Tội phạm chứng khoán (Kỳ 1) Mafia trong Wall Street! Thứ ba, 27/3/2007, 22:43 GMT+7 Đã có những cảnh báo từ Việt Nam về khả năng tiền tham nhũng và thậm chí tiền tội phạm được “rửa” thông qua hệ thống thị trường chứng khoán. Trong thực tế, điều này từng xảy ra thời gian dài tại thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới Wall Street, nơi tưởng chừng miễn nhiễm với hoạt động tội phạm bởi được bọc bởi hệ thống luật chặt chẽ. cp.jpg Đau đầu vì chứng khoán Ngay thời điểm hiện tại, Wall Street cũng chưa hoàn toàn thoát khỏi sự trà trộn và đột nhập của giới tội phạm. Thế giới của “lưu manh chứng khoán” Công ty SC&T International Inc tại Phoenix (New York) đang ăn nên làm ra nhưng họ vẫn khó khăn trong việc tìm nguồn vốn. Tháng 12-1995, SC&T Inter nhờ Công ty quản lý nguồn vốn Sovereign Equity Management tại Boca Raton (Florida) giúp đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Sovereign lập tức giới thiệu một số nhà đầu tư từ… đảo Bahamas. “Chúng tôi chẳng biết gì nhiều về nhóm đầu tư này” - lời kể của James L. Copeland, giám đốc điều hành SC&T Inter. Thoạt đầu, nhóm đầu tư tỏ ra nhiệt tình khi mua số cổ phiếu trị giá khoảng 1,5 triệu USD. Đột ngột, Sovereign - lúc này kiểm soát hơn 60% thương vụ cổ phiếu của SC&T Inter - trở quẻ tuyên bố ngưng làm nhà trung gian điều phối mua bán cổ phiếu. Thế là cổ phiếu SC&T Inter mất giá không phanh và công ty bỗng chốc thuộc sở hữu Sovereign! Đạo diễn tất cả màn lừa bịp nhằm thu tóm SC&T Inter là Philip Abramo, nhân vật thuộc gia đình tội phạm DeCavalcante tại New Jersey, kẻ được mệnh danh “Vua Wall Street” bởi những phi vụ thao túng cổ phiếu ngoạn mục. Trong quyển sách phát hành gần đây - Born To Steal: When the Mafia Hit Wall Street, tác giả Gary Weiss đã phanh phui chi tiết hơn về hoạt động mafia trong Wall Street. Ngoài ra, cuộc điều tra của chuyên san kinh tế BusinessWeek cũng tiết lộ thêm nhiều điều. Giữa thập niên 1990, mafia đã thiết lập hệ thống mạng tinh vi gồm các tay giao dịch chứng khoán chuyên nghiệp. Có đến bốn nhóm tội phạm chuyên nghiệp, trong đó có mafia Nga, trực tiếp tham gia điều khiển hơn 20 công ty môi giới chứng khoán. Dùng một số tài khoản hải ngoại, chẳng hạn Bahamas, mafia tiến hành loạt chiến dịch thao túng Wall Street cũng như làm thân sơ thất sở nhiều công ty (như trường hợp SC&T Inter kể trên). Không ít công ty, để tránh tình trạng vỡ nợ và phá sản, phải chấp nhận nằm dưới sự giật dây của tội phạm. BusinessWeek cho biết, các nhóm tội phạm đã hốt khoảng 10 tỷ USD/năm khi thao túng Wall Street trong thời kỳ hoàng kim giữa thập niên 1990... Luật của nắm đấm Khoảng 3g chiều 25-9-1996, ba người lạ mặt bất ngờ xuất hiện tại tầng 28 cao ốc số 120 Broadway (Manhattan, New York City). Họ thản nhiên vào văn phòng Sharpe Capital Inc, công ty chuyên môi giới loại cổ phiếu chưa lên sàn (over-the-counter, OTC). Trong bọn, có kẻ đường hoàng giắt súng ở hông. Thế rồi chúng hỏi viên Giám đốc Sharpe Capital, Lawrence Hoes, rằng công ty ông giao dịch gì. Tiếp đó, chúng vỗ bôm bốp vào đầu nạn nhân và nạt to: “Đừng giỡn mặt với cổ phiếu của tụi tao nghe chưa!”