Calvin Klein - Một thiên tài quảng cáo Thứ năm, 14/6/2007, 16:04 GMT+7 "Bất kì thứ gì chúng tôi quảng cáo đều gây tranh cãi. Nếu nó quá khiêu khích, gợi cảm và liên quan đến sản phẩm mà chúng tôi đang bán, tôi sẽ không ngần ngại làm. Tôi thích quảng cáo" - Calvin Klein đã nói như vậy về triết lý quảng cáo của mình. >> Muốn thành tài, hãy nuôi dưỡng niềm đam mê! >> Calvin Klein - Kẻ chinh phục có đôi tay phù thủy Và ông cũng áp dụng toàn bộ triết lý đó cho việc lăng xê chính bản thân, bất kể đó là rượu, tình riêng hay những câu phát ngôn gây sốc. Bước đi 1: Đẩy quảng cáo lên đến tận cùng giới hạn Dù nói thế nào, Klein cũng là một thiên tài quảng cáo. Đẩy mọi thứ tới ranh giới của nó và thay đổi các tiêu chuẩn đang tồn tại, Klein đã tái định nghĩa điều gì là có thể chấp nhận được trong quảng cáo thời trang. Dù có người thích và người không, nhưng Klein vẫn biết cách điều khiển quyền lực và tận dụng tối đa mối liên kết giữa thương hiệu với những người mẫu gợi cảm, quyến rũ, trẻ trung. klein1.jpg Calvin Klein - người đàn ông nổi tiếng và không kém phần tai tiếng. Ảnh: Corbis Dấu hiệu đầu tiên của một Calvin Klein - thiên tài quảng cáo - xuất hiện vào năm 1979, khi ông để người mẫu Patti Hansen chụp ảnh trong tư thế quỳ trên đầu gối và mặc đồ jeans bó của Klein. Bức ảnh được in khổ lớn và treo ở quảng trường Thời đại. Và nó đã nằm ở đó 4 năm liền - một kỉ lục. Thành công tiếp theo được nhiều người nhắc đến như một quảng cáo kinh điển là chiến dịch quảng cáo do người mẫu trẻ khác - Brooke Shields - đảm nhiệm. Vẫn là chiếc quần jeans bó sát, nhưng lần này đi kèm câu nói đầy ấn tượng "Tôi có bảy chiếc quần CK trong tủ áo, và nếu chúng biết nói chuyện, thì tôi tiêu mất" và "Không có gì ngăn cách tôi và những chiếc quần jeans của Calvin". Tuy nhiên, việc sử dụng những người mẫu quá trẻ (lúc đó Brooke mới chỉ 15 tuổi) để khơi gợi nhục cảm giới tính đã khiến cho công chúng phẫn nộ. Kết quả là cả ba đài truyền hình lớn lập tức cắt quảng cáo của Klein. Nhưng dẫu có cắt thì cũng đã muộn. Doanh số bán hàng nhảy vọt lên 2 triệu chiếc quần jeans/tháng. Lợi nhuận còn giúp cho Klein mở rộng sang các lĩnh vực khác như áo phông, váy và áo khoác. Năm 1980, các sản phẩm này đã mang về cho công ty 180 triệu đôla. klein.jpg Một trong những quảng cáo bị coi là quá thiên về nhạy cảm giới tính của CK. Ảnh: Corbis Đến năm 1982, khi Klein bước vào lĩnh vực kinh doanh đồ lót, ông đã sử dụng chính những bài học quảng cáo trước để tạo ra sự khởi đầu ấn tượng. "Tôi tạo ra đồ lót để khiến mọi người gợi cảm hơn. Khi tôi quảng cáo chúng, chắc chắn tôi sẽ cho mọi người thấy những điểm mạnh của chúng. Và tất nhiên, tôi sẽ đưa đồ lót của tôi cho một người có thân hình hoàn hảo mặc, nam hãy nữ, không quan trọng với tôi", Klein nói. Quảng cáo thành công? Phải bị... lấy trộm! Và người mà Klein chọn để mặc đồ lót mới là một vận động viên nhảy sào Olympic. Chỉ trong một đêm, tất cả 25 mẫu được dán trên 25 chiếc xe buýt của New York đều bị... lấy trộm! Nhưng Klein cho đó là điềm may, bởi quảng cáo phải hay đến mức nào người ta mới muốn chôm chỉa. Ngay lập tức, ông áp dụng triết lý thiết kế của mình vào lĩnh vực đồ lót phụ nữ. Năm 1984, nhu cầu của khách hàng lớn đến nỗi các cơ sở sản xuất của Klein không thể đáp ứng nổi. Ông đã quyết định bán chi nhánh sản xuất cho tập đoàn Kayser Roth Corp. với mức giá 11,2 triệu đôla. Năm 1985, Klein tiếp tục trình diễn khả năng marketing thiên tài của mình với một loạt mẫu quảng cáo cho dòng nước hoa mới Obsession. Chỉ riêng cho dòng nước hoa này, Klein đã "chịu chơi" chi 23 triệu đô la cho quảng cáo trên truyền hình và báo chí. klein2.jpg Mẫu quảng cáo đồ lót của CK còn bị... chôm chỉa chỉ trong 1 đêm .