Những con đường ma tuý trong rừng nhiệt đới (Kỳ I) Ông trùm bến Thượng Hải Thứ sáu, 25/5/2007, 13:34 GMT+7 Ngay khi vừa giành được tô giới tại Thượng Hải, người Anh đã lập tức đặt công quản thuốc phiện lên mảnh đất này, từ đó phân phối ma túy vào sâu trong lục địa Trung Quốc, xem nó như một nguồn thu nhập thuộc địa quan trọng hàng đầu... Thần dược chết người Thuốc phiện, morphin, heroin đều là chế phẩm của nhựa cây Anh Túc theo những quy trình chế biến khác nhau. Được người Hy Lạp và người Ả Rập phát hiện từ thế kỷ I sau công nguyên, đến thế kỷ VIII nó lan từ Tiểu Á sang Iran, Ấn Độ, Pakistan rồi vào Trung Quốc, được xem như một loài dược liệu. Nhưng cũng phải đến 10 thế kỷ sau, vào khoảng thế kỷ XVIII, thuốc phiện mới được dùng để hút và tạo nên nạn nghiện. Năm 1806, Ferederic Wilhem Sertner, một người Đức đã chưng cất được morphin từ thuốc trên amoniac. Cứ 10 kg thuốc phiện cho ra 1 kg morphin. Giữa thế kỷ XIX, do sự ra đời của kim tiêm, morphin đã trở thành loại thuốc giảm đau nhằm chữa vết thương và bệnh kiệt lỵ. Morphin được dùng nhiều nhất ở Mỹ trong giai đoạn chiến tranh Nam – Bắc, để giảm đau cho binh sĩ bị thương. Năm 1874, một nhà hóa học người Anh tên là C . R .Adler Wright đã điều chế được heroin sau khi đun morphin nhiều giờ liền với anhydric axêtic để cho ra một sản phẩm có tên hoá học là diacetylmorphine. Năm 1898, hãng dược phẩm Bayer của Đức đã sản xuất đại trà và đưa sản phẩm này ra thị trường. Trong các áp phích quảng cáo in bằng 12 thứ tiếng, cái tên khoa học diacetylenmorphin của nó đã được thay bằng tên mới là heroin. Nó được quảng cáo nó như một loại “thần dược” chữa bá bệnh, đặc biệt là trị . . . ho và trị chứng . . . nghiện thuốc phiện! Sang thế kỷ XX, nhận thấy những hiệu ứng phụ gây nghiện cực kỳ nguy hiểm của heroin, luật pháp quốc tế đã nghiêm cấm việc lưu thông nó trên thị trường. Công ước Geneve năm 1925 đã đưa ra một loạt qui định hạn chế đối với việc sản xuất và xuất khẩu heroin. matuy3.jpg Ảnh minh họa Năm 1931, thêm một công ước hạn chế khác được hội Quốc Liên thông qua, qui định rằng các nhà sản xuất trên mọi quốc gia chỉ được sản xuất một lượng heroin đủ để đáp ứng “nhu cầu y học và khoa học chính đáng mà thôi”. Nghiễm nhiên, heroin đã chính thức bị luật pháp quốc tế đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nó chỉ còn được công nhận tồn tại trong các phòng thí nghiệm và chỉ trong các phòng thí nghiệm mà thôi. Nhờ đó, sản lượng heroin toàn cầu đã giảm đáng kể, từ 9.000 kg năm 1926 xuống còn 1.000 kg vào năm 1931. “Đảo chính” ở Thượng Hải Tất nhiên, công ước quốc tế chỉ có tác dụng đối với tình hình sản xuất heroin công khai nhưng không có tác dụng gì đối với thị trường heroin chợ đen. Ngược lại, lệnh cấm chỉ khiến cho giá heroin cung cấp cho con nghiện toàn cầu tăng vọt bởi mặt hàng này đã trở nên khan hiếm. Không bỏ qua cơ hội, các tập đoàn tội phạm cả phương Đông lẫn phương Tây đều nhanh chóng nhảy vào cuộc độc chiếm quyền cung cấp heroin, thu lợi nhuận khổng lồ. Tại châu Âu, tập Đoàn Maphia đảo Corse đã nhanh chóng hùng bá thành phố cảng Marseille của nước Pháp, nhập thuốc phiện từ vùng Vịnh Bengal và khu vực Trung – Nam Á (Ấn Độ, Apganistan, Thổ Nhĩ Kỳ...) về điều chế thành heroin cung cấp cho toàn bộ thị trường Châu Âu và nước Mỹ. Giang hồ châu Á cũng không bỏ qua nguồn lợi béo bở. Việc sản xuất heroin ở phương Đông nhanh chóng lọt vào tay Thanh Bang Hội đang khuynh loát quyền lực các đường phố ở Thượng Hải và Hồng Kông. Sự nhu nhược, hèn đớn đã khiến triều đình Mãn Thanh phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến tranh Nha phiến (1839-1842), buộc phải nhường Thượng Hải cho Anh – Pháp – Mỹ và các cường quốc phương Tây khác. Nằm ở phía nam lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang), ban đầu, Thượng Hải chỉ là một làng chài nghèo nàn và thưa dân. Sau khi trở thành tô giới của các cường quốc, hàng hóa phương Tây và những cú áp phe quốc tế đã nhanh chóng biến mảnh đất này thành một đô thị sầm uất, thu hút dân chúng từ các miền Hoa Bắc, Hoa Trung đổ về. Đến cuối thế kỷ XIX, Thượng Hải đã trở thành thành phố công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc, dân số khoảng 3,5 triệu người. Ngay khi vừa