Thế nào là Tội phạm có tổ chức? Thứ tư, 10/1/2007, 11:40 GMT+7 Sự xuất hiện của tội phạm có tổ chức (TPCTC) gắn với vấn đề dân tộc, tôn giáo, tham nhũng, TPCTC xuyên quốc gia, TPCTC theo kiểu "xã hội đen" gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, kỷ cương xã hội. mafia.jpg TPCTC đang gia tăng về số lượng và tính chất nguy hiểm. TPCTC đang gia tăng về số lượng và tính chất nguy hiểm. Đấu tranh phòng chống TPCTC đã và đang là vấn đề quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, với những phương thức, thủ đoạn, thành phần tội phạm mới. Thuật ngữ về TPCTC hình thành mới ba bốn thập niên trở lại đây, còn hết sức mới và được các nhà luật học, tội phạm học trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Trong việc nghiên cứu TPCTC, vấn đề mấu chốt là nghiên cứu các hoạt động phạm tội mang tính cá nhân trong mối quan hệ liên kết nhóm gắn với các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội, tôn giáo, dân tộc ở từng thời điểm nhất định. Nét đặc thù của TPCTC là khi phát triển ở mức độ cao, TPCTC đã xen lấn vào cơ cấu nhà nước, cơ cấu kinh tế - xã hội, lẫn lộn giữa các hoạt động kinh tế bất hợp pháp với kinh tế hợp pháp, gắn với các vấn đề tôn giáo, dân tộc và văn hóa; nó vừa là lực cản đối với Nhà nước vừa cộng sinh với Nhà nước “như hai giọt nước trong cùng một cái cốc”. Vậy, TPCTC là thế nào, cái gì là cái cá nhân, cái gì là có tổ chức, cái gì là “sức mạnh, quyền lực” của TPCTC? Hội thảo quốc tế của Liên Hiệp Quốc về đấu tranh chống tội phạm, diễn ra tại thành phố Xudơđan, Liên Xô từ 21 đến 25/10/1991 coi TPCTC là “Mọi nhóm người hoặc các cá nhân biệt lập nhưng được tổ chức, tập hợp lại một cách thường xuyên vì mục đích vụ lợi bằng phương pháp phi pháp”. Hội thảo đã phân chia TPCTC thành một số dạng, một trong số đó là dạng truyền thống, gồm các hiệp hội mafia, hoạt động theo nguyên tắc thứ bậc. Các hiệp hội tội phạm là loại tổ chức tội phạm phát triển nhất và đông đảo nhất. Nhóm còn lại bao gồm những tội phạm chuyên nghiệp; nhóm chuyên nghiệp bao gồm những bộ phận tội phạm chuyên làm tiền giả, trộm cắp ôtô, cướp giật, tống tiền. Ngoài ra còn có những nhóm TPCTC được phân chia theo các quan hệ sắc tộc, văn hóa và lịch sử. Hội nghị lần thứ VIII của Liên Hiệp Quốc về ngăn chặn và đấu tranh chống TPCTC đã nhận xét rằng TPCTC đôi khi thâm nhập sâu vào hệ thống hành chính quốc gia và các cơ cấu chính trị, kể cả các lực lượng vũ trang. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nêu quan điểm về TPCTC trong hội nghị này là: “TPCTC là hoạt động của những hiệp hội phạm tội hoặc những nhóm phạm tội được liên kết lại trên cơ sở kinh tế; TPCTC là hoạt động bí mật, trong đó những cấu trúc có đẳng cấp điều hòa kế hoạch và tổ chức thực hiện những hoạt động bất hợp pháp hoặc sử dụng những phương tiện bất hợp pháp để đạt mục đích hợp pháp. Các nhóm phạm tội bất hợp pháp thâm nhập vào rất nhiều hoạt động có thu nhập hợp pháp. Các tổ chức tội phạm sử dụng các biện pháp khác nhau từ tinh vi, xảo quyệt đến các biện pháp trắng trợn, thô bạo... để thiết lập sự độc quyền trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp, thâm nhập vào các dạng hoạt động hợp pháp để mua chuộc quan chức”. Qua các kỳ họp của Interpol và EU liên quan đến vấn đề TPCTC và đấu tranh phòng chống