. Đó là cổ phiếu của Công ty Crystal Broadcasting Inc. Tất nhiên sau đó Sharpe Capital lập tức ngưng giao dịch cổ phiếu Crystal Broadcasting. Sharpe Capital không là trường hợp duy nhất. First Colonial Ventures Ltd là công ty có vốn đầu tư nhỏ với giao dịch OTC thấp đến mức không cần lập báo cáo cho Ủy ban giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Tuy nhiên, chỉ cần cái vẫy tay từ mafia, cổ phiếu First Colonial lập tức tăng vọt. Tháng 11-1996, cổ phiếu Công ty Mama Tish nhảy múa ngoạn mục trên sàn giao dịch. Giật dây cho màn bơm phồng cổ phiếu Mama Tish là Công ty Landmark International Equities. Đứng sau Landmark là tên tuổi quen thuộc John Angelo Gotti (sinh năm 1964, con của trùm mafia khét tiếng một thời John Gotti - bố già của gia đình tội phạm Gambino, chết năm 2002). Nếu Angelo Gotti là đại diện lớp tội phạm chứng khoán thế hệ trẻ, John ‘’Sonny’’ Franzese là gương mặt điển hình của thế hệ đàn anh, thuộc gia đình Colombo (một trong ngũ đại gia mafia từng tung hoành New York City). BusinessWeek cho biết Franzese bắt đầu “tham gia” thị trường chứng khoán sau khi được tạm thả từ bản án 50 năm tù tội cướp nhà băng vào năm 1994. Năm 1996, cụ Franzese, 77 tuổi, trở thành nhân vật trong bóng tối điều khiển công ty kinh doanh cổ phiếu Monitor Investment Group. Trong lá đơn kiện gửi lên tòa Manhattan, tay cựu môi giới chứng khoán Robert Grant thuật rằng mình từng bị “đánh đập dã man, bị nện đầu vào tường, bị vật nhọn dùi vào cơ thể…” bởi nhân viên Monitor Investment! Tương tự John Angelo Gotti, Louis Pasciuto cũng là lớp trẻ “hậu sinh khả úy” thuộc nhóm đối tượng có “số má” trong hoạt động tội phạm tại Wall Street. Theo tác giả Gary Weiss (trong Born To Steal: When the Mafia Hit Wall Street), khi bắt đầu sự nghiệp trong công ty môi giới chứng khoán Hanover Sterling vào năm 1992, Pasciuto chỉ mới 18 tuổi. Nghề chuyên môn trước đó của đương sự là nhân viên bơm xăng! Trước khi bị FBI bắt vào tháng 10-1999, Pasciuto đã làm việc cho 19 công ty môi giới chứng khoán mà “công ty” cuối cùng chẳng gì hơn là một cái điện thoại cùng một tài khoản trong đó đương sự cất hàng triệu USD móc được từ túi các nhà đầu tư cổ phiếu. Theo viên chức FBI Kevin Barrows, Pasciuto là thiên tài gian lận chứng khoán, là “cơn sóng tội phạm gian lận cổ phiếu gây ra bởi chỉ một người”. Hệ thống chằng chịt của tội phạm chuyên nghiệp trong Wall Street bị vỡ sau loạt điều tra và xử tù nhưng đến nay, Wall Street vẫn tiếp tục đe dọa bởi mánh khóe lừa đảo thậm chí tinh vi hơn và khó phát hiện hơn. Thời niên thiếu, Angelo Gotti đã quen mùi tội phạm khi tham gia giúp bố “việc nhà”. Năm 1999, Angelo Gotti bị xử 6 năm tù tội gian lận thuế. Ra tù, Angelo Gotti tiếp tục ngựa quen đường cũ. Lần này, ngoài tội “lưu manh chứng khoán”, đương sự còn dính dáng vụ bắt cóc Curtis Sliwa, người sáng lập nhóm Guardian Angels (tổ chức quốc tế phi lợi nhuận hoạt động tại nhiều quốc gia