Giàu nhất nhờ bán hàng rẻ nhất: Cửa hàng “Năm xu và một hào” Chủ nhật, 17/6/2007, 10:32 GMT+7 Thomas I. Friedman, tác giả của Thế giới phẳng và Chiếc Lexus và cây ôliu, hai cuốn sách nổi tiếng viết về tiến trình toàn cầu hóa, từng nói về Wal-Mart: “Với Wal-Mart, đó là một sự đổi mới vĩ đại. Nó không làm nên mọi thứ, nhưng đem những sản phẩm đến toàn thế giới với một mức giá thấp không thể tin được. Họ đã làm điều đó như thế nào? Đó là một chuỗi cung cấp toàn cầu tạo nên một hiệu quả nguyên tử”. giare.jpg Khẩu hiệu của Wal-Mart: “Giá luôn rẻ”. Thật sự Wal-Mart của tỉ phú Sam Walton, người sáng lập Wal-Mart, đã làm được điều kỳ diệu trong kinh doanh ra sao? Năm 1950, Sam Walton khi ấy còn là một chàng trai trẻ tràn đầy tự tin. Hai năm sau khi trải qua thời gian phục vụ trong quân đội, chàng trai Sam Walton quyết tâm kinh doanh thị trường bán lẻ. Vùng đất đầu tiên ông khởi đầu sự nghiệp cũng là mong ước của người vợ: “Sam, đừng bắt em sống tại một thành phố quá đông đúc. 10.000 người là quá đủ với em rồi”. Đây có lẽ là một sự sắp đặt sẵn của Thượng đế cho chiến lược phát triển lâu dài của Wal-Mart sau này: tấn công vào những thị trường nhỏ lẻ, nơi các “đại gia” đi trước đã không quan tâm đến. Học từ tất cả mọi người Vùng đất đầu tiên họ chọn là Newport, một thị trấn nhỏ bé phía đông vùng Arkansas (Mỹ), nơi chỉ có bông và đường sắt với khoảng 7.000 dân. Tại đây đã có một chủ cửa hàng làm ăn thua lỗ. Nhưng tin tưởng vào quyết định của mình, Sam đổ vào đó 25.000 USD để mua lại, đặt tên cho nó là cửa hàng “Năm xu và một hào” của Walton (Walton’s Five and Dime). Cửa hàng này kinh doanh thật sự thảm bại, tiền thuê mặt bằng quá cao, doanh thu lại không đủ bù vào chi phí bỏ ra. Quan trọng hơn, họ có một đối thủ cạnh tranh đáng gờm: cửa hàng Sterling bên kia đường, có doanh thu gấp đôi cửa hàng của Sam do John Dunham, một quản lý tuyệt vời (như lời Sam nhận xét sau này) làm chủ. Chưa từng có kinh nghiệm quản lý và chưa từng biết tí gì về quản lý, Sam thật sự khó khăn trong những ngày đầu. Tuy nhiên, từ đó chàng trai trẻ rút ra một bài học lớn nhất đời mình: học từ tất cả mọi người! Thời gian đầu Sam luôn “tò mò” nhìn qua cửa hàng bên kia phố. Ông học hỏi tất cả: bảng giá, cách xếp hàng và tất cả những việc đang diễn ra ở đó và về áp dụng cho tốt hơn. Mũi đột phá đầu tiên Sam áp dụng là việc tìm cách mua lại những sản phẩm của nhà phân phối nào bán rẻ nhất để có thể khuyến mãi, giảm giá cho cửa hàng mình. Năm đầu tiên, cửa hàng đạt doanh thu 105.000 USD (so với 72.000 USD của chủ cũ), năm sau là 140.000 USD và rồi 175.000 USD. Cuối cùng, Sam vượt qua mặt “ông già” John Dunham. Và ông có một niềm tin chắc chắn: kinh doanh hạ giá là con đường của tương lai. Cửa hàng thứ hai mà Sam Walton gây dựng nên nằm tại Bentonville, một thị trấn chỉ có khoảng 3.000 dân. Nó cũng được mang tên “Năm xu và một hào”, chuyên kinh doanh bóng bay cho trẻ em, cặp phơi quần áo, chè... và mọi thứ nhu yếu phẩm cần thiết khác. Đây là một cửa hàng tự phục vụ thứ ba trên toàn nước Mỹ, nơi không có hình ảnh nhân viên và máy đếm tiền như những cửa hàng xưa cũ. Chỉ có một máy tính tiền tự động đặt tại quầy. Cho đến tận cuối đời, Sam vẫn còn nhớ như in và thường nhắc lại câu chuyện khi bắt đầu mở một cửa hàng tại Bentonville. Khi đến đây, tình cờ Sam nghe được câu