Có người ví von Model Siemens SL45 như tác phẩm của một họa sĩ tài hoa nhưng không gặp thời. Từ khi xuất hiện, khoảng giữa năm 2000 đến cách đây một hai năm, nó không để lại dấu ấn gì đáng kể, chỉ đến khi nhà sản xuất đã giơ tay đầu hàng, SL45 mới nổi lên như một hiện tượng, không chỉ ở Việt Nam. Phần 1: Chọn mua SL45 SL45 là một chiếc điện thoại dạng thanh có kiểu dáng phổ biến thời lúc nó ra đời: các góc được bo tròn, hơi dày và thô, thêm một chiếc ăng-ten nằm ngay góc trên bên phải. SL45 giống như một “gã nhà quê” giữa muôn vàn “công chúa”, “hoàng tử” kiểu dáng siêu mỏng cùng ăng-ten được tích hợp bên trong. Tại thời điểm xuất hiện, SL45 được xem như một “công cụ số” mạnh mẽ với khả năng chơi nhạc MP3 qua thẻ nhớ và tính năng ghi âm chất lượng tốt, tuy nhiên, do thẻ nhớ chỉ 32MB (nhưng nó có thể sử dụng thẻ nhớ 64MB), SL45 không được phổ dụng. Ngày nay, với sự tràn ngập của các thiết bị hỗ trợ, các “chuyên gia kĩ thuật” (các thợ không bằng cấp) đã phát triển cho SL45 những tính năng khiến cả nhà sản xuất Siemens phải giật mình: có thể lắp thẻ nhớ lên tới 2GB. Chọn mua SL45 Siemens đã sản xuất 3 model SL42, SL45, SL45i cho thị trường chung, và 6688, 6686, 6686i cho thị trường Trung Quốc. Về phần mềm, các model trên có một vài khác biệt nhưng phần cứng, hầu như giống nhau. Người chơi không quan tâm lắm đến việc chiếc máy của mình thuộc model nào kể trên, bởi hầu như chúng đều được “chạy” lại phần mềm để có thể mở rộng thêm nhiều tính năng so với phiên bản gốc. Vì vậy, dân trong nghề gọi chung các model trên là SL45. Mặc dù Siemens đã ngưng sản xuất từ lâu nhưng SL45 hàng mới hiện tại vẫn được bán trên thị trường (tại Tp.HCM: 89 Hồ Văn Huê. Q Phú Nhuận hoặc tại các cửa hàng chợ Đặng Dung hoặc Baby mobile Quán Thánh, Hà Nội). Theo những người trong giới, đây là nguồn hàng xuất xứ từ Trung Quốc, chứng tỏ nhu cầu sử dụng SL45 vẫn còn rất lớn. Những chiếc SL45 này được bán với giá dưới 700 ngàn đồng, mặc dù không thể so sánh cùng những chiếc máy được sản xuất từ Đức trước kia nhưng chế độ bảo hành (từ 1-6 tháng tại các cửa hàng) tạm chấp nhận khiến người mua vẫn có thể yên tâm phần nào. Nhưng dù là một tay chơi sành sỏi hay một newbie (người mới), việc khát khao cầm trên tay chiếc SL45 nguyên bản từ Đức vẫn khiến người ta “sôi sùng sục”. Dựa vào đó, đa số người bán luôn khẳng định máy mình có xuất xứ từ quê hương của nhà độc tài Hitler, nhưng sự thật những chiếc SL45 nguyên bản thời đó bây giờ rất hiếm, hoặc đã bị “dựng” lại hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể nhận diện ba model SL45-SL45i và SL42 khác nhau như sau: - SL45 là model đầu tiên xuất hiện năm 2000. Còn SL42 và SL45i ra đời năm 2001) - SL42 là phiên bản của SL 45 với thẻ nhớ theo máy chỉ 16MB. Các bạn lưu ý là trên thị trường Việt Nam lúc đó chỉ có SL45i xuất hiện chính thức. SL45 chỉ là hàng xách tay còn SL42 thì gần như rất hiếm. - SL45i hỗ trợ chạy các trình Java. Do đó, về nguyên bản chỉ có SL45i mới có thể cài thêm các trình hỗ trợ để dùng thẻ nhớ 2GB hay các trình nghe nhạc phụ trợ. Nhưng khi model này dùng đến thẻ 256MB thì rất hay bị trục trặc vì năng lực “mod” có giới hạn. Theo kinh nghiệm, phần thân nhựa của những chiếc SL45 nguyên bản không có khe đeo móc khóa, và vỏ do được tráng một lớp đồng phía dưới nên khi chạm vào máy lúc đang sạc pin sẽ có hiện tượng giật nhẹ nếu nối đất. Những dòng chữ Siemens, SL45(i) được in