TPCTC, có thể khái lược lại quan niệm về TPCTC như sau: TPCTC là hành động phạm pháp hoặc một nhóm đối tượng được xếp vào trong quy định băng nhóm phạm pháp khi hội tụ ít nhất đủ 6 đặc điểm liệt kê sau đây: Đối tượng tham gia ít nhất là 2 người; có sự phân công trách nhiệm trong nhóm; cùng hoạt động trong một thời gian nhất định; có kỷ luật chặt chẽ của nhóm; có biểu hiện phạm tội nghiêm trọng; hoạt động có tính quốc tế; sử dụng vũ lực hoặc các thủ đoạn phức tạp khác để đe dọa dưới hình thức kinh doanh hoặc buôn bán; tìm cách hoặc tham gia rửa tiền; tạo dựng ảnh hưởng đối với các nhà hoạt động chính trị, báo chí, công luận, hệ thống hành chính, tư pháp, hoặc các nhà quản lý kinh tế bằng tham nhũng hoặc các kiểu hình tác động khác; tác động ảnh hưởng, thâm nhập vào cơ cấu chính trị; mục đích vụ lợi, trong đó có 3 yếu tố bắt buộc là: phải từ 2 người trở lên, phạm tội nghiêm trọng trở lên và vì mục đích vụ lợi. mafia1.jpg Một vụ thanh toán đẫm máu của Mafia Napoli - Italia. Điều 2 Công ước của Liên Hiệp Quốc về đấu tranh chống TPCTC xuyên quốc gia thông qua ngày 15-12-2000 đã định nghĩa: “Nhóm TPCTC là một nhóm tổ chức có cơ cấu từ 3 người trở lên, tồn tại trong một thời gian cùng phối hợp thực hiện một hoặc nhiều tội phạm nghiêm trọng, hoặc các hành vi phạm tội được quy định trong Công ước này với mục đích trực tiếp hay gián tiếp đạt được các lợi ích về tài chính hay vật chất khác”. Đây là khái niệm về “nhóm TPCTC”, không phải khái niệm về TPCTC. Tuy nhiên, Công ước đã đưa ra những căn cứ để xác định một hành vi phạm tội thuộc TPCTC; TPCTC xuyên quốc gia làm cơ sở cho các nước thành viên xem xét đưa ra khái niệm TPCTC tương đồng giữa các nước. Mỹ được coi là quốc gia nhiều TPCTC “phát triển” nhất, nổi tiếng khắp thế giới với các tổ chức xã hội đen như “mafia” của Italia, tổ chức buôn bán thuốc phiện lớn đến từ Colombia, tổ chức xã hội đen “Tam Hợp Hội” của Hồng Công; tổ chức tội phạm người Đông Âu và Nga mới thành lập; băng nhóm lưu manh xã hội đen ở rải rác khắp thành phố New York và băng nhóm Motor; tổ chức đảng “3K” lúc ẩn lúc hiện; đặc biệt là các nhóm TPCTC lứa tuổi vị thành niên phát triển với số lượng lớn, hình thức liên hiệp tội phạm chặt chẽ, có chân rết, mối liên hệ các địa phương khác nhau. Điều 161 Luật Liên bang Mỹ quy định: TPCTC bao gồm hành vi tội phạm mưu sát làm tổn thương người khác, đánh bạc, phóng hỏa, cướp, trộm cắp, khủng bố cướp tài sản, giao dịch sản phẩm bất hợp pháp hoặc giao dịch ma túy... cùng các hành vi tội phạm khác như mua bán quản chế vật phẩm hoặc quản chế vật phẩm hóa học. Luật Hình sự Mỹ quy định: TPCTC là 2 người hoặc từ 2 người trở lên trong thời gian dài thực hiện nhiều hành vi phạm tội có tính truyền thống như trộm, cướp, gây thương tích... Theo T.S Nguyễn Phong Hòa Lịch sử Thế giới ngầm (Kỳ 2) Khuynh hướng hình thành tội phạm có tổ chức Thứ tư, 10/1/2007, 13:00 GMT+7 Ở Nhật, Yakuza (một dạng mafia) hiện nay với hơn 80.000 thành viên, với doanh số tội ác lên đến nhiều tỉ USD/năm, đã ăn sâu vào nền chính trị, kinh tế và xã hội, là tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới hiện nay. Thế nào là Tội phạm có tổ chức? yakuza.jpg Các thành viên của Yakuza. Toàn cầu hóa kinh tế và nhất thể hóa khu vực đã làm thay đổi căn bản bối cảnh quốc tế, đã phá bỏ các rào