Hồi ký của nhân vật số một ngành tình báo Đông Đức (Kỳ 1) Cài người vào nước Mỹ Thứ hai, 9/4/2007, 14:05 GMT+7 Đối phương từng gọi ông một cách kính trọng là “ông trùm của thế giới gián điệp”. Trong suốt 30 năm, ông là người lãnh đạo tình báo Đông Đức, một trong những cơ quan tình báo hùng mạnh và hoạt động hiệu quả nhất thế giới. cainguoi.jpg Cuốn sách “Man without a face” của Markus Wolf. Nhân vật đầy huyền thoại này đã qua đời lặng lẽ vào ngày 9-11-2006 ngay trong giấc ngủ tại nhà riêng ở tuổi 83… Xin giới thiệu một số đoạn trích trong hồi ký của ông, Markus Wolf. Thâm nhập Cho đến đầu những năm 1970, bộ phận tình báo chuyên trách về Mỹ của chúng tôi đã cố gắng cùng với bộ phận khoa học kỹ thuật để triển khai các hoạt động trên lãnh thổ nước Mỹ. Các ứng cử viên với một nửa tiểu sử thực dưới dạng các điệp viên nước đôi ban đầu cần phải tới Nam Phi, châu Mỹ latin hay Australia để sống ở đó một thời gian trước khi tới được mục tiêu là nước Mỹ. Phần nhiều những nhận thức của tôi về nước Mỹ chủ yếu có được qua hai người mà tôi đặt nhiều tình cảm và niềm tin qua các lợi ích chung trong lĩnh vực tình báo. Họ là những điệp viên đầu tiên của tôi ở nước Mỹ và cũng chưa bao giờ bị phát hiện. Cả hai đều sinh ở Đức, đều là người Do Thái, ủng hộ phong trào cộng sản và buộc phải chạy khỏi đây vì sự khủng bố của bọn phát xít. Một người là nhà kinh tế học, còn người kia là luật sư. Cả hai đều được Cục Tình báo chiến lược, tiền thân của CIA, tuyển mộ. Chúng tôi phải qua người bạn học để tiếp xúc với Maler (biệt danh là họa sĩ). Maler không phải là người theo chủ nghĩa giáo điều, tuy nhiên ông vẫn là một người cộng sản cương quyết. Trong lĩnh vực chuyên môn ban đầu của mình là kinh tế, ông đã phê phán thẳng tay hệ thống kinh tế được áp dụng tại CHDC Đức và Liên Xô đồng thời chứng minh rằng thực tế của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” là xa rời đối với sự áp dụng và phát triển của học thuyết Karl Max. Ông có những người bạn có nhiều ảnh hưởng và cũng vì quyền lợi của chúng tôi, ông đã quan hệ được với viên đại sứ Mỹ tại Bonn và viên công sứ tại Tây Berlin. Một trong những nguồn tin của ông là Ernst Lemmer, bộ trưởng về các vấn đề chung của nước Đức. Trong các chuyến đi của mình tới CHLB Đức, ông đã nhận được các thông tin chi tiết từ người này. Maler cho tôi thấy rõ các mối quan hệ của Lemmer với các cơ quan mật vụ khác nhau tại Thụy Sĩ, với các cơ quan của phương Tây và với cả KGB. Hai nguồn tin quý giá Maler cương quyết từ chối các phương tiện kỹ thuật và việc liên lạc qua các giao thông viên. Ông ghi các báo cáo và phân tích chung của mình lên phim. Ông không bao giờ nhận tiền cho hoạt động của mình ngoài những khoản chi phí về đi lại. Ông là con người cẩn thận nhưng không bao giờ nhút nhát. Khi chúng tôi đề nghị ông lôi kéo những đứa con của mình vào hoạt động, ông đã kiên quyết từ chối. Markus Wolf chào đời năm 1923 trong một gia đình cộng sản tại Hechingen (Tây Nam nước Đức). Từ năm 1951, Markus trở thành nhân viên của tình báo CHDC Đức trước khi trở thành người đứng đầu cơ quan này trong một giai đoạn dài từ 1958 cho đến 1987. Trước năm 1978, phương Tây thậm chí không có nổi một tấm hình của viên tướng tình báo huyền thoại này và chính vì vậy ông được họ mệnh danh là “Con người giấu mặt”. Markus đã điều hành cả một mạng lưới điệp viên khổng lồ ước tính tới 4.000 người, xâm nhập được vào mọi cơ quan hàng đầu của phương Tây để khai thác thông tin, kể