chuyện của hai cụ già. Họ cá rằng trong vòng 60 ngày, cửa hàng này sẽ phải “sập tiệm” như những cửa hàng từng mở ra rồi “chết yểu” trước đó. “Một cửa hàng giảm giá tồn tại ở một thị trấn nhỏ này ư? Thật là một trò đùa”. Nếu muốn thành công như Wal-Mart, Sam đưa ra lời khuyên là: chấp nhận những lời gièm pha, chế giễu và đi theo con đường bạn cho là đúng đắn nhất. Kết quả sẽ chứng minh và thuyết phục tất cả mọi người. Giàu nhất nhờ bán hàng rẻ nhất (Kỳ 2): Vượt thác Chủ nhật, 17/6/2007, 10:40 GMT+7 “Tôi có tâm hồn của một người điều hành, một người luôn muốn công việc đầu tiên trôi chảy, sau đó tiến đến tốt hơn và rồi đạt đến mức tốt nhất có thể được. >> Cửa hàng “Năm xu và một hào” (Kỳ 1) Tôi cho rằng khi mọi người nhìn thấy hình ảnh tôi đi đi lại lại, ghi chép nguệch ngoạc trên những cuốn sổ cũ ngả vàng đầy vết cà phê hay chở các hộp đựng hàng đầy đồ lót phụ nữ, họ đã không đánh giá tôi đúng mức. Họ cho rằng Wal-Mart không thể tồn tại lâu dài. Rõ ràng họ nghĩ chúng tôi chỉ là những kẻ có ý thích nhất thời, hôm nay hoạt động trong ngành kinh doanh bán giảm giá nhưng hôm sau sẽ là kinh doanh ôtô hay đất đầm lầy. Tôi nghĩ sự hiểu lầm đó có lợi cho chúng tôi trong suốt thời gian dài. Nó giúp Wal-Mart bay dưới tầm radar của mọi người cho đến khi chúng tôi bay quá xa để không thể bắt lại được”, Sam Walton viết như vậy. Lên sàn Năm 1968, Sam Walton đã có trong tay 14 cửa hàng tạp phẩm và 18 cửa hàng mang tên Wal-Mart. Đây chính là một bước ngoặt thật sự. Thời điểm này Sam có hai điều phải chọn lựa: tiếp tục mở rộng cửa hàng hoặc phải ngừng hẳn lại nếu mức lợi nhuận thu về không đúng với công sức bỏ ra. Trong khi đó, điều ám ảnh lớn nhất cho Sam đã đến gần. Khoản nợ cá nhân vay mượn từ các ngân hàng và nhiều mối quan hệ thân quen đã lên tới 2 triệu USD. Số tiền này lúc bấy giờ là một khoản lớn. Sam loay hoay, đau đầu để có thể tìm ra một phương án khả thi giải quyết dứt điểm. Và muốn mở rộng cửa hàng thì phải tìm ra một phương án mới, vì lúc này Sam không thể kiếm đủ lợi nhuận để vừa có thể mở rộng vừa trả đủ nợ. w.jpg Cuộc đời Sam Walton giống như cuộc đời của một võ sĩ quyền anh. Muốn trở thành người vô địch, võ sĩ quyền anh phải liên tục thách đấu với những người giỏi và nổi tiếng hơn mình. Một quyết định mới được đưa ra! Mặc dù ý tưởng phát hành cổ phiếu Wal-Mart đã được Sam Walton âm thầm nghiền ngẫm từ lâu nhưng đến bây giờ mới thật sự cấp bách. Sam hiểu rằng chỉ có niêm yết công ty lên sàn chứng khoán mới có thể tiếp tục mở rộng. Và quan trọng hơn, mơ ước kinh doanh hàng giảm giá, đem hàng hóa rẻ với chất lượng tốt cho người tiêu dùng của ông mới tiếp tục được hoàn thiện. Ngày 1-10-1970 đánh dấu một mốc lớn trong sự nghiệp của Wal-Mart. Tập đoàn (lúc này Wal-Mart đã gom các cửa hàng lại thành tập đoàn năm 1969) chính thức trở thành công ty cổ phần, giao dịch cổ phiếu trên thị trường phi tập trung. Công ty chào bán 300.000 cổ phiếu ở mức giá 15 USD nhưng đã bán được 16,50 USD. Giá thị trường của công ty lúc này xấp xỉ 130 triệu USD (15 năm sau đó đã tăng lên 50 tỉ USD). Kết quả là Sam đã trả được hết nợ. Gia đình Walton dù chỉ còn sở hữu khoảng 61% tài sản Wal-Mart nhưng đã có thể thanh toán hết nợ nần với các ngân hàng và mãi mãi không bao giờ phải đi vay mượn nữa. Cho đến sau này, Wal-Mart có tất cả chín lần tách đôi