chuyên giúp phòng chống tội phạm). Tuy nhiên, tháng 10-2006, công tố viên quyết định tất cả tội danh nhằm vào Angelo Gotti đều chưa đủ chứng cứ. Đương sự được tha nhưng tiến trình điều tra vẫn tiếp tục… Theo Mạnh kim Tội phạm chứng khoán (Kỳ 2) Ngân hàng mà bịp thì chỉ có chết! Thứ tư, 28/3/2007, 14:42 GMT+7 Lừa phỉnh, gian trá, giấu giếm…, Wall Street tiếp tục tạo ra cơn địa chấn trong làng doanh nghiệp Mỹ (gần đây nhất là xì căng đan giao dịch nội gián vào tháng 3-2007). Những sự việc liên tục gần đây không chỉ làm Wall Street mà cả Washington cũng nhức đầu. Vài trường hợp điển hình dưới đây có thể được xem là bài học cho những kẻ tập tễnh mò vào sàn giao dịch đùa với số phận mình và cũng là kinh nghiệm cho giới quản lý cấp nhà nước… >> Mafia trong Wall Street! (Kỳ 1) phowall.jpg Một góc phố Wall, nơi diễn ra các giao dịch tài chính. Ngân hàng cũng bịp! Khi nhấc điện thoại gọi luật sư Jacob H. Zamansky, Debases Kanjilal không nghĩ rằng mình có thể tạo ra trận bão tại Wall Street. Kanjilal nói rằng ông mất 500.000 USD đầu tư trong Công ty Infospace Inc., bởi nhà tư vấn Merrill Lynch & Co. khuyên không nên bán cổ phiếu khi nó đang giao dịch ở giá 60 USD. Cuối cùng, khi bán ra, cổ phiếu chỉ còn 11 USD. Luật sư Zamansky giúp thân chủ Kanjilal kiện Merrill Lynch và quy kết chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán Henry Blodget của Merrill Lynch đã móc ngoặc với Infospace trong việc cố tình tư vấn tầm bậy để cùng chia chác. Vụ kiện khiến Tòa thượng thẩm New York điều tra và sau đó người ta công bố một tin gây sốc: Merrill Lynch cùng nhiều ngân hàng đã thao túng thị trường chứng khoán và lừa gạt các nhà đầu tư (kinh doanh cổ phiếu). Tòa New York đã buộc Merrill Lynch trả 100 triệu USD để giải quyết những cáo buộc như vụ Debases Kanjilal. Vụ Debases Kanjilal chỉ là phát súng khai màn và công ty tư vấn nổi tiếng Merrill Lynch không phải là tay bịp có hạng duy nhất. Nhiều công ty tư vấn lớn khác cũng có dấu hiệu tình nghi, trong đó có Salomon Smith Barney và Morgan Stanley Dean Witter. Quan hệ giữa các đối tác trong Wall Street là quan hệ khá đơn giản, trong đó có công ty (bán cổ phiếu), ngân hàng đầu tư, hãng tư vấn, hãng luật và người kinh doanh cổ phiếu. Tại Wall Street, thông tin là quan trọng nhất. Mọi giao dịch đều tiến hành dựa vào tính chuẩn xác của thông tin. Không ai ngoài ngân hàng nắm rõ tình hình kinh doanh công ty. Các công ty tư vấn mua thông tin và bán lại cho người kinh doanh cổ phiếu. Tóm lại, giao dịch tại Wall Street là giao dịch dựa vào thông tin và chính điểm này đã nảy sinh một quy luật tối cần thiết: sự tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của Wall Street đã trở thành yếu tố khiến tình trạng tiêu cực có cơ hội phát triển: ngân hàng đầu tư phục vụ cùng lúc hai khách hàng: công ty mà họ giúp bán cổ phiếu, phát hành trái phiếu hoặc thậm chí tiến hành thương vụ sáp nhập; và nhà kinh doanh cổ phiếu mà nhiệm vụ của ngân hàng đầu tư là tư vấn để người ta kinh doanh sinh lợi. Và những chuyên