Tình báo vô tuyến điện tử (*) (Kỳ 1) Những bí ẩn của NSA Thứ hai, 11/6/2007, 15:56 GMT+7 Tình báo vô tuyến điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong an ninh chung của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Những vấn đề liên quan đến tình báo vô tuyến điện tử đã được hai tác giả B. Anin và A. Petrovich tập hợp và giới thiệu cùng bạn đọc trong cuốn sách “Tình báo vô tuyến điện tử”. sna.jpg Tòa nhà làm việc NSA với hơn 18.000 chỗ đậu xe NSA (National Security Agency) - Cục An ninh quốc gia Mỹ ra đời vào ngày 4-11-1952, được xem là con quái vật tình báo vô tuyến điện tử khổng lồ của Mỹ. Bên trong “Con quái vật do thám điện tử khổng lồ này” là một guồng máy đầy quyền năng nhưng cũng lắm bí ẩn. Thành viên tổ chức phát xít làm Giám đốc NSA Chức năng lớn nhất của NSA là “tiến hành ở cấp cao nhất các kỹ thuật chuyên biệt và điều phối liên quan đến an ninh quốc gia” như: chặn thu luồng điện tín và tiến hành mã thám các điện mã chặn thu được của tất cả các nước bất kể là bạn bè hay thù địch với Mỹ. Điều này nhằm đảm bảo thông tin liên lạc của tất cả các cơ đơn vị thuộc ngành cơ yếu cũng như đạt hiệu quả tối đa trong việc sử dụng các hệ mã dùng trong tất cả các quân chủng của quân đội và cơ quan nhà nước Mỹ khi cần đến thông tin liên lạc mật. Trong những năm dưới thời Tổng thống Dwright David Eisenhower, lãnh đạo NSA hoàn toàn là các sĩ quan quân đội nhưng dưới thời J. F. Kennedy và sau đó là thời L. Johnson, người ta có xu hướng từ bỏ nguyên tắc này. Để tổ chức công việc hiệu quả cho NSA sau những chấn động mà nó phải hứng chịu đầu thập niên 1960, đòi hỏi phải có những nhà lãnh đạo có nhãn quan cuộc sống rộng lớn, được đào tạo tốt về khoa học. Năm 1963, tiến sĩ Uzhin Furbini được cử làm giám Giám đốc NSA. Thượng viện Mỹ phê chuẩn bổ nhiệm này mà chẳng bàn tán hay gây khó dễ gì. Thực ra, tại phiên họp của Ủy ban Quân lực Thượng viện ngày 27-6-1963, những cuộc chất vấn cặn kẽ về lý lịch hoạt động chính trị của ông ta trước khi di cư sang Mỹ năm 1939 đã phát hiện những tình tiết khiến ông ta nổi bật trong số các giám đốc khác của NSA. Nhà khoa học này thản nhiên báo cáo rằng, ông ta không có liên hệ với cộng sản bởi ông ta là thành viên của một tổ chức phát xít. Điều đó, tất nhiên lại không hề cản trở ông ta làm việc trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ II với tư cách là một chuyên viên tư vấn khoa học của Lục quân và Hải quân Mỹ ở châu Âu. Sau chiến tranh, Furbini vào làm việc tại một phòng thí nghiệm các thiết bị hàng không và tham gia thực hiện những dự án chế tạo các hệ thống điện tử bí mật ở đó. Furbini nổi bật trên cương vị của mình tại NSA nhờ việc lập danh sách những vụ tiết lộ bí mật nhà nước Mỹ trên báo chí, truyền hình. Chiếm vị trí rõ nét trong danh sách này là những phát biểu công khai của Bộ trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, những người là cấp trên trực của Fubini. Những gián điệp đồng tính Đối với Bobby Rey Inman, trên cương vị Giám đốc NSA, thì không có quy chế về vấn đề đồng tính nam. Do NSA hoạt động trong cơ cấu Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi mà từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II đã có lệnh chính thức cấm những người đồng tính nam vào phục vụ. Lệnh cấm này dựa trên điều luật hiện hành ở Mỹ về việc truy tố những người đồng tính nam và dựa trên quan điểm cho rằng, đồng tính luyến ái là một dạng bệnh lý. Đầu thập niên 1960, hai chuyên gia