Ảnh: Corbis Một lần nữa, sức gợi cảm giới tính được Klein sử dụng tối đa. Trong một bức ảnh quảng cáo, hai người đàn ông ở trần cùng ôm một người phục nữ. Mặc dù gây quá nhiều tranh cãi và không ngừng bị phản đối, nhưng Klein vẫn một mực duy trì triết lý marketing của mình. Nhờ đó, bức ảnh ấy đã trở thành bức quảng cáo được nhớ đến nhất của năm và của cả bốn năm sau đó. Obsession cũng trở thành loại nước hoa bán chạy thứ hai trên thế giới Bước đi 2: Mở quỹ đạo hấp dẫn cho mình Đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp bằng cách tạo ra những sản phẩm và chiến dịch quảng cáo hấp dẫn nhất, nhưng Klein cũng không quên tiếp thị hình ảnh cho chính mình. Không chỉ nổi tiếng với những câu "khó nghe", Klein còn buộc giới truyền thông phải nhắc đến mình như là một hiện tượng của xã hội. Ly dị vợ, nghiện ngập suốt thời gian dài, Klein một thời còn bị cho là biểu tượng của cộng đồng đồng tính. "Tôi thích bất kì ai mà tôi có thể giao tiếp với họ. Người Do Thái, người Thiên Chúa, người đồng tính, nếu bạn có thể kể ra". Tại sao người ta lại nghĩ như vậy? Bởi họ phê phán rằng ông có vẻ ưu ái hơn với nhóm người này. Thậm chí, đến dòng đồ lót nam cũng từng được coi là "đồng phục cho dân đồng tính". Khi những bức quảng cáo người mẫu của Klein dán trên xe buýt bị đánh cắp, ngay lập tức, dư luận cũng gán ngay cho nhóm đồng tính tại New York là thủ phạm. Dù vậy, Klein thừa đủ thông minh để phủ nhận bất kì nỗ lực phê bình nào về việc ông ưu ái dân đồng tính. Bởi ông hiểu, rõ ràng đó là cú đánh vào cả sự nghiệp kinh doanh chứ không còn là sự chỉ trích cá nhân. "Bạn không thể chỉ quảng cáo cho một nhóm người. Nếu vậy, bạn sẽ chỉ có một doanh nghiệp vô cùng nhỏ bé trong tay" - Klein nói. klein3.jpg Calvin Klein thậm chí còn bị ném bánh vào người khi đi nhận giải thưởng cho người thiết kế thời trang năm 2001. Ảnh: Corbis Và minh chứng cho chìa khóa dẫn đến thành công của ông chính là những nỗ lực thu hút khách hàng từ mọi thành phần trong xã hội, từ “thứ trang phục mà mọi người đều mặc" cho tới đồ lót, nước hoa, váy, áo... "Đã có một sự thay đổi trong thái độ của nam giới đối với trang phục. Trong quá khứ, người vợ mua quần áo cho chồng. Điều đó ngày càng hiếm ngày nay. Những người đàn ông Mỹ ngày càng nhận thức hơn về thời trang, họ không sợ thời trang, họ thích mặc đẹp hơn và sẵn sàng chi nhiều tiền và thời gian hơn để lựa chọn quần áo" - Klein nhận xét. Chính vì lẽ đó, Klein tự lấy chính mình làm biểu tượng của sự thay đổi. Các chiến dịch quảng cáo của Klein không nhằm vào một cộng đồng nhỏ nào, mà hướng tới tất cả mọi người, từ những cô gái trẻ cho tới các quý ông trung niên thành đạt. Trong thị trường cạnh tranh ngày các khốc liệt đó, Klein hiểu rằng nếu muốn tồn tại, cách quan trọng là phải biết cách tự biến mình thành nhân vật đặc biệt có sức hút, bởi nếu ông chủ chỉ tạo ra đôi ba dấu chân mờ nhạt thì rốt cuộc sẽ chẳng còn