Nhà văn Alice Munro Alice Munro Ngày 27-5-2009, Giải thưởng văn học danh giá Man Booker quốc tế 2009 vừa được công bố. Người thắng cuộc là nữ văn sĩ Canada Alice Munro. Những truyện ngắn viết theo phong cách giản dị kiểu Chekhov của bà đã vượt qua các tác phẩm của 13 ứng cử viên khác vào chung khảo, trong đó có những tên tuổi lớn như V.S. Naipaul - giải Nobel 2001, Peter Carey – tác giả người Úc từng hai lần đoạt giải Booker và tác giả người Anh James Kelman… Nữ văn sĩ Mỹ Synthia Ozick gọi Alice Munro là “Chekhov của chúng tôi”. Câu nói này hứa hẹn trong thời gian gần đây sẽ trở thành nhận xét nổi tiếng nhất về tác phẩm của nữ văn sĩ Canada này. Bắt đầu từ năm 1968 đến nay, Alice Munro đã công bố 15 tập truyện ngắn. Hơn nữa với tác phẩm đầu tay “Dance of the Happy Shades”(tạm dịch “Vũ điệu của những cái bóng hạnh phúc”) bà đã được nhận giải thưởng văn học danh giá của Canada - giải Governor General’s Award năm 1968. Sau đó bà thêm bốn lần được đề cử vào giải này và hai lần đoạt giải. Hiện nay bà được mệnh danh là một trong những nhà văn hạng nhất của Canada. Alice Munro là tác giả của những tập truyện ngắn như “Cuộc sống của những cô gái và những người đàn bà” (tác phẩm này đã đoạt giải của Hiệp hội Sách Canada năm 1971), “Tình yêu của người đàn bà đáng kính” và “Sự căm thù, tình bạn, sự ve vãn, tình yêu, hôn nhân”. Tuyển tập truyện ngắn mới nhất của bà có tên gọi “Quá nhiều hạnh phúc” sẽ được xuất bản vào mùa thu năm nay. “Alice Munro được biết đến như một tác giả truyện ngắn, nhưng sự thông thái, sâu sắc và độ chính xác mà bà mang vào mỗi câu chuyện cũng tương đương những gì mà một tiểu thuyết gia đưa vào tác phẩm của mình. Đọc sách của bà bạn sẽ thu hoạch được nhiều thứ mà trước đó bạn chưa từng nghĩ đến” – ban giám khảo nhận xét. Một trong những truyện ngắn của Alice Munro, “Người trong xa cách”, đã được đạo diễn trẻ Canada Sara Polly chuyển thể thành phim năm 2007 (bộ phim là tác phẩm đầu tay của bà). Pollyđã được đề cử ra tranh giải “Oscar” về kịch bản do bà viết cho bộ phim của mình trên cơ sở truyện ngắn của Alice Munro... Trần Hậu (Theo Lenta.ru) Truyện ngắn: Xa Cách Tác giả: Alice Munro Lan Huệ dịch từ "The Bear Came Over The Mountain" - Alice Munro. ”Lan Huệ xin mời các bạn cùng đọc với Lan Huệ, một truyện ngắn nổi tiếng của Alice Munro - một nữ văn sĩ Canada. Bà có nhiều truyện ngắn được đón nhận ở The NewYorkers, và rất nhiều tuyển tập bán rất chạy. Đây là truyện ngắn đầu tiên của bà Lan Huệ được đọc. Chuyện viết về một mối tình đầm thắm, không như ý kiến tiêu cực nói trên của Lan Huệ, kéo dài đến tuổi hoàng hôn của một đôi vợ chồng trí thức. Hy vọng Lan Huệ truyền đạt được phần nào tài năng của Alice Munro, để các bạn thấy bà đã nhìn và mô tả những ngỏ ngách bí hiểm nhất của trái tim con người. Truyện cũng đã được quay thành phim với Lara của Zhivago ngày xưa đóng vai chính, và được đạo diễn bởi một nữ diễn viên lần đầu đứng phía sau máy camera.” Xa Cách Fiona sống ở nhà cha mẹ nàng, trong thành phố nơi nàng và Grant theo học đại học. Đó là một ngôi nhà có cửa sổ to rộng nhô ra, kiều bay-window, đối với Grant vừa sang trọng vừa thiếu trật tự, những tấm thảm đùn nhăn dưới sàn, những vết ố của đáy cốc loang lỗ trên mặt bàn vẹc- ni. Mẹ nàng là người xứ Icelandic --- một người đàn bà to khỏe, tóc bạc phơ như bông và cực khuynh tả. Cha nàng là một bác sĩ chuyên về tim mạch có uy tín, được kính nể ở bịnh viện nhưng khi ở nhà, ông vui vẻ nhu hòa, sẳn lòng lắng nghe những tràng diễn văn kỳ cục bằng một nụ cười lơ đảng. Đủ mọi hạng người, ăn mặc sang trọng hay tồi tàn, tuôn ra những tràng tranh luận ấy, và họ cứ mãi lui tới nhà nàng, cứ mãi cải cọ, tham khảo với nhau, đôi khi có cả giọng lơ lớ của người ngoại quốc. Tuy Fiona có xe hơi riêng và cả chồng áo len cashmere, nhưng nàng không thuộc một hội nữ sinh viên nào, có lẽ vì những hoạt động ấy. Nàng cũng chẳng màng. Với nàng, các hội nữ sinh viên đó chỉ là trò hề, chính trị cũng thế, dù nàng thích để dĩa "The Four Insurgent Generals" vào máy hát, và môt đôi khi, dĩa "Internationale, " vặn âm thanh thật to, nếu nàng muốn chọc tức một vị khách nào đó. Có một anh chàng ngoại quốc tóc quăn, vẻ mặt âm u buồn thảm, đeo đuổi nàng. ---nàng cho biết anh ta gốc người Visigoth -- ngoài ra, cũng có vài ba sinh viên nội trú còn trẻ, khá đàng hoàng tuy không tự tin cho lắm. Nàng trêu chọc tất cả, với Grant cũng thế. Nàng hóm hỉnh nhái lại những câu nói nhà quê của chàng. Chàng cứ tưởng nàng đùa, khi nàng đề nghị cưới chàng, một ngày trong vắt, lạnh buốt trên bờ biển Port Stanley. Gió thổi cát vào mặt họ rát buốt, và sóng xô từng đợt sỏi lên chân. "Anh có nghĩ rằng sẽ vui ---" Fiona hét: "Anh có nghĩ rằng, nếu hai đứa mình lấy nhau, sẽ vui không?" Chàng nhận lời, chàng hét trả lại, vâng. Chàng muốn không bao giờ phải xa nàng. Nàng là ngọn lửa, là sinh lực cuộc đời. Khi sắp sửa ra khỏi nhà, Fiona chợt thấy một vết bẩn trên sàn. Dấu của đôi giày đen rẻ tiền, loại mang trong nhà, nàng đi sáng hôm ấy. "Em tưởng chúng không trây màu ra nữa," giọng hơi bực bội và bối rối, nàng kỳ cọ cái vết xám, giống như vết của một cây viết chì sáp. Nàng nói nàng không bao giờ phải chùi như thế nữa, vì nàng không mang đôi giày ấy theo. "Em nghĩ, chắc em sẽ diện thật đẹp suốt ngày," nàng nói. "Hoặc hơi diện một chút. Giống như ở khách sạn vậy." Nàng giặt miếng giẻ lau, phơi lên giá bên trong cánh cửa tủ, phía dưới bồn rửa. Rồi nàng khoác chiếc áo jacket cổ viền lông nâu vàng ra ngoài bộ áo len trắng cổ rùa và quần dài màu da hưu. Là một phụ nữ cao, vai hẹp, bẩy mươi tuổi nhưng lưng nàng vẫn thẳng, người vẫn thon, chân dài, cổ tay cổ chân mảnh khảnh nhỏ nhắn, hai vành tai trông hơi buồn cười. Mái tóc mịn nhẹ như tơ, chuyển từ vàng nhạt sang bạc trắng từ khi nào Grant không biết, vẫn xỏa ngang vai, như mẹ nàng. (Đó chính là thứ đã làm mẹ Grant, một góa phụ tỉnh lẻ, tiếp viên ở phòng mạch bác sĩ, phải e ngại. Mái tóc bạc dài thượt của mẹ Fiona, còn hơn cả tình trạng của gia đình nàng, thừa sức cho mẹ Grant suy ra những gì bà cần biết về thái độ và khuynh hướng chính trị của họ.) Ngoài ra, với cấu trúc thanh tú và đôi mắt nhỏ xanh thẳm như ngọc biếc, Fiona không giống một chút gì với mẹ nàng. Miệng của nàng hơi lệch, giờ càng thấy rõ với lớp son đỏ -- tô son thường là việc cuối cùng trước khi nàng bước chân khỏi nhà. Nàng giống y hệt bản thân nàng ngày hôm ấy -- thẳng thắn và mơ hồ trong khi thực ra, dịu dàng và cay đắng. Từ hơn một năm trước, Grant bắt đầu thấy quá nhiều miếng giấy nhỏ màu vàng dán khắp nhà. Chuyện này cũng không mới lạ gì. Nàng luôn luôn viết ra giấy -- tựa một quyển sách nàng nghe nhắc đến trên radio, hay công việc nàng muốn làm trong ngày. Ngay cả thời khóa biểu buổi sáng của nàng, cũng được viết xuống -- chàng cảm thấy sự chính xác ấy đầy bí ẩn và xúc động. 7 a.m Yoga. 7:30-7:45 đánh răng rửa mặt chải tóc. 7:45-8:15 đi bộ. 8:15 Grant và Điểm tâm. Những ghi chú sau này khác hẳn. Dán băng keo lên ngăn tủ bếp -- Muổng nỉa, Khăn lau chén, Dao. Chẳng lẽ nàng không thể mở ngăn kéo ra, xem có gì ở bên trong? Chàng nhớ lại một câu chuyện về toán binh sĩ Đức tuần tra biên giới Tiệp Khắc trong thế chiến. Mấy người Tiệp kể rằng, mỗi con chó đi tuần được mang một bảng hiệu có chữ Hund. Tại sao? Người Tiệp hỏi, và người Đức trả lời, Bời nó là một con Hund. Chàng định kể cho Fiona nghe, nhưng sau đó, chàng nghĩ rằng không nên. Họ thường cười khi nghe một chuyện tiếu lâm, nhưng giả sử lần này nàng không cười thì sao? Nhiều chuyện tệ hơn lần lượt xảy ra. Nàng lái xe ra phố và gọi từ phòng điện thoại công cộng hỏi đuờng về nhà. Nàng bách bộ ngang cánh đồng vào rừng và trở về dọc theo hàng rào --- một lối đi vòng rất xa. Nàng nói nàng tin rằng hàng rào luôn luôn dẫn đến một nơi nào đó. Thật khó hiểu. Nàng nói về hàng rào như thể nói đùa, và nàng nhớ số điện thoại một cách dễ dàng. "Em không nghĩ rằng mình phải lo lắng," nàng nói. "Em chỉ đãng trí mà thôi." Chàng hỏi nàng có uống thuốc ngủ không. "Nếu có uống, em cũng không nhớ," nang nói. Rồi nàng xin lỗi vì câu trả lời có vẽ trả treo." "Em chắc em không uống gì cả. Có lẽ em nên uống một thứ thuốc gì đó. Có lẽ vitamin." Vitamin không hiệu lực. Nàng đứng ở thềm cửa, cố nhớ xem mình muốn đi đâu. Nàng quên vặn lửa lên khi luộc rau, quên châm nước vào bình pha cà phê. Nàng hỏi Grant, họ dọn vào nhà này năm nào. "Năm ngoái hay năm trước đó?" Chàng nói mười hai năm trước. Nàng nói, "Kinh khủng nhỉ." "Lúc nào nhà tôi cũng giống giống thế." Grant nói với bác sĩ. "Có lần cô ấy để quên áo lông trong kho rồi quên bẳng. Lúc ấy vào mùa đông chúng tôi thường du lịch đến những nơi ấm áp. Rồi cô ấy nói cô ấy vô tình chứ không cố ý, cô ấy nói giống như cô ấy bỏ quên tội lỗi lại. Kiểu thiên hạ thường làm cô ấy cảm thấy tội lỗi vì mặc áo lông thú." Chàng cố gắng giải thích thêm một vài điều nữa, nhưng không thành công --- giải thích rằng nỗi ngạc nhiên và lời xin lỗi của Fiona về tất cả mọi chuyện này, một cách nào đó, lịch sự theo bài bản mà hoàn toàn không ẩn chứa một thích thú riêng tư nào. Như thể nàng rơi vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ. Hay đang chơi một trò chơi hy vọng chàng có thể bắt kịp. Họ luôn luôn có trò chơi của họ -- những phương ngữ vô nghĩa, những nhân vật do họ dựng lên. Một vài giọng nói do Fiona sáng tác, thỏ thẻ hay ỏn ẻn ngọt ngào (chàng không thể nói cho bác sĩ biết) giống một cách huyền diệu giọng nói của những người tình của chàng, những người nàng chưa hề gặp, hoặc biết đến. "Vâng, thế này nhé," bác sĩ nói. "Có thể trong thời kỳ đầu sự quên lãng có chọn lọc. Chúng ta không biết, phải không? Chừng nào sự thoái hóa lập đi lập lại theo một mẫu mực rõ rệt, chúng ta mới có thể chẩn đoán, còn bây giờ thì chưa..." Trong một lúc, tên của chứng bệnh là gì cũng không thành vấn đề. Fiona, không còn đi chợ một mình nữa, biến mất trong siêu thị ngay khi Grant mới quay lưng đi. Một cảnh sát viên nhặt được nàng, lúc ấy đã đi xa mấy khu phố, lang thang giữa lộ. Ông hỏi tên nàng, nàng trả lời ngay. Rồi ông hỏi tên của ngài thủ tướng "Nếu cậu không biết, cậu bé ơi, thiệt tình cậu không nên làm chức vụ đầy trách nhiệm này." Người cảnh sát cười xòa. Nhưng rồi nàng tự tố cáo, khi nàng hỏi ông ta có thấy Boris và Natasha ở đâu không. Đó là hai con chó giống wolfhound Nga nàng nuôi dùm một người bạn, nhưng sau đó lại rất yêu thương chúng. Việc đón nhận chúng có lẽ trùng hơp với phát hiện rằng nàng khó có thể sinh con. Ống dẫn trứng của nàng bị nghẽn, hay vặn vẹo sao đó -- Grant không nhớ rõ. Chàng luôn luôn tránh nghĩ tới các cơ quan của nữ giới. Hay cũng có thể sau khi mẹ nàng qua đời. Những cặp chân dài, bộ lông mềm như tơ, gương mặt hẹp, dịu dàng, không khoan nhương của lũ chó rất tương hợp với nàng, khi nàng dắt chúng đi dạo. Và bản thân Grant, thuở ấy, có được công việc đầu đời, giảng dạy ở trường đại học (tiền của ông bố vợ được hoan hỉ nhận, cho dù ông ấy có tì vết về chính trị), theo một số người, dường như đã được Fiona chọn lựa trong một cơn ngông cuồng lập dị, được chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu dấu. Mặc dù chàng không bao giờ hiểu được điều ấy, may thay, mãi đến tận về sau. Nàng nói với chàng, trong bửa cơm tối ngày nàng đi lạc ngoài siêu thị, "Anh biết anh sẽ làm gì với em, phải không anh? Anh sẽ đưa em vào nơi ấy. Shallowlake?" Grant nói, "Meadowlake. Chúng mình đâu đã đến giai đoạn đó." "Shallowlake, Shillylake," nàng nói, như thể họ đang tranh đua trong một trò