mã thám của NSA đã chạy sang Liên Xô. Nhiều đồng nghiệp phỏng đoán rằng, họ không chỉ là những kẻ phản bội mà còn là những người đồng tính. Tiếp theo là những cuộc bố ráp và hàng chục nhân viên bị nghi ngờ đồng tính nam đã bị Inman sa thải. Năm 1980, một trong những phiên dịch viên, là đồng tính nam, có nguy cơ bị đuổi việc đã cầu cứu sự giúp đỡ của một người nổi tiếng đấu tranh cho quyền của những người đồng tính nam ở Mỹ. Đến cuối thế kỷ XX thì ít ai còn tiếp tục ủng hộ quan điểm cho rằng, phải giam những người đồng tính nam trong các bệnh viện tâm thần. Tuy vậy, lệnh cấm họ phục vụ trong quân đội và các cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia vẫn tiếp tục có hiệu lực vì như một đại diện Lầu Năm Góc tuyên bố năm 1982: Sự hiện diện của những người đồng tính gây khó khăn đáng kể cho việc duy trì kỷ luật, đạo đức và trật tự”. Và đó không chỉ là lời đe dọa suông: giữa năm 1980 và 1990, có gần 17.000 người đã bị sa thải khỏi quân đội Mỹ do hành vi đồng tính luyến ái. Cuộc trắc nghiệm khắt khe “Phòng hành chính” là đơn vị của NSA phụ trách việc tuyển người. Cơ quan này đặc biệt quan tâm đến các kỹ sư, các nhà toán học, các nhà ngôn ngữ học và phiên dịch. Đối tượng có triển vọng làm việc cho NSA được trao một cuốn sách nhỏ giới thiệu về NSA, trong đó chỉ nói NSA là một cơ quan chuyên phát triển các hệ thống bảo vệ thông tin trên các kênh thông tin liên lạc. Tiếp đó các ứng cử viên được NSA thực hiện một loạt trắc nghiệm nhằm phát hiện những khả năng đối với các lĩnh vực mà NSA quan tâm. Người ta cũng kiểm tra xem có thông tin người đó ở tất cả các cơ quan, tổ chức của Mỹ làm nhiệm vụ điều tra hoạt động bất hợp pháp hay không. Những biện pháp kiểm tra này thường kéo dài hơn một năm. Sau khi lọt qua khâu này, nếu được nhận vào NSA anh ta lại phải thực hiện một loạt trắc nghiệm mới để xác định chính xác hơn lĩnh vực hoạt động phù hợp. Loại trắc nghiệm này có thể gồm việc xác định trình tự chọn các con số nhờ tìm ra quy luật hay điền vào chỗ trống được đánh dấu ở dạng số học với câu trả lời đã biết. (*) Sách do Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết với NXB CAND ấn hành. Theo Mạnh Minh Tình báo vô tuyến điện tử (*) (Kỳ 2) Cuộc chiến mã thám giữa Mỹ và Nhật Thứ tư, 13/6/2007, 22:24 GMT+7 Chiến tranh Thế giới thứ 2 không chỉ nổ ra trên mặt trận quân sự giữa phe đồng minh và phát xít mà nó còn là cuộc chiến gay go, khốc liệt trên nhiều mặt trận khác nhau. Trong đó cuộc chiến vô tuyến điện tử giữa các đại gia của thế chiến cũng không kém phần quyết liệt, thậm chí là yếu tố quyết định đến thắng - bại mà cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nhật là một trường hợp tiêu biểu. >> Những bí ẩn của NSA (Kỳ 1) nsa.jpg Một phòng làm việc của NSA Từ “Phòng đen” đến Cục Mã thám Thật ra thì NSA chính là sự hợp nhất của tất cả các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử trước đó của Mỹ. Trong thập niên 1920, công tác mã thám trong quân đội Mỹ được tập trung tại các “Phòng đen” do Herbert Osborne Yarle tổ chức năm 1917. “Phòng đen” hoạt động bí mật chủ yếu ở New York, được Bộ Chiến tranh và Ngoại giao Mỹ cung cấp kinh phí. Trong thời gian tồn tại từ năm 1917-1929, “Phòng đen” đã giải mã hơn 10.000 bức điện mật mã từ luồng điện tín của Argentina, Brazil, Vatican, Đức, Cuba, Liên Xô,… Khi “Phòng đen” chấm dứt tồn tại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định củng cố và tăng cường hoạt động tình báo vô tuyến