ai nhớ nổi ông ta đã làm được cái gì. Theo Long Hoàng Muốn thành tài, hãy nuôi dưỡng niềm đam mê! Thứ năm, 14/6/2007, 15:43 GMT+7 Chẳng có gì là vô ích, nếu như những hành động của bạn bắt đầu từ niềm say mê. Không cần chơi với bọn trẻ, nhưng những bài học may vá từ người bà, những chuyến mua quần áo hạ giá với mẹ hay quá trình tập sự tại New York đều giúp Klein hiểu rõ hơn công việc của mình. >> Calvin Klein - Kẻ chinh phục có đôi tay phù thủy Nổi tiếng với những thành công trong ngành thời trang, nhưng Klein cũng phải trả giá cho những đam mê đó, chỉ bởi vì ông muốn trở thành chuyên gia hàng đầu. Từ khi còn là một đứa trẻ, Klein đã không chơi với bạn đồng lứa hàng xóm. Mặc cho tụi bạn chế nhạo, cậu bé Calvin vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà và theo đuổi niềm đam mê bị coi là đầy "nữ tính". Thậm chí, với mỗi chuyến đi mua đồ hạ giá, cậu bé đều biến nó thành một chuyến thực hành: học hỏi các loại quần áo và và tận tay kiểm tra chi tiết của các thiết kế. Những kinh nghiệm từ rất sớm này là bước đi nền tảng rất tốt cho những thiết kế sau này của Klein. Đặt mục tiêu rõ ràng như vậy, Klein đã ghi danh vào trường phổ thông Mỹ thuật Công nghiệp, nơi chàng trai trẻ có thể nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của mình. Việc trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật Thời trang danh giá của New York là phần thưởng xứng đáng dành cho sự chăm chỉ và những nỗ lực bao năm tuổi thơ. cklein.jpg Calvin Klein trong chính những trang phục của mình. Ảnh: Corbis Cho dù không ngừng tự học hỏi, song Klein cũng hiểu được tầm quan trọng của việc được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp để có thể tiến bước trong ngành thời trang. Sau khi tốt nghiệp, Klein không thành lập công ty ngay lập tức. Ông biết rằng vẫn còn những kỹ năng mà mình chưa biết và ông quyết định trở thành người tập sự cho một số nhà tạo mẫu danh tiếng ở New York. Và Klein bắt đầu chuyến hành trình như thế, bằng cách học hỏi mọi khía cạnh của thiết kế - từ phong cách một kiểu may cho đến thiết kế một đường may nổi. Công việc đầu tiên của Klein là làm ở một công ty sản xuất váy với mức lương 55 đôla/tuần. Sau khi thấy rằng mình đã học được tất cả, ông từ bỏ và bắt đầu làm việc cho nhà sản xuất người Ý Millstein. Tại đây, ông kiếm được 75 đôla/tuần và ở lại với Millstein vài năm vì ông được giao quyền thực hiện nhiều công việc và có cơ hội phát triển các kỹ năng của mình. "Tôi đã học được rất nhiều, vì ông ấy đã ném tôi vào "hang rắn". Đó là một ngành kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, còn Millstein là một ví dụ hoàn hảo cho thế giới đó", Klein nhớ lại. Khi mối quan hệ giữa hai người không còn được tốt đẹp, Klein bắt đầu chán ngán với những sản phẩm mà họ làm ra, ông chuyển tới làm việc cho hai công ty khác với mức lương 20.000 đôla để thiết kế trang phục phụ nữ. Sau khi gặp rắc rối vì cố gắng đàm phán để có được một hợp đồng những sáng tạo của riêng mình, Klein nhận ra rằng ông đã học được tất cả từ những người khác. Giờ là lúc ông bắt đầu công việc của chính mình. Không lâu sau đó, Calvin Klein Ltd. được thành lập. Ngày nay, với hơn 200 nhà thiết kế làm việc tại văn phòng, Klein vẫn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo chuyên nghiệp trong khi tuyển