chắn của chiến tranh lạnh đối với các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và đầu tư kinh doanh, đem lại cơ hội, tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu, đồng thời cũng bỏ rào ngăn đối với các hoạt động tội phạm, tạo cơ hội cho TPCTC thâm nhập thị trường mới và mở rộng tầm hoạt động. Thị trường tài chính và ngân hàng quốc tế ngày càng phát triển, quá trình trung chuyển vốn, hàng hóa tăng, làm tăng quy mô và cường độ về người, hàng hóa và tiền tệ qua lại biên giới các nước. Việc lập ra khu vực mậu dịch tự do tiếp tục giảm bớt sự kiểm soát thuế quan và xuất nhập cảnh ở châu Âu, ASEAN và các khu vực khác cũng tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển các hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia dưới các hình thức kinh doanh hợp pháp. Có thể nói, bên cạnh lợi ích to lớn của các thay đổi nền kinh tế toàn cầu thì việc mở rộng hoạt động của các công ty xuyên quốc gia tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm mở rộng địa bàn và lĩnh vực hoạt động ở một mức độ nhất định làm phương hại đến tính hợp pháp và làm giảm hiệu lực của các cơ quan nhà nước, nhất là đối với các quốc gia đang trong quá trình cải cách kinh tế và cơ chế chính trị. Trên cơ sở đánh giá của Liên Hiệp Quốc và tài liệu nước ngoài cho thấy, hiện nay không có một nước nào trên thế giới là không có TPCTC và nước nào cũng có các nhóm TPCTC mang đặc thù của nước đó và có sự đồng hóa với các nhóm TPCTC khác trên thế giới. Theo thống kê sơ bộ có khoảng hơn 200 nhóm TPCTC lớn có chân rết và tổ chức hoạt động tội phạm ở nhiều nước trên thế giới. Có 8 nước đã công bố các nhóm TPCTC đặc trưng nhất hiện nay là: Trung Quốc (gồm cả Trung Hoa đại lục, Hồng Công, Đài Loan). Có 6 hội Tam hoàng; Colombia: nhóm hành động chung Medellin và Cali cartel; Italia: tổ chức mafia ở Sicily hoặc Cosa Nostra, nhóm Calabrria Ndrangheta, nhóm Neapoli Camorra và nhóm Sacra Corona của Apulia; Nhật: băng Boryokudan, thường được gọi là nhóm Yakuza; Mexico: nhóm hoạt động chung vùng Vịnh; Nga: hàng chục tổ chức mafia người Nga và người Kakaz; Thổ Nhĩ Kỳ: hàng chục nhóm người Kurd gốc Thổ thường gọi “nhóm người Thổ”; Mỹ: tổ chức mafia Mỹ hoặc Cosa Nostra đã hoạt động lâu ở Canada. Trong đó, các tổ chức tội phạm Medellin và Cali cartel (Colombia), mafia ở Sicily, và các hội Tam hoàng người Hoa thường được cho là có tổ chức tốt nhất, có chân rết rộng khắp và quyền lực nhất. Ngày nay, do sự phát triển của khoa học - công nghệ, TPCTC hiện đại hoạt động phạm tội nghiêm trọng được thực hiện bởi các băng nhóm không thuộc hình mẫu chính thức nào. Trên thực tế, nhiều nhóm TPCTC tuy nhỏ bé, hệ thống tổ chức lỏng lẻo nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả vô cùng lớn. Ở Mỹ, TPCTC liên quan đến hệ thống điện toán làm thiệt hại nhiều tỉ USD cho các công ty Mỹ. Tội phạm này thường được tiến hành bởi các nhóm nhỏ những “thợ lành nghề” về dữ liệu số hoặc những kẻ tống tiền trên máy tính, không cần sự tổ chức chặt chẽ. Các khuynh hướng hình thành TPCTC Khuynh hướng thứ nhất, khuynh hướng hình thành TPCTC một cách “tự nhiên” do nhu cầu liên kết nhóm của từ hai người trở lên cùng thực hiện hành vi phạm tội để tạo thành sức mạnh, đạt được “hiệu quả” cao hơn trong hoạt động tội phạm. Quá trình phát triển của