Raina phảng phất ở cô ta; nhưng cô ta cũng là một phẩm chất đặc biệt, của riêng mình. Nhưng chỉ mãi đến khi đã nghiên cứu kỹ bức ảnh rất lâu, cô mới nhận ra đó là cái gì. Đó là vẻ trong sáng đức hạnh một cách khắc khổ, ngời lên rất lạ qua cái vẻ quyến rũ xác thịt bên ngoài. Đôi mắt của người trong ảnh nhìn thẳng vào ta là đôi mắt thơ ngây thuần khiết của một trẻ thơ, được giấu đằng sau một vẻ hiểu đời rộng rãi. Khuôn mặt ấy là khuôn mặt của một cô gái đã giữ được tâm hồn mình nguyên vẹn, dù đã phải lăn lộn trải qua những điều kinh tởm tồi tệ xấu xa đến thế nào đi chăng nữa. Gieny cài móc xu chiêng lại, kéo gấu cái áo xăng đay dày cộp màu đen xuống cho tới khi nó chạm đến cạp chiếc quần rộng lùng thùng. Cô ngồi xuống, đỡ lấy tách sôcôla bốc hơi ngùn ngụt từ tay Ilenơ. “Ôi, đột nhiên em cảm thấy đói quá”, cô thốt lên, hớp một ngụm sôcôla, “em đã kiệt hết cả sức.” Ilenơ mỉm cười, uống chỗ sôcôla của mình. “Khi một bộ phim được làm xong, ai cũng cảm thấy tương tự như thế cả.” - Em có cảm giác là em sẽ không bao giờ có thể đóng nổi một bộ phim nào nữa đâu. – Gieny tư lự nói tiếp. – Rằng một vai khác sẽ chẳng làm em thích thú gì nữa. Không hiểu sao, hình như tất cả con người em đã dốc trọn vẹn vào bộ phim này rồi, và giờ em chả còn lại cái gì nữa. Ilenơ lại mỉm cười. “Cái đó sẽ biến ngay ở phút người ta đặt vào tay em một kịch bản khác”. - Chị nghĩ thế ư? Xảy ra thật thế hả chị? Ilenơ gật đầu. “Làm nào cũng thế cả”. Một loạt tiếng ầm ỹ chợt rộ lên qua mấy bức tường mỏng của căn buồng. Gieny mỉm cười. “Họ đang tổ chức một vũ hội với nhau ở ngoài đó”. - Anh Cođơ đã đặt hẳn bàn ăn từ một kho quân nhu, thuê hẳn hai người lập thành một quầy rượu ở ngoài đó. – Ilenơ uống cạn tách sôcôla của mình. Cô đứng dậy, nhìn xuống cô gái. – Chị vào đây thực ra là để chia tay với em. Gieny ngẩng lên nhìn, dò hỏi. “Chị đi ư?” Ilenơ gật đầu. “Chị quay về miền Đông bằng tàu hỏa đêm nay”. - Ôi. – Gieny thốt lên. Cô đặt tách xuống, đứng dậy. Cô chìa tay ra cho Ilenơ. – Em xin cảm ơn chị về tất cả những điều chị đã làm cho em. Em học được ở chị nhiều lắm. Ilenơ nắm lấy tay cô. “Trước thì chị không muốn tới đâu. Nhưng giờ chị lại mừng vì mình đã tới”. Hai người trang trọng bắt tay nhau. “Em mong là ta sẽ lại được làm việc với nhau”, Gieny nói. Ilenơ đi ra cửa. Cô ngoảnh lại nhìn Gieny. “Chị cũng tin chắc là ta sẽ làm việc với nhau nhiều nữa. Nếu em cần chị, cứ viết thư. Chị sẽ rất vui mừng được quay lại”. Một lúc sau, cửa phòng lại mở ra, và Al Pêtrôxeli, trưởng phòng tuyên truyền, ló đầu vào. Một luồng tiếng nhạc ồ vào theo. “Nào ra đi”, ông ta kêu lên, “bữa tiệc đang rất vui. Ông Cođơ đã gọi cả một dàn nhạc tới”. Cô đặt điếu thuốc xuống. “Xin chờ cho một phút”, cô quay lại cái gương, vuốt thẳng lại tóc. Pêtrôxeli trợn tròn mắt. “Cô không định đi ra mà ăn mặc thế chứ hả?” Ông ta thốt lên, vô cùng kinh ngạc. - Tại sao không? Phim làm xong rồi thôi. Ông ta bổ vào phòng, đóng cửa lại. “Nhưng, Gieny thân yêu ơi, cô bé con ơi, cô hãy thông cảm một tí chứ. Chính tạp chí Đời sống đã đăng cai tường thuật lại bữa tiệc này đấy. Nó sẽ nom ra sao trước con mắt độc giả, nếu ngôi sao của bộ phim nổi tiếng nhất chúng ta làm trong vòng mười năm trở lại đây lại mặc quần và một cái áo xăng đay cao cổ đen kịt thế này? Chúng ta phải cho họ được nhìn nhiều hơn thế này chứ. - Tôi sẽ không chui vào cái của khỉ ấy nữa đâu. – Gieny ương bướng thốt lên. - Gieny thân yêu, xin cô. Tôi đã hứa với bọn họ một vài pha “ngọt mắt” mất rồi. - Nếu họ thèm cái trò lõa lồ như thế, đưa cho họ mấy bức ảnh chụp tư liệu ấy. - Bây giờ không phải lúc lằng nhằng bàn cãi về sở thích tính khí đâu. Nào, Gieny, từ trước đến giờ cô vẫn là một cô bé ngoan mà. Nào, một lần này nữa thôi. - Ông Al, thôi được, - Giọng Bơnơ vang lên ở phía sau. – Nếu Gieny không muốn thay quần áo, cô ấy không việc gì phải làm cả. – Ông ta bước vào phòng, cái mặt xấu xí của ông ta nhoẻn một nụ cười dễ chịu. – Mà thực ra, tôi cho rằng đó chính là một sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với độc giả của tạp chí Đời sống đấy. Al nhìn ông ta. “Dạ thưa ông Bơnơ, nếu ông đã nói thế, thì thôi được ạ.” Bơnơ quay sang phía cô, mỉm cười. “Ồ, cô thế là làm được chuyện ấy”. Gieny lặng thinh không đáp, chỉ đưa mắt nhìn ông ta. - Tôi đã suy nghĩ về cô. – Ông ta nói, không rời mắt khỏi mặt cô. – Cô sẽ trở thành một ngôi sao lớn đấy. Cô lặng thinh không nói. - Sau Người có tội, đóng các phim khác cho được như thế đâm ra vất vả đấy. - Tôi chưa nghĩ gì về chuyện ấy cả. – Cô đáp. - Tất nhiên. Cô chưa nghĩ tới, cả Giônơx nữa. – Bơnơ phá lên cười. – Mà tại sao cô lại phải nghĩ đến cơ chứ? Đó không phải là việc của cô. Mà là của tôi. Tất cả những gì Giônơx đã làm đều là vì anh ta thích thế thôi. Anh ta thấy thích làm một bộ phim – thế là anh ta làm. Nhưng biết đâu tám năm nữa anh ta mới lại thích như vậy. - Thế thì sao? – Cô bàng hoàng nhìn thẳng vào mắt ông ta. Ông ta nhún vai: “Chính tôi mới là thằng làm cô có việc liên tục. Nếu cô đóng hai phim cách nhau lâu đến thế, thiên hạ sẽ quên phứt cô đi ngay”. Ông ta thò tay vào lục túi áo vét tông, lấy ra một bao thuốc lá. “Bà già Mêhicô vẫn làm cho cô đấy chứ?” - Vẫn. - Cô vẫn sống ở chỗ cũ chứ hả? - Tất nhiên. - Có lẽ tuần sau, tôi sẽ tới vào một tối nào đấy. – Ông ta nói. – Tôi đang có mấy cái kịch bản phim, để rồi ta cùng xem xét. Cô lặng thinh. - Giônơx sắp sửa đi. – Ông ta thốt lên. – Đi Canađa, có việc. – Ông ta mỉm cười. – Cô biết không, tôi cho rằng thật may là anh ta không nghe được một tý gì về những chuyện ấy của cô, nhỉ? Cô từ từ thở ra: “Phải”. - Có lẽ tối thứ tư nhé. - Tốt hơn là ông nên gọi điện tới trước. – Cô thốt lên, môi cứng đờ, rin rít. - À, tất nhiên rồi. Tôi quên mất đấy. Mọi cái chả thay đổi gì, nhỉ? Cô nhìn ông ta. “Phải”, cô thốt lên âm thầm. Rồi cô đi lướt qua ông ta ra cửa. Người cô chợt bải hoải rã rời. Không có gì thay đổi cả. Mọi cái đều xoay ra như thế với cô, lúc nào cũng vậy. Mọi cái đều nguyên như cũ, không hề thay đổi; trừ có loại tiền mua bán là khác thôi. 2 Cô tỉnh giấc. Điều đầu tiên cô nhìn thấy là những tấm vải trải giường bằng lanh trắng toát tung bay lên trong gió, phơi ở cái dây căng ngoài cửa sổ. Mùi thịt bò hộp và bắp cải thơm sực từ cửa bếp theo cơn gió mùa hè thổi thốc vào căn phòng, nói với cô rằng hôm nay là chủ nhật. Chủ nhật nào với cô cũng là như thế, chỉ có cái khác là hồi còn nhỏ, cô thấy nó có nhiều niềm vui hơn. Những ngày chủ nhật ấy, khi cùng mẹ đi lễ nhà thờ về, cô thấy bố cô đã dậy và đang tủm tỉm cười, bộ ria của ông đã được tỉa cẩn thận, bôi sáp, mặt ông nhẵn nhụi sạch sẽ, thoang thoảng mùi hương rượu nguyệt quế. Ông tung bổng cô lên, nhanh nhẹn vồ lấy cô, ghì sát vào ngực mình, gầm gừ: “Thế nào, cô Gấu con Gieny của tôi sáng nay ra sao, hử? Có phải nó đã trở nên ngoan ngoãn, trong sạch, sau khi được uống nước thiêng của Chúa từ cái vòi nước ở đằng sau nhà thờ ấy phải không, hử?” Rồi ông phá lên cười. Gieny khanh khách cười theo, và đôi khi mẹ cô cũng bật cười. Bà vừa cười vừa nói: “Này, này, anh Thômax Đentơn, đấy là cái lối bố dạy con thế hử? Nhồi nhét cho con những mầm mống bất kính Chúa của bố nó như thế đấy hử?” Bố mẹ cô khi đó còn trẻ, hay cười, tràn trề hạnh phúc, và nắng mặt trời của Chúa khi ấy vàng rực, ấm áp, lấp loáng trên mặt Vịnh Xan Franxicô. Sau bữa ăn chiều thịnh soạn, ông mặc bộ complê xanh thẫm mới tinh của mình một cách cẩn thận, nắm lấy tay cô; rồi hai bố con rời khỏi nhà, đi tìm kiếm phiêu lưu. Họ gặp chuyện phiêu lưu đầu tiên trên toa xe cáp chạy ngang qua nhà họ. Hai tay bế cô, ông co chân nhảy phắt lên toa xe đang chạy; rồi vẫy vẫy tấm thẻ hai màu xanh nước biển và trắng của người soát vé, tấm thể cho phép ông có thể đi bất cứ tuyến xe nào của công ty mà không mất tiền, ông lách lên đầu toa xe, ngay cạnh bác lái. Ông bế bổng cô lên, cho cô đối mặt với luồng gió thổi ngược lại, cho đến lúc cô cảm thấy hơi thở mình như tắc lại trong họng, cô như chết sặc vì niềm vui, vì luồng gió trong lành, mới tinh khôi đang đầy nghẹt trong phổi. - Đây là con gái tôi, cô gấu con Gieny. – Ông kêu tướng lên cho mọi người nghe, và kiêu hãnh giơ bổng cô lên cho mọi người ai thích nhìn thì có thể nhìn rất rõ. Và hành khách, trước lúc ấy, mỗi người bận bịu lo nghĩ về chuyện riêng, đều mỉm cười với cô, không hiểu sao như cùng chia sẻ niềm vui đang ửng hồng rạng rỡ trên khuôn mặt ngời ngời, tròn trĩnh của cô bé. Rồi hai bố con đi tới công viên, hoặc đôi khi ra bến tàu, ăn những con tôm hùm và cua nóng giẫy, bơi ngập trong tỏi. Và bố cô uống bia, những cốc vại to tướng, đầy bọt, mua của những ông đi ủng bán công khai ngay cạnh quầy thức ăn. Nhưng tất nhiên, làm thế là để cho hết mùi tỏi thôi. Hoặc có khi hai bố con tới vườn bách thú, bố cô mua cho cô một túi lạc để cô cho mấy con voi và bầy khỉ đang bị nhốt trong chuồng ăn. Và đến chạng vạng tối, trên đường trở về nhà, cô đã cảm thấy mệt, đôi khi ngủ thiếp đi trên tay bố. Rồi ngày hôm sau là thứ hai, cô không thể thản nhiên đợi quá sáu ngày dằng dặc nữa để tới chủ nhật tiếp. Phải, không có gì trôi nhanh hơn những ngày chủ nhật của thời thơ ấu. Rồi cô đi học, thoạt đầu kinh hoàng trước các bà sơ mặc tuyền quần áo đen, khắc khổ và cấm đoán trong cách sống. Khuôn mặt tròn xinh xinh của cô nghiêm nghị trên cái áo bludơ trắng và cái váy màu xanh kiểu hải quân. Nhưng rồi các bà ấy dạy ta giáo lý bằng cách vấn đáp, làm lễ Kiên tín cho ta, và mất dần nỗi sợ hãi trước kia; ta dần dần chấp nhận họ là cô giáo của ta, đưa ta đến một cuộc đời phong phú hơn của người có đạo. Và những ngày chủ nhật tràn trề hạnh phúc của tuổi thơ chìm sâu, sâu mãi vào những góc mung lung nhất của ký ức, cho đến khi ta gần như quên mất chúng. Gieny vẫn nằm nguyên trên giường của tuổi mười sáu, đôi tai thính của cô nghe được hết các âm thanh buổi sáng chủ nhật. Thoạt tiên, mọi cái đều im lặng, rồi giọng the thé của mẹ cô rít lên: “Ông Đentơn, lần cuối cùng, mời ông dậy đi lễ Max ở nhà thờ cho tôi nhờ. Đến giờ rồi!”. Giọng bố cô trầm trầm, ồ ồ không nghe rõ lời. Cô có thể hình dung ra ông, râu chưa cạo, người còn đờ đẫn vì bữa bia chiều thứ bảy hôm qua, mặc đồ lót màu đen, đang nằm sấp trên chiếc giường rộng, mềm mại, vùi mặt vào cái gối to. Cô lại nghe thấy tiếng mẹ: “Nhưng tôi đã hứa với Cha Hatlây rằng chủ nhật này nhất định ông sẽ tới. Nếu ông không đếm xỉa gì đến linh hồn của chính mình, thì ít nhất ông cũng phải quan tâm chút ít đến linh hồn của mụ vợ và đứa con gái của ông chứ?”. Không có tiếng đáp. Rồi cánh cửa đóng sập lại. Mẹ cô đã lùi về bếp. Gieny tung chăn, thả chân xuống dưới sàn, quờ quờ tìm dép. Cô xỏ chân vào dép, đứng dậy, cái áo choàng ngủ bằng vải trắng lướt thướt rủ xuống đến mắt cá chân theo bước cô đi ngang qua cửa phòng. Cô qua bếp, tới nhà tắm. Mẹ cô từ cái bếp lò, quay người lại: “Con có thể đội cái mũ xanh mẹ mới làm cho để đi lễ Max, Gieny yêu ạ”. - Vâng ạ. Cô đánh răng kỹ càng, nhớ lời dặn của Xơ Philomêna đã nói với lớp trong giờ vệ sinh thường thức. Dùng bàn chải đánh vòng tròn, từ dưới lên tới chân răng, tất cả những mẩu thức ăn còn sót lại có thể làm hỏng răng sẽ được chải sạch đi. Cô xem xét răng mình kỹ càng qua chiếc gương. Cô có hàm răng đẹp. Sạch bóng, trắng tinh, đều đặn. Cô ưa sạch sẽ. Khác với nhiều bạn gái khác học cùng trường trung học làm phước với cô, những người cũng ở cùng một khu phố nghèo với cô và một tuần chỉ tắm có một lần vào thứ bẩy, Gieny đêm nào cũng tắm thậm chí ngay cả khi phải đun nước nóng trong cái bếp của căn hộ cũ kỹ mà gia đình cô đang ở. Cô ngắm gương mặt mình qua cặp mắt xám trong sáng, cố hình dung ra bản thân trong chiếc mũ và bộ đồng phục trắng của một nữ y tá. Cô phải nhanh chóng quyết định ngay. Tháng sau là tốt nghiệp rồi. Và không phải nữ sinh nào cũng có thể nhận được một học bổng vào trường cao đẳng y tá mang tên Thánh mẫu Mary. Các bà xơ đều yêu mến cô và cô luôn luôn đạt được điểm cao ở trường làm phước. Ngoài ra, Cha Hatlây đã viết một bức thư cho mẹ M.Ơnơxt, ca ngợi cô vì lòng tận tụy ngoan đạo và việc chăm đi lễ của cô, khác hẳn với nhiều thanh nữ ngày nay, bỏ nhiều thời gian trang điểm trước gương hơn là quì gối trước Chúa của mình. Cha Hatlây đã bày tỏ hy vọng là Mẹ nhân từ đã tìm ra được cách ban thưởng cho đứa con tội nghiệp xứng đáng ấy vì niềm tận tụy của nó. Học bổng vào trường thánh Mary hàng năm được trao cho một nữ sinh duy nhất có thành tích học tập và sùng đạo nhất, theo nhận xét của một ủy ban đứng đầu là Đức tổng giám mục. Năm nay, học bổng ấy sẽ là của nó, nếu cô quyết định trở thành một y tá. Sáng nay, sau khi đi lễ ở nhà thờ xong, cô sẽ phải đến trình diện mẹ M.Ơnơxt tại văn phòng các bà xơ để trả lời ý kiến ấy. - Chính lòng nhân từ của Chúa sẽ tha thứ cho em. – Xơ Xiril nói, sau khi đã thông báo cho cô biết quyết định của ủy ban. – Nhưng em phải quyết định cho kỹ. Có thể việc chăm nom những người ốm yếu và bất lực không phải là nghề em thực sự thích thì sao. Xơ Xiril ngẩng lên nhìn cô gái đang đứng lặng lẽ trước bàn của mình. Gieny đã trở thành người lớn hẳn, dong dỏng cao, thon thả, thân thể đầy đặn là phụ nữ. Vậy mà trong cặp mắt xám yên tĩnh đang nhìn thẳng vào bà đây, vẫn có một vẻ ngây thơ lặng lẽ của trẻ nhỏ. Gieny không đáp. Xơ Xiril mỉm cười với cô. “Chủ nhật sau, làm lễ Max xong, em hãy đến Văn phòng. Mẹ Mary Ơnơxt sẽ ở đó nghe câu trả lời của em.” Bố cô cáu kỉnh rủa khi nghe được chuyện về cái học bổng. “Kiểu sống như vậy là cái chết tiệt gì đối với một đứa trẻ hả? Chùi giường đổ bô cho những lão già bẩn thỉu ư? Rồi chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, người ta sẽ dỗ ngon dỗ ngọt con bé cạo đầu để đi tu mất”. Ông hung hãn quay phắt lại phía mẹ cô. “Bà, chính bà ấy”, ông quát to, “bà và cái đám thầy tu bà nghe lời ấy đã gây ra chuyện này. Có gì thiêng liêng cao cả trong việc đem một đứa trẻ, sinh lực bắt đầu tràn trề rạo rực trong người như vậy, nhốt vào mấy bức tường của tu viện, hả? Thiêng liêng cao cả cái gì thế, hả?”. Mặt mẹ cô trắng bệch? “Thomax Đentơn, nhà ngươi lộng ngôn đấy!” Bà nói lạnh lẽo: “Nếu ông chỉ đến gặp Cha Hatlây nhân từ lấy một lần thôi, ông sẽ biết ông sai đến thế nào. Và nếu con gái của chúng ta trở thành người nhà của Chúa, thì tôi sẽ là bà mẹ tự hào nhất trong tất cả các bà mẹ theo đạo. Có gì sai trong việc dâng đứa trẻ trong trắng của ta cho Chúa nào?”. - À, - Bố cô nặng nề thốt lên. – Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm, khi con bé lớn lên và nhận ra rằng bà đã cướp mất của nó những niềm vui được làm đàn bà, làm mẹ, hả?” Ông quay sang Gieny, cúi xuống nhìn cô. “Gấu con Gieny”, ông nói dịu dàng, “không phải bố phản đối việc con trở thành y tá, nếu con muốn thế. Mà bố muốn con làm những việc và trở thành bất kỳ loại người nào con thích. Mẹ con và bố, đừng có để ý đến điều ấy. Cái quyết định là con muốn trở thành người thế nào”. Ông thở dài, “Hiểu ý bố không, cô bé con?” Gieny gật đầu. “Bố, con hiểu ạ”. - Chừng nào chưa thấy con gái mình trở thành một đứa nhà thổ thì nhà ngươi còn chưa lấy làm hài lòng sung sướng đâu! – Mẹ cô đột nhiên thét vào mặt ông. Ông quay vụt lại. “Tôi thà nhìn thấy con gái tôi là nhà thổ, theo quyết định của chính bản thân nó”, nô quát lên cộc cằn, “hơn là bị lùa vào nhà tu, trở thành thánh một cách bắt buộc”. Ông quay xuống nhìn Gieny, giọng trở lại dịu dàng: “Con có muốn trở thành y tá không, hở Gấu con Gieny?” Cô ngẩng lên nhìn ông bằng đôi mắt xám trong vắt: “Bố ạ, con nghĩ là có đấy”. - Nếu con thích vậy, Gấu con. – Ông nói lặng lẽ, - thì bố sẽ đồng ý như vậy. Mẹ cô nhìn ông, mắt ánh lên một vẻ đắc thắng lạnh ngắt: “Khi nào thì ông hiểu ra được rằng ông không thể chống lại được Chúa tối thượng, hở ông Thômax Đentơn?” Ông chực đáp, nhưng rồi mím chặt môi lại, và sải chân đi khỏi phòng. Xơ Xirl gõ khẽ vào cánh cửa gỗ sồi nặng nề của Văn phòng. “Xin mời vào”, một giọng vững vàng, rành rọt vang ra. Xơ mở cửa, ra hiệu cho Gieny. Gieny ngập ngừng bước vào phòng. Xơ Xiri ở phía sau cô. “Thưa Đức mẹ bề trên, đây là Gieny Đentơn ạ”. Người đàn bà trung niên mặc bộ đồ đen của nữ tu sĩ đang lúi húi cúi trên mặt bàn, ngẩng lên. Một cốc nước chè uống dở đang ở trong tay bà. Bà chăm chú nhìn Gieny bằng cặp mắt dò hỏi sáng quắc đến kỳ lạ. “Vậy ra con là Gieny Đentơn đấy”, bà thốt lên chìa tay ra cho cô. Gieny nhanh nhẹn khuỵu chân chào, hôn lên chiếc nhẫn trên tay bà. “Dạ, thưa Đức mẹ bề trên, vâng ạ”. Rồi cô nhấc thẳng lưng, đứng cứng người trước cái bàn. Mẹ bề trên M. Ơnơxt lại mỉm cười, mắt thoáng ánh lên một nét vui vẻ. “Con có thể cứ tự nhiên. Ta không ăn thịt con đâu mà sợ”. Gieny vụng về mỉm cười. Mẹ Ơnơxt nhướn bên mắt lên, tỏ ý hỏi. “Có lẽ con thích uống một cốc nước chè chứ? Một cốc nước chè bao giờ cũng làm ta cảm thấy dễ chịu hơn đấy”. - Dạ, thế thì hay quá ạ. – Gieny lúng túng đáp. Đức mẹ bề trên ngẩng lên nhìn Xơ Xiril gật đầu. “Dạ thưa Đức mẹ bề trên, con sẽ đi lấy ạ”, Xơ Xiril nói nhanh. - Và cho ta xin thêm một cốc nữa, nhé. – Mẹ Ơnơxt quay lại nhìn Gieny, mỉm cười. – Ta thật sự rất thích một cốc nước chè ngon. Mà ở đấy người ta thực sự có chè ngon đấy. Không phải là thứ nước loãng tuếch loãng toác như ở bệnh viện đâu, mà là chè thực sự, pha trong ấm, theo đúng kiểu pha chè. Kìa con, sao con không ngồi xuống đi hả?” Câu cuối cùng thốt ra bất ngờ quá đến nỗi Gieny tưởng nghe không rõ. “Dạ, thưa bà, gì… gì cơ ạ?” Cô lắp bắp hỏi. - Kìa con, ngồi xuống đi chứ. Con không việc gì phải sợ ta. Ta muốn là bạn con mà. - Dạ thưa, vâng ạ. – Gieny thốt lên, ngồi xuống, hồi hộp hơn cả lúc mới vào. Mẹ bề trên chăm chú nhìn cô một lúc. “Như vậy là con đã quyết định trở thành y tá rồi đấy, nhỉ?” - Dạ, thưa Đức mẹ bề trên, vâng ạ. Cặp mắt sáng một cách kỳ lạ của Mẹ Ơnơxt nhìn xoáy vào cô. “Tại sao thế?”. Bà đột ngột hỏi. - Tại sao ư? – Gieny ngạc nhiên. Cô cụp mắt xuống trước cái nhìn của mẹ Ơnơxt. – Tại sao ư? – Cô ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt bà. – Con không rõ. Có lẽ chưa bao giờ con nghĩ đến việc hỏi tại sao lại thế ạ. - Con bao nhiêu tuổi rồi? - Tháng sau, trước khi tốt nghiệp một tuần, con sẽ mười bảy ạ. - Có phải ngay từ bé con đã muốn trở thành y tá, giúp đỡ những người ốm yếu, phải không? Gieny lắc đầu. “Không ạ”, cô đáp bình thản, “mãi đến bây giờ, con mới nghĩ nhiều đến nó”. - Trở thành y tá là một việc rất vất vả. Ở trường thánh mẫu Mary, con có rất ít thời gian riêng. Con làm việc và học cả ngày; tối phải ngủ trong trường. Mỗi tháng một ngày con được về thăm nhà. – Mẹ bề trên khẽ xoay cái tách để quai cầm của nó không chĩa thẳng vào mình. – Bạn trai của con có thể không thích điều đó. - Nhưng con không có bạn trai nào cả ạ. – Gieny nói. - Con đã đi nghe các buổi hòa nhạc dạo với Maikơl Halôrơn. – Mẹ bề trên nói. – Rồi con thứ bẩy nào cũng chơi quần vợt với cậu ta. Như thế không phải cậu ta là bạn trai của con sao? Gieny bật cười. “Không ạ, thưa Đức mẹ bề trên. Cậu ta không phải là bạn trai của con theo kiểu ấy”. Cô lại bật cười, lần này là với mình, khi hình dung lại cái anh chàng gày gò, lóng ngóng, cao lêu đêu ấy, người chỉ có ước muốn lãng mạn duy nhất là luyện sao cho cái cú vụt bóng tay trái được mạnh hơn. “Cậu ta chỉ là người chơi quần vợt giỏi nhất ở khu này, thế thôi ạ”. Cô nói thêm. “Và nhất định có ngày con sẽ đánh bại cậu ta”. - Năm ngoái con là đội trưởng đội quần vợt nữ của trường phải không? Gieny gật đầu. - Con sẽ không có thời gian chơi quần vợt ở Trường Y tá đâu. Cô bé lặng thinh không đáp. - Ngoài y tá ra, con còn muốn làm gì nữa không? Gieny nghĩ ngợi một thoáng. Rồi cô ngẩng lên nhìn thẳng vào Mẹ bề trên. “Con muốn đánh bại được Hêlen Uyn để giành chức vô địch quần vợt nước Mỹ”. Mẹ bề trên bật cười. Bà vẫn còn cười khi Xơ Xiril mang nước chè bước vào. Bà nhìn qua bàn, tới cô gái: “Con nhất định làm được điều đó”, bà nói, “và ta có một cảm giác nữa là con sẽ trở thành một nữ y tá rất tốt”. 3 Vừa tiến tới được cửa phát lương, Tôm Đentơn đã nhận ra ngay là có chuyện gì đó không ổn rồi. Thường thì lão kế toán trưởng đã chờ sẵn ông với một câu nói đùa, đại loại là có muốn lão ta giữ lại cái phong bì cho vợ ông không, để quán bia chiều thứ bảy sẽ không nuốt trôi được nó? Nhưng lần này thì không có lời nói đùa, câu châm chọc thân thiện nào cả, những câu nói đùa đã trở thành một phần của các cuộc gặp mặt hàng tuần giữa họ với nhau gần mười lăm năm nay. Thay vào đó, ông bạn kế toán chỉ đẩy vội cái phong bì lương qua kẽ chấn song thép, cụp mắt xuống ủ rũ, tránh ánh mắt của Tôm. Tôm chằm chằm nhìn ông ta một thoáng. Ông đưa mắt liếc vội mấy khuôn mặt xếp hàng sau ông. Họ cũng đã biết điều đó. Nom thái độ của họ là ông hiểu rõ.Người ông chợt nghẹn lên một cảm giác xấu hổ rất kỳ quặc. Chuyện này không thể xẩy ra với ông được. Không thể, sau mười lăm năm như vậy. Ông cụp mắt xuống, rời cửa phát lương, cái phong bì rong tay. Ông không cần ai phải bảo cho biết rằng thời buổi đang khó khăn. Lúc này là năm 1931, bằng chứng của nó hiển hiện quanh ông chứ đâu xa. Những gia đình đã phải sống bằng cứu tế, các hàng người xếp dài dằng dặc mua bánh mỳ, các khuôn mặt xám xịt, mệt mỏi của dòng người vô tận sáng sáng leo lên xe cáp của ông đi làm. Ông đã đi ra gần đến cổng tòa nhà để xe điện; và đột nhiên ông thấy không thể chờ được nữa. Đâm bổ vào một góc tôi tối, ông rút cái phong bì ra. Ông xé nó bằng những ngón tay run lẩy bẩy. Vật đầu tiên rơi vào tay ông là miếng giấy màu xanh đáng sợ ấy. Ông trợn tròn mắt nhìn nó, kinh ngạc. Nhất định đây là chuyện nhầm lẫn. Họ không định gửi cho ông. Ông không phải là người mới làm có một năm hay hai năm, thậm chí không phải là năm năm nữa. Ông có thâm niên kỳ cựu. Mười lăm năm. Họ không thể thải đám đã làm việc cho họ mười lăm năm được. Chưa thể được. Ấy vậy mà họ đã thực sự làm. Ông nhếch mắt nhìn tờ giấy trong ánh sáng chập choạng của cái góc ấy. Bị thải. Thật là một trò cười cay đắng. Từ trước đến giờ, lý do giải thích cho một lần cắt lương đều là nó – để khỏi phải thải bớt thợ. Ngay cả tổ chức công đoàn cũng bảo họ thế. Ông nhét lại cái phong bì vào túi, cố trấn áp một cảm giác sợ hãi bỗng cuộn lên trong lòng. Ông sẽ làm gì bây giờ? Tất cả những gì ông biết đều thuộc xe điện. Ông đã quên hết mọi công việc đã từng làm trước đó. Ông chỉ còn nhớ hồi trẻ có thời gian ông đã làm phụ nề ở công trường. Ông đi ra khỏi tòa nhà để xe điện tôi tối, lóa mắt vì ánh sáng ban ngày chói chang. Một tốp đàn ông đang đứng tụm lại trên vỉa hè, bộ đồng phục màu xanh bạc của họ trở nên đỏ quạch trong ánh nắng. Một người gọi: “Này Đentơn, ông cũng vớ được cái đó phỏng?” Tôm nhìn ông ta, gật đầu. “Phải”. - Chúng tôi cũng vậy. – Một người khác đáp. – Họ thải những anh có thâm niên cao ra bởi chúng ta nhận được nhiều lương hơn. Tất cả những người mới đều được giữ lại hết. - Các ông đã tới công đoàn chưa vậy? – Tôm hỏi. - Chúng tôi tới rồi, và đã quay trở lại đây đây. Hội trường đóng cửa. Lão gác cổng ở đó bảo thứ hai hẵng quay lại. - Đã ai gọi điện cho Riođan chưa? - Điện thoại ở nhà ông ta không có ai cầm máy. - Nhất định phải có một ai đó biết lão Riođan giờ đang ở đâu. – Tôm thốt lên. – Ta hãy tới hội trường, bắt gác cổng phải cho ta vào. Xét cho cùng, ta nộp tiền công đoàn phí để làm gì, nếu ta không được họp ở đó hả? - Tôm ạ, ý đó hay đấy. Chúng ta không thể ngồi trơ ra để họ thay ta bằng đám nhận năm mươi lăm xu, dù họ có nói năng thế nào đi chăng nữa. Họ bắt đầu tới hội trường công đoàn, cách nhà để xe hai khối nhà. Tôm lặng lẽ rảo bước. Không hiểu sao, ông vẫn chưa thể tin là việc này có thật. Mười xu một giờ không thể có ảnh hưởng gì ghê gớm lắm đối với công ty. Mà ông rất sẵn sàng chịu giảm lương một lần nữa nếu người ta hỏi ông. Thật là bất công, cái lối họ đã làm như thế này. Bọn ông phải tìm cho ra Riođan. Ông ta biết các lý do. Ông ta là thủ lĩnh công đoàn. Hội trường tối om lúc họ tới. Họ đấm thình thình vào cửa cho đến khi ông già gác cổng phải mở nó ra. “Tôi đã bảo lũ các anh là ông Riođan không có ở đây”, ông già cáu kỉnh thốt lên bằng cái giọng rè rè của người có tuổi. - Riođan đâu? - Tôi không biết. – Ông gác cổng đáp, chực đóng cửa lại. – Các anh về nhà đi. Tôm đặt chân lên cửa, đạp mạnh. Ông già bị đẩy bắn vào phía trong, loạng choạng xuýt ngã. Đám người ùa vào nhà theo sau Tôm. – Các anh xéo khỏi đây đi! – Ông già cáu kỉnh réo lên. Họ lờ ông lão đi, xô nhau đi tới phòng họp ở cuối hành lang. Đến giờ, đám đông đã lên tới gần ba mươi người. Vào được đến nơi rồi, họ ngập ngừng đứng lại, không rõ phải làm gì tiếp nữa. Họ xoay người nhìn nhau. “Ta hãy vào văn phòng Riođan”, Tôm đề nghị, “có thể ở đó ta sẽ biết ông ta đang ở đâu”. Văn phòng của Riođan là một cái buồng quây bằng kính ở cuối hội trường. Họ đẩy nhau tới đấy, nhưng chỉ mấy người có thể vào lọt được. Tôm cúi xuống nhìn mặt bàn của tay thủ lĩnh công đoàn. Một cuốn lịch, một cái thấm mực màu xanh lá cây, dăm cái bút chì gác vào nó. Ông mở một ngăn kéo ra, rồi lần lượt mở hết tất cả các ngăn kéo khác, ông chỉ tìm thêm được bút chì, hóa đơn nộp lệ phí công đoàn chưa điền, giấy biên nhận. Ông già gác cửa xuất hiện ở cuối tòa nhà. “Nếu các ông không xéo khỏi đây ngay”, ông già thốt lên, “tôi sẽ gọi cảnh sát”. - Đi gọi cứt khô ấy, ông già ạ! – Một tay soát vé tàu mặc áo xanh quát trả. - Phải đấy. – Một người khác quát theo. – Đây là công đoàn của chúng tôi. Chúng tôi nộp lệ phí, trả tiền thuê nhà. Chúng tôi cứ ở đây, nếu chúng tôi thích. Lão gác cổng biến mất vào hành lang. Mấy người nhìn Tôm. “Chúng ta phải làm gì bây giờ?” - Có lẽ ta nên quay về để tới thứ hai chăng? – Một người đề nghị. – Khi đó ta sẽ xem Riođan nói năng ra sao? - Không. – Tôm đáp cộc lốc. – Đến thứ hai thì không còn ai có thể làm gì được nữa đâu. Chúng ta phải giải quyết việc này ngay trong hôm nay. - Bằng cách nào? Tôm đứng lặng một thoáng, nghĩ ngợi. “Công đoàn là dịp may duy nhất của ta. Ta phải bắt công doàn làm một cái gì đó cho ta”. - Nhưng không có Riođan ở đây thì ta làm cách nào? - Riođan không phải là công đoàn. – Tôm đáp. – Chúng ta là công đoàn. Nếu ta không tìm ra ông ấy, ta sẽ phải làm việc này không có ông ấy. – Ông quay sang một người đàn ông. – Patrick, ông có chân trong ban chấp hành công đoàn. Riođan thường làm như thế nào trong những trường hợp như thế này? Patrick trật mũ, gãi gãi mớ tóc bạc của mình. “Tui cũng chả biết cái chi”. Ông ta tư lự thốt lên. “Nhưng tui cho rằng việc đầu tiên ông ta làm là triệu tập một cuộc mít tinh”. - Được. – Tôm nói. – Ông đem một số người quay trở lại nhà để xe điện, bảo ca ban ngày tới đây họp ngay. Đám người háo hức hẳn lên, mấy phút sau, dăm người quay về nhà để xe làm theo lời Tôm. “Nếu chúng ta có mít tinh”, một ai đó thốt lên, “ta phải có chương trình nghị sự. Người ta không thể mít tinh mà không có chương trình nghị sự đâu”. - Chương trình nghị sự của chúng ta là “Công ty có thể thải chúng ta như vậy ư?” – Tôm nói. Họ gật đầu tán thành. “Phải, chúng ta có quyền như vậy.” - Cái trò mít tinh thế này làm tớ khát khô cả họng. – Một người khác thốt lên. – Tất cả chuyện nói năng quát tháo vừa rồi đã làm tớ đến cháy họng mất thôi. - Đi mua ngay lấy một thùng bia! – Một giọng thét lên ở phía cuối đám đông. Đám người ầm ĩ reo lên đồng ý, vui mừng và háo hức thật sự. Một cuộc thu tiền nhanh chóng được thực hiện, hai người được phái đi làm ngay. Và khi họ trở lại, thùng bia được bê lên đặt trên một cái bàn ở cuối phòng. - Bây giờ, anh em ôi! – Một người kêu lên, đưa cốc bia của mình đi đi lại lại ngang trước mắt. – Bây giờ thì ta có thể chính thức bắt đầu vào công việc được rồi. Cái hội trường ồn ào nhốn nháo như chợ. Hơn một trăm người đi lại loanh quanh, bàn tán, quát tháo vào nhau. Thùng bia đầu tiên đã hết. Hai thùng mới đang đứng trên bàn, chảy ra hai dòng bia mát lạnh một cách hào phóng. Tôm lấy cái búa gõ tìm thấy trong ngăn kéo của Riođan gõ bồm bộp xuống bàn. “Trật tự, trật tự nào anh em. Cuộc mít tinh bắt đầu!” Ông quát lên lần này là lần thứ năm trong vòng mười phút qua. Ông gõ bồm bộp liên hồi như vậy cho tới khi mấy người ngồi ở hàng ghế trước chú ý, nhận ra lời ông. – Im nào! Một người quát lên. Im để nghe xem bố già Tôm định nói gì nào? Tiếng ồn giảm dần xuống, chỉ còn rì rầm ở chỗ này chỗ nọ. Rồi mọi cặp mắt đều chăm chú nhìn Tôm. Ông đợi cho căn phòng im lặng theo ý mình muốn rồi mới hồi hộp hắng giọng, nói: “Chúng ta tổ chức cuộc mít tinh này bởi vì hôm nay, công ty đã thải năm mươi người và chúng ta không tìm ra Riođan để giải thích rõ lý do cho chúng ta nghe”. – Ông xoay xoay cái búa trong một thoáng. “Công đoàn, tổ chức được coi là người bảo vệ công việc của chúng ta, giờ phải ra tay hành động, thậm chíc ta không rõ giờ Riođan ở đâu. Những người bị thải hôm nay đều có thâm niên cao. Và công ty không thể có lý do nào để từ chối việc nhận họ trở lại”. Đám đông gầm lên tán thưởng. - Trong khi các bạn đang uống bia. – Tôm nói. – Tôi đã xem lại các nội quy trong cuốn sổ công đoàn của tôi. Nội quy nói rằng một cuộc mít tinh được quyền quyết định kêu gọi bãi công nếu có trên hai mươi lăm đoàn viên công đoàn có mặt. Ta ở đây hiện giờ có trên hai lăm, và tôi đề nghị ta sẽ biểu quyết có bãi công hay không vào ngày thứ hai, nếu như công ty không nhận ta trở lại ngay. - Bãi công! Bãi công! - Chúng ta đã làm ăn trung thành với công ty bao nhiêu năm như vậy, luôn trung thực như vậy với họ, lý đếch nào mà họ lại đá bay ta ra như thế, hả? - Ph…ải. - Đừng có để xu dính chặt vào tay nhớ, Tôm. – Một người ở đằng sau kêu to. – Trong đám đông thế này, có thể có chỉ điểm đấy! - Nếu có chỉ điểm. – Tôm sắt giọng lại. – Cứ để nó quay về báo cho công ty biết là ta đang làm gì ở đây. Ta sẽ cho họ biết là họ không thể chèn ép ta thế được. Một tràng vỗ tay rộ lên. Tôm vẫy tay: “Bây giờ ta sẽ biểu quyết bãi công. Tất cả những ai đồng ý, xin giơ tay”. Đám đông đột nhiên lặng ngắt. Người nọ nhìn người kia hồi hộp. Cánh cửa ở phía sau phòng họp bỗng bật mở, Riođan đứng sững ở đó. “Ăn nói buông tuồng về chuyện bãi công là thế nào vậy, hả các bạn?” Ngạc nhiên, họ quay lại, trố mắt nhìn ông ta. Viên thủ lĩnh công đoàn to béo nặng nề, mặt đỏ ửng đứng nhìn chằm chằm xuống phòng họp. Một tiếng rì rầm bỗng nổi lên trong đám đông, gần như một hơi thở dài nhẹ nhõm. Riođan đến đây rồi. Ông ấy sẽ bảo họ phải làm gì. Ông ấy sẽ giải quyết mọi chuyện. - Chào anh Tôm. – Riođan thốt lên, bước tới bàn chủ tọa, chìa tay ra. Tôm bắt tay ông ta. Đây là lần đầu tiên ông làm thế. - Chúng tôi đã đến đây bởi vì chúng tôi nghĩ công đoàn cần phải làm một cái gì đó cho chúng tôi. Riođan xảo quyệt nhìn Tôm. “Tất nhiên, tất nhiên rồi anh Tôm ạ”, ông ta nói êm êm, “và anh làm thế là đúng lắm”. Tôm thở dài nhẹ nhõm. Trong một thoáng trước, ông đã nghĩ là Riođan sẽ phát khùng về cái lối bọn các ông đã phá cửa chiếm hội trường như thế này. Ông chăm chú theo dõi Riođan. Ông ta quay lại đám đông, giơ một tay lên. Hội trường lạnh ngắt. - Anh em. – Riođan trầm ngâm nói. – Cái lý do anh em không thể tìm ra tôi là bởi vì tôi ở lỳ trong văn phòng công ty từ lúc biết được chuyện thải người ấy. Khi đó không còn thời gian triệu tập mít tinh nữa, nhưng tôi muốn thông báo cho anh em biết là công đoàn đứng về phía anh em đòi việc làm. Đám đông hò reo phấn khởi. Họ nhìn nhau ngượng ngập. - Và tôi muốn bày tỏ sự hoan nghênh hành động nhanh chóng của bạn Tôm Đentơn đây đã triệu tập tất cả anh em tới hội trường này. Điều ấy thể hiện rằng bạn Tôm Đentơn, như bất kỳ ai trong số các bạn, đã hiểu rằng công đoàn chính là bạn của mình. Tôm đỏ mặt giữa tiếng hoan hô rầm rộ lên lần nữa. Riođan quay lại đám đông. “Tôi đã làm việc suốt chiều nay, tranh đấu với ban quản trị, và cuối cùng đã làm cho họ phải chùn lại một ít”. Tiếng hò reo dậy lên tưởng sập cả trần nhà. Riođan giơ một tay lên, mỉm cười. “Đừng mừng sớm, anh em ạ. Như đã nói đấy, tôi chỉ làm cho họ lùi lại được một chút thôi, nhưng đấy là khởi điểm. Họ hứa tháng sau sẽ họp thêm với tôi nhiều lần nữa”. - Họ có nhận lại chúng tôi không? – Tôm hỏi. Riođan nhìn ông, rồi quay lại đám đông. “Ban quản trị đồng ý nhận lại mười người trong số bị thải hôm nay. Họ cũng đồng ý là nhận tiếp mười người nữa vào tháng sau”. Cả phòng chợt lặng đi một cách kỳ lạ. Người nọ bối rối nhìn người kia. “Nhưng có hơn năm chục người chúng tôi bị thải”, Tôm nói to, “mười người được nhận lại thì ăn thua gì trong số đông đó?” - Anh Tôm, đấy là khởi đầu. Ta không thể làm ngay tất cả trong một lúc được. - Tại sao không hả? – Tôm nóng nảy vặc lại. – Công ty đã thải tất cả cùng một lúc đấy thôi. - Việc ấy khác. – Riođan đáp. – Công ty có quyền giãn thợ nếu công việc làm ăn có khó khăn. - Chúng tôi biết. Nhưng chúng tôi căm là căm cái cách người ta làm ấy. Họ không thèm đếm xỉa gì đến chuyện thâm niên cao, là điều họ đã thỏa thuận trong giao kèo với công đoàn. Họ thải tất cả những người sáu lăm xu để giữ lại những người năm lăm xu. - Tôi biết. Riođan đáp. Một thoáng sắc lạnh lộ ra trong giọng nói của lão ta. – Nhưng việc họ nhận lại mười người là khởi đầu. Nó còn tốt hơn là để tất cả năm mươi người các anh bị tống ra đường. – Lão quay lại đám đông. – Mười người các bạn sẽ trở lại làm việc. Có thể tháng sau, lại thêm mười người nữa. Như thế còn tốt hơn là không có gì. Công ty không sợ các bạn bãi công đâu. Họ tuyên bố là ngừng hoạt động, họ lại tiết kiệm được tiền. - Tôi nói là ta nhận. – Một người trong đám đông kêu lên. – Mười người trong bọn ta đi làm còn hơn là không ai cả, đúng như lời ông Riođan nói đấy. - Không. – Tôm cáu kỉnh đáp, đứng vụt dậy. – Công ty cần phải nhận lại tất cả chúng ta. Mỗi một chúng ta đều có quyền làm việc không kém gì nhau cả. Nếu tất cả đám sáu mươi lăm xu chúng ta chịu giảm xuống nhận năm mươi lăm xu, thì công ty có thể nhận tất cả chúng ta lại được. Riođan phá lên cười khàn khàn. “Nghe thấy chưa, anh em”, lão ta kêu to, “anh em có thích bị cắt lương một lần nữa không?” Có tiếng rì rầm trong đám đông. Họ bứt rứt ngọ ngoạy trên ghế. “Tôi thà chịu cắt lương còn hơn để tất cả chúng ta bị sa thải”. Tôm nói. Riođan quắc mắt nhìn ông. Không còn chút gì thân thiện trong cái nhìn ấy nữa cả. Lão đã cáu ngay từ phút nhận được cú điện thoải của viên giám đốc phụ trách nhân sự của công ty, khuyên lão ta nên đến hội trường công đoàn ngay. Điện thoại gọi đến Riođan đúng vào cái thời điểm tế nhị khó nói nhất. Lão chồm khỏi giường, làu bàu chửi, trong lúc lóng ngóng mặc lại quần áo. - Cái gì thế, anh yêu? - Một thằng soát vé khốn nạn đã chiếm hội trường và đang kêu gọi bãi công cho đám thơ nghe. - Nhưng không thể thế được. - ả nhân tình của lão bàng hoàng kêu lên. – Anh đã hứa với công ty là sẽ không có chuyện gì rắc rối cho các ông ấy cơ mà. - Sẽ không có. – Lão rít lên. – Không một đứa nào có thể làm Riođan này nuốt được lời hứa đâu! Cho đến khi lái xe đến hội trường công đoàn, lão đã dịu dịu đi được một chút. Nhưng giờ lão lại phát khùng. Giải thích cho mụ vợ chịu tin lão đã sử dụng những tối thứ bẩy ở đâu đã là một việc đủ nhọc rồi, nữa là phải mệt thêm với một đám công nhân xe điện ngu ngốc này. Lão quay ngoắt lại đám đông. “Tôi cho rằng ta sẽ giải quyết việc này ngay ở đây, ngay bây giờ”, lão thét to, “các anh chọn đi. Mười người trở lại làm việc hay là bãi công”. - Hượm đã. – Tôm phản đối. - Anh em đã vứt bỏ lời đề nghị của anh rồi. – Riođan đáp cộc cằn. Ông ta giơ một tay lên. – Ai đồng ý mười người trở lại làm việc, giơ tay! Khoảng chín mười người giơ tay. - Ai không? Ngoài Tôm ra, chỉ lưa thưa mấy người nữa. - Phái đồng ý đã thắng. Thôi bây giờ anh em về hú hí với vợ đi. Sáng thứ hai tôi sẽ báo rõ ai là người đi làm. Đám đông bắt đầu chậm rãi đi ra khỏi phòng. Tôm nhìn Riođan. Nhưng lão tránh ánh mắt của ông, bước vào phòng làm việc quây kính của lão, nhấc điện thoại lên gọi. Tôm mệt mỏi lê bước ra cửa. Một vài người thợ liếc nhìn ông, rồi vội vã bước qua ngay, dường như sợ phải nhìn thẳng vào mắt ông. Đến cửa, ông quay lại nhìn, Riođan vẫn đang nói gì vào điện thoại. Đêm trong vắt, sáng sủa. Một làn gió ấm hiu hiu thổi vào từ vịnh. Tư lự, ông bước dọc theo vỉa hè. Ông sẽ kò là một trong mười người thợ may mắn được nhận lại. Ông biết chắc như thế. Ông đã nhìn thấy nỗi căm giận cháy lên trong mắt Riođan. Rẽ qua góc phố, ông bước tới điểm đỗ của xe cáp ở tòa nhà bên cạnh. Ông thoáng uể oải nghĩ không biết tấm thẻ đi tàu của mình còn giá trị không, khi ông bây giờ đẫ bị thải. Hai người đàn ông đi vượt qua ông trong cái phố tôi tối. Một người dừng lại. “Ông có que diêm nào không ạ?” - Có đây. – Tôm nói. Ông lục lục trong túi. Có thể ông không còn có việc làm nữa, nhưng diêm thì vẫn còn. Ông đánh diêm. Vẻ sắt lại trong con mắt người đàn ông và tiếng chân gã thứ hai đột ngột vang lên sau lưng ông là một lời báo động quá muộn. Một quả đấm giáng mạnh xuống gáy ông, ông ngã khuỵu xuống đầu gối. Ông quài tay, vớ lấy chân gã đứng trước. Thở hồng hộc, gã chửi bật lên một tiếng, thúc bung hai đầu gối lên đúng vào bẹn ông. Tôm rú lên đau đớn, ngã vật ra, đầu đập bốp xuống vỉa hè. Như từ rất xa, ông cảm thấy mơ hồ hai gã lưu manh đá tới tấp vào người ông. Ông lăn qua mép vỉa hè, rơi xuống rãnh nước. Ông cảm thấy một bàn tay thọc vào túi, lấy cái phong bì lương. Ông yếu ớt cố sức túm lấy bàn tay ấy. “Không, không”, ông van vỉ, “xin đừng lấy, đấy là lương của tôi, tôi chỉ còn có thế”. Gã đàn ông cười gằn, nhằm thái dương ông đá một cái cuối cùng. Tôm nhìn thấy chiếc ủng nặng trịch bổ vụt xuống, nhưng không kịp tránh. “Bốp!” mặt ông nổ đom đóm, ông lăn vật sang một bên,úp mặt sấp xuống một vũng nước trong rãnh. Ông tỉnh dậy, từ từ, đau đớn, trong tiếng nước chảy róc rách qua mặt. Mệt mỏi, ông nghiêng đầu sang một bên. Trời bắt đầu mưa lắc rắc. Người ông đau như dần. Ông chống tay, từ từ đứng dậy. Trời đất chợt quay cuồng trước mặt ông, ông phải chụp vội lấy một cột đèn đường. Ngọn đèn nhấp nháy rồi tắt phụt. Đã gần sáng bạch. Khung cảnh buồn bã ảm đạm của buổi sáng dần dần hiện rõ quanh ông. Ông nhìn thấy cái mũ xanh đồng phục soát vé của ông nằm ngập trong rãnh nước, không xa chỗ đang đứng. Chậm chạp, ông quỳ xuống, nhặt nó lên. Ông chùi chùi nó vào cái áo khoác ngoài rồi bước ra góc đường. Trong một cái tủ kính của hiệu thuốc có một cái gương. Ông đứng lại soi. Bộ đồng phục của ông rách toạc, xơ chỉ ra nhiều chỗ, caravat lệch sang một bên, cúc áo sơ mi đứt hết. Từ từ, ông đưa tay lên mặt sờ sờ. Mũi ông vẹo đi, sưng mọng lên. Một mắt đã bầm tím. Đầu lưỡi ông chạm phải cái cạnh sắc lởm chởm của mấy cái răng gẫy. Nghẹn lời, choáng váng, ông trố mắt nhìn hồi lâu. Rồi ông bắt đầu hiểu ra. Riođan đã gây ra chuyện này. Ông tin chắc là như vậy. Chính vì thế mà Riođan đã gọi điện thoại khi ông rời khỏi hội trường công đoàn đi ra. Đột nhiên, ông chợt nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ còn có thể quay về làm cho công ty xe cáp điện nữa. Riođan sẽ để ý đến chuyện đó, sẽ làm cho nó trở nên thế. Ông đứng sững ở đó hồi lâu, nước mắt bắt đầu ròng ròng lăn xuống má. Mọi cái đều hỏng hết. Mọi cái. Giờ ông không có việc làm, không có tiền nữa. Và kinh khủng nhất, là phải kể lại cho Êlen nghe. Bà sẽ không bao giờ tin rằng ông đã không say sưa chè chén ở quán rượu. Và thật khôi hài cay đắng là ông đã thực sự không uống một tí gì cả, ngoài một cốc bia. 4 - Thế nào, ông định ngồi đấy suốt ngày đọc báo, nghiên cứu xem công việc nào phù hợp với hai bàn tay cao quý của mình hả? – Êlen Đentơn mỉa mai, đay nghiến. Mặt bà sa sầm. Bà đang gói bữa ăn trưa của Gieny vào một miếng giấy tráng sáp. Tôm lặng thinh, vừa cúi lại xuống tờ báo thì Gieny bước vào phòng. “Con chào mẹ”, cô vui vẻ nói, “con chào bố”. - Chào Gấu con Gieny. – Ông đáp, mỉm cười với cô. – Thế nào Con ốc hương thắng cuộc sáng nay ra sao? - Khỏe lắm ạ. – Đấy là một chuyện đùa riêng của hai bố con. Ông đã gọi cô như vậy khi cô được nhận vào làm nghề đánh máy tại một công ty bảo hiểm tháng trước… Khi đó ông đã mất việc ở hãng xe điện được năm tuần và Gieny thì tốt nghiệp trường trung học làm phước được hai tuần. - Con bây giờ là con ốc hương thắng cuộc rồi đấy. – Ông thốt lên với cô. – Nhưng một hai tuần nữa là bố sẽ tìm được việc làm ngay. Và rồi con sẽ có thể vào học Trường cao đẳng y tá thánh Mary như con đã dự định. - Gieny, mày bôi son nhiều quá đấy. – Mẹ cô kêu lên. – Tốt hơn là nên chùi bớt đi. Tôm nhìn con gái. Cô không bôi quá nhiều son như bà mẹ đã kêu. Mà còn ít hơn rất nhiều so với đám con gái hồi còn đi làm sáng sáng ông nom thấy trên xe cáp. - Ôi, mẹ, - Gieny phản đối. – Con đang đi làm văn phòng, chứ không phải còn đi học. Con phải nom tử tế chứ ạ. - Mày phải nom ra tử tế, chứ không phải bôi trát như vậy. - Ô… ôi Êlen, để cho con bé yên! – Tôm chậm rãi nói. Êlen nhìn ông, mắt nẩy lửa. “Khi nào ông đem được mấy xu về nuôi gia đình thì ông hãy nói nhớ!” Tôm trợn mắt nhìn bà, mặt sầm xuống. Ông cảm thấy rõ máu đang nhợt đi trên mặt mình. Gieny mỉm cười thông cảm với ông. Và thế lại càng làm ông khó chịu. Ông chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày Gieny thấy thương hại ông. Ông mím chặt môi, ngăn một tràng rủa cáu kỉnh chực bật ra. - Lạy Chúa, con muộn mất rồi. – Gieny nhảy vội lên. Cô vồ lấy cái túi giấy trên bàn, chạy bổ ra cửa. “Chào mẹ”, cô nói với qua vai, “chào bố. Chúc bố hôm nay gặp may”. Tôm nghe thấy tiếng chân cô chạy rào rào xuống cầu thang. Ông lại cúi xuống đọc báo. “Cho tôi xin một tách cà phê nữa được không?” - Không. Ông chỉ được một tách thôi. Ông nghĩ ta có thể mua được bao nhiêu cà phê với mười đôla lương hàng tuần của con bé hả? - Nhưng bà đã có bình cà phê ở ngay đây thôi. Pha rồi. - Đấy là để sáng mai hâm lại. Ông cẩn thận gập tờ báo, đứng dậy, bước vào buồng tắm. Ông mở vòi nước, cứ để nó chảy như vậy trong khi với lấy bàn chải và dao cạo râu. Ông đưa tay hứng dưới vòi nước. “Êlen, không có nước nóng cho tôi cạo râu đây này”. – Thế thì dùng nước lạnh đi. – Bà nói với ra. – Trừ phi ông có hai lăm xu bỏ vào đồng hồ ga nhé. Tôi giữ chút ga còn lại để đun nước tắm cho con bé đấy. Ông nhìn hình mình trong gương. Mặt ông đã lành sau trận bị đánh, nhưng mũi ông giờ hơi bị khoằm xuống, hai cái răng cửa gẫy sàn sạn trước miệng. Ông bỏ cái bàn chải xuống, bước vào bếp. Êlen vẫn quay lưng lại phía ông. Ông đặt tay lên vai bà, xoay bà lại. “Êlen, Êlen”, ông nói dịu dàng, “chuyện gì xẩy ra với chúng ta vậy?” Bà trân trân nhìn vào mặt ông một thoáng, rồi đưa tay lên vai, hất tay ông ra. “Đừng có đụng vào tôi. Ông Thômax Đentơn. Đừng có đụng vào tôi!” Giọng ông lộ vẻ nhẫn nhục. “Êlen, tại sao vậy? Chuyện xẩy ra không phải lỗi ở tôi. Đó là ý Chúa” - Ý Chúa ư? – Bà cười rít lên. – Ông giờ lại là người nói đến ý Chúa ư. Ông, cái kẻ bao nhiêu năm rồi tôi không nhớ nổi nữa, không thèm đi lễ nhà chùa. Nếu ông nghĩ tới Đấng cứu thế hơn cái món bia chiều thứ bẩy của ông, thì Người đã ban cho ông một chút tình thương của Người rồi! Ông hít một hơi thật mạnh, rồi từ từ thở ra. Ông quay đi, bước trở lại phòng tắm, bắt đầu cạo râu bằng nước lạnh. Trước kia bà đâu có như thế này – ăn nói cay độc, tàn nhẫn, chạm vào người như chạm phải gai. Rồi phát điên phát dại vì nhà thờ và mấy lão thầy tu. Đã một thời, bà là Êlen Fitgiơrold, mắt cười sáng long lanh, chân xinh xinh lúc nào cũng thích nhảy. Ông nhớ lại cái lần họ gặp nhau đầu tiên ở Vũ hội Ái Nhĩ Lan trên phố Đây ngày ấy. Đêm đó, bà là cô gái xinh nhất vũ hội, mái tóc vàng nâu, mắt xanh ngắt, đôi chân xinh xinh. Đó là năm 1912, năm sau họ lấy nhau. Một năm sau nữa Gieny ra đời. Khi ấy, ông đã là người lái xe của hãng xe điện, và khi hết chiến tranh, giải ngũ trở về, họ dọn tới căn hộ này. Một năm sau, một đứa con giai ra đời. Tội nghiệp thằng Tomy bé bỏng. Đời không cần nó; và khi nó hai tuổi, họ để nó an nghỉ ở nghĩa trang Calvơry. Gieny lúc đó mới tám tuổi, hầu như chưa hiểu nổi chuyện gì đã xẩy ra đối với em trai mình; nhưng còn Êlen thì tìm thấy nguồn khuây khỏa trong cảnh lặng lẽ của nhà thờ. Và thế là hàng ngày, bà dẫn con gái mình đến đó. Thoạt nhiên, ông không chú ý đến điều đó lắm. Việc Êlen gắn bó quá với nhà thờ thế là tự nhiên thôi. Rồi cô ấy cũng sớm dứt ra được đấy mà. Nhưng không phải vậy. Ông nhận ra điều đó khi một đêm nằm cùng nhau, ông với tay về phía bà, thấy bà lạnh lùng, không đáp lại. Ông lần tìm vú bà trong tấm áo choàng ngủ bằng vải thô, nhưng bà xoay lưng lại phía ông. “Anh mấy tháng rồi không đi xưng tội. Tôi sẽ không để anh làm cho tôi có con nữa đâu”. Ông cố biến chuyện thành khôi hài. “Ma nào muốn làm ra con hả? Anh chỉ cần một tí chút yêu đương thôi mà!” - Như thế lại còn tệ hơn. – Bà đáp, giọng nhỏ đi vì cái gối. – Như vậy là có tội, tôi không muốn chịu chung tội với anh đâu. - A, vậy ra đó là cái mà mấy thằng cha cố đạo của cô đã nhét vào tai cô đấy phỏng? Họ dạy cô phải từ chối chồng cô phỏng? Bà lặng thinh. Ông túm lấy vai bà, xoay bà quay trửo lại phía ông. “Có phải thế không?” – Ông rít lên. - Các cha chẳng bảo tôi cái gì sất cả. Tôi làm theo trí suy xét giáo lý của mình. Tôi đủ biết Kinh thánh tới mức đâ là đúng, đâu là sai. Và xin anh đã thôi quát tướng lên như vậy đi. Anh làm con bé Gieny ở phòng bên thức dậy bây giờ. - Tôi sẽ thôi không kêu nữa. – Ông cáu kỉnh đáp. Và hơi vai bà bốc lên nóng sực trong tay ông; không kìm được nữa, ông chiếm bà bằng vũ lực. Cơn kích thích làm ông lịm đi, ông nằm trên bà, thở nặng nhọc, nhìn thẳng vào mắt bà. Bà lặng lẽ nhìn trả ông, không động đậy, thụ động như trong suốt thời gian ông ép buộc bà. Ông rùng mình một lần cuối cùng. Rồi bà cất tiếng. Giọng bà thản nhiên, xa xăm, lơ đãng, dường như không có ông ở trên đó. “Thế nào, anh đã trút hết cái tanh tưởi của anh vào tôi xong chưa?” Ông cảm thấy bụng mình chợt cuộn lên một cảm giác buồn nôn lặng ngắt. Trừng trừng nhìn bà thêm một thoáng, ông lăn khỏi người bà, rơi xuống chỗ nằm của mình trên giường. “Tôi xong rồi”, ông đáp, giọng đều đều, không thần sắc. Bà nhỏm dậy, quỳ thụp xuống bên cạnh cái ảnh Chúa giáng sinh bé xíu đặt dưới thập tự. Ông có thể cảm thấy mặt bà quay về phía ông trong bóng đêm. “Tôi sẽ cầu nguyện Đức Mẹ Đồng trinh để cho cái hạt gốing anh đã tống vào tôi không tìm thấy chỗ sinh sôi nảy nở”, bà rít lên cay nghiệt, khe khẽ. Ông nhắm nghiền mắt, trở mình quay lưng lại phía bà. Họ đã làm cho cô ta trở nên như vậy đấy, đầu độc mọi cái hai người đã từng có. Lòng ông chợt nghẹn thắt lại một nỗi đắng cay. Từ đó, không bao giờ ông còn bước chân vào nhà thờ nữa. 5 Ở đây, trong gian giữa của giáo đường, mọi vật đều yên tĩnh. Êlen Đentơn quỳ trước tượng thánh, đầu cúi gục, tay lần chuỗi hạt, cảm thấy lòng yên ả thư thái vô cùng. Không có một lời cầu nguyện nào trên môi bà, không có những ý nghĩ xáo động trong óc bà – chỉ một sự trống rỗng yên tĩnh, ngọt ngào. Nó thấm ngập khắp người bà, ngăn cách bà với thế giới ngoài kia, sau những bức tường đầy an ủi êm dịu này. Cái tội chểnh mảng, lúc ở ngoài mấy bức tường này đã hành hạ cắt rứt lương tâm bà hàng mấy giờ đồng hồ liền, giờ đây chỉ còn đôi ba tiếng vọng mơ hồ xa xăm. Bé Tomy đã nằm yên trong nấm mồ của bé, không một lời trách móc nào trên đôi môi xinh xinh như hai nụ hồng ấy nữa, về chuyện bà đã chểnh mảng không chăm sóc đầy đủ khi bé ốm. Không còn ký ức nào hành hạ bà, đối lập cảnh bà trần truồng, oằn oại trong cơn yêu đương cuồng nhiệt, khi đứa con trai đang lịm đi, hấp hối trong cùng một căn phòng. Thoạt đầu, có vẻ đó chỉ là một cơn nhiễm lạnh sơ ớ, trẻ con đứa nào cũng thường mắc phải, và sáng hôm sau tỉnh dậy lại khỏe như thường. Làm sao bà có thể biết được là trong khi chồng bà nằm đó, thì thào những lời khoan khoái vào tai chồng thì một cục đờm dãi bé xíu đã mắc trong cổ đứa con, ngăn không khí không vào được phổi nó nữa? Và do vậy, khi bà đứng dậy thay khăn cho nó, như bà vẫn thường làm trước khi đi ngủ, và thấy nó lạnh ngắt một cách lạ lùng, người đã tím lại. Làm sao bà biết được rằng đó chính là sự trừng phạt đối với tội lỗi của bản thân bà? Cha Hatlây đã cố gắng tìm cách an ủi bà. “Đừng có tự buộc tội mình thế con. Chúa đã ban cho, thì Chúa lại lấy lại. Ý Chúa phải được thực hiện”. Nhưng bà thì biết rõ hơn. Bà vẫn còn nhớ rõ mồn một niềm khoái lạc trong những giây phút tội lỗi ấy, mặc dù bà đã cố gắng tìm cách tháo cởi nó bằng hàn ngàn buổi xưng tội. Nhưng tất cả những lời an ủi của các cha đều không đem lại sự yên tĩnh cho tâm trí bà. Tội lỗi của bà là do chính bà gây ra, và chỉ có bà, chính bà mới có thể xóa bỏ được nó. Nhưng ở đây, trong cái tịch mịch của gian giữa giáo đường – dưới Đức Mẹ Đồng trinh lặng lẽ, đau khổ - là sự yên tĩnh, trống trải và lãng quên. Giôny Bơc buồn chán quá. Nó rít hơi cuối cùng rồi quẳng toẹt mẩu thuốc lá xuống rãnh nước vỉa hè. Thằng bạn mặt đầy mụn ngồi cạnh nó chợt thốt lên. “Ta hãy đến xem liệu Texy có bận không”. - Texy lúc nào cũng bận cả. Ngoài ra, tao nghe được là con bé đã cho một thằng nào đó xơi cả một liều thuốc. Tao không chơi dại thế đâu. – Giôny rút một điếu thuốc khác ra, châm lửa, đưa mắt hồi hộp ngó nghiêng đường phố. – Lần này, ta muốn kiếm một con mà chưa có đứa nào phạng nó. - Làm sao mà mày kiếm được, hả Giôny? - Anđy, tất nhiên là có cách chứ. – Giôny úp úp mở mở, vẻ bí hiểm. – Tất nhiên là phải có cách chứ mày. Anđy chăm chú nhìn thằng bạn. “Mày thở ra cái giọng như là mày biết rồi đấy”. Giôny gật đầu, vỗ vỗ cái túi. “Tao có một chút cái thứ làm bất cứ con nào cũng phải tụt hết ra”. - Thế ư, Giôny? – Anđy hỏi nhanh. – Cái gì vậy? Giôny cẩn thận hạ giọng. “Môxca cantarit”. - Thế là cái quái gì hả? - Ruồi Tây Ban Nha, đồ ngu ạ. – Giôny đáp. – Tao mổ được khi ông bác sĩ bảo tao trông cửa hàng hộ cho ông ấy lên gác. - Ối giời tuyệt quá. – Anđy khoái trí thốt lên. – Đứa nào cũng có tác dụng chứ hả? Giôny gật đầu. “Hẳn rồi. Nếu ta lén bỏ được vào nước uống của nó. Chỉ một ít thế thôi, rồi thì con bé sẽ bốc máu, nóng sực như bánh mỳ vừa lôi trong lò ra ấy”. Ông chủ hiệu dược phẩm ló đầu ra khỏi khung cửa ra vào. “Giôny, trông hàng hộ tao tí được không? Tao muốn lên gác một tí”. - Dạ được ạ. Hai đứa nhìn ông ta rẽ ngoặt vào cửa lên gác ở bên cạnh, rồi bước vào cửa hàng. Giôny đi vòng vào quầy hàng ngả người dựa hờ hững vào cái máy tính tiền. - Giôny, làm một cốc Cô ca cô la chứ mày? - Ồ… ồ, - Giôny thốt lên. – Không xực những của ăn mày khi tao trông hàng cho ông bác sĩ nhé. – Nó uể oải kéo ra kéo vào mấy cái ngăn kéo dưới cái quầy. – Này, Anđy! – Nó gọi. – Mày có muốn xem ông bác sĩ cất những cái capôt ở đâu không? - Đâu mày? – Anđy hỏi, đi vòng quay vào cái quầy. - Cho tôi mua một cốc Côcacôla nào. Được không? Giọng một cô gái vọng từ đằng sau vòi nước xôđa. Hai gã con trai ngẩng phắt lên, vẻ biết lỗi. Giôny vội đóng cái ngăn kéo lại. “Được chứ, Gieny”. - Bác sĩ đâu rồi? - Ông ấy lên nhà một tí. - Nó nhìn thấy rồi. – Anđy thì thào. – Nó biết ta đang nhìn cái gì rồi. Giôny nhìn Gieny, bước tới cái vòi xôđa. Có lẽ con bé biết thật. Măt nó có một nụ cười là lạ thế kia mà. Nó ấn cái khóa ở vòi bơm nước ngọt Côcacôla và chăm chú nhìn dòng nước đặc chảy vọt vào cốc. “Đằng ấy đã nhận được tin tức gì của anh chàng quán quân ấy chưa, hả Gieny?” Cô lắc đầu. “Chúng tôi định tối nay đi xem phimn, nhưng anh ấy lại chưa ở Bơcơlay về. Tôi mong rằng không có gì xẩy ra với chuyện học bổng của anh ấy”. Giôny mỉm cười. “Làm sao có thể xẩy ra được chuyện gì cơ chứ. Anh chàng đã giật hết giải chung kết toàn bang rồi còn gì.” Anđy bước lại phía sau nó. “Liệu có ăn thua gì với con bé ấy không?”, Anđy thì thào. Giôny hiểu rằng thằng bạn muốn nói gì. Nó chợt ngẩng phắt lên. Và ngay lập tức, dường như nó cảm giác rằng trước kia chưa bao giờ thực sự nhìn thấy Gieny cả. Con bé là một trong những đứa nó chạm mặt chào hỏi hàng ngày, và thường là nó không để mắt đến đám ấy. Con bé đã uống xong hớp nước, bỏ đấy ra xem mấy tờ tạp chí. Nó thích cái lối tấm áo mùa hè mỏng phủ quanh người con bé như thế. Nó không ngờ là con bé có những cái của ấy to như vậy. Chả lấy gì làm ngạc nhiên khi anh chàng Maik Haloron lại giữ chịt con bé như thế. Đột nhiên, nó thò tay vào túi, móc ra cái gói giấy bé tý, dốc chỗ bột vào cốc của cô gái. Gieny cầm lấy một tờ tạp chí quay lại chỗ vòi xôđa. Giôny nhìn xuống cốc của cô gái. Loáng thoáng còn mất vết bột nổi trên mặt nước trong đó. Nó cầm lên, mở vòi nước thêm xiro rồi đặt cái cốc xuống dưới miệng ống xôđa, vừa lắc liên hồi vừa vặn cho xôđa chảy tràn vào cốc. Nó để cái cốc xuống trước mặt Gieny, nhìn đồng hồ. “Giờ này đằng ấy mới đi chơi thì muộn nhỉ?” - Hôm nay là thứ bảy cơ mà. – Gieny đáp. – Trong nhà nóng quá, tôi nghĩ ra đi dạo cho thoáng một tí. – Cô đặt một đồng năm xu lên mặt quầy rồi rút một ống rơm từ cái khay thủy tinh ra. Giôny lo lắng nhìn cô hút cốc nước. “Được không hả?” - Có lẽ hơi ngọt quá thì phải. - Tôi sẽ cho thêm một ít xôđa vào nữa. – Giôny nói nhanh. – Được rồi chứ. Cô hút chỗ nước. “Ngon lắm rồi. Xin cảm ơn”. Giôny nhặt đồng năm xu lên, bước lại chỗ cái máy tính tiền, cho nó vào lắc lên loảng xoảng. “Tao đã nom thấy mày vừa làm gì rồi”, Anđy thì thào. - Im đi. Gieny vừa hút cốc nước vừa chậm rãi giở tờ tạp chí. Cốc nước của cô còn một nửa thì viên chủ hiệu trở lại. “Ổn cả chứ, Giôny?” - Mọi việc ổn cả, thưa bác sĩ. - Cám ơn Giôny nhé. Mày có muốn uống một cốc Côcacôla không? – Dạ không ạ, thưa bác sĩ. Cám ơn ông. Mai tôi sẽ lại đến ạ. - Mày làm thế để làm quái gì hả? – Anđy hỏi khi hai đứa đã ra đến đường. – Giờ thì ta không thể nào biết được nó là có tác dụng không. - Ta sẽ biết. – Giôny đáp, quay lại nhòm qua cửa sổ. Gieny đã uống xong cốc nước và leo khỏi cái ghế cao trước quầy. Cô đặt trả tờ tạp chí vào giá, bước qua cửa… Giôny bước lại chặn đường cô. “Đằng ấy về nhà đấy hả Gieny?” Cô đứng dừng lại, mỉm cười nhìn nó. “Có lẽ tôi sẽ ra công viên một chút. Có thể ở đấy sẽ có gió mát từ vịnh thổi vào”. - Để tụi này đi cùng có được không? – Giôny hỏi. – Tụi này cũng chả có việc gì làm cả. Cô thầm hỏi không biết vì sao Giôny lại đột nhiên ngỏ lời muốn đi dạo với cô thế này. Trước kia, anh chàng có bao giờ tỏ vẻ quan tâm đến cô đâu. Khi Tôm từ cái quán rượu đối diện với tòa nhà để xe điện bước ra, thì đã mười giờ đêm. Ông đã say mụ mẫm người đi, khóc rưng rức, buồn bã, khổ sở. Ông mở to mắt trân trân nhìn sang phía bên kia đường 2-12 tội nghiệp đang ở đó. Chiếc tàu điện cũ của ông. Nhưng con bé không còn là của ông nữa rồi. Con bé sẽ không bao giờ còn là tàu điện của ông nữa. Nso đã là của một người khác mất rồi. Nước mắt ông ròng ròng lăn xuống má ông. Đời ông thế là lụn bại. Không tàu điện, không công ăn việc làm, về nhà thì vợ cũng không còn là vợ nữa. Giờ đây, bà ta đang ngồi ở một xó xỉnh nào đó trong nhà thờ, cầu nguyện. Liệu bà có hiểu rằng một người đàn ông lúc đã nằm trên giường thì không phải chỉ cần độc có mỗi một lời cầu nguyện không? Nếu trong túi có lấy đôi ba đôla, ông đã biết ông có thể đi đến đâu rồi. Đám con gái ở hiệu Magie biết rõ cách phải đối xử với đàn ông như thế nào lắm. Ông lục lọi trong túi moi ra được một nắm xu. Cẩn thận, ông đếm từng đồng một. Ba mươi lăm xu tất cả. Ông định trở lại quán rượu. Ông có đủ tiền uống được cốc nữa. Nhưng như thế thì thứ hai ông sẽ phải mở mồm xin tiền tiêu vặt ở Êlen. Ông cảm thấy hơi rượu mùi loáng choáng nhạt dần. Cáu kỉnh, ông nhét nắm xu vào túi. Uống còn vui thụ nữa khi phải chắt bóp tính từng đồng kẽm thế này. Ông chậm chạp quay về, người đã gần tỉnh hẳn. Ông âm thầm ngồi trong bóng tối cạnh cái bàn ở bếp. Nửa tiếng sau thì Êlen về. Thấy bà bật điện, ông mệt mỏi ngẩng lên nhìn. “Tôi không ngờ ông lại mò về sớm đến thế đấy. Chuyện gì đã xảy ra thế? Họ hết rượu bán rồi ư?” Ông lặng thinh. Bà bước ra khỏi bếp, đi vào cái hành lang hẹp. Ông nghe thấy tiếng bà mở cửa phòng Gieny rồi đóng lại. Một thoangs au, bà lại hiện ra ở bếp: “Con Gieny đâu rồi?” - Tôi không biết. Có lẽ nó đi chơi với thằng Maik. - Thằng Maik vẫn còn ở Bơcơlay. Khi tôi đi nhà thờ, con bé vẫn còn ở nhà mà. Nó bảo nó sẽ đi ngủ sớm. - Trời nóng quá. – Ông đáp. – Có lẽ nó đi dạo một lát cho thoáng. - Tôi không thích cái lối nó đi đêm hôm một mình thế. - Êlen, đừng có trách mắng nó nữa. Nó đã là người lớn rồi. Bà nhấc một cái ấm từ trên giá xuống, đổ nước vào. “Ông có thích uống chè không?” Ngạc nhiên, ông ngẩng đầu lên. Đã lâu lắm rồi Êlen mới bảo ông uống chè tối như thế này. Ông gật đầu một cách biết ơn. Bà mở tủ chè lấy ra mấy cái cốc, đặt trên bàn. Rồi bà ngồi xuống đối diện với ông, chờ cho nước sôi. Một vẻ lo âu hằn trên mặt bà. - Đừng lo. – Ông đột nhiên cảm thấy ái ngại cho bà. – Gieny sắp về ngay thôi mà. Bà ngẩng lên nhìn, và trong một phút hiếm hoi, đột nhiên nhận ra mình đã làm những điều gì đối với ông và bản thân bà nữa. Nước mắt bỗng dưng ầng ậng trên mi, bà đặt hai tay úp lên tay ông. “Tôm, em xin lỗi. Em không hiểu sao mình đã lại đổ đốn ra như thế. Đến một nửa thời gian, em làm mà không biết mình đang làm gì”. - Anh biết, Êlen ạ. – Ông dịu dàng đáp. – Anh biết. Đúng lúc đó, một viên cảnh sát tới gõ cửa, báo cho họ biết rằng Gieny đã được người ta tìm thấy trong công viên, bị hiếp và bị đánh. Nom vẻ mặt kinh hoàng của Êlen, Tôm biết mọi cái đối với họ thế là hết. Ba người từ trong nhà thờ bước ra, ngập ngay vào ánh nắng rực rỡ. Và ngay lập tức, họ cảm thấy những ánh mắt tò mò chĩa luôn vào chỗ mình. Tôm thấy cong ái ông bất giác rúm người lại; ông để ý thấy một vệt đỏ ửng từ từ hiện lên trên khuôn mặt của cô, khuôn mặt hãy còn sưng từ cái lần bị đánh ấy, gần hai tuần trước. Cô cúi gằm nhìn bước chân của mình. Họ bắt đầu đi lại phía vỉa hè. - Ngẩng cao đầu lên, Gieny, Gấu con. – Ông thì thào. – Chính là những thằng con giai của họ phải thấy nhục, chứ không phải là con. Gieny ngẩng mặt lên, mỉm cười nhìn ông, đầy vẻ biết ơn. “Và cả bà nữa, Êlen Đentơn”, ông nói thêm, “bỏ cái lối nhìn xuống đất ấy đi được rồi đấy”. Về một phương diện nào đó Êlen cảm thấy đắc thắng. Thế là cuối cùng chồng bà cũng đã trở lại nhà thờ. Bà nhớ lại sáng sớm hôm ấy. Khi bước chân vào gọi Gieny, bà đã ăn mặc chỉnh tề, sẵn sàng đi lễ nhà thờ. Bà mở cửa phòng Gieny. Con gái bà đang ngồi trên một chiếc ghế, trân trân nhìn qua cửa sổ. “Gieny, con chưa mặc quần áo kìa!” Bà bàng hoàng kêu lên, “Đã đén giờ ta đi lễ rồi”. - Con không đi đâu mẹ ạ. – Gieny đáp, giọng đều đều. - Nhưng từ khi con ra viện đến nay, con đã đi nhà thờ lần nào đâu. Hầu như con chả ra khỏi nhà một bước. - Mẹ, con đã ra khỏi nhà. – Cô quay lại nhìn mẹ mình, những quầng thâm dưới mắt cô trong ánh sáng ban ngày nom càng tối hẳn xuống. – Mọi người giương mắt nhìn con, thì thào bàn tán khi thấy con đi ngang qua. Con không thể chịu nổi. Con sẽ không đi nhà thờ để trở thành một quái vật cho thiên hạ trừng trừng nhìn châu vào đâu. - Mày đãng anh lìa Đấng cứu thế! – Êlen nóng nảy quát lên. – Làm sao mày có thể nhận được sự tha thứ cho những tội lỗi của mày, nếu không đi lễ nhà thờ hả? - Con bé có tội tình gì mà cần phải tha thứ hả? – Giọng chồng bà đột nhiên vang lên ở đằng sau. Bà quay ngoắt lại, ngay lập tức phát khùng. “Nhà này có một kẻ phản đạo là quá đủ rồi”. Bà quát lên. “Chúng tôi không cần phải có kẻ thứ hai”. Bà quay lại Gieny. “Mặc quần áo vào. Mày sẽ phải đi với tao, cho dù là tao phải lôi mày đi xềnh xệch”. - Mẹ, con không đi đâu. Con không thể chịu nổi. Êlen bước một bước về phía cô, đầy vẻ hăm dọa. Bà giơ một tay lên. Đột nhiên bà cảm thấy hai cổ tay mình bị giữ chịt lại như cùm trong hai bàn tay bằng thép. Bà ngẩng lên, bắt gặp bộ mặt của chồng bà. Đôi mắt vốn thường xanh biếc dịu dàng của ông giờ lạnh ngắt, khắc nghiệt. “Để cho con bé yên! Bà phát dại rồi hả?” Bà trân trân nhìn ông một hồi, cơn giận bất chợt lúc nãy từ từ tan. Bà đột nhiên cảm thấy mệt rã rời, yếu ớt. Mắt bà rưng rưng. “Nhưng cha Hatlây bảo tôi đem nó tới. Người nói là Người sẽ cầu nguyện an ủi nó”. Ông từ từ thả tay bà ra. Chúng rơi thõng xuống hai bên người bà. Ông quay lại chỗ con gái. “Gấu con Gieny, có phải đấy là lý do con không đi đến nhà thờ không?”, ông dịu dàng hỏi, “bởi vì người ta nhìn trừng trừng vào con hả?” Cô lặng lẽ gật đầu. - Nếu bố đi cùng thì con có đi không? – Đột nhiên ông hỏi. Cô nhìn vào mắt ông. Đôi mắt ngời ngời tình thương. Sau một hồi nín lặng, cô đáp: “Có ạ”. - Vậy được rồi. Con mặc quần áo đi. Bố sẽ cạo râu xong ngay đấy. – Ông quay ngoắt người bước nhanh ra khỏi phòng. Êlen trố mắt nhìn theo, đờ người vì kinh ngạc, không kịp thốt ra lời nào. Cả nhà thờ dào lên tiếng ngạc nhiên khi họ đi dọc theo dãy ghế tới chỗ ngồi của họ. Tôm nhìn thấy tua tủa những cái đầu quay ngật hẳn lại, miệng há hốc nhìn họ. Người ông bỗng rung lên kinh tởm trước sự độc ác tiềm tàng ở trong lòng tất cả mỉm cười, quỳ xuống trước bàn thờ làm dấu rồi mới ngồi xuống chỗ của mình. Nhưng đến khi họ đi ra, tình thế còn tệ hơn rất nhiều. Những kẻ tò mò đã có đủ thì giờ tụ tập lại trên các bậc thềm nhà thờ trong nắng sớm rực rỡ. Dường như họ đang phải chạy giữa hai hàng những thằng đần ném đá như mưa, phang gậy tới tập vào họ. - Thôi thế là xong! – Tôm khẽ thốt lên khi họ rẽ qua góc phố. Họ băng qua đường, tiến tới cái hiệu thuốc ở góc phố tiếp. Một đám thanh niên choai choai đang vơ vẩn dựa vào cửa sổ cái hiệu thuốc, diện quần áo ngày nghỉ. Thấy ba người đi đến gần, chúng đột nhiên im phăng phắc, giương những cặp mắt ranh ma, lêu lổng của chúng lên trân trân nhìn họ. Tôm cáu kỉnh, trừng trừng nhìn lại. Chúng cụp mắt xuống. Họ đi qua chúng, rẽ về phố nhà. Từ cái góc phố đằng sau, Tôm chợt thấy bật lên những lời đối thoại thì thào sôi nổi. Rồi một thằng choai choai khịt mũi, một đứa khác phá lên cười. Tiếng cười sằng sặc ấy có một âm hưởng bẩn thỉu tởm lợm làm đau xé lòng ông. Đột ngột, ông rời tay nắm Gieny, quay ngoắt lại góc phố. Đám choai choai ngạc nhiên nhìn ông, mặt đờ ra. - Có chuyện gì vui vẻ thế, hả chúng mày? – Tôm thốt lên, cơn giận làm mặt ông trắng bệch ra, lạnh ngắt. – Kể cho tao nghe mới, biết đâu tao lại cười với chúng mày đấy. Chúng tròn mắt lặng thinh nhìn ông, xấu hổ. Rồi chúng cúi nhìn xuống chân, ngượng ngập di di chân, liếc trộm nhau bằng những cái nhìn đầy ý nghĩa mà Tôm thời trẻ cũng đã từng biết. Dường như chúng ngạc nhiên khi được nom thấy những bức ảnh trần truồng. Lòng ông chợt dào lên một niềm hổ thẹn với bản thân lúc bằng tuổi chúng. Và một nỗi mệt mỏi đột nhiên thay thế cơn thịnh nộ trong ông. “Đi khỏi góc phố này ngay đi”, ông khẽ khàng thốt lên, “và nếu tao còn nghe được đứa nào cười cợt hay bình phẩm cái gì về tao hoặc bất cứ người nào trong gia đình tao, tao sẽ tới đây, tay không này sẽ xé tan xác nó ra ngay lập tức”. Thằng choai choai cao to nhất trong đám bước ra. Nó giương mắt gườm gườm nhìn ông, láo xược. Nó cao hơn Tôm một chút. Một nụ cười thoáng vẻ khinh miệt hiện ra trên môi nó. “Đây là đất nước tự do”, nó cúi xuống nhìn ông, “thích chỗ nào là chúng tôi cứ việc đứng”. Cơn giận đột nhiên bùng lên trong người Tôm. Ông vồ lấy cổ áo thằng nhãi, ấn nó ngã khuỵu gối. “Tự do hả?”, ông thét lên, mạch máu ở trán hằn lên tím ngắt. “Tự do để chúng mày đứng đây chọn xem đêm nay sẽ hiếp ai hả?” – Ông vả bốp vào mặt thằng nhãi. Nó co rúm lại, vẻ xấc láo biến mất. “Bác Đentơn, bác trút giận lên chúng cháu làm gì? Chúng cháu có phải là những đứa “cối” Gieny đâu”. Máu như đột nhiên đông lại trong người Tôm khi ông nghe những lời ấy. Ông đờ ra, bàn tay sững sờ giương lên trong không khí. “Cối” Gieny. Chúng có thể nói như vậy về đứa con gái rứt ruột của ông thế đấy, và ông không thể làm gì để gỡ lại được nữa rồi. Từ từ, ông hạ tay xuống, rồi lẳng thằng choai choai bắn ra xa. Ông trừng mắt nhìn lại từng đứa. Chúng dù sao cũng còn trẻ dại, ông thầm nhủ. Ông không thể ghét tất cả chúng chỉ vì cái mà hai thằng trong số chúng đã làm. Thằng ranh nói đúng. Chúng không phải là những đứa có tội. Ông đột nhiên cảm thấy bị đánh bại. Nếu tính người có tội, chính ông là kẻ nặng nhất. Nếu ông thực sự là đàn ông, nếu ông có công ăn việc làm, thì có lẽ chuyện ấy đã không xẩy ra. “Xéo khỏi góc phố này ngay. Và nếu đứa nào nhìn tao đi trên phố này lần sau, thì liệu hồn bước sang hè đường bên kia nhé”. Chúng nhìn ông, rồi nhìn nhau. Và gần như là chúng đang thầm thương hại ông. Sau đó, dường như giữa chúng có một tín hiệu bí mật nào đó đã được truyền đi một cách bí ẩn, chúng bắt đầu tản đi, thành từng tốp hai ba đứa một. Một thoáng sau, chỉ còn lại một mình Tôm ở góc đường. Ông đứng đó hồi lâu cho dịu một cơn xúc động bỗng dưng làm người ông run lên bần bật. Rồi đến lượt mình, ông cũng quay đi, bước khỏi góc phố, tới chỗ vợ con ông đang chờ. “Thôi mọi chuyện thế là xong”, ông lại thốt lên, lần thứ hai trong buổi sáng ấy, cầm lấy tay Gieny và bước về nhà. Nhưng lần này, ông biết, dù là đã nói thế ra lời, rằng mọi chuyện chưa thể nào kết thúc – nó không bao giờ xóa sạch đi được, chừng nào ông còn sống ông còn nhớ đến nó. Trong cơn gió mát tháng chín hiu hiu, đã loáng thoáng có những dấu hiệu đầu tiên của mùa thu. Gieny nhìn qua cửa sổ toa tàu cáp điện tới bến đỗ của mình. Bố cô đang đứng dưới cột đèn đón cô. Bây giờ chiều nào ông cũng làm như vậy. Tàu đỗ, cô bước xuống. - Con chào bố! - A, chào Gấu con Gieny. Đến chỗ ngoặt rẽ về phố nhà, cô bước chậm lại một bước. “Hôm nay bố có gặp may không?” Ông lắc đầu. “Bố chả hiểu thế là tại sao cả. Chẳng có việc.” - Biết đâu mai sẽ có thì sao. - Bố cũng mong như vậy. Có nhẽ sau bầu cử, mọi chuyện sẽ khấm khá hơn. Rudơveld bảo rằng chính phủ phải đi đầu trong việc cung cấp công ăn việc làm cho thợ, rằng các nhà tài phiệt đã không làm tròn trách nhiệm. Ông ấy nói về công nhân nghe có lý hơn so với lão Huvơ và Đảng cộng hòa. – Ông nhìn cô. – Con ngày hôm nay thế nào? - Ổn ạ. – Nhưng thực ra vẫn còn lơ lửng một bầu không khí khó chịu trong sở. Nhiều gã nhân viên đà đận dừng lại ở bàn cô trên đường ra vào của mình. Đôi lúc họ chỉ thuần túy tán tỉnh dăm câu thôi, nhưng đôi kẻ đã cố hẹn hò với cô. Có lẽ nếu mọi chuyện đã xẩy ra khác thế, cô đã nhận lời. Nhưng giờ thì cô ngẩng lên nhìn thẳng vào họ, và cô hiểu họ đang nghĩ gì. Cô nhã nhặn từ chối. Một số người trong bọn họ đâm lúng túng, thậm chí đỏ mặt, vì họ biết rằng cô hiểu thấu tim đen của họ. - Bố, bố không cần phải đêm nào cũng đi đón con thế này đâu. – Cô đột nhiên thốt lên. – Con kó ợ đi về một mình đâu. - Bố biết là con không sợ. Bố biết từ cái hôm đầu tiên đi đón con cơ. Nhưng bố muốn làm việc này. Cả ngày chỉ có lúc này là bố cảm thấy thực sự có việc để làm. Gieny im lặng không đáp. Hai người lẳng lặng đi tiếp một hồi lâu. “Con có muốn bố thôi không?” - Không bố ạ, bố cứ đi đón nếu bố thích thế ạ. Họ đã về tới bậc thềm nhà. Cô chực bước lên thì thấy ông đặt cánh tay lên cánh tay cô. “Gấu con Gieny, ta hượm hẵng lên nhà đã. Ngồi đây nói chuyện một tí đã”. Cô nhìn ông. Mặt ông nghiêm nghị. “Bố có chuyện gì thế ạ?’ - Bố đã không nói chuyện này với mẹ con. Hôm qua bố đã đến gặp cha Hatlây. - Vậy ạ? - Ông ta nói sẽ không ra tòa làm chứng cho tính cách của con. Ông ta bảo bố như thế là trái với lề luật của nhà chung. Các bà xơ ở trường con cũng làm như vậy. - Ôi! – Cô thốt lên. Lòng cuộn lên như muốn nôn. Cái ông luật sư ấy đã nói đúng. Một tháng trước ông ta đã đến gặp họ, cái lão loắt choắt mặt chồn ấy. Ông ta ngồi xuống ở cạnh cái bàn ở trong bếp, nhìn thẳng sang phía họ ngồi đối diện. “Ông Bơc và ông Tanơ yêu cầu tôi tới gặp gia đình ta. Tôi nghĩ rằng ông bà có biết hai ông ấy lấy làm tiếc đến thế này về cái… ơ…” – Ông ta liếc thoáng cô, rồi quay đi ngay, “… cái sự kiện ấy, và muốn đền bù nếu có thể được”. Mặt bố cô đỏ ửng lên tức giận. “Ông Ô.Cono, xin nói ngay”, ông nói nhanh, “rằng cái sự việc ấy không phải là sự kiện đơn thuần. Hai thằng ấy đã hi…” Viên luật sư giơ tay ngăn lại. “Chúng ta đều biết hai đứa ấy đã làm cái gì. Nhưng thưa ông Đentơn, phiên tòa xử họ sẽ đem lại được điều gì, ngoài việc gợi thêm sự chú ý lớn hơn đến cô con gái ông và làm cho cô ấy nhớ lại cái đối với cô ấy là một sự việc đau đớn. Và ngộ nhỡ hai thanh niên ấy được xử trắng án thì sao, không có tội thì sao?” Bố cô bật cười. “Không có tội ư? Tôi có mặt ở đồn cảnh sát lúc cảnh sát bắt hai thằng ấy. Tôi đã thấy chúng sụt sùi than khóc rằng chúng ân hận vô cùng vì đã làm như vậy.” - Thưa ông Đentơn, những lời chúng nói khi ấy. – Viên luật sư đáp. – là không quan trọng. Quan trọng là những gì họ nói ở trước tòa cơ. Và họ sẽ bảo là con gái của ông rủ rê họ, kéo ra công viên. - Chúng sẽ phải chứng minh điều ấy. – Tôm lạnh lùng nói. - Ông chứng minh phản lại mới khó hơn. – Viên luật sư đáp. – Họ có hai người, còn con gái ông thì chỉ có một mình. Rồi họ cũng sẽ có nhân chứng về hạnh kiểm của họ nhiều không kém gì nhân chứng của con gái ông đâu. - Mọi chuyện đâm ra có vẻ như là con gái tôi, chứ không phải là hai thằng ấy, bị xử án thì phải! – Tôm nổi khùng. - Chính xác thế đấy. – Gã luật sư gật đầu. – Các trường hợp loại này đều như vậy cả. Bên nguyên sẽ bị thua thiệt nhiều hơn so với bên bị. - Hạnh kiểm nổi tiếng của con gái tôi sẽ tự chứng minh cho nó. – Tôm thốt lên. – Cha Hatlây ở nhà thờ Xanh Pol và các bà xơ Trường trung học làm phước sẽ bảo cho các người biết về con bé Gieny nhà tôi. Lão luật sư mỉm cười bí hiểm. “Tôi nghi lắm, ông Đentơn ạ”, lão nói khẽ khàng, “tôi rất nghi ngờ là việc ấy không xảy ra đâu”. Lão liếc Gieny một lần nữa, rồi quay sang Tôm. “Tôi được các khách hàng của tôi cho quyền đề nghị đưa ông một ngàn đôla, nếu con gái ông rút đơn kiện hai thanh niên ấy”. - Ông Ô.Cono, tôi nghĩ là tốt hơn hết ông nên đi đi. – Ông vừa nói vừa đứng dậy. – Ông không thể mua cái đã bị đánh cắp rồi. Viên luật sư cũng đứng dậy. Lão lôi một miếng bìa từ trong túi ra, đặt lên bàn, rồi bước ra cửa. “Ông có thể liên lạc với tôi bất kỳ lúc nào trước khi tòa xử, nếu như ông đổi ý”. - Bố, ta phải làm gì bây giờ? – Cô bật lên hỏi, tâm trí trở về với thực tại. - Cha Hatlây nói rằng ba tuần trước đây người ta cũng đã nói như vậy với mẹ con rồi. Cô trố mắt nhìn ông. “Như vậy, té ra là mẹ biết hết cả mà không bảo gì ta ư?” Ông gật đầu. Cô bất giác thấy lạnh toát cả người. Phải xem lại cái thứ Đức Chúa trời ấy, Chúa gì mà lại cho phép mẹ để đứa con đẻ của mình phơi ra trong nỗi nhục nhã, trơ trẽn như thế, cốt cho bà ta được hưởng sự yên tĩnh với linh hồn của riêng bà ta. - Cha Hatlây cũng bảo là học bổng cấp vào Trường thánh Mary vẫn là của con, nếu con vẫn muốn. Cô đột nhiên bật cười. Người ta đã từ chối việc đem lại cho cô danh dự, nhưng lại vẫn sẵn sàng bỏ của bố thí ra với cô. Cô không thể cùng chấp nhận cả hai cái được. Vậy thì phải có cái này bù cho cái kia. Tôm ngạc nhiên ngẩng lên nhìn cô: “Con cười gì thế, Gieny?” Cô nín bặt, nhìn ông, không mỉm cười. “Không có gì đâu, bố ạ. Con nghĩ có lẽ bố nên gọi điện thoại cho cái lão luật sư ấy đi”. - Vậy là con nhận lấy một nghìn đôla ư? Cô gật. “Và cả học bổng vào Trường thánh Mary nữa. Như vậy bố có thể sống được lúc con xa nhà”. - Bố sẽ không nhận tiền của con đâu. - Không, bố ạ, bố phải nhận. – Cô nói dịu dàng. – ít nhất thì cũng đến khi bố kiếm ra được việc làm, và trở lại như xưa. Ông cảm thấy tự nhiên mắt nhòe lệ. Ông đột ngột kéo cô vào lòng mình. “Con yêu bố không, Gấu con Gieny? Con có yêu ông bố tội nghiệp khổ sở, lụn bại mọi cái trong đời của con không?” - Bố biết là con yêu bố mà. Bố… - Cô đáp nhanh, gục đầu vào ngực ông. Và họ ôm chầm lấy nhau, òa lên khóc, trên bậc thềm nhà ấy, trong ánh chiều muộn chập choạng mát mẻ, tĩnh mịch của mùa thu. 6 Căn phòng im phăng phắc. Trong một hồi lâu, chỉ có tiếng kêu ro ro của mấy ngọn đèn huỳnh quanh chiếu trên bàn mổ. Tay của bác sĩ Grant hoạt động rất nhanh nhẹn, vững vàng. Ông lẳng lặng cắt khúc ruột thừa hoàn toàn không bị sao ra khỏi bụng người đàn bà giàu có, béo phị đang nằm trên bàn mổ. Giọng trầm trầm rất đàn ông của ông rung lên trong bầu không khí im lặng. “Thế là ổn rồi”, ông thở dài hài lòng, “bây giờ anh có thể đóng bụng bà ta lại, bác sĩ Lob ạ”. Ông quay người, rời khỏi bàn mổ. Một cô y tá vội nhanh nhẹn thấm những giọt mồ hôi trên mặt ông trong khi bác sĩ nội trú Lob bắt đầu khâu kín bụng bệnh nhân lại. Gieny đưa mắt liếc nhìn xơ M.Krixtôphơ. Nếu người y tá trưởng ấy có nhận dạng rằng khúc ruột thừa của bệnh nhân không viêm nhiễm gì cả, bà cũng không để lộ một ý nghĩ nào qua cặp mắt tối thăm thẳm trên gương mặt che kín kia. - Chỉ khâu. – Bác sĩ Lob nói gọn, chìa tay ra. Nhanh nhẹn, Gieny đưa chỉ cho anh. Rồi trong mấy phút sau đó, cô bận túi bụi, không có thời gian ngẩng lên nhìn nữa. Nhưng cô biết rằng xơ Krixtôphơ đang chăm chú theo dõi nó. Điều ấy không còn làm cô hồi hộp như những ngày đầu nữa. Vậy mà đã gần ba năm rồi. Thangs sau là thi tốt nghiệp. Xơ Krixtôphơ tán thưởng nhìn Gieny. Cô gái này là một trong những học trò xuất sắc nhất của lớp bà. Có lẽ trăm cô mới có một người hợp với nghề phẫu thuật như Gieny. Cần phải có rất nhiều thứ, Gieny đã có đầy đủ tất cả. Máu me không làm cho cô hoảng sợ, ngay từ lần đầu cô trông thấy máu. Các cử chỉ, động tác của cô rất lặng lẽ và chính xác. Cô nhanh chóng tạo nên được một sự gắn bó ăn ý giữa cô với các dụng cụ, rồi giữa cô với các bác sĩ phẫu thuật. Không có sự ăn ý tạo ra giữa bác sĩ và y tá giúp việc một mối thông cảm hiểu nhau không cần nói ra lời ấy, các ca mổ có thể bị kéo dài một cách nguy hiểm, trong khi dụng cụ bị lúng túng đưa đi trả lại lập cập nhiều lần. Và cái yếu tố quan trọng cuối cùng là sức mạnh. Chưa hề có ai hiểu thấu được cái tầm quan trọng của việc một y tá phẫu thuật cần phải khỏe khoắn thế nào. Để đủ sức đứng liên tục mấy giờ liền bên cái bàn lặng lẽ, mặc cho bàn chân đau nhức, hai đùi và lưng mỏi nhừ trong cái tư thế hơi cúi khom khom về phía trước rất đặc biệt như vậy. Để có khả năng truyền lại cho bác sĩ cái sức mạnh ấy, hỗ trợ ông, làm cho quá trình hàn gắn các vết thương diễn ra trôi chảy tốt đẹp. Rồi cái sức mạnh ấy lại phải vững vàng khi quá trình bị đứt đoạn, khi người bệnh phải mãi mãi trở thành lặng im và được đưa đi; phải lặng lẽ trụ lại ở đó, lấy lại tinh thần, tin chắc rằng mọi cái rồi lại đâu vào đấy, thông đồng bén giọt khi có bệnh nhân mới được đưa vào. Bác sĩ Lob ngẩng lên, gật đầu. “Băng lại đi”, anh giơ bàn tay đi găng trắng ra trên vết mổ đã được khâu lại gọn ghẽ. Gieny đã cầm sẵn một miếng gạc. Bác sĩ vừa nhấc tay ra, cô đặt ngang nó lên vết mổ, còn tay kia với lấy một đầu cuộn băng dính ở cái bảng kẹp bên cạnh bàn. Các ngón tay cô ấn miết cuộn băng xuống, vuốt vuốt nó cho thẳng và chắc. Rồi cô nhấc tay lên, ra hiệu là đã xong. Xơ Krixtôphơ gật đầu, bệnh nhân nhanh chóng được quấn lại, chuyển sang một bàn khác bởi các y tá phụ. “Tách”, các ngọn đèn huỳnh quang vụt tắt. Lịch mổ buổi sáng trong phòng giải phẫu của Trường thánh Mary thế là đã được hoàn thành. - Đấy là cái ruột thừa nguyên lành thứ tư ông ấy cắt trong tháng này. – Gieny thốt lên trong tiếng nước chảy rào rào trong chậu rửa tay. – Tại sao ông ấy lại làm thế nhỉ. Anh chàng bác sĩ nội trú phá lên cười. “Ở cái giá hai trăm năm mươi đôla một vết mổ, ta không nên cãi bệnh nhân làm gì”. - Nhưng ông ấy không cần phải làm thế. – Cô thì thào. – Ông ấy là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng cơ mà. Ông ấy hầu như không đủ thời gian làm việc đấy thôi. - Hẳn thế rồi. – Bác sĩ Lob thì thào lại. – Nhưng thậm chí bác sĩ phẫu thuật cũng cần phải ăn. Hầu hết các ca mổ khó hoặc là không được tiền hoặc rất khó thu tiền. Vậy thì chết ai, nếu thỉnh thoảng ông ta lôi một cái ruột thừa vô tội vạ ra khỏi bụng một lão già hay mụ già giàu có mắc chứng nghi hoặc là mình lúc nào cũng có bệnh, hả? Chả có gì xảy ra cả. Bác sĩ thì có tiền tiêu, còn bệnh nhân thì có cái mà khoe. Anh chàng vươn người thẳng dậy, với lấy một cái khăn mặt. “ồ, ồ, anh ta vui vẻ kêu lên, “đích thân con người vĩ đại ấy đã đến đây rồi”. Gieny với một cái khăn trên giá xuống, lau tay. Giọng ông bác sĩ vang lên từ phía sau cô: “Cô là cô Đentơn phải không?” Gieny quay lại, nhìn ông. “Vâng ạ, thưa bác sĩ Grant”. - Theo tôi biết, tháng sau cô tốt nghiệp thì phải. - Dạ tôi cũng mong như thế ạ. - Tôi thấy cô chẳng có gì phải lo về chuyện ấy cả. Tôi vừa nói chuyện với xơ Krixtôphơ. Bà rất chú ý cô. Tôi cũng vậy. - Dạ cám ơn bác sĩ ạ. - Cô đã có kế hoạch gì sau khi ra trường chưa? - Thực ra thì chưa ạ. – Gieny đáp. Tôi sẽ ghi tên dự thi quốc gia rồi đăng ký xin vào một bệnh viện lớn nào đó. - Tất cả các bệnh viện đều đủ người rồi. Gieny biết Grant định nói ý gì. Thực ra các bệnh viện đều đã đủ người, xét cho cùng. Chúng thiếu nhân viên vì người không đủ tiền trả cho số người họ cần. Nhất là những ai ở phòng phẫu thuật. Đó là những người phải được trả nhiều nhất. “Dạ, tôi biết thế ạ”, cô đáp. Ông thoáng ngần ngừ. “Bây giờ cô có định làm gì không?” - Tôi định ra quán ăn trưa một chút thôi. - Tôi muốn nói chuyện với cô một lúc. Xơ Krixtôphơ đã nói rằng cô có thể ra khỏi bệnh viện ăn trưa được đấy. Cô nghĩ thế nào, quán “Bít tết và Xốt nhé?”