chơi. "Sillylake. Sillylake đúng thế." Chàng ôm đầu, chống tay lên bàn. Chàng nói nếu quả tình họ có nghĩ đến chuyện ấy, cũng không nhất thiết là vĩnh viễn. Một loại thử nghiệm. Một cách an dưỡng. Có một quy định không cho phép ai được nhập viện trong tháng Chạp. Những ngày lễ có nhiều cạm bẩy cho xúc cảm bùng nổ. Do đó đến tháng Giêng họ làm một chuyến đi dài hai mươi phút. Trước khi ra đến xa lộ, con đường quê chùng thấp qua một lòng chảo đầm lầy đã hoàn toàn đóng băng. Bóng những cây sồi, cây phong ngã thành những thanh gầy trên mặt tuyết trắng lóa. Fiona nói, "Ôi, nhớ không." Grant nói, "Anh cũng đang nghĩ tới." "Chỉ khác là hồi ấy có trăng," nàng nói. Nàng đang nói về thời gian họ đến nơi này, giữa mùa đông, trượt tuyết ban đêm dưới ánh trăng rằm và trên lớp tuyết có những vạch đen. Tiếng cành khô nứt răng rắc trong khí trời buốt giá. Nếu nàng có thể nhớ một cách sống động và rành mạch như thế, có lẽ nào nàng lại thực sự có vấn đề? Tất cả những gì chàng có thể làm là không quay đầu xe trở về. Người giám thị giải thích một quy định khác. Không được phép thăm viếng bệnh nhân mới trong ba mươi ngày đầu tiên. Hầu hết bệnh nhân cần khoảng thời gian ấy để ổn định. Trước khi có quy định này, đã có biết bao nhiêu van xin, nước mắt và thịnh nộ, ngay cả với những bệnh nhận tự nguyện. Đến đây được khoảng ba, bốn ngày họ sẽ khóc lóc và khẩn cầu xin về. Nhiều thân nhân mủi lòng, do đó ta sẽ có những bệnh nhân xuất viện khi bịnh tình chưa cải thiện. Rồi sáu tháng, đôi khi chỉ một vài tuần sau, toàn thể quy trình đau khổ lại tái diễn. "Do đó chúng tôi nhận thấy," người giám thị nói, "chúng tôi nhận thấy nếu để yên một mình, cuối cùng họ sẽ vui như tết. Cò thể nói phải dụ dỗ họ mới chịu lên xe buýt ra phố chơi. Về thăm nhà, cũng thế. Đưa họ về, chừng một hay hai tiếng đồng hồ hoàn toàn không sao cả. -- chính họ là người lo lắng trở về đây cho kịp bửa cơm tối. Meadowlake bấy giờ là nhà họ. Dĩ nhiên, không áp dụng cho các bệnh nhân trên lầu hai, chúng tôi không thể cho họ ra khỏi nơi đây. Khó khăn vô cùng, và hơn nữa, họ cũng chẳng biết họ đang ở đâu. "Nhà tôi sẽ không ở lầu hai đâu nhỉ?" Grant nói. "Không," người giám thị trầm ngâm và nói. "Tôi chỉ muốn trình bày mọi việc rõ ràng ngay từ đầu." Họ đã đến Meadowlake một vài lần mấy năm trước để thăm Mr. Farquar, ông chủ nông trại độc thân, vốn là hàng xóm của họ. Ông ấy sống một mình trong căn nhà gạch lạnh tanh, chưa bao giờ được sửa chửa hay thay đổi gì từ đầu thế kỷ đến nay, ngoại trừ việc có thêm một cái tủ lạnh và máy truyền hình. Ông thường đều đặn đúng mực, tuy không hề báo trước, ghé thăm Grant và Fiona và ngoài các vấn đề địa phương, còn thích thảo luận về những quyển sách ông đang đọc -- về cuộc chiến Crimean hay những cuộc thám hiểm địa cực hay lịch sử vũ khí. Nhưng sau khi dọn vào Meadowlake, ông chỉ nói tới những chuyện vặt vảnh thường ngày nơi đó, và họ hiểu những cuộc thăm viếng của họ, mặc dù được trân trọng, là một gánh nặng. Và Fiona ghét cay ghét đắng mùi nước tiểu và mùi thuốc tẩy phảng phất trong không khí, ghét những bó hoa plastic vô hồn bày chiếu lệ trong các hốc tường của những hành lang âm u, trần thấp lè tè. Nay thì tòa nhà ấy, dù mới xây giữa những năm năm mươi, không còn nữa. Cũng thế, nhà của Mr. Farquar đã biến mất, thay bằng một loại lâu đài diêm dúa rẻ tiền, nơi nghĩ cuối tuần của một số người nào đó ở Tọronto. Meadowlake mới là một kiến trúc thoáng mát, vòm cao, thoang thoảng hương thông thơm dịu. Cây kiểng thứ thật xanh tươi, um tùm trong các chậu đất nung khổng lồ đặt khắp nơi. Tuy nhiên, tòa nhà cũ lại chính là hình ảnh Grant hình dung trong suốt một tháng đăng đẳng không gặp Fiona. Đó là tháng dài nhất đời mình, chàng nghĩ -- dài hơn tháng chàng đi với mẹ thăm bà con ở Lanark County, khi ấy chàng mười ba tuổi, và dài hơn tháng Jacqui Adams nghĩ hè với gia đình cô ấy, vào cuối cuộc tình của họ. Chàng gọi điện thoại đến Meadowlake mỗi ngày, hy vọng gặp một nữ y tá tên Kristy. Cô ấy hơi buồn cười vì sự kiên trì của chàng, nhưng cô kể cho chàng nghe nhiều hơn những người y tá khác. Fiona bị cảm, nhưng không lạ, vì nàng là người mới. "Giống như mấy đứa nhỏ lúc tựu trường," Kristy nói. "Chúng phải tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn chưa gặp qua và chúng sẽ mắc đủ thứ bịnh trong một thời gian." Rồi bịnh thuyên giảm.Nàng không cần trụ sinh nữa, và hình như bớt lẫn lộn so với lúc mới đến. (Đây là lần đầu chàng nghe nói tới trụ sinh hay lẫn lộn.) Nàng ăn được, và hình như thích ngồi trong sunroom. Nàng cũng có vẽ thích xem truyền hình. Một trong những thứ không thể chấp nhận của Meadowlake cũ là cách họ đặt máy truyền hình khắp nơi, lấn áp suy nghĩ hay cuộc trò chuyện, dù ta chọn ngồi ở đâu. Một số bệnh tù ( thuở ấy chàng và Fiona gọi thế, họ không dùng chữ bệnh nội trú) nghếch mắt xem, một số láp dáp trả lời, nhưng phần lớn chỉ ngồi im thin thít, rụt rè chịu đựng sự tấn công của truyền hình. Ở tòa nhà mới, theo trí nhớ của chàng, truyền hình đặt trong một phòng khách biệt lập hay trong các phòng ngũ. Ta có thể chọn xem hay không. Như vây, hẳn Fiona đã chọn truyền hình. Xem gì đây? Trong những tháng năm sống trong nhà này, chàng và Fiona cũng có xem với nhau một ít truyền hình. Họ theo dõi cuộc sống của từng con thú hay bò sát hay sâu bọ hay sinh vật ở biển mà máy quay phim có thể thu được, họ theo dõi cốt chuyện của hàng tá những thứ tương tự các tiểu thuyết hay của thế kỷ 19. Họ say mê một chương trình hài kịch Anh về cuộc sống ở một cửa hàng bách hóa và họ xem những lần chiếu lại nhiều đến nổi thuộc lòng hết những lời thoại. Họ thương tiếc sự ra đi của những vai diễn, khi diễn viên ở đời thật từ trần hay đổi việc, họ hân hoan chào đón chính các diễn viên ấy trở lại với các vai cũ được tái sinh. Họ ngắm nhìn mái tóc đen của người trưởng nhóm bán hàng từ từ nhuốm bạc rồi cuối cùng đen trở lại, phông màn rẻ tiền không hề thay đổi. Nhưng, những thứ này, cũng vậy, cũng tàn phai; dần dà rồi phông màn và mớ tóc huyền mây nhất cũng nhạt nhòa, như thể bụi đường bên ngoài thành phố Luân Đôn qua khe cửa thang máy bay vào, và nỗi u sầu về chuyện này đã ảnh hưởng Grant và Fiona sâu đậm hơn bất cứ thảm kịch nào trong Masterpiece Theatre, nên họ ngừng không xem nữa trước khi đến hồi kết thúc. Fiona đang kết bạn, Kristy nói. Rõ ràng bà ấy đang thóat khỏi lớp vỏ cô đơn. Vỏ nào thế? Grant muốn hỏi, nhưng tự kìm chế, để giữ vẽ phong nhã trong mắt Kristy. Nếu có ai gọi đến, chàng để cho lời nhắn thâu vào máy. Những người họ lui tới thăm viếng, thỉnh thoảng thôi, không phải là hàng xóm ở gần nhà, mà sống rãi rác khắp vùng, đã hưu trí như họ, và hay đi chơi xa mà không báo trước. Năm đầu tiên đến đây, Grant và Fiona ở nhà suốt mùa đông. Mùa đông ở miền quê là một kinh nghiệm mới, và họ bận rộn, sửa chửa nhà cửa. Rồi họ hiểu rằng họ cũng nên du lịch khi có thể, và họ đi Hy Lạp, Úc, Costa Rica. Người ta sẽ nghĩ rằng họ đang du lịch ở đâu đó. Chàng rèn luyện thể lực bằng cách trượt tuyết nhưng không bao giờ đi xa tới chỗ đầm lầy. Chàng lượn tròn và lượn tròn trên cánh đồng phía sau nhà, khi mặt trời lặn lưu ánh hồng trên nền trời bên trên cánh đồng quê bát ngát giới hạn bởi những con sóng tuyết bìa Lam. Đếm đủ số vòng trượt, chàng trở về căn nhà đang chìm trong bóng tối, vặn truyền hình xem tin tức trong khi ăn. Họ thường cùng nhau sửa soạn thức ăn. Một người pha rượu, người kia nhóm lò sưởi, và họ nói với nhau về công việc của chàng (chàng đang viết một bài khảo cứu về Norse những con sói huyền thoại và đặc biệt về Ferris con sói hào hùng nuốt chửng Odin ở tận cùng thế giới) và về bất kỳ thứ gì Fiona đang đọc và về những suy nghĩ của họ trong ngày, tuy bên nhau nhưng riêng biệt. Đây là lúc thân mật gắn bó nhất của họ, mặc dù cũng có, dĩ nhiên, năm hay mười phút âu yếm ngọt ngào ngay sau khi lên giường -- một thứ không phải lúc nào cũng kết thúc bằng ân ái nhưng tái xác nhận với họ ngọn lửa tình yêu chưa nguội lạnh tro tàn. Trong giấc mơ, Grant đưa lá thư cho một đồng nghiệp mà chàng coi như bạn. Lá thư của người chung phòng với một thiếu nữ đã lâu lắm chàng không nghĩ tới. Giọng văn ra vẻ đạo hạnh và thù nghịch, dọa dẫm theo kiều rên xiết áo não -- chàng tin rằng người viết là một cô đồng tính luyến ái ngầm. Chàng đã chia tay êm đẹp với thiếu nữ ấy, có lẽ nàng chẳng muốn gây tai tiếng chi, đừng nói tới việc tìm cách tự tử như lá thư đã nhọc nhằn, rõ ràng là thế, báo cho chàng biết. Bạn đồng nghiệp là một trong những người chồng người cha, những người đầu tiên đã tháo cà vạt và bỏ nhà, hàng đêm sống trên những tấm nệm trải trên sàn với những người tình trẻ trung mê hoặc, đến văn phòng vào lớp học, lôi thôi xốc xếch đẫm mùi ma túy nhang thơm. Nhưng hiện nay anh ta không tán thưởng lắm những trò ma mãnh này và Grant nhớ lại, anh ta quả tình đã cưới một trong những cô gái ấy, và cô đó cũng bắt đầu quen thói tiệc tùng và sinh con đẻ cái y như những bà vợ xưa nay. "Tôi không cười đâu," anh nói với Grant. Grant không nghĩ rằng anh ta cười. "Nếu tôi là anh, tôi sẽ ráng chuẩn bị tinh thần cho Fiona." Do đó Grant đi tìm Fiona ở Meadowlake -- Meadowlake cũ -- nhưng thay vào đó, lạc vào một giảng đường. Mọi người đang chờ chàng giảng bài. Và ngồi ở hàng ghế cuối cùng, trên cao nhất là một bầy thiếu phụ đôi mắt sắc lạnh, tất cả đều mặc áo chùng thâm, tất cả đều đang tang chế, không hề rời ánh mắt cay nghiệt khỏi chàng và rõ ràng không ghi chép gì, hay quan tâm một chút nào đến những lời chàng nói. Fiona ngồi ở dãy ghế đầu, an lành. Nàng đã biến đổi toàn thể giảng đường thành một góc riêng tư như nàng vẫn luôn luôn tìm thấy trong các buổi tiệc - một chỗ tách biệt nơi đó nàng nhâm nhi rượu vang với nước khoáng, hút thuốc lá thứ thường và kể những mẫu chuyện vui về mấy con chó của nàng. Kiên trì trụ lại, cầm cự chống sóng nước triều dâng, với vài người giống như nàng, như thể những bi kịch đang diễn ra ở những xó xỉnh khác, trong phòng ngủ và ngoài hàng hiên tăm tối chẳng gì khác hơn là một thứ hài kịch trẻ con. Như thể nết trung trinh là sang cả, và đức im lặng là ơn phước. "Ối dào," Fiona nói. "Con gái lứa tuổi ấy lúc nào cũng lăng quăng khắp nơi tuyên bố sẽ tự tử như thế nào ấy mà." Nhưng nàng nói thế cũng chưa đủ -- thực sự, chàng càng lạnh gáy hơn. Chàng lo rằng nếu nàng sai, nếu một điều khủng khiếp nào đó xãy ra, và chàng nhìn thấy một thứ nàng không thể thấy -- cái vòng đen kịt đó dấy đặc lên, thun nhỏ lại, tràn đầy khí quản của chàng, đầy nghẹt cả nóc giảng đường. Chàng nặng nhọc kéo thân xác khỏi cơn mơ và khởi sự phân tách những sự kiện có thật và không thật. Có một lá thư, và hai chữ "PHẢN TRẮC" viết bằng sơn đen trên cửa văn phòng của chàng, và Fiona, khi nghe nói đến một cô gái đau khổ thất tình vì chàng, đã phát biểu một câu tương tự trong mơ. Người bạn đồng nghiệp không liên can, những thiếu phụ áo chùng thâm chưa bao giờ vào lớp học, và không ai tự kết liễu đời ai. Danh dự của Grant còn nguyên, thực ra chàng thoát nạn khá dễ dàng nếu ta nghĩ đến những gì có thể xảy ra chỉ vài năm sau đó. Nhưng tiếng đồn lan ra. Sự lạnh nhạt thật rõ. Họ chỉ nhận vỏn vẹn vài lời mời dự lễ Giáng Sinh và họ đón giao thừa một mình. Grant say mèm, và tuy không ai đòi hỏi - tạ ơn Chúa, chàng không phạm sai lầm thú nhận với Fiona -- chàng hứa với Fiona một cuộc đời mới. Nỗi nhục nhã chàng cảm thấy lúc ấy là nỗi nhục vì bị lường gạt, vì không thấy được sự thay đổi đang xẩy ra. Và không một người đàn bà nào giúp chàng hiểu điều đó. Trong quá khứ có một giai