HỒ SƠ Những điệp viên lừng danh Cambridge Thứ tư, 4/4/2007, 11:05 GMT+7 Trong suốt một thời kỳ dài, từ trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cho tới Chiến tranh lạnh, mạng lưới 4 điệp viên người Anh đã tuồn cho KGB vố số các tài liệu mật quốc gia của Anh cũng như Mỹ. Họ là ai? dv1.jpg Hình ảnh Philby trên con tem của Liên bang Xô viết. Căn phòng tối tăm, không cửa sổ tại trụ sở KGB chẳng có gì ngoài một chiếc ghế, các tủ hồ sơ và một chiếc bàn dài. Nếu căn phòng này có cửa sổ, người ta có lẽ đã nhìn thấy những bức tường của điện Kremlin ở khá gần. Viên sĩ quan mới được bổ nhiệm ngồi ở chiếc bàn trong khi một thư ký lôi ra hết tập tài liệu này tới tập tài liệu khác. Khi lướt qua những hồ sơ này, viên sĩ quan KGB sửng sốt. Đây là hồ sơ của bốn điệp viên đã xâm nhập vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của các cơ quan tình báo Anh. Mọi điều mà Churchill hay Rooservelt hay Truman suy nghĩ đã được báo cáo cho các lãnh đạo Liên bang Xô Viết ngay khi ba chính khách này nói ra những suy nghĩ đó. Các tập tài liệu này được đánh dấu rõ ràng: ’’Chuyển cho Cục chỉ huy, cho Beria, cho Stalin’’. Không một cơ quan nào có thể cản trở luồng thông tin từ những điệp viên này. Họ quá quan trọng. Thông tin của họ rất đáng tin cậy. Bốn người không phải là các nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám. Họ là những con người thực: Burgess, Blunt, Maclean, và Philby. Chưa từng có bất kỳ gián điệp nào thành công hơn và gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nhóm những người Anh này. Tất cả họ gặp nhau tại trường Trinity, ĐH Cambridge, trong những năm 1930. Ở mức độ này hay mức độ khác, họ làm việc cho Liên bang Xô viết trong hơn 30 năm. Họ cũng là các điệp viên hiệu quả nhất trong thế kỷ 20 làm việc chống lại các quyền lợi của Anh và Mỹ. Cuối cùng, tất cả bốn điệp viên đều bị lộ tẩy, song điều đáng ngạc nhiên là họ chưa bao giờ bị bắt. Những gián điệp vĩ đại này thú vị hơn các nhân vật tiểu thuyết, quyến rũ hơn so với các huyền thoại. Họ là ai? Vào cuối những năm 1920, các quan chức cơ quan tình báo bí mật Nga (KGB, lúc đó gọi là NKVD) đã lên kế hoạch xâm nhập vào Cơ quan tình báo Anh. Đối tượng là các sinh viên trẻ, dự định bắt đầu sự nghiệp tại Bộ Ngoại giao Anh hoặc các cơ quan tình báo Anh. Nếu họ có tư tưởng Marxist hoặc chống phát xít, họ được tuyển dụng, đào tạo và đánh giá cẩn thận. Những thanh niên trẻ là thành viên công khai của đảng cộng sản không phải là đối tượng của kế hoạch vì họ dễ bị phát hiện hoặc ít có cơ hội gia nhập giới quan chức Anh. Hoá ra, đây là một chiến lược tuyệt vời. dv2.jpg Maclean tại ĐH Cambridge Các điệp viện Cambridge này là bốn nam sinh viên trẻ được tuyển chọn vào KGB trong khi còn học đại học. Hai trong số họ, Blunt và Burgess, là thành viên của ’’Nhóm tông đồ Cambridge’’ - một tổ chức bí mật, được kính trọng hồi những năm 1930, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa Mác. Sau một chuyến thăm tới Nga năm 1933, dường như Blunt - người lớn tuổi nhất trong nhóm - đã được chiêu mộ trước tiên, trực tiếp bởi NKVD và dần dần Blunt tuyển mộ những người khác. Blunt có nhiều cơ hội để là một người phát hiện các điệp viên tiềm năng, vì vào thời điểm đó ông là một trợ giáo tiếng Pháp - một môn học cần thiết đối với bất kỳ nam thanh niên nào muốn xây dựng sự nghiệp trong ngành ngoại giao. Ngoài ra, với tư cách là một thành viên lãnh đạo của "Nhóm tông đồ Cambridge", ông ta có thể theo dõi các thành viên trẻ hơn khi họ tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị trong các cuộc họp của nhóm bí mật này. Tuy nhiên, ông không phải là người chiêu mộ Burgess, Maclean, và Philby mặc dù ông biết rõ họ trong suốt những năm họ học đại học. Burgess (1910-1963) điệp viên đồng tính trong MI6 (Cơ quan tình báo bí mật Anh), thư ký của Thứ trưởng Ngoại giao Hector McNeil, Bí thư của Đại sứ quán Anh tại London, Washington. Anthony F. Blunt (1907-1983), một cố vấn nghệ thuật của Nữ hoàng Elizabeth, điệp viên MI5 (Cơ quan Phản gián Anh) trong suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Blunt cũng là người đồng tính và từng là người yêu của Burgess. Donald Maclean (1915-1983), Bí thứ tại Đại sứ quán Anh tại Paris, Washington, Cairo, London. Điệp viên này còn được gọi là ’’Nhân vật thứ tư’’. Có thông tin cho rằng ông là người đồng tính song dường như không phải vậy. Harold Adrian Russell ("Kim") Philby (1912-1988), một nhà báo đồng thời là điệp viên MI6, hay ’’Nhân vật thứ ba’’. Philby không phải người đồng tính, đã từng kết hôn 4 lần. Sự bình tĩnh của NKVD mà sau này là KGB, quả là rất ấn tượng. Giống như những chai rượu vang hảo hạng chưa đủ tuổi, Burgess, Blunt, Maclean, và Philby được ’’để riêng’’ để phát triển thành loại rượu vang tuyệt hảo, chín muồi. Rốt cuộc, không thể vội vàng sử dụng những tân binh quý giá như vậy làm những điệp viên quan trọng, ngay lập tức cho Liên bang Xô viết. Các điệp viên Cambridge này được dẫn dắt một cách chậm chạp sau khi được tuyển mộ, để sự xâm nhập của họ vào các cơ quan tình báo Anh diễn ra suôn sẻ mà không gây nghi ngờ gì về sự trung thành của họ đối với nước Anh. Bốn điệp viên Cambridge là các gián điệp hoạt động trong các khoảng thời gian khác nhau, Burgess và Maclean là hiệu quả nhất trong khoảng 12 năm, cho tới khi họ đào tẩu sang Nga năm 1951. Thời gian hoạt động hiệu quả nhất của Philby từ khoảng năm 1940 tới năm 1963 khi ông chạy sang Nga. Tuy nhiên, sau khi đào tẩu, Philby tiếp tục làm việc cho KGB, gần như cho tới lúc ông qua đời năm 1988, như một cố vấn và hướng dẫn viên cho các điệp viên. Do vậy, sự nghiệp của ông kéo dài gần nửa thế kỷ. Blunt là gián điệp hoạt động dài nhất, trong khoảng 30 năm, cho tới khi bị lộ tẩy và thú tội năm 1964 theo một thoả thuận miễn truy cứu hình sự. Ông bị tước tước hầu năm 1979 ngay sau khi Margaret Thatcher công khai tuyên bố ông làm gián điệp cho Nga. Những "tội ác" trước chiến tranh Vào cuối những năm 1930, bốn điệp viên này thực hiện các nhiệm vụ nhỏ là thiết lập sự đáng tin cậy của họ đối với Anh và sự hữu ích đối với Liên bang Xô viết. Ngoài ra, có những người trong KGB muốn họ được thử thách toàn diện vì KGB luôn lo sợ tạo ra những điệp viên hai mang. Blunt đã ngầm chiêu mộ các điệp viên và tăng cường uy tín là một sử gia nghệ thuật đáng kính. Maclean phấn đấu trở thành một viên chức ngoại giao Anh trẻ tuổi, đầy tài năng. Còn Burgess và Philby nỗ lực che đậy lý tưởng chính trị thực sự của họ bằng cách giả vờ thân Đức