. - Dạ, thế thì tốt quá ạ. - Tốt lắm. – Ông mỉm cười. – Tôi sẽ gặp cô ở xe của tôi. Cái Pacơt đen ấy. - Tôi biết ạ. Cô đáp nhanh. Tất cả y tá đều biết nó. Nó luôn luôn đỗ ở ngay trước mặt nhà tập thể của họ. Trừ cái Cađilac đen của bác sĩ Giêđơn ra, nó là cái ôtô đắt tiền nhất bệnh viện này. – Vậy thì hẹn gặp cô mười lăm phút nữa nhé. Gieny đi hết hành lang, ấn nút gọi thang máy. Cửa buồng thang máy mở, cô bước vào. Bác sĩ Lob đâm bổ vào theo ngay sau cô. - Tiệm “Bít tết và Xốt”, hết ý chưa? - Em không hiểu ông ấy muốn gì ở em cơ chứ? – Cô hỏi. Nụ cười của anh chàng bác sĩ rộng ngoác thêm ra. “Anh thì biết tỏng ông ta muốn cái gì rồi”, anh ta đùa, giả vờ thốt lên dâm đãng, “cái mà anh đã không gặp may khi xin cô ở quán “Thìa mỡ ấy mà”. Cô nhoẻn cười lại. “Thế thì ở hiệu “Bít tết và Xốt” ông ta cũng chả kiếm chác được gì đâu”. - Anh chịu, - Lob phá lên cười. – Rồi một ngày nào đó, cô phải trao nó cho một tay nào đó chứ. Thật là vô lý nếu cô lại đem nó xuống đến mồ cho bọn giun đất! - Sẽ không bao giờ có chuyện ấy đâu. – Cô đáp. Quá muộn rồi, cô thầm nhủ. Nhưng giờ việc ấy không làm cô đau khổ nữa. Nó đã bị quên rồi, và ở đây không ai biết gì về chuyện ấy cả. – Em vẫn không hiểu ông ấy muốn gì. - Có thể là ông ấy muốn cô làm việc cho ông ấy. – Cô đã nghĩ đến chuyện đó chưa? - Em đã nghĩ rồi. – Cô thú thật. – Nhưng thế thì vô lý quá. Tại sao lại là em? Ông ấy có thể chọn được những người tốt nhất cơ mà. Bác sĩ Lob nhoẻn miệng cười, nhưng mắt anh nghiêm túc. “Cô nàng ơi, em chính là người giỏi nhất đấy. Đã đến lúc em nên nhận ra điều ấy”. Cửa thang máy mở ra, họ bước vào cái hành lang tầng hầm, nơi có quán ăn trưa của nhân viên bệnh viện. Gieny cúi nhìn bộ đồng phục trắng của mình. “Có lẽ em nên cởi cái của này ra, mặc thứ gì đó cho tử tế một chút”. - Anh sẽ rất lấy làm sung sướng nếu thấy cô cởi cái của này ra. – Lob cười cười. – Cô không cần phải mặc cái gì nữa vì anh đâu. Cô nhìn anh, phì cười. Rồi sẽ có ngày, anh chàng bác sĩ trẻ này sẽ trở nên rất nổi tiếng trong nghề đây. “Nhất định có lúc em sẽ làm anh ngạc nhiên cho mà xem.” - Hãy làm cho anh ngạc nhiên bằng việc mang về cho anh một cái bánh mỳ bò thịt nhé! – Anh gọi với. – Anh đã đầu hàng về cái khác rồi. Bác sĩ Grant chìa một bao thuốc lá về phía cô. Cô rút một điếu. Ông đánh diêm châm lửa cho cô. Mắt ông nhìn thẳng vào mắt cô qua ngọn lửa lập lòe. “Có lẽ cô đang thầm ngạc nhiên tại sao tôi lại mời cô đi ăn trưa nhỉ?” Cô gật đầu. “Ít nhất thì tôi cũng tò mò muốn biết”. Ông mỉm cười. “Tôi xin lỗi vì đã làm cô tò mò. Nhưng đúng là tôi muốn thế thực, khi tôi nói là không muốn nói chuyện công việc trong bữa ăn. Nhưng có lẽ giờ thì ta có thể bàn đến nó được rồi”. Cô lặng thinh không đáp. - Cô Đentơn ạ, trong năm vừa qua, tôi đã có dịp tốt thấy được cô làm việc trong phòng mổ. Ngay từ rất sớm, tôi đã nhận ra năng khiếu của cô; và là một bác sĩ phẫu thuật, tôi luôn luôn đánh giá rất cao việc cô giúp đỡ tôi hết sức đắc lực và đầy hiệu quả. - Thưa bác sĩ Grant, tôi xin cám ơn ạ. - Có thể cô cũng đã biết rồi đấy, cô Đentơn ạ, tôi khá bận và phải làm nhiều việc. Có khá nhiều bác sĩ giới thiệu bệnh nhân đến cho tôi mổ. Phần nhiều công việc ấy là thông thường thôi, và trong những điều kiện phù hợp, có thể làm ngay trong văn phòng của tôi được. Như thế, người bệnh đỡ tốn một khoản tiền đáng kể. Gieny lặng lẽ gật đầu. - Sáng hôm nay, tôi được cô Giênây, người đã làm việc với tôi nhiều năm, báo cho biết rằng cô ấy sắp sửa lập gia đình và định chuyển xuống miền Nam Caliphonia. – Ông rít một hơi thuốc. – khi tới bệnh viện, tôi đã tự cho phép mình được nói chuyện với Xơ Krixtôphơ về cô. Bà đã nhất trí rằng cô sẽ là một sự thế chỗ rất tuyệt vời cho cô Giênây. - Ông nói thế có nghĩa là ông muốn tôi làm việc cho ông ư? Ông mỉm cười. “Theo cái lối vòng vèo của tôi, đấy chính là điều tôi định hỏi cô đó. Cô có thích đề nghị ấy không?” - Tất nhiên là có chứ ạ. Có y tá nào mà lại không thích cơ chứ? - Cô biết đấy, việc không nhẹ nhàng gì đâu. Bệnh xá của tôi có rất ít giường, và thường là chúng tôi phải làm việc muộn. Đôi khi, tôi thậm chí còn giữ một bệnh nhân nào đó qua đêm nữa kia. Trong những lúc ấy, cô phải ở lại trực đấy. - Bác sĩ Grant, - Gieny thốt lên, mỉm cười. – Suốt tuần vừa rồi, mỗi ngày tôi làm hai ca tám tiếng, chỉ được bốn tiếng giữa hai ca ấy thôi. Làm cho bác sĩ, đối với tôi chỉ là một cuộc đi chơi ngày nghỉ. Ông mỉm cười, với tay qua bàn, vuốt ve bàn tay cô, ân cần, khẳng định. Gieny mỉm cười với ông. Xét cho cùng, ông không đến nỗi tồi quá, thậm chí là dù ông có cắt đi năm cái ruột thừa lành lặn. Ông chỉ là nhà phẫu thuật thôi. Ông không thể chịu trách nhiệm về sự chuẩn đoán sai của tất cả những bác sĩ đã gửi bệnh nhân đến cho ông mổ. Nhưng đấy chỉ là trước khi cô làm việc với ông. Mãi về sau này, cô mới phát hiện ra rằng những khúc ruột thừa lành lặn không phải là cái dm mà ông đã lôi khỏi bụng bệnh nhân. Ông còn bận bịu rất nhiều với đám thai nhi, đứa nhiều nhất là đã được mười tuần tuổi. Có lẽ trong thực tế, ông là bác sĩ phá thai bận bịu nhất của cả cái bang Caliphonia này. Nhưng đến khi cô biết được điều này, thì cô cũng không đếm xỉa gì đến nó. Bởi vì cô đã yêu ông. Cô cũng không tính gì đến chuyện ông đã lấy vợ và đã có ba con rồi. 7 Chuông điện thoại réo lên đúng lúc cô sửa soạn rời khỏi cái căn hộ hai buồng bé xíu ở tầng trên bệnh xá. Cô quay lại, nhấc ống nghe lên. “Văn phòng bác sĩ Grant đây”, cô nói. Máy của cô là đoạn nói thêm với văn phòng ở dưới gác kia. - Gieny đấy phải không em? – Một giọng thì thào. - Vâng ạ. - Em ở lại đấy một lúc nữa, nhé? - Em đang định về thăm ông bà già em một tí đây. Ba tuần rồi em không gặp các cụ. Chủ nhật này nữa là thứ ba… Giọng ông cắt ngay lời cô: “Tuần sau anh sẽ bố trí cho em nghỉ vào ngày thường. Gieny, Gieny! Anh phải gặp được em”. Cô ngần ngừ một thoáng. Ông đã cảm thấy điều đó qua điện thoại. “Gieny, anh xin em. Không gặp em anh phát điên lên mất”. Cô nhìn về phía cái đồng hồ bàn. Đã hơn bảy giờ tối. Đến khi cô đi hết qua thành phố về tới nhà, thì đã đến giờ bố cô đi ngủ. Ông hiện giờ có việc làm ở WPA[96] và phải có mặt hàng ngày rất sớm. - Ôi, thôi được. – Cô khẽ thốt lên. Giọng ông nhẹ nhõm bớt đi ngay. “Hay lắm, Gieny. Hai mươi phút nữa anh sẽ đến. Anh yêu em”. - Em yêu anh. – Cô đáp và nghe thấy ống nghe của ông đặt xuống kêu tách một tiếng. Cô đặt ống nghe của mình xuống, từ từ cởi áo khoác. Cô cẩn thận treo nó vào trong tủ, bước tới đivăng ngồi xuống. Cô châm một điếu thuốc lá, ngồi trầm ngâm. Khi cô tới làm việc ở đây, ba tháng trước, ai mà ngờ được rằng ông sẽ yêu cô? Và cô sẽ yêu ông. Nhưng mà làm sao cô có thể cưỡng lại được lòng cô cơ chứ? Nhất là khi cô biết ông ở gia đình như thế nào. Lấy phải một mụ vợ trẻ, giàu có, đành hanh, luôn luôn quát vào mặt ông rằng chính là tiền của cô ta đã khiến cho ông có thể mở được phòng khám riêng, chính là thế lực của bố cô ta đã tạo địa vị cho ông trong xã hội. Lấy phải một người đàn bà đẻ cho ông ta ba mặt con không phải vì yêu ông, mà là vì có một nỗi khát khao điên dai muốn buộc ông mãi mãi vào cô ta. Cho nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi ông lấy công việc làm chỗ ẩn náu của mình, ông dành hầu như toàn bộ thời gian không ngủ cho công việc. Giờ thì cô hiểu cái gì đã thúc đẩy hành động của ông. Còn các cô gái và những người đàn bà đến cho ông mổ nữa? Và khi ông giải thích tại sao ông làm thế, cô hiểu ra điều đó ngay. Cô như nhìn thấy lại lòng trắc ẩn bên trong hiện ra trên khuôn mặt nhạy cảm của ông khi ông nói. “Gieny, tôi phải làm gì bây giờ?”. Ông hỏi lại “Xua đuổi họ đi ư? Hay là để họ rơi vào tay một gã lang băm nào đó sẽ làm cho họ suốt đời mang tật, thậm chí giết chết họ, chỉ vì một điều luật tôn giáo đã cổ lỗ sĩ lắm rồi ư? Những điều luật tôn giáo như vậy kéo nhằng ra hết đời này sang đời khác cho đến khi thành ra giáo điều cứng nhắc, kiểu như cái quan niệm ngớ ngẩn của dân Do Thái về thịt kiêng ấy mà. Thậm chí luật bộ của chúng ta cũng cho phép phá thai trong một số trường hợp nhất định cơ mà. Rồi có ngày, nó sẽ cho phép làm việc đó công khai, hoàn toàn hợp pháp, như nhiều nước đã làm. – Cuba, Đan Mạch, Thụy Điển và nhiều nước khác”. Ông quay cặp mắt nâu, nằm sâu trong hai hốc mắt về phía cô. “Khi trở thành bác sĩ, tôi đã có lời thề rằng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp bệnh nhân của tôi, bằng mọi cách tôi có thể, cả về mặt thể xác lẫn tâm lý. Lời thề ấy đối với tôi quan trọng hơn bất kỳ cái gì khác. Khi một đứa trẻ tội nghiệp, hoảng sợ đến tìm tôi xin cứu giúp, tôi không thể chơi trò đóng vai Đức Chúa Trời đạo mạo và xua cô gái ấy đi được”. Cô thấy những lời ấy có lý. Có nhiều cái của nhà thờ cô không tài nào hiểu được. Cô đã biết nhà thờ xử sự như thế nào trong trường hợp của cô, và nỗi cay đắng vẫn còn nhức nhối ở sâu thẳm trong cô. Nếu họ coi phẩm chất của cô là trọng như họ nói, tại sao họ lại không dám đứng ra bảo vệ cho đức hạnh của cô? Họ thực sự muốn tìm kiếm quyền lực chi phối cô, chứ không phải là trách nhiệm đối với cô. Thế là dần dần, cô đi đến chỗ chấp nhận những người đàn bà tìm tới sự giúp đỡ của ông. Một chị có chồng, không thể bỏ việc được vì hai vợ chồng chị ta đã có quá nhiều miệng con phải nuôi rồi; những cô gái trẻ khiếp đảm, một số vẫn còn đi học phổ thông, hoặc chỉ vừa mới ra trường, những người đàn bà trung niên, thấy đời mình bắt đầu đến lúc thay đổi, gia đình con cái đã lớn rồi; thậm chí cả những cô gái mãi dâm, sống bạt mạng qua ngày, vậy mà bước vào văn phòng đây với một nỗi sợ hãi khắc khoải, bồn chồn, giấu dưới những chuỗi cười giòn tan, tươi tỉnh. Cô cảm thấy thương họ. Cô có một khả năng thấy ái ngại cho họ, như ông. Và từ đó, đi đến chỗ yêu ông, chỉ còn có một bước. Chuyện ấy xẩy ra khi cô đã ở đây khoảng một tháng. Cô đang ở trong căn hộ của mình trên gác thì nghe thấy có tiếng động trong văn phòng chính dưới nhà. Lúc ấy là tám giờ tối. Thoạt đầu, cô bối rối, nghĩ đấy là một đêm làm việc. Nhưng rồi cô nhận ra hôm ấy là thứ ba, còn bác sĩ Grant thì chỉ làm việc vào các tối thứ hai, tư, sáu mà thôi. Cô vặn nhỏ ngọn lửa dưới ấm cà phê, với lấy cái áo choàng mỏng, đi xuống dưới nhà xem có chuyện gì. Khi cô mở cánh cửa văn phòng riêng của ông, nhìn vào, ông đang ngồi ở sau bàn, mặt xám nhợt, nom mệt mỏi: “Tôi xin lỗi, thưa bác sĩ. Tôi không biết đó là bác sĩ. Tôi nghe thấy có tiếng động…”. Ông mệt mỏi mỉm cười: “Cô Đentơn, không sao đâu”. - Thôi, chào bác sĩ ạ. – Cô chực khép chặt cánh cửa lại. - Hượm đã, cô Đentơn. – Ông đột ngột thốt lên. Cô mở cửa, nhìn ông. “Dạ, thưa bác sĩ?” Ông lại mỉm cười: “Ta đã bận nhiều việc quá. Tôi chẳng còn có lúc nào hỏi cô nữa. Cô ở đây có thấy vui vẻ không?” Cô gật đầu: “Dạ thưa bác sĩ, có ạ. Rất vui ạ”. - Tôi rất mừng. - Thưa bác sĩ, bác sĩ nên về nhà đi ạ. Nom bác sĩ có vẻ kiệt sức mất rồi. - Về nhà ư? – Ông hỏi lại, môi gượng cười. – Đây là nhà tôi, cô Đentơn ạ. Tôi chỉ ngủ ở cái chỗ kia thôi. - Thưa bác sĩ, tôi… tôi… không hiểu. - Tất nhiên là cô không hiểu. – Ông nói dịu dàng. – Tôi cũng không chờ đợi là cô sẽ hiểu chuyện ấy đâu. Cô còn quá trẻ, chưa thể để ý được những kẻ như tôi đâu. – Ông đứng dậy. – Thôi cô Đentơn, cô lên gác đi. Tôi sẽ giữ yên lặng, không làm phiền cô nữa. Ánh đèn bàn hắt lên mặt ông làm khuôn mặt ấy trở nên đẹp đẽ khác thường. Cô đứng sững ở ngưỡng cửa, nhìn ông không chớp. Cô cảm thấy tim mình đập thình thịch rất lạ ở trong cô. “Nhưng thưa bác sĩ, tôi lo cho bác sĩ quá. Bác sĩ đã làm việc quá nhiều rồi”. - Tôi không sao đâu. – Giọng ông đều đều, không chút thần sắc. Ông quay người lại, nhìn cô. Mắt họ tìm thấy nhau, dừng hẳn lại. Cô thấy người quay cuồng, dường như cô đang bị hút vào cái khoảng không thăm thẳm của đôi mắt nâu dịu dàng kia, hút vào mãi, vào mãi…. Cô bíu vội lấy cánh cửa cho khỏi ngã, hai chân run bần bật. Môi cô không thốt nổi ra lời. Cô mở to mắt nhìn ông trân trân, họng nghẹn lại. - Cô Đentơn, cô làm sao vậy? Cô phải cố hết sức một cách tuyệt vọng mới nói được một tiếng “Không”. Cô lắc đầu, khẽ thì thào, gắng gượng nhìn đi chỗ khác. Không ạ”. Rồi đột nhiên cô vùng chạy lên gác. Mãi đến khi ông giữ được cô ở cửa ra vào căn hộ của cô, cô mới biết là ông đã đuổi theo mình. Hơi ấm của bàn tay ông túm lấy vai cô thấm qua lần vải mỏng cái áo choàng nóng rực. “Gieny, cô sợ tôi, hả?”. Ông cộc cằn gắt lên. Cô ngẩng lên, nhìn vào mặt ông. Đôi mắt ông ngời ngời, đau đớn. Người cô chợt mềm lả đi. Không có tay ông giữ vội, cô đã ngã sụp xuống. “Không”… cô thì thào. - Vậy thì tại sao hả? Cô cúi mặt, không đáp. Hơi bàn tay ông bắt đầu tỏa ra thành lửa khắp người cô. “Nói đi”, ông giục, lắc cô. Cô ngẩng lên nhìn ông, mắt dâm dấp nước. “Tôi không thể, không thể nói được”. - Không, cô có thể, Gieny, cô có thể. – Ông sôi nổi nhấn mạnh, khăng khăng. – Tôi biết Gieny đang cảm thấy gì. Gieny cảm thấy cái mà tôi cũng cảm thấy. Tôi không bao giờ ngủ mà không mơ thấy Gieny, không cảm thấy Gieny ở gần gũi bên tôi. - Đừng. Xin ông… Như thế thật không đúng. Bàn tay mạnh mẽ, bàn tay bác sĩ phẫu thuật của ông ôm lấy mặt cô. “Gieny, anh yêu em. Anh yêu em”. Cô mở to mắt ngước lên nhìn mặt ông, thấy nó hạ thấp dần, thấp dần… Rồi môi ông miết lên môi cô. Cô nhắm nghiền mắt lại. Người cô như rơi vào một biển lửa nóng rừng rực. Đột nhiên, cô giằng mặt ra khỏi ông. Cô lùi vào nhà. Ông bước vào theo, đưa chân đá sập cánh cửa lại. “Em cũng yêu anh”, ông thốt lên, “hãy nói đi”. Cô mở to mắt, trân trân nhìn ông không chớp. “Không”, cô thì thào. Ông bước tới một bước, những ngón tay rắn chắc của ông ôm ngập vào bả vai cô. “Nói đi!” – Ông cộc cằn ra lệnh. Chạm vào da thịt ông, người cô rùng lên như có điện, mềm xỉu xuống. Cô không thể quay mặt khỏi ánh mắt của ông được nữa. “Em yêu anh”, cô thốt lên. Ông lại miết môi mình lên môi cô, hôn cô. Cô cảm thấy hai bàn tay ông ở trong tấm áo cô, những ngón tay ông lần lần lưng cô, mở khóa xu chiêng. Thoát khỏi kìm giữ, vú cô căng lên, hai núm vú xinh xinh sung sướng nhảy gọn vào lòng bàn tay ông. Một luồng điện đê mê ngất ngây rùng rùng chạy khắp người cô, cô gần như ngã quỵ xuống. “Đừng anh…”, môi cô mấp máy dưới môi ông. “… Như thế là có tội…”. Ông luồn tay qua người cô, bế bổng cô lên, đi băng qua phòng tới giường. Ông nhẹ nhàng đặt cô nằm xuống, rồi quỳ xuống cạnh cô. “Khi một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau”, ông thì thào bên tai cô, “không một cái gì họ làm riêng với nhau trong nhà họ là có tội cả. Và đây là nhà của chúng ta”. Ông lại đặt môi mình lên miệng cô lần nữa. Ngồi cạnh bàn, Tôm đưa mắt nhìn cái đồng hồ treo trên tường bếp. Mười giờ hơn mấy phút rồi. Ông gập tờ báo lại. “Có lẽ con bé chả về nữa rồi”, ông thốt lên, đứng dậy. “Tôi cũng đi ngủ thôi. Mấy cậu Liên minh bảo là nay mai tôi sẽ trở thành đốc công đến nơi. Chả hay ho gì cho tôi nếu thò mặt đi làm muộn”. Êlen khịt mũi khinh bỉ. “Nếu ông cứ nghe lời mấy thằng cha cộng sản ở Liên minh công nhân ấy, thì rồi may lắm ông mới giữ được chỗ làm ở WPA đấy”. - Họ khá tử tế. Bà không thể từ chối được điều đó. Chính họ đã làm cho tôi nhận được việc cả ngày thay cho nửa ngày, và bà cũng biết điều ấy. Chính họ mới là người tranh dấu cho dân thợ thuyền. - Đám cộng sản ấy là lũ vô thần. – Êlen đáp. – Cha Hatlây bảo với tôi rằng họ chống lại nhà thờ vì họ không tin có Chúa. Người nói rằng họ ve vãn dân thợ cho đến khi leo lên cầm quyền được, như ở nước Nga ấy. Rồi khi ấy họ sẽ đóng cửa hết tất cả nhà thờ và biến mọi người chúng ta thành tôi đòi hết. - Nếu thế thì sao, hả? – Ông vặn lại. – Tôi chả thấy cái nhà ông thày tu Hatlây ấy kiếm việc cho tôi, hay giả hộ tiền ăn cho nhà ta được một xu nào cả. Không hề. Liên minh mới là người kiếm ra việc làm cho tôi, và chăm lo tranh đấu cho tôi có việc làm đầy đủ để mua cái ăn và giả tiền nhà. Ông Hatlây muốn gọi họ là gì tôi cóc cần, chỉ biết rằng họ đối xử tốt với tôi là tôi quý họ rồi. Bà mỉm cười cay đắng. “Tôi có một gia đình hay ho quá thể! Một ông chồng cộng sản, một cô con bận đến nỗi không còn tìm đâu ra thời giờ về thăm nhà được nữa”. - Biết đâu con bé bận thật thì sao? – Tôm đáp gượng gạo. – Bà biết nó có trách nhiệm lớn lao thế nào đấy thôi. Có phải các xơ ở Trường y tá Mary đã nói là con bé may vô cùng lại được nhận vào làm cho một ông đốc tờ quan trọng như vậy, đúng không nào? - Phải. Nhưng đáng lẽ nó cũng phải đảo về nhà năm thì mười họa chứ. Tôi đánh cuộc rằng từ khi ra trường đến giờ, nó chưa hề đi lễ Max nào cả. - Sao mà bà biết hả? – Tôm cáu kỉnh hạch lại. – Nhà thờ Xanh Pol không phải là nha thờ độc nhất ở cái thành phố Xan Pranxixcô này! - Tôi biết. Tôi cảm thấy như vậy. Nó không muốn về thăm ta. Nó giờ làm được ối tiền rồi, nó cảm thấy nhục vì ta nghèo đấy. - Nó kiêu hãnh cái quái gì cơ chứ hả? Vì bà, lúc nào cũng leo lẻo răn đe giáo lý vào tai nó ư? Vì những thằng ranh con khịt mũi, cười ông ổng sau lưng nó, mỗi khi nó đi ngang qua ư? Bà nghĩ đấy là những thứ làm cho một đứa con gái thích về nhà ư? Êle lờ không trả lời. “Con gái con nứa là không được bỏ nhà đi biền biệt thế mới phải.” Bà vẫn khăng khăng giữ ý của mình. “Cả tôi với ông đều biết rõ những chuyện gì đang xẩy ra ở khu đồi trên ấy. Rượu chè, ngủ nghê lang chạ với vợ của nhau… Tôi cũng đọc báo, có kém gì ông đâu”. - Gieny là con bé ngoan. Nó không bao giờ làm những chuyện ấy đâu. - Tôi không dám chắc là như vậy. Đôi khi, một chút khoái lạc giống như một thìa mật ấy. Đủ ngọt lưỡi, nhưng không đủ cho người ta thấy đầy mồm. Mà cả tôi với ông thì đều biết rõ là nó đã biết thế nào là khoái lạc quyến rũ rồi. - Bà vẫn còn chưa tin nó, phải không? – Ông cay đắng vặn hỏi. – Bà thấy tin lời hai thằng du côn ấy hơn là con đẻ bà ư? - Vậy tại sao nó lại không đi kiện? Nếu không có một chút xíu gì là thật trong lời hai đứa kia, thì nó đã không việc gì phải sợ cả. Nhưng đằng này thì không, nó nhận một ngàn đôla, để được cái nhãn hiệu luôn con nhà thổ đấy! - Bà biết rõ không kém gì tôi là tại sao nó lại làm thế. – Tôm đáp. – Bà nên cảm ơn cái nhà thờ của bà về việc ấy đi. Họ thậm chí không muốn ra tòa để nói rằng con bé là đứa tử tế đứng đắn. Không, họ sợ là cha mẹ của hai thằng kia không thích, và thôi không góp tiền hàng tuần cho họ nữa! - Nhà thờ đã cho con bé đi học. Lại tìm việc cho nó nữa. Nhà thờ đã làm tròn bổn phận của mình. - Vậy thì bà còn kêu ca càu nhàu gì nữa? Bà ngồi lặng hồi lâu, nghe thấy ông cáu kỉnh quẳng hộp giày xuống sàn buồng ngủ lúc thay quần áo đi tắm. Rồi bà đứng lên khỏi ghế, sờ tay vào bếp đun nước nóng. Tắm nước nóng qua một cái bây giờ chắc chắn sẽ làm bà bớt đau nhức đi được một ít. Cái thời tiết ẩm thấp mùa thu này đã làm khớp bà viêm trở lại. Bà vớ lấy một que diêm, quỳ thụp xuống bên cạnh cái bếp. Bà bật diêm, vặn to khóa ga. Ngọn lửa phựt lên cháy một ít rồi lụi dần, vàng khè, nhỏ lại và tắt hẳn. Bà ngẩng lên nhìn đồng hồ đo. Họ không còn ga. Cái kim nhỏ dựng đứng. Bà nhỏm dậy, bước tới trước túi đựng tiền tiêu vặt. Bà mở cái ví nhỏ đựng tiền lẻ, lục tìm. Không có đồng hai lăm xu, toàn năm xu với một hào. Bà thoáng nghĩ đến việc hỏi xin Tôm hai lăm xu, rồi nhún vai. Nghe những lời báng bổ của ông ta thế là quá đủ rồi. Không tắm cũng được. Sáng mai đi lễ Max về, bà sẽ rửa mặt. Khi bà xong bước ra, Tôm đang đứng giữa bếp, mặc quần dài, cởi trần trùng trục. Bà lặng thinh đi lướt qua mặt ông, vào phòng ngủ, đóng cánh cửa phía sau mình lại. Ông bước vào phòng tắm, dội rẳ ào ào. Đột nhiên, nước trở nên lạnh ngắt. Ông làu bàu rủa, vội mặc quần áo vào ngay. Ông lục túi lấy ra một đồng hai lăm xu, vươn người bỏ nó vào cái đồng hồ đo, rồi chăm chú ngắm cái vệt đỏ trên mặt đồng hồ nhỏ dần, biến mất hẳn. Ông gật gù, hài lòng. Sáng mai, ông sẽ vặn to bếp ga đun nước nóng và chỉ mấy phút sau là ông có đủ nước cạo râu. Ông đi vào phòng ngủ, cứ để nguyên cửa mở toang, không để ý thấy tiếng rít khe khẽ vọng ra từ dưới cái bếp ga. Ông gấp quần, vắt lên ghế, rồi ngồi xuống giường. Một lúc sau, thở dài, ông nằm xuống. Vai ông đụng vào vai Êlen bà trở mình quay đi. À, cái mụ chết tiệt, ông thầm nghĩ, xoay lưng lại phía bà. Có lẽ đám mấy tay cộng sản ấy chủ trương tự do yêu đương thế lại đâm đúng. Ít nhất thì một người đàn ông cũng không phải è cổ chịu một cái gánh nặng sống chung với một con mẹ như thế này. Mắt ông bắt đầu thấy nằng nặng. Ông nghe thấy tiếng bà thở đều đều, khe khẽ. Bà đã ngủ hẳn. Ông mỉm cười với mình trong bóng tối. Được tự do yêu đương, ông sẽ chọn người hợp với mình. Rồi bà ấy sẽ phải xử sự khác. Mắt ông nhắm nghiền lại. Ông ngủ thiếp đi cùng bà. Và cùng chết. Gieny ngồi sững sờ trên giường, quấn chặt tấm vải trải nệm quanh thân thể trần trụi của mình giương mắt khiếp đảm nhìn người đàn bà đứng lạnh lùng ở ngưỡng cửa. Ở bên kia giường, Bob Grant đang lập cập cài cúc áo sơ mi. Cô nghĩ là anh ta bỏ tôi để đến với cô sao? – Bà ta thét vào mặt Gieny. – Cô tưởng cô là người đầu tiên phỏng? Anh ta chưa bảo với cô rằng đã bao nhiêu lần tôi tóm được anh ta trong tình cảnh thế này ư? – Giọng bà ta trở nên khinh bỉ. – Hay là cô ngờ rằng anh ta thực sự chết mê chết mệt vì cô, hả? Gieny lặng thinh. - Bảo cô ta đi, Rôbơt. – Bà vợ bác sĩ Grant cáu kỉnh thốt lên. – Bảo cho cô ta biết rằng anh muốn ăn nằm với tôi tối nay, nhưng khi tôi từ chối, anh chạy bổ đến đây. Bảo cho cô ta biết ngay đi! Gieny trố mắt nhìn ông. Mặt ông trắng bệch, không nhìn về hướng cô. Ông với lấy cái áo khoác trên ghế, bước về phía vợ. “Em đang mất bình tĩnh quá. Thôi để anh đưa em về nhà nào”. Về nhà. Một cảm giác buồn nôn chợt quặn lên trong lòng Gieny. Đây là cái nhà của họ - ông và cô. Ông đã nói như vậy. Đây chính là nơi họ đã yêu nhau, đây là nơi họ đã ở bên nhau. Nhưng giờ thì ông đang nói về một nơi nào đó khác. Một nơi khác. - Rôbơt, tôi lúc nào cũng mất bình tĩnh ư? Lần nào anh cũng hứa là sẽ không bao giờ còn xẩy ra nữa. Nhưng tôi thì tôi hiểu biết hơn, có đúng không nào? Thôi được. – Giọng bà ta đột nhiên sắt lại, lạnh ngắt. – Ta sẽ đi. Nhưng anh sẽ phải nói với cô ta trước đã. - Em yêu, anh xin em. – Ông đáp nhanh. – Lần khác. Chứ không phải ngay bây giờ. - Không, Rôbơt, ngay bây giờ! – Bà ta đáp lạnh lùng. – Ngay bây giờ, nếu không cả thế giới sẽ biết đến tên bác sĩ Grant, thằng lang băm, gã nạo thai trái phép, tên đàn ông phóng đãng. Ông quay lại, nhìn Gieny ngồi trên giường. “Cô Đentơn, cô sẽ phải đi khỏi đây thôi”, ông trầm trầm nói. “Cô đã thấy rồi đấy, tôi không yêu cô”, giọng ông căng thẳng. “Tôi yêu vợ tôi”. Và gần như đúng lúc cánh cửa ra vào khép lại phía sau ông ta, ở căn hộ cũ kỹ phía đầu kia thành phố, bùng lên tiếng nổ lớn. Sau khi lôi hai cái thi thể méo mó cháy đen ra khỏi đám cháy, những người cảnh sát cứu hỏa phát biểu nhận định của họ. Các nạn nhân đã gặp may. Họ chết trước khi đám cháy nổ ra. 8 Khi Gặp Gieny Đentơn, Chalj Xtanđơxt tám mươi mốt tuổi. Đó là một buổi sáng mùa xuân năm 1936, tám giờ sáng. Và ông thì nằm trên bàn mổ của Nhà an dưỡng Coltơn ở Xanta Monica. Ông là bệnh nhân chuẩn bị được mổ, còn cô y tá thì là y tá trưởng của Phòng phẫu thuật. Ông thấy người ta nhấc hai chân mình lên buộc vào cái bàn đạp và nhanh nhẹn phủ khăn lên chúng, sắp xếp khéo đến mức nếu ông có cố ngoảnh đầu nhìn cũng không thể thấy được nửa dưới của mình. Khi họ làm xong tất cả những việc đó, ông thấy cô xuất hiện từ một nơi nào đó ở phía sau ông, bước tới đuôi bàn; cô nhấc tấm khăn phủ người ông lên. Trong một thoáng, ông cảm thấy ngượng trước cặp mắt xem xét các chỗ kín trên người ông một cách rất thản nhiên khách quan ấy. Sau năm đời vợ, vô số tình nhân và hơn bốn chục đứa con trong đó ông chỉ chắc là có tám đứa là kết quả của các cuộc hôn nhân, ông cảm thấy rất lạ rằng lại có người có thể nhìn ông với cặp mắt lơ đãng thản nhiên đến vậy. Đã bao sinh lực vọt ra từ cái nguồn ấy rồi. Cô thả tấm vải che rơi lại xuống người ông, ngẩng lên. Một ánh giễu cợt loé lên trong cặp mắt xám thông minh của cô, và ông biết là cô đã hiểu ông nghĩ gì. Cô đi vòng qua bàn, nói gì đấy với một người ở phía sau ông. Ông nhướng mắt lên, thoáng thấy một cô y tá nữa. Tay ông chợt nhói một cái, ông quay ngoắt đầu lại. Cô đã rút cái kim tiêm bắp ra khỏi tay ông. “Hì, cô bé nhanh quá đấy!”, ông thốt lên. -Nghề của cháu phải nhanh mà! -Nghề của tôi cũng vậy. Và cái ánh cười ấy lại hiện lên trong đôi mắt xám. “Cháu biết rồi. Cháu đã đọc các báo”. Vừa lúc ấy bác sĩ Coltơn bước vào. “Xin chào bác Xtanđơxt”, ông hồ hởi thốt lên. “Ngày hôm nay ta đã có tý nước tiểu nào chưa nhỉ?”. Có thể là bác sĩ đã có, bác sĩ ạ. Còn bác hiểu rất rõ là tôi làm gì có được một chút chết tiệt nào. – Xtanđơxt nói gọn – Nếu không thì tôi đã chẳng bị lôi vào cái lò sát sinh này. Bác sĩ Coltơn bật cười: “Ồ, nhưng mà thôi, bác chẳng phải lo lắng chút gì đâu. Chúng tôi sẽ lấy những hòn sỏi thận ấy ra trong nháy mắt thôi”. Nhưng dù sao, Bác sĩ ơi, tôi cũng mừng là có chuyên gia làm việc này. Chứ để vào tay bác, Chúa cũng chịu không biết bác sẽ cắt cái gì của tôi vứt đi đây. Lời giễu cợt của ông không làm bác sĩ chạnh lòng. Hai người biết nhau lâu lắm rồi. Chính Chalj Xtanđơxt là người đã bỏ hầu hết số tiền cần để xây dựng bệnh viện này. Bác sĩ lại vui vẻ cười phá lên. Phẫu thuật viên đã đến đứng cạnh Coltơn. “Sẵn sàng chưa ạ, thưa ông Xtanđơxt?”. -Sẵn sàng như thường lệ suốt đời tôi rồi. Này, để lại chút gì cho đám con gái nhé, bác sĩ? Phẫu thuật viên gật đầu. Xtanđơxt cảm thấy tay kia của mình lại nhói lên một cái. Ông ngoảnh sang, Gieny đang đứng đấy. “Mắt xám ơi”, ông thốt lên với cô. Người vợ thứ hai của ông cũng có đôi mắt xám. Hay là vợ thứ ba nhỉ? Ông cũng không nhớ rõ nữa. “Cô định sẽ không bỏ khẩu trang ra để tôi không nom thấy cả mặt cô phỏng?”. Lại thoáng loé lên cái ánh cười cười giễu cợt. “Cháu nghĩ là các bác sĩ sẽ không tán thành việc ấy đâu. Nhưng sau khi mổ xong, cháu sẽ thăm bác. Được không ạ?”. -Tuyệt lắm. Tôi có cảm giác là cô rất xinh cô bé ạ. Ông không biết các bác sĩ gây mê ở phía sau ông đã gật đầu. Gieny cúi xuống mặt ông. “Nào bác Xtanđơxt, bây giờ bác đếm theo cháu nhé, từ mười trở xuống. Mười, chín, tám…”. -Bảy, sáu, năm, hai, chín… - Môi ông mấp máy chậm chạp. Và mọi cái như lùi ra rất xa, thoải mái nhẹ nhõm vô cùng. – Mười, tám, một, ba… sáu… bốn… một… hai… - Giọng ông nhỏ dần rồi tắt hẳn. Bác sĩ gây mê ngẩng lên nhìn bác sĩ phẫu thuật. “Ông ấy mê hoàn toàn rồi”. Họ cùng thấy ngay một lúc, qua vết cắt mà bác sĩ phẫu thuật đã mở ra trên bụng ông – cái mảng xám sẫm đã phủ hầu hết một bên của một quả thận và đang vươn những đường mảnh như chỉ tóc ra mọi hướng, lấn sang bên kia. Không ngẩng đầu lên, bác sĩ phẫu thuật bỏ hai miếng thịt cắt bằng kéo lên mấy lát kính Gieny chìa ra dưới tay ông. Cô chuyển chúng cho một cô y tá đứng cạnh, không quay người lại. “Bệnh lý”, cô thì thào. Cô y tá nhanh nhẹn mang chúng đi, và Gieny cũng lặng lẽ nhanh nhẹn nhặt hai cái kẹp cầm máu lên. Bác sĩ phụ mổ cầm lấy chúng, kẹp ngay vào hai mạch máu vừa được con dao của bác sĩ chính rạch lộ ra. - Anh có đợi lấy mẫu ra xem không? – Bác sĩ Coltơn đứng bên cạnh bác sĩ chính, cất tiếng hỏi. Bác sĩ chính không ngẩng lên, các ngón tay của anh ta đang lúi húi dò dò trong khối thịt. “Không, trừ phi là bác sĩ muốn tôi làm thế”. Anh chìa tay ra, Gieny đặt một cái thìa nào tinh vào tay anh. Bây giờ thì anh làm rất nhanh, nào đầu quả thận nhiễm trùng múc ra. Coltơn ngập ngừng: “Chalj Xtanđơxt không phải là người thường đâu…”. Mọi người quanh bàn mổ này đều biết thế. Ở một thời điểm nào đó bất kỳ, cái ông lão đang lặng lẽ nằm đây có thể có được tất cả cái gì mà ông ta muốn. Thống đốc, nghị sĩ, mọi thứ. Với hơn hai mươi tờ báo ở khắp nước, cùng một gia tài khổng lồ thu được qua các mỏ vàng và dầu hoả, ông già thực sự chả muốn trở thành ai nữa ngoài bản thân mình. Ngoài Hơxt ra, ông là niềm tự hào thứ hai ở bang này về những trùm tư bản tự làm giàu trong nước. Bác sĩ phẫu thuật – một thanh niên còn tương đối trẻ, người đã nhanh chóng trở thành một trong những chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực này của thế giới, người đã đáp máy bay từ Niu Yooc đến để thực hiện riêng có ca mổ này – bắt đầu nhấc quả thận ra. Cô y tá phía sau Gieny gõ gõ vào tay cô. Gieny quay lại, cầm lấy mảnh giấy từ tay cô ta, chìa ra cho bác sĩ phẫu thuật xem. Cô có thể nhìn thấy rất rõ những dòng chữ đánh máy đơn giản: Ung thư biểu bì. Di chứng, ác tính. Bác sĩ phẫu thuật khẽ thở dài, liếc nhìn lên Coltơn. “Thôi, bây giờ thì ông ấy trở thành người thường như bất kỳ ai trong chúng ta rồi”. Sáng hôm sau, khi bác sĩ bước vào phòng, ông Xtanđơxt đã thức. Nếu như anh có để ý đến cái máy têlêtip đang lách tách ở góc phòng, thì mặt anh cũng không thể hiện rõ sự chú ý ấy. Anh bước tới bên giường bệnh, nhìn xuống. “Tôi đến để chào từ biệt ông, ông Xtanđơxt ạ. Sáng nay tôi lại về Niu Yooc đây”. Ông già nhìn anh, nhoẻn cười. “Hì, bác sĩ. Đã có ai bảo cho anh biết là ông bố anh làm thợ may chưa hả?”. -Ông Xtanđơxt, bố tôi là thợ may thực mà. -Tôi biết. – Xtanđơxt nói nhanh. – Ông vẫn còn một cái kho ở phố Xtanđơn. Anh từng là chủ tịch hội đòi thả Xacô và Vadeti[97] của Trường đại học ở Niu Yooc, khi anh tốt nghiệp trường đó năm hăm bảy, là thành viên chính thức của Những người xã hội trẻ trong năm đầu anh ra làm việc ở P, và S, là bác sĩ phẫu thuật Mỹ trong năm đầu ra nghê. Anh vẫn đang đăng ký là người theo chủ nghĩa xã hội ở Niu Yooc, và có lẽ anh sẽ bầu Noman Thômơx làm Tổng thống trong lần bầu cử tới này. Bác sĩ mỉm cười: “Ông biết khá nhiều về tôi quá”. -Tất nhiên phải thế chứ. Anh nghĩ là tôi để cho bất kỳ một tay ba vạ nào đó cắt thịt tôi đi ư? -Vậy có lẽ sau khi biết như vậy, ông cũng đâm hơi lo về việc tôi mổ cho ông đấy nhỉ? Ông biết rõ là những người xã hội chúng tôi nghĩ về ông như thế nào rồi. Ông già bật cười, rồi nhăn mặt vì đau. “Cóc khô! Theo tôi nghĩ, anh trước hết là thầy thuốc, rồi mới là người theo phái xã hội”. Ông ranh mãnh ngẩng nhìn lên. – “Bác sĩ này, nếu anh bầu thẳng cho người của đảng Cộng hoà, thì tôi có thể làm anh trong vòng ba năm trở thành triệu phú ngay đấy”. Bác sĩ cười, lắc đầu. “Ồ, xin cảm ơn ông. Tôi sẽ đâm lo lắng quá nhiều mất”. -À, mà làm sao anh lại không hỏi tôi giờ cảm thấy thế nào nhỉ? Lão Coltơn đã vào đây bốn lần, lần nào cũng hỏi như vậy cả. Bác sĩ nhún vai. “Tại sao tôi phải làm thế cơ chứ? Tôi biết giờ ông đang cảm thấy thế nào. Ông đau đớn”. -Đau như hoạn ấy, bác sĩ ạ. – Xtanđơxt đáp. – Coltơn bảo anh đã lấy những hòn sỏi thận to bằng bóng chày ra ấy. -Phải, chúng cũng khá to thật. -Ông ta còn bảo tôi phải đeo cái túi anh ngoắc vào sườn tôi thế này cho đến khi thận lành và làm việc trở lại. -Ông sẽ phải đeo nó hơi lâu đấy. Ông già chằm chằm nhìn thẳng vào mặt anh: “Anh biết không, cả hai người các anh đều nói dối như cứt ấy”, ông già bình thản nói. “Tôi sẽ đeo cái của đó xuống đến tận mồ. Và cũng không xa gì nữa đâu”. -Tôi không nói thế mà. -Tôi biết là anh không nói thế đâu. – Xtanđơxt đáp. – Chính vì vậy tôi là người nói. Này, nhìn đây, bác sĩ. Tôi đã tám mốt tuổi. Và ở cái tuổi tám mốt, nếu người ta sống được đến đó, người ta ngửi thấy mùi cái chết rất tinh – cái chết của bất kỳ ai, kể cả bản thân mình. Người ta học được cách nhìn nó, nhìn qua mặt hay trong mắt. Thôi đừng có bịp tôi nữa. Tôi còn sống được bao lâu nữa hả? Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt ông lão và thấy rõ là ông già không sợ. Nếu có gì ánh lên trong đôi mắt ấy, thì đó là một sự tò mò sắc sảo. Anh quyết định rất nhanh. Coltơn đã nhầm trong cách xử trí chuyện này. Đây là một người đàn ông thực sự. Ông đáng được đối xử bằng sự thật. “Ông Xtanđơxt, ba tháng nếu như ông gặp may. Còn nếu không, sáu tháng”. Ông già nhìn không chớp mắt. “Ung thư à?”. Bác sĩ gật, “ác tính và di chứng” – anh đáp. “Tôi đã cắt bỏ hẳn một quả thận và gần một nửa quả kia. Chính vì vậy mà ông phải đeo cái túi đựng chất thải ấy”. -Rồi nó có đau không? -Rất đau. Nhưng ta có thể dùng moocphin làm tê. -Vứt cha cái ấy đi! Hấp hối là chuyện duy nhất trong đời tôi chưa từng trải. Đó là một việc tôi không muốn để lỡ dịp được thử qua đâu. Cái máy Têlêtip đột nhiên kêu lách tách rộ lên. Ông già đưa mắt liếc nó, rồi quay lại bác sĩ. “Khi nào thì tôi biết là sắp đến chỗ ấy, anh bạn?”. -Nhìn nước giải trong cái túi ấy. Càng đỏ thì càng đến gần. Như vậy có nghĩa là thận đã cho máu qua chứ không phải cho nước giải qua nữa, bởi vì ung thư đã ăn dần đến hết quả thận. Ánh mắt ông già sáng quắc, thông minh. “Như vậy có nghĩa là tôi có thể sẽ chết vì nhiễm độc urê trong máu hả?”. -Có lẽ vậy. Nếu không có gì hư hỏng nữa xảy ra. Xtanđơxt bật cười. “Hì hì, bác sĩ. Nếu tôi cứ tiếp tục uống rượu thì hai mươi năm trước tôi đã vớ được chuyện này rồi”. Bác sĩ cười theo. “Nhưng hãy xem ông sẽ bỏ mất bao nhiêu là điều vui thú!”. Ông già mỉm cười, ngẩng nhìn lên. “Chắc là đám xã hôi chủ nghĩa các anh sẽ tuyên bố đó là ngày lễ toàn quốc chứ hả?”. -Tôi cũng không rõ, ông Xtanđơxt ạ. – Bác sĩ mỉm cười lại. – Không biết khi ấy chúng tôi sẽ lấy ai mà phàn nàn nữa đấy. -Tôi không lo. Lão Hơxt và Patơ xơn vẫn còn đấy cơ mà. Bác sĩ chìa tay. “Thôi, tôi phải đi rồi, ông Xtanđơxt ạ”. Ông cũng chìa tay. “Thôi, tạm biệt bác sĩ. Và, cám ơn nhiều”. Cặp mắt sẫm của bác sĩ trở nên nghiêm nghị. “Thôi, tạm biệt, ông Xtanđơxt. Tôi xin lỗi”. Anh quay ra cửa. Giọng của ông già làm anh quay ngoắt lại. -Bác sĩ, phiền anh làm hộ tôi một việc được không? -Xin sẵn sàng, ông Xtanđơxt ạ. -Cái cô y tá trong phòng mổ. Cái cô có đôi mắt xám và bộ ngực đẹp ấy mà… - Xtanđơxt nói. Bác sĩ hiểu ông già muốn nói ai. “Cô Đentơn phải không ạ?”. -Nếu như tên cô ta là như vậy. Bác sĩ gật đầu. - Cô ta nói nếu tôi muốn nhìn cô ta không đeo khẩu trang cô ta sẽ xuống thăm tôi. Anh làm ơn nhắn lại với cô Đentơn trên đường ra về của anh là tôi mời cô ta tới ăn bữa trưa với tôi, được không? 9 Gieny nhấc chai sâm banh lên, đổ vào cái cốc cao đã cho đầy đá. Sâm banh sủi lên thành bọt rất mịn rồi từ từ loang ra, ngấm dần xuống dưới cho đến khi cái cốc đầy đến miệng. Cô bỏ một cái ống hút thuỷ tinh vào cốc rồi chìa nó ra cho Xtanđơxt. “Đây, bia gừng của bác đây”. Ông già tinh quái nhoẻn miệng cười với cô. “Nếu muốn tìm cái gì làm ta bốc máu lên được, thì sâm banh bao giờ cũng hơn hẳn bia gừng đấy”. Ông nhấp một ngụm, vẻ tán thưởng. “Khà”, ông chép miệng, “cháu cũng uống một chút đi, có thể nó sẽ làm cho cháu cảm thấy tê mê ngứa ngáy đấy”. -Nếu vậy thì có lợi gì nào? – Gieny bẻ lại. -Thì tôi cảm thấy vui thích khi nhớ lại những cái mình đã làm, nếu bây giờ là hai mươi năm về trước. -Thôi cụ ơi, để cho chắc, thì cứ nói là bốn mươi năm đi! -Không. – Ông già lắc đầu. – Hai mươi năm là tốt nhất. Bởi vì có lẽ khi ấy tôi rất quý trọng nó, biết rằng nó sẽ không còn được bao lâu nữa. Cái máy têlêtip ở góc thư viện đột nhiên kêu rộ lên lách tách. Gieny nhổm dậy khỏi ghế, bước tới chỗ nó. Đợi nó dừng, cô xé bức điện ra, mang lại chỗ ông. “Người ta lại bầu Rudơvelt nhiệm kỳ thứ hai rồi”, cô thốt lên, chìa cho ông cái băng giấy màu vàng. -Tôi đã chờ chuyện này xảy ra thế mà. Giờ thì người ta không thể bẩy cái thằng cha khốn kiếp ấy ra khỏi chỗ đó được nữa đâu. Mà việc quái gì tôi phải lo cơ chứ? Tôi có còn đâu. Ông vừa dứt lời thì chuông điện thoại cũng réo vang. Toà báo Lôx Angiơlex của ông gọi. Cô cầm ống nghe lên, đưa tới chỗ ông. “Xtanđơxt đây”, ông nói. Cô nghe thấy tiếng ù ù lạo xạo khe khẽ ở đầu dây đằng kia. Ông lắng nghe, mặt không để lộ một vẻ gì cả. “Mẹ kiếp, không! Còn thừa thời gian viết xã luận sau khi lão ta đọc diễn văn nhậm chức. Ít nhất thì đến lúc ấy ta cũng biết qua được lão ta sẽ nuốt những lời hứa nào. Từ giờ đến mai, không có xã luận gì. Tất cả các báo khác cũng thế. Ra lệnh trên têlêtip đi”. Ông đặt ống nghe xuống, nhìn nó. Ngay lập tức, cái máy têlêtip lại kêu lách tách. Cô đến bên nó, nhìn xuống. Từng con chữ xanh nối nhau hiện lên trên nền giấy vàng. CHALJ XTANĐƠXT GỬI LỜI CHÀO TẤT CẢ CÁC BÁO. QUAN TRỌNG. HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ XÃ LUẬN VIỆC RUDƠVELT TÁI CỬ CHO ĐẾN KHI CÓ DIỄN VĂN NHẬM CHỨC VÀ CÓ SỰ NHẬN ĐỊNH VỀ NÓ. NHẮC LẠI, HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ XÃ LUẬN VIỆC…RUDƠV… Cô bước khỏi cái máy têlêtip vẫn đang lách tách. “Đấy là lệnh của cụ rồi đấy, cụ chủ ạ”. -Tốt. Giờ thì tắt cái của nợ ấy đi để ta nói chuyện. Cô đi tới, rút nút cắm ra, rồi quay lại, ngồi đối diện với ông. Cô châm một điếu thuốc hút, ông tư lự nhấp sâm banh qua cái ống thuỷ tinh. “Khi việc này xong thì cháu định làm gì?”