gia bán nước bọt Ngoài ra, một thành phần khác cũng chiếm vị trí cao trong thị trường chứng khoán là các chuyên gia phân tích. Với tính chuyên nghiệp hóa được đề cao, Wall Street bắt đầu xuất hiện giới chuyên gia phân tích. Ai cũng cần chuyên gia phân tích. Các công ty thuê chuyên gia phân tích; ngân hàng thuê chuyên gia phân tích; người kinh doanh thuê chuyên gia phân tích; và hãng kiểm toán thuê chuyên gia phân tích. Vài trong số họ là dân phân tích bậc thầy nhưng vài kẻ khác chỉ dừng lại ở trình độ buôn nước bọt và thậm chí là dân xạo chuyên nghiệp. Loạt xì căng đan Wall Street thời gian qua đều có sự “đóng góp” ít nhiều của giới phân tích. Nạn lừa phỉnh trong giới phân tích xảy ra một phần do cơ chế hưởng hoa hồng. Chuyên gia phân tích Henry Blodget của Merrill Lynch (dính vào vụ Debases Kanjilal kể trên) đã tư vấn cho 52 thương vụ giao dịch ngân hàng từ tháng 12-1999 đến tháng 11-2001, đem lại 115 triệu USD cho công ty mình và được hưởng từ 3-12 triệu USD. Với tỷ lệ hưởng hoa hồng cao như vậy, chuyên gia phân tích dễ sẵn sàng làm mọi thứ để giúp công ty đạt doanh thu cao. Wall Street không bao giờ thừa nhận họ trả tiền trực tiếp cho giới chuyên gia phân tích từ những thương vụ làm ăn trực tiếp. “Tiền hoa hồng của họ (chuyên gia phân tích) phụ thuộc lợi nhuận công ty” - phát ngôn viên Susan McCabe của Merrill Lynch nói - “Họ không bao giờ thực hiện bất kỳ thương vụ nào và lén lút nhận chi phiếu”. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích tiếp tục là phần “không thể thiếu” trong những xì căng đan tại Wall Street. Trong vụ WorldCom, kẻ được chú ý là Jack Grubman, chuyên gia phân tích thị trường viễn thông cho Công ty tư vấn Salomon Smith Barney (thuộc tập đoàn ngân hàng Citigroup). Grubman được trả đến 20 triệu USD/năm cho những thương vụ giữa Salomon Smith Barney và các công ty khác trong đó có WorldCom. Một vụ khác cho thấy vai trò nguy hiểm của giới phân tích thị trường như thế nào. Trong vụ Enron, nhiều nhà phân tích tài chính liên tục đánh giá cao công ty này, cho đến sát thời điểm nó sụp đổ. Theo chuyên san tài chính Bloomberg Markets, đến trung tuần tháng 10-2001, vẫn có ít nhất 6 nhà phân tích nổi tiếng ở Wall Street tiếp tục khuyên nên mua cổ phiếu Enron. Chưa đầy hai tháng sau, ngày 2-12-2001, Enron đệ đơn phá sản! Trong khi các công ty (có cổ phần niêm yết trong thị trường chứng khoán) muốn giá cao cho cổ phiếu và tỷ lệ lãi suất thấp cho trái phiếu, nhà đầu tư (kinh doanh cổ phiếu) muốn ngược lại: mua cổ phiếu giá thấp và hưởng tỷ lệ lãi suất trái phiếu cao. Đứng cửa giữa, ngân hàng “ăn” phí hai bên. Với chức năng này, ngân hàng phải đặt tiêu chuẩn trung thực lên hàng đầu. Việc người ta bán tống bán tháo hay cắm đầu cắm cổ vơ vét cổ phiếu, theo lý thuyết, đều phụ thuộc vào tư vấn ngân hàng. Trong vài trường hợp, vai trò ngân hàng còn rộng và bao quát hơn. Từ khi luật ngân hàng thời đại khủng hoảng (thập niên 1930) được bãi bỏ, các ngân hàng khổng lồ như Citigroup hay J.P. Morgan Chase được phép làm mọi