đoạn đột nhiên có rất nhiều chị em dễ dãi sẳn sàng --- hay đối với chàng dường như thế -- nhưng giờ đây lại có thay đổi, khi họ bảo là chuyện xảy ra hoàn toàn không giống những gì họ tưởng. Họ tùy thuận vì họ yếu đuối dại khờ và họ đã đau đớn hơn là vui sướng. Ngay cả khi là người khởi xướng, họ cũng chỉ làm thế vì tình hình bất lợi cho họ. Không nơi nào, không có ai thừa nhận rằng cuộc đời của một tay chơi (nếu đó là tên mà Grant phải gọi mình - dù chàng chẳng có được phân nữa những chinh phục những rối rắm của người bạn trong giấc mơ) lại dính dáng đến những hành vi bác ái, hào hiệp, ngay cả vị tha. Hẳn là không, có lẽ thế, vào lúc ban đầu nhưng ít ra cũng phải có, khi sự việc tiến triển. Nhiều lúc chàng phải chăm chút nuôi dưỡng sự kiêu hảnh, sự yếu đuối của một người đàn bà bằng cách hiến tặng thêm nhiều tình cảm - hay đam mê bỏng cháy -- nhiều hơn những gì chàng thực sự cảm thấy. Tất cả những thứ ấy, để giờ đây chàng bị cào buộc là gây thương tổn, lợi dụng và xói mòn lòng tự trọng. Và về chuyện lừa dối Fiona --- bởi vì, dĩ nhiên, chàng đã lừa dối nàng -- phải chăng sẽ tốt đẹp hơn nếu chàng cư xử như những người khác với vợ họ, là lìa bỏ? Chàng không bao giờ nghĩ đến một chuyện ấy. Chàng không bao giờ ngừng làm tình với Fiona mặc dù có thừa những đòi hỏi phiền nhiểu đến từ nơi khác. Chàng không bao giờ xa nàng, dù chỉ một đêm. Không khổ công bịa chuyện để có một cuối tuần du dương ở San Francisco, hay một lều vải trên đảo Manitoulin. Chàng bớt xử dụng ma túy, bớt uống ruợu và tiếp tục công bố những bài khảo cứu, tham gia các ủy ban, thăng tiến trong nghề nghiệp. Chàng không bao giờ có ý định từ bỏ việc làm và hôn nhân, về quê làm thợ mộc hay nuôi ong. Nhưng cuối cùng một điều tương tự xảy ra. Chàng xin về hưu non với tiền hưu cắt giảm. Bác sĩ chuyên viên tim mạch đã qua đời, sau một thời gian hoang mang khắc kỷ, sống cô độc trong tòa nhà thênh thang, và Fiona thừa kế ngôi nhà ấy và cả nông trại ở miền Bắc gần Georgian Bay nơi cha nàng đã lớn lên. Nàng bỏ việc, nàng là điều phối viên của toán nhân viên tình nguyện tại bệnh viện ( một thế giới đơi thường, như nàng nói, nơi người ta thực sự gặp những rắc rối không liên quan đến ma túy hay gái ghiếc hay những trận tranh luận nhỏ mọn.) Một cuộc đời mới là một cuộc đời mới. Lúc ấy Boris và Natasha đã chết. Một trong hai con bị bệnh và chết trước -- Grant quên mất con nào-- và rồi con kia chết theo, ít nhiều do quá thương tâm. Chàng và Fiona sửa chửa quanh nhà. Họ có cross-country skis. Họ không giao thiệp rộng, nhưng dần dần cũng kết được một ít bạn. Không còn tán tỉnh chộn rộn. Không có những ngón chân trần của đàn bà mò mẫm trong ống quần đàn ông ở đám tiệc. Không còn những người vợ trắc nết. Vừa đúng lúc. Grant nghĩ thế, khi cảm giác bất công đã lắng đọng. Phe tranh đấu cho nữ quyền và có lẽ chính thiếu nữ ngu ngốc buồn thảm ấy và những kẻ hèn nhát tự-nhận-là-bạn đã đẩy chàng ra đúng lúc. Ra khỏi một cuộc đời quả thật đã quá nhiều phiền toái hơn là đáng giá. Và cuộc đới ấy có thể cuối cùng cướp đi Fiona của chàng. Ngày đầu tiên được phép trở lại Meadowlake để thăm viếng, Grant dậy sớm. Chàng cảm thấy nôn nao rạo rực y như những buổi sáng xa xưa hẹn hò lần đầu với một người đàn bà mới. Cảm xúc ấy không đơn thuần chỉ là sinh lý.(Về sau, khi những cuộc gặp gỡ trở thành thông lệ, đấy mới là nhục dục.) Có sự mong mỏi phát hiện ra những điều mới lạ, gần như là một phát triển tâm linh. Cũng có những nỗi thẹn thùng lo âu bở ngở. Chàng ra khỏi nhà quá sớm. Khách không đuợc phép thăm trước hai giờ chiều. Chàng không muốn ngồi ngoài bải đậu xe chờ đợi, nên bẻ tay lái sang hướng khác. Băng đã tan. Vẫn còn nhiều tuyết, nhưng phong cảnh lấp lánh đông cứng của tiết lập đông đã vỡ vụn. Dưới bầu trời xám những đụn tuyết lỗ chỗ trông như các ụ rác trên cánh đồng. Tại thành phố gần Meadowlake, chàng tìm được một cửa hàng hoa và mua một bó to. Xưa nay chàng chưa hề tặng hoa cho Fiona. Hay cho ai khác. Chàng bước vào tòa nhà, có cảm tưởng như một người tình tuyệt vọng hay một anh chông tội lỗi trong phim hoạt hình. "Mèn ơi. Thủy tiên tháng này," Kristy nói. "Chắc ông phải trả cả gia tài." Cô dẫn trước, đi dọc hành lang, bật đèn một căn phòng nhỏ, cũng có thể là nhà bếp, tìm bình hoa. Cô là một phụ nữ trẻ đẫy đà, dường như đã chịu thua không còn chăm sóc chỗ nào trên cơ thể mình, ngoại trừ mái tóc. Mái tóc vàng óng ả, chải phồng diêm dúa theo kiểu những cô hầu rượu hay gái cởi truồng, lạc lõng trên gương mặt và thân hình của một nhân viên tầm thường. "Đây rồi, " cô nói, và gật đầu hướng về cuối hành lang. "Có bảng tên ngoài cửa." Tên nàng đây, lồng trong một cái khung nhỏ trang hoàng bằng những chú chim xanh. Chàng tự hỏi mình có nên gỏ cửa, và chàng gỏ, và mở cửa và gọi tên nàng. Không thấy nàng đâu. Cửa tủ khép, giường nệm phẳng phiu. Trên bàn ngủ đặt cạnh giường, không có một thứ gì ngoại trừ một hộp khăn giấy Kleenex và một cốc nước. Không một bức ảnh hay bất kỳ loại tranh nào, không một quyển sách hay một tạp chí. Có lẽ phải cất chúng trong tủ. Chàng trở lại quầy y tá, hay quầy tiếp tân, hay quầy quái quỷ gì đó. Kristy nói "Không gặp sao?" ra vẽ ngạc nhiên chiếu lệ, chàng nghĩ thế. Chàng do dự, tay vẫn ôm bó hoa. Cô nói, "Không sao, không sao -- để bó hoa lại đây." Thở dài, như thể chàng là một đứa trẻ đần độn trong ngày đầu tiên tới trường, cô dẫn chàng theo một hành lang, lọt vào một vùng ánh sáng rọi từ những ô kính thật rộng trên trần, ngay trung tâm một căn phòng lớn có vòm cao. Vài người ngồi dọc theo tường trong các ghế bành, những người khác ở các bàn đặt giữa phòng trên thảm. Không có ai nhìn quá tệ. Già nua -- một số yếu đến nổi phải ngồi xe lăn -- nhưng vẫn chỉnh tề. Có những cảnh tượng não lòng lần trước, khi chàng và Fiona đến thăm Mr. Farquar. Râu trên càm mấy bà già, và ai đó có một con mắt lòi ra như một trái mận thối. Nhiều người nhễu nhảo nước miếng, nhiều người không ngừng lắc lư đầu, nhiều người nói năng tầm ruồng bá láp. Như thể giờ đây những trường hợp tồi tệ nhất đã được lặt bỏ. Hay có lẽ thuốc men và phẩu thuật đã được sử dụng, có lẽ nay đã có những phương pháp hữu hiệu chửa trị sự dị hình, cũng như các chứng bịnh không kềm chế, dạng ngôn ngữ cũng như các dạng khác. -- những phương pháp này chưa có, dù chỉ mới mấy năm trước. Tuy nhiên, có một người đàn bà buồn bả ngồi trước dương cầm, rời rạc gõ từng ngón lên phím đàn mà chẳng tạo nên một giai điệu nào. Một bà khác, ngồi phía sau một bình cà phê và một chồng ly nhựa, mông lung ngó ra, chán chường như sắp hóa đá. Nhưng bà ấy hẳn phải là một nhân viên ---bà ta mặc quần vải xanh tái như quần của Kristy. "Ông thấy chưa?" giọng Kristy dịu hẳn. "Ông cứ lại đó chào bà và nhớ đừng làm bà giật mình. Nhớ là bà có thể không còn -- Ôi. Cứ tới đi." Chàng nhìn thấy bán diện của Fiona, nàng ngồi kế bên một bàn bài, nhưng không tham gia. Mặt nàng hơi phù, thịt ở một bên má trỉu xuống che một góc miêng theo kiểu trước đây chưa từng có. Nàng quan sát một ông ngồi cạnh nàng, đang chơi bài. Ông nghiêng nghiêng lá bài cho nàng xem. Khi Grant đi tới, nàng nhìn lên. Họ đều ngước lên -- tât cả các con bài trong bàn đều ngước lên, không vui. Rồi họ lập tức nhìn xuống những quân bài của họ, như muốn xua đuổi người xâm nhập. Nhưng Fiona nhếch đôi môi hơi lệch của nàng, mĩm cười thẹn thùa, tinh quái và duyên dáng. Nàng đẩy ghế, đi vòng đến cạnh chàng, những ngón tay đặt lên môi. "Bài bridge," nàng khe khẻ nói. "Quyết liệt lắm. Họ mê lắm." Nàng kéo chàng lại bàn cà phê, tíu tít nói. "Em nhớ em cũng có một thời như thế ở đại học. Tụi em cúp cua, ra phòng khách hút thuốc, sát phạt nhau kịch liệt như thảo khấu. Một đứa tên Phoebe, em không nhớ tên mấy đứa kia." "Phoebe Hart," Grant nói. Chàng hình dung ra môt cô gái nhỏ nhắn, ngực lép kẹp, mắt đen, có lẽ đã chết từ đời nào. Khói thuốc quyện quanh đầu như vòng hoa, Fiona và Phoebe và những cô kia, mê man như đồng bóng. "Anh cũng biết cô ấy hở?" Fiona nói, và hướng nụ cười về phía người đàn ba mặt trơ như đá. "Anh uống gì để em lấy? Trà nhé? Em e rằng cà phê ở đây không ngon lắm." Grant không bao giờ uống trà. Có một điều gì đó trong giọng nói và nụ cười của nàng, dù rất thân quen, một điều gì đó trong cách nàng canh phòng những người chơi bài và luôn cả người đàn bà ở bàn cà phê, từ chàng -- cũng như canh phòng chàng, từ nỗi bất bình của họ -- khiến chàng không thể ôm nàng vào lòng. "Anh mua hoa cho em," chàng nói. "Anh mong hoa sẽ làm phòng em sáng đep hơn. Anh ghé phòng, nhưng em không có ở đó." "Thế à," nàng nói. "Em ở đây." Grant nói, "Em có bạn mới." Chàng hất càm về hướng người đàn ông ngồi kế bên nàng lúc nãy. Ngay khi ấy ông ta ngẫng lên, nhìn Fiona và nàng quay lại, hoặc vì câu nói của Grant, hoặc vì cảm nhận được cái nhìn của ông ấy trên gáy. "Tưởng ai, Aubrey ấy mà," nàng nói. "Lạ một điều, em đã biết anh ấy từ nhiều năm nay. Anh ấy bán hàng ngoài tiệm. Ông nội em thường mua hàng ở đó. Chúng em hay nói đùa với nhau, thế nhưng anh ấy không đủ can đảm mời em đi chơi. Mãi đến tuần cuối cùng, anh ấy mới đưa em đi xem bóng chày. Ông nội em chờ sẳn để chở em về khi xong trận đấu. Lúc ấy vào mùa hè, em lên chơi với ông bà em. Ông bà em sống ở một nông trại." "Fiona, anh biết ông bà em sống ở đâu. Đó là nơi chúng ta đang sống. Đã sống." "Thế à?" nàng nói, nhưng không chú tâm cho lắm vì người ấy đang nhìn nàng với một ánh mắt, không phải cầu xin mà là đòi hỏi. Ông ta trạc tuổi Grant, hay nhỉnh hơn một chút. Mớ tóc bạc dầy, thô cứng lòa xòa trên trán, làn da trắng ngã vàng mai mái như lớp da thuộc của một chiếc găng tay trẻ con, nhăn nheo củ kỷ. Gương mặt dài uy nghi buồn thảm, có vẽ đẹp của môt con ngựa già, oai phong, chán nản. Thê`nhưng bằng vào Fiona, ông ta chẳng có vẻ gì là nản chí. "Em phải đi," Fiona nói, má ửng hồng. "Anh ấy nghĩ rằng, không có em ngồi cạnh, anh ấy không thể chơi bài. Ngốc thế cơ, em đâu còn nhớ cách chơi bài nữa. Xin phép anh, em phải đi." "Gần xong chưa em?" "Ôi, chưa đâu. Còn tùy. Nếu anh lịch sự hỏi cái bà buồn thiu ấy, có lẽ bà sẽ pha trà cho anh." "Anh không cần đâu," Grant nói. "Thế thì em để anh ở đây một mình, tự lo liệu lấy được không? Chắc hẳn mọi thứ đều lạ lẫm với anh, nhưng chẳng mấy chốc anh sẽ ngạc nhiên thấy mình đã quen. Anh sẽ có dịp làm quen với tất cả. Ngoại trừ vài người đầu óc để trên mây, anh biết mà - không thể hy vọng tất cả mọi người nhớ anh là ai." Nàng nhanh chóng trở lại ghế ngồi và nói một điều gì đó bên tai Aubrey. Nàng nhịp nhịp mấy ngón tay mình trên lưng bàn tay ông. Grant trở ra tìm Kristy và gặp cô ngoài hành lang. Cô đang đẩy xe, trên đó có một vài bình nước táo, nước nho. "Chỉ còn phòng này nữa thôi," cô nói với chàng, vừa thò đầu qua cửa. "Có ai cần nước táo không? Nước nho? Cookies?" Chàng đợi cô rót đầy hai ly nhựa, mang vào phòng. Rồi cô trở ra, đặt hai miếng arrowroot cookies lên một cái dĩa giấy. "Thế nào?" cô nói, "Ông chẳng vui khi thấy bà nhà tham gia và mọi thứ khác sao?" Grant nói, "Nhà tôi có còn biết tôi là ai không?" Chàng không biết. Có thể nàng đang đùa. Chẳng lạ gì so với tính cách của nàng. Nàng đã lộ bí mật khi vào cuối câu chuyện, giả vờ như chàng là bệnh nhân mới. Nếu nàng giả vờ. Nếu đó là đóng kịch. Nếu thế, sao nàng không đuổi theo và cười phá lên khi màn kịch chấm dứt? Đừng trở lại chỗ chơi bài, quên luôn chàng, một cách vô cùng tàn nhẫn. Kristy nói, "Ông gặp bà không đúng lúc. Bà đang để hết tâm trí vào ván bài." "Nhưng nhà tôi có chơi đâu," chàng nói. "Vâng, nhưng Aubrey, bạn