cổ phiếu và số người giàu lên từ việc mua cổ phiếu từ những ngày đầu của Wal-Mart là không thể tưởng tượng nổi. Ví dụ: một người mua 100 cổ phiếu lần chào bán đầu tiên nghĩa là trị giá 1.650 USD. Đến lần tách cổ phiếu cuối cùng, người này sẽ có trong tay số cổ phiếu trị giá khoảng 3 triệu USD (60 USD/cổ phiếu). Năm 1974 là năm mà Wal-Mart đã có một thành tựu khá vững chắc. Gần 100 cửa hàng Wal-Mart đã mọc lên và hoạt động tại tám bang với 170 triệu USD doanh thu và trên 6 triệu USD lợi nhuận. Công ty đã thật sự nổi bật trên thị trường chứng khoán New York. Phố Wall đã bắt đầu tin tưởng hoàn toàn vào mỗi bước đi của Wal-Mart. Về bản thân, Sam đang khá hài lòng về số tiền kiếm được. Con ông cũng đã tốt nghiệp đại học và ra trường sống tự lập. Hằng ngày khi Sam thức dậy, trong đầu ông luôn nghĩ đến một việc gì đấy cần phải cải tiến. Đó là bí quyết của một hành trình vượt thác. Thách đấu Sam Walton nói: “Nếu phải chọn ra một đặc điểm nào đó tạo ra sự khác biệt của tôi đối với người khác chính là sự đam mê cạnh tranh. Nó giữ cho tôi luôn bận rộn, luôn mong chờ những chuyến thăm các cửa hàng sắp mở, cửa hàng kế tiếp hay những hàng hóa sắp đến… Và tôi không hiểu điều gì sẽ xảy ra với Wal-Mart nếu chúng tôi làm chậm lại và không khuấy động sự cạnh tranh với nhiều công ty khác”. w1.jpg Hệ thống siêu thị Wal-Mart tại Mỹ phổ biến rộng rãi đến mức ngày nay nhiều gia đình Mỹ cho biết họ không hình dung được cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu không có Wal-Mart - Ảnh tư liệu. Cuộc đời Sam Walton giống như cuộc đời của một võ sĩ quyền anh. Muốn trở thành người vô địch, võ sĩ quyền anh phải liên tục thách đấu với những người giỏi và nổi tiếng hơn mình. Chỉ khi thắng trận, họ mới giành được chiếc đai vô địch và đăng quang, thay thế vị trí đứng đầu của kẻ vừa bị đánh bại. Sam Walton cũng như thế. Ông liên tục thách đấu với các hãng khác, có thể lớn hơn Wal-Mart, để công ty mình có điều kiện phát triển cao hơn. Không những thế, ông còn thách đấu với cả những tư duy kinh doanh cũ kỹ, lạc hậu tồn tại bao đời, cũng như thách đấu với chính bản thân để tìm ra lối đi đúng đắn nhất cho Wal-Mart. Sau hàng loạt nỗ lực không mệt mỏi, mở được hàng loạt cửa hàng trong những thị trấn ít dân tại nước Mỹ mới là lúc Wal-Mart phải bắt đầu cuộc cạnh tranh lớn nhất đời. Những công ty bán lẻ bằng cách chiết khấu khác như Target, Woolco, Woolworth, Kmart… đã bắt đầu chú ý đến Wal-Mart và tìm mọi cách ngăn chặn sự bành trướng của nó. Sam Walton chỉ còn một con đường: thách đấu. Năm 1972, Sam Walton đã có trong tay 50 cửa hàng Wal-Mart với doanh số khoảng 80 triệu USD/năm. Việc cạnh tranh với các đối thủ thời gian trước đó chỉ là những công ty bán lẻ tương đối nhỏ như Gibson (thuộc Công ty Gibson), Magic Mart (thuộc Công ty Sterling)… Nhưng bắt đầu từ đây trở về sau này, đối thủ của họ là Kmart, một người khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh chiết khấu. Cùng thời gian thành lập như Wal-Mart (năm 1962), sau 10 năm hoạt động Kmart có trong tay khoảng 500 cửa hàng với doanh thu xấp xỉ 3 tỉ USD/năm. Cho dù luôn theo dõi đường đi của Kmart và xem đây sẽ là đối thủ cạnh tranh tương lai của mình, Sam vẫn rất lo lắng trước một cuộc đối đầu không cân sức như vậy. Trong một thời gian dài, mọi cố gắng thử chống lại Kmart của Sam