tội phạm tạo ra một bộ phận coi hoạt động phạm tội là nhu cầu thường xuyên và trở thành lối sống. Tính chuyên nghiệp và tính có tổ chức là những hiện tượng có quan hệ với nhau; chỉ số về tính chuyên nghiệp của tội phạm càng cao thì các hình thức tổ chức của nó càng trở nên cấp thiết. Mặt khác, khi tội phạm chuyên nghiệp bắt đầu chuyển thành TPCTC đó là bước nhảy vọt làm biến đổi về chất trong tổ chức và hoạt động của các liên kết nhóm với kinh nghiệm và chuyên môn nghề nghiệp phạm tội của từng cá nhân phạm tội. Chúng sử dụng vào mục đích tội phạm ngay cả những kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp trong tổ chức vũ trang, nghiệp vụ điều tra, nghiệp vụ bào chữa, kỹ thuật công nghệ... Tội phạm khi đã tạo ra được liên kết có tính tổ chức, tạo ra sự câu kết, ràng buộc, phân công lao động, phân chia ngôi thứ, truyền bá kinh nghiệm, tạo dựng các mối quan hệ, bảo vệ, che giấu cho nhau trong “tổ chức”, phân công vai trò giữa các thành viên, phân chia “lợi nhuận” thu được; tổ chức quan hệ mua chuộc quan chức. Vì thế khi xem xét tính nguy hiểm của TPCTC, không phải chỉ đơn thuần là phép cộng đơn giản của các thành viên tham gia mà phải được xem là tính nguy hiểm và sức công phá bình phương của TPCTC. Thậm chí có những nhóm, những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm còn mang theo khát vọng có được quyền lực chính trị. Đây là khuynh hướng cơ bản hình thành TPCTC. Khuynh hướng thứ hai, đó là việc hình thành TPCTC với nguồn gốc ban đầu chưa phải là mục đích tội phạm, mà do một nhóm người tự tin thái quá, ngạo mạn, ngông cuồng đòi được tôn trọng, nếu bị xỉ nhục thì không muốn bàn tay pháp luật mà tự nó có cách riêng đòi lại sự công bằng. Hoặc nhóm người này bị nhóm người khác đè nén nhưng do sự yếu kém của chính quyền không bảo vệ được họ, thậm chí do sự bất công của xã hội mà nhóm người đó có sự tập hợp để phản ứng lại. Khi không đủ sức mạnh thì nó có thể dựa vào những người khác có cùng cách hành xử với mình (trong đó cũng có những nhóm với thái độ hung bạo, thích xử sự theo “luật giang hồ” cấu thành nên nhóm của mình). Theo T.S Nguyễn Phong Hòa Lịch sử Thế giới ngầm (Kỳ 3) Tình hình tội phạm có tổ chức ở Việt Nam Thứ tư, 10/1/2007, 16:25 GMT+7 Hoạt động của tội phạm có tổ chức ở Việt Nam xuất hiện từ thời Pháp thuộc và phát triển bùng nổ vào tại Miền Nam Việt Nam vào thời Mỹ - Nguỵ. Cho đến nay, loại hình tội phạm này vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp, là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. >> Kỳ 1: Thế nào là Tội phạm có tổ chức? >> Kỳ 2: Khuynh hướng hình thành tội phạm có tổ chức tp1.jpg Tiền mặt thu được tại nhà Ánh "Phú" trong chuyên án TX - 106 Ô. Ngay từ đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện những đám lưu manh chuyên nghiệp, kết nối với nhau làm những nghề phi pháp, tổ chức theo “luật giang hồ” của giới anh chị ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng, Nam Định. Dưới thời Pháp thuộc, trong tác phẩm "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng đã phản ánh vấn đề TPCTC thông qua các nhân vật Tám Bính, Năm Sài Gòn. Ở miền Nam dưới thời kỳ chế độ Sài Gòn cũ đã hình thành các nhóm TPCTC theo kiểu “xã hội đen” nhuốm màu sắc của các Hội Tam hoàng, băng 14K của người Hoa. Ở Sài Gòn, trong giới giang