của bà, đang chơi." "Vậy Aubrey là ai?" "Là ông ta chớ ai. Aubrey. Bạn của bà. Ông dùng nước trái cây nhé?" Grant lắc đầu. "Này nhé, " Kristy nói. "Họ gắn bó với nhau.Trong thời gian tới. Như bạn thân nhất. Có thể coi đó là môt giai đoạn của tiến trình bệnh lý." "Cô định nói, có lẽ nhà tôi không biết tôi là ai nữa?" "Có thể lắm Nếu không phải hôm nay. Thì sẽ là ngày mai -- không bao giờ biết trước, phải không ông? Bịnh tình thuyên giảm trồi sụt không ngừng, ta không làm thể làm gì khác hơn. Nếu tới đây thêm một thời gian, ông sẽ hiểu điều đó. Ông sẽ hiểu ông không nên quá phiền muộn. Ông sẽ tập chấp nhận, từng ngày một." Từng ngày một. Nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi, khá hơn hay tệ đi, hoặc ngược lại. Chàng vẫn chưa quen với tình huống mới. Dường như Fiona nhớ được mặt chàng, như một ông khách lì lợm có sự chú ý đặc biệt đến nàng. Hay như một tay quấy rối mà khi biết được, theo quy tắc hành sử của nàng, phải chận đứng. Nàng đối xử với chàng lịch thiệp, nhưng xa cách đến nỗi chàng không thể đặt những câu hỏi rõ ràng, cần thiết. Chàng không thể hỏi, nàng có nhớ chàng là chồng nàng trong gần năm mươi năm. Chàng có cảm tưởng, nàng sẽ hết sức hổ thẹn với câu hỏi ây -- không phải hổ thẹn cho nàng, nhưng cho chàng. Nàng sẽ có một chuỗi cười lung linh rạn vỡ, khiến chàng chết điếng trong sự lịch thiệp, hoang dại của nàng, và bằng cách nào đó nàng sẽ chẳng trả lời, là nhớ hay quên. Hoặc nàng sẽ chọn một trong hai, nhưng một điều gì đó trong cách nói của nàng sẽ làm chàng vẫn hoài khắc khoải. Kristy là người y tá duy nhất chàng có thể nói chuyện. Một số người coi tất cả chỉ là một trò hề. Một con mụ gầy còm thô bỉ cười vào mặt chàng, "Aubrey và Fiona hở? Hai người ấy quá tệ, ông nhỉ?" Kristy cho chàng biết Aubrey là đại diện của một công ty phân phối thuốc trừ cỏ dại. -- "và các thứ tương tự" --cho nông dân địa phương. "Ông ấy là một người tôn quý," cô nói, và Grant không hiểu ý của cô, rằng Aubrey là một người chân thành, chính trực và nhân hậu, hay là một người ăn mặc đẹp, nói năng khéo léo và lái xe sang. Có thể là cả hai. ' Rồi khi ông ấy chưa già lắm, chưa kịp về hưu" -- cô nói-- "ông ấy mắc phải một chứng bịnh lạ, hủy hoại ông." "Vợ ông ấy là người săn sóc chính. Tại nhà. Bà ấy chỉ gởi tạm ông ở đây để đi Florida, chị của bà ấy muốn thế. Thấy chưa, bà ấy cực khổ lắm, không ai ngờ một người như ông ấy -- Họ vừa mới du lịch ở đâu đó, và ông ấy nhiễm phải một loại vi trùng gì đấy, nó làm ông bị sốt cao? Và hôn mê và lâm vào ở tình trạng hiện giờ." Chàng hỏi cô về tình cảm giữa những bệnh nhân trong viện. Họ có bao giờ đi quá xa? Chàng có được sự khoan hòa trong giọng nói, và hy vọng không bị trách móc "Tùy theo cách nghĩ của ông," Cô hi hoáy ghi chép vào hồ sơ trong khi cân nhắc câu trả lời. Sau khi viết xong, cô ngước nhìn ông, cười thẳng thắn. "Thứ rắc rối mà chúng tôi có ở đây, buồn cười thật, thường xảy ra với những người không hề thân thiện nhau, không chừng họ chẳng biết người kia là ai, ngoài trừ, kiểu như, người đó là đàn ông hay đàn bà ? Ông tưởng mấy ông già dịch là người trèo lên giường các bà, phải không? Ngược lại, phân nữa các trường hợp, chính các bà là những người đuổi bắt các ông. Tôi nghĩ, chắc các bà ấy chưa biết mệt ..." Rôi cô ngưng cười, như thể sợ mình đã nói quá nhiều hay chai đá. "Xin đừng hiểu lầm tôi," cô nói. "Tôi không ám chỉ Fiona. Fiona là một phụ nữ đáng kính." Ơ, thế còn Aubrey thì sao? Grant muốn hỏi. Nhưng chàng nhớ ra, Aubrey đang ngồi xe lăn. "Bà nhà thât sự là một người có tư cách," Kristy nói, giọng cô đầy kiên định và quả quyết đến nổi Grant cảm thấy thiếu thuyết phục. Trong đầu chàng là một bức tranh vẽ Fiona, trong chiếc áo ngủ dài đến gót, đính nơ xanh viền ren khuyết hạt, lã lơi lật tấm mền trên giường một lão già. "Ơ, đôi khi tôi tự hỏi ---" chàng nói. Kristy phủ phàng, "Ông tự hỏi cái chi?" "Tôi tự hỏi. không biết có phải cô ấy đang chơi trò charade, hay không?" "Trò gì?" Kristy hỏi lại. Đôi uyên ương có mặt ở bàn chơi bài gần như mỗi buổi chiều. Bàn tay Aubrey rộng, ngón dầy. Ông cầm các lá bài một cách vụng về, khó khăn. Fiona xào bài và chia bài dùm ông, đôi khi còn nhanh tay sửa lại một lá bài sắp rơi. Grant ngồi đàng xa, quan sát cử chỉ mau mắn và thoáng môi cười biết lỗi của nàng. Chàng có thể thấy Aubrey cau mày một cách kẻ cả khi một nhánh tóc của nàng chạm phớt lên gò má ông. Aubrey thích tỏ ra lơ là khi có nàng ngồi bên. Nhưng chờ đấy, khi nàng mĩm cười chào đón Grant, khi nàng đẩy ghế đứng dậy mời chàng dùng trà -- chứng tỏ nàng chấp nhận sự hiện diện của chàng và có lẽ cảm thấy có một chút trách nhiệm vơi chàng -- gương mặt Aubrey sẽ nhuộm vẽ sửng sốt u sầu ngay lập tức. Ông sẽ để mấy lá bài sẽ tuột khỏi ngón tay rơi xuống đất, làm hỏng ván bài. Như thế để Fiona phải bận rộn và chỉnh đốn lại mọi thứ. Nếu không ngồi ở bàn chơi bridge, có lẽ họ sẽ lần theo hành lang, một tay Aubrey vịn vào đường rây ở bờ tường, một tay bấu chặt cánh tay hay bờ vai của Fiona. Những người y tá cho đó là một điều mầu nhiệm, nhờ nàng mà ông rời khỏi chiếc xe lăn. Tuy nhiên, nếu đi xa hơn -- đến phòng cây kiểng ở một đầu tòa nhà hay phòng xem truyền hình ở một đầu kia -- phải dùng xe lăn. Dường như lúc nào cũng có kênh thể thao và Aubrey sẽ xem bất cứ loại thể thao gì, nhưng ông có vẽ thích nhất môn golf. Grant cũng có thể xem golf với họ. Chàng lựa một chỗ cách họ chừng vài ghế. Trên màn hình rộng, ở bãi cỏ xanh mướt an bình, một nhóm khán giả và bình luận viên lúc thúc theo chân các tay chơi và vào những lúc thích hợp, rộ lên những tràng tán thưởng. Nhưng có những lúc ở khắp mọi nơi là sự im lặng, khi người chơi golf xoay mình lấy đà quất banh, và trái banh vút bổng lên nền trời làm cuộc hành trình đơn côi của nó. Aubrey và Fiona và Grant và có lẽ những người khác nữa, ngồi đó nín thở và rồi hơi thở của Aubrey phá tan sự im lặng trước nhất, diễn tả sự hài lòng hay thất vọng. Fiona hòa cùng một nốt nhạc, một chốc sau. Trong phòng cây kiểng không có sự im lặng đó. Đôi uyên ương tìm cho họ một chỗ riêng, giữa những cành lá um tùm nhất, rậm rạp nhất, nhiệt đới nhất. -- một khuê phòng, nếu ta dám nói -- mà Grant còn đủ một chút kềm chế để không xâm phạm. Trộn lẫn trong tiếng lá lay xào xạc và tiếng nước róc rách là giọng nói mềm mại và chuỗi cười của Fiona. Rồi vài tiếng cười khùng khục. Tiếng của ai? Có lẽ không phải của người nào -- có lẽ từ một trong những con chim trơ trẻn, màu lông lòe loẹt sặc sở bên trong những cái chuồng ở một góc phòng. Aubrey có thể lên tiếng, mặc dù có lẽ giọng nói của ông không được như xưa. Hình như ông đang nói gì đó -- một vài âm tiết khao khao khằn đục. Giữ gìn sức khỏe. Ông ấy ở đây. Em yêu dấu. Ở đáy hồ xanh Lam có vài đồng bạc cắc. Grant chưa bao giờ thấy ai thẩy những đồng xu ước vòng này vào hồ. Chàng đăm đăm nhìn những đồng năm xu, mươi xu, hai mươi lăm xu ấy và tự hỏi phải chăng có ai đó đã dán chúng vào lớp gạch ở đáy hồ -- cũng là một cách trang hoàng tươi vui của tòa nhà. Tuổi học trò ở sân bóng chày, ngồi trên hàng ghế cao nhất, thật xa lũ bạn của đứa con trai. Hai đứa cách nhau cở chừng một tấc gỗ mộc. Màn đêm buông xuống, buổi chiều mùa hạ trở lạnh thật nhanh. Những bàn tay rụt rè lúng túng, những cái cựa mình khe khẻ, những đồi mắt không dám rời khỏi lòng chảo sân vận động. Đứa con trai cởi jacket, nếu có, khoác lên bờ vai gầy của đứa con gái. Bên dưới tấm áo, nó có thể kéo đứa con gái lại gần, bàn tay nó mở rộng, ấn lên cánh tay mềm. Không như thời buổi bây giờ, có lẽ bất kỳ đứa con trai nào cũng muốn chiếm đoạt đứa con gái ở buổi hẹn đầu tiên. Cánh tay gầy êm ái của Fiona. Rạo rực tuổi xuân làm ngỡ ngàng và chạy dài tê mê trên từng đuờng gân sớ thịt của cơ thể non xanh, trong khi đêm đặc quánh chung quanh lấn quá vùng bụi sáng của trận đấu. Meadowlake không có nhiều gương soi nên chàng không phải nhìn thấy hình ảnh mình rình rập và theo dõi Fiona với Aubrey. Nhưng thỉnh thoảng, chàng vẫn ý thức được, chắc hẳn chàng trông lố bịch, bịnh hoạn và có lẽ là loạn trí. Không thể đối đầu với nàng, hay ông ta. Càng lúc càng không chắc mình có quyền xen vào giữa hai người, nhưng chàng chẳng thể ngừng. Ngay cả khi ở nhà, làm việc tại bàn viết, dọn dẹp lau chùi, hay xúc tuyết khi cần, trong đầu chàng luôn luôn có một chiếc máy, tích tắc gõ đều nhịp tưởng đến Meadowlake, đến lần viếng thăm sắp tới. Đôi khi chàng thấy mình như một cậu bé ngu muội đang vô vọng theo đuổi nàng, đôi khi như những người khốn khổ bám dính các nhân vật nổi tiếng trên đường phố, tin chắc một ngày nào đó sẽ đươc họ ngoảnh lại, thừa nhận mối tình si. Chàng cố gắng giảm bớt, chỉ đi thăm vào những ngày thứ Tư và thứ Bẩy. Chàng cũng bắt mình quan sát mọi việc ở nơi đấy, như một người khách rảnh rỗi, một thanh tra hay một nhà xã hội học. Thứ bẩy có không khí ồn ào, náo nhiệt như ngày lễ. Khách đến theo từng đợt. Các bà mẹ thường chỉ huy, như những con chó chăn cừu náo nức và kiên quyết, lùa dắt bầy đàn ông và con trẻ. Chỉ những đứa bé nhất mới không ôm nỗi sợ sệt. Chúng nhảy lò cò trên các ô gạch màu xanh lá cây hay trắng, ở phòng khách. Những đứa dạn dĩ hơn, có thể làm những chuyến viễn du bằng cách đu theo xe lăn. Mặc dầu bị rầy la, vài đứa vẫn lì lợm nghịch phá kiểu ấy, và vì thế phải đuổi ra ngoài. Môt số anh chị hay cha của chúng, sung sướng biết bao, tình nguyện mang chúng ra xe, và như thế, thoát cảnh thăm viếng. Đàn bà là những người giữ cho câu chuyện được rôm rả. Đàn ông như bị áp bức bởi tình thế, những đứa nhỏ như hổ thẹn nhục nhã. Những người được thăm, hoặc ngồi xe lăn hoặc lụm cụm chống gậy hoặc tự bước đi, không cần trợ giúp, cứng nhắc, dẫn đầu đám rước, hảnh diện vì số người thăm viếng, nhưng đôi mắt vẫn có một vẽ gì đó lạc loài hay lảm nhảm không ngừng, trong căng thẳng. Và giờ đây, bao quanh bởi khách khứa, họ lại càng không giống người bình thường. Có thể râu càm của các bà được cạo nhẳn, các đôi mắt tật nguyền được che với băng bịt mắt hay kính đen, những lời nói không thích đáng được hạn chế bằng dược phẩm, nhưng vẫn còn đây những ánh mắt thất thần lơ láo, những điệu bộ cứng đờ ma quái -- như thể họ đã chấp nhận trở thành kỷ niệm của chính họ, hình ảnh cuối cùng. Giờ thì Grant hiểu thêm những gì Mr. Farquar đã cảm nhận. Những người sống tại đây -- ngay cả những người không tham dự một hoạt đồng nào, chỉ ngồi yên một chỗ quan sát cửa ra vào hay cửa sổ -- đang bận rộn với cuộc sông trong tâm trí họ (chưa kể cuộc sống của thân thể họ, những biến động của bộ máy tiêu hóa, khi thì đau nhói chỗ này, khi thì quặn thắt chỗ kia), và đó là cuộc sống mà trong hầu hết mọi trường hợp, không thể diễn tả hay trưng bày trước mặt quan khách. Tất cả những gì họ có thể làm, chỉ là quay bánh xe lăn hay gượng nhấc tấm thân, hy vong tạo một điều gì đó có thể gây ra sự chú ý, bàn tán. Có phòng cây kiểng để khoe, và phòng truyền hình màn ảnh rộng. Những ông bố nghĩ rằng, thế cũng hay. Các bà mẹ khen những bụi dương xĩ xinh tươi. Chẳng mấy chốc mọi người ngồi xuống những chiếc bàn nhỏ, và ăn kem -- chỉ có mấy đứa choai choai từ chối, vì ghê sợ. Phụ nữ ân cần lau vết thức ăn trên những cái càm run rẩy và đám đàn ông ngó lơ hướng khác. Nghi thức này hẳn đem lại ít nhiều thỏa mãn, và có lẽ ngay cả những đứa nhỏ, một ngày nào đó, cũng sẽ hài lòng, vì chúng đã đến. Grant không rành lắm về gia đình. Dường như Aubrey không có con, cháu thăm nom, và vì họ không thể chơi bài -- bàn bị trưng dụng làm chỗ ăn kem -- ông và Fiona tránh xa những buổi diểu