dụng. "Người khác có thể làm được việc khi không được đào tạo chính quy về thiết kế, nhưng tôi không tuyển những người đó cho đến khi nào họ được đào tạo chính quy. Tôi luôn tìm kiếm những người tài năng, sáng tạo, hiện đại trong suy nghĩ và làm việc chăm chỉ. Vì chúng tôi đang ở trong một ngành công nghiệp rất, rất cạnh tranh.", Klein nói. Chỉ bằng cách học từ người khác và trở thành một chuyên gia, ông mới có thể phát huy được niềm đam mê và để lại dấu ấn của mình trong thế giới của thời trang. Theo Long Hoàng Calvin Klein - Kẻ chinh phục có đôi tay phù thủy Thứ ba, 5/6/2007, 18:03 GMT+7 Nhạy cảm thời trang và thiên tài marketing đã biến Calvin Klein thành "kẻ chinh phục" xuất chúng với những ảnh hưởng đáng kể trong suốt nửa thế kỷ qua. Không chỉ là thầy phù thuỷ trong lĩnh vực thời trang, ông còn là nhà kinh doanh đại tài - người đã dựng nên một công ty trị giá hàng tỷ đôla và một nhãn hiệu có thể được thấy trên mọi thứ, từ đồ jeans, nước hoa cho đến đồ lót. calvinklein.jpg Calvin Klein Khởi nghiệp Niềm đam mê mà Klein có được bắt nguồn từ những năm tháng tuổi thơ ở Bronx, New York. Cậu bé Calvin Klein sinh ngày 19/11/1942 trong một gia đình nhập cư Áo-Hungary. Cha Klein có một cửa hàng tạp hóa và Calvin hay ở đó giúp ông bán hàng. Không bao giờ chơi thể thao với bọn trẻ hàng xóm, sở thích của cậu khá lạ đời: ở nhà tự học cách tạo mẫu và may vá. Niềm yêu thích tiếp theo của cậu là đi mua sắm quần áo giảm giá cùng mẹ. Vì thế, cậu có rất ít bạn. Tuy nhiên, cậu không cô đơn, bởi cậu có một tình yêu đặc biệt với thời trang. Rất rõ ràng với mục tiêu của mình, khi chỉ mới 20 tuổi, Klein đã tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Thời trang ở New York. Hai năm sau đó, năm 1964, Klein cưới người vợ đầu tiên - cô bạn học Jayne Centre, và khởi nghiệp tại quận thời trang New York. Sau một thời gian làm việc cho một nhà tạo mẫu váy, Klein chuyển sang tạo mẫu áo khoác châu Âu với tiền lương 75 đôla/tuần. Thời điểm đó, những nhà tạo mẫu lớn của Mỹ chỉ đơn giản bắt chước các mẫu của châu Âu. Kinh nghiệm trong những năm đầu làm việc đã cho Klein một cái nhìn xuyên suốt về ngành kinh doanh thời trang và giúp Klein rèn luyện những kỹ năng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, việc chỉ sao chép những mẫu thiết kế khiến cho Klein cảm thấy chán nản. Khi 26 tuổi, Klein bỏ học việc và quyết định mở công ty riêng. Calvin - Kẻ chinh phục Với 2.000 đô la dành dụm được và 10.000 đô la vay từ người bạn Barry Schwartz, Klein đã thành lập công ty Calvin Klein Ltd. Schwartz trở thành đối tác của Klein và cả hai bắt đầu tham gia vào trò chơi đầy biến ảo của ngành thời trang. Tập trung đầu tiên của Klein là vào dòng áo khoác. Ông tạo ra những mẫu thiết kế riêng, sử dụng những kỹ năng học được từ công việc trước. Sau một năm, mọi chuyện chuyển biến bất ngờ. Một doanh nhân đi nhầm cầu thang máy và tình cờ dừng bước trước văn phòng của Klein. Đây chính là doanh nhân chuyên thu mua áo khoác cho cửa hàng Bonwit Teller. Sau khi đặt lô hàng trị giá tới 50.000 đôla, ông ta đã nói: "Ngày mai, mọi người sẽ biết đến cậu". Chỉ tính riêng trong năm đó, doanh số của công ty đã đạt tới 1 triệu đôla. ck1.jpg Calvin Klein nổi tiếng bởi những sản phẩm thời trang ấn tượng và những quảng cáo gây sốc. Tạo được ấn tượng rồi, nhưng