đều không hiệu quả. Chỉ đến năm 1972, một dịp may đã đến. Harry Cunningham, người điều hành nổi tiếng của Kmart, chính thức nghỉ hưu. Những người điều hành còn lại quyết định mua lại hơn 200 cửa hàng của Hãng Grant vừa phá sản và phải nỗ lực để điều hành cũng như quản lý bằng cách né tránh mọi sự thay đổi. Wal-Mart cũng đã tìm được nơi đặt cửa hàng để cạnh tranh hoàn hảo tại Hot Springs, Arkansas. Nơi đây đang chỉ có một mình Kmart thật sự thống lĩnh thị trường. Cửa hàng Wal-Mart tại Hot Springs ngay lập tức qua mặt Kmart vì phương thức bán lẻ với giá thấp hơn nhiều, thu hút người tiêu dùng đổ xô về. Năm 1976, lần đầu tiên “chàng khổng lồ Goliath” Kmart (có khoảng 1.000 cửa hàng) nhận lời thách đấu của “dũng sĩ tí hon David” là Wal-Mart (khoảng 150 cửa hàng). Kmart “đánh” vào sân sau của Wal-Mart bằng cách mở các cửa hàng tại bốn thành phố: Jefferson, Poplar Bluff, Fayette và Rogers. Họ tiếp tục bành trướng theo cách đó trên toàn nước Mỹ tới mức được coi là Thành Cát Tư Hãn trong ngành kinh doanh hạ giá. Sam Walton triệu tập một cuộc họp đặc biệt, đưa ra một kế hoạch khuyến mãi, nhân sự và bán hàng lớn với quyết tâm: “Hãy đối đầu với họ. Cạnh tranh sẽ biến Wal-Mart thành một công ty tốt hơn”. Một thời gian ngắn sau đó, Kmart hoàn toàn bị đánh bật ra khỏi thị trường Wal-Mart đang chiếm lĩnh như Jefferson, Poplar Bluff hay Hot Springs. Thành công của việc này bắt nguồn từ lý do chính là nỗ lực làm vừa lòng khách hàng luôn tốt hơn của Wal-Mart. Sam hiểu rằng để Wal-Mart có thể vượt qua Kmart hoàn toàn, họ buộc phải mở rộng thị trường và lớn mạnh hơn nữa. Khoảng năm 1992, Kmart bất ngờ bị phá sản. Tại Mỹ, Wal-Mart chỉ còn đối đầu với chính mình! Những giai đoạn phát triển đáng chú ý của Wal-Mart: * 1962: Mở cửa hàng đầu tiên tại Arkansas, Mỹ. * 1970: Cổ phiếu Wal-Mart niêm yết trên thị trường chứng khoán. * 1985: Tạp chí Forbes xếp Sam Walton là người giàu nhất nước Mỹ. * 1990: Wal-Mart trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất quốc gia. * 1991: Cửa hàng Wal-Mart đầu tiên ở nước ngoài được mở tại Mexico City (Mexico). * 1997: Wal-Mart có lợi nhuận 100 tỉ USD/năm. * 1999: Wal-Mart có 1.140.000 nhân viên, trở thành tập đoàn có số lượng người làm lớn nhất thế giới. * 2006: Tạp chí Fortune công bố Wal-Mart lần thứ tư liên tiếp đứng đầu danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới và là công ty được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ. Theo PACE Giàu nhất nhờ bán hàng rẻ nhất (Kỳ 3) Vươn ra thế giới Thứ hai, 18/6/2007, 10:35 GMT+7 Đến lúc đó, đối thủ cạnh tranh chính yếu của Wal-Mart chính là Tập đoàn Carrefour (Pháp) - tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai thế giới và Tesco (Anh) - tập đoàn lớn thứ ba. >> Kỳ 1: Cửa hàng “Năm xu và một hào” >> Kỳ 2: Vượt thác tham.jpg Siêu thị Wal-Mart tại Thâm Quyến, Trung Quốc - Ảnh tư liệu Sự đối đầu này chính là thách thức ở cấp cao hơn so với Tập đoàn Kmart chỉ ở trong lòng nước Mỹ. Thị trường lớn nhất chứng kiến cuộc đối đầu này đang là Trung Quốc. Năm 2004, Carrefour có đến 40 cửa hàng tại 23 thành phố của Trung Quốc với doanh thu hằng năm khoảng 12 tỉ nhân dân tệ. Do chen chân vào đây chậm hơn, Wal-Mart mới chỉ có 26 đại lý bán lẻ với doanh thu khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (năm 2003). Theo thống