Siêu lường gạt trở thành cố vấn chuyên môn FBI (Kỳ 1) Từ ngân phiếu “ma” đến phi công dỏm! Thứ tư, 18/4/2007, 15:44 GMT+7 Frank Abagnale từng là một trong những kẻ bị truy lùng gay gắt nhất thế giới. Là tên lường gạt và bịp bợm bậc thầy, Frank Abagnale đã vẽ ra cho chính hắn con đường ngoạn mục leo lên những bậc thang cao nhất của xã hội thượng lưu. Và đã trở thành nhân vật chính của nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh… fbi.jpg Frank Abagnale Bước “khởi nghiệp” của siêu lừa Năm 16 tuổi, Frank Abagnale bỏ nhà ra đi chẳng thèm nói một lời từ biệt với bất cứ một người nào. Trong trương mục ngân hàng hắn có 200 USD và đó là gia tài mà bố hắn đã để lại cho hắn. Sau khi thu dọn những vật dụng cá nhân, những bộ quần áo lành lặn nhất, Frank đáp tàu đến New York. Khi đến nơi hắn kiếm được chân thư ký trong một văn phòng, tuy nhiên chỉ tuần sau hắn đã cảm thấy không thể nào sống nổi ở New York với số lương 60 USD mỗi tuần. Dĩ nhiên một cậu bé 16 tuổi không thể nào được trả số lương của một người đàn ông đã trưởng thành về tuổi tác lẫn kinh nghiệm làm việc. Biết vậy, chỉ trong một đêm sau khi cạo sửa bằng lái xe, Frank đã biến mình từ một cậu bé 16 tuổi thành một thanh niên 26 tuổi. Với vóc dáng cao to, chẳng có ai nghi ngờ và lập tức hắn được nhận vào làm việc cho một công ty xe bus với tiền lương 2,5 USD/giờ. Với một xấp ngân phiếu trong tay, Frank thường ký ngân phiếu trả tiền mỗi khi tiền mặt trong túi hắn đã cạn. Sau vài lần ký, Frank hiểu rằng 200 USD chỉ là một món tiền quá nhỏ bé so với lối sống… công tử con nhà giàu của hắn tại New York. Nhưng đối với Frank, tiền trong trương mục còn hay hết chẳng là vấn đề, hắn cứ tiếp tục ký những tấm… ngân phiếu “ma” và tiếp tục cuộc đời sáng rượu sâm banh, tối sữa bò của hắn. Sau khi nhận ra ký chi phiếu “ma” khỏe hơn là làm cho công ty xe bus, Frank bỏ việc và bắt đầu trở thành một tên tội phạm chuyên gian lận bằng cách ký các chi phiếu “ma”. Cũng lo sợ rằng không sớm thì muộn, mình sẽ bị cảnh sát phát hiện tóm cổ, Frank ngày đêm suy nghĩ tìm cách chuyển nghề. Một ngày kia khi lang thang gần một khách sạn hạng sang chờ cơ may, Frank tình cờ nhìn thấy phi hành đoàn của một công ty hàng không đang được tiếp đón long trọng. Vào thời đó, phi công các hãng hàng không quốc tế là những người đàn ông lịch lãm và giàu có, được kính trọng tại khắp nơi trong xã hội. Tự nhiên Frank nghĩ rằng nếu hắn giả dạng làm phi công thì hắn sẽ được đón chào trang trọng tại các khách sạn và dĩ nhiên chẳng có ai nghi ngờ một phi công lịch lãm lại có thể dùng chi phiếu giả. Thế là lập tức Frank quyết tâm tìm cách biến mình trở thành một phi công của Hãng Hàng không Pan Am và đi đến tòa nhà của công ty này để hy vọng tìm ra một bộ đồng phục phi hành. Theo Frank thì bọn tội phạm trên thế giới có thể chia làm hai loại. Loại thứ nhất là loại thường luôn bị dằn vặt giữa thiện và ác khi bắt tay thực hiện một tội ác nào. Loại thứ hai là loại thiện - ác chẳng phải là vấn đề quan trọng. Hậu quả của các hành vi tội phạm cũng chẳng làm những người này quan tâm. Điều quan tâm chính của loại tội phạm này là chúng luôn luôn coi tội ác cũng như một trò chơi mà thôi và thành quả thu được là thú phiêu lưu mạo hiểm. Nhập vai phi công phụ hãng Pan Am fbi1.jpg Leonardo DiCaprio đóng vai Frank Abagnale trong phim “Catch Me If You Can” Frank cho rằng hắn chính là loại tội phạm thứ hai. Tìm số điện thoại của văn phòng Công ty Pan Am trong danh bạ điện