Klein chưa dừng lại ở đó. Năm 1973, ông thiết kế ra dòng quần áo thể thao đầu tiên và ngay lập tức trở thành tay chơi chính trong ngành công nghiệp thời trang. Bộ sưu tập của ông bắt đầu nổi tiếng với tên gọi "Phong cách Calvin Klein". Trong ba năm liên tiếp kể từ năm 1973, Klein được trao tặng giải thưởng Coty - giải thưởng danh giá nhất trong ngành thời trang. Nhưng khi đang tận hưởng thành công thì gia đinh Klein tan vỡ. Sau khi ly dị năm 1974, Klein sa vào con đường nghiện ngập. Bốn năm trời, ông là khách hàng quen thuộc của các hộp đêm và mê man trong tiệc rượu. Chỉ khi cô con gái 11 tuổi của ông là Marci bị bắt cóc năm 1978, cuộc sống của Klein mới yên tĩnh trở lại. Marci trở về nhà an toàn, và Klein quyết tâm tập trung vào công việc. Những mẫu thời trang và quảng cáo gây sốc Vì sao Klein được yêu mến? Klein là một nhà thiết kế xuất sắc, đúng vậy. Nhưng điều thật sự gây ấn tượng của Klein là khả năng kinh doanh và marketing thiên tài trong việc đưa ra các mẫu quảng cáo cuốn hút và phát triển ngành kinh doanh của mình thành một đế chế toàn cầu. Có thể ông chưa bao giờ được học về kinh doanh và marketing, nhưng những kiến thức của ông về xu hướng thị trường, hình ảnh và tác động tới tâm lý khách hàng đã biến ông thành một biểu tượng và trở thành đề tài bàn luận của nhiều trường kinh doanh nổi tiếng. Từ bỏ những mẫu thiết kế cổ điển và không có nhiều cá tính, Klein đã làm một cuộc cách mạng với một phong cách đơn giản và sang trọng. Cuối thập kỷ 1970, Klein tung ra một khái niệm thời trang hoàn toàn mới: thiết kế đồ jeans với mức giá phải chăng. Năm 1980, ông khởi động chiến dịch marketing rầm rộ cho bộ sưu tập đồ jeans bó của mình. Với người mẫu 15 tuổi Brooke Shields trong một tư thế thách thức đầy gợi cảm và nói "Không có gì ở giữa tôi và quần áo hiệu Calvin", Klein đã bán được 200.000 chiếc quần jeans chỉ trong tuần đầu tiên. Khách hàng như phát sốt với những chiếc quần jeans này, còn chị em phụ nữ trên toàn thế giới thì chứng minh quan điểm đồng tình với Brooke Shields bằng cách bỏ tiền ra mua đồ hiệu CK. Cũng có người chỉ trích quảng cáo của Klein, nhưng doanh số thì không ngừng tăng lên. Klein đã một mình làm thay đổi cách mà thời trang được tiếp thị ra công chúng. ck3.jpg Calvin Klein - một nhãn hiệu nổi tiếng có thể được thấy trên mọi thứ, từ đồ jeans, nước hoa cho đến đồ lót. Tranh cãi về chuyện gây sốc lại ghé thăm Klein vào năm 1982 khi ông giới thiệu dòng quần lót nam với chiến dịch quảng cáo đầy mạo hiểm: những người mẫu nam chỉ mặc độc có chiếc quần lót mang nhãn hiệu Calvin Klein. Nó đã làm đảo ngược quan điểm xưa nay về đồ lót nam: không chỉ là một sản phẩm để dùng, nó còn là một biểu tượng đầy nhục cảm. Một lần nữa, những người đàn ông chọn đồ lót CK hy vọng rằng họ có thể gợi cảm giống như những người mẫu quảng cáo khi mặc đồ lót này. Xa hơn một bước nữa, Klein đã xóa nhòa ranh giới giữa hai giới tính khi thiết kế những bộ đồ bikini nam tính cho phụ nữ. Không may, năm tiếp theo, công ty của Klein lại gặp khó khăn. Công chúng bắt đầu nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ AIDS. Vì thế, những gì liên quan đến sự gợi cảm giới tính không còn được ủng hộ. Nhu cầu cho các kiểu quần áo bó của Klein không còn cao như trước. Sau khi mua Puritan Jeans với mức giá 65,8 triệu