giành được tô giới tại Thượng Hải, người Anh đã lập tức đặt công quản thuốc phiện lên mảnh đất này, từ đó phân phối ma túy vào sâu trong lục địa Trung Quốc, xem nó như một nguồn thu nhập thuộc địa quan trọng hàng đầu. Tuy nắm quyền thống trị nhưng người Anh vẫn không thể trực tiếp giao dịch buôn bán thuốc phiện với dân bản xứ. Vì vậy, toàn bộ việc quản lý các công quản thuốc phiên (mở công khai), thương nhân Anh đều giao hết cho những người Trung Quốc gốc Triều Châu thuộc vùng Swatow (Sán Đầu), một thị trấn nằm cách Thượng Hải 25 km. Trong khi đó, tại phần nhượng địa của Pháp, chính quyền cũng phải nhờ trung gian bản địa mới có thể “tận thu” được thuế của hàng loạt tệ nạn như bảo kê, ma túy, mại dâm, cờ bạc đang mọc lên đầy rẫy. Từ sự hợp tác bẩn thỉu này, “quyền lực mật thám” ở Tô giới Pháp đã lọt hoàn toàn vào tay Hoàng Kim Vinh – thủ lĩnh Thanh Bang Hội và Trương Hiếu Lâm, ông trùm Hồng Bang Hội – hai ổ chức tội phạm khét tiếng. Thanh Bang Hội được thành lập vào khoảng giữa đời Thanh, tên gọi gốc là An Tĩnh Bang là nơi tập hợp của những tay bảo tiêu ngũ cốc, lương thực và nhiều loại hàng hóa khác từ tỉnh Tứ Xuyên xuôi dòng Dương Tử đổ về Thượng Hải hoặc từ phương nam ngược lên kinh đô Bắc Bình (Bắc Kinh). Khi con đường vận lương trên sông kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó, khoảng 200.000 tay bảo tiêu trở nên thất nghiệp đã đổ xô về Thượng Hải và các đô thị xung quanh, kiếm sống bằng các nghề như phu xe, bảo kê, bốc vác ở các bến tàu, bến xe. Đặc tính chung của đám người này là lì lợm, mạnh mẽ, rất liều mạng và cũng rất trung thành. Chữ “tĩnh” và chữ “thanh” đọc âm na ná nhau nên từ An Tĩnh Bang, nó đã được rút gọn và đọc chệch thành Thanh Bang, nhằm phân biệt với Hồng bang, một tổ chức Bang Hội ra đời từ phong trào đấu tranh vũ trang “phản Thanh phục Minh”. Tại Thượng Hải, người của Thanh Bang Hội và người của băng Triều Châu thường xuyên xung đột với nhau để tranh quyền bảo kê bến cảng, thầu công nhân cho các nhà máy và đặc biệt là độc chiếm quyền kinh doanh thuốc phiện. Dưới áp lực của quần chúng, năm 1918, người Anh buộc phải từ bỏ quyền khai thác công quản thuốc phiện, đóng cửa các tiệm hút. Mất thế độc quyền hợp pháp, thanh thế của băng Triều Châu dần dần bị Thanh Bang hội lấn lướt. Đỗ Nguyệt Thăng (hoặc Sênh) xuất hiện đúng vào giai đoạn gây cấn nhất trong cuộc tranh giành đẫm máu của hai tập đoàn tội phạm này. Giỏi võ, trẻ tuổi và rất phóng khoáng, Đỗ Nguyệt Thăng đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ của đông đảo công nhân bốc xếp và phu kéo xe trên bến Thượng Hải. Tình cờ trong một trận thư hùng, Đỗ đã cứu được một cô ca sĩ phòng trà lừng danh Thượng Hải, lúc đó vừa là cây “sinh tiền”, vừa là tình nhân ưu ái của “lão gia” Hoàng Kim Vinh. Cũng vì vụ này, Đỗ đã bị bọn côn đồ truy sát và lại được chính họ Hoàng cứu sống, coi như trả lễ. Ân oán giang hồ đã buộc chặt, từ một tên lưu dân vô danh tiểu tốt, Đỗ Nguyệt Thăng đã được Hoàng Kim Vinh mời về làm tổng bảo kê các vũ trường, sòng bạc của Thanh Bang trong khu Tô giới Pháp, vừa để trả ơn, vừa để tận dụng sức lực cơ bắp của y trong những trận chiến đường phố. Nhưng, ngoài đôi tay mạnh mẽ, Đỗ Nguyệt Thăng còn có một cái đầu đa mưu túc trí, đầy tham vọng và giảo hoạt. Y không cam tâm làm kẻ dưới trướng họ Hoàng. Được sự ủng hộ của những thành viên trẻ tuổi trong Thanh Bang Hội, Đỗ Nguyệt Thăng đã dần dần “chó liếm mặt chủ”, lấn lướt quyền lực của Hoàng “mặt rỗ” - biệt danh giang hồ của Thanh Bang Hội chủ. Cay đắng hơn, Hoàng “mặt rỗ” còn phát hiện ra cô đào hát báu vật của mình cũng đã ngã luôn vào vòng tay trai trẻ của tên túc hạ manh tâm. Nhận ra thì đã quá muộn, Hoàng “mặt rỗ”, vốn nổi danh vì tài dàn xếp trong các cuộc đụng độ băng đảng, đành nuốt hận vào lòng ngăn bản thân không mở cuộc thanh trừng đẫm máu để thực hiện một nước cờ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử giang hồ: nhường tình nhân và một nửa tô giới Pháp cho Đỗ Nguyệt Thăng! Cú giàn xếp trứ danh đã khiến đất Thượng Hải hình thành một “nội các tam đầu chế” với quyền lực được chia đều cho ba ông trùm: Hoàng Kim Vinh, Đỗ Nguyệt Thăng và Trương Hiếu Lâm. Ngay khi vừa giành được tô giới tại Thượng Hải, người Anh