. -Cháu chưa nghĩ ngợi gì về nó cả. -Cháu nên bắt đầu đi thì hơn. Từ giờ đến đó không còn lâu la gì nữa đâu. Cô mỉm cười nhìn ông. “Cụ nóng lòng muốn tống tôi đi cho khuất mắt hả?”. -Đừng có ấm ớ! Cái lý do duy nhất tôi còn cố sống thế này là bởi vì tôi không muốn rời xa cô đâu, cô nỡm ạ. Giọng của ông có một cái gì đó khiến cô vội chăm chú nhìn ông, dò hỏi, tìm kiếm: “Bác Chaly, bác biết không, cháu tin là bác nói thế là nói thật đấy”. -Tất nhiên thật thế. – Ông đáp gọn. Đột nhiên cảm động, cô cúi xuống ghế ông ngồi, hôn nhẹ lên má ông. “Này, y tá Đentơn”, ông thốt lên, vẻ nghiêm nghị đùa đùa. “Tôi nghĩ là cô xiêu lòng rồi đấy. Tôi sẽ túm được cô em cho mà xem”. -Bác Chaly, bác đã làm em xiêu lòng từ lâu rồi đấy. Chỉ có điều ân hận là ta không biết nhau sớm hơn mà thôi. Rồi nghĩ lại lời nói đùa, cô cảm thấy đúng như thế thật. Ngay từ lần đầu tiên cô xuống ăn trưa cùng ông trong phòng của ông ở bệnh viện ấy, sau cái ngày ông mổ, cô đã thấy thích ông. Cô biết rằng ông sắp chết, và sau một tháng, cô biết rằng ông cũng biết điều đó. Nhưng việc ấy không hề ngăn cản chuyện tỏ ra hào hoa lịch thiệp với phái đẹp của ông. Không hề có một món ăn nhạt nhẽo, vô vị nào của bệnh viện, mặc dù ông không ăn được. Thay vào đó, thức ăn được đưa đến bằng ôtô từ nhà hàng Rômanôf, có một cảnh sát phóng mô tô rú còi inh ỏi dẹp đường. Và cùng với thức ăn là một đầu bếp trưởng và hai anh phục vụ. Ông ngồi trên giường bệnh, nhấp sâm banh, chăm chú ngắm nhìn cô ăn. Ông ưa thích cái cách ăn của cô. Những người khảnh ăn thường là những người bạn chăn gối ích kỷ. Họ không cho ta được cái gì, mà chỉ đòi hỏi ở ta một cảm giác thoả mãn không thể nào đạt được trong chuyện ăn nằm, tương tự như họ tìm kiếm ở bàn ăn. Ngay lập tức, ông quyết định luôn, như vẫn làm trong các chuyện khác. “Tôi sẽ còn phải nằm trong một thời gian nữa”, ông nói, “tôi sẽ cần một y tá. Cô có thích việc ấy không nào?”. Cô ngẩng lên khỏi cốc cà phê, ánh mắt ngỡ ngàng. “Thưa ông Xtanđơxt, có những y tá chuyên chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Có lẽ họ thạo việc hơn tôi nhiều đấy ạ”. -Tôi hỏi cô kia. -Tôi có việc làm ở bệnh viện trung tâm Lôx Angiơlex. Một chỗ làm tốt. Tuy vậy đôi khi tôi được yêu cầu tới đây, phục vụ cho những ca mổ như ca này. Tôi quen loại việc này mà. -Cô lương bao nhiêu? -Tám lăm một tháng, cộng ăn và ở. -Tôi sẽ trả cô một ngàn một tuần, cộng ăn và ở. -Thế thì khôi hài quá! -Thật không! – Ông chăm chú nhìn cô. – Tôi chịu được thế mà. Sáng nay, trước khi ở đây về, bác sĩ có bảo tôi là tôi chỉ còn sống được có ba tháng nữa. Tôi luôn chờ sẽ được yêu cầu trả hơn giá thường khi không thể bảo đảm có việc làm lâu dài mà. Cô cúi xuống nhìn người phục vụ rót đầy thêm một lần nữa cốc cà phê của mình. “Ông sẽ ở đây khoảng ba tuần nữa. Như vậy là tôi có đủ thời gian thông báo cho bệnh viện. Bao giờ thì ông muốn tôi nhận việc ạ?”. -Ngay bây giờ. Và đừng có lo gì về chuyện thông báo thông biếc nữa. Tôi đã bảo cả Coltơn lẫn Lôx Angiơlex rằng cô sẽ làm việc cho tôi rồi. Cô tròn mắt nhìn ông một thoáng, rồi đặt cốc xuống, đứng dậy. Cô khoát tay ra hiệu cho ông đầu bếp trưởng và ngay lập tức, hai người phục vụ đẩy bàn ăn ra khỏi phòng. “Ê, thế là thế nào hở cô nỡm?”, Xtanđơxt bật hỏi. Cô lặng thinh không đáp, đi tới dưới giường, cầm bảng theo dõi nhiệt độ và mạch lên. Cô chăm chú nhìn nó một thoáng, rồi bước lại gần ông, tước lấy cốc sâm banh ở trong tay ông. “Nếu cháu bắt đầu nhận việc trông nom bác từ giờ”, cô đáp, “thì bây giờ là lúc bác cần đi nghỉ một chút”. Thời gian chưa bao giờ trôi nhanh như lúc nó sắp cạn với một đời người như thế này, ông nghĩ thầm. Không hiểu sao, hình như mọi cái trở nên sắc nét hơn, rõ ràng hơn. Có lẽ thế là bởi vì các trách nhiệm về chúng không còn đường quay lại nữa. Chả ai có thể thắng được một cuộc tranh cãi với cái mả cả. Một cơn đau đột ngột xốc qua người ông sắc như dao. Ông không co rúm người lại, nhưng nhìn mặt cô, ông biết là cô đã biết ông đau. Giữa họ đã nảy sinh một mối thông tin rất kỳ lạ. Lời nói nhiều khi không cần thiết. Nhiều lần, ông có cảm giác rằng cô cũng chịu đau đớn như ông. -Có lẽ bác nên đi nằm thì hơn bác ạ. – Cô thốt lên. -Chưa đâu. Tôi muốn nói chuyện này với cháu. -Được ạ. – Cô đáp. – Cháu nghe đây ạ. -Cháu sẽ không trở lại làm ở bệnh viện nữa chứ? -Cháu cũng chả biết nữa. Thực ra, cháu chưa nghĩ tới việc ấy. -Cháu sẽ không bao giờ còn thấy hạnh phúc trong cái nghề ở đó nữa đâu. Tôi đã làm hư cháu. Không có gì được như việc có nhiều tiền cả. Cô bật cười. “Bác Chaly, bác nói đúng quá. Cháu cũng đã nghĩ về việc đó. Chả cái gì còn trở lại y như cũ được nữa rồi”. Ông tư lự chăm chú nhìn cô. “Tôi có thể cho cháu một chút gì trong di chúc, hoặc thậm chí lấy cháu làm vợ nữa. Nhưng đám con tôi sẽ kiện cháu đến toà án liên bang, và đảm bảo rằng cháu đã lung lạc tôi. Tất cả những gì cháu được sẽ chỉ là đau khổ mà thôi”. Cô nhìn thẳng vào ông: “Bác Chaly, dù sao cháu cũng cám ơn bác vì đã lo cho cháu”. -Cháu cần phải làm ra được rất nhiều tiền. – Ông thốt lên. – Vậy tại sao cháu lại quyết định trở thành y tá nhỉ? Cháu luôn luôn như vậy ư? -Không. – Cô nhún vai. – Cái mà cháu thực sự muốn là trở thành một Hêlen Uyn thứ hai kia. Nhưng cháu nhận được một học bổng vào trường Xanht Mary, và thế là cháu đi. -Thậm chí làm nghề đánh Tennis vớ vẫn cũng kiếm ra tiền đấy. -Cháu biết. Nhưng dù sao thì giờ cũng quá muộn rồi. Cháu sẽ rất hài lòng nếu như làm được đủ tiền thuê được một cầu thủ nhà nghề giỏi nhất để tập mỗi ngày hai tiếng. -Thấy rồi! – Ông thốt lên đắc thắng. – Như vậy là nguyên chỗ ấy, cũng phải mất mỗi ngày một trăm đô la. -Vâng ạ. Có lẽ rồi cháu lại phải chui vào lại bệnh viện. -Cháu không việc gì phải làm thế cả. -Bác nói vậy nghĩa là thế nào. – Cô thốt lên, nhìn ông. – Đấy là tất cả những việc người ta đã dạy cháu làm. -Cháu đã bắt đầu học làm một cái khác, trước khi học làm y tá rất lâu rồi cơ. Làm một người đàn bà. -Thế thì cháu đã từng làm không đến nơi đến chốn gì cho lắm. – Cô nói ủ rũ. – Ngay từ lần đầu tiên cháu sử xự như một người đàn bà, cháu đã bị một cú choáng người. -Ý cháu muốn nhắc tới bác sĩ Grant ở Prix cô phải không? -Làm sao mà bác biết được ạ? -Hầu như là chỉ đoán thôi. – Ông đáp – Nhưng toà báo thì đã kiểm tra lại ngay, một cách tự động, những người đến gần tôi. Grant khét tiếng về chuyện ấy, rồi cái việc cháu đang làm cho ông ta, đột nhiên bỏ đi đã khiến tôi đoán ra. Chuyện gì đã xẩy ra thế? Vợ ông ta bắt quả tang được cháu à? Cô chậm chạp gật đầu. “Thật kinh khủng”. -Luôn luôn là như vậy khi ta vương vấn dính líu đến nó qua con đường tình cảm. Chuyện đó đã xẩy ra với tôi không chỉ một lần. Ông đổ đầy sâm banh lại vào cốc. – Bí quyết là đừng để chết vì tình cảm. -Làm cách nào để có được điều đó cơ chứ? -Bằng cách bắt tình yêu phải trả tiền. – Ông đáp. -Bác nói như thế có nghĩa… có nghĩa là… cháu nên trở thành gái điếm ư? – Cô bàng hoàng thốt lên. Ông mỉm cười: “Đấy là tiếng nói của con người theo đạo trong cháu đang thốt lên đấy thôi. Chứ còn trong thâm tâm, cháu thậm chí đã công nhận rằng điều đó nghe có lý”. -Nhưng đi làm đĩ? – Cô vẫn bàng hoàng. -Không phải là đĩ, mà là gái điếm hạng sang, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, gái loại xịn. Trong các nền văn mình cổ, làm nghề này là một việc được tôn trọng rất cao. Các chính khách, các nhà triết học đều tìm đến cầu xin lòng thương của họ. Mà không phải chỉ vì tiền mà nghề này hấp dẫn đâu. Mà đấy là một lối sống gần như hoàn chỉnh. Sang trọng, đầy đủ mọi cái. Cô bật cười: “Cụ ơi, cụ chỉ là một lão già dâm đãng bẩn thỉu thôi. Bao giờ thì cụ chìa ra cho con xem những bức ảnh Pháp ấy nữa hả?”. Ông cười theo. “Tại sao tôi lại phải không cơ chứ? Tôi cũng đã là một gã thanh niên phóng đãng đấy. Nhưng chưa bao giờ tôi là một thằng ngu cả. Cháu có đủ mọi cái để trở thành một gái điếm hạng sang. Thân thể, trí óc – thậm chí cái nghề y tá của cháu cũng không bị bỏ phí đâu. Tình dục chân chính đòi hỏi phải có sự thông minh lớn hơn sự động cỡn thú vật nhiều”. -Thôi, cháu hiểu rồi, giờ đã đến lúc cháu đi ngủ rồi đấy. – Cô vừa cười vừa nói. – Nếu không, chắc là bác bây giờ sẽ gợi ý rằng cháu phải đến một trường nào đó mà học hẳn hoi cái ấy mất thôi. -Hay lắm! – Ông thốt lên. – Đấy là một ý hay lắm. Người ta cứ luôn đeo đuổi theo tôi bảo tôi nên thiết lập một trường đại học này nọ. Mà tại sao tôi đã không nghĩ tới chuyện ấy nhỉ. Trường đại học tình dục mang tên Xtanđơxt. Hay còn mang tên khác là trường phái Cối theo kiểu cũ. – Ông phá lên cười vui vẻ, rồi đột nhiên, rúm mặt lại vì đau. Mặt ông bợt đi, trán lấm tấm mồ hôi. Ông cúi gập người trên ghế. Ngay lập tức, cô đâm bổ sang cạnh ông, lần vội cánh tay áo choàng ông lên, lần tìm mạch. Cô nhanh nhẹn bơm liều moocphin vào tay ông. Những ngón tay gầy guộc, lục cục xương của ông bấu chặt lấy tay cô, cố đẩy nó ra, mắt ông trợn lên nhìn cô, dại đi vì đau đớn. Lạy Chúa, bác Chaly. – Cô cáu kỉnh quát lên. – Hãy để bản thân mình nghỉ một tí chứ. Sao bác cứ tự làm khổ mãi thế? Thôi tiêm thêm một liều moocphin nữa cho ông. Cô ngẩng lên nhìn ông, thấy mắt ông ánh lên, ông cố cưỡng lại sức giảm đau mà moocphin đem lại. Cô cầm bàn tay yếu ớt, khẳng khiu của ông, vụt đưa lên đụng vào môi mình. Ông mỉm cười, mắt đã bắt đầu mờ đi vì thuốc. “Gieny tội nghiệp”, ông nói dịu dàng, “ở vào thời khác thì tôi đã làm cháu trở thành bà hoàng của tôi rồi đấy”. Tay ông mơn man vuốt nhẹ trên má cô. “Nhưng tôi sẽ không quên những gì ta đang nói với nhau đâu. Tôi sẽ không để cháu phung phí cuộc đời chỉ vì mỗi chuyện là tôi không còn ở đó mà hưởng hạnh phúc nữa đâu”. 10 Ba ngày sau đó, khi họ đang ngồi ăn trưa dưới hàng hiên, cô nhìn thấy một chiếc Rôlj-Roy sang trọng màu xám đỗ xịch ở đường vào toà nhà. Một người tài xế ăn mặc chỉnh tề mở cửa xe, một người đàn bà bước vào. Dăm phút sau, bác quản gia xuất hiện ở chỗ họ. “Thưa ông Xtanđơxt, có một bà Xchuat muốn gặp ông ạ”. Xtanđơxt mỉm cười: “Giaxon, anh bày một bộ đĩa bát nữa và mời xem bà Xchuatj có ăn cùng ta không nhé”. Bác quản gia cúi người. “Vâng ạ, thưa ông Xtanđơxt”. Một thoáng sau, người đàn bà xuất hiện ở ngưỡng cửa. “Chaly”, bà reo lên, giọng vui vẻ không lẫn vào đâu được. Bà bước tới chỗ ông, chìa cả hai tay ra. “Gặp lại được anh vui quá”. -Aiđa. – Xtanđơxt hôn tay bà. – Tha lỗi vì tôi đã không đứng lên được thế này nhá. – Ông nhìn mặt bà. – Cô vẫn xinh tươi không hề thay đổi chút nào cả. -Chaly, anh đúng là chả thay đổi chút nào hết! Anh có thể nói dối như cuội, mà mặt vẫn cứ tỉnh bơ đi thôi. Xtanđơxt phì cười. “Aiđa, đây là Gieny Đentơn”. Xin chào bà ạ. – Gieny nói. Cô nhìn người đàn bà, khoảng già năm mươi, non sáu mươi tuổi gì đó, ăn mặc sang trọng và kín đáo. Người đàn bà quay lại nhìn cô, mỉm cười thân mật. Nhưng đột nhiên cô có cảm giác rằng hầu như không có cái gì trên người cô lọt khỏi mắt bà ta cả. Bà quay lại phía Xtanđơxt. “Đấy có phải là cô gái anh nói với tôi qua điện thoại không?”. Xtanđơxt gật đầu. Người đàn bà quay lại Gieny. Lần nay cặp mắt bà mở to lộ rõ vẻ tán thưởng. Bà bỗng nhiên mỉm cười. “Chaly, có thể là anh đã mất cà”, bà ta nói bình thản, “nhưng chắc chắn là con mắt tinh đời sành sỏi của anh chả hỏng tí gì cả”. Gieny há hốc miệng trố mắt nhìn họ. Xtanđơxt bật cười hà hà! Vừa lúc đó, bác quản gia lại xuất hiện ở cửa, vác một cái ghế. Bác đặt cạnh bàn cho bà Xchuatj, bà ngồi xuống. -Giaxơn, cho bà Xchuatj đây dùng một cốc shery nhé. – Bác quản gia cúi người, biến mất. Xtanđơxt quay lại Gieny. – Chắc chắn cháu đang ngớ người không hiểu đầu cua tai nheo thế nào nhỉ? Gieny gật đầu, vẫn còn bàng hoàng chưa thốt nổi ra lời. Hăm lăm năm trước đây, Aiđa Xchuatj mở một ngôi nhà chứa nổi tiếng nhất ở Chicagô, phía tây nhà chị em Evơlây ấy. Bà Xchuatj cúi người về phía trước, vuốt ve tay ông. “Anh Chaly nhớ tất cả mọi cái”, bà nói với Gieny. “Thậm chí cả việc tôi không uống cái gì khác ngoài shery ra”. Bà cúi nhìn cái cốc của ông ở trên bàn. “Và tôi đoán rằng anh vẫn uống sâm banh có đá trong cốc to chứ gì?”. Ông gật đầu. “Thói quen cũ, như bạn bè cũ ấy mà, Aiđa ạ, khó có thể bỏ đi được”. Bác quản gia đặt cốc rượu xuống trước mặt bà. Bà duyên dáng đưa cái cốc lên môi, nhấp một ngụm. Rồi bà ngẩng lên, nhìn bác quản gia, mỉm cười. “Cám ơn bác”. -Dạ, cảm ơn bà ạ. Bà nhướng mày lên tỏ ý ngạc nhiên một cách vui vẻ. “Cốc rượu này pha ngon quá. Ta khó mà biết được phải vất vả như thế nào mới kiếm được một cốc côctel cho tử tế đâu, thậm chí ở những khách sạn sang nhất cũng vậy. Hình như ngày nay có vẻ như các bà chỉ uống độc có Mactini hay sao ấy”. Bà rùng mình một cái lịch thiệp. “Thật kinh khủng. Ở cái thời tôi, không một cô gái nào, thậm chí nằm mơ, cũng nghĩ tới loại như thế đâu”. Xtanđơxt nhìn Gieny. “Aiđa không bao giờ cho phép bất kỳ cô gái nào của mình uống một thứ gì ngoài shery ra cả”. -Uyxky sẽ làm rối loạn não. – Aiđa nói trang trọng. – Và các cô nhà tôi không được trả tiền để làm cái việc uống rượu ấy. Ông già cười khùng khục, hồi tưởng. “Đúng là thế thật. Này Aiđa, cô còn nhớ cái lần trước chiến tranh tôi thường tới cái tiệm của cô để xoa bóp lưng không nhỉ?”. -Còn, tôi còn nhớ chứ. – Aiđa mỉm cười. Ông nhìn Gieny đang ngồi bên kia bàn. “Người tôi bị đau, bác sĩ đề nghị một tháng ba lần đến nằm sấp xuống để xoa bóp. Lần đầu thì tôi tới làm ở phòng khám của ông ta. Sau lần ấy, tôi quyết định rằng nếu tôi phải chịu xoa bóp thì ít nhất tôi cũng phải thưởng thức nó. Thế là một tuần ba tối, tôi đến nhà Aiđa để xoa bóp lưng”. -Cái anh ấy không nói thêm là… - Aiđa tiếp lời… anh ấy bị kích thích rất ghê sau những lần xoa bóp ấy. Và các cô nhà tôi được rèn dạy là không bao giờ để khách hàng phật ý cả. Thế là đến hai tuần sau, khi Chaly quay lại ông bác sĩ, giải thích tại sao lại khoẻ hẳn lên như vậy, ông ta phát khùng lên mới ghê cơ chứ! Xtanđơxt ngặt nghẽo cười: “Tay bác sĩ bảo sẽ kiện Aiđa trước các nhà chức trách về tội hành nghề chữa bệnh mà không có giấy phép gì”. Bà Xchuatj cúi người, vươn tay qua bàn, vui sướng vuốt ve tay Xtanđơxt. “Thế anh còn nhớ Eđ Bary không?”. -Hẳn rồi. – Ông cười khùng khục, nhìn Gieny. – Eđ Barry là một trong những thằng cha giáo phái Baptixt người miền nam, khét tiếng là khắc kỷ, khinh thị mọi cái, cái gì cũng dán ngay nhãn hiệu tội lỗi vào. Ờ, phải, khi ấy là trước ngày bầu cử tổng thống, Eđ là ứng cử viên tranh cử với chương trình cải cách lành mạnh hoá xã hội gì đó. Tôi lừa được hắn ta, chuốc rượu liên tục nhân cái không khí tưng bừng ấy, và đến nửa đêm thì ông bạn đã say đến phát khóc lên. Và thế là không nói một lời nào, tôi kéo ông ta tới chỗ Aiđa. Ông ta suốt đời không quên được nó. Ông cười phá lên, nước mắt dàn dụa. Ông quệt mắt. “Tội nghiệp lão Eđ. Lão ấy không bao giờ còn rõ cái gì đã làm lão ta thay đổi đến thế. Lão bị thua cử, nhưng có vẻ lão cóc thèm để ý mảy may. Trong cái ngày Aiđa đóng cửa tiệm của cô ấy lại, sau khi chúng tôi đăng lính, người ta thấy lão ngồi ở tầng hầm rượu dưới nhà, khóc thảm thiết như là cả thế giới đã đến ngày tan nát hết”. -Đó là những ngày xưa tươi đẹp. – Aiđa thốt lên. – Chả bao giờ chúng ta còn thấy lại chúng được nữa. -Tại sao bà lại phải đóng cửa nhà chứa ạ? – Gieny tò mò hỏi. -Có rất nhiều lý do đấy. – Aiđa nghiêm túc trả lời, quay lại phía cô. – Trong và sau chiến tranh, có nhiều hoạt động tự do cạnh tranh quá. Dường như tất cả cô gái nào cũng quyết tâm là sống cho buông tuồng. Và việc tìm ra các cô gái có đủ lòng yêu thích và tận tuỵ trong công việc để đảm bảo được các yêu cầu và tiêu chuẩn cao của tôi, đâm ra rất khó khăn. Tất cả những gì các cô ả ấy quan tâm là bán dâm thôi. Bởi vì tôi cũng chẳng cần tiền, nên tôi đóng cửa. -Aiđa là người rất giàu có đấy. Bà đầu tư toàn bộ tiền của mình vào bất động sản, nhà cho thuê, ở đây cũng như ở tất cả các thành phố lớn khắp trong nước. – Xtanđơxt nhìn sang phía bà. – Aiđa, giờ cô có bao nhiêu nhỉ? Bà nhún vai: “Trên dưới sáu triệu đôla gì đó. Nhờ anh và mấy người bạn tốt như anh”. Bà đáp vẻ thờ ơ. Xtanđơxt nhoẻn cười. “Nào, giờ thì cháu vẫn quyết chỉ trở lại bệnh viện nữa hay thôi?” Gieny không đáp. – Thế nào, Gieny? Cô trân trân nhìn ông, rồi nhìn Aiđa. Hai người chăm chú theo dõi cô. Cô chực nói, nhưng không thốt nổi thành tiếng. Bà Xchuatj đột nhiên cúi người về phía trước, vuốt ve tay cô, khuyến khích vỗ về, “Chaly anh cứ để cho cô bé có một chút thời gian nghĩ cho kỹ đã”. Bà dịu dàng thốt lên. “Đây là một quyết định mà người con gái nào cũng phải tự mình tính lấy cho mình”. Xtanđơxt mỉm cười nhìn Gieny, mắt ánh lên một niềm vui thích yêu thương rất lạ. “Con bé phải quyết định sớm đấy”, ông nói khẽ, “không còn thời gian nhiều nhặn lắm đâu”. Khi ấy ông đã không biết chính xác về thời gian. Nhưng đúng là chỉ còn có hai ngày. Ông ngật đầu sang bên, ngắm cô bước vào phòng mình trong buổi sáng hai hôm sau. “Gieny, có lẽ hôm nay tôi cứ nằm ở giường thôi”, ông nói nhỏ. Cô vừa đưa tay gạt rèm cửa sổ sang hai bên, vừa nhìn ông trong ánh sáng tràn ngập qua chiếc giường. Mặt ông trắng bệch, lớp da mỏng dính như dán chặt vào xương. Ông lim dim nhắm mắt, như sợ ánh sáng làm nhức chúng. Cô đi đến bên giường, cúi xuống nhìn. “Bác Chaly, bác để cháu gọi bác sĩ nhé?”. Ông ta có thể làm được cái quái gì hả? – Ông vặn lại, trán dâm dấp mồ hôi. Cô nhặt một tấm khăn mặt nhỏ đặt trên chiếc bàn đặt cạnh giường lên. Cô nhanh nhẹn thay túi đựng nước giải, bắt gặp mắt ông lia theo nó. Cô vội lấy chăn đắp lại cho ông. Cô nhặt cái túi lên, đi vào buồng tắm. -Khá tồi phải không? – Ông hỏi, nhìn vào mặt cô khi cô trở ra. -Vâng, khá tồi ạ. -Tôi biết. – Ông thều thào. – Tôi đã nhìn nó trước khi cháu tới. Nó đen kịt như rốn địa ngục ấy. Cô luồn một tay xuống dưới người ông, nâng ông lên, tay kia vuốt lại gối cho phẳng. Rồi cô nhẹ nhàng đặt lại ông xuống. “Cháu cũng chả rõ nữa. Có những sáng cháu còn nhìn thấy nó đen hơn thế nhiều”. -Đừng có lừa tôi. – Ông nhắm mắt lại một thoáng rồi mở ra. – Tôi có linh cảm rằng hôm nay sẽ là ngày ấy đấy. – Ông thều thào, nhìn thẳng vào mặt cô. -Bác sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, sau khi cháu cho một ít nước cam vào người bác ngay ấy mà. -Vứt cha nó đi! – Ông hung hăng thì thào. – Người ta nghe thấy đứa quái nào đi xuống địa ngục với nước cam chưa hả? Đưa cho tôi một cốc sâm banh. Lặng thinh, cô đặt cốc nước cam xuống, cầm một cái cốc vại lên. Cô lấy đá từ cái phích đựng ra, cho đầy cốc, rồi đổ sâm banh vào. Cô cắm ống hút vào cốc rượu, chìa ra cho ông uống. -Tôi vẫn còn đủ sức cầm được chai rượu của mình mà. Cái máy têlêtip ở góc nhà đột nhiên kêu rào rào. Cô đi đến, cúi xuống nhìn. “Gì vậy cháu?”. -Một bài diễn văn của Lanđơn đọc ở bữa tiệc đảng cộng hoà đêm qua ạ. -Tắt nó đi. – Ông nói cộc lốc. Ông chìa cái cốc ra cho cô. Cô cầm lấy, đặt lại bàn. Điện thoại chợt réo chuông. Cô nhấc ống nghe lên. “Ông chủ bút mục chuyện tin ở Lôx Angiơlex ạ”, cô thông báo, “ông ấy trả lời việc hôm qua bác gọi ông ta”. Bảo với ông ta là tôi muốn Đick Traxty phụ trách tờ báo ở đây. – Cô gật đầu, nhắc lại lời ông vào máy rồi bỏ điện thoại xuống. Cô quay lại, và thấy mặt ông đầm đìa mồ hôi. -Anh Chaly, con của bác đã bảo cháu hứa là sẽ gọi điện cho anh ấy khi cháu nghĩ rằng cần thiết. -Đừng. – Ông gắt lên. – Ai cần cái thằng chết tiệt ấy đến đây để hau háu nhìn tôi hả? Nó đã chờ bao nhiêu năm nay rồi để tống được tôi đi. Nó muốn nắm lấy chỗ báo chí mà. Ông cười không thành tiếng. – Tôi đánh cuộc là ngay sau ngày tôi nằm xuống, cái thằng ngu ấy sẽ cho tất cả các báo hoan nghênh lão Rudơvelt ngay. Một cơn đau buốt đột ngột dội lên khắp người ông. Ông bật dậy, gần như ngồi thẳng ở trên giường. “Ôi, Giêsu!”, ông đưa hai tay ôm vội lấy thắt lưng. Ngay lập tức, một tay cô đã choàng lấy vai ông, đỡ ông, tay kia với lấy ống tiêm moocphin. “Chưa, Gieny, chưa cần cháu ạ”. Cô nhìn ông một thoáng, rồi từ từ đặt ống tiêm xuống bàn. “Thôi được. Bao giờ cần thì bác cứ bảo ạ”. Ông lại buông mình xuống gối, cô lau mặt cho ông một lần nữa. Ông nhắm nghiền mắt, nằm lặng hồi lâu. Rồi đột nhiên, ông mở choàng mắt, để lộ một nỗi khiếp sợ chưa bao giờ cô nom thấy cả. “Tôi thấy như chết nghẹn mất”, ông vừa nói vừa nhỏm lên, tay bưng vội lấy miệng. Không ngoảnh người, cô nhanh nhẹn quờ tay ra đằng sau kéo lấy cái khay để trên bàn, hứng dưới miệng ông. Ông ho hục hặc, rướn người, rồi thót ngực lại, ông ộc nôn ra một dòng nước đen ngòm. Cô đặt cái khay xuống, lau miệng và cằm cho ông, đỡ ông nằm lại xuống gối. Ông giương cặp mắt giàn giụa nước lên nhìn cô, cố mỉm cười. “Giời ơi, cứ như là nếm nước đái của chính mình ấy!”. Cô lặng thinh không đáp. – Ông mệt mỏi nhắm mắt. Người ông quằn quại trong những cơn đau. Mấy phút trôi qua, vẫn nhắm nghiền mắt, ông thều thào thốt lên: “Gieny, cháu biết không, bác có cảm giác cơn đau đớn nhất chưa từng biết đang đến gần rồi. Nhưng biết được thế cũng đáng công đi hàng vạn dặm”. Ông mở mắt, nhìn cô. Nỗi khiếp sợ đã biến mất khỏi chúng; thay vào đấy giờ là một vẻ bình thản sâu xa, thông thái. Ông chậm rãi mỉm cười. “Thôi được, Gieny”, ông thì thào, nhìn thẳng vào mắt cô. “Nào!...” Mắt vẫn dán vào mắt ông, cô với tay ra sau mình lấy cái ống tiêm nhỏ. Như cái máy, cô lần tìm mạch máu đã chìm của ông, bơm cạn ống thuốc. Cô cầm một ống nữa lên. Ông lại mỉm cười khi nhìn thấy ống thuốc trên tay cô. “Cám ơn cháu, Gieny nhé”, ông thì thào. Cô cúi xuống, hôn lên cái trán nhợt nhạt, dâm dấp mồ hôi ấy. “Thôi, xin chào bác, bác Chaly”. Ông ngả người xuống gối, nhắm mắt lại. cô tiêm tiếp ống thứ hai vào tay ông. Chả bao lâu, trên cái nệm giường cạnh ông đã nằm lăn lóc sáu cái ống thuốc không. Cô ngồi im phăng phắc, ngón tay trên mạch cổ tay ông, nghe tiếng đập nhỏ dần, nhỏ dần. cuối cùng, mạch ngừng hẳn. Cô chằm chằm nhìn ông hồi lâu, rồi vuốt mắt ông nhắm lại, kéo cái khăn đậy lên mặt ông. Cô đứng dậy, nhặt những ống thuốc không bỏ vào túi áo blu của mình, mệt mỏi bước đến bức tường đằng kia, nhấc ống điện thoại lên. Bác quản gia gặp cô ở hành lang trên đường cô trở về phòng mình. Tay bác cầm một cái phong bì. “Thưa cô Đentơn, ông Xtanđơxt yêu cầu tôi chuyển cho cô ạ. Ông ấy đưa cho tôi trước khi cô đến làm sáng nay”. -Cám ơn bác, bác Giaxơn. – Cô đóng cánh cửa phòng lại, xé phong bì, bước ngang qua buồng. Phong bì có năm tờ một ngàn đôla và một bức thư nhỏ, nét chữ ngều ngào của ông. GIENY THN YÊU, Cho đến giờ thì nhất định cháu đã hiểu lý do tại sao bác muốn chỉ có cháu ở lại với bác. Một trong những cái bác không tài nào hiểu nổi là sự thương hại giả tạo mà nhiều người cố làm ra trong khi kéo dài giờ phút hấp hối đau đớn của người bệnh. Trong phong bì này, cháu sẽ thấy số tiền lương thôi việc của cháu. Cháu có thể dùng nó tuỳ thích – giữ lại phòng khi thất cơ lỡ vận, trong khi cháu tiếp tục phí phạm cuộc đời cháu trong cái nghề thường không được đền đáp lại gì là nghề chăm sóc các kẻ khác ấy; hay là, nếu cháu có một nửa cái trí thông minh mà bác tin là cháu sẽ nổi danh vì nó, và một nửa cái bản chất đàn bà mà bác chắc chắn là cháu có, cháu sẽ dùng nó làm học phí cho cái trường của Aiđa mà bác sẽ gọi nó bằng một cái tên hay hơn là Trường Đại học Xtanđơxt; và từ đó trở đi, cháu sẽ sống một cuộc đời sung túc sang trọng hơn. Mãi mãi biết ơn và yêu thương cháu. Bác C. XTANĐƠXT Tay vẫn nắm chặt bức thư, cô đi đến tủ quần áo, kéo cái vali của mình xuống. Cô đặt nó lên giường, và bắt đầu chậm rãi gói ghém đồ đạc bỏ vào đó. Chưa đầy một tiếng sau, cô ra khỏi xe tắc xi, lập cập bước vội lên bậc thềm nhà thờ, kéo tấm khăn quàng cổ lên trùng kín đầu. Cô quỳ thụp xuống bức tường sau của giáo đường, rồi vội vàng đi theo lối đi giữa các hàng ghế tới bàn thờ thánh, rẽ sang bên trái tới tượng Đức Mẹ đồng trinh. Cô quỳ gối, nắm hai tay vào nhau, cúi gục đầu một hồi lâu. Rồi cô quay người, với một cây nến trên giá xuống. Cô cầm cây nến thon thon cháy sáng trên tay một thoáng, sau đó mới đặt nó xuống cùng những cây khác đang cháy dưới bức tượng. Và cô lại cúi gục đầu, quỳ lặng hồi lâu. Rồi cô quay đi, tất tả bước ngược theo lối ra. Đến cửa, cô nhúng tay vào bình nước thánh, làm dấu, rồi mở ví lấy ra một tờ bạc, nhét vào cái khe của cái thùng quyên tiền. Đêm ấy, ông mục sư có một sự ngạc nhiên khoan khoái. Khi đổ hộp tiền quyên cúng ra, giữa đống xu bằng đồng và bạc, là một tờ một nghìn đôla được gấp cẩn thận. Chiếc Rôl – Roy màu xám đang đỗ trên con đường trước toà nhà cũ ở Đại lộ Đêlơxt, khu Oextut khi tắc xi chở Gieny chạy đến đó. Cô bước ra, trả tiền xe cho người tài xế, rồi đi tới cửa. Cô đặt vali xuống ấn chuông. Sâu ở một nơi nào đó của ngôi nhà, văng vẳng vọng ra tiếng chuông ngân nga. Một thoáng sau, trên ngưỡng cửa hiện ra một cô hầu gái. “Thưa cô, đi lối này ạ”. Aiđa đang ngồi trên đivăng, trước cái khay để chén nước chè và một chồng bánh quy. “Mary, cô xếp chỗ vali này vào chỗ vali ấy nhé”. -Thưa vâng ạ. Gieny quay ra, thấy cô hầu gái đặt cái vali của mình cạnh dăm chiếc nữa đang đứng bên ngưỡng cửa. Cô quay lại nhìn Aiđa. Một tờ báo lớn mở toang nằm trên đivăng cạnh bà. Hàng tít đen to tướng đập ngay vào mắt người đọc. XTANĐƠXT ĐÃ CHẾT Aiđa đứng dậy, nắm lấy tay cô, dịu dàng kéo cô về phía cái đivăng. “Ngồi xuống đi cháu thân yêu. Bác đã chờ cháu từ lâu rồi mà. Chúng ta còn đủ thời gian uống chè đấy trước khi ra tàu”. -Ra tàu ư? -Tất nhiên rồi, cô bé thân yêu ạ. – Aiđa đắp. – Chúng ta sẽ đi Chicago. Đấy là nơi duy nhất ở cả cái nước Mỹ này phù hợp cho một người con gái bắt đầu sinh cơ lập nghiệp. 11 Tấm áp phích khổng lồ ghép lại từ hai mươi tư tờ giấy in báo được đóng vào một tấm bảng gỗ dán, treo trên nó cái sân khấu dã chiến dựng trong căn cứ quân sự ấy. Đó là bức tranh phóng đại tấm ảnh màu nổi tiếng của bìa tờ tạp chí Đời sống dạo nọ. Ngẩng lên nhìn nó, Gieny lại nhớ tới tay phóng viên nhiếp ảnh, vắt vẻo chênh vênh trên đỉnh cái thang sát đến trần nhà, chĩa ống kính xuống cô đang nằm trên giường. Từ góc chụp ấy, chân cô đâm ra quá dài, vượt cả khuôn hình. Vì vậy, anh ta bắt cô nằm xoay lại, gác hai bàn chân lên cái gối satanh trắng đánh phồng lên. Rồi đèn chụp sáng loà lên, làm cô loá cả mắt như vẫn thường bị thế. Và thế là đi vào lịch sử. Cô khi ấy mặc một cái áo choàng ngủ bằng đăngten đen cắt rất đúng mực, đứng đắn, che kín cô từ đầu cuống họng đến mắt cá chân. Ấy vậy mà nó phủ lên người cô một cách khêu gợi, làn da hồng dịu của cô nổi bật lên, đối lập với màu đăngten đen, không để gì còn phải tưởng tượng nữa – hai núm vú cương cương, hằn lên qua lần vải căng ngang đôi bầu vú nở căng, đường cong mềm mại của cái bụng, xương mu đột ngột nhô cao, không thể nào dấu được vì cái thế chân như vậy. Mái tóc dài, vàng óng ả của cô xoã bung ra mép giường, và ánh sáng loà của ngọn đèn chụp đã hắt vào mắt cô một vẻ mời chào rất lẳng, khi cô nhoẻn cười với người khán giả vô hình, từ trên cao xuống, ở cái góc dưới bên trái. Tờ Đời sống đã in bức ảnh ấy, với vẻn vẹn có độc một chữ kẻ hằn lên thành một khối trắng đậm ở phía dưới nó: ĐENTƠN. Chuyện đã xẩy ra được gần một năm rồi, vào tháng mười năm 1941, lúc bộ phim Người có tội bắt đầu chiếu buổi đầu tiên của cuộc đời nó ở Niu Yooc. Cô nhớ lại nỗi ngạc nhiên của mình, khi đi trong hành lang của khách sạn Oaldof cùng với Giônơx, đột nhiên cô bắt gặp hàng dãy ảnh mình treo la liệt trên các giá để báo và tạp chí. “Ồ, nhìn này!” Cô thốt lên, đứng sững lại, ngỡ ngàng. Giônơx tủm tỉm cười với cô bằng cái lối rất riêng của anh, giờ thì cô hiểu rồi, mỗi khi anh đặc biệt thích thú với một điều gì đó. Anh đi băng sang quầy báo, quẳng một đồng hào xuống, rút lấy một tờ tạp chí. Anh đưa nó cho cô lúc hai người bước vào thang máy. Trên đường lên, cô mở nó ra xem. Cái đầu đề nổi bật trên báo: TÌNH DỤC CÓ HỒN. Giônơx Cođơ, một người đàn ông trẻ, giàu có, người làm ra thuốc nổ, máy bay, chất dẻo và tiền (xin xem Đời sống, tháng 10 – 1939) và khi hứng thú lôi cuốn anh, thỉnh thoảng có làm phim, (Thằng phản bội – 1930, Bầy quỷ trên trời – 1932), vừa mới cho ra một câu chuyện nhân cách hoá rất cao, theo truyền thống Đờ Milơ, về cuộc đời của Mary Magđơlen. Anh gọi nó, bằng sự thẳng thắn thường có của mình, là Người có tội. Không hề nghi ngờ gì nữa, cái nhân tố duy nhất quan trọng đóng góp vào sự lôi cuốn mạnh mẽ của bộ phim này là sự trình diễn đầy ấn tượng của người phụ nữ trẻ mà Giônơx Cođơ chọn đóng vai chính của bộ phim – cô Đentơn. Cô Đentơn, trước kia chưa hề tham gia bộ phim nào hoặc có một chút kinh nghiệm biểu diễn gì, đã tạo nên một ảnh hưởng lớn lao, đáng ghi nhận nhất trên báo chí đối với khán giả. Với tất cả những nhận biết về tình dục mà những chuyển động của thân thể cô 92-52-90 đã khêu gợi lồ lộ, người xem đồng thời thấy rõ được cái phẩm chất tinh thần sâu sắc luôn luôn phát ra từ cô. Có lẽ nó có nguồn từ đôi mắt cô – đôi mắt cách xa nhau, màu xám, sâu thăm thẳm, chứa đầy vẻ hiểu biết và khôn ngoan về nỗi đau khổ, tình yêu và cái chết, vượt qua tuổi đời mình. Bằng một cách nào đó rất lạ kỳ, cô đã thể hiện được những sự đối lập đến nghịch lý của thời đại chúng ta – những hung hăng đập phá, cố tìm kiếm đạt tới sự thoả mãn về tình dục của con người và khát vọng vươn tới những giá trị tinh thần to lớn hơn chính bản thân mình. Cửa thang máy mở ra, cô cảm thấy bàn tay Giônơx bóp khẽ vào cánh tay mình. Cô gập cuốn tạp chí lại, và hai người bước ra. “Lạy Chúa tôi, người ta thực sự tin như vậy hay sao?”. Anh mỉm cười. “Anh nghĩ là như vậy. Đời sống là một trong số ít những tờ báo không thể bỏ tiền ra thuê để nói tốt cho ta được. Anh đã bảo em rồi mà, em sẽ trở thành một ngôi sao lớn”, anh thốt lên khi họ bước vào căn hộ của anh. Cô sửa soạn phải đi đến bờ biển miền tây ngay sau buổi ra mắt đầu tiên này, để đóng một phim mới. Cô nhìn thấy cái kịch bản nằm trên bàn trước mặt đi văng. Giônơx bước tới, nhặt nó lên, lật lật xem qua. “Anh không thích tí nào cả”. -Em cũng thế. Nhưng Morixơ nói rằng đó là cái nhà máy in tiền cho ta đấy. -Anh cóc cần cái đó. Anh chỉ không thích việc em tham gia vào bộ phim ấy thôi. – Anh đi tới điện thoại. – Cho tôi gặp ông Bonơ ở khách sạn Shery-Naithơlan. -Ông Morixơ, Giônơx đây. – Anh nói cụt lủn. – Hãy hoãn làm Mắt sao. Tôi không muốn cô Đentơn tham gia vào đó. Đứng ở đầu phòng bên này, cô cũng nghe thấy tiếng phản đối đầy kích động của Bonơ vọng qua điện thoại. “Tôi cóc cần”, Giônơx đáp, “kiếm một ai đấy đóng nó… Ai ư? … Hayuôt, Shêriđơn. Bất kỳ một ai ông thích. Và từ nay trở đi, Đentơn sẽ không được bố trí đóng bất cứ một bộ phim nào trước khi tôi xem và tán thành kịch bản của nó”. Anh đặt máy xuống, quay lại phía cô. Anh tủm tỉm cười. “Em nghe thấy chưa hả?”. Cô mỉm cười lại với anh: “Rồi ạ, thưa ông chủ”. Bức ảnh ấy ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Đi bất cứ đâu, ta cũng thấy nó nhìn ta – từ các bức tường, từ các biển quảng cáo, từ những tấm lịch, những tấm áp phích. Và cô, cô cũng nổi danh. Cô trở thành một ngôi sao. Rồi đến khi trở lại miền tây, cô được biết rằng Giônơx đã tán thành một hợp đồng mới cho cô làm việc với xưởng phim. Nhưng một năm đã qua đi, kể cả sự kiện ném bom Trân Châu cảng, mà cô vẫn chưa đóng thêm bộ phim nào cả. Không, không phải là có chuyện gì đã xảy ra. Người có tội đã chiếu đến năm thứ hai ở cái rạp Noman đồ sộ ấy tại Niu Yooc, và vẫn đang ở những thoả thuận chiếu – hạn – chế - ban đầu ở bất kỳ nơi nào nó được mua. Nó đang chứng minh là bộ phim thu được nhiều tiền nhất của công ty từ trước đến nay. Các hoạt động của cô trở nên đều đều, không thay đổi. Giữa những lần ra mắt công chúng tại từng buổi diễn ở các địa phương khác nhau – bộ phim đang lần lượt được chiếu rộng ra ở cả nước – cô ở lì ở bờ biển miền tây. Sáng sáng, cô đến xưởng. Công việc nơi đó choán hết ngày của cô, các bài học về nghệ thuật biểu diễn vào buổi sáng; ăn trưa thường là với một phóng viên phỏng vấn nào đó; chiều luyện giọng, học hát và nhảy. Các buổi tối, cô thường thui thủi một mình, trừ phi Giônơx tình cờ có mặt ở thành phố. Khi ấy thì đêm nào cô cũng ở bên anh. Thỉnh thoảng, cô tới ăn cơm chiều với Đêvit và Roda Ulf. Cô mến Roda và chú bé con hạnh phúc của họ, bắt đầu lẫm chẫm biết đi và mang một cái tên rất kêu là Henry Bơnơt, để tưởng nhớ thầy và cậu của Đêvit. Nhưng hầu hết thời gian, cô ở trơ trọi một mình trong căn nhà nhỏ của cô với bà già người Mêhicô ấy. Người ta bảo nhau, cô là của Giônơx. Và cô cứ là của Giônơx mãi thế. Chỉ có những khi ở bên anh, cô mới không cảm thấy cô đơn và vô công rồi nghề. Hai cái cảm giác này ngày càng lớn dần lên, lù lù chế ngự trong cô. Cô bắt đầu thấy bồn chồn bứt rứt. Đã đến lúc cô phải đi làm rồi. Cô đọc hết kịch bản này đến kịch bản khác, miệt mài, chăm chú. Rồi nhiều lần, bắt gặp một kịch bản cô thấy là có thể mình sẽ thích đóng, cô liên lạc với Giônơx. Và lần nào cũng vậy, anh hứa là sẽ đọc nó, rồi mười ngày sau, gọi điện báo lại rằng anh thấy nó không hợp với cô. Lần nào cũng có một lý do nghe xác đáng lắm. Có một bận, trong cơn tuyệt vọng, cô đã hỏi anh tại sao anh lại vẫn giữ cô trong danh sách trả lương nếu anh không có gì cho cô làm cả. Anh lặng thinh hồi lâu. Rồi khi anh trả lời, giọng anh lạnh lùng và dứt khoát không cho ai cãi nữa: “Em không phải là diễn viên. Em là một ngôi sao. Mà sao chỉ sáng khi mọi cái khác đều đâu vào đấy”. Dăm hôm sau, Al Petrôxeli phụ trách phòng tuyên truyền bước vào buồng hoá trang của cô ở xưởng. “Hề Bôb Hôp chuẩn bị tổ chức một buổi biểu diễn cho binh sĩ trong căn cứ Pentlentơn. Anh ấy muốn có cô tham già cùng đấy”. Đang ngồi trên đivăng, cô quay lại, đặt cái kịch bản cô đang đọc xuống. “Tôi có thể tham gia được ư?”. Cô nhìn ông ta. Cả cô và ông ta đểu hiểu ý câu hỏi. “Bonơ đã nói với ông Cođơ. Hai người đều nhất trí là việc trình diễn trước công chúng ấy sẽ có tác dụng tốt đối với cô. Đi Xantix sẽ chịu trách nhiệm dựng lên một hoạt cảnh cho cô đóng đấy. -Tốt lắm. – Cô vừa thốt lên vừa đứng dậy. – Thật là tuyệt khi lại có việc mà làm thế này. Và bây giờ, sau sáu tuần diễn tập căng thẳng khẩn trương một đoạn giới thiệu và bài hát được cẩn thận trau chuốt, đặt lời, ghép với dàn nhạc sao cho phô diễn cái giọng nho nhỏ, trầm trầm của cô đến mức có lợi nhất; cô đứng trong cánh gà của cái sân khấu dã chiến, đợi lúc ra biểu diễn. Cô thoáng rùng mình vì bầu không khí mát lạnh của đêm, mặc dù người đã khoác cái áo choàng lông chồn. Cô ghé mắt qua cánh gà, nhìn xuống khán giả. Một tiếng cười gầm lên, ập vào cô từ những hàng binh sĩ nối nhau ngồi xa đến hút tầm mắt. Hôp vừa kể xong một trong những câu chuyện cười trần trụi, rất lính tráng nổi tiếng của anh ta, những câu chuyện không bao giờ có thể lọt lên được các buổi phát thanh khắp đất nước mà anh ta vẫn thường đọc. Cô thụt đầu vào, vẫn còn rùng mình. “Hồi hộp hả?”, Al hỏi “Chắc chưa bao giờ trình diễn trước khán giả có phải không? Nhưng cô đừng lo, rồi sẽ hết hồi hộp ngay thôi”. Một mẩu ký ức về Aiđa và những gì bà bắt cô trình diễn thường ngày trước một nhóm nhỏ, nhưng có lựa chọn, gồm toàn những người đàn ông giàu có, thời cô ở Niu Yooc chợt thoáng qua tâm trí cô. “Ôi, tôi đã từng trình diễn trước khán giả rồi”. Cô chợt nhìn thấy vẻ ngạc nhiên trên mặt ông ta. “Khi tôi đi học”, cô khô khan nói thêm. Rồi cô quay ra xem Bôp Hôp. Không hiểu sao, đoạn ký ức ấy đã làm cô dễ chịu hơn. Al quay sang người lính đang đứng cạnh ông. -Thế nào, trung sĩ. Giờ anh đã rõ việc phải làm rồi chứ? -Thưa ông Pêtrôxeli, tôi hoàn toàn nhớ rồi ạ. -Tốt lắm. – Al thốt lên, liếc ra sân khấu, Hôp đã trình diễn gần xong chương trình thường lệ. Al quay lại người lính, một tờ hai mươi đô la hiện ra trên tay ông ta như có phép thần. – Cô ấy sẽ ra ngay bây giờ đây. Bây giờ anh hãy xuống hàng đầu gần sân khấu. Và chớ có quên đấy. Nói to, rõ ràng vào. -Vâng ạ, thưa ông Pêtrôxeli. – Người lính đáp, tờ hai mươi đô la biến ngay vào túi anh ta. -Sẽ có một tờ nữa sau đêm biểu diễn, nếu mọi việc đâu vào đấy. -Thưa ông Pêtrôxeli, có thêm tờ nữa như thế. – Người lính đáp. – Ông không việc gì lo lắng sất cả. Thiên hạ sẽ nghe giọng tôi vang tới tận Alaxka. Al gật đầu lo lắng, quay về phía sân khấu. Tay trung sĩ đi ra, vòng qua cánh gà. Hôp đang bắt đầu giới thiệu Gieny. “Và bây giờ, thưa các bạn”, anh ta nói vào micro, “tiết mục đặc sắc tối nay…”, anh ta ngừng lại một thoáng, giơ hai tay lên làm hiệu dẹp yên tràng pháo tay bắt đầu rộ lên. “Cái lý do tất cả chúng ta đều có mặt tại đây; thậm chí toàn bộ câu lạc bộ sĩ quan nữa”. Anh ta chờ cho tiếng cười tắt hẳn. “Bây giờ xin lắng nghe nào, anh em”, anh ta tiếp tục. “Khi tôi lần đầu tiên báo cho Bộ chiến tranh biết ai sẽ đến đây tối nay, họ kêu tướng lên: “Ôi, ôi không, ông Hôp ơi. Chúng tôi không đủ thắt lưng buộc ghế cho toàn bộ số ghế nhiều như vậy đâu”. Nhưng tôi đã nói cho họ yên tâm; tôi đã bảo họ rằng: anh em – những người lính – đã biết cách làm chủ bất kỳ tình thế nào”. Tiếng cười lại rộ lên, nhưng lần này có một vẻ chờ đợi. Hôp giơ cả hai tay lên. “Và như vậy, thưa các bạn, tôi xin giới thiệu với các bạn…”. Đèn đóm đột nhiên tắt phụt, chỉ còn một luồng sáng rọi vào mái đầu Gieny khi cô bước ra khỏi tấm màn. “Cài thắt lưng ghế lại, anh em”, Bôp thét lên, “Gieny Đentơn”. Sân khấu vụt tối om, chỉ còn lại một vùng sáng quanh Gieny. Khán giả gầm lên khi cô cẩn thận, rón rén – theo cái cách đã được luyện tập kỹ lưỡng – bước ra giữa, người kín mít trong cái áo choàng lông chồn. Tiếng gầm gào ập đến cô, cô cảm thấy cái sàn gỗ cũng rung lên bần bật khi dừng lại trước micro. Cô đứng lặng ở đó hồi lâu, nhìn xuống biển người, mái tóc vàng cắt kiểu thiếu niên hầu bàn bắt ánh đèn, sáng lên lấp lánh. Binh sĩ huýt sáo, hò la, gầm lên phất khởi, giậm chân. Mấy phút đã trôi qua, tiếng ầm ầm không có gì là dịu đi cả, cô nghiêng người, cúi về phía cái micro. “Nếu các anh thứ lỗi cho em một phút”, cô nói, giọng khe khẽ, để cái áo tuột khỏi một bên vai, “em sẽ cởi áo choàng ra”. Tiếng gầm rít, hò la lại dậy lên điếc tai khi cô chậm rãi một cách cố ý, cởi cái áo khoác. Cô thả nó rơi xuống sàn sân khấu ở phía sau cô, vươn người đứng thẳng, để lộ thân thể trong tấm áo choàng ngủ bó sát da, trắng muốt, lấp lánh những hạt cườm trong suốt. Cô lại cúi người tới sát cái micro, một sợi dây đeo áo tuột khỏi vai. Cô vội chộp lấy. “Thật là ngượng quá, chưa bao giờ em đứng trước một đám đông đàn ông đến thế này”. Khán giả gầm lên vui vẻ. -Bây giờ em chẳng biết làm gì cả. – Cô nói khẽ dịu dàng. -Đừng làm gì sất cả, cô em. – Một giọng oang oang thét lên từ hàng ghế đầu, sát mép sân khấu. – Cô cứ đứng đấy thôi. Và sự hỗn loạn lại bùng ra. Cô mỉm cười, nhướn mắt nhìn về phía người vừa nói. Cô chờ cho tiếng ông dịu đi một chút. “Em có một bài hát muốn hát tặng các anh”, cô thốt lên, “các anh có thích nghe không ạ?”