hành ngày thứ bẩy. Phòng cây kiểng lúc ấy quá đông người, không thích hợp cho những cuộc trò chuyện thân mật của họ. Dĩ nhiên họ sẽ tiếp tục trong phòng Fiona, cửa đóng then gài. Grant không gỏ cửa được, dù đôi khi chàng đứng đó thật lâu, trân trối nhìn những con chim Disney, căm ghét chúng cùng cực. Hay họ cũng có thể ở trong phòng Aubrey. Nhưng chàng không biết phòng ông ta ở đâu. Càng lùng xục Meadowlake, chàng càng khám phá ra nhiều hành lang, chỗ ngồi và lối đi cho xe lăn, và trong những lần lang thang, chàng thường đi lạc. Chàng cố ghi nhân một bức tranh hay chiếc ghế để làm điểm tựa, thế nhưng qua tuần sau, món đồ ấy dường như đã bị dời đi. Chàng không muốn nói với Kristy, e rằng cô nghĩ chàng cũng mắc bịnh tâm thần, loại riêng của chàng. Chàng tin, có lẽ thường xuyên thay đổi cách sắp đặt bàn ghế như vậy, có lợi cho bịnh nhân -- những buổi tập đi của họ sẽ thú vị hơn. Chàng cũng không nhắc đến, đôi khi chàng thấy từ xa, một người đàn bà chàng tin là Fiona, nhưng không thể là nàng, bởi cách phục sức khác hẳn. Fiona chuyển sang những kiểu áo hoa sặc sở và những chiếc quần xanh lẹt ấy từ thuở nào? Một ngày thứ bẩy, nhìn qua cửa sổ, chàng thấy Fiona --chắc chắn phải là nàng -- đang đẩy xe Aubrey trên lối đi, đã sạch tuyết và tan đá. Nàng đội một chiếc mũ len xấu xí, khoác chiếc jacket có những quầng xanh và tím, như loại y phục của các bà các cô trong vùng, chàng gặp ở siêu thị. Sự thực là họ không buồn lựa riêng quần áo của những người có cùng kích cở. Và họ dựa lên sự việc, các bà dù sao không còn biết đâu là đâu nữa. Họ cũng cắt ngắn tóc nàng. Họ cắt đi mái tóc thiên thần của nàng. Một thứ tư nọ, khi mọi việc trở lại bình thường, các bàn chơi bài hoạt động trở lại, các bà trong phòng Thủ Công làm hoa vải hay búp bê thời trang mà không bị ai vây quanh phá rầy hay ngưỡng mộ, và khi Fiona và Grant một lần nữa xuất hiện, do đó Grant có thể có một trong những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, thân tình nhưng bực bội với vợ chàng, chàng hỏi, "Tại sao họ cắt ngắn tóc em ?" Fiona đưa tay lên sờ đầu, kiểm lại. "Sao thế -- Em còn chẳng để ý nửa là" nàng nói. Chàng nghĩ mình nên tìm hiểu về tầng hai, nơi họ giữ những người, theo Kristy, đã thực sự đánh mất "cái ấy". Còn những người đi lẩn quẩn quanh tầng trệt, lầm thầm nói chuyện một mình, hoặc thỉnh thoảng hỏi ông đi qua, bà đi lại những câu vớ vẫn ("Tôi bỏ quên áo lạnh của tôi ở nhà thờ phải không?"), rõ ràng chỉ mới mất một phần "cái ấy". Chưa đủ tiêu chuẩn để lên lầu. . Có cầu thang dẫn lên, nhưng cửa tầng trên khóa, chỉ có nhân viên giữ chìa. Ta không thể vào thang máy, trừ phi có ai nhấn nút, từ đàng sau bàn viết, mở cửa. Họ sẽ ra sao, một khi đã mất "cái ấy"? "Có người chỉ ngồi," Kristy nói. "Có người ngồi và khóc. Có người gào hú kinh động cả nhà. Ông không cần biết." Đôi khi họ có lại được "cái ấy". "Mỗi ngày ta ghé vào phòng họ, suốt cả năm trời, và họ không biết ta là ai, là cha căng chú kiết nào. Thế nhưng một hôm, họ sẽ nói ôi, chào cô, chừng nào tôi được về nhà hở cô. Hoàn toàn bất ngờ, họ bình thường trở lại." Nhưng không lâu. "Ta nghĩ, chao ơi, bình thường trở lại. Thế nhưng họ sẽ suy sụp thật nhanh. Cô búng tay. "Như thế nầy." Ở thành phố nơi chàng làm việc, có một tiệm sách Fiona và chàng mỗi năm thường đến một hai lần. Chàng trở lại một mình. Chàng không thích nhưng cũng mua một vài quyển theo danh sách đã có, và mua thêm một quyển khác vừa tình cờ nhìn thấy. Sách viết về Iceland. Về các họa phẩm màu nước ở thế kỷ thứ mười chín, vẽ bởi một nữ du khách. Fiona chưa bao giờ học tiếng mẹ đẻ, nàng cũng chẳng tha thiết mấy với những truyền thuyết viết bằng thứ ngôn ngữ đó - những truyền thuyết Grant giảng dạy, và vẫn còn viết bài biên khảo. Nàng gọi những nhân vật trong đó là " già Njal" hay "già Snorri." Những năm gần đây, nàng bắt đầu chú ý tới đất nước Iceland, tìm đọc những tờ quảng cáo du lịch. Nàng đọc ký sự của William Morris và của Auden. Nàng không định du lịch tới đó. Nàng nói có lẽ thời tiết khắc nghiệt lắm. Ngoài ra - nàng nói - cần có một nơi chốn để ta nghĩ về nó, tìm hiểu và mơ mộng - nhưng sẽ không bao giờ đến. Khi Grant bắt đầu dạy môn Văn chương Anglo-Saxon và Bắc u, thành phần sinh viên của chàng cũng bình thường. Nhưng sau một vài năm, chàng nhận thấy có sự thay đổi. Các bà bắt đầu trở lại giảng đuờng. Không phải để tìm việc làm tốt hơn, hay bất kỳ việc làm nào, đơn giản chỉ vì họ cần một đề tài thú vị nào đó để suy nghĩ đến, ngoài việc nội trợ và các thú tiêu khiển khác. Và có lẽ, cũng tự nhiên thôi, người thầy giảng dạy các đề tài ấy trở thành một phần của trí tuệ giàu đẹp, và mang một vẽ bí ẩn, mê hoặc hơn những người đàn ông họ đang chăm sóc bửa ăn và giấc ngủ. Họ thường chọn những môn như Tâm lý học, Lịch sử Văn minh hay Văn chương Anh. Đôi khi họ cũng chọn môn Khảo cổ hay Ngôn ngữ học, nhưng sẽ bỏ ngang nếu thấy quá khó khăn. Những cô ghi danh với chàng thường thuộc dòng dõi Scandinavian, như Fiona, hay đã biết đến thần thoại Na Uy qua nhạc kịch Wagner hoặc các tiểu thuyết lịch sử. Một số ít tưởng rằng chàng dạy một ngôn ngữ Celtic, và với họ, bất cứ thứ gì dính dáng tới Celts đều quyến rũ, thần bí. Ngồi ở bàn viết đối diện với những kẻ nhiệt thành đó, chàng nói, không nhã nhặn lắm. "Nếu chị muốn biết một ngôn ngữ hay đẹp, hãy học tiếng Tây Ban Nha. Khi đi du lịch Mễ Tây Cơ, chị sẽ có dịp dùng đến." Một số nghe lời cảnh cáo của chàng và lãng đi. Những người khác, đặc biệt xúc động vì sự đòi hỏi trong giọng nói của chàng. Họ quyết tâm học và mang vào văn phòng của chàng, cuộc đời đầy đủ và mực thước của chàng, đóa hoa hương sắc bất ngờ của sự tuân phục chín muồi, mềm mại, đầy nữ tính và khát vọng được chấp nhận của họ. Chàng chọn môt phụ nữ tên Jacqui Adams. Nàng là hình ảnh trái nghịch của Fiona -- thấp, đầy đặn êm ái, mắt màu sẫm, dạt dào tình cảm. Xa lạ với sự mĩa mai châm biếm. Cuộc tình kéo dài một năm, đến khì chồng nàng thuyên chuyển. Khi họ chia tay, trong xe của nàng, nàng run lẩy bẩy. Như bị chứng thân nhiệt thấp. Nàng viết cho chàng môt đôi lần, nhưng chàng không biết cách trả lời, vì nhận thấy giọng văn của nàng quá xúc động. Chàng để thời gian phúc đáp trôi qua, trong khi dính dáng với, một cách kỳ diệu, không tính toán, không mong ước, một cô gái trẻ măng, đáng tuổi con chàng. Bởi trong khi chàng bận bịu với Jacqui, đã có một biến chuyển chóng mặt khác. Những thiếu nữ chanh cốm tóc xỏa chân dép, ùa ạt vào văn phòng chàng, tuyên bố sẳn sàng với tình dục. Đã lỗi thời, những tìm đến nhau trong cẩn trọng, những xúc cảm dịu dàng trìu mến, cần thiết với Jacqui. Cũng như nhiều người khác, chàng bị một cơn gió lốc, cuốn hút vào vòng xoáy; trong ấy, ước muốn biến thành hành động theo một cung cách khiến chàng phải tự hỏi, có thiếu sót điều gì chăng. Nhưng có ai rảnh rỗi để hối tiếc? Chàng nghe nói tới những quan hệ nhập nhằng xảy ra cùng một lúc, những cuộc phiêu lưu liều lĩnh. Rồi các vụ bê bối ấy vỡ lỡ, bi kịch ở khắp nơi nhưng với cảm tưởng là dù sao như thế vẫn tốt hơn. Có các hình thức kỷ luật - thí dụ đuổi việc. Nhưng những người bị sa thải, chuyển sang giảng dạy ở các trường đại học nhỏ và khoan dung hơn, hay tại các trung tâm đại học mở rộng. Và các bà vợ bị ruồng bỏ, sau khi vượt qua nỗi bất hạnh, bắt đầu thích thú, ăn mặc và có thái độ tình dục dễ dãi của các cô gái đã quyến rũ chồng họ. Tiệc tùng trong giới giảng huấn, vốn tẻ nhạt, giờ đây như một bãi mìn. Một trận dịch đã bùng nổ, lây lan như trận cúm Tây Ban Nha. Chỉ khác một điều, lần này người ta chạy đuổi theo cơn dịch, và chẳng có mấy ai trong độ tuổi, từ mười sáu đến sáu mươi, lại muốn bị bỏ quên. Tuy nhiên, dường như Fiona muốn thế. Mẹ nàng chờ chết, và những kinh nghiệm trải qua ở bịnh viện khiến nàng bỏ việc ở sở hộ tịch để làm công việc mới. Ít ra Grant đã không hành động quá mức, so với những người khác. Chàng không bao giờ để một người đàn bà nào đến gần con tim mình, như Jacqui. Chàng cảm thấy, chủ yếu, tiến bộ vượt bực về sức khỏe. Khuynh hướng đẫy đà từ mười hai tuổi cũng biến mất. Chàng nhảy hai bước một khi lên thang lầu. Hơn bao giờ hết, chàng cảm kích quang cảnh tuyệt đẹp nhìn từ cửa sổ phòng làm việc, bầu trời mây vỡ và ánh tà dương mùa đông, những cây đèn để bàn kiểu cổ lung linh sau các rèm cửa phòng khách nhà hàng xóm, tiếng mè nheo của lũ trẻ ở công viên lúc hoàng hôn, chưa muốn từ giã trò trượt băng trên đồi. Đến hè, chàng học tên các loài hoa. Được bà mẹ vợ hướng dẫn ( bà mắc bịnh ung thư thực quản, gần như tắt tiếng), trong lớp chàng liều mình ngâm và dịch một bài thơ huy hoàng đẫm máu - bài thơ chuộc đầu, bài thơ Hofuolausn, vinh danh Vua Eric Blood-ax, sáng tác bởi người nghệ sĩ đã bị nhà vua lên án tử hình (Và rồi thi sĩ, nhờ vào sức mạnh của thi ca, đã được nhà vua thả tự do.) Mọi người vỗ tay hoan hô - ngay cả đám peaceniks có mặt trong lớp, những người trước đó chàng đã chòng ghẹo, hỏi họ có muốn chờ ngoài hành lang không. Trên đường lái xe về, hôm ấy, cũng có thể một hôm khác, một câu thơ, vô lý và nhạo báng, lập đi lập lại trong tâm trí. Do đó chàng thêm khôn ngoan, vững mạnh --- Được Chúa và người ủng hộ. Chàng xấu hổ và ớn lạnh cả người. Thật vậy. Thế nhưng nếu không ai hay biết, cảm giác mê tín đó cũng không đến nỗi nào kỳ cục, mất tự nhiên. Lần đi Meadowlake sau đó, chàng cầm theo quyển sách. Hôm ấy là thứ Tư. Chàng tới chỗ chơi bài tìm Fiona, nhưng không thấy nàng. Một bà gọi chàng."Không có chị ấy ở đây. Chị ấy bệnh." Giọng bà có vẽ tự mãn và hào hứng -- hài lòng vì nhận ra chàng, trong khi chàng không biết bà. Có lẽ bà cũng hài lòng với những hiểu biết về Fiona, về cuộc sống của nàng ở đây, và nghĩ rằng có lẽ bà biết về nàng nhiều hơn chàng. "Ông ấy cũng không có ở đây," bà ta nói. Grant đi tìm Kristy. "Chẳng sao đâu," cô trả lời, khi chàng hỏi về Fiona. "Hôm nay, bà ở trong phòng, hơi khó chịu một chút thôi." Fiona ngồi trên giường. Đã mấy lần vào đây nhưng chàng không để ý rằng ta có thể nâng cao, một đầu chiếc giường kiểu bệnh viện. Nàng mặc áo ngủ cổ cao, đôi má nhợt nhạt không còn ửng màu hoa đào. Aubrey ngồi trên chiếc xe lăn, đã được đẩy sát giường đến mức không thể nào đẩy gần hơn nữa. Thay vào kiểu sơ mi hở cổ tầm thường là chiếc áo jacket và cà vạt. Cái mũ nỉ đỏm đáng của ông im lìm trên giường. Trông như ông vừa đi công chuyện về. Đi gặp luật sư? Nhân viên ngân hàng? Bàn bạc chuyện đám tang với giám đốc nhà quàn? Dù để làm gì đi nữa, trông ông ta có vẽ mệt nhọc. Da mặt cũng tái xám. Họ cùng ngẩng lên nhìn Grant, vẽ sợ sệt buồn bã nặng như đá trở thành nhẹ nhỏm, gần như hoan hỉ chào đón. Chàng không phải là người họ tưởng. Họ cầm tay nhau, lưu luyến. Cái nón trên giường. Áo jacket và cà vạt. Không phải Aubrey đi đâu vừa trở về. Câu hỏi đúng phải là, ông ấy sắp sửa đi đâu. Grant đặt quyển sách xuống giường cạnh bàn tay trống của Fiona. "Sách viết về Iceland," chàng nói. "Anh nghĩ có lẽ em sẽ thích." "Thế à, cám ơn ông, " Fiona nói. Nàng không nhìn nó. Chàng cầm tay nàng, đặt lên quyển sách. "Iceland," chàng lập lại. Nàng trả lời, "Ice- land." m đầu tiên thánh thót một ít chú ý, nhưng âm thứ nhì rơi xuống phẳng lặng nhạt nhẽo. Dù sao, nàng cũng cần tập trung sự chú ý của mình vào Aubrey, đang cố rút bàn tay to dầy khỏi tay nàng. "Gì thế?" nàng nói. "Chuyện gì thế, anh yêu quý của em?" Grant chưa bao giờ nghe nàng thốt ra những từ ngữ hoa mỹ như thế. "Không sao đâu," nàng nói. "Đây nè," Và nàng rút một nắm giấy lau từ hộp khăn để cạnh giường. Aubrey bắt đầu khóc. Nước