đã lập tức đặt công quản thuốc phiện lên mảnh đất này, từ đó phân phối ma túy vào sâu trong lục địa Trung Quốc, xem nó như một nguồn thu nhập thuộc địa quan trọng hàng đầu... Ông trùm heroin Nắm được quyền lực trong tay, Đỗ Nguyệt Thăng ngay tức khắc xua quân từ Tô giới Pháp sang tô giới Anh đánh bạt tập đoàn Triều Châu đang thất thế, độc quyền khai thác ngành buôn bán ma túy . “Hưởng ứng” phong trào bỏ thuốc phiện, Đỗ đã cho nhập heroin từ Pháp về Thượng Hải. Ban đầu, heroin được nhập về dưới dạng hồng phiến, được Đỗ quảng cáo rầm rộ như “loại thuốc cai nghiện thuốc phiện tốt nhất thế giới”. Liều dùng heroin rẻ hơn nhiều so với dùng thuốc phiện (chỉ bằng 40%) cho nên 70% con nghiện đã quay lưng với thuốc phiện để vồ vập với heroin của Đỗ mang về. Lợi nhuận khổng lồ đã khiến Đỗ nhập heroin về ồ ạt. Riêng năm 1923, Đỗ đã cho nhập và bán đi 10,25 tấn. Năm 1925, công ước Geneve đã loại bỏ thế hợp pháp của heroin trên toàn thế giới. Thay vì nhập heroin nhập từ châu Âu, Đỗ đã tổ chức điều chế tại chỗ. Tứ Xuyên, tỉnh Tây Nam Trung Quốc, nơi xuất xứ của Thanh Bang Hội Thượng Hải trở thành “nguồn cung cấp nguyên liệu bào chế” heroin cho Đỗ tại Thượng Hải. Việc bào chế, Đỗ giao cho 7 nhà hóa học của băng Triều Châu thực hiện. Công thức để bào chế được 10.000 viên “thuốc cai nghiện” của Đỗ là 5 ounce heroin, 5 ounce cafein, 1 ounce quinin (thuốc trị sốt rét), 1 ounce đường kết tinh, 48 ounce đường trích ly từ sữa và 0,5 ounce strychnine (vốn là một loại hóa hất dùng cho công nghệ... thuộc da). Thử hình dung: 1 ounce = 28,35gr, trong khi từ 1925 đến 1929, Đỗ đã cho nhập về Thượng Hải tới 1,3 tấn struychnine, 24 tấn cafein và gần 1,5 tấn heroin tất cả đều được dùng để bào chế “chuốc cai nghiện”! Hậu quả là 100.000 người trong số 3,5 dân Thượng Hải lọt thỏm trong vũng bùn nghiện ngập từ thuốc của Đỗ. Số còn lại, Đỗ bán vào nội địa và xuất khẩu sang Mỹ, cung cấp cho 200.000 con nghiện ở lục địa xa xôi này. Khi “thuốc cai nghiện” cũng bị cấm, Đỗ Nguyệt Thăng chuyển hẳn sang điều chế và cung cấp heroin tinh chất. Nguồn nguyên liệu vô biên là thuốc phiện sống được đám tay chân Thanh Bang Hội trở về Tứ Xuyên mua, đóng gói xuôi sông Dương Tử đưa về các lò điều chế của Đỗ ở Thượng Hải. Tỉnh Tứ Xuyên nằm ở Tây Nam Trung Quốc, diện tích 720.000 km2 (rộng gấp đôi diện tích nước Việt Nam). Đa số diện tích tỉnh này là núi non hiểm hiểm trở, đất canh tác rất ít. Nhưng 1/3 diện tích đất đai có thể canh tác của Tứ Xuyên đã giành cho việc trồng thuốc phiện, chủ yếu được Đỗ Nguyệt Thăng và Thanh Bang Hội thu mua. Cuối thập niên 1920, Đỗ Nguyệt Thăng đã trở thành nhà cung cấp heroin chính cho nước Mỹ. Năm 1930, một lô hàng heroin của Đỗ xuất sang Mỹ đã bị chính quyền Thượng Hải vây ráp và tịch thu. Chỉ một lô hàng này thôi cũng đã là một lượng heroin khổng lồ: 874 p ound (khoảng 415 kg)! Theo Nguyễn Thanh Trúc Những con đường ma túy trong rừng nhiệt đới (Kỳ 2) Quyền lực và sự phản bội Thứ hai, 28/5/2007, 16:26 GMT+7 Núp bóng Tưởng Giới Thạch, Đỗ Nguyệt Thăng dần dần lột xác, tìm cách đánh bóng bản thân và len dần sang địa hạt chính trị. Năm 1931, Đỗ từ bỏ ngành kinh doanh cờ bạc, cai nghiện và tuyên bố rời bỏ vị trí “ông trùm heroin” của Thượng Hải, giao công việc béo bở này cho đám tay chân... >> Ông trùm bến Thượng Hải (Kỳ 1) Tội nhân của biến cố 12/04 đẫm máu Thành công trong cách mạng Ngũ Tứ (1919) nhưng thế lực còn yếu, Tôn Trung Sơn đã chủ trương dựa vào Viên Thế Khải để lập chính quyền. Đầy tham vọng, họ Viên đã xưng hoàng đế. Không thừa nhận quyền lực của Viên, hàng loạt tỉnh trưởng Trung Quốc đã tuyên bố ly khai. Bản đồ Trung Quốc bị băm nhỏ, mỗi địa phương bị cát cứ bởi một tập đoàn tướng lĩnh quân phiệt. Trước tình hình đó, lãnh tụ Quốc Dân đảng Tôn Trung Sơn đã quyết định liên minh với Đảng Cộng sản vào năm Dân quốc thứ 5 (1924) nhằm đoàn kết tạo sức mạnh chính trị chống nạn cát cứ quân phiệt. Nhưng mới được một năm thì ông mất (1925), quyền lãnh đạo Quốc Dân đảng lọt vào tay Tưởng Giới Thạch. Sau một năm củng cố địa vị và thế lực, năm 1926, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc Trường chinh Bắc phạt, từ miền Hoa Nam kéo quân tiến lên Hoa Trung, Hoa Bắc đập tan các quân đoàn cát cứ. Cuộc