Công nghệ “rửa tiền” Thứ sáu, 4/5/2007, 13:32 GMT+7 Khái niệm “rửa tiền” do Al Capone nghĩ ra, kẻ tự mình đã “rửa” nhiều triệu USD kiếm được nhờ buôn bán rượu lậu thông qua mạng lưới dịch vụ giặt là trong những năm nước Mỹ cấm mặt hàng này. Ông vua các băng nhóm găngxtơ Chicago hùng hồn tuyên bố: Các quy định về thuế khoá là điều vớ vẩn. Chính phủ không thể thu thuế bất hợp pháp từ những nguồn thu bất hợp pháp. Thế nhưng chính phủ có quan điểm khác và năm 1931, Capone bị kết án 11 năm tù vì tội trốn thuế. Thời gian ngắn sau đó với tội danh tương tự – cả em trai Al, Ralph Capone và hai cộng sự thân cận nhất của Capone là Frank Nitti và Jake Guzik cũng chịu chung số phận. Đến đầu thập kỷ 30, các cơ quan điều tra Mỹ đi đến kết luận: Đối với các băng nhóm tội phạm, sẽ dễ dàng hơn khi kết tội chúng trên cơ sở thu nhập bất chính hơn là nỗ lực chứng minh hành vi phạm tội, mà nhờ thế chúng kiếm được số tiền đó. Từng tồn tại không ít công cụ tài chính khả dĩ giúp các băng nhóm tội phạm bảo tồn tài sản trong tình huống đã kể. Tài khoản đánh số là công cụ đầu tiên. Cuối thế kỷ XVIII, một số ngân hàng châu Âu bắt đầu mở tài khoản dành cho khách hàng của mình, nhằm giữ bí mật họ tên người gửi. Đến cuối thế kỷ XIX, tài khoản số đã trở thành thực tế phổ biến trên thế giới. Đến năm 1934, tại Thụy Sĩ đã ban hành đạo luật về ngân hàng, trong đó khẳng định rằng, tất cả nhân viên ngân hàng làm lộ bí mật và chuyển giao thông tin về bất cứ hoá đơn tài chính nào sẽ bị xử phạt hành chính. Hơn thế, theo đạo luật đó – chỉ hai người đứng đầu ngân hàng có quyền biết tên thật của chủ tài khoản. Theo gương Thụy Sĩ, một năm sau cả Lucxămbua, Liechtens-tein và Áo cũng thông qua đạo luật tương tự, có điều với Lucxămbua chỉ chủ tịch ngân hàng biết tên chủ tài khoản, còn với nước Áo – khách hàng có quyền giấu tên. ruatien1.jpg Ảnh minh họa Công cụ thứ hai phục vụ rửa tiền có hiệu quả là hệ thống “thiên đường miễn thuế” xuất hiện cuối thế kỷ XIX. Vào thời kỳ giữa những năm 80, thế kỷ XIX, thống đốc bang New Jersey thông qua luật cho phép các chủ doanh nghiệp có nhà máy đóng trên hai bờ sông Hudson được phép đăng ký tại lãnh thổ bang. Lập tức các chủ doanh nghiệp ở Niu-oóc, nơi mức thuế cao hơn nhiều đổ xô chuyển đăng ký kinh doanh về bang New Jersey để được hưởng mức thuế thấp hơn. Vài năm sau, chính quyền bang Delaware cũng áp dụng sáng kiến của bang láng giềng với những quy định rộng rãi hơn nhiều (cho phép chủ doanh nghiệp tại bất cứ địa phương nào ở Mỹ đăng ký đóng thuế tại Delaware). Tuy nhiên về lâu dài, điều đó vẫn không thể giúp các trùm maphia che giấu thu nhập, bởi tất cả các bang vẫn phải chấp hành luật pháp chung của chính quyền liên bang. Thế nên, chỉ một khi việc đăng ký doanh nghiệp ở nơi, mà luật pháp Mỹ không thể vươn tới mới có thể đảm bảo cho hành vi rửa tiền thực sự có hiệu quả. Bước ngoặt Lansky Vào thời điểm Al Capone lãnh án tù, Meyer Lansky là một trong những thủ lĩnh gangxtơ có thế lực nhất ở Niu-oóc. Kẻ được mệnh danh là “kế toán trưởng của maphia” này sinh năm 1902 trong một gia đình Do thái làm thợ may. Trong thời gian cấm rượu, Lansky nổi lên như trùm rượu lậu, chớp nhoáng giàu sụ nhờ thâu tóm mạng lưới cung cấp mặt hàng này cho cả thành phố. Y sống trong ngôi nhà đơn