điện tử nên thành lập Cục Mã thám lục quân. Do căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Nhật, người ta đòi hỏi Cục Mã thám lục quân thu thập nhiều hơn các kênh thông tin. Để đảm bảo an toàn và tiện trích dẫn, nguồn tin này được Cục trưởng Cục Tình báo Hải quân Mỹ đặt mật danh là Magic. Khi Thiếu tướng Joseph Morborne được bổ nhiệm làm tư lệnh binh chủng thông tin liên lạc của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 10-1937, ông lập tức hạ lệnh tăng cường công tác mã thám. Morborne cải tổ Cục Mã thám lục quân thành một cơ quan độc lập, mở rộng phạm vi hoạt động và tăng ngân sách cho nó. Người Nhật cũng không hề coi nhẹ mật mã. Năm 1934, Hải quân Nhật đã mua một loạt máy mã thương mại của Đức. Cũng trong năm đó, họ bắt đầu sử dụng chúng ở Bộ Ngoại giao Nhật. Tại đây, dựa trên máy mã này, người Nhật đã xây dựng hệ mã bí mật riêng cho mình. Ngoài hệ mã này, đất nước mặt trời mọc còn có nhiều hệ mã khác. Bộ Chiến tranh, Bộ Hải quân và Bộ Ngoại giao Nhật đã sử dụng mã lặp để liên lạc và riêng Bộ Ngoại giao Nhật đã có tới bốn hệ mã được sử dụng tùy thuộc độ mật của tin tức cần truyền đi. Sức ảnh hưởng của cuộc chiến mã thám Thời kỳ “Phòng đen” tồn tại, nó đã lập nên một kỳ tích. Năm 1921 trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Washington về giải trừ quân bị, Hoa Kỳ đã cố làm cho Nhật chấp nhận tỷ lệ tương quan tải trọng cho hạm đội Mỹ và Nhật là 10-6. Trong khi đó, người Nhật đến hội nghị này với ý đồ công khai là giành tương quan với tỷ lệ 10-7. Nhưng việc “Phòng đen” giải mã điện tín liên lạc của các nhà ngoại giao Nhật ở Washington với Tokyo đã cung cấp cho Chính phủ Mỹ nhiều thông tin quý báu đem lại lợi thế cho phía Mỹ. Đến Thế chiến thứ 2, quan hệ Mỹ - Nhật ngày càng trở nên căng thẳng. Nửa đêm ngày 7-12-1941, cái tai linh mẫn của một đài vô tuyến điện hải quân Mỹ tên đảo Bainbridge cách không xa thành phố Seattle ở Mỹ đã bắt được tín hiệu. Bức điện này được phát theo kênh liên lạc ngoại giao từ Tokyo đến Washington. Tại Cục Mã thám lục quân, người ta đã dịch từ tiếng Nhật bức điện và câu cuối có nội dung: “Chính phủ Nhật lấy làm tiếc thông báo cho Chính phủ Mỹ là do lập trường nên không thể có bất kỳ cơ hội nào đạt được thỏa thuận bằng việc tiếp tục đàm phán”. Một giờ trước khi các nhân viên cơ yếu còn ngáy ngủ, Sứ quán Nhật giải mã bức điện từ Tokyo mà Mỹ đã chặn thu được, còn máy bay Nhật thì đang gầm rú cất cánh từ các tàu sân bay để tấn công quân Mỹ. Thiếu tá Elwin Cramer, chuyên gia tiếng Nhật, người đứng đầu OP-20GZ, chuyên gửi các bức điện mã thám, đang hộc tốc lao trên các đường phố vắng lặng, với chiếc cặp thông tin tối quan trọng về ý đồ của Nhật, những thông tin ảnh hưởng lớn lao đến Thế chiến thứ 2. Các cơ quan mã thám Mỹ đã đạt đến đỉnh cao cảnh giác và thiện nghệ mà không một cơ quan tình báo nào khác của Mỹ sánh được. Nhưng tại sao lúc đó người ta không ngăn chặn được nỗi nhục Trân Châu Cảng? Vấn đề không phải là người Mỹ không hiểu ý đồ của Nhật mà là sự chậm chạp xử trí của các cơ quan liên quan. Người ta phải mất 3 phút để giải mã, 8 phút để phát điện đi và 20 phút sau mới tới được tay những người nhận. Đội máy bay của Nhật lúc đó chỉ còn cách mục tiêu 60km. Ngay cả các thư ký Tòa Đại sứ Nhật ở Washington cũng không kịp trở tay, vì phải 10g sáng họ mới vào làm việc và phải đến 11g30 họ mới phát hiện ra lệnh trao bức công hàm còn chưa giải mã xong. Lúc đó, sức mạnh không quân Nhật đã kịp biến Trân Châu Cảng thành địa ngục đối với lính Mỹ. Thật ra, trong một bức mã khác mà người Anh chặn thu được có nói rằng: “Các anh phải hoàn thành việc trèo lên núi Natakayama ngày 8-12 theo giờ Tokyo”, tương ứng ngày 7-12 theo giờ châu Âu. Natakayama là ngọn núi cao nhất Nhật Bản và việc leo lên nó được người Nhật coi là tột đỉnh dũng cảm. Đó là hình thức khác để hạ lệnh cho binh đoàn tàu Nhật bắt đầu một chiến dịch quân sự lớn. Nhưng lúc đó Churchill - Thủ tướng Anh khi đó - lại không chia sẻ thông tin với đồng minh Roosevelt của mình. Điều đó nằm trong dụng ý của Churchill bằng mọi giá lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến. Sự sơ suất của các nhân viên mã thám Nhật nhiều khi đã gây ra những hậu quả khôn lường và tất nhiên phía Mỹ được một “món hời” béo bở. Đó là sự kiện ngày 18-4-1943. Họ đã bỏ đi 200 quyển mã khi có cuộc đụng độ giữa tàu ngầm Nhật và tàu chống ngầm Kiwi của New Zealand. Và người Mỹ đã nhanh tay chiếm được các quyển mã. Người Nhật đã phải trả giá đắt cho sự cẩu thả của mình bằng cái chết của vị tướng Tổng Tư lệnh Hạm đội thống nhất, Đô đốc Yamamoto. (Còn nữa) (*) Sách do Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết với NXB CAND ấn hành. Theo Mạnh Minh Tình báo vô tuyến điện tử (*) (Kỳ 3) Thất bại của tình báo điện tử Mỹ Thứ năm, 14/6/2007, 13:28 GMT+7 Mỹ lúc nào cũng tự hào về lĩnh vực tình báo điện tử vì cho rằng công nghệ của mình tiên tiến hơn cả. Nhưng trên thực tế, tình báo Mỹ đã chịu không ít thất bại cay đắng. >> Cuộc chiến mã thám giữa Mỹ và Nhật (Kỳ 2) >> Những bí ẩn của NSA (Kỳ 1) nsa2.jpg Máy bay U-2 của không quân Mỹ Cú bẽ mặt của mã thám Mỹ Một trong những chiến dịch tình báo vô tuyến điện tử quy mô lớn đầu tiên của CIA bắt đầu vào năm 1953. Thời điểm đó, đại bản doanh CIA ở Washington nhận được tin nói rằng, ở Berlin, trên lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Đức, có một trạm điện thoại lớn hoạt động ngầm dưới đất. Điều đó thu hút sự quan tâm của người Mỹ vì Cộng hòa Dân chủ Đức là đầu mối thông tin liên lạc quan trọng thứ hai ở Đông Âu. Và họ có thể tìm kiếm nguồn tin từ Liên Xô nếu đặt hệ thống do thám ở đây. Được sự đồng ý của sếp CIA, các nhân viên ở trung tâm CIA Berlin đã bắt tay vào một việc làm khác thường là đào đường ngầm dưới đất. Đó là cách duy nhất để do thám Mỹ thâm nhập vào trạm điện thoại của Đông Berlin. Công việc được tiến hành bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất và kéo dài gần 4 tháng. Lực lượng do thám Mỹ đã gắn đến 400 máy tăng âm và cũng từng ấy máy nghe lén và ghi âm. Các đường dây được nối với những đường cáp điện thoại ở Đông Đức. Mỹ cũng ngụy trang ngoài đường hầm bằng câu: “Cấm vào, trừ khi được bộ chỉ huy tối cao cho phép!”. Chính quyền Mỹ đã sử dụng đường hầm này để nghe lén các cuộc điện đàm giữa Moscow và Berlin. Các băng ghi âm được gửi đi London để một nhóm người Nga lưu vong dịch ngay lập tức. Các nội dung chặn thu điện báo cần giải mã được gửi đến Nuremberg. Tại đó có một nhóm đặc biệt nữa gồm năm chuyên gia mã thám. Tại Washington, nhân viên CIA sẽ tiến hành phân tích và hệ thống hóa các thông tin thu được và chuyển giao cho các cơ quan trong chính phủ. Nhưng một điều mà Mỹ không ngờ là phía Liên Xô đã biết tỏng tất cả. Sự thực, toàn bộ chiến dịch được đặt tên Gold này đã bị George Blake - một sĩ quan tình báo Anh cộng tác với tình báo Liên Xô báo cáo hết cho phía Liên Xô. Vì thế, trong khi người Mỹ huênh hoang, tưởng kỳ này “ăn cú