Bí mật chuyển giao quyền lực Yeltsin - Putin Thứ ba, 5/6/2007, 16:46 GMT+7 Cách đây 8 năm, vào đêm 31/12/1999, đêm giao thừa không chỉ giữa năm cũ và năm mới mà còn là giữa hai thiên niên kỷ, Tổng thống Nga hồi đó là Boris Yeltsin đã đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ. Ông tuyên bố tự nguyện từ chức trước thời hạn và chuyển giao mọi quyền lực Tổng thống cho nhà chính khách trẻ Vladimir Putin. Mặc dù được giữ trong vòng tuyệt mật nhưng căn cứ vào những diễn biến về sau, người ta vẫn có thể phỏng đoán được những nét chính của bản thỏa thuận Yeltsin – Putin. chuyengiao.jpg Putin và Yeltsin (phải) trong lễ nhậm chức Tổng thống cho Putin. Ảnh: Reuters Trước hết, đó là thỏa thuận về việc ông Yeltsin sau khi từ chức sẽ được hưởng quyền miễn trừ tư pháp, tức là không bị bất kỳ sự truy tố hoặc điều tra nào đối với những việc mà ông đã làm trên cương vị Tổng thống. Tiếp đó là thỏa thuận về những quyền lợi vật chất mà ông được hưởng cũng như guồng máy bảo vệ ông. Một điểm nữa của bản thỏa thuận là việc giữ nguyên trạng trong một thời hạn nhất định các chức vụ của những nhân vật chủ chốt trong bộ máy quyền lực ông Yeltsin. Hiển nhiên bản thỏa thuận còn đề cập đến việc ông Putin cam kết trung thành với Hiến pháp Nga, kể cả việc ông Putin cam kết không làm Tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Qua đó có thể thấy ông Yeltsin đã chuẩn bị rất kỹ không chỉ hình thức và thời gian chuyển giao quyền lực mà chủ yếu là chuẩn bị nhân vật kế nhiệm. Nhân vật đó phải mạnh, có ảnh hưởng, nhưng lại sẵn sàng chấp nhận các điều kiện thỏa hiệp. Hơn thế nữa, đó còn phải là nhân vật biết giữ lời hứa, trung thực, coi trọng chữ tín. Ông Yeltsin biết rõ một nhân vật như vậy không thể có trong giới thân cận của ông, vì vậy, ông đã quyết định lựa chọn ông Putin, người không phải của “gia đình” Yeltsin. Nhưng với ông Putin cũng không hề dễ dàng. Tuy ông có lợi thế là lên nắm chính quyền với sự đồng ý của “gia đình” Yeltsin nhưng di sản mà ông phải gánh vác quá nặng nề. Tình hình đó đòi hỏi ông phải kiên quyết, dũng cảm và cứng rắn mới thoát khỏi hình ảnh là người của “gia đình” Yeltsin. Tức là để giành được sự ủng hộ và thiện cảm của đông đảo người dân Nga. Chống lại mưu toan cướp chính quyền của giới tài phiệt Tân Tổng thống Putin đã giữ trọn mọi lời cam kết. Nhưng giới thân cận và giới tài phiệt gần gũi với ông Yeltsin (trước hết là Khodorkovski) lại mưu toan giành chính quyền theo kịch bản “ mềm”. Ai cũng biết, bất kỳ nhân vật nào mới xuất hiện trên đỉnh cao quyền lực đều vấp phải thái độ cảnh giác, đề phòng, và đôi khi cả sự chống đối nữa. Ông Putin thi hành một chiến lược lãnh đạo khác hẳn. Ông từng bước củng cố những thành tố quyền lực như bộ máy quan chức cao cấp, quân đội, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ông khuyến khích việc thành lập một chính đảng có uy tín với đông đảo quần chúng (đảng “ Nước Nga thống nhất “), đề cao hệ tư tưởng yêu nước và tự hào dân tộc. Mặc dù ông không đưa ra những khẩu hiệu chống lại quyền tư hữu nhưng giới tài phiệt Nga vẫn cảm thấy bất an dưới chính quyền như vậy và trong hệ thống giá trị như vậy. Điển hình là nhà tài phiệt Khodorkovski. Ngay từ những năm 90, ông ta và những bạn bè thân thiết đã bắt đầu suy nghĩ đến việc thành lập một nhà nước “vừa ý" họ. Trong cuốn sách “Người cầm đồng rúp” của Khodorkovski và Nezvlin xuất bản năm 1992 có đoạn viết: "Chúng ta sẽ góp sức vào việc tận dụng phương thức bầu cử dân chủ để đưa lên chính quyền những nhân vật nào có quyền lợi đồng nhất với mong muốn của chúng ta. Chính quyền như vậy sẽ được chúng ta ủng hộ và tài trợ”. Ý đồ đó được Khodorkovski nhất quán thực hiện mà điển hình là việc ông ta công khai tài trợ cho những chính đảng đối lập nhằm thay đổi chính quyền ở Nga do ông Putin đứng đầu. Dĩ nhiên, ông Putin không muốn “nhảy múa theo tiếng sáo” của các nhà tài phiệt phất to dưới thời ông Yeltsin. Ông cũng không cho phép những người khác làm như vậy. Và cuộc đụng độ giữa ông và các nhà tài phiệt như Khodorkovski, Nezvlin, Berezovski là không thể tránh khỏi. Ông Putin đã thay đổi nhiều Kể từ khi lên nắm chính quyền, ông Putin đã thay đổi nhiều. Ông hành động và nói năng tự tin hơn, thành thạo hơn, kể cả nói bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Nhiều nhà quan sát nhận thấy ông nắm chắc nghệ thuật luận chiến, biết khôn khéo đáp lại những câu hỏi hóc búa và biết hài hước. Khác với Yeltsin, ông Putin sống trong nhịp độ làm việc căng thẳng. Sở dĩ ông chịu được cường độ này rất có thể là nhờ ông chịu khó tập luyện thể thao, nhưng đôi khi người ta vẫn thấy gương mặt ông thoáng lộ vẻ mệt mỏi. Ông thường làm việc ở điện Kremli từ khoảng 10 tiếng đồng hồ và khi về nhà vẫn tiếp tục làm việc nhiều khi đến quá nửa đêm. Trong phòng làm việc của ông ở điện Kremli có TV và nhiều máy điện thoại loại mới nhất. Ông không dùng điện thoại di động, chắc hẳn vì lý do an ninh. Ông ăn trưa và thường cả ăn tối nữa trong phòng ăn của Tổng thống trên tầng ba. Buổi tối ông trở về nhà riêng ở Novo-Ogarevo. Đây là một điền trang ngoại thành, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, một trong những nơi đẹp nhất ngoại thành Moskva. Đương nhiên, nó đã được cải tạo lại hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu của chủ nhân. Tại Novo-Ogarevo có bể bơi có mái che, có một vườn rau rộng và một bãi đỗ dành cho máy bay lên thẳng. Cũng ở Novo-Ogarevo còn có một chuồng ngựa gồm những con ngựa giống quý. Ông Putin cưỡi ngựa khá thành thạo. Liệu đây có phải là một thú vui xa xỉ không? Chắc hẳn là không bởi vì ông phải điều hành một đất nước vừa phức tạp lại vừa rộng lớn nhất thế giới. Ông không những phải hao tổn nhiều sức lực thể chất mà còn chịu nhiều áp lực tâm lý nữa. Truyền thống nước Nga là như vậy : tuy có nhiều cố vấn thật nhưng bản thân ông Putin phải tự đưa ra những quyết định hệ trọng nhất. Theo Vũ Việt