cả trụ sở của NATO hay văn phòng thủ tướng Tây Đức… Các điệp viên của Markus hoạt động hiệu quả đến nỗi, nguyên thủ Erich Honecker của CHDC Đức thường xuyên có được các báo cáo mật hàng tuần của Cơ quan Tình báo Tây Đức, trước khi thủ tướng nước này có thể đọc chúng. Nếu như Maler tận dụng các cuộc tiếp xúc của mình trước tiên là ở CHLB Đức thì Clivia (bí danh của điệp viên lưu vong là luật sư) lại nắm rất rõ về đời sống chính trị trong nội bộ nước Mỹ. Ông là người dễ bị kích động hơn so với Maler và thường lo lắng về an toàn của mình đến mức nhút nhát. Đây có thể là hậu quả từ những ấn tượng của các cuộc thẩm vấn trong ủy ban về các hoạt động chống Mỹ dẫn tới việc ông bị sa thải khỏi cơ quan quốc gia. Clivia thu thập được một bộ sưu tập phong phú, trong đó chứa các văn kiện của vụ án về các nhân vật ngoại giao phát xít, các vụ của Chruppa, Reakling và cả vụ của Eichman tại Jerusalem mà ông tham gia. Trong thời gian vụ Nuremberg, ông có trong thành phần của nhóm công tố viên và từ lúc này, một trong những mục tiêu chủ yếu của ông là ngăn chặn sự lan tràn lại của chủ nghĩa phát xít tại Tây Đức. Việc hợp tác với Clivia được sắp đặt phức tạp hơn so với Maler. Do ông ta sống ở Đức và lấy vợ Đức, người mà theo ý kiến của ông ta là không cần phải biết ông đang làm việc cho chúng tôi. Mỗi một chuyến đi của ông ta trở thành một chủ đề được bàn bạc chi tiết. Cần phải nghĩ ra tình trạng ngoại phạm cho vợ ông ta và nguyên nhân của việc thăm viếng từng người cộng tác một. Ngoài những vấn đề trên, còn có vấn đề về tài chính. Nói một cách ngắn gọn, trong đầu ông ta không bao giờ được yên ổn, luôn tồn tại sự mâu thuẫn giữa động cơ và tình cảm. Tuy nhiên, tin tức của ông ta, đặc biệt là vào những năm khủng hoảng 1961 - 1962, có giá trị quan trọng để đánh giá chính sách của nước Mỹ. Theo Linh Nga Hồi ký của nhân vật số một ngành tình báo Đông Đức (Kỳ 2) Những cú sốc Thứ ba, 10/4/2007, 15:40 GMT+7 Cuối những năm 1970, sự cộng tác chặt chẽ giữa Cơ quan bảo vệ hiến pháp của Tây Đức với FBI đã dẫn đến việc phổ biến điều khoản “Registration” làm ảnh hưởng lớn tới mạng lưới điệp viên của chúng tôi ở phía bờ bên kia Đại Tây Dương. >> Cài người vào nước Mỹ (Kỳ 1) markus.jpg Markus Wolf và bà vợ Andrea Stingl tại Berlin vào đầu năm 2006. Đòn nặng nề hơn cả đối với chúng tôi chính là vụ phát hiện và bắt giữ Eberkhard Luttis (mật danh là Brest), kẻ sau khi bị bắt đã khai báo cho phương Tây tất cả những gì mà hắn biết. Phản bội của điệp viên Brest Luttis là một trong số không nhiều sĩ quan của Bộ An ninh mà chúng tôi đã lựa chọn để hoạt động bí mật và đã được đào tạo đặc biệt. Với tên gọi và tiểu sử được nghĩ ra cho phù hợp, chúng tôi đã cử hắn sang Tây Đức vào năm 1972. Tại Hamburg, hắn vào làm việc tại một hãng vận chuyển quốc tế và chẳng bao lâu có được cương vị lãnh đạo tại chi nhánh ở New York. Đặc điểm công việc đã giúp hắn khai thác cho chúng tôi những thông tin cần thiết về việc vận chuyển vũ khí trang thiết bị và di chuyển đơn vị quân đội của Mỹ. Đồng thời, hắn cũng bắt tay vào việc tuyển mộ và chỉ đạo các điệp viên mới. Sau khi bị cảnh sát Hamburg bắt vào cuối năm 1979, Luttis không những khai báo chi tiết về phương pháp hoạt động mà còn cả cách liên lạc chính của chúng tôi. Luttis cũng khai ra cả liên lạc viên của mình và người này cũng bị bắt ngay lập tức. Chỉ hai năm sau, chúng tôi mới có thể giải cứu cho người này bằng việc trao đổi các điệp viên của phương Tây. Sau vụ này, chúng tôi cũng buộc phải rút dần khỏi Mỹ tất cả những điệp viên bí mật đã được hợp pháp hóa, trong số đó có cả một sĩ quan và một cặp vợ chồng bác học. Sau những tổn thất nặng nề từ sự phản bội của Luttis, chúng tôi đã không thể định cư người thêm tại Mỹ được nữa. Những cố gắng nhằm đền bù lại tổn thất đều thất bại ngay từ đầu. Việc áp dụng phương pháp kết hôn trong phần lớn các trường hợp đều cực kỳ khó khăn. Trường hợp đàn ông độc thân nhờ lấy vợ để có được giấy tờ cần thiết ở Mỹ lại phức tạp hơn nhiều so với ở Tây Đức. Chúng tôi phải công nhận là phương pháp “truy lùng theo mạng lưới” của FBI hiệu quả đến nỗi các nhân viên được chúng tôi đưa vào Mỹ đều phải chịu độ mạo hiểm rất cao. Các bộ phận của chúng tôi tại Washington và tại LHQ ở NewYork thường có đặc điểm chung là có chi phí quá cao trong bố trí nhân lực và giấy tờ trong khi lại hoạt động kém hiệu quả. Chúng tôi biết chắc rằng họ luôn nằm dưới sự theo dõi nghiêm ngặt của FBI. Thực tế đã khẳng định là các bộ phận này cũng bị xoi mói không kém chút nào so với của phía Liên Xô. Vị giáo sư ngờ nghệch Markus Wolf đã vài lần phải ra đứng trước tòa vì những hoạt động phục vụ chính quyền cộng sản trong quá khứ. Tuy nhiên, Markus Wolf kiên quyết không khai một lời nào về các điệp viên nổi tiếng của mình. Markus còn “cảnh báo” lại những người xét xử: nếu họ không chịu để những đồng nghiệp cũ của ông được yên, ông sẽ “buộc phải nhớ lại những điều mà những người chiến thắng không hề muốn!”. Có những trường hợp bản thân những người có thông tin bí mật lại vượt qua được mạng lưới phản gián Mỹ để tự mình đến đề nghị hợp tác thông qua Đại sứ quán CHDC Đức. Vào đầu những năm 1980, xuất hiện một nhân vật muốn bán thông tin bí mật về tàu ngầm nguyên tử. Qua đánh giá ban đầu thì đây là một tài liệu hoàn hảo và người của chúng tôi đã ấn định cuộc gặp gỡ với anh ta tại Mexico, nơi giáo sư Sea của Trường Đại học Kỹ thuật Dresden sẽ đến tham dự một hội nghị với tư cách chuyên gia. Toàn bộ kế hoạch đã được tiến hành hết sức cẩn thận. Tuy nhiên, giáo sư Sea đã tận dụng chuyến đi này, trên đường trở về từ Mexico lại ghé lại thăm một hội nghị khoa học tại Boston vào đầu tháng 11-1983. Điều này tất nhiên là nằm ngoài kế hoạch của chúng tôi và ông ta đã bất ngờ bị bắt tại đây. Nhân viên của tôi thề thốt rằng họ đã cương quyết cấm Sea tới nước Mỹ. Không biết vì tính cẩu thả hay tính phiêu dật xa rời thực tế mà nhà bác học này đã bỏ qua tất cả những lời cảnh báo của chúng tôi. Và kế hoạch được chuẩn bị hết sức cẩn thận nhằm đề nghị điệp viên nước đôi nói trên cộng tác cuối cùng lại biến thành một màn kịch ầm ĩ chống lại chúng tôi. FBI tỏ vẻ hoan hỉ còn các phương tiện truyền thông đại chúng của Mỹ lại làm rùm beng một cách giận dữ lên rằng, Đông Đức điềm nhiên hoạt động gián điệp trong khi bộ trưởng ngoại giao nước này đang cố gắng thúc đẩy những mối quan hệ tốt và Chủ tịch hội đồng quốc gia cũng đang muốn có được lời mời đến thăm Mỹ. Luật sư Fogel đã tìm kiếm tất cả những khả năng nhằm cứu nguy cho vị giáo sư đại học ngờ nghệch trong khi chúng tôi cũng nhận được lệnh phải giúp đỡ tối đa bằng mọi giá cho luật sư trong vụ này. Sau nửa năm, chúng tôi được biết giáo sư Sea có thể được trả tự do với số tiền chuộc 1 triệu USD. Khi dường như tất cả đã được sắp xếp và các nhân vật để trao đổi cũng đã được chuẩn bị - 23 tên gián điệp phương Tây và tên phản động Sharanski để đổi lấy một người Bulgari, một nhân viên tình báo trẻ của Ba