Công nghệ Wibro bị đánh cắp Thứ tư, 20/6/2007, 15:29 GMT+7 Gián điệp công nghệ từ lâu luôn và là một vấn đề làm đau đầu các nước phát triển trên thế giới nói chung và Hàn quốc nói riêng. Gần đây nhất ở Hàn Quốc, Tập đoàn Posco đã bị ăn cắp công nghệ bán ra nước ngoài. Gián điệp công nghiệp đang là vấn đề nhức nhối mà Hàn Quốc phải đối mặt. Từ vụ 9 nhân viên cũ và mới làm việc cho Tập đoàn Kia Motors bị cáo buộc bán 9 công nghệ cốt lõi về chế tạo và sản xuất phương tiện cơ giới tiện ích ngành thể thao cho một hãng chế tạo xe của nước ngoài để lấy 230 triệu won (248.000 USD), đến vụ một chuyên viên của Samsung Electronics bị bắt vào tháng 3/2007 vì mưu toan “bàn giao” công nghệ điện thoại di động cho một liên doanh mà chuyên viên này lập ra ở Cộng hòa Kazakhstan. Gần đây nhất là vụ công nghệ Wibro bị đánh cắp tại Tập đoàn POSCO để bán cho nước ngoài. wibro.jpg Gián điệp công nghiệp đang là vấn đề “nhức nhối” ở Hàn Quốc Bốn nhân viên là kỹ sư làm việc cho một chi nhánh của Tập đoàn POSCO, một đại gia sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc, bị cáo buộc đã tìm cách tuồn công nghệ nguồn không dây cho nước ngoài. Theo Văn phòng Công tố Trung ương Seoul, 4 người này (3 người là nhân viên cũ và 1 người là nhân viên mới) bị cáo buộc đã đánh cắp bí mật công nghệ không dây bao gồm dịch vụ Internet không dây tốc độ cao, tức là công nghệ Wibro, từ Posdata, một đơn vị làm dịch vụ máy tính, công nghệ thông tin của POSCO. Wibro là viết tắt của cụm từ “Wireless broadband Internet” (mạng băng rộng không dây). Công nghệ băng rộng không dây di động mới nhất được phát triển ở Hàn Quốc và được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế từ năm 2005. Hàn Quốc được đánh giá là thành công trong việc thương mại hóa công nghệ này lần đầu tiên vào năm 2006. Sử dụng dải tần 2.3 GHz, công nghệ Wibro mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng như dịch vụ di động nhanh và giá rẻ. Với công nghệ LAN không dây như hiện nay, người sử dụng gặp trở ngại khi di chuyển hoặc ở xa điểm kết nối. Trong khi đó dịch vụ Internet không dây thì lại có giá cao. Tuy nhiên, với dịch vụ Wibro, nó có đủ sức mạnh của cả hai công nghệ hiện hữu. Người sử dụng có thể sử dụng thoải mái dịch vụ Internet liên tục và nhanh chóng ngay cả khi đang di chuyển với tốc độ 80km/giờ. Theo các báo ở Hàn Quốc, Posdata và Samsung Electronics đã đầu tư tổng cộng là 590 tỷ won để phát triển công nghệ này. Theo thông tin từ Hãng Thông tấn Yonhap, dẫn lời các công tố viên thì số tiền của thương vụ gián điệp công nghiệp này lên đến 190 triệu USD sẽ được trả bởi một công ty Mỹ. Theo hồ sơ khởi tố, 3 trong số 4 kỹ sư là những nhân viên cũ của Posdata, bị cáo buộc đã nhận thông tin bí mật công nghệ từ một chuyên viên đang làm việc cho POSCO bằng các e-mails trong thời gian từ tháng 10/2006 đến tháng 3/2007. Các nghi can có kế hoạch bán các thông tin mật này cho Inquadron, một công ty mà họ đã thành lập trước tại Thung lũng Silicon ở Mỹ để thực thi thủ đoạn bất hợp pháp của họ. Những người này còn mở một văn phòng của Inquadron để chiêu dụ thêm 20 nhân viên của Posdata với mức lương hậu hĩnh nhằm đánh cắp công nghệ Wibro. Rồi sau đó, theo cáo buộc, họ sẽ cộng tác bán toàn bộ Inquadron cho một hãng viễn thông của Mỹ. Các bí mật công nghệ bị đánh cắp bao gồm các “bản ghi nhớ kỹ thuật” chứa đựng các phân tích chuyên môn về phát triển công nghệ Wibro, “các thẻ kênh trạm cơ sở” nhằm xác định việc thực thi của các trạm Wibro cơ sở, và các bản kết quả thử nghiệm các thiết bị liên quan. Tuy nhiên, tài liệu bị đánh cắp (chỉ được nhận diện bởi chữ viết tắt “I”) đã bị kiểm tra và chặn đứng đúng lúc. Theo đánh giá của Posdata, thiệt hại có thể sẽ lên đến 15 nghìn tỉ won, hoặc 15,3 tỷUSD nếu công nghệ Wibro bị bán cho công ty Mỹ. Số tiền này có lẽ là con số cao nhất cho riêng một vụ rò rỉ tình báo công nghiệp ở Hàn Quốc. Các chuyên gia đầu ngành dự báo công nghệ Wibro sẽ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 33 nghìn tỷ won nội địa và mang đến 270.000 công ăn việc làm cho người lao động làm trong vòng 6 năm tới. Theo số liệu của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc, năm 2002 chỉ có 5 vụ việc về gián điệp công nghiệp nhưng đã tăng lên 31 vụ năm 2006. Hồ sơ theo dõi cho thấy có 237 vụ rò rỉ công nghệ trong năm 2006, tăng từ 39 vụ năm 1999 với thiệt hại ước định hàng tỷ won. Chính điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh công nghệ không chỉ trong phạm vi từng công ty mà còn đối với cả đất nước kim chi. Theo Lê Anh Hoàng