thứ, từ trực tiếp bán cổ phiếu, cho vay, đến cả quản lý quỹ lương hưu. Với vị trí và chức năng lớn như vậy, ngân hàng mà bịp thì chỉ có chết! Theo Mạnh Kim Tội phạm chứng khoán (Kỳ 3) Từ tin tặc cổ phiếu đến kỹ thuật thổi phồng Thứ tư, 28/3/2007, 17:54 GMT+7 AP (8-3-2007) cho biết FBI đã phá vỡ đường dây tội phạm gồm 20 tên ở Nga, Latvia, Lithuania và British Virgin Islands, thuộc loại tội phạm mới, là những “cao thủ” trong việc sử dụng công cụ Internet để bịp. Vụ trên không là trường hợp duy nhất… >> Ngân hàng mà bịp thì chỉ có chết! (Kỳ 2) >> Mafia trong Wall Street! (Kỳ 1) Tội phạm trực tuyến Trong vụ đường dây Đông Âu, bọn tội phạm sử dụng kỹ thuật tin tặc để đột nhập vào trương mục công ty giao dịch chứng khoán TD Ameritrade Holding cùng 6 công ty giao dịch khác để từ đó thâm nhập vào kho dữ liệu cổ phiếu của các công ty vốn là khách hàng của 7 công ty giao dịch trên. Nạn nhân đều là các công ty lớn (Charles Schwab Corp, ETrade Financial Corp, Merrill Lynch & Co…) và số tiền thiệt hại lên đến ít nhất 22 triệu USD. ck.jpg Thị trường chứng khoán Pakistan từng bị sốt bởi hiện tượng tăng ảo trong giá trị cổ phiếu Thoạt tiên, bọn tội phạm mua cổ phiếu giá thấp rồi dùng password đánh cắp được để thâm nhập vào trương mục giao dịch trực tuyến của những người môi giới thuộc công ty giao dịch để “thay mặt” họ rao bán cổ phiếu trên mạng. Tiền chênh lệch từ việc mua thấp bán cao cổ phiếu là “lợi nhuận” của tội phạm. Hình thức bịp đang phổ biến như dịch này không chỉ làm thiệt hại uy tín công ty giao dịch, gây lũng đoạn thị trường chứng khoán bởi liên quan giá trị cổ phiếu các công ty nạn nhân mà còn làm tổn thất cho nhà đầu tư (người mua cổ phiếu). Công ty giao dịch TD Ameritrade cho biết họ đã mất 4 triệu USD trong quý III-2006 bởi vụ trên vì bồi thường cho khách hàng (tức các công ty sử dụng họ như nhà môi giới). Trong khi đó, công ty nạn nhân ETrade bị thiệt 18 triệu USD. Trung tuần tháng 3-2007, giới chức trách Mỹ lại loan báo vụ ba người dùng trương mục giao dịch môi giới trực tuyến để lũng đoạn cổ phiếu 14 công ty trong đó có Google và Sun Microsystems. Tại Việt Nam thời gian gần đây, không ít người thường xuyên nhận được e-mail rủ rê mua cổ phiếu. Hiện tượng tương tự thật ra chẳng mới mẻ gì tại phương Tây và hầu hết đều là bịp. Dân Mỹ chẳng lạ gì những e-mail đại loại “Làm thế nào kiếm bộn tiền từ chiếc máy tính ở nhà bạn?”; hoặc “Bạn có thể biến 500 USD thành 5 triệu USD trong một năm như thế nào?”. Không ít kẻ cả tin, nhẹ dạ và mơ trở thành triệu phú sau một đêm đều sập bẫy từ loại e-mail “chết ráng chịu” như thế này. Tháng 8-2006, Jeffrey Stone (Greenwich, bang Connecticut) và cô vợ Janette Diller Stone bị Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) buộc tội lừa bịp khi dùng kỹ thuật gửi thư rác (spam) để nâng giá cổ phiếu mà họ có trong công ty mới thành lập WebSky Inc. Dùng kỹ thuật spam, cặp tội phạm này gửi hàng loạt e-mail tung hê rằng cổ phiếu WebSky chuẩn bị lên giá, rằng WebSky đang ăn nên làm ra. Thế là bà con đổ xô mua cổ phiếu WebSky. Trong nháy mắt, trị giá cổ phiếu WebSky tăng 300%. Đúng lúc ấy, cặp Jeffrey và Janette Diller Stone bán sạch cổ phiếu WebSky (mà họ mua từ tháng 9-2004), hốt được 1 triệu USD! Kỹ thuật thổi phồng Cách thức vợ chồng Jeffrey và Janette Diller Stone sử dụng là một phần trong kỹ thuật thổi phồng mà thuật từ chứng khoán gọi là “Pump and Dump”, nói một cách dễ hiểu là mua rẻ sau đó dùng thủ đoạn nâng giá để bán cao. Thông thường, kỹ thuật thổi phồng nhắm vào các công ty “lôm côm” có giá trị cổ phiếu thấp và giao dịch thông qua hệ thống biểu giá cổ phiếu chưa lên sàn (OTC) hơn là nhắm vào công ty bề thế được niêm yết tại sàn giao dịch khổng lồ như Thị trường chứng khoán New York hoặc NASDAQ. Đơn giản, công ty càng nhỏ, ít tên tuổi, có ít thông tin đối với khách hàng (nhà đầu tư) thì tội phạm càng dễ bịp. Ngoài việc sử dụng e-mail, một trong những cách phổ biến để thổi phồng cổ phiếu là dùng phương tiện truyền thông điện thoại. Tương tự thư rác nặc danh, vẫn có người dễ “động lòng” khi nghe cú điện bùi tai giới thiệu về cổ phiếu triển vọng nào đó của một công ty lạ hoắc nào đó. Cách đây hai năm, Thị trường chứng khoán Pakistan (KSE) từng rúng động bởi vụ thao túng cổ phiếu nghiêm trọng nhất lịch sử tài chính nước này, bằng kỹ thuật thổi phồng. Nhóm cao thủ đứng sau vụ trên đã kiếm được 83 tỷ USD! Ngay ngày đầu năm mới 2005, chỉ số 100 công ty niêm yết tại KSE bất ngờ nóng hầm hập, tăng từ 6.218 điểm vào ngày 1-1 lên 10.300 điểm vào ngày 15-3! Cổ phiếu Oil Gas Development Corp (OGDC) là ngôi sao vụt sáng, đóng góp 60% hiện tượng tăng nhiệt bất thường tại KSE. Dân tình nháo nhào mua cổ phiếu, từ anh bác sĩ đến chị tiểu thương. Thị trường nóng đến mức số cổ phiếu giao dịch vọt lên đến 6,8 tỷ cổ phiếu! Vài tháng sau, quả bong bóng KSE bắt đầu xì. Số cổ phiếu giao dịch chỉ còn 108,520 triệu. Nhóm cao thủ kinh doanh cổ phiếu đã tài tình làm nóng KSE bằng cách tung ra nhiều thông tin, trong đó có vụ nhiều công ty Vùng Vịnh tại Trung Đông lẫn Saudi Arabia chuẩn bị đổ bộ ào ạt vào Pakistan với loạt chiến dịch hợp tác đầu tư. Một số công ty môi giới thậm chí tuyển loạt nhân viên nữ và tung họ ra chiêu dụ khách hàng. Thoạt tiên, các cô em xinh như hoa này liên lạc với giới nội trợ, hẹn gặp trực tiếp rồi thuyết phục họ “chơi cổ phiếu”. Ít kiến thức, ham làm giàu nhanh, nhiều bà nội trợ đã dễ dàng bị dụ. Một tháng sau (tháng 2-2005), việc nhiều nhà đầu tư (chị em giới bình dân) kiếm được hàng ngàn rupee/ngày truyền tai nhau đã khiến cơn sốt cổ phiếu bùng nổ khắp Pakistan. Đến giữa tháng 3-2005, thông tin “nhân tạo” bắt đầu không còn sức duy trì sự giả dối của chúng. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly là thông tin cho biết OGDC gần như không hề làm ăn gì với các ông trùm dầu hỏa Trung Đông. Thế là người ta bán tống bán tháo cổ phiếu OGDC. “Chợ chứng khoán” bắt đầu vỡ, kéo theo cơn lốc vỡ nợ của nhiều nạn nhân. Lúc này, nhóm cao thủ chơi trò thổi phồng lại rút vào bóng tối, hả hê đếm tiền! (Còn nữa) Theo Mạnh Kim