Những chuyện thần bí xung quanh cố Tổng thống Yeltsin Chủ nhật, 27/5/2007, 09:17 GMT+7 Cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin là một chính trị gia đầy mâu thuẫn và khó đoán định. Khi Yeltsin đương quyền, người ta từng đồn đại về một “đội tuần đêm” lo canh giữ cho ông tránh khỏi những điều xúi quẩy. Dưới trướng Yeltsin đã có những nhà ngoại cảm, chiêm tinh, tiên tri, thày bói… làm việc rất tích cực, thậm chí một nhà chiêm tinh còn được phong... tướng. Sự thật trong chuyện này? Chiêm tinh gia được phong... tướng chiemtinh.jpg "Chiêm tinh gia Kremli" Rogozin Ngay từ thời Gorbachev, ở Nga đã bắt đầu nở rộ những chuyện lạ kỳ. Nào là nhà thôi miên Kashpirovski chiếu cái nhìn nghiêm nghị từ màn hình vô tuyến để trị bệnh cho đám đông khán giả. Nào là "thầy" Grabovyi quảng bá về tài năng phi thường đến mức có thể cải tử hoàn sinh. Rồi có hàng trăm nhà ngoại cảm, tiên tri đủ loại tự lăng xê quảng cáo trên báo in và truyền hình. Làn sóng của những “sức mạnh siêu hình” này mạnh đến mức xung quanh Yeltsin cũng bắt đầu có sự bao bọc từ những “ma thuật cung đình”. Chẳng hạn, trong phủ Tổng thống đã tồn tại một nhà chiêm tinh học trong biên chế hẳn hoi với cấp bậc thiếu tướng. Đó là Georgi Rogozin, trợ lý thứ nhất cho Korjakov - thư ký an ninh riêng của Yeltsin. Năm 1996, ông này trở thành phó thủ trưởng ban tham mưu tranh cử Tổng thống. Chỉ riêng về Rogozin đã có không ít huyền thoại. Chuyện dường như ông chỉ dùng mắt mà khiển được cả cái bàn gỗ sồi nặng trịch xê dịch tứ tung, và có thể đọc được ý nghĩ của người khác từ khoảng cách nhất định. Trong điện Kremli, người ta còn gắn cho ông cái biệt danh Merlin (tên một thầy phù thủy dưới triều vua Artur). Một trong những trách nhiệm chính của “Merlin ở Kremli” là chuẩn bị sẵn tất cả các dự đoán chiêm tinh hàng ngày để đưa ra Ban Quản trị phủ Tổng thống. Theo đó, nhân viên văn phòng sẽ trù liệu các lộ trình di chuyển, sắp xếp các cuộc gặp. Vai trò các điềm chiêm tinh trong phủ Tổng thống Theo lời chứng thực của Thiếu tướng quân dự bị Boris Ratnikov, nguyên phó Cục trưởng Bảo vệ Liên bang Nga (1991-1993), thì câu chuyện là như sau : "Hồi đó, tôi cùng với Rogozin phụ trách việc dự báo và phân tích, đề phòng các nguy cơ tai nạn trên đường đi như bão táp và những điều bất lợi khác có thể gây hại cho Tổng thống. Rogozin quả thực có xem chiêm tinh hàng ngày theo các dữ liệu cá nhân của Yeltsin. Quẻ bói đó không đưa Tổng thống xem trực tiếp, nhưng nó có được sử dụng khi dự trù các kế hoạch hoạt động. Yeltsin không có thầy bói riêng nào hết. Còn cái ông Grabovyi thường khoe khắp nơi rằng ông ta thường lo kiểm tra an ninh cho chuyên cơ Tổng thống thì đó chỉ là chuyện láo toét. Vì chẳng cứ Tổng thống, mà chúng tôi cũng chưa bao giờ quen biết ông ta". “Tổng thống tin vào các nhà ngoại cảm” Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga Eduard Kruglyakov - Chủ tịch Ủy ban phân tích các hiện tượng ngụy khoa học - đã có nhận xét như sau: "Ngay khi còn là một sĩ quan KGB, Rogozin đã tiến hành một nghiên cứu “trong vùng cấm địa”, như kiểu đọc tư tưởng trong cự ly. Ông ta thực sự có niềm đam mê về ma thuật, chiêm tinh, phù chú. Trên báo “Thời sự Matxcova” năm 1997 đã từng quảng bá: “Rogozin báo trước các điềm chiêm tinh, thường xuyên đệ trình giúp các nhân vật trọng trách của đất nước. Ông giao lưu với vũ trụ theo những chủ đề ngân sách - tài chính quốc gia, tạo ra xung quanh Tổng thống một “trường năng lượng thuận lợi”...”. Chính ông ta đã chỉ đạo kê giường nằm của Boris Yeltsin theo hướng Bắc - Nam. Nhưng cuối cùng, Rogozin đã được thay bằng người khác. Tôi đã có dịp trực tiếp nói chuyện với Yeltsin, và tôi nhận thấy rằng quả thực Tổng thống có chịu ảnh hưởng của các nhà ngoại cảm. Thí dụ, ông đã hỏi chúng tôi rằng, các nhà khoa học liệu có thể “vắt” lấy năng lượng từ đá hay không. Chúng tôi đã trả lời rằng đó là sự lường gạt. Thế mà Tổng thống đã cấp cho cái đề tài như thế... 120 triệu rúp, khoản tiền quá lớn thời trước khủng hoảng". Mũ năng lượng sinh học Hiển nhiên Yeltsin có biết về chuyện trong “cung đình” Kremli có những nhà “ma thuật - chiêm tinh gia” làm việc. Tuy nhiên, nguyên thủ Nga không trực tiếp gặp gỡ những thuộc cấp hạng dưới như vậy. mu.jpg Chiếc mũ có thật được các họa sĩ “đội” vào chân dung ông Yeltsin Chỉ có một lần, Tổng thống Nga dùng đến một người có thể gọi là nhà ngoại cảm. Đó là Giáo sư Georgi Stefanov - tiến sĩ khoa học về Y - một trong những bậc lão thành cột trụ của môn vi phẫu thuật Xô-viết. Ông Stefanov từng nhận Giải thưởng khoa học Quốc gia Liên Xô. Và những gì ông đã làm cho Yeltsin, thật cũng khó xếp vào dạng khoa học truyền thống. Nhà khoa học kể rằng, năm 1998, ông đã bay tới Sochi để chữa bệnh cho Boris Yeltsin, bằng chiếc mũ năng lượng sinh học do chính ông chế ra. Nó trông giống như một cái đai kim loại bao quanh đầu với những nhánh tủa ra xung quanh như những ăng-ten. Giáo sư coi đây là công cụ để truyền năng lượng sinh học rất mạnh của riêng ông sang cho người bệnh. Một ngày cuối năm 1998, Giáo sư bỗng nhận được lời mời mang chiếc mũ độc nhất vô nhị này đến Sochi. “Bệnh nhân đặc biệt” Boris Yeltsin dịp ấy than đau ở vùng xương sườn số 4 - 5, tỏ ra mệt mỏi. Được nghe đồn về chiếc mũ độc đáo, hội đồng gia đình Tổng thống đã họp bàn và quyết định thử sử dụng. Sau một ngày đội chiếc mũ ngồi đối diện vị Giáo sư, ông Boris Yeltsin phấn khởi nói: ”Đêm qua tôi thấy kỳ diệu. Đã nhiều năm nay tôi chưa bao giờ ngủ ngon đến thế, trong người sảng khoái hẳn” … Theo Đan Thi (Tổng hợp từ Moscow Những điều thần bí về cố Tổng thống Yeltsin Thứ ba, 29/5/2007, 10:04 GMT+7 Xem chỉ tay đoán mệnh, chiết xuất năng lượng từ đá, sáng chế vũ khí tâm lý... Trong thời gian Tổng thống Yeltsin cầm quyền, nền khoa học Nga đã phát sốt lên bởi những ý tưởng dị thường. Một số nhà nghiên cứu còn được cấp tiền cho những đề án đáng ngờ như vậy. Nhưng bên cạnh đó, quanh Boris Yeltsin cũng có rất nhiều điều thú vị liên quan tới vị Sa hoàng cuối cùng và Sa hoàng trùng tên. >> Những chuyện thần bí xung quanh cố Tổng thống Yeltsin (Phần 1) “Đội tuần đêm” giúp tránh trù yểm Thời kì đó trong Phủ Tổng thống đã