quốc xã. Tất cả bốn điệp viên này đóng vai là những thanh niên trẻ bất mãn với chủ nghĩa Cộng sản. Sau khi không vào được Bộ Ngoại giao, Philby trở thành phóng viên cho tờ London Times và lần đầu tiên được Liên bang Xô Viết giao nhiệm vụ giúp những người cộng sản và đảng viên xã hội chống phát xít thoát khỏi Áo. Tại đó, ông gặp người vợ đầu tiên - Litzi Friedman, một điệp viên Xô Viết. Sau nhiệm vụ này, ông tới Tây Ban Nha và đưa tin về cuộc nội chiến Tây Ban Nha cho tờ Times, gửi đi những tin tức mà có lợi nhất cho lực lượng phát xít của Tướng Franco. Một lần, chiếc xe đang chở Philby và một số nhà báo khác bị pháo bắn trúng. Hai người thiệt mạng và Philby bị thương nhẹ. Với sự dũng cảm này, Franco đã được trao huân chương, củng cố hơn nữa vỏ bọc chống Cộng. Khi chiến tranh nổ ra năm 1939, Maclean và Philby (lúc đó đang ở Pháp) đã trở lại Anh. Hiệp ước Stalin-Hitler 1939 không ảnh hưởng chút nào tới lòng trung thành của bốn điệp viên với Liên bang Xô viết vì họ đủ thông minh để nhận ra rằng sự hoà hoãn của Stalin với Hilter chỉ là mưu kế tạm thời. Blunt gia nhập MI5 và công việc ở đó cho phép ông ta mở rộng hoạt động vượt quá nhiệm vụ chiêu mộ điệp viên: chuyển các tài liệu bí mật cho KGB. Những năm chiến tranh dv3.jpg Burgess Tuy nhiên, thời kỳ 1940-1945 là lúc bốn điệp viên này gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đầu tiên cho Anh và Mỹ. Hiện vẫn có tranh cãi ai là điệp viên hiệu quả nhất cho KGB trong số bốn người này. Burgess và Blunt đóng góp cho KGB bằng cách chuyển các tài liệu bí mật của Bộ Ngoại giao và MIS - những tài liệu mô tả chiến lược quân sự của quân đồng minh. Donald Maclean, đặc biệt là trong suốt thời gian làm việc ở Đại sứ quán Anh ở Washington (1944-1948), là nguồn thông tin chính của Stalin về các diễn biến chính sách cũng như thông tin giữa Churchill và Roosevelt, sau đó là giữa Churchill và Truman. Mặc dù không chuyển dữ liệu kỹ thuật về bom nguyên tử song Maclean đã báo cáo về diễn biến và tình hình phát triển bom nguyên tử, đặc biệt là lượng uranium mà Mỹ có. Ông là đại diện của Anh trong Hội đồng Mỹ-Anh-Canada về việc chia sẻ các bí mật nguyên tử. Chỉ riêng hiểu biết này đã giúp các nhà khoa học Xô viết có được khả năng dự đoán số bom nguyên tử mà người Mỹ có thể chế tạo. Cùng với Alan May Nunn và Klaus Fuchs, người cung cấp các thông tin khoa học, các báo cáo của Maclean với cấp trên của ông tại KGB đã giúp Liên bang Xô viết không chỉ chế tạo được bom nguyên tử mà còn biết cách ước tính sức mạnh tương đối của kho vũ khí hạt nhân của họ so với Mỹ. Kim Philby đã thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông đã thông tin cho Nga về việc các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Giải mã nổi tiếng của Anh ở Bletchley Park đã phá vỡ mật mã "Enigma’’ của Đức quốc xã. Với công việc tại MI6, ông có thể nhận dạng các điệp viên Anh ở Nga. Ông không chỉ biết họ là ai mà còn là một trong những người chỉ đạo các kỹ thuật làm gián điệp cho nhiều người trong số họ. Chiến tranh lạnh Maclean có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Stalin trong những năm ngay sau chiến tranh. Việc ông tiếp tục giám sát các bức điện bí mật giữa Truman và Churchill đã cho phép Stalin biết Anh và