Tên truyện : Một Nửa Hồn Tôi Tác giả : Amy Tan Dịch giả : Tây Đô Thể loại : Văn học nước ngoài Số quyển/1 bộ : 1 Lời giới thiệu Amy Tan là một nữ tác giả sinh trưởng ở Mỹ, cha mẹ là người Hoa. “The Joy Luck Club” là tác phẩm đầu tay của bà (1989). Đây là một truyện trong truyện "The Joy Luck Club" . "The Joy Luck Club" là một tập hợp những "tự thuật" của bốn cô gái và bốn bà mẹ gốc Hoa ở Mỹ (nhưng viết bởi một tác giả, Amy Tan). Những câu chuyện bên quê nhà và những câu chuyện ở Mỹ trong gia đình họ . Tôi dịch truyện này (nguyên tác “Half and half”) vì tôi có một điều gần gũi với điều xảy ra trong truyện. Xin giới thiệu cùng các bạn thân mến ở đây. Chương 1 - Một nửa hồn đi Để chứng minh cho đức tin của mình, mẹ tôi thường mang kè kè theo cuốn thánh kinh nhỏ bìa da mỗi khi mẹ đi nhà thờ Baptist người Hoa mỗi Chủ nhật . Nhưng sau này, khi mẹ không còn tin Chúa nữa, cuốn kinh thánh bìa da được dùng để kê cái chân bàn bị gồng ghênh – một cách để mẹ tôi cân bằng những lệch lạc trong đời sống . Nó nằm đó đã 20 năm nay. Mẹ tôi luôn giả vờ không thấy cuốn kinh thánh . Hễ mỗi lần ai hỏi mẹ sao nó lại nằm đó, mẹ tôi thường kêu lên : “Vậy hả ? Tôi quên” .Nhưng tôi biết mẹ cố ý để nó nằm đấy. Mẹ đâu phải là bà nội trợ sạch sẽ số 1, vậy mà cuốn kinh thánh vẫn sạch trắng trong suốt 20 năm trời. Tối nay tôi nhìn mẹ quét nhà dưới chỗ cái bàn đó, một chuyện mà bà vẫn làm mỗi đêm sau bữa ăn tối. Mẹ chậm rãi lẫy cái chổi xung quanh chỗ cái chân bàn có kê cuốn thánh kinh . Tôi nhìn mẹ đi từng nhát chổi , chờ cho đúng lúc để báo cho mẹ biết chuyện tôi và Ted, chúng tôi sẽ ly dị . Tôi biết trước là mẹ sẽ nói: "Không có chuyện đó". Rồi khi tôi nói chuyện này là chắc chắn, cuộc hôn nhân của bọn tôi coi như chấm dứt, thế nào bà cũng nói: "Vậy thì con phải cứu lấy nó ." Ngay cả khi tôi biết quá là chẳng còn gì để cứu vãn nữa - tôi sợ rằng khi tôi nói ra, bà cũng cứ nói tôi phải cố gắng. Tôi thì cảm thấy hơi mỉa mai khi mẹ cứ muốn tôi đừng ly dị . 17 năm trước đây mẹ tôi rất buồn khi tôi bắt đầu hẹn hò với Ted . Mấy bà chị của tôi chỉ quen với con trai Tàu ở nhà thờ trước khi lấy chồng. Ted và tôi gặp nhau trong một lớp ở đại học . Ted làm quen bằng cách xin trả tiền lẻ bài học cho tôi. Tôi không chịu nhưng lại nhận lời đi uống cà phê với anh . Đó là vào học kỳ thứ 2 của tôi ở UC Berkley. Tôi bắt đầu học nghệ thuật tự do sau đó chuyển qua hội họa. Còn Ted thì là sinh viên năm thứ 3 khoa Y. Ted nói với tôi anh chọn ngành này ngay từ khi học lớp 6, từ lúc anh mổ xẻ cái thai của một con heo. Phải thành thật công nhận là mới đầu tôi thích Ted chính vì Ted khác với anh em trai tôi và mấy bạn trai người Hoa của tôi: thẳng thắn; hỏi cái gì cũng rõ ràng và muốn là hỏi cho được; chuyện gì cũng có ý kiến rõ rệt; khuôn mặt góc cạnh, thân hình cao ráo, mảnh dẻ; cánh tay vạm vỡ; cả cái chuyện ba mẹ anh di cư đến đây từ Tarrytownm, New York, chớ không phải Tientsin, Trung Hoa. Mẹ tôi hẳn là cũng thấy mấy điều khác biệt này của Ted sau khi Ted đến đón tôi một lần ở nhà . Khi tôi về nhà, mẹ vẫn còn thức xem TV. Mẹ tôi hăm he : - "Nó là người Mỹ, người ngoại quốc" . Làm như tôi đui không thấy vậy. - "Con cũng là người Mỹ vậy," - Tôi nói - "Với lại con đâu có tính lấy chồng đâu. " Mẹ của Ted cũng có chuyện muốn nói với tôi. Ted thỉnh thoảng mời tôi đi picnic với gia đình anh . Lần đó, mỗi năm đại gia đình anh có bữa họp mặt ở sân chơi polo trong công viên Golden Gate. Mặc dù 2 đứa tôi mới đi chơi với nhau vài lần trong tháng rồi - và dĩ nhiên là chưa có ngủ với nhau lần nào, vì cả 2 đều sống với cha mẹ - Ted cứ giới thiệu với họ hàng nhà anh tôi là bạn gái của anh, điều mà cho đến lúc đó tôi cũng chưa biết. Sau đó, khi Ted và cha anh đi qua chỗ chơi bóng chuyền với mấy người