xuất hiện một cơ chế chưa từng có mà bây giờ người ta gọi là “đội tuần đêm”. Họ được lập ra và đặt dưới quyền phụ trách của Cơ quan bảo vệ an ninh. nga1.jpg Cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ảnh: Corbis Ông Iuri Malin - cựu nhân viên an ninh KGB, nguyên cố vấn trong Cơ quan Bảo vệ Liên bang thời Yeltsin, nay là Trưởng phòng thí nghiệm của Trung tâm công nghệ vật lý-tâm lý thuộc Hiệp hội vệ sĩ Nga, kể lại rằng: - Mấy năm liền tôi được giao tìm kiếm các nhà ngoại cảm khắp cả nước, tổ chức kiểm tra khả năng của họ. Và cuối cùng chọn lọc ra những người mạnh nhất – chừng một chục người. Họ có nhiệm vụ tác động từ xa đến ông Yeltsin, “nạp” năng lượng cho ông, hỗ trợ khi sức yếu, bảo vệ nguyên thủ khỏi những điềm rủi và sự nguyền nẻo, trù ám. Nhưng, tất cả đều là từ xa, không một ai được trực tiếp gặp Tổng thống. Ngoài ra, chỗ chúng tôi còn có trách nhiệm biết về những công trình mới nhất, có thể tác động đến thể trạng con người. Chẳng hạn, máy xung lực sinh học gây tác hại, do nhà lãnh đạo Phòng thí nghiệm công nghệ Lepton vi mô Anatoli Okhatrin tạo ra. Bức xạ của khí cụ này có khả năng hủy hoại các cơ quan nội tạng – nhất là ở những người bệnh. Nó có thể khiến tim đập loạn, và sẽ bùng phát đột ngột sự thiểu năng co bóp cơ tim. Chúng tôi đã theo dõi, để Tổng thống không phải chịu những tác động phá hoại như vậy. Nhưng sau khi cơ chế của chúng tôi giải thể, thì đề tài của Okhatrin đã do các hãng tư nhận bảo trợ. Kết quả là, bây giờ ngay cả tác giả cũng không biết cái khí cụ nguy hiểm đó đang ở đâu nữa. nga2.jpg Sơ đồ đường chỉ tay của Yeltsin, do Boris Akimob, Chủ tịch Hội khoa học về vân tay Nga lập Ăng-ten mật Có thể bạn không tin vào “đội tuần đêm”, nhưng đã từng có sự kiện nổi tiếng thế này: trong những căn buồng lân cận với văn phòng của ông Yeltsin, người ta đã phát hiện thấy có những thiết bị gì đó, lúc đầu ngỡ là máy nghe trộm. Nhưng chẳng bao lâu sau, các chuyên viên đã thừa nhận rằng, đó là ăng-ten được định hướng và dự trù cho bức xạ, chứ không phải là để thu nhận sóng âm thanh. Ông Malin khẳng định: “Thứ này đã được đặt với mục đích phá hoại sức khỏe của Tổng thống”. Một chuyên viên khác tên là Boris Ratnikov xác nhận: "Ngay trong văn phòng của ông Yeltsin cũng từng có máy bức xạ. Chính tôi đã nhìn thấy. Khí cụ này đứng đằng sau cái giá sách. Trông nó như một cái khung, kích thước 1m20x1m20, cuốn vải bạt, ở giữa có gắn máy bức xạ vô tuyến tần số cao. Bằng chứng về giá trị của thứ này là vào năm 1991, một đêm văn phòng đã bị cạy cửa, và nó đã bị lấy đi mất". Hóa ra quả thực là phủ Tổng thống cũng đã từng có những căn cứ để phải thành lập “đội tuần đêm”. Và ai mà biết được, các “kẻ thù của nền dân chủ Nga” có thể còn thi hành những âm mưu gì khác nữa, liệu có những động tác ám muội kỳ bí mà hậu quả thì chỉ bây giờ mới lộ ra? Thêm nữa, có cả tồn nghi rằng, chính các đối thủ của ông Yeltsin cũng bị “tẩu hỏa nhập ma”, “gậy ông đập lưng ông”. Họ cũng quá mê man sùng bái vào những điều thần bí, và ít nhất cũng đã là nạn nhân của những nhân vật lừa đảo ngụy khoa học, mời chào những “sáng chế” kỳ quặc hòng gây tác hại cho những đối tượng không có lợi cho mình. Những trùng hợp thú vị Con số 8. Boris Yeltsin lãnh đạo đất nước 8 năm, từ 1991 đến 1999. Sau khi từ chức và chuyển giao quyền lực cho Vladimir Putin, ông đã sống thêm 8 năm nữa. Duyên nợ với nhà thờ. Một tháng trước khi tạ thế, Boris Yeltsin đã cùng phu nhân đến Jordani, thăm Cung điện rửa tội cho chúa Jesus trên sông Jordan. Chính tay ông đã vớt nước sông lên để rửa tay tẩy trần. Rồi một tháng sau, ông chính thức được rửa tội. Thú vị hơn nữa là nơi qu ản linh cữu và làm lễ rửa tội cho Boris Yeltsin lại chính là ở nhà thờ Chúa Cứu thế, nơi được mở cửa vào ngày ông tuyên bố từ chức – 31/12/1999. Sa hoàng Boris. Ngay từ đầu năm 2007, Nhà hát Lớn của Matxcơva đã tung ra một chương trình quảng cáo rầm rộ cho vở nhạc kịch opera “Boris Godunov” nổi tiếng được dựng theo kiểu mới. Thời gian công diễn được ấn định ngày 25/4/2007. Những chỉnh sửa trong vở mới này nhấn vào phần thứ hai của tác phẩm, đoạn nói về sự kết thúc của nhân vật chính, Sa hoàng Boris. Tình cờ, đúng ngày 25/4/2007 cũng là ngày quốc tang của Nga, ngày mai táng cố Tổng thống Boris Yeltsin. Mọi hoạt động văn nghệ giải trí đều gác lại. Chỉ riêng tại Nhà hát Lớn vẫn cho ra mắt vở diễn này như một hoạt động có tính biểu tượng: đất nước này đã sản sinh ra hai con người cùng tên, đều đã ở vị trí lãnh đạo tối cao trong những thời kỳ phức tạp nhất của lịch sử đất nước, và đều từ trần vào tháng Tư. Trở lại với thời kỳ đầu. Nhà báo nổi tiếng Oleg Poptsov, tác giả cuốn “Tư liệu của thời Sa hoàng Boris”, là người chứng kiến thời khắc Boris Yeltsin trở thành nguyên thủ Nga và lần đầu tiên kiêu hãnh bước vào Văn phòng Tổng thống ở Kremli. Phút giây ấy, nhà báo bỗng buột miệng thì thào: “Sa hoàng Boris…”. Và theo biểu cảm trên nét mặt Yeltsin, nhà báo hiểu rằng nguyên thủ quốc gia đã nghe thấy lời buột miệng và danh xưng bất thần ấy làm cho ông thích thú. Rồi chuyện không chỉ dừng lại ở việc trùng tên, Boris Yeltsin còn có nhiều mối "duyên nợ" với các vị Sa hoàng khác của đất nước. Mộ của ông hiện nay nằm trong cùng một nghĩa trang với viên sĩ quan Nội vụ Dân ủy Xô-viết Grigori Nikulin. Năm 1918, ông này đã đích thân tham gia vào vụ tàn sát gia đình Sa hoàng. Thời ấy, Nikulin là trợ tá Ban Quản lý ngôi nhà nổi tiếng ở Ekaterinburg - nơi giam giữ vị Sa hoàng cuối cùng của đế chế Nga. Sau đó, Sa hoàng cùng với thân quyến đã bị bắn chết tại đây. 60 năm sau khi chế độ Nga hoàng bị lật đổ, Yeltsin - lúc ấy là Bí thư thứ nhất thành ủy Sverdlovsk - đã kiên quyết cho phá bỏ ngôi nhà. Sau đó, khi đã là Bí thư thứ nhất Thành uỷ Matxơva, lại cũng chính Yeltsin ký quyết định mở cửa nghĩa trang cho nhiều đối tượng. Và đến khi nhắm mắt xuôi tay, bản thân ông lại được đưa vào an nghỉ tại đây, nằm án ngữ với nơi chôn cất người mắc nhiều duyên nợ với Sa hoàng cuối cùng của đế chế Nga một thuở nào. Theo Đan Thi Di sản của Boris Yeltsin Thứ tư, 25/4/2007, 09:44 GMT+7 Boris Yeltsin, chính trị gia theo tư tưởng cải cách và là tổng thống dân bầu đầu tiên của Nga, người có vai trò quyết định trong sự tan rã của Liên bang Xô viết, để lại một di sản gây nhiều tranh cãi. cuutong.jpg Cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin năm 2002. Ảnh: AFP. Ông vừa được coi là cha đẻ của nền dân chủ ở Nga vừa là người gây ra biết bao khó khăn vất vả của người dân nước này sau khi Liên Xô tan rã. Mikhail Gorbachev, tổng thống Liên Xô và từng có thời là đối thủ về quyền lực của Yeltsin, phát biểu rằng Yeltsin là người "gánh trên vai những sự kiện trọng đại nhất của quốc gia, và cả những lỗi lầm to lớn nhất". Mặc dù các nỗ lực cải cách của Yeltsin diễn ra chậm chạp, ông đã xóa bỏ được sự kiểm duyệt của chính quyền với báo chí, cho phép công chúng chỉ trích chính quyền và chèo lái nước Nga đến với thị trường tự do. Công cuộc tư nhân hóa nhanh chóng các tài sản quốc gia đã dẫn đến một thứ chủ nghĩa tư bản gian hùng và một tầng lớp tài phiệt mới có sức mạnh chính trị. Cũng chính những hành động của Yeltsin đã khẳng định rằng tình thế ở Nga sẽ không có thể trở lại thời kinh tế kế hoạch tập trung - cơ chế từng ngăn cản tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm kiệt quệ một đất nước có đầy nhân tài và tài nguyên. Nói không quá, Yeltsin chính là nhân tố khiến Liên bang Xô Viết tan rã và cho phép các các cộng hòa của nó trở thành các quốc gia độc lập. Kỷ nguyên Yeltsin bắt đầu từ tháng 8/1991, khi ông leo lên một chiếc xe tăng và kêu gọi người dân Matxcơva phản đối cuộc đảo chính của phái tả muốn lật đổ Gorbachev. Yeltsin trở thành một anh hùng trong mắt nhiều một phần người dân Nga và những người xem truyền hình trên thế giới khi đó. Kỷ nguyên Yeltsin chấm dứt bằng bài phát biểu từ chức của ông vào đêm giao thừa năm 1999, khiến cả thế giới ngạc nhiên. Trong sự nghiệp của Yeltsin có những khoảng khắc quan trọng về chính trị, những biến cố về kinh tế khiến đồng bào của ông phải vật vã và khiến một số người có đặc quyền phất lên cực nhanh. Xoay chuyển con tàu Liên Xô với ngành công nghiệp quân sự nặng nề, nền kinh tế suy nhược, môi trường bị tàn phá, hệ thống y tế và giáo dục kém hiệu quả, là một sứ mệnh khổng lồ đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mạnh khỏe và đang thời sung sức nào. Ở Nga, công việc xây dựng một nhà nước mới đặt lên vai Yeltsin - một nhà cải cách tận tâm nhưng không hoàn hảo, một người có sức khỏe bấp bênh thường biến mất một cách bí ẩn vì những vấn đề của tim mạch và hô hấp, một người uống nhiều và thường suy nhược. Những điểm yếu này gây cho người ta cảm giác về một cơ hội bị đánh mất. Yeltsin qua đời, trong khi niềm mong ước lớn nhất của ông dành cho người Nga mới chỉ được hiện thực hóa một phần. "Tôi muốn chứng kiến cuộc sống của họ (nhân dân) được cải thiện", Yeltsin từng nói, khi nhớ đến nỗi khổ cực của mình - trưởng thành trong một căn hộ một phòng lạnh lẽo. "Đó là điều quan trọng nhất". Nhưng trên thực tế, với những thay đổi và xáo trộn diễn ra khi chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung mà ông thừa hưởng từ Liên Xô, đời sống của hầu hết người dân đã bị xuống cấp. Lạm phát lan tràn, người nghèo nghèo hơn, những kẻ cơ hội phất lên nhanh chóng, quân nhân và công chức, công nhân quốc doanh không được trả lương, tội phạm trắng trợn bùng nổ. Những di sản tiêu cực có từ thời Liên Xô không được đẩy lùi. Gorbachev muốn duy trì Liên bang Xô viết bằng các chương trình công khai hóa và cải tổ, để chủ nghĩa cộng sản gần dân hơn. Nhưng Yeltsin lại cho rằng dân chủ, pháp trị và thị trường mới là giải pháp cho các vấn đề của nước Nga. Trong chuyến thăm Mỹ năm 1989, Yeltsin càng bị thuyết phục rằng chính nền kinh tế kế hoạch tập trung - cơ chế khiến người dân phải xếp hàng dài dằng dặc để mua nhu yếu phẩm và các cửa hàng thường trống trơn - là điều khiến kinh tế Nga khốn khó. Yeltsin choáng ngợp trước những gì được chứng kiến ở siêu thị Houston, trước hằng hà sa số các loại rau thịt mà người dân Mỹ có thể mua. "Tôi nghĩ chúng ta phạm tội ác với dân chúng, nếu chúng ta để mức sống của người dân thấp một cách không thể so sánh được với mức sống của dân Mỹ", tác giả Leon Aron trích lời Yeltsin nói, trong cuốn tiểu sử "Yeltsin, một cuộc đời cách mạng". Một trợ lý của Yeltsin, ông Lev Sukhanov, cho biết rằng đó chính là lúc "dấu vết cuối cùng của chủ nghĩa Bolshevic sụp đổ" bên trong Yeltsin. Yeltsin luôn là người sống sót, tồn tại được qua những biến cố: khai trừ khỏi Bộ chính trị Liên Xô năm 1987, đảo chính năm 1993, cuộc tấn công thất bại nhằm vào tỉnh ly khai Chechnya năm 1994, thách thức trong cuộc bầu cử năm 1996, sự sụp đổ của nền kinh tế năm 1998 và cuộc luận tội tổng thống do những người Cộng sản tiến hành năm 1999. Ông cũng sống sót qua nhiều lần bệnh tật, gồm bệnh cúm, viêm phổi và phế quản, phẫu thuật bắc cầu tim, đột quỵ, chảy máu nội tạng, vô số loại bệnh khác và cả những lần suýt ngã trong các cuộc lễ lạt chính thức. Bất chấp tất cả những điều đó, Yeltsin đã tạo ra những thay đổi căn bản về kinh tế: một nền kinh tế thị trường cho dù đầy rẫy méo mó và tham nhũng, một tầng lớp doanh nhân mới và trẻ, và tỷ lệ tội phạm giảm bớt trong những năm cuối sự nghiệp của ông. Nhưng Yeltsin không thành công khi phải thiết lập một khung chính trị và kinh tế cần thiết cho một nước Nga phát triển vững vàng. Sự nghiệp chính trị của Yeltsin cuối cùng bị phủ bóng bởi sự phản đối mãnh liệt - xuất phát từ chính những thay đổi mà ông đưa ra, cũng như từ cuộc chiến ở Chechnya, cuộc chiến mà ông không thể thắng và không muốn chấm dứt. Qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi gia nhập đảng Cộng sản năm 1961, rồi đứng trên nóc chiếc tăng T-72 kêu gọi phản đảo chính năm 1991, ký thỏa thuận giải tán Liên bang Xô viết để lập nên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), cuối cùng khi Yeltsin rời chính trường, ông đã mỏi mệt. "Tôi cảm thấy mình như một người đã chạy xong quãng đường 40 cây số", Yeltsin viết trong hồi ký về những tháng năm làm tổng thống. "Tôi từ bỏ tất cả. Tôi đã dành cả trái tim và trí lực để chạy quãng đường maraton tổng thống. Tôi đã đi đoạn đường một cách trung thực. Nếu có phải biện hộ điều gì, tôi sẽ nói rằng: Nếu các bạn có