Lan, một nữ công dân CHDC Đức làm việc trong các cơ quan của Liên Xô và vị giáo sư của chúng ta - thì đột nhiên chúng tôi được biết vị giáo sư này đã nghĩ lại và quyết định ở lại nước Mỹ. Hai tuần sau, ông ta lại đổi ý và muốn được trao đổi. Vụ trao đổi được diễn ra trên cầu Glinicle và tất nhiên nó lôi kéo sự chú ý rầm rộ của báo chí và truyền hình. Theo Linh Nga Hồi ký của nhân vật số một ngành tình báo Đông Đức (Kỳ 3) “Quặng” thông tin từ quê nhà Thứ năm, 19/4/2007, 15:25 GMT+7 Tình hình tại Mỹ không có triển vọng bao nhiêu thì ngay tại Đức lại trở nên đơn giản bấy nhiêu. Số lượng các đơn vị quân đội Mỹ và lực lượng dân sự phục vụ cho họ tại Tây Berlin và Haydelberg tăng đã giúp cho chúng tôi dễ dàng mở rộng tiếp xúc. >> Cài người vào nước Mỹ (Kỳ 1) >> Những cú sốc (Kỳ 2) wolf.jpg Markus Wolf Phát hiện “cái tai lớn” của Mỹ Một nhà trung gian người Thổ Nhĩ Kỳ cho chúng tôi thấy để đạt được kết quả phải biết tung tiền ra. Hussein Iyldrym từng làm thợ nguội tại một trong các căn cứ quân sự Mỹ ở Tây Berlin. Trong 6 năm trời, ông ta đã kiếm được cho chúng tôi những thông tin rất có giá trị do ông mua được từ trung sĩ James Hall Bliz (bí danh là Tia chớp), người đảm trách hoạt động gián điệp điện tử tại Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). Bên cạnh thông tin, Iyldrym còn giúp hiểu rõ về ý nghĩa thực sự các từ viết tắt của NSA. Trong số các tài liệu quan trọng nhất mà Hall (Tia chớp) lấy cho chúng tôi có thông tin về “cái tai lớn” của Mỹ - một tổ hợp khổng lồ các thiết bị nghe trộm bao trùm khắp thế giới, trong đó có 1 trạm tại núi Trertovoy ở Grunevalde và 1 trạm nghe trộm nằm gần biên giới giữa Đông và Tây Đức có thể thu nhận bất cứ một tiếng ho nào. 1.300 nhân viên kỹ thuật cao cấp ở những trạm này hàng ngày thu nhận tại Berlin các thông báo qua sóng vô tuyến và điện thoại, phân tích, phân loại chúng và sau đó gửi thông tin đến bộ phận chọn lọc. Nhờ vậy, chúng tôi hiểu ra rằng, từ núi Trertovoy người ta đang nghe trộm các đường dây điện thoại và vô tuyến của chúng tôi đồng thời biết được (đáng tiếc là quá muộn) các nhân viên kỹ thuật của đối phương đã nắm được mật mã để mã hóa tất cả những thông tin về tình hình quốc tế lẫn trong nước mà ban chấp hành trung ương nhận được. Bộ trưởng Kinh tế Winter Mittag cũng không ngờ, mỗi ngày ông đều báo cáo cho người Mỹ một bản tin mới nhất về tình hình kinh tế của đất nước chúng ta. Sau này tôi được biết là cơ quan tình báo Tây Đức đã nhiều lần cố xin được thông tin này từ người Mỹ nhưng họ đã không tiết lộ do họ thừa trí thông minh để hiểu rằng, việc này sẽ giúp cơ quan của tôi nhanh chóng biết được. Từ khi xuất hiện điệp viên Tia chớp, chúng tôi không còn phải gặp khó khăn nữa: thông tin mật và tuyệt đối bí mật liên tục được gửi đến. Số lượng và nội dung các tài liệu đã nhanh chóng vượt quá khả năng các chuyên gia phân tích của chúng tôi và chúng tôi bắt đầu chuyển chúng cho KGB. Tia chớp cũng khai thác cho chúng tôi một bản báo cáo có tên “Naves Kryla”, trong đó liệt kê các phương tiện điện tử dùng trong trường hợp khẩn cấp để loại trừ các trung tâm chỉ huy của Liên Xô và những quốc gia khối Warsaw. Trong kế hoạch này có trình bày chi tiết cách phá hoại các máy phát vô tuyến cao tần của Bộ chỉ huy tối cao Xô viết dùng để truyền các mệnh lệnh cho quân đội. Một báo cáo khác bao gồm 13 tài liệu, chỉ thị, mệnh lệnh của NSA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ, trong đó mô tả chi tiết các