. -Thích! – Hàng ngàn cái giọng gầm lên. -Vậy được rồi. – Bây giờ, nếu các anh giả vờ như đang ở nhà, đang nghe đài; nếu các anh nhắm mắt lại… -Nhắm mắt lại ư? – Cái giọng ban nẫy lại oang oang cất lên. – Cô em ơi, chúng anh có thể là lính, chứ chúng anh không là một lũ quỷ dâm đâu. Cô mỉm cười, bối rối chịu thua trước tiếng cười ầm ầm. Rồi âm nhạc từ từ dấy lên. Ánh sáng thu nhỏ dần, đọng vừa gọn trên khuôn mặt cô. Khán giả im phăng phắc. Nhạc sĩ của xưởng phim đã trổ hết tài phối khí cho bài hát này. Một bài hát thất tình quen thuộc, nhưng được hát theo nhịp độ bôlêrô; cây piano, bộ hơi và bè viôlong chơi giai điệu của bài ca trên nền trống và cái kèn bax to tướng giữ nhịp. Cô bắt ngay vào đoạn nhạc, mắt lim dim nhắm lại trong luồng ánh sáng. Môi dưới mòng mọng, bón son. “Em thiết tha mong được anh yêu”, cô hát trầm trầm, “Chỉ tình anh, không cần ai khác… Chỉ cần anh yêu anh là người duy nhất…à….à… một mình anh…”. Tiếng gầm của khán giả ầm ầm rộ lên, rộ lên mãi theo lời cô hát, che lấp mọi cái, trừ lời hát của cô. Và trong một thoáng cô kinh hoàng trước sức lửa nhục dục hừng hực nén lại trong đó. 12 Morixơ Bonơ bước vào khách sạn Hôliut Braun Đabij, cái kịch bản dày cộp bọc bìa xanh cắp ở nách. Bác hầu bàn trưởng cúi đầu. “Chào ông Bonơ ạ. Ông Piơx có mặt ở đây rồi”. Hai người đi tới một cái quầy ngăn riêng ra ở cuối khách sạn. Đan ngẩng đầu khỏi tờ “Phóng viên Hôliut” đang đọc, đặt nó xuống cạnh cốc rượu. “A, chào Morixơ”. Bonơ buông mình rơi phịch xuống chiếc ghế đối diện. “Xin chào”. Ông ngoảnh sang nhìn tờ báo của ngành. “Thế nào, cô nàng của chúng tôi được ca ngợi ghê đấy chứ nhỉ?”. Đan gật đầu. -Đấy chưa được một nửa đâu. – Bonơ nói tiếp. – Al Pêtrôxeli bảo rằng chưa bao giờ ông ta được nhìn thấy một cảnh như vậy. Binh lính không để cho cô ta rời sân khấu nữa. Rồi khi buổi biểu diễn kết thúc, họ gần như xé sạch quần áo của cô ta khi cô ta lên ô tô. Tay Hôp sáng nay tinh mơ đã gọi điện cho tôi nói rằng cô ta nghỉ lúc nào là tay ấy sẽ thuê đi biểu diễn liền. Càng thêm chứng minh là tôi đúng. – Đan tiếp. – Tôi cho rằng cô ta giờ còn nổi tiếng hơn cả Malovi hồi trước nữa kia. – Lão ranh mãnh đưa mắt nhìn Bonơ. – Còn mò đến đó mỗi tuần một tối nữa không, hả? Bonơ mỉm cười. Chả có gì là bí mật được ở cái thành phố này. “Sau khi Người có tội ra mắt ở Niu Yooc, Cođơ đã huỷ hợp đồng cũ, ký ngay với cô ta một hợp đồng mới rồi”. -Tôi chưa hiểu… -Rất đơn giản. – Bonơ đáp. – Cái buổi sáng cô ta có được hợp đồng, cô ta bước vào căn phòng của tôi. Cô ta mượn bút tôi, ký vào, rồi ngẩng lên nhìn tôi, nói: “Giờ thì tôi không phải cối ai nữa rồi. Ngay cả ông!”. Và cô ta nhặt bản hợp đồng lên, đi thẳng. Piơx cười phá lên: “Tôi không tin cô ta. Đã là bướm, thì vẫn mãi là bướm thôi. Cô ta hẳn kiếm được chỗ nào bấu rồi”. -Đã. Đó là Giônơx Cođơ. Tôi nghi là cô ta sửa soạn lấy anh ta đấy. -Thế mới đáng kiếp cái thằng chó đẻ ấy. – Đan nói rin rít. – Thằng cha vẫn chưa biết cô nàng là đĩ hả? -Anh ta chưa biết. -Đấy ông thấy chưa. “Dù anh có nghĩ mình tinh ranh khôn khéo đến thế nào đi chăng nữa, bao giờ cũng vẫn có kẻ bợm hơn anh”. Piơx cười sằng sặc, - à mà Giônơx dạo này ra sao? -Vẫn chả làm gì, ngoài việc kiếm thêm ối tiền. Nhưng ông đã biết tính Giônơx rồi đấy. Anh ta vẫn không vui. -Tại sao không? -Anh ta cậy cục xin gia nhập không quân, nhưng người ta từ chối anh ta. Người ta không phong hàm sĩ quan cho anh ta, nói rằng anh ta hiện đang vô cùng cần thiết trong công nghiệp chiến tranh. Thế là anh ta đùng đùng bỏ Oasinhtơn đi, bay tới Niu Yooc ghi tên đăng lính với chức vụ binh nhì. Cái thằng ngu! -Nhưng giờ anh ta có ở trong quân đội đâu. -Tất nhiên không. Anh ta bị trượt vì sức khoẻ - màng tai bị rò, hay một cái gì vớ vẩn đại loại như vậy. Và thế là người ta xếp anh ta vào loại 4-F. Còn tuần sau, người ta sẽ nhận Rogiơ Forextơ lại vào quân đội với chức thiếu tướng đấy. -Tôi nghe đồn là Đêvit cũng sắp đi khám sức khoẻ thì phải. -Nay mai thôi, cái thằng đần ấy. Anh ta có thể xin hoãn quân dịch rất dễ dàng. Có vợ, có con nhỏ; nhất là bây giờ ngành này cũng đang phát triển rất ghê. Nhưng anh ta không xin xỏ. – Bonơ nhìn qua bàn sang Piơx. – Thậm chí cả lão Nêvađa cũng đem đoàn Miền tây hoang dã đi biểu diễn phục vụ binh sĩ không lấy tiền. -Như thế càng chứng minh là vẫn còn những thằng nghĩ là quả đất dẹt đấy. – Đan thốt lên. Lão ngoắc tay với anh bồi gọi rót thêm một chầu rượu nữa. – Tất cả những con người ấy đều do chính tay tôi dắt vào ngành. Bây giờ họ có tất cả mọi cái. Còn tôi? Vẫn đang phải làm cái nghề môi giới hợp đồng thế này. Bonơ nhìn lão. Ông chả việc gì mà thương hại Đan. Lão hiện vẫn là một trong những đại lý phát đạt nhất ở Hôliut. “Vâng ạ”, ông dằn giọng châm biếm, “tim tôi đang ứa máu vì xót xa cho ông đây. Nhưng Đan ơi, tôi đã được nghe câu chuyện đời ông từ trước rồi. Tôi đến đây không phải vì thế đâu”. Là một người môi giới, Đan đủ tinh ranh để biết rằng lão đang có nguy cơ mất người nghe đến nơi. Lão im bặt những lời phàn nàn, hạ thấp giọng thì thào bí mật: “Anh đã đọc bản thảo ấy chưa?”. Bonơ nhặt tập giấy cạnh ông trên cái ghế, đặt lên bàn: “Rồi”. -Tuyệt diệu, phải không nào? – Piơx hỏi, giọng bắt đầu lộ vẻ háo hức chào hàng. -Tốt đấy. – Bônơ gật gù cao đạo. – Tuy vậy cũng còn phải tốn nhiều công sức vào đó mới nên chuyện được. -Kịch bản nào mà không thế, hả? – Piơx mỉm cười hỏi lại. Lão cúi người về phía trước. – Này, theo tôi, cái kịch bản này cần một đạo diễn mạnh tay như anh. Oagnơ ở Hãng Univơxơl cứ phát điên phát cuồng vì nó. Cả Zimbalixt ở Mêtrô cũng vậy. Nhưng tôi thấy nó không thể hợp với họ. Họ không có cái nhạy cảm và khả năng thể hiện như anh. -Thôi ông Đan ơi, cắt cái phần nịnh nhau ấy đi. Cả hai chúng ta đều biết rõ rằng kịch bản này chỉ tốt nếu như ta kiếm được một cô gái nhất định đóng nó. Và ta cũng biết cô gái ấy là ai rồi. -Là Đen tơn. – Piơx nói nhanh. – Đấy cũng là ý nghĩ của tôi. Chính vì thế mà tôi mới đem nó đến cho anh. Cô ta đang có hợp đồng với xưởng của anh. -Nhưng Giônơx là người tối hậu quyết định phim nào cô ta sẽ đóng. Và anh ta đã từng quẳng đi mấy cái kịch bản khá hay rồi. -Thằng cha ấy định cố làm gì thế không biết? – Piơx thốt lên. – Cho con bé vào tủ, khoá lại dành riêng cho mình ư? Người ta không thể làm thế với một ngôi sao được. Sớm muộn rồi nó cũng sẽ bùng ra thôi. Bonơ nhún vai: “Ông biết tính Giônơx rồi đấy. Không ai dám hỏi tại sao”. -Biết đâu anh ta sẽ thích cái kịch bản này thì sao. -Thậm chí ngay cả khi anh ta thích. – Bonơ đáp. – Nhưng tới lúc anh ta biết được rằng ông là người môi giới, thì toàn bộ chuyện này cũng sẽ bay vèo qua cửa sổ. -Nếu con bé ép anh ta, nói rằng nó không thể không đóng phim này thì sao hả? Bonơ nhún vai: “Ông cũng đoán ra được chẳng kém gì tôi. Nhưng tôi không đưa nó cho cô ta đâu. Tôi không muốn dính vào chuyện lôi thôi chỉ vì một cái kịch bản. Dù nó có hay đến thế nào đi chăng nữa, bao giờ cũng còn những cái khác không kém hay hơn”. Piơx chằm chằm nhìn ông, đôi môi mỏng dính của lão mím lại khắt nghiệt. “Tôi đã có cách để ta có thể bắt cô ta phải nhìn theo lối của ta rồi. Tôi đang nắm được một…”. Bonơ cắt ngang: “Đừng nói thêm gì với tôi nữa. Nếu xẩy ra được thế, thì hãy để nó là một sự ngạc nhiên thú vị đối với tôi. Tôi không muốn biết một tý gì về những trò ấy đâu nhé”. Piơx chằm chằm nhìn ông hồi lâu. Rồi lão vươn người, ngả lại vào thành ghế một cách thoải mái. Lão cầm thực đơn lên xem. “Ôkê, anh Morixơ”, lão mỉm cười, “anh ăn gì nào?”. Đám thư từ báo chí đã nằm trên cái bàn nhỏ trong phòng khách khi Gieny từ xưởng phim trở về. Cô bước tới cái bàn, ngồi xuống. “Ta sẽ ăn chiều vào khoảng tám rưỡi nhé”, cô thốt lên, “tôi muốn tắm một cái, rồi nghỉ một lúc đã”. -Thưa cô, vâng ạ[98]. – Maria đáp, lạch bạch bước đi. Gieny nhìn chỗ bưu phẩm. Có hai cái phong bì. Một cái to tướng, làm bằng bìa nâu mà theo kinh nghiệm, cô đoán là đựng một kịch bản. Cái kia là một bức thư. Cô mở bức thư trước. Ngay trên đầu là dòng chữ: Trường Cao đẳng y tá mang tên Thánh Mary. Mắt cô sáng lên, lướt nhanh xuống dưới. Đúng là nét chữ chính xác của xơ Krixôphơ rồi. GIENY THN YÊU. Bức thư ngắn này là sự diễn tả nỗi hoan nghênh của các nữ sinh và những người làm việc ở Trường Cao đẳng y tá Xanht Mary về việc em đã có nhã ý bố trí chiếu riêng một buổi bộ phim của em cho chúng tôi xem. Mẹ bề trên và các xơ, trong đó có bản thân tôi, vô cùng xúc động bởi sự thể hiện cảm động cái tình yêu và niềm tin vào Đấng cứu thế của chúng ta – Giêsu Krixt – mà em đã diễn đạt trong một chân dung phải nói là khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng vô cùng. Tuy vậy, đáng tiếc là những người làm bộ phim đã thấy cần phải cho vào phim mà chúng tôi nghĩ là có thể bỏ đi một cách dễ dàng mà không ảnh hưởng tới cốt chuyện về Mary Magđơlen. Nhưng nhìn chung, chúng tôi vô cùng hài lòng thấy rằng trong thời buổi khó khăn như thế này, lại có một sự thể hiện cao quý đến thế về Ơn cứu rỗi tìm thấy trong Lòng Kính Chúa cho tất cả mọi người chúng ta xem. Thôi, tôi phải dừng bút vì sắp phải có mặt ở Phòng phẫu thuật rồi. Từ ngày có chiến tranh đến nay, tất cả chúng tôi ở trường cũng như ở nhà thương, đều phải làm hai ca một ngày vì thiếu người. Nhưng với Lòng Nhân từ của Chúa, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi sức mình lên để thực hiện Tình thương cao cả của Người. Mẹ Bề trên gửi tới em những lời cầu nguyện thiêng liêng nhất của Người và Người cầu mong rằng em sẽ tiếp tục tìm thấy sự thành công và hạnh phúc trong nghề mới của em. Ơn kính Chúa đời tôi Xơ M. KRIXTÔPHƠ Trong óc cô thoáng hiện lên hình ảnh khuôn mặt thanh thản, đầy vâng chịu của bà. Cô bồi hồi nhớ lại những năm đi học. Không hiểu sao, chúng có vẻ như đã lùi xa, rất xa vào dĩ vãng. Dường như cô đã trở thành một con người khác hẳn với cái cô bé mắt mở to, hồi hộp lần đầu tiên đến đứng trước Mẹ Bề trên ngày nào. Cô nhớ lại những giờ học yên tĩnh, những giờ thực hành dài đằng đẵng, những buổi trực đến nhược người, quần quật ở nhà thương. Đã nhiều lần, cô phát khóc lên vì căm uất trước nỗi bất lực của mình không học hết được tất cả những gì được dạy cho cô. Chính vào những lúc ấy, cái bề ngoài khắc kỷ vụt biến mất khỏi mặt bà, và bà sẽ đặt bàn tay lên vuốt ve vai cô, dịu dàng an ủi: “Gieny, hãy làm việc chăm hơn nữa, cầu nguyện chăm hơn nữa, em… Và rồi em sẽ học được hết. Chính em có trong em cái khả năng bẩm sinh biết hàn gắn, chăm sóc những người khác đấy”. Và thế là cô cảm thấy dễ chịu hơn, sức lực cô trở lại khi nhớ tới bà đã tận tuỵ đến thế nào, hiến dâng hết con người bà đến mức nào cho bệnh nhân và học trò. Hình như dù Gieny trực bất kỳ lúc nào, ngày hay đêm, bà đều luôn ở bên cô. Gieny với lấy một điếu thuốc lá. Nhất định là tất cả những con người ấy đang vất vả đến kinh khủng, nếu đoán qua thư bà viết cho cô. Bà vốn là người hầu như không bao giờ nói đến sự mệt nhọc cố gắng của mình. Cô đột nhiên cảm thấy bứt rứt, nhớ tới cuộc sống tương đối nhàn hạ mình đang sống bây giờ. Cô cúi xuống nhìn hai bàn tay thon thon, rắn chắc của cô. Bây giờ hầu như cô không còn dùng gì đến chúng nữa. Dường như những kiến thức, những thủ thuật chúng biết làm đang rào rạo, ngứa ngáy trên mấy đầu ngón tay. Nhất định là phải có cách nào đó giúp được các xơ. -Đây rồi. Cô vồ lấy máy điện thoại ngay lập tức, quay số rất nhanh. “Roda đấy phải không? Gieny đây”. -Cậu có khoẻ không Gieny? Anh Đêvit đã kể cho mình biết là cậu suýt nữa thì phá tan Quân đội Hoa kỳ bằng cái đêm biểu diễn của Bôb Hôp ấy như thế nào rồi. Gieny bật cười. “Các anh chàng tội nghiệp ấy đã xa đàn bà quá lâu đấy thôi mà”. -Đừng có lỡm mình như vậy nhá. Báo chí trong ngành đã ca ngợi buổi trình diễn xuất sắc của cậu rồi. -Đừng có nói dối mình là Đêvit đã bảo cậu đọc chúng nhá. -Hẳn rồi. – Roda đáp. – Không phải tất cả các bà vợ trong ngành đều làm thế sao? Đấy là cách duy nhất để họ biết được là các ông chồng mình đang làm gì. -Cháu Bơny biết làm gì rồi? -Tại sao cậu không đến đây một tối nào đó ăn cơm với chúng mình để tận mắt nhìn thằng cu nhỉ? Đã lâu lắm rồi đấy. -Mình sẽ đến. Nhất định là mấy hôm nữa thôi. – Cậu có muốn nói chuyện với anh Đêvit không? -Nếu như anh ấy có ở đấy. – Gieny đáp nhã nhặn. -Xin chào cô nàng nhé. – Roda đáp. Và nhớ đến ăn cơm ngay đấy. Đêvit đây rồi. -Thế nào, niềm tự hào và niềm vui của xưởng Noman, cô có khoẻ không hả? -Khoẻ lắm. Đêvit, em xin lỗi là đã quấy rầy anh lúc anh nghỉ thế này. Nhưng đúng là em có một việc nhỏ em nghĩ là anh có thể khuyên em được. Giọng anh trở nên nghiêm túc ngay: “Cô nói đi”. Cô hắng giọng: “Em đã từng đi học ở Trường Cao đẳng y tá mang tên thánh Mary bằng một học bổng. Giờ em đang nghĩ không biết mình có thể thảo luận với xưởng phim để dàn xếp việc hàng tuần bớt đi một số tiền trong món lương của em, gửi cho họ; theo kiểu ta vẫn làm với Quỹ cứu tế điện ảnh ấy mà. Đấy là cách em đền bù ít nhiều cho những gì họ đã làm cho em. -Thế thì dễ không ấy mà. – Đêvit bật cười, giọng tỏ vẻ nhẹ hẳn nỗi lo. – Sáng mai cô chỉ cần gửi đến văn phòng cho anh một mẩu giấy nói cô muốn bớt đi bao nhiêu. Còn lại là việc của bọn anh. Còn gì nữa không? -Không ạ. Chỉ có thế thôi. -Tốt lắm. Giờ thì nhớ sớm đến ăn cơm, như Roda nói nhé. -Nhất định em sẽ tới, anh Đêvit ạ. Chào anh. Cô đặt ống nghe xuống, nhìn lại bức thư. Cô bắt đầu thấy dễ chịu hơn. Ít nhất, nếu như cô không thể có mặt ở đó giúp đỡ được, thì tiền của cô cũng có lợi chút ít. Cô đặt bức thư xuống, cầm cái phong bì nâu lên, xé toang ra. Đúng mà, một kịch bản phim, một kịch bản dài. Cô tò mò đọc cái tên của nó trên tờ bìa xanh Anphrôđit[99] kịch bản phim, dựa trên tiểu thuyết của Pierơ Luiz. Cô mở sang trang một. Một mảnh giấy rơi ra. Mấy dòng chữ ghi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề: Thưa cô Đentơn thân mến, Đã lâu, cô không làm một bộ phim nào nữa; và tôi thấy rằng cô chờ một kịch bản phù hợp, xúng đáng tiếp theo thắng lợi to lớn của cô trong Người có tội như vậy là rất khôn ngoan. Anphrôđit tôi tin chắc, chính là cái kịch bản ấy. Nó là cái kịch bản duy nhất mà tôi đã từng thấy, có cái tầm và cái chất sẽ đem thêm vinh quang rực rỡ cho đời biểu diễn của cô. Tôi đang nóng lòng chờ ý đáp lại của cô. Chân thành. ĐAN PIƠX. Cô gấp bức thư lại, kẹp nó vào tập bản tháo. Cái lão Đan Piơx này thật ranh ma. Lão biết cách đưa kịch bản vào đúng chỗ của nó, hơn là gửi thẳng như thường lệ tới xưởng. Cô cầm nó lên, đứng dậy, đi lên gác. Ăn xong, trước khi đi ngủ cô sẽ đọc. 13 THƯA ÔNG ĐAN PIƠX THN MẾN, Xin cám ơn ông đã gửi cho tôi bản thảo kịch bản phim Anphrôđit[100] mà tôi đang gửi trả lại đây. Nó là một kịch bản phim vô cùng thú vị. Song nó không phải là cái mà tôi thấy mình háo hức muốn đóng. GIENY ĐENTƠN. Cô thầm băn khoăn tự hỏi không biết mình từ chối phắt như vậy có đúng không. Cô có những cảm giác lẫn lộn về nó. Ban đêm, lúc nằm trên giường, đọc nó lần đầu, cô không thể bỏ nó xuống được. Câu chuyện ấy có một vẻ rạo rực hấp dẫn gợi cô nhớ lại lời miêu tả của Xtanđơxt về cô gái điếm sang trọng đã góp phần thống trị thế giới này. Kich bản phim hình như đã thể hiện hết được cái hình tượng kích động và chất thơ của nguyên bản tiểu thuyết, vậy mà vẫn khéo léo vượt ra ngoải những giới hạn của Luật làm phim. Nhưng rồi càng đọc, cô càng thấy bớt háo hức. Không thể phản đối được bất kỳ một dòng, một cảnh nào của nó cả. Bề mặt thì thế. Nhưng rồi đi sâu vào trong, cô thấy hiện lồ lộ ra cái cốt chuyện phụ đầy tính chất khiêu dâm, sẽ tác động một cách tinh vi vào tiềm thức của khán giả. Đến khi đọc xong kịch bản, cô có cảm giá rằng đấy chính là mục đích duy nhất của người viết. Rồi cô ngủ thiếp đi trong một tâm trạng bối rối bất an rất lạ. Sáng hôm sau, cô trở dậy cũng với tâm trạng ấy. Đến xưởng, cô yêu cầu thư viện gửi cho cô cuốn tiểu thuyết nguyên bản, bỏ ra cả ngày hôm đó với nửa ngày hôm sau ngồi đọc. Sau đó, cô đọc lại cái kịch bản phim. Và mãi tới lúc ấy, cô mới nhận ra rằng vẻ đẹp và mục đích của cuốn sách đã bị bóp méo đi một cách thô bạo trắng trợn tới mức nào. Tuy vậy, trong tâm trí cô vẫn không hề có một chút nghi ngờ nào về việc nó có thể sẽ trở thành một bộ phim lớn. Và càng ít nghi ngờ hơn, rằng cô diễn viên nào đóng vai Anphrôđit sẽ trở thành người được nói đến nhiều nhất, quan trọng nhất trong mùa chiếu này. Nữ thần Anphrôđit của kịch bản thực sự là môt nữ thần và một người đàn bà có đầy đủ tất cả những cái mà toàn bộ đàn ông mơ ước. Nhưng, thế đã đủ đâu. Bởi vì trong kịch bản phim, cô không tìm thấy tâm hồn của Anphrôđit ở chỗ nào cả, không có một khoảnh khắc nào của tình yêu thuần tuý tâm hồn, của sự chiêm ngưỡng sẽ nâng Anphrôdit vượt qua khỏi bản thân lên thực sự ngang hàng với các thần thánh. Nàng ta xinh xắn, nồng nàn, thông minh, say đắm, thậm chí tiết hạnh nữa – theo cái quan niệm riêng của nàng ta. Nhưng nàng ta chỉ là một con gái điếm, không hơn bất kỳ gái điếm nào từ thuở khai thiên lập địa đến nay, không hơn bất kỳ gái điếm nào mà Gieny đã biết, không hơn gì chính Gieny thuở xưa. Và những gì trong kịch bản đã đọc làm Gieny, từ tít trong ngách sâu thẳm của lòng mình, bất giác thất kinh. Bởi cô đã nhìn thấy bản thân cô - ở một thời khác và ở một nơi khác thôi – những gì cô đã từng làm, và vẫn đang còn là như vậy. Cô đặt cái phong bì xuống bàn trang điểm, ấn nút gọi một anh chạy giấy vào định bảo mang nó đi thì chuông điện thoại kêu vang. Cô nhấc ống nghe lên. Nhận ra giọng anh, cô bất chợt cảm thấy rằng cô đã nhớ anh cồn cào đến thế nào. “Ôi… Giônơx! Anh ở đâu vậy? Anh đã về khi nào vậy?” - Anh đang ở Bơbank, trong nhà máy. Anh muốn gặp em. - Ôi Giônơx! Em cũng muốn gặp anh lắm. Chờ cả ngày nay thì dài dằng dặc quá. - Ơ kìa, việc gì phải đợi đến tối nhỉ? Em không đến đây ăn trưa với anh được ư? - Anh biết là em đến được mà. - Một giờ nhé? - Em sẽ đến. – Cô thốt lên, đặt máy xuống. - Giông, anh có thể để nó ở đây được rồi. – Giônơx nói. – Tự chúng tôi sẽ xách tiếp. - Thưa ông Cođơ, vâng ạ. – Anh phục vụ nhìn Gieny, rồi lại nhìn Giônơx. – Liệu rồi… - anh ta ngập ngừng, - … liệu tôi làm phiền hỏi xin chữ ký của cô Đentơn có sao không ạ? Giônơx phì cười: “Hỏi cô ấy xem”. Anh phục vụ đưa mắt dò hỏi nhìn Gieny. Cô mỉm cười, gật đầu. Anh ta liền rút một cái bút chì và giấy từ trong túi ra, cô nhanh nhẹn ký tên mình vào đó. “Xin cám ơn cô, cô Đentơn”. Cô bật cười khanh khách khi cửa đã đóng lại đằng sau họ. “Cho chữ ký luôn làm em thấy mình cứ như nữ hoàng ấy thôi”. Cô nhìn quanh: “Căn phòng đẹp quá”. - Không phải của anh đâu. – Giônơx đáp, rót cà phê vào hai cái tách. – Của Forextơ đấy. Anh vừa mới dùng nó khi anh ấy không có ở đây. - Ồ, thế ư? – Cô tò mò hỏi. – Vậy của anh ở đâu? Anh chả có cái văn phòng nào cả, trừ có mỗi một cái vốn là của ba anh, ở cái nhà máy cũ, bang Nêvađa ấy. Anh chưa bao giờ ở chỗ nào lâu đến mức thực sự cần có một cái văn phòng. – Anh kéo một cái ghế lại sát cô, ngồi xuống. Anh uống cạn tách cà phê của mình, rồi lặng lẽ nhìn cô. Cô có thể cảm thấy mặt mình từ từ đỏ lên ngượng ngập. “Nom em làm sao phải không? Son phấn bị nhòe à, hay là có cái gì vậy anh?” Anh lắc đầu, tủm tỉm cười. “Không. Nom em hay lắm”. Cô nhấp cà phê của mình. Một không khí im lặng ngượng ngập xuất hiện giữa hai người. “Thời gian qua đã làm những gì thế ạ?” cô hỏi. - Nghĩ ngợi, phần lớn là như vậy. Về chúng mình. – Anh nhìn thẳng vào cô không rời. – Em, Anh. Lần cuối cùng xa em vừa rồi, là lần đầu tiên trong đời, anh cảm thấy cô đơn. Không cái gì còn đâu vào đâu nữa. Anh chả còn thấy thiết muốn gặp bất kỳ cô gái nào nữa. Mà chỉ nhớ em. Đến mình em. Tim cô dường như đột nhiên nở phồng lên, làm cô nghẹn thở. Cô có cảm giác rằng nếu định cử động, cô sẽ lăn ra ngất mất. Giônơx cho tay vào túi, lấy ra một cái hộp nhỏ, rồi chìa cho cô. Cô cúi xuống nhìn nó trân trân không thốt lên lời. Dòng chữ mạ vàng lấp lánh đập vào mắt cô Van Cleè & Arples. Những ngón tay cô run bắn lên, cô mở hộp. Viên kim cương cắt hình trái tim lộng lẫy đột ngột tỏa sáng. “Anh muốn cưới em”, anh nói khẽ. Cô nhìn anh, mi mắt rưng rưng những giọt lệ nóng bỏng, đầy biết ơn. Môi cô run rẩy, mấp máy, nhưng không thốt lên lời. Đó là cái tin choán hết và chiếm gần trọn nội dung cột báo của Luêla ngày hôm sau. Suốt buổi sáng, cái têlêphôn trong phòng phục trang của cô réo liên hồi đến nỗi cuối cùng cô phải bảo tổng đài cắt tất cả các lời gọi cô đi. Giọng cô tổng đài mang một vẻ kính trọng mới. Cô vừa định đặt ống nghe xuống thì nghe thấy cô ta gọi: “Thưa cô Đentơn”. - Gì đấy? - Chị em tổng đài chúng tôi xin chúc mừng cô. Chúc cô gặp những may mắn nhất ạ. Người cô đột nhiên ấm sực lên một cảm giác hạnh phúc. “Ôi, xin cám ơn các bạn”. Đến chiều, Roda gọi điện tới. “Mình rất vui, mừng cho cả hai người lắm”. – Mình cứ đang đờ đẫn cả người đây này. – Gieny bật cười khanh khách, nhìn viên kim cương lấp lánh trên tay. - Cậu đã biết cái lời mời ăn tối ấy rồi chứ? - Có. - Anh Đêvit và mình đang nghĩ. Thế nào, cậu có thích làm cho nó trở thành một bữa tiệc đính ước không? Tại khách sạn Rômanôf, với tất cả các nghi lễ. - Mình cũng chả biết nữa. – Gieny ngần ngừ. – Có lẽ tốt hơn là để mình hỏi lại anh Giônơx xem sao đã. Roda phá lên cười. “Giônơx ư? Anh ấy giờ là cái quái gì hả? Chỉ là chú rể. Không có ma nào đã từng hỏi chú rể xem anh ta muốn gì đâu. Nếu cậu không muốn, thì không nhất thiết phải làm to đâu”. - Thôi được, Gieny cười theo. – Cậu đã vặn được tay mình rồi. - Và cậu sẽ có dịp khoe cái nhẫn đính hôn của cậu. Mình nghe đồn là nó thực sự là một báu vật tuyệt đẹp. Gieny giơ tay lên, viêm kim cương lóe hào quang đập vào mắt cô. “Nó đẹp lắm”, cô đáp. - Chú Bơny nhà mình đang gào đòi đi dự bữa tiệc ấy đấy. Thôi nhé, tối nay về nhà mình sẽ gọi điện nữa cho cậu; và ta sẽ cùng sửa soạn bố trí mọi cái. - Cám ơn Roda vô cùng. Tạm biệt nhé. Đêm ấy, khi về đến cổng nhà, cô thấy có một cái ô tô lạ đỗ ở đường vào. Cô lái xe vòng qua lối sau, vào gara. Cô đi ra cửa sau vào nhà. Nếu lại là một tay phóng viên nào đó, thì nhất định cô sẽ không tiếp nữa. Bà già Mêhicô đang lúi húi trong bếp. “Thưa cô, có một ông Piơx nào ấy đang ở phòng khách đợi cô đấy ạ”. Không hiểu ông ta muốn gì nhỉ. Có lẽ ông ta chưa nhận được cái bản thảo ấy và ghé lại lấy chăng. Piơx đang ngồi trong cái ghế bành, một bản nữa của cái bản thảo mở toang, đặt trên đùi. Lão đứng dậy, gật đầu. “Chào cô Đentơn” - Chào ông Piơx. Ông đã nhận được cái bản thảo ấy chưa nhỉ? Tôi đã gửi trả lại ông mấy ngày rồi mà. Lão già mỉm cười. “Tôi đã nhận được rồi. Nhưng tôi nghĩ biết đâu ta sẽ lại bàn thêm về nó. Tôi đang hy vọng là có thể thuyết phục được cô thay đổi ý định ban đầu đấy”. Cô lắc đầu. “Tôi chỉ e không được đâu”. - À trước khi ta nói về nó. – Lão nói nhanh. – Cho phép tôi chúc mừng cô nhân dịp cô đính ước chứ ạ? - Xin cám ơn ông. Nhưng bây giờ tôi phải xin phép ông thứ lỗi cho tôi. Tôi thực sự sắp có hẹn ạ. - Tôi chỉ xin cô một phút thôi. – Lão cúi xuống, lôi lên cái hòm nhỏ nằm trên sàn, khuất sau ghế. - Nhưng thưa ông Piơx thực sự là… - Tôi chỉ quấy quả dăm phút thôi mà. – Giọng ông ta có một vẻ chắc chắn rất lạ. Dường như ông ta biết rất rõ ràng cô sẽ không dám từ chối ông ta. Ông ta ấn nút, cái nắp hòm bật mở ra. – Cô Đentơn, cô có biết cái gì đây không ạ? Cô lặng thinh không đáp, bắt đầu bực mình. Nếu đây là ý khôi hài của lão già, thì cô chắc chắn là sẽ chả thấy thích thú gì cả. “Đây là một cái máy chiếu phim tám ly”. – Lão nói đều đều, lắp ống kính đánh tách. “Cái loại vẫn thường dùng để chiếu phim trong nhà ấy mà”. - Rất hay đấy. Nhưng tôi hầu như chả thấy nó dính dáng gì đến tôi cả. - Rồi cô sẽ thấy thôi. – Lão hứa, ngước mắt lên nhìn cô. Cặp mắt lão lạnh lùng. Lão quay đi, ngó quanh tìm ổ cắm điện. Lão thấy có một cái ở ngay sau chiếc ghế liền nhanh nhẹn cắm cái phích điện của máy chiếu vào. - Tôi cho rằng bức tường trắng ở đằng sau cô kia có thể làm màn ảnh rất tốt đấy nhỉ, phải không cô Đentơn? – Lão xoay cái máy về phía cô, bật công tắc đánh tách một cái. – Trước khi tới đây, tôi đã tự cho phép mình lắp một cuốn phim vào máy rồi. Tiếng cuốn phim chạy xè xè, Gieny quay người nhìn hình ảnh đang được hắt lên tường. Hai cô gái đang nằm trên một cái đi văng, trần truồng, tay ôm nhau, mặt không thấy rõ. Tâm trí cô vang lên một tiếng chuông cảnh giác. Nom hình ảnh này có cái gì quen thuộc quá. - Tôi kiếm được cuốn phim này từ một người bạn ở Niu Ooclin. – Piơx nói ráo hoảnh ở đằng sau cô. Đúng lúc ấy, một người đàn ông bước vào cảnh. Ông ta cũng trần truồng, và một cô gái quay lại, nhìn thẳng vào ống kính máy quay. Gieny bất giác há hốc miệng, sững sờ. Cô gái đó chính là cô. Rồi cô nhớ ra. Đó là thời cô ở Niu Ooclin. Cô quay lại mắt trừng trừng nhìn Đan Piơx, mặt tái nhợt. - Thậm chí ngay từ khi ấy cô đã rất ăn ảnh. Đáng nhẽ khi ấy cô nên xem lại xem, để chắc là người ta không quay phim thì mới phải. - Khi ấy không hề có. – Cô há hốc miệng, kinh ngạc. – Aiđa đáng nhẽ phải cấm mới đúng… - Cô im bặt, lặng thinh nhìn lão, miệng và cổ họng chợt khô nghét lại. Đan ấn một cái nút, phim dừng lại, ánh sáng mờ dần. “Tôi thấy cô có vẻ chả thích thú gì với loại phim chiếu trong nhà thổ này lắm thì phải”. - Ông muốn gì? – Cô bật hỏi. - Cô. – Lão bắt đầu đóng hộp máy lại. Rồi sực nhớ, lão vội nói thêm. – Không phải cái ý thông thường của từ ấy đâu. Mà là tôi muốn cô đóng vai Anphrôđit. - Nhưng nếu tôi không được chọn thì sao? - Cô xinh xắn, cô là ngôi sao, cô đã đính ước. – Lão già hờ hững nói. – Cô có thể sẽ chẳng là ba người như thế nữa, nếu bộ phim này lọt vào những bàn tay không thân thiện. Cùng với bản tóm tắt những hoạt động nghề nghiệp của cô. – Mắt lão lóe lên nhìn cô, lạnh ngắt. – Không có một người đàn ông nào, thậm chí điên cuồng như Giônơx Cođơ, lại muốn lấy một con đĩ đã ăn nằm với cả thành phố này làm vợ hết. - Tôi đang nằm trong hợp đồng với hãng Noman. Hợp đồng của tôi không cho phép tôi đóng một bộ phim nào ngoài xưởng cả. - Tôi biết. – Đan bình thản đáp. – Nhưng tôi tin chắc rằng Cođơ sẽ ra lệnh mua kịch bản ấy. Bonơ sẽ dựng nó. - Nếu anh ấy không làm thế thì sao? Giônơx có những quan niệm riêng hơi khác về điện ảnh. Một nụ cười thoáng hiện trên mép lão già. “Khi ấy hãy buộc anh ta phải thay đổi chúng đi”. Cô từ từ hít vào ngực. “Và nếu tôi làm thế?” - Ồ, thì cô sẽ nhận được cuốn phim này, tất nhiên. - Cả âm bản nữa chứ? Lão già gật. - Làm sao tôi biết được là không còn có những bản sao nữa hả? Lão già ngước mắt lên, tán thưởng. “Tôi thấy đúng là cô đã học được khá nhiều. Tôi đã bỏ ra năm nghìn đôla để mua cái hộp phim nho nhỏ này. Mà tôi hẳn là đã không làm thế nếu không biết chắc là chẳng còn bản sao nào nữa cả. Ngoài ra, việc gì phải cạn tàu ráo máng với nhau cơ chứ? Biết đâu đến một lúc nào đó, chúng ta lại muốn làm ăn với nhau thì sao?” Lão đóng cái hòm lại. “Tôi sẽ để kịch bản lại cho cô”. Cô lặng thinh không đáp. Lão quay lại, tay cầm nắm cửa, nhìn cô: “Tôi đã bảo cô là chỉ phiền cô có dăm phút thôi mà”. 14 Đan Piơx loạng choạng đứng dậy, gõ cái thìa nhỏ xíu vào thành cốc rượu kêu lanh canh. Lão đưa mắt nhìn cả dãy bàn quàu quạu như cú. Lão đã say mèm, say đến sướng người, tràn trề đắc chí như chỗ rượu uyxky Xcotch lão đã thoải mái dốc vào họng từ đầu bữa tiệc. Nhìn thấy mọi con mắt đã châu vào mình, lão hục hặc gật đầu: “Đan Piơx này… ày, không bao giờ quên… ên ai là bạn của mình. Ông ta bao giờ cũng là đu… úng mọi cái. Ta đã mang… ang đến tặng đôi bạn trẻ mỗi… mỗi người một vật kỷ… ỷ niệm”. Lão quay người, búng tách ngón tay. - Thưa ông Piơx, vâng ạ. – Bác bồi bàn trưởng đáp nhanh, vẫy tay ra hiệu. Một anh bồi tiến lại cầm hai cái gói trong tay. Anh ta nhìn dòng chữ trên đó, rồi đặt cái gói to màu vàng trước mặt Giônơx, cái gói nhỏ hơn màu trắng bạc cạnh Gieny. - Xin cám ơn ông, ông Đan ạ. – Giônơx đáp. - Giônơx, anh hãy mở ra đi… mở ra ngay đi. – Đan lè nhè. – Tôi muốn mọi… mọi người đều nhìn thấy tặng phẩm. Đột nhiên Gieny cảm thấy dấy lên trong mình một linh tính rất lạ về điềm gở. “Thôi ông Đan ạ, để rồi sau chúng tôi sẽ mở chúng”. - Không được. – Đan khăng khăng. – Bây giờ cơ. Cô nhìn khắp dãy bàn một lượt. Tất cả đều đang chăm chú nhìn một cách tò mò. Cô nhìn Giônơx. Anh nhún vai, nhoẻn cười với cô. Cô bắt đầu mở cái gói tặng phẩm của mình. Nó được buộc chặt quá, cô vươn người với lấy một con dao để rạch nó ra. Đúng lúc ấy, Giônơx đã tháo xong vỏ bọc món quà của mình. “Ô” anh kêu to, phá lên cười, giơ lên cho tất cả mọi người xem. “Một chai sâm banh hai lít rưỡi!” Quà tặng cô được đặt trong một cái hộp nhỏ nhung xinh xắn, khảm gỗ đào hoa tâm. Cô mở nó ra, trố mắt nhìn, cảm thấy máu bợt hết ra khỏi mặt. Giônơx dỡ lấy cái hộp từ tay cô, giơ lên cao cho mọi người nhìn rõ. “Một bộ dao Ăng-lê”, anh kêu to, nhoẻn cười với Đan. “Nhất định là mấy anh bồi đã xếp nhầm tên hai chúng tôi với nhau. Một lần nữa, xin cảm ơn ông, ông Đan ạ”. Đan ngồi thụp xuống, tủm tỉm cười. Gieny thấy quan khách đổ dồn mắt vào mình. Cô ngẩng đầu lên, nhìn khắp dãy bàn một lượt. Dường như cô đã đọc được những gì họ đang nghĩ trong đầu. Trong mười hai cặp mắt ngồi quanh cái bàn lớn này đây, cô đã biết năm người đàn ông trước khi đóng thử đoạn phim ấy. Irving Xchuatz, Bonơ, ba người khác – những quan chức cao cấp của các hãng phim khác. Bẩy người còn lại đều biết chuyện. Một số bà vợ của họ nữa. Nhìn vào mắt họ, cô biết. Chỉ có trong mắt hai người, cô thấy ánh lên niềm thông cảm, xót xa. Đêvit và Nêvađa Xmith. Đêvit thì cô có thể hiểu được lý do. Nhưng cô không hiểu ra được tại sao Nêvađa lại xót xa thương cho cô. Ông hầu như không quen cô. Dường như ông lúc nào cũng tỏ ra quá lặng lẽ, quá khiêm nhường, thậm chí là ngường ngượng nữa, khi họ gặp nhau ở xưởng. Nhưng giờ, trong cặp mắt đen người da đỏ của ông bỗng quắc lên một nỗi căm giận điên dại sâu thẳm khi ông liếc từ cô sang Đan Piơx. Mười ba người đàn ông, cô thầm nghĩ, và tất cả - trừ có một người – đều biết trước kia cô đã làm gì. Và cái con người thứ mười ba ấy thật là bất hạnh. Anh ấy sắp sửa lấy cô. Có ai đụng khẽ vào tay cô. Giọng Roda phá tan nỗi im lặng đang đe dọa làm đờ đẫn người cô. “Tôi nghĩ đã đến lúc ta vào phòng cháu bé một lát rồi đấy”. Nghẹn ngào, Gieny gật đầu, theo Roda lặng lẽ đứng dậy rời khỏi bàn. Cô có thể cảm thấy ánh mắt của tất cả khách ăn tiệc đang dán vào người cô, theo sau họ. Không cần nhìn trả cái liếc của họ, cô cũng đã nhận ra dăm người quen biết nữa, cô bắt gặp những nụ cười tủm tỉm, hiểu biết, gian ngoan của họ. Đột nhiên, cô thấy buồn nôn. Roda kéo tấm màn che cái góc lại, Gieny lặng lẽ buông mình rơi xuống đi văng. Roa châm một điếu thuốc, đưa cho cô. Cô ngẩng lên nhìn Roda, điếu thuốc trên tay đã bị quên mất. Mắt cô nhòa lệ. “Tại sao thế?” cô đau đớn, kinh hoàng thốt lên. “Mình không hiểu. Mình đã làm gì hại ông ta đâu, hả Roda?” Cô òa lên khóc, âm thầm, tức tưởi. Roda vội ngồi xuống cạnh cô, kéo đầu cô đặt lên vai mình. Đan Piơx khùng khục cười, loạng choạng lần qua cái bãi đỗ xe tối đen, vắng ngắt, mò về phía ôtô của mình. Hãy chờ đến khi lão già này kể câu chuyện vừa rồi trong phòng thường trực ở khách sạn Hilerext sáng mai nhé. Đám đàn ông sẽ chết sặc vì cười mất. Họ trong tâm trạng có ưa gì Giônơx đâu. Thực ra mà nói, họ dung tha cho anh ta, nhưng họ không chấp nhận anh ta là cùng với họ. Hai điều ấy khác hẳn nhau. Tất cả bọn họ đều kính trọng sự thành đạt của anh ta; nhưng sẽ không ai động tay cứu vớt anh ta lúc cần. Đối với Đan Piơx thì khác, họ sẽ giúp lão, mặc dù lão giờ chưa cần. Lão là một thằng trong bọn họ, lão cùng lớn lên trong nghề với họ. Họ có những quy tắc riêng. Họ cố kết với nhau. Hãy chờ đấy, chờ đến khi lão già này kể cho họ nghe con bé ấy lúc đó mặt mũi nom như thế nào. Nó như muốn chui tuột ngay xuống đất, còn thằng kia, suốt thời gian ấy lại cứ nhơn nhơn trơ ra như một thằng thộn, tủm tỉm cười, nghĩ rằng cả thiên hạ thật tử tế vô cùng. Chuyến này rồi sẽ đi tong cả đám cưới. Một bóng đen đột ngột hiện ra trong màn đêm trước mặt lão. Lão căng mắt nhìn, lo sợ khi thấy cái bóng cứ lừ lừ tiến lại. “Ối giời, té ra là anh, Nêvađa. Tôi lại cứ ngỡ là ai cơ chứ”. Nêvađa đứng sững trước mặt lão, lạnh ngắt. Nhớ lại bữa tiệc, Piơx lại phá lên cười. “Cái con ngựa cái ấy, ghê nhỉ?” – Lão cười sằng sặc, đưa tay chống vào người Nêvađa cho khỏi ngã. “Tôi tưởng là nó sẽ phát cuồng lên khi mở hộp, thấy bộ dao cạo ấy. Còn Giônơx, cái… cái thằng đần, thậm chí nó cũng không biết là bị đưa vào … ái… á… á”. Giọng lão rú lên, tắc nghẹn đau đớn khi nắm đấm của Nêvađa thọi thẳng vào bụng lão. Lão bật ngửa người, ngã vập vào một cái ôtô. Cào cào tay túm vào thành xe, lão loạng choạng đứng dậy, trố mắt nhìn Nêvađa. “Anh… anh làm thế để làm… làm gì hả?” Lão thốt lên đau đớn. “Chúng ta là bạn cũ với nhau từ lâu… lâu lắm rồi cơ mà”. Nắm đấm của Nêvađa lại lao vụt tới mặt lão, lão cố cúi đầu xuống tránh, nhưng không kịp. Quả đấm nổ bùng lên trong mắt lão. Rồi bụng lão lại bị một cú nữa tắc nghẹn. Lão cúi gập người về phía trước, nôn ồng ộc. Một cú đấm choáng óc đánh vào thái dương, lão bị tung lên, ngã sấp mặt xuống bãi nôn của chính mình. Lão quều quào, ngẩng đầu lên nhìn Nêvađa thất đảm. Mãi đến lúc ấy Nêvađa mới cất tiếng nói. Ngực Piơx đột nhiên lạnh ngắt vì sợ. “Đáng nhẽ tao phải làm như thế này từ lâu rồi mới đúng”. Nêvađa chằm chằm nhìn xuống lão. “Đáng nhẽ tao đã phải giết mày. Nhưng cái thứ mày, có cho vào phòng hơi ngạt cũng không đáng!”. Ông khinh bỉ quay lưng lại, bỏ đi. Đan chờ mãi cho đến khi tiếng đôi bốt gót cao xa dần, tắt hẳn. Lão từ từ hạ đầu xuống, vùi mặt vào hai bàn tay đặt trên nền bê tông giá ngăn ngắt của cái bãi đỗ xe. “Đây chỉ là chuyện đùa, một chuyện đùa”, lão kêu lên, mê muội, “Nêvađa đùa ta đấy mà”. Giônơx theo sau Gieny bước vào tòa nhà đã tối lại vì tắt bớt đèn. “Em mệt rồi đấy”, anh thốt lên dịu dàng, cúi nhìn gương mặt trắng bệch của cô. “lên giường đi ngủ đi. Sáng mai anh sẽ đến gặp em. Đêm nay thật là một đêm vất vả”. - Không. – Cô đáp cộc lốc. Cô biết mình giờ phải làm gì. Cô quay người, bước vào phòng khách, bật đèn lên. Anh tò mò theo chân cô. Cô quay lại đối diện anh, chuội chiếc nhẫn khỏi tay, chìa ra cho anh. Anh nhìn nó, rồi nhìn cô. “Tại sao vậy?”. Anh bật hỏi, “bởi vì tối nay anh làm cái gì sai hả, phải không?” Cô lắc đầu. “Không”, cô nói nhanh, “anh chẳng có gì liên quan tới việc này cả chỉ xin anh cứ cầm lại nó thôi”. - Nhưng Gieny, anh có quyền phải được biết là tại sao chứ. - Tôi không yêu anh. – Cô đáp. – Như thế đã đủ lý do chưa nào? - Trước kia thì làm gì có thế. - Vậy thì tôi có một lý do xác đáng hơn. – Cô nói cay nghiệt. – Trước khi tôi đóng đoạn phim thử ấy, tôi là một con gái điếm đắt tiền nhất của cái thành phố Hôliut này”. Anh tròn mắt nhìn cô. “Anh không tin”, một hồi lâu sau, anh chậm chạp thốt lên, “em không thể lừa anh được”. - Anh là thằng ngốc! – Cô đáp gọn, - Nếu không tin, cứ hỏi Bonơ hay bất kỳ ai trong số bốn người đàn ông ngồi cùng bàn với ta xem, họ đều ngủ với tôi rồi đấy. Hoặc bất kỳ ai trong số hơn chục người tôi gặp ở khách sạn lúc tối mà xem. - Anh vẫn không tin được. – Anh khàn khàn nói. Cô phá lên cười: “Vậy hãy đi hỏi Bonơ xem tại sao lão Piơx lại tặng tôi món quà ấy. Không làm gì có sự nhầm lẫn đâu. Sau cái sáng Bonơ ra khỏi tòa nhà này, chuyện đã lan ra khắp Hôliut. Bộ dao cạo là định dành cho tôi đấy. Tôi đã cạo hết lông khỏi người Bonơ, rồi tắm cho ông ta trong một cái bồn nước nóng có cả sâm banh đấy”. Mặt anh bắt đầu tái mét, như chực nôn. - Rồi thì anh có nghĩ tại sao tôi bảo để tôi đóng Anphrôđit không? – Cô tiếp tục nói. – Không phải là vì tôi nghĩ nó hay nó đẹp gì đâu. Mà là trả cho Piơx giá của cái này. – Cô bước nhanh lại cái bàn, lôi ra hai cuộn phim nhỏ, cô lăn một cuộn về phía anh. Phim xổ tung ra như một băng côngpheti. – Cái vai nổi tiếng đầu tiên của tôi đấy. – Cô thốt lên mỉa mai, - Một bộ phim khiêu dâm. Cô rút một điếu thuốc từ cái hộp trên bàn, châm lửa. Cô quay lại phía anh. Giọng cô đã dịu đi: “Hay là anh thuộc cái loại người thích được lấy đàn bà kiểu ấy, để hễ bất kỳ khi nào anh gặp một người đàn ông khác, anh cũng có thể thầm hỏi: “Tay này đã… hay chưa? Khi nào? ở đâu? Như thế nào?” Anh bước một bước về phía cô. “Chuyện ấy giờ đã hết rồi. Không sao cả đâu”. - Không sao ư? Anh không cần phải làm thế, chỉ vì tôi đã trở thành một con ngốc trong một phút giây nào đó. Anh nghĩ là anh có thể chịu đựng cái tối hôm nay được bao nhiêu lần, nếu như anh biết trước được tình cảnh của anh bây giờ nào? - Nhưng anh yêu em! - Thậm chí chính anh cũng đã lừa được anh trong chuyện ấy. Anh không yêu tôi. Chưa bao giờ cả. Anh phải lòng với một cái kỷ niệm. Kỷ niệm về một cô gái đã chọn ba anh hơn là chọn anh. Ngay từ lần đầu tiên, có dịp là anh cố sức biến tôi trở thành cái hình ảnh của cô ta. Thậm chí cả lúc ăn nằm với nhau – những cái anh muốn tôi làm ấy. Đúng là anh thực sự nghĩ rằng tôi ngây thơ tới mức không biết đó là những cái cô ta đã làm với anh sao? Chiếc nhẫn vẫn trên tay cô. Cô tháo ra, đặt lên bàn trước mặt anh. “Đây”, cô nói. Anh cúi xuống chằm chằm nhìn cái nhẫn. Viên kim cương hình như đang phát ra những tia giận dữ chọc thẳng vào mắt anh. Anh từ từ ngẩng lên nhìn cô, mặt hốc hẳn đi, hằn những nếp nhăn. “Giữ lấy nó”, anh thốt lên cộc lốc, bỏ đi thẳng. Cô đứng sững ở đó hồi lâu, cho đến khi nghe thấy tiếng ôtô anh rồ máy, chạy ra khỏi cổng. Rồi cô tắt đèn, bước lên gác, để chiếc nhẫn vẫn nằm nguyên trên bàn; và cuộn phim, như một băng côngpheti sau bữa tiệc, nằm loằng ngoằng sõng sượt trên bàn. Cô nằm trên giường, mắt mở to trân trân nhìn ngược vào đêm, ráo hoảnh. Giá bật lên khóc được thì cô sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rồi đấy. Nhưng lòng cô trống rỗng, bị những tội lỗi của chính bản thân cô gặm nhấm trơ trụi mất rồi. Không còn có gì, để cô cho ai được nữa. Cô đã dùng cạn phần tình yêu chứa đựng ở trong cô. Có một thời, thuở rất xa xưa, cô đã yêu và từng được yêu thương lại. Nhưng Tôm Đentơn đã chết, đã vĩnh viễn mất rồi, không còn gọi về được nữa. Cô bật thét lên trong bóng tối: “Bố ơi, cứu con với! Giúp con với, bố ơi! Con không biết phải làm gì bây giờ!”