khác, mẹ anh nắm tay tôi, chúng tôi đi dọc trên cỏ, tách khỏi dám đông . Bà nắm chặt tay tôi nhưng không nhìn vào mắt tôi. - "Tôi rất mừng là cuối cùng cũng gặp được cháu" - Mẹ Ted nói. Tôi muốn nói tôi thật sự chưa phải là bạn gái của Ted nhưng bà tiếp tục - "Tôi thấy hai đứa vui vẻ tôi cũng mừng . Vì vậy tôi mong cháu đừng hiểu lầm điều tôi muốn nói đây." Rồi bà nhỏ nhẹ nói về tương lai của Ted, nào là Ted phải chăm chú học hành, nào là còn phải lâu lắm Ted mới có thể nghĩ đến chuyện lấy vợ . Bà đoan chắc với tôi là bà không bao giờ có thành kiến với dân thiểu số; vợ chồng bà làm chủ một hệ thống cung cấp sản phẩm văn phòng, có quen biết nhiều người tốt gốc gác Á Châu, Tây Ban Nha và cả da đen . Nhưng Ted sau này sẽ có một nghề nghiệp chịu những tiêu chuẩn khác, do bệnh nhân và các bác sĩ khác nhìn vào. Những người này có thể không cởi mở như gia đình, họ hàng của bà . Bà nói thế giới này người ta khác biệt nhau lắm . Bà nói dân Mỹ rất ghét cuộc chiến Việt Nam. Tôi trả lời một cách nhẹ nhàng, dù trong lòng tôi muốn thét lên :"Thưa bà Jordan, tôi không phải là người Việt Nam . Và tôi không có ý định lấy con bà đâu." Khi Ted chở tôi về nhà hôm đó, tôi nói với anh tôi sẽ không gặp anh được nữa. Khi anh hỏi tại sao, tôi chỉ nhún vai. Khi anh hỏi tới, tôi kể lại những gì mẹ anh nói một cách khô khan, không ý kiến. - "Rồi em chỉ ngồi im ? Để cho mẹ anh quyết định cái gì đúng, cái gì sai? "  Anh la lên, giống như tôi chính là người đồng lõa, người phản bội. Tôi xúc động vì thấy Ted nổi giận. - "Mình phải làm gì ?" - Tôi hỏi, và cảm thấy nhói đau vì cái cảm giác thương yêu chợt bắt đầu đến. Mấy tháng đầu sau đó, hai đúa tôi bám lấy nhau một cách hơi ngớ ngẩn không lý do. Bởi vì cho dù mẹ tôi hay bà Jordan -  mẹ Ted - có nói gì đi nữa, cũng chẳng làm sao có thể ngăn cản hai đứa tôi gặp nhau. Trong đầu bọn tôi cứ tưởng tượng vớ vẩn là bi kịch đang chờ đợi chúng tôi cho nên hai đứa không rời nhau ra nổi. Như hai nửa âm và dương hợp lại thành một . Tôi trở thành nạn nhân của người hùng Ted . Tôi luôn luôn gặp nguy hiểm và anh luôn luôn ra tay cứu giúp . Tôi ngã thì anh nâng dậy. Đúng là chết ngạt vì tình . Làm như hai đứa tôi ghiền cái cảm giác cứu và được cứu. Cứ như vậy, chúng tôi yêu nhau, ngoài đời cũng như trong phòng ngủ, anh lấp đầy những khoảng trống, anh bảo vệ những chỗ yếu nơi tôi. - "Mình phải làm gì đây?" - Tôi cứ hỏi anh như thế. Rồi trong vòng một năm quen nhau, chúng tôi dọn ra ở chung với nhau. Một tháng trước khi Ted chính thức học Y khoa ở UCSF, chúng tôi làm đám cưới trong nhà thờ Episcopal, bà Jordan cũng ngồi ở hàng ghế đầu, lẳng lặng khóc như bất kỳ bà mẹ nào. Khi Ted hoàn thành chương trình nội trú trong ngành bệnh về da, bọn tôi mua một căn nhà cũ kỹ ba tầng kiểu Victorian có vườn rộng ở Ashbury Heights . Ted giúp tôi dựng một cái studio ở tầng trệt để tôi có thể hành nghề phụ tá độc lập cho các tay nghệ nhân thiết kế thương mại. Trong những năm sống chung, Ted quyết định khi nào thì đi nghỉ mát, khi nào thì mua bàn ghế mới. Anh quyết định khi nào mua được nhà trong khu khá hơn thì hãy có con . Chúng tôi cũng từng có bàn cãi, thảo luận những chuyện như vậy, nhưng rồi cả hai đều biết là đến cuối cùng tôi sẽ nói : - "Thôi, anh cứ tính đi. Em làm theo" . Vì vậy sau này thì thôi, chẳng còn bàn, thảo gì cho mệt nữa. Ted cứ đơn giản quyết định . Và tôi chẳng còn nghĩ đến chuyện phản đối gì nữa cho mệt . Khỏi để ý đến cái thế giới chung quanh mình nữa, tôi thích hơn . Cứ chú ý đến mấy thứ đồ nghề trước mắt là đủ: cây thước T, cái dao rọc giấy, cây viết chì xanh... Nhưng bắt đầu từ năm ngoái, cảm tưởng của Ted về điều mà anh gọi là "quyết định và trách nhiệm" bỗng dưng thay đổi. Có một bệnh nhân đến hỏi anh làm sao để trị