Mỹ đã đề xuất chiếm đóng Đức như thế nào và vạch ra các đường biên giới của các nước Đông Âu. Stalin đã biết trước thông tin này không chỉ ở Hội nghị Yalta mà còn ở Hội nghị Posdam và Hội nghị Tehran. Vào năm 1948, Maclean được chuyển tới làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Cairo. dv4.jpg Blunt Một trong những công việc khó khăn nhất của Philby là làm cho các du kích Balkan thất bại khi họ cố xâm nhập vào phía sau Bức màn sắt. Philby đã giúp lập các kế hoạch xâm nhập, sau đó cảnh báo Liên bang Xô viết để những du kích này có thể nhanh chóng được cử tới Liên bang Xô viết. Trên thực tế, chính ông là người đã đưa hàng chục người trong số họ tới chỗ chết. Hai năm sau, Philby được chuyển tới Washington làm cầu nối giữa MI6 và CIA. Ông cũng có quan hệ ở một mức độ nào đó với FBI. Với vai trò là chuyên gia an ninh của Đại sứ quán Anh, ông tiếp cận được với mọi báo cáo mà FBI chia sẻ với người Anh. Cùng với Maclean, ông giúp Stalin biết rằng Mỹ sẽ không sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên cũng như MacArthur không được phép tiến hành chiến tranh vượt quá sông Yalu. Thông qua các đầu mối CIA và FBI, Philby biết được FBI đã phá vỡ được mật mã Venona của Liên bang Xô viết và sau đó là việc FBI nhận dạng được một điệp viên Nga trong đại sứ quán Anh (Maclean). Do vậy, ông phải cử Burgess tới Anh để cảnh báo Maclean về nguy cơ sắp bị lộ tẩy. Do Burgess đang sống trong nhà của Philby tại Washington nên Burgess phải giúp Maclean chạy trốn mà không tiết lộ chính Philby là người đã cảnh báo. Nếu Burgess cũng đào tẩu, Philby sẽ bị nghi ngờ. Tuy nhiên, Burgess đã chạy sang Nga cùng với Maclean và Philby không bao giờ tha thứ cho Burgess. Burgess, sau khi làm người dẫn chương trình về Quốc hội cho BBC một thời gian nơi ông mở rộng mối quan hệ với các chính trị gia quan trọng, có ích nhất đối với Xô viết với vai trò là thư ký của Thứ trưởng Ngoại giao Anh - Hector McNeil. Với vai trò đó, Burgess có thể chuyển các tài liệu tuyệt mật của Bộ Ngoại giao Anh cho KGB trên cơ sở thường xuyên, lén mang chúng ra ngoài vào buổi đêm để người lấy tin của ông ta chụp ảnh rồi trả tài liệu vào bàn của McNeil vào buổi sáng. Ngoài vai trò là người tuyển dụng các điệp viên cho Xô viết, Blunt hành động như người trung gian đưa thông tin giữa Burgess và Philby với những người kiểm soát KGB. Không nghi ngờ gì nữa, thông tin của Maclean có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp Stalin xây dựng chiến lược Chiến tranh lạnh. Blunt và Burgess cung cấp các bí mật. Tuy nhiên, chính Philby, ’’Điệp viên bậc thầy’’, là người tích cực nhất và gây ấn tượng nhất, căn cứ vào những nguy hiểm mà ông đối mặt. Trong nhiều năm, các điệp viên của Anh ở Xô viết đã cho rằng Nga có một điệp viên trong MI6. Philby luôn tìm cách chặn đứng những cáo buộc của họ, thường đảm trách về các vụ này để ông có thể đẩy lùi mọi nghi ngờ. Điệp viên Volkov bỏ chạy sang Anh sẵn sàng chỉ điểm Philby và chỉ đợi nhận được tiền là tiết lộ thông tin. Philby đã được giao nhiệm vụ tới Trung Đông để gặp Volkov, người đã biến mất một cách bí hiểm. Quả thật nếu không có sự đào tẩu của Burgess, Philby hẳn sẽ không bao giờ bị nghi ngờ, thậm chí còn được thăng tiến hơn nữa trong MI6.