kê, hiện có khoảng 30 trong số 50 tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới đã có mặt tại vùng đất Trung Hoa. Trung Quốc: “Hãy vào làm ăn với đất nước chúng tôi” Sau những lần “bành trướng” không ngừng nghỉ khắp châu Âu, Brazil, Mexico, Nam Phi, Úc..., cuối cùng Wal-Mart đã tiến đến Trung Quốc. Nền kinh tế thuộc loại sôi động nhất đã mở cửa đón một công ty thuộc loại năng động nhất. Trong suy nghĩ của đa số người dân Trung Quốc, siêu thị lớn nhất họ biết lại là Trust-Mart chứ không phải là Wal-Mart hay Carrefour, những hãng bán lẻ nổi danh khắp thế giới. Việc Wal-Mart cần làm lúc này là xác định và nắm bắt được nhu cầu cũng như tâm lý của người dân Trung Quốc. Tại Mexico, do làm tốt điều này mà Wal-Mart nắm giữ được khoảng 60% thị trường bán lẻ tại đây. Nhưng cũng chính người khổng lồ đã buộc phải từ bỏ thị trường Đức và Hàn Quốc khi không đáp ứng được tâm lý mua sắm của người dân tại hai đất nước này. Không quá khó để nhận ra việc e dè cũng như kỳ thị, tìm mọi cách chống trả lại sức “bành trướng” của Wal-Mart tại nhiều quốc gia nó đi qua. Bên cạnh những thành công không có gì để bàn cãi tại châu Âu, Brazil, Mexico..., Wal-Mart cũng vấp phải một số thất bại cay đắng. Năm 1997, khi tiếp cận thị trường nước Đức, lập tức Wal-Mart nhận được những quả đắng đầu tiên. Thay vì vui mừng trước những nụ cười, thái độ niềm nở, lịch sự của các nhân viên Wal-Mart, người Đức lại tỏ ra e dè và nghi ngờ. Kết quả là Wal-Mart bị thua lỗ liên tục, và đến năm 2006 buộc phải bán chuỗi bán lẻ lại cho Metro - một đại gia bán lẻ của nước Đức. Wal-Mart cũng nhận phải một thất bại tương tự tại Hàn Quốc khi ồ ạt “đổ quân” vào. Ngày 23-6-2006, báo International Herald Tribune giật tít “Wal-Mart bán tháo cửa hàng và rút lui khỏi Hàn Quốc”. 16 siêu thị buộc phải sang tay cho Shinsega - đối thủ trực tiếp tại xứ sở kim chi với giá 882 triệu USD. Đây quả là một bài học cay đắng cho người khổng lồ. Wal-Mart tiếp tục đi vào bánh xe đổ của một loạt đại gia trước đó cũng đã bị đánh bật khỏi Hàn Quốc: Carrefour (Pháp) bán chuỗi cửa hàng bán lẻ lại cho E-Land (Hàn Quốc), Google thua trắng Naver Web, Nokia bị “đo ván” bởi Samsung và LG... Nhưng Trung Quốc không phải là Đức hay Hàn Quốc! Đứng trước thông tin Wal-Mart sẽ vào Trung Quốc, lãnh đạo nước này đã tuyên bố: “Hãy vào làm ăn với đất nước tôi”. Hiệu ứng của Wal-Mart có thể chính là thứ mà người Trung Quốc đang cần. Những nhà cung cấp ở đây cũng nhìn nhận Wal-Mart đã có những ảnh hưởng tích cực, thay đổi trong tất cả lĩnh vực từ các hệ thống cung cấp, mạng lưới phân phối đến các dịch vụ khách hàng. Sự phổ biến của các cửa hàng Wal-Mart đang góp phần gia tăng số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc, đồng thời rõ ràng sẽ làm Trung Quốc trở thành một quốc gia cạnh tranh hơn trên trường quốc tế. Các quan chức chính phủ coi Wal-Mart như một phương thức hiệu quả để các nhà sản xuất trong nước nỗ lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển giao của Trung Quốc từ kế hoạch nhà nước sang thị trường tự do. “Nhập gia tùy tục” Trụ sở của Wal-Mart tại Trung Quốc nằm ở Thâm Quyến, thành phố có cảng lớn thứ năm trên thế giới. Wal-Mart càng buộc phải nhập gia tùy tục để không vuột mất thị trường tiềm năng này. Ngoài việc chấp nhận những luật lệ bất thành văn của giới kinh doanh