những gân xanh nổi trên má cô ta. Khi anh nói anh có thể hút những gân đỏ ra, làm cho cô ta đẹp trở lại, cô ta đồng ý trị liệu. Nhưng khi chữa, anh lại đụng chạm đến một cái dây thần kinh trên mặt cô và một bên má cô bị trệ xuống . Thế là cô đâm đơn kiện anh. Anh thua kiện, tội bất cẩn - lần đầu tiên trong đời, và bây giờ tôi mới biết anh rất chới với - rồi anh bắt đầu bắt tôi phải biết quyết định những chuyện trong đời sống . Tôi phải có ý kiến mua xe Nhật hay xe Mỹ ? Mua bảo hiểm suốt đời hay bảo hiểm theo năm ? Tôi nghĩ sao về ứng cử viên đã ủng hộ lực lượng kháng chiến ở Nicaragua. Tôi muốn có con cái không ? Tôi cũng suy nghĩ, tính lợi tính hại. Nhưng rồi cuối cùng tôi bị lẫn lộn, bởi vì tôi không bao giờ tin là có một câu trả lời đúng , tuy nhiên luôn luôn có nhiều câu trả lời sai. Vì vậy bây giờ mỗi khi tôi nói "Anh tính đi" hay "Em không biết" hay "Em sao cũng được" thì Ted cất giọng mất kiên nhẫn: "Không, em tính . Em không thể đi hàng hai, không nhận trách nhiệm mà cũng chẳng nhận lỗi phải gì cả . " Tôi có thể thấy thay đổi trong hai đứa tôi. Cái màn che chỡ đã được dỡ lên để bây giờ Ted bắt đầu hỏi tôi đủ mọi chuyện . Anh bắt tôi quyết định ngay những chuyện lặt vặt nhất, giống như anh nhử mồi tôi. Ăn đồ Ý hay Thái? Một hay hai món ăn chơi? Món gì ? Trả bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt ? Visa hay Master card ? Cũng tháng rồi, khi anh chuẩn bị đi hội nghị hai ngày về bệnh da ở Los Angeles, anh hỏi tôi có muốn đi theo anh không , rồi trước khi tôi kịp trả lời, anh lại nói thêm : - "Thôi khỏi, anh đi một mình được rồi." Tôi đồng ý : - "Có thời giờ để anh tập trung". - "Không, lý do là em không quyết định được bất cứ điều gì cả ". Tôi phản đối : - "Em chỉ không để ý những chuyện không quan trọng mà thôi." - "Vậy thì chẳng có chuyện gì là quan trọng với em hết" - Anh nói với vẻ khinh bỉ. - "Ted, nếu anh muốn thì em đi với anh. " Rồi giống như cái gì đó làm anh cho tràn ra : - "Tại sao mình lại cưới nhau được nhỉ ? Có phải em nói "Tôi đồng ý" là bởi vì ông mục sư bảo "Lập lại theo tôi" không ? Nếu anh không lấy em thì em sẽ làm gì cho đời em ? Có bao giờ em nghĩ đến điều đó không ?" Điều này thật là một bước đột biến trong lý lẽ, giữa những gì tôi nói và những gì anh nói, đến mức tôi nghĩ rằng hai đứa tôi giống như đứng trên hai mỏm núi, nhoài người ra chọi đá vào nhau mà không nghĩ đến vực sâu trước mắt. Nhưng bây giờ thì tôi nhận ra Ted muốn gì khi anh nói như thế . Anh muốn cho tôi thấy cái khoảng cách giữa hai đứa. Bởi vì tối hôm đó anh gọi về từ Los Angeles và nói rằng anh muốn ly dị. Từ khi Ted ra đi, tôi suy nghĩ nhiều. Ngay cả nếu tôi có chờ cái chuyện đó xảy ra, nếu tôi có biết mình sẽ làm gì cho đời mình, thì chuyện đó vẫn làm tôi xiểng liểng. Khi một chuyện kinh khủng như vậy xảy ra cho mình, mình chỉ còn biết mất thăng bằng rồi té ngã mà thôi. Rồi khi mình gượng dậy được, mình mới nhận ra rằng mình không thể tin vào ai để cứu mình cả - chồng, không , mẹ ,không , thượng đế, không . Vậy thì cái gì có thể ngăn mình khỏi nghiêng ngả rồi quỵ một lần nũa? Chương 2 - Cha, mẹ, anh, em, những tin tưởng, lo âu Trong nhiều năm mẹ tôi đã tin tưởng nơi ý muốn của Thượng đế . Giống như mẹ đã vặn cái vòi nước thánh, rồi mọi điều tốt lành cứ từ đó mà tuôn chảy ra. Mẹ nói chính niềm trung tín đã đem lại những phước hạnh cho gia đình. Sau này, tôi thấy mọi việc đều có duyên số, còn niềm tin nơi Thượng đế chỉ là một ảo tưởng giúp người ta nghĩ rằng người ta có một vai trò quyết định trong đó . Tôi thấy cái mà tôi có được chính là sự hy vọng, và với hy vọng, tôi không chối bỏ bất cứ điều gì có thể xảy ra, hay dở gì cũng vậy. Tôi chỉ nói, nếu có một sự chọn lựa thì thưa Thượng đế, bất cứ Ngài là ai, tôi sẽ chấp nhận sự chọn lựa đó. Tôi nhớ cái ngày tôi bắt đầu nghĩ ra điều này, thật là một khải huyền cho tôi. Cũng là cái ngày mà mẹ mất niềm tin nơi Thượng đế . Mẹ nhận ra là không thể chỉ tin mà không đặt câu hỏi. Ngày đó chúng tôi đi ra bãi biển, một chỗ vắng vẻ phía Nam thành phố gần Devil's Slide. Ba tôi đọc trong tạp chí "Hoàng Hôn" cho biết chỗ này câu cá "perch" rất dễ . Dù ba không phải là ngư phủ mà là phụ tá trong tiệm thuốc tây vì ba đã từng là một bác sĩ khi còn ở Trung Hoa. Ba tin nơi "sự quyền biến" của ba, một khả năng làm được bất kỳ chuyện gì ba quan tâm . Mẹ cũng tin nơi "năng khiếu thiên phú" của mẹ có thể nấu bất cứ cái gì mà ba bắt được . Cũng cái "quyền biến" này mà ba mẹ tôi đã đến được Hoa Kỳ . Cũng cái "thiên phú" này mà hai ông bà đã có 7 đứa con, đã mua nhà ở khu Hoàng Hôn mà trong túi rất ít tiền . Nó đem lại một sự tự tin cho hai ông bà là sẽ gặp những may mắn bất tận, là Thượng đế bao giờ cũng về phe với hai người, là các vị thần trong nhà luôn tâu lên tổ tiên chúng tôi những điều tốt lành , là vận may trong gia đình sẽ không bao giờ chấm dứt, mọi thứ đều cân bằng, đủ phong, đủ thủy. Chúng tôi đó, chín người tất cả: ba, mẹ, hai chị gái, bốn em trai và tôi, rất vui vẻ lạc quan khi bước chân trên bãi biển . Chúng tôi đi thành hàng một trên cát xám mát lạnh, từ lớn nhất đến nhỏ nhất . Tôi ở giữa , 14 tuổi. Nếu có ai nhìn vào trông cũng ngộ nghĩnh lắm, chín đôi bàn chân trần đi sào sạo, chín đôi giày trong tay, chín cái đầu đen quay ra biển nhìn sóng vỗ vào bờ. Gió thổi chiếc quần vải đánh phần phật vào cặp giò tôi và tôi quay mặt cho cát khỏi bay vào mắt . Tôi thấy cả nhà đang đứng trong bụng một cái vòm đá . Nó giống như một cái tô khổng lồ bị vỡ làm hai, một nửa đã bị trôi ra biển . Mẹ đi về hướng bên phải, nơi bãi biển sạch sẽ hơn, bọn tôi đi theo. Bên mặt này, cái thành của cái vòm đá cong lại và bảo vệ bãi biển khỏi sóng và gió . Dọc theo cái thành, dưới cái bóng của nó, là một mạch đá ngầm chạy dài từ một rìa bãi biển đến cái hang đá này rồi đi ra ngoài chỗ biển bắt đầu sóng . Trông có vẻ như người ta có thể đi lên cái mạch đá ngầm này ra tận ngoài biển sóng kia, mặc dù nó có vẻ gồ ghề, trơn trợt lắm . Mặt bên kia của cái vòm đá thì xù xì hơn , bị xâm thực bởi nước biển . Nó bị nhiều khe nứt cho nên khi sóng biển vỗ vào, nước cứ vọt ra từ những khe nứt trông như những con chim trắng. Bây giờ nghĩ lại, tôi nhớ cái vòm trên biển này thật là ghê rợn, đầy những cái bóng đen ươn ướt làm chúng tôi cứ rợn người, lại thêm bụi nước li ti cứ xông vào mắt làm cho chúng tôi không thấy được những nguy hiểm . Chúng tôi đều mù đi vì đang kinh nghiệm một điều mới mẻ : một gia đình người Hoa đang sinh hoạt như một gia đình Mỹ thứ thiệt trên bãi biển. Mẹ tôi trải tấm gra giường cũ trên cát. Nó cứ bay phần phật trong gió cho đến khi chín đôi giày đè nó xuống . Ba tôi lo gắn cần câu cá bằng tre, cái cần câu ba tự làm lấy ở nhà theo kiểu Tàu ba nhớ hồi nhỏ . Bọn nhóc chúng tôi thì ngồi sát nhau trên cái tấm trải, thọc tay vô giỏ đồ ăn lấy sandwiches ra ăn ngấu nghiến, tay vẫn còn dính đầy cát. Thế rồi ba đứng lên, chiêm ngưỡng cái cần câu cá, cái vẻ dẻo dai, mạnh mẽ của nó . Hài lòng, ba cầm đôi giày lên đi ra chỗ bìa bãi biển, bước lên dãy đá ngầm ra chỗ giáp ranh với nước biển . Hai chị tôi, Janice và Ruth, nhảy dậy tự phủi cát trên đùi. Phủi cát trên lưng nhau rồi chạy ra bãi cát, rít lên vui vẻ . Tôi định đứng dậy rượt theo nhưng mẹ tôi gật đầu hướng về bốn em trai tôi: - "Coi chừng tụi nó nghe" .Bốn đứa em , giống như bốn cái neo kéo tôi lại. Matthew, Mark, Luke và Bing . Tôi ngả người lại trên cát, rên rỉ : - "Tại sao? Tại sao tôi phải coi chừng tụi nó?” Mẹ trả lời như thường : - "Vì con là chị". Tôi phải làm . Vì chúng