lớn” thì phía Liên Xô đã có mọi cách để triệt phá. Họ cho tải toàn bộ thông tin giữa Berlin và Moscow vòng qua một đường dây khác. Các thông tin mà Mỹ thu được chỉ đứng vào tầm hạng hai, đáng nghi ngờ. Chẳng hạn, Mỹ đã chặn thu được thông tin nói phía Liên Xô có kế hoạch bắt giữ Tư lệnh Quân quản Tây Berlin của Mỹ, tướng Descher khi ông ta thăm hội chợ Leipzig. Mỹ không hề băn khoăn về tính không tưởng của tin này nên tìm đủ mọi lý do để hủy bỏ chuyến thăm hội chợ của Descher. Sau này, CIA cũng buộc phải thú nhận rằng, chi phí của đường hầm gián điệp cao hơn nhiều giá trị thông tin mà nó thu được. Máy bay do thám U-2 “sụp hầm” Đầu thập niên 1950, các máy bay do thám cũ của Mỹ dần trở nên không thích ứng với tình hình mới. Để khắc phục điều này, đích thân Giám đốc CIA A.Dulles đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch xâm nhập không phận Liên Xô và theo A. Dulles cần phải chế tạo một loại máy bay siêu cao mới để do thám trên không. Kế hoạch chế tạo 30 máy bay siêu cao U-2 có tổng trị giá 35 triệu USD. U-2 có thể bay cao hơn nhiều lần so với các loại máy bay và tên lửa đánh chặn hiện có lúc đó. Ngoài ra, vỏ máy bay được phủ một lớp men đặc biệt làm giảm khả năng bị radar phát hiện. U-2 được trang bị các thiết bị siêu âm để chụp ảnh bề mặt trái đất cũng như để thu và ghi các loại tín hiệu vô tuyến điện và giảm trọng lượng đến mức tối đa. Khi Liên Xô tuyên bố phóng thành công tên lửa đường đạn xuyên lục địa và vệ tinh nhân tạo của Liên Xô được phóng lên quỹ đạo gần trái đất khiến Mỹ càng thêm lo ngại và họ tăng cường một bước nữa hoạt động do thám. Các U-2 được giao cho những nhiệm vụ quan trọng và mạo hiểm hơn. CIA đã áp dụng những biện pháp để mở rộng mạng lưới căn cứ cho U-2. Ngoài các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện thêm các căn cứ ở Wiesbaden (Tây Đức) và gần Yokohama (Nhật Bản). Tuy nhiên, Mỹ tự tin vào sự hiện đại của U-2 hơi quá đà. Ngày 14-7-1957, một tạp chí Đức đưa tin một chiếc U-2 đã bị máy bay tiêm kích của Trung Quốc chặn bắt trên lãnh thổ Trung Quốc. Để đánh lạc hướng chú ý, không quân Mỹ thông báo một máy bay ném bom Mỹ do quân đội Đài Loan sử dụng đã gặp nạn. Ngày 24-9-1959, tại sân bay tàu lượn cách không xa Tokyo, lại có thêm một máy bay U-2 phải hạ cánh bắt buộc. Còn phía Liên Xô, mạng lưới radar của họ đã ghi nhận được đa số các hoạt động do thám của U-2. Và định mệnh cho U-2 đã đến với chuyến bay vào ngày 2-5-1960 do Thượng úy không quân Mỹ Garry Francis Powers lái. Đây là chuyến bay đầy tham vọng của Mỹ, khi nó định thâm nhập vào gần như toàn bộ lãnh thổ Liên Xô. Tuy nhiên, khi bay đến gần Sverdlovsk thì bất ngờ chiếc U-2 của Powers bị trúng đạn của không quân Liên Xô rơi xuống một cánh đồng đang cày. Powers bị bắt sống. Điều đó đã buộc chính quyền Eisenhower, ngày 11-5, phải thừa nhận các chuyến bay do thám của Mỹ trên lãnh thổ Liên Xô đã được tiến hành dưới sự cho phép của ông ta cũng như theo Đạo luật an ninh quốc gia 1947. Ngày 17-8-1960, tại phiên tòa xét xử ở Moscow, Powers đã thú nhận chuyến bay của anh ta hoàn toàn phục vụ mục đích gián điệp. Powers bị tước quyền tự do trong 10 năm, trong đó 3 năm đầu phải ngồi tù. Một năm rưỡi sau Powers được trao trả cho phía Mỹ trong đợt trao đổi tù binh của hai nước. Ngày 2-8-1977, báo chí Mỹ đưa tin Powers đã tử nạn trực thăng gần Los Angeles. (Còn nữa) (*) Sách do Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết với NXB CAND ấn hành. Theo Mạnh Minh