Bắc phạt của Quốc Dân đảng được quần chúng nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Tại Thượng Hải, ngày 23/10/1926, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo công nhân khởi nghĩa chống quân phiệt nhưng thất bại. Rút kinh nghiệm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử nhiều lãnh đạo cốt cán, trong đó có Chu Ân Lai về Thượng Hải lập lại phong trào, làm nổ ra cuộc khởi nghĩa lần hai bắt đầu từ 20/02/1927. tuong.jpg Tưởng Giới Thạch (Trái) cùng vợ và tướng Joseph W, Stilwell Lúc này, quân Bắc phạt của Tưởng đã thắng như chẻ tre, đuổi hai tập đoàn quân Phiệt Trực – Lỗ của Tôn Truyền Phương và Phụng hệ của Trương Tác Lâm chạy dài lên phía Bắc. Khi khởi nghĩa lần hai của Công nhân Thượng Hải nổ ra, quân Bắc phạt đã chiếm thị trấn Gia Hưng, cách Thượng Hải chỉ 60 km. Lẽ ra, điều cần làm là đưa quân tiến thẳng vào Thượng Hải để sát cánh cùng công nhân, Tưởng Giới Thạch lại âm ỉ nuôi ý đồ phản bội, án binh bất động, mặc cho bọn quân phiệt dìm cuộc khởi nghĩa vào bể máu. Với tinh thần ngoan cường, những người Cộng sản Thượng Hải cũng đã lãnh đạo công nhân giành thắng lợi, đánh tan 3 trung đoàn quân phiệt do Trương Tông Xương chỉ huy từ Sơn Đông kéo xuống chi viện. Ngày 26/03/1927, sư đoàn 1, quân đoàn 1 của Tưởng kéo vào Thượng Hải không tốn một giọt máu, 1 viên đạn. Nhằm ve vuốt, tranh thủ sự ủng hộ của bọn đại địa chủ bảo thủ và bọn tư bản nước ngoài, Tưởng Giới Thạch tức thì ló đuôi phản bội, đổi ngay khẩu hiệu “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc” bằng một khẩu hiệu hết sức lập lờ là “Hòa bình phấn đấu cứu nước”. Trước cửa ngõ Thượng Hải, Tưởng tuyên bố: “Quân cách mạng Quốc dân là bạn tốt của các cường quốc đế quốc, quyết tâm không dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng tô giới”. Đang hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào công nhân, bọn tư bản và đại địa chủ Thượng Hải đã lập tức tung hô chủ trương của Tưởng, góp nhau 15 triệu nguyên để ủng hộ và hứa cho mượn 30 triệu nguyên nữa để giúp Tưởng xây dựng chính quyền. Rắp ranh phản bội, nhưng Tưởng không dám sử dụng binh sĩ đàn áp công nhân vì sợ danh không thuận, đồng thời e ngại sẽ xảy ra binh biến, vì binh lính luôn coi công nhân là bè bạn cùng một liên minh. Do đó, Tưởng đã triệu tập Đỗ Nguyệt Thăng và 3 đầu lĩnh khác của Thanh Bang Hội đến thị xã Cửu Giang họp kín, bàn mưu “mượn đao giết người”. Hợp tác, làm tay sai cho Tưởng vừa được tiền, vừa có thế để củng cố quyền lực, Đỗ Nguyệt Thăng gật đầu bán mình. Đỗ đã tuyển mộ và vũ đã trang gần 3.000 tên vô lại khắp bến Thượng Hải thành môt đạo quân núp dưới cái tên ôn hòa là “Hiệp hội Công nhân Thượng Hải” và “Hiệp hội đồng tiến Trung Hoa”. Đêm 11/04/1927, mượn danh nghĩa hai tổ chức này, Đỗ Nguyệt Thăng đã mời ủy viên trưởng Tổng công hội Thượng hải Uông Hòa Thọ đến tư dinh dự tiệc, sau đó thừa cơ hạ sát nhằm triệt đầu não lãnh đạo của công nhân. Một giờ sáng ngày 12/04/1927, 3.000 tên Thanh Bang, mỗi tên được Đỗ phát cho 10 đồng bạc trắng, mặc đồng phục quần short, áo xanh cộc tay, trên vài có khắp dấu hiệu chữ “công” tỏa đi các nơi tập kích các đội tự vệ của công nhân. Lấy cớ “Công nhân xung đột nội bộ”, Tưởng đã xua quân đội giải giới vũ khí cả hai bên, sau đó bảo vệ cho bọn Thanh Bang rút lui. Kết quả là 2.700 công nhân vũ trang bị tước vũ khí, 120 người chết, 180 người khác bị thương. Hơn 3 tháng sau đó, Thượng Hải luôn náo loạn bởi hàng trăm vụ tập kích khác của Thanh Bang nhằm tiêu diệt lực lượng công nhân tự vệ. Sau chính biến 12/04, “tam đầu chế” Thượng Hải đều được Tưởng Giới Thạch tấn phong “cố vấn danh dự” để tưởng thưởng công lao hãn mã. Riêng Đỗ Nguyệt Thăng đã được Tưởng phong quân hàm thiếu tướng trong bộ chỉ huy của mình. Mặt khác, tháng 08/1927, Tưởng còn hợp pháp hóa việc buôn bán ma túy, giao cho Đỗ coi sóc để lấy tiền nuôi lính. Tháng 07/1928, lệnh này buộc phải bãi bỏ vì quần chúng phản đối quyết liệt. Nhưng, nhờ sự thả lỏng chỉ trong một năm đó, Đỗ Nguyệt Thăng đã thu lãi ròng 40 triệu nguyên. Heroin - nguồn kinh tài của chính phủ Trùng Khánh Núp bóng Tưởng Giới Thạch, Đỗ Nguyệt Thăng dần dần lột xác, tìm cách đánh bóng bản thân và len dần sang địa hạt chính trị. Năm 1931, Đỗ từ bỏ ngành kinh doanh cờ bạc, cai nghiện và tuyên bố rời bỏ vị trí “ông trùm heroin” của Thượng Hải, giao công việc béo bở này cho đám tay chân. Bù lại, Đỗ được Tưởng Giới Thạch giao cho kiểm soát Công ty sổ xố quốc gia vừa được thành lập. Đến năm 1934, khi Tưởng phát động phong trào “Tân sinh hoạt” mị dân tuyên bố đặt ma túy ra ngoài vòng luật pháp tuyên sẵn án chung thân hoặc tử hình cho những tên buôn lậu thì Đỗ lại quay về lãnh địa cũ, tổ chức lại đường dây buôn lậu thuốc phiện từ Tứ Xuyên về Thượng Hải theo lệnh của... chính Tưởng. Lần này, đại lộ thuốc phiện là một con đường vòng vèo. Từ 3 tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu, thuốc phiện được tập kết xuống vùng duyên hải miền Nam rồi đi ngược sông Dương Tử lên Thượng Hải, không qua Quảng Tây như trước nữa. Chính vì mất nguồn lợi lớn từ thuốc phiện, năm 1936,đám tướng lĩnh quân phiệt Quảng Tây lại khởi loạn, ly khai quyền lực của Tưởng Giới Thạch. tuong1.jpg Nhân dân Trung Hoa đói khát, lầm than Tiền muôn bạc vạn đã giúp Đỗ lột xác, xóa hết dấu tích của một tên lưu manh hè phố. Niên giám Trung Quốc năm 1933 đã mô tả Đỗ là “cư dân có ảnh hưởng nhất, tại nhượng địa Pháp ở Thượng Hải” và là một người nổi tiếng hoạt động vì phúc lợi chung. Đỗ trở thành Mạnh Thường quân lớn của hàng loạt bệnh viện, trại dưỡng lão, các hiệp hội nghệ thuật, người đỡ đầu khả kính của nhiều cô nhi viện, trại cứu tế... Với vỏ bọc khả kính này, hoạt động buôn lậu thuốc phiện của Đỗ để giúp Quốc Dân Đảng tìm kiếm nguồn kinh tài càng gia tăng khủng khiếp. Nhờ có lệnh cấm ma tuý, cả Quốc Dân Đảng lẫn Đỗ Nguyệt Thăng đều thu lợi khổng lồ. Thay vì tiêu hủy, bao nhiêu ma túy đủ loại tịch thu được, Quốc Dân Đảng đều giao hết cho Đỗ Nguyệt Thăng và đường dây của y mang đi tiêu thụ. Chỉ trong 3 năm 1934-1937, nguồn lợi thuốc phiện, ma túy đã đem lại cho Đỗ số lãi gần 500 triệu đồng nguyên, trong khi chi phí y tế của toàn thành Thượng Hải chỉ vào khoảng 1,5 triệu nguyên/tháng. Dòng chảy ma túy tưởng chừng bị gián đoạn khi Nhật Bản chiếm Thượng Hải vào năm 1937. Chống Nhật, trung thành với Tưởng, Đỗ Nguyệt Thăng bỏ Thượng Hải theo Tưởng rút lui về Trùng Khánh – thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Y lại trở thành một mạnh thường quân nổi tiếng hào phóng, người đứng đầu vài ba tổ chức từ thiện, cứu tế được Quốc Dân Đảng lập ra để “làm màu”. Nhưng khi vừa tạm ổn, được sự đồng thuận của Tưởng Giới Thạch, Đỗ lại tiếp tục xây dựng nên những con đường ma tuý mới. Nhờ sự tổ chức và giúp đỡ về mặt kỹ thuật của Đỗ, hầu hết lực lượng quân đội trong các địa phương do Quốc dân Đảng kiểm soát đều tham gia vào việc kinh doanh ma tuý. Nhiều đơn vị quân đội hầu như chỉ làm mỗi một việc là đi thu gom thuốc phiện thô từ các vùng núi rừng heo hút ở Nam Trung Quốc để làm nguyên liệu bào chế heroin. Phần kỹ thuật, những nhà hoá học gốc Triều Châu do Đỗ Nguyệt Thăng điều tới sẽ đảm trách. Heroin sản xuất được đều bán cho tập đoàn ma tuý của Đỗ để y xuất sang Mỹ. Năm 1938, vùng lưu vực sông Hoàng Hà lụt lội khủng khiếp, công tác cứu tế, cứu trợ nạn nhân bão lụt lo không xuể. Vậy nhưng theo yêu cầu của Đỗ Nguyệt Thăng, nhiều đơn vị quân đội Quốc Dân Đảng vẫn bỏ mặc dân chúng lầm than, chỉ ráo riết săn lùng thu mua thuốc phiện. Không cam tâm nhìn binh sĩ tha hoá làm ngơ trước cảnh nhân dân khốn khổ, Hoàng Tường Phong, một viên tướng Quốc Dân Đảng nổi tiếng, xuất thân là cao đồ võ phái Vịnh Xuân quyền ở Kim Cương Tự đã định đưa quân trừng trị Đỗ Nguyệt Thăng. Suýt nữa, đầu họ Đỗ đã rớt dưới gươm lệnh của viên tướng cương trực yêu dân, nhưng may có Tưởng Giới Thạch kịp thời phát hiện và lệnh cho Hoàng Tường Phong bỏ qua, Đỗ Nguyệt Thăng mới thoát chết. Chiến tranh lan rộng ngày một khốc liệt hơn. Là sản phẩm của thời loạn, Đỗ nhanh chóng tìm được vận hội mới. Tháng 01/1942, Đỗ gom hết đám tay chân Thanh Bang Hội lại, tổ chức một đường dây quy mô buôn lậu hàng hóa giữa hai vùng tự do và tạm chiếm. Dĩ nhiên, ma túy vẫn là nguồn lợi số một. Thậm chí, dù đang chiến tranh với Nhật, từ Tứ Xuyên, Đỗ vẫn thiết lập được ở Thượng Hải một đường dây mua heroin của Nhật, từ đó xuất sang Mỹ, kiếm một vốn 10 lời. Công cuộc buôn lậu vĩ đại của Đỗ khiến Tưởng Giới Thạch không