là em tôi. Hai chị tôi đã từng coi chừng tôi. Còn cách nào khác để tập làm bổn phận ? Còn cách nào khác để nhớ ơn cha mẹ ? Matthew, Mark và Luke được 12, 10 và 9 tuổi, đủ lớn để chơi với nhau đủ trò . Chúng đã chôn Luke trong cát đến tận cổ , chỉ lòi cái đầu ra ngoài. Chúng đang xây một cái thành trên người Luke. Nhưng Bing thì mới có 4 tuổi, dễ vui nhưng dễ chán và hay quậy quọ . Nó bị ba đứa anh đẩy ra vì sợ nó làm hư cái thành cát. Vì vậy Bing đi lang thang trên bãi biển, khó chịu như ông hoàng đế bị truất ngôi, lượm những hòn đá rồi ném vào biển . Tôi đi theo sau, cứ nghĩ rủi có sóng tràn tới thì chẳng biết làm gì ?. Thỉnh thoảng tôi gọi Bing: - "Đừng có đi vô nước. Em bị ướt chân đấy." Rồi tôi nghĩ sao mà tôi giống mẹ quá, luôn luôn lo sợ thái quá trong lòng , nhưng ở ngoài mặt thì cứ nói những thứ nguy hiểm đâu đâu (ướt chân!) . Sự lo lắng cứ bao lấy tôi giống như bức tường của cái vòm dá . Rồi tôi tự trấn an là mọi chuyện đều đã được lo toan, coi như an toàn. Thật ra mẹ tôi có một điều dị đoan, đó là trẻ con luôn luôn có những nguy hiểm rình rập tùy theo ngày trong năm, dựa theo ngày sinh âm lịch . Những điều đó được giải thích trong cuốn "Nhị Thập Lục Ác Môn" (26 cánh cửa ác) . Trong đó, mỗi trang có vẽ một thứ nguy hiểm đang chờ đợi những đứa trẻ thơ ngây. Trong góc trang có lời giải thích bằng tiếng Hoa. Vì tôi không đọc được tiếng Hoa cho nên tôi đoán ý bằng cách nhìn hình. Cũng hình một đứa bé đó trong mỗi bức vẽ : Leo lên cây bị gãy cành, đứng gần một cánh cổng bị sụp, trượt té trong chậu tắm, bị chó tha đi, bị sét đánh . Trong mỗi bức minh họa này có vẽ một người đứng mặc áo choàng thằn lằn có nếp nhăn dài trên trán, cũng có thể là hai cái sừng tròn . Trong một bức vẽ, người đó đứng trên một cái cầu cong cong, cười ha hả nhìn đứa bé rơi khỏi cầu, chân đang đạp trên không. Tôi nghĩ chỉ một điều nguy hiểm xảy ra cho đứa bé cũng đủ lắm rồi. Và trong cuốn sách cũng có nói mỗi tai nạn thì đi kèm với một số ngày sinh thôi, như vậy một đứa bé chỉ có một hiểm nghèo rình rập nó . Nhưng mẹ tôi thì lo đủ hết các hiểm nguy. Lý do là vì bà không biết tính ngày âm theo ngày tây lịch . Vì vậy cứ coi chừng đủ các tai nạn là bà tin chắc chắn là bà sẽ ngăn ngừa được chúng. Chương 3 - Bi kịch Mặt trời đã di chuyển qua hướng bên kia cái vòm đá . Mọi việc đã trở nên bình thường . Mẹ bận bịu phủi cát khỏi tấm gra, rủ cát khỏi mấy đôi giày, rồi lại để giày xuống chặn tấm ra. Ba vẫn đứng ở cuối dãy đá, kiên nhẫn chờ cho cái "quyền biến" của ba trở thành cá . Xa hơn, trên bãi biển tôi thấy hai chị tôi với mái tóc đen, quần màu vàng . Tiếng hú của mấy đứa em trai lẫn với tiếng chim hải âu kêu rít . Bing tìm thấy một cái chai không, lấy nó để đào cát gần cái tường của vòm dá . Còn tôi ngồi trên cát trong nắng, chỗ cái bóng mát vừa đứng lại. Bing đập đập cái chai không vào thành đá, vì vậy tôi kêu nó : - "Đừng có đập mạnh quá . Cái thành này bị lũng lỗ thì em sẽ bị rớt lại tận bên Tàu đấy." Rồi tôi cười trong khi nó nhìn tôi tưởng thật . Nó đứng dậy và đi về phía biển . Nó đặt một chân lên dãy đá ngầm . Tôi la nó - "Bing ." Nó không chịu: - "Em đi lại vớ ba". - "Vậy thì đi gần bên vách tường đá, đừng có đi gần nước, tránh xa mấy con cá tanh" - Tôi nói. Và tôi trông chừng khi nó đi từng khoảng ngắn trên dãy đá . Lưng nó dựa vào thành vòm đá . Giờ đây tôi vẫn còn thấy em, rõ đến mức gần như cảm thấy tôi có thể để nó ở đó mãi mãi. Tôi thấy nó đứng kế bên thành dá, an toàn, gọi ba, ba nhìn qua vai về hướng Bing . Tôi mừng vì ba có thể trông chừng nó một chút ! Bing đi lại phía ba. Bỗng cần câu giựt giựt, ba cuộn giây câu thật nhanh.Có tiếng la. Đứa nào đó quăng cát vào mặt Luke. Luke nhảy khỏi cái mồ cát, nhảy lên người Mark, đấm đá, cào cấu. Mẹ kêu tôi ngăn bọn chúng lại. Và ngay khi tôi kéo Luke ra khỏi Mark, tôi nhìn lên và thấy Bing đang đi một mình đến cuối bờ của cái dãy đá . Trong lúc hai đứa nhóc đánh nhau, không ai để ý . Tôi là người duy nhất thấy Bing đang làm gì. Bing bước 1, 2, 3 bước . Nó đi rất nhanh, giống như nó thấy cái gì thích thú dưới nước . Và tôi nghĩ . Nó sẽ rớt xuống biển . Tôi đang chờ điều đó . Và khi tôi đang nghĩ như vậy, chân của nó đã đạp trên không, giống như 1 phản xạ để lấy thăng bằng, trước khi thân hình nó đập vào mặt biển rồi biến mất không để lại dấu vết gì nhiều. Tôi khuỵu gối xuống, nhìn chăm chú vào cái chỗ nó biến mất, bất động, không nói được lời nào. Tôi không thể hiểu được . Tôi nghĩ: - Có nên chạy lại kéo em lên không ? Hay là la lên cho ba biết ? Chạy có kịp không ? Tôi có thể xoay ngược mọi việc đến chỗ cấm em Bing đi lại chỗ ba? Rồi hai chị của tôi trở lại, một người hỏi: - "Bing đâu?" Im lặng vài giây rồi có tiếng la hét, cát bay vù vù trên mặt tôi khi mọi người chạy ra biển chỗ bờ đá . Tôi đứng đó bất động nhìn hai chị , nhìn mấy đứa em trai đang chúi mắt xuống biển . Ba và mẹ thì lấy tay rẽ nước... Chúng tôi ở lại đó nhiều giờ . Tôi nhớ những chiếc tàu tìm kiếm và cảnh mặt trời lặn . Tôi chưa bao giờ thấy mặt trời lặn như thế : một màu cam sáng rực chạm vào mặt nước rồi tỏa ra, sưởi ấm biển . Khi trời tối, những chiếc tàu cứu cấp vặn đèn pha vàng lên, nhấp nhô trên biển đen bóng loáng. Khi tôi nhớ lại ngày ấy, có vẻ kỳ quặc khi nghĩ đến màu mặt trời lặn và thuyền bè trong lúc đó . Nhưng chúng tôi đều có những ý nghĩ kỳ lạ . Ba đếm nhẩm lại từng phút, tính nhiệt độ của nước biển, tính lại nhiệt độ khi Bing rớt xuống biển . Hai chị tôi thì luôn gọi "Bing ! Bing !" giống như nó đang nấp đâu đó trên đỉnh đồi. Mấy đứa em trai thì ngồi đọc truyện bằng tranh . Rồi khi những chiếc thuyền cấp cứu tắt đèn pha, mẹ tôi nhảy xuống bơi. Mẹ chưa bao giờ bơi một lần trong đời, nhưng mẹ luôn luôn tin nơi cái “quyền biến” của mẹ . Những gì nhân viên cấp cứu người Mỹ làm không được, mẹ sẽ làm được . Mẹ có thể tìm được Bing. Và khi những nhân viên cấp cứu kéo mẹ ra khỏi nước biển, mẹ vẫn nguyên vẹn niềm tin nơi cái "quyền biến" của mẹ . Tóc mẹ, áo quần mẹ, ướt sũng nước lạnh, nhưng mẹ đứng đấy yên lặng, bình tĩnh và vững vàng như một nhân ngư mới bước lên từ biển . Cảnh sát ngưng việc tìm kiếm, bỏ chúng tôi vào xe rồi chở về nhà. Chương 4 - Khổ đau và niềm tin Tôi đợi bị đánh cho đến chết, bởi ba mẹ, bởi chị em tôi. Tôi biết là lỗi tại tôi. Tôi không chịu coi chừng em kỹ càng . Nhưng khi ngồi trong phòng khách không bật đèn, tôi nghe cả nhà thì thào những lời ân hận. - "Tôi ích kỷ quá khi chỉ lo câu cá" - ba nói. - "Hai đứa mình lẽ ra không đi chơi trên bãi một mình" - Janice nói, trong khi Ruth sì sụt hỉ mũi. - "Tại sao anh văng cát vô mặt tôi?" - Luke rên rỉ - "Vì anh mà tôi với anh đánh nhau !" Mẹ thì khẽ công nhận với tôi : - "Chính mẹ bảo con lại ngăn chúng đánh nhau. Mẹ bảo con đừng có nhìn em Bing ." Nếu tôi có thì giờ để cảm thấy nhẹ nhõm được một chút , thì nó cũng tan biến đi nhanh chóng, bởi vì mẹ tôi cũng nói ngay: - "Vì vậy bây giờ mẹ nói con, mình phải đi tìm em, gấp mới được, sáng mai mình đi " . Và mọi người đều nhìn xuống đất . Nhưng tôi thấy đó là hình phạt dành cho tôi: đi với mẹ, trở lại bãi biển, tìm xác của Bing. Tôi không bao giờ ngờ được chuyện mẹ sẽ làm ngày hôm sau. Khi tôi thức giấc, trời vẫn còn tối nhưng mẹ đã mặc sẵn quần áo. Trên cái bàn ăn trong bếp là cái bình thủy, một cái tách trà, cuốn thánh kinh bìa da trắng, và xâu chìa khóa xe hơi. - "Ba xong chưa má ?" - Tôi hỏi. - "Ba không đi" - Mẹ nói. - "Rồi ai chở mình đi ra biển " Mẹ cầm cái xâu chìa khoá lên, tôi đi theo mẹ ra xe. Tôi cứ tự hỏi suốt đường đi làm