thể làm tốt hơn, hãy làm đi. Hãy chạy 40.000 cây số. Hãy chạy nhanh hơn, tốt hơn, đẹp hơn, và thoải mái hơn đi. Bởi vì tôi đã chạy rồi". Theo T. Huyền Boris Yeltsin: Hãy tha thứ cho tôi! Thứ ba, 24/4/2007, 18:26 GMT+7 Là một người có tham vọng và tầm nhìn lớn, Boris Yeltsin đã lãnh đạo nước Nga trong gần một thập kỷ. Tuy nhiên, những nỗ lực xây dựng một quốc gia ổn định, thịnh vượng và dân chủ của ông đã thất bại. Boris Nikolayevich Yeltsin sinh ngày 1/2/1931 tại làng Butka thuộc dãy núi Ural, gần Yekaterinburg. Cha của ông rời làng và tìm việc trên một công trình xây dựng nhà máy tại thành phố Kazan. Ông đưa gia đình tới sống ở một khu nhà kho bằng gỗ đổ nát, không có nước và lạnh lẽo tới mức Yeltsin và các anh chị em của ông thường phải thu mình cạnh con dê của gia đình để sưởi ấm. Cuộc sống cực khổ tiếp tục khi cha của Yeltsin bị đưa tới một trại lao động trong ba năm sau khi bị buộc tội dính líu tới hoạt động phản cách mạng. Mạnh mẽ và ngay thẳng Trong cuốn tự truyện, Yeltsin tự mô tả là một người gây rối - mạnh mẽ và ngay thẳng. Khi 12 tuổi, tại một buổi lễ tốt nghiệp, ông đã đứng dậy lên án cô giáo của ông bắt học sinh lau nhà cho bà và tìm thức ăn thừa cho lợn. Yeltsin đã bị đuổi học. Tuy nhiên, ông được quay lại trường sau khi một chi bộ đảng ở địa phương điều tra và sa thải cô giáo đó. Bằng tốt nghiệp của Yeltsin được phục hồi nhưng xếp loại ’’không tốt’’ vì thái độ cư xử. yeltsin.jpg Yeltsin trên chiếc xe tăng bên ngoài toà nhà Quốc hội Nga tháng 8/1991. Những lần khác, trò nghịch ngợm của Yeltsin đã gây tai hoạ cho chính ông. Trong suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Yeltsin đánh cắp lựu đạn từ một kho vũ khí và cố dùng búa bửa nó ra. Quả lựu đạn phát nổ, làm ông mất ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái. Yeltsin đã tự mô tả là một người hay đánh nhau trên đường phố với những lũ trẻ địa phương, bằng gậy gộc và nắm đấm. ’’Tôi luôn bị đánh’’, ông viết. Tuy nhiên, ông đã giữ được tinh thần chiến đấu cao. Yeltsin được đào tạo làm kỹ sư dân dụng ở Viện Bách khoa Urals và gặp vợ ông ở đó, Naina Girina - một sinh viên tới từ vùng Orenburg của Siberia. Sau khi tốt nghiệp năm 1955, Yeltsin làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, ban đầu là một công nhân, sau đó làm quản đốc. Yeltsin được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1961, sau khi lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev bắt đầu những nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của Stalin. Yeltsin trở thành một quan chức vào năm 1968 và là Bí thư thứ nhất của vùng Sverdlovsk - một chức vụ tương tự như thống đốc bang của Mỹ - năm 1976. Phong cách dân tuý của Yeltsin nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có Gorbachev, người lúc đó cũng là một lãnh đạo của vùng này. Khi Gorbachev được bầu làm Tổng bí thư vào năm 1985, ông đã đưa Yeltsin tới Moscow làm trưởng ban xây dựng của Uỷ ban Trung ương. Một vài tháng sau, ông được bổ nhiệm làm Bí thư thành uỷ Moscow - một chức vụ tương tự như thị trưởng. Từ đó trở đi, số phận của hai người gắn chặt với nhau. Trong hai năm tiếp theo, Yeltsin là một trong những đồng minh dũng cảm và thông minh nhất của Gorbachev. Ông đã bắt giữ các quan chức tham nhũng và thề từ bỏ chiếc limousine riêng để đi tàu điện ngầm và xe buýt. Ông đã yêu cầu bán nhiều rau quả tươi hơn trong các cửa hàng. Đối đầu với Gorbachev Ban đầu, những lời chỉ trích của Yeltsin rất hợp với các cuộc cải tổ của Gorbachev và Yeltsin tấn công hết lớp lãnh đạo này tới lớp lãnh đạo khác của Đảng. Cuối cùng, ông nhằm vào chính nhà lãnh đạo Xô viết. Tại một cuộc họp kín của Đảng vào tháng 10/1987, Yeltsin đã chỉ trích Gorbachev về việc rút lui khỏi chương trình cải tổ và tái lập sự sùng kính cá nhân. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích Gorbachev đã nghe vợ quá nhiều - Raisa Gorbachev. Yeltsin sau đó bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị. ’’Ban đầu tôi có thiện cảm với Yeltsin. Tôi bị gây ấn tượng bởi tính thẳng thắn của ông ấy, mặc dù sau đó tôi hiểu rằng tinh thần cấp tiến chỉ tốt khi được kết hợp với sự cân bằng, khả năng tự phân tích cũng như tự kiểm soát’’, Gorbachev viết trong cuốn hồi ký của ông. Việc bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị đã làm Yeltsin bị trầm uất nghiêm trọng, phải nhập viện. Tuy nhiên, trên các khu phố của Moscow, sự ủng hộ của mọi người dành cho ông ngày càng tăng. Đối với nhiều người dân Nga bình thường, Yeltsin là một trong số họ, một nông dân đáng mặt nam nhi: ngay thẳng, trung thực và khinh ghét giới thượng lưu. Năm 1989, Yeltsin tranh cử một ghế trong Quốc hội Xô Viết và giành thắng lợi với 89% phiếu bầu. Tháng 5 sau đó, ông được bầu làm chủ tịch Quốc hội Nga và vào tháng 6/1991, làm Tổng thống Liên bang Nga. yeltsin1.jpg Yeltsin và Gorbachev. Lúc đó, Nga vẫn là một trong 15 nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô viết, mặc dù là nơi tập trung gần 50% trong tổng số 290 triệu dân của đất nước này. Yeltsin nhanh chóng biến văn phòng của Tổng thống Nga thành trung tâm quyền lực cạnh tranh với Gorbachev. Bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của Yeltsin diễn ra hai tháng sau đó. Vào ngày 19/8/1991, những người thất vọng trước những thay đổi mà Gorbachev mang lại, đã tuyên bố họ sẽ giành quyền lực. Họ điều động hàng đoàn xe tăng vào Moscow và giữ Gorbachev tại nhà nghỉ của ông trên bờ biển Đen. Yeltsin đã gạt sự kình địch của ông với Gorbachev sang một bên và đứng về phe Gorbachev. Yeltsin và nhóm của ông tụ họp tại Nhà trắng - toà nhà ở trung tâm Moscow với vai trò là trụ sở của chính phủ Nga. Họ đã kêu gọi các công dân ủng hộ họ và hàng nghìn người đã làm như vậy, bao quanh toà nhà này như một lá chắn sống. Những người âm mưu ngăn chặn những thay đổi của Gorbachev đã hi vọng xe tăng sẽ làm nhụt chí phản kháng. Tuy nhiên, trong vòng ba ngày, kế hoạch của họ đã thất bại. Chiến thắng của Yeltsin đã đưa ông lên một vị thế, một sự kính trọng mới trên toàn thế giới. Từ đó, ảnh hưởng chuyển từ Gorbachev sang Yeltsin. Vị Tổng thống Nga này đã từ bỏ việc bảo vệ Liên bang Xô Viết, ngay cả dưới dạng một liên bang lỏng lẻo. Đầu tháng 12/1991, ông và các lãnh đạo Belarus và Ukraine đã ký hiệp ước giải tán Liên bang Xô Viết. Ngày 25/12/1991, Gorbachev từ chức. Ngày 31/12, Liên bang Xô viết chính thức ngừng tồn tại theo luật quốc tế. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ Hai ngày sau, Yeltsin đã khởi xướng một chương trình cải cách kinh tế, dũng cảm nhưng đau đớn. Mặc dù không thông thạo về kinh tế, song Yeltsin đã quyết định dựa vào Yegor T. Gaidar - một người theo chủ nghĩa tự do được giáo dục ở phương Tây và được bổ nhiệm làm Thủ tướng tạm quyền. Gaidar đã lựa chọn các chương trình ’’liệu pháp sốc’’ mà đã khởi động thành công các nền kinh tế nhỏ hơn của Đông Âu. Ý tưởng này, được dựa trên các lý thuyết chi phối ở phương Tây, là rằng ngay khi giá cả được thả tự do, ’’thị trường’’ sẽ bắt đầu hoạt động. Gaidar đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp kiểm soát giá vào ngày 2/1/1992. Trong vòng vài ngày, giá cả đã tăng gấp ba và lạm phát tăng chóng mặt. Tới cuối năm, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã lên tới 2.600%. Về lý thuyết, Nga muốn cải cách kinh tế. Về thực tiễn, cải cách này đang phá hoại cuộc sống và kế sinh nhai của chính họ. Sự phản ứng dữ dội từ người dân và quốc hội tăng lên. Các đại biểu, được bầu trước khi Liên bang Xô viết sụp đổ, đã cố phong toả các nỗ lực của Gaidar. Tới cuối năm, Yeltsin buộc phải cách chức Gaidar và bổ nhiệm Viktor S. Chernomyrdin làm Thủ tướng. yeltsin2.jpg Yeltsin tại Mỹ năm 1992. Tuy nhiên, việc làm trên vẫn chưa đủ để xoa dịu Quốc hội mà đối đầu với Tổng thống và bắt đầu nói tới chuyện luận tội. Tháng 3/1993, Quốc hội bỏ phiếu hạn chế quyền lực của Yetlsin. Tổng thống tức giận và dùng tới chiến lược chiến tranh mà ông yêu thích: leo thang. Ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tự trao cho ông quyền lãnh đạo bằng sắc lệnh và ra lệnh tổ chức trưng cầu dân ý về các chính sách kinh tế của ông. Kết quả là ông nhận được sự ủng hộ khá lãnh đạm: 58% nói rằng họ ủng hộ tổng thống và 53% ủng hộ chương trình kinh tế của ông. Xung đột kéo dài suốt mùa hè. Tháng 9, Yeltsin chuẩn bị giải tán Quốc hội. Các nghị sĩ cố thủ trong toà nhà quốc hội - toà nhà cẩm thạch trắng mà Yeltsin đã bảo vệ trong cuộc đảo chính 1991. Yeltsin đã ký sắc lệnh có hiệu lực ngày 21/9/1993. Sau đó, ông viết rằng ông hoàn toàn ý thức được việc ông đang làm là trái hiến pháp. ’’Tổng thống đang vi phạm hiến pháp, dùng các biện pháp chống dân chủ và giải tán quốc hội - tất cả nhằm thiết lập sự dân chủ và vai trò của pháp luật ở nước này. Mặc khác, Quốc hội đang bảo vệ hiến pháp, để lật đổ tổng thống được bầu hợp pháp và thiết lập sự lãnh đạo kiểu Xô viết’’, Yeltsin viết. Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng, sự đối đầu biến thành bạo lực. Hàng nghìn người ủng hộ Quốc hội cầm vũ khí, chiếm văn phòng của thị trưởng Moscow và tấn công đài truyền hình chính. Hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Sáng hôm sau, Yeltsin đã điều động xe tăng và quân đội áp sát Nhà trắng. Đạn pháo được nã vào mặt tiền của toà nhà và những cột khói đen nghi ngút bốc lên từ những tầng phía trên. Tới nửa đêm, phe đối lập đầu hàng và các lãnh đạo của phe này bị cầm tù, Có tổng cộng 142 người thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ tồi tệ nhất tại Moscow kể từ cuộc Cách mạng Bolshevik 1917. Ở phương Tây, các lãnh đạo thường ủng hộ Yeltsin. Tuy nhiên, ở trong nước, uy tín của ông đã giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi ông soạn thảo một hiến pháp mà trao cho ông quyền lãnh đạo gần như là độc tài. Trong các cuộc bầu cử quốc gia ngày 12/12/1993, các cử tri đã miễn cưỡng ủng hộ hiến pháp này với 54% phiếu bầu song họ cũng ủng hộ mạnh mẽ các đảng chống Yeltsin. Hạ viện mới, Duma quốc gia, do những người Cộng sản và những người theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa chi phối. Quốc hội mới nhanh chóng ném bùn vào mặt Yeltsin, ân xá cho các lãnh đạo của cuộc đảo chính tháng 8/1991 và cuộc nổi dậy của Quốc hội. Các chiến thuật của Yeltsin có tác dụng ngược: thay vì buộc Quốc hội ngoan ngoãn nghe theo, sự cứng rắn của ông có nghĩa là các nghị sĩ sẽ sử dụng mọi quyền lực còn lại của họ để chống lại ông trong suốt nhiệm kỳ còn lại. Trong khi đó, một nước Nga suy yếu đang bị đe doạ bởi các cuộc suy thoái mới. Cộng hoà Chechnya, một vùng Hồi giáo ở miền Nam nước Nga, đã tuyên bố độc lập năm 1991. Ít người coi tuyên bố này nghiêm túc và tình hình vẫn chỉ âm ỉ. Tuy nhiên, năm 1994, một nhóm cố vấn cứng rắn của Yeltsin đã cho rằng cuộc xung đột đã nằm ngoài tầm kiểm soát. Mùa thu đó, ông Yeltsin đã phê chuẩn một chiến dịch bí mật nhằm lật đổ lãnh đạo Chechen, Tướng Dzhokar M. Dudayev. Chiến dịch này đem lại kết quả ngược với mong đợi và xung đột leo thang. Tháng 12/2004, Yeltsin đã đầu hàng trước các cố vấn, những người ủng hộ một chiến dịch quân sự quy mô lớn để ngăn chặn phản ứng dây chuyền của các vùng khác. Tuy nhiên, do đoán trước rằng công chúng sẽ lên án ông về việc điều động 40.000 quân để chống lại các công dân của chính ông, Tổng thống nhập viện để làm phẫu thuật nhỏ ở mũi và không xuất hiện trong nhiều tuần. Cái họ hy vọng sẽ là một ’’cuộc chiến nhỏ, thắng lợi’’ đã biến thành cái mà Yeltsin sau đó gọi là một ’’cỗ máy nghiền thịt đẫm máu’’. Hàng nghìn lính nghĩa vụ được đào tạo tồi phải chiến đấu với quân du kích dày dạn. Công chúng ngày càng tức giận với số người thiệt mạng. Sức khoẻ của Tổng thống xấu đi, ông mắc bệnh tim vào tháng 7/1995, tiếp theo đó là hai cơn đau tim nghiêm trọng vào tháng 10. Tháng 12, Yeltsin vấp phải một trở ngại chính trị: những người Cộng sản và dân tộc chủ nghĩa đã giành được đa số lớn hơn trong Quốc hội. Yeltsin ra đi, Putin xuất hiện Hoàn cảnh chính trị và tình trạng thể chất của Yeltsin vô cùng mong manh. Các cuộc bầu cử tổng thống - lần đầu tiên kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ - chỉ còn sáu tuần nữa là diễn ra. Tỷ lệ ủng hộ Yeltsin giảm xuống mức một con số, một phần là do cuộc chiến không được ủng hộ, khó khăn kinh tế và sự lãnh đạo độc đoán của ông. Lãnh đạo đảng Cộng