mủi chảy tèm lem. Ông cố không biến thành một hiện tượng đáng thương, nhất là trước mặt Grant. "Đây. Đây," Fiona nói. Nếu chỉ có một mình, có lẽ nàng đã lau mủi và chùi nước mắt cho ông, có lẽ ông cũng sẽ để nàng làm thế. Nhưng với Grant đứng đó, Aubrey không thể để chuyện ấy xảy ra. Ông vụng về cầm miếng giấy quẹt sơ mấy lần lên mặt cầu may. Trong khi ông bận rộn, Fiona quay sang Grant. "Xin dám hỏi, ông có quen lớn ở đây phải không ?" nàng thì thầm. "Tôi thấy ông nói chuyện với họ --" Aubrey phát ra một âm thanh, không hiểu là phản kháng, chán chường hay ghê tởm. Rồi ông chồm tới như muốn quăng mình lên. Nàng vội vàng nhích từ giữa giường ra ngoài, giữ được ông trong tay. Grant không thể giúp nàng vì như vậy là thiếu lễ độ, mặc dù, nếu Aubrey sắp té, dĩ nhiên chàng sẽ đở. "Nín đi," Fiona dỗ dành. "Cưng ơi. Nín đi. Mình sẽ gặp nhau. Mình phải gặp nhau. Em sẽ thăm anh. Anh sẽ thăm em." Aubrey phát ra một âm thanh nữa, vùi đầu vào ngực nàng, và Grant không thể làm gì khác hơn là bỏ ra ngoài. "Ước gì vợ ông ta chóng đến đây, rước ông ấy về để sớm chấm dứt cảnh chia ly não ruột này." Kristy nói. "Sắp sửa đến giờ cơm tối, làm sao bà nhà dùng bữa nếu ông ấy vẫn còn bám dính?" Grant hỏi, "Tôi có nên ở lại không?" "Để làm gì cơ? Bà có bị bệnh đâu, ông thấy mà." "Ở lại cho nhà tôi có bạn." Kristy lắc đầu. "Họ phải tự giải quyết lấy vấn đề của họ. Thông thường trí nhớ của họ kém lắm. Và như thế hóa ra lại tiện lợi." Kristy không phải là người tàn nhẫn. Từ khi quen với cô, Grant đã có dịp biết một vài điều về cuộc đới cô. Cô có bốn đứa con. Cô không biết ông chồng đang ở đâu, có lẽ là tại Alberta. Đứa con trai thứ mắc bịnh suyển rất nặng, suýt chết tháng Giêng vừa qua nếu cô không chở nó vào phòng cấp cứu kip thời. Thằng bé không chơi một thứ ma túy nào, nhưng cô không chắc với thằng anh của nó. Đối với cô, Grant và Fiona có vẽ quá may mắn. Coi như họ đã trải qua gần hết cuộc đời mà chẳng gặp phải nhiều khó khăn. Những gì họ đang chịu đựng ở tuổi già hiện nay, khó có thể tính đến. Grant ra về, không trở lại phòng riêng của Fiona. Hôm nay gió thật ấm và bầy quạ đang quang quác. Ở bãi đậu xe, một người đàn bà mặc bộ vét len kẻ ô vuông Tô Cách Lan, đang lấy một chiếc xe lăn loại xếp được, từ thùng sau xe. Chàng lái xe trên đường Black Hawks Lane. Tất cả đường phố gần đó đều mang tên những đội thể thao thuộc Hiệp Hội Khúc Côn Cầu Quốc Gia cũ. Đây là khu ngoại biên của thành phố bên cạnh Meadowlake. Chàng và Fiona thường xuyên mua sắm ở thành phố này, nhưng không quen thuộc với chỗ nào cả, ngoại trừ con phố chính. Những căn nhà như được xây cùng một giai đoạn, ba mươi hay bốn mươi năm về trước. Đường rộng, uốn lượn và không có vĩa hè -- gợi nhớ đến thời kỳ trong đó người ta tưởng chừng không còn ai đi bộ nữa. Bạn của Grant và Fiona, khi lập gia đình, dọn tới những địa điểm tương tự. Ban đầu họ hay phân bua về chuyện dọn nhà. Họ nói họ "đang dọn đến Khu Thịt Nướng." Vẫn còn các gia đình son trẻ. Những vòng bóng rổ mắc trên cửa garage, xe ba bánh vứt trên thềm. Nhưng một số nhà đã xuống cấp so với hình ảnh ban đầu. Dấu xe hơi cày những đường hằn trong sân, cửa sổ bọc giấy thiếc lem nhem hay giăng hờ những lá cờ bạc màu thời gian. Nhà thuê. Người thuê là thanh niên -- độc thân, hay trở lại tình trạng độc thân. Một vài căn có vẽ được chăm sóc cẩn thận bởi những người chủ, dọn vào từ khi nhà còn mới - những người này, hoặc không đủ tiền, hoặc không có nhu cầu chuyển sang nơi khác tốt hơn. Cây kiểng lớn đại, vách nhà lợp nhựa vinyl màu dịu nhạt không cần sơn phết phiền phức. Rào dậu ngay ngắn tinh tươm, dấu hiệu cho thấy trẻ con đã trưởng thành đã đi xa, và cha mẹ chúng nhận thấy không cần để sân trước luông tuồng cho đám con nít khác, mới dọn về. Theo danh sách trong niên giám điện thoại, nhà của vợ chồng Aubrey là một trong những căn nói trên. Lối vào nhà lát đá phiến, hai bên viền những khóm dạ hương lan, ngay ngắn như đúc bằng sứ, màu hồng và xanh tím xen kẻ theo thứ tự. Fiona không vượt qua nỗi buồn sầu. Nàng bỏ ăn nhưng cố che đậy bằng cách dấu thức ăn trong khăn. Người ta cho nàng uống một loại nước dinh dưỡng mỗi ngày hai lần, và có người ngồi canh chừng khi nàng uống. Mỗi sáng thức dậy, nàng tự mặc y phục nhưng chỉ ở vùi trong phòng không muốn làm chi cả. Nàng sẽ chẳng cử động tập tành, nếu không có Kristy hay một trong những y tá khác, và Grant khi đến thăm, chịu khó dẫn nàng đi bộ tới lui, dọc theo hành lang hoặc ra sân. Dưới nắng xuân nàng ngồi trên băng ghế cạnh vách tường, lặng lẽ khóc. Nàng vẫn mềm mỏng lễ độ -- nàng xin lỗi vì đã khóc, và không cải lại một đề nghị hay im lặng trước một câu hỏi nào. Nhưng nàng khóc. Khóc đến mắt mờ, vành mắt đỏ hoe. Áo lạnh -- nếu quả là áo của nàng, khuy nọ cài xọ qua cúc kia, vạt cao vạt thấp. Nàng chưa đến giai đoạn để mặc cho tóc tai không chải gỡ hay móng tay cáu bẩn, nhưng có lẽ sẽ không còn bao lâu nữa. Kristy nói cơ bắp của nàng đang thoái hóa, và nếu không cải thiện, nàng sẽ phải dùng giá chống khi di chuyển. "Nhưng ông biết đấy, một khi bệnh nhân dùng giá chống, họ sẽ lệ thuộc vào nó và không đi đứng nhiều nữa, họ chỉ đi khi nào tối cần thiết." "Ông cần giúp bà nhiều hơn nữa," cô nói với Grant. "Ông phải cố lên, và khuyến khích bà." Nhưng Grant không may mắn. Fiona có vẽ không ưa chàng, dù nàng cố che dấu. Có lẽ mỗi lần trông thấy chàng, nàng lại nhớ tới những phút cuối cùng bên Aubrey, nàng xin chàng giúp đỡ nhưng chàng đã không màng. Chàng thấy, giờ đây, không còn nghĩa lý gì cả, nhắc nhở nàng cuộc hôn nhân của họ. Nàng không muốn đi tới phòng chơi bài, nơi hầu như vẫn còn đầy đủ những người cũ. Nàng cũng không thích đến phòng truyền hình hay phòng cây kiểng. Nàng nói nàng không thích truyền hình màn ảnh rộng -- khiến nàng nhức mắt. Và tiếng hót của lũ chim làm nàng khó chịu và nàng ao ước người ta thỉnh thoảng tắt bồn phun nước. Grant biết cho đến nay nàng vẫn chưa hề để mắt tới quyển sách viết về Iceland, hay bất kỳ quyển sách nào trong số rất ít - thật đáng ngạc nhiên-- sách nàng mang theo. Có một phòng dành riêng cho sách báo, nàng bằng lòng đến đó để nghĩ ngơi. Có lẽ vì nơi ấy vắng người, và nếu chàng lấy từ trên kệ một quyển sách, đọc cho nàng nghe, nàng sẽ để yên. Chàng cho rằng sở dĩ được như thế vì nàng dễ dàng chịu đựng sự có mặt của chàng -- nàng có thể khép mắt, đắm chìm trong nỗi buồn riêng mang. Bởi nếu nàng lơ là để nỗi buồn chấp cánh bay đi dù trong giây phút, khi nỗi buồn trở lại, nàng sẽ phải gánh chịu đau đớn nhiều hơn. Và đôi khi, chàng nghĩ rằng nàng khép mắt để dấu diếm sự tuyệt vọng, bất lợi nếu chàng nhận biết. Cho nên chàng ngồi đó, đọc cho nàng một trong những quyển tiểu thuyết cũ mèm, về tình yêu tiết liệt đoan trinh, về gia sản kết xù đã mất rồi tìm lại được. Có lẽ chúng là sách thải bỏ của một số trường làng thời xưa hay tủ sách của một vài trường dạy giáo lý Chúa Nhật nào đó. Cũng như nhiều thứ khác ở tòa nhà này, rõ ràng là, chẳng hề có một nỗ lực nào để trang bị phòng đọc sách đúng mực hiện đại. Bìa sách mềm như nhung, ép hình hoa lá các loại, trông như hộp đựng nữ trang hay kẹo xô cô la. Để phụ nữ, chàng nghĩ chắc phải là phụ nữ, có thể mang về nhà làm kỷ vật.. Người trưởng nhóm gọi chàng vào văn phòng. Cô nói tình trạng sức khỏe của Fiona không khả quan như họ hy vọng. "Bà vẫn sụt cân dù chúng tôi đã cho bà dùng thức ăn bổ sung. Chúng tôi đã cố gắng làm đủ mọi chuyện có thể làm được cho bà." Grant nói chàng biết vậy. "Tôi muốn nói rằng, hẳn ông cũng biết, chúng tôi không thể kéo dài sự chăm sóc đặc biệt ở tầng trệt. Chúng tôi chỉ cung cấp dịch vu đó tạm thời khi có ai đau ốm, nhưng nếu người đó yếu đến mức không thể đi đứng và tự lo liệu, chúng tôi bắt buộc phải chuyển người ấy lên lầu." Chàng nói chàng không nghĩ là Fiona nằm bẹp trên giường thường xuyên cho lắm.. "Không. Nhưng nếu bà không duy trì thể lực, chẳng bao lâu bà sẽ như thế. Bệnh tình của bà đang ở mức báo động." Chàng nói chàng tưởng tầng hai dành riêng cho người bệnh tâm thần. "Vâng ạ, cũng dành cho họ." Cô nói. Chàng không nhớ gì về vợ của Aubrey ngoại trừ bộ vét kẻ ô vuông tartan bà ấy mặc lúc chàng gặp ở bãi đậu xe. Hai vạt sau lưng hơi xòe ra khi bà cúi mình trên thùng xe, gợi nên ấn tượng một chiếc eo nhỏ và đôi mông nở nang. Hôm nay bà không mặc bộ vét kẻ ô vuông ấy. Quần nâu kèm với thắt lưng và áo len hồng. Chàng đã hình dung đúng về vòng eo -- thắt lưng thít chặt khoe cái eo nhỏ. Nhưng có lẽ sẽ dễ coi hơn nếu bà đừng cài thắt lưng quá chặt, vì các chỗ căng phồng đáng kể, bên trên và cả bên dưới. Có lẽ bà trẻ hơn chồng từ mười đến mười hai tuổi. Tóc ngắn, uốn cong, nhuộm một màu đỏ giả tạo. Đôi mắt biếc -- nhạt hơn mắt Fiona, bàng bạc màu trứng chim cổ đỏ hay màu ngọc lam -- hơi xếch cao, vì phần dưới mắt sưng nhẹ. Và khá nhiều vết nhăn, nổi bật do màu nâu hạt óc chó của lớp phấn. Cũng có thể đó là màu nâu tự nhiên bởi nắng gió Florida? Chàng nói chàng không biết cách tự giới thiệu. "Tôi hay gặp ông nhà ở Meadowlake. Tôi cũng thường xuyên thăm viếng người nhà tôi ở đấy" "Vâng, " vợ Aubrey trả lời, hàm nghiến chặt. "Ông nhà vẫn khỏe chứ ạ?" Chữ "vẫn" được chàng thêm vào ở những giây cuối cùng. Bình thường chàng sẽ nói, "Ông nhà khỏe chứ ạ," "Ông ấy khỏe," bà nói. "Vợ tôi và ông ấy thân nhau lắm." "Tôi có nghe nói." "Vậy, nếu bà dành cho tôi một phút, tôi muốn trò chuyện với bà." "Chồng tôi không rủ rê, rù quyến vợ ông làm chuyện gì hết, nếu ông định nói về chuyện ấy." bà trả lời. "Ông ấy không xâm phạm tiết hạnh của vợ ông dưới bất cứ hình thức nào. Ông ấy không có khả năng, và dù sao đi nữa, cũng không làm như vậy. Theo người ta kể, chính điều trái ngược đã xảy ra." Grant nói, "Không. Hoàn toàn không phải thế. Tôi không tới đây để phiền trách." "Ồ," bà nói. "Vậy à, xin lỗi nhé.Tôi tưởng ông đến trách móc chúng tôi." Đó là tất cả những gì bà nói để xin lỗi. Và bà không có vẽ gì là hối lỗi. Bà có vẽ thất vọng, ngỡ ngàng. "Ông nên vào nhà, vậy," bà nói, "Ở cửa gió lùa lạnh quá. Hôm nay trời không ấm như ta tưởng." Được mời như thế là một chiến thắng cho chàng. Chàng không ngờ mình gặp khó khăn đến thế. Chàng tưởng mình sẽ gặp một mẫu người nội trợ khác hẳn. Một người an phận thủ thường, xôn xao bối rối nhưng hài lòng với cuộc thăm viếng bất ngờ và khoan khoái vì giọng điệu tin cậy của chàng. Bà dẫn chàng ngang qua lối vào phòng khách, và nói, "Chúng ta phải ngồi trong bếp để tôi có thể nghe Aubrey." Grant thấy thoáng qua những tấm màn cửa sổ, một lớp mỏng trong, một lớp lụa đục, đều có cùng sắc lam, một chiếc ghế dài cũng mang màu xanh tương ứng và một tấm thảm tái ngắt, các tấm gương sáng chói và những vật trang trí khác . Fiona có một từ dành cho loại màn cửa lơi lã đong đưa này -- nàng dùng từ đó một cách tiếu lâm, mặc dù những cô bà dạy nàng từ đó, xử dụng nó rất nghiêm chỉnh. Bất kỳ căn phòng nào do Fiona trang hoàng đều giản dị, thoáng và sáng sủa -- nàng sẽ sửng sốt biết mấy nếu thấy bao nhiêu vật dụng hào nhoáng nhồi nhét trong một không gian chật hẹp như thế. Chàng không tài nào nhớ được từ ngữ ấy. Từ môt căn phòng ở gần nhà bếp, giống như sunroom, dù các tấm sáo đã hạ xuống để ngăn bớt ánh nắng chiều gay gắt -- âm thanh của một chương trình truyền hình văng vẳng tới.. Aubrey. Câu trả lời cho lời cầu xin tha thiết của Fiona ngồi nơi đó, cách chàng chỉ vài ba mét, hình như đang xem một trận đấu bóng chày. Vợ ông đứng tại cửa phòng nhìn vào. Bà hỏi, "Anh không sao hả?" rồi khép hờ cửa. "Mời ông dùng cà phê với tôi," bà nói với Grant. Chàng