sao mẹ học lái qua một đêm như vậy được . Mẹ không đọc bản đồ chỉ đường . Mẹ lái thẳng trơn tru,rẽ xuống Geary, quẹo qua Xa lộ Lớn, sử dụng đèn hiệu rất đúng lúc, vào Xa lộ Bờ biển rồi ung dung lái xe vòng theo những đường đồi ngoằn nghoèo mà nhiều người mới lái xe hay bị lạc tay lái. Khi đến nơi, mẹ đi ngay ra chỗ dãy đá ngầm, nơi mà tôi đã thấy Bing rớt xuống . Mẹ cầm cuốn kinh thánh trắng trong tay. Rồi nhìn xuống nước biển, mẹ gọi Thượng đế, giọng nói thấp bé của mẹ mong được đàn chim hải âu mang lên tận thiên đàng . Bắt đầu là "Lạy Cha" và kết thúc với "Amen" còn đoạn giữa thì mẹ nói tiếng Hoa. - "Con luôn luôn tin tưởng nơi phước lành của Ngài," - mẹ ngợi khen Chúa bằng cái cách người Hoa hay phóng đại khi khen . - "Chúng con biết là phước lành của Ngài sẽ đến . Chúng con không phải hỏi. Quyết định của ngài là quyết định của chúng con . Ngài ban thưởng chúng con khi chúng con tin cậy, vâng lời.” - "Để đáp ơn Ngài, chúng con luôn cố gắng bày tỏ niềm tôn kính sâu xa. Chúng con đến nhà Ngài. Chúng con dâng tiền . Chúng con hát thánh ca. Ngài ban thêm phước lành cho chúng con . Bây giờ chúng con bỏ mất một phước hạnh mà Ngài đã ban cho chúng con . Chúng con vô ý . Đúng vậy. Chúng con có nhiều ơn phước quá, chúng con không thể nhớ hết được.” - "Có lẽ vì vậy mà Ngài dấu nó ở đâu để dạy chúng con một bài học, để chúng con luôn quý giá những ơn phước mà ngài ban cho sau này nữa. Con đã học được bài học này. Con sẽ nhớ mãi. Và bây giờ con đến lấy lại bé Bing . " Tôi đứng yên lặng nghe những lời mẹ nói, cảm thấy kinh hoàng . Và tôi bắt đầu khóc khi mẹ nói thêm: - "Tha thứ cho chúng con về những lỗi lầm của nó . Con gái của con, đứa đang đứng đây, sẽ dạy dỗ nó biết vâng lời hơn nữa khi nó trở lại viếng Ngài sau này." Sau lời cầu nguyện, niềm tin của mẹ mạnh đến nỗi mẹ thấy được bé Bing, ba lần cả thảy. Bé vẫy tay với mẹ ngoài làn sóng kia. Mẹ kêu “ - "Kìa !" . Rồi mẹ đứng thẳng như một người lính gác, cho đến khi cả ba lần đều thật ra là những đám rong biển trôi lênh đênh. Không thất vọng . Mẹ đi lại bãi cát, để cuốn kinh thánh xuống . Mẹ lấy cái bình thủy và tách trà rồi đi lại bờ nước . Rồi mẹ kể cái đêm mà mẹ còn sống ở Trung Hoa. - "Mẹ nhớ có một thằng con trai bị mất một cánh tay trong khi chơi đốt pháo. Mẹ thấy máu thịt của cái tay nó xơ xác, nó khóc, rồi mẹ nghe mẹ của nó nói là tay nó sẽ mọc lại, còn đẹp hơn cái tay cũ nữa. Bà mẹ này nói bà sẽ trả hết nợ của tổ tiên bà 10 lần . Bà sẽ dùng nước để làm dịu cơn giận của Chu Dung, ông thần lửa ba mắt . Và sự thật đúng vậy, tuần lề sau, mẹ thấy đứa con trai này cỡi chiếc xe đạp, dùng cả hai tay lái chiếc xe qua trước hai con mắt kinh ngạc của mẹ ! " Rồi mẹ trở nên rất im lặng . Mẹ nói tiếp với vẻ suy nghĩ, cung kính: - "Một người tổ tiên của mình có ăn cắp nước từ một cái giếng thiêng . Bây giờ nước ấy đang muốn lấy lại. Mình phải làm nguội đi cơn giận của Con Rồng Cuộn đang sống dưới biển . Và mình còn phải làm cho nó thả lỏng Bing ra bớt bằng cách cho nó một cái gì quý giá để nó giữ ." Mẹ rót nước trà pha đường vào cái tách, rồi thảy nó vào lòng biển . Rồi mẹ mở tay ra. Trong lòng tay mẹ có 1 cái nhẫn ngọc màu thanh thủy, một món quà của bà ngoại đã qua đời từ lâu. Cái nhẫn này, mẹ nói, làm cho đàn bà nhìn chăm chú quên cả con cái. Nó sẽ làm cho con Rồng Cuộn quên bé Bing đi. Mẹ ném cái nhẫn xuống biển . Nhưng ngay cả chuyện này cũng không làm cho Bing trở lại liền . Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi chỉ thấy rong biển trôi qua. Rồi tôi thấy mẹ bỏ tay lên ngực, và nói với giọng hớn hở - "Thấy chưa, nãy giờ chỉ vì mình nhìn không đúng hướng ." Và tôi, cả tôi, cũng thấy Bing kéo bước mệt nhọc từ xa, ở hướng kia của bãi biển . Đôi giầy của nó trong tay, cái đầu đen của nó cúi xuống có vẻ kiệt sức . Bây giờ tôi có thể cảm được cái cảm giác của mẹ tôi. Cái khoảng trống đau đớn trong tim bỗng được lấp đầy. Trong khi tôi và mẹ chưa kịp đứng vững thì đã thấy nó đốt một điếu thuốc, đến càng gần thì nó cao lần lên, cao lên, rồi trở thành một người lạ. ... - "Về thôi, mẹ ơi" - Tôi cố gắng nói hết sức nhỏ nhẹ. - "Nó kìa" - Mẹ nói một cách chắc chắn . Mẹ chỉ tay vào bức thành đá lởm chởm qua mặt nước . - "Mẹ thấy nó . Nó bên trong cái hang, ngồi trên mấy bậc đá . Nó đói và hơi lạnh, nhưng nó đã bỏ bớt cái tánh cằn nhằn ." Rồi mẹ đứng dậy, và từ từ đi qua bãi cát, giống như bãi cát là một cái đường đi có lát gạch . Còn tôi cố gắng theo sau, té lên té xuống trong bãi cát . Mẹ mạnh mẽ leo dốc lại chỗ xe đậu, hơi thở chẳng hề đứt quảng khi mẹ lôi ra một cái ruột xe trong cái cốp xe. Mẹ lấy dây từ cần câu của ba buộc vô cái phao này. Rồi mẹ đi ra biển trở lại và ném cái phao xuống biển , tay giữ cái cần câu. - "Cái này sẽ trôi ra chỗ Bing . Mẹ sẽ đem nó về" . Mẹ nói một cách cứng rắn . Tôi chưa hề nghe nhiều "quyền biến" như thế trong giọng nói mẹ. Cái phao trôi theo ý mẹ . Nó trôi qua hướng bên kia của cái vòm đá, chỗ có nhiều sóng lớn . Dây câu căng làm mẹ tôi phải giữ chặt cần câu. Nhưng rồi cái dây bị đứt. Cả hai chúng tôi trèo ra tận cuối gềnh đá để nhìn . Cái phao đã hoàn toàn ở bên kia cái vòm đá . Một đợt sóng lớn đánh nó vào thành đá . Cái phao trồi lên rồi bị hút vào trong, dưới cái thành, bên trong cái hang mà mẹ thấy Bing hồi nãy. Cái phao lại trồi ra ngoài. Cứ như vậy, nó biến mất bên trong, trôi ra ngoài, màu đen nhoang nhoáng, trung thành báo cáo nó đã thấy Bing và trở vào trong cố gắng hớt Bing ra từ trong hang . Cứ như thế, nó lặn xuống rồi lại trồi lên, tuy trống không nhưng vẫn đầy hy vọng . Và rồi, sau chừng hơn 10 lần, nó bị hút vào một khoảng nước tối đen, khi nó trở ra, nó bị rách, xẹp lép. Đến lúc đó, và chỉ đến lúc đó, mẹ tôi chịu đầu hàng . Một vẻ mặt nơi mẹ mà tôi sẽ không bao giờ quên . Cái vẻ hoàn toàn tuyệt vọng, kinh hoàng, vì đã mất Bing, vì đã điên rồ nghĩ rằng mình có thể thay đổi số phận chỉ bằng niềm tin . Điều đó làm tôi nổi giận – một cơn giận mù quáng - vì mọi việc đều thất bại. Chương 5 - Một nửa đợi trông, một nửa vô tình Bây giờ tôi biết rằng tôi chưa bao giờ tin tưởng cái việc sẽ tìm ra Bing cả, cũng như tôi biết tôi sẽ không tìm ra cách cứu vãn cuộc hôn nhân của tôi. Me vẫn nói tôi phải cố gắng nữa. - "Để làm gì chứ ?" - Tôi nói - "Chẳng còn chút hy vọng gì . Chẳng còn lý do gì để cố cả". - "Bởi vì con phải làm " - mẹ nói - "Đây không phải là chuyện hy vọng hay lý do gì cả . Đây là số kiếp của con . Đây là đời con, con phải làm ." - "Vậy con phải làm gì ?" Và mẹ tôi nói: - "Chính con phải suy nghĩ, con phải làm gì . Nếu ai đó nói cho con, thì con không có cố gắng gì cả ." Nói xong mẹ đi ra khỏi nhà bếp cho tôi suy nghĩ. Tôi nghĩ đến Bing, tôi đã biết nó đang nguy hiểm thế nào, tôi đã để chuyện ấy xảy ra. Tôi nghĩ về cuộc hôn nhân của tôi, tôi đã thấy những dấu hiệu, tôi thật sự đã thấy. Vậy mà tôi vẫn để chuyện ấy đến . Và bây giờ thì tôi nghĩ số phận được hình thành một nửa bởi sự trông mong, một nửa bởi sự thờ ơ, vô tình . Nhưng một cách nào đó, khi ta mất đi cái gì yêu quý, lòng tin bỗng chiếm ngự . Ta phải chú ý đến cái đã mất . Ta phải đảo ngược lại sự trông mong. Mẹ tôi, mẹ vẫn còn chú ý đến cái đó . Cuốn Thánh kinh dưới bàn, tôi biết mẹ thấy nó . Tôi nhớ đã thấy mẹ viết trong đó trước khi mẹ để nó dưới bàn. Tôi nâng cái bàn lên, đẩy cuốn Thánh kinh ra. Tôi đặt cuốn Thánh kinh lên bàn, lật nhanh các trang, vì tôi vẫn nhớ chỗ đó . Trong cái trang trước phần Tân Ước, có một đoạn tên là "Sự chết", và ở đó mẹ viết chữ "Bing Hsu" mờ mờ, bằng viết chì. - Hết -