. Cô bật thét lên trong bóng tối: “Bố ơi, cứu con với! Giúp con với, bố ơi! Con không biết phải làm gì bây giờ!”. Ước gì cô có thể quay trở lại, làm lại mọi cái từ đầu. Trở lại với cái mùi thơm quen thuộc của bắp cải nấu và thịt bò hộp ngày chủ nhật, tiếng thì thào dịu dàng của lời cầu kinh Max buổi sáng bên tai, trở lại với các xơ và nhà thương, với niềm thỏa mãn bên trong hồn ta, được làm một phần công việc của Chúa. Rồi giọng bố cô chợt thì thào vọng tới cô, trong ánh ban mai đang mờ mờ sáng lên: “Con có thực muốn đi không hả Gấu con Gieny?” Cô nằm lặng hồi lâu, nghĩ ngợi, hồi tưởng. Cái thời ấy có vĩnh viễn qua đi không? Nếu trong khi xưng tội, cô không nói gì đến cái phần đời ấy, cái phần hình như không còn là của cô, thì không cần thiết phải cố quên như vậy. Người ta sẽ không biết đâu. Đó sẽ là tội lỗi duy nhất của cô. Còn đoạn sau dời cô, thì tất cả mọi người đều đã rõ. Làm như vậy sẽ là có tội. Tội cắt xén. Nó sẽ làm cho bất kỳ một lần xưng tội nào của cô trong tương lai sẽ không còn thiêng liêng nữa. Nhưng cô có rất nhiều cái có thể hiến dâng, và không hiến dâng chúng, không những cô đã từ bỏ mình trước Chúa, mà còn từ bỏ cả những người cần đến sự giúp đỡ của cô. Giữa hai tội cắt xén và từ bỏ, tội nào lớn hơn? Trong một thoáng cô kinh hoàng khiếp sợ. Rồi cô quyết định rằng đó là việc riêng giữa cô và Đấng Sáng tạo ra cô. Quyết định là của cô, chỉ mình cô chịu trách nhiệm về mình, cả bây giờ lẫn bất kỳ lúc nào đó trong tương lai. Và đột nhiên, cô quyết định. Cô không còn thấy sợ nữa. - Thưa bố, có ạ. – Cô thì thào. Giọng dịu dàng của ông vọng âm âm trong gió: “Vậy thì được rồi, Gieny. Con mặt quần áo vào đi. Bố sẽ đi cùng con”. 15 Gần hai năm sau cái tối có bữa tiệc ấy, Roda lại mới biết tin về Gieny. Khi đó là gần sáu tháng sau khi cô nhận được bức điện đáng khiếp sợ từ Bộ Chiến tranh, vắn tắt không chút tình cảm báo tin rằng Đêvit đã bị giết trên bãi biển Anziô ấy, vào tháng 5 năm 1944. Không còn ước mơ, không còn những hợp đồng vĩ đại, không còn các cuộc tranh đấu, các dự định xây dựng một cái công ty khổng lồ bao trùm cả trái đất, nối với nhau bằng những băng nhựa trong suốt, mỏng tang gọi là phim. Người ta đã đem anh đến một cái dấu chấm hết, hệt như hàng nghìn người khác, trong cái buổi sáng tinh mơ gầm gào bão lửa trên đất ý ấy. Các giấc mơ thế là cũng chấm dứt đối với cô. Tiếng thì thào ân ái trong đêm, tiếng sàn nhà kêu cót két dưới những bước chân đi lên mé giường, niềm rạo rực ngọt ngào ấm áp của bí mật nói riêng với nhau, và các dự tính cho tương lai. Lần đầu tiên, Roda cảm thấy biết ơn công việc. Nó rút cạn tâm trí cô, làm kiệt quệ sức lực cô, thu hút cô vào những lo toan vất vả hàng ngày. Dần dà, nỗi đau đã lùi sâu vào những ngóc ngách kín nhất của tâm trí cô, chỉ dội lên những khí cô ở nhfa một mình. Rồi dần dần, cô bắt đầu hiểu ra, như tất cả những người còn phải sống khác, rằng chỉ có một phần của các giấc mơ bị chôn vùi cùng anh mà thôi. Con trai của anh ấy đang lớn, và một hôm, nhìn nó chạy băng qua thảm cỏ xanh trước nhà, cô chợt nghe thấy tiếng chim hót líu lo. Cô ngẩng lên nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt, vầng mặt trời trắng lóa trên đầu, và biết rằng một lần nữa, cô lại trở thành một con người đang sống, đang hít thở không khí, thân thể đang tràn trề, dào dạt máu đỏ tươi và cái cảm giác tội lỗi đã từng cắn rứt cô, rằng cô lại sống sờ sờ ra đây khi anh đã chết, vụt mất. Tất cả xẩy ra trong cái ngày sau khi cô đọc bức thư của Gieny. Bức thư đề gửi cho cô bằng nét chữ nhỏ nhắn, thanh thanh của con gái, thoạt đầu cô không nhận ra. Cô lúc đầu đã nghĩ đó là một bức thư xin quyên tiền, khi nom thấy cái hình in ở dòng đầu tờ giấy. Nữ tu viện làm phước Bơlingem, Caliphonia Ngày 10 – 10 – 1944 Roda thân yêu, Mình cầm bút trên tay viết thư cho Roda với một niềm xáo động bối rối, tuy vậy vẫn biết rằng Roda sẽ tôn trọng niềm tin của mình. Mình không muốn khơi ra những vết thương đến lúc này đã gắn miệng được một phần, nhưng mãi đến mấy ngày vừa qua, mình mới biết tin về nỗi mất mát của Roda, và mong gửi tới Roda cùng bé Bơny lòng thương cảm cùng những lời cầu nguyện của mình. Anh Đêvit là một người đàn ông hoàn chỉnh và là một con người thực sự trung hậu. Tất cả chúng ta ai từng biết đến anh đều sẽ thương tiếc anh. Hằng ngày mình đã nhắc đến tên anh trong những lời cầu nguyện của mình, và mình đã được an ủi bằng những lời của Chúa – Đấng Cứu thế của tất cả chúng ta: “Ta là sự phục sinh và cuộc sống; kẻ nào tin ở Ta, thì ngay khi nó chết, nó sẽ sống; và kẻ nào sống và tin ở Ta thì sẽ không bao giờ chết”. Mãi mãi kính Chúa Chân thành Xơ M.THOMAS (GIENY ĐENTƠN) Rồi sau đó, khi bước ra ngoài gọi con trai đang chơi vào, Roda nghe thấy tiếng chim hót. Kỳ nghỉ cuối tuần sau đó, cô lái xe đến Bơlinghem thăm Gieny. Bầu trời thứ bảy chiều đó xanh ngăn ngắt, bồng bềnh mấy cụm mây bông trắng muốt. Cô rẽ ôtô vào con đường dẫn tới tòa nhà chính. Đã có rất nhiều xe đỗ ở đó. Cô cho ôtô của mình dừng lại ở một khoảng trống, cách hơi xa tòa nhà dài ấy. Cô ngồi nguyên trong xe, châm một điếu thuốc lá, bất giác cảm thấy ngần ngại về việc đã tới đây. Có lẽ cô đừng nên đến thì đúng hơn. Gieny có thể không muốn gặp cô, không muốn bị gợi nhớ về cái thế giới mình đã bỏ lại phía sau. Chính là nỗi xúc động thuần túy đã dẫn dắt cô tới đây, và cô không thể đổ tội cho Gieny nếu Gieny không muốn gặp. Cô nhớ lại cái buổi sáng sau tối tiệc đính hôn ấy. Khi Gieny không đến xưởng phim như thường lệ, không ai mảy may nghi ngờ gì cả. Và Đêvit, sau khi đã tốn nhiều thời gian cố tìm cách liên lạc với Giônơx ở cái nhà máy Bơbank, bảo với cô là anh cũng không tìm thấy tăm hơn Giônơx đâu. Rồi ngày hôm sau, rồi một hôm nữa trôi qua vẫn không có tin tức gì về Gieny; xưởng phim bắt đầu thực sự lo lắng. Cuối cùng thì người ta cũng liên lạc được với Giônơx, đang ở cái nhà máy mới ở Canada. Đêvit liền gọi điện cho anh. Giọng anh vang lên cục cằn trong máy nói, anh bảo với Đêvit là lần cuối cùng anh nhìn thấy Gieny là vào lúc anh ra khỏi nhà cô đêm có bữa tiệc ấy. Đêvit ngay lập tức gọi điện cho Roda, bảo cô chạy ngay tới nhà Gieny xem. Khi cô tới nơi, người đàn bà Mêhicô ra mở cửa. “Cô Đentơn có ở nhà không bác?” - Thưa Xênliorita, không ạ. - Bác có rõ cô ấy giờ ở đâu không? Tôi rất cần gặp cô ấy. Bà già lắc đầu: “Xênhorita đã bỏ đi. Xênhorita không nói đi đâu cả ạ”. Tuyệt vọng, cô đi qua mặt bà già, bước vội vào nhà. Suốt dọc hành lang đầy các hòm và bọc được gói lại. Trên thành một cái là dòng chữ: Bêkinz, Di chuyển và Cất giữ. Bà già người hầu nhìn thấy vẻ ngạc nhiên trên mặt cô. “Xênhorita bảo tôi đóng cửa nhà lại, và cũng đi”. Không đợi về được đến nhà, cô gọi điện ngay cho Đêvit từ trạm điện thoại công cộng đầu tiên cô gặp. Anh nói là sẽ cố liên lạc một lần nữa với Giônơx. - Anh có gặp được anh Giônơx không thế? – Cô hỏi ngay tối đó, khi Đêvit vừa về nhà. - Có. Anh ấy bảo anh đình chỉ ngay lập tức việc làm Anphrôđit và tống cổ Đan khỏi hợp đồng. Khi anh nói lại với anh ấy rằng như vậy có thể ta sẽ bị kiện, anh ấy bảo anh rằng hãy nhắn cho Đan biết là nếu lão muốn kiện cáo cái gì, Giônơx sẽ tiêu đến đồng xu cuối cùng để trị lão ta bằng được. - Thế còn Gieny thì sao? - Nếu đến cuối tuần này mà vẫn không thấy cô ấy đến xưởng thì Giônơx bảo anh rằng xếp cô ấy sang danh sách dự trữ, và đình trả lương. - Còn việc đính ước của hai người? - Giônơx không nói, nhưng anh đoán thế là cũng đổ vỡ. Khi anh hỏi anh ấy là liệu ta có phải chuẩn bị một bản tuyên bố với báo chí không, anh ấy bảo với anh rằng không nói gì sất cả; rồi anh ấy cắt điện thoại. - Tội nghiệp Gieny quá. Không biết bây giờ nó ở đâu? Và bây giờ thì Roda đã biết. Cô bước ra khỏi xe, chậm chạp nhằm hướng tòa nhà chính của tu viện bước tới. Xơ M.Thomax đang lặng lẽ ngồi trong cái buồng nhỏ của mình, đọc kinh thánh thì nghe có tiếng gõ khẽ ở cửa. Xơ đứng dậy, cuốn kinh thánh vẫn cầm ở tay, ra mở cửa, ánh sáng từ cửa sổ hành lang trước phòng biến tấm mạng trắng của người mới từ trên đầu xơ thành màu bạc. “Có việc gì đấy, xơ?” - Có một người tới thăm xơ. Một bà tên là Đêvit Ulf. Bà ta đang ở phòng khách dưới nhà. Xơ Thomax ngần ngừ một thoáng rồi đáp, giọng bình thản, khẽ khàng: “Xin cảm ơn xơ, phiền xơ bảo với bà Ulf là tôi mấy phút nữa sẽ xuống ạ”. Nữ tu sĩ kia cúi đầu, rồi đi xuống thang. Xơ Thomax đóng cửa lại. Trong một thoáng, đột nhiên xơ cảm thấy bải hoải rã rời, nghẹn thở. Xơ phải dựa vội người vào tường. Xơ không ngờ là Roda đã tới. Rồi xơ đứng thẳng người dậy, bước ngang căn buồng nhỏ đến quỳ trước cái thánh giá treo trên bức tường trần trụi gần giường. Xơ chắp hai tay lại cầu nguyện. Dường như mọi chuyện chỉ mới xẩy ra ngày hôm qua thôi, khi xơ đến đây; dường như xơ vẫn là cô gái hoảng sợ ấy, người đã suốt đời cô giấu mình khỏi tình thương kính của chính mình với Đức Chúa. Xơ nhớ lại giọng dịu dàng thương yêu của Mẹ Bề trên khi xơ phủ phục xuống chân Người, khóc tức tưởi, đầu úp vào vạt vải mềm mại trên đùi Mẹ Bề trên. Lại một lần nữa, xơ cảm thấy những ngón tay khe khẽ dịu dàng vuốt ve mái tóc mình. - Đừng khóc, con. Và đừng có sợ. Con đường dẫn tới Đức Chúa của chúng ta có thể là con đường nhọc nhằn khốn khổ nhất, nhưng Giêxu Krixt, Đấng Cứu thế của chúng ta, sẽ không từ chối một ai thực sự tìm đến Người. - Nhưng thưa Mẹ Bề trên, con đã phạm tội nhiều lắm. - Ai, trong số chúng ta đây, không có tội lỗi hả con? – Mẹ Bề trên dịu dàng nói. – Và nếu con đem những tội lỗi của con xưng với Người – Người nhận tất cả tội lỗi ở đời để cùng chịu – và làm Người cảm động trước sự ăn năn sám hối của con, Người sẽ ban cho con sự Tha thứ thiêng liêng của Người, và con sẽ được vui vầy đón nhận vào tòa nhà của Chúa. Cô ngẩng lên nhìn Mẹ Bề trên, mắt giàn giụa nước mắt: “Vậy là con có thể ở lại được ư?” Mẹ Bề trên cúi xuống mỉm cười với cô: “Tất nhiên, con có thể ở lại, con ạ”. Thấy Xơ Thomax bước vào phòng khách, Roda đang ngồi trên ghế liền đứng dậy. “Gieny?...” cô thốt lên e dè. “Xin lỗi, xơ Thomax, tôi định nói thế”. - Roda, được gặp lại Roda thật hay quá. Roda chăm chú nhìn. Đôi mắt xám cách xa nhau, gương mặt duyên dáng đáng yêu kia là thuộc về Gieny; nhưng cái vẻ thanh thản bình lặng sáng hồng lên sau lớp mạng trắng của người mới tu, thì là của xơ Thomax. Và đột nhiên, cô vụt hiểu ra rằng cái gương mặt cô đang chăm chú nhìn đây cũng chính là cái gương mặt cô đã từng thấy trên màn ảnh, phóng đại lên hàng nghìn lần, tràn ngập tình thương yêu – gương mặt của Magđalen khi nàng vươn tay ra nắm lấy vạt áo choàng của Đấng Cứu thế. - Gieny! – Cô thốt lên, mỉm cười. – Đột nhiên mình cảm thấy vui quá, mình muốn ôm hôn Gieny quá! Xơ Thomax giang rộng hai tay ra. Rồi sau đó, hai người chậm rãi đi dạo trên những con đường nhỏ tĩnh mịch, ngập trong nắng chiều. Lên tới đỉnh một ngọn đồi, cả hai dừng lại, nhìn xuống cái thung lũng xanh rờn trước mắt họ. - Vẻ đẹp của Người hiện ra khắp mọi nơi. – Xơ Thomax nói khe khẽ, quay sang phía bạn. – Mình đã tìm thấy chỗ của mình trong ngôi nhà của Người rồi đấy. Roda nhìn xơ: “Xơ sẽ ở trong thời kỳ sơ tu bao lâu?” - Hai năm. Đến tháng năm tới. - Rồi sau đó? - Nếu mình chứng minh được là xứng với ơn đức của Người, mình sẽ nhận chàng mạng đen và bước theo con đường của Mẹ sáng lập ra Tu viện này, đem tình thương của Người đến cho tất cả những ai cầu mong Người che chở. Xơ nhìn sâu vào mắt Roda. Và một lần nữa, Roda lại thấy thăm thẳm hiện lên hai hồ nước trong vắt, thanh thản, bình lặng vô cùng. “Mà mình, so với những xơ khác, là người được may mắn nhất”, xơ Thomax khiêm nhường nói thêm, “Người đã từng dạy mình cách thực hiện công việc của Người. Những năm tháng ở nhà thương sẽ giúp ích cho mình ở bất kỳ nơi nào mình có thể được phái đến; bởi vì đó là lĩnh vực mình có thể hiến dâng được nhiều nhất, tốt nhất”. Quyển chín - GIÔNƠX - 1945 1 Ngoài kia, mặt trời giữa tháng bảy sáng trắng đang hầm hập đổ xuống được băng sân bay Nevada, nhưng ở đây, trong văn phòng của viên tướng, chiếc máy điều hòa nhiệt độ làm việc quá tải kêu rè rè, giữ nhiệt độ trong phòng ở mức hãm sáu độ C thường xuyên. Tôi đưa mắt nhìn Morrisey, rồi ngó qua bàn tới viên tướng và đám tùy tùng của ông ta. - Chuyện là thế đấy, thưa các vị. – Tôi kết thúc. – Chiếc phản lực CA – X.P này sẽ đạt tốc độ một ngàn ba trăm cây số dễ dàng hơn chiếc phản lực De Havillan – Rolz với tốc độ chín trăm mười mà người Anh đang quảng cáo ầm ĩ. – Tôi mỉm cười đứng dậy. – Và bây giờ, nếu các vị có nhã ý bước ra ngoài, tôi sẽ chứng minh cho các vị xem. - Thưa ông Cord, tôi không hề nghi ngờ gì cả. – Viên tướng nói trơn tuột, nhã nhặn. – Nếu trong óc chúng tôi lởn vởn ý nghĩa ngờ vực nào, thì các ông đã không hề nhận được hợp đồng rồi. - Vậy thì ta chờ dợi gì nữa? Tiến hành thôi. - Thưa ông Cord, hượm một chút đã. – Viên tướng nói nhanh. – Chúng tôi chưa thể cho phép thử bay được. Tôi tròn mắt nhìn ông ta: ”Tại sao vậy?” - Ông không đủ tiêu chuẩn bay máy bay phản lực. – Ông ta đáp, cúi xuống nhìn một tờ giấy ở trên bàn. – Hồ sơ sức khỏe của ông nói rằng phản xạ của ông có hơi chậm. Tất nhiên, hoàn toàn bình thường thôi, nếu tính tuổi tác của ông; nhưng xin ông hiểu cho, đấy là lý do tại sao chúng tôi không để ông bay nó. - Vứt béng cái trò ấm ớ ấy đi, tướng quân. Ông nghĩ xem thằng cha quái nào đã bay nó xuống đây để giao cho các ông hả? - Khi ấy, ông hoàn toàn có quyền... – Viên tướng đáp. – Nó là máy bay của ông. Nhưng từ cái phút nó tiếp đất ở sân bay ngoài kia, theo hợp đồng, nó trở thành tài sản của Quân đội và chúng tôi thì không thể liều để ông bay nó được. Tôi cáu kỉnh giáng nắm đấm vào lòng bàn tay bên kia của mình. Qui tắc, không có gì khác ngoài quy tắc, quy định cả. Những cái hợp đồng khốn kiếp ấy là thế đấy. Mới hôm qua, tôi có thể bay nó ngược lên đến tận Alaska rồi quay về mà họ không dám ho he ngăn trở gì cả. Thậm chí có muốn cũng không đuổi kịp được tôi. Chiếc phản lực CA-X.P này bay nhanh hơn bất kỳ một loại máy bay tiêu chuẩn nào của Quân đội đang dùng tới gần bốn trăm cây số giờ. Rồi có ngày, tôi phải bỏ thời gian ra đọc qua hợp đồng đã hẵng ký. Viên tướng mỉm cười, bước vòng qua bàn lại chỗ tôi: “Ông Cord ạ, tôi biết ông đang có cảm giác gì. Khi đám y tế bảo tôi rằng tôi đã quá tuổi bay máy bay chiến đấu được, cùm tôi đằng sau một cái bàn giấy, tôi cũng không già hơn ông bây giờ. Và cũng chả ưa việc đó hơn gì ông. Không có một ai thích bị người ta bảo là mình đang ngày già đi rồi đâu”. Lão này nói cái chó gì không biết? Tôi mới bốn mốt. Già gì ở cái tuổi đó. Tôi vẫn còn có thể bay vượt mặt hầu hết tất cả cái Đám nhãi ranh tai cụp đeo vạch vàng vạch bạc, lá sồi úy, tá đang đi nhênh nhang ngoài kia kìa. Tôi giương mắt nhìn viên tướng. Nhất định là ông ta nhìn thấy vẻ ngạc nhiên trong mắt tôi, bởi sau đó ông ta mỉm cười. “Chuyện ấy xảy ra một năm trước đây. Năm nay tôi bốn mươi ba”. – Ông ta chìa bao thuốc mời. Tôi lặng thinh rút một điếu thuốc. “Trung tá Sô sẽ bay nó. Anh ta đang chờ ngoài kia rồi, đã sẵn sàng cất cánh”. Và lại một lần nữa, ông ta đọc thấy câu hỏi trong mắt tôi. “Xin ông đừng lo”, ông ta nói nhanh, “anh Sô đã hoàn toàn quen thuộc với cái máy bay rồi. Ba tuần vừa qua anh ta đã ở cái nhà máy Berbank của ông, kiểm tra, làm quen với nó”. Tôi liếc loáng sang Morissey, nhưng anh ta vẫn đang cẩn thận đưa mắt nhìn đi đâu ấy. À ra thế, anh ta cũng tham dự vào chuyện này. Tôi rồi sẽ bắt anh ta nhớ đời về nó. Tôi quay lại viên tướng. “Thôi được, thưa tướng quân. Ta hãy ra xem con bé bay thế nào”. Con bé chính là cái từ rất hợp, không những chỉ cho cái máy bay. Trung tá Sô không thể già hơn hai mươi tuổi được. Tôi chăm chú nhìn anh ta đưa nó bay lên; nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy, không thể cứ đứng trơ ra đấy, nhìn anh ta biểu diễn tất cả các ngón nghề được. Tương tự như ta tốn bao nhiêu công, lao tâm khổ tứ mới kiếm được một em “cốm”, và khi mọi thứ đã sẵn sàng, đâu vào đáy, mở cửa buồng ngủ ra, ta đã thấy một thằng cha khác đang chễm chệ trên giường, ăn hớt của ta mất rồi. - Quanh đây có chỗ nào kiếm được cốc cà phê không nhỉ? - Có một quán của hậu cần, gần cổng chính đấy ạ. - Cảm ơn. - Không dám ạ. – Viên sĩ quan đáp lại như cái máy, mắt vẫn không rời khỏi chiếc máy bay. Tôi bỏ đi. Cái quán ấy không có máy điều hòa nhiệt độ, nhưng được giữ râm mát, cũng không đến nỗi tệ lắm, dùng là đá trong cốc cà phê của tôi đã chảy ra hết trước khi tôi kịp bưng nó về bàn mình. Rầu rĩ tư lự, tôi đưa mắt nhìn qua cái cửa sổ trước mặt. Quá trẻ và quá già. Đấy là câu chuyện đời tôi. Tôi mười bốn tuổi, khi cuộc chiến tranh lần thứ nhất kết thúc, năm 1918; và gần như vượt quá hạn tuổi khi nước này bước vào cuộc chiến tranh này. Bao giờ cũng có ai đấy không hề gặp may một bận nào cả. Tôi đã thường nghĩ là thế hệ nào, cũng gặp phải chiến tranh. Vậy mà tôi thì không. Tôi bị hẩm hiu sinh ra lửng lơ ở giữa. Một chiếc xe buýt hạng trung của quân đội đỗ xịch ở cổng quán. Hành khách bắt đầu nối đuôi nhau đi xuống. Tôi nhìn họ, bởi chả còn cái gì nhìn nữa cả. Họ không phải là lính. Họ là dân thường, cũng không còn trẻ nữa. Hầu hết cởi veston vắt trên tay, xách cặp tay kia. Một vài người tóc lấm tấm hoa râm, còn rất nhiều người thì không có tí tóc nào cả. Tôi chợt để ý thấy có một điều lạ. Không một ai trong số họ mỉm cười, ngay cả khi họ nói chuyện với nhau trong những nhóm nhỏ mà họ ngay lập tức tụ lại trên vỉa hè trước đầu xe. Mà việc quái gì họ phải mỉm cười với tôi chứ, tôi cay đắng tự vặn hỏi. Chả có gì vui thú như họ cười cả. Họ cũng là những kẻ vô dụng như tôi. Tôi rút ra một điếu thuốc, đánh diêm. Gió của cái quạt xoay thổi ngọn lửa tắt phụt. Tôi đánh que khác, nghiêng người đi, khum khum tay che lửa. - Ô, ông Cord! Thật bất ngờ quá! Ông làm gì ở đây thế? Tôi ngẩng phắt lên, bắt gặp ông Strasmer. “Tôi vừa mới giao một cái máy bay mới xong.”. Tôi chìa tay ra. “Thế còn ông? Tôi nghĩ là ông ở New York cơ đấy”. Ông ta bắt tay tôi thật chặt, lắc lắc theo cái lối đặc biệt châu u của ông ta, ánh cười vụt biến mất khỏi mắt ông ta. “Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi vừa giao xong một món hàng. Giờ thì chúng tôi quay về”. - Ông thuộc cái nhóm ngoài kia phải không? Ông gật đầu, nhìn qua cửa sổ, ngắm họ. Một vẻ ưu tư sa sầm xuống mắt ông. “Phải đấy”, ông nói chậm rãi, “chúng tôi cùng đến đây bằng một máy bay, nhưng chuẩn bị ra về bằng những chuyến bay khác nhau. Ba năm liền chúng tôi làm việc với nhau, nhưng giờ thì xong việc rồi. Nay mai là tôi trở lại California thôi”. - Tôi cũng mong là như vậy. – Tôi cười. – Chúng tôi tin chắc là có thể dùng được ông trong nhà máy ấy, nhưng tôi e là cũng còn hơi lâu ấy. Chiến tranh ở châu u có thể kết thúc, nhưng nếu Tarawa và Okinawa là những dấu hiệu chính xác, thì ta cũng còn phải mất ít nhất là sáu tháng hay một năm, Nhật Bản mới đầu hàng đấy. Ông ta lặng thinh không đáp. Tôi ngẩng lên nhìn, và sực nhớ. Mấy cái ông châu u này là rất kỹ tính về phép lịch sự. “Ông Strasmer, xin lỗi ông”. Tôi vội nói nhanh, “Mời ông uống với tôi một cốc cà phê nhé?” - Tôi không còn thời gian nữa. – Mắt ông lộ ra một vẻ lưỡng lự rất kỳ quặc. – Ông ở đây có cái văn phòng riêng nào không ạ, như ở bất kỳ nơi nào có cơ sở của ông ấy mà? - Tất nhiên, hẳn thế rồi. – Tôi ngẩng lên nhìn ông ta. Trên đường ra tôi có thể ghé qua căn buồng Nam giới. - ở phía sau tòa nhà ấy. - Năm phút nữa tôi sẽ gặp ông ở đó. – Ông ta thốt lên, rồi vội vàng đi. Qua cửa sổ, tôi thấy ông ta nhập vào một nhóm, và bắt đầu nói chuyện. Tôi thầm hỏi không biết cái bố già này có đâm ra quẫn rồi không nhỉ. Cũng không thể nói trước được, biết đâu là ông ta đã làm việc quá sức và nghĩ rằng mình đang ở nước Đức phát xít. Rõ ràng là chả có lý do gì để ông ta thấy phải giữ bí mật không cho ai nom thấy được rằng ông ta đã nói chuyện với tôi. Bởi xét cho cùng,cô húng tôi đều ở một phe với nhau cả cơ mà. Tôi dụi điếu thuốc vào một cái gạt tàn và uể oải bước ra. Ông già không hề liếc lên khi tôi lững thững đi qua nhóm người, bước về phía nhà vệ sinh. Một phút sau khi tôi đến đó, ông ta đã vào theo. Mắt ông ta lo lắng đảo ngang dọc theo những ô chắn: “Đúng là chỉ có mình ta không đấy?” - Tôi cho là như vậy. – Tôi vừa đáp vừa nhìn ông ta. Liệu quanh đây có kiếm được bác sĩ không nhỉ, nếu ông ta phát khùng lên bây giờ? Ông ta đâm bổ lại các ô chắn, mở cửa ngó vào. Yên chí, ông ta quay lại phía tôi. Mặt ông ta căng thẳng, tái nhợt, mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán. Có lẽ tôi đã nhận ra triệu chứng rồi. Phơi nắng bang Nevada này quá nhiều đây mà, nếu không quen thì chết. Những lời đầu tiên ông ta càng chứng minh là tôi đúng. - Ông Cord ơi, - Ông ta thì thào khàn khàn. – Chiến tranh không phải sáu tháng nữa mới kết thúc đâu. - Tất nhiên là đúng thế rồi. – Tôi nói nhũn nhặn. Theo những điều tôi được nghe, thì việc đầu tiên là phải tán thành mọi lời của họ, cố làm cho họ bình tâm lại. Lạy trời cho tôi nhớ lại bước thứ hai phải làm tiếp theo. Tôi quay sang cái bồn nước rửa tay. – Nào, hãy để tôi rót cho ông một cốc… - Nó sẽ kết thúc vào tháng sau! Nhất định là những gì tôi nghĩ đã hiện rõ lên trên mặt tôi. Tôi há hốc mồm ra, đớ người ngạc nhiên khi thấy ông ta nói nhanh: “Không, ông Cord ơi, tôi không phát điên đâu. Ngoài ông ra, tôi sẽ không bao giờ cho ai biết điều đó cả. Đó là cách duy nhất tôi có thể đền đáp được, việc ông đã cứu đời tôi. Tôi biết điều này có tầm quan trọng lớn lao đến thế nào cho công việc làm ăn của ông mà”. - Nhưng… nhưng làm sao ông… - Tôi không thể nói thêm được nữa. – Ông ta ngắt lời. – Hãy tin ở tôi. Đến tháng sau thôi, Nhật Bản sẽ sụp đổ.[101] – Ông ta quay ngoắt người, gần như chạy bổ ra khỏi cửa. Tôi trân trân nhìn theo ông ta một thoáng, rồi bước vội tới bồn nước, vã nước lạnh lên mặt. Tôi có cảm giác là mình còn điên dại hơn ông ta nữa, bởi bắt đầu thấy tin lời ông ta. Mà tại sao cơ chứ? Vô lý! Đúng là chúng ta đang đẩy lùi đám Nhật lùn lại; nhưng chúng còn giữ được Malaysia, Hong Kong và các quần đảo vùng Indonesia thuộc Hà Lan. Và đối đầu với cái triết học võ sĩ đạo quyết tử[102] của chúng, phải có một phép thần mới kết thúc được chiến tranh trong vòng tháng tới. Tôi vẫn đang còn mải nghĩ về điều ấy ngay cả khi đã cùng Morrisey ngồi trên toa tàu hỏa. “Anh có biết ở chỗ vừa rồi tôi đã bất ngờ gặp ai không?” Không đợi anh ta trả lời, tôi nói luôn: “Xtraxme”. Nụ cười của anh ta nhẹ hẳn đi. Tôi đoán có lẽ anh chàng đang đợi một cơn gầm gào của tôi về việc ỉm cái tay phi công thí nghiệm của quân đội như vậy. “Ông ta là người tốt bụng tử tế đấy. Ông ta làm sao cơ chứ?” - Cũng chả thấy có gì lạ. – Tôi đáp. – Ông ta đang trên đường quay lại New York. – Tôi đưa mắt qua cửa sổ ngắm nhìn sa mạc Nevada phẳng lì. – À mà anh có biết chính xác là ông ta đang làm gì không hả? - Không thật chính xác lắm. Tôi nhìn anh: “Vậy anh đã nghe được cái gì nào?” - Là một anh bạn ở Câu lạc bộ Kỹ sư, người cũng có dính dáng tới công việc đó một thời gian ngắn. Nhưng anh ta cũng chẳng biết gì nhiều lắm về nó. Anh ta chỉ biết nó được gọi là Công trình Manhattan, và nó có liên quan với Giáo sư Einstein. Chính tôi cũng cảm thấy rõ lông mày mình nhíu lại, khó hiểu: “Xtraxme có thể làm gì cho mọi người như cái ông Einstein ấy nhỉ?” Anh lại mỉm cười: “Xét cho cùng, chính Xtraxme đã chế tạo ra được một loại can đựng bia, rắn hơn kim loại”. - Thế ư? - Thế cho biết đâu ông Giáo sư đã bảo Otto chế tạo ra một cái thùng chất dẻo để đựng các nguyên tử thì sao. – Morrisey phá lên cười. Người tôi chợt rực lên một niềm kích động mạnh mẽ rất lạ lùng. Một cái hộp đựng nguyên tử, năng lượng khổng lồ nén trong một cái chai, vẫn sẵn sàng nổ bùng ra khi anh bật nắp. Ông ta nhỏ bé ấy không điên, ông biết rõ mình đang nói cái gì. Tôi mới là thằng điên dại. Cần phải có phép thần mới làm được, tôi thầm nhủ. Và Xtraxme cùng với bạn bè của ông đã đi vào sa mạc, tạo ra một cái. Giờ thì họ về quê, việc đã làm xong. Nó như thế nào, làm cách nào, họ chế tạo ra nó – tôi không đoán nổi, và không cần biết. Nhưng thâm tâm, tôi chắc chắn rằng nó đã được làm ra. Cái phép thần sẽ chấm dứt chiến tranh ấy. 2 Tôi xuống tàu ở Reno, trong khi Morrisey tiếp tục đi tới tận Los Angeles. Không còn thời gian gọi bác Robert ở trại nữa, tôi nhảy lên một chiếc taxi, phóng thẳng tới nhà máy. Chúng tôi lao vèo qua cái cổng thép mắt cáo, trên có tấm biển đề to tướng Công ty THUỐC NỔ CORD cách tòa nhà chính của nhà máy hơn một cây số rưỡi. Từ ngày có chiến tranh, nhà máy đã mở rộng ra một cách kinh khủng. Tất cả các công ty khác của chúng tôi cũng vậy. Hình như chúng tôi dù có lớn ra đến đâu, bao giờ cũng còn thừa chỗ như vậy. “Tôi bước ra khỏi xe, trả tiền. Tài xế lái chiếc Taxi chạy vụt đi, tôi ngẩng lên nhìn tòa nhà cũ quen thuộc. Nó đã cũ kỹ rồi, nom nhem nhuốc và lỗi thời so với những tòa nhà mới xây thêm; nhưng mái của nó vẫn sáng trắng, phản chiếu ánh trăng lấp lánh. Không hiểu sao, tôi không thể làm như các giám đốc khác là chuyển văn phòng của họ sang tòa nhà quản trị mới. Tôi vứt mẩu thuốc lá xuống đường, di chân nghiến nát nó trong lớp bụi, rồi bước vào tòa nhà. Vẫn cái mùi hóa chất ấy, vẫn tiếng thì thào bật ra từ môi những người đàn ông, đàn bà mà tôi luôn nghe được mỗi khi đi ngang qua: “Em Nijo”. Cậu con. Đã hai mươi năm rồi, và hầu hết những người này chưa đến đây khi ba tôi mất, vậy mà họ vẫn gọi tôi như thế. Thậm chí cả đám trẻ nữa, nhiều cô cậu tuổi còn chưa bằng nửa tôi. Và cái văn phòng cũng vậy, vẫn y nguyên. Chiếc bàn nặng trịch, to quá khổ, đồ đạc bọc da đã rạn và sờn trơ ra vì năm tháng. Tôi không ngạc nhiên khi thấy không có thư ký ngồi ở phòng ngoài. Chả có lý do gì cần có thư ký ở đó cả. Người ta không chờ tôi sẽ đến đây. Tôi đi vòng qua đằng sau bàn, ấn nút bật cái máy đàm thoại nối trực tiếp với văn phòng của Mac Alister trong tòa nhà mới, cách đây bốn trăm mét. Giọng anh vang lên, ngạc nhiên: “Ôi, Jonas! Anh ở đâu đến thế?” - Không quân. Chúng tôi mới giao cho họ chiếc phản lực CA-X.P xong. - Hay lắm. Họ có thú nó không? - Tôi dám là có. – Tôi đáp. – Nhưng họ không cho tôi bay biểu diễn. Không tin sức khỏe của tôi nữa. – Tôi cúi người, mở cái cửa tủ con dưới bàn điện thoại, lôi ra một chai whisky ngô. – Này, chúng ta có những bảo đảm gì về việc đình chỉ sản xuất hàng quân sự, trong trường hợp giả dụ chiến tranh chấm dứt vào ngày mai hả anh Mac? - Với Công ty thuốc nổ ư? - Với tất cả các công ty. – Tôi biết anh giữ mọi bản sao hợp đồng ở đây, bởi vì anh coi đây là văn phòng chính của mình. - Phải tốn một chút thời gian đấy. Tôi sẽ bảo người tìm hiểu về việc này ngay. - Trong vòng một tiếng được không? Anh ngần ngừ. Rồi sau đó trả lời, giọng lộ vẻ tò mò: “Thôi được. Nếu quan trọng đến như vậy”. - Quan trọng đến như vậy đấy. - Anh đã nắm được tin gì ư? - Không. – Tôi trả lời thật. Đúng là tôi thực sự chẳng biết gì. – Tôi chỉ muốn biết việc này thôi. Mac im lặng một thoáng, rồi nói tiếp: “Tôi vừa mới nhận được các bản thiết kế từ Phòng Kỹ thuật về việc chuyển rađa và những bộ phận nhỏ của máy bay vào công ty điện tử mà ta dự định thành lập. Tôi mang đến cho anh xem nhé?” - Được đấy. – Tôi đáp rồi tắt máy. Với lấy một cái cốc từ chiếc khay đặt cạnh phích nước, tôi đổ whisky đầy một nửa. Tôi ngẩng lên nhìn sang tường đối diện, nơi có bức chân dung của ba tôi đang ngó xuống. Tôi giơ cốc rượu về phía ông. - Đã lâu quá rồi, ba nhỉ? – Tôi thốt lên, và dốc thẳng chỗ whisky ngô vào họng. Tôi nhấc tay khỏi bản thiết kế, dỗ dỗ xuống bàn, cuộn chặt tất cả lại, đưa mắt nhìn Mac Allister: “Tôi thấy ổn đấy”. Anh gật đầu: “Tôi sẽ ghi dấu “đã duyệt”, rồi chuyển chúng cho Phòng đặt hàng để họ làm hợp đồng đặt mua vật liệu theo kiểu dự trù, khi chiến tranh kết thúc là bên bán sẽ giao hàng cho chúng ta ngay”. Anh nhìn chai whisky ngô trên bàn. “Anh chả lấy gì làm mến khách cả. Cho tôi một cốc chứ?” Tôi ngạc nhiên nhìn anh. Mac không phải là hạng người ưa rượu chè. Nhất là trong những giờ làm việc. Tôi đẩy cái chai và một chiếc cốc không về phía anh. “Xin anh cứ tự nhiên”. Anh rót một ít ra cốc, uống cạn ngay. Rồi anh hắng giọng. Tôi đưa mắt nhìn anh. “Tôi muốn nói với anh về một kế hoạch sau chiến tranh nữa…” anh nói ngập ngùng, khó nhọc. - Anh cứ nói đi. - Về bản thân tôi. – Anh thốt lên, ngắt quãng. – Tôi không còn trẻ trung gì cho cam… Tôi muốn về hưu. - Về hưu? – Tôi tưởng mình nghe nhầm. – Để làm gì? Anh định làm cái quái gì thế? Mac đỏ mặt ngượng ngập: “Tôi đã làm việc khá vất vả suốt cả đời”, anh đáp. “Tôi có hai thằng con trai, một đứa con gái, năm cháu nội ngoại, trong đó có ba đứa tôi chưa hề biết mặt. Hai vợ chồng tôi muốn dành một ít thời gian còn lại để sống với chúng, đi đến chỗ hiểu chúng trước khi mọi cái trở nên quá muộn”. Tôi phì cười: “Anh nói nghe có vẻ như là anh sắp sửa ngoẻo đến nơi rồi ấy. Anh còn trẻ lắm”. - Tôi năm nay sáu ba rồi. Tôi đã làm cùng anh hai mươi năm rồi đấy. Tôi trợn mắt nhìn anh. Hai mươi năm. Chúng nó chui vào cái lỗ nào không biết? Cái bác sĩ quân đội ấy nói đúng. Tôi cũng không còn là một đứa trẻ nữa. “Chúng tôi ở đây sẽ rất cần anh”, tôi thốt lên chân thành, “tôi nói điều đó thực bụng”. Thế thật, Mac chính là người duy nhất mà tôi cảm thấy có thể trông cậy được mỗi khi cần. - Anh sẽ làm ăn đâu vào đấy. Hiện giờ ta đã có hơn bốn mươi luật sư làm cho ta, mỗi người là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình. Anh không phải là ông chủ đơn độc nữa, anh bây giờ là cả một công ty lớn. Anh cần phải có cả một bộ máy luật pháp lo công việc cho anh. - Thế thì làm sao? – Tôi bẻ lại. – Người ta không thể nửa đêm dựng cái bộ máy ấy dậy, khi người ta gặp chuyện không hay được đâu. - Anh có thể làm thế với bộ máy này. Nó được trang bị đầy đủ để đối phó với bất kỳ bất trắc nào. - Nhưng rồi anh sẽ làm gì, hả Mac? Anh không thể nói với tôi rằng anh sẽ thấy hạnh phúc được nằm ườn ra đóng vai ông nội, ông ngoại. Anh nhất định phải có một cái gì để cho trí não làm việc chứ. - Tôi cũng đã nghĩ về điều ấy. – Mac đáp, vẻ nghiêm trang hiện lên trên mặt anh. – Tôi đã bỏ ra một khoảng thời gian khá dài xoay xở tính toán với các điều luật hợp đồng, thuế má đến nỗi gần như quên bẵng đi mất cái phần quan trọng nhất. Đó là điều luật liên quan đến con người, đến tâm hồn của họ. – Anh lại với lấy chai rượu, rót cho mình thêm một ít nữa. Ngồi sững ở một chỗ, nói lên những suy nghĩ của mình là một việc làm không dễ dàng gì đối với Mac. - Tôi sẽ treo cái biển luật sư của mình ở cửa nhà tôi, tại một thị trấn nhỏ nào đó. Lăng xăng bận rộn lo lắng cho bất kỳ một việc gì người ta cần đến tôi. Tôi đã mệt vì lúc nào cũng phải nói đến hàng triệu đôla. Chí ít một lần này, tôi muốn giúp dăm ba con người tội nghiệp thực sự cần đến cái nghề này. Tôi trố mắt nhìn anh. Đấy, làm việc ròng rã với một con người hai mươi năm mà vẫn không hiểu hết anh ta. Đây là một mảng suy nghĩ của Mac Alister mà tôi không bao giờ ngờ là có tồn tại. - Tất nhiên, ta sẽ hủy hết mọi hợp đồng và thỏa thuận giữa chúng ta. – Anh nói. - Tôi nhìn anh. Anh không thiếu tiền, tôi biết. Nhưng tôi cũng vậy. – Chúng ta làm thế để làm cái quái gì, hả? Ít nhất là vài tháng một lần, anh cũng nên ló mặt đến cuộc họp giao ban giám đốc để cho tôi có dịp nom thấy anh chứ. - Vậy là anh… anh đồng ý ư? Tôi gật đầu: “Hẳn rồi. Hết chiến tranh là anh làm thế”. Chồng giấy trắng cao dần lên theo lời Mac tóm lược lại từng bản hợp đồng. Cuối cùng, Mac kết thúc. Anh ngẩng lên nhìn tôi: “Chúng ta có rất nhiều đoạn đảm bảo cho việc bị đình chỉ ở tất cả các hợp đồng, trừ có một cái. Đó là hợp đồng dựa trên cơ sở giao hàng trước khi kết thúc chiến tranh”. - Cái nào vậy? - Cái thuyền bay mà ta đang làm cho Hải quân ở vịnh Sandiego ấy mà. Tôi hiểu anh đang nói đến việc gì. Cái máy bay Centurion[103]. Nó sẽ là cái máy bay to nhất từ trước tới nay, thiết kế ra để chở được cả một đội gồm một trăm năm mươi người, cộng thêm đội bay mười hai người nữa, hai chiếc tăng lội nước hạng nhẹ, súng, cối, pháo nhẹ, vũ khí, đạn được trang bị đủ cho một đại đội. Chính là ý nghĩa của tôi đã đẻ ra nó. Tôi cho rằng một cái máy bay như vậy sẽ tỏ ra hữu hiệu trong việc đổ bộ các đơn vị biệt kích xuống các đảo nhỏ Thái Bình Dương nằm sâu trong hậu phương địch. - Tại sao ta lại ký một cái hợp đồng như vậy nhỉ? - Anh muốn như vậy. – Mac đáp. – Nhớ ra chưa? Tôi nhớ ra rồi. Hải quân khi ấy rất hoài nghi về một cái máy bay khổng lồ như vậy lại có thể cất cánh lên không trung được, và tôi đã ép họ ký một hợp đồng cho phép họ chỉ nhận cái máy bay sau khi chúng tôi đã thử toàn bộ nó, trước khi chiến tranh kết thúc. Chuyện ấy xảy ra hơn bảy tháng trước. Gần như ngay lập tức sau đó, chúng tôi toàn gặp chuyện không hay. Các thí nghiệm đồ bền chỉ ra rằng những loại vật liệu thông thường sẽ làm cô hiếc máy bay nặng quá sức nâng của hệ thống động cơ. Chúng tôi mất đứt hai tháng vào đó, cho đến khi các kỹ sư tìm ra được một hợp chất thủy tinh sợi, nhẹ bằng một phần mười kim loại nhưng bền gấp bốn. Rồi lại phải xây dựng một hệ thống máy đặc biệt để làm ra vật liệu mới. Tôi thậm chí đã kéo cả Amos Winthrop từ Canada về phụ trách công trình này. Lão già ấy đã làm ăn nổi đình nổi đám ở trên đó, và có một đức tính rất quý là bao giờ cũng tìm ra lối thoát ở chỗ mọi người đã hết cách xoay xở. Và ông ta cũng vẫn chó đen giữ mực như xưa. Ông ta đang ở thế bắt bí được tôi, ông ta biết vậy. Ông ta bắt tôi phải nhắc ông ta lên chức phó giám đốc Công ty máy bay Cord rồi mới chịu xuống làm. - Cho đến giờ ta đã mất vào đấy cả thảy bao nhiêu rồi? Mac cúi xuống nhìn tờ giấy: “Mười sáu triệu, tám trăm bảy mươi sáu ngàn, năm trăm chín mươi tư đôla ba nhăm xu. Tính đến ngày mười ba tháng sáu”. - Chúng ta gặp chuyện rắc rối rồi! – Tôi thốt lên, vớ lấy điện thoại. Có tiếng cô trực tổng đài đáp lại. – Gọi ông Amos Winthrop ở Sandiego hộ tôi. Và trong khi chờ nối được máy với ông ta, cô gọi cho ông Dalton ở văn phòng Hãng hàng không liên lục địa Los Angeles, bảo ông ta gửi xuống đây cho tôi một chiếc máy bay riêng. - Có chuyện gì rắc rối thế? – Mac chăm chú theo dõi tôi. - Mười bảy triệu đôla. Chúng ta sẽ mất trắng nó, nếu như không đưa được cái máy ấy lên trời ngay. Rồi Amos trả lời điện thoại tôi gọi. “Ông cho rằng bao lâu nữa thì có thể đưa cái Centurion lên trời được hả?” tôi hỏi. - Ta bây giờ làm ăn trôi chảy lắm. Chỉ còn những việc cuối cùng nữa thôi. Tôi tính là ta có thể cho nó cất cánh được vào quãng tháng Chín hoặc đầu tháng Mười gì đấy. - Còn cần phải làm gì nữa? - Vẫn những cái trò đó, anh biết rồi đấy. Dựng giá, lắp, chỉnh tinh, rà xiết lại, vân vân… Tôi biết. Cái phần nhỏ thôi nhưng quan trọng, tốn thời gian hơn cả. Nhưng không có gì là cơ bản cả, không có gì là ngăn được việc nó có thể bảy. “Chuẩn bị nó đi”, tôi đột ngột nói, “mai là tôi cho nó cất cánh”. - Anh điên à? Thậm chí chúng tôi còn chưa nạp nhiên liệu cho nó nữa kìa! - Vậy thì nạp đi. - Nhưng thân nó còn chưa được thử nước! – Ông ta thét lên. – Làm sao mà anh biết rằng nó sẽ không bị chìm nghỉm xuống vịnh Sandiego khi rời khỏi âu đà, hả? - Thì thử đi. Ông còn hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa để biết chắc là nó sẽ nổi cơ mà. Đêm nay tôi sẽ có mặt ở đó, nếu ông cần giúp. Đây không phải là công trình có tính thêm phí tổn, được bảo đảm về mặt tiền nong, được chính quyền quản lý tất cả, chịu tất cả hậu quả: lỗ, lãi, hòa. Đây là tiền của tôi, và tôi không thích bị mất nó một chút nào cả. Vì mười bảy triệu đôla, cái Centurion nhất định phải bay được, cho dù tôi có phải nhấc nó lên khỏi mặt nước bằng chính hai bàn tay của mình. 3 Tôi để bác Robert đánh xe đưa tôi về khu trại, tắm nước nóng, thay quần áo trước khi lên máy bay tới San Diego. Tôi vừa đang định đi thì chuông điện thoại lại réo vang. - Gọi ông đấy ạ, thưa ông Jonas, - Bác Robert nói. – Ông Alister. Tôi cầm lấy ống nghe từ tay bác. “Gì thế anh Mac?” - Xin lỗi là đã làm phiền anh. Nhưng việc này quan trọng anh Jonas ạ. - Nói đi. - Bono vừa mói gọi điện từ xưởng phim tới. Hết tháng là ông ta sẽ rời xưởng sang làm cho Hãng Paramount. Ông ta ký được một hợp đồng rất hời với Paramount. - Đề nghị với ông ta thêm nhiều tiền vào. - Tôi đã làm thế. Nhưng ông ta không muốn có tiền. Ông ta chỉ muốn đi thôi. - Hợp đồng của ta với ông ta thế nào? - Cuối tháng này là hết. Ta không thể giữ được ông ta nếu ông ta muốn đi. - Thế thì kệ cha ông ta… Nếu ông ta muốn đi, cứ để ông ta đi. Ta phải tìm một ai đó để nắm xưởng phim. Anh không thể có một hãng điện ảnh mà trong đó lại chả có ma nào làm phim cả. Tôi không phải là không biết điều ấy. Thật rủi ro là David Ulf đã không trở về. Tôi có thể tin cậy vào anh ta được. Anh ta có cảm giác rất nhậy về điện ảnh như là tôi đối với máy bay. Nhưng anh ta đã chết ở Anzio mất rồi. - Đêm nay tôi sẽ bay tới San Diego. – Tôi đáp. – Hãy để tôi nghĩ một tý đã, rồi ngày kia ta sẽ bàn đến nó tại văn phòng của anh ở Los Angeles. – Tâm trí tôi giờ còn có những mối lo lớn hơn. Một chiếc Centurion đã bằng thu nhập của xưởng phim suốt cả mười hai tháng rồi. Khoảng một giờ sáng thì chúng tôi hạ cánh xuống San Diego. Tôi đi taxi thẳng từ sân bay tới cái âu đóng tàu nhỏ chúng tôi thuê bên cạnh căn cứ hải quân. Còn cách mười tòa nhà, tôi đã thấy những quầng sáng lóa lên từ chỗ đó. Tôi mỉm cười một mình. Cứ để cho Amos ra tay mà xem. Ông ta đang có một kíp thợ ca ba làm như điên, dù có phải vi phạm các quy định về phòng không cũng mặc. Tôi đang đi vòng qua cái vòm mái to tướng vốn để che tàu, giờ dùng làm nhà để máy bay thì nghe thấy tiếng ai đó thét lên: “Tránh khỏi đà ngay!” Và chiếc Centurion lừng lững ló ra, đuôi đi trước, trông y hệt như một con kền kền khoang cổ xấu xí khổng lồ, hay thụt lại. Nó như được bôi mỡ, lão tùn tụt khỏi triền đã về phía mép nước. Từ phía nhà máy bay, có tiếng reo ồ lên của một đám đông. Rồi tôi suýt nữa thì bị xô ngã ngửa ra bởi một tốp người vừa reo hò vừa chạy bổ xuống bờ nước. Tôi nhìn thấy Amos trong số đó, reo hò, khoa chân múa tay chả kém gì ai. “Rào… ào”, chiếc Centurion đâm nhào xuống nước. Không gian chợt lặng ngắt, thoáng tiếng rền rĩ đau đớn khi đuôi máy bay chìm nghỉm ngập cả ba cái bánh lái. Rồi một tiếng hò reo đắc thắng dậy lên khi chiếc máy bay dềnh lên, nổi ngang ra, bồng bềnh trên mặt vịnh. Nó bắt đầu từ từ xoay đi, lăng ra xa. Tôi nghe thấy tiếng mấy cái tời kêu to ken két cuộn dây lại. Người ta đang kéo nó vào sát bờ. Đám người vẫn hò reo ầm ỹ khi tôi tới được chỗ Amos “Ông… ông đang làm cái chó gì thế, hả?” tôi quát lên, cố át tiếng ầm ỹ. - Cái mà anh bảo tôi làm đấy thôi – thử nước nó cho nó. - Đồ ngu! Ông có thể đã làm chìm nó thì sao. Tại sao ông không kiếm một cái buồng khí nén hả? - Không có thì giờ. Cái sớm nhất tôi có thể kiếm được là ba ngày nữa. Mà anh thì bảo là mai anh sẽ cho nó bay. Máy bay đã được mấy cái tời kéo lên một nửa khỏi mặt nước, đầu ở trên cao. “Anh chờ ở đây một tý nhá”, Amos thốt lên, “để tôi bảo đám thợ làm tiếp. Họ ăn lương gấp ba đấy”. Ông ta chạy xuống đà, tới chỗ cái thang mà một tay thợ đã dựng vào sườn chiếc máy bay khổng lồ. Leo thoăn thoắt như một người bằng nửa tuổi mình, Amos mở túi cửa ngay dưới cabin, biến mất vào trong máy bay. Một thoáng sau, tôi nghe thấy có tiếng động cơ kêu rù rù ở một nơi nào đó trong nó, rồi cái hàm cửa đổ bộ khổng lồ hạ xuống, hở hoác ra một lỗ trống ở đầu máy bay, vừa một chiếc xe tải chui lụt. Amos hiện ra ở đỉnh cầu lên trong lòng máy bay, nói với đám thợ: “Thôi nào, các chú. Các chú đã biết phải làm gì rồi đó. Chỉnh cho hết sự lệch pha sớm đi. Ta không ăn lương gấp ba để ngồi tán suông đâu nhé”. Rồi ông ta bước lên triền đà, đi về phía tôi. Chúng tôi quay về căn phòng của Amos. Có một chai whisky trên bàn. Ông ta lôi hai chiếc cốc giấy từ cái giá trên tường xuống, đổ rượu vào. “Anh định mai cho nó bay lên thật đấy à?” Tôi gật đầu. Ông ta lắc đầu: “Tôi thì sẽ tôi sẽ không làm thế đâu. Nó nổi được không hề có nghĩa là nó sẽ bay được. Chúng ta còn chưa nắm chắc được rất nhiều cái. Thậm chí là dù có bay lên được, không có gì đảm bảo là nó sẽ bay trót lọt, biết đâu nó sẽ tung ra từng mảnh ở giữa trời thì sao?” - Việc này khá liều thật. – Tôi đáp. – Nhưng tôi vẫn cứ nhất định sẽ cho nó bay. Amos nhún vai, “Anh là ông chủ”. Ông ta chìa một trong hai cái cốc giấy cho tôi. Ông ta nâng cái cốc của mình lên miệng: “Chúc cho chúng ta gặp may mắn”. * * * Đến hai giờ chiều hôm sau, chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị xong. Hễ mở máy là động cơ số hai bên phải lại phụt đầu tung tóe ra như một cái giếng phun; chúng tôi không tài nào lần ra được nguyên nhân. Tôi đứng sững trên triền đà, trân trân nhìn chiếc máy bay. “Ta phải kéo nó lên tôi”, Amos nói, “đưa nó lại xưởng để chữa”. Tôi nhìn ông ta: “Như vậy sẽ mất bao nhiêu lâu?” - Hai, ba tiếng. Nếu ta gặp may, tìm được ngay chỗ hỏng. Có lẽ tốt hơn là hoãn đến mai hãy cho nó cất cánh. Tôi nhìn đồng hồ của mình: “Làm thế để làm gì cơ chứ? Từ giờ đến năm giờ, ta còn hai tiếng rưỡi ban ngày nữa cơ mà”. Tôi quay về phía văn phòng của ông ta. “Tôi tranh thủ chợp mắt một tý trên cái đi văng đây. Bao giờ xong thì gọi tôi ngay nhé”. Nhưng cố ngủ ở đây thì thà đến ngủ ở một nhà máy xe lửa còn hơn, tiếng công nhân gọi nhau, quát tháo ầm ỹ, tiếng búa rầm rầm, tiếng tán đinh rivê choang choang. Rồi chuông điện thoại réo, tôi nhổm dậy, cầm lấy ống nghe. “Alo, ba đấy phải không ạ?” Giọng của Monica. - Không, Jonas đây. Để anh gọi ông ta cho em. Tôi đặt ống nghe xuống bàn, bước tới ngưỡng cửa, gọi Amos. Tôi quay lại, nằm dài trên đi văng khi ông ta cầm lấy điện thoại. Nghe thấy giọng nói, ông ta bất giác liếc nhìn tôi, ánh mắt là lạ. “Phải ba đang mắc chút việc bận”. Ông ta lặng thinh một hồi, lắng nghe tôi. Rồi ông ta mỉm cười, thốt lên: “Thế thì tuyệt quá. Bao giờ con sẽ đi?... Vậy là xong việc này, ta sẽ bay tới New York gặp con. Ta sẽ tổ chức ăn mừng. Cho ba hôn Jo Ann nhé”. Ông ta đặt máy xuống, bước lại chỗ tôi. “Monica đấy”, ông ta thốt lên, cúi nhìn tôi. - Tôi biết rồi. - Chiều nay nó sẽ chuyển đi New York. X.G Hadin vừa mới cử nó sang làm chủ bút điều hành tờ Phong cách và muốn nó phải quay về đấy ngay. - Vậy thì tuyệt quá. – Tôi đáp. - Nó sẽ đưa Jo Ann đi cùng. Anh đã lâu rồi chưa gặp con bé con nhỉ? - Chưa. Kể từ cái buổi ông lôi hai mẹ con cô ấy ra khỏi phòng tôi tại khách sạn Drek, năm năm trước ở Chicago ấy. - Anh nên gặp con bé mà xem. Nó lớn bổng lên thành một đứa con gái xinh vô cùng. Tôi trố mắt nhìn ông ta. Bây giờ thì tôi đã có thể nói là mình không còn cái gì là không thấy nữa – đến như Amos Winthrop cũng đang đóng vai làm một người đàn ông kiêu hãnh vì đứa cháu. “Ông già ơi, ông có vẻ thực sự thay đổi rồi đấy nhỉ?” - Sớm muộn, rồi người ta cũng phải tỉnh ra. – Amos đáp, ngượng đỏ mặt. – Ta nhận thấy rằng mình đã gây ra vô số điều đau đớn cho những người mà ta yêu thương; và nếu như ta không phải là một thằng hoàn toàn khốn nạn, thì ta sẽ cố đền bù lại những mất mát ấy chứ. - Tôi cũng đã được nghe về cái chân lý ấy rồi đấy. – Tôi nói mỉa. Giờ không phải lúc tôi hứng thú lắng nghe những lời giáo huấn của cái lão già ấy, dù cho ông ta đã tu tỉnh cải tạo thành thánh rồi cũng mặc. – Người ta bảo rằng chuyện đó xảy ra với ta, khi ta không còn sức vươn lên nữa đấy mà. Mặt ông ta thoáng hiện lên một cái vẻ của Amos ngày xưa. Ông ta đang tức, tôi biết. “Jonas, tôi quyết định nói cho anh rõ một đôi điều”. - Điều gì vậy, ông Amos? - Thưa ông Winthrop, động cơ có thể lắp lại được rồi ạ. – Một công nhân từ ngưỡng cửa nói vọng vào. - Tôi ra ngay đây. – Amos quay lại phía tôi. – Anh nhớ nhắc tôi nói lại chuyện này, sau khi ta thử xong về nhé. Tôi ngoác miệng cười, nhìn ông ta bước ra khỏi cửa. Ít nhất thì ông ta cũng không quá trở thành thánh thiện đến mức tôi không trêu gan ông ta được nữa. Tôi nhỏm dậy, quờ quờ chân dưới gầm đi văng tìm giầy. Khi ra đến bên ngoài, tôi thấy cái động cơ đang chạy vù vù, trơn tru. “Máy bay tôi thấy giờ ổn rồi đấy”, Amos thốt lên, quay lại nhìn tôi. Tôi xem đồng hồ. Bốn rưỡi. “Vậy thì đi nào. Ta còn đợi gì nữa?” Amos đặt bàn tay lên cánh tay tôi. “Tôi không thể khuyên anh bỏ được ý định ấy đi sao?” Tôi lắc đầu. Mười bảy triệu đôla là một món quá to, không thể làm cái gì được cả. Ông ta khum hai tay lên miệng làm loa, gọi lớn: “Tất cả mọi người, trừ tổ bay, ra khỏi máy bay ngay!” Gần như ngay lập tức, động cơ tắt lịm, im lặng bao trùm cái triền đà. Mấy phút sau, người cuối cùng đã leo khỏi cầu đổ bộ. Một người đàn ông thò đầu qua cái cửa sổ nhỏ xíu của cabin lái: “Thưa ông Winthrop, đã ra hết rồi ạ, trừ có tổ bay”. Amos và tôi đi ngược cầu lên, vào trong máy bay, rồi leo qua một cái thang nhỏ từ sàn chở hàng lên khoang chứa người, đi thẳng tới cabin lái. Ba thanh niên ở đó. Họ đưa mắt tò mò nhìn tôi. Cả ba người vẫn còn đội mũ cứng bảo hộ lao động của công nhân dưới xưởng. - Thưa ông Cord, đây là tổ bay của ông ạ. – Amos giới thiệu theo đúng thể thức. Bên phải là Jo Kates, phụ trách vô tuyến. Ở giữa là Steve Yabloski, kỹ sư chuyến bay, phụ trách các động cơ mạn phải: số 1, 3 và 5. Ở bên trái là Barry Gold, kỹ sư chuyến bay phụ trách các động cơ mạn trái 2, 4 và 6. Tất cả đều là cựu binh của hải quân và biết chức trách mình rất rõ. Chúng tôi lần lượt bắt tay nhau. Rồi tôi quay sang Amos: “Thế còn phi công thứ hai kiêm dẫn đường đâu nhỉ?” - Ngay đây. – Amos đáp. - Đâu? – Tôi. - Thế là cái quái… Ông ta nhoẻn cười với tôi: “Anh còn đào đâu ra được ai biết rõ cô bé này hơn tôi hả? Hơn nữa, già nửa năm nay, đêm nào tôi cũng ngủ với cô ta. Còn hai hơn tôi được quyền cưỡi cái chuyến đầu tiên nào?” Tôi trố mắt trân trân nhìn ông ta. Rồi tôi chịu thua. Tôi hiểu rất rõ cảm giác ấy. Mới hôm qua thôi, tôi cũng đã thấy như vậy, khi người ta không cho tôi lái chiếc phản lực. Tôi leo vào ngồi trong Chiếc ghế phi công. “Mọi người về vị trí!” - Rõ. - Rõ. - Thưa ngài rõ. Tôi nhoẻn cười với chính mình. Đúng mấy tay này là lính thật. Tôi cầm bản chương trình kiểm tra kẹp ở trước mặt lên, đọc: “Đóng cầu lên!” Một động cơ bắt đầu kêu rù rù ở phía sau tôi. Thoáng sau, trên bảng điều khiển trước mặt tôi, lóe lên một ngọn đèn đỏ. “Thưa ngài, cầu lên đã đóng!” - Phát động cơ số 1 và số 2! – Tôi thốt lên, vươn người tới, bật các công tắc cho phép các kỹ sư phát động chúng. Hai cái động cơ to tướng gầm lên, phì ra một luồng khói đen. Các cánh quạt bắt đầu quay chậm rãi, rồi nhanh dần thành một vòng trong suốt. - Báo cáo, động cơ số 1 mạn phải đã khởi động xong. – Báo cáo, động cơ số 2 mạn trái đã khởi động xong. Mục sau trong danh sách kiểm tra là một mục mới đối với tôi. Tôi mỉm cười với mình. Đây không phải là một cái máy bay nữa, mà là một chiếc tàu chiến có cánh. “Tháo neo!”. Amos rướn người khỏi ghế bên phải, nhả cần thả các sợi dây giữ ra. Một ngọn đèn đỏ nữa xuất hiện trên tấm bảng điều khiển trước mặt tôi, và tôi cảm thấy rõ chiếc Centurion đang trượt dần xuống nước. “Rào… .ào”, nó hơi chúi về phía sau, rồi khẽ đung đưa. Tiếng sóng vỗ vào thân nó vọng óc ách từ phía dưới lên. Tôi cúi người về phía trước, xoay vô lăng lái. Từ từ, chiếc máy bay khổng lồ quay mũi, nhằm hướng đại dương lướt ra. Tôi nhìn sang Amos. Ông ta ngoác miệng ra cười với tôi. Tôi nhoẻn cười lại. Từ trước đến giờ thế là rất tuyệt. Ít nhất thì chúng tôi cũng đã bơi ra được biển. 4 Một con sóng đập vào đầu máy bay, vỡ vụn, tóe lên những tia nước mặn ngay trước cửa sổ cabin đúng vào khi tôi làm xong mục kiểm tra cuối cùng. Có đến gần một trăm mục, và tôi có cảm giác hàng mấy giờ đã trôi qua kể từ lúc xuất phát. Tôi xem đồng hồ tay. Mới có mười sáu phút từ lúc chúng tôi rời khỏi triền đà. Tôi nhìn qua cửa sổ. Sáu động cơ đang chạy trơn tru, sáu cái quạt quay loang loáng trong nắng và bụi nước. Một bàn tay đụng vào tay tôi. Tôi quay lại. Anh chàng phụ trách vô tuyến đứng ở phsia sau ghế, một tay cầm cái áo phao, tay kia lõng thõng chiếc dù. “Thưa ngài, áo cấp cứu ạ”. Tôi nhìn anh ta. Anh ta đã mặc áo của mình, những người khác cũng vậy. “Nhét hộ vào sau ghế tôi”. Tôi nhìn sang Amos. Ông ta đã mặc xong cái áo, đang thắt đai lưng của chiếc dù. Rồi ông ta buông mình lại xuống ghế, phì ra một tiếng kêu khó chịu. Ông ta nhìn sang tôi: “Anh cũng nên mặc cái áo vào đi”. - Tôi có một điều mê tín về cái đó.- Tôi đáp. – Nếu người ta không mặc nó, thì không bao giờ phải dùng đến nó cả. – Ông ta lặng thinh, nhún vai. Anh chàng vô tuyến quay trở về chỗ của mình, thắt lưng vào ghế. Tôi nhìn quanh cabin: “Đã xác định được các đài dẫn đường chưa?” Tất cả trả lời đồng loạt: “Rồi ạ, thưa ngài rõ rồi ạ”. Tôi vươn người tới, bật công tắc. Tất cả đèn trên bảng điều khiển vụt chuyển từ đỏ sang xanh. Từ nay trở đi, chúng sẽ chỉ trở lại đỏ nếu có điều gì bất trắc. Tôi quay mũi máy bay ra phía đại dương: “Ok, nào ta đi!” Tôi từ từ mở cửa ga. Chiếc máy bay to tướng tròng trành, hơi chúi xuống các làn sóng rồi dần dần ngóc đầu lên khi sáu cánh quạt bắt đầu tăng tốc, chém mạnh vào không khí. Bây giờ chúng tôi ngóc lên cao, như một chiếc xuống cao tốc đang tham dự một cuộc đua mùa hè. Tôi nhìn bảng điều khiển. Tốc độ ba mươi lăm mét giây. Giọng Amos vang lên bên tai tôi: “Tốc độ nâng máy bay lên không trung đã tính toán, theo chế độ bay này, là ba mươi bảy”. Tôi gật đầu, không ngoái sang ông ta, vẫn tiếp tục tăng ga. Kim đồng hồ chỉ ba mươi ba, rồi ba bảy. Sóng vỗ ào vào đuôi máy bay như tán đinh. Tôi đưa kim ga lên đến ba mươi tám, rồi bắt đầu từ từ kéo cần lái vào lòng. Trong một thoáng, chưa thấy có gì thay đổi cả, tôi tăng tốc độ lên bốn mươi. Đột nhiên, chiếc Centurion có vẻ như rung lên bần bật, và nhấc mình lên khỏi mặt nước. Không còn bị dính xuống nước nữa, nó như nhảy bung lên. Kim chỉ đến tốc độ bốn mươi ba, và toàn bộ hệ thống máy móc nằm trong tay tôi điều khiển rất dễ dàng. Tôi nhìn qua cửa sổ. Mặt biển đã ở dưới chúng tôi bảy chục mét. Chúng tôi đã bay được lên trời. - Mẹ kiếp tuyệt quá! – Một tay nào phía sau tôi bật kêu lên. Ngồi nguyên trong ghế, Amos vặn người lại: “Ok, thế nào, các tướng?”. Ông ta chìa tay ra, “trả tôi đi chứ!” Ông ta nhìn tôi, nhoẻn cười: “Mỗi tay này cuộc với tôi một đôla là ta không bao giờ cất mình lên khỏi mặt nước được đấy”. Tôi ngoác miệng cười lại với ông ta, vẫn tiếp tục cho máy bay từ từ leo dần lên. Đến độ cao hai ngàn mét, tôi cho bay thẳng, nhằm thẳng hướng mặt trời đang lặn, lao tới. - Nó dễ điều khiển quá, như là đẩy xe nôi trẻ con ấy. – Amos cười khanh khách vui vẻ trong ghế của mình. Tôi đang đứng sau lưng anh chàng vô tuyến điện, nghe thấy vậy bèn ngẩng lên nhìn ông ta. Trước đó, anh chàng vô tuyến đã giải thích cho tôi biết về hệ thống recorder tự động phát tín hiệu. Tất cả những gì ta phải làm là nói lại mệnh lệnh một lần, rồi bật công tắc tự động, cái máy sẽ nhắc đi nhắc lại đến cạn acqui thì mới thôi. Ánh mặt trời đã nhuộm bạc phơ mái tóc của Amos thành màu đỏ rực thời trẻ. Tôi cúi nhìn đồng hồ tay. Sáu giờ mười lăm, chúng tôi đang ở trên Thái Bình Dương, cách bờ khoảng ba trăm hai mươi cây số. “Amos, tốt nhất là cho nó vòng lại, quay về đi. Tôi không muốn lần đầu tiên ta hạ cánh nó vào ban đêm đâu”. - Thưa thuyền trưởng, cái thuật ngữ ấy trong Hải quân là “Hết lái, vòng lại”. – Anh chàng vô tuyến điện nhăn răng cười với tôi. - Ok, anh thủy thủ. – Tôi đáp, quay sang Amos. – Hết lái, vòng lại. - Rõ, rõ, thưa ngài: rõ. Chúng tôi vòng lại rất êm. Tôi cúi người nhìn qua vai anh chàng vô tuyến. Đột nhiên, máy bay rung lên, tôi suýt nữa ngã vập vào anh ta. Tôi bấu vội vào vai anh ta; kỹ sư mạn phải hét lên: “Số năm lại bị hỏng!” Tôi vừa lao người trở lại ghế vừa đưa mắt ngó ra ngoài cửa sổ. Cái động cơ đang phụt dầu ra như giếng phun. “Tắt nó đi!” tôi thét lên, ngồi vội vào ghế. Mạch máu cổ Amos hằn lên như một sợi dây thép. Ông ta cố xoay xở bánh lái để điều khiển chiếc máy bay đột nhiên nghiêng đi. Tôi chụp lấy bánh lái của tôi, cùng khống chế nó với Amos. Dần dần, nó lấy thăng bằng trở lại. - Báo cáo động cơ số năm đã tắt. Tôi đưa mắt liếc ra. Cánh quạt đang quay chậm theo gió, nhưng dầu đã thôi không phun ra nữa. Tôi nhìn Amos. Mặt ông ta trắng nhợt, mồ hôi rỏ tong tỏng, nhưng ông ta cố mỉm cười: “Chúng ta có thể quay trở về với năm động cơ mà chả sao cả”. - Ồ. – Chúng tôi có thể quay về với ba động cơ, theo số liệu tính toán. Nhưng tôi chả thích phải thử thế. Tôi nhìn bảng điều khiển. Đèn đỏ đã bật ở động cơ số năm. Rồi đột nhiên, một đốm đỏ nữa bỗng lập lòe ở đồng hồ động cơ số bốn. “Cái quái gì thế hả?” Nó bắt đầu khặc khừ, liên tiếp nghẹn lại khi tôi quay ra kịp nhìn nó. “Kiểm tra số 4!” tôi thét lên. Tôi quay lại bảng điều khiển. Đèn đỏ xuất hiện ở đường ống dẫn nhiên liệu tới động cơ số 4. - Số 4: ống nhiên liệu tắt! - Dùng chân không thông ngay! - Rõ, thưa ngài! – Tôi nghe thấy tiếng công tắc bật tách. Anh ta mở bơm chân không. Một ngọn đèn đỏ nữa lại nảy ra trước mặt tôi. “Báo cáo, bơm chân không không làm việc!” - Tắt số 4! – Tôi ra lệnh. Đừng có mảy may hy vọng cứ để đường ống tắc như vậy cho nó tự động thông. Đường ống nhiên liệu bị tắc nghẹn lại luôn luôn có xu hướng là sẽ cháy bùng lên. Mà chúng tôi vẫn còn bốn động cơ nữa. - Báo cáo, số 4 đã tắt ạ. Mười phút nữa trôi qua, tôi thở dài nhẹ nhõm khi thấy không có trục trặc nữa. “Giờ thì tôi nghĩ là ổn cả rồi!” Đáng lẽ tôi phải câm cái miệng béo phị khốn nạn của mình mới phải. Vừa mới thốt mấy lời ấy ra, tôi đã thấy động cơ số một bắt đầu hục hặc, rồi rống lên, bảng điều khiển trước mặt tôi sáng rực lên như một cây thông Noel thắp chi chít bóng đèn. Động cơ số sáu bắt đầu nghẹn lại. - Bơm dầu chính bị hỏng! Tôi liếc thoáng sang dòng đồng hồ độ cao. Chúng tôi đang ở một ngàn bảy, và đang rơi tùn tụt thẳng xuống. “Báo động vô tuyến, chuẩn bị rời tàu!” tôi thét lên. Tôi nghe thấy giọng anh chàng vô tuyến kêu to vào máy: “May đây! May đây! Máy bay thí nghiệm của hãng Cord. Đang rơi xuống Thái Bình Dương. Vị trí cách San Diego khoảng hai trăm cây số về phía Tây. Tôi nhắc lại, vị trí cách Xan Diego khoảng hai trăm cây số về phía Tây. Mây đây! Mây đây!” Tôi thấy vang lên một tiếng “cách” khá to và đoạn lời nói trên lại được lặp lại. Anh chàng vô tuyến. Bất giác tôi ngạc nhiên đớ người ra, rồi sực nhớ ra cái máy tự động đang phát lời ấy kêu cấp cứu. “Thưa ngài, nếu ngài cần, chúng tôi sẽ ở lại”, anh ta nói ngắn gọn. - Đây không phải chuyện vì Chúa trời và Tổ quốc, mà là chuyện vì tiền! Các anh cứ đi đi. Tôi nhìn sang Amôx vẫn đang ngồi nguyên trong ghế: “Cả ông nữa, Amôx!”. Ông ta lặng thinh. Chỉ tháo dây an toàn buộc ở bụng ra, đứng lên khỏi ghế. Tôi nghe thấy tiếng cửa cabin ở đằng sau mình mở tung. Ba người kia đã lao qua cửa cấp cứu ở khoang hành khách. Đồng hồ chỉ độ cao một ngàn ba trăm. Tôi tắt động cơ số 1 và 6. May ra tôi có thể cho nó đáp xuống nước được, nếu hai động cơ còn lại chạy được chỗ nhiên liệu chuyển từ bốn cái kia sang. Máy bay cách mặt biển một ngàn bảy trăm. Đèn đỏ cửa cấp cứu bật sáng. Tôi nhìn loáng qua ô cửa sổ. Ba chiếc dù nối đuôi nhau liên tiếp bung ra. Tôi quay lại nhìn bảng điều khiển. Chín trăm ba mươi. Có tiếng động cơ phía sau. Tôi quay ngoắt lại, Amôx. Ông ta đang ngồi lại vào ghế của mình. “Tôi đã bảo ông nhảy ra cơ mà!” tôi thét lên. Ông ta với tay nắm lấy vô lăng lái: “Đám thanh niên ấy thế là đã an toàn cả. Tôi tính là hai ta có thể có dịp đưa nó đỗ xuống nước được đấy”. - Nhỡ không thì sao hả? – Tôi bực tức thét lên. - Thì cũng chẳng có ai nhớ tiếc gì ta lắm. Ta không bị uổng phí cả một đời dài như mấy cậu kia. Ngoài ra, cái cô bé này là cả một đống tiền! - Thế thì sao hả? – Tôi thét váng lên. – Có phải tiền của ông đâu. Một vẻ không hài lòng rất lạ hiện lên trên mặt Amôx: “Tiền không phải là thứ duy nhất đổ vào cái máy bay nay. Tôi đã làm ra nó!” Đến độ cao ba trăm mét thì động cơ số 3 bắt đầu nổ ngắt quãng. Chúng tôi nhào dậy, bíu người đu lấy vôlăng để chống lại trọng lực kéo cánh phải sệ xuống. Còn bảy mươi mét, động cơ số 3 tắt lịm. Chúng tôi xô dúi về bên phải. “Tắt động cơ ngay!”. Amôx thét lên. “Ta đâm nhào xuống bây giờ. Tôi vừa kịp tắt động cơ thì cánh phải cắm xuống nước, gẫy văng ra, ngọt như một que diêm. Máy bay lao sập xuống nước như dập chiếu. Thắt lưng ghế xiết chặt nghẹn vào bụng tôi. Mắt tôi đổ đom đóm, tôi suýt thét lên vì đau đớn. Rồi sức ép vụt biến mất, mọi vật lại hiện lên rõ rệt. Tôi nhìn ra xung quanh. Chúng tôi đang nổi lên mặt nước một cách khó khăn, cánh trái chổng ngược lên trời. Nước biển đã chảy ồ ồ vào cabin dưới bàn chân chúng tôi. - Hãy ra khỏi đây ngay! – Amôx thét lên, lao tới cửa cabin đã đóng chặt lại. Ông ta xoay nắm cửa, đẩy mạnh, rồi lao cả người vào. Cánh cửa vẫn trơ trơ. “Kẹt cửa rồi!” ông thét lên, quay ngoắt lại phía tôi. Tôi trố mắt nhìn ông ta, rồi nhảy bổ lên với cái chốt cấp cứu ở trên đầu ghế lái. Một tay tôi kéo chốt, tay kia đẩy mạnh nắp cửa ra. Không có gì suy chuyển cả. Tôi ngẩng phắt lên nhìn thấy ngay nguyên nhân. Khung máy bay đã bị vặn đi, ép nó kẹt lại. Bây giờ chỉ có thuốc nổ mới phá tung ra được. Amôx không đợi tôi bảo, vơ ngay lấy một cái cờlê từ túi đựng đồ sửa chữa khẩn cấp, đập chan chát vào lớp thủy tinh hữu cơ, phá thành một lỗ ở cái cửa sổ. Ông ta vứt cái cờlê xuống, nhặt cái áo phao lên, quăng cho tôi. Tôi chui vào rất nhanh, kiểm tra lại van tự động để bảo đảm rằng nó sẽ làm việc đúng khi tôi chạm xuống mặt nước. - Ôkê. Amôx, theo truyền thống của biển chứ. Thuyền trưởng là người cuối cùng rời khỏi tàu. Sau ông, Alphônxơ ạ.” - Hả? anh điên rồi sao – Ông ta quát lên. – Có cắt đôi ra, tôi cũng không chui lọt cái lỗ ấy. - Ông không béo đến thế đâu. Ta hẵng thử xem đã. Đột nhiên, ông ta mỉm cười. Đáng nhẽ tôi đã phải khôn hơn, hiểu được ra rằng không nên tin vào Amôx khi ông ta mỉm cười như vậy. Cái nụ cười xảo quyệt như sói ấy chỉ đến với ông ta khi ông ta sắp sửa chơi trò xỏ lá đối với người khác. “Thôi được, Gaxtông ạ. Anh là thuyền trưởng mà”. - Thế mới hay hơn chứ. – Tôi đáp, khuỵu chân xuống, giơ hai tay lên chuẩn bị đỡ ông ta chui qua cửa. – Tôi đã biết, rồi cũng có ngày ông sẽ hiểu ra ai là chủ mà. Nhưng ông ta đã không bao giờ hiểu ra điều đó cả. Và tôi cũng không bao giờ cò biết ông ta đã đánh mình bằng cái gì. Tôi lao vèo vào Phố Mê, đầu nặng trĩu. Tôi đang léo ra, nhưng không thực thoát hẳn ra khỏi Phố Mê ấy. Tôi nhận thức được những việc xung quanh, nhưng không làm gì được nữa. Hai tay tôi, hai chân tôi, đầu tôi nữa – tất cả như thuộc về một người khác. Tôi cảm thấy Amôx kéo tôi về phía cái cửa, rồi mặt đau rát lên như bị mèo cào. Tôi bắn văng ra khỏi cửa, rơi, rơi mãi, đến hàng nghìn dặm, hàng nghìn tiếng đồng hồ. Rồi tôi ngã sụp xuống thành một đống trên cái cánh, tay vẫn lần tìm sợi dây để giật cho dù mở ra. Tôi loạng choạng đứng dậy, cố trệu trạo trèo lên thành cái cabin, trở lại lỗ cửa sổ. “Ra, ra ngay! Đồ khốn kiếp, đồ chó đẻ bẩn thỉu!” tôi thét lên, òa khóc. “Ra, ra ngay, không ông giết mày!” Rồi cái máy bay vặn mình, một mảnh gì đó từ phía cánh bắn văng lên, đập vào sườn tôi, hất tôi nhào xuống biển. Tiếng không khí ép rít lên xì xì. Cái phao bắt đầu phồng lên quanh bẹn tôi. Tôi đặt đầu lên những cái gối mềm, ngủ thiếp đi ngay lập tức. 5 Ở bang Nêvađa, nơi tôi sinh ra và được nuôi dạy lớn lên, hầu như chỉ có cát và các lèn đá với dăm ba hòn núi nhỏ. Không hề có biển và đại dương. Nơi ấy có suối và hồ, có bể bơi ở mọi câu lạc bộ và khách sạn. Nhưng những cái ấy đều đầy một thứ nước ngọt, tinh khiết, lục bục trong miệng ta như rượu vang, nếu như đang tắm mà ta có nhỡ uống phải. Trong đời, tôi cũng đã từng đến đôi ba đại dương. Đại Tây Dương - ở bãi biển Maiami và Atlantic Xity; Thái Bình Dương, ngoài khơi Malibu; rồi những làn nước xanh thẫm của Địa Trung Hải nữa, ngoài khơi Rivêra. Tôi đã ngâm mình trong làn nước ấm của dòng hải lưu Gălf Xtrim, chạy băng băng trên những vạt cát trắng của bãi biển Becmuđa, đuổi theo một cô gái trần trụi, người chỉ có một mong muốn duy nhất là được làm như cá. Tôi không tài nào hiểu ra được cái bí quyết của loài cá heo, bởi không hiểu sao, trong nước mặn, mọi cái đối với tôi đều nhẹ bỗng, đều chuội khỏi tôi. Tôi chưa bao giờ ưa nước mặn cả. Nó dính nhơm nhớp vào da, làm mũi cháy rát lên, mắt cộm nhức. Và nếu nhỡ uống phải một ngụm, thì cứ như là uống phải một ngụm nước súc miệng ăn từ hôm qua chưa rửa. Vậy tôi đang lềnh bềnh ở đây làm gì thế này? Đồ khốn kiếp, con người nhỏ bé ạ! – Tất cả sao trên trời đang chõ xuống, cười nhạo anh. Thế này mới làm anh tỉnh ra, biết tôn trọng biển. Anh không thích thú gì nước mặn lắm thì phải? Thế nào, anh có thích một triệu, một tỷ tỷ lít nước mặn như thế này không? Hay là một tỷ tỷ tỷ? - A…a…a… cút cha chúng mày đi! – Tôi kêu lên, rồi lại ngủ thiếp đi. Tôi lập cập lấy hết cái sức tám tuổi của mình co cẳng chạy vòng ra sau tòa nhà ngang, kéo sền sệt, thắt lưng đạn và khẩu súng nằm trong bao trên mặt cát. - Này, cu! Anh bạn có cái gì thế hả? – Giọng ba tôi chợt đột ngột vang lên ở phía sau lưng. Tôi quay ngoắt người lại nhìn ông, cố giấu cái thắt lưng và khẩu súng đi. “Không có gì đâu ạ.” - Không có gì ư? – Ba tôi vặn lại. – Vậy thì để ba xem nào. Ông vòng tay ra sau lưng tôi, giật cái thắt lưng khỏi tay tôi, nhấc nó lên. Một khẩu súng lục và một tờ giấy gập tư rơi ra. Ông cúi xuống nhặt chúng lên. “Con lấy những thứ này ở đâu ra, hả?” - Trên tường nhà ngang, gần giường của anh Nêvađa ạ. – Tôi đáp. – Con phải leo lên mới lấy được ạ. Ba tôi nhét lại khẩu súng vào bao. Đó là một khẩu súng đen, bóng loáng, có hai chữ M.X. khắc ở báng. Ngay khi ấy, tôi cũng đủ lớn để biết rằng người nào đó đã khắc nhầm tên tắt của anh Nêvađa. Ba tôi định nhét tiếp tờ giấy vào bao, nhưng lại tuột tay đánh rơi. Nó mở tung ra. Tôi nhìn thấy đó là một bức ảnh của Nêvađa, với một dòng chữ số ở phía trên và mấy chữ in ở phía dưới. Ba tôi chằm chằm nhìn nó một hồi lâu, rồi gập tờ giấy lại như cũ, nhét nó vào bao súng. - Bỏ lại nguyên về chỗ mày lấy nó. – Ông cáu kỉnh nói. Tôi thấy rõ là ông đang phát khùng. – Đừng có bao giờ để tao thấy mày cầm những thứ không phải của mày nữa nhé, nếu không thì dừ đòn với tao! - Thưa ông Cođơ, chú nhỏ không việc gì phải chịu đòn như vậy đâu ạ. – Giọng Nêvađa đột ngột vang lên ở phía sau chúng tôi. – Chính là lỗi tại tôi đã để nó ở chỗ chú nhỏ có thể kiếm thấy. – Chúng tôi quay lại. Anh đứng sừng sững, bộ mặt da đỏ của anh cháy nắng, không biểu lộ một vẻ gì cả. Anh chìa tay ra, - Nếu ông đưa lại cho tôi, tôi xin cất cẩn thận ạ. Lặng lẽ, ba tôi đưa trả lại cho anh khẩu súng và cái thắt lưng đạn. Hai người đứng nhìn nhau. Cả hai chả nói lời nào. Tôi trố mắt nhìn họ, ngỡ ngàng. Hai người hình như đang nhìn sâu vào mắt nhau, tìm kiếm một cái gì đấy. Một hồi lâu sau, Nêvađa cất tiếng: “Tôi sẽ tính thời gian làm việc của tôi, nếu ông muốn thế, thưa ông Cođơ”. Tôi hiểu ý anh nói thế nghĩa là gì. Nêvađa sắp sửa bỏ đi. Ngay lập tức, tôi kêu rú lên. “Không”, tôi thét to, “Con sẽ không làm thế nữa. Con xin hứa”. Ba tôi cúi xuống nhìn tôi một hồi. Rồi ông ngẩng lên nhìn Nêvađa. Mặt ông thoáng hiện lên một nụ cười. “Con trẻ và thú vật là những sinh vật thực sự biết chúng cần gì, cái gì là tốt nhất đối với chúng đấy”. - Đúng là người ta đã bảo thế thật. - Anh nên cất cái đó ở chỗ không ai có thể tìm thấy thì hơn. Cái ánh cười bây giờ đã hiện lên ở mắt Nêvađa. “Thưa ông Cođơ, vâng ạ. Nhất định tôi sẽ làm thế”. Ba tôi cúi xuống nhìn tôi, nụ cười của ông vụt biến mất. “Thế nào, đã nghe rõ chưa hả thằng ranh? Còn động vào những gì không phải của mình nữa, là dừ đòn!”. - Vâng ạ. – Tôi đáp, vững vàng, đinh ninh. – Con nhớ ạ. Một ngụm nước mặn ộc vào đầy mồm tôi. Ho sặc sụa, nghẹn thở, tôi nhổ tóe ra. Tôi mở mắt. Sao vẫn sáng lấp lánh, nhưng ở phương đông, chân trời đã sáng lên nhàn nhạt. Hình như có tiếng động cơ rù rù ở đằng xa. Nhưng rồi tôi nghĩ có lẽ đó chỉ là dư âm ở trong tai tôi mà thôi. Sườn tôi, chân tôi đau nhức như là tôi đã nằm đè lên chúng ngủ suốt cả đêm. Tôi cựa quậy. Một cơn đau chạy nhói lên óc, làm tôi chóng mặt. Vẫn trời sao bắt đầu xoay tròn. Phát mệt vì chỉ nằm ngắm nó, tôi lại quay về giấc ngủ. Mặt trời trên sa mạc rất to, nóng rừng rực và chuyển động trên nền trời thấp đến mức độ đôi lúc ta có cảm giác rằng nếu ta vươn tay về phía nó, các ngón tay của ta sẽ bị bỏng. Và khi trời nóng như vậy, ta phải cẩn thận dò đường đi giữa các kẽ đá. Bởi dưới chúng, trong các chỗ râm, đang ngủ thiu thiu cho qua cái nóng ngột ngạt ban ngày, là những con rắn đuôi chuông, cuộn tròn người, lờ phờ uể oải, cái nóng khó chịu của thời tiết ngấm vào trong các mạch máu của chúng. Chúng phát khùng rất nhanh, tấn công như chớp, với cái tuyến nước bọt chết người của chúng, nếu như ta tình cờ đe dọa phá tan sự yên tĩnh của chúng. Con người cũng như chúng mà thôi. Mỗi một chúng ta ai cũng có một tảng đá bí mật riêng mình, nơi ta ẩn ở dưới đó, và tai vạ cho anh, nếu anh tình cờ đi qua đá lật nó lên. Bởi vì khi ấy, giống như bầy rắn đuôi chuông ở sa mạc, chúng ta sẽ quăng mình lên, mù quáng mổ vào bất kỳ ai tình cờ lúc ấy đi ngang qua. - Nhưng mà anh yêu em. – Tôi thốt lên. Và ngay khi đó, tôi đã thấy rõ sự hời hợt của những lời ấy. Em cũng biết điều đó. Phải, em cũng biết. Bởi vì trong những lời gay gắt tự buộc tội mình, em đã buộc cho tôi tất cả tội lỗi của toàn bộ giới đàn ông, mà em đã biết. Và những lời ấy không sai tý nào cả, bởi đó cũng chính là tội lỗi của tôi. - Nhưng mà anh yêu em. – Tôi lặp lại. Và vừa mới thốt những lời ấy ra khỏi miệng, tôi biết rằng em đã nhận ra sự yếu ớt của chúng. Qua miệng tôi, chúng trở nên trống rỗng và hời hợt. Nếu như tôi trung thực, thậm chí là chỉ riêng với sâu kín lòng mình, thì đáng lẽ tôi phải nói những lời này: “Anh muốn em. Anh muốn em trở nên cái mà anh muốn em trở thành cơ. Một sự phản ánh của hình tượng ấy trong những giấc mơ của anh, tấm gương ghi lại những thèm khát thầm kín của anh, khuôn mặt anh khát khao muốn phô diễn cho toàn thế giới chiêm ngưỡng, tấm gấm kim tuyến trên đó anh thêu thành vinh quang cho anh. Nếu em là tất cả những điều ấy, anh sẽ đem lại cho em sự hiện diện của anh đây, ngôi nhà của anh đây. Nhưng những điều ấy, đâu phải dành cho em như em đang là người thế này; mà là cho anh và cho người mà anh muốn em trở thành kia”. Và tôi đứng sững, không làm gì cả, lắp bắp những lời nhàm chán rỗng tuếch, trong khi những lời em nói ra khỏi miệng lại chính là thuốc độc cho tôi, em đang uống vào mà không biết. Bởi em đã bước qua tảng đá bí mật của tôi, không hề rõ mảy may. Tôi đứng sững ở đó hồi lâu, trong cái nóng hầm hập không quen thuộc, trong ánh nắng mặt trời gay gắt chói chang, lòng thầm hổ thẹn với dòng máu lạnh ngắt đang chảy trong huyết quản – dòng máu lạnh đã làm tôi khác hẳn với bất kỳ ai trên trái đất. Và không phản đối, tôi đã để em dùng nọc độc của tôi để tự hủy hoại em. Và khi nọc độc đã làm xong tác dụng của nó, không để lại cho em cái gì ngoài tâm hồn nhỏ nhoi, khiếp đảm, chưa được tha tội của em trong những ngày đầu mới vào đời, tôi quay đi. Hoàn toàn thiếu tình thương một cách rất lạ, tôi quay lưng lại với em. Tôi quay lưng lại trước những nỗi khiếp sợ của em, trước việc em khát khao được an ủi và cổ vũ, trước lời van vỉ không nói ra của em, cầu xin có sự thông cảm, niềm xót xa, và tình yêu. Tôi bỏ chạy, chạy trốn khỏi mặt trời chói chang, trở về cái hốc yên ả của tôi. Nhưng rồi làm gì còn sự thoải mái trong cái bóng râm kín đáo ấy nữa, bởi ánh sáng đang xuyên qua nó; làm gì còn sự thoải mái trong dòng máu lạnh đang chảy trong tôi. Và tảng đá hình như đang nhỏ dần lại, nhỏ dần lại trong lúc mặt trời cứ lớn lên, lớn lên mãi. Tôi cố thu mình cho nhỏ đi, cố tìm lấy một chỗ ẩn dưới bề mặt tảng đá đang co quắp lại, chẳng bao lâu nữa thì tảng đá bí mật cũng chẳng còn. Không có cách nào cưỡng lại được cả. Mặt trời đang sáng chói mãi lên, sáng chói mãi lên… Sáng chói mãi, chói mãi… Tôi mở bừng mắt. Một đốm sáng quắc đang rọi thẳng vào mắt tôi. Tôi chớp mắt. Đốm sáng lệch sang một bên. Giờ tôi đã thấy quang cảnh ở dưới nó. Tôi đang nằm trên một cái bàn, trong một căn phòng trắng toát. Cạnh tôi là một người đàn ông mặc áo choàng trắng, đội mũ trắng. Đốm sáng phát ra từ cái gương phản chiếu tròn nhỏ ông ta đeo ở trán khi ông ta cúi nhìn tôi. Tôi có thể nom rõ những đốm râu đen cạo chưa sạch trên mặt ông ta. – Môi ông ta mím chặt, sắt lại. - Trời ơi! – Một giọng thốt lên từ phía sau ông ta. – Mặt ông ấy bị nát bét ra kinh quá. Có hàng trăm mảnh thủy tinh ở trong ấy chứ không ít. Mắt tôi chớp chớp, đảo ngược lên, nhìn thấy người đàn ông thứ hai khi người thứ nhất quay lại phía anh ta, mắng: “Đồ ngốc, im đi! Anh không thể thấy là ông ta đã tỉnh rồi à?” Tôi chực nhấc đầu dậy, nhưng một bàn tay nhẹ nhàng, nhanh nhẹn đã đặt lên vai tôi, ấn tôi nằm lại. Và mặt em hiện ra. Mặt em – gương mặt vời vợi tình thương yêu ái ngại chưa bao giờ tôi có được, đang cúi nhìn tôi. - Gieny! Tay em ấn khẽ xuống vai tôi. Em ngẩng lên nhìn ai đó ở phía sau đầu tôi: “Gọi bác sĩ Roda Xtraxme ở bệnh viện Trung tâm, Lôx Angiơlex; hoặc ở nhà an dưỡng Caltơn, Xanta Monica. Báo với bác sĩ rằng Giônơx Cođơ bị tai nạn nghiêm trọng, mời bác sĩ đến ngay”. - Thưa xơ Thomax, vâng ạ. – Giọng một cô gái trẻ thốt lên phía sau đầu tôi. Rồi tiếng bước chân bước xa dần. Cơn đau lại đột ngột dậy lên ở sườn và chân tôi. Tôi nghiến răng kèn kẹt. Có thể thấy rõ là nó đang làm tôi ứa nước mắt ra. Tôi nhắm nghiền hai mắt lại một thoáng rồi mở ra, ngẩng lên nhìn em. “Gieny!” tôi thì thào, “Gieny ơi… anh xin lỗi em”. - Không sao đâu, anh Giônơx ạ. – Em thì thào lại. Hai tay em luồn xuống tấm vải phủ người tôi. Tôi thấy tay mình hói lên một mũi kim tiêm. “Đừng nói nữa. Mọi việc bây giờ sẽ đâu vào đấy cả”. Tôi mỉm cười, đầy vẻ biết ơn; ngủ thiếp đi, loáng thoáng mơ hồ tự hỏi không biết tại sao Gieny lại quàng một tấm mạng trắng nom buồn cười trên mái tóc đẹp của em như thế. 6 Qua cửa sổ phòng tôi, từ ngoài phố đang rực rỡ nắng sớm, tiếng ồn ào của ngày hội vẫn âm ỷ vọng vào. Thậm chí con đường Hilerxt ôm vòng lấy Bệnh viện làm phước, ngày thường vốn vắng vẻ và lặng lẽ, giờ cũng đầy người, rộn ràng tiếng động vui vẻ. Thỉnh thoảng, từ cái căn cứ Hải quân ở đầu kia thành phố Xan Điêgô, u ủ vang lên tiếng còi đắc thắng của một con tàu nào đó. Suốt đêm qua là như vậy. Ngay từ chập tối, khi tin tức lan truyền tới. Nhật đã đầu hàng, chiến tranh đã kết thúc. Giờ thì tôi đã rõ cái mà Ôtô Xtraxme cố nói vòng vèo cho tôi hiểu. Giờ thì tôi đã rõ cái phép thần trong sa mạc ấy. Từ đống báo chí và từ cái đài ở cạnh tôi, chúng đã kể cho người nghe câu chuyện một cái hộp nhỏ xíu đựng nguyên tử đã đưa nhân loại đến cổng thiên đường. Hay là cổng địa ngục. Tôi lật lật người trên cái giường, tìm tư thế nằm thoải mái. Đám ròng rọc treo cái chân bó bột của tôi kêu ken két như tiếng chuột, góp thêm vào bầu không khí tiếng động ầm ỹ. Tôi đã rất may, một cô y tá bảo tôi vậy. May mắn. Chân phải tôi bị gãy ba chỗ, hông phải tôi bị gãy, mấy cái xương sườn bị dập ra nữa. Vậy mà tôi vẫn còn được nhìn đời, qua đống băng dày quấn kít mít mặt tôi, hở ra có kẽ mắt, mũi và miệng. Tôi thế là còn rất may đấy. Ít nhất thì tôi cũng còn được sống. Chứ không như Amôx, giờ vẫn đang ngồi trong cabin chiếc Xenchơriông đang nằm ở rìa một doi cát, dưới một trăm rưỡi thước so với mặt nước Thái Bình Dương. Amôx tội nghiệp. Ba nhân viên kia của tổ bay đã được người ta tìm thấy bình yên vô sự, và tôi vẫn còn sống, nhờ ơn Chúa và những người dân chài nghèo đã tìm ra tôi lềnh bềnh nổi giữa biển khơi, đem tôi vào bờ, trong khi Amôx vẫn ngồi lặng thinh trong nấm mồ chìm sâu dưới nước của ông, cạnh bảng điều khiển chiếc máy bay ông đã làm ra và đã không để cho tôi bay nó một mình. Tôi nhớ lại giọng lão thủ quỹ trưởng gọi cho tôi qua điện thoại từ Lôx Angiơlex tới. “Thưa ông Cođơ, ông có thể không phải lo lắng gì cả”, ông ta thốt lên, an ủi, “chúng tôi có thể tính toán tránh được cho nó tất cả các khoản thuế đánh vào lợi nhuận. Khi ông đưa bảng tổng chi phí tính thuế bình thường bốn mươi phần trăm và thuế lợi nhuận thêm chín mươi phần trăm, toàn bộ số lỗ của chúng ta chỉ còn dưới hai trì…”. Tôi đã dằn mạnh máy, cắt đứt cuộc nói chuyện. Tất cả những điều ấy đều hay ho tốt đẹp. Nhưng người ta có thể nào dùng việc tính toán lỗ lãi tiền nong để trừ được cuộc đời của một con người đã bị thiệt mạng vì chính lòng tham của ta đi ư? Có khoản trừ nào trong thuế thu nhập cho phép xứng với cái chết. Chính tôi, tôi là thằng đã giết Amôx, và cho dù tôi có trừ đi bao nhiêu chi phí cắn rứt của lòng tôi; tôi cũng không bao giờ còn đem ông về được với cuộc sống nữa. Cửa phòng mở, tôi ngẩng lên nhìn. Roda bước vào, theo sau là một bác sĩ thực tập và một cô y tá đẩy cái bàn nhỏ có bánh xe. Cô đi vòng sang bên trái giường tôi, đứng sững, cúi xuống mỉm cười. “Chào anh Giônơx”. - Chào Roda. – Tôi nói lúng búng qua lớp băng. – Đã đến lúc thay băng rồi ư? Anh không nghĩ là hôm nay cô đến đâu, mà phải là ngày kia cơ. - Chiến tranh hết rồi anh ạ. - Phải. – Tôi đáp. – Anh cũng đã biết. - Và sáng nay, khi trở dậy, em thấy buổi sáng này thật là một buổi sáng đẹp quá. Thế là em quyết định bay xuống đây tháo băng ra cho anh. Tôi hé mắt nhìn cô: “Anh hiểu rồi”. Tôi thốt lên, “anh luôn luôn hỏi không biết đám bác sĩ kiếm ở đâu ra phần lôgic cho các lý lẽ của mình”. - Đây không phải là lôgic của bác sĩ đâu, mà là lôgic của một người đàn bà. Em có cái lợi là được làm người đàn bà rất lâu trước khi trở thành bác sĩ đấy. Tôi bật cười: “Anh rất biết ơn những lôgic ấy, dù cho chúng có thuộc về cái phần con người nào trong cô. Được bỏ băng ra là rất hay, dù chỉ bỏ ra một tý”. Cô vẫn mỉm cười, mặc dù ánh mắt đã nghiêm trang trở lại: “Anh Giô nơx, lần này là bỏ hẳn đấy”. Tôi trố mắt nhìn cô. Cô nhặt một cái kéo dưới khay lên. “Tôi vươn tay ra, giữ tay cô lại. Đột nhiên, tôi thấy sợ không dám để cho cô tháo băng. Tôi cảm thấy yên lòng khi được chúng quấn kín mít quanh mặt như một cái kén thế này, ngăn mọi cặp mắt xoi mói của đời khỏi chõ vào tôi. “Có sớm quá không Roda? Liệu có ổn không, cô?” Cô hiểu được cảm giác của tôi. “Mặt anh thoạt đầu sẽ bị đau một ít”, cô lần lượt gỡ cái kén. “Thậm chí nó sẽ đau nhức hơn khi thịt và các bắp cơ bắt đầu trở lại làm việc. Nhưng rồi hiện tượng ấy sẽ qua đi. Chúng ta không thể cứ suốt đời ẩn sau một cái mặt nạ, phải không anh? Đây lại là con người bác sĩ nói, chứ không phải cái phần phụ nữ trong cô nữa. Tôi ngẩng lên nhìn mặt cô, trong lúc cô lấy kéo cắt, dỡ, cắt, dỡ dần lớp băng ra cho đến hết. Đột nhiên, mặt tôi mát lạnh; tôi cảm thấy trơ ra như một đứa trẻ sơ sinh không một mảnh vải trên người. Tôi cố tìm kiếm hình bóng của mình phản ánh qua mắt cô. Nhưng đôi mắt cô bình thản, không tỏ thái độ gì cả, xa vời một cách rất đặc biệt kiểu bác sĩ. Tôi cảm thấy các ngón tay cô ấn vào má tôi, kéo thịt ở dưới cằm tôi, vuốt vuốt tóc hai thái dương tôi lại cho gọn. “Nhắm mắt lại anh”. Tôi nhắm mắt lạ. Những ngón tay cô nhẹ nhàng xoa xoa lên cầu mắt tôi. “Mở ra”. Tôi mở mắt ra. Mặt cô vẫn bình thản, kín đáo. “Mỉm cười xem”, cô thốt lên, “như thế này”. Miệng cô nhệch ra, bắt chước một cách không có thần sắc cái nụ cười ấm áp thường có của cô. Tôi ngoác miệng, ngoác mãi cho đến khi những cơn đau nhấm nhức lúc đầu ở hai bên má đã trở thành nóng rát mặt tôi. Tôi vẫn ngoác miệng ở nguyên tư thế ấy. - Thôi được rồi. – Cô thốt lên, đột nhiên mỉm cười thực sự. – Anh có thể ngậm miệng lại được như thường rồi đấy. Tôi ngậm miệng lại, ngẩng lên nhìn cô chằm chằm. “Thế nào, bác sĩ?” tôi cố đùa đùa, “nom kinh lắm hả?” - Không đến nỗi tồi. – Cô nói bình thản. – Anh chưa bao giờ là một anh chàng điển trai, cái đó thì anh tự biết rất rõ rồi đấy. – Cô cầm một cái gương ở chiếc bàn đẩy lên. – Đây. Nhìn tận mắt đi. Tôi không nhìn vào nó. Tôi chưa muốn nhìn mình lúc này. “Cho anh hút thuốc lá được không, bác sĩ?” Cô lặng lẽ để cái gương xuống, rút túi áo khoác ngoài ra một bao thuốc lá. Cô ngồi xuống mép giường tôi, ngậm một điếu trên môi, châm lửa, rồi chuyển nó cho tôi. Tôi rít một hơi thuốc dài, mùi son môi cô thơm thoang thoảng, lẫn trong luồng khói. - Anh bị cắt khá nhiều khi ông Uynthrop đẩy anh qua cái cửa sổ. Nhưng may mà… - Cô biết điều ấy ư? – Tôi ngắt lời. – Về Amôx ấy mà. Làm sao mà các cô biết được? - Anh nói. Trong khi anh đang bị gây mê. Chúng em nhặt câu chuyện ấy ra theo từng mảnh vụn, cùng với những mảnh thủy tinh lấy ra khỏi mặt anh. May mà không có một cái cơ quan quan trọng nào ở mặt anh bị thương tổn nghiêm trọng. Hầu hết chỉ là bị rách, cắt ở phần trên thôi. Chúng em có thể làm cho da liền lại một cách nhanh chóng. Và thành công, em có thể nói thêm như vậy. Tôi chìa tay ra: “Nào, bác sĩ. Cho anh xin cái gương”. Cô cầm lấy điếu thuốc của tôi, đưa gương cho tôi. Tôi nâng nó lên, nhìn vào nó. Người tôi bất giác lạnh toát. - Bác sĩ! – Tôi thốt lên khàn khàn. – Tôi nom giống hệt ba tôi! Cô lấy cái gương khỏi tay tôi. Tôi ngẩng lên nhìn cô. Cô đang tủm tỉm cười: “Thế ư, anh Giônơx? Nhưng đúng là từ trước đến giờ, nom anh lúc nào cũng như vậy đấy!”