nói, "Cám ơn." "Con trai chúng tôi mua cho chương trình thể thao từ Giáng Sinh năm ngoái, nếu không, chúng tôi chẳng biết làm gì nữa đây." Trên quày nhà bếp, đầy đủ các loại dụng cụ, thiết bị -- máy pha cà phê, máy cắt xay rau quả, máy mài dao, và một vài thứ Grant không biết tên cũng như công dụng. Tất cả đều có vẽ mới tinh và đắt tiền, như mới lấy trong hộp ra hoặc được lau chùi đánh bóng mỗi ngày. Chàng nghĩ sẽ có lợi nếu tỏ ra ngưỡng mộ những món đồ ấy. Chàng ngắm nghía cái máy pha cà phê bà đang dùng, và nói chàng và Fiona lúc nào cũng muốn mua một cái như thế. Hoàn toàn trái với sự thật. --- Fiona mê một loại bình kỳ cục kiểu u châu, mỗi lần chỉ pha được hai tách mà thôi. "Chúng nó tặng đấy," bà nói, "Con trai và con dâu chúng tôi. Chúng đang ở Kamloops, B.C. Chúng nó gởi nhiều thứ quá, đâm ra dư dùng. Phải chi chúng nó dành số tiền đó để đi thăm chúng tôi thì hay biết mấy." Grant triết lý, "Có lẽ họ đang bận bịu với cuộc đời của họ." "Chúng nó có bận đến nỗi không đi Hawaii mùa đông trước đâu. Ngoài chúng ra, nếu như có đứa nào nữa ở gần đây thì nói làm gì. Đàng này, nó là đứa con duy nhất." Khi cà phê đã sẳn sàng, bà rót vào hai cái ly sành to tướng màu nâu và xanh, máng trên những cành cụt ngủn của một cái cây cũng bằng sành trên bàn. "Người ta quả thực cảm thấy cô đơn," Grant nói. Chàng nghĩ mình có một dịp may. "Nếu không được gặp người họ mến thương, hẳn họ sẽ buồn lắm. Như Fiona, chẳng hạn. Vợ tôi đấy." "Tôi nghe ông nói, ông có đi thăm bà mà. " "Vâng, tôi có đi thăm," chàng nói. "Nhưng chuyện không phải thế." Rồi chàng liều mình, nói lên lời yêu cầu, mục đích cuộc thăm viếng của chàng hôm nay. Bà có thể nào đem Aubrey trở về Meadowlake mỗi tuần một ngày không? Chỉ lái xe có vài dặm đường thôi, chắc không đến nỗi quá khó khăn. Hay nếu bà muốn có chút thời gian rảnh rổi -- Grant không nghĩ trước điều này, và chàng mất hồn nghe chính miệng mình thốt ra -- chàng có thể tự mình chở Aubrey về đó, chàng không ngại. Chàng có thể làm chuyện ấy. Và bà có thể nghĩ xả hơi. Trong khi chàng nói, bà cắn liếm đôi môi mím chặt như muốn phát hiện một mùi vị đáng ngờ nào đó. Bà mang đến bàn, sửa và một dĩa cookies gừng. "Làm ở nhà đấy," bà nói khi đặt dĩa bánh xuống bàn. Giọng bà mang nhiều vẻ thách thức hơn là hiếu khách. Bà không nói gì thêm cho đến khi yên vị, rót sửa vào ly cà phê của mình và quậy đều. Rồi bà nói không. "Không. Tôi không thể. Và lý do của tôi là, tôi không thề gây bực bội cho ông ấy." "Làm sao có thể gây bực bội cho ông ấy?" Grant nóng ruột hỏi. "Sẽ gây khó khăn cho nhà tôi. Không thể nào khác hơn. Đem ông ấy về nhà rồi đem trở lại. Chở đi, rồi chở về, làm ông ấy chẳng hiểu cái gì cả." "Nhưng chẳng nhẽ ông nhà không hiểu được rằng, đó chỉ là những cuộc thăm viếng? Rồi ông ấy sẽ quen dần phải không?" "Ông ấy hiểu hết cả." Bà nói như thể chàng đã lăng mạ Aubrey. "Nhưng vẫn là sự gián đoạn. Và tôi phải chuẩn bị, rồi mang ông ấy ra xe, và ông ấy là một người cao to, không dễ như ông tưởng. Tôi phải đở ông ấy lên xe, đem theo chiếc xe lăn và tất cả những phiền toái ấy để làm gì? Nếu phải khổ cực như thế, chẳng thà tôi chở ông ấy đến một chỗ nào khác, vui hơn." "Nhưng nếu tôi bằng lòng làm tất cả?" Grant nói, cố giữ vẻ hòa hoản, hy vọng. "Thật vậy, bà không cần phải nhọc công." "Không thể được, " bà lạnh nhạt nói. "Ông không quen biết nhà tôi. Ông không thể nào giúp ông ấy. Nhà tôi sẽ không bằng lòng cho ông giúp. Nhà tôi phải chịu đựng như thế để được ích lợi gì?' Grant nghĩ rằng mình không nên nhắc tới Fiona nữa. "Nếu mang ông ấy đến những khu thương mại thì có lý hơn," bà nói. "Ông ấy có thể ngắm lũ trẻ và những thứ khác. Nều như ông ấy không quá buồn vì nhớ đến hai đứa cháu nội chưa gặp mặt. Hay hiện nay, ở ngoài hồ sắp sửa có các tàu bè tấp nập, ông ấý có thể thích ra đó ngoạn cảnh." Bà đứng dậy, lấy gói thuốc lá và hộp quẹt ở cửa sổ cạnh bồn rửa chén. "Ông có hút thuốc?" bà nói. Chàng nói không cám ơn, mặc dù chàng không hiểu đích thực bà có mời chàng hút hay không. "Ông không bao giờ hút? Hay ông đã bỏ hút?" "Bỏ hút," chàng nói. "Từ lúc nào?" Chàng cố nhớ lại. "Ba mươi năm. Không -- lâu hơn thế." Chàng quyết định bỏ hút vào lúc chàng bắt đầu liên hệ với Jacqui. Nhưng chàng không nhớ nỗi, chàng đã bỏ hút trước, và nghĩ mình đang có một phần thưởng quý giá, hay chàng nghĩ rằng đã đến thời điểm phải bỏ hút, vì đang có một vật thay thế tuyệt vời. "Tôi ngưng ngừng hút," bà nói, châm lửa điếu thuốc. "Tôi quyết tâm ngừng việc cai thuốc, thế thôi." Có lẽ đó là lý do của những nếp nhăn. Ai đó - một bà nào đó -- nói cho chàng biết, phụ nữ nghiện thuốc lá sẽ phát triển những vết nhăn li ti trên da mặt. Nhưng các vết nhăn ấy của bà, cũng có thể do nắng tạo ra, hay do chính cơ địa của bà -- làn da trên cổ bà cũng xếp li. Da cổ nhăn, nhưng cặp vú thì đầy đặn, tươi trẻ và ngổng cao. Phụ nữ ở vào lứa tuổi của bà hay có những điểm đối chọi kịch liệt như thế. Những điểm đẹp và xấu, những nét may mắn hay xui xẻo, thừa hưởng từ bố mẹ, trộn lộn với nhau. Rất ít người giữ nguyên một vẽ đẹp toàn vẹn, mặc dù đã phôi phai ít nhiều, như Fiona. Và có lẽ cũng không đúng sự thật. Có lẽ chàng nghĩ như vậy vì chàng đã biết Fiona từ khi nàng còn trẻ. Có lẽ muốn có nhận thức đúng, cần phải quen biết với người đàn bà từ lúc nàng còn đang xuân. Vậy nên khi Aubrey nhìn vào vợ mình, ông ta có thấy hình ảnh của cô nữ sinh đầy vẻ khinh khỉnh và xấc xược, có cặp mắt xanh màu trứng chim cổ đỏ, chênh chếch khiêu gợi và vành môi chín mộng cắn hững hờ điếu thuốc trái cấm? "Vậy bà nhà đang bị trầm cảm?" vợ Aubrey nói. "Tên bà là gì nhỉ ? tôi quên rồi." "Fiona." "Fiona. Và ông tên gì nhỉ? Chưa ai nói cho tôi biết tên của ông thì phải." Grant nói, "Tôi tên Grant." Bà bất ngờ chìa tay qua mặt bàn. "Chào ông, Grant. Còn tôi là Marian." "Bây giờ chúng ta đã biết tên nhau," bà nói, "vậy không cần phải quanh co, khách sáo nữa. Tôi không rõ nhà tôi vẫn còn muốn gặp bà.. ơ ơ....-- gặp Fiona. Hay là không. Tôi không hỏi, mà nhà tôi cũng không nói. Có thể chỉ là một ảo vọng thoáng qua. Nhưng tôi không muốn đem nhà tôi trở lại, nhỡ ra lại thành chuyện trầm trọng thì sao. Tôi không thể nào liều lĩnh như thế. Tôi không muốn việc chăm sóc nhà tôi trở nên khó khăn. Tôi không muốn nhà tôi khó chịu và tiếp tục nỗi bực dọc đó. Tôi đã cáng đáng hết sức mình. Không có ai giúp đỡ tôi cả. Chỉ một mình tôi. Một mình." "Có khi nào bà nghĩ tới -- thật khổ tâm cho bà -- " Grant nói -- "có bao giờ bà nghĩ tới chuyện gởi hẳn ông nhà vào đó?" Chàng đã hạ giọng thấp tới nỗi như là thì thầm, nhưng dường như bà không cảm thấy cần thiết phải nói xuống giọng như thế. "Không," bà nói. "Tôi giữ ông nhà tôi ngay tại đây." Grant nói, "Ô, thế thì tốt quá. Bà thật là cao quý." Chàng hy vọng hai chữ "cao quý" không nhuốm vẻ mỉa mai. Thật lòng chàng không hề muốn thế. "Ông nghĩ như thế sao?" bà nói. "Cao quý không phải là thứ tôi nghĩ đến." "Nhưng vẫn là cao quý. Săn sóc người bịnh không phải dễ." "Không, chẳng dễ đâu. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Nếu gởi nhà tôi ở đấy, tôi không đủ sức, trử phi bán căn nhà này. Nhà này là tất cả sở hữu của chúng tôi. Ngoài nó ra, tôi không còn tài sản gì khác. Tôi sẽ lảnh lương hưu vào năm tới, lúc đó tôi sẽ có tiền hưu của tôi cùng với của nhà tôi, nhưng ngay cả khi ấy cũng không đủ tiền để gởi nhà tôi vào đó mà vẫn giữ được căn nhà. Căn nhà này mang một ý nghĩa lớn lao đối với tôi." "Nhà này đẹp lắm," Grant nói. "Ơ, cũng tạm được.Tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức. Sửa chửa và bảo trì.." "Tôi tin chắc như thế." "Tôi không muốn mất nó." "Không." "Tôi sẽ không để cho mất nó." "Tôi hiểu ý bà." "Công ty đã phủ phàng bỏ rơi chúng tôi," bà nói. "Tôi không rõ những uẩn khúc, nhưng căn bản là nhà tôi bị tống cổ ra khỏi công ty. Họ nói là nhà tôi còn thiếu họ một số tiền và khi tôi cố gắng tìm hiểu, nhà tôi chỉ nói rằng chuyện ấy không mắc mớ gì đến tôi. Tôi nghĩ là nhà tôi đã phạm một lỗi lầm ngu xuẩn nào đó. Nhưng coi như tôi không được quyền hỏi, vì thế tôi phải ngậm miệng làm thinh. Ông đã có vợ. Ông đang có vợ. Ông dư sức biết. Và vào khoảng thời gian tôi phát hiện ra chuyện này, chúng tôi đã có kế hoạch du lịch với người ta và không thể hủy bỏ chương trình. Và trong chuyến đi đó, nhà tôi nhiễm phải một loại siêu vi trùng hiếm thấy, và rơi vào hôn mê. Do đó coi như nhà tôi đã thoát được vấn nạn." Grant nói, "Thật không may cho ông." "Tội không định nói rằng nhà tôi có chủ tâm mắc bệnh. Chuyện xảy ra như thế mà thôi. Nhà tôi không còn giận tôi nữa và tôi cũng vậy. Đời là thế." "Đúng vậỵ," "Ta không thể cải được số phận." Bà thè lưởi ra, như một con mèo, liếm môi trên thật nhanh cuốn đi những mẫu bánh vụn còn sót lại. "Tôi nói giống như một triết gia, phải không? Ở đấy, họ bảo tôi rằng, ông là một giáo sư đại học." "Lâu lắm rồi," Grant nói. "Tôi không phải là loại người trí thức gì mấy," bà nói. "Tôi cũng thế, tôi không biết tôi trí thức đến mức nào." "Nhưng tôi biết rõ khi tôi quyết định. Và tôi đã quyết định. Tôi không thể để vuột mất căn nhà này. Có nghĩa là tôi giữ nhà tôi ở đây và tôi không muốn ông ấy nhen nhúm một hy vọng nào là sẽ được chuyển sang chỗ khác. Có lẽ khi tôi gởi ông ấy ở đấy để đi chơi, là một sai lầm, nhưng vì tôi không có cơ hội nào khác, tôi đã làm liều. Bởi vậy cho nên. Bây giờ tôi biết khôn rồi." Bà rẩy rẩy gói thuốc lá, lấy thêm một điếu. "Tôi dư sức biết ông đang nghĩ gì trong đầu," bà nói. "Ông nghĩ rằng tôi là hạng người hám lợi." "Tôi không phán đoán kiểu ấy đâu. Cuộc đời của bà mà." "Không sai một tẹo nào." Chàng nghĩ hai người nên chấm dứt câu chuyện một cách ôn hòa. Nên chàng hỏi bà có biết chồng bà đã đứng bán ở một cửa hàng vật liệu xây dựng nào không, vào những mùa hè khi ông cón đi học. "Tôi không hề nghe nói đến," bà trả lời. "tôi không lớn lên ở vùng này." Trên đường về, chàng nhận thấy vùng lòng chảo đầm lầy trước đây phủ đầy tuyết và bóng cây cứng cỏi nay bừng sáng với những đóa hoa huệ hôi, skunk lilies. Lá của chúng to bằng những cái dĩa bàn, tươi rói, ngon mắt. Những bông hoa thẳng đứng như lửa trên đầu ngọn nến, nhiều vô kể, và vàng rực như ánh sáng dưới đất hắt lên một ngày mây u ám hôm nay. Fiona nói, chúng tỏa ra nhiệt lượng. Cố nhớ lại những thông tin trong kho kiến thức đã vùi lấp, nàng bảo ta có thể đặt tay trong búp hoa và cảm nhận được sức nóng. Nàng nói nàng đã thử, nhưng không chắc sức nóng có thật hay do nàng tưởng tượng. Sức nóng quyến dụ ong bướm. "Thiên nhiên không nhọc công chỉ để trang trí suông." Chàng đã thất bại với Marian, vợ của Aubrey. Chàng đã biết trước, thế nhưng không tiên đoán được, ít ra, lý do thất bại. Chàng tưởng chàng chỉ phải đương đầu với lòng ghen tuông tự nhiên của đàn bà - hay nỗi tức hận, tàn tích của nó. Chàng không thể ngờ được cách nhìn đời của bà. Tuy nhiên, nản lòng biết mấy, cuộc đối thoại giửa bà với chàng không có gì xa lạ. Bởi cuộc đối thoại ấy nhắc chàng nhớ lại những lần trò chuyện giữa chàng và người thân. Chú bác, bà con và có lẽ ngay cả mẹ chàng, cũng nghĩ giống như Marian. Họ tin rằng khi người khác không có cùng lối suy nghĩ với họ, người ấy tự lừa dối bản thân -- người ấy quá điên rồ, quá ngu xuẩn bởi cuộc sống thỏai mái, an toàn hay học vấn cao. Người ấy xa rời thực tế. Những ai có học, trí thức, hay giàu có như bên nhà vợ Grant, nặng mùi xã hội chủ nghĩa, đều xa lìa thực tế. Vì may mắn thừa hưởng gia tài, hay vì ngu ngốc bẩm sinh. Trong trường hợp của Grant, chàng nghi là, họ tin rằng