Trung Quốc, lần đầu tiên Wal-Mart phá bỏ lập trường được lập ra dưới thời Sam Walton: cho phép thành lập liên minh trong các cửa hàng. Điều này nghĩa là tạo điều kiện cho yếu tố thứ ba là người quản lý và người lao động “chen chân” vào - điều gần như cấm kỵ tại Wal-Mart. Lý do là tại Trung Quốc, các công đoàn có tầm ảnh hưởng rất lớn. Không cho phép công đoàn phát triển, nghĩa là Wal-Mart đành chấp nhận tự loại bỏ gần như 50% tốc độ phát triển của mình. Cũng như tại Mỹ, Wal-Mart phát triển cùng với tầng lớp trung lưu của Trung Quốc. Khi mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1996, Wal-Mart đã không có gian hàng mỹ phẩm, vì khi đó có vẻ xa xỉ và không cần thiết. Hiện nay, các cửa hàng của Wal-Mart đều có quầy mỹ phẩm ngay cạnh cửa chính, được hoàn thiện với cách trưng bày diễn đạt dưới hình thức chiếu rọi tứ phía, bên cạnh các bức chân dung khổng lồ của các phụ nữ châu Á hấp dẫn, trang điểm đẹp. Bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1996, đến nay Wal-Mart đã thiết lập hơn 60 cửa hàng với khoảng 80 chi nhánh bán lẻ tại 34 thành phố. Wal-Mart cũng đang dự định mở thêm nhiều cửa hàng khác trong năm 2007, đồng thời sẽ tăng số lao động tại đây từ 36.000 người hiện nay lên 150.000 người trong năm năm tới. Mốc son quan trọng nhất là Wal-Mart sẽ dốc 1 tỉ USD mua lại mạng lưới đại siêu thị lớn nhất Trung Quốc Trust-Mart. Doanh thu của Trust-Mart năm 2005 là 1,67 tỉ USD, trong khi Wal-Mart chỉ có doanh thu 1,3 tỉ USD tại thị trường Trung Quốc. Doanh thu năm 2005 của Carrefour là hơn 2 tỉ USD. Dự kiến Wal-Mart sẽ mua 31 cửa hàng của Trust-Mart và nâng dần tỉ lệ cổ phần sở hữu trong tập đoàn này. Giới quan sát cho rằng việc sáp nhập Trust-Mart vào Wal-Mart sẽ giúp tập đoàn này vươn lên trở thành tập đoàn có hệ thống bán lẻ và kho hàng lớn nhất Trung Quốc. Và lúc đó, Wal-Mart sẽ trở thành số một, vượt Carrefour và Tesco. Một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng khác mà Wal-Mart đã nhắm đến không thể không nhắc tới là Ấn Độ. Trước khi chính thức tấn công vào Ấn Độ, công ty đã tranh thủ khai thác thị trường này bởi những đơn hàng có tổng trị giá đến 1,6 tỉ USD cho hàng may mặc, đồ da. Để tiến vào nước này, Wal-Mart đã bắt tay với Sunil Mittal - nhà cung ứng điện thoại di động số một Ấn Độ. Tại đây, hiện Sunil Mittal nắm giữ 200 cửa hàng phân phối. Việc liên doanh với Wal-Mart sẽ đem đến lợi ích cho cả hai phía: cổ phiếu của Sunil Mital tăng cao và thời gian mở rộng chuỗi cửa hàng của Wal-Mart tại Ấn Độ sẽ được rút ngắn (dự tính hoàn thành trong năm năm). Cũng như tất cả các quốc gia khác đi qua, người dân đều e ngại sự “xâm lăng” của Wal-Mart. Không chỉ dẫn đến nạn lương thấp và thất nghiệp, những nhà kho của Wal-Mart luôn bị e ngại là ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lúc này Wal-Mart đã đưa ra “nước cờ” mới: nhượng quyền thương hiệu. oOo Sam Walton luôn lo lắng các thế hệ tương lai của nhà Walton có thể biến thành “một lũ nhà giàu vô công rỗi nghề”, bởi theo ông, “chỉ có thể giàu có nhờ tiết kiệm và làm việc cật lực”. Theo Pace Giàu nhất nhờ bán hàng rẻ nhất (Kỳ cuối): Triết lý 1 USD Thứ ba, 19/6/2007, 11:17 GMT+7 Có một câu chuyện về Bill Gates - ông chủ Microsoft - được rất nhiều người trên thế giới biết đến: nếu Bill đang bước đi trên đường và trông thấy tờ 100 USD