kế hoạch của Mỹ trong lĩnh vực trinh sát vô tuyến ở thập kỷ sắp tới. Sau khi chuyển chỗ làm đến trung tâm của NSA tại Mỹ, Hall vẫn không ngừng tiếp xúc với chúng tôi. Anh ta cung cấp tài liệu cho chúng tôi nhiều đến nỗi chúng tôi phải khuyên nên giảm bớt để không gây nghi ngờ. Sự tháo vát quá mức của Hall đã trở thành nỗi bất hạnh cho chính bản thân. Anh ta rõ ràng là đã thử tiếp xúc với KGB nhằm bán tin tức cho cả Liên Xô để tăng thêm thu nhập. Chính vì điều này, anh ta đã rơi vào vòng theo dõi của FBI. Vào tháng 12-1988, anh ta cùng Iyldrym bị bắt trong buổi gặp gỡ với một nhân viên FBI (tự xưng là điệp viên KGB). Cơ quan phản gián cho rằng những tài liệu mà Hall trao cho chúng tôi ít nhất đã làm tê liệt khả năng do thám điện tử của người Mỹ tại Đông Âu trong 6 năm. Hall bị kết án 40 năm tù còn Iyldrym nhận án chung thân. Nguồn tin từ điệp viên Kid Một nguồn tin có giá trị lớn về hoạt động gián điệp điện tử của Mỹ nữa chính là Jeffy Karni (bí danh là Kid). Trung sĩ không quân này là một nhà ngôn ngữ học và chuyên gia về truyền thông. Một vài tài liệu của Karni đối với tôi có vẻ trừu tượng đến nỗi trước hết tôi phải nhờ đến sự giải thích của các chuyên gia để có thể tin được chúng. Ví dụ như tin về một nhóm chuyên gia bố trí tại Tây Berlin chuyên nghiên cứu về sân bay quân sự Ebersvalde của Liên Xô nằm cách Berlin 25km về phía Đông Bắc. Nội dung của nó khẳng định người Mỹ có khả năng xâm nhập vào đường truyền thông giữa mặt đất với không trung của sân bay này. Lúc đó họ đang nghiên cứu khả năng cắt đứt đường thông tin từ trung tâm dưới đất và bắt chước nó từ Tây Berlin. Nếu như họ làm được điều này, các phi công Xô viết có khả năng lại nhận được sự chỉ huy từ một trung tâm của Mỹ. Tháng 4-1984, khi Karni được chuyển đến Texas thì giá trị của anh ta đối với chúng tôi lại càng tăng lên. Tuy nhiên, chỉ một năm sau anh ta đề nghị được chạy sang nước chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị một phương pháp đề phòng trong trường hợp cấp thiết: kiếm cho Karni các giấy tờ của một người Cuba để anh ta bay đến Habana và từ đây qua Moscow để tới Đông Berlin. Khi Đông Đức có dấu hiệu sụp đổ, chúng tôi đề xuất việc trao cho anh ta các giấy tờ tới Nam Phi nhưng anh ta từ chối và muốn ẩn dật ở miền Nam Đông Đức. Cơ quan mật vụ Mỹ đã bắt được anh ta ở Berlin - điều mà theo tôi khẳng định là có sự giúp đỡ của mật vụ Tây Đức. Tại Mỹ, anh ta đã bị kết án 38 năm tù. Theo Linh Nga Hồi ký của nhân vật số một ngành tình báo Đông Đức (Kỳ 4) Đối đầu trên mặt trận phản gián Thứ năm, 19/4/2007, 15:30 GMT+7 Cũng phải kể qua những âm mưu của Mỹ nhằm vào cơ quan của tôi hay ít nhất cài các điệp viên vào CHDC Đức. Vào năm 1973, sau khi đã phân tích, xem xét kỹ hoạt động của CIA và xây dựng một danh sách các nhân viên của cơ quan này tại Bonn, chúng tôi nắm được một điệp viên có bí danh Tileman. Nhiệm vụ của anh ta là tổ chức tiếp xúc với các nhà ngoại giao, thương gia, bác học của Đông Đức đang tới thăm Tây Đức và cố gắng tuyển mộ họ. >> Cài người vào nước Mỹ (Kỳ 1) >> Những cú sốc (Kỳ 2) >> “Quặng” thông tin từ quê nhà (Kỳ 3) fb.jpg Edward Lee Howard tại Moscow Điệp viên tuyển mộ... điệp viên Cho đến năm 1975, Tileman ở tại Bonn và chẳng bao lâu chúng tôi đã bí mật dò ra tên thật của hắn là Jack Falcon. Đầu tiên chúng tôi chỉ đơn giản theo dõi hắn, xác định những mối quan hệ, những người hắn quan tâm và dần dần sau đó bắt đầu đưa ra cho hắn những người khác nhau - những