ngồi yên được, phải nhảy vào vừa kiểm soát vừa hỗ trợ. Tưởng ra lệnh cho 5 ngân hàng lớn của Trung Quốc tiếp vốn cho Đỗ buôn lậu, rót cho y tổng cộng 150 triệu nguyên. Công cuộc săn tiền của con cá mập Đỗ Nguyệt Thăng chỉ buộc phải dừng lại trước sự tấn công như vũ bão của Quân giải phóng Trung Quốc. Từng tiếp tay cho Tưởng tiêu diệt Cộng sản, Thanh Bang Hội không còn đất sống ở những vùng do Đảng Cộng Trung Quốc sản kiểm soát. Từ năm 1947, các băng nhóm tội phạm đã lục tục kéo sang tìm đất mới ở Hồng Kông. Đỗ cũng không chờ đến lúc Quốc Dân đảng bị Hồng quân quét sạch, vội cao chạy xa bay sang Hồng Kông từ tháng 04/1949. Trong 4 triệu dân Hồng Kông, người Quảng Đông chiếm tới 80%, phần còn lại là cư dân của nhiều địa phương khác từ đại lục Trung Hoa. Tuy chỉ chiếm 8% dân số Hồng Kông nhưng uy thế của băng Triều Châu Vẫn trở nên trở nên mạnh hơn cả. Nguyên nhân: tuyệt đại đa số đa số lực lượng cảnh sát Hồng Kông đều là người gốc Triều Châu. Tận dụng cơ hội, băng Triều Châu đã tái phát động cuộc chiến băng đảng với Thanh Bang. Năm 1950, cảnh sát Hồng Kông thành lập lực lượng Cảnh sát đặc biệt chống tội phạm bang hội, băng Triều Châu đã tích cực góp tay, chỉ điểm cho cảnh sát đặc biệt tóm cổ vô số tay chân của Thanh Bang Hội khiến băng này suy yếu. Tháng 08/1951, đang loay hoay chống đỡ trận cuồng phong thì Đỗ Nguyệt Thăng lăn ra chết. Quyền thống lĩnh Thanh Bang lọt vào tay Lý Sồi Phát, một đàn em tâm phúc của y. Nhưng cũng chỉ được đúng một năm, đến lượt Lý Sồi Phát cũng bị cảnh sát đặc biệt bắt giữ và trục xuất. Rắn mất đầu, Thanh Bang Hội lụi tàn dần, nhường đất Hồng Kông và thanh thế tội ác cho băng Triều Châu – đối thủ truyền kiếp của chúng suốt gần nửa thế kỷ. Theo Những con đường ma tuý trong rừng nhiệt đới (Kỳ 3) “Quốc sách” của chế độ thuộc địa Thứ hai, 28/5/2007, 17:32 GMT+7 Mãi đến giữa thế kỷ XIX, thuốc phiện từ Trung Quốc mới được lén lút đưa vào Việt Nam. Ngay từ đầu, triều đình nhà Nguyễn đã ý thức được thảm hoạ quốc gia do thuốc phiện đem laị, kiên quyết đặt nó ra ngoài vòng pháp luật. >> Ông trùm bến Thượng Hải (Kỳ 1) >> Quyền lực và sự phản bội (Kỳ 2) Sách Đại Nam Điển Lệ chép: năm 1852, vua Tự Đức đã ban hành lệnh cấm thuốc phiện, quy định: “Phàm quan và dân ở trong kinh ngoài trấn chứa chấp và hút, hàng phố nấu và bán, thuyền buôn thuyền công chở và giấu thuốc phiện về nước, cùng là viên chức các cửa sông cửa biển, viên chức đi công sai ăn tiền dung túng, đều bị chiếu theo luật, phân biệt từng hạng người mà trị tội”. Nhưng tai ác thay, ngay sau khi chiếm được toàn xứ Đông Dương, người Pháp lại nhìn nhận thuốc phiện như một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược khai thác thuộc địa. Thực dân Pháp đã xem thuốc phiện như một nguồn thu đáng kể cho ngân sách của “mẫu quốc”. Chính quyền bảo hộ đã mở cửa cho thương nhân Hoa kiều và Công ty Đông Ấn đưa thuốc phiện vào Việt Nam công khai. Năm 1897, sau khi nhậm chức, toàn quyền Paul Doumer đã xem thuốc phiện như một thứ quốc sách. Cơ quan độc quyền thuốc phiện, đặt dưới sự quản lý của nhà nước bảo hộ đã được thành lập. Thuốc phiện có nguồn gốc từ vùng vịnh Bengal (Ấn Độ) được công ty Đông Ấn đưa vào Việt Nam. tp1.jpg Thuốc phiện đã đi vào từng ngõ ngách Tại Sài Gòn, chính quyền đã cho xây hẳn một nhà máy chuyên nấu thuốc phiện. Năm 1918, toàn Đông Dương có 1.512 tiệm hút và 3.098 đại lý thuốc phiện được nhà nước bảo hộ, phía trước có treo cờ tam tài và biển sắt đề 2 chữ R.O (Régie Opium). Lãi thu được từ thuốc phiện chiếm tới 1/3 tổng thu nhập của toàn Đông Dương. Năm 1938, Việt Nam có dân số khoảng 30 triệu người nhưng đã có tới 100.000 con nghiện, chiếm hơn 3%. Sau thuốc phiện Bengal, đến lượt thuốc phiện từ Lào và từ các vùng cao Tây Bắc, Tây – Bắc Trung Bộ đã làm suy kiệt người Việt. Sau khi Pháp tái chiếm Việt Nam (1946), việc bảo hộ thuốc phiện bị bãi bỏ song thực tế nguồn cung cấp thuốc phiện vẫn do tình báo Pháp đảm trách, nguồn thuốc phiện chủ yếu từ Vân Nam (Trung Quốc) và từ Tam Giác Vàng, về Việt Nam bằng đường bộ qua ngõ Lào. Lợi nhuận khổng lồ từ viêc buôn lậu thuốc phiện đã kéo theo hàng tập đoàn những kẻ phiêu lưu từ nước Pháp tìm đến Việt Nam. tp2.jpg Thuốc phiện làm suy kiệt người Việt Những