màu đen sắc nét dưới lớp mica bảo vệ màn hình máy, và qua từng ấy năm sử dụng, một chiếc máy dù xuất xứ từ Đức cũng không thể còn mới. Cách thử tốt nhất, chắc chắn nhất là bạn tháo máy ra xem tường tận những chi tiết bên trong coi độ sắc nét thế nào, và những chiếc máy nguyên bản bao giờ cũng được khắc chìm bằng laser logo Siemens cùng ngày tháng sản xuất lên mainboard. Đó là những chấm nhỏ như đan vào nhau (trên vài mainboard “dỏm” thỉnh thoảng vẫn có, nhưng giống những mũi kim). Bạn rất khó kiếm những chiếc SL45 gốc Đức còn nguyên bản, đa số đều bị “bung” máy và qua sửa chữa. Không thể phủ nhận những ưu điểm tuyệt vời của chiếc SL45 thời đó, nhưng ngay cả những “chuyên gia” chơi SL45 mà e-Chip MOBILE có dịp tiếp xúc cũng khó kiếm và đang sử dụng những chiếc có xuất xứ từ Trung Quốc. Dù SL45 mới hay cũ, bệnh phổ biến nhất của dòng “dế” này vẫn là “trung tần”, do đó, khi mua máy, bạn hãy thử bằng cách cho một thẻ SIM VinaPhone hoặc MobiFone vào máy và bật nguồn. Nếu quá trình khởi động hoàn tất mà ngay sau logo mạng có dấu chấm than bạn không nên mua. Bạn nên bấm máy gọi thử một số nào đó vài lần, nếu máy liên tục báo “Call end” chắc chắn máy đó đã bị lỗi “trung tần”. Theo kinh nghiệm, có rất ít người ở cả hai miền Nam, Bắc có thể sửa lỗi này. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra kỹ trước khi mua bàn phím, đèn hình, sóng, chân tiếp xúc thẻ… của máy. Phần sau, e-Chip MOBILE sẽ tư vấn kĩ hơn về cách sử dụng SL45 và một số thủ thuật mà những “người chơi gạo cội” đang thực hiện cùng với những “con dế” được chế tác bằng tay rất “độc” của cộng đồng “chơi” SL45. * Nhiều người đánh giá khả năng nghe nhạc của SL45 ngang với dòng điện thoại Walkman danh giá của Sony Ericsson khi qua tai nghe. Ngoài ra, để chiếc SL45 “độc” hơn, người ta thậm chí còn “chế tác” bằng tay những chiếc vỏ gỗ giả Mobiado cho nó. Cùng việc "tậu" một chiếc SL45, bạn nên tìm một tai nghe đủ tốt Phần 2: “Chơi” SL như thế nào? Với không quá 700 ngàn đồng, bạn đã có thể sở hữu một chiếc SL45 mới cứng được bảo hành ít nhất một tuần, hoặc lâu hơn tùy thỏa thuận. Tuy nhiên, dòng Siemens SL45 này bị chung một lỗi lớn, C35, S35 và M35 sau một thời gian sử dụng - khoảng 1 năm, bạn sẽ thấy xuất hiện hiện tượng treo máy. Tình trạng này gần như không thể khắc phục được, ngay cả khi chạy lại hoàn toàn hệ điều hành. Khả năng nổi trội của SL là chơi nhạc MP3 nhưng rất ít khi phụ kiện đi kèm có tai nghe. Jack chuyển từ chân audio của SL45 ra đầu cắm chuẩn 3,5 mm là phụ kiện phổ biến. Và người sử dụng khi “tậu” một chiếc SL45, việc đầu tiên, họ phải kiếm cho được một chiếc tai nghe đủ tốt. Chọn tai nghe Vì yêu cầu về tính cơ động, bạn không nên mua những loại tai nghe chụp (full-size) rườm rà, mà nên quan tâm đến những kiểu đang dùng phổ biến như tai nghe thông thường (ear-phone) và tai nhét (in-ear). Những “newbie” có khả năng tài chính eo hẹp thường vẫn chọn Sharp KCM chân trắng (80 ngàn đồng) hoặc chân vàng (130 ngàn đồng), chất lượng âm thanh tuy không xuất sắc nhưng rất ổn. Cùng mức giá 130 ngàn đồng có Sony MDR E808, hay Sony MDR E737 giá hơn 200 ngàn đồng, cao hơn, Sony EX51 có giá 330 ngàn đồng. Những “đại gia” chơi SL45 vẫn có thể mua Senheinser PX100/PX200 với giá gần 1 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu âm nhạc của mình. Tuy theo lí thuyết, giá càng cao, chất lượng âm thanh tai nghe càng tốt nhưng mỗi người có một