điệp viên của chúng tôi để Falcon tuyển mộ họ. Tất nhiên họ cung cấp cho hắn những thông tin đã được chúng tôi biên tập từ những nguồn vô hại và thông tin giả nhằm hướng người Mỹ theo dấu vết giả. Trong khi Falcon lại nghĩ rằng anh ta đang làm một cách tuyệt vời vai trò của mình. Điều lạ lùng là việc phát hiện các điệp viên của FBI tại Bonn lại dễ dàng đến mức nực cười. Khác với những chỉ thị nghiêm khắc của tôi là phải rất cẩn thận, từ từ và chuẩn bị lâu dài khi muốn tiếp xúc với một nguồn tin có khả năng, người Mỹ lại tiến hành các cuộc tiếp xúc một cách không phân biệt. Các quan niệm của họ về khối các nước phương Đông quả thực rất sơ sài. Vào cuối những năm 1970 và đầu 1980, hiệu quả của tình báo Mỹ thấp kém và hoạt động của họ vụng về đến nỗi chúng tôi phải băn khoăn không biết có phải là Mỹ đã ngừng do thám Đông Đức một cách nghiêm túc hay không. Sau này chúng tôi mới biết Mỹ nhận các dữ liệu chủ yếu về Đông Đức thông qua các phương tiện do thám điện tử đặt ở Tây Berlin và Tây Đức. Đáng ngạc nhiên là CIA vẫn không ngừng tung vào các điệp viên không có khả năng, những kẻ thọc mũi vào khắp nơi để săn lùng bất cứ thông tin nào. Xuất phát từ kinh nghiệm lâu năm của mình, tôi tin rằng không có một phương pháp kỹ thuật nào để thu thập tài liệu lại có thể thay thế được trí tuệ và tài năng của con người. Họ có thể bắt được một cuộc nói chuyện điện thoại nhưng nếu không có văn cảnh thì nó rất dễ bị hiểu sai. Chẳng hạn như bức ảnh từ vệ tinh có thể chỉ ra được nơi bố trí các bệ tên lửa tại một thời điểm nhất định nhưng phải nhờ một nguồn tin đáng tin cậy trong bộ chỉ huy thì ta mới biết chúng được nhằm vào đâu. Vấn đề của tình báo kỹ thuật là ở chỗ thông tin này chỉ có thể thông báo về điều đang xảy ra tại một thời điểm đã cho nhưng không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Những cuộc tiếp xúc riêng có thể cho ta thông tin về các kế hoạch trong tương lai, giúp ta phân tích được các dự báo về chính trị - quân sự và xem xét các tài liệu, hội đàm trong một văn cảnh phù hợp. Các sĩ quan tình báo đều biết rằng, cần phải sàng lọc hàng núi thông tin để có thể tìm thấy một “hạt” có giá trị. Tình báo kỹ thuật có thể cho phép tìm được gấp đôi số “hạt” nhưng số lượng thông tin phải sàng lọc lại tăng gấp 3 lần. Thậm chí nếu như vai trò của tình báo kỹ thuật được tăng cường và thay thế được cái việc trước kia con người đã làm với mạo hiểm và chi phí lớn, nó cũng không bao giờ trở thành một thay thế có đầy đủ giá trị. Chỉ có yếu tố con người, chứ không phải những mẹo dùng công nghệ cao, mới có thể làm cho công tác tình báo thành công mỹ mãn. “Rệp” có mặt khắp nơi Cho tới cuối những năm 1980, chúng tôi đang trong tình trạng khá thuận lợi khi biết rằng không có một điệp viên CIA nào đang làm việc tại Đông Đức mà chúng tôi lại không tuyển mộ lại ngay từ đầu. Theo chỉ thị của chúng tôi, họ trao cho người Mỹ những thông tin giả hay thông tin đã được lựa chọn cẩn thận. Chúng tôi biết được điều này do Edward Lee Howard đã từng làm việc cho một bộ phận ở Đông Đức. Anh ta đã làm quen với Falcon, người sau đó được đưa về làm tại Bộ Tham mưu của CIA tại Langley và được khen thưởng vì có hoạt động xuất sắc tại Đông Đức. Howard biết được từ Falcon về việc tại Đông Đức lúc đó chỉ có khoảng 6 hay 7 điệp viên của CIA. Điều này đã được chính CIA khẳng định qua lời tiết lộ sau khi Đông Đức sụp đổ. Theo đó, dường như chính các điệp viên của họ trong thời kỳ đó đã bị Bộ An ninh