thoại, Frank báo cho một cô nữ thư ký trực điện thoại biết rằng hắn là Robert Black, phi công phụ của Công ty Pan Am sẽ có một chuyến bay tối nay đi Los Angeles. Tuy nhiên ai đó đã ăn trộm bộ đồng phục phi hành đoàn của hắn. Cô thư ký liền gọi điện thoại giới thiệu hắn với Công ty may mặc Well Built Uniform, chuyên cung cấp đồng phục cho phi công của hãng Pan Am. Kết quả, chỉ một tiếng đồng hồ sau, Frank bước ra khỏi cửa Công ty Well Built Uniform trong một bộ đồng phục sang trọng với những cầu vai sáng rực và chỉ kim tuyến vàng chói lọi. Tại cửa hàng trang phục của Công ty Pan Am ở phi trường quốc tế Kennedy cũng như tại của hàng của Công ty Well Built Uniform, Frank đều khai hắn là Robert Black, phi công phụ với số lương ngụy tạo là hàng chục ngàn USD/năm. Ngồi trong phòng ăn sang trọng của phi trường, Frank quan sát cẩn thận mọi viên phi công mặc đồng phục và nhận ra rằng đa phần các viên phi công này chẳng hề quen biết nhau. Hắn chú ý đến tấm thẻ căn cước đeo trên ngực của đại đa số các phi công và hoạch định kế hoạch để kiếm ra một tấm thẻ như thế. Đồng thời, Frank cũng suy nghĩ làm thế nào để thu thập được càng nhiều kiến thức càng tốt về Công ty Pan Am và cuộc sống cũng như phong cách làm việc của các phi công của hãng này. Frank nhận ra rằng đa số những điều mà hắn cần biết về Công ty Pan Am và các phi công lại là những điều mà hắn không thể tìm đọc trong sách báo hay các thông tin đại chúng khác. Frank liền đóng vai một học sinh và đến Công ty Pan Am xin gặp một phi công để xin giúp hắn làm một bài luận văn tốt nghiệp lớp 12 nói về nghề phi công với Hãng Hàng không Pan Am. Sau khi được một phi công của Pan Am vui vẻ tiếp chuyện, Frank xưng tên là Bobby Black, bắt đầu đặt ra những câu hỏi mà hắn muốn biết về Pan Am và cuộc đời phi công. Cuối cùng khi kết thúc buổi nói chuyện dường như thấy Frank có vẻ yêu thích nghề phi công, viên phi công của Pan Am đã thành thật chúc Frank một ngày kia sẽ được đeo trên cầu vai chiếc cánh vàng huy hiệu của phi công hàng không dân sự. Chiếc cánh vàng thì Frank đã có từ lâu và nay hắn cần có một tấm thẻ căn cước và một tấm bằng lái máy bay của hãng Pan Am. Theo Ngọc Lữ Siêu lường gạt trở thành cố vấn chuyên môn FBI (Kỳ2) Những cú lừa “ngoại hạng”! Thứ tư, 18/4/2007, 15:57 GMT+7 Vài ngày sau, Frank đã có được trong tay tất cả những gì mà hắn muốn và bắt đầu lui tới những khách sạn sang trọng nhất thuê phòng ở. Khi rời khỏi khách sạn, Frank lại ký trả bằng những chi phiếu “ma” và khi khách sạn phát hiện được đó là những chi phiếu không tiền bảo chứng thì Frank đã bay đến một thành phố khác và lại tái diễn trò cũ của hắn. Từ ngân phiếu “ma” đến phi công dỏm! phicong.jpg Frank Abagnale (phải) đang “cố vấn” nhập vai chính mình. Ảnh: T.L Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc Từ khi mang trên người bộ đồng phục phi công của Hãng Hàng không Pan Am, Frank cũng cảm thấy đời hắn lên hương ghê gớm. Không biết bao nhiêu con gái đẹp như mơ thuộc những gia đình đàng hoàng quý phái bắt đầu để mắt đến hắn. Những cô gái này không những sẵn sàng lao vào vòng tay của hắn trong những cơn say ái ân chất ngất, mà còn lôi hắn về nhà để giới thiệu với bố mẹ, toan tính chuyện trăm năm. Tuy nhiên, khi rời khỏi khách sạn của mỗi thành phố, hắn cũng quên luôn những cô gái đẹp cùng những lời thề non hẹn biển của hắn. Cho dù hắn muốn cưới các cô con gái kia làm vợ thì cũng chẳng được, vì hắn… mới có 17 tuổi và luật pháp chẳng hề cho trẻ vị thành niên kết hôn. Trong thời gian giả dạng làm phi công phụ của Hãng Hàng không Pan Am, Frank đã đi “chui” máy bay không mất tiền đến 200 lần và rất nhiều lần hắn đã leo vào ngồi trong ghế lái của phi công chính. Trong những lần đó, cứ tin chắc như bắp rằng Frank là phi công của Hãng Hàng không Pan Am đi công tác, các phi công chính hay phụ đã rời khỏi ghế lái, nhờ Frank vào ngồi thế để họ đi vào các phòng sau… tán gẫu với các nữ chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp! Một hôm kia, khi vừa bước lên chiếc máy bay 106 của Hãng Hàng không Pan Am bay từ New Orleans đến Miami, Frank đã bị cảnh sát trưởng của hạt Dade County lễ phép mời về đồn cảnh sát do có tình nghi rằng hắn không phải là phi công của Pan Am. Tiếp đó, một nhân viên của FBI cũng được mời đến nhưng vận may của Frank quá lớn! Cả hai nhân viên an ninh trên không thể khám phá ra giấy tờ của hắn là đồ giả và cũng không thể kiểm tra tức khắc được hồ sơ nhân viên của Pan Am. Vì thế, cuối cùng phải trả tự do cho Frank. Vào thời đó chưa có hệ thống computer lưu trữ tư liệu cá nhân của nhân viên như hiện giờ và sự may mắn của Frank một phần nhờ vào các phương tiện quản lý và kỹ thuật an ninh của thời đó còn lạc hậu. Ngựa quen đường cũ! Sau lần đó, Frank cảm thấy rằng hắn không thể làm phi công của Pan Am được lâu dài nữa nên liền bỏ tiền mua một vé máy bay đàng hoàng bay sang một tiểu bang khác. Tại bất cứ tiểu bang nào và tại bất cứ một thành phố nào, Frank cũng có ít nhất một cô gái đang chờ đợi hắn và vì thế hắn như một ông hoàng Arab tha hồ ăn chơi và hưởng lạc. Khi đến Atlanta, hắn vào ký hợp đồng trong một khách sạn ở một năm và ghi tên hắn là Frank Williams. Khi điền vào ô nghề nghiệp, tự nhiên Frank bí thế không biết ghi gì và viết đại nghề nghiệp của hắn là bác sĩ. Khi nhân viên khách sạn hỏi hắn là bác sĩ chuyên khoa nào, hắn nhanh trí trả lời rằng bác sĩ chuyên khoa nhi vì… vùng đó chẳng có nhiều trẻ em! Cũng theo bài bản cũ, Frank bắt đầu nghiên cứu về nghề bác sĩ và chẳng bao lâu sau mọi người đều gọi hắn là bác sĩ Frank Williams. Và lần này những phụ nữ theo hắn toàn là thành phần trí thức, xinh đẹp, với mơ mộng rằng có thể trở thành bà bác sĩ, cùng chồng lái xe Mercedes rong chơi khắp phố phường. Thời gian sau khi “nghề” bác sĩ hết “ăn khách”, Frank lại chuyển sang làm luật sư không bằng. Tự xưng là luật sư tốt nghiệp Đại học Harvard, hắn được bổ nhiệm làm trợ lý giám đốc của một công ty luật và cuối cùng được bổ nhiệm làm giáo sư xã hội học tại Trường Đại học Utah. Song song với việc giả dạng làm các chuyên gia trong các lãnh vực hàng không, y khoa và luật pháp, Frank vẫn tiếp tục “nghề” ký chi phiếu ma và làm ngân phiếu giả, chiếm đoạt được số tiền lên đến 2,5 triệu USD. Khi sa lưới pháp luật, Frank là tên tội phạm bị truy nã khắp 26 nước và trên mọi tiểu bang của nước Mỹ. Hắn mới có 21 tuổi và từng bị các án tù lên đến 5 năm tại Pháp, Thụy Điển và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì tài năng “ngoại hạng”, nên cuộc đời tù tội của Frank kéo dài không lâu. Hiện nay đã có gia đình và ba con, Frank tiếp tục đi chu du thế giới để… tư vấn cho các đại công ty về các chiến dịch phản gián chống lại bọn lừa bịp quốc tế. Suốt thời gian hơn 30 năm qua, Frank chính là một trong những cố vấn chuyên môn hàng đầu của FBI, thuộc đơn vị chống lại các tội phạm kinh tế. Có thể nói rằng Frank Abagnale là một tên tội phạm thiên tài có một cuộc đời “ngoại hạng”. Theo Ngọc Lữ