sơ, ăn tiêu chỉ ở mức ông chủ một xưởng sửa chữa xe hơi và thanh toán đầy đủ các khoản thuế liên quan đến công việc làm ăn công khai của xưởng. Khi Al Capone cùng dồng bọn ngồi trong trại giam, Lansky bắt đầu hoàn chỉnh sơ đồ hợp pháp hoá một cách an toàn các khoản thu nhập từ hoạt động phi pháp. Sòng bạc là phương sách rửa tiền đầu tiên. Lansky nghĩ rằng, cần phải tống các khoản tiền thu được từ buôn lậu rượu và ma tuý thông qua sổ sách kế toán của mạng lưới sòng bạc. Điều đó cho phép hợp pháp hoá tiền bạc phi pháp. Ngân sách nhà nước sẽ được hưởng các khoản thuế từ sòng bạc. Có điều, dù tài giỏi đến đâu, cán bộ thuế cũng không thể kiểm soát được doanh số hàng ngày của sòng bạc. Nhờ mô hình này, Lansky đã rửa được những khoản tiền khá lớn. Thế nhưng các băng nhóm tội phạm thường xuyên quay vòng những khoản tiền, mà các sòng bạc ở Mỹ không có cách nào hợp pháp hoá tất cả. Năm 1937, Lansky đạt được thoả thuận quan trọng với nhà độc tài Cuba, tổng thống Batista. Thoạt đầu, Lansky mua một vài bàn trong sòng bạc ở khách sạn Nacional. Bởi lẽ chính quyền tham nhũng Cuba thời đó không kiểm soát doanh thu các sòng bạc, nên Lansky có thể chuyển đến Cuba số lượng không hạn chế “tiền bẩn”. Tiếp theo, từ Havana tiền (doanh thu sòng bạc về danh nghĩa) được chuyển đến các ngân hàng Thụy Sĩ và từ đó - đã được hợp pháp hoá - đổ về Mỹ. Chỉ thời gian ngắn, Lansky đã thâu tóm toàn bộ mạng lưới sòng bạc ở Cuba. Được chia 30% lợi nhuận từ hoạt động của Rivera – sòng bạc lớn nhất Cuba, nhà độc tài Batista trở thành trợ thủ đắc lực của Lansky. Cùng với thời gian, mô hình rửa tiền của Lansky ngày càng trở nên phức tạp. Tiền được chuyển giao giữa các tài khoản ngân hàng, đứng tên các doanh nghiệp thực tế không thể theo dõi và kiểm soát. Việc tạo ra dây xích các hãng ma, để thông qua chúng tống vào những hoá đơn tiền bẩn của maphia cũng là công lao của Lansky. Những “hãng” đó được đăng ký tại những quốc gia khác nhau, vậy nên cơ quan điều tra của quốc gia cụ thể không thể kiểm tra hoạt động của những bộ phận của hệ thống nằm ngoài phạm vi luật pháp quốc gia. Hệ thống rửa tiền do Lansky tạo dựng đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu vào năm 1950, khi nhiều phần tử tội phạm khác không chỉ bị tống giam, mà còn bị tịch thu hết tiền. Tháng 5 năm 1950, thượng nghị sĩ Estes Kefauver bắt đầu mở chiến dịch chống lại tội phạm có tổ chức. Ủy ban quốc hội do Kefauver thành lập đã nghiên cứu vai trò của maphia trong thương mại giữa các bang. Những phiên chất vấn của Ủy ban được truyền hình trực tiếp và một nửa dân số nước Mỹ ngồi trước màn hình nhỏ. Trong thời gian sáu tháng, Kefauver đã lấy khẩu cung trên sáu trăm đối tượng và lột mặt chân tướng không ít thủ lĩnh maphia lớn mạnh nhất. Trong đó có cả Lansky. Một số thành viên maphia đã bị “cháy vở” bởi con mắt tinh đời của ngài thượng nghị sĩ. Riêng Lansky thì không. Sổ sách của Lansky “sạch như nước mắt”. Thủ lĩnh gangxtơ không chỉ đánh bật những đòn tấn công của Kefauver, mà còn phản công quyết liệt. Khi thượng nghị sĩ lên án Lansky can tội kinh doanh sòng bạc, Lansky đập lại: Xấu xa gì, kinh doanh sòng bạc? Nếu tôi không nhầm, bản thân ngài thượng nghị sĩ cũng hơn một lần bước chân vào đó (?!). Thượng nghị sĩ buộc phải công khai