sản Gennady A. Zyuganov dường như chắc sẽ giành chức tổng thống. Giới tài phiệt Nga, những người đã kiếm được những món tiền lớn thông qua việc mua lại các doanh nghiệp quốc doanh với giá bèo, nhận ra rằng việc những người Cộng sản trở lại nắm quyền có thể đặt dấu chấm hết cho vận may của họ. Chỉ một vài tháng trước đó, họ đã giành quyền kiểm soát cổ phần của nhà nước ở một số công ty kim loại và dầu mỏ sinh lợi nhất ở Nga, theo một kế hoạch được gọi là ’’đổi cổ phần lấy tiền cho vay’’. Giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch này sẽ không được hoàn tất cho tới sau cuộc bầu cử. Họ cần thắng lợi của ông Yeltsin. yeltsin3.jpg Yeltsin trước 70.000 người biểu tình tại Quảng trường Đỏ tháng 3/1993. Giới tài phiệt gạt sự kình địch của họ sang một bên, dồn các nguồn lực và đề nghị hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của Yeltsin. Chiến dịch này kết hợp tuyên truyền kiểu Xô viết với MTV để quảng bá hình ảnh của Zyuganov và Yeltsin như là hy vọng tốt nhất cho nền dân chủ. Cuối cùng, Yeltsin đã tái cử trong vòng bỏ phiếu thứ hai với 53% phiếu bầu, so với 40% của ông Zyuganov. Tuy nhiên, Yeltsin suýt đánh mất chiến thắng này. Vài ngày trước cuộc bầu cử phụ, Tổng thống bị đau tim nặng, không xuất hiện trước công chúng cho tới sau cuộc bầu cử. Ông vắng mặt suốt mùa hè, chỉ tái xuất hiện trong lễ nhậm chức. Tháng 11, ông phải phẫu thuật tim. Trong suốt phần còn lại của nhiệm kỳ, ông Yeltsin là một tổng thống bán thời gian, thường vắng mặt trong những khoảng thời gian dài. Giống như sức khoẻ của Yeltsin, cuộc chiến ở Chechnya ngày càng tồi tệ. Quân nổi dậy tổ chức một cuộc tấn công chớp nhoáng vào tháng 8/1996, tái chiếm Thủ đô Grozny. Trong vòng vài tuần, Nga đã ký một hiệp định ngừng bắn, trao cho Chechnya quyền độc lập tạm thời. Nền kinh tế Nga cũng gặp những khó khăn. Chính phủ liên bang trong tình trạng khủng hoảng thanh toán do chưa biết cách thu thuế. Nhiều doanh nghiệp lớn, do thiếu tiền, đổi hàng và khế ước. Hàng triệu công nhân và người nghỉ hưu không được trả lương trong nhiều tháng, tồn tại bằng cách trồng rau. Yeltsin dường như không biết cách phản ứng, ngoại trừ bổ nhiệm các bộ trưởng mới. Tháng 3/1998, ông thay thế Thủ tướng trung thành Chernomyrdin bằng Sergei V. Kiriyenko - một nhà kỹ trị mà ông hy vọng sẽ nhanh chóng chẩn đoán và điều trị các căn bệnh của nền kinh tế. Tuy nhiên, đã quá muộn. Tháng 6, thị trường chứng khoán Nga sụp đổ và giá trị của đồng ruble bắt đầu giảm. Ngày 17/8, đầu ruble mất giá nghiêm trọng. Trong vòng vài tuần, giá cả nhiều mặt hàng tăng gấp đôi. Các ngân hàng tư nhân phá sản. Sự lạc quan sau khi Yeltsin tái cử đã biến mất. Yeltsin sa thải Kiriyenko và chọn Bộ trưởng Ngoại giao Yevgeny M. Primakov làm Thủ tướng. Tám tháng sau, Yeltsin sa thải Primakov, rõ ràng là tức giận vì Primakov đang trở thành một lực lượng chính trị trong phe hữu của chính ông và đã ủng hộ một cuộc điều tra những thông tin cho rằng các chị em gái của Yeltsin đã nhận tiền lại quả. Người thay thế Primakov là Sergei V. Stepashin và ba tháng sau, một cựu sĩ quan KGB ít tên tuổi - Vladimir V. Putin - được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Putin hầu như không được biết tới tại Moscow. Ông đã là người đứng đầu Cơ quan An ninh liên bang trong hơn 1 năm. Tuy nhiên, sau đó ông được cử ra mặt trận vào đầu tháng 8 khi quân Chechen mở hai cuộc tấn công vào nước cộng hoà Dagestan của Nga. Tháng 9, ngay sau khi Quốc hội thông qua việc bổ nhiệm Putin, một số chung cư ở Moscow và các thành phố khác bị đánh bom trong các cuộc tấn công mà chính phủ quy cho quân khủng bố Chechen. Quân đội Nga một lần nữa tiến vào Chechnya. Suốt mùa thu, chiến tranh leo thang, sự ủng hộ của công chúng dành cho Putin cũng vậy, Tới tháng 12, khi các cuộc bẩu cử quốc hội được tổ chức, quân đội Nga đang bao vây Grozny. Quốc hội không còn phản đối mọi động thái của Kremlin và Putin là nhân vật được yêu mến nhất tại Nga. Yeltsin đã quyết định rằng đã tới lúc ông rời khỏi chính trường. Sức khoẻ của ông yếu. Nền kinh tế cuối cùng đang có những tiến triển thực sự. Người kế nhiệm ông đã yên vị và có thể miễn truy tố ông. Bằng cách từ chức sớm, Yeltsin sẽ buộc Nga tổ chức bầu cử sớm trong ba tháng, trao cho Putin một lợi thế quyết định so với các đối thủ của ông. Vào ngày 31/12, Yeltsin đọc diễn văn từ chức. ’’Tôi sẽ ra đi. Tôi đã làm mọi việc mà tôi có thể... Tôi muốn các bạn tha thứ cho tôi. Tôi muốn xin lỗi vì đã không biến nhiều giấc mơ của chúng ta thành hiện thực’’, ông nói. Di sản Yeltsin Vào lúc từ chức, Yeltsin có thể khoe khoang nhiều thành tựu song đó là những thành tựu hạn chế. Sau tám năm ông làm tổng thống, đời sống của người Nga tốt hơn chút ít so với thời kỳ Xô viết. Phần lớn nền kinh tế được giao vào tay tư nhân. Nước Nga có một thị trường chứng khoán, một đồng tiền ổn định và các yếu tố khác của chủ nghĩa tư bản thị trường. Tuy nhiên, tiêu chuẩn sống của những nhóm người quan trọng - người nghỉ hưu, giáo viên, bác sĩ và công nhân công nghiệp - giảm khi một nhóm nhỏ làm giàu cho bản thân bằng các biện pháp hợp pháp và bất hợp phá. Có lẽ điều quan trọng nhất là người Nga bối rối bởi những thay đổi nhanh chóng và khát khao một sự ổn định mà dường như không bao giờ xuất hiện. Sự thịnh vượng vẫn chỉ là lời hứa. Về mặt chính trị, Yeltsin đã kiểm soát một quốc gia rộng lớn. Ông đã thề sẽ là lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử Nga không chết hoặc không bị buộc từ chức, mà thay vào đó sẽ chuyển giao quyền lực cho một người kế nhiệm, do dân bầu. Ông đã thực hiện được lời hứa đó. Theo Minh Sơn Những mốc chính trong cuộc đời Boris Yeltsin Thứ ba, 24/4/2007, 09:06 GMT+7 Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin vừa qua đời ở tuổi 76. Nguyên nhân dẫn đến cái chết bất ngờ của nhà lãnh đạo này chưa được công bố song một nguồn tin nói đó là bệnh tim. cuu1.jpg Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Dưới đây là những mốc thời gian chính trong cuộc đời ông Boris Yeltsin. Ngày 1/2/1931: Boris Nikolayevich Yeltsin sinh ra trong gia đình nông dân có cha mẹ là Nikolai và Klavdia ở làng Butka, vùng Sverdlovsk - một trung tâm công nghiệp của khu vực Núi Ural, Nga. 1955: Tốt nghiệp Học viện Bách khoa Ural và làm kỹ sư xây dựng tại Sverdlovsk. Năm 1956: Cưới Naina Iosifovna Girina. Họ có hai con gái là Yelena (sinh năm 1957) và Tatyana (sinh năm 1959). Năm 1961: Gia nhập Đảng Cộng sản ở tuổi 30. 1969: Trở thành người phụ trách xây dựng ở vùng Sverdlovsk. Năm 1976: Được chỉ định làm Thư ký thứ nhất của Uỷ ban Trung ương quận Sverdlovsk. Tài năng của nhà lãnh đạo này đã mang lại cho ông danh tiếng như một nhà cải cách đầy nhiệt huyết. Tháng 7/1985: Tân Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Mikhail Gorbachev điều Yeltsin tới Moscow làm Thư ký Uỷ ban trung ương về Xây dựng. Tháng 12: Được bổ nhiệm làm thư ký thứ nhất Đảng uỷ Thành phố Moscow. 11/11/1987: Bị cách chức Thư ký thứ nhất vì đưa ra những lời nhận xét trong một cuộc họp kín của Đảng uỷ, trong đó Yeltsin chỉ trích công cuộc cải cách kinh tế của Tổng bí thư Gorbachev tiến quá chậm chạp. Ông trở lại làm công việc điều hành xây dựng ở Sverdlovsk và phải nhập viện vì bệnh tim. Tháng 2/1988: Bị đuổi khỏi Bộ Chính trị. Tổng bí thư Gorbachev nói Yeltsin sẽ không bao giờ được phép trở lại chính trường. Tháng 3/1989: Bất ngờ được bầu vào Quốc hội Xô Viết. Sự nghiệp chính trị của ông đã hồi sinh nhờ chiến dịch chống tham nhũng trong giới lãnh đạo. Tháng 9/1989: Các tờ báo đưa tin Yeltsin uống quá nhiều rượu trong chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ, các trợ tá thì đổ lỗi cho sự mệt mỏi sau chuyến bay dài và thuốc ngủ đã gây nên trạng thái này của ông. Tháng 10/1989: Bộ trưởng Nội vụ nói với các nhà làm luật Xô Viết rằng ông Yeltsin xuất hiện tại một chốt an ninh trong bộ dạng ướt nhèm nên được kéo lên giường vào ngày 28/9, và nói rằng ông đã bị một toán người không rõ danh tính ném xuống Sông Moscow. Yeltin bác bỏ thông tin mình bị tấn công. Vụ việc này sau đó rơi vào im lặng. Tháng 3/1990: Được bầu vào Quốc hội mới của Liên bang Nga từ thành phố quê nhà Sverdlovsk. Tháng 5/1990: Được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Nga. Tháng 7/1990: Ra khỏi Đảng Cộng sản trong một giây phút kịch tính cao trào, bước ra khỏi một Đại hội của Đảng. Tháng 6/1991: Thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên ở Nga. cuu2.jpg Bắt tay Gorbachev trong một cuộc họp tháng 8/1991. 18-21/8/1991: Những người theo đường lối cứng rắn đảo chính, quản thúc ông Gorbachev tại nhà song không bắt được Yeltsin. Ông đã leo lên nóc một xe tăng trước toà nhà Quốc hội Nga và kêu gọi hàng chục nghìn người ủng hộ bảo vệ nền dân chủ. Vụ đảo chính sụp đổ và Yeltsin trở thành một chính trị gia nổi tiếng nhất, quyền lực nhất của đất nước. 8/12/1991: Gặp gỡ các nhà lãnh đạo Belarus và Ukraine. Tuyên bố Liên bang Xô Viết tan rã được đưa ra và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG) được thành lập. 25/12/1991: Gorbachev từ chức và trao các mật mã hạt nhân cho Yeltsin, người nhanh chóng chuyển tới văn phòng ở Điện Kremlin. 2/1/1992: Bắt đầu dỡ bỏ 75 năm kinh tế Cộng sản bằng cách bỏ kiểm soát giá cả của hầu hết hàng hoá. Đến cuối năm, Quốc hội buộc ông phải thay đổi chậm hơn. 3/1/1993: Ký Hiệp ước Start II, cam kết cắt giảm 2/3 số vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ tại một hội nghị với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là H. W. Bush ở Mowcow. Tháng 3/1993: Bị Quốc hội rút bớt quyền lực. 25/4/1993: Giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về quyền lãnh đạo và các chính sách cải cách. 21/9/1993: Giải tán Quốc hội thời Xô Viết và thông báo bầu cử quốc hội mới vào tháng 12. 3/10/1993: Tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Moscow sau khi những người ủng hộ Quốc hội theo đường lối cứng rắn áp đảo cảnh sát chống bạo loạn và bao vây các toà nhà chính phủ, hàng chục người chết. 4/10/1993: Ra lệnh cho binh lính chốt giữ xung quanh toà nhà quốc hội và mở cuộc tấn công bằng pháo và xe tăng quy mô toàn diện. 12/12/1993: Phe cải cách không giành được đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội. Tuy nhiên, một hiến pháp mới được thông qua cho phép Yeltsin giành quyền lực và đảm bảo các quyền về cá nhân, tài sản cá nhân, tự do kinh doanh. 11/12/1994: Cử quân đội tới Chechnya, nước Cộng hoà thuộc Vùng Núi Caucasus vốn tuyên bố độc lập vào ngày 1/11/1991. 11/7/1995: Nhập viện vì bệnh tim. Mất gần một tháng để hồi phục sức khoẻ. 26/10/1995: Nhập viện gần 1 tháng vì bệnh tim, hai ngày sau khi trở về từ một hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ với Tổng thống Bill Clinton. Các trợ tá nói rằng ông bị kiệt sức. Trở lại Kremlin vào ngày 29/12/1995. 17/12/1995: Đối mặt với sự thoái trào chính trị khi các đảng viên Đảng Cộng sản giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội và cùng với những người chủ trương cứng rắn khác chiếm đa số. cuu3.jpg Tổng thống Mỹ Bill Clinton bật cười sau lời bình luận của Boris Yeltsin về cánh nhà báo tại một cuộc họp báo ở Hyde Park, New York, tháng 10/1995. 15/2/1996: Tuyên bố tìm kiếm nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 mặc dầu uy tín đã tụt giảm. Bắt đầu một chiến dịch tranh cử mạnh mẽ đấu sức với lãnh đạo Đảng Cộng sản. Tháng 6/1996: Không xuất hiện trước công chúng sau nhiều tháng tranh cử sôi nổi. Các trợ tá nói ông bị đau họng còn vợ ông nói bị cảm lạnh. Nhiều tháng sau đó, các bác sĩ cho biết ông bị đau tim nhẹ. 3/7/1996: Tái đắc cử mặc dầu quá yếu để xuất hiện tại trạm bỏ phiếu. 5/10/1996: Phẫu thuật tim. Trước ca phẫu thuật, ông đã tạm chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Viktor Chernomyrdin. 8/6/1997: Nhập viện vì viêm phổi ngay sau khi trở lại làm việc. Tiếp tục vắng mặt tại văn phòng trong vài tuần liền. 23/3/1998: Sa thải toàn bộ chính phủ và chọn Sergei Kiriyenko, một nhà kỹ trị ít được biết đến, làm Thủ tướng. 17/8/1998: Sa thải toàn bộ chính phủ Nga một lần nữa giữa thời điểm khủng hoảng kinh tế, chọn Bộ trưởng Ngoại giao Yevgeny Primakov làm thủ tướng. 