chàng có đủ cả hai lý do trên. Chắc hẳn Marian nghĩ về chàng như thế. Một người ngớ nghêch, chứa đầy một bụng kinh thư vớ vẫn, may mắn không biết đến những đắng cay của cõi đời ô trọc. Một người không cần bận tâm tới chuyện nhà cửa còn hay mất, có thể đi lang thang nghĩ ra những ý tưởng rắc rối. Rảnh rang vẽ vời những kế hoạch thanh cao đại lượng, tin rằng có thể đem lại hạnh phúc cho kẻ khác. Thằng cha cà chớn hết biết, hẳn bà đang nghĩ vậy. Phải đương đầu với một người như thế khiến chàng tuyệt vọng, Kiệt sức, gần như tan nát rã rời. Vì sao? Vì chàng không chắc mình có thể đứng vững trước người ấy? Vì chàng lo ngại rằng cuối cùng, người ấy sẽ chứng tỏ được là họ đúng? Fiona sẽ không cảm thấy chút hụt hẩng nào như vậy. Không ai từng dồn đuổi, đánh bại khi nàng còn trẻ. Nàng cảm thấy thú vị với gia cảnh của chàng, nàng có thể thấy những quan điểm khắc nghiệt của chàng là lạ lẫm và hấp dẫn. Y như thế, những người này, họ cũng có lý của họ chứ. (Chàng có thể nghe chính mình đang tranh luận với ai đó. Fiona?) Cái nhìn thiển cận có ưu điểm riêng. Có lẽ Marian sẽ vững vàng trong cơn khủng hoảng. Có thể tồn tại, có thể lùng sục được thức ăn, có thể trấn lột giày của xác chết trên đường phố. Cố gắng để tìm hiểu Fiona luôn luôn khó khăn và bực bội. Có thể nói, giống như chạy theo một ảo ảnh. Không, không phải thế - giống như sống trong một ảo ảnh. Việc tiếp xúc cận kề với Marian lại là một vấn đề khác. Sẽ như cắn bập vào một trái lệ chi. Với sự quyến rũ nhân tạo kỳ cục, với vị ngọt lim như hóa chất, với mùi thơm lựng như nước hoa, lớp thịt mỏng nằm cạn cợt chung quanh cái hột to tướng. Không chừng chàng đã cưới bà. Biết đâu đấy. Chàng có thể cưới một cô gái như thế. Nều chàng vẫn ở lại trong thế giới cũ của mình. Bà trông ngon lành lắm, với bộ ngực đáng tiền. Có lẽ là một người lẳng lơ. Cách bà chăm chút chuyển đôi mông trên ghế trong bếp, cách vành môi bậm vào nhau phảng phất một chút dọa dẩm -- đó là những gì còn sót lại, sự thô tục ít nhiều ngây thơ của một cô gái đa tình tỉnh lẻ. Chắc bà đã nuôi ít nhiểu hy vọng, khi chọn Aubrey. Đẹp trai, bán hàng, sẽ có việc làm văn phòng trong tương lai. Hẳn bà đã mong rằng cuối cùng bà sẽ khấm khá hơn hoàn cảnh hiện nay. Và đó thường là những gì xảy ra với hạng người thực dụng, Mặc dù tính toán, mặc dù bản năng sinh tồn mạnh, họ vẫn không đạt được nhiều như họ muốn. Không công bằng chút nào, chắn chắn thế. Trong bếp thứ đầu tiên chàng thấy là ánh đèn nhấp nháy của máy nhắn tin điện thoại. Chàng nghĩ ngay tới điều chàng thường nghĩ. Fiona. Chàng nhấn nút nghe trước khi cởi áo choàng. "Chào ông, Grant. Tôi mong là tôi gọi đúng người. Tôi mới vừa nghĩ ra chuyện này. Tối thứ bẩy sẽ có buổi khiêu vũ ở hội quán Legion dành cho người độc thân, và tôi là thành viên ban ẩm thực, nghĩa là tôi được dẫn theo một người bạn không tốn tiền. Không biết ông có thích dự buổi tiệc đó không? Ông gọi lại tôi nhé." Giọng người đàn bà đọc một số điện thoại địa phương. Rồi có tiếng "bíp", và rồi cũng giọng nói ấy, cất lên lần nữa. "Tôi chợt nhớ, tôi quên nói tôi là ai. Có lẽ ông đã nhận ra. Marian đây. Tôi vẫn chưa quen sử dụng mấy thứ máy móc này. Và tôi muốn nói, tôi biết ông không còn độc thân và tôi không có ý gì về chuyện đó đâu. Tôi cũng không còn độc thân, nhưng thỉnh thoảng đi chơi một chút cũng chẳng chết con ma nào. Dù sao, khi đã nói nhiều thế này, tôi hy vọng tôi gọi đúng ông. Tiếng trong máy giống như tiếng của ông. Nếu thấy thích, ông có thể gọi lại, và nếu không thích, ông không cần phải trả lời. Tôi chỉ nghĩ rằng ông muốn có dịp đi chơi mà thôi. Đây là Marian đang nói. Tôi nghĩ tôi đã xưng tên một lần. Thôi được. Chào ông." Giọng trong máy khác với giọng chàng nghe cách đây không lâu, ở nhà bà. Hơi khác một chút trong lời nhắn đầu tiên, khác nhiều trong lần nhắn thứ nhì. Có một chút run rẩy vì lo âu, một chút lảnh đạm giả vờ, một chút vội vã để kết thúc và một chút do dự để buông trôi. Một điều gì đó đã xẩy ra với bà. Nhưng từ lúc nào? Nếu mới đây thôi, thì bà đã khéo léo che đậy được điều ấy trong suốt thời gian chàng ở bên cạnh. Có nhiều phần sự thay đổi đó xảy ra chậm chạp, sau khi chàng ra về. Không nhất thiết phải là một hấp lực đột ngột. Chỉ là ý thức rằng chàng có thể là một ứng viên, chàng - một người đàn ông đơn độc. Ít hay nhiều, chỉ dựa vào bản thân. Một đối tượng bà có thể để mắt tới sau này. Nhưng bà đã bồn chôn lo sợ khi đi nước cờ thứ nhất. Bà đã tự đặt mình vào một tình thế phiêu lưu. Sự dấn thân của bà sâu đậm đến mức nào, chàng không biết. Nói chung, khả năng bị tổn thương của người đàn bà tăng theo thời gian và diễn biến của câu chuyện. Chỉ có thể nói rằng, từ đầu, nếu đã có một chút gây cấn lao đao, về sau sẽ có thêm nhiều hơn nữa. Chàng cảm thấy thỏa mãn -- tại sao phải chối bỏ nhỉ? -- đã gây ra điều ấy nơi bà. Đã khơi gợi một thứ gì đó, óng ánh, huyền ảo trên bề mặt của cá tính của bà. Đã nghe, qua âm sắc bồn chồn rõ nét của bà, một lời cầu xin yếu ớt. Chàng bày nấm và trứng ra, chuẩn bị làm món omelette. Rồi chàng nghĩ, có lẽ nên rót cho mình một ly rượu vang. Bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đúng không --có phải chuyện gì cũng có thể xảy ra? Chẳng hạn, nếu muốn, có thể nào chàng làm vui lòng bà đến mức bà nghe lời chàng, đem Aubrey trở lại với Fiona? Và không phải chỉ những lần thăm viếng, mà cả cuộc đời còn lại của Aubrey. Cơn chấn động ấy sẽ đưa họ về đâu? Đến sự xáo trộn, đến sự cáo chung của bản năng tự vệ của bà? Đến hạnh phúc của Fiona? Sẽ là một thử thách lớn. Một thử thách và một thành tựu đáng ghi nhớ. Đồng thời cũng là một trò hề, không bao giờ có thể kể cho ai nghe -- lối suy nghĩ rằng, bằng hành vi tồi tệ chàng có thể mưu cầu phúc lợi cho Fiona. Nhưng chàng không thực sự có khả năng nghĩ về điều ấy. Nếu có, chàng phải hình dung cho được, chàng và Marian sẽ ra sao, một khi chàng có thể đem Aubrey về với Fiona. Không ổn đâu -- trừ phi chàng có thể hài lòng hơn nữa do đã tiên liệu, khám phá ra cái cốt lõi vị kỷ vô tội bên trong lớp cơm nạc phương phi của bà. Bạn không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra đâu. Bạn tưởng mình biết, nhưng không có gì là chắc chắn. Có lẽ bà ở nhà, đang ngồi chờ chàng gọi lại. Cũng có lẽ không ngồi yên. Làm các việc lặt vặt không ngừng tay. Dường như bà thuộc loại người lúc nào cũng làm việc. Nhà của bà cho thấy có sự chăm sóc liên tục. Và Aubrey -- vẫn phải săn sóc ông như lệ thường. Có thể bà đã cho ông ăn tối sớm hơn -- đổi giờ ăn của ông cho thích hợp với thời khóa biểu ở Meadowlake, để ông ngủ sớm và bà có chút rảnh rang còn lại trong ngày. (Khi dự tiệc khiêu vũ, bà sẽ xoay sở ra sao nhỉ? Để ông ở nhà một mình, hay phải mượn người đến chăm nom? Liệu bà có nói cho ông biết bà đi đâu, có giới thiệu người bạn trai tháp tùng hay không? Người bạn trai này có nên trả thù lao cho người chăm nom tối ấy hay không?) Chắc bà đã cho Aubrey ăn tối trong lúc Grant mua nấm và lái xe về nhà. Chắc bà đang chuẩn bị cho ông lên giường. Nhưng lúc nào bà cũng vương vấn nghĩ về chiếc máy điện thoại, sự im lặng của nó. Chắc bà đã tính toán xem bao nhiêu lâu thì Grant sẽ về đến nhà. Địa chỉ của chàng trong niên giám điện thoại cho bà một ý niệm về nơi cư trú của chàng. Bà sẽ ước lượng thời gian lái xe, rồi thêm vào thời gian cần dùng để đi chợ (đoán rằng một người đàn ông độc thân phải đi chợ mỗi ngày). Rồi thời gian đủ cho chàng rảnh rổi nghe lời nhắn tin. Và nếu sự im lặng vẫn kéo dài, bà sẽ nghĩ đến những lý do khác. Những chuyện linh tinh chàng phải làm trước khi về nhà. Một bửa ăn tối ở nhà hàng, một cuộc họp, nghĩa là không thể có mặt ở nhà vào giờ cơm chiều. Có lẽ bà sẽ thức khuya, lau chùi các ngăn tủ trong bếp, theo dõi truyền hình, tự tranh luận với mình xem còn chút hy vọng nào hay không. Về phần chàng, thật là quá sức tự cao tự đại. Bà là một phụ nữ, lại là một phụ nữ khôn ngoan. Chắc bà đã đi ngủ đúng giờ, nghĩ rằng dù sao chàng cũng không có vẽ là một người khiêu vũ giỏi. Cứng nhắc quá, đạo mạo quá. Chàng ngồi gần điện thoại, lững lơ xem mấy tờ tạp chí, nhưng khi chuông reo, không nhắc ống nghe lên. "Grant. Tôi là Marian đây. Tôi ở dưới hầm đang bỏ quần áo vào máy sấy thì nghe tiếng điện thoại, khi tôi lên tới nhà trên, người nào đó đã cúp máy. Nên tôi nghĩ tôi phải nói, có tôi ở đây. Nếu người đó là ông và nếu ông đã về nhà. Bởi lẽ tôi không có máy nhắn tin, tất nhiên ông không thể lưu lại lời nhắn. Nên tôi chỉ muốn. Cho ông biết. " "Tạm biệt." Bấy giờ là mười giờ hai mươi lăm phút tối. Tạm biệt. Chàng sẽ nói chàng mới về tới nhà. Không nên phác họa cho bà, bức tranh chàng ngồi đây cân nhắc những điều lợi hại. Trướng. Có lẽ đó là danh từ nàng dùng để mô tả những bức màn Lam -- trướng. Và sao lại không? Chàng nhớ đến những chiếc bánh ginger cookies tròn trịa đến nổi bà phải tuyên bố là bánh làm ở nhà, những ly cà phê bằng sứ máng trên cái cây sành. Một miếng plastic dài, chàng quả quyết là phải có một miếng như thế, trải trên hành lang, giữ cho lớp thảm trên sàn khỏi bị bẩn. Sự chính xác bóng bẩy và thực dụng mà mẹ chàng không bao giờ đạt được -- có phải vì thế chàng cảm thấy ray rứt một thứ tình cảm kỳ dị và bất trắc khôn lường. Hay phải chăng, sau ly rượu đầu tiên, chàng đã uống thêm hai ly nữa? Màu nâu hạt óc chó -- bây giờ chàng tin rằng đó là màu nắng rám -- trên da mặt và cổ của bà hẳn phải tiếp tục đến tận lằn rảnh của bộ ngực, lằn rảnh hẳn phải sâu, làn da lụa nhiễu, thơm nồng và nóng rực. Chàng có điều ấy để mơ tưởng, khi ngón tay quay những con số đã ghi chép sẳn. Điều ấy và nhục tính trần tục của cái lưỡi mèo của bà. Đôi mắt ngọc của bà. Fiona có mặt trong phòng nhưng không nằm trên giường. Nàng ngồi cạnh cửa sổ, mặc một chiếc áo đầm thích hợp với thời tiết nhưng tươi và ngắn khác thường. Qua cửa sổ, mùi hoa tử đinh hương đang kỳ nở rộ và mùi phân bón ngoài đồng tỏa vào nồng ấm. Một quyển sách đang mở, đặt trên đùi nàng. Nàng nói, "Nhìn đây, em vừa tìm thấy quyển sách tuyệt đẹp này, nói về đất nước Iceland. Không thể tưởng tượng người ta có thể để những quyển sách giá trị như thế bừa bải khắp nơi. Không phải ai sống ở đây cũng thật thà cả. Và em nghĩ, họ cũng giao nhầm quần áo. Có bao giờ em mặc màu vàng đâu." "Fiona ..., chàng nói. "Lâu quá anh mới trở lại. Minh sẳn sàng làm thủ tục xuất viện phải không anh?" "Fiona, anh có một ngạc nhiên cho em. Em còn nhớ Aubrey không?" Trong một thoáng nàng chầm chập nhìn chàng, như thể từng lượn gió đang thổi bạt vào mặt nàng. Quất lên mặt, lên đầu, xé mọi thứ thành giẻ rách. "Em chẳng nhớ là ai," nàng tàn nhẫn nói. Rồi vẻ mặt đó biến mất khi nàng, với một nổ lực, lấy lại nét duyên dáng diễu cợt. Nàng cẩn thận đặt quyển sách xuống, đứng dậy và vòng tay lên ôm chàng. Da thịt hoặc hơi thở của nàng phảng phất một mùi lạ, với chàng, giống mùi của những cọng hoa cắm quá lâu trong bình chưa thay nước. "Em rất hạnh phúc gặp lại anh," nàng nói, kéo nhè nhẹ trái tai chàng. "Anh đã có thể lái xe đi luôn," nàng nói. "Không trở lại, mặc kệ tất cả và ruồng rẫy em. Ruồng rẫy em. Ruống rẫy." Chàng áp mặt vào mái tóc bạc của nàng, lớp da đầu hồng hồng, khuôn sọ tròn trỉnh thân thương. Chàng trả lời, Đừng hòng. Hết Ghi chú: Tựa đề của truyện là một câu trong bài hát dân gian Canada dành cho trẻ con, "The Bear Came Over The Mountain" The bear came over the mountain To see what he could see The other side of the mountain, Was all that he could see Ông gấu trèo qua núi Để xem những gì có thể thấy Phía bên kia núi, Là tất cả những gì ông thấy