quốc gia của chúng tôi điều khiển. Vào những năm 1987-1988, Howard, khi đó đang sống tại Moscow dưới sự bảo vệ của KGB, đã đến Đông Berlin và kể chi tiết cho các đồng nghiệp của mình tại cơ quan tình báo đối ngoại về các chiến dịch do CIA tiến hành cũng như ưu tiên trong hoạt động tình báo của Mỹ là nhằm vào các viện nghiên cứu khoa học hay tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Một tiết lộ của Howard quả thực quan trọng với chúng tôi là CIA có một danh sách các nhân vật đáng quan tâm trong giới hoạt động kinh tế và bác học của CHDC Đức. Nếu như ai đó trong số họ liên hệ với Đại sứ quán Mỹ để lấy hộ chiếu, tên của họ được chuyển đến qua bộ phận lãnh sự tại Mỹ tới cơ quan mật vụ và được đưa vào ngân hàng dữ liệu. Trong thời gian viếng thăm Mỹ, bất cứ thời gian và địa điểm nào liên quan đến những cái tên này - như trong các cuộc điện đàm, thông báo theo fax hay telex - chính quyền Mỹ đều ghi lại và giao cho CIA để đánh giá. Đông Đức là nước có uy tín nên chính là nơi mọi người muốn do thám về mọi thứ và họ lắp đặt các “con rệp” nghe trộm ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, do các hạn chế về mặt kỹ thuật, chúng tôi không thể sánh được với Mỹ về lĩnh vực này. Theo Linh Nga Hồi ký của nhân vật số một ngành tình báo Đông Đức (Kỳ 5) Điệp viên nguyên tử Thứ năm, 19/4/2007, 16:46 GMT+7 Một trong những điệp viên khiến tôi khâm phục nhất trong suốt cuộc đời hoạt động của mình chính là Claus Fuchs, nhà vật lý nổi tiếng thường được nói đến với tư cách một gián điệp về nguyên tử lớn nhất, người đã từng tham gia vào việc chế tạo bom nguyên tử tại Los Alamos và thông báo cho Liên Xô về các giai đoạn phát triển của nó. >> Cài người vào nước Mỹ (Kỳ 1) >> Những cú sốc (Kỳ 2) >> “Quặng” thông tin từ quê nhà (Kỳ 3) >> Đối đầu trên mặt trận phản gián (Kỳ 4) fb2.jpg Một cuốn sách về điệp viên nguyên tử Claus Fuchs Ông cũng là nhân chứng của vụ nổ khổng lồ vào ngày 16-7-1945, khi cột nấm của bom nguyên tử tượng trưng cho sự hủy diệt khủng khiếp bốc lên trên sa mạc Arizona. Trách nhiệm của lương tâm Từ lâu tôi đã quan tâm đến việc Fuchs, người sống tại Dresden với tư cách một nhà bác học được công nhận và thành viên của Ủy ban Trung ương của Đảng XHCN thống nhất Đức ngay sau khi được thả khỏi nhà tù của Anh vào năm 1959. Tôi không thể nào chịu được với ý nghĩ cho rằng con người với chặng đường đời khác thường như vậy lại có thể mang theo kinh nghiệm hoạt động xuống mồ mà không nói với ai. Chỉ vài năm trước khi ông mất, tôi mới có thể thuyết phục ông phá vỡ sự im lặng. Với cách ăn nói cùng cử chỉ của mình, Claus Fuchs hoàn toàn không phù hợp với những quan niệm về một điệp viên thành công trong sự nghiệp. Vầng trán cao, đôi mắt chăm chú nhìn thận trọng sau cặp kính không gọng chỉ thuyết phục người ta về cảm tưởng đây là một nhà bác học điển hình. Đó chính là ấn tượng mà ông tạo được ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cặp mắt của ông chỉ bắt đầu sáng lên khi nói về thuyết lượng tử hay về những tính toán về mặt toán học của các dao động trong quá trình nổ bom plutonium. Ông quả thật là một nhà nghiên cứu đến tận xương tủy. Fuchs đã đem kiến thức và khả năng của mình để phục vụ Liên Xô do chỉ ở đây họ mới nhìn thấy khả năng chiến thắng “đế chế thứ ba” và đóng góp sự giúp đỡ quyết định cho Liên Xô và các đồng minh trong Đại chiến Thế giới hai. Theo ngôn ngữ nghề nghiệp của chúng tôi thì những người hoạt động tình báo vì lý tưởng và những