đôla, Klein rơi vào cảnh túng thiếu. Ông kết hôn lần thứ hai và lại ngập trong chất kích thích và men rượu. Nhưng Klein, lại một lần nữa, vượt qua chính bản thân mình. Vận may đã đến với Klein khi bạn ông, ông trùm truyền thông David Geffen mua lại 60 triệu đôla khoản nợ của công ty. Calvin Klein Ltd. đã được phục hồi và Klein cũng vậy. Không lâu sau đó, ông bắt đầu giới thiệu những dòng sản phẩm hợp túi tiền hơn và mở rộng thương hiệu sang các lĩnh vực khác như kính râm, đồng hồ và ví. Ông cũng giới thiệu loại nước hoa dùng cho cả hai giới đầu tiên với cái tên CK One, đồng thời liên kết nước hoa với giới tính và sự gợi cảm để biến dòng nước hoa cao cấp của mình (như Obsession, Eternity, Escape, CK One, Contradiction…) thành sản phẩm được ưa chuộng bậc nhất trên thế giới. Năm 2002, Klein đã bán công ty của mình cho tập đoàn Philips Van Heusen với giá 400 triệu đôla và sở hữu 30 triệu đôla cổ phiếu. Trước khi được bán, công ty Calvin Klein đã có tới 900 nhân viên làm việc và doanh số bán hàng trên toàn cầu trên 3 tỉ đôla. Trong suốt sự nghiệp của mình, Klein đã gây rất nhiều tranh cãi với những chiến dịch quảng cáo của mình. Năm 1995, ông còn làm những người chống khiêu dâm tức giận với một loạt mẫu quảng cáo nam nữ thanh niên trong tư thế gợi cảm. Sức ép mạnh đến mức chính Tổng thống Bill Clinton và Liên đoàn Thiên Chúa giáo phải lên tiếng phản đối, và Klein lúc đó mới chịu từ bỏ những quảng cáo này. ck2.jpg Mẫu quảng cáo đồ lót của CK chỉ là một trong rất nhiều "chiêu" hớp hồn khách hàng trẻ! Là nhà thiết kế cho rất nhiều ngôi sao danh tiếng và có sức ảnh hưởng lớn đến những thế hệ đàn em trong ngành thời trang, năm 1996 được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 25 người có ảnh hưởng nhất đến nước Mỹ . Calvin Klein - nhìn lại Vì sao Klein nổi tiếng? Con người Calvin Klein nổi tiếng, nhưng nhãn hiệu mang tên ông còn nổi tiếng hơn, từ thị trường thời trang cho tới mỹ phẩm. Thương hiệu "Calvin Klein" là một trong những thương hiệu đáng giá nhất thế giới bên cạnh CocaCola, Kodak, IBM, Nike... Một thiên tài marketing, một phù thủy trong lĩnh vực thiết kế thời trang, một người biết cách tạo ra hình ảnh cho sản phẩm và cho chính bản thân mình, Calvin Klein chính là biểu tượng cho tinh hoa thời trang của nước Mỹ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này. Trang phục của Klein được thiết kế với những chi tiết tối thiểu cho phép sản xuất đại trà, sự thoái mái cho phép nhiều người mặc được, thiên hướng sử dụng chất liệu xịn để từ đó làm nổi bật cho những đường nét tưởng chừng vô cùng đơn giản. Triết lý thiết kế của ông trong lĩnh vực đồ jeans cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, những ranh giới được ông đẩy đến tận cùng khi "cải tổ" đồ lót, những hình ảnh quảng cáo đầy khiêu khích và gợi cảm đã tạo ra một hình tượng mới trong văn hóa thời trang của thế giới. Sau chuỗi thành công liên tiếp với nhiều thăng trầm, Klein đã trở thành một người hùng trong giới trẻ Mỹ. Bởi chiến lược marketing của Klein về đồ jeans, đồ lót và nước hoa luôn thống nhất với nhau ở một điểm: tấn công mạnh mẽ vào giới tính và sự gợi cảm. Chính vì thế, giới trẻ đam mê Klein không chỉ bởi những sản phẩm đẳng cấp của ông, mà còn bởi họ tìm thấy được cảm xúc và sức mạnh của mình trong đó. Theo Long Hoàng