hồ đã hình thành tên gọi “Tứ Đại Thiên Vương” gồm Lê Văn Đại tức Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Vân Cái, Nguyễn Kế Thế. Bốn tên trùm của thế giới tội phạm Sài Gòn với những chiến tích bất hảo là đâm chém nhau để tranh giành quyền lợi, địa vị trong giới giang hồ, bảo kê khách sạn, nhà hàng, cờ bạc, hoạt động mại dâm, hoạt động ma túy. Phạm vi hoạt động của các băng, nhóm TPCTC trước năm 1975 chủ yếu tập trung ở các khu vực có tài sản, nơi tập trung đông quân đội và các căn cứ hậu cần của quân đội Mỹ như Đô thành Sài Gòn, Tam Hiệp (Biên Hòa), thành phố Nha Trang, quân cảng Cam Ranh, Đồng Đế, Dục Mỹ, ngã ba Diệp Kính Gia Lai dưới chân núi Phượng Hoàng có căn cứ Hàm Rồng của Mỹ. Đã xuất hiện nhiều băng nhóm TPCTC, cả loại băng nhóm TPCTC theo kiểu “xã hội đen” mà điển hình vẫn là tên trùm “xã hội đen” Năm Cam đã hoành hành từ sau năm 1965. Những tên cầm đầu trở thành trùm chủ yếu không phải tự "tấn phong" mà do đàn em "tấn phong", quyền uy thực sự, tổ chức hẳn hoi với hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới. Với gần 10.000 tên tội phạm gồm cả những tên giang hồ cộm cán ở miền Nam đã được những tên chỉ huy các trại cải tạo giải thoát trước khi giải phóng Sài Gòn. Vì vậy, Sài Gòn sau 30/4/1975 đã hội tụ hầu hết số giang hồ đủ các thành phần, đẳng cấp khác nhau. tp2.jpg Ánh "Phú" nghe đọc lệnh bắt trong chuyên án TX - 106 Ô. Sau một thời gian thăm dò động tĩnh của chính quyền mới, các băng nhóm tội phạm bắt đầu trỗi dậy. Nhiều vụ giết người, cướp của, bắt cóc, tống tiền, hiếp dâm, trộm cắp, thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng đã diễn ra hết sức phức tạp và xuất hiện những băng cướp, giết người kiểu nhóm nhỏ rất tàn bạo. Lực lượng Công an đã tập trung triệt phá và làm tan rã phần lớn những băng nhóm kiểu này. Trong những năm từ 1975 đến 1986, TPCTC tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng và có xu hướng tăng, thể hiện tính xuyên Bắc - Nam, xuyên quốc gia. Ở các tỉnh phía Bắc xuất hiện những tổ chức tội phạm mới như các băng, nhóm cướp ngân hàng, giết người phi tang, những băng cướp lớn... hoạt động mang tính găngxtơ. Tính chất tội phạm nghiêm trọng xảy ra nhiều ở các tỉnh phía Nam do số cầm đầu các băng cướp thoát khỏi nhà tù sau giải phóng hoạt động trở lại. Các băng cướp dưới thời chế độ cũ hoạt động trở lại chủ yếu ở các thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... gây ra nhiều vụ cướp của, giết người như băng cướp của, giết người… Điển hình là vụ đốt xác phi tang do Bùi Văn Đắc cầm đầu, vụ giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, băng cướp do Võ Tùng Hội cầm đầu ở TP HCM, băng cướp do Võ Văn Khê cầm đầu ở An Giang... Một số băng cướp ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng về tính chất dã man tàn bạo của các nhóm tội phạm trước đây ở miền Nam hoạt động mạnh, tính chất rất nghiêm trọng như băng cướp của Trần Quang Tuyến cầm đầu ở Hải Phòng, băng cướp do Phạm Văn Động cầm đầu ở Quảng Ninh... Nhìn chung, tính chất hoạt động theo băng nhóm và mang tính chuyên nghiệp, địa bàn hoạt động rộng, di chuyển nhanh, có vũ khí, khi bị phát hiện, vây bắt thì chống trả quyết liệt, gây khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm và sự ổn định của trật tự xã hội. Theo T.S Nguyễn Phong Hoà