ai đó đánh rơi, Bill sẽ không cúi xuống nhặt lên. >> Kỳ 1: Cửa hàng “Năm xu và một hào” >> Kỳ 2: Vượt thác >> Kỳ 3: Vươn ra thế giới Bởi với thời gian đó, Bill có thể làm ra số tiền gấp nhiều lần giá trị của tờ tiền 100 USD này. Đó chỉ là câu chuyện được thêu dệt để nói lượng tiền khổng lồ Bill Gates làm được. Nhưng có một câu chuyện khác thực tế hơn nhiều. Vào khoảng đầu năm 1992, thời điểm Sam Walton còn điều hành Wal-Mart trước khi qua đời, doanh thu của Wal-Mart đã lên tới 1 tỉ USD/tuần. Như vậy, một phút Sam có trong tay khoảng 100.000 USD. Với số tiền thu về như vậy, giả sử có bắt gặp tờ 100 USD đánh rơi trên đường, Sam có mất thời gian cúi xuống nhặt lên hay không? Chắc chắn là có! Tích cóp từng đồng xu lẻ Đây là một câu chuyện thực mà Stephen Pumphrey - thợ chụp ảnh - kể lại: “Tôi nhớ mãi cảnh một lần khi đang chuẩn bị chụp ảnh Sam Walton đứng trên đường băng tại một sân bay nhỏ ở bang Missouri. Ông ấy đang nhìn đường băng và tôi làm như vô tình đánh rơi đồng 5 xu, rồi quay sang đánh cá với trợ lý của tôi “hãy xem liệu ông ta có nhặt nó lên không?”. sama.jpg Đối với Sam, bài học để đánh giá giá trị 1 đồng USD luôn ám ảnh trong cả đời kiếm tiền của ông - Ảnh tư liệu Máy bay đang cất cánh và hạ cánh, còn Sam vội bước tới, chuẩn bị tư thế như để chụp một bức ảnh khác. Ông nói: “Anh muốn tôi đứng phía nào trên đồng 5 xu đó?”. Còn đây là lời của Bud Walton - em trai Sam - về việc này: “Khi một đồng xu (chỉ một đồng xu) nằm trên đường phố, có bao nhiêu người sẽ nhặt nó lên? Tôi dám cá là tôi sẽ làm điều đó. Và chắc chắn Sam cũng sẽ làm y như vậy”. Đối với Sam, bài học để đánh giá giá trị 1 đồng USD luôn ám ảnh trong cả đời kiếm tiền của ông. Ông nói: “Chỉ khi biết đánh giá đúng giá trị, lúc ấy mới có thể thu về những đồng USD khác”. Có lẽ lý do quan trọng nhất khiến tính cách này của Sam cũng như những người trong gia đình bắt nguồn từ chính cuộc sống đầy khó khăn lúc nhỏ. Tuổi thơ của Sam rơi vào giai đoạn đại khủng hoảng của nước Mỹ, gia đình Sam cũng như nhiều gia đình khác đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Cha của Sam - ông Thomas Gibson Walton - bị thất nghiệp trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, ông phải vào làm việc tại công ty của anh trai - công ty cầm cố Walton. Vào thời kỳ 1929-1931, ông phải lấy lại hàng trăm trang trại từ những người chủ sở hữu lâu đời nhưng vì khó khăn phải đem cầm cố. Có mặt cùng cha trong những chuyến đi khó khăn này, Sam đã chứng kiến một hình ảnh đầy đau đớn: những giọt nước mắt của người từng là chủ một nông trang nay không còn “mảnh đất cắm dùi”. Ấn tượng này in đậm mãi mãi vào tâm trí của cậu bé Sam và nung nấu cho Sam quyết tâm không bao giờ phải đối mặt với tình cảnh này trong cuộc đời. Từ năm lớp 7 đến khi học tại Trường đại học Columbia, Sam Walton vẫn duy trì đều đặn việc bán báo để nuôi sống bản thân mình và nuôi dưỡng ý chí tự lập. Việc tích cóp từng đồng xu lẻ ảnh hưởng mạnh tới Sam và tạo cho ông đức tính tiết kiệm đến cuối đời. Tiền không có nghĩa là giàu có Khi kiếm được nhiều tiền, rất nhiều người biến cuộc sống của họ thành xa hoa. Họ phung phí tiền bạc mua du thuyền, xe hơi hiện đại, làm những trò khác người và nhanh chóng nổi tiếng. Còn Sam sống kín đáo và tiết kiệm đến mức khi tạp chí Forbes bầu ông là người giàu nhất nước Mỹ vào năm 1985, các tờ báo và truyền hình khắp nước mới bắt đầu đặt câu hỏi: “Đó là ai?”, “Ông ta sống ở đâu?”