cách cảm nhận âm nhạc khác nhau. Mỗi kiểu tai nghe phù hợp với từng thể loại nhạc nên để chọn chúng, bạn nên nghe thử vài model sao cho có một “trợ thủ” âm nhạc thật tốt. Tuy hơi chủ quan nhưng rõ ràng, qua các thử nghiệm với cùng một tai nghe tốt, chất lượng âm thanh của SL45 và Sony Ericsson W700i không cách xa nhau lắm. Chọn pin Các model đời đầu đều có pin mỏng, dung lượng không cao. Những chiếc SL45 mới hiện nay thường bán kèm pin dày, dung lượng cao hơn nhưng tính thẩm mĩ bớt đi. Những viên pin dày có chữ Siemens khắc chìm hay tem Scud màu vàng là loại nên mua, giá khoảng trên 100 ngàn đồng. Ngoài ra, để đảm bảo tính thẩm mĩ mà thời gian sử dụng pin vẫn cao, người ta chọn cách “mod” pin, dùng những viên pin 5C, 6C của Nokia gắn vào nắp nhựa của những viên pin Siemens mỏng, giá cho viên pin như vậy cũng trên 100 ngàn đồng. Chọn bản “Fubu” thích hợp Đây là bản “full backup” sẽ cài lên máy, bao gồm HĐH và các ứng dụng kèm theo. Hiện tại, có hai bản “fubu”: Paradise và MacOs, mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, bạn cần lưu ý để chọn bản thích hợp. Bản Paradise có xuất xứ từ Trung Quốc nên chỉ có hai ngôn ngữ Anh, Hoa. Tuy không có tiếng Việt và menu thỉnh thoảng xen lẫn tiếng Anh - Hoa nhưng bản này ổn định và có nhiều ứng dụng đi kèm. MacOs có tiếng Việt và khả năng chơi nhạc có vẻ tốt hơn nhưng cách chỉnh bass, treble trong trình nghe nhạc hơi khó. Có điều cần lưu ý, đối với nhiều tai nghe chất lượng không cao, bạn nên để bass mức 2, treble mức 3, âm lượng mức 7 bởi để mức cao hơn, tai nghe sẽ bị “phá”. Khi mua máy mới, bạn có quyền yêu cầu người bán “cài” cho mình bản “fubu” thích hợp và nhớ đòi hỏi luôn cả phần mềm chơi video để xem việc “play” video trên chiếc máy màn hình đen trắng nhỏ xíu thú vị thế nào! “Độ” loa ngoài SL45 không có loa ngoài, nên để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc đến tận cùng, những “moder” đã ra tay. Lợi dụng những cục pin dày luôn có khoảng hở nơi nắp nhựa phía sau, các “moder” đã dùng khoảng trống vài centimet vuông đó để đặt vào đấy một chiếc loa nhỏ (thường của Nokia 6230 hay Sony Ericsson dòng P) và một mạch âm thanh. Qua nhiều thử nghiệm, giờ đây chiếc loa ngoài gắn khá thẩm mĩ trên pin cho chất lượng âm thanh rất khá đã được “thương mại hóa” với giá khoảng 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, cách độ như thế can thiệp nhiều vào phần cứng nên khiến máy rất dễ hư hỏng. Nhưng theo một moder, dù như vậy cung vẫn đang không đủ cầu. SL45 với vỏ gỗ giả Mobiado rất "sành điệu" “Mod” vỏ Người chơi SL45 dường như không bao giờ thỏa mãn với những gì đạt được, dù việc tích hợp Java vào SL và phát triển những ứng dụng trên nền đó đã là một thành công vang dội. Chiếc SL45 giờ đã cực kì “độc” với việc sơn vỏ đỏ Ferrari, màu cam “hot” của Sony Ericsson dòng W, xi inox sáng chói (giá trên 100 ngàn đồng), và thậm chí xi vàng 14 K cho toàn bộ vỏ (trên dưới 600 ngàn đồng)… Nhưng đỉnh điểm của những chiếc SL45 “siêu độc” này ở chỗ, chúng đã được những “moder” biến thành Mobiado, chiếc điện thoại vỏ gỗ danh tiếng. Chiếc “SL Mobiado” tập hợp tất cả những tính năng “thời thượng” người ta có thể làm thời điểm này, và giá cho một chiếc máy “Limited Edition” như thế hiện trên dưới 2 triệu đồng. *Giá tham khảo trong bài được những thành viên chủ chốt của trang Web: sl4x.com - forum của những người yêu thích Siemens SL45 cung cấp. Hải Đăng