thừa nhận thói hư của mình, song lập tức tìm ra đáp từ: Có thể tôi đã bước vào, nhưng tôi không muốn bị ai đó nhòm ngó. Lansky lập tức ra đòn tiếp theo: Bản thân tôi cũng không muốn ngài thượng nghị sĩ quan tâm thái quá đến Lansky, chỉ vì hắn là dân Do thái (!). Kết quả Lansky đã hoàn toàn làm bó tay công lý Mỹ: Trùm maphia khét tiếng chỉ phải trả số tiền phạt không đáng kể vì can tội tổ chức bộ máy cá cược trên các trường đua ngựa và bị tạm giam ba tháng, trong khi những thủ lĩnh gangxtơ khác mất tất cả. Thời kỳ kinh doanh mới Trong khi bộ máy thanh tra thuế của Mỹ chịu bó tay trước mánh khoé rửa tiền của Lansky, chính quyền Cách mạng Cuba lại có thể làm được tất cả. Để trốn tránh sự kiểm soát của chính quyền mới, trong lúc vội vã tẩu tán tiền của khỏi Cuba, đồng bọn Lansky đã bỏ quên 17 triệu USD trong két sắt. Trùm gangxtơ tức điên người. Y đã đặt mức thưởng một triệu USD cho kẻ nào lấy được mạng sống của chủ tịch Phiđen Castro và sau đó – cung cấp tài chính cho kẻ thù chống phá chính quyền cách mạng. Bất chấp thất bại này, Lansky vẫn khôi phục thành công guồng máy rửa tiền của maphia. Với một số cải tiến, những guồng máy này vẫn duy trì hoạt động có hiệu quả cho đến ngày nay. Cùng với thời gian, thế giới nhanh chóng thay đổi, tại những nơi từng là thuộc địa đã xuất hiện những quốc gia mới – có thể tận dụng nhiều địa bàn ấy như thiên đường miễn thuế. Tại vương quốc Anh, thí dụ – vẫn thực thi đạo luật theo đó doanh nghiệp cần phải đóng thuế cho quốc gia, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Luật đó cũng được áp dụng tại đa số các quốc gia từng là thuộc địa của Anh, trong đó có quốc đảo Bahamy. Lập tức các chủ doanh nghiệp muốn đóng thuế ít hơn hoặc đăng ký doanh nghiệp ma, để thông qua đó, chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ, đổ xô đến thiên đường Bahamy. Công việc làm ăn ở Cuba đổ bể, Lansky chuyển ngay sang quốc đảo Bahamy. Với chính quyền địa phương, Lansky đạt được thoả thuận dễ dàng như thời với độc tài Batista. Y nhanh chóng xây dựng mạng lưới “doanh nghiệp” tại thiên đường, nơi cho phép Lansky không chỉ duy trì hoạt động maphia của mình, mà còn có thể sống yên ổn đến cuối đời. Khái niệm “rửa tiền” trải qua tuổi thanh xuân thứ hai trong thời gian xảy ra vụ bê bối liên quan đến hoạt động của ủy ban vận động bầu cử tổng thống Mỹ Richard Nixon. Năm 1971, cộng sự thân tín của Nixon – George Mitchell và bộ trưởng thương mại Maurice Stans đã tổ chức quỹ bí mật nhằm quyên tiền vận động cho Nixon tái cử tổng thống. Tất cả số tiền do quỹ quyên góp ngay năm sau được chuyển vào tài khoản chính thức của ủy ban. Tiền chảy về quỹ có nguồn gốc khác nhau, trong đó có cả những nguồn nặc danh - điều bị luật pháp nghiêm cấm. Vì thế, để tránh phạm luật, cần phải để chúng “chạy qua” một ngân hàng Mehicô. Câu chuyện lách luật này chắc chắn không bị đưa ra ánh sáng, nếu như hoạt động của chính quyền Nixon sau vụ bê bối Oa -tơ-gết, không trở thành mục tiêu soi mói của dư luận xã hội. Báo chí đã viết về “những đồng tiền được rửa sạch” của ủy ban vận động tranh cử cho Nixon, mổ xẻ vụ việc, nhật báo Anh “The Guardian” nhắc lại lịch sử hoạt động của các trùm maphia Mỹ Al Capone, Meyer Lansky và phổ cập rộng rãi khái niệm “rửa tiền”. Theo Văn Hanh