điệp vụ bí mật của tình báo Pháp và ông chủ “Lục Địa lữ quán” Đầu thế kỷ XX, theo chân những đoàn quân Lê Dương, rất nhiều tên du thủ du thực, những kẻ thích phiêu lưu đã đua nhau rời bỏ nước Pháp trốn sang xứ Việt Nam xa xôi tìm cơ hội. Tại chính quốc, chúng là những tên đầu trộm đuôi cướp, “khách hàng” thường xuyên của... nhà tù. Sang Việt Nam, với tài sản phi pháp mang theo, chúng mua đồn điền, mở khách sạn, lột xác và trở thành nhưng “ông lớn” có thế lực, luôn tìm cách hành hạ và bóc lột người bản xứ để làm giàu. Nổi tiếng nhất trong số này phải kể đến Mathew Fanchini, một tay giang hồ đảo Corse lão luyện. Y có quan hệ sâu sắc với băng Mafia Marseille và các “bố già” khét tiếng như Paul Bonaventure Carbone, trùm tập đoàn Marsille thập niên 1930 và 1940, sau đó bán mình cho cơ quan SS Đức Quốc xã và bị những người Pháp kháng chiến tiêu diệt năm 1943; hay anh em nhà Guerini là Barthélemy “Meme” Guerini và Antoinne Guerini, những kẻ sau này sẽ cộng tác đắc lực với CIA để giành quyền kiểm soát thành phố cảng này từ tay những người Cộng Sản vào năm 1947 để sau đó biến cảng này thành nơi chi phối toàn bộ nguồn cung cấp bạch phiến cho thị trường châu Âu và nước Mỹ. Đến Việt Nam, định cư tại Sài Gòn từ đầu những năm 1920, Mathew Fanchini nhanh chóng lao vào nghề buôn vàng và buôn tiền theo trục Sài Gòn – Thượng Hải – Hồng Kông - Marseille. Do quan hệ công việc, đồng thời cũng để thuận tiện cho công việc, Mathew Fanchini kết hôn với một cô gái người Hoa con nhà có thế lực ở Chợ Lớn. Năm 1930, Mathew Fanchini mua lại “Lục địa lữ quán”, tức khách sạn Continental toạ lạc trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), bên cạnh Nhà Hát Lớn. Continental Hotel được người Pháp xây dựng vào năm 1880, cùng thời điểm với những công trình kiến trúc Pháp cổ nhất thành phố Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Dinh thống đốc. Nó là khách sạn vừa xưa nhất, vừa lớn và sang trọng nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Đây là nơi tá túc thường xuyên của các chính khách, nhà tư bản, nhà văn, nghệ sĩ lớn đến từ các nước, trong đó có các nhà văn, nhà báo lớn như André Maraux, Graham Green, Bernard Fall... những người mà tác phẩm của họ đều dính liền và quen thuộc với độc giả Việt Nam. tp3.jpg Thuốc phiện làm cho con người trở nên con người Lột bỏ chiếc áo khoác tồi tàn của một tên gangster để khoác lên người bộ smocking trắng và chiếc nón borsalino sang trọng của một nhà tư bản thành đạt, quen biết rộng và có thế lực, Mathew Fanchini càng có điều kiện hơn để bành trướng việc buôn vàng và buôn tiền. Đến giữa những năm 1940, Mathew Fanchini đã trở thành một kẻ có máu mặt, một thế lực trong thế giới ngầm của người Corse tại Sài Gòn. Sa lầy trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, quân Pháp trên chiến trường Việt Nam vấp phải một thách thức lớn, đó là sự thiếu hụt nguồn tài chính phục vụ chiến tranh. Theo gợi ý của tướng De Lattre de Tassigny, Cao uỷ kiêm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, đầu năm 1951, tình báo Pháp đa thành lập “Lực lương biệt kích không vận hỗn hợp” (Groupement de commandos mixtes aéroportés, viết tắt là GCMA), giao cho đại tá Grall, một tay kỳ cựu, người hùng của nước Pháp trong thế chiến thứ 2 chỉ huy. GCMA là đơn vị hoạt động độc lập, không lệ thuộc Bộ Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam mà đặt dưới sự điều phối trực tiếp của SDECE (Service de Documentation Extériure et de contre expionnage – Cơ quan tình báo đối ngoại và phản gián), có đầu não đóng tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Nhiệm vụ của đơn vị này là không vận tiếp tế cho các đơn vị dân binh vũ trang của các dân tộc thiểu số Thái, Mèo ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào (Sầm Nưa, Phong Sa Lỳ). Nhằm duy trì hoạt động phá hoại của bọn này tại các vùng căn cứ kháng chiến của Việt Minh. Ngoài ra, GMCA còn có thêm một nhiệm vụ tối mật được gọi bằng mật danh là “Chiến dịch X” – thu gom thuốc phiện từ các vùng nói trên chuyển về Sài Gòn, bán cho tên tướng lục lâm Lê Văn Viễn. Tại Sài Gòn, thuốc phiện được cảnh sát vũ trang hộ tống từ phi trường Tân Sơn Nhất về thẳng kho của Bảy Viễn ở số 43 đường Lacaze (nay là đường Nguyễn Biểu), cạnh cầu chữ Y. Từ đó, tay tư sản mại bản người Hoa Lý Long Thân sẽ tiêu thụ một phần để cung cấp cho gần 2.500 tiệm hút do các băng đảng người Hoa kiểm soát ở Sài Gòn – Chợ Lớn và các vùng phụ cận. Số thuốc phiện này chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần lớn được Bảy Viễn bán cho Mathew Fanchini để tay này gửi theo đường tàu biển chuyển về Marseille cho tập đoàn Maphia của anh em Antoin Gurini, làm nguyên liệu điều chế Heroin cung cấp cho thị trường Châu Âu và nước Mỹ. Những thương vụ mua bán này được thực hiên nhờ trung gian là thiếu tá Antonio Savani, một con cáo già của tình báo Pháp. Đưa được Bảy Viễn từ bỏ hàng ngũ Việt Minh kháng chiến về với quân đội Quốc Gia của Bảo Đại chính là chiến công lớn nhất trong đời tình báo của tên này. Tháng 01/1953, “Chiến dịch X” bị thanh tra quân đội Pháp tại Đông Dương phanh phui, bắt tại kho của GCMA 800 cân thuốc phiện. Để tránh tai tiếng của vụ scandal bay về chính quốc, GMCA bị giải tán. Nhưng “Chiến dịch X” thì không. Những chuyến bay chở đầy thuốc phiện được thực hiện bởi một đơn vị mới, thực chất chỉ là một tên gọi khác, là “Đội can thiệp hỗn hợp”(Groupement mixtes d’Intervention - GMI) thay người chỉ huy bằng một tay sừng sỏ khác là Trung tá Trinquier. Hàng tấn thuốc phiện từ Bắc Lào đã được đưa về Sài Gòn bằng máy bay làm nhiệm vụ tối mật của đơnvị này. Nhờ những phi vụ thuốc phiện, Mathew Fanchini đã trở nên đặc biệt thân thiết với Bảy Viễn. Tên giang hồ đảo Corse đã trở thành một cố vấn tài chính của Bảy Viễn. Tháng 03/1955, đại tá Edward Lansdale đã lên kế hoạch giúp anh em Diệm – Nhu tiêu diệt Bảy Viễn, mở đầu cho chính sách tiêu diệt giáo phái vũ trang, củng cố quyền lực trên toàn miền Nam. tp4.jpg Đại tá CIA Edward Lansdale - trợ lực của chính quyền Mỹ Diệm Để cứu “bạn hàng” thân thiết, Mathew Fanchini đã trổ hết mánh lới trong nghề buôn tiền để giúp Bảy Viễn phát hành tờ Phật Lăng Bình Xuyên nhằm bổ sung nguồn tài chính mua thêm vũ khí, tuyển thêm quân, chuẩn bị bước vào cuộc sống mái với anh em Diệm – Nhu. Không để lại dấu vết nhưng những nỗ lực và trò ma mãnh của Mathew Fanchini vẫn không cứu được ngày tàn của đám quân Bình Xuyên ô hợp. Tháng 09/1955, chiến dịch Hoàng Diệu tảo thanh rừng Sác, diệt Bình Xuyên do đại tá Dương Văn Minh chỉ huy đã kết thúc toàn thắng. Bằng những nỗ lực cuối cùng, Mathew Fanchini đã cứu được Bảy Viễn và hai tên quân sư Lai Hữu Sang, Lai Hữu Tài, đưa chúng sang Pháp an toàn Giúp anh em Diệm – Nhu tiêu diệt Bảy Viễn, Edward Lansdale đã khiến băng đảo Corse mất mối làm ăn lớn, tự biến mình thành kẻ thù không đội trời chung của Matew Fanchini và những tên Mafia đảo Corse. Theo đúng truyền thống, chúng lao ngay vào những cuộc trả thù đẫm máu và dai dẳng. Khói súng giao tranh giữa quân chính phủ và quân Bình Xuyên vừa tan, hàng loạt cố vấn Mỹ đã bị ám sát ngay trên đường phố sài Gòn. Nhà ở và xe hơi của nhiều cố vấn khác bị gài bom. Xe hơi của Đại tá CIA Edward Lansdale, kiến trúc sư giúp Ngô Đình Diệm lập kế hoạch thanh trừng giáo phái vũ trang bị gài bom nổ tung nhưng may là tay cáo già này không có mặt trong xe nên thoát chết. Một lần khác, khi đang lái xe, Lansdale đã bị một tay bắn tỉa nã cho một tràng súng máy nhưng đạn chỉ sượt qua đầu. Một người có ngoại hình giống Lansdale đã bị bắn chết khi ông này đi bộ qua cửa nhà viên đại tá Mỹ. Tay ký giả viết bài phanh phui những hoạt động rửa tiền, buôn vàng của băng đảo Corse trên tạp chí Fortune cũng bị bắn chết ngay tại khách sạn Continental. Tất cả các “phi vụ” này, theo báo cáo của CIA, đều do Mathew Fanchini soạn thảo và chỉ đạo những tên gangster đảo Corse tại Sài Gòn thực hiện. Mối thù sâu sắc đến nỗi 10 năm sau, khi E.Lansdal đã đeo lon tướng và có dịp trở lại Sài Gòn, xe hơi của ông ta vẫn tiếp tục bị gangster đảo Corse gài bom. Bất đắc dĩ, viên tướng tình báo Mỹ phải tổ chức một cuộc gặp mặt với những tay anh chị đảo Corse nay tại Continental, do ông chủ khách sạn Mathew Fanchini đứng làm... trung gian. Tại buổi gặp gỡ này, Lansdale đã đề nghị băng đảo Corse để cho ông ta yên, bù lại, Lansdale cũng sẽ để yên, không có bất kỳ hành động hay kế hoạch nào chống lại các tay chơi dân Corse. Theo Nguyễn Thanh Trúc