22/11/1998: Nhập viện vì viêm phổi và sốt – chưa đầy một tháng sau khi vào viện điều dưỡng trị chứng huyến áp không ổn định và mệt mỏi cao độ. 17/1/1999: Nhập viện vì chảy máu mụn độc. TIN LIÊN QUAN: Phản ứng của thế giới về tin Yeltsin qua đời Cựu tổng thống Nga Yeltsin qua đời 12/5/1999: Sa thải chính phủ của ông Primakov; chỉ định Bộ trưởng Nội vụ Sergei Stepashin làm Thủ tướng. 15/5/1999: Dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu buộc tội tại Hạ viện. 20/6/1999: Tham gia ngày cuối cùng của Hội nghị G8 tại Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau chuyến đi ngắn ngủi tới Jordan hồi tháng 2 để dự đám tang Quốc vương Hussein. 31/12/1999: Khiến nước Nga và cả thế giới ngạc nhiên bởi quyết định từ chức trước khi hết nhiệm kỳ vào tháng 3/2000. Chỉ định Vladimir Putin, Thủ tướng kiêm cựu điệp viên KGB, lên tạm quyền Tổng thống. 12/6/2002: Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không hề hối tiếc về vai trò của mình trong việc Xô Viết sụp đổ, gọi đó là cần thiết để “giữ nước Nga trọn vẹn”. 9/2005: Phẫu thuật thành công sau cú ngã trong kỳ nghỉ ở Italy. 23/4/2007: Qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Theo Thanh Hảo Cựu tổng thống Nga Yeltsin qua đời Thứ hai, 23/4/2007, 23:28 GMT+7 Điện Kremlin hôm nay thông báo, ông Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Liên Xô đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76. mat1.jpg Cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ảnh: AP. Phát ngôn viên điện Kremlin Alexander Smirnov xác nhận tin Yeltsin qua đời, nhưng không cho biết rõ nguyên nhân hoặc các thông tin chi tiết khác. Trong khi đó, hãng tin Interfax dẫn lời các nguồn tin y tế cho biết, cựu tổng thống Nga tắt thở sau một cơn đau tim. Trong thời gian cầm quyền, ông Yeltsin từng nhiều lần gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ liên quan đến tim mạch. Boris Yeltsin sinh năm 1931 tại quận Taltsa, thuộc vùng Sverdlovsk Oblast của Nga. Thời trẻ, cựu tổng thống Nga học ngành xây dựng tại Học viện Bách khoa Ural và tốt nghiệp năm 1955. Ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô từ năm 1961 và tới năm 1985 thì được bầu vào Bộ Chính trị Liên Xô, kiêm giữ chức tương đương thị trưởng hiện nay của Matxcơva. Con đường chính trị của Yelsin thăng tiến nhờ sự hậu thuẫn của những nhân vật quan trọng nhất Liên Xô thời đó như Mikhail Gorbachev và Yegor Ligachev. Nhưng căng thẳng giữa Yeltsin với những lãnh đạo này nổ ra năm 1987 khiến ông này mất dần các chức vụ. Sau đó Yeltsin được phục hồi và tiếp tục quan điểm chỉ trích gay gắt Tổng thống Gorbachev. Tháng 3/1989, Yeltsin được bầu vào Xô Viết tối cao, tức Quốc hội Liên Xô và một năm sau đắc cử chức chủ tịch đoàn của cơ quan lập pháp này. Ngày 12/6/1991, Yeltsin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của nhà nước cộng hòa Nga, đánh bại đối thủ được Gorbachev hậu thuẫn là Nikolai Ryzhkov. mat2.jpg Boris Yeltsin (trái) và Mikhail Gorbachev năm 1991. Ảnh: AP. Trong cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev tháng 8/1991, Yeltsin đã nhanh chóng có mặt tại trụ sở Xô viết tối cao ở Matxcơva để giải quyết. Sau đó ông được nhiều người tán dương như một nhân vật có công đứng lên kêu gọi dân chúng tuần hành phản đối đảo chính. Sau đó ít ngày, phe đảo chính phải tháo chạy khỏi Matxcơva và Gorbachev trở lại thủ đô. Tuy nhiên, lúc này quyền lực của Gorbachev đã bị lung lay nghiêm trọng và sự ủng hộ đã chuyển sang Boris Yeltsin. Cùng năm này, chính phủ Nga đã dần dần nắm quyền kiểm soát chính phủ Liên Xô. Ngay sau khi Ukraina trưng cầu dân ý tách khỏi Liên Xô vào đầu tháng 12/1991, Yeltsin đã gặp Tổng thống Ukraina Leonid Kravchuk cùng lãnh đạo Belarus là Stanislai Shushkevich, sau đó cả ba tuyên bố giải tán Liên Xô và thay bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) trên cơ sở tự nguyện tham gia của các nước cộng hòa. Ngày 24/12/1991, Nga kiểm soát ghế của Liên Xô tại Liên Hợp Quốc và chỉ một ngày sau, Tổng thống Gorbachev tuyên bố từ chức, đánh dấu sự sụp đổ của Liên Xô. Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Nga Boris Yeltsin sau sự kiện chấn động thế giới này là việc tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế và nước Nga bắt đầu bước vào một giai đoạn hỗn loạn. Boris Yeltsin tiến tới việc nắm quyền tuyệt đối tại Nga bằng quyết định cho giải tán Xô viết tối cao năm 1993, đồng thời cho thực hiện giai đoạn chuyển tiếp tới cuộc bầu cử cơ quan lập pháp mới mang tên Duma Quốc gia. Sự kiện này châm ngòi cho cuộc khủng hoảng đẫm máu tại quốc hội Nga. Boris Yeltsin đã lệnh cho xe tăng bắn vào toà nhà, khiến phe đối lập đang cố thủ bên trong phải ra hàng. mat3.jpg Tổng thống Nga Boris Yeltsin trong chiến dịch vận động tái đắc cử năm 1996. Ảnh: AFP. Quá trình tập trung quyền lực của Tổng thống Nga Boris Yeltsin được tiếp nối bằng cuộc trưng cầu dân ý năm 1993 thông qua hiến pháp mới của Nga, trong đó mở rộng quyền lực của tổng thống như chỉ định các thành viên chính phủ, bãi nhiệm thủ tướng và có thể giải tán cả Duma Quốc gia. Một trong những sự kiện được nhắc đến nhiều khi Boris Yeltsin làm tổng thống Nga là việc ra lệnh cho quân đội tiến vào Chechnya, tấn công lực lượng phiến quân đòi ly khai, tháng 12/1994. Hai năm sau, Yeltsin đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ hai và trong thời gian này, các vấn đề liên quan đến tim mạch đã hành hạ ông. Cuối năm 1996, Boris Yeltsin phải trải qua một ca cuộc thuật đường rẽ của tim và phải nằm điều trị nhiều tháng trong bệnh viện. Trong nhiệm kỳ hai, Yeltsin cũng đã vượt qua hai lần sóng gió lớn trên chính trường, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị năm 1998 và nỗ lực luận tội ông trong Duma Quốc gia năm 1999. Cũng trong năm 1999, Yeltsin đã chỉ định một chính trị gia khá kín tiếng vào thời điểm ấy là ông Vladimir Putin vào chức thủ tướng, đồng thời thông báo ý định chọn Putin làm người kế nhiệm của mình. Thời gian này, tỷ lệ ủng hộ đối với Yeltsin xuống đến mức thảm hại và ông quyết định từ chức vào ngày 31/12/1999. Thủ tướng Vladimir Putin trở thành quyền tổng thống và sau đó đắc cử trong cuộc bỏ phiếu. Sau khi từ chức, cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin hầu như không xuất hiện trước các phương tiện thông tin đại chúng. Theo Đình Chính