. * * * Cuối buổi sáng hôm ấy, Rôbe đem báo mới vào cho tôi. Chúng đầy những tin Nhật Bản đầu hàng. Tôi liếc qua, rồi thờ ơ gạt chúng sang một bên: “Thưa ông Giônơx, tôi mang cái gì khác vào cho ông đọc nhé?” - Không, tôi không cần, cám ơn bác. Tôi không muốn đọc lắm. - Dạ thế cũng được ạ. Có lẽ ông thích chợp mắt một chút. – Bác chực đi ra cửa. - Bác Rôbe này. - Dạ? - Tôi đã… - Tôi ngần ngừ, vô tình lại vụt đưa tay lên sờ má. – Tôi lúc nào cũng nom như thế này ư? Hàm răng của bác trắng lóa lên trong một nụ cười. “Vâng ạ”. - Giống ba tôi ư? - Như hai giọt nước ấy ạ. Tôi lặng thinh. Thật là kỳ lạ; suốt đời, người ta cố làm cho không giống một ai đó, cuối cùng chỉ để nhận ra rằng người ta đã bị đúc giống y hệt con người ấy, bằng cái dòng máu đang chảy trong những huyết quản này. - Dạ, ông có cần gì nữa không ạ? Tôi ngẩng lên nhìn bác, lắc đầu: “Tôi bây giờ sẽ cố chợp mắt một lúc”. Tôi ngả người xuống gối, nhắm mắt lại. Có tiếng cửa đóng, rồi âm thanh náo nhiệt ngoài phố lòe nhòe nhạt dần trong đầu tôi. Tôi ngủ thiếp đi. Dường như tôi đã ngủ một khoảng thời gian rất lâu… Dường như tôi đã cố ngủ bù lại tất cả những giấc ngủ mà mấy chục năm qua tôi bỏ. Nhưng rồi chả mấy chốc, tôi bắt đầu nhận ra rằng có ai đó ở trong phòng. Tôi mở mắt. Gieny đang đứng cạnh giường tôi, cúi xuống nhìn tôi đăm đăm. Thấy tôi mở mắt, em mỉm cười: “Chào anh Giônơx”. - Anh vừa mới ngủ một giấc đấy. – Tôi thốt lên khoe như trẻ con. – Anh vừa nằm mê rất ngớ ngẩn. Anh mơ thấy mình một trăm tuổi đấy. - Thế thì đó là một giấc mơ đẹp. Em rất mừng. Các giấc mơ vui sẽ giúp anh chóng bình phục. Chống tay, tôi nhỏm người lên, vớ lấy thuốc lá đật trên chiếc bàn nhỏ ở bên cạnh giường. Mấy cái ròng rọc đỡ chân tôi kêu ken két. Em nhanh nhẹn đánh phồng gối lên, luồn chúng xuống sâu hơn dưới lưng tôi, để tôi dựa. Tôi rít thuốc lá. Khói thuốc xua hẳn cơn ngái ngủ khỏi đầu. - Chỉ vài tuần nữa là người ta tháo bột chân cho anh; thế là anh có thể về nhà được. - Anh cũng mong như vậy, Gieny ạ. Đột nhiên, tôi nhận thấy em không choàng khăn trắng của bệnh viện. “Gieny, đây là lần đầu tiên anh thấy em đội khăn đen đấy. Có chuyện gì đặc biệt ư?” - Không, Giônơx ạ. Đấy là cái khăn lúc nào em cũng mang, trừ những khi em trực ở nhà thương. - Vậy hôm nay là ngày nghỉ của em ư? - Không có ngày nào là ngày nghỉ trong việc thờ phụng Đấng Cứu thế của chúng ta cả. – Em nói giản dị. – Không, anh Giô nơx ạ. Em đến để từ giã anh. – Từ giã anh ư? Anh không hiểu. Em vừa mới nói là còn mấy tuần nữa anh mới… - Em đi, anh Giô nơx ạ. Tôi trố mắt ngớ ngẩn nhìn em: “Đi ư?” - Vâng ạ. – Em nói lặng lẽ. – Em chỉ ở Bệnh viện làm phước này cho đến khi được chuyển đi Philipin thôi. Chúng em sẽ xây dựng lại một bệnh viện bị chiến tranh phá hủy ở đó. Giờ thì em được tự do để ra đi, bằng máy bay. - Gieny, em không thể làm thế được. – Tôi thốt lên. – Em không thể từ bỏ những con người em quen thuộc, các ngôn ngữ em đang nói. Em sẽ là người xa lạ ở đó. Em sẽ co đơn. Những ngón tay em chạm vào chiếc thập ác treo qua sợi dây da dưới tấm áo choàng của em. Một ánh thanh thản hiện lên trong mắt em. “Em không bao giờ cô đơn cả”, em nói đơn giản, “Người luôn ở bên em”. - Gieny, em không việc gì phải làm thế cả. – Tôi thốt lên, giơ tay với lấy một cuốn sách nhỏ ở trên bàn, mở ra. – Em chỉ mới làm tạm việc này thôi. Em có thể từ bỏ nó bất kỳ lúc nào em muốn. Vẫn còn thời kỳ thử thách ba năm trước khi em tuyên thệ cuối cùng cơ mà. Gieny, em không phải là người thuộc về cái chốn này. Chỉ vì em đau đớn và bực tức. Em còn trẻ quá, không thể chôn vùi cuộc đời em ở sau một tấm chàng mạng đen được. Em vẫn lặng thinh, không trả lời. - Em có hiểu anh đang nói gì không, hả Gieny? Anh muốn em quay trở lại chốn cũ của em, Gieny! Em từ từ nhắm nghiền mắt lại. Rồi khi em mở ra, đôi mắt em nhòe đi vì lệ. Nhưng đến khi em nói, giọng em cất lên vững vàng, đầy niềm tin và sự hiểu biết: “Anh mới là người không hiểu, Giô nơx ạ. Em không có nơi nào muốn quay lại cả, bởi vì đây, trong ngôi nhà của Người, em đã trở về nơi em quen thuộc, đây chính là chỗ của em”. Tôi chực nói, nhưng em đã nhẹ nhàng giơ một tay lên: - “Anh nghĩ là em tìm đến Người vì em đau đớn và bực tức ư? Anh đã nhầm đấy”, em nói khẽ, “người ta không bỏ cuộc đời tìm đến Chúa, mà người ta tìm đến Chúa để thấy lại cuộc đời. Suốt đời em, em đã tìm đến Người, mà không hề rõ là mình đang tìm gì. Cái tình yêu em tìm thấy ở ngoài kia chỉ là sự mỉa mai thuần túy của tình yêu chân chính mà em có thể biết; cái lòng từ thiện mà em đã đem cho chỉ mới là một phần nhỏ nhất của lòng từ thiện mênh mông của Chúa ở trong em; những việc nhân đức em đã làm thật chẳng thấm vào đâu so với lòng nhân đức của Người, em đã tìm thấy một tình yêu lớn lao hơn bất kỳ một tình yêu nào em từng biết. Qua tình yêu thương của Người, em thấy ra được niềm cứu rỗi, bằng an và hạnh phúc, hợp với ý chí thiêng liêng của Người”. Em ngừng lại một thoáng, cúi xuống nhìn chiếc thập ác ở trong lòng bàn tay. Rồi em ngẩng lên, đôi mắt trong vắt, thanh thản: “Trên đời này, anh Giô nơx, còn có gì có thể ban phát hơn được Chúa hả anh?” Tôi lặng thinh không đáp. Em chậm rãi giơ tay trái lại phía tôi. Tôi cúi xuống, nhìn thấy chiếc nhẫn bạc to trên ngón tay giữa của em. “Người đã gọi em vào nhà của Người”, em nói dịu dàng, “và em đã nhận chiếc nhẫn của Người để mãi mãi được sống trong niềm vinh quang ấy”. Tôi đỡ lấy tay em, đặt môi hôn chiếc nhẫn. Tôi cảm thấy những ngón tay em khẽ vuốt tóc tôi, rồi em lùi xuống cuối giường, đứng nhìn tôi. “Bạn ơi, tôi sẽ luôn nghĩ tới bạn”, em thốt lên dịu dàng, “và tôi sẽ cầu nguyện cho bạn.” Tôi lặng lẽ dụi tắt điếu thuốc. Trong mắt Gieny, một vẻ đẹp chưa hề có trước kia bỗng hiện ra ngời ngời. “Xin cảm ơn xơ ạ”, tôi khẽ đáp. Không nói gì thêm, em quay đi, bước ra cửa. Tôi chằm chằm nhìn xuống cuối giường, nơi em đã đứng. Thế là em đã đi hẳn, đã vĩnh viễn mất hẳn. 7 Đầu tháng chín, tôi ra viện. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế đẩy xem bác Rôbe bỏ những thứ đồ đạc cuối cùng của mình vào vali thì cửa ra vào bỗng mở. “Hì, chào Giônơx”. - Nêvađa! Anh mò xuống đây làm gì thế này? - Đem chú về nhà chứ sao. Tôi phá lên cười. Thật buồn cười, bao nhiêu năm người ta sống, hầu như không nhớ đến một ai đấy nữa, rồi bất chợt, gặp lại con người đó, ta mới phát hiện ra là mình sung sướng vì cuộc gặp gỡ ấy đến mức nào. “Anh không cần phải làm thế đâu”, tôi đáp, “một mình bác Rôbe cũng xoay xở được mà”. - Tôi đã nhờ ông ấy xuống đấy ạ, thưa ông Giônơx, tôi nghĩ rằng mọi cái sẽ giống thời xưa. Chứ một mình ở cái trại ấy không làm gì thì buồn chán lắm ạ. - Còn tôi thì tính là có thể coi đó là một kỳ nghỉ. – Nêvađa nói. – Chiến tranh hết rồi, đoàn biểu diễn thì đóng cửa nghỉ đông. Mà Matha, bà không khoái cái trò nào bằng trò chăm nom người bị thương đâu. Bà đang ở trại đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi cái cho ta đấy. Tôi lần lượt nhìn hai người, ngoác miệng cười: “Vậy ra đây là một trò đã bố trí trước, hả?” - Phải đó. – Nêvađa đáp. Anh bước tới đằng sau cái ghế. – Xong xuôi cả chưa? Rôbe đóng sầm nắp vali, khóa lại. “Xong rồi, ông Nêvađa ạ.” - Chúng ta phải dừng lại ở Bơbank đấy. – Tôi ngoái cổ lại nói với Nêvađa. – Mac đang để một đống giấy tờ ở đó chờ tôi ký. – Tôi có thể bị nằm bẹp một chỗ, nhưng công việc vẫn không một phút dừng lại. Baz Daltơn đã cho một chiếc máy bay đặc biệt của Hãng ICA chờ chúng tôi ở sân bay Xan Điêgô. Chiêu đó, chúng tôi đến Bơbank vào lúc hai giờ. Mac Alixtơ đứng dậy, vòng qua bàn ra đón khi họ đẩy tôi vào văn phòng của anh. “Anh biết không, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh ngồi đấy nhá”. Tôi bật cười: “Phải tranh thủ mà. Bác sĩ bảo tôi còn mấy tuần nữa là đi đứng được như thường thôi”. - Ồ, nhưng hiện nay, tôi thì tôi cứ lợi dụng đã. Anh em, đẩy ông ta ra đằng sau bàn đi; tôi đã chuẩn bị sẵn bút. Mãi đến gần bốn giờ, tôi mới ký xong tờ giấy cuối cùng. Tôi mệt mỏi ngẩng lên: “Thế nào, còn cái gì mới nữa không hả?” Mac nhìn tôi. Anh bước tới một cái bàn kê sát tường. “Cái này”, anh vừa nói vừa bỏ nắp che một vật nom giống như một chiếc đài thu thanh có cửa sổ. - Cái gì thế? - Đây là sản phẩm đầu tiên của Công ty điện tử Cođơ. – Anh tự hào thốt lên. – Chúng ta đã làm ra nó ở bộ phận rađa chuyển sang đây. Một cái vô tuyến truyền hình. - Vô tuyến truyền hình ư? – Tôi hỏi lại. - Hình ảnh được truyền qua không gian, như tiếng nói ấy mà. – Mac đáp. – Cái máy này sẽ bắt, và hiện hình lên màn ảnh ở đây, như là phim ấy. - Ồ, đây là cái mà hãng Đuymôngt trước chiến tranh đã cậm cạnh thử đi thử lại đây mà. Không ăn thua đâu. - Bây giờ thì đã được rồi. – Mac nói. – Chuyện kỳ diệu thứ hai sau điện ảnh. Tất cả các công ty vô tuyến và điện tử đều đổ xô vào nó. RCA, Côlumbia, Emơxơn, GE, Phicô. Tất cả. Anh có muốn xem nó làm việc không? - Hẳn rồi. Anh bước tới bàn, nhấc ống điện thoại lên: “Cho tôi phòng thí nghiệm nhé”. Anh bịt cái ống nói lại, hướng về phía tôi: “Tôi phải báo họ phát một cái gì đã”. Một thoáng sau, anh đi tới chỗ cái máy, vặn nút. Một luồng ánh sáng xuất hiện sau tấm màn, rồi hiện rõ lên thành từng nhóm vòng tròn và đường thẳng. Dần dần, các chữ cái xuất hiện. CÔNG TY ĐIỆN TỬ COĐƠ XIN TRÌNH BÀY… Rồi đột nhiên, hàng chữ biến mất, thay vào đó là hình ảnh. Một cảnh phim miền Tây, có một người đàn ông cưỡi ngựa lao tới ống kính máy quay. Rồi bộ mặt hiện lên thành cận cảnh. Nêvađa. Ngay lập tức tôi nhận ra ngay. Cảnh săn đuổi trong phim Thằng phản bội. Năm phút liền, chúng tôi lặng lẽ xem cảnh phim. - Chao ơi, tuyệt thật! – Nêvađa thốt lên, khi mọi cái đã hết. Tôi ngó sang Rôbe. Một vẻ ngạc nhiên đờ đẫn đê mê hiện lên trên mặt bác. Bác nhìn tôi: “Ông Cođơ, đây là cái mà tôi gọi là phép thần đấy”, bác nói chậm rãi, “giờ thì tôi có thể ngồi nhà mà xem phim được rồi, không cần phải tới cái chỗ không lấy gì làm thân thiện lắm với dân da đen nữa”. - Vậy ra là họ muốn mua tất cả các phim cũ của tôi vì cái thứ này đây. – Nêvađa thốt lên. Tôi nhìn anh: “Anh nói thế nghĩa là gì vậy?” - Chú còn nhớ hơn chín chục bộ phim ta đã làm và tôi giữ bản quyền chứ? Tôi gật đầu. - Rất nhiều người đã đến tìm tôi và gạ bán đi. Đề nghị tiền cũng bộn đấy. Năm ngàn một bản. Tôi chằm chằm nhìn anh: “Tôi đã học được một điều trong cái nghề làm phim là: đừng bao giờ bán đứt cái gì ta có thể kiếm được phần trăm trong đó”. - Chú bảo là tôi hãy cho họ thuê như cho thuê rạp hả? - Đúng như vậy đấy. – Tôi đáp. – Tôi biết rõ mấy cái công ty phát hành ấy lắm. Nếu họ mua năm, là họ đã tính thu lãi được năm mươi rồi. - Tôi không thạo những vụ lớn quá như vậy. – Nêvađa đáp. – Anh giúp tôi làm nó được không, anh Mac? - Tôi cũng không dám chắc đâu, Nêvađa ạ. Tôi không phải là tay môi giới chuyên nghiệp. - Anh Mac, anh cứ làm đi. – Tôi thốt lên. – Anh còn nhớ là đã từng nói với tôi về việc phải ghi điểm khi có dịp tính ngay được không nào? Mac đột ngột mỉm cười. “Được rồi, anh Nêvađa ạ.” Đột nhiên, tôi cảm thấy mệt nhoài, ngã sụp lại xuống ghế. Rôbe đã lập tức ở bên tôi. “Ông Giônơx, ông không sao đấy chứ ạ?” - Tôi chỉ mệt thôi. - Có lẽ đêm nay ông nên ở lại khách sạn đây đã. Sáng mai ta hẵng về trại cũng được. Tôi nhìn Rôbe. Cái ý được nằm xuống giường nghe hấp dẫn quá. Hai mông tôi ê ẩm vì ngồi ghế. - Tôi sẽ gọi xe. – Mac vừa nói vừa nhấc têlêphôn lên. – Anh có thể cho tôi xuống xưởng phim, trên đường anh vào thành phố… Tôi cần phải hoàn thành đôi việc ở đó. Suốt dọc đường từ đấy tới xưởng phim, đầu tôi căng ra tính toán. Khi chiếc xe đỗ xịch ở cổng, đột nhiên mọi cái trở nên rõ ràng đối với tôi. - Chúng ta phải làm một cái gì đó, kiếm người thay thế Bonơ. – Mac thốt lên, bước ra khỏi xe. – Thật chả hay ho gì lắm khi để một luật sư thế này điều khiển công việc của một xưởng phim. Tôi thật mù mịt về phim ảnh. Tôi tư lự nhìn anh. Mac nói đúng, tất nhiên rồi. Nhưng ai bây giờ? Chỉ còn Đêvit, mà ay ấy thì đã chết. Tôi cóc cần nữa. Trong khi tôi chả có ý muốn làm một bộ phim nào nữa, chả còn ai tôi muốn đưa lên màn ảnh cho cả thế giới ngắm nhìn. Và ở trong cái văn phòng tôi vừa mới ra khỏi kia, có một cái hộp bé xíu mang một màn ảnh. Rồi nó sẽ sớm có mặt ở tất cả mọi gia đình. Giàu lẫn nghèo. Cái hộp nhỏ ấy sẽ nuốt hết điện ảnh, khác với nhà hát đã không bao giờ làm được điều ấy. Nhưng tôi cũng quan tâm. Ngay từ hồi còn bé, mỗi khi đã chán một thứ đồ chơi, là tôi thôi luôn. Không bao giờ còn quay lại với nó nữa. “Hãy bán các rạp chiếu phim đi”, tôi thì thào với Mac. - Hả? – Anh kêu tướng lên, tưởng nghe nhầm. – Đây là con đường duy nhất thu lợi nhuận của ngành này. - Hãy bán các rạp đi. – Tôi nhắc lại. – Dù sao thì mười năm nữa cũng chả còn ai mò tới chúng để xem nữa đâu. Ít nhất thì cũng không như cái cách hiện nay. Khi họ đã có thể xem được phim ngay trong nhà mình. Mac chằm chằm nhìn tôi: “Thế còn cái xưởng phim, anh muốn tôi phải làm gì với nó bây giờ”, anh hỏi, giọng thoáng vẻ châm biếm. “Cũng bán nó đi ư?” – Phải. – Tôi nói lặng lẽ. – Nhưng không phải ngay bây giờ. Có lẽ mười năm nữa. Khi đám người làm phim cho cái hộp nhỏ ấy đông nghẹt lên, thiếu chỗ. Khi ấy thì hẵng bán. - Thế còn hiện nay thì ta làm gì với nó đây? Để nó mục nát ra trong khi vẫn phải đóng thuế ư? - Không. – Tôi đáp. – Chuyển nó thành một xưởng cho thuê kiểu xưởng Gôlduyn ấy. – Nếu ta hòa, hoặc hơi lỗ một tí, tôi thấy thế là ổn rồi. Anh trố mắt nhìn tôi: “Anh định thế thật ư?” - Thật đấy. – Tôi đáp, rồi quay đi, ngẩng đầu nhìn lên cái mái sân quay. Lần đầu tiên, tôi mới thực sự để ý đến nó. Nó xám đen, nhem nhuốc nhựa đường. “Này anh Mac, anh có để ý thấy cái mái kia không?” Anh quay lại, nhìn theo, mắt nheo nheo chói nắng. - Trước khi anh làm tất cả những việc khác. – Tôi nói nhẹ nhàng. – Anh cho quét sơn trắng mái nhà đi đã nhé. Tôi thụt đầu vào trong ôtô. Nêvađa đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt là lạ. Giọng anh gần như đượm buồn: “Chả có gì thay đổi cả, Giônơx con nhỉ?” - Vâng. – Tôi đáp, mệt mỏi. – Chả có gì thay đổi cả. 8 Tôi ngồi trong hàng hiên, nheo mắt nhìn ra nắng chiều. Từ trong nhà phía sau tôi, Nêvađa bước ra, buông mình ngồi phịch xuống một cái ghế bành bên cạnh. Anh lôi một bánh thuốc lá khỏi túi áo, cắn một miếng tướng, rồi nhét lại nó vào túi. Sau đó, anh móc một miếng gỗ và con dao nhíp từ túi bên kia ra, bắt đầu lúi húi gọt. Tôi nhìn anh. Anh mặc một chiếc quần bò Lêvi xanh đã bạc; một cái áo da hoẵng cũ kỹ, nhem nhuốc vết mồ hôi ôm khít lấy bộ ngực sâu và đôi vai vạm vỡ. Anh buộc một cái khăn mùi xoa nửa đỏ nửa trắng ở quanh cổ để thấm mồ hôi. Trừ mái tóc bạc của anh ra, nom anh vẫn hệt như hình ảnh tôi còn nhớ ngày bé. Hai bàn tay anh rám nâu, rắn chắc, nhanh thoăn thoắt. Anh ngẩng lên nhìn tôi bằng cặp mắt sáng quắc ấy. “Hai cái nghệ thuật đã bị thất truyền”, anh thốt lên. - Gì cơ? - Nhai thuốc lá và gọt gỗ. – Anh đáp. Tôi lặng thinh không đáp. Anh cúi xuống nhìn miếng gỗ trong tay: “Rất nhiều buổi chiều tôi đã ngồi ngoài hiên này với ba chú, nhai thuốc và gọt gỗ”. - Thế ư? Anh quay đi, nhổ một dòng thuốc lá qua hàng lan can của cái hiên xuống mặt đất phía dưới. Rồi anh quay lại nhìn tôi. “Tôi nhớ có một đêm”, anh thốt lên, “tôi với ba chú cũng gần như thế này. Cái ngày hôm đó nóng nực mới khiếp chứ! Mồ hôi cứ ngập sũng cả bẹn. Đột nhiên, ông già chú ngẩng lên nhìn tôi, nói: “Nêvađa, nếu có gì xảy ra đối với tôi, anh hãy chăm nom thằng bé, nhé? Giônơx là thằng con trai thật sự. Đôi khi nó cũng có cái kiểu ếch muốn to bằng bò, nhưng thực chất trong người nó có những đức tính sẽ hơn hẳn bố nó sau này đấy, vào một ngày nào đó. Tôi rất yêu nó, Nêvađa ạ. Nó là toàn bộ những gì tôi có được đấy!” Ông ấy nói với tôi vậy đó.” - Chưa bao giờ ông ấy nói với tôi một lời như thế cả. – Tôi thốt lên, quay ngoắt lại nhìn anh. – Chưa bao giờ. Chưa hề có lấy một lần! Mắt Nêvađa quắc lên với tôi: “Người như ông ấy không phải lúc nào cũng ưa nói về những chuyện đó đâu”. Tôi phá lên cười: “Ông ấy không những đã không nói, mà còn không bao giờ để lộ ra cả. Ông ấy lúc nào cũng đè sấp tôi xuống nện cho một trận, không lý do này thì lý do khác”. Nêvađa nhìn thẳng vào tôi: “Mỗi khi chú gặp chuyện chi bất trắc, bao giờ ông ấy cũng ở bên chú. Ông ấy có thể đúng là đã rầy la chú, nhưng không bao giờ làm hại chú cả”. - Ông ta đã nẫng tay trên người yêu của tôi. – Tôi thốt lên cay đắng. - Có thể đó lại chính là vì lợi ích của chú. Ông biết rõ rằng không bao giờ cô ấy hợp với chú cả. Tôi để câu nói ấy qua đi. “Tại sao bây giờ anh lại nói với tôi điều ấy hả?” Cặp mắt người da đỏ của anh thăm thẳm sâu, không để lộ ra cho tôi biết điều gì cả: “Bởi ba chú đã một lần bảo tôi trông nom chú. Tôi đã từng nhầm lẫn một lần. Tôi đã thấy chú lanh lẹ thông minh vô cùng trong công việc làm ăn. Tôi ngỡ thế là chú đã trưởng thành. Nhưng không phải vậy. Và tôi không muốn phụ lòng một người như cha chú đến lần thứ hai nữa”. Chúng tôi ngồi lặng thinh hồi lâu. Rồi Matha mang nước chè ra cho tôi. Chị bảo Nêvađa hãy nhổ cái bã thuốc lá ra ngay, và đừng có làm bẩn thêm hàng hiên nữa. Nêvađa ngẩng lên nhìn tôi, gần như là ngượng ngập, lập cập đứng dậy đi xuống sân, ra tận đằng sau mấy bụi cây để nhổ bã thuốc. Anh vừa quay trở lại chỗ chúng tôi thì có tiếng ôtô rẽ vào con đường dẫn lên tòa nhà. “Quái, ai thế không biết?” – Matha thốt lên. - Có lẽ ông bác sĩ. – Tôi đáp. Cụ già Hatlây mỗi tuần hẹn đến thăm và kiểm tra sức khỏe cho tôi một lần. Đến lúc ấy thì chiếc xe đã vào đến con đường trước cổng. Tôi biết là xe của ai rồi. Tôi đứng vụt dậy, dựa người vào cái gậy, nhìn Monica và Giô-An đi lại phía chúng tôi. “A, xin chào nhé!”, tôi hồ hởi gọi tôi. Hai người quay lại Caliphonia để thu dọn nốt căn hộ của mình, Monica giải thích; và bởi vì em muốn nói chuyện với tôi về Amôx nên hai mẹ con mới tạt xuống Renô đây, trên đường lại Niu Yooc. Tàu hỏa của họ mãi đến bảy giờ tối mới chạy. Tôi bắt gặp Matha đưa mắt liếc nhìn Nêvađa đầy ngụ ý khi chị nghe thấy như vậy. Nêvađa đứng dậy, nhìn Giô-An: “ở ngoài ràn kia, bác có một con ngựa hồng rất hiền. Cô nàng chỉ có mỗi một ham muốn là có được một cô bé con xinh xắn như cháu cưỡi cô nàng thôi”. Giô-An kính cẩn ngước mắt lên nhìn anh, đầy ngưỡng mộ. Rõ ràng là cô bé đã xem hết các phim về anh. Anh là một nhân vật huyền thoại đang hiện ra bằng xương bằng thịt trước mặt cô bé. “Nhưng mà cháu… cháu chưa bao giờ cưỡi một con ngựa thực cả”, cô bé ngập ngừng. - Bác sẽ dạy cháu. Dễ ợt mà, dễ hơn chặt đổ một cây gỗ nhiều. - Nhưng cháu nó không mặc quần cưỡi ngựa. – Monica nói. Đúng thế thật. Cái váy hoa xinh đẹp thế kia làm cô bé giống mẹ vô cùng. Matha nói nhanh: “Tôi có một cái quần vải sồi chỉ nhỏ bằng nửa tôi thôi. Hẳn là cháu nó sẽ mặc vừa đấy”. Tôi không rõ cái quần ấy là của ai, nhưng có điều này thì tôi dám chắc: nó không bao giờ là của Matha cả. Không bao giờ, cứ nhìn mà xem. Nó ôm khít lấy cái hông mười bốn tuổi của Giô-An, rắn chắc và phẳng, với những nét mới đang phác ra của những đường cong duyên dáng sau này. Mái tóc sẫm màu của cô bé được chải lật ra đằng sau, cặp vểnh đuôi chồn. Mặt cô bé có một vẻ gì quen quen đặc biệt mà tôi không tài nào lý giải được cho thật rõ ràng. Tôi chăm chú nhìn cô bé chạy vèo khỏi cửa theo ra chỗ Nêvađa. Rồi tôi quay lại nhìn Monica. Em đang mỉm cười nhìn tôi. Tôi mỉm cười lại. “Con bé lớn nhanh quá”, tôi thốt lên, “rồi thì nó sẽ rất xinh”. - Mới hôm qua chúng còn là trẻ con, mai chúng đã là thiếu nữ. Chúng lớn nhanh quá. Tôi gật đầu. Chỉ còn hai chúng tôi ở với nhau. Một vẻ im lặng ngượng ngập đột nhiên bao trùm chúng tôi. Tôi với lấy một điếu thuốc lá, nhìn Monica: “Anh muốn kể rõ cho em về Amôx”. Đến gần sáu giờ thì tôi mới kể xong cho em nghe về những gì đã xảy ra. Mắt em ráo hoảnh, mặc dù mặt em buồn và tư lự. “Anh Giônơx, em không thể khóc thương cho ông cụ được nữa”, em thốt lên, nhìn tôi, “bởi vì em đã phải khóc rất nhiều vì ông cụ mất rồi; anh có hiểu em không?” Tôi gật đầu. - Ông cụ, trong cả cuộc đời mình, đã gây ra rất nhiều tội lỗi, làm rất nhiều việc sai trái. Em rất mừng là cuối cùng ba em đã làm được một điều đúng. - Ông đã thực hiện một cử chỉ rất dũng cảm. Trước kia anh cứ nghĩ là ông căm ghét anh vô cùng. - Đúng vậy đấy. – Em nói nhanh. – Ba em thấy ở trong anh mọi cái ông không có. Nhanh nhẹn, thành đạt, giàu có. Ông căm ghét cái nghị lực, khí phách của anh. Em đoán rằng đến cuối đời, ông đã nhận ra rằng như vậy thật ngớ ngẩn; rằng ông đã làm hại anh đến mức nào, và ông đã cố tìm cách chuộc lại lỗi lầm ấy. Tôi nhìn em: “Ông đã làm hại gì đời anh đâu nhỉ? Giữa anh và Amôx chỉ là những mâu thuẫn, thù địch trong công việc thôi mà”. Monica quay lại nhìn tôi, ánh mắt là lạ: “Anh vẫn chưa thấy ra ư?” - Không, có gì đâu nhỉ? - Thế thì theo em, có lẽ suốt đời anh chẳng thấy ra đâu. – Em thốt lên, bước ra ngoài. Tiếng Giô-An cười khanh khách vui vẻ vọng lại chỗ chúng tôi. Cô bé đang cưỡi con ngựa hồng cao to phi vòng quanh ràn. Mới tập lần đầu như vậy là khá giỏi. Tôi cúi xuống nhìn Monica. “Nom con bé cứ như là đã có khiếu bẩm sinh cưỡi ngựa ấy nhỉ?” - Tại sao không nào? – Monica đáp. – Người ta đã bảo những thứ như vậy là thừa hưởng của bố mẹ đấy. - Anh không biết là em cũng biết cưỡi ngựa đấy. Em ngẩng phắt lên nhìn tôi, mắt đau đớn, cáu kỉnh. “Tôi không phải là người duy nhất có nó là con!”. Em lạnh lùng đáp gọn lỏn. Tiếng trố mắt nhìn Monica. Đây là lần đầu tiên Monica nhắc đến cha Giô-An với tôi. Cáu kỉnh về chuyện đó, theo tôi thì cũng đã muộn rồi. Từ con đường rẽ vào. Ông già đỗ xịch xe ở gần ràn ngựa, bước tới sát hàng rào. Ông ta không bao giờ có thể cho xe chạy vèo qua một con ngựa mà không ngó ngàng gì đến nó cả. - Bác sĩ Hatlây kia rồi. Ông già sẽ kiểm tra sức khỏe cho anh đấy. - Vậy thì em không thể giữ anh được. – Monica thốt lên lạnh nhạt. – Thôi, em cũng xin tạm biệt anh luôn ở đây. Em bước xuống thềm, nhằm hướng ràn ngựa đi tới. Tôi bàng hoàng trố mắt nhìn theo. Tôi không tài nào lần ra được lý do vì sao Monica bỗng dưng lại phát khùng lên như vậy. “Anh sẽ bảo bác Rôbe đánh xe đưa hai mẹ con ra ga nhé?”. Tôi gọi với theo. - Xin cảm ơn! – Em nói qua vai, không hề ngoái lại. Tôi thấy em dừng lại, nói chuyện với bác sĩ. Tôi quay lưng, bước ra ngoài. Tôi đi vào căn phòng ba tôi trước kia lấy làm văn phòng của ông, ngồi phịch xuống đivăng. Đúng là Monica thực sự rất dễ phát bẳn. Ấy vậy mà ta cứ ngỡ là em đã biết cách kiềm chế mình được rồi đấy. Tôi tủm tỉm cười, hình dung lại cái lưng vươn thẳng, vẻ xấc xược nghênh ngang của em lúc bỏ đi. Ở tuổi như vậy, nome còn óng ả lắm. Tôi năm nay bốn mốt, như vậy có nghĩa là em ba mươi tư. Và không một cái gì nây nây, đầy đặn trên người em lại không còn nây nây, đầy đặn. * * * Cái khổ mỗi khi gặp bác sĩ Hatlây là phải nghe các câu chuyện của ông ta. Ông ta huyên thuyên nói liên chi hồ điệp, đến mức độ ta choáng óc, ù tai, xây xẩm cả mặt mày. Nhưng cũng chả có cách nào thoát cả. Kể từ ngày chiến tranh nổ ra đến nay, hoặc là ông ta chữa, hoặc là chịu ốm nằm queo. Tất cả các bác sĩ trẻ đều đã nhập ngũ hết. Đến sáu giờ rưỡi ông ta mới kiểm tra xong, và bắt đầu đóng hộp đồ nghề của mình lại. “Anh đang hồi phục đấy”, ông ta ề à nói, “nhưng tôi là tôi không theo mấy cái quan điểm tân kỳ đẻ ea ra viện gnay khi anh vừa mới nhúc nhích động đậy được chân tay đâu. Nếu mà là tôi, thì tôi còn để anh nằm ở bệnh viện thêm một tháng nữa cơ”. Nêvađa dựa lưng vào tường, tủm tỉm cười nhìn tôi xỏ chân mặc lại quần. Tôi nhìn anh, nhún vai. Rồi tôi quay lại ông lão thầy thuốc: “Bao lâu nữa thì tôi có thể đi bộ thực sự được hả cụ?” Ông già lé mắt khỏi cặp kính trễ, nhìn tôi: “Anh có thể đi luôn ngay từ bây giờ”. - Nhưng tôi nghĩ là cụ không tán thành với mấy cái tay bác sĩ ở tỉnh cơ mà. Tôi cứ tưởng cụ muốn để tôi nghỉ thêm một thời gian nữa cơ đấy. - Tôi không tán thành quan điểm của họ. – Ông già đáp. – Nhưng bởi vì anh đã ra viện, cũng chả vớt vát sửa chữa được việc đó nữa, và anh nên tập đi đi thôi. Nằm ườn ra nữa thì được tích sự gì? Ông ta đóng sầm nắp hộp dụng cụ lại, đứng dậy, bước ra cửa. Ông già bỗng dừng lại, nhìn tôi: “Anh có con bé xinh xắn kháu khỉnh thật đấy, con gái anh ấy mà”. Tôi trố mắt nhìn ông ta: “Con gái tôi ư?” - Phải. – Ông ta đáp. – Con bé buộc tóc như vậy khiến cho tôi thấy chưa có đứa con gái nào lại giống bố đến thế. Ôi chao ôi, nó đúng là đúc nguyên xi từ hình ảnh anh hồi trẻ! Tôi không thốt nổi thành lời, chỉ trợn mắt trừng trừng. Cái lão khọm này phát rồ rồi chăng? Mọi người đều biết rõ rằng Giô-An không phải là con tôi. Ông già thầy thuốc chợt rũ ra cười, vỗ đùi đánh đét. “Tôi không bao giờ quên được cái lúc mẹ nó đến phòng khám của tôi”, ông ta cười, “cô ta lúc ấy chưa là vợ của anh, tất nhiên. Gớm, cô ta có cái bụng mới to chứ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy bụng ai to đến như vậy. À té ra là vì vậy mà anh chàng vội đánh đùng một cái cưới vợ ngay – tôi thầm nhủ. Anh ta đã gieo hạt sớm hơn thời vụ rồi!” Ông ta ngẩng lên nhìn tôi, vẫn mỉm cười. “Đấy là trước khi tôi khám cho cô ta, anh hiểu không?” Ông nói nhanh. “Tôi suýt nữa chết ngất vì ngạc nhiên bởi sau khi xem xét kỹ, thấy rõ cô ta mới được có sáu tuần. Một trong những trường hợp lạ lùng đặc biệt, khi người đàn bà quá xúc động hồi hộp. Cô ta khi ấy lo lắng và hồi hộp đến nỗi bụng cứ phình hơi lên như một quả khí cầu. Tôi thậm chí còn lục lại báo, xem lại ngày cưới của anh ả cho chắc chắn nữa kia. Và xin cứ vặn trụi râu tôi đi, nếu không phải là anh làm cô ta có con – sớm nhất là hai tuần sau khi cưới. Nhưng tôi vẫn có thể nói với anh được một điều, cu cậu ạ”, ông già quay người ra cửa, “lần sau khi đóng cọc, nhớ đóng cho cẩn tôi hận nhá. Tít vào ngách trên ấy, cho nó dính chắc ở đấy!”. Và phá lên cười sằng sặc ông già đi hẳn. Người tôi ngợp lên, ngực nghẹn thắt lại. Tôi ngồi phịch xuống đi văng. Suốt bao nhiêu năm trời ròng rã, tôi đã gây nên tội mà không biết. Và đột nhiên, tôi hiểu ra Amôx sẽ định nói gì với tôi sau khi bay thử máy bay về. Ông đã thấy trong đêm ấy, tôi cuồng điên đến mức đến mức độ nào đã dùng chính nỗi căm tức của tôi xoay lại trị tội. Monica – Monica không thể làm gì được về chuyện ấy. Thật là hai tính cách bổ sung, phù hợp với nhau rõ đẹp! – Amôx và tôi. Nhưng ít nhất thì tự ông cũng đã nhìn ra được ánh sáng chân chính. Không ai phải nện vào đầu ông để làm ông tỉnh cả. Và ông đã cố đền bù lại lỗi lầm. Còn tôi… Tôi thậm chí đã không buồn quay đầu lại để nhìn ra sự thật, kiếm tìm nó. Tôi đã sống nhơn nhơn như thế bao nhiêu năm, chửi rủa buộc tội cuộc đời, tôi không biết là chính mình đã ngu ngốc phá hoại hạnh phúc của mình. Rồi lại còn là đứa đã xung khắc với ba tôi và ngỡ rằng ông đã không hề yêu thương tôi. Thực nực cười, nực cười vô cùng. Và bây giờ, tôi thậm chí cũng không thể dám nhìn thẳng vào sự thật của việc ấy. Không, tôi không bao giờ còn nghi ngờ tình yêu của ba tôi nữa. Mà là tình yêu của tôi đây. Bởi sâu thẳm trong lòng tôi, tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ yêu được ông mãnh liệt như ông đã yêu tôi. Tôi ngẩng lên, nhìn Nêvađa. Anh vẫn dựa vào tường, nhưng không còn mủm mỉm cười nữa. “Anh… anh cũng thấy rõ điều ấy ư?” - Hẳn rồi. – Anh đáp. – Mọi người, tất cả - trừ chú. Hệt như buổi sáng hôm nào trong bệnh viện, khi tôi nhìn vào tấm gương và thấy mặt ba tôi trong đấy. Đó chính là cái vẻ quen quen vô cùng khi tôi nhìn thấy Giô-An chiều nay. Mặt của cha nó. Mặt của chính tôi. - Ôi anh Nêvađa, em phải làm gì bây giờ? – tôi rên lên. - Chú muốn làm cái gì nào, chú nhỏ? - Em muốn hai người quay trở lại! - Chú thực muốn như vậy chứ? Tôi gật đầu. - Vậy thì kêu hai người quay lại đi. – Anh xem đồng hồ tay. – Còn mười lămp hút nữa xe lửa mới chạy đó. - Nhưng làm cách nào, làm cách nào bây giờ? Ta không thể nào tới ga kịp! Anh khoát tay về phía bàn. “Còn têlêphôn kia”. Tôi ngây dại nhìn anh một thoáng, rồi tập tễnh bước lại điện thoại. Tôi gọi cho văn phòng trưởng ga ở Renô, bảo họ cho người tìm em. Trong khi chờ em trả lời điện thoại, tôi đưa mắt nhìn Nêvađa mỗi khi thấy lo sợ. “Nhưng… nhưng nếu cô ấy không quay lại thì sao?” - Cô ấy nhất định quay lại. – Anh đáp chắc chắn. Anh mỉm cười. – Cô vẫn còn yêu chú. Đó cũng là điều ai cũng biết, chỉ có chú là không mà thôi. Rồi điện thoại vang lên giọng em, lo âu, hồi hộp: “Giônơx, anh vẫn khỏe đấy chứ? Có chuyện gì không lành ư?” Thoạt tiên tôi nghẹn lời không nói được. Rồi một hồi sau, tôi thốt lên: “Monica… Em đừng đi!” - Nhưng em phải đi ngay, anh Giônơx. Cuối tuần là em phải nhận việc mới rồi. - Vứt nó đi. Anh cần em! Đầu dây kia im phăng phắc. Tôi ngỡ là em đã bỏ máy. “Monica, em có còn nghe anh nói đấy không, Monica?” Tiếng em thở hổn hển: “Em vẫn còn đây, em đang nghe, Giônơx”. - Anh đã phạm sai lầm suốt từ ngày ấy đến giờ; suốt bằng ấy năm trời, anh thật có lỗi. Anh không hề biết gì về Giô-An cả. Xin em hãy tin ở anh! Lại im lặng. - Monica.. anh xin em! Em òa khóc. Tiếng em thì thào bên tai tôi: “Ôi Giônơx, em không một giây phút nào là không yêu anh!” Tôi ngẩng lên, nhìn Nêvađa. Anh mỉm cười, bước ra, rồi đóng cửa lại. Có tiếng em thở vào thật mạnh; rồi giọng em đột nhiên rành rọt, ấm áp, tràn ngập yêu thương: “Khi Giô-An còn nhỏ, nó lúc nào cũng thích có em trai vô cùng!” - Về nhà ngay đi. – Tôi thốt lên. – Anh sẽ cố hết sức. Em phì cười. “Tách”, điện thoại cắt. Tôi không rời tay khỏi ống nghe. Dường như còn cầm nó là tôi còn thấy em vẫn gần gũi bên tôi. Tôi cúi xuống nhìn bức ảnh ba tôi đặt trên mặt bàn. - Cụ ơi, tôi thốt lên. Lần đầu tiên trong đời, tôi hỏi xin lời đồng ý của ông. – Con làm thế có đúng không ạ? HẾT [1] Imenman – Vòng lộn nhào và đổi hướng bay: máy bao ngóc lên một nửa vòng và lăn nửa than theo trục dọc của nó. [2] Huarachô: một kiểu dép bện bằng các sợi da lại với nhau. [3] Hai bố con Giônơx đặt tên trùng nhau. [4] Ở Mỹ, nạo thai là phạm pháp. [5] Người Airơlen có tục canh người chết một đêm mới chôn. [6] Góa phụ vui vẻ: Nhại đầu đề một vở hài kịch của Sêchxpia (Merry windows). [7] L.A: Lôx Angiơlex; Frixcô: Xan Franxicô (nói tắt). [8] Cođit: Thuốc nổ không khói. [9] 1 Paund: gần nửa kilôga. [10] Triển lãm miền Tây: Một kiểu gánh hát biểu diễn ở bãi rộng ngoài trời có cảnh chăn ngựa, đánh nhau với dân da đỏ v.v… [11] Apache: một bộ lạc da đỏ miền tây nam nước Mỹ. [12] Người da đỏ chính gốc có mắt đen, tóc đen. [13] Maik nói ngọng, tạm chuyển sang tiếng Việt như vậy. (ND) [14] Mardi Gras (Tiếng Pháp): Ngày thứ ba béo, ngày cuối cùng của dịp hội, thường được tổ chức Pari, Niu Olind với nhiều trò vui. [15] Trái tim của em, anh chàng da đỏ của em, bạn yêu ơi… (Tiếng Pháp). [16] Pistôrêla: Tay súng. [17] Nêvađa tên anh, đồng thời là tên cái bang anh đến ở. Còn họ Xmith là một họ rất phổ biến của người Mỹ và Anh. [18] N trên X: nguyên văn tiếng Anh của cái phù hiệu này N/S dễ làm người ta liên tưởng tới hai chiều bắc (N) và nam (S) của một cái địa bàn [19] Phố: gọi tắt là phố Uôn (Niu Yooc), nơi tập trung các tư bản tài chính cỡ lớn nhất ở Mỹ. [20] Surmma cum laude: (tiếng Latinh) với lời ca ngợi cao nhất, xuất sắc nhất. [21] M.I.T: Học viện kỹ thuật Maxachuxet, một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ. [22] Gabô: Một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ những năm hai mươi này. [23] Sherry: Một loại rượu trắng, thường có ở miền nam Tây Ban Nha. [24] Mactini: Một loại rượu pha (cocktail) gồm rượu mùi và vang trắng, thêm đôi lát chanh, cam. [25] T.W.Wilson (1856-1924) Tổng thống Mỹ từ 1913 đến 1921. [26] Avocat (tiếng Pháp): Luật sư. [27] Chúc sức khỏe (tiếng Pháp). [28] Non parle fran…: không nói được tiếng Pháp. [29] Bon: Tốt, hay lắm! [30] Fini: Kết thúc, hết, chấm dứt. [31] Lesbienne: Người ưa đồng dục nữ. [32] Evơrest: Đỉnh núi cao nhất thế giới (hơn 8.000m), ở dãy Hymalaya. [33] Monsieur le Ministre (tiếng Pháp). [34] Enceite. [35] Riviera: Một khu nghỉ mát nổi tiếng, ven bờ Địa Trung Hải, từ đông nam Pháp đến tây bắc Italia. [36] Fartig [37] Luch im kipf [38] Gay [39] Whitey: từ gốc “White” có nghĩa là trắng. [40] Variety : Đa loại, nhiều loại, tạp kỹ. [41] Anti-semiten [42] Broadway: Tên một đường phố lớn ở Niu Yooc, nơi có những nhà hát nổi tiếng. [43] Couveh. [44] Shêhêrazade: Nhân vật nữ đã kể chuyện suốt một nghìn một đêm lẻ cho bạo chúa nghe (Truyện “Một nghìn một đêm lẻ”) [45] Schonorrer [46] Meshuggeneh [47] Shmuck [48] Giải thưởng của Viện điện ảnh Mỹ, mang tên Ôxca, trao hàng năm cho các đạo diễn, diễn viên và phim khá nhất của Mỹ và các nước khác. [49] Chaxairem. [50] Koft. [51] Koom-Shaw [52] Long Island: Thuộc Niu Yooc. [53] Eddie Rickenbacker (sinh 1890…) phi công, phụ trách hàng không của Mỹ. [54] Wili Messerchmitt: Một hãng sản xuất máy bay lớn của Đức. [55] Một phi đoàn nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Mang tên Lafayetué, một vị tướng người Pháp (1757-1834), phục vụ trong quân đội cách mạng giành độc lập của Mỹ, sau tham gia tích cực các cuộc cách mạng Pháp 1789 và 1830. [56] Maginot: Một phòng tuyến xây dựng ở Pháp trước chiến tranh thế giới thứ hai nhằm chống Hitle. [57] Fuhrer. [58] Charmante. [59] Mary Magđalen: (Kinh thánh) một người đàn bà phóng đãng, sau biết hối cải, được Giêsu tha tội vì nàng “đã yêu nhiều và đau khổ nhiều). [60] Trong những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939), có một cuộc suy thoái và đại khủng hoảng trong toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa. [61] Charles A.Lindbergh: phi công Mỹ, năm 1927 đã bay một mình không nghỉ từ Niu Yooc tới Pari. [62] Goyishe Kopf [63] Chazer [64] Shlemel [65] Gluz tay [66] Chzrai [67] Kim shayn [68] Ganse gesheft [69] Shabbas nacht lichen [70] Shaine [71] Jchvah: tên của Chúa trời trong Cựu ước. [72] Kinder [73] Macher [74] Schorrer [75] Khop tsech tu [76] Shmuck [77] gesmach [78] Tsoris [79] Shiksas [80] Bar mizvahs [81] gul [82] L’chaim [83] Ach [84] gut [85] “Xuất sắc” [86] “Cà phê một chút nữa thì có ạ” [87] Việc đã rồi. [88] Senor Woolf esta aquí. [89] De las peliculas [90] Traigale aquí. [91] Antonio Stradivari (1644-1737) thợ làm viôlông nổi tiếng, người Ý. [92] tante [93] bupkas [94] Kommen sie, licbchen [95] Nguyên văn: Mickey – tên con chuột trong loạt phim hoạt hình nổi tiếng của Oantơ Đixnây (Walt Disney). [96] WPA: Ban quản lý các chương trình lao động (Work Projects Administration). [97] Sacco và Vanjetti là hai công nhân người Mỹ gốc Ý bị nhà cầm quyền Mỹ vu cho tội giết người, xử tử năm 19727, theo luật chống cộng Mac Cathy. [98] Si, senorita [99] Anphrôđit: Nữ thần tình yêu (theo thần thoại Hy Lạp). [100] Anphrôđit: Nữ thần tình yêu (theo thần thoại Hy Lạp) [101] Verfallen [102] Kamikaze [103] Centurion: Tên của chỉ huy trưởng một toán quân 100 người (La mã cổ đại).