niềm tin chính trị sâu sắc không phải gọi là gián điệp mà gọi là chiến sĩ tình báo. Đối với tôi, Fuchs là một chiến sĩ tình báo thực sự mặc dù ông không được đào tạo đặc biệt, hầu như không có chút kinh nghiệm và tất nhiên là không được rèn luyện cần thiết cho công việc khó khăn này. Khi còn là sinh viên, Fuchs đã tiếp cận với phong trào cộng sản và sau năm 1933 ông đã ra nước ngoài rồi nhận được học vị bác học tại Edinburg. Vào năm 1941, qua người bạn của mình là nhà bác học về kinh tế Yurgen Kuchinski, ông bắt liên lạc được với cơ quan tình báo quân sự của Liên Xô - GRU. Với tư cách một công dân Anh, từ năm 1943 đến 1946 ông có mặt trong đoàn đại biểu tham gia vào nghiên cứu dự án Manhatta tại Mỹ dưới sự chỉ đạo của Robert Oppenheimer. Vào thời gian đó, khi những người cha đẻ của bom nguyên tử còn được tung hô như những anh hùng trước khi bom được ném xuống Nhật Bản, Fuchs đã hiểu rằng, loại vũ khí này chính là phương tiện đe dọa trong tay những kẻ hiếu chiến chống cộng, những kẻ đã coi Liên Xô không phải là đồng minh mà là một kẻ thù tiềm năng. Fuchs nói: “Tôi không bao giờ coi mình là một gián điệp. Tôi chỉ không thể hiểu được vì sao phương Tây lại không thể chia sẻ kiến thức về bom nguyên tử với Moscow. Tôi cho rằng, các cường quốc cần phải công bằng trong việc sở hữu loại vũ khí hủy diệt này. Tôi chưa bao giờ coi mình là có tội khi cung cấp cho Moscow những tài liệu mật. Nếu như tôi không làm điều này thì đó mới chính là một sai lầm không thể tha thứ ”. Fuchs nói rất dè dặt về sự tham gia của cá nhân mình trong việc sản xuất bom nguyên tử của Nga. Chỉ bốn mươi năm đã qua kể từ vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô tại vùng thảo nguyên Kazakhstan ngày 29-8-1949, các nhà bác học Xô Viết mới thừa nhận là nếu không có thông tin của Claus Fuchs thì sự độc quyền của Mỹ về vũ khí nguyên tử không thể bị phá vỡ nhanh đến như vậy. Lộ diện vì không quen dối bạn Hầu như không thể tin được phương pháp giản đơn mà Fuchs đã dùng để trao thông tin của mình. Trong thời gian làm việc ở Anh, người có cảm tình nhất trong số những liên lạc viên của ông là Ruth Verner. Thường thì Fuchs và Ruth đạp xe vào trong rừng và tại đây nhà vật lý trao tay cho cô thông tin được viết trên giấy. Sau khi trở về từ Mỹ, Fuchs làm việc tại Viện Nghiên cứu về vật lý nguyên tử của Anh tại Charuell với tư cách lãnh đạo bộ phận vật lý lý thuyết trước khi bị bắt vào năm 1950. Bắt đầu từ sự phản bội của một nhân viên mật mã của GRU tại Canada mùa thu năm 1945, phương Tây đã tổ chức một loạt các vụ bắt bớ. Sau vụ bắt nhà vật lý nguyên tử Anh là Allan Nunn May, đến lượt Ethel và Julius Rosenberg bị bắt vào mùa hè năm 1949. Hai vợ chồng này đã bị xử tử trên ghế điện vào tháng 7-1953 sau khi Tổng thống Eisenhower hai lần khước từ ân xá. Giữa những mốc thời gian này là vụ bắt Claus Fuchs đầu năm 1950. Trong các cuộc hỏi cung, nhân viên mật vụ Anh không phát hiện được chút sơ hở nào của Fuchs và họ đã muốn xóa bỏ hết nghi ngờ về ông cho đến khi người bạn là phó giám đốc viện nghiên cứu tại Charuell trực tiếp hỏi. Do không quen nói dối bạn bè nên ông có những thái độ dao động và điều này đã khiến ông bị lộ chân tướng. Tôi cho rằng đây là một nước cờ đặc biệt mà nhân viên mật vụ Anh đã làm khi nhận thấy không thể đạt được gì ở Fuchs bằng các biện pháp thông thường. Vì chân thật trong tình bạn mà ông phải nhận án 14 năm tù, trong đó phải ngồi mất 9 năm trước khi được thả. Theo Linh Nga