... Tất cả tờ báo khắp nước Mỹ lúc đó đều đăng tải hình ảnh chụp lén người giàu nhất nước Mỹ ngồi cắt tóc tại một cửa hiệu nhỏ nhoi, trông có vẻ tồi tàn tại quảng trường thành phố. Đây là một tiệm cắt tóc quen thuộc của ông vì nó cắt đẹp và giá cả phải chăng. Nhìn tấm ảnh đăng trên báo, ông ngửa mặt kêu trời: “Tại sao tin tôi cắt tóc lại là tin nóng? Vậy tôi phải cắt tóc ở đâu đây ngoài tiệm cắt tóc?”. samb.jpg Năm 1992, doanh nhân Sam Walton (trái) được Tổng thống Bush trao huân chương Vì tự do - giải thưởng cao quí của quốc gia - Ảnh tư liệu Thậm chí, khi mọi người đồn đại về sự giàu có không thể tưởng tượng được của Sam, ông cũng chẳng nghĩ như thế! Triết lý của Sam đơn giản như thế này: nếu nhân giá cổ phiếu của Wal-Mart với số lượng mà ông và Helen Walton (vợ ông) nắm giữ thì họ có khoảng 20-25 tỉ USD, nhưng ông không coi nó là của mình! Với Sam, tiền không có nghĩa là sự giàu có. Ông cần nhà cửa, có nhà cửa. Cần máy bay đi đến các cửa hàng, có máy bay. Cần những con chó săn chim để đi săn bắn, có chó săn chim. Cần đi du lịch, có thể đi du lịch. Cần có điều kiện giáo dục con cái, có thể gửi chúng đến những ngôi trường tốt nhất... Đó là sự giàu có. Thế là quá đủ! Mỗi lần đi công tác, Sam và cộng sự luôn ở chung trong một phòng trọ rẻ tiền và ăn tại những quán ăn bình dân nhất. Thậm chí, có lần tại Chicago, cả tám người (bao gồm cả Sam) chỉ thuê một phòng trọ không lớn lắm trong một chuyến đi mua hàng. Đây là triết lý của ông đối với vấn đề tiền bạc: “Đôi khi có người hỏi tôi là tại sao lại ở trong một phòng trọ rẻ tiền như thế khi mà Wal-Mart đã đạt đến doanh thu trên 50 tỉ USD. Thật đơn giản, vì chúng tôi biết cách đánh giá giá trị của đồng USD. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tồn tại để cung cấp giá trị cho khách hàng của mình. Điều ấy có nghĩa là ngoài chất lượng và dịch vụ, chúng tôi phải tiết kiệm tiền cho họ. Mỗi khi Wal-Mart tiêu xài 1 USD hoang phí, nghĩa là tiêu đi số tiền lấy từ túi của khách hàng. Rất nhiều câu chuyện xa hoa đang diễn ra tại những công ty thành công khác. Nhiều tổng giám đốc chỉ ngồi chót vót trên cao và không quan tâm đến bất cứ người nào. Điều này khiến tôi buồn lòng. Đó là một trong những sai trái của giới kinh doanh Mỹ ngày nay!”. Bởi thế, Sam Walton luôn lo lắng về thế hệ tương lai của nhà Walton. Vì khi thế hệ này lớn lên, họ đã được thừa hưởng một gia tài và một nền tảng không gì có thể tốt hơn. Sam không thể bắt các con mình phải đi phát báo mỗi sáng như ông trước kia. Ông cũng không thể bắt các con mình thực hiện những bước đi của mình lúc trước. Điều đó là phi thực tế. Nhưng ông lo rằng thế hệ sau của ông có thể biến thành “một lũ nhà giàu vô công rỗi nghề”. Bởi vậy, song song với việc điều hành công ty, công việc mà Sam luôn quan tâm trong cả cuộc đời mình là dạy dỗ, chăm sóc, tạo cho con cái một nền tảng giáo dục vững chắc. Những người con của ông từ khi sinh ra, lớn lên đều phải hiểu một triết lý: “Chỉ có thể giàu có bằng việc tiết kiệm và làm việc cật lực”. Herry Cunningham - sáng lập viên Kmart, đối thủ cạnh tranh sừng sỏ và lớn nhất của Wal-Mart tại Mỹ - từng nhận xét rằng: “Sam là một trong những nhà kinh doanh vĩ đại nhất thế kỷ!”. Theo PACE